Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc ra quy định về việc hoàn trả của hồi môn
Thách cưới từ lâu đã là một phong tục truyền thống của đất nước tỉ dân. Tuy nhiên giá trị sính lễ ngày càng tăng đã khiến nhiều gia đình thậm chí phải vay nợ để có thể mua đủ quà đính hôn. Do vậy, để khuyến khích hôn nhân, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc mới đây đã công bố các quy định về sính lễ.
Một cặp vợ chồng mới kết hôn chụp ảnh cưới gần Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 02/06/2021. AP - Ng Han Guan
Tại Bắc Kinh, thông tín viên RFI Stéphane Lagarde ghi nhận một số ý kiến người dân qua phóng sự :
Các quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 2 tới, nhưng hiện đã được tranh luận rất nhiều trước văn phòng dân sự ở Bắc Kinh, cũng như ở hầu hết các đô thị khác. Người trẻ và người già dường như khá ủng hộ việc hạn chế, thậm chí là xóa bỏ tục thách cưới.
Bà Trương và bà Chu, hai người bạn và đồng thời cũng là thông gia cho biết : "Đừng nên đặt giá cho cô dâu. Ở thời của tôi, chúng tôi không đòi hỏi quần áo đẹp. Mỗi người chúng tôi cầm theo tiền lương của mình và lập gia đình". "Con gái Bắc Kinh không đòi hỏi gì con trai. Đôi khi, ngay chính bố mẹ cô dâu cũng tặng xe".
Đây cũng là trường hợp của cặp vợ chồng tương lai đang chờ đợi trong chiếc ô tô Đức loại sang, để làm đăng ký kết hôn. Cô Zhang Minglou, 22 tuổi, cho biết : "Bỏ tục lệ này đi sẽ công bằng hơn cho mọi người. Nếu để tổ chức đám cưới mà nhà trai rơi vào nguy cơ phá sản thì đó thực sự là một hủ tục phong kiến".
Trong các quy định mới, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc yêu cầu hoàn trả của hồi môn trong một số trường hợp tranh chấp. Một số gia đình cô dâu, chú rể, đặc biệt là ở các tỉnh nghèo phía Nam đất nước, phải vay nợ để mua quà đính hôn. Nhưng ở Bắc Kinh, bố mẹ cô dâu giàu có không cần tiền sính lễ.
Cô dâu trẻ này, trong trang phục lụa đỏ theo phong tục truyền thống, đã không yêu cầu bất cứ điều gì từ gia đình nhà chồng. Cô nói : "Thực ra cũng chẳng có lý do nào cả, nhưng vì cả hai chúng tôi đều có thu nhập nên chúng tôi không muốn đưa cuộc hôn nhân của mình ra bàn đàm phán rồi lại có nguy cơ rơi vào cảnh bế tắc lâu dài".
Sau khi đưa ra quy định về thời hạn "suy ngẫm" trước khi ly hôn, chính quyền Trung Quốc hy vọng rằng các quy định mới về của hồi môn sẽ giúp tránh được tình trạng ly hôn nhanh chóng ở quốc gia này, nơi mà tỷ lệ sinh lại tiếp tục giảm vào năm ngoái.
Minh Phương