Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

15/02/2017

Lo ngại chiến lược mới của Mỹ trên Biển Đông, Bắc Kinh ra tay trước

tổng hợp

Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh trang bị vũ khí (RFI, 15/02/2017)

Trung Quốc tiếp tục trang bị vũ khí với tốc độ nhanh hơn các nước khác, đến mức bắt kịp các nước phương Tây. Đó là báo động của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IISS ở Luân Đôn trong bản báo cáo thường niên vừa được công bố hôm qua, 14/02/2017.

bd1

Tên lửa đạn đạo DF-21D do Trung Quốc sản xuất giới thiệu trong cuộc diễ binh ngày 03/09/2015 tại Bắc Kinh. REUTERS/Andy Wong/Pool/Files

Theo báo cáo của IISS, trong năm qua, Bắc Kinh đã chi tiêu 145 tỷ đôla cho quốc phòng, thua xa Hoa Kỳ, quốc gia có ngân sách quân sự nhiều gấp bốn lần, nhưng hơn hẳn Nga (hạng ba với 58,9 tỷ đôla), Ả Rập Xê Út (56,9 tỷ đôla), Anh Quốc (52,5 tỷ đôla) và Pháp (47,2 tỷ đôla).

IISS nhắc lại rằng, từ nhiều thập niên qua, Trung Quốc đã nỗ lực đầu tư vào khả năng quân sự của nước này và kể từ năm 2012, chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã vượt qua Châu Âu. Từ 5 năm nay, ngân sách quân sự của nước này tăng đều đặn từ 5 đến 6% mỗi năm, và nay chiếm đến 1 phần 3 tổng ngân sách quốc phòng của Châu Á.

Trung Quốc trang bị vũ khí nhanh đến mức đến nay có thể coi như đã bắt kịp các nước phương Tây. Tính về trọng tải, hải quân Trung Quốc, được Bắc Kinh đầu tư rất nhiều trong những năm gần đây, nay đứng hàng thứ hai thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ.

Theo một chuyên gia Pháp, trong vòng 4 năm, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng gần 80 chiến hạm. Một hàng không mẫu hạm mới hoàn toàn do Trung Quốc chế tạo cũng được dự kiến hạ thủy trong năm nay.

Trung Quốc thậm chí đang phá vỡ thế thượng phong về công nghệ vũ khí của phương Tây qua việc thử nghiệm các vũ khí rất tinh vi, từ phi cơ tàng hình, tên lửa hạt nhân mang nhiều đầu đạn, máy bay không người lái siêu thanh.

Thanh Phương

*********************

Trung Quốc "rất lo ngại" sau cam kết bảo vệ Nhật Bản của Tổng thống Trump (Dân Trí, 13/02/2017)

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 13/2 một lần nữa bày tỏ lo ngại sau khi Nhật Bản tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Mỹ trong tranh chấp lãnh thổ giữ Tokyo và Bắc Kinh ở Hoa Đông trong một cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ở Nhà Trắng mới đây.

bd2

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hội đàm tại Nhà Trắng ngày 10/2 (Ảnh : Getty)

Trong một tuyên bố chung Mỹ - Nhật được đưa ra sau cuộc gặp hôm 10/2 tại thủ đô Washington, lãnh đạo hai nước đã tái khẳng định rằng Điều 5 trong hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật bao trùm cả quần đảo Senkaku, nhóm đảo đá hiện do Nhật Bản quản lý mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

Reuters đưa tin, phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho hay Trung Quốc "rất lo ngại và kịch liệt phản đối", nói rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là "lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc từ thời cổ đại".

Ông Cảnh Sảng còn nói : "Không cần biết là ai nói gì hay làm gì, điều đó không thay đổi được rằng Điếu Ngư thuộc Trung Quốc, và không thể làm lung lay quyết tâm của Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ".

Trước đó, trong chuyến thăm tới Tokyo hồi đầu tháng 2, tân Bộ trưởng Quốc Mỹ James Mattis cũng khẳng định rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ giữ nguyên cam kết bảo vệ Nhật Bản trong tranh chấp lãnh thổ ở Hoa Đông với tư cách một đối tác theo hiệp ước.

Theo Điều 5 trong hiệp ước phòng vệ chung giữa hai nước, lực lượng của Mỹ và Nhật Bản sẽ phối hợp đáp trả bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào lãnh thổ do Nhật Bản kiểm soát.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Căng thẳng tranh chấp chủ quyền quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bùng phát sau khi chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo chính thuộc chuỗi đảo đá không người ở này hồi năm 2012. Kể từ đó, các tàu tuần duyên và máy bay của Trung Quốc liên tục tiến ra vào Senkaku để thể hiện chủ quyền.

An Bình

*****************

Mỹ - Nhật : Donald Trump khẳng định lại cam kết bảo vệ Nhật (RFI, 11/02/2017)

bd3

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) và tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi ăn tối ngày 10/02/2017, tại Club Mar-a-Lago, Florida. REUTERS/Carlos Barria

Quan hệ Washington - Tokyo đã có dấu hiệu êm đẹp ngay trong ngày đầu tiên chuyến viến thăm Mỹ của thủ tướng Nhật. Hôm qua, 10/02/2017, sau buổi tiếp thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Nhà trắng, tổng thống Donald Trump tuyên bố liên minh Mỹ - Nhật là trụ cột của hòa bình và ổn định trong vùng và khẳng định lại cam kết liên minh quân sự giữa hai nước, trong đó nhấn mạnh đến việc bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang có tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh.

Trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Shinzo Abe tại Nhà trắng, tổng thống Donald Trump đã không nhắc lại những tuyên bố trong chiến dịch vận động tranh cử, mà theo đó ông Trump đã chỉ trích Nhật Bản đã lợi dụng được Mỹ bảo đảm an ninh, để lấn át trong quan hệ làm ăn với Mỹ, và dọa sẽ xem xét lại hiệp ước quân sự giữa hai nước.

Trên cương vị tổng thống Mỹ, ông Trump tuyên bố : "Chúng tôi quyết tâm bảo đảm an ninh của Nhật Bản và toàn bộ các khu vực nằm dưới sự quản lý của chính quyền Nhật và tiếp tục củng cố mối quan hệ liên minh tối quan trọng của chúng tôi". Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh : «Mối quan hệ giữa hai nước chúng ta và tình hữu nghị giữa hai dân tộc rất sâu sắc. Chính quyền Mỹ quyết tâm thắt chặt thêm mối liên hệ đó".

Trong thông cáo chung, hai bên khẳng định cam kết của Mỹ bảo vệ Nhật bằng các phương tiện quân sự thông thường cũng như hạt nhân là không suy chuyển.

Thông cáo chung ghi rõ, lãnh đạo hai nước nhắc lại việc bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có ghi trong điều 5 của Hiệp ước an ninh Nhật –Mỹ. Việc Washington khẳng định lại sự ủng hộ đối với Tokyo trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Bắc Kinh, liên quan đến quần đảo nói trên, là một thắng lợi ngoại giao có ý nghĩa của ông Shinzo Abe.

Hai nước cũng khẳng định sẽ cùng nhau bảo vệ quyền tự do lưu thông trên biển "Nam Trung Hoa", tức Biển Đông, cùng nhau đối phó với mối đe dọa của bắc Triều Tiên.

Về phần khách, thủ tướng Nhật tập trung vào quan hệ kinh tế thương mại. Ông Abe cho biết hai nước đã thống nhất để xác định một khuôn khổ cho đối thoại kinh tế và tỏ ra lạc quan về cuộc đối thoại này trong thời gian tới. Những dự án đầu tư đó sẽ được bộ trưởng Tài Chính Taro Aso và ngoại trưởng Fumio Kishida trình bày cụ thể trong chuyến công du này.

Trước khi tới Mỹ, thủ tướng Nhật đã đưa ra những hứa hẹn đầu tư tạo công ăn việc làm cho nước Mỹ. Ông Abe hy vọng không để căng thẳng trong quan hệ kinh tế ảnh hưởng tới mối liên minh chiến lược giữa hai cường quốc.

Cùng với các phu nhân, lãnh đạo hai nước sau đó đã tới Palm Beach, Florida, và cùng nghỉ ngơi ngày cuối tuần trong dinh thự sang trọng riêng của tổng thống Mỹ tại Mar-a-Lago. Ông Abe sẽ có buổi chơi golf với ông Trump ngay tại sân golf của vị tổng thống tỷ phú Hoa Kỳ.

Trọng Nghĩa

*******************

Mỹ có thể điều cụm tàu sân bay tấn công tới tuần tra ở Trường Sa, Hoàng Sa (GDVN, 13/02/2017)

FONOPS có thể được thực hiện bởi cụm tàu sân bay tấn công Carl Vinson đóng tại tại San Diego, nhưng đang ở Thái Bình Dương và trên đường hướng về Biển Đông.

Navy Times ngày 12/2 đưa tin, lãnh đạo Hải quân Mỹ và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương đang muốn tiến hành một hoạt động tự do hàng hải gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông, theo 3 quan chức hải quân giấu tên.

Tự do hàng hải, còn được gọi là FONOPS có thể được thực hiện bởi cụm tàu sân bay tấn công Carl Vinson đóng tại tại San Diego, nhưng đang ở Thái Bình Dương và trên đường hướng về Biển Đông.

Hải quân Mỹ có thể điều cụm tàu sân bay tấn công này tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc mới bồi đắp (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), và / hoặc quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) mà Trung Quốc đang chiếm đóng (trái phép).

Hành động này sẽ thách thức các tuyên bố chủ quyền (bất hợp pháp) của Trung Quốc đối với hai quần đảo này, nó có thể gây căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh như trong quá khứ.

bd4

Một chiếc chiến đấu cơ EA-18G trong biên chế cụm tàu sân bay tấn công Carl Vinson, ảnh minh họa : internet.

Kế hoạch này được sự chấp thuận của Tổng thống Donald Trump và sẽ đặt nền móng cho các hoạt động xuyên quốc gia, thể hiện những gì chính quyền mới muốn chính sách Châu Á của mình cần đạt được.

Trong nhiều năm qua, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã cắt giảm các hoạt động hải quân quanh khu vực tranh chấp như quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã bồi lấp đảo nhân tạo những năm gần đây.

Thậm chí họ đã xây dựng các đường băng quân sự trên một số đảo nhân tạo và có thể triển khai các vũ khí phòng không ở đó. Lãnh đạo hải quân Mỹ tin rằng, các hoạt động FONOPS sẽ giúp làm rõ các quyền theo luật pháp quốc tế, đảm bảo ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Tiến sĩ Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế từ Washington DC nói với Navy Times :

"Chính quyền Donald Trump phải quyết định những gì họ muốn đạt được. Tôi thì nghi ngờ họ có thể buộc Trung Quốc phải rút khỏi các đảo nhân tạo họ mới bồi đắp ở Trương Sa.

Tuy nhiên, Mỹ có thể phát triển một chiến lược ngăn chặn họ tiếp tục bồi đắp thêm, tăng cường quân sự hóa, đồng thời ngăn chặn Trung Quốc sử dụng các tiền đồn quân sự mới để đe dọa, ép buộc các nước láng giềng".

Thông tin về các hoạt động FONOPS của Hải quân Mỹ ở Biển Đông xuất hiện trong bối cảnh báo chí Nhật Bản cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis trong cuộc họp kín với đồng minh Châu Á đã đảm bảo với các quan chức Nhật, Mỹ đã có kế hoạch tiếp cận quyết đoán với hành vi leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong nhiều năm qua, các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ như Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương đã tìm cách tiếp cận tích cực hơn đối với Trung Quốc ở Biển Đông.

Các quan chức Hải quân Mỹ đang nhanh chóng chỉ ra rằng Mỹ đã hoạt động ở đó trong nhiều thập kỷ và sẽ duy trì nguyên trạng. Nhưng ông Obama đặc biệt cấm Hải quân Mỹ thực hiện các hoạt động FONOPS ở Biển Đông từ năm 2012 đến 2015.

Chính trong thời gian đó, Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo, quân sự hóa Biển Đông trên 7 cấu trúc ở Trường Sa.

Người phát ngôn Hạm đội 3 Ryan Perry cho biết :

"Việc triển khai cụm tàu sân bay tấm công của Hạm đội 3 tới Tây Thái Bình Dương không có gì đặc biệt. 

Cụm tàu sân bay tấn công của chúng tôi đã tuần tra thường xuyên ở Ấn Độ Dương - Châu Á - Thái Bình Dương trong hơn 70 năm qua và sẽ tiếp tục. An ninh, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực phụ thuộc vào nó".

Cụm tàu sân bay tấn công bao gồm hàng không mẫu hạm lớp Nimitz, USS Carl Vinson cùng với 2 khu trục hạm Wayne E. Meyer, Michael Murphy, tàu tuần dương Carrier Air Wing 2.

Đi kèm đội hình này là các phi đội máy bay trực thăng Sea Combat 4, phi đội máy bay trực thăng hải quân tấn công số 78, các phi đội chiến đấu cơ tấn công số 2, 34, 137, 192, phi đội cảnh báo sớm số 113, phi đội tác chiến điện tử 136, phi đội hỗ trợ hạm đội số 30.

Hồng Thủy

Tài liệu tham khảo :

https://www.navytimes.com/articles/navy-south-china-sea

*************************

Biển Đông : Mỹ dự trù hành động mới thách thức đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc (RFI, 13/02/2017)

bd5

Ảnh minh họa : Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson rời cảng North Island, Coronado, California, Hoa Kỳ, ngày 05/01/2017. REUTERS/Mike Blake

Trang mạng Navy Times hôm qua, 12/02/2017, trích dẫn nhiều quan chức cho biết là Hải quân Mỹ và Bộ Chỉ Huy lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ đang chuẩn bị những hoạt động mới để thách thức đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, bằng cách điều thêm chiến hạm đến sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng và quân sự hóa ở vùng biển này.

Các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải, viết tắt là FONOPS, sẽ do các tàu thuộc cụm tấn công của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson thực hiện. Đó là tàu tuần dương tên lửa USS Lake Champlain CG-57 và hai tàu khu trục USS Wayne E. Meyer và USS Michael Murphy. Đội tàu này hiện đang ở Thái Bình Dương và đang tiến về hướng Biển Đông, theo lời 3 quan chức quốc phòng nói với Navy Times, nhưng xin miễn nêu tên. Chưa rõ là khi nào đội tàu nói trên sẽ đi vào khu vực Biển Đông.

Theo Navy Times, kế hoạch của Hải quân Mỹ chắc là sẽ đưa các chiến hạm xâm nhập khu vực 12 hải lý chung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa và Hoàng Sa, một hành động mới thách thức những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, mà trong quá khứ đã từng gây căng thẳng giữa Washington với Bắc Kinh.

Navy Times cho biết các kế hoạch nói trên sẽ được chuyển theo từng cấp chỉ huy, lên tới tổng thống Donald Trump để phê chuẩn và sẽ phần nào phản ánh chính sách của chính quyền Trump về Biển Đông.

Trả lời Navy Times, chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở Washington, cho rằng "không thể nào buộc được Trung Quốc rút khỏi các đảo nhân tạo mới xây ở Trường Sa". Nhưng theo bà Glaser, Hoa Kỳ "có thể thi hành một chiến lược nhằm ngăn chận Bắc Kinh bồi đắp thêm đảo và quân sự hóa, đồng thời ngăn chận Trung Quốc sử dụng những tiền đồn mới để dọa nạt hoặc cưỡng ép các nước láng giềng".

Thanh Phương

Quay lại trang chủ
Read 699 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)