Bắc Kinh hôm 22/09/2017, chỉ trích kịch liệt việc cơ quan thẩm định tài chính Standard & Poor’s (S&P) đánh sụt hạng về nợ công, tố cáo đây là một "quyết định sai lầm", vì Trung Quốc đã có nỗ lực giám sát lãnh vực tài chính. Tuy nhiên, hôm nay S&P lại tiếp tục hạ điểm cả Hồng Kông, cảnh báo nguy cơ món nợ khổng lồ của Hoa lục đang đè nặng lên đặc khu kinh tế này.
Tiền yuan Trung Quốc - Reuters/Thomas White
Hôm thứ Tư 20/9, S&P đã đánh sụt hạng từ A+ xuống AA- về viễn cảnh nợ nần của Trung Quốc, nhận định rằng "một thời kỳ bùng nổ tín dụng kéo dài đã làm tăng rủi ro về tài chính và kinh tế". Đây là lần đầu tiên Trung Quốc bị hạ điểm tín nhiệm kể từ năm 1999.
Thông cáo của bộ Tài Chính Trung Quốc hôm nay tố cáo S&P "không tính đến những đặc tính của thị trường tài chính Trung Quốc", và "tiềm năng phát triển" của nền kinh tế thứ nhì thế giới, nhấn mạnh đến "tỉ lệ tiết kiệm cao" của các hộ gia đình.
S&P còn cảnh báo về mức độ nợ nần của chính quyền các địa phương và các công ty quốc doanh, trong đó có nhiều tập đoàn kỹ nghệ bị tình trạng sản xuất dư thừa, chỉ sống nhờ vào tín dụng. Tuy nhiên thông cáo cho biết luật pháp Trung Quốc không coi nợ của các công ty quốc doanh là nợ công, và chính quyền địa phương không chịu trách nhiệm về số nợ này.
Bộ Tài Chính nhấn mạnh, Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp kiểm soát lãnh vực tài chính, nhất là "tín dụng đen". Thật ra S&P cũng đã ghi nhận nỗ lực này, nhưng thấy rằng nhịp độ bùng nổ tín dụng ở Trung Quốc "vẫn ở mức độ làm trầm trọng thêm rủi ro tài chính" trong những năm tới.
Bên cạnh đó, hôm nay S&P còn đánh sụt hạng Hồng Kông từ AAA xuống còn AA+, do "các liên hệ về định chế và chính trị mạnh mẽ" với Hoa lục. Thông cáo của S&P cho biết việc hạ điểm tín nhiệm Trung Quốc "có tác động đến mức tín nhiệm của Hồng Kông".
Trước đó, cơ quan thẩm định tài chính Moody’s cũng đã đánh sụt hạng Hồng Kông từ Aa1 xuống Aa2, sau khi hạ bậc Trung Quốc từ Aa3 còn A1, lần đầu tiên từ 28 năm qua.
Thụy My