Lương Tam Quang sẽ thành công trong vụ đổi Trịnh Xuân Thanh lấy Nhàn AIC hay không ?
Bộ trưởng Lương Tam Quang sẽ dẫn đầu phái đoàn cấp cao của Bộ Công an Việt Nam, đi thăm và làm việc ở Cộng hòa Liên bang Đức, kể từ ngày 28/10.
Bộ trưởng Nội vụ và Nội địa Liên bang Đức, bà Nancy Faeser và Bộ trưởng Bộ công an Việt Nam Lương Tam Quang
Một nguồn tin nội bộ của thoibao.de cho biết, mục đích chính của chuyến đi Đức này của ông Quang, là để dẫn độ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn về Việt Nam.
Theo kế hoạch, ngày 28/10, Bộ trưởng Quang sẽ có 2 cuộc gặp và hội đàm, với Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Đức, và với Thứ trưởng phụ trách về an ninh và cảnh sát liên bang, thuộc Bộ Nội vụ Đức.
Khi gặp bà Nancy Faeser – Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức, ông Quang sẽ đề nghị phía Đức hỗ trợ bắt giữ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), để dẫn độ về Việt Nam. Đổi lại, Bộ trưởng Công an Việt Nam cam kết, sẽ trao trả ông Trịnh Xuân Thanh về Đức, theo yêu cầu của Chính phủ Đức trong những năm trước đây.
Được biết, việc đề nghị chính quyền Đức hỗ trợ bắt giữ, và dẫn độ bà Nhàn AIC, nằm trong chương trình tối mật của Bộ Công an. Điều này nhằm phục vụ việc thanh trừng trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam, liên quan đến Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang. Cả 2 nhân vật này vẫn bị cáo buộc có những mối quan hệ mờ ám, cả về tình cảm cũng như tiền bạc, đối với bà Nhàn.
Những thông tin kể trên, có nhiều điểm trùng khớp với bản tin của nhật báo TAZ mới đây, khi nữ nhà báo Đức Marina Mai đề cập đến bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Theo đó, phía Việt Nam sẽ cho phép ông Trịnh Xuân Thanh quay lại Đức, nơi vợ và 3 trong số 5 người con ông đang sinh sống, nếu phía Đức chấp nhận trao trả bà Nhàn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người đã bị Tòa án Việt Nam kết án vắng mặt, với mức án 30 năm, vì cáo buộc tham nhũng và gian lận đấu thầu. Sau khi rời Việt Nam vào năm 2022, bà đã đến sống tại Đức và đang được các lực lượng an ninh Đức bảo vệ chặt chẽ, để tránh nguy cơ bị bắt cóc.
Yêu cầu dẫn độ từ phía Việt Nam đã bị cơ quan tư pháp Đức từ chối, một phần do hậu quả từ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, năm 2017. Ông Trịnh Xuân Thanh sau khi về Việt Nam, đã bị tòa án tuyên 2 bản án tù chung thân, vì tội danh tham nhũng. Bất kể ông Thanh kiên quyết phủ nhận các cáo buộc này, và cho rằng, các bản án mang động cơ chính trị.
Nhật báo TAZ cho biết, vụ án của bà Nhàn cũng có động cơ chính trị, vì có liên quan đến Thủ tướng Phạm Minh Chính. Chính quyền Đức vẫn tỏ ra thận trọng, đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị Việt Nam phức tạp, liên quan đến các đối thủ chính trị của Thủ tướng.
Theo tác giả Maria Mai, phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Đức xác nhận với nhật báo TAZ rằng, cuộc gặp sẽ diễn ra vào thứ hai tới (28/10), và sẽ kéo dài khoảng một giờ, giữa các đại diện của Việt Nam và Quốc vụ khanh Nội vụ Đức, Hans – Georg Engelke. Bộ nội vụ Đức không cung cấp thông tin về nội dung cuộc gặp, mà phía Việt Nam đề nghị.
Tin giờ chót, phía Việt nam đã đưa ra thêm một đề nghị khá hấp dẫn với phía Đức. Đó là, dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam sẽ ưu tiên dành cho Siemens – một Công ty nổi tiếng của Cộng hòa Liên bang Đức, nếu đáp ứng điều kiện trao đổi nói trên.
Liệu phía Đức có đồng ý với thỏa thuận này hay không, vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
Thứ nhất, không phải Bộ Nội vụ Liên bang Đức có thể quyết định, liệu một người có bị dẫn độ sang quốc gia khác hay không, mà việc này thuộc thẩm quyền của Tòa án, và Bộ Tư pháp Liên bang Đức.
Thứ hai, Việt Nam không có một hệ thống tư pháp độc lập – điều mà phía Đức khó có thể chấp nhận.
Trà My
Nguồn : Thoibao.de, 28/10/2024
Tòa Thượng thẩm Berlin, ngày 2/11, bắt đầu xét xử nghi phạm thứ hai trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Người này bị cho đã hỗ trợ và tiếp tay cho việc tước đoạt quyền tự do và hoạt động như một mật vụ.
Phiên tòa xét xử ông Lê Anh Tú hôm 2/11/2022
Bị cáo là ông Lê Anh Tú, 32 tuổi, Ông sinh sống tại thủ đô Prague, Cộng hòa Czech vào thời điểm gây án hồi năm 2017.
Sở dĩ ông Tú bị bắt và xét xử sau khi vụ án xảy ra đã năm năm là vì ông này đã về Việt Nam lẩn trốn ngay sau khi vụ án xảy ra. Khi vừa quay trở lại Prague vào tháng sáu năm nay, ông Tú ngay lập tức bị bắt và dẫn độ sang Đức.
Cáo trạng nêu gì ?
Ông Lê Trung Khoa, một nhà báo có mặt tại phiên tòa xét xử, cho biết phiên xử này sẽ diễn ra trong nhiều ngày, bắt đầu từ ngày 02/11/2022, trải qua bảy ngày xét xử, dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 30/11/2022.
Ông Khoa cho biết, theo cáo trạng, hai tuần trước vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin hồi tháng 7 năm 2017, ông Lê Anh Tú, cùng với một số nghi phạm khác đã mời anh họ của Trịnh Xuân Thanh, sống ở Ba Lan, đến Prague để tìm hiểu về nơi ở cũng như thói quen sinh hoạt của ông Trịnh Xuân Thanh. Ông Tú những ngày sau đó luôn theo dõi các hoạt động của ông Trịnh Xuân Thanh.
Ông Tú bị cho là đã ngồi trong chiếc xe gây án vào ngày 23/7/2017, hỗ trợ cưỡng ép ông Thanh và bạn gái vào chiếc xe bảy chỗ rồi chạy về Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin. Ông Khoa nói :
"Cáo trạng nói rất rõ là ông này trước đó đã đến Đức để theo dõi các nhân vật như cô Phương hay là Trịnh Xuân Thanh. Cuối cùng, đến ngày 23/7, lúc hơn 10 giờ sáng, đã lấy chiếc xe chở mật vụ Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Khanh ngay tại thủ đô Berlin".
Ngoài ra, ông Tú cũng có vai trò trong việc vận chuyển ông Thanh ra khỏi khối Schengen. Theo phía công tố, ông Tú sau đó đã cùng với tám người khác đã lái xe chở Trịnh Xuân Thanh từ Brno, Cộng Hòa Séc đến Bratislava, Slovakia. Từ thủ đô của Slovakia, ông Thanh bị đánh thuốc mê và đưa lên một máy bay của Chính phủ Slovakia tiếp tục đến Moskva, thủ đô nước Nga. Vài ngày sau, Trịnh Xuân Thanh được đưa về Hà Nội.
Ông Khoa còn biết ông Lê Anh Tú từng có tiền sự về hành vi tàng trữ vũ khí trái phép :
"Ông Lê Anh Tú vào năm 2016 từng bị cảnh sát Đức kiểm tra ở khu vực Munich và bắt được ông ta đã mang theo vũ khí không có giấy tờ, và ông ta cũng bị phạt về tội sử dụng, tàng trữ vũ khí không có giấy tờ".
Bà Marina Mai, một nhà báo người Đức, người theo sát vụ án này, trao đổi với RFA qua ứng dụng tin nhắn, cho biết các bằng chứng của Văn phòng Công tố Liên bang là quá nhiều và thuyết phục. Cho nên, tòa đưa ra thoả thuận rằng nếu ông Lê Anh Tú nếu nhận tội theo cáo trạng thì sẽ được giảm án mà không cần phải thêm nhiều phiên xét xử sau nữa. Mức án dự kiến là từ bốn năm sáu tháng đến năm năm tù.
Ông Tú và phía luật sư của ông này sẽ đưa ra quyết định có nhận tội hay không vào phiên xét xử sau. Tuy nhiên, trong phiên tòa lần này, ông Tú khẳng định mình không liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và người tình. Bà Marina cho biết :
"Trong trường hợp lời thú tội đi chệch khỏi bản cáo trạng, Văn phòng Công tố Liên bang sẽ không chấp nhận thỏa thuận này. Vì vậy, có thể sẽ mất vài tuần hoặc vài tháng để xem xét về các bằng chứng".
Hồi 25/7/2018, một người khác bị cáo buộc trợ giúp cho mật vụ Việt Nam bắt cóc cựu lãnh đạo ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh, đã bị Tòa án Đức tuyên án ba năm mười tháng tù giam. Đó là ông Nguyễn Hải Long. Trước đó vào ngày 24/7, Công tố Liên Bang Đức đã đề nghị mức án bốn năm tù với bị cáo Nguyễn Hải Long. Ông này bị cáo buộc hai tội là tham gia hỗ trợ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và hoạt động gián điệp trên đất Đức.
Nhà báo Lê Trung Khoa lúc đó cho biết luật sư đại diện của ông Nguyễn Hải Long đã đề nghị một mức án ba năm sáu tháng sau khi xem xét các tình tiết như việc bị cáo nhận tội và điều kiện gia đình có vợ và con nhỏ ở Cộng hòa Séc và mẹ già ở Việt Nam.
Vào ngày 17/7, bị cáo Nguyễn Hải Long đã bất ngờ nhận tội trước tòa là có tham gia giúp đỡ mật vụ Việt Nam trong việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ; dù trước đó, bị cáo này luôn khẳng định mình không biết gì về vụ bắt cóc.
Bị cáo Nguyễn Hải Long sinh sống tại Cộng hòa Séc và có một cửa hàng chuyên về dịch vụ đổi tiền, chuyển tiền trong chợ Sapa. Theo điều tra của cảnh sát Đức, ông Nguyễn Hải Long đã nhận thuê xe cho mật vụ Việt Nam để chở Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin hôm 23/7/2017.
Dấu hiệu Trịnh Xuân Thanh sắp được sang Đức ?
Mạng báo Taz của Đức, khi đưa tin về phiên tòa này có cập nhật thêm về tình hình của ông Trịnh Xuân Thanh hiện nay. Theo đó, ông Trịnh Xuân Thanh cuối cùng cũng được phép gặp Đại sứ quán Đức, sau hơn năm năm tù. Bộ Ngoại giao Liên bang Đức trong những năm qua luôn cố gắng để được thăm gặp ông Thanh, nhưng phía Việt Nam luôn từ chối.
Cũng theo tờ báo này, Hiện không rõ liệu chuyến thăm của Đại sứ quán có đồng nghĩa với việc Trịnh Xuân Thanh sẽ sớm được sang Đức, nơi mà ông Thanh đã được quy chế tị nạn hay không. Tuy nhiên, theo thông lệ nước Đức, trước khi một người được mãn hạn tù ở nước ngoài sẽ được Đại sứ quán đến thăm.
Ngoài ra, việc Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp người đồng cấp của Đức, bà Annalena Baerbock hồi tháng Chín cũng là một chỉ dấu cho thấy việc Trịnh Xuân Thanh ra tù ít nhất đã được hai bên thảo luận, tờ báo Taz nhận định.
Ông Trịnh Xuân Thanh giữ chức Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, trước khi bị khởi tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" vào năm 2016. Tuy nhiên, thời điểm đó ông đã bỏ trốn và xin tị nạn tại nước Đức.
Tháng 7/2017, Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam tổ chức bắt cóc ngay giữa thủ đô Berlin của Đức. Tháng 8/2017, ông Thanh xuất hiện trên VTV Đài truyền hình quốc gia Việt Nam nói rằng mình về Việt Nam để đầu thú và "nhận khuyết điểm, xin lỗi", mong được "hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật".
Cả ông Trịnh Xuân Thanh và các cơ quan hữu trách Việt Nam đến nay chưa đề cập đến việc ông Thanh từ Đức về Việt Nam "đầu thú" bằng con đường nào.
Nguồn : RFA, 03/11/2022
Hiếu Bá Linh, VNTB, 03/06/2022
Nghi can Lê Tú Anh được cho là người lái chiếc xe bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Ảnh ghép Trịnh Xuân Thanh và Trung tướng Đường Minh Hưng (phải)
Công dân Việt Nam Lê Tú Anh bị bắt tại thủ đô Praha của Cộng hòa Czech vào ngày 15/04/2022 theo lệnh truy nã châu Âu ra ngày 11/06/2019 cũng như lệnh truy nã của Cộng hòa Liên bang Đức ra ngày 02/11/2017 và hiện đã bị dẫn độ sang Đức hôm qua thứ Tư ngày 01/06/2022.
Lê Tú Anh bị cáo buộc hoạt động gián điệp, theo dõi và được sử dụng làm tài xế cho các hoạt động bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Đây là các hoạt động ở cấp thấp trong hệ thống mật vụ Việt Nam.
Sau 11 tháng đến Đức xin tỵ nạn, Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc tại Berlin ngày 23/07/2017 cùng với người tình Đỗ Thị Minh Phương đến từ Việt Nam.
Việc tổ chức vụ bắt cóc được cho là nằm trong tay của Phó Cục trưởng Cục Tình báo Việt Nam Đường Minh Hưng, người đã từ Việt Nam đến Berlin vào thời điểm đó, và cánh tay phải của ông là các sĩ quan tình báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức.
Lê Tú Anh sinh sống tại Cộng hòa Czech và bị lệnh bắt giam từ đầu tháng 11 năm 2017, nhưng đã kịp thời trốn về Việt Nam giống như Đào Quốc Oai. Khi đó, đồng bọn là Nguyễn Hải Long ở lại, sau đó bị bắt và bị Tòa thượng thẩm Berlin kết án 3 năm 10 tháng tù hồi năm 2018.
Gần 5 năm sau khi gây án, Lê Tú Anh, người hiện đã bị bắt, có lẽ cảm thấy tình hình đã an toàn nên anh ta đã tự ý quay trở lại Praha, nơi sinh sống trước khi gây án.
Lê Tú Anh là nghi can lái chiếc xe bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
Ngày 18/07/2017 Nguyễn Hải Long đi thuê một chiếc xe BMW X5 tại Thủ đô Praha của Cộng hòa Czech và giao xe này cho Lê Tú Anh lái sang Berlin cùng với Đào Quốc Oai (cũng là người sinh sống tại Cộng hòa Czech). Sau khi đến Berlin, cả hai đã chạy đến khách sạn "Berlin Berlin" để gặp Trung tướng Đường Minh Hưng và hai trợ lý của ông đang ở khách sạn này từ ngày 16/07/2017.
Khách sạn "Berlin Berlin" thuận lợi cho việc giám sát theo dõi vì nằm rất gần khách sạn Sheraton, nơi Đỗ Thị Minh Phương và Trịnh Xuân Thanh hẹn hò gặp nhau từ ngày 19/07/2017.
Ngày 19/07/2017 Lê Tú Anh đã lái xe BMW X5 chở Trung tướng Đường Minh Hưng và những người kể trên đến sân bay Tegel của Berlin để chờ máy bay của Đỗ Thị Minh Phương đáp. Sau khi nhìn thấy Đỗ Thị Minh Phương rời phi trường và dùng Taxi đi về khách sạn Sheraton, thì Lê Tú Anh lái xe BMW X5 bám sát phía sau, nhóm bắt cóc đã theo dõi cặp tình nhân Trịnh Xuân Thanh – Đỗ Thị Minh Phương trong mọi chuyển động của hai người này suốt ngày đêm.
Ngày 20/07/2017 Nguyễn Hải Long đi thuê chiếc xe thứ hai hiệu Volkswagen Multivan T5 và lái sang Berlin. Sau khi đến Berlin, Nguyễn Hải Long đi đến khách sạn "Berlin Berlin" và đã có cuộc gặp ngắn giữa Nguyễn Hải Long, Trung tướng Đường Minh Hưng, Lê Anh Tú và Đào Quốc Oai.
Ngày 21/07/2017 Đại tá tình báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức Nguyễn Đức Thoa đã đến khách sạn Syller Hof để hỏi đặt 2 phòng. Sau khi đặt phòng, tướng Đường Minh Hưng dọn vào khách sạn này và chỉ thị cho Nguyễn Hải Long và Đào Quốc Oai lái chiếc xe BMW X5 trở lại Praha và ngày hôm sau Long mang xe này trả lại chỗ thuê xe.
Ngày 23/07/2017 tướng Đường Minh Hưng đã rời khách sạn Syller Hof từ sáng sớm. Cuộc bắt cóc đã diễn ra vào lúc 10 giờ 47 phút khi cặp tình nhân đang đi dạo trong công viên Tiergarten giữa trung tâm Berlin. Nhóm bắt cóc đã dùng bạo lực bắt giữ và khiêng Trịnh Xuân Thanh, Đỗ Thị Minh Phương vào trong xe Volkswagen Multivan T5 và chạy vào trong Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin. Và nghi can Lê Tú Anh được cho là người lái chiếc Volkswagen này mang bản số xe của Cộng hòa Czech.
Theo bộ luật hình sự Đức StGB, với tội trạng hoạt động gián điệp và tiếp tay cưỡng đoạt tự do, nghi can Lê Tú Anh có thể bị kết án lên đến mức 10 năm tù.
Hiếu Bá Linh
Nguồn : VNTB, 03/06/2022
Tham khảo :
https://www.presseportal.de/blaulicht/pm/14981/5238335
https://taz.de/Verschleppung-von-Trinh-Xuan-Thanh/!5858850/
********************
BBC, 03/06/2022
Năm năm sau cáo buộc Việt Nam "bắt cóc" Trịnh Xuân Thanh ngay ở Berlin, chính phủ Đức vẫn đang điều tra và truy nã những nghi phạm liên quan.
Trịnh Xuân Thanh - Ảnh minh họa
Văn phòng công tố liên bang Đức hôm 2/6 tuyên bố một người đàn ông Việt Nam đã bị Cộng hòa Czech cho dẫn độ sang Đức để Đức điều tra cáo buộc tham gia vụ "bắt cóc" Trịnh Xuân Thanh.
Chính phủ Đức khẳng định, sau 11 tháng đến Đức xin tỵ nạn, Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc tại Berlin ngày 23/7/2017 để đưa về Việt Nam.
Việt Nam cũng luôn khẳng định Trịnh Xuân Thanh đã "đầu thú" để về quy án tại Việt Nam.
Sau khi bị đưa về Việt Nam, ông Trịnh Xuân Thanh đã nhiều lần phải ra tòa, nhận hai án chung thân.
Hôm 2/6, công tố viên tại Đức tiết lộ một người đàn ông Việt Nam, mà Đức chỉ nêu tên là Anh TL, đã được đưa đến Đức từ Cộng hòa Czech sau khi ông ta bị giam giữ ở Prague vào tháng Tư, theo lệnh bắt giữ của Đức và Châu Âu.
Cộng hòa Czech giao người này cho Đức vào ngày 1/6.
Nghi can Anh TL phải đối mặt với những cáo buộc gồm hoạt động gián điệp, giúp đỡ và hỗ trợ việc tước đoạt tự do của người khác.
"Vụ bắt cóc được thực hiện bởi các thành viên của cơ quan mật vụ Việt Nam và các nhân viên của đại sứ quán Việt Nam tại Berlin cũng như một số công dân Việt Nam sống ở Châu Âu, trong số đó có Anh TL," thông cáo từ phía công tố viên Đức cho báo chí biết ngày 2/6.
Ông Trịnh Xuân Thanh đã 'ra đầu thú' và có đơn 'tự thú' trước chính quyền Việt Nam, theo truyền thông nhà nước.
Nghi can Anh TL "đã tham gia vào việc thực hiện các hoạt động, theo dõi nạn nhân và điều khiển các phương tiện được sử dụng trong điệp vụ", công tố viên cho biết.
Nhắc lại, một năm sau vụ "bắt cóc" Trịnh Xuân Thanh, công dân Việt Nam có tên Long N.H. bị tòa Berlin kết án ba năm 10 tháng tù tội danh hoạt động gián điệp và hỗ trợ công an Việt Nam đột nhập lãnh thổ Đức để bắt cóc người.
Thông cáo của văn phòng công tố Đức ngày 2/6
Tối ngày 3/8/2017, trên chương trình thời sự 19h của VTV1, ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện.
Trên VTV1 tối đó, ông Thanh nói : "Tôi thấy lo sợ trước kết luận về vi phạm của tôi và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC. Do lo sợ, suy nghĩ không hết, tôi đã quyết định trốn tại Đức".
"Trong thời gian này cuộc sống trốn tránh, bấp bênh luôn lo sợ. Được sự động viên của gia đình, bạn bè, tôi đã về Việt Nam và ra đầu thú tại cơ quan an ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật".
"Tôi thấy cần phải về đối diện với sự thật. Thứ hai là cần về gặp lại mọi người đặc biệt là những lãnh đạo để báo cáo nhận khuyết điểm, xin lỗi", ông Trịnh Xuân Thanh nói.
Trước đó, ngày 15/9/2016 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an Việt Nam ra quyết định khởi tố vụ án hình sự : Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại điều 165 Bộ luật Hình sự đồng thời ra lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.
Tuy nhiên ông Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn.
Ông Trịnh Xuân Thanh có trình độ Đại học kiến trúc, Kỹ sư Quy hoạch đô thị, ngoại ngữ tiếng Nga.
Sinh năm 1966 ở Hà Nội, ông Thanh nguyên là Chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tổng công ty PVC).
Đầu tháng 6/2016, ông Trịnh Xuân Thanh, khi đó đang là Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, được dư luận quan tâm khi báo chí thông tin về việc ông được đưa đón bằng xe tư nhân Lexus LX570 giá 5 tỷ đồng, nhưng gắn biển xanh. Báo chí khi đó cũng nhắc lại tình trạng thua lỗ nặng ở Tổng công ty PVC.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó giao 9 cơ quan kiểm tra, kết luận những nội dung mà báo chí nói về ông Thanh.
Trước khi bỏ trốn, ông Thanh sống tại khu đô thị Nam Thăng Long (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ).
Theo cáo buộc của Việt Nam, giai đoạn 2011-2013, ông Thanh cùng lãnh đạo PVC gây thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng.
Hãng tin Đức DW ngày 2/6 cho biết : "Chính phủ Đức coi vụ bắt cóc là xâm phạm chủ quyền quốc gia. Đức cũng từng trục xuất hai nhà ngoại giao Việt Nam vì vụ bắt cóc và bày tỏ phản đối với đại sứ Việt Nam".
Thông cáo của văn phòng công tố liên bang Đức ngày 2/6 nói : "Vào ngày 23 tháng 7 năm 2017, Trịnh Xuân Thanh quốc tịch Việt Nam và người bạn của ông ta đã bị cưỡng bức kéo vào một chiếc xe tải trên đường phố ở Berlin như một phần của chiến dịch của cơ quan mật vụ Việt Nam và sau đó đưa về Việt Nam trái với ý muốn của ông ta".
"Vụ bắt cóc được thực hiện bởi các nhân viên của cơ quan mật vụ Việt Nam và các viên chức của đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, cũng như một số công dân Việt Nam sống ở Châu Âu, bao gồm cả các chiếc xe mà Anh TL sử dụng trong chiến dịch này," công tố viên Đức nói.
Sáng 8/1/2018, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Cùng ra tòa lúc đó có cả cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng (sinh năm 1960, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN).
Kết quả, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, vào sáng 22/1, đã tuyên phạt ông Đinh La Thăng 13 năm tù về tội Cố ý làm trái, ông Trịnh Xuân Thanh tù chung thân về hai tội tham ô và cố ý làm trái.
Đến sáng 24/1/2018, ông Trịnh Xuân Thanh tiếp tục phải hầu tòa trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land).
Tòa án Hà Nội, vào sáng 5/2/2018, tuyên án ông Trịnh Xuân Thanh mức án tù chung thân vì vụ án ở PVP Land.
Đến tháng Ba năm 2021, ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh lại tiếp tục phải ra tòa trong vụ án xảy ra tại dự án Ethanol Phú Thọ.
Báo Thanh Niên ngày 10/3/2021 dẫn lời ông Trịnh Xuân Thanh ở tòa : "Tôi có 3 năm rưỡi ngồi trong nhà tù, nghĩ mãi không biết vì sao vụ án này lại được đưa ra xét xử, đặc biệt là với nhà thầu chúng tôi. Rõ ràng đây là dự án thua lỗ do không đủ tiền".
"Tôi nhớ năm 2013, tôi bắt đầu không điều hành nữa nhưng có công văn dừng thi công thì chủ đầu tư phải làm việc với nhà thầu để quyết toán, thanh lý, bồi thường hợp đồng… Tiền lãi vay các ông phải trả sao lại đổ cho nhà thầu chúng tôi. Rồi kéo dài đến năm 2019, khởi tố vụ án rồi bắt đền chúng tôi là không đúng. Chủ đầu tư phải có trách nhiệm từ khi PVC có văn bản dừng thi công...".
Ngày 12/3, tại tòa, theo báo Tuổi Trẻ, ông Xuân Thanh nói : "Tôi đã lãnh án chung thân rồi, bây giờ nhận thêm chục năm nữa cũng không là gì nhưng những đồng nghiệp, cấp dưới của tôi không làm gì sai sao phải ra tòa ?"
Chiều 15/3/2021, tòa án ở Hà Nội tuyên bị cáo Đinh La Thăng 11 năm tù, Trịnh Xuân Thanh 18 năm tù, vì vụ án xảy ra tại dự án Ethanol Phú Thọ.
********************
Trọng Thành, RFI, 03/06/2022
Cộng hòa Czech đã giao nộp tư pháp Đức một nghi phạm có tham gia vào vụ an ninh Việt Nam bắt cóc cựu quan chức Trịnh Xuân Thanh năm 2017.
Ảnh tư liệu : Ông Trịnh Xuân Thanh thời còn tị nạn ở Đức trước khi bị bắt cóc. Ảnh khôn ghi ngày, được công bố hôm 02/08/2017. dpa/AFP
Theo AFP, cơ quan công tố liên bang Đức ra thông báo hôm qua, 02/06/2022, cho biết nghi phạm Anh T. L. đã bị cảnh sát Cộng hòa Czech câu lưu ngày 15/04/2022 tại Praha. Nghi phạm được giao cho Đức, là nơi đã phát lệnh truy nã. Theo cơ quan công tố liên bang Đức, vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đã có sự tham gia của các nhân viên an ninh đến từ Việt Nam và nhân viên sứ quán Việt Nam tại Châu Âu. Nghi phạm Anh T. L. bị nghi ngờ đã tham gia vào việc lấy thông tin về các nạn nhân, và làm tài xế cho một số phương tiện trong quá trình diễn ra chiến dịch bắt cóc.
Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên lãnh đạo tỉnh, cựu lãnh đạo tập đoàn dầu khí PVC, vốn bị chính quyền Việt Nam phát lệnh truy nã năm 2016, do một số cáo buộc tham nhũng. Ông Trịnh Xuân Thanh, bị chính quyền Hà Nội tố cáo biển thủ số tiền tương đương 120 triệu euro, đã bỏ trốn và có ý định xin tị nạn tại Đức.
Ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc cùng với người tình ngày 23/07/2017, ngay giữa ban ngày tại một công viên nổi tiếng ở thủ đô Berlin. Người bị bắt cóc sau đó được đưa đến đại sứ quán Việt Nam tại Đức, trước khi được áp tải qua Bratislava, Moskva, trước khi trở về Hà Nội. Vụ bắt cóc cựu quan chức Trịnh Xuân Thanh, ngay giữa Châu Âu gây chấn động.
Vụ bắt cóc gây khủng hoảng ngoại giao trong quan hệ Việt – Đức. Berlin lên án Hà Nội "xâm phạm" nghiêm trọng chủ quyền. Để trả đũa Đức, đã trục xuất hai nhà ngoại giao Việt Nam, và nhiều lần triệu đại sứ Việt Nam. Trong vụ án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, một người Việt đã bị kết án gần 4 năm tù tại Đức, hồi 2018.
Trọng Thành
RFA, 02/06/2022
Một nghi phạm trong vụ bắt cóc cựu quan chức dầu khí Việt Nam Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin hồi năm 2017 đã bị dẫn độ sang Đức từ Cộng Hòa Czech.
AFP
Reuters loan tin ngày 2/6 dẫn thông báo của Văn phòng Công tố Liên bang Đức như vừa nêu.
Nghi phạm mang quốc tịch Việt Nam với tên Anh T.L. được trao cho cơ quan chức năng Đức vào ngày thứ tư 1/6 sau khi bị bắt tại Prague hồi tháng tư vừa qua.
Người này phải đối mặt với những cáo buộc gồm hoạt động gián điệp, giúp đỡ và hỗ trợ việc tước đoạt tự do của người khác.
Vào ngày 23/7/2017, cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh của Việt Nam bị bắt rồi tống vào một chiếc xe van ngay trên đường phố Berlin cùng với một phụ nữ khác. Sau đó ông bị đưa về Việt Nam và phải ra tòa với bản án chung thân.
Ông Trịnh Xuân Thanh bị tòa án ở Hà Nội cáo buộc gây thất thoát tài sản Nhà nước và quản lý kém tại Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Xây lắp Dầu khí Việt Nam (JSC). Vào thời điểm bị bắt cóc, ông Thanh đang xin quy chế tỵ nạn ở Đức. Vụ bắt cóc này khiến quan hệ song phương Đức- Việt trở nên căng thẳng.
Một năm sau vụ bắt cóc, công dân Việt Nam có tên Long N.H. bị tòa Berlin kết án ba năm 10 tháng tù tội danh hoạt động gián điệp và hỗ trợ mật vụ Việt Nam đột nhập lãnh thổ Đức để bắt cóc người.
Hôm 25/4/2018, tòa án ở Berlin tiếp tục ngày thứ hai, phiên xử nghi phạm vụ 'bắt cóc Trịnh Xuân Thanh', với bị cáo là ông Long N. H., 47 tuổi, người mang quốc tịch Việt Nam và quốc tịch Czech, thường trú tại Czech trước khi bị bắt và dẫn độ về Đức, 8/2017.
Trong buổi sáng ngày thứ hai, tòa thẩm vấn ba nhân chứng, những người khai đã chứng kiến trực tiếp vụ bắt cóc hôm 23/7/2017 tại Berlin
Bị cáo Long N. H. bị cáo buộc hai tội danh, gồm tội hoạt động gián điệp cho nước ngoài trên lãnh thổ Đức, và tội hỗ trợ cho vụ bắt cóc nghiêm trọng, tức là vụ bắt cóc có thời gian thực hiện trên một tuần, luật sư Petra Schlagenhauf đại diện cho ông Trịnh Xuân Thanh tại tòa, cho BBC biết.
Trong buổi sáng thứ Tư, tòa tiến hành thẩm vấn ba nhân chứng, gồm một người Pháp, trình bày qua phiên dịch, một người Đức, và một người Thổ Nhĩ Kỳ nói tiếng Đức rất tốt.
Những người này đã trình báo với giới chức rằng họ trực tiếp chứng kiến những gì diễn ra tại vườn thú Berlin hôm 23/7/2017.
Hôm nay, họ ra khai báo trước tòa với tư cách nhân chứng.
Có mặt tại chỗ theo dõi phiên xử, nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng cho BBC biết nhân chứng người Thổ Nhĩ Kỳ khai trước tòa rằng khi nhìn thấy những gì xảy ra, ông đã đề nghị người bạn đang đi cùng quay xe đuổi theo chiếc xe van bắt người "cho đến cổng thành Brandenburger Tor thì không theo được nữa".
Người này sau đó đã báo cho cảnh sát, và trong quá trình theo dõi lâu như vậy, nhân chứng đã "nhớ được cả biển số xe, mác xe", nhà báo Lê Mạnh Hùng nói.
Thẩm vấn nhân chứng
Trong phiên tòa sáng nay, tên của tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Việt Nam được nhắc tới nhiều lần.
"Các nhân chứng được tòa hỏi là họ có quen biết, hay có mối quan hệ gì với bị cáo, với một người đàn ông được hiện đang bỏ trốn, hay với vị tướng Việt Nam được tòa nêu tên hay không, nhằm đảm bảo tính khách quan trong lời khai", nhà báo Lê Mạnh Hùng nói.
Bị cáo Long N. H và luật sư biện hộ trong phiên xử 25/4/2018
"Theo tôi, đó là thủ tục thẩm vấn thông thường, nhưng cũng cho thấy tính khách quan và nghiêm ngặt của tòa".
"Cả bên công tố, bên tòa án và bên bào chữa cho bị cáo Long đều thẩm vấn, kiểm tra chéo rất kỹ các nhân chứng này".
"Bản thân họ khi khai các chi tiết, thì đúng là bởi từ lúc sự việc xảy ra tới nay đã là một thời gian dài, nên họ miêu tả cũng có một chút khác nhau".
"Những điểm khác nhau như thế đều bị bà chủ tọa hỏi xoáy rất kỹ".
"Luật sư của bị cáo Long cũng đưa ra nhiều câu hỏi để thách thức độ đáng tin cậy của các nhân chứng này".
"Điều khiến tôi ngạc nhiên là sau mỗi lần nhân chứng phát biểu, bà quan tòa đều mời tất cả các nhân chứng, luật sư, công tố, lên để bà cho xem chứng cứ, tài liệu bà có trong tay".
"Các nhân chứng được cho phép nhận diện những người có trong một xấp ảnh mà bà chủ tọa đưa ra, rất nhiều, gồm ảnh những người được cho là có liên quan tới vụ này".
Được biết trong phiên tòa hôm nay có sự hiện diện của hai nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin. Đại diện của phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Berlin cũng có mặt.
Tuy nhiên, không rõ có ai là người đại diện cho cơ quan ngoại giao Việt Nam từ Cộng hòa Czech, hoặc đại diện từ Việt Nam tới dự hay không, nhà báo Lê Mạnh Hùng nói.
Trong phiên xử hôm qua, ngày đầu tiên tòa khai mạc, các đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cũng có mặt, nhưng "theo tôi biết thì không có ai từ văn phòng lãnh sự của Việt Nam tại Czech hoặc từ nơi khác tới", luật sư Petra Schalagenhauf nói với BBC.
'Bị cáo bình tĩnh, trầm lặng'
Bị cáo Long N. H bị cơ quan công tố Đức cáo buộc các tội danh hoạt động gián điệp và hỗ trợ vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh
Trong suốt quá trình tòa thẩm vấn nhân chứng, bị cáo Long 'hoàn toàn giữ im lặng', nhà báo Lê Mạnh Hùng cho biết.
"Ông ấy chỉ làm theo những gì nhân viên tòa án yêu cầu và không có ý kiến gì mỗi khi được tòa hỏi".
"Bị cáo giữ thái độ bình thường, không tỏ vẻ hốt hoảng, lo lắng gì. Ông tỏ ra rất trầm lặng".
Trước đó, ông Long được trông đợi sẽ đưa ra lời tuyên bố của mình trong ngày xét xử đầu tiên.
Tuy nhiên, việc đó đã không diễn ra.
Hôm thứ Ba 24/4, luật sư Stephan Bonell biện hộ cho ông Long tuyên bố rằng việc buộc tội thân chủ ông "cần phải được đặt trong bối cảnh chính trị".
Ông chỉ trích chính phủ Đức về việc không cân nhắc các cáo buộc của Việt Nam theo đó nói ông Trịnh Xuân Thanh tham nhũng, cũng như yêu cầu của Hà Nội đòi Berlin trục xuất ông Thanh.
Điều đó khiến Việt Nam, luật sư Bonell lập luận, không còn cách nào khác ngoài việc phải tiến hành vụ bắt cóc, từ đó dẫn đến những việc rắc rối khác.
Luật sư Bonell cũng tuyên bố có thể sẽ cân nhắc việc nộp đơn yêu cầu Thủ tướng Đức Angela Merkel ra làm nhân chứng liên quan tới các vấn đề trên.
Ông Stephan Bonell là luật sư biện hộ cho ông Long trước tòa án Đức
Trong phần nội dung cáo trạng được công bố trước tòa trong hôm qua, nhiều cái tên được nêu ra, mà cơ quan công tố Đức nói là có liên quan tới vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
BBC được biết những người bị nêu đích danh có ba người được xác định là thuộc cơ quan an ninh Việt Nam, gồm Trung tướng Đường Minh Hưng cùng các ông Le Anh Tu và Vu Quang Dung.
Một người nữa cũng thuộc cơ quan an ninh nhưng được hưởng quy chế ngoại giao là ông Nguyễn Đức Thoa, đại diện Cục tình báo tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin, bị Đức tuyên bố là người không được hoan nghênh (persona non-grata) và bị buộc phải rời Đức sau khi xảy ra vụ bắt cóc.
Ngoài ra, có một người Việt sống tại Prague, Cộng hòa Czech, Dao Quoc Oai, được nêu tên trong cáo trạng.
Có một số người khác được nhắc tới trong hồ sơ, nhưng không xuất hiện trong nội dung cáo trạng đọc trước tòa trong ngày đầu tiêTrong số họ này, BBC được biết có vợ của tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin, người cũng đồng thời là nhân viên làm việc tại cơ quan đại diện ngoại giao này, và một viên chức lãnh sự.
Hai phụ nữ này được cho là đã tham gia vào các hoạt động sau khi xảy ra vụ bắt cóc nhằm "đưa cô Thi Minh P. D. [người bị bắt cùng ông Trịnh Xuân Thanh] về Việt Nam", hồ sơ vụ án nói.
Một người khác cũng được nhắc tới trong hồ sơ vụ án là một trong hai người đi cùng chuyến bay đưa cô Thi Minh P. D. về Việt Nam. Chuyến bay diễn ra ngay vào tối Chủ Nhật 23/7/2017, là ngày diễn ra vụ bắt cóc, qua ngả Bắc Kinh. Người này đã bị Đức tuyên bố là người không được hoan nghênh trong tháng 9/2017.
Một người nữa, bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, được xác định là đã tới lấy hành lý của cô Thi Minh P. D. tại khách sạn, sau khi xảy ra vụ bắt cóc.
Ngoài ra, còn có một số người Việt khác nữa chưa được xác định danh tính, bị cho là đã tham gia vào vụ bắt cóc.
Phiên tòa theo kế hoạch sẽ diễn ra trong 21 ngày không liên tục, từ 24/4 đến cuối tháng 8/2018.
Nguồn : BBC, 25/04/2018
********************
Đức 'điều tra tướng công an Việt Nam về vụ bắt cóc ở Berlin'
BBC, 14/03/2018
Truyền thông Đức, gồm cả đài phát thanh quốc tế Deutsche Welle, đưa tin cơ quan công tố liên bang Đức đang tiến hành điều tra một Phó Tổng cục trưởng An ninh, Bộ Công an Việt Nam, người bị cho là đóng vai trò trong vụ 'bắt cóc ở Berlin' hồi tháng Bảy năm ngoái.
Phía công tố Đức từ chối bình luận với báo chí.
Tòa Đại sứ Việt Nam ở Berlin được báo chí nước này chú ý đến sau vụ Trịnh Xuân Thanh
Trong khi đó, bà Petra Isabel Schlagenhauf, luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức, nói với BBC rằng cuộc điều tra của cơ quan công tố Đức nhằm vào Trung tướng Đường Minh Hưng 'và những người khác trong vụ bắt cóc thân chủ tôi'.
Theo luật Đức, giới chức sau khi ra cáo trạng sẽ phải chuyển tài liệu này tới cho người bị cáo buộc và luật sư bảo vệ của họ, bà luật sư Petra Schlagenhauf nói.
Bên bị cáo buộc sẽ có một thời gian để nêu quan điểm và cung cấp bằng chứng phản bác.
Sau đó, tòa sẽ tuyên bố mở phiên xét xử và định ngày để nghe lập luận của các bên, bà Schlagenhauf giải thích.
Khác với hai nhà ngoại giao Việt Nam đã bị phía Đức trục xuất trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, bà Schlagenhauf nói rằng về mặt lý thuyết, Đức có thể đòi dẫn độ ông Đường Minh Hưng, người đã rời Berlin về Việt Nam ngay sau vụ bắt cóc.
Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức, bà Petra Isabel Schlagenhauf
Lý do, bà nói, là bởi cảnh sát Đức đã "có đủ bằng chứng cho thấy sự can dự của ông ta trong vụ bắt cóc", và bởi "ông Hưng không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao tại Đức như những người khác tuy cũng tham gia nhưng lại làm việc cho Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin".
Tuy nhiên, trên thực tế, bà nói bà không chắc cơ quan công tố Đức có cân nhắc tới khả năng đòi dẫn độ hay không, bởi "Việt Nam sẽ không bao giờ chấp nhận yêu cầu dẫn độ đối với ông Hưng".
"Giữa Việt Nam và Đức chưa có hiệp định tương trợ tư pháp về dẫn độ, cũng chưa có thỏa thuận nào ở cấp thấp hơn về việc dẫn độ".
"Hơn nữa, cũng nên lưu ý rằng mọi yêu cầu dẫn độ đều là quyết định chính trị", bà Schlagenhauf nói và từ chối bình luận thêm về chủ đề này.
Ông Hưng được cho là đã có mặt ở Berlin một thời gian trong tháng Bảy.
Nay, cơ quan điều tra của Đức tin rằng ông Hưng đã trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc, theo báo chí Đức.
Truyền thông Đức, như các trang Süddeutsche Zeitung, và Zeit.de, trích dẫn nội dung cáo trạng đối với ông Nguyễn Hải Long, cho đến nay là người Việt duy nhất bị giới chức Đức truy tố liên quan tới vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, theo đó nói ông Đường Minh Hưng tới Berlin vào thời điểm một tuần trước khi xảy ra vụ bắt cóc.
Ông Hưng đã ở tại khách sạn "Berlin, Berlin" và đã gặp gỡ với đầu mối của cơ quan tình báo tại Tòa Đại sứ Việt Nam.
Báo Tagesschau nói rằng trong tài liệu dày 90 trang của các nhà điều tra Đức, vai trò của ông Hưng và Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin nay được thể hiện rõ ràng.
Ông Hưng đã gọi hơn 100 cuộc điện thoại di động và gửi các tin nhắn cho những đối tượng khác cùng tham gia vụ bắt cóc để điều phối hoạt động.
Tagesschau nói rằng trong một tài liệu dày 90 trang của các nhà điều tra Đức, vai trò của ông Hưng và Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin nay đã được thể hiện rõ ràng
Chỉ hai ngày trước vụ bắt cóc hôm 23/7, ông Hưng đã chuyển chỗ ở, tới khách sạn "Sylter Hof", và từ phòng khách sạn này ông đã "điều hành vụ bắt người".
Ông Hưng "hầu như không rời khỏi phòng cho tới khi xảy ra vụ bắt cóc".
Đối tượng bị bắt cóc đã "ngay lập tức được đưa tới Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin-Treptow và từ đó được đưa về Việt Nam bằng một ngả nào đó không rõ", Süddeutsche Zeitung tường thuật.
Chính phủ Việt Nam chưa có phản ứng gì về những cáo buộc mới nhất trên truyền thông Đức.
Báo Süddeutsche Zeitung bình luận rằng vụ điều tra mới nhất này cho thấy câu chuyện Trịnh Xuân Thanh đã được đẩy lên một tầm mức chính trị cao hơn.
Sau diễn biến mà phía Đức nói là ông Trịnh Xuân Thanh bị dùng vũ lực bắt đi tại một công viên ở trung tâm Berlin, chính quyền của bà Merkel lên án Việt Nam vi phạm luật quốc tế và chủ quyền của Đức.
Một nhân viên tình báo và một nhà ngoại giao làm việc tại Tòa Đại sứ Việt Nam ở Berlin sau đó đã bị trục xuất.
Đức cũng đòi Việt Nam phải xin lỗi, nhưng yêu cầu này không được Hà Nội đáp ứng.
Vụ việc khiến cho quan hệ song phương giữa hai nước ảnh hưởng nặng nề.
Hôm 22/9, Đức tuyên bố "tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược" với Việt Nam.
Trước đó, lễ kỷ niệm quốc khánh Việt Nam, được tổ chức hôm 31/8/2017 đã không có mặt bất kỳ vị khách Đức nào, trong khi sự kiện tương tự trước đó một năm từng đón tới 400 khách Đức và quốc tế.
Đức cũng đã tạm dừng chế độ cho phép quan chức cao cấp Việt Nam mang hộ chiếu ngoại giao nhập cảnh Đức không cần visa.
Tuy nhiên, cho đến nay, mới chỉ một người Việt bị tạm giam tại Đức liên quan tới vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
Ông Nguyễn Hải Long, đã sinh sống tại Cộng hòa Czech nhiều năm, được cho là đã lái chiếc xe trong vụ bắt cóc.
Trang Zeit.de của Đức có bài dài về vụ 'bắt cóc' ông Trịnh Xuân Thanh từ Berlin đem về Hà Nội
Cơ quan công tố Đức hồi tuần trước buộc tội ông này làm gián điệp và tước đoạt quyền tự do của người khác.
Tuy nhiên, ông Long nói ông vô tội, trong lúc luật sư đại diện nói ông bị 'thí chốt'.
Bà Petra Isabel Schlagenhauf cho BBC biết phiên tòa đối với ông Nguyễn Hải Long có thể sẽ bắt đầu vào cuối tháng Tư 2018 tại Berlin
Bình luận về câu chuyện, một nhà báo tại Berlin cho BBC hay, "báo chí Đức đã đăng tin rộng rãi diễn biến này vốn đã và vẫn tiếp tục là đề tài gây khó khăn cho bang giao giữa hai nước Việt Nam và Đức hiện nay".
"Lối thoát về mặt ngoại giao cho vụ việc dường như vẫn chưa thấy hé lộ.
Với việc hình thành bộ máy lãnh đạo chính phủ mới của Đức, câu hỏi về việc xử lý vụ Trịnh Xuân Thanh sẽ còn là một đề tài tiếp tục nóng".
Cũng trong ngày 14/03, bà Angela Merkel đã tuyên thệ lên làm Thủ tướng Đức thêm một nhiệm kỳ để lãnh đạo chính phủ liên minh CDU-SPD.
Phải nói rằng, Trịnh Xuân Thanh là cái tên làm cho Tô Lâm vất vả. Cũng nhờ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà Tô Lâm được điểm cộng rất lớn trong con mắt của Nguyễn Phú Trọng. Và đến hôm nay, Tô Lâm còn ngồi lại ghế ủy viên Bộ Chính Trị, còn giữ chức bộ trưởng bộ này là một phần thưởng.
Bài báo nói về nhân vật bí ẩn của Bộ Công an có dính đến sai phạm Trịnh Xuân Thanh
Chuyện công an phạm tội thì rất nhiều, như vụ án Nhật Cường Mobile là Nguyễn Đức Chung vào tù thì trong đó công an cũng dính. Và lịch sử tội phạm hình sự, không thiếu trường hợp công an nhận hối lộ, hoặc bao che cho tội phạm vì mình cũng có phần trong đó. Vụ án Năm Cam trước đây là một ví dụ, công an tha hóa biến chất đã tiếp tay cho Năm Cam hoạt động trong rất nhiều năm.
Trong vụ án Vinalines xảy ra vào năm 2014 cũng vậy, lời khai của Dương Chí Dũng có liên quan đến thượng tướng Phạm Quý Ngọ và sau đó không bao lâu thì ông Ngọ bất ngờ ngã bệnh "ung thư" và qua đời, vụ án ngưng điều tra.
Thực chất, một khi các quan chức đã trượt dài trên sai phạm thì họ luôn chuẩn bị tiền của để hối lộ cho công an nếu chẳng may bị điều tra. Khi mà giữa công an và đối trượng bị điều tra thỏa thuận được thì nó lại hình thành một mối quan hệ mới, sự cộng sinh giữa công an và quan chức làm sai nó hình thành nên nhóm lợi ích có thành trì vững chắc khó mà công phá.
Vụ án Dương Chí Dũng vẫn còn nóng hổi, nó là một hình mẫu cho mối liên hệ phức tạp trong các sai phạm có tính hệ thống. Chính vì vậy, những con người như Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng nếu có dính líu đến Bộ Công an thì không có gì ngạc nhiên.
Như báo chí đã đưa tin, mới đây Trịnh Xuân Thanh có nói úp mở rằng "Có lãnh đạo tổng cục cảnh sát góp tiền mua đất Tam Đảo"
Lời khái các bị cáo về miếng đất ở Tam Đảo
Được biết Sáng 9/3, phiên tòa xét xử các bị cáo liên quan đến sai phạm tại dự án Ethanol Phú Thọ tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo bị truy tố về nhóm tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", gồm : Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) ; và Đỗ Văn Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và xây lắp Dầu khí Kinh Bắc (PVC Kinh Bắc).
Trả lời thẩm vấn của đại diện Viện kiểm sát, ông Đỗ Văn Hồng là bị cáo đã thừa nhận việc mua 3.400 m2 đất tại thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, sau đó chuyển nhượng lại cho gia đình Trịnh Xuân Thanh với số tiền 23,8 tỉ đồng. Gia đình ông Thanh mới chuyển được 20,8 tỉ đồng, 3 tỉ đồng còn lại chưa lấy được. "Bị cáo đã đòi nhiều lần nhưng không được". Ông Hồng nói rằng, ở vị trí như ông thì lại càng khó đòi.
Ông Trịnh Xuân Thanh lúc đó là nhân vật có quyền lực và nhiều tiền. Ông là quan chức nắm về kinh tế, vì vậy việc ông được các quan chức trong ngành công an góp tiền vào để mua nhà Tam Đảo, hoặc hóp tiền bằng miệng thôi rồi sau đó ông Thanh đứng danh nghĩa bản thân rồi sau đó chuyển nhượng lại cho chủ theo hình thức nào đó.
Được biết, khi bị chất vấn, ông Thanh đã nói "có một quan chức tổng cục cảnh sát góp tiền mua đất". Tuy nhiên chủ tọa phiên tòa không đào sâu vấn đề này.
Đây là đầu mối để moi ra sai phạm của quan chức nhưng tại sao thẩm phán không hỏi thêm là điều rất bất thường. Có vẻ như bên tòa án họ biết là ai nên họ không dám đào sâu chăng ?
Những phiên tòa xử về tham ô ở Việt Nam rất phức tạp, bởi không biết các bị cáo đang đứng trước tòa khai ra những ai. Vậy nên những ai tay lỡ dính chàm thì thấm thỏm như ngồi trên đống lửa.
Có khi nào lại là một phiên bản vụ án Dương Chí Dũng ?
Vinalines là một trong các tổng công ty dưới sự điều ành của ông thủ tướng trước đây – Nguyễn Tấn Dũng. Thời kỳ đó, ông Nguyễn Phú Trọng đang tập trung chú ý vào vụ án này với bị cáo là Dương Tự Trọng.
Dượcd biết, vào ngày 07/01/2014 phiên tòa sơ thẩm xét xử Dương Tự Trọng và 6 đồng phạm phạm tội tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài. Tại phiên tòa đó có một tình tiết bất ngờ mà không ai có thể ngờ tới, đó là Dương Chí Dũng khai rằng, chính Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban chuyên án điều tra các sai phạm tại Vinalines (tức đang điều tra các sai phạm của Dương Chí Dũng), là người đã gọi điện thoại báo tin về việc bắt giữ, và khuyên bỏ trốn : "anh Ngọ gọi điện cho tôi thông báo Thủ tướng đã chấp thuận lệnh khởi tố và bắt tạm giam chú, chú tránh đi một thời gian".
Chưa hết, ông Dũng còn khai ra chính ông là người đưa tiền của bà Trương Mỹ Lan cho ông tên là Tiệp. Cũng là nói úp mở chứ không nói chính xác họ tên. Tuy nhiên người ta nghi ngờ rằng người tên Tiệp chính là tướng Trần Quang Tiệp, Trợ lý Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang.
Trả lời phỏng vấn, ông Phạm Quý Ngọ phủ nhận liên quan đến việc Dương Chí Dũng bỏ trốn. Chưa dừng lại ở đó, ông Dương Chí Dũng cũng khai là chính ông đã hối lộ ông Phạm Quý Ngọ hai lần, lần đầu với 10 nghìn đô la Mỹ ở Tuần Châu, Quảng Ninh, nơi ông Ngọ đang nghỉ mát. Bà Phạm Thị Mai Phương, vợ Dương Chí Dũng cũng khai trước tòa rằng ngày 29/4 đã cùng chồng đi thăm vợ chồng Phạm Quý Ngọ ở Tuần Châu và có đưa tiền cho Phạm Quý Ngọ. Lần thứ hai vào ngày 2 tháng 5 năm 2013 tại nhà riêng ông Ngọ với số tiền là 500 nghìn đô la Mỹ. Ngoài ra, Dũng cũng đã khai là đã giúp bà Trương Mỹ Lan của Công ty Vạn Thịnh Phát ở Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2010 chuyển khoản tiền hối lộ 1 triệu USD cho Phạm Quý Ngọ.
Đây là những lời khai ngoài dự tính rất nhiều người. Ngoài tính của ông Phạm Quý Ngọ, ngoài dự tính của Trần Đại Quang, và ngoài dự tính cả ông Nguyễn Tấn Dũng nữa. Lúc đó nếu khui chi tiết này đến nơi đến chốn thì rất có thể liên quan đến những cấp cao hơn. Mà cấp cao hơn của ông Phạm Quý Ngọ lúc đó chỉ có thể là ông Trần Đại Quang và Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên sau khi thông tin này bị bùng lên thì ông Phạm Quý Ngọ bị ung thư qua đời kịp lúc và sau đó là đình chỉ điều tra vụ án.
Vụ án Dương Chí Dũng sẽ khó cơ cơ hội lặp lại ?
Được biết vụ án Dương Chí Dũng có sự tham gia giám sát của ông Nguyễn Bá Thanh. Ông Thanh là một cánh tay đắc lực cho ông Nguyễn Phú Trọng lúc đó muốn theo dõi sát vụ án này để đưa ông Nguyễn Tấn Dũng vào tròng. Vì vậy quan tòa mới cơ thể khai thác tới nơi tới chốn lời khai bất ngờ của Dương Chí Dũng. Tuy nhiên, hiện nay lời khai của Trịnh Xuân Thanh cho thấy, chánh án không muốn khai thác sâu hơn, bởi đơn giản nếu bứt dây thì ắt động rừng. Nếu khai ra tên người đứng đầu cục cảnh sát điều tra thì phải nói rằng rất dễ moi ra cấp cao hơn. Mà cấp cao hơn cục trưởng ở đây thì ai ngoài Tô Lâm ? Mà Tô Lâm là con người đang được ông Nguyễn Phú Trọng tín nhiệm. Chính ông Tô Lâm đã không ngại gian khổ, không ngại danh dự đưa người sang tận nước Đức xa xôi để bắt cóc cho bằng được Trịnh Xuân Thanh mà bây giờ để Trịnh Xuân Thanh khai ra thuộc hạ của Tô Lâm thì không thể được.
Được biết, tựa đề bài báo được đăng trên báo Thanh Niên vài giờ thì tờ báo này xóa chi tiết có liên quan đến cục trưởng thuộc Bộ Công an và đổi tự đề bài báo. Không có lực lượng nào đủ mạnh bảo kê cho việc tòa án chất vấn lời khai của Trịnh Xuân Thanh thì có cho vàng, thẩm phán cũng không dám hỏi kỹ.
Không biết do ai chỉ đạo mà tựa bài viết trên báo Thanh Niên đã bị thay đổi xóa dấu vết
Tòa án ở Việt Nam là vậy, nó không có tính độc lập như ngành tư pháp độc lập ở các nước dân chủ. Vì vậy các thẩm phán khi xử án thì họ phải biết việc gì nên hỏi việc gì không nên hỏi. Muốn trừng trị Trịnh Xuân Thanh mà không muốn moi ra sai phạm cuả Bộ Công an thì những tình tiết úp mở trong lời khai của ông Trịnh Xuân Thanh phải được cho qua. Đó là luật bất thành văn.
Liệu Tô Lâm có dính đến tiêu cực này không ?
Hiện nay ông Tô Lâm không ngại điều sai trái cuả ngành công an khiến ông Trọng biết, vì ông Trọng có biết thì cũng cho qua thôi vì Tô Lâm là công thần dưới thời của ông Nguyễn Phú Trọng rồi. Ông Tô Lâm chỉ sợ dư luận lại chỉ trích, bởi khi ông Tô Lâm bị xã hội chỉ trích, đối thủ chính trị của ông có thể vin vào đó mà tấn công.
Không dám chắc Tô Lâm có đính hay không, tuy nhiên để thuộc hạ mà dính vào vấn đề tiêu cực thì Tô Lâm phải có trách nhiệm.
Nếu không có công trạng to lớn để châp chước thì ông Tô Lâm cũng không khó tránh khỏi liên đới chịu trách nhiệm vụ án Mobifone mua AVG. Có chỉ đạo từ trung ương rất kịp lúc để đưa những hồ sơ có chữ ký ông Tô Lâm trong thương vụ này vào diện bí mật quốc gia, chính vì vậy mà các luật sư không có quyền tiếp cận nội dung tài liệu này. Ông Tô Lâm có quyền lực rất lớn, và bàn tay ông can thiệp vào quy trình tố tụng là rất rõ ràng. Vậy nên, việc chỉ đạo sửa bài của Báo Thanh Niên rất có thể là có bàn tay của Tô Lâm. Thực chất, một cực trưởng không đủ khả năng ra lệnh cho một tờ báo lớn như tờ Thanh Niên.
Phương Anh (tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 13/03/2021
Vụ Trịnh Xuân Thanh : Cựu Bộ trưởng Nội vụ đòi kiện Tổng thống Slovakia (VOA, 08/12/2018)
Cựu Bộ trưởng nội vụ Robert Kalinak vừa lên tiếng đe dọa sẽ kiện Tổng thống Slovakia, đồng thời yêu cầu truyền thông phải xin lỗi vì đã cáo buộc sai các nhân viên Bộ Nội vụ là tham gia vào vụ bê bối bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, hãng thông tấn chính thức của Slovakia cho biết hôm 7/12.
Cựu Chủ tịch PetroVietnam Trịnh Xuân Thanh bị dẫn giải ra tòa án ở Hà Nội vào ngày 8/1/2018.
TASR dẫn phát biểu của ông Kalinak tại một cuộc họp báo hôm 6/12 nói rằng ông sẽ kiện Tổng thống Andrej Kiska ra tòa vì phát biểu đề cập đến "lạm dụng quyền lực" trong vụ bê bối này.
"Ông ấy [Tổng thống Kiska] đồn rằng tôi đã có được cả một khu khách sạn trong vụ này", tờ Spectator dẫn lại lời ông Kalinak nói trên bản tin của hãng thông tấn SITA. "Có những nhân chứng sẵn sàng làm chứng trước tòa".
"Tôi sẽ rất vui được gặp ông ấy tại tòa án. Ông ấy sẽ có cơ hội để giải thích lời nói của mình", TARS dẫn lời ông Kalinak nói trong cuộc họp báo có chủ đề "Đặt dấu chấm hết cho vụ Việt Nam".
Cựu Bộ trưởng Nội vụ của Slovakia nói thêm rằng vụ bắt cóc doanh nhân-quan chức Việt Nam Trịnh Xuân Thanh từ Đức, rồi được đưa qua Slovakia và đi trên chiếc máy bay của chính phủ Slovakia, với sự thông qua của nhà chức trách Slovakia là một cáo buộc bịa đặt và là tin giả.
Ông Kalinak lặp lại rằng ông vẫn tin Việt Nam không lạm dụng lòng hiếu khách của Slovakia khi yêu cầu mượn chiếc máy bay của chính phủ nước này cho phái đoàn quan chức cấp cao Việt Nam, đứng đầu là Bộ trưởng Công an Tô Lâm, sử dụng trong thời gian công tác tại đây.
Ông Kalinak nhấn mạnh : "Cuộc điều tra đã chỉ ra rằng Slovakia không tham gia vào vụ này, và không có một chính trị gia, cảnh sát hay công chức nào tham gia vào. Câu hỏi đặt ra không phải là liệu có ai đó bị bắt cóc hay không, mà là liệu chúng ta có giúp đỡ họ hay không, và đã có xác nhận rằng chúng tôi đã không giúp họ", vẫn theo TARS.
Cựu Bộ trưởng Nội vụ của Slovakia cũng chỉ trích truyền thông đã tạo ra một "trò lừa bịp" từ vụ bê bối liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, ám chỉ bài báo mô tả việc ông Thanh đã bị bắt cóc như thế nào ở Bratislava mà nhật báo Denik N đăng trước đây, và yêu cầu truyền thông phải xin lỗi những người trong Bộ Nội vụ đã bị cáo buộc sai về việc tham gia vào vụ bắt cóc.
Trong một tuyên bố ngắn gọn, người phát ngôn của Tổng thống Andrej Kiska, Roman Krpelan, nói rằng "Tổng thống không làm việc với cựu Bộ trưởng Nội vụ, nhưng ông hiểu nỗi sợ hãi của ông ấy".
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã gây ra cuộc "khủng hoảng ngoại giao" giữa Việt Nam với Đức và với Slovakia. Tuy nhiên cho tới nay, Việt Nam vẫn khẳng định ông Thanh tự về nước đầu thú, bất chấp những bằng chứng và kết luận điều tra từ Đức.
****************
Việt Nam muốn chính phủ Mỹ tạo điều kiện cho người Việt nhập cư hội nhập và có cơ hội đóng góp cho sự phát triển của Hoa Kỳ cũng như góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đưa ra tuyên bố trên hôm 6/12 khi trả lời yêu cầu bình luận của phóng viên về quan điểm của Việt Nam trước việc chính quyền Tổng thống Donald Trump ngừng trục xuất người nhập cư từ Việt Nam, theo trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Tháng trước, báo New York Times cho biết chính quyền Trump đã lặng lẽ ngừng việc trục xuất một số người nhập cư Việt Nam – những người đã sống ở Mỹ trong nhiều năm. Chính sách này được coi là đã gây ra tranh cãi giữa Mỹ và Việt Nam cũng như dẫn tới việc một đại sứ Mỹ tại Hà Nội từ chức vào cuối năm ngoái.
Theo một thỏa thuận được ký vào năm 2008 giữa hai chính quyền cựu thù, những người Việt tới Mỹ trước ngày 12/7/1995 – cũng là ngày hai nước bình thường hóa quan hệ trở lại – không thể bị trục xuất.
Nhận định về việc tiếp nhận trở lại công dân Việt Nam từ Mỹ, bà Hằng nói việc này "được thực hiện trên cơ sở các thỏa thuận giữa hai bên, luật pháp và thông lệ quốc tế, trong đó có Hiệp định ký năm 2008 giữa chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam". Theo người phát ngôn BNG, việc tiếp nhận này "đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của công dân, phù hợp với quy định pháp luật của hai nước".
Mặc dù vậy, chính quyền Trump vào năm ngoái bắt đầu bắt giữ những người nhập cư từ Việt Nam đã sống lâu dài ở Mỹ và chuẩn bị trục xuất họ. Theo thống kê của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, có khoảng 7.700 trong số khoảng 8.000 di dân Việt thuộc diện chờ bị trục xuất.
Theo diễn giải của chính quyền Trump đối với hiệp định ký năm 2008, những di dân người Việt tới Mỹ trước năm 1995 không phải là đối tượng mà thỏa thuận 2008 đề cập đến. Điều này cũng đã được vị đại sứ đương nghiệm của Mỹ tại Hà Nội, Daniel Kritenbrink, khẳng định với VOA khi ông cho biết "thỏa thuận này chỉ chính thức đề cập đến những người tới Mỹ sau năm 1995".
Để phản đối việc phải tiếp nhận hàng nghìn người Việt bị trục xuất, đại sứ tiền nhiệm của ông Kritenbrink, Ted Osius, đã từ chức đại sứ Mỹ ở Hà Nội vào tháng 10/2017.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ đã tạm dừng trục xuất di dân người Việt tới Mỹ trước năm 1995 một cách thầm lặng. Mọi việc chỉ công khai sau khi tờ New York Times tiếp cận được biên bản vụ kiện chính quyền Trump của các luật sư thuộc nhóm Thúc đẩy Công lý cho người Mỹ gốc Á (AAAJ). Những người này đại diện đòi quyền lợi cho một số di dân người Việt bị tạm giữ quá 90 ngày bởi Sở Di trú Mỹ.
Trả lời phỏng vấn VOA tiếng Việt, Luật sư di trú Khanh Phạm từ Texas khẳng định trong tương lai gần, những di dân Việt tới Mỹ trước năm 1995 sẽ không bị trục xuất. Theo ông, những người trong diện này có thể tự tin ra trình diện Sở Di trú và xin giấy phép lao động, cũng như bằng lái xe.
Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975, có khoảng 125.000 người tị nạn rời khỏi Việt Nam trong một chương trình di tản do chính phủ Mỹ tài trợ, theo Viện Chính sách Di dân có trụ sở tại Washington DC. Con số thống kê của viện này cho thấy lượng người Việt nhập cư vào Mỹ đã tăng lên nhanh chóng kể từ năm 1975 và tăng gấp đôi sau mỗi thập kỷ. Tính đến năm 2017, đã có hơn 1,3 triệu người Việt tới an cư ở Mỹ, chiếm 3% trong tổng số 44,5 triệu di dân trên toàn nước Mỹ.
***************
Thêm quan chức, tướng công an và tướng quân đội bị đề nghị kỷ luật (RFA, 07/12/2018)
Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại kỳ họp thứ 32 kéo dài từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 12 vừa qua ngoài đề nghị kỷ luật Phó bí thư thường trực Thành phố Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang, còn đề nghị kỷ luật đối với một số tướng lĩnh Công an, Quân Đội và quan chức một số tỉnh thành khác.
Kỳ họp 32 Ủy ban Kiểm tra Trung ương 32 tại Hà Nội -Courtesy ubkttw.vn
Cụ thể có 3 ông tướng Công an bị cảnh cáo gồm Trung tướng Nguyễn Công Sơn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát ; Trung tướng Nguyễn Văn Ba, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục cảnh sát ; Thiếu tướng Lê Đình Nhường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng & An ninh của Quốc hội, nguyên đảng ủy viên, nguyên Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an.
Cả ba bị kết luận tại kỳ họp thứ 30 Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng là có những vi phạm, khuyết điểm trong vụ án liên quan đến một số cán bộ lãnh đạo Tổng Cục và Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm Công Nghệ Cao- C50 ; tiếp tay, bao che cho tổ chức đánh bạc trực tuyến trên Internet.
Một ông tướng bị kỷ luật cảnh cáo nữa tại kỳ họp thứ 32 là Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng & An ninh của Quốc hội. Theo kết luận, trong thời gian giữ chức Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế từ tháng 4 năm 2005 đến tháng giêng năm 2012, ông này đã có những vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu và thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Nam Đông- A Lưới mà hệ quả là công trình kém chất lượng, nhiều đoạn đường hư hỏng nặng không sử dụng được.
Hai cán bộ cao cấp tỉnh Dak Nong bị Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương đề nghị kỷ luật tại kỳ họp thứ 32 gồm Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Bốn và tỉnh ủy viên Trương Thanh Tùng bị qui phải chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Dak Nong nhiệm kỳ 2016-2021 về những sai phạm trong quản lý, bảo vệ đất rừng.
Vào ngày 7 tháng 12, Thành ủy Đà Nẵng tiến hành hội nghị lần thứ 15 Ban chấp hành đảng bộ khóa XXI. Tại hội nghị, đại tá Lê Văn Tam, nguyên giám đốc Công an Thành phố bị quyết định kỷ luật khiển trách.
Ông này bị kết luận có vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập không đúng qui định trong suốt thời gian làm giám đốc Công an Đà Nẵng.
Hồi cuối tháng 8 vừa qua, ông đại tá Lê Văn Tam bị Bộ Công an cho nghỉ việc chờ hưu trí.
Một trong những xôn xao của người dân thành phố Đà Nẵng đối với ông Lê Văn Tam là việc sở hữu căn biệt thự giá gần 100 tỉ đồng tại làng biệt thực Châu Âu (Euro Village). Đích thân ông này sau đó xác nhận thông tin đó là chính xác.
******************
Đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật ông Tất Thành Cang (VOA, 07/12/2018)
Vào chiều 6/12, Ủy ban kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương kỷ luật ông Tất Thành Cang sau khi ông này vừa bất ngờ được bổ nhiệm thêm chức vụ hồi tháng trước.
Bản đồ khu Đô thị mới Thủ Thiêm, nơi diễn ra nhiều sai phạm gây bức xúc trong dân chúng. Ảnh : NamPhatLand
Thông báo của Ủy ban kiểm tra trung ương được công bố trên báo chí vào cuối kỳ họp thứ 32 của Ủy ban (kéo dài từ ngày 3/12 – 6/12) nói rằng "xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm và căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, cơ quan kiểm tra đề nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với ông Tất Thành Cang". Tuy nhiên, hình thức kỷ luật cụ thể có thể sẽ áp dụng đối với ông Cang, một trong những lãnh đạo dính dáng trực tiếp đến vụ bê bối đất đai ở Thủ Thiêm, vẫn chưa được hé lộ.
Ông Tất Thành Cang, 47 tuổi, là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Trong kỳ họp tháng trước, ông Cang đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận "vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ", "vi phạm thẩm quyền", "vi phạm các quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ thành phố".
Ủy ban của Trung ương nói thêm rằng ông Cang đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, để xảy ra nhiều vi phạm dân đến thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ thành phố.
Tin cho hay những vi phạm của ông Cang diễn ra trong thời gian ông giữ các cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND thành phố, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Phó bí thư thường trực Thành ủy. Nổi bật là vụ ký hợp đồng xây dựng 4 tuyến đường "dát vàng" ở Thủ Thiêm để đổi lấy đất "kim cương" ở vị trí đắc địa trong thành phố và vụ chuyển nhượng khu đất của Thành ủy ở huyện Nhà Bè cho công ty Quốc Cường Gia Lai.
Vào đầu tháng 11, trước khi Ủy ban đưa ra kết luận, ông Tất Thành Cang đã bất ngờ được Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trao thêm chức Trưởng ban Ban chỉ đạo Thành phố Hồ Chí Minh. Ban này có nhiệm vụ thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án hai cấp.
Việc bất ngờ thêm chức cho ông Cang, sau khi cư dân mất đất ở Thủ Thiêm phanh phui công khai các sai phạm và kêu gọi trừng trị các lãnh đạo liên quan trực tiếp, đã khiến dư luận đưa ra so sánh và dự đoán về tương lai của quan chức này với số phận của ông Đinh La Thăng, quan chức cấp cao nhất của Đảng cộng sản đã bị kết án tù lên đến 30 năm tù trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn ngày 27/11, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân được báo Dân Trí dẫn lời nói việc kỷ luật các lãnh đạo cấp cao vi phạm thể hiện "sự quyết liệt của Đảng đối với vấn đề tham nhũng" và "không có vùng cấm" trong việc xử lý tham nhũng, như tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng.
Một ngày tháng Bảy của năm 2018, trong một căn phòng nhỏ là nơi được Tổng thống Slovakia Andrej Kiska dùng làm việc, cảnh sát trưởng Milan Lučanský với gương mặt cực kỳ căng thẳng khi đối diện với Tổng thống Andrej Kiska.
Cảnh sát trưởng Milan Lučanský (trái) với gương mặt cực kỳ căng thẳng khi đối diện với Tổng thống Andrej Kiska. Ảnh The Slovak Spectator
Tháng Bảy lại thường là thời gian nóng nực nhất trong năm trên miền đất ôn đới Slovakia.
Những tháng Bảy nóng nực và căng thẳng
Bối cảnh cuộc gặp có vẻ không còn đường lùi trên diễn ra hơn hai tháng sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin vào đầu tháng Năm năm 2018. Trong khi bà Merkel phàn nàn về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh với chi tiết một đoàn cán bộ công an cấp cao của Việt Nam dường như đã lợi dụng lòng hiếu khách và sự nhẹ dạ của Chính phủ Slovakia để mượn một chiếc máy bay của Slovakia, rồi dùng máy bay này để ‘vận chyển’ Trịnh Xuân Thanh bay qua không phận Ba Lan về Hà Nội…, thì báo chí Đức nêu ra một câu hỏi rất khó chịu với Peter Pellegrini : Chính phủ Slovakia đã đóng vai trò gì trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Berlin đưa về nước hồi mùa hè năm ngoái ?
Năm ngoái, truyền thông Đức cho biết vào ngày 26/7/2017, 3 ngày sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, Bộ trưởng Công an Việt Nam là tướng Tô Lâm đã đến thăm Slovakia và có cuộc làm việc ngắn với Bộ trưởng Nội vụ nước này. Trong đoàn của ông Tô Lâm lại có những nghi phạm đã tham gia vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Sau đó phía Việt Nam đã mượn Slovakia một chiếc máy bay để di chuyển. Truyền thông Đức cho rằng rất có thể Trịnh Xuân Thanh đã ở trên chiếc máy bay đó.
Thủ tướng Peter Pellegrini đã không trả lời thẳng câu hỏi của bà Merkel, nhưng lại mạnh miệng khẳng định với đám đông các nhà báo vây quanh là Chính phủ Slovakia không dính dáng gì đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Ngay trước đó, rất có thể ông Peter Pellegrini đã được tham mưu bởi Bộ trưởng nội vụ Robert Kaliňák - nhân vật luôn cho là ‘không liên quan’ đến vụ bắt cóc.
Khi đó, Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini cũng như Bộ Nội vụ Slovakia đã bác bỏ bất kỳ mối liên hệ nào với vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Peter Pellegrini chỉ mới thay thế cho người tiền nhiệm là thủ tướng Robert Fico, sau khi ông Fico phải từ chức do liên đới trách nhiệm về cái chết của một nhà báo chống tham nhũng tại Slovakia. Khỏi phải nói, Peter Pellegrini mong muốn đến thế nào việc Slovakia ‘vô can’ trước nghi vấn về Trịnh Xuân Thanh đã được trung chuyển qua đất nước này, trước khi đến Moscow và được đưa về Hà Nội trên một cái cáng cứu thương. Cũng là để Peter Pellegrini không phải chịu bất kỳ trách nhiệm ‘đổ vỏ’ nào cho đời thủ tướng cũ Robert Fico.
Những diễn viên chính của vở kịch
Ít lâu sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Robert Kaliňák chuyển giao cái ghế Bộ trưởng nội vụ cho người khác.
Nhưng mới đây, vào thời điểm kết thúc phiên tòa thượng thẩm Berlin xử Nguyễn Hải Long - một nghi can tham gia vào đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh - sớm hơn dự kiến gần cả tháng do Nguyễn Hải Long rốt cuộc đã quyết định thú tội bắt cóc để được hưởng mức án 3 năm 10 tháng tù giam, thay vì phải ‘bóc lịch’ đến 7 năm rưỡi, phía Cảnh sát Đức đã nêu công khai về một cuộc họp chính thức giữa Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam là Tô Lâm với Bộ trưởng Nội vụ Kaliňák ở Bratislava vào tháng Bảy năm 2017 dường như ‘chỉ có một mục đích’, cụ thể là ‘di chuyển ông Thanh tương đối suôn sẻ từ khối Schengen về đến Việt Nam’ *.
Thì ra lời khẳng định ‘không liên quan’ vào năm 2017 của Bộ trưởng nội vụ Slovakia Robert Kaliňák lại tương phản hoàn toàn với hình ảnh chính ông ta thủ vai diễn viên chính trong vở kịch ‘trung chuyển Trịnh Xuân Thanh’.
Còn vào lúc này đây, có lẽ nụ cười xuê xoa như thể chối bỏ trách nhiệm của Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini đã tắt lặng. Thay vào đó, viên cảnh sát trưởng Milan Lučanský đang nhìn chằm chằm vào Tổng thống Andrej Kiska như thể chờ đợi những lời khiển trách nặng nề.
Bởi Tổng thống Kiska đang hỏi về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và bày tỏ sự không hài lòng với công việc của cảnh sát Slovak.
“Vụ án này đã trở thành một vụ bê bối quốc tế” - Tổng thống Andrej Kiska nói, “Việc này có thể có hậu quả nghiêm trọng về sự tin tưởng trong quan hệ giữa Slovakia và Đức”, tờ Nhật báo The Slovak Spectator của Slovakia thuật lại như thế.
Khác hẳn với bầu không khí vài ba tháng trước chỉ thuần túy bị nghi ngờ nhưng không có bằng chứng, giờ đây Chính phủ Slovakia đang phải hứng chịu búa rìu từ báo chí Đức - những tờ báo mang đẳng cấp quốc tế và có uy tín trên thế giới, chẳng hạn như Frankfurter Allgemeine Zeitung, kéo theo sự ‘tham chiến’ của nhiều tờ báo Mỹ và các nước khác, tạo nên một sức ép ghê gớm về việc cấp thiết phải minh bạch việc Slovakia có tiếp tay cho Bộ Công an Việt Nam để ‘vận chuyển’ Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam hay không.
Tại thời điểm tháng Bảy năm 2018, báo chí Đức tự tin viết rằng ‘gần như không còn nghi ngờ’ rằng một máy bay của chính phủ Slovakia đã tham gia vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Nhưng chính vào thời gian nước sôi lửa bỏng hiện thời, Cựu bộ trưởng nội vụ Robert Kaliňák lại chạy một đường vòng lắt léo khi từ chối những tuyên bố rằng ông biết về vụ bắt cóc khi ông tại chức, bỏ lại một di sản bê bối chính trị mang tầm cỡ quốc tế mà chẳng biết trách nhiệm sẽ trút lên đầu quan chức nào mang trọng trách của Slovakia.
Kaliňák còn bày tỏ quan điểm của ông ta về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên một mạng xã hội : tên của Trịnh Xuân Thanh không nằm trong danh sách hành khách sử dụng máy bay do chính quyền Việt Nam cung cấp ; không có bệnh nhân nào được vận chuyển trên máy bay, hoặc một ai bị trói hoặc có cử động bị hạn chế theo bất kỳ cách nào khác ; mọi người đều có hộ chiếu ngoại giao.
“Làm thế nào những chính trị gia như chúng ta có thể đối mặt với hàng trăm ngàn người đang kêu gọi một Slovakia tử tế, một Slovakia, nơi quyền lực chính trị sẽ không bị lạm dụng, khi chúng ta không nhìn vào những gì đã được nói đến !” - Tổng thống Andrej Kiska thốt lên đầy bức bối và có thể cả giận dữ.
Khi đã được xác nhận rằng Slovakia cung cấp máy bay của chính phủ, sau đó được sử dụng để bắt cóc cựu quan chức Việt Nam Trịnh Xuân Thanh, hiển nhiên một lời giải thích thuyết phục về tất cả những nghi ngờ và phản đối hoặc hình phạt đối với những người có trách nhiệm là điều mà Tổng thống Andrej Kiska đang mong đợi và hối thúc.
Cường độ hối thúc trên sẽ chắc chắn tăng vọt và cực kỳ khẩn cấp khi vào ngày 3/8/2018, tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, đã đăng một bài báo tường thuật về một phát giác mới : chính cựu Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kaliňák đã giúp Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia.
Bộ trưởng Tô Lâm là người đầu tiên bước lên chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakia, tiếp theo là các thành viên của phái đoàn Việt Nam, tất cả 12 người. Trịnh Xuân Thanh là người cuối cùng được đưa lên máy bay, rõ ràng là ông ta bị thương, trông có vẻ đờ đẫn và được hai mật vụ Việt Nam xốc nách hai bên dìu đi…
Khác hẳn với thái độ nhẩn nha và lẩn tránh trách nhiệm cách đây vài ba tháng, vào lúc này Chính phủ Slovakia đang như thể bấn loạn để cứu vãn cấp thời thể diện đối nội và uy tín quốc tế của họ. Đã đến lúc Slovakia phải tìm cách đưa ra ít nhất một quyết định nào đó, và phải là quyết định cứng rắn và sòng phẳng về mặt ngoại giao, để cứu vãn tình thế.
Tương lai của những tháng tiếp tới trong quan hệ Slovakia - Việt Nam là cực kỳ khó đoán định. Sẽ không loại trừ khả năng do phải chịu áp lực từ dư luận đủ lớn tại Slovakia, từ Chính phủ Đức và từ giới báo chí quốc tế, phản ứng tối thiểu của Chính phủ Slovakia đối với Việt Nam sẽ là hạ cấp mối quan hệ ngoại giao và thương mại mà được xem là ‘tốt đẹp’ trước đây, cùng lúc có thể chấm dứt hoàn toàn ý định hỗ trợ Việt Nam để vận động Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA).
Ngay vào thời điểm này, cả ông Kaliňák và Bộ Nội Vụ Slovakia đều phủ nhận các cáo buộc của báo chí, gọi đây là “những điều bịa đặt.”
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 03/08/2018
* Khối Schengen bao gồm các quốc gia là Áo, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Luxemburg, Hà Lan, Đức, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Italy, Estonia, Latvia, Lithuania, Malta, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Slovenia, Hungary, và Na Uy, Iceland và Thụy Sĩ.
Trịnh Xuân Thanh sắp được sang Đức theo thỏa thuận giữa hai chính phủ (RFA, 09/06/2018)
Quan chức ngành dầu khí bị buộc tội tham nhũng Trịnh Xuân Thanh sắp được sang Đức theo thỏa thuận trao đổi giữa hai chính phủ Đức và Việt Nam. Tờ Frankfurter Allgemeine của Đức hôm 9/6 loan tin này dựa vào các nguồn tin không nêu tên.
Trịnh Xuân Thanh (giữa) bị dẫn ra tòa ở Hà Nội hôm 22/1/2018 - AFP
Ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, hồi đầu năm nay bị hai phiên tòa ở Việt Nam kết án chung thân vì tội tham nhũng.
Trước đó Trịnh Xuân Thanh đã chạy sang Đức xin tỵ nạn chính trị nhưng bị mật vụ Việt Nam bắt cóc tại Berlin vào tháng 7 năm ngoái đưa về lại Việt Nam. Vụ bắt cóc đã khiến quan hệ Việt Nam và Đức trở nên căng thẳng. Đức đã nhiều lần yêu cầu Hà Nội phải trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức để phía Đức có thể tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết, bao gồm cả việc xem xét đơn xin tỵ nạn của Trịnh Xuân Thanh. Hà Nội từ trước đến nay vẫn một mực khẳng định Trịnh Xuân Thanh về nước xin đầu thú.
Tờ Frankfurter Allgemeine cho biết Trịnh Xuân Thanh sẽ sang Đức sau khi phiên tòa xử mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức kết thúc. Hiện tòa Thượng thẩm của Đức đang xét xử nghi phạm Nguyễn Hải Long. Dự kiến phiên tòa sẽ kết thúc vào tháng 8 năm nay.
Cũng theo tờ Frankfurter Allgemeine, trao đổi giữa Đức và Việt Nam lần này cũng bao gồm việc Việt Nam trả tự do cho luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và cộng sự là cô Lê Thu Hà, trục xuất hai người này sang Đức hôm thứ sáu ngày 8/6.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, sáng lập viên của Hội Anh Em Dân Chủ và cô Lê Thu Hà bị Hà Nội tuyên án tù 15 năm và 9 năm về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân trong phiên tòa ngày 5/4 vừa qua.
Luật sư Nguyễn Văn Đài và cô Lê Thu Hà đã không kháng cáo lên phúc thẩm sau đó như 4 thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ cùng bị xử sơ thẩm trước đó.
Bộ Ngoại giao Đức hôm 8/6 xác nhận luật sư Đài cùng vợ và cô Lê Thu Hà đã đến Đức, gọi đây là một bước đi nhân đạo đáng chú ý của phía Việt Nam và cũng là một tín hiệu tốt đối với cộng đồng quốc tế.
Theo tờ Frankfurter Allgemeine, Hà Nội hy vọng với việc trả tự do cho các trường hợp này qua hệ giữa Việt Nam và Đức sẽ được cải thiện.
Hiện tại Việt Nam cũng đang thúc giục quốc hội Châu Âu thông qua hiệp tự do thương mại EU Việt Nam đã kết thúc đàm phán vào năm 2015. Theo tờ Frankfurter Allgemeine, các đại diện của Liên Hiệp Châu Âu lưu ý với chính phủ Hà Nội rằng việc phê chuẩn Hiệp định dự kiến vào đầu năm 2019 sẽ phụ thuộc vào sự chuẩn thuận của Đức.
******************
Vì sao Nguyễn Văn Đài bị trục xuất sang Đức và Việt Nam sắp thả Trịnh Xuân Thanh về Đức ? (CaliToday, 09/06/2018)
Lá Thư từ Đức quốc
Lời giới thiệu
Hôm 08/06/2018, ngoài tin nóng là chuyện luật sư Nguyễn Văn Đài bất ngờ bay sang Đức thì giới truyền thông Đức (nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung - FAZ) và báo Tagesspiegel còn viết nhắc lại chuyện Trịnh Xuân Thanh. Kể từ khi thấy cảnh Trịnh Xuân Thanh – một viên chức của cộng sản Việt Nam bị kết án là tham nhũng- khóc lóc van xin ở tòa án tại Việt Nam nhưng vẫn bị lãnh hai bản án thì tôi không để ý đến sự kiện Trịnh Xuân Thanh nữa. Tuy nhiên qua các bài viết mới nhất của các ký giả của báo FAZ và Tagesspiegel, nhân cuối tuần tôi chuyển ngữ nhanh để giới thiệu cùng độc giả.
Nguyễn Văn Đài. Photo Credit : RFA
Rõ ràng, các chính trị gia Đức & EU đã áp lực Việt Nam liên quan đến sự cải thiện quan hệ kinh tế với Đức và EU cũng như nói bóng gió dằn mặt cộng sản Việt Nam rằng việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam vào đầu năm 2019 sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận của Đức trong Hội đồng Châu Âu. Người cộng sản, dù DDR (Đông Đức cũ) hay Việt Nam bây giờ thế nào quý vị đã biết, lợi dụng cơ hội chính giới Đức – trong đó có cả Tổng thống Đức – can thiệp cho Nguyễn Văn Đài và đòi hỏi của bà luật sư của Trịnh Xuân Thanh cũng như chờ kết quả phiên tòa hình sự về vụ bắt cóc đang diễn ra ở Bá Linh, nhà cầm quyền Việt Nam bất ngờ trục xuất luật sư Đài sang Đức và được Bộ Ngoại giao đánh giá rằng đó là một "bước nhân đạo đáng chú ý của Việt Nam". Các chuyên gia chính trị cũng tiên đoán trước bước kế tiếp là cộng sản Việt Nam sẽ tha Trịnh Xuân Thanh "một viên chức bị Việt Nam kết án chung thân vì tham nhũng" trong thời gian tới để lấy lòng EU và đặc biệt vuốt ve Đức hầu từ đó hy vọng được chuẩn y Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam vào đầu năm 2019. Giới quan sát có lẽ đã nhìn ra được nước cờ "nhương bộ chính trị" mà cộng sản Việt Nam đang thực hiện hầu đạt được mục đich là thông qua "Hiệp định thương mại tự do giữa EU & Việt Nam".
Mời quý vị đọc bản tin gồm ba phần để biết rõ thêm sự việc.
Trân trọng
Lê Ngọc Châu
***************
1. Nguyễn Văn Đài lưu vong tại Đức
Hà Nội cho phép nhà hoạt động dân quyền nổi tiếng rời Việt Nam
Mới bị kết án 15 năm tù, bây giờ đáng ngạc nhiên được thả : Nhà hoạt động dân quyền Việt Nam Nguyễn Văn Đài đã được phép rời Việt Nam đến Đức. Một người Việt khác đang bị giam tù hy vọng một giải pháp tương tự !
Vào tháng Tư, Nguyễn Văn Đài (giữa) bị kết án 15 năm tù và năm năm bị quản thúc tại gia (hình ảnh lưu trữ). Ảnh : AP
Việt Nam đã thả sớm nhà hoạt động dân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Đài và cho đi sang Đức. Luật sư 49 tuổi về quyền con người đã hạ cánh hôm thứ Sáu cùng với vợ ông trên một chiếc máy bay thông thường ở Frankfurt am Main. Sau đó anh bay tiếp đi Bá Linh (Berlin). Chính phủ Liên bang Đức hoan nghênh việc trả tự do. Bộ Ngoại giao nói về một "bước nhân đạo đáng chú ý của Việt Nam".
Đài là một trong những nhà chỉ trích "chính phủ" nổi bật nhất ở Việt Nam. Đất nước này được "lãnh đạo" bởi một đảng duy nhất : đảng cộng sản. Mới đây vào tháng Tư, anh ta bị kết án 15 năm tù và 5 năm bị quản thúc tại gia. Vào thời điểm đó, ông bị tòa án ở Hà Nội kết tội âm mưu một cuộc đảo chính. Mặt khác, Quốc tế chống lại mạnh mẽ vụ này.
Đài đã thành lập một Ủy ban nhân quyền vào năm 2006. Một năm sau, luật sư đã bị kết án lần đầu tiên vì tội "tuyên truyền chống nhà nước". Năm 2013, ông thành lập "Netzwerk für Demokratie-Befürworter (Brotherhood for Democracy)", một loại mạng lưới ủng hộ dân chủ, nhưng sau đó bị bắt lại.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) khen ngợi Đức vì đã cấp tị nạn cho nhà hoạt động nhân quyền. Cùng với đôi vợ chồng, một nữ phụ tá cũng được phép đi đến Đức. Tổng thống Liên bang Đức, Frank-Walter Steinmeier đã từng kêu gọi một giải pháp cho vụ án.
Tổng thống Liên bang Đức Steinmeier kêu gọi bảo vệ dân chủ (Ảnh : EPA)
Mối quan hệ giữa Đức và Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vụ bắt cóc một người Việt Nam kể từ năm ngoái. Doanh nhân Xuân Thanh Trịnh (Trịnh Xuân Thanh) đã bị bắt cóc sau cuộc điều tra của Đức vào mùa hè năm 2017 bởi dịch vụ tình báo của cộng sản Việt Nam giữa thanh thiên bạch nhật ở Berlin. Trong khi đó, cựu quan chức cộng sản Trịnh Xuân Thanh đã bị kết án tù chung thân hai lần ở quê nhà. Anh ta hy vọng rằng một ngày nào đó cũng được phép rời Việt Nam đến Đức.
Trường hợp Đài đã làm dấy lên nhiều sự chú ý của quốc tế. Năm ngoái, luật sư Đài được trao Giải thưởng Nhân quyền của Hiệp hội Thẩm phán Đức. Nhưng anh ta đã không thể tự nhận được giải thưởng. Jens Gnisa, Chủ tịch của Hiệp hội Thẩm phán, bây giờ cho biết : "Chúng tôi rất vui vì thời gian dài của Đài bị đau khổ với sự đàn áp và đàn áp đã kết thúc" (1).
2. Tại sao Việt Nam muốn thả Trịnh Xuân Thanh
Quan hệ giữa Việt Nam và Đức băng giá. Giờ đây, cán bộ có trách nhiệm (Funktionaer) bị bắt cóc Trịnh Xuân Thanh có thể được thả trong vài tháng tới.
Quan hệ giữa Đức và Việt Nam đang ở mức thấp kể từ vụ bắt cóc doanh nhân và cựu đảng viên cộng sản Trịnh Xuân Thanh từ Berlin đến Hà Nội mùa hè năm ngoái. Vào thời điểm đó, Chính phủ Liên bang Đức đã phản ứng với việc trục xuất một số nhà ngoại giao Việt Nam và đình chỉ "quan hệ đối tác chiến lược" với Việt Nam. Đã có sự im lặng căng thẳng trên các "kênh" (Kanaelen) công cộng giữa hai quốc gia kể từ đó.
Doanh nhân Việt Nam, Trịnh Xuân Thanh trong phiên xử sơ thẩm (Anhörung). Ảnh : dpa
Cho đến thứ sáu. Khi Việt Nam thả nhà hoạt động dân quyền bị giam giữ nổi tiếng Nguyễn Văn Đài sớm và để anh ta đi Đức. Ông được cho là đã ngồi trên một chiếc máy bay đi sang Frankfurt am Main vào thứ Sáu. Và theo thông tin từ báo Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ, ghi chú thêm : một tờ báo nổi tiếng & có tầm vóc ở Đức), sự trả tự do của anh ta liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh : Đây là bước đầu tiên trong các cơ sở ngoại giao, và cuối cùng sẽ dẫn đến việc thả sớm Trịnh Xuân Thanh (2).
3. Trịnh Xuân Thanh người Việt bị bắt cóc từ Berlin sẽ được thả
Ông Thanh bị bắt cóc từ Berlin và bị kết án tù chung thân ở quê nhà. Theo FAZ, nhà cầm quyền Việt Nam đã đồng ý thả doanh nhân Trịnh Xuân Thanh "trong trung hạn".
Doanh nhân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh, bị bắt cóc từ Berlin và bị kết án tù chung thân ở quê nhà của mình, sẽ được thả "trong trung hạn" theo Nhật báo "Frankfurter Allgemeine Zeitung". Theo báo cáo, trích dẫn một số nguồn tin, có một cam kết của nhà cầm quyền ở Hà Nội với Đức, sau khi kết thúc vụ án hình sự Berlin chống lại một kẻ trợ thủ bắt cóc (Entfuehrungshelfer) sẽ cho phép Thanh xuất cảnh vào Cộng hòa Liên bang Đức.
Thanh trốn sang Đức năm 2016 và đã xin tị nạn. Theo các nhà chức trách Đức, vào cuối tháng 7 năm 2017, ông đã bị bắt cóc từ Tiergarten bởi mật vụ của Việt Nam và đưa về Việt Nam. Sự việc này đã gây ra sự tức giận lớn ở Berlin.
Theo FAZ, một phần của sự nhượng bộ của Việt Nam là sự trả tự do cho luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài hôm thứ Sáu. Chỉ mới trong tháng Tư, ông đã bị kết tội 15 năm tù vì náo động.
Hà Nội hy vọng rằng từ sự trả tự do sẽ cải thiện quan hệ kinh tế với Đức và EU, báo FAZ đưa tin. Như tờ báo cũng tường trình tiếp, các nhà đại diện EU đã nói bóng gió với nhà cầm quyền tại Hà Nội rằng việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam vào đầu năm 2019 sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận của Đức trong Hội đồng Châu Âu. Do đó, trong sự nhượng bộ ngoại giao của Việt Nam cũng bao gồm giảm tù cho các tù nhân chính trị khác - AFP (3).
Nam Đức, Chiều 09/06/2018
Lê Ngọc Châu
(1) http://www.faz.net/aktuell/politik/ausland/vietnam-laesst-buergerrechtler-nach-deutschland-ausreisen-15629623.html
(2) http://www.faz.net/aktuell/politik/ausland/warum-vietnam-trinh-xuan-thanh-freilassen-will-15630175.html
(3) https://www.tagesspiegel.de/berlin/trinh-xuan-thanh-aus-berlin-verschleppter-vietnamese-soll-freikommen/22666030.html
Chúng ta sống như một bầy gà, người ta vồ con nào con đấy chịu.
Bùi Thanh Hiếu
Không hiểu có chuyện chi ("bức xúc") mà bữa rồi, bỗng nhiên, FB Đỗ Ngà đặt ra cho mọi người một câu hỏi khó : "Vấn đề là khi nào dân Việt Nam biết vứt bỏ câu nói tự vong kiểu ‘có lên tiếng cũng chẳng làm được gì’ thì lúc đó, dân tộc này sẽ đổi vận".
Biết đến "khi nào" lận, hả Trời ? Tất nhiên, "mọi người" đều im re hết ráo – trừ blogger Bùi Thanh Hiếu :
"Bạn và tôi, và chẳng ai trên đất nước này có trách nhiệm đi tìm câu trả lời này. Chúng ta sống như một bầy gà, người ta vồ con nào con đấy chịu. Số phận đổ lên đầu gia đình nào, gia đình đó chịu. Chưa phải gia đình mình, mà có phải gia đình mình thì chúng ta tự nhủ là nhiều nhà khác còn bị như vậy".
Cuối thế kỷ trước, cũng đã có lần, bác Hà Sĩ Phu thốt ra những lời đắng cay tương tự : "Ý thức xã hội rất thấp, trước khó khăn chung thì phản xạ ứng xử là tìm lối nhỏ để thích nghi riêng. Lâu ngày nhược điểm ấy phát triển thành thói vị kỷ, vô cảm và trơ trơ trước nỗi đau chung".
Quí vị thức giả thượng dẫn, nói nào ngay, chả nói được điều chi lạ lùng hay mới mẻ.
Thân ai nấy lo
hồn ai nấy giữ
đèn nhà ai nhà nấy sáng
mạnh ai nấy chạy
nhất giải kiến phận...
đều là những châm ngôn đã có tự ngàn xưa, có thể được xem là "túi khôn" hay cách xử thế đặc thù của ... văn hóa Việt : "Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại".
Những nền văn hóa khác, xem ra, hơi khác. Báo Thanh Niên, số ra ngày 17 tháng 5 năm 2018, vừa ái ngại loan tin : "Thấy cha ôm con gái 2 tuổi nhảy sông, chàng Tây nhảy theo để cứu".
Bản tin không đề cập chi đến danh tính, hay quốc tịch của "chàng Tây" nhưng tôi đoán cha nội chắc chắn phải là người Đức hay gốc Đức – một giống dân rất "đa đoan" và "hiếu sự !"
Năm trước có một ông "tham quan" Việt Nam trốn qua xứ sở này xin tị nạn, rồi bị công an từ trong nước sang tận nơi lôi về trị tội. Chỉ có thế thôi mà họ làm to chuyện. Ngày 4 tháng 8 năm 2017, Ngoại Trưởng Đức Sigmar Gabriel tuyên bố : "Đây là điều chưa có tiền lệ... chúng tôi không thể dung thứ và sẽ không dung thứ".
Tưởng đâu là thằng chả chỉ ra vẻ hùng hổ, và "làm dữ" chút chơi, cho nó đỡ mất mặt bầu cua chút xíu thôi. Chớ để lâu rồi cũng cứt trâu cũng hóa bùn ráo trọi mà. Tưởng vậy nhưng không phải vậy. Tưởng vậy là tưởng năng thối !
Gần cả năm trời trôi qua cứt trâu vẫn nhất định không chịu hóa bùn mà sự việc mỗi lúc, xem chừng, càng thêm rối rắm. Từ Berlin – sáng nay 21 tháng 5 năm 2018 – nhà báo Le Trung Khóa vừa ái ngại loan tin (với đôi chút buồn phiền) rằng : "Chính phủ Đức ra lệnh truy nã quốc tế cán bộ cấp rất cao của Bộ Công an Việt Nam. Anh Tô Lâm làm ăn thế này hơi dở, vào nhà người ta khiêng trộm ông Trịnh Xuân Thanh về cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - nên giờ đất nước mới ra nông nỗi này ! (đêm nay đăng chi tiết)".
Khỏi cần đợi tới "đêm nay", và cũng hả cần phải là thầy bói, ai cũng biết trước được rằng vụ này sẽ lôi thôi lớn, lôi thôi lâu, và (e) còn lôi thôi lắm.
Trịnh Xuân Thanh trong phiên xử thứ hai - Ảnh minh họa - Nguồn : internet
Sao năm nay "vận nước" xui dữ vậy cà ?
Đây đâu phải là lần đầu tiên mà công an Việt Nam, chạy qua nước khác, "khiêng trộm" người về. Mấy vụ trước đều im re (và êm ru bà rù) tuốt luốt. Lần cuối, lực lượng an ninh "khiêng" Lê Trí Tuệ từ Campuchia về có ai hay biết (hoặc quan tâm, hoặc quan ngại) gì đâu – trừ một người duy nhất là bà Lê Thị Hồng Phương.
Qua một cuộc trao đổi ngắn giữa bào tỷ của nạn nhân và biên tập viên của RFA, vào hôm 3 tháng 2 năm 2014, thiên hạ mới được biết qua sự việc :
Mặc Lâm : Thưa bà, xin bà cho biết chi tiết về trường hợp của em bà là anh Lê Trí Tuệ đã mất tích trong trường hợp nào ?
Lê Thị Hồng Phương : Dạ, em của tôi là Lê Trí Tuệ, sau ba năm quân ngũ thì em tôi được đào tạo một khóa học do nhà nước tổ chức và được cấp bằng trong lĩnh vực kinh doanh vể đào tạo lại cho người lao động đi xuất khẩu cũng như cho các cơ quan, đoàn thể và các công ty cần thiết lao động.
Thế nhưng trong thời gian làm việc đó thì chính bản thân của em tôi cũng giống như các đồng nghiệp và nhiều người lao động khác không nhận được chế độ đặc biệt và công bằng trong lao động vì vậy trong năm 2006 em tôi đã cùng thành lập Công đoàn Độc lập Việt Nam và tới năm 2007, trong cả thời gian dài như vậy em tôi đã bị quy tội là chống đối nhà nước và thường bị sách nhiễu. Em tôi bị đối xử không công bằng nên không còn con đường sống nào khác phải trốn khỏi Việt Nam để sang Campuchia tỵ nạn.
Mặc Lâm : Lần cuối cùng gia đình bà còn liên lạc được với anh Lê Trí Tuệ là khi nào ?
Lê Thị Hồng Phương : Vào tháng 4 năm 2007 đến tháng 5 năm 2007 trong gần một tháng lần cuối cùng thì Tuệ gọi điện về gia đình và nói rằng ngày mai thì em sẽ rời khỏi Campuchia để đi Thái Lan và cũng từ hôm đó em tôi mất tích, không có thêm một tin tức gì nữa.
Ngay ngày hôm sau tờ báo Công an Nhân dân Việt Nam đã phát đơn truy nã em tôi. Cả một thời gian dài trong nhiều năm qua gia đình tôi cũng luôn nghe ngóng theo dõi tìm hiểu tin tức về Tuệ nhưng không hề có manh mối nào cả…
Mặc Lâm : Anh Tuệ bị mất tích tại Phnom Penh, Campuchia vì vậy bà có nghĩ rằng khi đến Cao ủy Tỵ nạn Liên hiệp quốc Thái Lan kêu cứu thì người ta có thể từ chối đơn kêu cứu của bà hay không ?
Lê Thị Hồng Phương : Cao ủy Tỵ nạn Liên hiệp quốc trước kia có trụ sở ở Campuchia, Phnom Penh nhưng sau đó đã chuyển sang Thái Lan cho nên tôi cũng lặn lội đến đây vì tôi biết hồ sơ em tôi còn có nguồn gốc tại Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan. Tôi tha thiết nguyện vọng xin Cao ủy theo dõi về trường hợp mất tích của em tôi và sớm cho gia đình chúng tôi có sự trả lời.
Mặc Lâm : Từ Châu Âu xa xôi bà lặn lội đến Thái Lan để nộp đơn kêu cứu tới Cao Ủy, xin bà cho biết nội dung trong đơn có chi tiết gì đặc biệt khiến cho họ phải chú ý hay không ?
Lê Thị Hồng Phương : Dạ, vì trường hợp của Lê Trí Tuệ được Cao ủy Liên Hiệp Quốc biết rất rõ về hoàn cảnh, điều kiện và đã cấp cho Tuệ một quy chế tỵ nạn giống như một trường hợp được bảo vệ đặc biệt đối với Tuệ. Trường hợp mất tích của Lê Trí Tuệ tôi thấy có điều gì đó còn uẩn khúc vì Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc tại Campuchia đã có đầy đủ thông tin hồ sơ của Tuệ rồi và hiện bây giờ tôi tin là đã chuyển về Thái Lan và bên Phnom Penh không còn nữa. Vì vậy tôi đã lặn lội qua Thái Lan yêu cầu giống như để kêu cứu các đoàn thể quốc tế cũng như Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc quan tâm tới trường hợp mất tích của Lê Trí Tuệ…
Ảnh Lê Trí Tuệ mất tích tại Campuchia vào ngày 16 tháng 5 năm 2007. Ảnh gia đình cung cấp
Đã hơn mười năm trôi qua. Tuyệt nhiên, không thấy "các đoàn thể quốc tế cũng như Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc" có chút "quan tâm" nào xất. Dân Việt, từ trong ra ngoài, cũng thế. Chả ai bận tâm xíu xiu nào về việc nhà nước hiện hành bắt cóc một công dân lương thiện mang đi cất dấu (hay giết hại) cả.
Nói theo Bùi Thanh Hiếu là "chúng ta sống như một bầy gà, người ta vồ con nào con đấy chịu". Thằng em ví von nghe cũng hay hay nhưng thiệt ra thì trật lất. Bạn thử nhào vào giữa đàn gà, và cố bắt một con xem... Chúng kêu "quang quác" lên ngay, chứ đâu có im re như người... Việt !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 01/06/2018 (tuongnangtien's blog)
"Sau ngày 23/7/2017, tôi hỏi Vũ [Đình Duy] rằng Vũ có biết ai tham gia bắt cóc chồng tôi không. Vũ nói Vũ chỉ biết nhóm người gồm Oai, Long, Tú," bà Trần Dương Nga khai trước Tòa Thượng thẩm Berlin sáng 15/5/2018.
Quang cảnh khu vực sảnh bên ngoài phòng xử án, Tòa Thượng thẩm Berlin
"Vũ nói Vũ biết nhóm người này thông qua Oai".
Trong buổi sáng phiên xử thứ năm, diễn ra vào hôm thứ Ba, vợ ông Trịnh Xuân Thanh tiếp tục ra tòa với vai trò nhân chứng.
Đây là lần thứ hai bà Nga xuất hiện trước tòa. Trước đó, vào sáng 7/5/2018, bà đã trả lời các câu hỏi của tòa trong vòng khoảng 1 tiếng, cũng ở vị trí nhân chứng.
Bị cáo duy nhất hầu tòa trong vụ này là ông Long N. H., một công dân Việt Nam sinh sống tại Cộng hòa Czech, trong nghi án 'bắt cóc ở Berlin' với nạn nhân là chồng bà Nga, ông Trịnh Xuân Thanh.
Bị cáo Long N. H., một công dân Việt Nam sinh sống tại Cộng hòa Czech, đang hầu tòa trong nghi án 'bắt cóc ở Berlin'
Hai người đàn ông nữa, có tên là Oai và Tú được bà Nga nhắc tới, là hai trong số các đối tượng mà cáo trạng của cơ quan công tố Đức nêu là nghi phạm cùng tham gia vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
Vũ Đình Duy biết rõ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ?
Trước tòa hôm 15/5, bà Nga khai rằng Vũ Đình Duy có nói với bà Nga rằng đây là một vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, với sự tham dự của Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin.
Thời điểm Vũ Đình Duy nói với bà Nga là khoảng ngày 26/7/2017, tương đối sớm sau khi xảy ra vụ bắt cóc, bà Nga nói.
Cơ quan điều tra của Đức xác định ông Trịnh Xuân Thanh đã bị một nhóm người bắt cóc vào sáng Chủ Nhật 23/7/2017 tại một công viên ở trung tâm Berlin, đưa về Sứ quán Việt Nam tại Berlin rồi sau đó về Việt Nam qua ngả nào chưa rõ.
Trong phiên xử hôm 7/5, bà Nga đã trình bày rằng bà lần đầu tiên nghe tin chồng bà bị bắt cóc là hôm 25/7/2017, từ Sở Cảnh sát Berlin.
Trong lần ra tòa thứ hai, sáng 15/5, bà nói rằng bằng những cách riêng, ngay sau đó, bà đã tìm hiểu và được biết chồng bà sắp về đến Hà Nội, trên một chuyến bay từ Moscow.
Nguồn tin của bà cho biết rằng ông Thanh không đi được và nằm trên cáng khi về tới Hà Nội.
Bà Nga nói trước kia từng nghe nhiều tin đồn như vậy nên không tin ngay mà muốn tìm hiểu thêm.
"Tôi chỉ biết việc chồng tôi về VN qua truyền thông," bà nói. "Sau ngày 23/7/2017, tôi làm việc với cảnh sát Đức và phải giữ kín thông tin, với hy vọng chồng tôi vẫn còn ở Châu Âu".
"Cho tới tối thứ Năm [ngày 27/7/217], người thân của tôi nói rằng đêm hôm đó [rạng sáng 28/7/2017] anh Thanh sẽ về đến Việt Nam. Tôi vẫn trả lời rằng điều đó không thể xảy ra. Tôi đã không tin cho tới lúc chồng tôi xuất hiện trên truyền hình Việt Nam".
"Sau đó, qua nguồn tin một người bạn gái, tôi được nghe nói chồng tôi về Việt Nam trên một chiếc cáng, qua đường Nga, bằng máy bay của Vietnam Airlines. Chồng tôi khi đó không đi được".
Mối quan hệ giữa Vũ Đình Duy và Trịnh Xuân Thanh
Trước đó, trong phiên xử hôm 7/5, bà Nga đã khai trước tòa về mối quan hệ giữa nhân chứng Vũ với ông Trịnh Xuân Thanh.
Bà nói : "Vũ có quan hệ họ hàng với chồng tôi. Chồng tôi khá thân với Vũ, anh ấy coi Vũ là người thân cận, tin tưởng của mình".
Chi tiết này cũng được Vũ Đình Duy xác nhận trong buổi chiều phiên xử cùng ngày, khi ông ra tòa ở vị trí nhân chứng.
Rời khỏi Việt Nam vào 10/2016, Vũ Đình Duy nói ông tới thủ đô của Ba Lan, và dành thời gian đi đi lại lại giữa hai thành phố Warsaw và Berlin.
Tại Berlin, "tôi sống trong căn hộ của anh Trịnh [Xuân Thanh]", Vũ Đình Duy nói.
Tuy nhiên, ông Thanh và gia đình không sống tại địa chỉ này.
Ông Duy cho biết ông thường sang Berlin vào các dịp cuối tuần, ở cho tới thứ Hai hoặc đôi khi đến thứ Ba.
Trong thời gian ở Berlin, Vũ Đình Duy chủ yếu dành thời gian đi đánh golf với Trịnh Xuân Thanh, tại một câu lạc bộ mà họ đã mua thẻ thành viên thay vì trả tiền cho từng lượt chơi.
Vũ Đình Duy nói ông thường đặt chỗ chơi golf dưới tên ba người, gồm ông Trịnh Xuân Thanh, vợ ông Thanh là bà Trần Dương Nga, và tên mình.
Lý do, ông nói, là bởi đặt cho ba người thì sẽ được chơi độc lập, không phải ghép với các nhóm khách khác, sẽ đảm bảo quyền riêng tư. "Có những lần chỉ có tôi hoặc tôi và anh Trịnh chơi, nhưng tôi vẫn đặt ba chỗ".
Ông Vũ Đình Duy (trái) từng là lãnh đạo PVTEX, một trong các doanh nghiệp thua lỗ của PetroVietnam (PVN). Ông khai trước tòa Berlin rằng ông đã rời Việt Nam sang Châu Âu vào 10/2016
Vũ Đình Duy và mối quan hệ với nghi phạm Đào Q. Oai
Ông Vũ Đình Duy đồng thời nói với tòa rằng thời ông cũng có mối quan hệ mật thiết với một trong những người bị cho là có tham gia vào vụ bắt cóc, nghi phạm Đào Q. Oai, một người Việt sinh sống tại Prague và là người chú của bị cáo đang hầu tòa tại Berlin.
Vũ Đình Duy khai trước tòa rằng người có tên là ông Oai, sống tại Prague, với ông là một "người bạn thân".
"Tôi biết anh ấy từ 2009. Anh ấy cùng quê với tôi, nhà ở sát nhà tôi. Không chỉ thân với Oai, tôi còn thân với tất cả các thành viên khác của gia đình anh ấy".
"Vào lúc tôi quen biết Oai, anh ấy đã chủ yếu là sống tại Châu Âu. Anh ấy có nói với tôi rằng đã sang Châu Âu từ khoảng 1988, và kể với tôi rằng anh ấy chuyên cung cấp các dịch vụ cho người Việt ở Châu Âu và ở Tiệp".
"Anh ấy bảo tôi muốn gì, anh ấy cũng đáp ứng".
"Chẳng hạn có một lần, hồi 2010 tôi tới Frankfurt, tôi gọi điện cho anh Oai nói cho một xe đến đón tôi sang Tiệp. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau là đã có người mang xe tới đón tôi".
Trong câu chuyện với vợ chồng Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Đình Duy cũng từng nhắc tới tên ông Oai, bà Nga khai trước tòa hôm 7/5.
"Tôi được nghe nhắc đến một người tên là Oai nhiều lần, trong các lần gặp Vũ. Vũ nói Vũ có một người anh kết nghĩa rất thân, sống tại Prague. Vũ kể là Oai rủ Vũ sang Prague, Oai có thể lo được mọi việc cho Vũ," bà Nga nói.
"Oai được gọi là 'soái' của người Việt ở Prague, rất tốt với Vũ, luôn sẵn sàng giúp đỡ Vũ".
Mối quan tâm của Đào Q. Oai
Sau khi rời Việt Nam sang Châu Âu, Vũ Đình Duy tiếp tục có liên hệ với ông Oai qua Viber và Zalo, và có những lần Vũ Đình Duy sang Prague chơi, thăm ông Oai.
Theo lời khai của bà Nga, dường như nghi phạm Oai và ông Trịnh Xuân Thanh có biết nhau.
"Chồng tôi và Oai từng gặp nhau một lần gì đó, khi chồng tôi còn ở Việt Nam," bà Nga nói. Tuy nhiên, bản thân bà không quen biết ông Oai mà "chỉ nghe qua những lời kể của Vũ".
Tuy không có mối quan hệ gắn bới với nhau, nhưng Đào Q. Oai tỏ ra rất quan tâm tới manh mối về Trịnh Xuân Thanh, theo những gì Vũ Đình Duy khai trước tòa.
Về phần mình, ông Vũ Đình Duy cũng từng nhiều lần chủ động tìm cách kết nối để ông Thanh và ông Oai gặp nhau tại Berlin và Prague.
Theo lời khai của bà Nga hôm 7/5, có một lần Vũ Đình Duy rủ chồng bà đi chơi golf với sự có mặt của Oai, nhưng ông Thanh đã ngay lập tức từ chối.
Chi tiết này đã được tòa hỏi cặn kẽ trong phiên thẩm vấn riêng rẽ Vũ Đình Duy chiều 7/5.
"Khoảng hơn 10 ngày trước vụ bắt cóc anh Trịnh, tôi nhận được tin nhắn của anh Oai, nói rằng anh ấy đang từ Hamburg về, có đi qua Berlin và muốn chơi golf cùng tôi".
"Tôi đồng ý và đã đặt sân".
"Lúc ban đầu tôi đặt tên anh Trịnh và gọi điện hỏi anh Trịnh có muốn chơi không. Anh Trịnh nói không tham gia bởi không muốn gặp người quen của tôi vì muốn giấu tung tích".
"Tôi cũng từng rủ anh Trịnh đi Prague chơi, đi thăm anh Oai, nhưng anh Trịnh nói không muốn gặp Oai".
Vũ Đình Duy đã gặp những ai trước vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ?
Ngoài việc đón tiếp và đi chơi golf với nhau tại Berlin, trong khoảng thời gian trước khi xảy ra vụ bắt cóc, Vũ Đình Duy và ông Oai còn gặp gỡ tại Prague.
Vũ Đình Duy khai rằng khoảng giữa tháng 7/2017, ông cùng bạn gái sang Prague chơi, mục đích là "thăm người bạn thân là ông Đào [Q. Oai]".
Chuyến đi diễn ra vào khoảng từ 13 đến 17/7.
Có một tình tiết được tòa đặc biệt chú ý trong chuyến đi này.
Đó là bữa ăn sáng diễn ra một ngày trước khi Duy trở về Đức
"Bữa ăn này có mặt bốn người, gồm nhân chứng Vũ [Đình Duy] và ba người khác, trong đó có một nghi phạm tham gia vụ bắt cóc, và một người mà cơ quan công tố nghi ngờ rằng có thể là một quan chức an ninh cao cấp của Việt Nam," phóng viên nhật báo Taz của Đức, Sebastian Erb nói với BBC hôm 8/5/2018, ngay sau phiên thẩm vấn.
"Nhân chứng Vũ khai trước tòa rằng ông ta không nhớ rõ người mà tòa hỏi đến là ai, và chúng ta không biết là ông ấy có nói thật hay không".
Chỉ ít hôm sau khi xảy ra vụ bắt cóc, Vũ Đình Duy khai rằng ông nhận ra ông Đào Q. Oai là một trong những người tham gia vụ việc.
"Tôi biết anh Oai có đặt phòng cho Tướng Đường Minh Hưng sau khi được cảnh sát cho xem lại video," Vũ Đình Duy khai.
Tuy nhiên, ông Duy nói, để không đánh động đối tượng, ông đã không tìm cách hỏi ông Oai về vụ việc.
"Hôm 1 hoặc 3/8 gì đó, tôi không nhớ lắm, anh Oai có gọi điện cho tôi, hỏi rằng 'mày đã biết việc ông Trịnh Xuân Thanh về nước chưa ?' Tôi trả lời rằng mới biết tin qua truyền thông Việt Nam và tôi không hiểu vì sao ông Trịnh về Việt Nam đầu thú".
"Ông Đào [Q. Oai] nhắc tôi phải cẩn thận khi sống ở Châu Âu và phải hạn chế đi lại, chính xác là ông ấy nói, 'chơi ít thôi'".
"Sau đó khoảng 2 tháng, tôi có liên hệ với anh ấy và được biết anh ấy đang ở Việt Nam".
Đại sứ Dương Trọng Minh (thứ hai, từ bên phải) bị Bộ Ngoại giao Slovakia triệu lên làm việc hôm 3/5/2018
Cũng liên quan đến vụ việc, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia, bà Denisa Sakova và Tổng trưởng Cảnh sát Tibor Gaspar đã ra điều trần trước ủy ban An ninh và Quốc phòng về vai trò mà Đức nói là Slovakia có thể đã giúp đưa ông Trịnh Xuân Thanh ra khỏi EU, theo trang Teraz.sk hôm 15/05.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch ủy ban An ninh và Quốc phòng, ông Anton Hrrnko, các thông tin từ hồ sơ mật của an ninh Slovakia cho thấy khả năng mà Đức nói rằng có một người đàn ông Việt Nam "nằm trên máy bay Slovakia" để ra khỏi nước này, là "khó xảy ra".
Giới chức Slovakia khi đó đã cho phái đoàn Bộ Công an Việt Nam do Bộ trưởng Tô Lâm dẫn đầu mượn một máy bay chính phủ để di chuyển từ Prague tới thủ đô của Slovakia là Bratislava, và từ đó đi tiếp tới Moscow.
Ông Anton Hrnko (Đảng CIS) nói, "không hề có một người như thế đi máy bay và toàn bộ các thành viên của đoàn Việt Nam đều được kiểm tra kỹ và không ai bị cưỡng bức lên máy bay".
Phiên toà xử ông Long N. H. ở Berlin vẫn đang tiếp tục. Theo kế hoạch, sẽ còn 16 phiên xử nữa được thực hiện từ nay cho tới cuối tháng Tám.
Vụ án song hợp đối nội - đối ngoại mang tên ‘Trịnh Xuân Thăng’ vừa phát sinh một tình tiết thú vị và đánh đố : ngay trước phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ Đinh La Thăng - Trịnh Xuân Thăng vào ngày 7/5/2018 tại Tòa án cấp cao Hà Nội, tòa thông báo nhận đơn rút kháng cáo kêu oan của Trịnh Xuân Thanh (với cả hai vụ án mà ông Thanh bị tuyên án sơ thẩm chung thân). Cùng lúc, con trai của ông Thanh cũng rút đơn kháng cáo đòi trả lại tài sản kê biên (là biệt thự và xe sang do ông bà cho, được coi không liên quan đến cha).
Trịnh Xuân Thanh bị dẫn ra tòa ở Hà Nội, 24 tháng Giêng.
Vì sao Trịnh Xuân Thanh bất ngờ rút đơn kháng cáo ? Phải chăng ông Thanh, sau khi đã mùi mẫn ‘xin lỗi bác tổng bí thư’ nhưng không được toại nguyện, đã chìm lòng chấp nhận bản án chung thân đến cuối đời ? Hay việc rút đơn kháng cáo này đã được tác động bởi một chủ ý chính trị của đảng cầm quyền ?
Hai phiên tòa - một vụ án
Khó có thể cho rằng Trịnh Xuân Thanh rút đơn kháng cáo là một thái độ chấp nhận số phận đã an bài. Bởi trước đó và cùng với việc con trai của ông Thanh tung đơn kháng cáo đòi trả lại tài sản kê biên, người ta nhận ra rất rõ là trong thế cùng đường với hai bản án đều đến mức chung thân, Trịnh Xuân Thanh đã quyết định tung hê mọi việc mà chẳng còn lời xin lỗi nào đến ‘bác tổng bí thư’.
Ở một khía cạnh khác, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ Đinh La Thăng - Trịnh Xuân Thăng vào ngày 7/5/2018 được tổ chức ở Hà Nội trong bối cảnh cách đó hơn 8.000 km đang diễn ra ở Berlin một phiên tòa khác còn thu hút mối quan tâm của dư luận và báo chí quốc tế hơn nhiều : Tòa án Đức xử Nguyễn Hải Long - nghi can tham gia đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, mà trong phiên tòa này đã bất thần bùng phát một thông tin liên đới một cấp cao hơn rất nhiều : Slovakia đang làm việc với phía Đức để xác minh khả năng ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam, đã sử dụng chuyến thăm của mình đến nước này hồi tháng Tám năm 2017 để làm bình phong bắt giữ Trịnh Xuân Thanh.
Mặc dù chỉ là một nghi can và có thể không đóng vai trò chủ chốt trong vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, nhưng Nguyễn Hải Long đã khai báo một tình tiết cực kỳ quan trọng : 3 ngày sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin, Bộ Nội vụ Slovakia đã cho phái đoàn Công an cao cấp Việt Nam mượn một chuyên cơ của chính phủ Slovakia để bay từ Bratislava, thủ đô nước này, tới Moscow, sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Nội vụ khi đó là Robert Kalinak và Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm.
Bộ Nội vụ Slovakia tuyên bố : "Nếu thông tin mà giới chức Đức đưa ra được xác nhận là đúng thì chúng tôi sẽ xem đó là biểu hiện của sự bất công trắng trợn của đối tác Việt Nam, sự lợi dụng lòng hiếu khách của chúng tôi cho mục đích không phải là hữu nghị và gây bất ổn cho mối quan hệ song phương đang tiến triển tốt đẹp giữa hai nước".
Bóng dáng của cuộc khủng hoảng Solovakia - Việt Nam đang lừng lững ập đến.
Mất trắng 3 phiếu cho EVFTA
Sau cuộc gặp song phương giữa Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini và thủ tướng Đức Angela Merkeol tại Berlin với cam kết của hai bên về ‘sẽ hợp tác làm rõ’ vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, nếu trong thời gian tới phía Slovakia tổ chức điều tra làm rõ và xác định được nghi vấn của cơ quan an ninh Đức về vụ ‘Tô Lâm làm bình phong ?’ là đúng, phản ứng tối thiểu của Chính phủ Slovakia đối với Việt Nam sẽ là hạ cấp mối quan hệ ngoại giao và thương mại mà được xem là ‘tốt đẹp’ trước đây, cùng lúc có thể chấm dứt hoàn toàn ý định hỗ trợ Việt Nam để vận động EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Châu Âu - Việt Nam).
Và nếu xảy ra hậu quả về EVFTA như thế, Slovakia sẽ là quốc gia thứ hai, sau Đức, khiến chính thể độc đảng ở Việt Nam mất hẳn 2 phiếu trên cung đường đầy gai nhọn hoa hồng dẫn đến một EVFTA ‘cứu cánh’.
Cuộc khủng hoảng Slovakia - Việt Nam nếu xảy ra còn chắc chắn làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người đồng hương của Slovakia là Cộng hòa Czech với Việt Nam.
Tức trên con đường chông gai dẫn đến EVFTA chưa biết chừng nào mới kết thúc, ngay trước mắt Việt Nam rất có thể đã mất đến 3 phiếu từ Đức, Slovakia và Czech.
Với quy định ngặt nghèo rằng phải có đủ 28 nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu chấp thuận thì EVFTA mới được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn, việc Việt Nam thiếu ít nhất 3 phiếu sẽ khiến một EVFTA mang ý nghĩa ‘cứu cánh’ đối với nền kinh tế và ngân sách đang trên bờ suy sụp của nước này trở nên vô vọng.
Liệu Nguyễn Phú Trọng có chịu nhượng bộ trong tình thế quá nan giải ấy ?
Trọng có nhượng bộ Đức vào cuối năm ngoái ?
Vào ngày 25/11/2017, đã phát lộ dấu hiệu đầu tiên - có thể là một sự nhượng bộ, dù mớ trong ý định. Trong một cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương, Tổng bí thư Trọng đã bất ngờ thông báo công khai đưa Trịnh Xuân Thanh ra tòa vào tháng Giêng năm 2018. Dường như vào lúc đó, ông Trọng đã nắm được một ý tứ nào đó từ phía Đức, rằng người Đức sẽ không phản ứng đối với quyết định của ông, trên cơ sở người Đức đã có thể tạm hài lòng với những lời hứa hẹn (nếu có) của ông.
Khi đó, một nguồn tin không muốn nêu tên trong Bộ Ngoại giao Đức trả lời VOA tiếng Việt rằng chính quyền Berlin "hiện vẫn trao đổi với chính phủ Việt Nam" về vụ ông Thanh. Khi được hỏi phía Hà Nội đã hồi đáp như thế nào trước các đề nghị Berlin đưa ra hồi tháng Chín, trong đó có yêu cầu Việt Nam xin lỗi và cam kết không lặp lại việc vi phạm pháp luật của Đức, nguồn tin ngoại giao này nói : "Việt Nam biết cần phải làm gì để sửa chữa thiệt hại đã gây ra và để từng bước đưa mối bang giao song phương trở lại quan hệ đối tác chiến lược"…
Kể từ tháng Mười năm 2017 khi tạo nên cơn động đất khi đột ngột tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, đó là lần đầu tiên người Đức - dù chỉ là gián tiếp mà chưa có một thông báo chính thức nào - hé ra ý có thể phục hồi mối quan hệ này, do đó cũng mang lại một tia hy vọng cho giới chóp bu Việt Nam bị cáo buộc đã dùng lực lượng mật vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào cuối tháng 7/2017.
Cũng khi đó đã phát ra một tín hiệu mơ hồ về một khả năng : nhằm vớt vát thể diện trước người Đức, phục hồi quan hệ đối tác chiến lược với nước này và quan trọng không kém là nhằm vận động quốc hội ở các nước Châu Âu bỏ phiếu thông qua EVFTA, Tổng bí thư Trọng đã tìm cách "cam kết" trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức sau khi hoàn thành mục tiêu xử có án nặng đối với Thanh như một ý nghĩa ‘rửa mặt’.
Tuy nhiên, sau đó đã chẳng có thêm tín hiệu nào mới. Trong khi những cuộc đàm phán Đức - Việt vẫn giậm chân tại chỗ, Trịnh Xuân Thanh đã phải nhận hai án chung thân mà chẳng có hy vọng gì được ‘đoàn tụ với gia đình’ theo nguyện vọng của đại gia tham nhũng này.
Số phận Trịnh Xuân Thanh phụ thuộc… cải thiện nhân quyền ?
Còn giờ đây, thách thức đối ngoại mà đảng cầm quyền của Nguyễn Phú Trọng phải đối mặt còn khó khăn hơn so với năm 2017. Nếu không chịu nhượng bộ trong việc ‘trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức’, ông Trọng có thể sẽ phải nhận thêm hậu quả về một cuộc khủng hoảng ngoại giao lan rộng giữa các nước Châu Âu với Việt Nam, không những tuyệt vọng về EVFTA mà còn có thể tuyệt giao về quan hệ ngoại giao, để khi đó số phận của chính thể độc đảng ở Việt Nam sẽ biến thành… Bắc Triều Tiên.
Cũng bởi thế, đang xuất hiện một số suy đoán cho rằng để xử lý khủng hoảng đối ngoại trên, ông Trọng đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp ‘vận động Trịnh Xuân Thanh rút đơn kháng cáo’, mà theo đó sau khi ông Thanh đã ‘yên tâm ở tù chung thân’, phía Việt Nam sẽ đàm phán với Đức để âm thầm trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức theo hình thức ‘áp dụng luật đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại của Nhà nước’.
Luồng suy đoán trên cũng nêu ra cơ sở là với các nhà lãnh đạo Việt Nam, sau khi đã xử Trịnh Xuân Thanh, đặc biệt ‘ông anh’ của Trịnh Xuân Thanh là Đinh La Thăng, đã phần nào đáp ứng nguyện vọng "trừng trị những kẻ tham nhũng" trong một bộ phận dân chúng, cũng thể hiện được uy quyền "đốt lò" của mình. Con bài Trịnh Xuân Thanh đã hết hạn sử dụng, không nên là vật cản cho quan hệ hai nước Việt – Đức, đặc biệt quan hệ Việt Nam- EU. Hiệp định thương mai tự do Việt nam- EU phải được ký kết sớm, và cần giải toả con bài Trịnh Xuân Thanh càng sớm càng tốt.
Như vậy, chỉ cần Chính Phủ đề nghị, với lý do cần đáp ứng yêu cầu của nước Đức để sớm ký kết hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Chủ tịch nước sẽ ra lệnh đặc xá trong trường hợp đặc biệt đối với Trịnh Xuân Thanh. Bù lại, Trịnh Xuân Thanh cũng phải "xuống nước" rút kháng cáo kêu oan và chấp nhận mất một số tài sản khủng đứng tên con trai để thi hành án…
Tuy nhiên, đó chỉ là một suy đoán và mang tính giả thiết nhiều hơn. Trong thực tế, Hà Nội khá thường nuốt lời với quốc tế về vấn đề cải thiện nhân quyền, và càng chẳng có gì chắc chắn trong lời hứa của chính quyền này với đối tượng quan chức tham nhũng phải đi tù. Toàn bộ vụ Trịnh Xuân Thanh với kết quả đàm phán Đức - Việt gần như bế tắc cho tới nay là một minh chứng quá rõ để khiến giới chính khách Châu Âu hiểu thế nào là ‘lời hứa Việt Nam’.
Bởi thế trong thời gian tới, việc Trịnh Xuân Thanh sẽ được ‘đoàn tụ với gia đình’ hay bị hứa cuội sẽ vẫn là một dấu hỏi lớn.
Nhưng vẫn có thể xảy ra một khả năng hết sức trớ trêu : Trịnh Xuân Thanh có thể được phóng thích khòi nhà tù cộng sản trong trường Nguyễn Phú Trọng thực sự cần đến EVFTA và do đó sẽ nhượng bộ người Đức nói riêng và Liên Hiệp Châu Âu (EU) nói chung một số điểm về cải thiện nhân quyền.
Còn nếu không có chuyện cải thiện nhân quyền, Trịnh Xuân Thanh đương nhiên bị các đồng chí của mình hứa cuội và sẽ phải ‘yên tâm chung thân’, còn tài sản tham nhũng của Thanh sẽ bị sung công để ông Trọng nuôi đảng mà chẳng bao giờ đòi lại được.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 14/05/2018