Quân đội Việt Nam trong lễ chào đón Thủ tướng Nhật, Shinzo Abe tại Hà Nội vào ngày 16 tháng 1 năm 2017. AFP photo
Mặc dù luôn ngăn cản, dòm ngó nền quốc phòng của Việt Nam nhưng Bắc Kinh vẫn không ngăn cản được việc Ấn Độ bán hỏa tiễn tầm trung cũng như việc Nhật Bản viện trợ tàu tuần duyên cho cảnh sát biển Việt Nam.
Mặc Lâm phỏng vấn Thiếu tướng chuẩn đề đốc hải quân, Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Kế Lâm, giám đốc Học viện Hải Quân Nhân dân Việt Nam để tìm hiểu thêm ý kiến một chuyên gia về vấn đề này.
Mặc Lâm : Thưa Thiếu tướng qua việc Nhật Bản vừa quyết định cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần duyên để tăng thêm sức mạnh cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam ông có nhận định gì về việc này đặc biệt trong bối cảnh khá phức tạp hiện nay giữa các tranh chấp mà Việt Nam phải đối đầu ?
Lê Kế Lâm : Khi Thủ tướng Shinzo Abe thăm Việt Nam trong chuyến thăm 4 nước thì đã tiếp tục ý muốn của hai nước là Nhật viện trợ cho Việt Nam một số tàu tuần duyên cho cảnh sát biển. Nhật giúp cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam tăng thêm năng lực để bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải trên biển. Còn nói về đã đủ hay chưa thì tất nhiên đối với một vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế như của Việt Nam theo luật biển quốc tế năm 1982 thì tôi nghĩ rằng chưa đủ mà cần phải nỗ lực của bản thân người Việt Nam cũng như sự giúp đỡ của bạn bè thế giới. Tôi cũng nghĩ rằng Mỹ sẽ chắc chắn đóng góp một phần để tăng cường lực lượng tuần duyên của Việt Nam.
Mặc Lâm : Sau khi bị Nga không đồng ý cho Ấn Độ bán hỏa tiễn BrahMos thì Việt Nam đã thuyết phục được Ấn Độ bán và chuyển giao công nghệ hỏa tiễn tầm trung đất đối không Akask. Tuy nhiên một lần nữa Trung Quốc lại lên tiếng chỉ trích việc mua bán này. Là một chuyên gia quân sự Thiếu tướng nghĩ sao về phản ứng này của Trung Quốc ?
Lê Kế Lâm : Anh cũng biết rằng Việt Nam hiện nay quan hệ đã đa phương hóa đa dạng hóa. Đã và sẽ làm bạn với tất cả các nước trên thế giới trong đó có nước từng thù địch với nhau như Mỹ nhưng bây giờ đã thành bạn thân thiết còn Ấn Độ thì từ xưa tới nay đã là bạn của Việt Nam. Họ giúp Việt Nam một số vũ khí trong đó có tên lửa để tăng cường cho lực lượng hải quân bảo vệ biển đảo... Tôi nghĩ đó là những lẽ tự nhiên thôi còn một nước nào đó phản đối thì cái đó là do tư duy muốn dành độc quyền của họ. Trong thời đại thế giới hội nhập sâu rộng và đa phương hóa đa dạng hóa thì tôi nghĩ rằng Ấn Độ giúp Việt Nam hay bán các trang bị vũ khí là chuyện đúng đắn và cần thiết không có gì phải bàn luận hay phản đối trong việc này cả.
Sức mạnh không chỉ từ vũ khí
Đoàn tàu bảo vệ bờ biển của Nhật Bản trong một lần tập trận ở Tokyo Bay. AFP photo
Mặc Lâm : Giới quan sát quốc tế đều cho rằng dù thế nào thì Việt Nam cũng không thể lấy sức mạnh quân sự để tự bảo vệ mình một cách hiệu quả. Theo ông, để bù vào sự thiếu sót đó Việt Nam cần phải trang bị cho mình những gì ngoài vũ khí ?
Lê Kế Lâm : Sức mạnh của một quốc gia có lẽ không đơn thuần chỉ có vũ khí mà sức mạnh một quốc gia là sức mạnh tổng hợp của rất nhiều yếu tố cộng lại trong đó có trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật, rồi tất cả những yếu tố mà khoa học kỹ thuật ứng dụng vào trong lực lượng vũ trang trong quân đội mà đặc biệt là hải quân thì hết sức cần thiết. Cho nên tôi nghĩ bất kỳ một nước nào mà có thiện chí giúp cho hải quân Việt Nam phát triển cả phương tiện vũ khí và kỹ thuật, cả về đào tạo huấn luyện cho sĩ quan hay nhân viên kỹ thuật. Trên tinh thần giúp đỡ lẫn nhau, hai bên cùng có lợi và tôn trọng luật pháp quốc tế, tập quán chung của thế giới…những điều này theo bản thân thì tôi hoan nghênh.
Còn Việt Nam nói yếu thì đúng là yếu nhưng không phải yếu lắm đâu, không phải ai cũng bắt nạt được đâu vì Việt Nam có rất nhiều bạn bè và những người bạn đó tôi nghĩ rằng họ có thiện chí để giúp Việt Nam phát triển và xứng đáng là một đất nước có vị trí quan trọng trong vùng Biển Đông.
Mặc Lâm : Thưa Thiếu tướng ngày mai 19 tháng 1 là ngày kỷ niệm biến cố mất Hoàng Sa vào tay Trung Quốc năm 1974 khi quân lực Việt Nam Cộng Hòa còn trách nhiệm với hòn đảo này. Là một tướng lĩnh Hải quân Nhân dân Việt Nam ông rút ra được kinh nghiệm gì về sự chiến đấu và mất mát này ?
Lê Kế Lâm : Tháng Giêng năm 1974 Trung Quốc gây nên một sự cố với quân đội Việt nam Cộng Hòa để rồi gây ra cuộc chiến và chiếm trọn phía Tây Hoàng Sa của Việt Nam thì tôi nghĩ đấy là một điều rất xấu trong quan hệ giữa hai nước. Nói về kinh nghiệm thì trong một cuộc phỏng vấn như thế này không thể nói hết được nhưng đầu tiên là phải cảnh giác và luôn luôn không thể tin tưởng tuyệt đối vào một ai được. Đối với đất nước chúng ta đối với dân tộc chúng ta muốn bảo vệ được đất nước, lãnh thổ, quốc gia, nhân dân thì trước hết là phải hết sức cảnh giác đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai là phải có thực lực. Điều thứ ba là quân đội phải dũng cảm, phải có tinh thần chiến đấu. Điều thứ tư là phải tranh thủ được sự đồng tình của bạn bè trên thế giới.
Tôi thấy rằng đấy là những bài học năm 1974 mà chúng ta phải thấy. Làm thế nào tránh đi để từ nay về sau không còn xảy ra những việc như thế nữa.
Những người Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ từng tấc đất, từng sải biển, từng thước đảo của Việt Nam thì tôi tôn trọng, tôn vinh những người đó. Tôi nghiêng mình kính cẩn trước những người đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước Việt Nam.
Mặc Lâm : Xin cám ơn ông.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Nguồn : RFA tiếng Việt, 17/01/2017