Sau Mỹ, tàu Nhật tới Biển Đông ‘thách thức’ Trung Quốc (VOA, 04/07/2018)
Nhật Bản sẽ triển khai một tàu chở trực thăng loại lớn tới Biển Đông và Ấn Độ Dương năm thứ hai liên tiếp nhằm tăng cường sự hiện diện tại các vùng biển chiến lược này.
Tàu chở trực thăng Kaga.
"Đây là một phần nỗ lực của Nhật Bản nhằm thúc đẩy một vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tự do và rộng mở", một trong hai nguồn nắm thông tin về kế hoạch tuần tra kéo dài hai tháng nói với Reuters.
Với chiều dài gần 250 mét, tàu Kaga có thể chở đồng thời nhiều máy bay trực thăng.
Trong chuyến hải hành bắt đầu vào tháng Chín, nhiều khả năng sẽ vấp phải chỉ trích của Bắc Kinh, tàu này sẽ cập cảng tại một số quốc gia Đông Nam Á trong đó có Indonesia, hay Ấn Độ và Sri Lanka ở Nam Á.
Chưa rõ tàu có ghé thăm Việt Nam hay không. Reuters dẫn các nguồn tin ẩn danh nói rằng một tàu khác sẽ hộ tống Kaga và các tàu này có thể tham gia các cuộc diễn tập chung với tàu chiến của các nước khác ở khu vực.
Năm ngoái, Nhật đã đưa một tàu tương tự là Izumo tới Biển Đông và Ấn Độ Dương, và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích rằng Tokyo "khuấy động bất ổn ở Biển Đông".
Hàng không mẫu hạm Mỹ Theodore Roosevelt hiện diện ở Biển Đông hôm 10/4.
Trước Nhật, Mỹ từng thực hiện tuần tra cả trên không và trên biển ở Biển Đông để đảm bảo quyền tự do hàng hải. Trung Quốc đã nhiều lần phản đối điều này.
Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp và Anh tuyên bố sẽ đưa tàu chiến vào Biển Đông để "thách thức" sự hiện diện quân sự của Trung Quốc.
Tuyên bố của hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc được đưa ra tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, lặp lại tuyên bố trước đó của quan chức Mỹ, theo tờ South China Morning Post.
Bà Florence Parly, người đứng đầu lực lượng vũ trang Pháp, cho biết rằng một nhóm chuyên trách về hàng hải của Pháp cùng với tàu và trực thăng Anh sẽ thăm Singapore vào tuần tới rồi tiến vào "một số khu vực nhất định" thuộc Biển Đông.
Không đề cập cụ thể Trung Quốc, bà Parly gợi ý rằng các tàu chiến sẽ vượt qua "vùng lãnh hải" mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
************
Nhật Bản gởi tàu chở trực thăng tới Biển Đông và Ấn Độ Dương (RFI, 04/07/2018)
Theo lời 2 viên chức Nhật Bản ẩn danh tiết lộ với hãng tin Reuters hôm nay, ngày 04/07/2018, trong năm thứ hai liên tiếp, Tokyo sẽ gởi một tàu chở trực thăng đến Biển Đông và Ấn Độ Dương với mục đích tăng cường hiện diện của Nhật trong khu vực.
Chiếc tàu chở trực thăng Kaga của Nhật đậu tại căn cứ hải quân Sasebo. Ảnh chụp ngày 06/04/2018. Reuters/Issei Kato/File Photo
Chiến hạm Kaga dài 248 mét, có khả năng vận hành đồng thời nhiều trực thăng, sẽ ghé qua các cảng của những nước Đông Nam Á như Indonesia, cũng như của Ấn Độ, và Sri Lanka. Kaga cũng có thể sẽ tham gia tập trận cùng các chiến hạm khác trong khu vực. Hai viên chức nói trên cho biết cuộc hành trình sẽ bắt đầu vào tháng 9, và sẽ kéo dài trong 2 tháng.
Kaga là chiếc tàu chở trực thăng thứ hai của Nhật trong hai năm liền được giao sứ mệnh này. Năm ngoái, chiếc Izumo cũng đã có cuộc hành trình tương tự đến Biển Đông và Ấn Độ Dương.
Nhật Bản hiện không tham gia chiến dịch tự do hàng hải của Hoa Kỳ tại vùng Biển Đông do lo ngại khiêu khích Trung Quốc, khiến Bắc Kinh gia tăng hiện diện quân sự ở vùng Biển Hoa Đông, nơi mà hai nước tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Hoa Kỳ vẫn thường xuyên mở các cuộc tuần tra trên biển và trên không ở Biển Đông, cho rằng họ có quyền bảo đảm tự do hàng hải ở vùng biển này. Vào tháng 5 vừa qua, nhằm thể hiện một chiến lược rộng lớn hơn, Mỹ đã đổi tên Bộ tư lệnh Thái Bình Dương đặt tại Hawai thành Bộ tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương.
**********************
Trung Quốc cải tổ quân đội để mở rộng sức mạnh trên biển (RFI, 04/07/2018)
Trung Quốc cải tổ quân đội nhằm mở rộng sức mạnh quân sự trên biển, vượt khỏi khu vực ảnh hưởng truyền thống trên đất liền, để bảo vệ các lợi ích chiến lược của nước này trong kỷ nguyên mới. Đây là nội dung một tài liệu lưu hành nội bộ vào tháng 02/2018 của Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc mà hãng tin Kyodo có được và công bố ngày 04/07/2018.
Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu với Hải quân Trung Quốc ngày 12/04/2018. Li Gang/Xinhua via Reuters
Trước hết, tài liệu nhấn mạnh đến việc tăng cường gây hiềm khích với các nước láng giềng, trong đó có Nhật Bản, tại các vùng biển Hoa Đông, Biển Đông và một số khu vực khác. Tài liệu này cũng cho thấy Trung Quốc có chủ đích vượt qua Hoa Kỳ về sức mạnh quân sự, đúng với "tư tưởng tăng cường quân lực của chủ tịch Tập Cận Bình", tập trung vào chất lượng hơn số lượng ( theo thông báo của chủ tịch Tập năm 2015, từ 2,3 triệu, quân số sẽ giảm xuống còn 300.000 người), với một đội quân thiện chiến "sẵn sàng chiến đấu và chắc chắn thắng trận".
Về mặt chiến lược, một chương trong tài liệu ghi rõ, ngoài việc tập trung vào sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bờ biển, quân đội Trung Quốc cũng phải tăng cường khả năng tác chiến trên bộ, trên biển và trên không, đồng thời "phải mở rộng lợi ích quốc gia bên ngoài lãnh thổ".
Một chương khác nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cải cách quân đội, theo mô hình của Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản và bẩy nước khác. Theo tài liệu, "các bài học trong lịch sử cho thấy một sức mạnh quân sự vững chắc là điều quan trọng để một quốc gia trở nên hùng mạnh"và tránh nỗi ám ảnh "chiến tranh đeo bám". Cải cách quân đội cũng là một "bước ngoặt quan trọng cho một nước đang trỗi dậy để vượt qua một cỗ xe tiến chậm hơn", ám chỉ Hoa Kỳ.
Ví dụ về sự tan rã của Liên Bang Xô Viết và xáo trộn chính trị tại một số nước Đông Âu được tài liệu đưa ra để khẳng định phải kiểm soát chặt chẽ quân đội nhằm đảm bảo sự tồn tại lâu dài của đảng Cộng Sản Trung Quốc và chống lại các thế lực thù nghịch trong và ngoài nước.
Phương Tây cũng bị chỉ trích trong tài liệu vì đã kích động các nhà ly khai ở Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông đòi độc lập. Thành viên Pháp Luân Công bị cáo buộc tổ chức biểu tình và tấn công khủng bố.
Tài liệu kết luận cốt lõi của hệ thống là quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng Cộng Sản Trung Quốc, vốn lãnh đạo cả quân đội và Quân Ủy Trung Ương.
Trung Quốc hạ thủy hai tầu khu trục
Ngày 03/07/2018, hai tầu khu trục mới Type 055 đã được hạ thủy tại cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Đây là loại tầu đa năng, có khả năng phòng không tầm xa, chống ngầm và trên bộ. Trang Defense News cho biết hai tầu khu trục này có thiết kế rất giống với chiến hạm Aegis của Mỹ.
Thu Hằng
*********************
Nhật Bản sẽ điều tàu chở trực thăng tới Biển Đông (BBC, 05/07/2018)
T
Biển Đông là khu vực mà các tuyến thương mại hàng hải tự do đi qua đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Nhật và Mỹ.
Nhật sẽ điều một tàu sân bay trực thăng đến Biển Đông và Ấn Độ Dương năm thứ hai liên tiếp, nhằm tăng cường sự hiện diện trong khu vực chiến lược hàng hải.
"Đây là một phần nỗ lực của Nhật để thúc đẩy chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do", giới chức Nhật nói.
Hải trình này dài hai tháng và bắt đầu vào tháng 9/2018.
Tàu Kaga dài 248m, có thể mang theo đồng thời nhiều trực thăng, sẽ dừng chân ở các nước Đông Nam Á như Indonesia và các cảng ở Ấn Độ, Sri Lanka.
Reuters dẫn nguồn tin ẩn danh viết : "Tàu Kaga, cùng với một tàu hộ tống, cũng có thể tiến hành các cuộc tập trận với tàu chiến các nước khác trong khu vực".
Nhật năm ngoái đã điều sân bay trực thăng Izumo trong một hải trình tương tự của Biển Đông và Ấn Độ Dương.
Một phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản cho biết ông không thể đưa ra bình luận về các hoạt động tác chiến trong tương lai.
Bắc Kinh nói rằng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông mang ý nghĩa hòa bình và tuyên bố chủ quyền hầu hết ở khu vực này. Họ đã tiến hành xây dựng căn cứ trên các đảo và bãi cạn. Trung Quốc cũng đồng thời tăng cường hoạt động tác chiến hải quân ở Ấn Độ Dương.
Hoa Kỳ hiện đang tiến hành các cuộc tuần tra không quân, hải quân đều đặn ở Biển Đông và tuyên bố rằng họ phải đảm bảo quyền tự do hàng hải.
Hồi tháng 5/2018, Washington đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Việc đổi tên lực lượng chỉ huy quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của Ấn Độ Dương trong tư duy chiến lược của Washington.
**********************
Nhật Bản đưa tàu chiến tới Biển Đông (RFA, 04/07/2018)
Nhật Bản sắp gửi một tàu sân bay trực thăng cỡ lớn tới Biển Đông và Ấn Độ Dương lần thứ hai liên tiếp trong hai năm trong một nỗ lực nhằm gia tăng sự hiện diện của mình ở khu vực. Hãng tin Reuters trích lời của hai giới chức Nhật Bản cho biết như vậy hôm 3/7.
Tàu sân bay trực thăng Izumo (trái) của Nhât Bản tại căn cứ Yokosuka ở Kanagawa hôm 6/12/2016 AFP
Một giới chức Nhật Bản cho Reuters biết đây là một phần trong nỗ lực thúc đẩy khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương mở và tự do của Nhật Bản. Người này cho biết thêm là hành trình của tàu Nhật bản sẽ kéo dài hai tháng và bắt đầu vào tháng 9 tới.
Theo giới chức Nhật Bản, tàu tham gia hành trình lần này là tàu Kaga có chiều dài 248 mét và có thể vận hành cùng lúc nhiều máy bay trực thăng. Tàu sẽ dừng ở một số nước Đông Nam Á bao gồm Indonesia và các cảng của Ấn Độ và Srilanka. Tàu Kaga và tàu hộ tống có thể cũng sẽ thực hiện các diễn tập chung với tàu chiến của các nước khác.
Hồi năm ngoái Nhật Bản cũng đã gửi tàu Izumo đến Biển Đông và Ấn Độ Dương.
Sự xuất hiện ngày một nhiều của tàu chiến Nhật Bản trong khu vực phản ánh mối quan ngại của Nhật trước sự hiện diện quân sự gia tăng của Trung Quốc tại đây. Trung Quốc hiện là nước đòi chủ quyền phần lớn tại khu vực Biển Đông và cũng là nước đang có tranh chấp về chủ quyền với Nhật Bản ở khu vực biển Hoa Đông.
******************
Cảnh sát biển Việt Nam được trang bị pháo 23 ly, trong khi của Trung Quốc là 76 ly (VOA, 03/07/2018)
Cảnh sát Biển Việt Nam được trang bị pháo 23 ly trước "tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp", trong khi có thông tin cho biết Cảnh sát Biển Trung Quốc đã được trang bị pháo 76 ly.
Một phần tàu cảnh sát Biển Việt Nam và Tàu của Cảnh sát Biển Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo của Bộ Quốc phòng vào sáng 3/7, Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết - Phó Chính ủy Cảnh sát Biển Việt Nam, được báo chí trong nước trích lời nói rằng : "tình hình trên Biển Đông diễn biến phức tạp, trong bối cảnh đó Cảnh sát Biển Việt Nam luôn chủ động, bình tĩnh và nhất quán" với chủ trương bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
VNEpress dẫn lời ông Quyết nói theo quy định quốc tế, các tàu cảnh sát biển chủ yếu làm nhiệm vụ thực thi pháp luật và khẳng định chủ quyền : "Các tàu cảnh sát biển Việt Nam đã được trang bị đồng loạt pháo 23 ly trở xuống để bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp dân sự theo pháp luật".
Liên quan đến thông tin các tàu hải cảnh Trung Quốc đã được trang bị pháo hạng nhẹ thay vì sử dụng vòi rồng, Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết nói hiện chưa có thông tin các tàu hải cảnh của Trung Quốc trang bị pháo 76 ly hoặc lớn hơn. Ông nói : "Thông tin các tàu Trung Quốc thay súng bắn nước bằng bắn pháo cũng chưa có thông tin cụ thể".
Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phó Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam, trả lời họp báo hôm 3/7/2018. Ảnh Dân Việt
Theo National Interest, từ giữa năm 2015, Lực lượng Cảnh sát Biển Trung Quốc (còn gọi là Hải cảnh) đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm trên biển tàu hải cảnh đầu tiên lớp 12.000 tấn, lắp pháo 76mm.
Hôm 10/4, một dự luật được chính phủ Việt Nam đệ trình lên Quốc hội cho phép Lực lượng cảnh sát biển linh hoạt hơn để có thể nổ súng trong khi làm nhiệm vụ ngoài khơi, giữa lúc đang có căng thẳng vì tranh chấp trên Biển Đông.
Theo bản dự thảo đăng trên website của Quốc hội, thì cảnh sát biển Việt Nam có thể nổ súng để "bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển ; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn, môi trường biển và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên".
Cảnh sát biển có thể nổ súng cảnh cáo các tàu hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển của Việt Nam nếu các tàu này không chấp hành hiệu lệnh chấm dứt các hoạt động bất hợp pháp, dự thảo viết.
Dự luật này, dự kiến sẽ được các nhà lập pháp biểu quyết vào cuối năm nay, sẽ cho phép lực lượng cảnh sát biển hành động quyết đoán hơn trong vùng biển có tranh chấp với Trung Quốc, theo Reuters.
Cảnh sát biển Việt Nam hiện được trang bị các tàu tuần tra của Mỹ và Nhật Bản. Mỹ đã trao cho Việt Nam 12 tàu tuần tra để giúp Việt Nam củng cố năng lực giám sát và bảo vệ hàng hải của mình. Nhật Bản cũng đã cung cấp 6 tàu tuần tra đã qua sử dụng và hứa cấp thêm 6 tàu mới.