Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

01/02/2018

Bắc Kinh muốn chia rẽ Giáo hội Công giáo Trung Quốc

Tổng hợp

Dân biểu Đài Loan lo ngại Vatican cắt đứt quan hệ với Đài Loan vì Trung Quốc (RFA, 01/02/2018)

Một số dân biểu Đài Loan đang tìm cách hội kiến Giáo hoàng Francis, người đứng đầu Giáo hội Công giáo hoàn vũ, vào khi quan ngại ngày càng tăng về tin Vatican sẽ đoạn giao với Đài Bắc.

conggiao1

Giáo hoàng Francis (trái) và Hồng y David Lai của Đài Loan hôm 7/12/2017 ở Vatican -  AFP

Hãng tin Pháp AFP loan tin vào ngày 1 tháng 2 cho biết 5 dân biểu thuộc hai ủy ban đối ngoại và đối nội của Đài Loan vào ngày thứ bảy tới đây sẽ rời đảo quốc thực hiện chuyến công du 8 ngày đến Vatican, Italia và Hy Lạp.

Một trong 5 người cho AFP biết là hy vọng được hội kiến Giáo hoàng khi đến Vatican ; tuy nhiên cuộc gặp mong đợi đó vẫn còn phải chờ.

Các dân biểu Đài Loan muốn trình bày cùng người đứng đầu giáo hội Công giáo hoàn vũ những quan điểm về mối quan hệ Vatican- Đài Bắc. Chuyến đi của họ được thực hiện sau khi Tòa Thánh phê phán một Hồng y Hong Kong đã về hưu là Hồng y Trần Nhật Quân vì lên tiếng chỉ trích quyết định của Tòa thánh.

Vị hồng y đã về hưu này vào tháng một đã đến Vatican gặp Giáo hoàng Francis về việc hai giám mục thuộc giáo hội thầm lặng tại Hoa Lục bị Vatican buộc phải nhường vị trí cho giám mục được Bắc Kinh tiến chức.

Vị hồng y về hưu ở Hong Kong cho là Vatican đã bán đứng giáo hội thầm lặng ở Hoa Lục qua những quyết định bổ nhiệm mới ở Trung Quốc.

Ước tính tại Trung Quốc có chừng 12 triệu tín đồ Công giáo. Bắc Kinh cắt đứt quan hệ với Vatican vào năm 1951. Hiện nay Tòa Thánh Vatican là một trong 20 quốc gia trên thế giới công nhận chính quyền Đài Loan. Nếu Vatican thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, tức phải đoạn giao với Đài Loan.

Bắc Kinh luôn xem đảo quốc do chính quyền Đài Bắc quản trị là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và yêu cầu các nước đồng minh của Bắc Kinh phải cắt đứt mọi quan hệ với Đài Loan.

*******************

Hồng y Hongkong cáo buộc Vatican ‘bán đứng’ giáo dân Trung Quốc (Người Việt, 31/01/2018)

Tòa Thánh Vatican hôm Thứ Ba đưa ra lời quở trách mạnh mẽ nhắm vào một hồng y cao cấp, do vị này nói rằng, trong thỏa hiệp bình thường hóa quan hệ ngoại giao với nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh, giới chức ngoại giao Tòa Thánh đang có hành động" bán đứng" giáo dân Công giáo Trung Quốc trung thành với Vatican.

conggiao2

Hồng y Joseph Zen trao bức thư cho Giáo hoàng Francis hồi đầu năm 2018. (Hình : L'Osservatore Romano/Pool Photo via AP)

Bản tin của hãng thông tấn Reuters cho hay trong bản thông cáo đưa ra cho báo chí, Vatican cho hay rất ngạc nhiên và thấy rằng rất đáng tiếc là có người trong hội thánh lại có hành động "gây hiểu lầm và tranh cãi".

Bản thông cáo này được đưa ra một ngày sau khi Hồng y Joseph Zen, vị cựu tổng giám mục cương trực của Hồng Kông, tạo ra sự tranh cãi trong dư luận qua việc đưa lên Facebook một bản post dài chỉ trích Vatican.

Bản thông cáo của Tòa Thánh không nêu tên Hồng y Zen, nhưng các giới chức cao cấp Tòa Thánh nói rằng đây là hành động "ngạc nhiên và đáng tiếc" dựa trên việc cho rằng có khác biệt giữa Giáo hoàng Francis và các phụ tá hàng đầu của ngài, liên quan tới chiến lược về Trung Quốc.

Hồng y Zen vẫn thường chỉ trích các nỗ lực của Tòa Thánh nhằm tiến gần hơn với chế độ cộng sản Trung Quốc, nơi có hội thánh Công giáo ‘chui’ trung thành với Vatican và hội thánh Công giáo có sự kiểm soát của chính quyền với các giám mục do nhà nước bổ nhiệm.

Hãng thông tấn AsiaNews hồi tuần qua nói rằng các nhà thương thuyết của Vatican đã yêu cầu hai giám mục trung thành với Vatican hãy từ chức để lấy chỗ cho hai giám mục do Bắc Kinh bổ nhiệm.

Điều này đã khiến Hồng y Zen phải viết bản post đưa lên Facebook để phản đối.

Trong bản post này, ông viết : "Phải chăng tôi nghĩ rằng Vatican đang bán đứng Hội Thánh Công giáo ở Trung Quốc ? Đúng, rõ ràng là vậy. Nếu họ cứ tiếp tục đi theo chiều hướng thấy rõ ràng từ những năm tháng gần đây". (V.Giang)

******************

Một hồng y lên án Vatican "bán đứng" Giáo Hội cho Trung Quốc (RFI, 31/01/2018)

Hồng y Trần Nhật Quân (tức Joseph Zen), nguyên giám mục địa phận Hồng Kông, hôm thứ Hai, 30/01/2018, công bố thư ngỏ, phản đối việc Vatican thay thế một giám mục người Hoa do Tòa Thánh bổ nhiệm, bằng một giám mục do chính quyền Bắc Kinh chọn lựa. Vatican hôm nay, 31/01, lên tiếng chỉ trích phát biểu của vị hồng y này.

brexit3

Hồng y Trần Nhật Quân - Joseph Zen cùng một số nhà tranh đấu khác trong một cuộc biểu tình đòi dân chủ cho Hồng Kông năm 2014. Reuters/Bobby Yip/File Photo

Phát biểu trên Facebook, cựu giám mục Hồng Kông 86 tuổi, công khai chỉ trích mạnh mẽ chính sách xích gần với chính quyền Trung Quốc của Tòa Thánh hiện nay. Trong thư ngỏ nói trên, hồng y họ Trần đã dẫn ra trường hợp của giám mục Trang Kiến Viên (Zhuang Jianjian), đang làm việc tại tỉnh Quảng Đông. Hồng y Trần Nhật Quân khẳng định ông đã trực tiếp nói chuyện với giáo hoàng Phanxicô về trường hợp giám mục Quảng Đông trong tháng Giêng này.

Theo trang mạng AsiaNews, vị giám mục 88 tuổi ở Quảng Đông đã được một nhà ngoại giao cao cấp của Vatican đề nghị về hưu, để dành chỗ cho một giám mục Trung Quốc, được chính quyền Bắc Kinh bổ nhiệm, mà không được giáo hoàng cho phép. Giám mục được Bắc Kinh hậu thuẫn, ông Joseph Hoàng Bính Chưởng (Huang Bingzhang), vốn bị Giáo Hội Công Giáo rút phép thông công năm 2011.

Cựu giám mục Hồng Kông đặt câu hỏi : "Phải chăng Vatican đang bán đứng Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc cho chính quyền ?". Ông tự trả lời : "Chắc chắn là như vậy", đồng thời lưu ý công luận là "chính quyền cộng sản Trung Quốc đang thiết lập các quy định mới nghiêm ngặt hơn, để giới hạn tự do tôn giáo".

Bức thư ngỏ của cựu giám mục Trần Hồng Quân cũng ngầm để công chúng hiểu là giáo hoàng Phanxicô không hề biết về quyết định này. Tuy nhiên, theo thông báo của người phát ngôn Vatican hôm nay, 31/01/2018, Đức giáo hoàng đã liên tục được cơ quan ngoại giao của Tòa Thánh thông tin "trung thành và chính xác" về các vấn đề với Trung Quốc. Vatican cũng cáo buộc các phát biểu đi ngược lại chính sách Trung Quốc của Tòa Thánh như trên "gây tranh cãi và hiểu lầm".

Trong nội bộ Vatican, có hai luồng quan điểm đối lập nhau trong những năm gần đây. Luồng thứ nhất, với nhân vật chủ chốt là ngoại trưởng của Tòa Thánh, hồng y Pietro Parolin, khẳng định cần phải mềm dẻo với Bắc Kinh, với hy vọng là chính quyền Trung Quốc dành nhiều tự do hơn cho người Công Giáo. Luồng thứ hai phản đối mạnh, với nhận định Bắc Kinh không thực sự tiến bộ trong lĩnh vực này.

Bắc Kinh và Tòa Thánh không có quan hệ ngoại giao từ năm 1951. Khoảng 12 triệu tín đồ Công Giáo tại Trung Quốc bị chia thành hai. Một bên là "Hiệp hội Công Giáo yêu nước", với chức sắc do Bắc Kinh lựa chọn. Bên kia là một giáo hội phi chính thức, với các giám mục do Tòa Thánh bổ nhiệm, mà chính quyền cho phép hoạt động, nhưng không chính thức công nhận. Kể từ năm 2013, giáo hoàng Phanxicô thi hành chính sách cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Trong những tháng gần đây, Vatican và Bắc Kinh chuẩn bị một thỏa thuận nhằm thừa nhận một số giám mục do Bắc Kinh lựa chọn.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 839 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)