Tổ chức Theo dõi Nhân quyền : "Hun Sen là nhà độc tài quân sự" (VOA, 30/06/2018)
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã trở thành ‘một nhà độc tài quân sự hoàn toàn’ với sự hỗ trợ đắc lực của các tướng lĩnh quân đội và cảnh sát, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết trong một bản phúc trình được công bố hôm thứ Năm ngày 28/6.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và phu nhân, bà Bun Rany
Với tựa đề ‘12 người bẩn thỉu của Campuchia : Quá trình vi phạm nhân quyền lâu dài của các tướng lĩnh của Hun Sen’, bản phúc trình dài 213 trang cho thấy mức độ kiểm soát cá nhân của ông Hun Sen đối với lực lượng quân đội và cảnh sát thông qua danh sách 12 quan chức an ninh cấp cao vốn ‘tạo thành xương sống của một chế độ chính trị chuyên chế và đàn áp’.
Bản phúc trình được đưa ra trong bối cảnh Campuchia sắp diễn ra cuộc tổng tuyển cử 5 năm một lần vào tháng Bảy mà nhiều khả năng Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) do ông Hun Sen lãnh đạo sẽ tiếp tục chiến thắng để đảm bảo cho ông thêm một nhiệm kỳ Thủ tướng nữa sau khi ông đã có những hành động đàn áp các lãnh đạo đối lập và đỉnh điểm là giải tán Đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) hồi năm ngoái.
Nhiều người trong số 12 tướng lĩnh này, trong số đó có tướng Pol Saroeun, tư lệnh tối cao của các lực lượng vũ trang hoàng gia Campuchia và Tướng Neth Savoeun, tư lệnh cảnh sát tối cao của Campuchia, đều từng phục vụ trong quân đội Khmer Đỏ cùng với bản thân Hun Sen.
Mỗi người trong số các tướng lĩnh này có được địa vị cao và chức vụ béo bở như hiện nay là nhờ vào các liên hệ chính trị và cá nhân với Hun Sen trong vòng trên dưới hai thập niên qua, theo thông cáo báo chí của HRW. Theo đó, ông Hun Sen đã tạo dựng được nền cai trị chuyên chế của mình bằng cách cất nhắc các tướng lĩnh dựa trên lòng trung thành của họ đối với ông.
"Thay vì phục vụ dân chúng, những tướng lĩnh này lại đi bảo vệ cho sự cai trị của ông Hun Sen vốn đã cầm quyền được 33 năm", thông cáo viết và cho biết mỗi người trong số họ đều thể hiện sự sẵn sàng vi phạm nhân quyền cho Hun Sen.
HRW còn cho rằng mặc dù phục vụ trong chính quyền với mức lương chính thức khá khiêm tốn nhưng các tướng lĩnh này ‘đã gom được một lượng tài sản kếch xù không rõ nguồn gốc’.
"Qua nhiều năm, ông Hun sen đã tạo dựng và phát triển thành phần chủ chốt của các tướng lĩnh an ninh vốn thực thi mệnh lệnh của ông ta một cách bạo lực và tàn nhẫn", ông Brad Adams, giám đốc Á Châu của HRW, được dẫn lời nói.
"Tầm quan trọng của các tướng lĩnh này đã trở nên càng rõ ràng hơn trước cuộc bầu cử vào tháng Bảy khi họ tiến hành đàn áp các nhà báo, các đối thủ chính trị và những người phản đối chính phủ và vận động công khai cho Hun Sen", ông nói thêm.
Bản báo cáo tường trình lại trách nhiệm của 12 tướng lĩnh cao cấp này trong các vi phạm nhân quyền ở Campuchia từ cuối những năm 1970 cho đến nay.
Mặc dù các quan chức này có trách nhiệm pháp lý hành động vì lợi ích của quốc gia thay vì đảng phái và phải thực thi chức trách một cách trung lập và không thiên vị nhưng tất cả họ lại ‘hành động mang tính đảng phái công khai’, theo HRW.
Theo đó, tất cả các tướng lĩnh này đều là thành viên của Ủy ban trung ương Đảng CPP và do đó họ phải thực thi tất cả các chính sách của Đảng. Điều này, theo HRW, là mâu thuẫn với các chuẩn mực nhân quyền quốc tế vốn đòi hỏi các quan chức không được có thái độ đảng phái khi thực thi chức trách và không được thiên vị đảng này so với đảng kia.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết từ lâu họ đã theo dõi và ghi lại những vi phạm nhân quyền quá mức của chính quyền Hun Sen. Theo đó, trong hơn ba thập niên, hàng trăm các nhà báo, các nhân vật đối lập, các lãnh đạo công đoàn và những người khác đã bị sát hại. Mặc dù trong nhiều trường hợp những kẻ đứng sau những vụ việc này ‘là các thành viên của lực lượng an ninh’, nhưng ‘không có trường hợp nào mà chính quyền thực hiện điều tra và truy tố một cách đáng tin cậy, nói gì đến kết tội thủ phạm’ và trong một số trường hợp, ‘những kẻ ra tay bị truy tố còn cấp trên ra lệnh cho họ lại không hề hấn gì’.
Ngoài ra lực lượng an ninh Campuchia còn ‘bắt giữ tùy tiện, đánh đập, quấy rối và đe dọa nhiều người chỉ trích chính quyền, trong đó có những nhà hoạt động nhân quyền, các nhà hoạt động công đoàn hay đấu tranh về quyền lợi đất đai, các blogger và những người khác bày tỏ quan điểm trên mạng’.
"Không có nhà độc tài nào vươn tới hay trụ trên đỉnh quyền lực mà không có sự hỗ trợ của những con người tàn bạo khác", ông Adams nói và nhắc lại việc nhóm tướng lĩnh trụ cột này của Hun Sen cũng không thêm đếm xỉa gì đến nền dân chủ hay tính đa nguyên chính trị cũng giống như Hun Sen trong suốt 33 năm cầm quyền của ông".
"Cũng như ông chủ của họ, các viên tướng này cần phải được chỉ mặt đặt tên và phải chịu trách nhiệm cho nhiều tội ác của họ".
Hun Sen làm Thủ tướng Campuchia từ năm 1985. Kể từ năm 2015, ông trở thành Chủ tịch của Đảng CPP. Sau khi Tổng thống Zimbabwe, Robert Mugabe, bị lật đổ trong một cuộc đảo chính hồi năm ngoái, giờ đây ông Hun Sen nằm trong số năm nhà lãnh đạo chuyên chế tại vị lâu nhất trên thế giới.
HRW cho biết ông Hun Sen công khai tạo dựng sự sùng bái cá nhân cho ông ấy, trong đó có việc đặt tên ông cho hàng trăm trường học mà nhiều trường trong số này được xây bằng tiền của các nhà tài trợ. Hun Sen tự gọi mình là ‘tướng năm sao vĩnh viễn’ trong khi danh hiệu chính thức của ông là ‘Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen’ vốn dịch ra nghĩa đen là ‘Tư lệnh tối cao vĩ đại được tán dương huy hoàng của quân đội chiến thắng vinh quang’.
"Hun Sen thật sự đã trở thành một nhà độc tài quân sự hoàn toàn, điều mà ông ấy hy vọng có thể che giấu với màn bầu cử vào tháng Bảy vốn sẽ không hề tự do hay công bằng", tờ Guardian dẫn lời ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách Châu Á của HRW, nói.
"Điều mà bản phúc trình này cho thấy là cội rễ quân sự vốn định hình chế độ của Hun Sen", ông Robertson nói. "Ở mỗi bước đi trong những năm nắm quyền, Hun Sen đã tìm cách tập trung sự kiểm soát đối với quân đội và cảnh sát dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông ấy và với sự hỗ trợ của 12 tướng lĩnh nguy hiểm này".
Bên cạnh quân đội và cảnh sát, Hun Sen còn có một lực lượng cảnh vệ - một lực lượng quân sự do cá nhân ông điều khiển vốn chỉ có 60 người vào giữa những năm 1990 phát triển lên thành 23.000 lính vào năm 2015, Guardian dẫn lời ông Lee Morgenbesser, một chuyên gia về các chế độ chuyên chế ở Đông Nam Á, cho biết.
Sự đàn áp của chính phủ Hun Sen diễn ra khi ông lo sợ phe đối lập giành được quá nhiều sự ủng hộ trong dân chúng trong thời gian bầu cử sắp đến và sự đàn áp này diễn ra thuận lợi với thay đổi của bối cảnh quốc tế.
Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ đô la Mỹ vào Campuchia nằm trong dự án ‘Một vành đai, Một con đường’ của họ và Bắc Kinh sẵn sàng hậu thuẫn cho chế độ chuyên chế của Hun Sen. Bắc Kinh đã tuyên bố rằng cuộc bầu cử vào tháng Bảy tới sẽ diễn ra ‘tự do và công bằng’.
Trong khi đó, chính quyền Hoa Kỳ của Tổng thống Donald Trump không còn quan tâm đến những vi phạm nhân quyền ở những quốc gia như Campuchia hay Việt Nam như dưới thời của Tổng thống Barack Obama, ông Lee Morgenbesser nói thêm.
"Nói một cách đơn giản, chính quyền này của Mỹ không quan tâm đến dân chủ và nhân quyền ở Đông Nam Á và điều đó là tiền đề để cho Hun Sen gia tăng đàn áp", Morgenbesser nói. "Cuộc chơi giờ đây đã thay đổi. Ông Hun Sen gần như không cần phải giả vờ chính danh trong cuộc bầu cử sắp tới đối với Mỹ - chẳng ai còn quan tâm nữa".
**********************
Hun Sen bổ nhiệm con trai làm tư lệnh Quân đội Hoàng gia Cam Bốt (RFI, 30/06/2018)
Hôm 30/06/2018 con trai cả của ông Hun Sen đã được bổ nhiệm hai chức vụ cao cấp trong quân đội, vào lúc thủ tướng Cam Bốt đang tìm cách mở rộng quyền lực gia đình.
Trung tướng Hun Manet, con trai cả của thủ tướng Hun Sen. Wikipedia/Hean Socheata/VOA Khmer
Trung tướng Hun Manet, con trai đầu của ông Hun Sen được thăng chức tư lệnh Quân đội Hoàng gia Cam Bốt, đồng thời phụ trách Bộ Tổng tham mưu. Năm nay 40 tuổi, ông Hun Manet tốt nghiệp trường võ bị West Point, vẫn tiếp tục là người đứng đầu đơn vị chống khủng bố của Bộ quốc phòng, và sẽ được thăng lên tướng bốn sao cho tương xứng với chức vụ mới.
Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Cam Bốt, Chhum Socheat nói với AFP là sự thăng chức này dựa trên năng lực, chứ không phải do là con thủ tướng. Ông nói : "Chẳng có gì lạ cả, sự thăng tiến này dựa trên phẩm chất và kinh nghiệm trong quân đội của ông Hun Manet".
Thủ tướng Hun Sen, 65 tuổi, cầm quyền từ 33 năm qua, là một trong những nhà lãnh đạo trị vì lâu nhất thế giới, rất nhiều lần khẳng định sẽ tại vị trong một thập niên nữa. Ông bị cáo buộc xây dựng một đế chế chính trị, khi bổ nhiệm ba người con trai vào các chức vụ quan trọng.
Được biết con trai thứ hai của thủ tướng Hun Sen là Hun Manith hiện đang là người đứng đầu lực lượng tình báo quân đội vốn rất nhiều quyền hành, và con trai út Hun Many là dân biểu, lãnh đạo phong trào đoàn thanh niên của đảng cầm quyền.
Trong đợt này, nhiều lãnh đạo quân đội được điều chuyển, như tư lệnh lực lượng quân cảnh Sao Sokha trở thành tư lệnh không quân. Hai người khác là Pol Saroeun và Kun Kim đã rời chức vụ quân đội để ứng cử Quốc Hội trong kỳ bầu cử ngày 29/7 tới. Cả hai đồng minh trên của ông Hun Sen đều nằm trong số 12 tướng lãnh bị Human Rights Watch tuần này tố cáo phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại.
Đảng Nhân dân Cam Bốt của ông Hun Sen được cho là sẽ thắng lớn trong kỳ bầu cử tới, vì đảng đối lập chính đã bị giải thể.
Thụy My
**********************
Cam Bốt : HRW công bố danh sách "12 tướng tay bẩn" (RFI, 29/06/2018)
Ngày 29/07/2018, người dân Cam Bốt đi bầu quốc hội mới. Cuộc bầu cử bị xem là thiếu công bằng từ khi đảng đối lập quan trọng nhất bị giải thể vào tháng 11 năm 2017. Sự kiện đảng Cứu Nguy Dân Tộc bị cấm hoạt động được giới quan sát xem là cách dọn đường cho đảng Nhân Dân của thủ tướng Hun Sen, cầm quyền từ 33 năm qua, độc chiếm chính trường với sự tiếp tay của một nhóm tướng lãnh thân cận. Đó cũng là kết luận của bản báo cáo "12 tướng bàn tay bẩn", Human Rights Watch công bố hôm nay, 29/06.
Ảnh minh họa : tướng Hing Bun Hieng, chỉ huy đội cận vệ của thủ tướng Hun Sen. Ảnh ngày 17/04/2018. Reuters/Stringer
Từ Phnom Penh, thông tín viên Juliette Buchez tường thuật :
Bộ quốc phòng Cam Bốt phản ứng tức khắc, mô tả bản phúc trình có nội dung xâm phạm chủ quyền đất nước. Báo cáo của Human Rights Watch nhắm vào 12 tướng an ninh Cam Bốt bị xem có trách nhiệm trong các vụ vi phạm nhân quyền liên tục.
Theo tổ chức phi chính phủ quốc tế, hầu hết các viên tướng này cho phép thuộc hạ sử dụng bạo lực một cách quá đáng, thậm chí giết người, đàn áp các cuộc biểu tình của dân chúng. Trong số họ, có người xuất thân là cán bộ của chế độ Khmer Đỏ, thủ phạm diệt chủng, tiêu diệt một phần tư dân số xứ Chùa Tháp từ năm 1975 đến 1979.
Tất cả đều là người thân cận của thủ tướng Hun Sen ít nhất từ 20 năm nay và đều là ủy viên trung ương đảng Nhân Dân, đảng của thủ tướng.
Quyền sinh hoạt chính trị của nhân viên an ninh được luật quốc tế bảo đảm. Tuy nhiên, theo Human Richts Watch, tại Cam Bốt, tham gia chính trị chồng chéo với bổn phận tôn trọng nhân quyền. Với sự hỗ trợ của nhóm hộ vệ này, thủ tướng Hun Sen thường xuyên bị tố cáo trấn áp mọi tiếng nói phê phán trước cuộc bầu cử ngày 29 tháng 7 tới.
Trong khi các quốc gia tây phương hoài nghi tính chính đáng của cuộc tuyển cử, Hoa Kỳ đi thêm một bước hôm 12/06 vừa qua. Tướng Hing Bun Hieng, chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ thủ tướng Hun Sen, bị Washington cấm nhập cảnh. Tài sản ở Mỹ bị phong tỏa.
Tú Anh
***********************
Dù Hun Sen thân Bắc Kinh, quan hệ Campuchia-Việt Nam không thể đổ vỡ ? (VOA, 27/06/2018)
Nếu bí quyết để trở nên có chỗ đứng trong làng báo đối lập của Campuchia là có giọng điệu bài Việt Nam thì quy luật bất thành văn của các kênh truyền hình do chính phủ kiểm soát chặt chẽ là tránh càng xa luận điệu này càng tốt.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen là người được Việt Nam đưa lên lãnh đạo Campuchia
Với tất cả các kênh truyền hình mặt đất hoặc là thuộc sở hữu của các quan chức hàng đầu của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) hoặc thuộc sở hữu của các đồng minh của họ, thì đó là chuẩn mực mà tất cả các cơ quan truyền thông muốn được các nhà lãnh đạo mà Hà Nội dựng lên vào tháng Giêng năm 1979 ưu ái phải cố gắng hết sức lưu ý.
Tuy nhiên điều này đã thay đổi vào ngày 13/6 khi Soy Sopheap, một người vốn nổi tiếng là tay chân của Thủ tướng Hun Sen, sử dụng chương trình trò chuyện trên truyền hình của ông ta trên kên BTV News – vốn thuộc sở hữu của con gái Hun Sen là Hun Mana – để nêu lên ý tưởng về biểu tình chống Việt Nam.
Để ý đến các cuộc biểu tình mới đây ở Việt Nam về luật đặc khu trong đó có điều khoản cho thuê đất 99 năm mà những người biểu tình cho rằng sẽ cho các công ty Trung Quốc thuê, Sopheap than phiền về sự hiện diện tương tự của Việt Nam với các khu đất cho thuê với 99 năm trên đất Campuchia với ‘gần 30.000 hectare’. Soy Sopheap thậm chí còn cáo buộc Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh là ‘khinh thường Campuchia’.
Trong màn độc thoại kéo dài 12 phút, Sopheap, người cũng là tổng biên tập của trang mạng Deum Ampil có lập trường ủng hộ CPP và là người sáng lập trang tin yêu thích nhất của Hun Sen, Fresh News, đã đặt vấn đề tại sao Phnom Penh không chứng kiến các cuộc biểu tình tương tự chống Việt Nam ở Campuchia.
"Khi người dân Việt Nam chống Trung Quốc, họ có đủ can đảm để lên tiếng, nhưng chúng ta chưa bao giờ đủ can đảm để lên tiếng do chúng ta luôn sợ Việt Nam", Sopheap nói. "Giờ đây tôi sẽ lên tiếng. Tôi sẽ lên án và tôi sẽ đi biểu tình".
"Cũng cùng là một vấn đề mà chúng ta đã nhìn thấy bùng nổ thành các cuộc biểu tình ở Việt Nam – người dân Campuchia nên suy ngẫm", ông nói. "Người dân Campuchia cũng có quyền biểu tình phản đối".
Đối với một số người thì đây có lẽ là điều bất ngờ. Nhưng đối với nhiều người khác, đó chỉ là bằng chứng mới nhất sau một loạt những bài báo hồi năm ngoái cho rằng việc Hun Sen theo đuôi Bắc Kinh đã đẩy Đảng CPP ngày càng xa rời Việt Nam.
Một bài báo hôm 27/3 trên tờ Asia Times có tiêu đề là ‘Hun Sen sẵn sàng liều đánh mất đồng minh lâu năm nhất’ của tác giả Alan Parkhouse, người vừa rời khỏi chức vụ tổng biên biên tập của tờ Khmer Times có quan điểm thân chính phủ, thậm chí còn cho rằng bản thân Việt Nam đã quay lưng lại với Thủ tướng Campuchia.
"Việt Nam đã nói với Hun Sen rất thẳng thừng rằng ông đã nắm quyền quá lâu giờ đã đến lúc phải ra đi", Parkhouse dẫn lời một quan chức chính phủ cấp cao của Campuchia cho biết. "Hai vấn đề khiến Hà Nội bực mình nhất là mối quan hệ chặt chẽ của Hun Sen với Trung Quốc và việc trục xuất công dân Việt Nam khỏi Campuchia".
Tuy nhiên nếu mối giao tình kéo dài 40 năm giữa Hun Sen với Việt Nam đã trở nên xấu đi do việc ông kết thân với Bắc Kinh và việc Phnom Penh thay mặt Trung Quốc phá hoại sự đoàn kết của Asean trên Biển Đông thì đó cũng là điều được giữ kín.
Từ những chuyến thăm viếng lẫn nhau đầy phấn khởi cho đến việc khánh thành những trường học và bệnh viện chất lượng cao của Việt Nam ở Phnom Penh, mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia dường như đã vượt qua được những sóng gió vốn gây ra căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
"Các nhà lãnh đạo và giới chức Việt Nam có đầu óc thực dụng", ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Học viện Quốc phòng Úc và là chuyên gia về Việt Nam, cho biết. "Họ không chống đối quan hệ chặt chẽ giữa Campuchia và Trung Quốc bởi vì Việt Nam cũng muốn có mối quan hệ chặt chẽ và hợp tác với Bắc Kinh".
Ông Thayer, vốn cũng là quan sát viên chính thức của cuộc bầu cử ở Campuchia do Liên Hiệp Quốc tổ chức vào năm 1993, cho biết tờ Quân đội Nhân dân của Việt Nam vẫn liên tục đăng tin các sỹ quan Campuchia tốt nghiệp từ các trường quân sự Việt Nam và rằng Việt Nam vẫn tiếp tục chăm sóc y tế miễn phí cho các quân nhân Campuchia được gửi sang.
Theo ông thì Hà Nội ‘nhắm về dài hạn’ và ‘ưu tiên sự ổn định trong nước của Campuchia’ và tin rằng họ cần phải chung sống – thay vì đấu tranh – với ảnh hưởng ngày một gia tăng của Bắc Kinh. "Nói cách khác", ông Thayer nói, "Cho dù Hà Nội có quan ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Campuchia như thế nào đi nữa, Việt Nam cũng không có lập trường trừng phạt Phnom Penh".
Bản thân ông Hun Sen cũng cho thấy ít có dấu hiệu cắt đứt với Hà Nội – ngay cả khi truyền thông bợ đỡ ông Hun Sen, như Soy Sopheap, mới đây được tự do lên án Việt Nam.
Chỉ vài tuần sau cuộc bầu cử các hội đồng địa phương hồi năm ngoái, Thủ tướng Hun Sen đã công khai kỷ niệm tròn 40 năm ngày ông bỏ Khmer Đỏ chạy sang Việt Nam bằng cách tái hiện con đường băng qua biên giới đầy nguy hiểm mà ông đã đi năm nào. Khi đó, ông đã kể lại làm sao mà không có nước nào khác đến giúp Campuchia vào lúc đó.
Với sự có mặt của ba người con trai của ông, Hun Sen đã tổ chức một buổi lễ ở biên giới bên phía Campuchia trước khi lội bộ để tái hiện lại chuyến vượt biên rồi sau đó lên xe chạy tới một buổi lễ kỷ niệm khác do các quan chức Việt Nam tổ chức. Đáng lưu ý là hành trình đi vào Việt Nam của ông sau đó đã được chuyển thành phim tài liệu phát sóng trên truyền hình vào giờ vàng.
Một tháng sau đó, người vừa tái đắc cử Tổng bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, đã đến Phnom Penh trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi tái đắc cử.
Trong chuyến thăm đó, ông Trọng đã công bố Việt Nam sẽ tài trợ 25 triệu đô la để xây tòa nhà hành chính mới trong khuôn viên Quốc hội Campuchia ở Phnom Penh như là ‘món quà kỷ niệm’ cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Vài ngày sau một tượng đài Hữu nghị Campuchia-Việt Nam được khánh thành ở thành phố cảng Sihanoukville.
Đối với những căng thẳng nếu có đang xuất hiện trong quan hệ song phương thì khó mà nói rằng đó là bắt đầu hình thành sự tan rã trong quan hệ.
Trong một bài phân tích mới đây trên tạp chí Southeast Asian Affairs, ông Steven Heder, một chuyên gia lâu năm về Campuchia và là một chuyên gia nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Phương đông và Châu Phi ở London, đã tập hợp các bài báo của cả Việt Nam và Campuchia để cho thấy rằng mối quan hệ giữa Hà Nội và Phnom Penh vượt quá những quan ngại ngoại giao thông thường.
Bài viết này, có tựa đề ‘Campuchia-Việt Nam : Mối quan hệ đặc biệt chống lại các thế lực thù địch và không thân thiện’, lập luận rằng các đảng cầm quyền ở Campuchia và Việt Nam, với nền tảng chung là chủ nghĩa cộng sản, đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ khác thường do cùng chia sẻ mối quan ngại về việc lãnh thổ của nước kia được các thế lực ‘thù địch’ lợi dụng.
Do đó, mối quan hệ song phương được thấu hiểu tốt nhất, theo ông Heder, không phải qua lăng kính của mối quan hệ hai quốc gia mà là mối quan hệ giữa hai đảng – Đảng CPP của ông Hun Sen và ‘người anh cả’ của họ là Đảng cộng sản Việt Nam – hay qua mối quan hệ giữa Quân đội Hoàng gia Campuchia và Quân đội nhân dân Việt Nam.
"Hai chủ đề bao trùm trong mối quan hệ giữa hai quân đội là xét về lịch sử thì lúc nào cũng vậy vào những lúc nguy nan nhất cũng chỉ có mỗi Việt Nam là giúp đỡ Campuchia và hiện tại Quân đội nhân dân Việt Nam đang sẵn sàng giúp đỡ Quân đội Hoàng gia Campuchia ‘trong mọi tình huống’, bao gồm bất cứ lúc nào mà ‘Đảng CPP gặp khó khăn,’ ông Heder viết.
"Hun Sen đã mô tả mối quan hệ giữa hai nước như ‘môi với răng’ dựa trên cơ sở là ‘mối quan hệ chính trị’ giữa hai quân đội. Trong ngôn ngữ của các Đảng cộng sản Châu Á thì khái niệm ‘quan hệ như môi với răng’ ý muốn nói mối sự đoàn kết giữa quân đội hai bên chống lại kẻ thù chung trong thời chiến", ông giải thích.
Thật vậy, phe đối lập Campuchia không thể nào quên việc ông Hun Sen đi thăm chính thức Việt Nam chỉ vài ngày trước khi ông đàn áp những người phản đối ở Phnom Penh hồi tháng Giêng năm 2014 vốn chống lại chuyến thăm này cũng như chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam đến Phnom Penh vài ngày sau đó.
Để đúc kết quan điểm của Việt Nam về Phnom Penh, ông Heder đặt Đảng CPP, vốn thường nhấn mạnh lòng biết ơn vai trò của Việt Nam trong việc giúp đỡ lật đổ Pol Pol, đối nghịch với kẻ thù truyền kiếp của ông Hun Sen là Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) mà các lãnh đạo của đảng này lâu nay vẫn cho là Việt Nam phải chịu trách nhiệm về sự ra đời của Khmer Đỏ.
Quan trọng nhất đối với Việt Nam là Đảng CNRP đại diện cho ‘xu thế đòi đất nguy hiểm’ nhưng cũng là một xu thế rộng rãi trong chính giới Campuchia vốn không chịu từ bỏ tuyên bố chủ quyền lịch sử đối với một số vùng trong lãnh thổ Việt Nam. Ông Sam Rainsy, lãnh đạo CNRP, thậm chí còn nói rằng đảng này ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Heder nhắc lại rằng sau một cuộc gặp hồi năm 2016 với ông Hun Sen ở Hà Nội, Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang ‘khẳng định chính sách nhất quán là ủng hộ Đảng CPP và đánh giá cao sự kiên định của Campuchia trong việc không cho phép bất cứ thế lực thù địch nào sử dụng lãnh thổ nước này để phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định của Việt Nam".
Chủ tịch Quang ‘đã khuyên Thủ tướng Hun Sen có sự đề phòng, không cho phép các thế lực cực đoan khơi dậy hận thù dân tộc hay phá vỡ hay phá hoại mối quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa hai nước’ – một sự nhắm rõ ràng đến thế lực ngày càng lớn mạnh của Đảng CNRP sau cuộc tổng tuyển cử gây tranh cãi của Campuchia vào năm 2013.
Từ bối cảnh này, việc lâu nay Việt Nam vẫn dựa vào CPP để duy trì sự ổn định của Campuchia đã trở thành thể chế hóa. Nó đã có thêm ‘ý nghĩa tâm lý và có thể là ý nghĩa hành động với tư cách là một liên minh quân sự nhằm chống lại bất kỳ sự thay đổi chính trị nào mà sẽ đưa các thế lực thù địch hay phần tử không thân thiện lên nắm quyền ở Campuchia,’ ông Heder nói.
Giá trị của sự ủng hộ này đối với Hun Sen – ít nhất không phải trong việc huấn luyện quân sự tinh nhuệ và chăm sóc sức khỏe cho những người trung thành với ông, đó là chưa nói việc thị uy với các thế lực ở trong nước do có có một quân đội lớn và có cảm tình ngay sát bên – không hề tầm thường chút nào.
Về phần mình, phát ngôn nhân của Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, ông Phay Siphan, giải thích mối quan hệ song phương là hai bên hoàn toàn tin cậy lẫn nhau để giải quyết các bất đồng.
"Cả hai phía đều có kinh nghiệm giải quyết các vấn đề từ năm 1979", Siphan nói với tờ Cambodia Daily hai tháng sau khi thất bại của hội nghị Asean hồi tháng 7 năm 2016 mà vài ngày sau Bắc Kinh đã cho Phnom Penh món quà là 548 triệu đô la Mỹ tiền viện trợ. "Các nước láng giềng lúc nào mà không có khác biệt", ông nói.
Suy cho cùng, theo ông Thayer, thì giới lãnh đạo Việt Nam cũng có phe thân và phe chống Trung Quốc và những người lãnh đạo này hiểu tình cảnh mà ông Hun Sen phải đối mặt trong việc cân bằng mối quan hệ lịch sử (cho dù là không được lòng dân chúng) với Hà Nội với những lợi ích của việc quay sang với Bắc Kinh.
"Ngoài lập trường lớn tiếng ủng hộ Trung Quốc của Campuchia trong tranh chấp Biển Đông mà do đó phá hoại sự đồng thuận của Asean thì Campuchia không đặt ra mối đe dọa cốt tử nào đối với Việt Nam", ông nói. "Khó mà thấy được liệu mối quan hệ thắm thiết hơn giữa Trung Quốc và Campuchia sẽ dẫn đến gia tăng sự thù địch giữa Việt Nam và Campuchia".
Tuy nhiên cũng không phải không có khả năng sự dựa dẫm ngày càng nhiều của Hun Sen vào Trung Quốc một ngày nào đó sẽ làm căng thẳng mối quan hệ với Hà Nội và khi đó những lời kêu gọi biểu tình chống Việt Nam như của Soy Sopheap sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên chừng nào Đảng CPP vẫn còn nắm quyền thì quan hệ giữa hai nước khó mà rạn nứt.
(Theo bài phân tích của tác giả Alex Willemyns đăng trên The Diplomat ngày 26/6/2018)