Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

31/10/2017

Biển Đông : Sợ mất quyền kiểm soát, Bắc Kinh lớn tiếng đe dọa

Tổng hợp

Trung Quốc sẵn sàng cho đợt quyết đoán mới ở Biển Đông (RFA, 31/10/2017)

Trung Quốc lẳng lặng tiến hành thêm hoạt động cải tạo và bồi lắp, mà chắc hẳn chẳng bao lâu nữa Bắc Kinh sẽ tái khẳng định chủ quyền tại khu vực Biển Đông một cách mạnh mẽ hơn.

bd1

Bức hình chụp từ trên không một bãi gần đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa, được cho là có tàu Trung Quốc đang neo đậu.  AFP

Giới chức ngoại giao và quân sự trong khu vực cho biết như vừa nêu và được hãng tin Reuters loan đi ngày 31 tháng 10. Theo đó thì hình ảnh vệ tinh gần đây đã cho thấy rõ hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trong những tháng gần đây, thế giới tập trung vào vấn đề Bắc Hàn và Trung Quốc lo Đại hội Đảng lần thứ 19 khiến cho chủ đề Biển Đông không được truyền thông đưa mạnh. Tuy vậy, cho đến nay mọi tranh chấp vẫn nguyên vẹn. Hình ảnh vệ tinh gần đây chứng minh thực tế Trung Quốc tiếp tục phát triển cơ sở tại các đảo Bắc và đảo Cây thuộc nhóm An Vĩnh, quần đảo Hoàng Sa khiến giới chuyên gia cho rằng tuyến hàng hải Biển Đông vẫn là một điểm nóng toàn cầu.

Một số chuyên gia nói rõ trong những tháng tới, Trung Quốc sẽ bố trí chiến đấu cơ tại những bãi đá đã xây đường băng thuộc quần đảo Trường Sa. Trong khi đó những viên chức quân sự cho biết Trung Quốc đã sử dụng những cơ sở mới để gia tăng việc bố trí lực lượng tuần duyên và hải quân sâu hơn ở khu vực Đông Nam Á.

Theo chuyên gia về Trung Quốc, Bonnie Glaser, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược & Quốc Tế (CSIS) ở Washington DC, thì Bắc Kinh đã xây dựng những cơ sở chuyên biệt rồi. Cả những viên chức dân sự và quân sự Trung Quốc luôn nói rõ là khi thời điểm chiến lược chín muồi thì những cơ sở đó bắt đầu được sử dụng một cách đầy đủ.

Hoạt động cải tạo, bồi lắp lên những đảo nhân tạo tại Biển Đông của Trung Quốc tiêu biểu cho sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh tại Biển Đông dưới nhiệm kỳ đầu của chủ tịch Tập Cận Bình. Trong diễn văn phát biểu khai mạc Đại hội đảng 19, ông Tập nhấn mạnh lại công tác này là tiến triển vững chắc.

Vấn đề Trung Quốc cải tạo, bồi lấp xây dựng đảo nhân tạo tại Biển Đông chắc hẳn sẽ được nêu ra trong chuyến thăm của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đến Châu Á, trong đó có Trung Quốc.

Một phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Michael Cavey, được Reuters dẫn lời cho biết Washington vẫn quan ngại về tình hình căng thẳng tại Biển Đông ; đặc biệt căng thẳng do hoạt động cải tạo và quân sự hóa các điểm tranh chấp cũng như mong muốn dùng chiến thuật cưỡng bức để tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Khi được Reuters hỏi, thì phát ngôn nhân Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, ông Nhiệm Quốc Cường , nói thẳng những đảo ở Biển Đông thuộc chủ quyền không tranh cãi của Trung Quốc.

Vào ngày 30 tháng 10, đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ông Thôi Thiên Khải, lên tiếng yêu cầu Washington không nên can thiệp vào nỗ lực khu vực nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh hải tại Biển Đông.

Trung Quốc gần đây tìm cách xoa dịu Philippines, một nước trong nhóm có tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh tại Biển Đông, cũng như tăng cường đối thoại thêm với các nước khác trong khối ASEAN.

Vào đầu tháng 10 vừa qua, đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, lên tiếng tại Singapore rằng trong khi Washington thúc giục Bắc Kinh giúp đỡ Hoa Kỳ trong vấn đề Bắc Hàn, Mỹ vẫn lên án Trung Quốc về những hành động vi phạm luật pháp và chuẩn mực quốc tế.

Đô đốc Harry Harris nói rõ là Washington muốn Bắc Kinh phải có thêm biện pháp nhằm ngăn chặn những hoạt động gây hấn tại Hoa Đông và Biển Đông. Đó là những nơi mà Trung Quốc đang xây dựng sức mạnh chiến đấu và những lợi thế địa lý nhằm cố xác lập chủ quyền trên thực địa đối với các thực thể trên biển đang tranh chấp.

Một nghiên cứu gần đây của Công ty RAND có liên hệ với chính phủ Hoa Kỳ nhằm đánh giá nguy cơ xảy ra xung đột giữa Bắc Kinh và Washington đã nâng mức căng thẳng tại Biển Đông trên bảng những điểm nóng tiềm năng : tức Biển Đông vượt lên trên Đài Loan và ở dưới Bán đảo Triều Tiên.

Nghiên cứu nêu rõ là tuyến hàng hải qua Biển Đông trở nên một điểm báo động không tiên đoán trước giữa hai đối thủ Hoa Kỳ- Trung Quốc.

Khi Ngũ Giác Đài cho tiến hành những chuyến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, FONOPS, thường xuyên hơn nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ; một số nhà phân tích cho rằng Washington đang cố đối trọng lại sự thống trị mỗi lúc một tăng lên của Bắc Kinh trong khu vực này.

Chuyên gia về Biển Đông, Ian Storey, tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho rằng FONOPS là chiến thuật chứ không phải chiến lược và những chuyến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải như thế do Hoa Kỳ tiến hành không khiến cho Trung Quốc phải một chút gì nghĩ lại kế hoạch Biển Đông của họ.

*********************

Trung Quốc yêu cầu Mỹ không can thiệp vào đàm phán Biển Đông (RFI, 31/10/2017)

Hôm 30/10/2017, đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) đã lên tiếng yêu cầu Mỹ không can thiệp vào đàm phán giữa Trung Quốc với các nước láng giềng nhằm đạt đến một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Nhà ngoại giao Trung Quốc đưa ra yêu cầu này vào lúc tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị cho chuyến công du Châu Á sắp tới.

bd2

Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải tại cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung ngày 24/06/2015 tại Washington. CHRIS KLEPONIS / AFP

Tại một cuộc họp báo ở đại sứ quán Trung Quốc ở Washington, ông Thôi Thiên Khải cho rằng Mỹ không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và nên để các nước trong khu vực tự giải quyết tranh chấp của họ "một cách hiệu quả và thân thiện". Đại sứ Trung Quốc tuyên bố : "Tôi nghĩ chắc là sẽ tốt hơn nếu những quốc gia khác, kể cả Mỹ, đừng cố can thiệp vào tiến trình mang tính xây dựng này, đừng gây trở ngại cho việc sớm đạt thỏa thuận về bộ quy tắc ứng xử (trên Biển Đông)".

Vào tuần trước, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng đàm phán về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), một văn bản có tính chất ràng buộc pháp lý, có thể sẽ mất nhiều năm. Tuyên bố hôm qua của đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ hàm ý rằng sự can thiệp của Mỹ sẽ khiến cho tiến trình đàm phán thêm khó khăn.

Cuộc họp báo của ông Thôi Thiên Khải diễn ra vài ngày trước chuyến công du của tổng thống Donald Trump tới nhiều nước nước Châu Á, trong đó có Việt Nam, từ ngày 03 đến 14/11.

Washington vẫn thường xuyên chỉ trích việc Bắc Kinh xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông và quân sự hóa các đảo này. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong tháng này đã tuyên bố rằng "những hành động gây hấn" của Trung Quốc ở Biển Đông là trái với luật pháp quốc tế và các chuẩn mực quốc tế.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ
Read 607 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)