Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

21/02/2018

Điểm báo Pháp - Senkaku : Cửa ngõ đưa Trung Quốc ra Thái Bình Dương

RFI tiếng Việt

Senkaku : Cửa ngõ đưa Trung Quốc ra Thái Bình Dương cạnh tranh với Mỹ

Trung Quốc không ngừng xâm nhập vào vùng lãnh hải Nhật Bản từ 6 năm nay. Trước sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh trong khu vực, mà Tokyo coi là mối đe dọa, Nhật Bản sẵn sàng triển khai lực lượng bộ binh trên hòn đảo Ishigaki, cách 170 km quần đảo Senkaku bị Trung Quốc đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Đây chính là "những hòn đảo gây căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc".

senkaku1

Senkaku/Điếu Ngư : Vùng tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc. Reuters

Theo đặc phái viên Dorian Malovic của nhật báo công giáo La Croix, cuộc sống của 50.000 dân trên hòn đảo du lịch nổi tiếng sẽ phải quen với sự hiện diện quân sự của lực lượng phòng vệ Nhật Bản từ giờ đến 2 năm nữa. Vì "những hành động khiêu khích không ngừng của Trung Quốc trong lãnh hải thuộc chủ quyền của chúng tôi chỉ làm gia tăng căng thẳng", theo phát biểu của ông Yoshitaka Nakayama, thị trưởng Ishigaki. Cụ thể là cách đây vài tháng, tầu sân bay Liêu Ninh (Liaoning) của Trung Quốc đã đi qua vịnh Miyako, và vào tháng 01/2018, một tầu ngầm Trung Quốc đã xuất hiện gần Ishigaki.

Nhật quốc hữu hóa Senkaku, Trung Quốc đòi chủ quyền ở Điếu Ngư

Quần đảo trở thành chủ đề tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh từ năm 2012, sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa Senkaku. Giải thích với nhà báo của La Croix, nhà sử học Kuniyoshi Makomo, ở Naha, thủ phủ của Okinawa, khẳng định chủ quyền của Nhật Bản với quần đảo Senkaku : "5 hòn đảo và 3 bãi đá trong quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) được ngư dân trong vùng biết đến từ thế kỷ XVI. Nhưng chính người Nhật đến sinh sống ngay từ năm 1885 để đánh bắt và thu lượm lông chim hải âu".

Ngay năm 1879, Nhật Bản đã sáp nhập quần đảo Ryukyu (trong đó có quần đảo Senkaku) và sau trở thành tỉnh Okinawa. Trong cuộc chiến ở Thái Bình Dương, Senkaku bị người Mỹ sáp nhập và trở thành trường huấn luyện và mục tiêu của các chiến dịch hải quân. Quần đảo được trả lại cho Tokyo vào năm 1972. Chính vì vậy, thị trưởng Ishigaki khẳng định "kiên quyết bảo vệ việc quần đảo Senkaku thuộc về lãnh thổ Nhật Bản, theo luật pháp quốc tế". Đồng thời, ông cũng quan ngại trước "các vụ thâm nhập hàng hải của Trung Quốc, không ngừng tăng kể từ năm 2012 và sẽ còn tăng thêm vì Trung Quốc muốn dùng vũ lực để thay đổi nguyên trạng".

Ngoài nguồn tài nguyên dồi dào (dầu lửa và khí đốt) song chưa được kiểm chứng, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lên nắm quyền từ năm 2012, nhận thấy cơ hội theo đuổi chiến lược bành trướng chiến lược ở biển Hoa Đông, nơi trở thành cửa ngõ hàng hải hướng đến vùng Thái Bình Dương, để trở thành một cường quốc cạnh tranh với Hoa Kỳ.

Trung Quốc nắn gân Nhật Bản ở Senkaku/Điếu Ngư

Trước mối đe dọa sát sườn này, "Senkaku trở thành vấn đề an ninh quốc gia đối với Nhật Bản". Lực lượng bộ binh được triển khai ở Ishigaki sẽ là chiến tuyến quân sự gần quần đảo nhất. Theo kế hoạch, được thị trưởng Ishigaki cho biết, "một hệ thống radar cố định được lắp ở phía đông Ishigaki, ngoài ra còn có một hệ thống tên lửa phòng thủ địa đối hải và địa đối không tầm ngắn, không nhắm đến Trung Hoa lục địa, nằm cách đó 330 km. Sẽ không có lính Mỹ đồn trú ở đây, họ sẽ vẫn ở Okinawa".

Ngoài ra, Ishigaki cũng trở thành căn cứ quan trọng thứ ba của lực lượng hải cảnh Nhật Bản, sau Hiroshima và Yokohama. Từ 3 tầu tuần tra, hiện họ có 16 tầu có khả năng cứu hộ, được trang bị súng máy, súng canon phun nước dập lửa, bãi đáp trực thăng… Nhưng theo ông Hisaki Masadori, chỉ huy lực lượng hải cảnh trên đảo Ishigaki, mục tiêu chỉ là để cảnh báo "xua đuổi tầu Trung Quốc, bảo vệ ngư dân Nhật Bản", chứ không tìm cách đối đầu hay khiêu chiến và ngư dân trong vùng cũng được lệnh "không đối đầu với người Trung Quốc".

Tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư chủ yếu mang tính chiến lược. Theo ông Yoshiyuki Toita, một người phụ trách nhóm dân phòng trên đảo Ishigaki, "Trung Quốc không ngừng muốn thử chúng tôi. Kế hoạch của Bắc Kinh rất rõ : sáp nhập Senkaku và biến khu vực này thành một căn cứ quân sự tiền tuyến ở Thái Bình Dương. Nếu không làm gì, không phản ứng gì, không cho họ thấy là chúng tôi phản đối sẽ là một sai lầm chiến lược nghiêm trọng. Thực vậy, chúng tôi đã nhìn thấy những gì Trung Quốc làm ở Biển Đông ; họ xâm chiếm quần đảo Trường Sa, xây dựng căn cứ quân sự mà không nước nào phản ứng".

Đối với chính quyền Ishigaki, tiền tuyến quan trọng của Nhật Bản ở Đông Thái Bình Dương, mục tiêu rất rõ : kìm hãm hàng hải Trung Quốc trong vùng lãnh hải của Nhật Bản, ngăn chặn họ vượt qua quần đảo nhỏ bé này, nhưng được coi là bức tường thành tự nhiên cho các mục tiêu bành trướng quân sự của Trung Quốc.

Pháp tăng cường thắt chặt nhập cư

Ngày 21/02/2018, bộ trưởng nội vụ Pháp trình bầy tại hội đồng bộ trưởng dự thảo luật "Tị nạn và nhập cư". Đây là chủ đề được các nhật báo Pháp đưa trên trang nhất.

Theo trang nhất của Le Monde, thời hạn xét duyệt hồ sơ giảm xuống còn 6 tháng, nhưng thời hạn tạm giữ hành chính tại các trung tâm được kéo dài. Việc thống kê người nhập cư được đưa vào luật. Nhập cư trái phép sẽ bị truy tố hình sự. Những người không có giấy tờ có thể sẽ bị phạt tù 5 năm. Tuy nhiên, quá trình nhập cư có chọn lọc, trong đó có cả sinh viên muốn ở lại Pháp, sẽ được tạo điều kiện, cũng như các trường hợp đoàn tụ gia đình.

Tham Chính Viện Pháp chỉ trích nội dung và tính cơ hội của dự luật mới. Ngay trong nội bộ "cánh của tổng thống Pháp Macron cũng bị chia rẽ về dự luật nhập cư", theo nhận xét trên trang nhất của Le Figaro. Tuy nhiên, với nhật báo thiên tả Libération, dù có thêm một số biện pháp bảo vệ nhưng dự luật mới chủ yếu là tăng cường cơ chế "tách xa" người không có giấy tờ, bị từ chối quy chế tị nạn và điều này đi ngược với những phát biểu trước đó của tổng thống Macron.

Bài xã luận của Le Figaro nhấn mạnh đến việc phải bảo vệ "quyền tị nạn" của những người bị truy bức do bất đồng chính kiến, tôn giáo, giới tính, dân tộc… Tuy nhiên, nguyên tắc này đang bị đe dọa, không phải do sự cứng nhắc của bộ trưởng nội vụ Pháp, mà do các nhà đối lập không muốn tách biệt "quyền tị nạn" và "di dân kinh tế". Le Figaro đồng ý với dự luật của chính phủ trong việc phải phân biệt rõ ràng "người tị nạn" và "người nhập cư". Ngoài vấn đề thất nghiệp, nhập cư là một thách thức chính trị quan trọng vào đầu thế kỷ XXI và Pháp, cũng như Châu Âu, cần một tầm nhìn rộng, can đảm để ngăn chặn làn sóng nhập cư.

Tuy nhiên, bài xã luận của La Croix lại cho rằng "luật mới không chấm dứt được cuộc khủng hoảng di dân, như cây đũa thần. Mà cần phải tìm ra được một câu trả lời chung. Câu trả lời, chính là tỏ ra có trách nhiệm trước tình trạng không ai mong muốn". Nếu đưa họ về nguyên quán, người ta vừa phủ nhận trách nhiệm của những tình nguyện viên, tổ chức bảo vệ những con người bất chấp tính mạng để trốn chiến tranh, truy bức và nghèo đói. Vì vậy, La Croix dành 8 trang trong để "Tư duy về nhập cư".

OCDE truy quét "thị thực vàng"

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OCDE) rung hồi chuông cảnh báo nguy cơ lậu thuế liên quan đến việc cấp hộ chiếu và thị thực vàng được một số nước, trong đó có nhiều nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu, áp dụng từ những năm 1990.

Trong bản báo cáo ngày 19/02/2018, được La CroixLes Echos trích dẫn, hơn 90 nước trên thế giới cấp hộ chiếu hoặc thị thực cho những người giầu nước ngoài, thông qua việc đầu tư vào một doanh nghiệp địa phương, mua bất động sản, hoặc chỉ cần ký một tấm séc nhằm kích thích phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, hiện tượng này như vết dầu loang ở nhiều thiên đường thuế, và lan sang cả Liên Hiệp Châu Âu (Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Chypre, Malta, thậm chí cả Đức), với nguy cơ gia tăng "tình trạng rửa tiền và gian lận thuế". La Croix trích một ví dụ : một công dân Pháp có thể mua quốc tịch ở Saint-Kitts-et-Nevis, nổi tiếng là thiên đường thuế ở quần đảo Petites Antilles, sau đó dùng danh tính mới mở tài khoản ở Thụy Sĩ và ở Saint-Kitts-et-Nevis mà cơ quan thuế Pháp không bao giờ được thông báo.

Cách đây vài tháng, tổ chức OCDE tung chiến lược "kêu gọi làm chứng" để kiểm soát tốt hơn hiện tượng này. OCDE đánh tiếng với các lãnh thổ hoặc ngân hàng có liên quan rằng tổ chức nắm rõ những hậu quả do việc bán hộ chiếu gây ra và quyết tâm chấm dứt tình trạng này.

Syria : "Ngày giống như đêm, xám xịt trong mưa bom"

Khoảng 400.000 người bị kẹt tại miền Đông Ghouta, gần thủ đô Damascus, nơi chế độ Syria oanh kích hàng ngày trong thời gian gần đây. 250 người chết dưới bom của tổng thống Bachar al-Assad từ Chủ Nhật 18/02.

Nhật báo Libération đăng bài phóng sự cuộc sống thường nhật của người dân "Ngày giống như đêm, xám xịt trong mưa bom". Đông Ghouta là cái gai trong bước tiến của chế độ Syria vì tại đây vẫn còn khoảng 10.000 chiến binh ly khai tiếp tục chiến đấu chống chính quyền al-Assad. Libération đánh giá, như thường lệ, các quan chức ngoại giao quốc tế chỉ biết đưa ra những phát biểu "sáo rỗng". Trên Twitter, một thanh niên sống ở Ghouta tỏ ra tuyệt vọng : "Nhân loại từng đưa phi thuyền lên Sao Hỏa, lại chẳng thể làm gì để cứu sống những sinh mạng đang bị sát hại ?"

Tai tiếng tình dục Oxfam trên quy mô lớn

Tai tiếng tình dục vẫn chưa chấm dứt với Oxfam, tổ chức phi chính phủ của Anh. Nhật báo Libération cho biết : "Có thêm 26 trường hợp mới và hàng loạt lời xin lỗi trước các nghị sĩ Anh". Trước ủy ban nghị viện đặc biệt, các nhà lãnh đạo của Oxfam thừa nhận đã mắc nhiều "sai lầm" và cho biết đang điều tra về 26 vụ mới liên quan đến những hành vì tình dục không thích hợp.

Báo cáo chi tiết cuộc điều tra nội bộ được tiến hành năm 2011 cho biết có nhiều nạn nhân và cá nhân lên tiếng báo động. Sau nhiều năm bị che giấu, cuối cùng bản báo cáo đã được công bố ngày 19/02. Một bản sao được trao cho chính phủ Haiti, kèm với "lời xin lỗi" của Oxfam đến người dân Haiti.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ
Read 566 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)