Giáo hoàng : Cần ‘lòng khoan dung’ ở Myanmar (VOA, 29/11/2017)
Giáo hoàng Francis nói về sự cần thiết của "lòng khoan nhượng" và tránh "thù oán" tại thánh lễ với hàng chục ngàn người tham dự ở thành phố Yangon của Myanmar.
Giáo hoàng Francis bắt tay Chủ tịch Bhaddanta Kumarabhivasma của Ủy ban nhà nước Sangha Maha Nayaka trong cuộc họp với Ủy ban Phật giáo ở Yangon, Myanmar, ngày 29/11/2017.
Một lần nữa, ngài tránh nói trực tiếp đến nhóm thiểu số Hồi giáo Rohingya bị đàn áp trong chuyến thăm Myanmar bốn ngày này, sau khi đã kêu gọi chung về lòng vị tha tôn giáo trong cuộc họp với các nhà ngoại giao hôm thứ Ba 28/11.
Khoảng 150.000 tín đồ Công giáo từ nhiều nơi trên cả nước đã tập trung về sân vận động Kyaikkasan để dự lễ, nhiều người đã đến đó từ đêm hôm trước để giữ chỗ.
Sơ Lucy, 22 tuổi, từ bang Chin xa xôi đã đến đây từ lúc 5 giờ sáng, nói : "Tôi được nhiều ơn phước, không chỉ riêng tôi, mà cả Myanmar. Chúng tôi chưa bao giờ mơ đến sẽ gặp được Đức thánh cha, nhưng hôm nay chúng tôi thực sự được gặp ngài".
Trong thánh lễ đầu tiên tại Myanmar, Giáo hoàng Francis nói rằng nhiều người dân ở đất nước này "mang trong người những vết thương của bạo động, những vết thương bên ngoài có thể thấy được, và những vết thương hằn sâu trong trong lòng. Chúng ta nghĩ rằng trả thù sẽ chữa lành vết thương. Nhưng trả thù không phải là cách của Chúa Giêsu chữa lành vết thương".
Giáo hoàng Francis, người thường lớn tiếng bênh vực người tị nạn, đã không chú ý đến sự trông đợi của nhiều người ở phương Tây muốn ngài công khai nói về cuộc khủng hoảng của người thiểu số Rohingya.
Hơn 620.000 người thiểu số Hồi giáo Rohingya bị ngược đãi đã trốn chạy sang Bangladesh sau một một chiến dịch đàn áp quân sự hồi tháng 8.
Myanmar nói những đồn đoán về hãm hiếp tập thể và giết người là phóng đại, và quân đội nước này phủ nhận mọi cáo buộc đàn áp.
Trước đây Giáo hoàng Francis đã từng lên tiếng bênh vực cho nhóm người thiểu số này và gọi họ là "các anh chị em Rohingya của chúng ta".
Nhưng các nhà cố vấn khuyên ngài đừng nói về vấn đề này ở Myanmar vì sợ rằng làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến 650.000 tín đồ Công giáo ở nước này.
Ông Robert Nathan, một tín đồ Công giáo Myanmar, nói : "Đây là lần đầu tiên Giáo hoàng đến thăm Myanmar. Ngài không đề cập đến cuộc khủng hoảng người Rohingya là đúng. Chính phủ cần phải giải quyết vấn đề đó".
Nhưng những người bênh vực nhân quyền kêu gọi ngài nói lên vấn đề này cho người Rohingya, những người bị bị xem là di dân bất hợp pháp ngay trên lãnh thổ Myanmar.
Ông Mark Farmaner, người đứng đầu Cuộc vận động Miến Ðiện ở Anh, viết trên Twitter : "Nếu Giáo hoàng không dùng từ Rohingya, những người phân biệt chủng tộc xem đó là một chiến thắng, cò nếu ngài dùng từ đó, họ sẽ thất vọng và chống đối. Đường nào tốt hơn".
Nhiều người trong đám đông ở Yangon hài lòng là Giáo hoàng đã chọn cách không đề cập đến cuộc khủng hoảng. Ngài đã nói rằng mục đích chính của chuyến thăm này là để ủng hộ giáo dân Công giáo ở quốc gia Ðông Nam Á vừa mới thiết lập quan hệ ngoại giao với Vatican hồi gần đây.
********************
Giáo hoàng Francis gởi thông điệp đến người dân Miến Điện (RFA, 29/11/2017)
Đó là thông điệp của Giáo hoàng Francis trong buổi thánh lễ mà Ngài cử hành tại công viên Kyaikkasan, thành phố Yangon, Thủ đô Miến Điện trước hơn 150 ngàn người dự lễ.
Giáo hoàng Francis trong buổi thánh lễ cử hành tại công viên Kyaikkasan, thành phố Yangon, Thủ đô Miến Điện trước hơn 150 ngàn người dự lễ hôm 29/11/2017. AFP
Nhiều người đã đến dự sự kiện trọng đại này là những người theo Công giáo thuộc các sắc tộc thiểu số sống ở những vùng núi biên giới xa xôi, và có cả những tín đồ Công giáo đến từ Thái Lan, Campuchia, và Việt Nam.
Vị chủ chăn đã nói chuyện bằng tiếng Ý rồi được thông dịch sang tiếng Miến Điện và tiếng Karen cho những người dự lễ. Ngài nói rằng Ngài biết đất nước Miến Điện đã trải qua nhiều cơn bạo lực với những vết thương thấy được và cả những thương tổn hằn sâu bên trong. Nhưng những vết thương ấy không thể chữa lành bằng sự trả thù, đó không phải là cách mà Chúa Jesus đã làm khi xuống thế làm người để chuộc tội cho nhân loại.
Cộng đồng Công giáo tại Miến Điện chỉ có khoảng 660 ngàn người, chiếm vỏn vẹn chỉ hơn 1% dân số của một đất nước mà đại đa số là Phật tử.
Tuy nhiên chuyến đi của Giáo hoàng đến Miến Điện lại có một tầm quan trọng khác vì nó diễn ra giữa lúc đang có cuộc khủng hoảng nhân đạo Rohingya ở bang Rakhine miền Tây, khi mà hơn 600 ngàn người Hồi giáo Rohingya đã bỏ chạy sang Bangladesh để trốn sự thanh lọc sắc tộc được cho là đang được thực hiện một cách bài bản bởi quân đội Miến.
Trong buổi nói chuyện ngày hôm qua với nhà lãnh đạo Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, Giáo hoàng nói rằng tương lai của Miến Điện được đặt trên nhân quyền của tất cả mọi người, không ngoại trừ một ai cả, tuy ông không nhắc đến tên Rohingya.
Những người Rohingya tuy sinh sống lâu đời ở Miến nhưng không được chính quyền Miến Điện công nhận là công dân Miến, mà là những người Bangladesh nhập cư bất hợp pháp.
Bangladesh hiện đang phải rất nỗ lực để chăm sóc cho hơn nửa triệu người tị nạn Rohingya, và cũng là nơi mà Đức Giáo hoàng Francis viếng thăm vào ngày mai, thứ Năm, 30 tháng 11, trước khi kết thức chuyến công du Châu Á kéo dài một tuần lễ của Ngài.