Trung Quốc và Philippines có cuộc họp đầu tiên sau sự cố Bãi Cỏ Mây
Minh Anh, RFI, 02/07/2024
Hôm nay, 02/07/2024, một phái đoàn ngoại giao Trung Quốc đến Manila tham dự cuộc họp "Cơ chế Tham vấn Song phương – BCM" về Biển Đông với các đồng cấp Philippines. Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo xác nhận thông tin.
Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo (thứ hai từ trái qua) trong cuộc gặp với đồng nhiệm Trung Quốc Tần Cương, tại khách sạn Diamond, ngày 22/04/2023. AP - Gerard Carreon
Trả lời phỏng vấn báo chí, ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo "hy vọng điều tốt đẹp nhất" trong cuộc họp này. Philippines và Trung Quốc đều nhìn nhận là mối quan hệ song phương hiện nay "không ổn định" và đang ở "ngã ba đường" theo như mô tả của ngoại trưởng Philippines và người đồng cấp Trung Quốc trong một cuộc trao đổi gần đây.
Trước ủy ban Thượng Viện Philippines, ngoại trưởng Manalo từng tuyên bố, chính phủ của tổng thống Marcos đã có những nỗ lực ngoại giao tìm cách mời Trung Quốc trở lại bàn đàm phán.
Trang Rappler của Philippines nhắc lại, "Cơ chế Tham vấn Song phương BCM" được thành lập năm 2016 giữa cựu tổng thống Rodrigo Duterte và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cuộc họp gần đây nhất giữa hai nước là hồi tháng Giêng năm 2024, tại Thượng Hải. Trong cuộc họp này, hai bên đồng ý cải thiện liên lạc "giữa bộ Ngoại Giao và lực lượng tuần duyên giữa hai nước".
Cuộc họp lần này diễn ra vài tuần sau vụ hải cảnh Trung Quốc bị tố cáo có những hành động "hung hăng và bất hợp pháp" ngăn chặn lực lượng Philippines đến tiếp tế cho các binh sĩ đồn trú trên tầu mắc cạn BRP Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây.
Trong khi đó, hải cảnh Trung Quốc tố cáo Philippines hôm qua điều ba tàu tiếp tế cho một tàu tuần duyên Philippines (9701) mắc cạn "trái phép" trên một rạn san hô ở Biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố có chủ quyền, là "vi phạm" chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, "làm suy yếu" nền hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Đến thăm Manila hôm nay, ngoại trưởng Tòa Thánh Vatican, Đức Tổng giám mục Paul Richard Gallagher kêu gọi một giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột, kể cả căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc do những vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Minh Anh
***************************
Philippines sẵn sàng thảo luận với Việt Nam về vấn đề Biển Đông
Reuters, VOA, 02/07/2024
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết quốc gia này hoan nghênh việc Việt Nam công nhận đơn đệ trình của Manila lên Liên Hiệp Quốc nhằm bảo đảm quyền của nước này đối với thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông, đồng thời cho biết họ sẵn sàng đàm phán với Hà Nội để giải quyết mọi vấn đề, Reuters đưa tin.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền khu vực đường chín đoạn trên Biển Đông : "đường 10 đoạn" xung quanh Biển Đông và đảo Đài Loan.
Bộ Ngoại giao Philippines nói trong một tuyên bố hôm 1/7 : "Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Việt Nam theo những cách khả thi để giúp đạt được giải pháp cùng có lợi cho các vấn đề ở Biển Đông".
Hồi tháng trước, Philippines đệ đơn xác định ranh giới ngoài thềm lục địa của họ ở Biển Đông lên Liên Hiệp Quốc khi nước này đề nghị được công nhận về các quyền lợi của họ bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý ở Biển Đông.
Công ước Luật Biển Quốc tế của Liên Hiệp Quốc cho phép các quốc gia ven biển xác lập thềm lục địa bao phủ đáy biển và lòng đất dưới vùng đặc quyền kinh tế của mình, nhưng không vượt quá 350 hải lý tính từ lãnh thổ của mình.
Việt Nam nói đất nước này "sẵn sàng đàm phán" với Manila vì Việt Nam tìm kiếm các biện pháp phù hợp với lợi ích của cả hai nước.
Hồi tháng trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói họ phản đối đệ trình "đơn phương" của Philippines vì cho rằng đơn đăng ký đó vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc.
Việt Nam và Philippines có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên tuyến đường thủy trong vòng tranh chấp, nơi Trung Quốc, Brunei và Malaysia cũng có các tuyên bố như vậy.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền về gần như toàn bộ Biển Đông, nơi có lượng vận tải hàng hải trị giá hơn 3 nghìn tỷ USD đi qua hàng năm.
Năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye phán quyết rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, Bắc Kinh bác bỏ phán quyết đó.
Nguồn : VOA, 02/07/2024