Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

05/10/2017

Đối đầu với Trung Quốc : Indonesia và Philippines có phản ứng khác nhau

Tổng hợp

Indonesia phát triển hải, không quân để đối phó với Trung Quốc (RFI, 05/10/2017)

Hôm 05/10/2017, là kỷ niệm 72 năm thành lập, quân đội Indonesia đã mở cuộc diễu binh ngay tại cảng Cilegon ở tỉnh Banten, trên đảo Java. Đây đã là dịp để họ phô trương chiếc tàu ngầm tấn công chạy bằng điện và diesel KRI Nagapasa-403, chiếc tàu ngầm thứ ba của Indonesia.

bd1

Lính hải quân Indonesia tham gia lễ diễu binh kỷ niệm 72 năm thành lập quân đội, 05/10/2017. Reuters

Một thiết bị quân sự khác cũng đã được quân đội Indonesia đặc biệt phô diễn hôm nay đó là chiếc trực thăng tấn công Apache Guardian, một kiểu trực thăng mới cũng sẽ được sử dụng trong các chiến dịch chống khủng bố. Trong lễ diễu binh, các phi công Indonesia đã bay biểu diễn với các chiến đấu cơ F-16 của Mỹ và SU-30 của Nga.

Tất cả những màn trình diễn nói trên là nhằm phô trương khả năng phòng thủ của hải quân và không quân Indonesia, mà hiện đang được phát triển rất mạnh. Trong lễ diễu binh hôm nay, tổng thống Joko Widodo đã tự hào tuyên bố : "Lực lượng Vũ trang Indonesia sẽ là quân đội mạnh nhất và được trang bị tốt nhất Đông Nam Á".

Kể từ khi giành được độc lập năm 1945, Indonesia vẫn cố tránh xung đột với một quốc gia khác. Nước này chỉ có một cuộc đụng độ ngắn với Malaysia vào thời Sukarno, tổng thống đầu tiên của Indonesia. Cho tới nay, quân đội Indonesia chủ yếu được huy động để duy trì hòa bình trong nước và dập tắt các phong trào ly khai, như ở tỉnh Aceh hoặc ở khu vực tây đảo New Guinea. Trong bối cảnh đó, trong suốt nhiều năm, lục quân vẫn chiếm ưu thế so với hai binh chủng kia. Hiện giờ lục quân vẫn chiếm gần 80% tổng quân số 400 ngàn người của quân đội Indonesia.

Nhưng nay tổng thống Widodo có một cái nhìn chiến lược khác về quân đội. Để đạt được mục tiêu phát triển Indonesia thành một cường quốc hải dương trong khu vực, ông cần phải tăng cường khả năng phòng thủ của hải quân và không quân để bảo vệ chủ quyền biển của nước này.

Nhu cầu đó lại càng cấp thiết bởi vì, tuy không phải một trong những bên tranh chấp, Indonesia cũng bị ảnh hưởng bởi sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Để đối phó với những hành động áp đặt chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển này, chính quyền Widodo đã cho xây một căn cứ cho tàu ngầm và nâng cấp một phi đạo ở quần đảo Natuna.

Ngoài mối đe dọa từ Trung Quốc, quân đội Indonesia nay còn phải đối phó với nguy cơ khủng bố quốc tế, nhất là vì một phần lãnh thổ của nước này chỉ cách đảo Mindanao, miền nam Philippines, có 300 km, mà đảo này lại là nơi là các nhóm vũ trang trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi Giáo đang hoành hành.

Thanh Phương

********************

Philippines : Sự hiện diện của tàu Trung Quốc là "bình thường" (RFI, 05/10/2017)

Theo nhật báo Inquirer của Philippines, hôm nay 05/10/2017, hai quan chức Philippines và Trung Quốc cùng tuyên bố rằng sự hiện diện của tàu Trung Quốc ở khu vực đảo Pagasa (còn gọi là đảo Thitu) ở vùng Biển Đông (mà Manila gọi là Biển Tây Philippines, là chuyện "bình thường" và không phải là điều gì đáng báo động.

bd2

Đảo Pagasa, Trường Sa, chụp từ trên không. Reuters/Rolex Dela Pena/Pool

Ông Triệu Giám Hoa, đại sứ Trung Quốc tại Manila, hôm nay nói với báo chí rằng, sự hiện diện của tàu Trung Quốc hay tàu Philippines trong vùng biển chồng lấn hoặc tranh chấp là điều "rất bình thường". Quan chức ngoại giao này nói rằng Bắc Kinh vẫn tuân thủ nghiêm ngặt bản Tuyên bố ứng xử của các bên trên biển Đông-DOC, mà Trung Quốc và các nước ASEAN đã nhất trí.

Về phía Manila, Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana cũng đồng tình với đại sứ Trung Quốc rằng không có xung đột nào đang xảy ra trong vùng biển tranh chấp. Manila cho rằng sự hiện diện của tàu Trung Quốc trong vùng biển này "không có nghĩa là những tàu đó đang hoạt động phi pháp hay đang sách nhiễu những tàu khác", mà có thể chỉ đang thực hiện nhiệm vụ của họ, như lời Bắc Kinh tuyên bố. Lãnh đạo quốc phòng Philippines cho biết cả hai nước đang kiểm soát tình hình và đều tuân thủ bản tuyên bố DOC.

Phát biểu này được đưa ra nhằm phản bác ông Gary Alejano, dân biểu đối lập ở hạ viện Philippines, vì gần đây ông đã lên tiếng báo động về sự hiện diện của 4 tàu của tuần duyên và hải quân Trung Quốc vào cuối tháng 9 vừa qua tại khu vực nói trên.

Mỹ, "đồng minh số 1" của Philippines

Sau tổng thống Duterte, đến lượt tổng tư lệnh Quân Đội Philippines, tướng Eduardo Ano, ngày 05/10/2017 khẳng định khép lại giai đoạn căng thẳng trong quan hệ giữa Manila và Washington.

Sau chuyến công tác tại Hawaii và sau cuộc tiếp xúc với tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương của Mỹ, tướng Harry Harris, hồi tuần trước, họp báo tại thủ đô Manila sáng nay 05/10/2017, tư lệnh Quân Đội Philippines thông báo sẽ tăng cường các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ vào năm tới và nhắc lại lập trường của tổng thống Duterte : "Mỹ là đồng minh số 1" của chính quyền Manila.

Phát biểu trên đây của tướng Ano được đưa ra một tuần lễ sau khi tổng thống Rodrigo Duterte hy vọng phát triển "quan hệ chặt chẽ" với Washington.

Như ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, tư lệnh Quân Đội Philippines nhấn mạnh đến ưu tiên trong quan hệ Mỹ-Phi vào lúc Trung Quốc trao cho quân đội Philippines 3.000 khẩu súng trường và đạn dược, trị giá trên ba triệu đô la.

Duy Anh

********************

Philippines 'nâng cấp hạ tầng ở đảo Thị Tứ' (BBC, 02/10/2017)

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết nước này sẽ nâng cấp phi đạo dài 1.300 mét trên đảo Thị Tứ, hòn đảo do Philippines gọi tên là Pag-Asa và đang kiểm soát ở Trường Sa.

ac1

Phi cơ Philippines trên đảo Thị Tứ

Việt Nam vẫn tuyên bố đảo Thị Tứ thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng nói là bị "Philippines chiếm đóng phi pháp".

Tuy vậy, quan hệ giữa quân đội hai nước tại vùng Trường Sa là hữu hảo.

Chương trình Hiện đại hóa các Lực lượng Vũ trang Philippines vào năm tới cũng sẽ nâng cấp các doanh trại, hệ thống nước và cấu trúc hạ tầng khác trên 9 đảo nhỏ ở Trường Sa hiện do Philippines kiểm soát, theo trang The Diplomat.

ac2

Quân đội Philippines trên đảo Thị Tứ

Ông Duterte, nhậm chức tổng thống từ tháng Bảy 2016, đã thi hành chính sách kết thân với Trung Quốc, sau nhiều năm căng thẳng.

Hôm 20/9 tại New York, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano nói chính phủ Duterte vẫn bảo vệ chủ quyền biển đảo nhưng theo "cách chiến lược hơn".

"Chúng tôi không phải lúc nào cũng than phiền về Trung Quốc, không có nghĩa là chúng tôi ngồi im".

Ngoại trưởng Cayetano nói : "Chúng tôi tiếp tục thách thức mọi nước đòi chủ quyền" ở Biển Đông.

Quay lại trang chủ
Read 744 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)