Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

11/01/2018

Việt Nam và các láng giềng : Indonesia và Campuchia

Tổng hợp

Indonesia sẽ tạm dừng đánh chìm tàu cá Việt Nam ? (BBC, 11/01/2018)

Một luật sư Việt Nam nhắc lại lời phản đối chính sách đánh chìm tàu cá nước ngoài của Indonesia, trong lúc tại Indonesia cũng đang có những lời kêu gọi tạm thời thay đổi chính sách này.

asean1

Indonesia dừng việc phá hủy tàu cá bị bắt ?

Báo Jakarta Post của Indonesia ngày 9/1 cho biết bà Susi Pudjiastuti, Bộ trưởng phụ trách Ngư nghiệp và Hàng hải của Indonesia, được đề nghị tạm ngưng chính sách đánh chìm tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép trên vùng biển nước này.

Đề xuất được nêu ra bởi Bộ trưởng Các vấn đề Hàng hải Indonesia, ông Luhut Binsar Pandjaitan.

"[Bộ] đã đề nghị là không nên đánh chìm tàu trong năm nay ; đủ rồi", ông Luhut được trích lời.

Hôm 10/1, Phó Tổng thống Jusuf Kalla nói chính sách trên sẽ làm ảnh hưởng tới mối quan hệ của Indonesia với các nước khác, Channel News Asia đưa tin.

Trong lúc đó, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani đề nghị sẽ hỗ trợ bà Susi trong việc quản lý các tàu cá bị bắt giữ nếu như có cách biến những tàu này thành tài sản nhà nước thay vì đem tiêu hủy, Jakarta Post nói.

Tuy nhiên, bà Susi Pudjiastuti nói việc đánh chìm các tàu đánh cá bất hợp pháp là dựa trên Luật Thủy sản của Indonesia. "Đó không phải là mong muốn của cá nhân tôi".

Nhiều tàu cá Việt Nam bị đánh chìm

Giới chức Indonesia bắt đầu chiến dịch trấn áp tình trạng mà họ gọi là đánh bắt cá bất hợp pháp của tàu cá nước ngoài trên vùng biển Indonesia kể từ năm 2015.

Cho tới nay, đã có hơn 360 tàu bị đánh đắm hoặc phá hủy, trong đó riêng trong 2017 con số này là 87 chiếc, theo Jakarta Post.

Luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, người từng tham gia đại diện quyền lợi cho một số thuyền trưởng người Việt bị Indonesia bắt giữ, nói với BBC ngày 11/1 :

"Indonesia là nhà nước pháp quyền, không ai có thể bị tuyên phạt, bị xử lý về nhân thân hoặc tài sản mà không qua tòa án".

"Ngay cả trong trường hợp ngư dân Việt Nam đánh bắt trong vùng biển Indonedia thì Indonesia cũng không được quyền cho phép lực lượng hải quân bắt giữ và đánh chìm tàu mà không qua xét xử".

asean2

Một tàu cá Việt Nam bốc cháy sau khi bị Hải quân Indonesia bắn

"Huống chi phía Việt Nam có đủ chứng cứ cho thấy phía Indonesia nhiều lần bắt giữ tàu cá của Việt Nam ngay trên vùng biển Việt Nam chứ không phải vùng tranh chấp".

"Chúng tôi có đầy đủ lời khai, có video, người nào không khai thì bị đánh hoặc xô xuống biển, trong khi phiên dịch thì không có".

"Nhiều người bị giam lâu ngày không được đem ra xét xử thì nghĩ 'nhận tội cho rồi' để được trở về quê hương", luật sư Hà Hải khẳng định.

Ông Hà Hải cho rằng Công ước quốc tế về luật biển và hiệp định ký giữa chính phủ Việt Nam và Indonesia về phân định ranh giới trên biển có phân định rõ tọa độ nơi Indonesia thường bắt ngư dân Việt Nam là "nằm trong vùng chồng lấn, chưa xác định của nước nào".

"Indonesia vì vậy chỉ được quyền xua đuổi tàu thuyền vào khu vực này chứ không được quyền chấp pháp trên vùng biển đó", luật sư Hà Hải nêu quan điểm.

Trong khi đó, bà Susi Pudjiastuti, Bộ trưởng phụ trách Ngư nghiệp và Hàng hải của Indonesia, nói qua kênh YouTube chính thức của bộ này : "Điều tôi làm dựa theo Luật ngư nghiệp".

"Gần 90% tàu bị đánh chìm diễn ra sau khi có quyết định của tòa án nói rằng tàu đánh cá cần bị hủy vì chúng là tang chứng phạm tội".

"Bị đâm chìm và cướp sạch"

Những năm gần đây, truyền thông trong nước liên tục đưa tin tàu cá Việt Nam bị bắt giữ, bị cho nổ tung hoặc đâm chìm tại các vùng biển nước ngoài.

asean3

Bà Susi Pudjiastuti cương quyết với chính sách đánh chìm tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép

Gây chú ý gần đây nhất hồi cuối năm 2017, Indonesia bắt năm thuyền trưởng người Việt do đánh bắt trái phép, đồng thời giam giữ tàu cá.

Các thuyền trưởng kêu oan, cho rằng họ đánh bắt ở vùng biển chồng lấn, nơi chưa được phân định rõ ràng.

asean4

Hàng loạt tàu cá Việt Nam bị hải quân Indonesia đánh chìm

Trước những kêu gọi tại chính Indosia, theo đó muốn thay đổi chính sách phá hủy tàu cá nước ngoài, BBC đã tìm cách liên lạc với ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Việt Nam trong ngày 11/1 nhưng không được.

Theo luật sư Hà Hải, hiện còn khoảng hơn 200 người Việt Nam đang bị giam giữ trong các nhà tù tại Indonesia, một số vẫn chưa hề được xét xử.

*********************

Hà Nội-Phnom Penh hợp tác trong vấn đề pháp lý cho người Việt tại Campuchia (RFA, 11/01/2018)

Thủ tướng Hun Sen của Campuchia cam kết thúc đẩy giải quyết tư cách pháp lý cho người Việt ở xứ Chùa Tháp.

asean5

Ảnh minh họa : Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái) và Thủ tướng Hun-Sen (phải) trong lần gặp gỡ tại Phnom Penh vào ngày 25/04/2017. AFP

Thông cáo của Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho biết cam kết vừa nêu được Thủ tướng Hun Sen đưa ra trong cuộc gặp song phương với người tương nhiệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 10 tháng Giêng, bên lề Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương tại Phnom-penh, Campuchia.

Thông cáo ghi rõ hai nước nhất trí phối hợp giải quyết tích cực vấn đề pháp lý cho người Campuchia gốc Việt tại Campuchia trên cơ sở luật pháp Campuchia và tinh thần quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước.

Tuy nhiên, tờ Phnompenhpost vào ngày 11 tháng Giêng dẫn lời của Vụ trưởng Di trú Campuchia Sok Phal và của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Campuchia rằng họ không biết gì về cuộc thảo luận của hai vị thủ tướng, liên quan vấn đề pháp lý của người Việt sinh sống tại Campuchia.

Ông Sok Phal nói rằng người Việt sống bất hợp pháp tại Campuchia có hai lựa chọn, bao gồm hoặc "tự nguyện hồi hương" hoặc phải trả tiền phạt 250 ngàn riel, tương đương 62.50 đô la Mỹ để được cấp giấy tờ di trú hợp pháp.

Hồi năm ngoái, giới chức di trú Campuchia công bố một kế hoạch tước bỏ các giấy tờ của người Việt mà họ cho là "không bình thường". Vào tháng 11, giới chức di trú Campuchia bắt đầu tiến hành tịch thu giấy tờ của những người Việt sống ở khu vực Kampong Chhnag, Biển Hồ và sẽ thực hiện đối với những người Việt sinh sống trên khắp lãnh thổ Campuchia.

Việc làm này của Chính quyền Campuchia bị cho là vi phạm nhân quyền.

*******************

Diễn đàn Lan Thương-Mêkông : Bắc Kinh hào phóng với Phnom Penh (RFI, 11/01/2018)

Diễn đàn Lan Thương – Mêkông kết thúc ngày 10/01/2018 tại Phnom Penh. Trung Quốc và 5 nước nằm dọc theo sông Mê Kông thông báo sẽ tiến hành hơn 100 dự án cải thiện cơ sở hạ tầng khu vực. Những dự án này chủ yếu do Bắc Kinh tài trợ và tập trung nhiều ở Cam Bốt.

asean6

Người dân Vĩnh Long vận chuyển gạo trên sông Mêkông.Wikimedia Commons

Những món quà trị giá hàng tỷ euro sẽ được đổ vào Cam Bốt trong nhiều dự án lớn như đường cao tốc, một sân bay mới hay như một bệnh viện mới cho thủ đô Phnom Penh. Chỉ riêng với dự án đường cao tốc, chi phí ước tính đã lên đến hai tỷ euro, theo như tuyên bố của bộ trưởng Giao Thông Cam Bốt, ông Sun Chantol, trong buổi họp báo ngày 10/01/2018.

AFP nhận định Bắc Kinh đã "quen" hào phóng chi hàng tỷ tiền đầu tư với lãi suất thấp để "mua chuộc" sự hữu hảo của các nước láng giềng, nhất là tại Cam Bốt. Và Bắc Kinh đã khẳng định uy thế của mình trên hồ sơ này thông qua diễn đàn Lan Thương – Mêkông.

Thủ tướng Lý Khắc Cường, trước sự hiện diện của các bên tham gia, đã ca tụng mối hợp tác tốt đẹp giữa các nước ở thượng và hạ nguồn sông Mêkông, và kêu gọi hành động vì lợi ích chung.

Dòng sông Mêkông rộng lớn trải dài hơn 4.800km bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, đi qua Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Nhưng trên thượng nguồn, Bắc Kinh đã có đến 6 đập nước. Và trong số 11 dự án xây đập thủy điện hạ nguồn, có đến hơn phân nửa là do Trung Quốc đầu tư.

Với việc kiểm soát lưu lượng dòng chảy trên thượng nguồn, có thể nói Trung Quốc đang nắm trong tay một vũ khí gây sức ép lợi hại. Mà bằng chứng là nhờ việc Bắc Kinh xả các đập nước mà Việt Nam đã tránh được nạn khô hạn trong năm 2016.

AFP khẳng định Bắc Kinh thông báo đầu tư vào Cam Bốt, nhưng đích ngắm chính là sông Mêkông.

RFI tiếng Việt

********************

Một báo Campuchia : Người gốc Việt 'có hai lựa chọn' (BBC, 11/01/2018)

Một báo Campuchia hôm 11/1 nói những người gốc Việt nhập cư "bất hợp pháp" tại nước này hiện "có hai lựa chọn" trong lúc báo Chính Phủ Việt Nam cùng ngày nói "hai bên nhất trí phối hợp giải quyết tích cực vấn đề địa vị pháp lý cho người gốc Việt".

asean7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và người đồng cấp Hun Sen tại Hội nghị cấp cao Hợp tác Mekong-Lan Thương

Báo điện tử của Chính phủ Việt Nam cho hay : "Hai bên nhất trí đẩy mạnh tiến độ phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền, phấn đấu hoàn thành công tác này trong thời gian sớm nhất. Hai bên cũng nhất trí phối hợp giải quyết tích cực vấn đề địa vị pháp lý cho người gốc Việt tại Campuchia trên cơ sở luật pháp Campuchia và tinh thần quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước".

Tuy vậy, tờ Phnom Penh Post nói Vụ trưởng Vụ Xuất nhập cảnh Sok Phal cho biết ông không hay biết gì về cuộc thảo luận. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Campuchia Chum Sounry cũng không biết về vụ này.

Ông Phal nhấn mạnh rằng những người nhập cư "bất hợp pháp" có hai lựa chọn : "Tình nguyện hồi hương", hoặc phải trả 250.000 riel tiền phạt (khoảng 1,4 triệu đồng) để có tình trạng di dân hợp pháp.

Năm ngoái, giới chức xuất nhập cảnh Campuchia công bố kế hoạch giấy cư trú được cấp "trái luật" của người gốc Việt, khiến chính phủ Việt Nam gửi thông báo yêu cầu Campuchia tôn trọng quyền của những người này.

Vào tháng 11, giới chức xuất nhập cảnh bắt đầu thu hồi giấy tờ từ người gốc Việt đang sinh sống ở tỉnh Kampong Chhnang, miền Trung. Động thái này được miêu tả là việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Quá trình này sẽ được mở rộng trên toàn quốc.

asean8

Hàng ngàn người gốc Việt tại tỉnh Kampong Chhnang, Campuchia đã bị tịch thu giấy tờ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được báo Chính Phủ dẫn lời nói ông "chân thành chúc nhân dân Campuchia tổ chức thành công cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 2/2018 và bầu cử Quốc hội vào tháng 7/2018 và khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn mong muốn tiếp tục củng cố và phát triển mối quan hệ "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" với Campuchia.

Hồi tháng 10/2017, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Samdech Krolahom Sar Kheng khẳng định tiếp tục chính sách thu hồi giấy tờ của 70.000 người ngoại quốc "sinh sống bất hợp pháp" tại vương quốc này.

Quay lại trang chủ
Read 827 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)