Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

07/02/2017

Đông Nam Á : Phi lo sợ, buôn phụ nữ Khmer, tội khi quân ở Thái

tổng hợp

Philippines lo ngại Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough (RFA, 07/02/2017)

phi1

Một nhóm dân biểu và hải quân Philippines đến bãi cạn Scarborough hôm 17/5/1997. AFP photo

Bộ Trưởng Quốc Phòng Philippines tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục cải tạo, xây dựng trên những hòn đảo mà Bắc Kinh đang chiếm giữ ở Biển Đông, đồng thời e ngại sẽ có ngày Phi mất bãi Cạn Scarborough, tức Đảo Hoàng Nham, vào tay Hoa Lục.

Những điểm này được ông Delfin Lorenzana, Bộ Trưởng Quốc Phòng Phi nói ngày hôm nay khi trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn AFP, cho rằng Trung Quốc đang cố chiếm đoạt bãi Cạn Scarborough ngoài những đảo đang giữ ở khu vực quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.

Ông Bộ Trưởng Lorenzana tin rằng Trung Quốc không từ bỏ ý đồ kiểm soát Biển Đông để dùng tuyến đường biển quan trọng này làm áp lực với những cường quốc khác.

Tháng Bảy năm ngoái, Tòa Trọng Tài Quốc Tế ra phán quyết nói rằng Trung Quốc không có chủ quyền pháp lý lẫn chủ quyền lịch sử ở những hòn đảo, bãi đá mà họ đang chiếm giữ tại Biển Đông. Nhưng từ ngày nhậm chức hồi cuối tháng Sáu tới nay, Tổng Thống Phi Rodrigo Duterte không muốn nói tới phán quyết này, vì ông chủ trương kết thân với Bắc Kinh.

***************

Manila tố cáo Bắc Kinh muốn xây đảo nhân tạo ngoài khơi Philippines (RFI, 07/02/2017)

phi2

Bãi cạn Scarborough cách căn cứ quân sự Vịnh Subic, Philippines, khoảng 200 km về phía tây. (Ảnh chụp ngày 12/03/2016) - REUTERS/Planet Labs

Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP ngày 07/02/2017, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết ông tin rằng Trung Quốc có thể sẽ bồi đắp bãi cạn Scarborough, chỉ nằm cách đảo Luzon của Philippines 230 km. Trung Quốc đã chiếm giữ bãi cạn này từ năm 2012.

Bắc Kinh hiện đã xây nhiều đảo nhân tạo ở Biển Đông, trong đó có Đá Chữ Thập mà Manila cũng đòi chủ quyền, và đặt các thiết bị quân sự trên một số đảo đó. Theo các nhà phân tích, việc đặt các thiết bị quân sự trên bãi cạn Scarborough sẽ giúp Trung Quốc kiểm soát về mặt quân sự vùng Biển Đông, điều mà Hoa Kỳ báo trước là sẽ không chấp nhận.

Theo lời bộ trưởng Lorenzana, các công trình xây dựng trên bãi cạn Scarborough sẽ đáng lo ngại hơn nhiều so với trên Đá Chữ Thập, vì bãi cạn này nằm rất gần Philippines. Từ Scarborough, các chiến đấu cơ phản lực và tên lửa của Trung Quốc có thể dễ dàng tấn công lực lượng Mỹ đóng tại Philippines. Tiền đồn trên Scarborough có thể giúp Trung Quốc ngăn chận tàu của các nước khác sử dụng con đường hàng hải trọng yếu này.

Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines nói với AFP, việc bồi đắp các đảo ở Biển Đông là chiến lược của Trung Quốc nhằm chống lại những cường quốc nào can dự vào Biển Đông, vì đối với Bắc Kinh, đây là vùng biển của Trung Quốc.

Chính quyền của tân tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẽ đẩy lùi mọi mưu toan của Trung Quốc nhằm củng cố kiểm soát Biển Đông. Trong cuộc điều trần trước Thượng viện để được phê chuẩn việc bổ nhiệm, tân ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tuyên bố là Hoa Kỳ sẽ ngăn chận Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo trên Biển Đông, mặc dù các nhà phân tích cho rằng, muốn làm như thế Washington phải phong tỏa trên biển, và đây là một hành động chiến tranh.

Nhưng theo tờ The Japan Times của Nhật số ra ngày 07/02/2017, một tài liệu được tiết lộ trên một trang mạng cho thấy là sau đó ông Tillerson đã có giọng điệu hòa dịu hơn. Trả lời các câu hỏi về các công trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, tân ngoại trưởng Mỹ chỉ viết : Không thể để Trung Quốc sử dụng các đảo nhân tạo để cưỡng ép các nước láng giềng hoặc hạn chế quyền tự do lưu thông hàng khải và hàng không ở Biển Đông. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hành xử các quyền tự do ấy bằng cách đưa phi cơ và tàu đến hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép.

Thanh Phương

*********************

Cam Bốt phá đường dây buôn người sang Nhật làm gái mại dâm (RFI, 07/02/2017)

phi3

Cảnh sát Cam Bốt áp giải nghi can người Nhật Susumu Fukui (đeo khẩu trang) tới tòa án Phnom Penh, ngày 07/02/2017 - TANG CHHIN Sothy / AFP

Một chủ nhà hàng Nhật Bản tại Phnom Penh, Cam Bốt hôm nay 07/02/2017 bị cáo buộc buôn người và kiểm soát một đường dây gái mại dâm ở Nhật.

Theo AFP, một tòa án ở Phnom Penh ngày 07/02/2017 cáo buộc ông Susumu Fukui, chủ một nhà hàng Nhật, cùng với Lim Leakhana, 28 tuổi - người vợ Cam Bốt của ông này và một nhân viên nhà hàng người Cam Bốt 30 tuổi, tên là Seng Chandy về tội buôn người.

Quyết định trên được đưa ra sau cuộc giải cứu 7 phụ nữ Cam Bốt tại một nhà hàng ở Gunma, khu vực tây bắc Tokyo, hồi tháng 12/2016, sau khi một trong số những phụ nữ này tuyệt vọng kêu cứu trên Facebook.

Cảnh sát khẳng định chủ nhà hàng Nhật Susumu Fukui, 52 tuổi, đã dụ dỗ phụ nữ bằng cách hứa hẹn trả lương cao và đã đích thân đưa những phụ nữ này tới một mối quen ở Gunma, Tokyo hồi tháng 11/2016.

Mới đầu, những người phụ nữ Cam Bốt này nghĩ rằng họ sẽ làm nhân viên nhà hàng, nhưng ngay sau đó họ bị ép buộc quan hệ tình dục với khách hàng.

Từ lâu nay, Nhật đã trở thành một điểm đến cho phụ nữ Đông Nam Á muốn ra nước ngoài tìm kiếm công việc có thu nhập cao hơn công việc trong nước. Tại Nhật, họ thường bị bắt ép bán dâm hoặc lao động cưỡng bức.

Tháng 01/2017, trong một chiến dịch truy quét, cảnh sát Nhật Bản đã phát hiện 10 phụ nữ Thái Lan có thể là nạn nhân của cùng một đường mại dâm liên quan đến vụ chủ nhà hàng Nhật ở Cam Bốt. 2 người Nhật và 1 người Thái Lan đã bị bắt.

Thùy Dương

**********************

Liên Hiệp Quốc kêu gọi Thái Lan hủy luật chống khi quân (RFI, 07/02/2017)

phi4

Pornthip Mankong (P) và Patiwat Saraiyaem bị kết án 2 năm rưỡi tù vì đã tham gia vở kịch bị coi là phạm tội khi quân, tại Thái Lan - REUTERS/Athit Perawongmetha

Hôm 07/02/2017, một đặc phái viên về tự do ngôn luận của Liên Hiệp Quốc ra thông cáo kêu gọi Bangkok hủy bỏ luật khi quân, bị cáo buộc được dùng như một công cụ đàn áp chính trị.

Thông cáo của ông David Kaye, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh đến trường hợp một sinh viên Thái Lan, hiện đang bị giam giữ, chỉ vì chia sẻ trên internet một bài báo về tân vương Maha Vajiralongkorn, vừa kế nhiệm ngai vàng, ngày 01/12/2016, ít tuần sau khi vua Bhumibol qua đời.

Trong số hàng nghìn người chia sẻ một bài báo của BBC, cung cấp nhiều chi tiết về cuộc đời của tân vương, nổi tiếng với nhiều xì-căng-đan, duy nhất chỉ có nhà tranh đấu dân chủ Jatupat Boonpatararaksa, có biệt danh "Pai", là bị bắt. Nhà tranh đấu nói trên được coi là nạn nhân đầu tiên của luật chống khi quân Thái Lan, kể từ khi thái tử Maha Vajiralongkorn kế nhiệm.

Thông cáo của đại diện Liên Hiệp Quốc về tự do ngôn luận nhấn mạnh là "các điều khoản về chống khi quân của luật hình sự Thái Lan không phù hợp với luật pháp quốc tế về nhân quyền" và lưu ý "các nhân vật chính trị, kể cả những người giữ chức vụ cao nhất, vẫn có thể bị phê phán".

"Điều 112" của luật chống khi quân của Thái Lan dự kiến phạt từ 3 đến 15 năm tù đối với ai báng bổ vua, hoàng hậu, thái tử hay nhiếp chính vương.

Kể từ khi tập đoàn quân sự lên nắm quyền tháng 5/2014, chính quyền liên tục sử dụng luật khi quân để trấn áp các tiếng nói khác biệt, với các án nặng hơn trước rất nhiều. Năm 2015, một người đàn ông bị kết án đến 30 năm tù và một phụ nữ 28 năm tù, vì đưa lên Facebook nhiều thông điệp bị cáo buộc là nhục mạ gia đình hoàng gia.

Tại Thái Lan, cuộc đời phóng túng của tân vương Maha Vajiralongkorn, 64 tuổi, từng có ba đời vợ, là chuyện mà mọi người có thể đàm tiếu, tuy nhiên nhìn chung không có phương tiện truyền thông hay mạng xã hội nào dám nhắc đến. Ngay về các án phạt, cũng rất ít phương tiện truyền thông, kể cả phương tiện truyền thông quốc tế, dám nêu chi tiết, vì sợ phạm vào luật trừng phạt tội khi quân.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 663 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)