Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

22/09/2017

Viễn cảnh đầu từ phương Tây ồ ạt đổ vào Miến Điện càng xa rời

RFI tiếng Việt

Khủng hoảng Rohingya cản trở đầu tư phương Tây vào Miến Điện (RFI, 22/09/2017)

Cuộc khủng hoảng Rohingya ngày càng trầm trọng thì viễn cảnh đầu từ phương Tây ồ ạt đổ vào Miến Điện càng xa rời, theo ghi nhận của hãng tin Reuters hôm nay, 22/07/2017.

myanmar1

Cố vấn Nhà nước Miến Điện Aung San Suu Kyi phát biểu về cuộc khủng hoảng tại Rakhine, Naypyitaw, 19/09/2017. Reuters/Soe Zeya Tun

Hiện giờ đầu tư và trao đổi mậu dịch với phương Tây ở Miến Điện còn rất ít. Với việc quốc tế dỡ bỏ hầu hết các biện pháp trừng phạt chế độ quân sự trước đây, chính phủ dân sự Miến Điện hiện nay, dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi, giải Nobel Hòa bình, đã hy vọng rằng đầu tư của phương Tây sẽ ồ ạt đổ vào nước này. Nguồn đầu tư đó cũng sẽ giúp cân bằng lại ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Miến Điện.

Miến Điện quả là một nơi đầu tư hấp dẫn vì nước này có nguồn dầu khí rất dồi dào, chưa kể những tài nguyên khác như gỗ, hồng ngọc và ngọc bích. Dân số của Miến Điện còn trẻ và giá nhân công còn thấp, rất thuận lợi cho đầu tư vào ngành sản xuất và bán lẻ. Tháng Tư vừa qua, Miến Điện cũng vừa thông qua luật đầu tư, đơn giản hóa các thủ tục và đối xử với công ty ngoại quốc bình đẳng với công ty trong nước. Miến Điện cũng đã dự trù cuối năm nay sẽ thông qua một luật khác cho phép các nhà đầu tư ngoại quốc mua các cổ phần của công ty trong nước.

Nhưng trước tình hình các cải tổ được thực hiện chậm hơn dự kiến và nay lại thêm khủng hoảng người Rohingya, nhiều công ty ngoại quốc đang tính đến chuyện rút ra khỏi Miến Điện hoặc quyết định đình hoãn các dự án đầu tư vào nước này. Trong những tháng gần đây, áp lực càng gia tăng trên các công ty ngoại quốc, kể cả những công ty đã có mặt ở Miến Điện.

Tổ chức bảo vệ nhân quyền AFD International đã kêu gọi các công ty ngoại quốc ngưng đầu tư vào Miến Điện. Một nhóm cổ đông trong tập đoàn dầu khí Mỹ Chevron gần đây đã đưa ra một kiến nghị yêu cầu tập đoàn này rút khỏi liên doanh với một công ty khai thác dầu khí của Nhà nước ở Miến Điện, nhưng kiến nghị này đã không được thông qua. Trong khi đó, tập đoàn Telenor của Na Uy, hiện đang điều hành một mạng điện thoại di động ở Miến Điện, thì đã ra một tuyên bố kêu gọi bảo vệ nhân quyền ở nước này.

Về phần mình, ông Bernd Lange, chủ tịch Uỷ ban Mậu Dịch Quốc Tế của Nghị Viện Châu Âu, vào tuần trước cho biết phái đoàn của ông đã đình hoãn vô thời hạn một chuyến đi Miến Điện, vì cho rằng tình hình nhân quyền tại nước này "không cho phép thảo luận đạt kết quả" về một hiệp định đầu tư giữa Liên Hiệp Châu Âu với Miến Điện.

Bản thân lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi cũng đang bị quốc tế chỉ trích ngày càng nặng nề là không bảo vệ người Hồi Giáo Rohingya. Trong một bài trả lời phỏng vấn tờ Nikkei Asia Reviex, được đăng tải hôm qua, Aung San Suu Kyi nhìn nhận các nhà đầu tư ngoại quốc quan ngại là chuyện "bình thường", nhưng bà vẫn cho rằng phát triển kinh tế là yếu tố then chốt để giải quyết vấn đề người Rohingya.

Việc đầu tư phương Tây chậm đổ vào Miến Điện sẽ chỉ có lợi cho Trung Quốc, vào lúc mà Bắc Kinh đang đẩy mạnh việc thực hiện dự án "Một Vành Đai, Một Con Đường" của họ. Dự án này là nhằm thúc đẩy trao đổi mậu dịch và đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Châu Á và cả ngoài khu vực này.

Hiện giờ Trung Quốc đã là nhà đầu tư hàng đầu ở Miến Điện, kế đến là Singapore, Thái Lan, Nhật Bản và Ấn Độ. Bắc Kinh hiện đang thương lượng về việc bán điện cho Miến Điện, một quốc gia rất thiếu năng lượng, và cũng đang muốn được sử dụng với điều kiện ưu đãi cảng chiến lược ở vịnh Bengal. Tháng Tư vừa qua, hai nước cũng đạt được thỏa thuận về một đường ống dẫn dầu sẽ được sử dụng để bơm dầu ngang qua Miến Điện đến Trung Quốc.

Nói cách khác, khủng hoảng Rohingya coi như sẽ đẩy bà Aung San Suu Kyi vào thẳng vòng tay của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thanh Phương

*******************

Rohingya : Bangladesh đòi lập "vùng an toàn" do Liên Hiệp Quốc giám sát (RFI, 22/09/2017)

Thủ tướng Bangladesh kêu gọi Liên Hiệp Quốc gởi một phái bộ sang Miến Điện, thành lập và giám sát một "vùng an toàn" để tiếp nhận người tị nạn Rohingya hồi hương.

myanmar2

Phân phối hàng cứu trợ cho người tị nạn Rohingya tại trại Cox's Bazar ở Bangladesh, 20/09/2017. Reuters/Cathal McNaughton

Tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc ngày 21/09/2017, thủ tướng Sheikh Hasina cho biết Bangladesh đang đón tiếp 800.000 người Rohingya. Một mặt, bà kêu gọi Miến Điện chấm dứt hành động "thanh lọc sắc tộc", lên án quân đội láng giềng "gài mìn" ở biên giới để không cho người chạy loạn hồi hương, mặt khác bà yêu cầu thành lập một vùng an toàn ở Miến Điện để đón nhận lại người Rohingya.

Gián tiếp chỉ trích lực lượng võ trang ARSA mà đợt tấn công hồi cuối tháng 8 đã tạo cơ hội cho quân đội Miến Điện trả đũa đốt phá làng mạc người Hồi Giáo, thủ tướng Bangladesh lên án "những hành động bạo lực cực đoan".

Theo AFP, trong vòng ba tuần lễ, vùng biên giới Bangladesh tiếp giáp với Miến Điện trở thành trại tị nạn lớn nhất thế giới. Bị kẹt giữa một bên là số nạn nhân khổng lồ và bên kia là trấn áp của chính quyền Miến Điện, các cơ quan thiện nguyện quốc tế đang nỗ lực hết sức trong những điều kiện khó khăn.

Trong thông báo ngày thứ sáu 22/09/2017 từ huyện lỵ biên giới Cox’s Bazar, tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới báo động tình trạng thiếu vệ sinh, thiếu nước sạch… những điều kiện gây đại dịch "đã hội đủ". Y Sĩ Không Biên Giới lo ngại "khó tránh được các dịch bệnh truyền nhiễm như dịch tả và bệnh sởi".

Tú Anh

*******************

Miến Điện : Phật tử cản đường nhân viên cứu trợ cho người Rohingya (RFI, 21/09/2017

Một ngày đen tối đối với Hội Chữ Thập Đỏ tại Bangladesh : ngày 21/09/2017, 9 nhân viên cứu trợ cho người Hồi giáo Rohingya Miến Điện tử vong. Nhưng mọi chú ý dồn về sự kiện tối qua ở bang Arakan, hàng trăm Phật tử chận hàng viện trợ nhân đạo cho người Rohingya.

myanmar1

Người tị nạn Rohingya đứng chờ phát hàng cứu trợ nhân đạo ti Bangladesh ngày 20/09/2017.Reuters

Theo hãng tin Anh Reuters, một chiếc tàu với 50 tấn lương thực, thuốc men đã rời cảng Sittwe để tiếp viện cho người Rohingya còn kẹt lại ở miền bắc bang Arakan, phía tây Miến Điện. Nhưng khi tàu cập bến tối qua, đã có khoảng hàng trăm Phật tử dùng bom xăng ném vào nhân viên hội Chữ Thập Đỏ, ngăn cản họ đưa hàng cứu trợ vào bờ và phân phát cho người Rohingya.

Trong thông cáo chính thức, lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi đưa ra con số 300 Phật tử có liên quan tới vụ này. Cảnh sát đã phải can thiệp, bắn chỉ thiên giải tán đám đông, tái lập trật tự,

Trong khi đó tại Bangladesh, một chiếc xe chở hàng cứu trợ cho người Rohingya, cũng của Hội Chữ Thập Đỏ bị tai nạn vào sáng sớm hôm nay. Xe lao xuống vực làm 9 người chết, hơn một chục người bị thương. Tất cả các nạn nhân là người Bangladesh, đang trên đường chở hàng cứu trợ đến khoảng 500 gia đình người Rohingya. Tai nạn xảy ra tại phía đông nam quận Bandarban, gần biên giới Miến Điện - Bangladesh.

Bạo động bùng lên tại bang Arakan từ ngày 25/08/2017 đẩy hơn 400.000 người Hồi giáo Rohingya tràn sang biên giới giữa Miến Điện và Bangladesh, nhưng phần lớn cộng đồng sắc tộc thiểu số này vẫn ở lại làng quê.

Theo các tổ chức phi chính phủ, số người này đang thiếu đủ mọi thứ, từ lương thực đến thuốc men. Nhà ở của họ phần lớn đều bị phá hủy. Liên Hiệp Quốc tố cáo quân đội Miến Điện tiến hành một cuộc "thanh lọc chủng tộc".

Trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc, phó tổng thống Miến Điện Henry Van Thion hôm qua cam kết "cứu trợ nhân đạo người Rohingya là ưu tiên hàng đầu" của chính quyền Naypyitaw, và các khoản trợ giúp này sẽ được phân phát cho tất cả mọi người, "không có chuyện phân biệt đối xử".

Thanh Hà

Quay lại trang chủ
Read 717 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)