Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

30/06/2018

Chiến lược Biển Đông đang thay đổi : Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với Úc

Tổng hợp

Úc đổi mới đội tầu Hải Quân để đối phó với Trung Quốc (RFI, 30/06/2018)

Úc sẽ có chín chiến hạm mới lớp Hunter, thay thế cho chín chiến hạm lớp Anzac, nhằm hiện đại hóa đội tầu chiến phục vụ dự án hải quân đầy tham vọng của Canberra và đặc biệt là nhằm đối phó với Trung Quốc. Ngày 29/06/2018, tập đoàn BAE của Anh đã thắng thầu hợp đồng trị giá 22,6 tỉ euro.

policy1

Một chiến hạm tại Nam Úc. Ảnh minh họa.wikipedia

Phát biểu trước báo giới, thủ tướng Úc Macolm Turnbull nhấn mạnh : "Đây là những chiến hạm chống ngầm tiên tiến nhất thế giới… và sẽ cung cấp cho lực lượng quốc phòng Úc khả năng răn đe cao nhất mà quân nhân trên thực địa cần đến trong giai đoạn bất ổn này".

Vẫn theo thủ tướng Úc, "những chiến hạm mới có khả năng thực hiện độc lập hàng loạt chiến dịch hoặc trong khuôn khổ một nhóm tác chiến để hoạt động hiệu quả khắp khu vực".

Theo AFP, chính phủ Úc tăng ngân sách quốc phòng vào lúc Trung Quốc giương oai trong khu vực bằng cách tăng cường hiện diện quân sự tại các vùng biển đang có tranh chấp, và Bắc Triều Tiên vẫn nằm trong vòng theo dõi sát sao.

Chín tầu chiến mới sẽ được lắp ráp tại thành phố Adelaide, phía nam nước Úc, theo mô hình chiến hạm Type 26 của Anh, dưới sự giám sát của công ty ASC Shipbuilding chuyên về công nghiệp quốc phòng. Chính phủ Úc cũng vui mừng vì sẽ tạo thêm được hơn 4.000 việc làm nhờ hợp đồng với BAE.

Tuần trước, Úc đã thông báo đầu tư 5,2 tỉ đô la để mua thiết bị bay không người lái của Mỹ nhằm mục đích quân sự và giám sát trên biển, trong đó có Biển Đông.

Thu Hằng

*****************

Mỹ và Úc tăng cường hiện diện tại khu vực tranh chấp Biển Đông (RFA, 27/06/2018)

Hoa Kỳ và Australia vào ngày 26 tháng 6 đều có thông tin về biện pháp tăng cường sự hiện diện tại khu vực Biển Đông. Đây là vùng biển nơi mà Trung Quốc công khai mưu đồ thống trị bằng sức mạnh quân sự.

rimpac02

Chiến đấu cơ trên Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan tại Vịnh Manila, Philippines ngày 26 tháng 6 năm 2018 - AFP

Quân đội Mỹ vào ngày 26 tháng 6 thông báo đã cho bố trí hàng không mẫu hạm lớn thứ ba đi tuần tra khu vực Biển Đông. Tin nói rõ trong cùng ngày hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan vào neo đậu tại Vịnh Manila, Philippines.

Phó Đô đốc Mỹ, Marc Dalton, được hãng tin AP dẫn lời rằng sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại khu vực Biển Đông nhằm hỗ trợ cho khả năng phòng thủ đất nước của chính Hoa Kỳ và các đồng minh. Ngoài ra sự hiện diện như thế nhằm tăng tiến khả năng bảo vệ quyền tự do hàng hải, bảo đảm thương mại thông thương cũng như phòng ngừa xung đột và cưỡng dọa.

Truyền thông Philippines nói rõ ‘siêu hàng không mẫu hạm’ USS Ronald Reagan sẽ lưu lại tại nước này 4 ngày. Đây là chiến hạm dẫn đầu Nhóm Tác Chiến số 5 gồm khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Mustin, và hai tuần dương hạm cũng có tên lửa dẫn đường USS Anietam và USS Chancellorsville.

Chuyến tuần tra hàng hải của hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan bắt đầu từ ngày 29 tháng 5 vừa qua, sau khi rời Căn cứ Hải quân Yokohama ở Nhật Bản.

Trong diễn tiến liên quan, Australia vào ngày 26 tháng 6 cũng cho biết sẽ đầu tư hơn 5 tỷ đô la Mỹ cho công tác phát triển và mua máy bay không người lái công nghệ cao của Hoa Kỳ. Mục tiêu nhằm sử dụng vào những cuộc hành quân hỗn hợp cũng như để giám sát các vùng biển, trong đó có Biển Đông.

Chính quyền Canberra xúc tiến công cuộc đầu tư hải quân được cho là lớn nhất trong thời bình thông qua chiến lược đóng tàu trong đó có những tàu ngầm mới, tàu tuần tra xa bờ cũng như những chiến hạm nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Australia.

Cụ thể, chính phủ Canberra sẽ chi tiền mua máy bay không người lái MQ-4C Triton chuyên giám sát hàng hải để đưa vào hoạt động vào giữa năm 2023 cùng với đội 7 chiếc P-8A Poseidon hiện nay.

Trong thông cáo được đưa ra, thủ tướng Malcolm Turnbull nêu rõ những máy bay như thế sẽ giúp tăng cường một cách đáng kể khả năng chiến đấu trện biển, chống tàu ngầm cũng như khả năng tìm kiếm-cứu nạn của lực lượng Australia.

Cũng vào ngày 26 tháng 6, Ông Jim Mattis, trở thành vị bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của Hoa Kỳ đến thăm Trung Quốc kể từ năm 2014. Mục tiêu chuyến đi được cho biết nhằm cải thiện đối thoại an ninh với Bắc Kinh trong tình hình căng thẳng quan hệ giữa đôi bên.

Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis của Mỹ từng là một tướng thủy quân lục chiến và là người mạnh mẽ chỉ trích biện pháp sử dụng sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông.

Quay lại trang chủ
Read 733 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)