Trung Quốc : Ba cựu lãnh đạo bị cáo buộc âm mưu tạo phản (RFI, 30/10/2017)
Tối 29/10/2017, Tân Hoa Xã loan tin là Bắc Kinh đã phá vỡ một "âm mưu tạo phản" của ba cựu lãnh đạo cao cấp, vài ngày sau khi Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 kết thúc với việc tăng cường quyền lực của chủ tịch Tập Cận Bình.
Ông Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai), cựu bí thư Trùng Khánh, là một trong ba cựu lãnh đạo cao cấp có "âm mưu tạo phản". Wikipedia
Một báo cáo do Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật trung ương của đảng Cộng Sản Trung Quốc đệ trình lên Đại hội cáo buộc ông Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai), cựu bí thư Trùng Khánh, đã tham gia vào âm mưu này. Ông Tôn Chính Tài đã bị cách chức bí thư vào tháng 07/2017, với lý do chính thức là phạm tội tham nhũng. Theo báo cáo nói trên, tham gia âm mưu này còn có ông Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), cựu bộ trưởng Công An và ông Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua), nguyên là chánh văn phòng cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Các ông Chu và Lệnh đã bị kết án tù vì tham nhũng trong hai năm qua.
Báo cáo của Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật khẳng định là đảng Cộng Sản Trung Quốc đã "phát hiện kịp thời, giải quyết triệt để và diệt trừ" ba cựu lãnh đạo tham gia âm mưu tạo phản. Báo cáo còn tố cáo những "nhóm lợi ích" đã "gây phương hại nặng nề" cho an ninh chính trị của Đảng và của đất nước.
Kể từ khi lên cầm quyền vào cuối năm 2012 cho đến nay, chủ tịch Tập Cận Bình đã đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng, nhưng lãnh đạo họ Tập bị nghi ngờ là lợi dụng chống tham nhũng để gạt bỏ các đối thủ chính trị của ông.
Tư tưởng Tập Cập Bình được dạy ở đại học
Theo hãng tin AFP ngày 30/10/2017, Tư Tưởng Tập Cận Bình sẽ được giảng dạy, nghiên cứu và đề cao ở các trường đại học ở khắp Trung Quốc, để bảo đảm là chủ thuyết của lãnh đạo Trung Quốc thấm nhuần vào "đầu óc và con tim" của các sinh viên.
Ít nhất 20 trường đại học đã lập các viện nghiên cứu về Tư Tưởng Tập Cận Bình, vừa được ghi vào cương lĩnh của đảng Cộng Sản Trung Quốc nhân Đại hội lần thứ 19. Như vậy là kể từ nay, "Tư Tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc cho một thời đại mới" chính thức được đặt ngang hàng với Tư Tưởng Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Thanh Phương
*********************
Tài liệu Mỹ hé lộ thêm về vụ ám sát ông Ngô Đình Diệm (VOA, 30/10/2017)
Tổng thống Lyndon B. Johnson tin rằng người tiền nhiệm John F. Kennedy đứng đằng sau vụ ám sát cựu Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm vài tuần trước khi ông qua đời và vụ ám sát ông Kennedy là sự báo ứng, hãng tin AP dẫn tài liệu mới được giải mật đưa tin hôm 27/10.
Ông Ngô Đình Diệm, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.
Hãng tin này trích tài liệu đưa tin rằng Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Hoa Kỳ Richard Helms cho biết trong một phiên lấy lời khai vào năm 1975 rằng ông Johnson "đã từng lan truyền tin tức nói rằng lý do ông Kennedy bị ám sát là vì ông ấy đã cho ám sát Tổng thống Ngô Đình Diệm và đây là sự công bằng của công lý".
Ông Helms khi đó nói : "Tôi không biết ông ấy lấy ý tưởng này từ đâu".
Ông Diệm và em trai đã bị giết vào ngày 2/11/1963 sau một cuộc đảo chánh do các tướng lĩnh miền Nam Việt Nam thực hiện.
Đây không phải là lần đầu tiên thuyết Johnson được nêu ra. Một cuốn sách của tác giả Max Holland có tựa đề "Các đoạn ghi âm về vụ ám sát Kennedy", trong đó trích dẫn lời ông Johnson nói rằng ông Kenney đã chết vì "quả báo".
Theo AP, ông Johnson được cho là đã nói : "Ông ấy đã cho sát hại ông Diệm và sau đó chính mình lại bị giết".
Theo ông Ken Hughes, nhà sử học ở Trung tâm Miller thuộc Đại học Virginia, vai trò của ông Kennedy trong vụ ám sát ông Diệm vẫn còn gây tranh cãi.
Một tháng trước khi ông Diệm bị ám sát, các tướng lĩnh miền Nam đã lên kế hoạch đảo chính nói với CIA rằng họ sẽ lật đổ chính phủ nếu họ có thể yên tâm rằng Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ và ông Kennedy nói với họ rằng Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ, theo lời của ông Hughes.
Theo AP, ông Hughes, người cũng đang viết một cuốn sách về vụ ông Diệm bị ám sát, nói rằng một cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục cho dù ông Kennedy có khẳng định rằng ông Diễm sẽ an toàn hay liệu tổng thống để mặc cho các tướng lĩnh miền Nam Việt Nam quyết định muốn làm gì thì làm.
Một trong những hồ sơ có thể làm sáng tỏ nghi vấn đó là một báo cáo của CIA về sự can dự của chính phủ Hoa Kỳ vào cuộc đảo chính ông Diệm. Dữ liệu này ban đầu dự kiến được giải mật hôm 26/10 nhưng vẫn còn nằm trong số hàng trăm hồ sơ mà ông Trump chưa công bố.
Tổng thống Donald Trump hôm 27/10 nói rằng ông đã ra lệnh công bố tất cả các hồ sơ liên quan tới vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy.
Ông viết trên Twitter : "Sau khi tham vấn nghiêm ngặt với Tướng Kelly, CIA và các cơ quan khác, tôi ra lệnh công bố TẤT CẢ các hồ sơ JFK ngoại trừ tên và địa chỉ của bất kỳ người nào được nhắc tới mà vẫn còn sống".
Ông nói tiếp rằng ông thực hiện hành động này "vì lý do công khai trọn vẹn, minh bạch và để dập tắt bất kỳ thuyết âm mưu nào".
*************************
Rohingya : Biểu tình tại Rangoon ủng hộ quân đội Miến Điện (RFI, 29/10/2017)
Vài chục ngàn người đã tuần hành trong tiếng quân nhạcngày 29/10/2017 tại thành phố Rangoon để ủng hộ quân đội Miến Điện, trong khi lực lượng này bị cộng đồng quốc tế chỉ trích nặng nề.
Biểu tình ủng hộ quân đội tại Rangoon, ngày 29/10/2017 (Chụp màn hình website straitstimes - www.straitstimes.com)(www.straitstimes.com)
Người biểu tình giương cao nhiều biểu ngữ ủng hộ chỉ huy quân đội, tướng Min Aung Hlaing, và lên án cộng đồng quốc tế gây sức ép đối với "Tatmadaw" - quân đội Miến Điện.
Trả lời AFP, một người tuần hành 54 tuổi, nói : "Tatmadaw là điều cốt yếu của đất nước. Quân đội bảo vệ các nhóm người thiểu số, các tộc người và tôn giáo của chúng tôi". Tuy nhiên, AFP nhắc lại, người Rohingya không nằm trong số các nhóm người thiểu số được chính thức công nhận tại Miến Điện. Một trung sĩ nghỉ hưu, cũng tham gia tuần hành, khẳng định các cáo buộc quân đội Miến Điện giết người và cưỡng hiếp tại bang Rakhine là những lời nói dối.
Trong khi cộng đồng quốc tế liên tục gây sức ép với chính quyền Naypyidaw, đặc biệt là Liên Hiệp Quốc cáo buộc các vụ bạo lực nhắm vào người Rohingya là một cách thanh lọc chủng tộc, thì tại Miến Điện, danh tiếng của quân đội chính phủ lại tăng thêm trong cuộc khủng hoảng sắc dân thiểu số Hồi giáo Rohingya.
Thu Hằng