Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

21/07/2018

Biển Đông : Trung Quốc không thể tiếp tục gieo mưa gặt nắng

RFI tiếng Việt

CIA : Bắc Kinh âm thầm biến Biển Đông thành ‘‘Crimea phương Đông’’

Hôm 20/07/2018, một chuyên gia hàng đầu của CIA về Châu Á khẳng định Bắc Kinh đang huy động mọi nguồn lực, tiến hành một cuộc "Chiến trạnh Lạnh âm thầm", nhằm thay thế Mỹ lãnh đạo thế giới. Trong chiến lược này, các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng và biến thành các tiền đồn quân sự tại Biển Đông được ví như một "Crimea phương Đông".

bd1

Ảnh minh họa : Ảnh vệ tinh Đá Xu Bi, Trường Sa (Ảnh chụp màn hình website AMTI) (Capture d'image @amti.csis.org)

Theo AP, trong diễn đàn về an ninh quốc tế Aspen Security Forum, tại Colorado, trợ lý phó giám đốc phụ trách Đông Á của CIA, ông Michael Collins, so sánh cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện nay với cuộc Chiến tranh Lạnh trước đây giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Chế độ Bắc Kinh hiện nay đang nỗ lực trên nhiều mặt trận để làm sói mòn ảnh hưởng của nước Mỹ, với các hoạt động rất khác với những gì mà chính quyền Nga đang làm.

Chuyên gia CIA nhấn mạnh là căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vượt xa khỏi vấn đề cuộc chiến về thuế mà hai bên liên tục đưa ra các biện pháp trả đũa, vốn thường được truyền thông đưa tin rầm rộ.

Ông Michael Collins đặc biệt lưu ý đến nỗ lực của Trung Quốc nhằm đánh cắp các bí mật công nghệ cao, việc quân đội Trung Quốc đang hiện đại hóa nhanh chóng, và các tiền đồn quân sự Trung Quốc xây cất tại nhiều hòn đảo ở Biển Đông. Tuy nhiên các hoạt động lấn chiếm của Trung Quốc diễn ra tại đây là tương đối âm thầm, khác hẳn với chiến dịch của Nga sáp nhập bán đảo Crimea, thuộc chủ quyền của Ukraine, hồi 2014, bị Hoa Kỳ và phương Tây lên án mạnh mẽ.

Trong tuần lễ vừa qua, vào thời điểm mà Washington đang rất cần đến sự giúp đỡ của Bắc Kinh để thoát khỏi ngõ cụt trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, nhiều chuyên gia về an ninh của Mỹ liên tục đưa ra cảnh báo về các đe dọa từ Trung Quốc.

Trọng Thành

**********************

Anh dự kiến đưa tàu sân bay đến tuần tra Biển Đông cùng với Úc (RFI, 21/07/2018)

Nhân đối thoại ngoại giao-quốc phòng 2+2 giữa các bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng hai nước tại Anh, hai bên đã thảo luận về các kế hoạch hợp tác tại khu vực Thái Bình Dương trong đó có hợp tác hải quân chung. Trong cuộc họp báo chung ngày 20/07/2018, bộ trưởng Quốc Phòng Anh xác nhận là hai bên đã thảo luận các phương án điều tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth tới vùng Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, cùng phối hợp hoạt động với Hải Quân Úc.

bd2

Ảnh minh họa : Từ trái sang phải : Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt, ngoại trưởng Úc Julie Bishop, bộ trưởng Quốc Phòng Anh Gavin Williamson và đồng nhiệm Úc Maryse Payne, tại Edimburg, Scotland, ngày 20/07/2018. Reuters

Theo nhật báo Anh The Guardian, bộ trưởng Quốc Phòng Anh Gavin Williamson đã nhắc lại mối quan tâm của Anh Quốc đến tình hình vùng Thái Bình Dương, thể hiện qua việc Anh Quốc mới đây, lần đầu tiên từ năm 2013 đến nay, đã triển khai 3 chiến hạm trong khu vực, một hoạt động sẽ được phát triển thêm trong những năm sắp đến.

Về nhiệm vụ của chiếc tàu sân bay mới của Anh Quốc, ông Williamson xác nhận là Luân Đôn và Canberra "sẽ phối hợp với nhau trong kế hoạch triển khai chiếc HMS Queen Elizabeth tới Thái Bình Dương... và hoạt động cùng với chiến hạm Úc…".

Trật tự quốc tế dựa trên luật lệ bị Trung Quốc đe dọa

Về phần mình, ngoại trưởng Úc Julie Bishop đã nhắc đến những thách thức nhằm vào những "chuẩn mực và quy tắc" quốc tế ở vùng Thái Bình Dương, trong khi lúc bộ trưởng Quốc Phòng Úc Maryse Payne cho rằng đang có những mối đe dọa rõ ràng đối với "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ" hiện nay.

Theo báo The Guardian, dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng hai nữ bộ trưởng Úc đã đưa ra đánh giá trên trong bối cảnh Bắc Kinh chiếm hữu và quân sự hóa các đảo ở Biển Đông mà các nước Đông Nam Á khác cũng đòi chủ quyền, xây dựng căn cứ không quân trên đó, và bố trí các hệ thống tên lửa sát cạnh các hàng xóm và tăng cường quyền khống chế các tuyến hàng hải khu vực.

Cả 4 bộ trưởng Anh và Úc đều cho rằng những mối đe dọa mới đó cho thấy sự cần thiết phải tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh giữa hai nước.

Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch, từng khẳng định rằng tàu sân bay mới của Anh sẽ "hiện diện ở Thái Bình Dương" với mục tiêu "bảo vệ quyền tự do hàng hải, giữ cho các tuyến đường biển và đường hàng không luôn mở rộng".

Tuy nhiên, việc chiếc hàng không mẫu hạm mới nhất của Anh HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông không phải là sẽ diễn ra ngay trước mắt.

Theo kế hoạch dự kiến, phải đến năm 2020 thì chiếc tàu này mới tác chiến được, và sẽ hoạt động cùng với một hải đội tác chiến gồm nhiều khu trục hạm, hộ tống hạm trang bị hệ thống chống ngầm.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 591 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)