Cảnh sát Miến Điện tiết lộ hai nhà báo của Reuters bị "gài bẫy" (RFI, 21/04/2018)
Trong phiên tòa ngày 20/04/2018 xử hai phóng viên Wa Lone và Kyaw Soe Oo vì tội nắm giữ tài liệu mật, xâm phạm bí mật quốc gia trong lúc họ điều tra về các cuộc thảm sát người Rohingya tại bang Rakhin, một quan chức cảnh cát Miến Điện, ông Moe Yan Naing bất ngờ tiết lộ là đã được lệnh để "dàn dựng" và gài bẫy hai nhà báo làm việc cho hãng thông tấn Anh Reuters.
Ông Wa Lone, một trong hai nhà báo của Reuters phải ra tòa. Reuters/Ann Wang
Hai người này đã bị bắt hôm 12/12/2017 và có thể bị lãnh án 14 năm tù. Thông tín viên đài RFI từ Rangoon, Eliza Hunt cho biết thêm thông tin :
"Theo lời khai của viên sĩ quan cảnh sát này trước tòa, ông đã nhận được lệnh rõ ràng từ cấp trên là phải mời hai nhà báo của Reuters đi ăn tối, trao cho họ một số tài liệu mật rồi bắt giữ họ ngay lập tức. Vẫn theo nhân chứng này, bản thân ông đã bị đe dọa là sẽ phải vào tù nếu không bẫy được hai phóng viên nói trên.
Theo lời luật sư Than Zaw Aung, người bảo vệ cho nhà báo của Reuters, đây là một lời khai hết sức 'can đảm và quan trọng'. Viên cảnh sát này đã tiết lộ sự thật về vụ việc và đây là chặng đầu tiên, mở đường cho việc trả tự do cho hai nhà báo Reuters. Vẫn theo vị luật sư này, phiên xử hôm qua là giai đoạn quan trọng nhất.
Từ đầu, cảnh sát Miến Điện luôn khẳng định là hai nhà báo nói trên đã bị bắt một cách rất tình cờ ở ngoài đường. Tháng 12 năm ngoái, họ bị bắt vì tội 'xâm phạm bí mật quốc gia' cả hai có thể bị lãnh án tới 14 năm tù trong lúc đang điều tra về vụ thảm sát 10 người Rohingya do quân đội và dân làng theo đạo Phật tiến hành. Cuộc thảm sát đó xảy ra vào thời điểm quân đội Miến Điện đang mở chiến dịch đàn áp thiểu số theo đạo Hồi. Liên Hiệp Quốc coi đây là một vụ 'thanh lọc chủng tộc’"
Thanh Hà
******************
Myanmar đuổi gia đình viên cảnh sát khai 2 nhà báo Reuters bị gài bẫy ra khỏi nhà (VOA, 21/04/2018)
Cảnh sát Myanmar hôm thứ Bảy đã đuổi gia đình của một viên cảnh sát ra khỏi nhà vì ông này một ngày trước khai với tòa rằng ông và những người khác đã nhận lệnh phải gài bẫy hai phóng viên của hãng tin Reuters đối mặt với các cáo buộc có thể khiến họ ngồi tù 14 năm, vợ của viên cảnh sát này cho biết.
Daw Tuu, vợ của viên cảnh sát Moe Yan Naing, nói chuyện với các phóng viên tại nhà của một người em trai của chồng ở Naypyitaw, Myanmar, ngày 21 tháng 4, 2018.
Hai phóng viên Wa Lone và Kyaw Soe Oo bị câu lưu kể từ ngày 12 tháng 12 về cáo buộc vi phạm Đạo luật Bí mật Nhà nước thời thuộc địa. Cả hai người đã giúp đưa tin về cuộc khủng hoảng ở bang Rakhine của Myanmar, nơi mà một chiến dịch chống nổi dậy tàn bạo vào năm ngoái đã khiến khoảng 700.000 người Hồi giáo Rohingya chạy sang nước láng giềng Bangladesh.
Đội trưởng Cảnh sát Moe Yan Naing khai trước một tòa án hôm thứ Sáu rằng cấp trên của ông đã sắp xếp cho hai viên cảnh sát gặp gỡ các phóng viên tại một nhà hàng và giao các tài liệu được mô tả là "giấy tờ mật quan trọng" để đánh lừa họ.
Ông Moe Yan Naing tại một phiên tòa xét xử hai phóng viên của Reuters ở Yangon, Myanmar, ngày 20 tháng 4, 2018.
Hôm thứ Bảy, vợ của ông Moe Yan Naing, Daw Tuu, cho biết bà và con gái của bà đã được ra lệnh phải dọn ra khỏi khu nhà của cảnh sát ở thủ đô Naypyitaw.
"Một viên cảnh sát gọi điện thoại cho chúng tôi sáng nay và bảo chúng tôi phải dọn ra khỏi nhà ngay lập tức và đó là lệnh từ cấp trên", bà Daw Tuu vừa nói vừa khóc nức nở, theo AP.
Ông Moe Yan Naing cho biết ông và các đồng nghiệp khác, trước đó đã được phóng viên Wa Lone phỏng vấn về các hoạt động của họ ở Rakhine, đã bị thẩm vấn dưới sự chỉ đạo của Chuẩn tướng Tin Ko Ko thuộc Tiểu Đoàn Cảnh Sát An Ninh 8.
Hành động của sở cảnh sát đối với gia đình của ông Moe Yan Naing đã khơi lên sự phẫn nộ ở Myanmar.
"Đây là một động quá đáng", Robert Sann Aung, một luật sư nhân quyền, nói với AP. "Việc này là lời cảnh cáo cho các cảnh sát khác trong nước phải giữ im lặng không được nói lên sự thật".
Reuters cho biết họ đã liên lạc với các phát ngôn viên của sở cảnh sát và chính phủ và không nhận được hồi đáp.
Ủy ban Bảo vệ Ký giả Myanmar, một tổ chức tự do ngôn luận ở Myanmar, đã đưa ra lời kêu gọi quyên góp tiền cho gia đình ông Moe Yan Naing và đã quyên góp được 1,5 triệu kyat Myanmar (1.127 đôla Mỹ), trong khi các nhà báo ở Naypyitaw quyên được thêm 900.000 kyat. tổng cộng là 1.800 đôla Mỹ, các nhà báo tham gia nỗ lực này nói với Reuters.
Các nhà báo cho biết gia đình đã khước từ số tiền này vì họ muốn "bảo vệ nhân phẩm" của ông Moe Yan Naing. Nhưng một đại diện của ủy ban nói sẽ cố tìm gặp gia đình để trao khoản tiền, theo Reuters.
Tòa án ở Yangon đã mở các phiên nghe lời khai kể từ tháng 1. Luật sư của các bị cáo đã yêu cầu tòa án bãi bỏ vụ kiện nhắm vào hai người họ, nói rằng các công tố viên đã không trưng ra đủ bằng chứng để củng cố lập luận, nhưng thẩm phán đã bác yêu cầu này.