Trung Quốc ‘thừa nhận’ đưa lính và vũ khí tới Biển Đông (VOA, 03/06/2018)
Bắc Kinh tuyên bố "có quyền" triển khai binh sĩ và vũ khí tới các hòn đảo nước này tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, đáp lại chỉ trích của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis về việc Trung Quốc "quân sự hóa" vùng biển tranh chấp giữa nhiều nước này.
Ông He Lei, Phó giám đốc Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc.
Tờ South China Morning Post đưa tin, dẫn lời trưởng đoàn quân sự Trung Quốc dự cuộc đối thoại về an ninh khu vực Shangri-La hôm 2/6.
"Triền khai binh sĩ và vũ khí tới các hòn đảo ở Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] nằm trong quyền chủ quyền của Trung Quốc và được luật pháp quốc tế cho phép", ông He Lei, một trung tướng thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, nói.
"Tất cả những lời nhận xét thiếu trách nhiệm [về chủ đề này] là can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc", ông Lei nói trong một cuộc họp báo, hai giờ sau khi ông Mattis tuyên bố rằng các hoạt động quân sự của Bắc Kinh ở vùng biển tranh chấp đã và đang "đe dọa và cưỡng ép" các nước láng giềng.
Theo South China Morning Post, Phó giám đốc Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc cũng so sánh việc xây dựng các tiền đồn quân sự ở Biển Đông với một quyết định của cố chủ tịch Đặng Tiểu Bình, đưa một đơn vị của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa tới Hong Kong sau khi đặc khu này được chuyển giao cho Bắc Kinh nhằm chứng tỏ chủ quyền.
Đây là lần đầu tiên một quan chức quân sự Trung Quốc công khai thừa nhận tại một sự kiện quốc tế lớn về việc đưa binh sĩ và vũ khí tới các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Trong cuộc gặp với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khi thăm Hoa Kỳ năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình đã bác bỏ kế hoạch thiết lập các cơ sở quân sự ở Biển Đông.
Việt Nam chưa có phản ứng chính thức về tuyên bố trên của ông He Lei, nhưng tờ Giáo dục Việt Nam đã đăng lại bài viết của South China Morning Post.
Tờ báo thuộc sở hữu của Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam viết thêm : "Đã đến lúc Bắc Kinh không thể che đậy được sự thật, thì quay ra công khai thừa nhận việc quân sự hóa Biển Đông".
Báo này cũng coi sự thừa nhận trên là một tuyên bố "trắng trợn".
******************
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông (VOA, 02/06/2018)
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis mạnh mẽ chỉ trích việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo trong vòng tranh chấp ở Biển Đông, ông nhấn mạnh rằng các hệ thống vũ khí được triển khai gần đây trong khu vực này có mục đích đe dọa và cưỡng ép các nước láng giềng của Bắc Kinh.
Lời phát biểu này được đưa ra trong diễn văn của ông đọc hôm 2/6 tại Đối thoại Shangri-La, một diễn đàn thường niên về quốc phòng Châu Á ở Singapore.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đọc diễn văn tại Đối thoại Shangri-La, 2/6/2018
Trong diễn văn, ông Mattis nêu ra chiến lược rộng lớn của Mỹ về một vùng "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" tự do và rộng mở".
Ông nói : "Chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông tương phản hoàn toàn với tính rộng mở của chiến lược của chúng tôi. Điều này đặt ra nghi vấn về những mục tiêu sâu rộng hơn của Trung Quốc".
Ông Mattis lưu ý đến việc Trung Quốc triển khai các tên lửa chống hạm và đất đối không, các thiết bị gây nhiễu điện tử, cũng như việc họ cho máy bay ném bom hạ cánh xuống quần đảo Hoàng Sa ở ngoài khơi Việt Nam.
Ông nói : "Dù Trung Quốc nói ngược lại, song việc triển khai các hệ thống vũ khí này gắn trực tiếp với việc quân đội sử dụng nhằm mục đích đe dọa và cưỡng ép. Hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Trường Sa, là các đảo có tranh chấp ở Biển Đông, cũng trực tiếp mâu thuẫn với lời phát biểu trấn an của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi năm 2015 tại Vườn hồng ở Tòa Bạch Ốc rằng họ sẽ không làm điều này".
Mặc dù phần lớn thế giới đang chú ý đến cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ, Đối thoại Shangri-La năm nay tập trung chủ yếu vào tương lai trong dài hạn của khu vực và cách đối phó với một Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán hơn.
*********************
Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang đe dọa các nước láng giềng ở Biển Đông (RFA, 02/06/2018)
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, James Mattis, hôm 2/6 lên tiếng chỉ trích hành động triển khai tên lửa của Trung Quốc ra Biển Đông là nhằm đe dọa và xâm lấn các nước láng giềng.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại hội nghị Shangri-la ở Singapore hôm 2/6/2018 AFP
Phát biểu tại hội nghị Shangri-la ở Singapore, Bộ trưởng James Mattis nói Bắc Kinh đã triển khai các vũ khí quân sự bao gồm tên lửa chống tàu và đất đối không cùng các thiết bị gây nhiễu sóng đến các tiền đồn của nước này ở Biển Đông. Ông nói mặc dù Trung Quốc từ trước đến nay luôn khẳng định nước này không có ý định quân sự hoá Biển Đông nhưng những hệ thống mà Trung Quốc triển khai là nhằm mục đích quân sự với mục đích đe dọa và xâm lấn các nước khác.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ nói Tổng thống Hoa Kỳ muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc nhưng sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với Trung Quốc nếu thấy cần thiết.
Đáp lại những tuyên bố của Bộ trưởng James Mattis, đại diện Trung Quốc tướng He Lei nói những nhận xét vô trách nhiệm từ bất cứ nước nào cũng không thể được chấp nhận.
Theo Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI), những hình ảnh vệ tinh hôm 12/5 cho thấy Trung Quốc đã triển khai các hệ thống tên lửa và radar trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Hôm 18/5, Trung Quốc cũng xác nhận đã triển khai máy bay ném bom đến Biển Đông. Các chuyên gia quốc tế xác định các máy bay này đã đến đảo Phú Lâm.
Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về hành động quân sự hoá Biển Đông. Để thách thức những đòi hỏi quá đáng về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, từ năm 2015, Mỹ đã tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Hôm 27/5, 1 tuần trước hội nghị Shangri-la, hai tàu chiến Mỹ đã đi sát quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm đóng.
*********************
Chiến hạm Pháp ghé cảng Sài Gòn (RFI, 02/06/2018)
Trong khuôn khổ chiến dịch đào tạo tác chiến Jeanne d'Arc, hai chiến hạm Pháp đã đến Việt Nam ngày 01/06/2018 trong chuyến ghé cảng 5 ngày : Tàu đổ bộ-chỉ huy-chở trực thăng Dixmude đến neo đậu tại cảng Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu, còn khinh hạm tàng hình Surcouf thì ghé cảng Sài Gòn.
Tàu sân bay trực thăng Dixmude (sau) neo đậu cạnh khinh hạm tàng hình Surcouf tại quân cảng Toulon (miền Nam nước Pháp) ngày 14/07/2011. Ảnh minh họa Rama, Wikimedia Commons
Tàu đổ bộ Dixmude thuộc lớp Mistral, dài 180 m, trọng tải 22.000 tấn, có thể chở 16 trực thăng, hàng chục xe bọc thép và thiết bị quân sự. Tàu được hạ thủy cuối năm 2010 và chính thức đi vào hoạt động vào năm 2012. Đây là chiếc tàu lớn thứ hai của Hải Quân Pháp, chỉ sau tàu sân bay Charles de Gaulle.
Còn khinh hạm tàng hình Surcouf của Hải Quân Pháp đã cập cảng Sài Gòn. Tàu Surcouf dài 125 m, thủy thủ đoàn gồm 150 người, trong đó 10% là nữ. Trên tàu có một trực thăng nhằm phục vụ hoạt động trên biển.
Theo đại sứ Pháp tại Việt Nam : "Đây là năm thứ ba tàu chiến Pháp ghé cảng Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt năm nay, hai bên sẽ diễn tập chung trên biển và thực hiện nhiều hoạt động giao lưu và huấn luyện".
Trước tàu Dixmude và tàu Surcouf, lần lượt hải đội tàu chở trực thăng Mistral - Courbet và tàu đổ bộ Tonnerre đã thăm hữu nghị Việt Nam vào các năm 2017 và 2016.
Theo báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh ngày 02/06, chỉ huy chiến dịch Jeanne d'Arc, đại tá Jean Porcher cho biết trong quá trình đi vào vùng Biển Đông, đội tàu Pháp đã gặp phải một số tàu chiến Trung Quốc. Hai bên đã di chuyển cùng nhau trong nhiều giờ liền và không gặp khó khăn gì.
Các tàu sẽ neo đậu tại Việt Nam từ ngày 01 đến 05/06, sau đó qua Singapore trước khi trở về Pháp.
Hai bộ trưởng Quốc Phòng Việt-Mỹ lại gặp nhau
Hôm qua 01/06/2018, bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã gặp gỡ đồng nhiệm Mỹ James Mattis bên lề Đối Thoại Shangri La ở Singapore.
Theo báo chí trong nước, hai bên đã nhận định về hiệu quả hợp tác Việt-Mỹ trong thời gian qua. Ông Mattis cho biết phía Mỹ đang xem xét chuyển giao cho Việt Nam các máy bay huấn luyện và một số thiết bị khác theo nhu cầu.
****************
Bộ trưởng Mattis thúc giục Mỹ, Việt tăng cường hợp tác QP (VOA, 02/06/2018)
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis hôm 1/6 nói nước ông đang cân nhắc việc bàn giao máy bay huấn luyện và các thiết bị khác cho Việt Nam để tăng cường quan hệ giữa quân đội hai nước.
Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lich và Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis, tại Singapore, ngày 1/6/2018. Ảnh Thanh niên.
Gặp gỡ bên lề diễn đàn an ninh Shangri-La ở Singapore, ông Mattis nói với Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch rằng Mỹ muốn ký các văn bản để đặt nền tảng cho những hợp tác hơn nữa.
Theo mạng tin San Diego Union Tribune, Bộ trưởng Mattis nói rằng Mỹ "hoàn toàn nhất trí" với Hà Nội về các mục tiêu chiến lược quan trọng.
Tờ báo này cho biết cả hai quốc gia cũng đang tiến tới kế hoạch để Hoa Kỳ đưa máy bay huấn luyện và máy bay không người lái đến Việt Nam, nơi đang đóng vai trò ngày càng lớn trong các vấn đề an ninh quốc tế.
Bộ trưởng Lịch hoan nghênh việc Mỹ phối hợp liên tục để sớm khởi động dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa cũng như trợ giúp Việt Nam triển khai một bệnh viện dã chiến và một đơn vị công binh thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
Quan hệ quốc phòng giữa hai đối thủ cũ, Việt Nam và Hoa Kỳ, đã phát triển đáng kể trong những năm gần đây, khi hai nước để lại sau lưng cuộc chiến Việt Nam đầy đau thương mất mát.
Lần đầu tiên, Mỹ đã mời Việt Nam tham gia cuộc diễn tập hải quân vành đai Thái Bình Dương 2018 (RIMPAC), một trong những cuộc tập trận hải quân đa quốc gia lớn nhất thế giới được tổ chức hai năm một lần.
Sự kiện quốc tế này dự kiến diễn ra từ ngày 27/6 đến ngày 2/8.
Hồi tháng 3 năm nay, tàu USS Carl Vinson đã thực hiện chuyến thăm lịch sử đến Đà Nẵng, là lần đầu tiên một tàu sân bay của Mỹ đến một cảng của Việt Nam kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc cách đây 43 năm.
Trước cuộc gặp với Bộ trưởng Lịch, hôm 25/5, vài ngày trước khi lên đường đi Singapore, Bộ trưởng Mattis đã gặp Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh và thảo luận các cách thức để tăng cường hợp tác song phương về an ninh hàng hải trong bối cảnh vẫn có nhiều căng thẳng ở Biển Đông.
(San Diego Union Tribune, Quân Đội Nhân Dân, TTXVN)
********************
Tướng McKenzie : ‘Quân đội Mỹ có nhiều kinh nghiệm đánh chiếm đảo’ (VOA, 01/06/2018)
Sau khi trung tướng Kenneth McKenzie, Giám đốc Liên quân thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm 31/5 nhấn mạnh rằng "Quân đội Mỹ có rất nhiều kinh nghiệm đánh chiếm đảo," các nhà bình luận Việt Nam cho rằng thái độ ngày càng cứng rắn về vấn đề Biển Đông của Ngũ Giác đài, dù chỉ là phát biểu về các hành động quân sự, nhưng có thể giúp trấn an người dân Việt Nam, trong khi Hà Nội muốn có một giải pháp hòa bình với Bắc Kinh.
Tướng Kenneth McKenzie, Giám đốc Liên quân thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Tiến sĩ Hoàng Việt, đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, nhận định : "Phát biểu đó cho thấy một điều là thái độ của Mỹ ngày càng cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, đặc biệt là từ các quan chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, họ muốn có một chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc."
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis tiếp đại sứ Việt Nam Phạm Quang Vinh ngày 25/5/2018 tại Lầu Năm Góc. Ảnh VTV.
Khi được hỏi liệu Mỹ có khả năng "thổi bay" đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên Biển Đông hay không, trung tướng Kenneth McKenzie đáp rằng : "Tôi có thể nói rằng quân đội Mỹ có rất nhiều kinh nghiệm trong việc đánh chiếm các đảo nhỏ ở Tây Thái Bình Dương," theo CNN.
Theo Newsweek, ông McKenzie nói Mỹ có kinh nghiệm "phá hủy các đảo nhỏ bị cô lập" là ám chỉ các chiến dịch của quân đội Mỹ trong Thế chiến 2, và kinh nghiệm đó đã được tích lũy trở thành năng lực cơ bản của quân đội Mỹ.
Truyền thông Việt Nam đón nhận phát biểu của lãnh đạo Ngũ Giác đài như một lời "cảnh báo" "cứng rắn" đối với Trung Quốc.
Báo Tuổi trẻ hôm 1/6 chạy dòng tít : "Mỹ cảnh báo cho ‘nổ tung’ đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép," trong khi báo Lao động loan tin "Mỹ cảnh báo "thổi bay" đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông."
Đảo nhân tạo trên đá Subi.
Giáo sư Hoàng Việt nhận định rằng khả năng Hoa Kỳ phá tan các đảo nhân tạo của Trung Quốc là rất thấp, nhưng nếu điều đó xảy ra, thì đa số người dân Việt Nam sẽ vui mừng :
"Đối với chính phủ Việt Nam, họ sẽ có cái nhìn thận trọng, họ sẽ chờ xem có ảnh hưởng gì đến lợi ích của họ không, nhưng đối với người dân Việt Nam thì tôi nghĩ rằng họ rất thích thú điều đó. Tuy nhiên, khả năng xảy ra rất thấp vì Trung Quốc rất giỏi trong việc nắn gân và biết đâu là điểm tới hạn (redline) với Hoa Kỳ. Nếu có căng thẳng thì Trung Quốc sẽ tìm cách giảm nhiệt. Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều phải có những kiềm chế nhất định nên khả năng thực tế xảy ra rất thấp."
Có cùng nhận định với giáo sư Hoàng Việt, Blogger Hưng Ngọc Phạm viết trên Facebook : "Kinh nghiệm và khả năng tấn công của Mỹ thì không bàn cãi, nhưng có ý định tấn công hay không là một chuyện hoàn toàn khác."
Bình luận của tướng McKenzie được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đẩy mạnh chiến dịch thực thi tự do hàng hải để đáp trả hành vi Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Ngày 27/5, hai chiến hạm Mỹ đi vào vùng 12 hải lý các đảo ở Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Mỹ sử dụng hơn một tàu trong hoạt động tuần tra, để khẳng định quyền đi lại tự do trên các vùng biển quốc tế.
Hôm 30/5, Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương nói rằng Trung Quốc là "thách thức lâu dài lớn nhất" của Mỹ trong khu vực.
Chính phủ Trung Quốc có phản ứng tức giận với những tuyên bố gần đây của Mỹ. Trong cuộc họp báo ngày 31/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói Mỹ "vừa ăn cướp vừa la làng."
Đảo nhân tạo của Trung Quốc xây dựng trên Đá Gạc Ma (Ảnh của CSIS)
Từ Hà Tĩnh, ông Lê Hữu Thảo, cựu binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, nói với VOA rằng phát biểu của tướng McKenzie thể hiện khả năng hiện diện quân sự ngày càng cao của chính quyền Mỹ.
Nhưng theo ông Thảo, người từng tham gia hải chiến Trường sa tại đá Gạc Ma khi quân đội Việt Nam đối đầu với hải quân Trung Quốc năm 1988, nói rằng Việt Nam không có ý định ủng hộ hay can thiệp vào các hành động quân sự trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, mà thay vào đó là biện pháp đấu tranh ngoại giao và hòa bình.
Ông Thảo nói :
"Để giành lại chủ quyền lãnh thổ từ tay Trung Quốc thì không nhất thiết dùng vũ lực, mà dùng các biện pháp như chính trị, ngoại giao và nhiều cách khác, vì chiến tranh sẽ khốc liệt, gây thiệt hại kinh tế và con người."
Hồi đầu tháng 5, Việt Nam đề nghị Trung Quốc rút thiết bị quân sự khỏi các đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng tuyên bố hôm 8/5 : "Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc với tư cách là quốc gia lớn ở khu vực và thế giới, thể hiện trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, không tiến hành quân sự hóa, rút các trang thiết bị quân sự triển khai trái phép trên các cấu trúc thuộc chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa."
Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lich và Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis, tại Ngx Giác Đài, ngày 8/8/2017. Ảnh Sputnik.
Trong một diễn biến liên quan, Hoa Kỳ sẽ gửi máy bay không người lái đến Việt Nam, theo một tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis hôm 1/6.
Theo mạng tin San Diego Union Tribune, tại cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis và Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch hôm 1/6 bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore, ông Mattis nói rằng Mỹ "hoàn toàn nhất trí" với Hà Nội về các mục tiêu chiến lược quan trọng.
Tờ báo này cho biết cả hai quốc gia cũng đang tiến tới kế hoạch để Hoa Kỳ gửi máy bay huấn luyện và máy bay không người lái đến Việt Nam, nơi đang đóng vai trò ngày càng lớn trong các vấn đề an ninh quốc tế.