Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

09/01/2018

Bán đảo Triều Tiên : hòa dịu thật hay giả tạo ?

RFI tiếng Việt

Quan hệ liên Triều hòa dịu, nhưng khủng hoảng hạt nhân vẫn còn đó (RFI, 09/01/2018)

Cả thế giới hôm nay có thể thở phào nhẹ nhõm khi thấy tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã dịu xuống sau nhiều tháng căng thẳng do khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên đã lên cao đến mức ai cũng lo ngại một cuộc chiến tranh nguyên tử giữa Bình Nhưỡng với Hoa Kỳ.

trieutien1

Trưởng đoàn đàm phán Bắc Triều Tiên, Ri Son-gwon (P) bắt tay đại diện Hàn Quốc Cho MyoungGyon. Ảnh ngày 09/01/2018.Yonhap via  Reuters

Cuộc đối thoại đầu tiên từ 2 năm qua giữa hai miền đã đạt được một kết quả cụ thể, tuy còn khiêm tốn, đó là Bắc Triều Tiên sẽ gởi một phái đoàn đến dự Thế Vận Hội mùa đông Pyeongchang Hàn Quốc. Cuộc đối thoại này diễn ra sau khi trong bài diễn văn đầu năm 2018, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã bất ngờ tỏ thái độ hòa hoãn với láng giềng miền Nam.

Vì sao Bình Nhưỡng đã đổi thái độ như vậy ? Theo nhận định của tạp chí Time có thể đó là do tác động của việc Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã gia tăng trừng phạt Bắc Triều Tiên. Ngay cả Trung Quốc, đồng minh thân thiết nhất của Bình Nhưỡng, cũng đã thi hành các biện pháp trừng phạt nặng nề hơn. Và đúng là đã có những dấu hiệu cho thấy chế độ Bình Nhưỡng bắt đầu bị ảnh hưởng bởi những biện pháp trừng phạt đó.

Tuy nhiên, theo lời ông John Delury, chuyên gia về Đông Á tại Đại học Yonsei ở Seoul, Bắc Triều Tiên vẫn quen chống trả các áp lực nước ngoài. Cho nên, chuyên gia này cho rằng không nên vội kết luận là các biện pháp trừng phạt của quốc tế đã có hiệu quả.

Một yếu tố khác có thể giải thích sự thay đổi thái độ của ông Kim Jong-un đó là nay lãnh đạo Bắc Triều Tiên cảm thấy đủ mạnh, sau khi đã hoàn tất chương trình hạt nhân và tên lửa, để có thể chủ động đề nghị nối lại đối thoại với Hàn Quốc và từ đó đạt được những nhân nhượng.

Có lẽ cũng chính vì nguy cơ bị Bắc Triều Tiên tấn công bằng vũ khí nguyên tử và tên lửa đạn đạo, mà Hoa Kỳ nay cũng đổi giọng. Vào tháng trước, ngoại trưởng Rex Tillerson đã tuyên bố là Washington sẵn sàng thương lượng bất cứ lúc nào với Bình Nhưỡng mà không cần điều kiện tiên quyết. Ngay cả tổng thống Donald Trump, sau khi tuyên bố vào tháng 10 năm ngoái rằng nói chuyện với Bắc Triều Tiên chỉ "phí thời gian", ngày 04/01/2018 cũng đã tỏ ý sẵn sàng đối thoại với Kim Jong-un. Hoa Kỳ cũng đã đồng ý tạm ngưng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội Pyeongchang.

Nói chung là tất cả các bên đều đã tỏ thái độ cởi mở hơn. Nhưng chưa biết tình hình sẽ đi đến đâu. Trung Quốc hy vọng rằng việc nối lại đối thoại giữa hai miền Triều Tiên sẽ mở đường cho việc đạt đến một thỏa thuận "hai bên đều ngưng", tức là Hoa Kỳ và Hàn Quốc ngưng các cuộc tập trận chung và đổi lại Bình Nhưỡng tạm ngưng thử nghiệm hạt nhân.

Nhưng ngày 04/01 vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis đã cho biết rằng các cuộc tập trận chung sẽ được mở lại sau Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật Paralympics (09-13/03/2018). Điều này chắc chắn sẽ cản trở mọi nỗ lực xích lại gần nhau giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Tóm lại, tuy hai miền Triều Tiên đã nối lại đối thoại, nhưng khủng hoảng hạt nhân vẫn còn đó, nhất là vì Kim Jong-un không từ bỏ tham vọng cường quốc nguyên tử. Trước mắt, khủng hoảng tạm thời sẽ không trầm trọng hơn, vì trong thời gian các vận động viên và các quan chức cao cấp của Bắc Triều Tiên có mặt ở Thế Vận Hội Pyeongchang, Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ không có một hành động khiêu khích nào khác.

Thanh Phương

********************

Đối thoại Liên Triều : Sự "khôn khéo" của Bắc Triều Tiên (RFI, 09/01/2018)

Chuyên gia về bán đảo Triều Tiên Juliette Morillot : "Kim Jong-un khai thác rất khéo rạn nứt trong trục Mỹ-Hàn". Phái đoàn hai nước Triều Tiên họp tại Bàn Môn Điếm, trong vùng phi quân sự-biên giới giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc để bàn về việc cử phái đoàn Bắc Triều Tiên dự Thế Vận Hội Olympic mùa đông Pyeongchang 2018. Giới quan sát coi đây là một cử chỉ hòa hoãn của chế độ Bình Nhưỡng.

trieutien2

Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc (trái) và Bắc Triều Tiên trong cuộc họp tại Bàn Môn Điếm ngày 09/01/2018. Reuters

Trả lời trên đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia về bán đảo Triều Tiên, Juliette Morillot, đồng tác giả cuốn 100 câu hỏi về Bắc Triều Tiên, nhà xuất bản Tallandier 2016, phó tổng biên tập tạp chí Châu Á Asialyst phân tích về chiến lược ngoại giao rất "khéo léo" của Kim Jong-un.

RFI : Tại sao Bắc Triều Tiên tại đột nhiên có cử chỉ hòa hoãn ?

Juliette Morillot : Theo tôi, đây không hẳn là một cử chỉ hòa hoãn. Sau một năm liên tục bắn thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân, Bình Nhưỡng tiếp tục chính sách đối ngoại với mục tiêu rất rõ ràng và đỉnh điểm của chính sách đó là bài diễn văn của Kim Jong-un hôm Tết dương lịch. Mục đích đặt ra là khẳng định đã có vũ khí nguyên tử và không tính tới kế hoạch giải trừ hạt nhân. Nhưng đồng thời Kim Jong-un muốn chứng minh ông ta là một nguyên thủ quốc gia, chìa bàn tay thân thiện với Seoul.

Trên thực tế Bình Nhưỡng chưa bao giờ có mục đích đe dọa Seoul. Hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên chủ yếu là để tự vệ trước đe dọa quốc gia này bị Hoa Kỳ tấn công. Chẳng những thế, Kim Jong-un còn đang muốn chứng tỏ thiện chí hòa bình. Đây là một bước đột phá gây bất ngờ. Một lần nữa tôi xin nhấn mạnh rằng, quyết định nối lại đối thoại liên Triều là bước kế tiếp trong chiến lược của Bình Nhưỡng.

RFI : Nói như vậy có nghĩa là đối thoại Seoul-Bình Nhưỡng mở ra tại Bàn Môn Điếm sau hai năm bị gián đoạn không phải là một cử chỉ cởi mở của Bắc Triều Tiên ?

Juliette Morillot : Có chứ. Đấy là một cử chỉ cởi mở nhưng cần nói lại là Bình Nhưỡng chưa bao giờ tỏ ra hung hăng với Seoul - ngoài những đòn võ mồm. Nhưng theo tôi đây là một yếu tố rất quan trọng để hiểu về tình hình bán đảo Triều Tiên. Các vụ bắn thử tên lửa và thử nghiệm vũ khí hạt nhân là lá bùa hộ mệnh của chế độ Kim Jong-un đề phòng Mỹ tấn công. Bình Nhưỡng muốn đối thoại song phương và trực tiếp với Washington trên vấn đề vũ khí. Nhưng căn cứ vào những tin nhắn gần đây của Donald Trump thì dường như và Nhà Trắng không đáp ứng đòi hỏi này. Ngược lại với Seoul thì khác. Bắc Triều Tiên muốn đàm phán thẳng với Hàn Quốc mà không có sự can thiệp của Hoa Kỳ.

RFI : Vậy trong cuộc đàm phán hôm nay hai nước Triều Tiên có đề cập đến vế hạt nhân hay không ?

Juliette Morillot : Tôi cho rằng hạt nhân là hồ sơ Bình Nhưỡng dành để thảo luận với Washington chứ không phải với Seoul. Do vậy thương lượng để Bắc Triều Tiên tham gia Thế Vận Hội mùa đông là một biểu tượng rất mạnh trong cái mà chúng ta hay gọi là 'ngoại giao thể thao', nhất là nếu như hai phái đoàn Nam và Bắc Triều Tiên cùng diễu hành dưới một mầu cờ. Đây là biểu tượng của một sự đoàn kết và thống nhất. Nhưng tôi e là Hoa Kỳ sẽ không hài lòng về điều này. Nhà Trắng không tán đồng đối thoại trực tiếp liên Triều và cũng không muốn Kim Jong-un chìa bàn tay thân thiện với nước láng giềng phía Nam.

RFI : Điều ấy được thể hiện qua thái độ của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc. Đại diện Hoa Kỳ cho rằng đề nghị đối thoại của Bình Nhưỡng chỉ là một sự "chắp vá". Ngược lại thì Seoul cũng như chính bản thân tổng thống Moon Jae-in tin tưởng vào con đường đối thoại.

Juliette Morillot : Tôi nghĩ là đôi bên chủ yếu tập trung vào vế thể thao. Có thể phái đoàn của hai nước sẽ đề cập đến một vài khía cạnh kinh tế. Đàm phán lần này thể hiện thái độ độc lập của tổng thống Hàn Quốc đối với đồng minh lâu đời là Mỹ. Đừng quên rằng ông Moon đã đắc cử sau khi tổng thống Park Geun Hye bị truất phế, mà ông này chủ trương đối thoại với Bắc Triều Tiên, khác hẳn với bà Park, một người có đường lối rất cứng rắn với chế độ Bình Nhưỡng.

Trên điểm này ta thấy rằng chính sách của Seoul dưới thời đại Moon Jae-in trước sau như một. Còn Kim Jong-un thì chứng tỏ ông ta mới là người chủ động và Kim khai thác rất khéo léo những mâu thuẫn trong công luận quốc tế về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Bản thân tổng thống Mỹ Donald Trump cũng phải nhìn nhận Kim Jong-un là một 'tay láu cá'. Chúng ta thấy Bình Nhưỡng rất tinh tế về phương diện ngoại giao : từng bước cô lập Mỹ và gần như là đang lật ngược thế cờ, khi mà báo chí quốc tế bắt đầu nói tới thiện chí hòa bình của Kim Jong-un.

Ở bên kia đấu trường thì Donald Trump với những tin nhắn trên Twitter vỗ ngực khoe rằng nút hạt nhân của Mỹ lớn hơn so với Bắc Triều Tiên. Việc này làm xấu đi hình ảnh của nước Mỹ. Dù vậy, Bình Nhưỡng vẫn chỉ trích Seoul là tay sai của Washington.

RFI : Bà muốn nói là Washington đã lầm khi trả đũa đòn khiêu khích được Bình Nhưỡng tung ra ?

Juliette Morillot : Vâng tôi nghĩ Donald Trump đã ứng xử vụng về khiến Lầu Năm Góc phải đau đầu. Xét cho cùng, trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, giải pháp duy nhất hiện nay là cộng đồng quốc tế cần nắm bắt lấy cành ô liu - biểu tượng của hòa bình, mà Kim Jong-un vừa chìa ra. Điểm kẹt ở đây là tới nay Mỹ vẫn không chấp nhận Bắc Triều Tiên là một cường quốc nguyên tử, mà trên thực tế thì Bình Nhưỡng đã có vũ khí hạt nhân và muốn dùng lá bài này để mặc cả với quốc tế. Bắc Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng hạt nhân.

RFI : Vậy Mỹ và Hàn Quốc có tiếp tục tập trận hay không ?

Juliette Morillot : Đây cũng là một điểm nhức nhối khác. Vấn đề đặt ra là liệu Hàn Quốc có sẽ tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ hay không và giảm tới mức độ nào. Quan hệ giữa Hàn Quốc với đồng minh truyền thống là Hoa Kỳ khá phức tạp : người dân xứ này an tâm vì được Mỹ bảo vệ nhưng không có nghĩa là Hàn Quốc chấp nhận làm tay sai cho Hoa Kỳ. Ngay sau khi đắc cử tổng thống, Moon Jae-in đã sang Washington và Donald Trump đã tiếp lãnh đạo Hàn Quốc một cách rất lạnh nhạt bởi vì ông Moon chủ trương hủy dự án lắp đặt lá chắn chống tên lửa Mỹ THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Một lần nữa chúng ta thấy rằng, từ Bình Nhưỡng, Kim Jong-un đã khéo léo khai thác rạn nứt này trong trục Mỹ - Hàn.

RFI : Bà muốn nói là quốc tế vẫn nên thận trọng về tình hình bán đảo Triều Tiên ?

Juliette Morillot : Đúng thế, ta nên thận trọng là hơn. Có thể Thế Vận Hội mùa đông lần này góp phần làm hạ nhiệt trên báo đảo Triều Tiên, nhưng sau đó thì sao ? Chúng ta chưa biết được. Khó có thể đoán trước rằng sau sự kiện thể thao trọng đại này, Seoul có giảm bớt các đợt tập trận chung với Mỹ hay không, trong lúc mà các chương trình tập trận đó vẫn làm Bình Nhưỡng bực bội. Giới hạn các chương trình tập trận có khả năng giúp hai miền Triều Tiên dễ dàng đối thoại với nhau hơn, qua đó tránh được tình trạng căng thẳng leo thang trong năm 2018.

Thanh Hà

*****************

Bắc Triều Tiên tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông ở Hàn Quốc (RFI, 09/01/2018)

Ngày 09/01/2018, trong cuộc đối thoại đầu tiên từ 2 năm nay với Hàn Quốc, diễn ra tại Bàn Môn Điếm, nằm ở vùng phi quân sự giữa hai miền, Bắc Triều Tiên đã đề nghị gởi một phái đoàn gồm các vận động viên và các quan chức cao cấp đến dự Thế Vận Hội Mùa Đông ở Pyeongchang, sẽ diễn ra từ ngày 09 đến 25/02/2018.

trieutien3

Trưởng đoàn Bắc Triều Tiên Ri Son-gwon (trái) tại Bàn Môn Điếm. Ảnh ngày 09/01/2017. Reuters

Về phần mình, Seoul đề nghị với Bình Nhưỡng tổ chức lại các cuộc họp mặt những gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên. Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias gởi về bài tường trình :

"Bắc Triều Tiên thông báo sẽ gởi đến Thế Vận Hội một phái đoàn đông đảo, gồm các vận động viên, các quan chức cao cấp và các cổ động viên. Tiếp đến sẽ có một đoàn nghệ thuật và một đoàn biểu diễn Thái Cực Đạo. Như vậy là đã có những bước tiến đáng kể.

Về phần mình, Seoul đã đề nghị là hai miền Triều Tiên sẽ diễu hành chung trong lễ khai mạc Thế Vận Hội. Bình Nhưỡng chưa trả lời về đề nghị này. Hàn Quốc cũng đã đề nghị tổ chức trở lại các cuộc họp mặt những gia đình bị ly tán trong chiến tranh. Các cuộc họp mặt này có thể diễn ra vào giữa tháng 2, tức là trong thời gian Thế Vận Hội Pyeongchang.

Seoul còn đề nghị các cuộc đàm phán khác, lần này sẽ là đàm phán quân sự, nhằm tìm ra những phương cách để tránh cho các sự cố ở biên giới biến thành xung đột vũ trang.

Các cuộc đàm phán hiện tiếp diễn ngay tại biên giới giữa hai miền, trong một tòa nhà được xây bên phía miền nam, nằm cách lằn ranh có vài mét. Về hồ sơ hạt nhân, Bình Nhưỡng vẫn tỏ thái độ kiên quyết. Tuy vậy, sau nhiều tháng căng thẳng, Hàn Quốc nay có thể tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông trong một bầu không khí hòa dịu hơn".

Ngoài những kết quả nói trên, Seoul và Bình Nhưỡng hôm nay cũng đã quyết định tái lập đường dây điện thoại quân sự giữa hai miền kể từ sáng ngày 10/01/2018. Cách đây vài ngày, hai bên đã tái lập đường dây điện thoại dân sự.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ
Read 675 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)