Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

14/02/2018

Biển Đông : Trung Quốc làm tới, Philippines và Anh phản ứng

Tổng hợp

Manila phản đối Bắc Kinh đặt tên cho thực thể ngầm ở vùng biển Benham Rise (RFI, 14/02/2018)

Chính phủ Philippines vào hôm 14/02/2018, đã lên tiếng bác bỏ những tên mà Trung Quốc đặt cho một số thực thể ngầm dưới đáy các vùng biển, mà Manila cho là thuộc chủ quyền không thể chối cãi của mình.

bd1

Khu vực biển Benham Rise của PhilippinesẢnh : @ECS Submission of the Republic of the Philippines

Phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines, Harry Roque Jr., tuyên bố chính quyền Manila "phản bác" và không công nhận các tên mà Trung Quốc đặt cho các thực thể ngầm trong khu vực Benham Rise. Nhân vật này còn cho biết thêm là Manila đã nêu vấn đề đặt tên ở vùng biển Benham Rise này với phía Trung Quốc, và có thể sẽ nêu lên với cơ quan quốc tế về thủy văn, phụ trách việc lập danh sách những thực thể như thế.

Ông Roque còn cho biết thêm là Trung Quốc đã đặt tên cho những thực thể tại đây vào năm 2015 và 2017.

Vùng Benham Rise, mà Philippines đã cải tên thành Philippine Rise, là một khu vực nằm ngoài bờ biển phía đông bắc Philippines. Năm 2012, Liên Hiệp Quốc đã công nhận Philippines có quyền chủ quyền đối với Benham Rise và vùng biển này nằm một phần trong thềm lục địa mở rộng của Philippines.

Vụ việc đã nổi lên sau khi một chuyên gia Philippines, ông Jay Batongbacal - giám đốc Viện Hàng Hải và Luật Biển Philippines – trên Facebook hôm 12/02 cho biết là cơ quan Tổ Chức Thủy Văn Quốc Tế (IHO) gần đây đã thông qua 5 tên gọi do Trung Quốc đề xuất đối với 5 thực thể ngầm tại Benham Rise, trong đó có ba ngọn núi ngầm nằm bên trong vùng 200 hải lý quanh Philippines.

Chính quyền của tổng thống Philippines mới đây đã ra lệnh cấm nước ngoài nghiên cứu tại khu vực Benham Rise, sau khi đã từng cho phép một nhóm Trung Quốc nghiên cứu khoa học tại khu vực đó, ít ra là cho đến ngày 25/02. Theo AP, cho đến nay, giới quan sát vẫn thắc mắc tại sao chính quyền tổng thống Duterte lại cho phép Trung Quốc nghiên cứu khoa học ở vùng biển đó, trong bối cảnh chủ quyền của Manila tại Biển Đông bị Bắc Kinh phủ nhận.

Cho đến giờ thì tòa đại sứ Trung Quốc tại Manila chưa có phản ứng trước lời lẽ của Manila.

Trong thời gian gần đây, phía chính quyền thân Bắc Kinh của tổng thống Philippines có một vài dấu hiệu cứng rắn trên vấn đề chủ quyền biển. Manila mới đây không cho phép các quốc gia khác khai thác dầu khí, hay đánh cá trong vùng đặc quyền 200 hải lý của Philippines. Thậm chí ông Duterte còn dọa sẽ ra lệnh cho hải quân nổ súng trong trường hợp lệnh cấm bị vi phạm.

Mai Vân

********************

Trung Quốc phản ứng đối với Bộ trưởng quốc phòng Anh (RFA, 14/02/2018)

Tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc hôm 13/2 chỉ trích Bộ trưởng quốc phòng Anh về những phát biểu nhắm vào sự bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông.

bd2

Nữ hoàng Anh Elizabeth II (giữa) gặp các nhân viên trên tàu HMS Sutherland trong chuyến thăm tại bến West India, London hôm 23/10/2017 - AFP

Trong buổi phóng vấn với đài ABC của Australia, Bộ trưởng quốc phòng Anh Gavin Williamson đã bày tỏ thái độ cứng rắn chống Trung Quốc qua lời phát biểu rằng nước Anh không nên mù quáng trước tham vọng của Trung Quốc và phải bảo vệ an ninh quốc gia nước Anh.

Ông Bộ trưởng Gavin Williamson còn nhấn mạnh thêm rằng chắc chắn phải chống lại bất kỳ những động thái ác ý nào và cũng cần nhận thấy những thách thức gia tăng, không chỉ đến từ Trung Quốc mà còn từ Nga và Iran.

Bộ trưởng quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết ông đã học được nhiều bài học của Australia trong việc đối phó với một số thách thức mà Trung Quốc tạo ra ; đồng thời ông cũng xác nhận chiến hạm HMS Sutherland của Hải quân Anh sẽ khởi hành từ Úc đi qua vùng Biển Đông vào tháng tới để khẳng định quyền tự do hàng hải.

Tờ Hòa Cầu Thời Báo bình luận rằng Trung Quốc chưa bao giờ quấy nhiễu an ninh của Anh và lời tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Gavin Williamson về Trung Quốc là một điều đáng ngạc nhiên đối nhiều người dân Hoa Lục, đặc biệt là sau khi hai nước đồng ý nâng tầm mối quan hệ, gọi là "Thời đại Vàng", qua chuyến thăm của Thủ tướng Anh Theresa May tại Trung Quốc.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo còn nêu ra rằng Trung Quốc muốn Bộ trưởng quốc phòng Anh cho biết mục đích rõ ràng khi cho chiến hạm đi vào khu vực Biển Đông. Động thái này có phải là khiêu khích quân sự đối với Trung Quốc hay không ? Và nếu không phải là khiêu khích, thì Hải quân Hoàng gia Anh cần hành xử một cách khiêm tốn khi đi qua vùng Biển Đông.

Trước thông tin Anh cho tàu chiến vào khu vực Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 13/2 lên tiếng nói rằng tất cả các nước theo luật quốc tế đều có quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Ông cũng nói thêm là tình hình Biển Đông đã được cải thiện mỗi ngày. Vì vậy, Trung Quốc hy vọng các bên liên quan, đặc biệt là các nước bên ngoài khu vực nên tôn trọng những nỗ lực của các nước trong khu vực, không gây thêm các rắc rối.

********************

Bắc Kinh cho báo chí chế nhạo ý định tuần tra Biển Đông của Anh (RFI, 14/02/2018)

Chỉ một hôm sau khi bộ trưởng quốc phòng Anh loan báo ý định sắp cho một chiến hạm đi xuyên qua Biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải, ngày hôm nay, 14/02/2018, Trung Quốc đã bật đèn xanh cho tờ Hoàn Cầu Thời Báo chế nhạo kế hoạch của Luân Đôn.

bd3

Tàu chiến Mỹ USS Dewey tuần tra bên trong "12 hải lý" quanh Đá Vành Khăn (Mischief Reef), do Trung Quốc kiểm soát, thuộc quần đảo Trường Sa, hồi tháng 5/2017. Ảnh chụp ngày 06/05/2017.Reuters

Trong một bài xã luân viết bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Hoa, tờ báo thường được mệnh danh là cái loa của các thành phần diều hâu Trung Quốc đã cho rằng Anh Quốc chỉ muốn "chơi nổi", đồng thời khuyên Hải Quân Anh là nên hành xử một cách "khiêm tốn" khi đi qua Biển Đông.

Bài viết nói rõ : "Nếu không phải là khiêu khích, Hải Quân Hoàng Gia Anh nên giữ thái độ khiêm tốn khi đi qua biển Đông... Bằng cách hành động cứng rắn chống Trung Quốc, bộ quốc phòng Anh đang cố gắng chứng tỏ mình đang tồn tại và thu hút sự chú ý".

Tờ báo Trung Quốc không ngần ngại tỏ ý hoài nghi về khả năng Hải Quân Anh hoàn thành được chuyến đi nói trên, vào lúc mà Luân Đôn phải cắt giảm ngân sách, và tàu sân bay mới mà nước Anh đang đóng gặp "sự cố rò rỉ".

Trong bài phát biểu công bố hôm qua, 13/02/2018, nhân chuyến thăm Úc, bộ trưởng quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết là một chiến hạm Anh Quốc sẽ đi ngang qua Biển Đông vào tháng Ba tới đây để khẳng định quyền tự do lưu thông trên biển.

Theo hãng tin Anh Reuters, đây không phải là lần đầu tiên mà Trung Quốc tố cáo và đả kích các nước ngoài khu vực – chủ yếu là nhắm vào Mỹ và Nhật Bản – là khuấy động tình hình Biển Đông.

Về mặt chính thức, ngay vào hôm qua, khi đề cập đến kế hoạch tuần tra Biển Đông của Anh Quốc, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã bày tỏ hy vọng là các bên liên quan không nên có những hành động gây rắc rối từ một chuyện không là gì cả, gọi nôm na là "chuyện bé xé ra to".

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 574 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)