Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

06/07/2018

Điểm báo Pháp - Malaysia gột tẩy thời kỳ Najib Razak

RFI tiếng Việt

Malaysia gột tẩy thời kỳ Najib Razak

Chính sách đón nhận người nhập cư vào Châu Âu, con đường hội nhập của người nước ngoài tại Pháp vẫn là các đề tài phủ kín nhiều các báo Pháp ngày 05/07/2018. Bên cạnh đó có khá nhiều bài báo dành để nói về Châu Á : Làn gió tự do tại Malaysia, Bắc Kinh can thiệp vào bầu cử tổng thống Sri Lanka và cái chết của một nhà tỉ phú Trung Quốc trên đất Pháp.

malaysia1

Cựu thủ tướng Malaysia NajibRazak trình diện tòa án tại Kuala Lumpur. Ảnh ngày 04/07/2018.Reuters

Nhật báo Le Monde đăng ảnh ông Najib Razak bị cảnh sát áp tải, bên dưới là hàng chú thích : "Cựu thủ tướng Malaysia bị bắt vì tội tham nhũng, giảm nhẹ gọng kềm nhắm vào ngành truyền thông".

Sau đúng 10 năm (2009/2018) lãnh đạo đất nước, nguyên thủ tướng Malaysia giờ đây đang bị truy tố về ba tội danh lạm dụng quyền lực và bị cáo buộc tham nhũng, nhận hối lộ gần 10 triệu đô la. Thời đại chuyển tiếp chính trị tại Malaysia đã mở ra từ hôm 09/05/2018 khi đảng UMNO bất ngờ thất cử sau hơn 60 năm liên tiếp cầm quyền. Một ê-kíp lãnh đạo mới đặt dưới trướng ông Mahathir Mohamad, người từng giữ chức thủ tướng trong suốt thời gian 1981 đến 2003 lên thay thế.

Công việc đầu tiên là gột tẩy những dấu vết của thời đại Najib Razak. Đó là một giai đoạn 10 năm mà báo chí bị bịt miệng, độc lập của tư pháp bị thu hẹp hòng tránh để những tai tiếng tham nhũng có liên quan đến giới lãnh đạo ở Kuala Lumpur bị lộ.

Lên cầm quyền từ vài tuần qua, thủ tướng Mahathir vừa chỉ định một vị thẩm phán mới rất có uy tín để thay thế vào chỗ của một người mà công luận Malaysia ai cũng biết là nhiệm vụ của ông này trước đây là để tránh cho ông Najib Razak sa lưới pháp luật. Chính quyền mới ở Kuala Lumpur cũng đã mở rộng thêm quyền hạn cho Cơ quan quốc gia chống tham nhũng (MACC) và đang tiến hành các vụ thanh trừng trong hàng ngũ cơ quan cảnh sát quốc gia. Transparency International đánh giá ngành cảnh sát Malaysia là cơ quan ăn hối lộ nhiều nhất trên toàn quốc.

Làn gió tự do chưa từng có ?

Thêm một dấu hiệu cởi mở khác mà nội các Mahathir đưa ra qua việc mời giới trí thức, các nghệ sĩ đóng góp tiếng nói và các chương trình cải tổ để đem lại một hơi thở dân chủ thực sự cho Malaysia.

Nhiều trang mạng truyền thông, hay các tờ báo bị đóng cửa dưới những năm tháng Najib Razak được hoạt động trở lại. Điều trớ trêu ở đây, như lời nhà báo và cũng là một nhà văn người Malaysia, Eddin Khoo nói với Le Monde, là "sự thông suốt và minh bạch này cùng với quyền tự do đưa tin mà giới truyền thông tại Malaysia vừa có được, không có nghĩa là các nhà báo biết họ phải làm gì với cái quyền tự do ấy".

Cốt lõi của vấn đề xoay quanh câu hỏi : đến khi nào làn gió tự do đang được thủ tướng Mahathir đem đến cho người dân Malaysia sẽ dừng lại ? Lo ngại này dựa trên hai cơ sở : một là khi tranh cử ông Mahathir hứa hẹn xóa bỏ đạo luật của về "fake news" mà chính quyền Najib Razak đã vội vã thông qua trước bầu cử Quốc hội, và thứ hai là quyết tâm đi tìm sự thật trong vụ tai tiếng liên quan tới quỹ đầu tư 1MDB bởi ngoài ông Najib Razak còn có rất nhiều các quan chức cao cấp của Malaysia có dính líu trong đó.

Coi chùng "Bẫy nợ Trung Quốc"

Cũng Le Monde có bài báo mang tựa đề "Trung Quốc bị nghi ngờ tài trợ chiến dịch vận động tranh cử của cựu tổng thống Sri Lanka"... để đổi lấy một hải cảng quan trọng mang tính chiến lược tại quốc gia nhỏ bé này.

Tại Colombo gần đây báo chí nhắc nhiều tới cựu tổng thống Mahinda Rajapakse, năm 2015, ông đã thất bại khi ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ sau 10 năm cầm quyền. Nguyên tổng thống Sri Lanka bị tình nghi dùng tiền của Bắc Kinh tài trợ chiến dịch vận động tranh cử và đổi lại, Colombo dành cho đại tập đoàn Trung Quốc CHEC hai hợp đồng xây dựng khổng lồ. Một liên quan tới khu thương mại nhìn ra biển ngay tại thủ đô Colombo, và một liên quan tới hải cảng Hambantota, thành trì của gia đình Rajapakse.

Vấn đề đặt ra là cả hai công trình tốn kém bạc tỉ này đều là vốn mà Trung Quốc cho Sri Lanka vay mượn. Giờ đây số tiền đó là một gánh nặng tài chính mà người dân Sri Lanka phải hứng chịu. Quan trọng hơn nữa là năm 2017 Colombo đã phải đồng ý cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong vòng 99 năm với giá 1,12 tỉ đô la.

Tầm mức quan trọng của vụ việc không dừng lại ở đó. Cũng báo Le Monde trong một bài viết thứ nhì ở phần phụ trang kinh tế nhắc lại : cảng chiến lược Hambantota ở miền nam Sri Lanka chỉ là một trong số nhiều địa điểm đã lọt vào mắt của Bắc Kinh trong kế hoạch Một Vành Đai Một Con Đường đã được ông Tập Cận Bình đưa ra.

Tại Malaysia, tập đoàn xây dựng CCCG của Trung Quốc trúng thầu dự án xây dựng đường xe lửa East Coast Rail Link, nối liền biên giới giữa Malaysia và Thái Lan xuống đến tận gần sát cửa ngõ thủ đô Kuala Lumpur. Thỏa thuận được thông qua dưới thời thủ tướng Najib Razak nhưng đang bị chính phủ mới của ông Mahathir đòi xét lại bởi đây là một thỏa thuận "không công bằng".

Kế hoạch đầu tư hơn 2 tỉ đô la của Trung Quốc vào cảng nước sâu Kyaukpyu ở bờ biển phía tây Miến Điện cũng đang làm dấy lên nhiều nghi vấn bởi một khi hoàn tất cảng này sẽ là cánh cửa cho phép Bắc Kinh đi ra Ấn Độ Dương. Có điều một lần nữa gánh nặng nợ nần lại đè lên vai của người dân Miến Điện.

Theo thẩm định của trung tâm nghiên cứu Mỹ CSIS, 2 tỉ đô la là một số tiền tương đương với 5% tổng sản phẩm nội địa trên quê hương của bà Aung San Suu Kyi. Một trung tâm nghiên cứu khác cũng của Hoa Kỳ chuyên về các chính sách phát triển, báo động : dự án Con Đường Tơ Lụa của Trung Quốc đang đẩy khoảng 15 quốc gia vào cảnh nợ nần chồng chất, trong đó có những nền kinh tế đặc biệt yếu kém như Djibouti, Lào hay Mông Cổ ...

Tỉ phú Trung Quốc tử nạn tại Pháp

Nhật báo kinh tế Les Echos thì chú ý tới tai nạn bất ngờ cướp đi sinh mạng của đồng sáng lập viên và đồng chủ tịch tập đoàn Trung Quốc HNA, ông Vương Kiện (Wang Jian) tại Pháp.

HNA hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ hàng không, du lịch đến tài chính. Ông Vương Kiện, 57 tuổi, ngã từ trên cao một bức tường 15 mét ở miền nam nước Pháp và qua đời hôm 03/07/2018. Cảnh sát Pháp thiên về giả thiết tai nạn. Les Echos nhắc lại, nhà tỉ phú Trung Quốc này tốt nghiệp trường quản trị kinh doanh Maastricht- Hà Lan. Ông là doanh nhân giàu có đứng hàng thứ 205 của Trung Quốc với tài sản ước tính lên tới 1,7 tỉ đô la. Lợi dụng thời điểm Trung Quốc mở của kinh tế, đầu thập niên 1990 ông sáng lập ra hãng hàng không Hainan Airlines. Một chục năm sau HNA ra đời.

Hiện tại HNA là một trong những công ty tư nhân của Trung Quốc thành đạt bậc nhất, củng cố vị thế trên trường quốc tế. HNA trong hai năm qua đã tung ra 40 tỉ đô la đầu tư ở hải ngoại. Tổng nợ của tập đoàn này lên tới gần 82 tỉ đô la. Từ tháng 3/2018 chính quyền Bắc Kinh chỉ thị cho HNA phải thanh toán bớt nợ nần.

World Cup 2018 : Những cột trụ của đội bóng Pháp

Về thời sự nước Pháp, đội tuyển Áo Lam, 24 giờ trước khi so tài với Uruguay giành chiếc vé vào bán kết Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018, có lẽ là những bài báo được độc giả quan tâm hơn kết.

Le Figaro nêu đích danh các tuyển thủ Varane, Pogba, Hernandez, Kante ... "những người lính không thể thiếu" trong chiến dịch chinh phục Cúp 2018 trên đất Nga của đội tuyển do Didier Deschamps cầm quân

Le Monde chơi chữ và mệnh danh hậu vệ Raphael Varane là "bộ trưởng bộ phòng vệ". Tờ báo đã dành cho cầu thủ này rất nhiều lời khen. Mới 25 tuổi và là lần thứ nhì tranh tài với các đội bóng lợi hại nhất trên thế giới, tại Nga, Raphael Varane "gần như hoàn hảo trong tất cả những lần thi đấu". Không ồn ào, Varane luôn làm việc rất hiệu quả. Cầu thủ đầu quân cho đội Real Madrid của Tây Ban Nha này có khả năng khác thường để đoán trước các đường bóng. Đó là thế mạnh của Varane.

Dù vậy trên con đường sự nghiệp, Raphael Varane từng phải vượt qua nhiều thách thức : Tại giải Vô Địch Châu Âu năm 2016 anh phải bỏ cuộc vào giờ chót vì bị chấn thương. Cách nay 4 năm, tại Brazil lần đầu được chọn đại diện cho đội bóng quốc gia, thì vì một sơ hở của Varane, các chú lính Áo Lam đã bị đội Đức loại ở vòng tứ kết trên sân cỏ huyền thoại Maracana ở Rio de Janeiro... Lần này trên xứ sở của các vị sa hoàng Nga, Raphael Varane tự hứa với lòng là sẽ phục thù.

Tính kiên cường của đội bóng Uruguay

Libération chú ý đến đội tuyển Uruguay, đối thủ của Pháp chiều mai. Theo lời cựu huấn luyện viên của đội bóng quốc gia Argentina, Carlos Bianchi, chớ ai xem thường đội tuyển của huấn luyện viên Oscar Tabarez. "Uruguay là một trường hợp đặc biệt. Là một đất nước nhỏ bé với vỏn vẹn 3,5 triệu dân cư nhưng đã hai lần đoạt Cúp Bóng Đá Thế Giới, hai lần đoặt cức vô địch Olympic và 15 lần vô địch Nam Mỹ. Uruguay đều đặn cống hiến cho làng bóng thế giới những cầu thủ nặng ký".

Nếu như xe hơi là biểu tượng của nước Đức thì các cầu thủ giỏi là biểu tượng của Uruguay. Về đội hình, ê-kíp của ông Tabarez là một đội bóng "có lối chơi rất chặt chẽ và thực tế. Ý chí kiên cường của đội này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và quyết tâm ấy hơn hẳn tất cả các đội bóng khác trên thế giới".

Thanh Hà

Quay lại trang chủ
Read 851 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)