Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

02/01/2018

Luật sư Đức : Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ thừa nhận có tội

RFA tiếng Việt

Ngày 8/1 tới đây, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam, Trịnh Xuân Thanh sẽ ra tòa đối mặt với các cáo buộc cố ý làm sai quy định nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng và tham nhũng.

txt1

Trịnh Xuân Thanh (trái), Phan Văn Anh Vũ (phải) - Photo : RFA

Ông Trịnh Xuân Thanh là người đã xin tị nạn tại Đức trước khi bị bắt cóc về Việt Nam hồi tháng 8 năm ngoái. Ngay trước phiên tòa, Đài Á Châu Tự Do có cuộc phỏng vấn với luật sư đại diện cho Trịnh Xuân Thanh tại Đức, bà Petra Schlagenhauf. Trước hết bà Schlagenhauf cho đài ACTD biết về nhận định của bà về cáo trạng dành cho Trịnh Xuân Thanh như sau :

Petra Schlagenhauf : Lý do lúc đầu mà Việt Nam muốn dẫn độ Thanh về nước là vì cáo buộc những sai phạm trong quản lý kinh tế. Đó là lý do họ mà họ đưa ra trước khi Thanh bị bắt cóc. Bây giờ phía Việt Nam lại cố gắng đưa thêm các cáo buộc cho Trịnh Xuân Thanh. Cụ thể các cáo buộc này thì các đồng nghiệp luật sư Việt Nam của tôi nắm chắc hơn. Nhưng vấn đề tôi thấy ở đây là trình tự pháp lý không đúng trong trường hợp này, không đáp ứng đúng tiêu chuẩn quốc tế, không tôn trọng nhân quyền. Đây là điểm đầu tiên. Tôi biết có hai ngày ra tòa, ngày đầu tiên là 8/1 và ngày tiếp theo là vào tháng 2. Về cáo buộc cố ý làm sai thì ông Thanh người được tôi đại diện bên Đức đã nhiều lần bác bỏ và đã giải thích lập trường của mình. Đến giờ theo tôi biết ông ấy vẫn không chấp nhận cáo buộc này. Tôi biết là chính phủ Đức đã đàm phán nhiều lần với phía Việt Nam từ tháng 8 đến giờ. Đức cũng áp dụng một loạt các biện pháp với Việt Nam, đặt ra các yêu cầu đối với Việt Nam để giải quyết khủng hoảng ngoại giao. Đức cũng đã ngưng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, vốn bao gồm nhiều chương trình, dự án, trong đó có các chương trình kinh tế. Vụ bắt cóc này cũng đã khiến nhiều nước Châu Âu phải lên tiếng chỉ trích, và có các biện pháp đưa ra liên quan đến những đàm phán giữa Việt Nam và Châu Âu về hiệp định tự do thương mại. Tôi nghĩ vào lúc này nếu Việt Nam không giải quyết vấn đề này một cách thỏa đáng thì Việt Nam sẽ gặp vấn đề với hiệp định tự do thương mại với Châu Âu.

RFABà nói rằng bà quan ngại về vấn đề tôn trọng nhân quyền trong trường hợp của thân chủ của bà ông Trịnh Xuân Thanh….

Petra Schlagenhauf : Để tôi nói thế này, nếu bạn bắt cóc một người từ lãnh thổ một nước thì theo luật quốc tế, điều này cũng ngăn cản mọi thủ tục pháp lý đối với cá nhân này. Điều này có nghĩa là sẽ không có một phiên tòa công bằng cho cá nhân đó. An ninh Việt Nam đã bắt cóc thân chủ của tôi ngay trên đất Đức. Chính phủ một nước không thể bắt cóc người như vậy rồi đưa ra tòa. Thứ hai nữa là khi ông Thanh ở Việt Nam, ông ấy đã không được gặp luật sư của mình trong một thời gian dài. Không phải tất cả những luật sư mà gia đình ông Thanh đề nghị ngay lúc đầu được phía Việt Nam chấp nhận. Chỉ gần đây, sau khi họ đưa ra cáo buộc chính thức thì họ mới cho phép có những liên hệ giữa thân chủ của tôi với luật sư. Điểm tiếp theo là trong quá trình điều tra, họ đã không cho phép thân chủ của tôi được nói chuyện riêng với luật sư của mình. Ở Đức, để tôn trọng nhân quyền, thân chủ được quyền nói chuyện với luật sư riêng của mình mà không bị theo dõi. Ngoài ra thì từ lúc họ đưa ra cáo trạng đến lúc phiên tòa diễn ra là một khoảng thời gian ngắn, khiến cho các luật sư đồng nghiệp của tôi ở Việt Nam không đủ thời gian để chuẩn bị. Ngoài ra thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người có quyền lực chính trị đã nói là thân chủ của tôi có tội trước khi các thủ tục pháp lý cần thiết diễn ra. Cho nên chúng ta cũng chẳng cần phải đợi cho đến lúc phiên tòa kết thúc để biết kết quả.

RFA : Bà chắc cũng thấy là truyền hình Việt Nam đã chiếu cảnh ông Thanh nhận tội và nói là ông ấy tự nguyện về nước. Bà nhận xét gì về điều này ?

Petra Schlagenhauf : Bạn có nhìn thấy tình trạng thân chủ của tôi trên truyền hình không ? Tôi đã gặp ông ấy nhiều lần trước kia và hình ảnh trên truyền hình cho thấy một con người khác. Điều mà họ làm với thân chủ tôi trên truyền hình làm tôi nhớ lại cách làm thời Stalin trước kia. Tôi biết thân chủ của tôi. Tôi đã nói chuyên với ông ấy nhiều lần và ông ấy không bao giờ muốn trở lại Việt Nam vì ông ấy biết không bao giờ ông ấy có được một phiên tòa công bằng, theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Cho nên không có chuyện ông ấy về tự nguyện. Ngoài ra, Đức cũng đang nắm giữ người thuê xe dùng để bắt cóc Thanh. Ông ta bị dẫn độ từ Cộng hòa Séc sang đây và đang đợi phiên tòa. Cảnh sát đã điều tra và có những bằng chứng về một vài người nữa có liên quan đến vụ bắt cóc. Cho nên rõ ràng đây là vụ bắt cóc. Tôi cũng biết thân chủ của mình rất rõ. Ông ấy không tự nguyện về và luôn phản bác những cáo buộc dành cho mình.

RFABà có hy vọng gì về kết quả cuối cùng của phiên tòa không ?

Petra Schlagenhauf : Tôi không thể hy vọng một phiên tòa công bằng cho Thanh. Nhưng điều mà tôi hy vọng là chính phủ Đức vẫn đàm phán với phía Việt Nam. Tôi biết họ vẫn đàm phán và đợi phía Việt Nam giải quyết vấn đề này. Giải pháp là thân chủ của tôi phải được trả tự do. Tôi không thể nói thay cho chính phủ Đức. Nhưng tôi vẫn làm việc chặt chẽ với phía chính phủ. Chính phủ Đức luôn khẳng định với tôi là Việt Nam biết phải làm gì để giải quyết khủng hoảng ngoại giao với Đức, bao gồm cả giải pháp cho thân chủ của tôi. Tôi không thể đưa thêm thông tin cụ thể về những đàm phán này.

RFACó thông tin một sĩ quan an ninh Việt Nam đã chạy sang Singapore và có thông tin để có thể cung cấp cho phía Đức về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Nếu đúng là như vậy thì theo bà điều này có ý nghĩa gì ? Liệu nó có ảnh hưởng thế nào đến phiên tòa tới ?

Petra Schlagenhauf : Tôi có thấy thông tin này nhưng hiện tôi không thể đưa ra các nhận xét về trường hợp này. Tuy nhiên, chính phủ Đức đã có thông tin về những người liên quan đến vụ bắt cóc. Có thể là nếu người này có thông tin ai là người ra lệnh cho vụ bắt cóc thì điều này sẽ rất đáng chú ý. Điều này là quan trọng đối với phía Đức. Tuy nhiên phía Việt nam chưa bao giờ thừa nhận là họ bắt cóc Thanh trong khi Đức thì luôn nói là Đức có bằng chứng rồi. Đức vẫn nói là vụ bắt cóc đã dẫn đến khủng hoảng ngoại giao và Việt Nam biết rõ họ phải làm gì để giải quyết vấn đề này.

RFAXin cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.

Quay lại trang chủ
Read 626 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)