Triều Tiên sẽ tháo dỡ khu thử hạt nhân ngày 23-25/5 (VOA, 12/05/2018)
Triều Tiên lên kế hoạch tháo dỡ địa điểm thử hạt nhân của họ trong khoảng thời gian từ ngày 23 đến 25/5, tùy theo điều kiện thời tiết, để giữ cam kết về ngừng thử hạt nhân, truyền thông nhà nước cho biết hôm 12/5.
Các ảnh vệ tinh chụp vùng đất được nghi là bãi thử hạt nhân của Triều Tiên, tháng 1 và 2/2014
Hãng thông tấn trung ương của nước này cho biết cuộc tháo dỡ bãi thử hạt nhân sẽ bao gồm cả việc đánh sập tất cả các đường hầm ở đó bằng thuốc nổ, bịt các lối vào và dỡ bỏ tất cả các trạm quan sát, các tòa nhà nghiên cứu và các chốt gác.
Các nhà báo từ các nước khác, trong đó có cả Hoa Kỳ và Hàn Quốc, sẽ được mời tham dự sự kiện này.
*********************
Bắc Hàn tuyên bố dỡ bỏ địa điểm thử hạt nhân chính (BBC, 12/05/2018)
Bắc Hàn nói sẽ bắt đầu dỡ bỏ địa điểm thử hạt nhân của mình trong thời gian chưa tới hai tuần nữa, trong một buổi lễ có sự chứng kiến của các phóng viên nước ngoài.
Ảnh chụp từ vệ tinh địa điểm thử hạt nhân Punggye-ri tại Bắc Hàn
Bình Nhưỡng nói họ đang có "các biện pháp kỹ thuật" để triển khai việc này trong thời gian 23-25/5, hãng thông tấn nhà nước KCA loan tin hôm thứ Bảy.
Trước đó, các khoa học gia nói địa điểm này có lẽ đã bị sụp một phần hồi tháng Chín.
Việc dỡ bỏ theo kế hoạch sẽ diễn ra ba tuần trước khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gặp lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.
Buổi lễ sẽ gồm những hoạt động gì ?
Việc dỡ bỏ địa điểm Punggye-ri về mặt thời gian sẽ còn tùy thuộc vào điều kiện thời tiết; gồm việc cho đánh sập toàn bộ các đoạn hầm bằng thuốc nổ và dỡ đi toàn bộ các cơ sở quan sát, các tòa nhà phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, và các chốt an ninh.
Các phóng viên từ Nam Hàn, Trung Quốc, Mỹ, Anh và Nga sẽ được mời tới dự, chứng kiến tại chỗ.
Trong một tuyên bố ra hôm thứ Bảy, Bắc Hàn nói mục đích của việc này là nhằm cho phép "không chỉ báo chí địa phương mà cả phóng viên các nước khác tới đưa tin tại chỗ, nhằm thể hiện sự minh bạch trong việc dỡ bỏ điểm thử hạt nhân ở miền bắc".
Chúng ta biết gì về địa điểm thử hạt nhân này ?
Nằm ở khu vực địa hình rừng núi phía đông bắc, địa điểm Punggye-ri được cho là cơ sở thử nghiệm hạt nhân chính của Bắc Hàn.
Các vụ thử hạt nhân đã diễn ra trong hệ thống các đường hầm được đào xuống bên dưới Núi Mantap ở gần Punggye-ri.
Kể từ 2006 tới nay, đã có 6 vụ thử được tiến hành tại đây.
Sau vụ thử gần đây nhất, diễn ra hồi 9/2017, đã xảy ra một loạt các vụ dư chấn tại đây và các nhà địa chất học tin rằng chúng đã làm sập một phần hệ thống ngầm trong núi.
Cuộc gặp Trump-Kim quan trọng tới đâu ?
Hai ông theo kế hoạch sẽ gặp nhau tại Singapore vào ngày 12/6. Đây sẽ là lần đầu tiên một tổng thống tại nhiệm của Hoa Kỳ gặp một nhà lãnh đạo Bắc Hàn.
Chủ đề then chốt mà hai ông bàn thảo được trông đợi là về chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.
Mỹ muốn Bắc Hàn từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân, và không đảo ngược quyết định này.
Việc xác nhận cuộc gặp được đưa ra sau các cuộc gặp thượng đỉnh mang tính cột mốc giữa Bắc và Nam Hàn.
Hôm đầu tuần, ông Trump công bố thời gian và địa điểm gặp, chỉ vài giờ sau khi ông đón ba công dân Mỹ được thả về sau một thời gian bị Bình Nhưỡng bắt giữ.
"Cả hai chúng tôi sẽ nỗ lực biến nó thành thời điểm rất đặc biệt cho Hòa bình Thế giới !" ông Trump viết trên Twitter.
Mỹ sẽ giúp xây dựng lại nền kinh tế Bắc Hàn nếu Bình Nhưỡng đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói sau khi có chuyến thăm Bắc Hàn.
"Nếu ông Kim chọn con đường đúng đắn, sẽ có một tương lai tràn ngập hòa bình và thịnh vượng cho người dân Bắc Hàn", ông nói sau cuộc hội đàm hôm thứ Sáu tại Washington với Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha.
Bình luận về cuộc gặp thượng đỉnh sắp diễn ra, Phó giáo sư, Tiến sỹ Vũ Minh Khương từ Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Singapore nói với BBC rằng đây là sự kiện 'thể hiện thiện chí của Mỹ trong việc tạo tiền đề để Bắc Hàn phát triển nhanh nếu có sự chân thành đặc biệt với cộng đồng thế giới'.
Điều này sẽ giống như một sự đảm bảo, giúp Bình Nhưỡng nhanh chóng đạt đước một nền kinh tế tốt đẹp hơn, tiến sỹ Khương nói.
"Ông Kim Jong-un hình dung ra một quốc gia hoàn toàn phụ thuộc vào nền kinh tế quốc doanh, từng bước chuyển thành nền kinh tế năng động, hội nhập quốc tế, thúc đẩy kinh tế tư nhân, tôn trọng kinh tế thị trường, theo mô hình cải cách kinh tế như của Việt Nam và Trung Quốc".
"Nhưng đồng thời ông cũng tương đối yên tâm là hệ thống chính trị sẽ ổn định để tập trung phát triển kinh tế, để trong vòng từ một đến ba thập kỷ sẽ đưa nền kinh tế của Bắc Hàn thành một nền kinh tế tương đối phồn vinh".
"[Ông Kim] có một sứ mệnh giống như Đặng Tiểu Bình hay những lãnh đạo Việt Nam trước đây, vốn đã tạo ra một cục diện mới cho công cuộc phát triển ở các nước đó".
*********************
Mỹ "sẵn sàng" giúp kinh tế nếu Bắc Triều Tiên phi hạt nhân hóa (RFI, 12/05/2018)
Hoa Kỳ "sẵn sàng" trợ giúp kinh tế Bắc Triều Tiên và đưa ra những "bảo đảm" với ông Kim Jong Un, nếu Bình Nhưỡng thi hành những "biện pháp can đảm" nhằm phi hạt nhân hóa "nhanh chóng" và "hoàn toàn". Đó là tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua, 11/05/2018, trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Hàn Quốc Kang Kyung Wha tại Washington.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và đồng nhiệm Hàn Quốc Kang Kyung-wha họp báo tại Washington, ngày 11/05/2018. Reuters/Kevin Lamarque
Trong cuộc họp báo này, hai vị Ngoại trưởng Mỹ, Hàn đã nhắc lại yêu cầu của họ là bán đảo Triều Tiên phải được "phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược được".
Ông Pompeo vừa trở về nước sau một chuyến đi thăm Bắc Triều Tiên để gặp ông Kim Jong Un, chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh lịch sử giữa lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng với tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/06 tới tại Singapore.
Về phần Ngoại trưởng Hàn Quốc, bà khẳng định là sẽ không có chuyện bãi bỏ các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với Bắc Triều Tiên khi nào mà nước này chưa thi hành những biện pháp "cụ thể hơn, thấy rõ và đáng kể", tiến đến việc phi hạt nhân hóa. Bà Kang Kyung Wha bảo đảm là không có bất đồng nào giữa Washington và Seoul vào lúc sắp diễn ra cuộc gặp giữa tổng thống Donald Trump với tổng thống Moon Jae In tại Nhà Trắng ngày 22/05 và thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong Un ngày 12/06.
Gần đây ông Kim Jong Un đã tuyên bố rằng việc phi hạt nhân hóa có thể được "cụ thể hóa" nếu các bên từ bỏ chính sách "thù nghịch và đe dọa" đối với Bình Nhưỡng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vừa tiếp lãnh đạo Bắc Triều Tiên lần thứ hai cách đây vài ngày, cũng đã kêu gọi tổng thống Mỹ nên tính đến những quan ngại "hợp lý" về mặt an ninh của Bình Nhưỡng.
Thanh Phương
***********************
Ngoại trưởng Pompeo : Mỹ hy vọng Triều Tiên trở thành ‘đối tác thân cận’ (VOA, 12/05/2018)
Mỹ mong muốn Triều Tiên trở thành một "đối tác thân cận" và không phải kẻ thù, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói hôm thứ Sáu, lưu ý rằng Mỹ trong lịch sử thường trở thành bạn tốt với những đối thủ cũ.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến dự họp báo
Ông Pompeo cho biết ông đã nói với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un về hy vọng đó trong chuyến thăm ngắn ngủi của ông tới Bình Nhưỡng trước đó trong tuần này. Trong chuyến thăm, ông đã hoàn tất những chi tiết về hội nghị thượng đỉnh ngày 12 tháng 6 sắp tới giữa ông Kim và Tổng thống Donald Trump và thuyết phục Triều Tiên phóng thích ba người Mỹ bị cầm tù ở nước này.
Ông nói rằng cuộc nói chuyện với ông Kim hôm thứ Tư là "nồng ấm", "mang tính xây dựng", và "tốt đẹp" và ông đã nói rõ rằng nếu Triều Tiên loại bỏ vũ khí hạt nhân của mình một cách vĩnh viễn và có thể kiểm chứng được, thì Mỹ sẵn lòng giúp đỡ quốc gia nghèo khổ này vực dậy nền kinh tế và mức sống ngang bằng nước láng giềng Hàn Quốc thịnh vượng.
Ông không nêu tên các nước đối thủ khác, nhưng ông Pompeo và những người khác thường lưu ý rằng Mỹ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tái thiết Nhật Bản và các cường quốc Châu Âu sau Thế chiến thứ hai. Với sự trợ giúp của Mỹ, những quốc gia đó đã phục hồi từ sự tàn phá của cuộc xung đột.
"Nếu Triều Tiên có hành động táo bạo để nhanh chóng giải trừ hạt nhân, Hoa Kỳ sẵn sàng làm việc với Triều Tiên để đạt được sự thịnh vượng ngang bằng với người bạn Hàn Quốc của chúng ta", ông nói với các phóng viên trong cuộc họp báo với Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đang thăm Mỹ.
Bà Kang ca ngợi cuộc gặp gỡ sắp tới giữa ông Trump và ông Kim ở Singapore là một cơ hội "lịch sử", nhưng cũng lưu ý thêm một số hoài nghi. Giữa lo ngại Triều Tiên sẽ đòi Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc, bà Kang nhấn mạnh sự hiện diện của quân đội Mỹ ở đó phải là "một vấn đề đối với liên minh Mỹ-Hàn Quốc trước nhất và trên hết".
Bà nói sự hiện diện của quân đội Mỹ ở miền Nam trong 65 năm qua đã đóng "một vai trò thiết yếu cho việc răn đe", cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Do đó, bà nói bất kỳ thay đổi nào về quy mô của các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc không nên nằm trên bàn đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh.
Kể từ khi ông Trump công bố kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với ông Kim, nghi vấn đã liên tục được nêu lên về việc liệu hai nhà lãnh đạo có cùng một mục tiêu khi họ nói về chuyện "giải trừ hạt nhân" hay không. Đối với Mỹ, chuyện này có nghĩa là miền Bắc phải từ bỏ vũ khí hạt nhân mà họ đã chế tạo. Nhưng Triều Tiên đã nói rằng họ sẵn sàng đàm phán bây giờ bởi vì họ đã thành công trong việc trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, khơi lên hoài nghi rằng miền Bắc có thực sự sẵn lòng từ bỏ những vũ khí đó hay không.
Ông Pompeo nói sẽ cần một sự giải trừ hạt nhân "hoàn toàn" và "có thể kiểm chứng được" mà sẽ loại trừ Triều Tiên như một mối đe dọa cho miền Nam, Mỹ và phần còn lại của thế giới. Ông nói sẽ cần một chế độ thanh sát và giám sát quy mô lớn để đảm bảo sự tuân thủ của Triều Tiên.
"Tôi nghĩ rằng có sự đồng thuận hoàn toàn về những mục tiêu cuối cùng là gì", ông Pompeo nói, nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết.
********************
Hoa Kỳ nói muốn giúp tái thiết Bắc Hàn 'BBC, 12/05/2018)
Mỹ sẽ giúp xây dựng lại nền kinh tế Bắc Hàn nếu Bình Nhưỡng đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói sẽ có "một tương lai tràn ngập hòa bình và thịnh vượng cho người dân Bắc Hàn" cho Bắc Hàn
Mỹ sẽ "làm việc với Bắc Triều Tiên để đạt được sự thịnh vượng ngang bằng với những người bạn Hàn Quốc của chúng tôi", ông nói với các phóng viên hôm thứ Sáu.
Ông Pompeo, vừa mới trở về từ Bình Nhưỡng, cho biết ông đã có cuộc đàm phán "tốt" với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.
Ông Kim và Tổng thống Donald Trump sẽ gặp nhau tại Singapore vào ngày 12/6.
Hai nhà lãnh đạo, những người trước đây có những lời lăng mạ và đe dọa lẫn nhau, tuyên bố sẽ gặp nhau khi cuộc hội đàm lịch sử giữa Bắc Hàn và Nam Hàn vào tháng Tư.
Ông Pompeo đã nói gì ?
"Nếu ông Kim chọn con đường đúng đắn, sẽ có một tương lai tràn ngập hòa bình và thịnh vượng cho người dân Bắc Hàn", ông nói sau cuộc hội đàm hôm thứ Sáu tại Washington với Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha.
Ông Pompeo đã thúc giục Bình Nhưỡng có "hành động táo bạo để nhanh chóng phi hạt nhân hóa".
Trong chuyến thăm bất ngờ của ông đến Bắc Triều Tiên tuần này, Bình Nhưỡng đã thả ba tù nhân Mỹ.
Kinh tế Bắc và Nam Hàn chênh lệch ra sao ?
Cuộc sống hàng ngày ở hai nước khác biệt rất nhiều.
Sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào 1953, Nam Hàn, một đồng minh của Hoa Kỳ, đã chấp nhận một triết lý tư bản. Nó đã phát triển thành một trong những quốc gia giàu có nhất Châu Á.
Một sự thúc đẩy công nghiệp do chính phủ tài trợ trong những năm 1960 đã dẫn đến các tập đoàn khổng lồ như Samsung và Hyundai.
Số liệu quan trọng :
Dân số : Hàn Quốc có 51,2 triệu dân ; Bắc Triều Tiên có 25,4 triệu
GDP : Hàn Quốc 1,4 ngàn tỷ USD ; Bắc Triều Tiên ít hơn 20 tỷ USD
Tuổi thọ : Hàn Quốc 82 năm ; Bắc Triều Tiên 70 năm
Bắc Hàn áp dụng hệ thống cộng sản, nhưng chủ nghĩa tư bản đang len lỏi vào đất nước này.
Có một số thứ có thể mua - nhưng chỉ người giàu có mới thể mua. Đa số người dân ở Bắc Triều Tiên sống trong nghèo đói.
Kim Jong-un trước đó cũng từng tuyên bố rằng sự phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu của chính quyền.
***********************
LHQ được tiếp cận Bắc Hàn 'ở mức chưa từng có' (BBC, 12/05/2018)
Người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hiệp quốc (WFP) tin rằng có "tâm lý lạc quan" trong giới lãnh đạo Bắc Hàn, sau khi, theo lời ông nói, ông được phép tiếp cận ở mức chưa từng có vào quốc gia này.
Người dân Bắc Hàn vẫn bị đói, giám đốc WFP nói, nhưng không tới mức chết đói như hồi thập nên 1990
David Beasley đã có hai ngày ở thủ đô Bình Nhưỡng và hai ngày ở bên ngoài thành phố, có các nhân viên chính phủ Bắc Hàn đi kèm.
Ông nói nước này đang rất nỗ lực trong việc đáp ứng được các tiêu chuẩn dinh dưỡng, và tình trạng đói khát không còn cao như hồi thập niên 1990.
"Có cảm giác như đang bước sang một trang sử mới", ông nói với BBC.
Quan hệ giữa Bắc Hàn và thế giới đã có những biến chuyển đầy kịch tính trong thời gian gần đây.
Hồi năm ngoái, chính quyền Bình Nhưỡng tiến hành một loạt các vụ thử hạt nhân và hỏa tiễn.
Thế nhưng tháng tới, nhà lãnh đạo Bắc Hàn, ông Kim Jong-un, sẽ gặp ông Donald Trump.
Đây sẽ là lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ gặp một nhà lãnh đạo Bắc Hàn.
Tin xác nhận cuộc gặp được đưa ra sau những cuộc hội đàm mang tính cột mốc giữa Bắc và Nam Hàn, và vài giờ sau khi ba công dân Mỹ bị Bắc Hàn giam giữ được thả, cho phép trở về nhà.
Liên hiệp quốc đã chứng kiến những gì tại Bắc Hàn ?
Ông David Beasley tới thăm Bắc Hàn trong thời gian 8-11/5. Chuyến đi bao gồm cả việc tới thăm các dự án do WFP tài trợ - gồm một nhà trẻ tại tỉnh nam Hwanghae và một nhà máy sản xuất bánh quy tại tỉnh Bắc Pyongyan.
Ông nói với chương trình Today của kênh phát thanh BBC Radio 4 rằng cảnh đồng ruộng mà ông nhìn thấy ở vùng nông thôn phản ánh thực tế là chỉ có khoảng một phần năm diện tích đất đai là có thể trồng trọt được.
Ông nói : "Một trong những điều gây ấn tượng mạnh nhất mà tôi nhìn thấy ở vùng nông thôn - đang là mùa xuân, họ đang trồng trọt - là không hề có máy móc gì. Họ dùng bò để kéo cày, và có cả đàn ông lẫn đàn bà làm việc ngoài đồng".
Ông David Beasley tới thăm các chương trình do WFP tài trợ ở vùng nông thôn Bắc Hàn
"Mọi thứ rất quy củ, từng chút rác bẩn đều được dọn sạch bằng cào, bằng cuốc, xẻng, và họ trồng cây ra đến tận rìa đường, trên bờ sông, họ tận dùng từng chút đất, bởi đa phần ở đây là núi".
"Tôi không thấy cảnh chết đói như ta từng thấy trong nạn đói hồi thập niền 1990, đó là tin tốt lành. Nhưng liệu có vấn đề đói khát không, có tình trạng suy dinh dưỡng không ?"
Hồi tháng trước, Liên hiệp quốc yêu cầu có 111 triệu đô la viện trợ để giúp đỡ người dân Bắc Hàn.
Hoa Kỳ đã đề nghị giúp đỡ tái thiết Bắc Hàn, với điều kiện Bình Nhưỡng phải giải trừ hạt nhân.