Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

24/05/2024

Hù dọa tân Tổng thống Đài Loan, Trung Quốc tập trận quanh hải đảo

BBC - RFA - RFI

Trung Quốc tập trận 'trừng phạt' Đài Loan : Bắc Kinh thù ghét tân Tổng thống Lại Thanh Đức

Rupert Wingfield-Hayes, BBC, 24/05/2024

Vừa tổ chức tập trận quân sự trên bầu trời và vùng biển xung quanh Đài Loan, Trung Quốc vừa tung ra chỉ trích nhằm vào người mà họ cho rằng đã châm ngòi cho cuộc tập trận này : tân Tổng thống Lại Thanh Đức.

taptran1

Máy bay Đài Loan chuẩn bị cất cánh đáp trả cuộc tập trận của Trung Quốc

Từ đài truyền hình nhà nước CCTV rồi các bài xã luận trên Thời báo Hoàn Cầu, cho đến người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, điệp khúc lên án Tổng thống Lại Thanh Đức của Trung Quốc rõ ràng là gay gắt.

Thời báo Hoàn Cầu nói ông Lại "kiêu ngạo" và "liều lĩnh", còn CCTV viết rằng ông "chắc chắn sẽ bị đóng đinh vào chiếc cột ô nhục" và chỉ trích ông về việc "tuyên truyền học thuyết hai quốc gia".

Tờ báo này cũng cảnh báo rằng nếu ông Lại Thanh Đức và Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) của ông "duy trì con đường độc lập cho Đài Loan, cuối cùng họ sẽ sụp đổ và cháy rụi".

Nguyên nhân khiến Tổng thống Lại bị cáo buộc như trên là trong bài trong bài phát biểu nhậm chức hôm 20/5, ông đã dùng từ Trung Quốc (中國) khi mô tả Trung Quốc, Bắc Kinh nói rằng khi làm như vậy ông Lại đã bộc lộ suy nghĩ thực sự của mình rằng Đài Loan không phải là Trung Quốc và họ là hai quốc gia khác nhau. Trong mắt chính quyền Tập Cận Bình, đó là sự thừa nhận hệ tư tưởng "ly khai" của ông.

Đối với người ngoài cuộc, điều này nghe có vẻ vô lý. Nhưng trong nhiều thập niên, Bắc Kinh và Đài Bắc đã gây bối rối khi đưa ra định nghĩa của họ về Trung Quốc, cũng như việc liệu Đài Loan có phải là một phần của Trung Quốc hay không. Ngay cả cựu Tổng thống Thái Anh Văn cũng cẩn thận khi đề cập đến Trung Quốc bằng những thuật ngữ uyển chuyển như "bên kia eo biển" hay "chính quyền Bắc Kinh".

Một số học giả ở Đài Loan sẽ nói với bạn rằng ngôn ngữ như vậy rất quan trọng và ông Lại đã vượt qua ranh giới nguy hiểm. Những người khác cho rằng việc Bắc Kinh không ưa ông đã được định sẵn và bài phát biểu của ông chỉ là lời biện minh cho đợt đe dọa khoa trương mới nhất.

Hầu hết chuyên gia đều đồng ý rằng điều này không thay đổi sự thật cơ bản rằng ông Tập Cận Bình muốn Trung Quốc kiểm soát Đài Loan, còn người dân Đài Loan thì dứt khoát không muốn như vậy.

Nhưng không người nào ở Đài Loan tỏ ra đặc biệt ngạc nhiên. Đối với họ, Đảng cộng sản Trung Quốc (CCP) khá dễ đoán. Khi đảng DPP của ông Lại giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống lần thứ ba liên tiếp vào đầu tháng 1/2024, nhiều người đã tự hỏi Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào và vào thời điểm nào.

Giả định rõ ràng là điều đó sẽ diễn ra sau khi nhiệm kỳ của ông Lại bắt đầu với bài phát biểu nhậm chức tổng thống của ông. Vì vậy, như chúng ta đang thấy, ba ngày sau lễ nhậm chức của Tổng thống Lại Thanh Đức, Bắc Kinh đã đưa ra phản ứng.

Công tác chuẩn bị cho cuộc tập trận này cho thấy đây không phải là phản ứng bột phát tức thời. Không có quân đội nào, kể cả Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), có thể huy động một cuộc tập trận quy mô như vậy chỉ trong vài ngày. Thật khó để nói chính xác điều gì đang diễn ra, nhưng từ những gì Bắc Kinh công khai, có thể thấy các khu vực mà các cuộc tập trận này bao quát có lẽ là lớn nhất mà chúng ta từng thấy, bao gồm phần lớn eo biển Đài Loan, eo biển Ba Sĩ (giữa Đài Loan và Philippines) và những vùng rộng lớn ở Thái Bình Dương dọc theo bờ biển phía đông của Đài Loan.

Một điều cũng đáng chú ý là lần đầu tiên các hòn đảo xa xôi của Đài Loan nằm rải rác gần bờ biển Trung Quốc cũng được đưa vào. PLA đã đánh dấu các khu vực này là bị lực lượng Trung Quốc "bao vây". Trên CCTV, chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Chí cho biết cuộc tập trận thể hiện "khả năng của PLA trong việc giành quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng của Đài Loan".

taptran2

Chuyên gia quân sự Đài Loan Yết Trọng đánh giá cuộc tập trận này giống như mô phỏng một cuộc tấn công toàn diện vào hòn đảo, chỉ thiếu việc binh lính đổ bộ. Ông cho rằng việc đưa tất cả các đảo ngoài khơi của Đài Loan vào khu vực tập trận thể hiện kế hoạch của Trung Quốc nhằm loại bỏ các cơ sở có thể tiến hành một cuộc phản công chống lại PLA. Ông Yết Trọng cũng cho rằng cuộc tập trận kéo dài hai ngày này sẽ không phải là cuộc tập trận cuối cùng mà Đài Loan phải đối mặt trong năm nay – xét từ tên gọi "Liên Kiếm - 2024-A".

Trên đường phố Đài Bắc, phản ứng đối với cuộc tập trận là việc nhún vai tập thể. Nhiều người sẽ nói với bạn rằng họ không lo lắng. Nhưng điều đó không hoàn toàn đúng. Sống cạnh Trung Quốc giống như sống trong vùng động đất. Mối đe dọa luôn ở đó và các cuộc tập trận ngày càng lớn hơn và nguy hiểm hơn, vì vậy bạn cần phải chuẩn bị. Nhưng bạn cũng cần phải tiếp tục cuộc sống của mình.

Bất chấp mối quan hệ căng thẳng giữa đảng DPP cầm quyền của Đài Loan và phe đối lập – hai bên đã tranh cãi tại quốc hội vào tuần trước – thì các cuộc tập trận của Trung Quốc đã gắn kết tất cả họ lại với nhau. Phe đối lập Quốc Dân Đảng, vốn được coi là thân Trung Quốc, đã kêu gọi Bắc Kinh thể hiện sự kiềm chế. Đây không phải là lúc họ muốn bị coi là thân thiện với Bắc Kinh.

Có một điều trớ trêu kỳ lạ ở đây - một điều cho thấy các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc hiểu về Đài Loan và người dân ở đây ít đến mức nào.

Hôm nay, Bắc Kinh tuyên bố rằng các hoạt động quân sự chỉ tập trung vào việc "răn đe và đánh bại các lực lượng độc lập".

Họ nói ông Lại là người tồi tệ nhất trong số những nhà lãnh đạo Đài Loan đã thách thức Bắc Kinh. "Lại Thanh Đức đã vượt qua Lý Đăng Huy, Trần Thủy Biển và Thái Anh Văn trong việc thúc đẩy độc lập cho Đài Loan," một bài bình luận trên CCTV viết. Những cựu tổng thống này, do người dân Đài Loan bầu chọn, đã tạo nên nhóm "những người ly khai" Trung Quốc. Ba trong số họ đến từ đảng DPP.

Mỗi khi Trung Quốc thực hiện hành động đe dọa quân sự, sự ủng hộ dành cho DPP có xu hướng tăng lên, còn sự ủng hộ dành cho Quốc Dân Đảng "thân thiện với Trung Quốc" lại giảm xuống. Một trường hợp gần đây hơn là : các cuộc tập trận quân sự diễn ra nhiều tháng trước cuộc bầu cử vào tháng 1 đã đưa ông Lại lên vị trí đứng đầu.

Nếu mục đích của các cuộc tập trận là khiến người dân Đài Loan sợ hãi quay lưng lại với các đảng và các nhà lãnh đạo thách thức Bắc Kinh thì cho đến nay dường như chúng đang có tác dụng ngược lại.

Rupert Wingfield-Hayes

Nguồn : BBC, 24/05/2024

***************************

Trung Quốc tập trận 'trừng phạt' Đài Loan

BBC, 23/05/2024

Trung Quốc bắt đầu tập trận quân sự trên biển xung quanh Đài Loan, chỉ ba ngày sau khi ông Lại Thanh Đức tuyên thệ nhậm chức tổng thống hòn đảo dân chủ này.

taptran1

Trung Quốc "trừng phạt" Đài Loan bằng cách tập trận xung quanh hòn đảo

Người phát ngôn Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) gọi cuộc tập trận là "sự trừng phạt mạnh mẽ" đối với "các hành động ly khai".

Các cuộc tập trận bắt đầu vào sáng hôm nay 23/5, diễn ra xung quanh hòn đảo chính, tại eo biển Đài Loan cũng như xung quanh đảo Kim Môn, quần đảo Mã Tổ, đảo Ô Khâu và đảo Đông Dẫn.

PLA cho biết họ tập trung vào các cuộc tuần tra chung liên quan đến sẵn sàng chiến đấu trên không, trên biển, các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quan trọng và các hoạt động tích hợp bên trong và bên ngoài đảo để kiểm tra "khả năng hiệp đồng tác chiến" giữa các lực lượng.

Bắc Kinh đã gán mác ông Lại là "kẻ ly khai" và "kẻ gây rối" vì những phát ngôn ủng hộ độc lập cho Đài Loan trước đây. Cơ quan Phòng vệ Đài Loan lên án hành động của Bắc Kinh và cho biết họ đã phái lực lượng để đáp trả.

Văn phòng Tổng thống Đài Loan nói rằng thật "đáng tiếc" khi thấy Trung Quốc "có hành động khiêu khích quân sự đơn phương để đe dọa nền dân chủ và tự do của Đài Loan".

Để trấn an công chúng, văn phòng thông tin thêm rằng các đơn vị quân đội và an ninh của Đài Loan đã "nắm bắt toàn diện tình hình".

"Trước những thách thức và mối đe dọa từ bên ngoài, chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ nền dân chủ và tự tin có khả năng bảo vệ an ninh hòn đảo. Chúng tôi mong mọi người hãy yên tâm", cơ quan này cho biết.

Vào tháng 8/2022, sau chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi, Trung Quốc đã thực hiện chiến dịch "bao vây" đầu tiên, mô phỏng việc phong tỏa đảo chính Đài Loan bằng các cuộc tấn công bằng tàu, máy bay và tên lửa.

Sau chuyến công du của bà Pelosi, Bắc Kinh đã tuyên bố ngừng công nhận "đường trung tuyến", một làn ranh đóng vai trò biên giới không chính thức trong 70 năm giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Đường trung tuyến này nằm ở Eo biển Đài Loan.

Hai năm kể từ đó, các cuộc xâm nhập quân sự của Trung Quốc vào vùng biển và không phận Đài Loan gần như xảy ra hàng tuần.

Năm 2023, Đài Loan đưa ra cảnh báo về số lượng kỷ lục máy bay chiến đấu của Trung Quốc vượt qua đường trung tuyến, Bắc Kinh phản bác rằng làn ranh đó không tồn tại.

Lần này các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang tiến một bước xa hơn, giả lập một cuộc tấn công toàn diện vào Đài Loan.

Họ cũng chỉ ra rằng đây là lần đầu tiên mà các hòn đảo phía xa Đài Loan và gần bờ biển Trung Quốc trở thành mục tiêu.

Các hoạt động quân sự này như lời cảnh báo nhắm đến chính phủ mới của ông Lại Thanh Đức.

Người dân Đài Loan chỉ 'nhún vai' trước tin tập trận

taptran2

Hàng rào chắn chống đổ bộ ở đảo Kim Môn, Đài Loan. Ảnh chụp vào tháng 8/2023

Tâm điểm của vấn đề là tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với  Đài Loan tự trị .

Trung Quốc coi Đài Loan như một tỉnh ly khai và cuối cùng sẽ trở thành một phần của nước này. Bắc Kinh cũng không loại trừ việc sử dụng vũ lực để đạt được điều này.

Nhiều người Đài Loan thì tự coi mình là một quốc gia riêng biệt, mặc dù phần lớn ủng hộ việc duy trì hiện trạng, trong đó Đài Loan không tuyên bố độc lập mà cũng không thống nhất với Trung Quốc.

Trên đường phố Đài Bắc, mọi người chỉ nhún vai trước thông tin về cuộc tập trận này.

Nhiều người sẽ nói rằng họ không lo lắng. Nhưng điều đó cũng không hẳn đúng. Họ cảm thấy bất lực nhiều hơn mà lo lắng thì không giải quyết được vấn đề gì.

Chính phủ và quân đội Đài Loan thì thể hiện nỗi lo rõ rệt, đặc biệt trong bối cảnh những cuộc tập như vậy ngày càng lớn và nguy hiểm hơn trước.

Cuộc tập trận có gì mới ?

Thứ nhất, đây là lần đầu tiên Trung Quốc mô phỏng một cuộc tấn công toàn diện, thay vì phong tỏa kinh tế như họ đã làm vào năm 2022.

Đây cũng là lần đầu mà Bắc Kinh nhắm đến mục tiêu là các đảo xa của Đài Loan. Các đảo này nằm gần bờ biển Trung Quốc.

Còn có thêm hai điều khác biệt nữa mà các nhà phân tích quân sự lưu ý.

Thứ nhất, Bắc Kinh tiến hành tập trận mà không thông báo trước.

Thứ hai, các chuyên gia nhận định rằng số hiệu 2024 A của cuộc diễn tập có thể ngụ ý rằng đây là cuộc tập trận đầu tiên trong chuỗi tập trận tại khu vực này trong năm nay.

PLA không giấu giếm rằng đây là cuộc tập trận bao vây Đài Loan, bạn chỉ cần nhìn vào bản đồ mà PLA đã cung cấp - các khu vực nơi các cuộc tập trận đang diễn ra đều xung quanh Đài Loan.

Thông điệp của PLA ở đây là : "Nếu muốn, chúng tôi có thể phong tỏa hòn đảo. Chúng tôi có thể ngăn chặn nguồn cung cấp và về cơ bản có thể buộc chính phủ Đài Loan phải đầu hàng".

taptran3

Bản đồ cuộc tập trận ngày 23/5 của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA)

Một yếu tố khác đang được thử nghiệm trong cuộc tập trận này là khả năng xâm lược, vì có sự tham gia của tàu đổ bộ và tên lửa.

Cơ quan Phòng vệ Đài Loan đã phản ứng bằng cách nói rằng quân đội của họ đang trong tình trạng cảnh giác cao độ. Họ cũng khẳng định đang "mạnh mẽ thu thập thông tin tình báo" vào thời điểm này.

Một điều đáng lưu ý là nếu PLA đang chuẩn bị xâm lược Đài Loan, và đây chỉ là một cuộc diễn tập, thì Đài Loan có thể thấy họ sẽ thực hiện điều đó như thế nào để hòn đảo dân chủ này chuẩn bị tốt hơn trong tương lai.

Đài Bắc kêu gọi Trung Quốc hãy 'biết suy nghĩ'

Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc đã kêu gọi Trung Quốc hãy "biết suy nghĩ" và "ngưng phá hoại hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan".

"Đài Loan sẽ duy trì lý tưởng dân chủ và sẽ không thay đổi trước áp lực từ các nước láng giềng. Đất nước chúng tôi là thành trì của các hệ thống dân chủ và tự do trên thế giới", văn phòng này tuyên bố trong cuộc họp báo hôm nay 23/5, đồng thời cho biết thêm rằng họ sẽ tăng cường quan hệ với các đối tác có chung lý tưởng.

Văn phòng cũng đăng một bài viết trên mạng xã hội X (trước kia là Twitter) :

"Chúng tôi không tìm kiếm xung đột, nhưng chúng tôi sẽ không né tránh xung đột. Chúng tôi tự tin bảo vệ an ninh quốc gia mình".

Trong cùng ngày, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đăng tải bài viết trên mạng xã hội rằng tân Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức chắc chắn sẽ trở thành "nỗi xấu hổ của lịch sử".

Trước đó, tờ Hoàn Cầu Thời báo gọi ông Lại là một lãnh đạo "khinh suất" và "ngu dốt".

Nguồn : BBC, 23/05/2024

***************************

Trung Quốc tập trận bao vây Đài Loan để "trừng trị" tân tổng thống Lại Thanh Đức

Thu Hằng, RFI, 23/05/2024

Ngày 23/05/2024, ba ngày sau khi Đài Loan có tân tổng thống, Trung Quốc thông báo tập trận bao vây hòn đảo để "trừng trị" ông Lại Thanh Đức và các thế lực "đòi độc lập". Ngay lập tức, bộ Quốc Phòng Đài Loan "lên án mạnh mẽ" cuộc tập trận và cho biết "đã triển khai các lực lượng không quân, hải quân và bộ binh" để đối phó.

taptran4

Truyền hình Đài Loan thông tin về cuộc tập trận của Trung Quốc xung quanh hòn đảo. Ảnh chụp tại một quán cà phê ở Cơ Long (Keelung), Đài Loan, ngày 23/05/2024. Reuters - Ann Wang

Trong thông cáo, ông Thi Nghị (Li Xi), người phát ngôn Chiến Khu Đông Bộ của quân đội Trung Quốc, cho biết cuộc tập trận mang tên "Liên Kiếm-2024A", kéo dài hai ngày 23-24/05, nhằm "trắc nghiệm khả năng phối hợp chiến đấu thực tế giữa các lực lượng". Địa điểm được chọn là "eo biển Đài Loan, phía bắc, phía nam và phía đông đảo Đài Loan, cũng như những khu vực quanh các đảo Kim Môn (Kinmen), Mã Tổ (Matsu), Ô Khâu (Wuqiu) và Đông Dẫn (Dongyin)". Nhiều khu vực chỉ cách đảo Đài Loan khoảng 50 km.

Theo ông Thi Nghị, cuộc tập trận này là "biện pháp trừng trị nghiêm khắc đối với những hành động của lực lượng "đòi độc lập" cho Đài Loan và là lời cảnh cáo cứng rắn cho hành vi can thiệp và khiêu khích của các thế lực nước ngoài". Hải cảnh Trung Quốc cũng thông báo "tập huấn gìn giữ hòa bình" ở gần các đảo Ô Khâu và Đông Dẫn của Đài Loan.

Khi ông Lại Thanh Đức chính thức nhậm chức tổng thống Đài Loan, Bắc Kinh đã đe dọa "trả đũa" và cáo buộc phát biểu của lãnh đạo chính quyền Đài Bắc là "lời thú nhận độc lập cho Đài Loan".

Trong buổi họp báo thường kỳ ngày 23/05, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc yêu cầu Mỹ chấm dứt ủng hộ và cổ vũ các "lực lượng đòi độc lập" cho Đài Loan. Ông Uông Văn Bân cũng khẳng định cuộc tập trận quanh Đài Loan là "hoạt động cần thiết và hợp pháp". 

Trả lời Đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV, giáo sư Trương Thỉ (Zhang Chi), Đại học Quốc Phòng Bắc Kinh, nhận định cuộc tập trận nhằm mục đích "phong tỏa kinh tế đối với hòn đảo" bằng cách "bóp nghẹt" cảng Cao Hùng có ý nghĩa chiến lược đối với Đài Loan, "cắt đường nhập khẩu năng lượng quan trọng cho Đài Loan" và "cản trở viện trợ mà một số nước đồng minh của Hoa Kỳ cung cấp cho lực lượng ly khai Đài Loan".

Đài Loan lên án "hành vi gây hấn phi lý của Trung Quốc"

Tổng thống Lại Thanh Đức khẳng định "Đài Loan sẽ bảo vệ những giá trị tự do và dân chủ". Còn bộ Quốc Phòng Đài Loan khẳng định không muốn xảy ra xung đột, nhưng "không do dự đối đầu", đồng thời "lên án mạnh mẽ hành vi gây hấn phi lý của Trung Quốc làm tổn hại cho hòa bình và ổn định trong vùng". Bốn chiến đấu cơ được điều từ căn cứ Tân Trúc (Hsinchu) cách Đài Bắc khoảng 60 km để theo dõi. Lực lượng tuần duyên Đài Loan cũng triển khai đội tàu, đồng thời liên tục phát loa yêu cầu tầu Trung Quốc rời khỏi khu vực.

Phản ứng về cuộc tập trận của Trung Quốc, bộ Ngoại Giao Hàn Quốc cho rằng "hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan cần được bảo đảm". Úc thì quan ngại là cuộc tập trận quy mô lớn của Trung Quốc "có nguy cơ gây tai nạn hoặc làm leo thang căng thẳng".

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Rupert Wingfield-Hayes, RFA tiếng Việt, Thu Hằng, RFI tiếng Việt
Read 554 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)