Trung Quốc mở rộng tham vọng "thống lĩnh biển cả" ở Biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan
Thanh Hà, RFI, 01/02/2024
Tờ báo Nhật Bản Yomiuri có lập trường bảo thủ ngày 28/01/2024 trích dẫn tin từ chính quyền Tokyo báo động 4 tàu chiến của Trung Quốc "thường xuyên túc trực" chung quanh Đài Loan, giáp ranh với Vùng Nhận Dạng Phòng Không ADIZ mà Bắc Kinh đơn phương áp đặt ở khu vực Biển Hoa Đông. Theo giới quan sát, Trung Quốc tiếp tục chiến lược hạn chế các hoạt động quân sự chủ yếu là của Hoa Kỳ trong khu vực, tăng tốc kế hoạch cô lập Đài Loan.
Tàu Trung Quốc và Nhật Bản gườm nhau gần khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại Biển Hoa Đông. Ảnh do hãng Kyodo chụp ngày 10/09/2013. Reuters/Kyodo
Căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa hai nền kinh tế lớn nhất tại Châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản đã bùng lên trở lại trong tuần : Bắc Kinh khẳng định tàu đánh cá và tàu tuần duyên của Nhật đã "xâm nhập trái phép" các vùng biển của Trung Quốc quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Ngược lại Tokyo tố cáo tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm hải phận của Nhật Bản.
Báo Yomiuri căn cứ vào hình ảnh vệ tinh cho thấy, từ cuối tháng 12/2023, Trung Quốc đã triển khai 4 tàu chiến ở các khu vực chung quanh Yonaguni, hòn đảo ở phía Tây, xa nhất của Nhật, và thuộc quyền quản lý của thành phố Okinawa. Một chiếc thứ nhì neo đậu giữa đảo Yonaguni với Philippines. Hai chiếc cuối cùng được bố trí ở khu vực phía bắc và tây bắc Đài Loan.
Ngoài ra, nhật báo Yomiuri còn chú ý đến "sự hiện diện gần như thường trực" của Hải Quân Trung Quốc quanh quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là quần đảo Điếu Ngư. Sự hiện diện "liên tục" đó được hiểu như là Trung Quốc "sẵn sàng huy động tàu chiến đến sát biên giới Vùng Nhận Dạng Phòng Không" mà Bắc Kinh đã đơn phương áp đặt trong khu vực Biển Hoa Đông từ 2013.
Điều khiến Tokyo quan ngại hơn cả là cho tới nay, Bắc Kinh luôn tuyên bố sẵn sàng thôn tính Đài Loan kể cả bằng sức mạnh quân sự, đồng thời Trung Quốc khẳng định chủ quyền với quần đảo Senkaku. Có nghĩa là trong trường hợp đó, Senkaku cũng có thể sẽ bị lôi vào vòng xoáy chiến tranh, như một số nhà quan sát Nhật Bản lo ngại. Phải chăng vì lẽ này mà báo mạng chuyên về thông tin quân sự Intelligence on line của Pháp (ngày 13/12/2023) tiết lộ "tình báo quân sự Đài Loan đã ngầm cầu viện các đối tác Nhật Bản hỗ trợ trong công tác giám sát biển" ?
Tham vọng "thống lĩnh biển cả" của Trung Quốc
Theo như phân tích của tờ báo Nhật Yomiuri, Trung Quốc đang áp dụng chính sách "phong tỏa" khu vực từ eo biển Đài Loan ra đến Biển Hoa Đông, ngăn chặn mọi hoạt động quân sự của các quốc gia khác trong vùng biển này. Chủ yếu là họ nhắm tới các hoạt động của Hải Quân Mỹ len lỏi vào chuỗi đảo đầu tiên, trải dài từ quần đảo của Nhật Bản Ryukyu (phía tây Thái Bình Dương với Biển Hoa Đông) đến gần Đài Loan và xích xuống sâu hơn ở phía nam đến gần luôn cả Philippines. Chính vì thế mà nhiều tàu chiến của Trung Quốc hầu như được triển khai dọc theo lằn ranh vùng nhận dạng phòng không ADIZ và quanh Đài Loan.
Việc triển khai các tàu nói trên cho thấy Trung Quốc đang dồn dập gia tăng các hoạt động trên biển. Một chuyên gia về an ninh và quốc phòng thuộc Viện Nghiên Cứu Đài Loan được một tờ báo Singapore (Lianhe Zaobao) trích dẫn khẳng định : Trung Quốc không chỉ muốn chứng minh là một siêu cường trên bộ, mà còn đang có tham vọng trở thành một cường quốc "thống lĩnh biển cả", kiểm soát toàn bộ từ Biển Hoa Đông đến Biển Đông và luôn cả eo biển Đài Loan. Mục tiêu của ông Tập Cận Bình là biến những khu vực đó thành "những vùng chủ quyền tuyệt đối" của Bắc Kinh.
Thêm vào đó là Trung Quốc "từ rất lâu nay đã kiên nhẫn chuẩn bị cho kế hoạch này và giờ đây thì đang mở rộng thêm sức mạnh quân sự ra đến tận Biển Hoa Đông và với luôn cả Nhật Bản". Cho nên, theo chuyên gia Đài Loan được báo Singapore trích dẫn, căng thẳng giữa Trung Quốc với Nhật Bản sẽ còn gia tăng.
Tương tự như vậy, những tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông cũng sẽ thách thức bang giao giữa ông khổng lồ Châu Á này với Philippines. Trong bối cảnh đó, từ 2023, Nhật Bản và Philippines đã đẩy mạnh hợp tác an ninh, đặc biệt là cho phép Manila và Tokyo "điều quân sang lãnh thổ của nhau".
Thanh Hà
***********************
Chiến lược dài hạn của Trung Quốc để thống trị Biển Đông
RFA, 31/01/2024
Trung Quốc có một chiến lược phát triển về hướng Biển Đông từ đầu thế kỉ 20, khi Trung Hoa Quốc Dân Đảng còn cầm quyền. Trung Hoa Dân quốc đã công bố đường lưỡi bò vào năm 1948, sau này Đảng Cộng sản Trung Quốc kế thừa. Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng chiếm giữ một nửa Hoàng Sa từ 1956. Sau đó họ tấn công và chiếm toàn bộ Hoàng Sa năm 1974.
Căn cứ quân sự do Trung Quốc xây dưng trên đá Rubi ở Trường Sa - Reuters
Năm 1988, khi Liên Xô và khối cộng sản bắt đầu sụp đổ, Trung Quốc mở đường xuống quần đảo Trường Sa bằng một cuộc tấn công quân sự đối với Việt Nam ở đá Gạc Ma và một số thực thể khác. Từ đó, Trung Quốc phát triển các căn cứ quân sự ở Trường Sa thành một mạng lưới chiếm ưu thế tuyệt đối trong khu vực.
Ngày nay, Trung Quốc phát triển một mạng lưới các căn cứ quân sự với thiết bị hiện đại ở Hoàng Sa và Trường Sa. Đường lưỡi bò của nước này cũng bao phủ toàn bộ Biển Đông và chiếm gần hết vùng biển của Việt Nam. Trung Quốc cũng dựa trên đường lưỡi bò để ngăn cản các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam.
Phải chăng hướng đi ra biển của Việt Nam đang dần dần bị khép lại ?
Trung Quốc tiến ra biển
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng Trung Quốc đã có một tầm nhìn rộng về phía biển, từ đầu và giữa thế kỷ 20. Tầm nhìn đó được truyền lại qua nhiều thế hệ lãnh đạo của họ.
"Trung Quốc đã có một tầm nhìn rất lớn về biển. Không phải ngẫu nhiên mà từ năm 1958 họ đã tham gia đầy đủ các hội nghị về công ước quốc tế đối với luật biển.
Lúc đó còn tranh cãi rất nhiều về chiều rộng lãnh hải. Một số quốc gia Nam Mỹ đưa ra quan điểm là lãnh hải có 200 hải lý, Hoa Kỳ thì đưa ra quan điểm lãnh hải chỉ có 3 hải lý. Còn Trung Quốc đưa ra quan điểm lãnh hải có chiều rộng 12 hải lý. Sau này Luật biển Quốc tế thừa nhận lãnh hải có 12 hải lý.
Điều này cho thấy tầm nhìn sắc bén của Trung Quốc đối với lãnh hải. Không phải ngẫu nhiên mà họ đưa ra con số 12 hải lý này.
Trung Quốc đã có nhiều chiến lược phát triển biển ngày từ 1982 mà người xây dựng là Đô đốc hải quân khi đó là Lưu Hòa Thanh".
Đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, hoạt động tiến ra biển đầu tiên là nhắm vào Đài Loan. Khi nhắm vào Đài Loan, họ gặp ngay thế mạnh thượng phong của Hải quân Hoa Kỳ, đồng minh của đảo quốc này. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt giải thích với RFA vì sao Trung Quốc coi sự yếu kém về sức mạnh trên biển của họ trước Hoa Kỳ là một vấn đề cần giải quyết.
"Từ thời Mao Trạch Đông, khi xảy ra đụng độ Kim Môn, Mã Tổ năm 1958 thì Mao Trạch Đông đã dặn dò con cháu là tránh đối đầu trực tiếp với Hoa Kỳ, đặc biệt là trên biển.
Chưa kể là sau này, Trung Quốc thường thống trị các quốc gia khác trong lịch sử, nhưng kể từ khi bị phương Tây tấn công từ Trung Quốc trở thành kẻ bị thống trị. Đặc biệt, Trung Quốc bị phương Tây tấn công từ phía biển.
Đó là một nỗi đau, nỗi nhục của người Trung Quốc mà họ muốn rửa nhục.
Trung Quốc cũng thấu hiểu một điều là muốn trở thành cường quốc thì phải phát triển về phía biển. Đó là lý do vì sao Trung Quốc rất thèm muốn độc chiếm Biển Đông để làm cửa ngõ tiến ra ngoài. Họ đặt ra học thuyết chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai".
Vị thế áp đảo trên Biển Đông của Trung Quốc ngày nay
Trao đổi với RFA, ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington DC, cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trên Biển Đông, không chỉ với các nước Đông Nam Á mà còn với cả Hoa Kỳ.
Trong một bài viết năm 2020, ông Greg Poling nói rằng xét về thế trận quân sự trên Biển Đông, nhờ các căn cứ trên đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng, nếu xảy ra một cuộc đụng độ quân sự (giả định) trong khu vực này, Trung Quốc sẽ dễ dàng kiểm soát vùng biển và vùng trời. Theo ông Greg Poling, Hoa Kỳ chưa có được sức mạnh này trên địa bàn. Hoa Kỳ sẽ gặp rất nhiều khó khăn và tốn kém nếu muốn vô hiệu hóa những tiền đồn của Trung Quốc trên Biển Đông, trong giai đoạn đầu của một cuộc xung đột giả định.
Ý kiến trên của ông Greg Poling đã đưa ra cách đây 4 năm. RFA đặt câu hỏi với vị giám đốc Chương trình Đông Nam Á ở CSIS là hiện nay, liệu thế trận quân sự ở Biển Đông đã có thay đổi gì so với bốn năm trước hay chưa. Ngày nay, giả sử xảy ra xung đột quân sự (giả định) trên Biển Đông, Mỹ hay Trung Quốc sẽ là bên chiếm ưu thế trong hiệp đấu đầu tiên ? Ông Greg Poling nói với RFA về tình thế hiện nay rằng có lẽ Mỹ không thể làm gì trong ngắn hạn hoặc trung hạn để thay đổi một thực tế ngày nay rằng Trung Quốc có lợi thế đáng kể về số lượng và khả năng tên lửa, máy bay và tàu mặt nước, cũng như radar và các khả năng cảm biến khác. Nếu xảy ra bất kỳ một xung đột giả định nào trên Biển Đông thì Trung Quốc vẫn chiếm lợi thế áp đảo.
Theo ông Greg Poling, trong trường hợp xảy ra xung đột, các chiến hạm và máy bay của Mỹ sẽ rất khó hoạt động ở Biển Đông. Mỹ sẽ không có đủ đạn dược hoặc hệ thống tiếp vận dự phòng để vô hiệu hóa các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Trường Sa trong giai đoạn đầu của một cuộc xung đột giả định.
Việc phát triển và triển khai các đơn vị Thủy quân lục chiến và Quân đội Hoa Kỳ có khả năng tác chiến bằng tên lửa mặt đất tầm xa hơn, dọc theo chuỗi đảo thứ nhất, theo ông Greg Poling, sẽ giúp giải quyết một phần khoảng cách chênh lệch này. Bởi vì cách làm này có thể tạo ra mối đe dọa đáng kể đối với các tàu mặt nước của Trung Quốc. Nhưng, điều đó vẫn không đủ để cho phép Hoa Kỳ triển khai tàu và máy bay hoạt động ở Biển Đông theo cách quen thuộc. Vị Giám đốc Chương trình Đông Nam Á ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhấn mạnh.
Với sự áp đảo của Trung Quốc trên Biển Đông hiện nay, phải chăng hướng phát triển ra biển của Việt Nam đang gặp một trở ngại rất lớn ? Ở phần tiếp theo, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trao đổi với RFA về tầm quan trọng của việc nắm giữ và phát triển sức mạnh trên biển để bảo vệ không gian sinh tồn của Việt Nam.
Nguồn : RFA, 31/01/2024