Tuần duyên Đài Loan đối đầu với tàu Hải cảnh Trung Quốc tại đảo Kim Môn
Trọng Thành, RFI, 21/02/2024
Căng thẳng tiếp tục tại khu vực xung quanh đảo Kim Môn (Kinmen) do Đài Loan kiểm soát, với việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động tuần tra tại đây, tiếp theo vụ hai ngư dân Trung Quốc tử vong. Hôm qua, 20/02/2024, tuần duyên Đài Loan đã ngăn chặn một tàu Hải cảnh Trung Quốc xâm nhập khu vực sát đảo. Quân đội Đài Loan tuyên bố không can thiệp. Đài Bắc kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc ở Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, ngày 26/12/2023. AP - Andy Wong
Theo Reuters, lực lượng Tuần duyên Đài Loan đã điều một tàu và sử dụng các phương tiện liên lạc vô tuyến để kêu gọi tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 8092 rời khỏi "khu vực cấm xâm nhập" của đảo Kim Môn, mà hai bên vẫn thường xuyên tuân thủ từ năm 1992. Tuần duyên Đài Loan khẳng định sẽ tiếp tục tuần tra xung quanh đảo Kim Môn.
Bên lề cuộc họp Quốc hội Đài Loan hôm qua, 20/02, một quan chức chính phủ Đài Loan lên án hành động khám xét một tàu du lịch Đài Loan của Hải cảnh Trung Quốc hôm thứ Hai 19/02, khiến các du khách Đài Loan "hoảng sợ". Về phần mình, bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan khẳng định quân đội sẽ không can thiệp "để tránh tình hình thêm trầm trọng", có thể dẫn đến chiến tranh, và kêu gọi "giải quyết bất đồng bằng con đường hòa bình".
Trả lời Reuters, một quan chức an ninh kỳ cựu của Đài Loan, xin ẩn danh, nhận định Bắc Kinh không có ý định biến vụ hai ngư dân tử vong vì tàu bị lật trong khi chạy trốn tàu tuần duyên Đài Loan "thành một vụ việc mang ý nghĩa quốc tế", mà chỉ muốn coi đây là cái cớ để gia tăng áp lực với chính quyền của tân tổng thống Đài Loan, Lại Thanh Đức.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết theo "theo dõi sát các hành động của Bắc Kinh" tại khu vực đảo Kim Môn. Trả lời báo giới hôm qua, 20/02, người phát ngôn của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Matthew Miller, "kêu gọi kiềm chế và không đơn phương thay đổi nguyên trạng, để bảo vệ hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan, đã được duy trì từ nhiều thập niên".
Kim Môn từng là "tiền đồn" của Đài Loan
Đảo Kim Môn, rộng hơn 150 km² với khoảng 140.000 dân, chỉ cách Hoa lục khoảng 3 km. Vùng lãnh thổ do Đài Loan kiểm soát, nằm gần Trung Quốc nhất này, từng được coi là tiền đồn quân sự của Đài Loan. Trong những năm 1950, đảo Kim Môn liên tục bị Trung Quốc pháo kích. Vào lúc căng thẳng cao điểm, trên đảo Kim Môn đã từng có 100.000 binh sĩ Đài Loan trú đóng.
Từ nhiều thập niên trở lại đây, đại đa số cư dân đảo muốn duy trì nguyên trạng giữa hai bờ eo biển. Truyền thông Pháp ghi nhận việc không ít người dân Kim Môn mơ ước xây dựng một cây cầu nối liền Kim Môn với thành phố Hạ Môn (Trung Quốc). Tuy nhiên, đảng Dân Tiến của tổng thống Lại Thanh Đức coi đây là một dự án "nguy hiểm", có thể biến hòn đảo trở thành "con ngựa thành Troy" của Bắc Kinh.
Trọng Thành
********************
Đài Loan tố hải cảnh Trung Quốc xông lên kiểm tra tàu Đài Loan gần các đảo tiền tuyến
Reuters, VOA, 20/02/2024
Nhân viên cảnh sát biển Trung Quốc đã xông lên một chiếc tàu du lịch Đài Loan gần các đảo do Đài Loan kiểm soát, gần bờ biển Trung Quốc hôm thứ Hai, chính phủ Đài Bắc cho biết, trong bối cảnh căng thẳng leo thang sau khi Trung Quốc nói họ sẽ tuần tra thường xuyên trong khu vực này.
Trung Quốc tăng cường tuần tra gần Đài Loan. (Ảnh tư liệu)
Trung Quốc hôm Chủ nhật tuyên bố rằng lực lượng bảo vệ bờ biển của họ sẽ tăng cường hoạt động thực thi pháp luật xung quanh quần đảo Kim Môn sau cái chết của hai công dân đại lục chạy trốn lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan khi đi vào vùng biển cấm quá gần Kim Môn, nằm đối diện với các thành phố Hạ Môn và Tuyền Châu của Trung Quốc.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan cho biết trong một tuyên bố rằng vào chiều muộn hôm thứ Hai, sáu sĩ quan hải cảnh Trung Quốc đã xông lên một chiếc tàu du lịch Đài Loan chở 11 thủy thủ và 23 hành khách để kiểm tra tuyến đường của tàu, giấy chứng nhận và giấy phép của thủy thủ đoàn, và họ rời đi khoảng nửa giờ sau đó.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan quan sát thấy hai tàu tuần duyên Trung Quốc tiếp cận tàu du lịch Ðài Loan, và họ đã cử một tàu đến hộ tống tàu du lịch quay trở lại cảng trên đảo chính của Kim Môn.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan cho biết do vùng nước nông nên tàu du lịch Đài Loan "nghiêng về" phía Trung Quốc trong chuyến đi.
Không có bình luận ngay lập tức từ lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan cho biết họ kêu gọi Trung Quốc "duy trì hòa bình và sự hợp lý" ở vùng biển xung quanh Kim Môn, đồng thời kêu gọi người dân nên tránh tiếp cận vùng biển phía Trung Quốc.
Một quan chức cấp cao của Đài Loan giấu tên vì không được phép nói chuyện với giới truyền thông nói với Reuters rằng Tổng thống Thái Anh Văn đã được cập nhật theo thời gian thực về tình hình khi nó xảy ra.
Quan chức này cho biết thêm, lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc kiểm tra tàu Đài Loan từ lâu đã là một kịch bản mà các cơ quan an ninh Đài Loan lo ngại.
Văn phòng tổng thống Đài Loan đã chuyển các câu hỏi tới lực lượng bảo vệ bờ biển.
Chính phủ Trung Quốc hôm thứ Bảy cho biết họ không công nhận vùng cấm hoặc vùng cấm đối với ngư dân Trung Quốc xung quanh Kim Môn.
Đảo Kim Môn và Mã Tổ đã nằm dưới sự kiểm soát của Đài Bắc kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến Trung Quốc năm 1949. Chính quyền Quốc Dân Đảng thất bại chạy sang Đài Loan sau khi bị lực lượng cộng sản của Mao Trạch Đông đánh bại. Lực lượng này sau đó thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Kim Môn là nơi thường xuyên xảy ra giao tranh trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhưng ngày nay là một địa điểm du lịch nổi tiếng, mặc dù nhiều đảo nhỏ thuộc nhóm đảo này được quân đội Đài Loan canh giữ nghiêm ngặt và cấm dân thường tiếp cận.
Nguồn : VOA, 20/02/2024
****************************
Đài Loan nói cảnh sát biển Trung Quốc lên tàu du lịch Đài Bắc gây ‘hoảng loạn’
BBC, 20/02/2024
Việc cảnh sát biển Trung Quốc lên một tàu du lịch của Đài Loan gần các đảo tiền tuyến "nhạy cảm" đã gây "hoảng loạn" cho người dân, theo một bộ trưởng chính phủ Đài Loan hôm 20/2, Reuters đưa tin.
Bà Quản Bích Linh, Chủ tịch Ủy ban Hải dương Đài Loan, phát biểu về hành động của cảnh sát biển Trung Quốc
Tuy nhiên quân đội Đài Loan cho biết họ không có kế hoạch can thiệp.
Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình dù Đài Bắc luôn phủ nhận, vẫn luôn cảnh giác trước những nỗ lực gây áp lực của Bắc Kinh sau khi ông Lại Thanh Đức, người mà Bắc Kinh coi là một nhân vật ly khai nguy hiểm, đắc cử tổng thống tháng trước.
Ông Lại Thanh Đức của Đảng Dân tiến là người có lập trường khiến Bắc Kinh lo ngại
Vào Chủ nhật (18/2), Trung Quốc tuyên bố cảnh sát biển của họ sẽ bắt đầu các cuộc tuần tra thường xuyên và thiết lập hoạt động thực thi pháp luật xung quanh quần đảo Kim Môn do Đài Loan kiểm soát.
Động thái này được tiến hành sau vụ hai công dân Trung Quốc thiệt mạng trong khi chạy trốn cảnh sát biển Đài Loan, sau khi tàu của họ đi vào vùng cấm gần đảo Kim Môn do Đài Loan kiểm soát.
Vào thứ Ba (20/2), sáu sĩ quan cảnh sát biển Trung Quốc đã lên một tàu du lịch của Đài Loan chở 11 thuyền viên cùng 23 hành khách để kiểm tra kế hoạch hành trình, giấy chứng nhận và giấy phép của thủy thủ đoàn và rời đi sau khoảng nửa giờ, theo Cảnh sát biển Đài Loan.
Bà Quản Bích Linh, Chủ tịch Ủy ban Hải dương Đài Loan, phát biểu với các phóng viên bên lề Lập pháp viện ở Đài Bắc vào thứ Ba (20/2) : "Chúng tôi thấy rằng hành động này đã gây tổn thương tâm lý và khiến người dân hoảng loạn. Nó cũng không phù hợp với lợi ích của người dân hai bên eo biển".
Cảnh sát biển Trung Quốc hiện chưa đưa ra bình luận.
Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc cũng không phản hồi ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Bà Quản cho biết việc tàu du lịch Trung Quốc và Đài Loan vô tình đi vào vùng biển của nhau là chuyện thường xảy ra.
"Những chiếc thuyền như thế này hoàn toàn không vi phạm pháp luật", bà nói.
Quần đảo Kim Môn nằm cách các thành phố Hạ Môn và Tuyền Châu của Trung Quốc một quãng đi thuyền ngắn.
Đài Bắc kiểm soát quần đảo này từ năm 1949 khi chính phủ Trung Hoa Dân quốc lưu vong chạy trốn sang Đài Loan khi thua cuộc chiến tranh với quân cộng sản của Mao Trạch Đông.
Kim Môn là nơi đóng quân của một đơn vị đồn trú quân sự lớn của Đài Loan, nhưng cảnh sát biển mới là lực lượng tuần tra vùng biển của hòn đảo này.
Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính nói với các phóng viên tại tòa nhà Lập pháp viện rằng quân đội sẽ không "tích cực can thiệp " vào việc này để tránh leo thang căng thẳng.
"Hãy giải quyết vấn đề một cách hòa bình", ông nói. "Phản ứng của chúng tôi là tránh leo thang căng thẳng".
Từng là nơi xảy ra nhiều cuộc giao tranh trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quần đảo Kim Môn hiện là một điểm du lịch nổi tiếng, dù nhiều đảo nhỏ trong nhóm đảo được quân đội Đài Loan canh giữ nghiêm ngặt và cấm dân thường tiếp cận.
Trung Quốc nói nước này không công nhận bất kỳ vùng hạn chế hay cấm đánh bắt cá nào đối với ngư dân của họ xung quanh quần đảo Kim Môn.
Vật cản chống phương tiện đổ bộ từ thời chiến trên bãi biển ở Kim Môn. Phía xa là thành phố Hạ Môn của Trung Quốc đại lục.
Trong bốn năm qua, đặc biệt sau cuộc bầu cử tháng trước tại Đài Loan, quân đội Trung Quốc thường xuyên điều máy bay chiến đấu cùng tàu chiến đến không phận và hải phận xung quanh Đài Loan nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền.
Tuy nhiên, một quan chức an ninh cấp cao của Đài Loan, người giấu tên do không được phép phát ngôn với truyền thông, nói với Reuters rằng họ [Đài Loan] tin Trung Quốc không muốn biến những gì đang xảy ra xung quanh Kim Môn thành một "sự cố tầm quốc tế".
Vị quan chức này nói rằng Bắc Kinh lợi dụng sự cố gần đảo Kim Môn và cái chết của hai công dân Trung Quốc làm "cái cớ" để tiếp tục gây áp lực lên ông Lại.
Áp lực cũng đến từ việc Đài Loan mất một trong số ít đồng minh ngoại giao còn lại là Nauru về tay Trung Quốc, cũng như những thay đổi về đường bay trên eo biển Đài Loan.
Nhưng Trung Quốc được cho là sẽ tiếp tục gia tăng áp lực lên Đài Loan trước lễ nhậm chức của ông Lại vào tháng 5/2024, vị quan chức này nói thêm.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết các quan chức Hội Chữ thập Đỏ Tuyền Châu, cùng với các thành viên gia đình, đã đến quần đảo Kim Môn vào thứ Ba (20/2) để đưa hai người còn sống sót từ chiếc thuyền bị lật khi cố chạy trốn cảnh sát biển Đài Loan tuần trước về nhà.
Trung Quốc chưa bao giờ loại trừ khả năng sẽ sử dụng vũ lực để giành quyền kiểm soát hòn đảo Đài Loan dân chủ.
Tổng thống đắc cử Lại Thanh Đức và chính quyền Đài Loan bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh và nói rằng chỉ người dân Đài Loan mới có quyền quyết định tương lai của họ.
Nguồn : BBC, 20/02/2024
*****************************
Đài Loan tố cáo Trung Quốc sử dụng chiến thuật "vùng xám" tại đảo Kim Môn
Trọng Thành, RFI, 19/02/2024
Hải cảnh Trung Quốc hôm 18/02/2024 thông báo sẽ tiến hành "tuần tra thường xuyên" quanh nhóm đảo Kim Môn (Kinmen) do Đài Loan kiểm soát, cách bờ biển Trung Quốc khoảng mười cây số. Quyết định được đưa ra sau khi hai ngư dân Trung Quốc tử vong khi tầu bị lật trong lúc chạy trốn tầu tuần duyên Đài Loan tại khu vực này. Chuyên gia an ninh và quốc phòng Đài Loan tố cáo Bắc Kinh sử dụng "chiến thuật vùng xám" để gây áp lực với Đài Bắc.
Rào chắn chống đổ bộ trên bãi biển Kim Môn của Đài Loan, đằng xa là Hạ Môn của Trung Quốc, ngày 18/12/2023. Reuters - Ann Wang
Báo mạng Đài Loan Focus Taiwan dẫn lời nhà nghiên cứu Trầm Minh Thất (Shen Ming-shih), Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng (INDSR), cho hay thỏa thuận ngầm giữa Bắc Kinh và Đài Bắc về các khu vực "cấm xâm nhập" xung quanh các đảo Kim Môn và Mã Tổ (Matsu) "dường như đã bị phá vỡ" sau một số hoạt động xâm nhập của tàu thuyền Trung Quốc. INDSR là trung tâm tư vấn độc lập về quân sự hàng đầu của Đài Loan, nhận tài trợ chủ yếu từ chính phủ và Quốc Hội Đài Loan.
Chuyên gia Viện INDSR lưu ý là các hoạt động nói trên diễn ra đồng thời với việc Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc, hôm thứ Bảy 17/02, cho biết "ngư dân ở cả hai bên eo biển Đài Loan đã hoạt động ở các khu vực đánh cá truyền thống xung quanh hai đảo Hạ Môn - Kim Môn từ thời cổ đại và không có cái gọi là "các vùng biển bị cấm hoặc hạn chế"". Thông báo nói trên của Bắc Kinh là hành động phá vỡ các ranh giới ngầm định mà Đài Loan và Trung Quốc từng tôn trọng trong nhiều thập niên, tiếp theo việc Trung Quốc công khai bác bỏ "đường trung tuyến" giữa hai bờ eo biển.
Chuyên gia Trầm Minh Thất nhấn mạnh là các hành động nói trên của Bắc Kinh có thể là một nỗ lực nhằm hợp thức hóa "chiến thuật vùng xám" hoặc các hành động quân sự trong tương lai. Trả lời Focus Taiwan, ông Du Tông Cơ (Yu Tsung-chi), cựu hiệu trưởng một trường thuộc Đại học Quốc Phòng Đài Loan, đề nghị lực lượng Tuần duyên "công bố hình ảnh tàu cao tốc bị xua đuổi khỏi vùng biển gần đảo Kim Môn để làm bằng chứng cho thấy cơ quan chức năng Đài Loan đã có các ứng xử hợp lý, tuân thủ pháp luật", đồng thời khuyến nghị chính quyền Đài Bắc tìm kiếm các hỗ trợ từ các quốc gia láng giềng, cùng phối hợp lên án "chiến thuật vùng xám" của Trung Quốc.
Trọng Thành