Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

09/02/2017

Myanmar : cộng đồng người Hồi giáo thiểu số được cứu trợ

tổng hợp

Tàu chở hàng cứu trợ cho người Rohingya đến Yangon (RFA, 09/02/2017)

Chiếc tàu Malaysia chở 2300 tấn thực phẩm và thuốc men cứu trợ cho người Rohingya đến Yangon ngày 09/02/2017.

rohingya1

Một tàu Malaysia chở hàng cứu trợ cho người Rohingya đến cảng Thilawa, Yangon vào ngày 09 tháng 2 năm 2017. AFP photo

Chuyến hàng đến Myanmar tiếp sau chiến dịch chống nổi dậy tại bang Rakhine, nơi có chừng 1 triệu người sắc tộc Rohingya theo đạo Hồi sinh sống.

Tuần qua, các nhà điều tra nhân quyền của Liên Hiệp Quốc lên tiếng cho biết gần như chắc chắn lực lượng quân đội Myanmar phạm tội ác chống lại nhân loại trong chiến dịch vừa nêu.

Tuy nhiên, các nhà tổ chức chuyến hàng cứu trợ cho người Rohingya bày tỏ tin tưởng chính quyền Myanmar sẽ phân phối hàng đến cho những đối tượng Rohingya như đã hứa ; dù rằng chính quyền này bị tai tiếng là phân biệt đối xử với sắc tộc theo Hồi giáo thiểu số Rohingya tại một quốc gia mà đa số theo Phật giáo.

Hầu hết những người Rohingya tại Myanmar không được cấp quyền công dân và bị xem là những dân nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh chạy sang.

Khi chiếc tàu chở hàng cứu trợ đến Yangon một số người chống sắc dân Rohingya đã biểu tình tại cảng thành phố này.

********************

Miến Điện : Biểu tình phản đối viện trợ của Malaysia cho người Rohingya (RFI, 09/02/2017)

rohingya2

Tàu Malaysia trở hàng cứu trợ cho người Rohyngyas, đậu tại cảng Klang trước chuyến đi, ngày 03/02/2017. REUTERS/Joshua Paul

Ngày 09/02/2017, những người biểu tình chống người Rohingya đã tập hợp tại một cảng ở Rangoon để phản đối một tàu của Malaysia chở hàng cứu trợ nhân đạo cho hàng ngàn người Rohingya Hồi Giáo chạy tỵ nạn do bị quân đội Miến Điện đàn áp dữ dội.

Hàng chục nhà sư và những người biểu tình mang theo quốc kỳ Miến Điện và những biểu ngữ chống sắc tộc thiểu số Rohingya đã kéo về cảng Thilawa chờ chiếc tàu Malaysia nói trên cập bến. Tàu chở theo 2.200 tấn gạo, dụng cụ y tế, quần áo, cùng với hàng trăm nhân viên y tế và nhà hoạt động nhân đạo.

Một phần số viện trợ này sẽ được bốc dỡ ở Rangoon và sau đó được vận chuyển bằng đường bộ đến bang Rakhine, nơi mà người Rohingya đang bị đàn áp. Phần viện trợ còn lại sẽ được chở đến một cảng ở miền nam Bangladesh, nơi mà gần 70 ngàn người Rohingya đã chạy đến lánh nạn kể từ tháng 10 năm ngoái.

Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc vừa được công bố cách đây vài ngày, hàng trăm người Rohingya đã bị lực lượng an ninh Miến Điện sát hại trong một chiến dịch đã kéo dài 4 tháng, mà Liên Hiệp Quốc cho rằng có thể mở màn cho một cuộc thanh lọc sắc tộc.

Malaysia, quốc gia có đa số dân là Hồi Giáo, đã cực lực chỉ trích những hành động đàn áp cộng đồng Rohingya, gây căng thẳng giữa hai quốc gia Đông Nam Á này.

Thanh Phương

*********************

Miến Điện : HRW kêu gọi trừng phạt các vụ cưỡng hiếp phụ nữ Rohingya (RFI, 06/02/2017)

rohingya3

Một trại người tỵ nạn Rohingya ở Bangladesh. Ảnh 04/02/2017. Reuters

Hôm nay 06/02/2016, tổ chức nhân quyền Human Rights Watch đã kêu gọi Miến Điện trừng phạt các tướng lĩnh quân đội và cảnh sát ? nếu những người này cho phép binh lính cưỡng hiếp phụ nữ và các bé gái tộc người Hồi Giáo Rohingya.

Từ khi lực lượng an ninh Miến Điện đáp trả các vụ tấn công vào các chốt biên phòng cách đây 4 tháng, tổng cộng 69.000 người Hồi Giáo thiểu số Rohingya đã chạy trốn sang Baladesh.

Theo Reuters, tổ chức nhân quyền Human Rights Watch tuyên bố đã tiến hành điều tra, với một số người Rohingya chạy trốn sang Bangladesh và ghi nhận là có nhiều vụ cưỡng hiếp, cưỡng hiếp tập thể, tấn công tình dục các bé gái.

Đại diện báo chí của Human Rights Watch cho biết : "Bạo lực tình dục không phải ngẫu nhiên hoặc xảy ra theo hoàn cảnh mà là một phần của chiến dịch tấn công phối hợp và có hệ thống chống lại người Rohingya, một phần vì sắc tộc và tôn giáo của họ".

Chính phủ Miến Điện cho tới nay đã bác bỏ hầu hết các cáo buộc rằng binh lính hãm hiếp, đánh đập, giết chết hay tùy tiện bắt giữ thường dân trong khi đốt phá các làng mạc. Nhà chức trách Miến Điện còn nhấn mạnh đó là hoạt động hợp pháp chống lại lực lượng vũ trang nổi dậy người Rohingya.

Các báo cáo của Human Rights Watch được đưa ra chỉ vài ngày sau khi các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc cho biết "rất có thể" các lực lượng an ninh của Miến Điện đã phạm tội ác chống nhân loại. Cáo buộc này đặt lãnh đạo Aung San Suu Kyi, người đã từng đoạt giải Nobel Hòa Bình, vào một tình thế khó xử.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ
Read 738 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)