Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

23/02/2024

Biển Đông : Trung Quốc hủy hoại hơn 20.000 hecta rạn san hô

Thu Hằng

Trung Quốc là nước gây ra thiệt hại nặng nề nhất về sinh thái trong nhiều khu vực ở Biển Đông thông qua hoạt động nạo vét và đánh bắt hủy diệt. Trong buổi họp báo tại Manila (Philippines), được trang GMA trích dẫn ngày 22/02/2024, giới chuyên gia cho rằng "nhìn vào quy mô hiện nay, phải mất vài thập niên để các rạn san hô hồi phục" và cách duy nhất là "thuyết phục Trung Quốc ngừng hoạt động phá hủy này".

sanho1

Đảo Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa, Biển Đông với những công trình được Trung Quốc xây dựng cải tạo trên đảo, chụp ngày 20/03/2022. AP - Aaron Favila

Chỉ riêng Trung Quốc đã phá hủy ít nhất 4.500 hecta rạn san hô để nạo vét, bồi đắp, cải tạo các đảo nhân tạo ở vùng biển có tranh chấp. Khoảng 16.300 hecta rạn san hô bị hư hại do ngư dân Trung Quốc đánh bắt trai khổng lồ để lấy ngọc phục vụ nhu cầu ngày càng lớn. Tình trạng đánh bắt cá quá mức cũng là một vấn đề. Do các vụ tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ ở Biển Đông, cho đến nay, chưa có một đánh giá đầy đủ về trữ lượng cá trong khu vực.

Đây là kết quả phân tích từ hình ảnh chụp từ vệ tinh chụp lại 180 khu vực bị chiếm đóng và không có người ở tại Biển Đông và được nêu trong báo cáo "Deep Blue Scars : Environmental Threats to the South China Sea" (Những vết sẹo xanh thẳm : Các mối đe dọa môi trường đối với Biển Đông) được tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) công bố tháng 12/2023.

Theo Monica Sato, một trong ba đồng tác giả báo cáo, một tầu nạo vét Trung Quốc "cắt xuyên qua các rạn san hô và trầm tích thu được sẽ được bơm qua các đường ống nổi, sau đó trầm tích sẽ được để lắng tại nhiều khu vực thông qua các bãi chôn được nhắm trước đó".

Việt Nam đứng thứ hai sau Trung Quốc, phá hủy khoảng 1.500 hecta rạn san hô ở vùng biển tranh chấp. Từ năm 2023, Việt Nam sử dụng các máy nạo vét hút, thay vì các biện pháp nạo vét ít hủy hoại hơn như trước đây. Theo AMTI, "biện pháp này vẫn được tiếp tục vì Việt Nam xây dựng tiền đồn ở Biển Đông".

Ba nước khác có tranh chấp là Philippines, Malaysia và Đài Loan "hầu như không làm trầy xước bề mặt và phá hủy chưa đầy 100 hecta rạn san hô". Dù vậy bà Monica Sato cảnh báo "mọi hoạt động bồi đắp đều gây hại cho môi trường".

Các nhà nghiên cứu của AMTI kêu gọi thành lập một liên minh quốc tế do các nước Đông Nam Á điều phối "để đánh giá tốt hơn và ý thức được quy mô thiệt hại", đồng thời lập một cơ chế chung nghiên cứu khoa học hàng hải và quản lý đánh bắt giữa các nước tranh chấp trong vùng và mời Trung Quốc tham gia.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 23/02/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng
Read 272 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)