Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

26/01/2024

Bán đảo Triều Tiên bất an : miền Bắc gia tăng hù dọa miền Nam

RFI tổng hợp

Dân Hàn Quốc gần khu phi quân sự lo sợ leo thang căng thẳng với Bắc Triều Tiên

Anh Vũ, RFI, 26/01/2024

Những ngày gần đây, Bắc Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa, đưa ra các lời đe dọa hủy diệt miền nam. Tại Seoul, tổng thống Hàn Quốc cũng có những tuyên bố cứng rắn không kém. Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tăng lên từng ngày, khiến người dân Hàn Quốc sống gần khu vực phi quân sự lo sợ viễn cảnh chiến tranh giữa hai miền lại nổ ra.

bandao1

Dân Hàn Quốc theo dõi qua màn ảnh qua TV tình hình khu vực phi quân sự giữa hai nước Triều Tiên tại Paju, Hàn Quốc. Ảnh chụp ngày 22/11/2023. AP - Lee Jin-man

Thông tín viên RFI tại Seoul Nicolas Rocca ghi nhận qua phóng sự :

Hai tháng nay, cuộc sống hàng ngày của ông Lee Jae-hee bị đảo lộn vì quan hệ liên Triều. Hồi tháng 11, hai miền Triều Tiên chấm dứt thỏa thuận ký năm 2018 về việc hạn chế sự hiện diện quân sự xung quanh khu vực phi quân sự. Từ đó đến nay, người dân này của thành phố Paju cho biết bầu không khí ở đó hết sức nặng nề. Paiju cách biên giới với Bắc Triều Tiên có vài km. Ông cho biết : "Người dân rất sợ hãi. Có nhiều thay đổi trong đời sống hàng ngày của chúng tôi, ở trên trời cũng như dưới mặt đất. Đi vào khu vực biên giới nay trở nên phức tạp hơn, nhất là do hiện diện của các máy bay trinh sát hay trực thăng có thể nhìn thấy bằng mắt thường".

Ông Kim Yong-bin cũng ghi nhận như vậy. Người nông dân này có đất trong khu vực được gọi là CCZ, tức vùng đệm, hạn chế dân thường tiếp cận. Ông cho biết : "Giờ đây, khi chúng tôi thấy các xe quân sự và binh sĩ ra vào vùng của chúng tôi, khó mà tránh được thắc mắc có phải chiến dịch quân sự đang bắt đầu.

Ông Kim sống tại Cheorwon, một huyện biên giới vẫn còn in đậm dấu ấn của cuộc chiến tranh Triều Tiên. Ông nói thêm : "Chúng tôi đã phá mìn ở những bãi mìn, phá mìn trên những vùng đất bỏ hoang để biến thành đất canh tác mới, mà chúng tôi đang trồng trọt trên đó. Đừng quên rằng, nếu chiến tranh tái diễn, chúng tôi phải làm lại từ đầu".

Những cư dân ở biên giới đề nghị hạn chế các cuộc tập trận chung Mỹ- Hàn để chấm dứt leo thang căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên đang ngày càng rời xa nhau. 

Anh Vũ

**************************

Bản chất mối đe dọa Bắc Triều Tiên thay đổi "triệt để" do hợp tác quân sự với Nga

Thu Hằng, RFI, 25/01/2024

Trong thập niên tới, bản chất các mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên có thể sẽ thay đổi "một cách triệt để" do sự hợp tác quân sự "chưa từng có" giữa Bình Nhưỡng và Moskva. Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã không lường đến sự hợp tác mang tính "cơ hội" này và buộc phải điều chỉnh chiến lược đối phó.

bandao2

Ảnh do chính phủ Bắc Triều Tiên cung cấp : Cuộc tập trận của pháo binh tại địa điểm được giữ bí mật ở Bắc Triều Tiên ngày 09/03/2023. © AP - KCNA

Sự hợp tác được tăng cường giữa Bắc Triều Tiên và Nga là "một yếu tố mới" phải đặc biệt chú ý. Tại một diễn đàn do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức ngày 18/01/2024 ở Washington, ông Pranay Vaddi, giám đốc phụ trách kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, thừa nhận "trong những cuộc thảo luận năm ngoái với các đồng minh và đối tác thân cận với Hàn Quốc về sức răn đe mở rộng, chúng tôi đã không căn cứ vào kiểu hợp tác đang diễn ra này. Chúng tôi chỉ dựa vào những tiến bộ quân sự mà Bắc Triều Tiên đạt được".

Đổi tên lửa lấy công nghệ

Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, ông Pranay Vaddi khẳng định là "chủ ý" nhấn mạnh đến "sự hợp tác quân sự chưa từng có", vì Hoa Kỳ và đồng minh "chưa bao giờ thấy điều này xảy ra trước đây". Bình Nhưỡng chuyển vũ khí cho Moskva để quân đội Nga có thể sử dụng "trong cuộc chiến chống Ukraine, chủ yếu là những hệ thống tên lửa để tấn công thường dân Ukraine". Còn theo Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên đã cung cấp cho Nga khoảng 1 triệu đạn pháo để sử dụng trên chiến trường Ukraine.

Trước đó, ông John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, khẳng định tên lửa mà Bình Nhưỡng cung cấp cho Moskva đã được sử dụng trong những đợt tấn công ồ ạt cuối năm 2023 và trong ngày đầu năm 2024 : "Ngày 30/12/2023, một trong số các tên lửa đạn đạo được các lực lượng Nga bắn sang Ukraine là của Bắc Triều Tiên (rơi xuống một cánh đồng ở Zaporijjia). Và ngày 02/01/2024, Nga đã phóng nhiều tên lửa đạn đạo sang Ukraine, trong cả vụ không kích đêm. Những tên lửa này có tầm bắn 900 km".

Miêu tả này phù hợp với tên lửa tầm ngắn KN23 của Bắc Triều Tiên, tương tự như tên lửa Iskander của Nga. Ngay sau đó, ông Mikhailo Podolyak, cố vấn tổng thống Ukraine, xác nhận trên mạng X thông tin của Washington rằng "lần đầu tiên", Nga "tấn công lãnh thổ Ukraine bằng tên lửa do Bắc Triều Tiên cung cấp".

Ngày 22/01, nhật báo Anh The Guardian đăng nhiều hình ảnh được tình báo Anh chụp từ vệ tinh mùa thu 2023 cho thấy ba tầu của Nga - Maia, Angara và Maria - đang nhận những container tại một cảng của Bắc Triều Tiên, được cho là chứa tên lửa và đạn dược. Cả ba tầu này đều bị chính phủ Mỹ trừng phạt năm 2022 do có liên hệ với công ty hàng hải của bộ Quốc Phòng Nga Oboronlogistika. Công ty này bị cáo buộc liên quan đến việc "Nga chiếm đóng bất hợp pháp vùng Crimée từ năm 2014, cũng như liên quan đến nhiều công ty hàng hải tư nhân Nga vận chuyển vũ khí và các trang thiết bị quân sự cho chính phủ Nga". Theo nhật báo Anh, những tài liệu này đã được gửi đến Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để thuyết phục các chuyên gia mở điều tra về việc Bắc Triều Tiên vi phạm trừng phạt quốc tế.

Đổi lại những lô vũ khí này, Bắc Triều Tiên được Nga tư vấn về kỹ thuật phát triển vệ tinh. Ngày 23/11/2023, Bình Nhưỡng đã đưa vệ tinh do thám Malligyon-1 lên quỹ đạo thành công. Seoul cho rằng đằng sau thành công này có bàn tay của Nga. Theo bản tóm tắt của dân biểu Yoo Sang Bum về báo cáo của tình báo Hàn Quốc trước Quốc Hội, "sau cuộc họp thượng đỉnh" giữa tổng thống Putin và lãnh đạo Kim Jong-un vào tháng 09/2023 tại Vladivostok, "Bắc Triều Tiên đã trao cho Moskva kế hoạch và dữ liệu liên quan đến hai lần phóng thử vệ tinh đầu tiên (vào tháng 05 và 08). Phía Nga đã phân tích những dữ liệu đó và thông báo lại cho Bình Nhưỡng". Lãnh đạo Kim Jong-un đã chứng kiến vụ phóng vệ tinh và đích thân nghiên cứu những bức ảnh chụp các căn cứ quân sự chính của Mỹ trên đảo Guam, ở Thái Bình Dương.

Khi đi thăm một nhà máy quốc phòng, được truyền thông Bắc Triều Tiên đưa tin ngày 05/01, ông Kim Jong-un ra lệnh tăng tốc sản xuất vũ khí. Điều này làm dấy lên lo ngại Bình Nhưỡng sẽ giao vũ khí lâu dài cho Nga để được hỗ trợ về công nghệ, theo phát biểu của ông John Kirby : "Đổi lại với việc cung cấp vũ khí, chúng tôi cho rằng Bình Nhưỡng tìm sự hỗ trợ quân sự của Nga, bao gồm cả về chiến đấu cơ, tên lửa địa đối không, xe bọc thép, vật tư thiết bị phục vụ quá trình sản xuất tên lửa đạn đạo, thiết bị chiến tranh và những công nghệ tối tân khác".

Hoàn thiện vũ khí nguyên tử

Moskva và Bình Nhưỡng thể hiện việc thắt chặt hợp tác nhân chuyến công du Nga của ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Choe Son Hui. Ngay sau khi bà về nước, bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên ra thông báo tổng thống Nga Putin đã nhận lời thăm Bình Nhưỡng trong thời gian sớm nhất. Trong suốt thời gian cầm quyền, ông Putin chỉ đến Bắc Triều Tiên một lần, cách đây gần 24 năm, khi ông mới được bầu làm tổng thống Nga năm 2000.

Một số nhà quan sát, được Yonhap trích dẫn, cho rằng nếu Nga chuyển giao vũ khí và công nghệ cho Bắc Triều Tiên, việc này có thể sẽ tác động đáng kể đến không gian an ninh trên bán đảo Triều Tiên và cả ngoài khu vực. Ngoài những tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa hành trình chạy bằng nhiên liệu lỏng hoặc rắn, điều khiến cộng đồng quốc tế lo ngại là chương trình vũ khí hạt nhân, được đưa vào Hiến Pháp vào mùa thu 2023.

Ngày 19/01, Bình Nhưỡng thông báo đã thử một "tầu ngầm không người lái trang bị đầu đạn hạt nhân", mang tên là Haeil (Thủy triều). Theo trang Franceinfo, khó có thể kiểm chứng điều đó bởi vì thông tin do truyền thông Bắc Triều Tiên cung cấp, nhưng điều chắc chắn là từ nhiều năm nay, Bình Nhưỡng khẩn trương phát triển loại vũ khí này. Giới chuyên gia đều nhận định là quốc gia khép kín nhất thế giới có khả năng làm và không ngại đầu tư. Mục tiêu này dần dần trở nên thực tế hơn nhờ quan hệ ngoại giao với Moskva được cải thiện và dường như Nga đã giúp tăng tốc thiết kế drone ngầm này.

Chuyên gia Tilman Ruff, thành viên Hội đồng vật lý quốc tế phòng chống chiến tranh hạt nhân, giải thích với một kênh thông tin Ấn Độ : "Nga là nước duy nhất có loại vũ khí giống với loại đang được phát triển (ở Bắc Triều Tiên). Họ gọi là Poseidon. Đó là một hệ thống sử dụng năng lượng nguyên tử và như vậy có hai mối nguy hiểm, vì vừa có động cơ nguyên tử và một đầu đạn hạt nhân. Dù gì thì Bắc Triều Tiên muốn bắt chước mô hình Nga và với sự hỗ trợ của Nga thì hoàn toàn có thể làm được. Nếu như drone ngầm này hiện chưa sẵn sàng, tôi nghĩ là chỉ cần thêm 1 hoặc 2 năm nữa".

Bán đảo Triều Tiên "bên bờ vực thẳm" ? 

Bắc Triều Tiên không còn coi miền Nam là đồng bào. Hàn Quốc giờ trở thành kẻ thù số 1 của chế độ Bình Nhưỡng. Mỗi lần thử vũ khí thành công, Kim Jong-un lại càng gia tăng đe dọa. Tổng thống Hàn Quốc cũng không chịu lép vế. Ví dụ khi Bắc Triều Tiên bắn 192 quả đạn pháo tới gần đường ranh giới trên biển, Hàn Quốc đáp trả 400 quả.

Đối với ông Yan Moo Jin, chủ tịch Đại học Nghiên cứu Bắc Triều Tiên ở Seoul, khi trả lời thông tín viên RFI Nicolas Rocca, đây là dấu hiệu nguy hiểm : "Cá nhân tôi thấy rằng cách tiếp cận dùng vũ lực chống vũ lực đã biến các cuộc tập trận mang tính phòng thủ thành kiểu hoang dã. Tình hình trên bán đảo Triều Tiên rất nghiêm trọng và nguy hiểm, đến mức mà chúng tôi đang ở bên bờ vực thẳm".

Ông Pranay Vaddi, giám đốc phụ trách kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, thừa nhận "nguy cơ tình hình xấu đi nhanh chóng, biến thành một cuộc xung đột quy ước, thậm chí là xung đột dựa trên vũ khí hủy diệt hàng loạt, là rất cao". Do đó, Hoa Kỳ phải "tập trung" nỗ lực để xác định những việc cần làm nhằm xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ, Hàn Quốc và các đồng minh "phải phối hợp chặt chẽ để bảo đảm có những biện pháp làm giảm nguy cơ, ngăn mọi kiểu khủng hoảng hoặc bất đồng chính trị biến thành một cuộc xung đột".

Thu Hằng

*************************

Nga lên án Mỹ - Nhật - Hàn "chuẩn bị tấn công Bắc Triều Tiên"

Trọng Thành, RFI, 25/01/2024

Hôm qua, 24/01/2024, tại Liên Hiệp Quốc, ngoại trưởng Nga cáo buộc Mỹ và hai đồng minh Đông Bắc Á gia tăng hoạt động "thù địch" nhằm chuẩn bị "tấn công" Bắc Triều Tiên. Ngay lập tức Hàn Quốc khẳng định cáo buộc của Moskva là hệ quả của "các thông tin bịa đặt" mà Bình Nhưỡng "liên tục tung ra" để đánh lạc hướng quốc tế về chương trình tên lửa, hạt nhân của nước này. Phát biểu của ngoại trưởng Nga được đưa ra vào lúc Bình Nhưỡng vừa bắn thử một "tên lửa hành trình chiến lược".

bandao3

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ bắn tên lửa hành trình chiến lược thế hệ mới của Bắc Triều Tiên. Ảnh chụp tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 24/01/2024. AP - Lee Jin-man

Theo Reuters, ngoại trưởng Lavrov khẳng định giọng điệu của Hàn Quốc "đang trở nên thù địch hơn đối với Bình Nhưỡng", thái độ của Nhật Bản cũng tương tự, và Tokyo đang hướng đến hợp tác tới Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) với sự hỗ trợ của Mỹ. Lãnh đạo ngoại giao Nga nói rõ mục tiêu của khối quân sự này là nhằm "chuẩn bị chiến tranh chống lại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên" (tên gọi chính thức của Bắc Triều Tiên). Theo ngoại trưởng Lavrov, Mỹ và hai đồng minh Đông Bắc Á cũng đang hướng đến nhiều hợp tác "về vũ khí hạt nhân".

Đáp lại các tuyên bố của ngoại trưởng Nga, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hàn Quốc Lim Soosuk cho biết lập trường của Moskva phản ánh "những tuyên bố sai lạc và gây hiểu nhầm của Bắc Triều Tiên, đổ lỗi cho thế giới trong khi tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa". Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hàn Quốc tố cáo Bình Nhưỡng liên tục bắn thử tên lửa, và diễn tập bắn đạn thật tại khu vực sát giới tuyến trong những tuần vừa qua, nhưng cũng khẳng định "sẵn sàng đối thoại với Bắc Triều Tiên mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào".

Bình Nhưỡng thử tên lửa, Seoul tập trận "xâm nhập lãnh thổ đối phương"

Về vụ bắn thử Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa hôm qua tại biển Hoàng Hải, Bình Nhưỡng đã lên tiếng xác nhận ít giờ sau thông báo của quân đội Hàn Quốc. Theo hãng tin Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA, loại tên lửa bắn thử là hỏa tiễn hành trình Pulhwasal-3-31, hiện đang trong quá trình hoàn thiện. KCNA nhấn mạnh là vụ bắn thử tên lửa này không có bất cứ tác động nào đến an ninh của các quốc gia láng giềng, cũng như không có bất cứ liên hệ nào với tình hình khu vực. Trái ngược với các tên lửa đạn đạo (vượt khỏi bầu khí quyển), có khả năng mang vũ khí hạt nhân, các vụ thử tên lửa hành trình của Bắc Triều Tiên nằm trong phạm vi bầu khí quyển, nên không phải là "đối tượng trừng phạt" của Liên Hiệp Quốc.

AFP cũng dẫn lại thông tin của lực lượng Thủy quân lục chiến Hàn Quốc, theo đó nước này đang tiến hành loạt tập trận của các lực lượng đặc nhiệm "xâm nhập vào lãnh thổ đối phương nhằm vô hiệu hóa hoàn toàn" các mối đe dọa nghiêm trọng với an ninh quốc gia. Loạt tập trận dự kiến kết thúc hôm nay 25/01.

Kim Jong-un thừa nhận nhu yếu phẩm là "vấn đề chính trị nghiêm trọng"

Về tình hình nội bộ Bắc Triều Tiên, trong một phiên họp của đảng cầm quyền về đời sống trong nước, trong hai ngày 23 và 24/01, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un thừa nhận "sự cách biệt quá lớn và mất cân bằng nghiêm trọng" về mức sống giữa các vùng. Ông Kim Jong-un nhấn mạnh "sự bất lực hiện tại trong việc cung cấp đủ cho dân cư nhiều khu vực các nhu yếu phẩm như thực phẩm, gia vị, và nhiều mặt hàng khác là một vấn đề chính trị nghiêm trọng mà đảng và chính phủ không thể tránh né."

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ, Thu Hằng, Trọng Thành
Read 164 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)