Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong chiến lược xây dựng đế quốc của Trung Quốc, dựa theo mô hình của Hoa Kỳ là bằng kinh tế và dùng quân sự hậu thuẩn phía sau, nhưng lộ liễu và võ biền hơn, đó là hình ảnh anh thương gia mặc đồ vest tay xách chiếc cập đầy tiền nhưng trên vai có mang khẩu súng, Trung Quốc vừa muốn khai thác thị trường và tài nguyên thế giới vừa biến các nước cận biên thành chư hầu. Kế hoạch "Vành Đai và Con Đường" còn gọi là "Con đường tơ lụa của thế kỷ 21" (BRI - Belt Road Initiative), với số tiền tung ra khoảng 1.700 tỷ đôla mỗi năm và 26.000 tỷ đôla tính đến năm 2030 đang biến nợ của các quốc nghèo thành lãnh thổ của Trung Quốc (1).

xamlang1

Con đường tơ lụa của thế kỷ 21 chỉ là lý cớ để Trung Quốc thực hiện Giấc mơ Trung Hoa, thu tóm các quốc gia trong khu vực dưới trướng Bắc Kinh

Ở Brunei, Trung Quốc đang xây dựng một khu phức hợp lọc dầu và hóa dầu và một cây cầu nối khu liên hợp với thủ đô Bandar Seri Begawan, trị giá 3,4 tỷ đôla trên đảo Muara Besar, đây là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay ở Brunei. Nhưng đó chỉ là giai đoạn 1 và giai đoạn 2 trị giá khoảng 12 tỷ đôla (2).

Ở Sri Lanka, Trung Quốc cho vay khoảng 85% để xây cảng Hambantota trị giá 1,3 tỷ đôla, Sri Lanka không đủ sức trả nợ phải cho Trung Quốc thuê 99 năm, có nghĩa cảng này bây giờ là nhượng địa của Trung Quốc trong một thế kỷ. Hơn nữa, Sri Lanka cũng giao cho Trung Quốc vùng đất rộng lớn chung quanh cảng để làm khu Kinh Tế Đặc Quyền (Special Economic Zone), và cựu tổng thống Mahinda Rajapaksa thân Trung Quốc đang tái trổi dậy ở chính trường Sri Lanka (3).

Ở quần đảo Maldives, một quốc gia đảo quốc nhỏ bé, diện tích chừng 298 km2, tức chỉ bằng 1,7 thủ đô Hoa Thịnh Đốn, có tổng sản lượng khoảng 7 tỷ đôla/năm và chỉ khoảng 393.000 dân (2017) thì việc Trung Quốc chi tiền tỷ đôla dễ dàng mua chuộc đảo quốc này.

Đầu tháng 2/2018 Maldives bị khủng hoảng chính trị mà nguyên nhân sâu xa là chính quyền của tổng thống Abdulla Yameen thân Trung Quốc đụng độ với đối lập thân Ấn Độ. Ông Yameen đảo chánh tổng thống dân cử thân Ấn Độ Mohammad Nasheed năm 2013 và ông Nasheed chạy qua Sri Lanka tỵ nạn. Hôm 6/2/2018 ông Yameen ra lệnh bắt ông Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện và cựu Tổng thống Nasheed và tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Ông Nasheed cầu cứu Ấn Độ can thiệp quân sự. Ấn đã từng can thiệp quân sự vào Maldives năm 1988. Lâu nay Ấn giúp đỡ tài chánh cho Maldives để đổi lấy chính sách "Ấn Độ Trước Tiên" (India First) của Maldives.

Trung Quốc dùng Maldives trong chương trình BRI của họ, biến nó thành một vị trí chiến lược qua 2 công trình hàng đầu : Cây cầu từ thủ đô Male đến hòn đảo lân cận, và công trình mở rộng phi trường. Ngoài ra, Maldives cho Trung Quốc thuê hòn đảo Feydhoo Finolhu 50 năm để phát triển du lịch và ký hiệp ước tự do mậu dịch với Trung Quốc ngày 7/12/2017. Trung Quốc chiếm 70% nợ quốc gia của Maldives. Hồi tháng 8/2017 Trung Quốc mang 3 tàu chiến cập cảng Maldives trong chương trình huấn luyện chung. Tháng 2/2018 trong khi Maldives khủng hoảng chính trị thì Trung Quốc cho 11 tàu chiến vào đông Ấn Độ Dương nhằm dằn mặt Ấn Độ không nên can thiệp (4).

Cũng như Ski Lanka, Maldives nằm ngay trên đường ra biển lớn của Ấn Độ, cho nên Ấn Độ không thể nào ngồi yên nhìn Trung Quốc bao vây. Xét theo địa chiến lược, hai nước này tựa như Cuba nằm ngay yết hầu của Hoa Kỳ, nếu nó tự đứng một mình thì không gây nguy hiểm cho Hoa Kỳ, nhưng nếu liên minh quân sự với một cường quốc khác như Liên Xô thời thập niên 1960s trước đây thì Hoa Kỳ không dung thứ.

Ở Nepal, ông Khagda Prasad Sharma OLI, Chủ tịch Đảng cộng sản Nepal nắm quyền trở lại vào tháng 2/2018 sau khi liên minh với lãnh tụ Maoist là Pushpa Kamal DAHAL (biệt danh "Prachanda") tạo thành cánh tả cực mạnh, ông làm thủ tướng hồi 2015-2016, mà khủng hoảng giữa Trung Quốc-Ấn Độ gây ra vụ phong toả vùng biên giới Ấn-Nepal vào tháng 9/2015, khi lực lượng các đảng đối lập Madhesi thân Ấn đụng với ông OLI xảy ra. Ông OLI bây giờ càng thân Trung Quốc hơn. Trung Quốc đầu tư đường xe lửa nối Hy Mã Lạp Sơn và Nepal cũng như hệ thống thủy điện ở nuớc này (5).

Ở Pakistan, trục Hành Lang Kinh Tế Trung Quốc-Pakistan (The China Pakistan Economic Corridor) đi qua vùng Kashmir (phần Pakistan chiếm giữ) cho phép Trung Quốc tiếp cận vùng nuớc ấm của cảng Gwadar ở Biển Á Rập. Đầu tư Trung Quốc từ 46 tỷ đôla đã tăng thành 60 tỷ và Pakistan không cách gì trả nỗi, cho nên cũng như Sri Lanka, Trung Quốc sẽ biến nợ thành lãnh thổ, kiểm soát cảng Gwadar và hành lang đi đến cảng này.

Thượng Viện Pakistan đã thông qua một nghị quyết nói rằng do nhu cầu gia tăng cộng tác giữa Trung Quốc và Pakistan để phát triển Hành Lang Kinh Tế China-Pak nên tiếng Mandarin được công nhận là ngôn ngữ "quốc gia" ở Pakistan, các lớp tiếng Tàu được cưỡng bách dạy ở các trường lớp để đào tạo nhân lực. Nghị quyết này khá kỳ cục vì thông thường người của nước đầu tư phải học ngôn ngữ của nước sở tại. Điều này cho thấy Trung Quốc không những biến nợ thành lãnh thổ mà còn muốn đồng hóa Pakistan, khống chế văn hóa xứ này (6).

Ở Miến Điện, cũng trong kế hoạch BRI, Trung Quốc đầu tư khoảng 85% (gần 10 tỷ đôla) vào cảng biển nước sâu chiến lược Kyauk Pyu  phía tây bang Rakhine trong vịnh Bengal, làm nơi trung chuyển dầu khí từ Trung Đông bằng đường biển qua đường bộ để tránh qua eo biển cổ chai Malacca. Ngoài ra Trung Quốc còn phát triển khu kỹ nghệ và vùng đặc quyền kinh tế ở Rakhine. Trung Quốc cũng đầu tư 3,6 tỷ đôla cho đập thủy điện Myitsone ở phía bắc Miến Điện gần Vân Nam (7).

xamlang2

Đường ống dẫn dầu thô và khí đốt từ Vịnh Bengal, lãnh thổ của người Rohingya (Miến Điện), đến Côn Minh (Trung Quốc)

Trung Quốc có quan hệ chặc chẽ với quân đội Miến Điện. Người Rohingya ở phía bắc bang Rakhine bị quân đội Miến Điện đàn áp hầu như đến độ diệt chủng để chiếm đất là nhằm mục đích phục vụ cho Trung Quốc trong vấn đề cảng biển BRI. Bà Aung San Suu Kyi tuy trị vì nhưng vô quyền đối với quân đội, bà bị Tây Phương lên án vi phạm nhân quyền.

Ấn Độ đang bị Trung Quốc bao vây bằng cách dùng tiền đầu tư để biến thành nợ, và từ nợ biến thành lãnh thổ ở những tiểu quốc ven biên và những đảo quốc ở Ấn Độ Dương.

Cam Bốt và Lào, sườn tây của Việt Nam, cũng đang bị Trung Quốc biến nợ thành lãnh thổ. Hai nước này, về địa chiến lược quá quan trọng cho an ninh của Việt Nam nên sẽ dành riêng cho một bài viết sau.

Việt Nam nằm ngay thềm cửa phía nam của Trung Quốc nên chẳng những không ngoại lệ mà còn thê thảm hơn. Bởi lẽ Trung Quốc bị thất thế về địa chính trị, nằm chéo ngoe bên ngoài các đường vận chuyển quốc tế và trong 4 mặt đông-tây-nam-bắc thì có đến 3 mặt bị thất thế : phía bắc là Mông Cổ và Siberia là những vùng khô cằn hay băng giá, ít dân, kinh tế gần như không có gì, phía tây là sa mạc và các quốc gia nghèo có đuôi -stan (như Pakistan, Turmenistan…), phía đông là Thái Bình Dương mà Nhật và Đại Hàn đã án ngữ. Chỉ còn phía nam là đường tiến về một Đông Nam Á đông dân, trù phú, tấp nập các sinh hoạt kinh tế. Nhưng muốn tiến về vùng này thì đường bộ hay đường thủy đều phải bước qua ngưỡng cửa Việt Nam. Cho nên Việt Nam là cái gai phải nhổ, phải khống chế của Trung Quốc.

Thế là Trung Quốc chẳng những muốn biến nợ thành lãnh thổ mà còn muốn đồng hóa về văn hóa và diệt chủng về môi trường hay thực phẩm. 

Formosa Vũng Áng với 70 năm nhượng địa, Trung Quốc thuê đất rừng đầu nguồn ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Bình Dương... 50 năm, những cơ sở đầu tư của Trung Quốc ở thành phố địa đầu Móng Cái-Quảng Ninh được Trung Quốc thuê 50 năm...

Mối hiểm nguy của Việt Nam, ngoài việc cho thuê đất 50-70 năm ở các vùng an ninh chiến lược, còn là sự mất thăng bằng quá to về mậu dịch với Trung Quốc và nó cứ chất chồng từ năm này qua năm khác, tích luỹ thành nợ khổng lồ, không cách gì trả được, đưa đến việc có thể biến nợ thành lãnh thổ cho Trung Quốc, thí dụ như năm 2015 thâm hụt là 32 tỷ đôla (8).

Chính trị với hai đảng cộng sản đàn anh và đàn em là đã lệ thuộc, kinh tế với thâm hụt mậu dịch và nợ đầu tư không trả được là đã lệ thuộc, quân sự với quân đội tuyệt đối trung thành với đảng và đảng lệ thuộc đảng nên quân sự không bảo vệ được biên cương, cũng vậy an ninh với công an lệ thuộc đảng nên công an không bảo vệ được an sinh của dân chúng trước sự xâm thực của thực dân mới.

Trong khi Trung Quốc biến nợ thành lãnh thổ ở các nơi khác thì thê thảm hơn, họ có thể biến nợ thành con đường mòn tiến nam Tập Cận Bình của Trung Quốc ở Việt Nam !

Lê Minh Nguyên

(17/03/2018)

(1) http://cnb.cx/2tWJJUV

(2) http://bit.ly/2tPxlWs

(3) http://bit.ly/2FQx9YC

(4) http://bit.ly/2FZP5Du

(5) http://bit.ly/2tPIJla

(6) http://bit.ly/2GtUXTl

(7) http://reut.rs/2FSgnZq

(8) http://bit.ly/2FSnbpB

Published in Diễn đàn

"Con đường tơ lụa mới" : Toàn cầu hóa theo kiểu Trung Quốc

Les Echoshôm 07/02/2018 có bài phân tích mang tựa đề "Con đường tơ lụa mới : Kế hoạch thực sự của Tập Cận Bình". Theo tác giả Michel de Grandi, không nên bị choáng ngợp trước kế hoạch đại quy mô này mà quên đi những nguy cơ đang đe dọa, vì ẩn giấu phía sau là tham vọng của Bắc Kinh : nhào nặn một quá trình toàn cầu hóa theo kiểu Trung Hoa.

obor1

Con đường tơ lụa trên bộ và trên biển. NASA/Goddard Space Flight Center/Wikipedia

Kế hoạch thật là vĩ đại với ngân sách khoảng 1.000 tỉ đô la, các dự án trải rộng trên tất cả các Châu lục, từ vận chuyển trên bộ lẫn trên biển. Về mặt tài chính, có sự tham gia của nhiều quỹ, một ngân hàng phát triển tập hợp khoảng 60 nước : Con đường tơ lụa mới có những con số gây chóng mặt.

Dự án được Bắc Kinh lăng-xê năm 2013 không được Paris hưởng ứng mấy. Tuy nhiên từ khi chuyến tàu nối liền Vũ Hán với Lyon đến nơi, và khi tổng thống Pháp thăm Trung Quốc, chủ đề này được chính thức nêu ra và bắt đầu được chú ý hơn. Liên tục diễn ra các hội nghị để thông tin, các diễn giả cố thuyết phục các doanh nghiệp tham gia "kế hoạch Marshall tuyệt vời" này. Tuy nhiên theo Le Figaro, dự án này có nhiều mối nguy tiềm ẩn, nhất là với sự mù quáng của phương Tây, cách suy nghĩ đơn giản với mối lợi trước mắt.

Kế hoạch đầy tham vọng bao trùm toàn cầu

Ba năm sau khi giới thiệu, "Con đường tơ lụa mới" không ngừng mở rộng về mặt địa lý : từ 60 nước ban đầu, nay đã lên đến khoảng 100. Chẳng hạn Châu Phi hầu như tham gia toàn bộ, Bắc Cực có "Con đường tơ lụa mới" riêng, hoặc Nam Mỹ, nơi Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện.

Danh sách các lãnh vực cũng được nối dài. Từ các cơ sở hạ tầng giao thông đơn thuần, nay gồm cả hợp tác văn hóa, du lịch. Tên của kế hoạch cũng được đổi từ "Con đường tơ lụa mới" sang "Một vành đai, một con đường" (One Belt, One Road hay Nhất Đới, Nhất Lộ). Trong nước cũng như ngoài nước, Trung Quốc tổ chức các cuộc hội thảo để làm phong phú nội dung cho bộ khung kế hoạch.

Theo Les Echos, rõ ràng là sau lớp vỏ dự án kinh tế, "Con đường tơ lụa mới" mang nhiều tham vọng, mà trước hết là kế hoạch tuyên truyền hoàn hảo. Để khuyến dụ, chính quyền Bắc Kinh sử dụng giọng lưỡi khác nhau cho từng đối tượng. Các lý lẽ đưa ra trước các nhà nghiên cứu khác hẳn so với trước các nhà báo, còn đối với giới kinh doanh thì được nhấn mạnh về các mặt khác. Tất cả những hoạt động quảng bá này chuyển đổi "Con đường tơ lụa mới" từ một khái niệm sơ khai ban đầu trở thành một việc đương nhiên.

Xuất khẩu quyền lực mềm và mô hình Nhà nước tập quyền

"Con đường tơ lụa mới" mang lại tầm vóc cho ngoại giao kinh tế, giúp Bắc Kinh và các công ty Trung Quốc tìm kiếm tăng trưởng bên ngoài Hoa lục. Nhưng không chỉ có thế. Dự án này còn xuất khẩu quyền lực mềm của Trung Quốc và quyết tâm nhào nặn lại thế giới. Tập Cận Bình và Trung Quốc muốn lãnh đạo việc tái tổ chức các định chế toàn cầu.

Cái nhãn "Con đường tơ lụa mới" trở nên lý tưởng để quy tụ mọi người từ khắp nơi trên thế giới, từ các quan chức cao cấp Nhà nước đến doanh nhân. Có thể gọi đây là "ngoại giao diễn đàn", một lãnh vực mà Bắc Kinh rất tích cực hoạt động. Không chỉ tham gia vào việc hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, mà còn phổ biến một thông điệp mới mang tính ý thức hệ.

Chủ tịch Trung Quốc muốn rao giảng về phương thức phát triển thay thế cho mô hình dân chủ phương Tây đang gặp nhiều khó khăn. Ông Tập khoe khoang một Nhà nước vững mạnh, tập quyền, có khả năng nhanh chóng ra quyết định và áp đặt thực hiện trong thời gian ngắn. Và cuối cùng, đừng quên phương diện địa chính trị của dự án này.

Trung Quốc mong muốn trở thành đại cường hàng đầu thế giới vào năm 2050, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (01/10/1949) ; tìm lại thời vàng son đã đánh mất vào thế kỷ 19.

Con đường tơ lụa không trải thảm đỏ

Bên cạnh những kế hoạch trên bộ là các dự án trên biển. Từ những tuyến cáp xuyên đại dương cho đến đầu tư vào các cảng biển, với tầm vóc quy mô, mà giai đoạn cuối cùng là lưu chuyển các dữ liệu tin học từ vùng này đến vùng khác thông qua mạng cáp quang. Chỉ riêng vùng Địa Trung Hải, đã có hơn một chục hải cảng được dự kiến đầu tư.

Tác giả cảnh báo, không nên chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt của kế hoạch đại quy mô này. Tuyến đường xe lửa nối liền Trung Quốc với Châu Âu là một ví dụ. Những chuyến tàu đến Châu Âu chất đầy hàng hóa made in China, nhưng chiều ngược lại thì ít hẳn. Từ đó có thể đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có việc thâm nhập thị trường Hoa lục, hiện hết sức bất bình đẳng đối với phương Tây.

Cũng không có gì cho thấy người nước ngoài có thể dễ dàng tham gia những kế hoạch được Trung Quốc đưa ra. Hành lang kinh tế mà Bắc Kinh xây dựng tại Pakistan với 50 tỉ đô la, đã trở thành một khu vực dành riêng cho doanh nghiệp Trung Quốc, không có bất kỳ một công ty Pakistan nào được phép bổ một nhát cuốc. Thế nên không nên mơ tưởng rằng thảm đỏ được Bắc Kinh trải ra trước "Con đường tơ lụa mới".

Vatican xích gần lại Bắc Kinh

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Figaro cho biết "Vatican xích gần lại Bắc Kinh". Một thỏa thuận sắp được ký kết, giúp nối lại mối quan hệ đã bị cắt đứt từ năm 1949 sau khi quân cộng sản chiến thắng.

Cuộc họp lần thứ 13 của nhóm công tác sẽ diễn ra tại Vatican trước cuối tháng 2 mang tính quyết định. Một thỏa thuận khung sẽ được hai phái đoàn của Bắc Kinh và Tòa Thánh ký kết, sẽ giải tỏa tình trạng bế tắc trong mối quan hệ từ 70 năm qua. Theo đó, nếu Roma chấp nhận việc chọn lựa các tân giám mục thông qua Hội Công Giáo "yêu nước" do chính quyền kiểm soát, thì Bắc Kinh sẽ công nhận quyền quyết định phong chức của Giáo hoàng.

Cựu tổng giám mục Hồng Kông Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen) kịch liệt phản đối, coi đây là sự "phản bội" những người công giáo Trung Quốc bị đàn áp và luôn từ chối tuân phục chế độ cộng sản. Nhưng xem chừng Vatican không thay đổi quan điểm.

Thế vận hội Pyeongchang trước nguy cơ tin tặc Bắc Triều Tiên

Cũng tại Châu Á, đặc phái viên Les Echos tại Pyeongchang mô tả "Thế vận hội trước mối đe dọa của tin tặc Bắc Triều Tiên". Tấn công tin tặc giúp Bình Nhưỡng kiếm tiền mà không mấy tốn kém, và không có nguy cơ bị trả đũa – một hiện tượng đang gia tăng nhanh chóng.

Khoảng mấy chục sàn giao dịch tiền ảo ở Hàn Quốc đã bị rơi vào bẫy tin tặc, bị nhiễm virus Peachpit. Sàn Youbit phải tuyên bố phá sản, sàn Bithumb bị cướp mất 7 triệu đô la. Còn tại Nhật Bản, sáng sớm hôm thứ Hai 26/1 chỉ trong vài phút ngắn ngủi, 534 triệu đô la của sàn giao dịch Coincheck đã bị bốc hơi. Trong các vụ cướp tiền ảo này, dấu ấn của Bình Nhưỡng đều được tìm thấy trong các mã độc giấu sau các đường dẫn, file đính kèm hoặc thông báo tuyển dụng.

Trong nhiều thập niên qua, Bắc Triều Tiên bị cô lập trên trường quốc tế, có thể trông cậy vào Binh đoàn 39 bí ẩn để thu tiền cho ngân sách. Đơn vị này dường như đặt tại trụ sở đảng Lao Động ở Bình Nhưỡng, thông qua các công ty chính thức hoặc bình phong, chuyên buôn lậu vàng, ma túy, thiết bị quân sự, sản xuất tiền giả… đặc biệt là những đồng 50 và 100 đô la trong thập niên 70.

Tuy nhiên nguồn thu nhập này ít dần do bị tăng cường kiểm soát và trừng phạt. Hoạt động tin tặc hiện có vẻ "ngon ăn" hơn. Công ty an ninh mạng Kaspersky ghi nhận trong các vụ tấn công vào Sony và Ngân hàng Bangladesh, có cả những địa chỉ từ Ấn Độ, Mozambique, Kenya… có thể là những lính đánh thuê cho tin tặc. Bóng đen hacker như vậy đang đe dọa Olympic Pyeongchang, dù hai miền Triều Tiên đang tạm thời hòa dịu.

Bộ phim của Clint Eastwood về chuyến tàu Thalys với người thật, việc thật

Bước sang lãnh vực điện ảnh, Le Figaro viết về bộ phim "The 15:17 to Paris" với Clint Eastwood và những người hùng bình dị trên chuyến tàu Thalys.

Đạo diễn nổi tiếng Mỹ đã dựa vào vụ khủng bố hụt trên chuyến tàu cao tốc Amsterdam-Paris hôm 21/08/2015 để dựng thành phim. Trong vụ này, ba thanh niên từ California đi nghỉ hè đã khống chế được kẻ khủng bố, và nay những người hùng bất đắc dĩ của đời thường này lại thủ diễn chính vai của mình trong phim. Một bộ phim hội tụ được ba thế giới khác hẳn nhau : điện ảnh Hollywood, người tỉnh lẻ Pháp và tư pháp, trong khi cuộc điều tra vẫn chưa hoàn tất.

Không có gì ngạc nhiên khi Clint Eastwood nắm lấy sự kiện này : ông luôn bị mê hoặc bởi những người hùng, đặc biệt là những con người bình thường có những hành động nghĩa hiệp trong những hoàn cảnh đặc biệt. Spencer Stone, cựu quân nhân Không quân Mỹ, một trong ba người hùng của chuyến tàu Thalys cho biết, anh khó tưởng tượng ra việc được diễn lại những hành động hôm ấy, trong một bộ phim của Clint Eastwood.

Một hành khách người Anh đã can thiệp, lính cứu hỏa, nhân viên y tế cấp cứu, cảnh sát… cũng được mời đóng lại vai của mình. Còn 500 hành khách trên chuyến tàu ngày nọ có đi xem phim hay không ? Ít nhất là 500 trừ đi 1, vì diễn viên Anh Jean-Hugues Anglade, có mặt trên tàu Thalys cùng với gia đình cho rằng "không bao giờ có thể lột tả được nỗi sợ những người thân của mình sẽ biến mất, cảm nhận tử thần đang đến gần".

Tựa chính báo Pháp

Les Echos hôm naychạy tựa "Thị trường chứng khoán : Những lý do của sự đảo chiều đột ngột", còn Le Figaro đặt câu hỏi "Có nên lo sợ một cuộc khủng hoảng tài chính mới ?". Về mặt xã hội, Libération dành tựa chính cho "Huyền thoại về các bậc phụ huynh hoàn hảo", biết lắng nghe và bàn bạc với con cái. Về tình hình quốc tế, Le Monde nhấn mạnh "Nguyên tử : Thách thức của Donald Trump với Trung Quốc và Nga", còn nhật báo công giáo La Croix nói về "Afghanistan : Chiến tranh thường nhật".

Thụy My

Published in Quốc tế

Con Đường Tơ Lụa Mới và ý đồ bành trướng của Trung Quốc chia rẽ Châu Âu (RFI, 08/01/2018)

Ngay từ trước khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Trung Quốc trong chuyến công du ba ngày, chính thức mở ra từ ngày 08/01/2018, giới quan sát đã khẳng định rằng một trong những trọng tâm của chuyến thăm sẽ là đề án Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc, được xem là "hồ sơ quan hệ quốc tế quan trọng nhất thế giới trong những năm sắp tới".

tolua1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Đại Minh Cung (Daminggong Palace) ở thành phố Tây An, ngày 08/01/2018. ludovic MARIN / AFP

Theo các nhà phân tích, ý hướng bành trướng của Trung Quốc thể hiện trong đề án này đang gây chia rẽ tại Châu Âu, và mọi người đang chờ xem quan điểm của Pháp, đầu tầu đang lên của Châu Âu, sẽ ra sao.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Pháp AFP ngày 07/01, ông Barthélemy Courmont, chuyên gia về Châu Á thuộc trung tâm tham vấn IRIS tại Paris không ngần ngại cho rằng đề án Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc sẽ là hồ sơ quan trọng nhất trong chuyến công du lần này của tổng thống Pháp.

Dưới tên gọi "Một vành đai, một con đường", dự án của Trung Quốc, được chính ông Tập Cận Bình loan báo vào năm 2013, là một kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ, bao gồm một tuyến đường bộ xuyên qua vùng Trung Á và Nga, cũng như một tuyến đường biển cho phép Trung Quốc tiếp cận Châu Phi và Châu Âu qua ngả Biển Đông và Ấn Độ Dương. Chương trình trị giá khoảng 1.000 tỷ đô la này liên can đến 65 quốc gia, chiếm 60% dân số và khoảng một phần ba GDP của thế giới.

Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc đã được đón nhận ở Châu Âu với nhiều nghi ngại. Ông Bogdan Goralczyk, giám đốc Trung Tâm Châu Âu tại Vacxava, nguyên đại sứ Ba Lan ở Châu Á, ghi nhận là ý hướng bành trướng và quyết tâm của Bắc Kinh trong việc thể hiện ý hướng này "đã làm dấy lên sự chia rẽ sâu sắc ở Châu Âu".

Tại một số quốc gia Trung và Đông Âu, các khoản đầu tư của Trung Quốc đã được nhiệt tình chào đón. Nhân một hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 11/2017 ở Budapest, thủ đô Hungary, tập hợp Trung Quốc và 16 quốc gia ở miền Trung và Đông Âu, cùng với vùng Balkan, trong đó có cả những nước không phải là thành viên Liên Hiệp Châu Âu, thủ tướng Hungary Viktor Orban đã công khai khẳng định : "Một số người cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc và Châu Á là một mối đe dọa, nhưng chúng tôi lại thấy đó là một cơ may to lớn".

Nhân hội nghị đó, Bắc Kinh đã loan báo đầu tư gần ba tỷ euro cho nhiều dự án, chẳng hạn như kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt giữa Beograd và Budapest.

Thế nhưng, ở Tây Âu, đặc biệt là ở các quốc gia phía Bắc, nhiều nước không che giấu mối quan ngại. Một quan chức ngoại giao phương Tây cấp cao tự hỏi : "Phải chăng "Con Đường Tơ Lụa Mới" chỉ là một khẩu hiệu sexy gợi cảm để che giấu tham vọng thống trị thế giới" của Trung Quốc ?

Trong một bài báo công bố tại Đức, cựu thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen lo ngại rằng Châu Âu sẽ chỉ tỉnh mộng "khi đã quá trễ để thấy rằng toàn bộ cơ sở hạ tầng ở Trung và Đông Âu sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc". Ông Rasmussen cũng nhắc lại rằng chính Hy Lạp vào tháng 06/2017, đã ngăn chặn một tuyên bố chung lên án Trung Quốc vi phạm nhân quyền, trong bối cảnh cảng Piraeus, một trong hải cảng quan trọng nhất thế giới đã được Hy Lạp giao cho Trung Quốc kiểm soát vào năm 2016.

Một số nước Châu Âu khác, trong đó có Pháp và Đức, thì giữ thái độ thận trọng trước việc các dự án của Trung Quốc vẫn thiếu minh bạch, và hàm chứa những hệ quả địa chiến lược dài hạn.

Ngay cả Đức,vốn sẵn sàng nhận đầu tư Trung Quốc, cũng bày tỏ sự dè dặt. Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel vào tháng 08/2017, từng ghi nhận : "Nếu Châu Âu không phát triển một chiến lược chống lại, thì sẽ bị Trung Quốc chia rẽ".

Paris cũng có quan điểm dè dặt như Berlin. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, hôm 04/01/2018, đã xác định rằng Pháp không hề muốn cản đường Trung Quốc, nhưng thấy là "cần thiết lập một quan hệ đối tác win-win, cả hai bên đều có lợi, chứ không phải là "chỉ có một bên có lợi hai lần"".

Trọng Nghĩa

********************

"Pháp và Trung Quốc không chỉ có mỗi lợi ích chung" (RFI, 08/01/2018)

Ông Emmnuel Macron đã chọn Trung Quốc (08-09/01/2018) cho chuyến công du Châu Á đầu tiên trong vai trò nguyên thủ Pháp. Với những người ủng hộ tăng cường quan hệ Bắc Kinh - Paris, đây là một lựa chọn hiển nhiên, nếu không muốn nói là không thể tranh cãi được. Trung Quốc là cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, các dự án khổng lồ liên quan đến "Con đường tơ lụa mới"dường như tạo những cơ hội không giới hạn.

tolua2

Cờ Pháp và Trung Quốc trên quảng trường Thiên Anh Môn nhân chuyên công du của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Bắc Kinh, ngày 08/01/2017. Reuters / Jason Lee

Đối với một nước Pháp muốn đóng vai trò nước lớn, bao quát mọi vấn đề trên trường quốc tế thì Trung Quốc là một đối tác như ý. Vì quốc gia này vừa là một cường quốc hạt nhân, vừa là thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc có quyền phủ quyết đối với nhiều vấn đề quốc tế. Còn đối với ông Macron, một tổng thống muốn đóng vai trò đối nghịch với đồng nhiệm Mỹ Donald Trump, thì Trung Quốc là một sân chơi đáp ứng tham vọng này.

Bắc Kinh hoàn toàn biết rõ những chủ đích của Pháp, theo nhận xét của nhà nghiên cứu Valérie Niquet trên nhật báo Le Monde (05-06/01/2018). Nhưng Bắc Kinh cũng cần đồng minh để đối phó với cường quốc Mỹ vì Washington đã không từ bỏ cam kết tại Châu Á, như người ta vẫn tưởng khi ông Donald Trump trở thành tổng thống.

Paris không ý thức được hết những chia rẽ và căng thẳng ngày càng gia tăng tại Châu Á-Thái Bình Dương xung quanh vai trò tương lai của Trung Quốc, ngoài cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Giới lãnh đạo Trung Quốc có thể hy vọng rằng một lễ tiếp đón trọng thể sẽ nhận được sự tán thành của một tổng thống, cho đến giờ chủ yếu hướng đến Châu Âu và môi trường kề cận.

Bắc Kinh muốn thuyết phục tổng thống Pháp giữ vị trí trung gian "trung lập", ủng hộ đối thoại chống lại mọi chiến lược đối đầu, và như vậy ngầm thừa nhận ưu thế của Trung Quốc trong vùng.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Valérie Niquet đánh giá là mọi chuyện lại có vẻ không đơn giản như vậy : Trung Quốc và Pháp không chỉ có mỗi điểm chung. Những thất vọng ghi dấu trong quan hệ Pháp-Trung vẫn chưa biến mất.

Đối với Bắc Kinh, nước Pháp sẽ tuyệt vời hơn bao giờ hết khi đóng vai trò "người bạn cũ của Trung Quốc". Đó là nhà bảo vệ "đa cực", trái ngược với khuynh hướng bá quyền của Hoa Kỳ, và không cần biết rằng, thực ra nếu Trung Quốc ủng hộ một "quá trình dân chủ hóa quan hệ quốc tế" kéo theo sự trỗi dậy của nhiều cực quyền lực, thì trước hết đó là nhằm mở rộng phạm vi hành động và tự khẳng định mình như một thủ lĩnh của cực Á châu.

Bất cân bằng trong trao đổi thương mại

Tham vọng này lại không phù hợp với tiến trình phát triển của thế giới đương đại và không phục vụ lợi ích của Pháp tại một nơi mà các láng giềng của Trung Quốc đều có một điểm chung là mong muốn tìm được hậu thuẫn để đối phó với một cường quốc đang gây lo ngại. Vấn đề đặt ra đối với Paris, là sự lựa chọn và các hậu quả chiến lược, kinh tế của sự lựa chọn này.

Thực vậy, Pháp là cường quốc Châu Âu duy nhất có lợi ích trực tiếp tại Châu Á-Thái Bình Dương. Khi liên tiếp ký hợp đồng với các nước trong khu vực (với Úc hay với Ấn Độ, và có thể với Nhật Bản), về hợp tác công nghệ trong các lĩnh vực quốc phòng, nước Pháp cũng đóng một vai trò quan trọng trong hợp tác quân sự với nhiều nước mà mục tiêu đầu tiên của những quốc gia này lại là làm đối trọng với sức mạnh Trung Quốc, nơi mà chiến lược hồi sinh và khẳng định tinh thần dân tộc Trung Hoa là trọng tâm trong bài diễn văn của chủ tịch Tập Cận Bình.

Yếu tố thất vọng thứ hai, mà tổng thống Pháp dường như rất ý thức được, đó là sự bất cân đối dai dẳng trong trao đổi kinh tế song phương. Trung Quốc cần tăng trưởng và sẽ không từ bỏ bất kỳ thị trưởng nào, bất kỳ chiến lược nào để chinh phục và chia rẽ nội bộ Liên Hiệp Châu Âu. Về đầu tư, Trung Quốc, nơi mà Đảng-Nhà nước có trong tay những phương tiện mà các nền dân chủ không thể có, sẵn sàng nhẩy vào bất kỳ lĩnh vực nào có thể giúp duy trì sự phát triển, đặc biệt là các công nghệ mũi nhọn, có mục đích dân sự nhưng cũng có thể cả quân sự.

Trước những tham vọng không che giấu này, ông Emmanuel Macron là người đầu tiên thật sự đòi hỏi phải "có đi có lại" nhiều hơn. Pháp đã gia tăng kiểm soát đầu tư Trung Quốc trong các lĩnh vực nhạy cảm. Còn với dự án trọng tâm "Một vành đai, một con đường" của chủ tịch Tập Cận Bình, được ghi trong Điều Lệ Đảng Cộng Sản Trung Quốc nhân Đại hội lần thứ 19 vừa qua, Pháp tỏ ra thận trọng trước rất nhiều vấn đề về tài chính và quản trị, hiện vẫn chưa được giải quyết.

Vì vậy, còn phải chờ xem liệu những điểm bất đồng này có đè nặng lên mối quan hệ Pháp-Trung mà Bắc Kinh muốn hoàn toàn chú trọng vào những ưu tiên của họ. Ngược lại, những lợi ích chiến lược và kinh tế của Pháp tại Châu Á lại rất nhiều và không thể hạn chế ở một đối tác duy nhất. Chính sách về Châu Á của Pháp có thể được đánh giá tùy vào khả năng cụ thể của Paris trong việc duy trì sự cân bằng cần thiết giữa các cường quốc trong vùng.

Nhân quyền : Tổng thống Pháp cần nói thẳng với chủ tịch Trung Quốc

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực thương mại và tăng cường hợp tác song phương, tổng thống Pháp cũng cần bảo vệ các giá trị phổ quát trước đồng nhiệm Tập Cận Bình, trong bối cảnh nhân quyền tại Trung Quốc không được tôn trọng đúng đắn. Đây là ý kiến của nhà nghiên cứu Jean-Philippe Béja, được đăng trong một bài viết khác trên Le Monde.

Theo nhà nghiên cứu Pháp, tổng thống Macron sẽ chứng kiến những tiến bộ ấn tượng về kinh tế của Trung Quốc, nhưng ông sẽ không được đưa đến khu ngoại ô Đại Hưng (Daxing), gần thủ đô Bắc Kinh, nơi chính quyền địa phương trục xuất gần 200.000 công nhân và lao động xuất thân từ nông thôn trong cái rét -20°C, sau khi họ đã đóng góp vào xây dựng thành phố, vì những người này không có hộ khẩu thường trú.

Tổng thống Pháp cũng sẽ không gặp được các luật sư, như Giang Thiên Dũng (Jiang Tianyong), bảo vệ lao động nhập cư, những nhà nông bị cưỡng đoạt đất đai, những blogger bị bắt vì một lời bông đùa trên internet. Nhà nghiên cứu Pháp còn nêu lên nhiều trường hợp khác như những "ngôi làng ung thư" vì ô nhiễm kim loại nặng trong khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn tuyên bố cam kết chống biến đổi khí hậu.

Trung Quốc xây nhiều trường đại học, nhưng đội ngũ giáo sư không còn được đọc những bài báo nước ngoài nữa và phải trình nội dung bài giảng để Đảng thông qua. Tương tự, dưới danh nghĩa đấu tranh chống thuyết hư vô, sự kiện Thiên An Môn ngày 04/06/1989 hay tên của Lưu Hiểu Ba đều bị xóa bỏ…

Nhà nghiên cứu Jean-Philippe Béja khẳng định dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã bước vào giai đoạn thụt lùi chính trị : Từ năm 2012, ông đã hình thành trào lưu tôn sùng cá nhân, thậm chí còn đưa được tư tưởng của ông vào Điều lệ Đảng và tập trung trong tay nhiều quyền lực hơn. Trong Đại hội Đảng lần thứ 19, ông Tập còn đi ngược lại đường lối tiến hành các cải cách, được áp dụng sau khi "Người cầm lái vĩ đại" Mao Trạch Đông qua đời, qua việc tái khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng trong tất cả các lĩnh vực.

Chủ tịch Trung Quốc củng cố các doanh nghiệp Nhà nước, giảm không gian của công ty tư nhân và thiết lập kiểm soát hối đoái chặt chẽ để ngăn chảy máu vốn. Hiện tại, các nhà đầu tư Trung Quốc ở nước ngoài chủ yếu là các doanh nghiệp Nhà nước. Đúng là cách nực cười để bảo vệ quá trình toàn cầu hóa !

Cuối cùng, tính hiện đại cũng khiến Đảng tăng cường kiểm soát người dân : nhờ trí thông minh nhân tạo, một hệ thống "tín điểm xã hội" đang được thử nghiệm. Ngoài khả năng theo dõi khả năng chi trả, hệ thống này còn "chú ý" đến cả thái độ chính trị và xã hội của mỗi công dân. Những người có tín điểm thấp (các nhà đấu tranh, có thái độ sai lệnh, không tuân thủ luật lệ) sẽ không thể ghi danh cho con vào các trường tốt, cũng như không được chăm sóc ở những bệnh viện tốt nhất.

Nhà nghiên cứu Béja hy vọng tổng thống Pháp, người luôn thể hiện khao khát nói thật, sẽ không ngần ngại bảo vệ những giá trị phổ quát mà chủ tịch Tập Cận Bình vẫn chối bỏ. Trung Quốc cần Châu Âu và xã hội Trung Quốc cũng cần lắng nghe các lãnh đạo phương Tây khẳng định những nguyên tắc giá trị của họ.

RFI tiếng Việt

*******************

Với Trung Quốc, tổng thống Pháp là đối tác lý tưởng cho "con đường tơ lụa mới" (RFI, 08/01/2018)

Ngày 08/01/2018, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mở đầu chuyến công du Trung Quốc ba ngày tại Trung Quốc bằng cuộc viếng thăm thành phố Tây An, miền trung Trung Quốc. Với Bắc Kinh, đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của một nguyên thủ Châu Âu, kể từ sau Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19 hồi tháng 10/2017.

tolua3

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, 08/01/2018. Reuters/Andy Wong/Pool

Bắc Kinh trông đợi điều gì từ chuyến công du Châu Á đầu tiên này của tổng thống Pháp Emmanuel Macron ? Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Schmidt nhận định :

"Bắc Kinh cần có đồng minh, và nước Pháp có đủ vị thế để lấp đầy khoảng trống do các nước khác để lại. Do đó, Trung Quốc xem ông Emmanuel Macron như là một đối tác lý tưởng để hỗ trợ cho tham vọng nắm giữ vai trò hàng đầu của Bắc Kinh, bất kể đó là trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hay là trong cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên. Ở đó, nước Pháp có thể đóng một vai trò trung gian.

Vì thế, trong mắt các nhà lãnh đạo Trung Quốc, họ cảm thấy an tâm khi tổng thống Pháp chọn Trung Quốc là điểm công du Châu Á đầu tiên. Và thậm chí còn cảm thấy thích thú khi tổng thống Pháp đã chọn Tây An, điểm xuất phát của con đường tơ lụa cũ xưa làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du Trung Quốc.

Quả thật là Bắc Kinh hy vọng Paris tham gia vào dự án con đường tơ lụa mới to lớn này, với hy vọng khôi phục lại hành lang thương mại Á-Âu, nhưng trước mắt chỉ phục vụ cho các lợi ích của Trung Quốc. Thách thức đối với ông Macron là làm sao nêu rõ được những đòi hỏi của Châu Âu.

Trong một cuộc phỏng vấn được đăng tải sáng hôm nay (08/01), tổng thống Pháp không dấu giếm tham vọng mà ông chia sẻ cùng với đồng nhiệm Trung Quốc : Quan hệ giữa hai nước luôn đi tiên phong và chúng ta phải luôn luôn ở vị trí tiên phong này".

Minh Anh

Published in Quốc tế

"Những con đường tơ lụa mới" của Trung Quốc : Lào trở thành một cực địa chính trị chủ chốt

Năm 2017 đánh dấu sự hội nhập toàn bộ và đầy đủ của ào vào dự án "Những con đường tơ lụa mới" mà chủ tịch Trung Quốc đề xướng. Một sự hội nhập được cụ thể hóa qua việc khởi công xây dựng vành đai Đông Dương, nối liền Trung Quốc tới Thái Lan qua Lào.

lao1

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chứng kiến lễ ký các hiệp định hợp tác song phương, Bắc Kinh, ngày 28/11/2016. Reuters

RFI xin giới thiệu bài viết của nhà báo Eric Mottet đăng trên website Asialyst, ngày 11/12/2017.

*

Năm 2017 đánh dấu sự hội nhập toàn bộ và đầy đủ của ào vào dự án "Những con đường tơ lụa mới" mà chủ tịch Trung Quốc đề xướng. Một sự hội nhập được cụ thể hóa qua việc khởi công xây dựng vành đai Đông Dương, nối liền Trung Quốc tới Thái Lan qua Lào. Sau nhiều lần thông báo và bị trì hoãn kể từ năm 2010, dự án xây dựng đường sắt Côn Minh (Kunming) – Boten-Luang Prabang –Vientiane đã được khởi công. Trên tuyến đường dài 414 km, sẽ có 32 nhà ga (trong đó 21 nhà ga hoạt động ngay từ lúc tuyến đường được khai thác), 75 hầm (dài 198 km) và 167 cầu (dài 62 km) và đây là tuyến đường thông thương trực tiếp nhất đi về hướng Bangkok qua Nong Khai ở Thái Lan, nơi phát triển một mạng lưới đường sắt kết nối với Lào qua hai dự án ở phía Đông Bắc. Tuyến đuờng này cũng đi qua Kuala Lumpur và Singapore nhờ vào dự án tuyến đường cao tốc giữa hai thành phố lớn. Một khi hoàn thành, tuyến đường cho phép chở hành khách và hàng hóa đi từ Côn Minh đến Vientiane hoặc ngược lại chỉ mất 6 -7 tiếng, còn hiện nay, cần phải mất nhiều ngày trên tuyến đường bộ.

Cho đến năm 2016, dự án bị đình hoãn do các vấn đề tài chính, kỹ thuật và hành chính giữa Lào, Trung Quốc và Thái Lan. Ngày 25/12/2016 tại Luang Prabang, lễ khởi công Trung-Lào được tổ chức với sự hiện diện của thủ tướng Lào Thongluon. Dự án do tập đoàn đường sắt China Railway Group Limited (1) điều phối, nhất là tại các tỉnh Luang Namtha (Boten) và Luang Prabang, tập trung chủ yếu vào việc khoan đào đường hầm. Tuyến đường sắt này, chạy song song với tuyến đường bộ, sẽ được khai trương vào năm 2021. Việc xây dựng tuyến đường bộ cao tóc, với tổng chi phí lên đến 1,2 tỷ đô la, giữa Vang Vieng và Vientiane (dài 113 km), sẽ do một công ty liên doanh Trung – Lào khởi công vào năm 2018.

Bối cảnh

Tuyến đường Boten-Vientiane trong tương lai là một phần trong sáng kiến "Những con đường tơ lụa mới" vượt ra khỏi không gian của con đường tơ lụa cổ xưa đi kèm với sự khẳng định là phù hợp với ASEAN. Khía cạnh có thể nhìn thấy rõ nhất của dự án của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là đầu tư ồ ạt của tập đoàn China Railway Group Limited vào những tuyến đường sắt mới, trong đó có tuyến Côn Minh-Singapore. Trung Quốc muốn chắc chắn trục lợi tối đa các lợi thế so sánh tương đối của các vùng nằm trong khuôn khổ dự án qua việc thực hiện một chiến lược chủ động mở cửa cũng như tăng cường quan hệ tương tác tại Châu Á.

 "Sáng kiến một vành đai một con đường" - tên gọi mới chính thức của dự án "Các con đường tơ lụa mới" được chia thành 6 hành lang nối liền Trung Quốc với Châu Âu và bao phủ toàn bộ lục địa Châu Á. Hành lang Trung Quốc –Đông Dương bổ sung khép kín vành đai kinh tế bằng cách đấu nối với chương trình "Tiểu vùng sông Mekong mở rộng – Greater Mekong Subregion – GMS", có nghĩa là phần bán đảo Đông Nam Á. Trung Quốc tìm cách phát triển trong vùng này tuyến đường sắt chở hàng (và cả đường biển) để có thể tiếp cận dễ dàng Ấn Độ Dương, điều này cho phép tránh được biển Nam Hải, một vùng không ổn định về mặt chiến lược.

Dự án "Các con đường tơ lụa mới" nằm trong một kế hoạch đầu tư ồ ạt vào hạ tầng cơ sở tại Trung Á và Đông Nam Á. Cụ thể, Trung Quốc tháo khoán khoảng 1200 tỷ đô la để tài trợ cho dự án này chủ yếu thông qua Ngân hàng phát triển Trung Quốc (890 tỷ), Quỹ Nhà nước cho dự án "Con đường tơ lụa mới – Silk Road Funds", Ngân hàng đầu tư hạ tầng Châu Á (AIIB) và tân ngân hàng phát triển các nước đang trỗi dậy BRICS (New Development Bank BRICS)

Mục tiêu của kế hoạch này là tạo ra các thị trường mới cho các doanh nghiệp Trung Quốc trong lúc quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế hướng vào thị trường nội địa tỏ ra không đủ. Ngoài ra, Trung Quốc cần tiêu thụ phần dư thừa sản xuất công nghiệp mà Ngân Hàng Thế Giới đánh giá ở mức khoảng 10% PIB (nhất là trong lĩnh vực xây dựng nhà và công trình công cộng), và bảo đảm sự đa dạng hóa nguồn cung ứng năng lượng. Mặt khác, do giá nhân công tăng, các doanh nghiệp Trung Quốc bị mất khả năng cạnh tranh với một số đối thủ nước ngoài (trong đó có Việt Nam)

Do vậy, Bắc Kinh muốn di dời các ngành công nghiệp sử dụng nhiều nhân công sang các nước láng giềng, nơi giá thành sản xuất không cao lắm, như trong khu chế xuất. Làn sóng lập đặc khu kinh tế hoặc khu kinh tế đặc thù ở Lào rõ ràng là kết quả của chiến lược dựa trên sự năng động của nền kinh tế Trung Quốc. Tuyến đường sắt hành lang kinh tế đi qua phía bắc Lào, một mặt, sẽ cho phép giảm các chi phí vận tải trên đất Lào và mặt khác bảo đảm sự vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh bên trong Trung Quốc với các thị trường bên ngoài ở Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia hoặc Singapore).

Dự án Boten – Vientiane, được loan tải nhiều trên báo chí quốc gia và quốc tế, tốn kém gần 6 tỷ đô la. Lào và Trung Quốc đồng thuận đóng góp theo tỷ lệ 30% - 70%. Để khởi công xây dựng (2,38 tỷ đô la), Lào đã đóng góp 715 triệu đô la và phần còn lại của số tiền này (1,67 tỷ đô la) do Ngân hàng phát triển Trung Quốc (China Development Bank) cung cấp.

Liên quan đến cam kết tài chính của Lào, nước này lấy 250 triệu đô la trực tiếp từ ngân sách quốc gia (mỗi năm 50 triệu và trong 5 năm xây dựng, trong khi đó ngân sách của Lào năm 2016 – theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế FMI – là 13,7 tỷ đô la). Mặt khác, Vientiane vay 465 triệu đô la của Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (Eximbank), với lãi suất 2,3%, thời hạn 35 năm (không trả nợ trong 5 năm đầu tiên). Ngược lại, không hề có thông tin gì về 60% số tiền còn lại (3,62 tỷ đô la). Dường như các ngân hàng Trung Quốc cung cấp khoản tiền này để có một tỷ trọng lớn trong phần vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn đường sắt Lào-Trung.

Theo nhiều nhà quan sát, hệ thống xe lửa cao tốc đi qua vùng phía bắc Lào, với tốc độ 200 km/giờ (160 km/giờ ở những đoạn đồi núi), không hẳn tạo ra lợi thế thực tế, tuy nhiên, các ngờ vực dường như ít hẳn đi trong trường hợp vận chuyển hàng hóa giữa Lào và Thái Lan, hiện chưa có hệ thống đường sắt. Quá trình xây cảng container rộng 38 ngàn mét vuông trong một khu vực liền kề các hạ tầng cơ sở của nhà ga Thanalaeng, Lào (2) và việc lắp đặt trong tương lai một cửa thông quan hàng hóa (3) cho phép dự tính giảm đáng kể chi phí vận chuyển từ 30% đến 50%, khi đi từ Lào.

Đương nhiên, chi phí vận chuyển cao, chủ yếu qua đường bộ, làm cho các sản phẩm của Lào kém cạnh tranh, nhất là so với sản phẩm của các nước láng giềng, Thái Lan, Trung Quốc hay Việt Nam. Theo một nghiên cứu do Tổ chức Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện trong năm 2016, chi phí vận chuyển một container 12,19 mét giữa Vientiane và các cảng Bangkok hoặc Laem Chabang (cảng lớn nhất của Thái Lan), dao động từ 1233 đến 2088 đô la, trong lúc đó, chi phí vận chuyển giữa Vientiane và cảng Yokohama của Nhật lên đến gần 2500 đô la.

Để so sánh, gửi một container từ Bangkok đến cảng Yokoham Nhật Bản, tốn 1000 đô la, từ Hà Nội mất 1000 đô la, dưới 300 đô la từ Hồng Kông và Thẩm Khuyến (Shenzen), Trung Quốc. Dự án tại Lào nhằm biến ga Thanalaeng thành một "cảng cạn" đa phương thức và đa kết nối với hệ thống đường sắt của các nước láng giềng nhằm làm giảm chi phí xuất khẩu và nhập khẩu. Để đạt mục tiêu này, các tuyến đường sắt khác đang được nghiên cứu, nhất là các tuyến đường Savannakhet, Lào – Đông Hà (cảng Việt Nam), Vientiane – Thakkek – Mụ Giạ (Việt Nam) và Paksé – Veun Kham (ở biên giới Lào-Cam Bốt).

Đền bù những người bị trưng dụng đất đai

Nếu như chính quyền Vientiane thấy rằng dự án đường sắt này tạo cơ hội xóa bỏ tình trạng biệt lập của vùng phía bắc lãnh thổ quốc gia và khẳng định sự hội nhập của Lào trong khu vực, thì người dân địa phương sống gần tuyến đường sắt sẽ được đặt và những công trình cầu hầm đang được xây lại thấy đó là một công trường khổng lồ với rất nhiều tệ hại (tiếng ồn liên tục do nổ mìn, công nhân Trung Quốc tới ồ ạt…) (4). 

Theo tinh thần nghị định 84 công bố ngày 05/04/2016, những người bị mất đất đai do các dự án phát triển sẽ được đền bù những khoản thất thu, tài sản, canh tác và cây trồng. Những người quản lý dự án có trách nhiệm bảo đảm là điều kiện sinh sống của những cư dân bị di dời sẽ phải tốt hoặc tốt hơn lúc trước khi dự án khởi công.

Tuy nhiên, chi phí đền bù cho những người nông dân sẽ bị trưng dụng hoặc đã bị trưng dụng đất đai đã không được tính toán một cách chính xác. Lý do là vì việc thống kê số dân cư bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn sơ sài, việc xác định bề rộng của khu vực đệm nằm giữa tuyến đường sắt và khu ở của người dân chưa hòan tất. Quả thực là ban đầu, người ta dự kiến thiết lập một khu vực đệm rộng khoảng 50 mét ở bên phải và bên trái trên suốt tuyến đường sắt được hoạch định giữa Boten và Vientiane, thế rồi sau đó, bề rộng của khu vực đệm này dao động từ 20, 30 và 50 mét, tùy theo tốc độ đi qua của xe lửa (từ 120 đến 200 km/giờ) và các đặc thù địa lý của từng vùng.

Đương nhiên, chính phủ Lào tìm cách thúc đẩy nhanh việc trả tiền đền bù bằng cách thiết lập một bảng biểu tính khoán hiện đang lấy ý kiến của các quan chức các tỉnh và địa phương. Ví dụ, việc đền bù trưng dụng một mét vuông ruộng lúa dao động trong khoảng 1,79 và 16,15 đo là trong khi đó một mét vuông đất xây nhà được trả tới 360 đô la. Tương tự, đối với nhà và căn hộ bị trưng dụng do dự án, mức đền bù dao động trong khoảng 320 đến 360 đô la một mét vuông. Tổng cộng, tại bốn tỉnh có 414 km đường sắt đi qua (Luang Namtha, Oudomxay, Luang Prabang và Vientiane), chính phủ Lào thẩm định có gần 4411 hộ gia đình bị ảnh hưởng, 3832 ha đất bị trưng dụng và 3346 khu nhà bị phá bỏ. Tuy không có gì nghi ngờ về việc trả đền bù, nhưng chính quyền Lào lại chậm trể trong việc trả các khoản tiền đầu tiên cho dân làng để đền bù thiệt hại.

Cho đến lúc này, các hoạt động diễn ra tốt đẹp, bởi vì khoảng 15% tuyến đường dường như đã được lắp đặt xong, nhất là việc đào hầm, xây cầu và làm đường (cho phép tiếp cận với các nhà ga mới), việc san lấp dọc theo tuyến đường đã được vạch ra… Các công việc này do hàng ngàn công nhân Lào thực hiện và trong một chừng mực nào đó, cả công nhân Trung Quốc nữa. Trong năm đầu tiên, công trường cần tuyển dụng gần 7000 công nhân địa phương trong đó có 2000 người chỉ ở tỉnh Luang Prabang, với lương tháng trung bình dao động từ 200 đến 800 đô la, rất cao so với mức lương trung bình tại Lào là từ 110 đến 120 đô la/tháng.

Một tuyến đường chiến lược mở ra Biển Đông

Ngày 19 và 20/12/2017, "Diễn Đàn Một vành đai, một con đường vì sự hợp tác Lào-Trung" đầu tiên được tổ chức tại Vientiane. Các cuộc thảo luận tập trung vào việc tăng cường hợp tác song phương và phát triển công nghiệp của Lào. Các khoản đầu tư ồ ạt của Trung Quốc trên lãnh thổ Lào (đập thủy điện, khai thác mỏ, dự án bất động sản, du lịch hoặc đặc khu kinh tế), nhất là trong khuôn khổ dự án "Những con đường tơ lụa mới", nằm trong chính sách địa chính trị đối với các tỉnh nằm bên lề lãnh thổ Trung Quốc và các nước láng giềng.

Một mặt, Bắc Kinh thực hiện chiến lược tái kết nối tỉnh Vân Nam với phần kéo dài của khu vực Đông Dương, đưa tỉnh này, đang ở vị trí bên lề vào trung tâm hoặc biến tỉnh này thành chiếc cầu nối giữa Trung Quốc và Đông Nam Á. Mặt khác, Bắc Kinh muốn biến Lào (và bán đảo Đông Dương) trở thành một con đường chiến lược hướng ra các biển ở phía nam Trung Quốc và coi đó như một giải pháp thay thế cho vận tải hàng hải thông qua các cơ sở hạ tầng vận tải mới ở trên bộ.

Trong chuyến thăm chính thức Vientiane trong các ngày 13 và 14/11 vừa qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định quyết tâm xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh có tầm quan trọng chiến lược, giữa Trung Quốc và Lào, qua đó, đồng thời khẳng định sự thay đổi quy chế của Vientiane, đối với Bắc Kinh, trở thành một yếu tố cơ bản trong sáng kiến "Một vành đai một con đường" của ông. Trách nhiệm của Vientiane là giám sát sao cho không bị Trung Quốc gạt ra bên lề và khai thác các mối lợi do vị trí địa lý của mình thông qua việc duy trì cân bằng các liên minh với các nước láng giềng, đặc biệt là với Việt Nam, bởi vì quan hệ đặc biệt giữa hai nước này sẽ bị thử thách mạnh mẽ trong những năm tới.

Eric Mottet

(website Asialyst, 11/12/2017)

Nguồn : RFI tiếng Việt, 22/12/2017

Ghi chú :

(1) Laos-China Railway Company Limited là một liên doanh Trung-Lào được thành lập để xây dựng và khai thác tuyến đuờng sắt mới giữa Boten và Vientiane

(2) Nhà ga Thanalaeng (có từ 2500 đến 3000 hành khách mỗi tháng), là nhà ga duy nhất của Lào, nằm cách trung tâm Vientiane 7,5 km. Dự án kéo dài đường sắt vào đến trung tâm thành phố có thể được bắt đầu vào năm2018 (khánh thành năm 2020), với chi phí gần 27 triệu đô la và khoản đầu tư này hoàn toàn do Thái Lan tài trợ dưới hình thức viện trợ không hoàn lại (30%) và cho vay (70%)

(3) Điểm thông quan duy nhất là một biện pháp nhằm tạo thuận lợi cho thương mại. Cơ chế này cho phép tác nhân kinh tế hoặc công ty vận tải xuất trình tất cả các dữ liệu cần thiết để xác định xem tất cả hàng hóa có được chấp nhận hay không dưới hình thức chuẩn hóa, và chỉ cần làm một lần, với cơ quan phụ trách kiểm soát biên giới và chỉ nộp hồ sơ một lần qua một cửa duy nhất.

(4) Theo các thẩm định, có khoảng 50 ngàn công nhân Trung Quốc và vào Lào, từ nay đến năm 2021.

Published in Diễn đàn

Các cơ hội từ "Con đường tơ lụa mới" và chính sách chuyển dịch sản xuất công nghiệp của Bắc Kinh, cùng với viễn cảnh đầu tư đã mang lại giấc mộng phát triển cho Châu Phi, nhân diễn đàn Trung Quốc – Châu Phi tổ chức tại Marrakech bắt đầu từ hôm qua 27/11/2017.

tolua1

Các doanh nhân dự hội thảo trong Diễn đàn đầu tư Trung Quốc - Phi Châu tại Marrakech, Maroc ngày 27-28/11/2017.CAIF

Hội nghị chiến lược về các nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc – Châu Phi quy tụ trên 400 doanh nhân trong đó có 150 người từ Hoa lục đến. Hãng tin Pháp AFP cho biết trong ngày khai mạc, ông Vương Dũng (Wang Yong), phó giám đốc Quỹ Phát triển Trung Quốc – Châu Phi, đã khẳng định ý hướng "đẩy nhanh việc hợp tác trong lãnh vực đầu tư". Ông cho biết Đại hội Đảng Trung Quốc 19 họp hồi tháng 10 "đã đưa ra những dấu hiệu rõ ràng và mạnh mẽ : Trung Quốc phải tăng tốc chương trình Con đường tơ lụa mới".

Trong không đầy 20 năm, Trung Quốc đã trở thành đối tác kinh tế số một của Châu Phi. Trao đổi thương mại đạt 190 tỉ đô la năm 2016, lớn hơn cả doanh số của Châu Phi với Ấn Độ, Pháp và Hoa Kỳ cộng lại – theo như số liệu được đưa ra trong diễn đàn.

Sau Kenya, Ethiopia, Ai Cập và Djibouti, đến lượt Maroc tham gia dự án "Con đường tơ lụa mới", dự kiến xây dựng cầu, đường bộ, đường xe lửa và khu công nghiệp tại 65 nước, với trên 1.000 tỉ đô la.

Với tên gọi tại Trung Quốc là "Một vành đai, Một con đường" (One Belt, One Road – OBOR), chương trình này gồm một vành đai đường bộ nối liền Trung Quốc với Đông Âu thông qua Trung Á và Nga, và một tuyến đường biển để đến được Châu Phi và Châu Âu, từ Biển Đông và Ấn Độ Dương.

Sáng kiến này "hiện đã liên quan đến Đông Phi và chúng tôi mong sẽ mở rộng sang các nước Tây Phi" - ông Jean-Claude Brou, bộ trưởng Kinh Tế Côte d’Ivoire nói.

Đại sứ Trung Quốc tại Maroc Lý Lập (Li Li) nhấn mạnh : "Thế giới đang thay đổi một cách sâu sắc và phức tạp, với một cuộc chuyển dịch kỹ nghệ mới (…) và Châu Phi sở hữu nguồn lợi thiên nhiên cũng như nhân lực dồi dào".

Đối với ông Brou, việc chuyển dịch sản xuất là "một cơ hội lớn" cho Châu Phi. Với giá nhân công tăng, để duy trì tính cạnh tranh, Trung Quốc phải quay sang các nước có giá thành sản xuất rẻ, như vậy Châu Phi chiếm lợi thế về giá lao động.

Năm 2016, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Châu Phi với 36,1 tỉ đô la. Tính đến cuối năm ngoái, các công ty Trung Quốc đã tham gia xây dựng khoảng 100 khu công nghiệp, hàng ngàn tuyến đường sắt và xa lộ, nhiều sân bay và nhà máy điện.

AFP dẫn lời bộ trưởng Công Nghiệp Maroc Moulay Hafid Elalamy : "Trung Quốc và Châu Phi đều đang tìm kiếm tăng trưởng, và sáng kiến Con đường tơ lụa mới sẽ làm thay đổi bản đồ thương mại thế giới". Ông Elalamy nhấn mạnh : "Chúng ta chưa bao giờ hình dung nổi việc Trung Quốc ngày nay lại đầu tư vào ngành dệt may tại Maroc. Tất cả đã thay đổi, với ý hướng tạo ra một tầng lớp trung lưu tại Hoa lục, nơi mà giá nhân công tăng đã làm giảm đi tính cạnh tranh".

Ông Tony Dong, chủ tịch Liên đoàn doanh nhân Trung Quốc-Châu Âu, đến Marrakech để "tìm kiếm cơ hội đầu tư", nhận xét : "Trung Quốc cần Châu Phi và ngược lại Châu Phi cũng cần Trung Quốc, chúng ta phải siết chặt thêm quan hệ".

Tuy nhiên, theo giáo sư Pierre Dagbo, trường đại học Félix-Houphouet-Boigny ở Abidjan, Châu Âu tuy thụt lùi tại Châu Phi nhưng dấu ấn ngôn ngữ, văn hóa, hợp tác đại học, quân sự vẫn đậm nét. Đặc biệt là viện trợ nhân đạo dành cho Châu Phi lên đến 21 tỉ đô la trong năm 2015, bỏ xa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

AFP cho biết "Con đường tơ lụa mới" hiện đang gặp nhiều trắc trở : dự án tàu cao tốc tại Indonesia hầu như nằm im từ hai năm qua, khu công nghiệp bỏ trống phân nửa tại Kazakhstan…Tại Lào, đồng minh thân thiết của Trung Quốc, dư luận phản đối tuyến đường sắt dài 415 km tốn đến 5 tỉ đô la, chiếm phân nửa GDP của Lào. Còn tại Pakistan, quân nổi dậy đã đặt chất nổ phá các đường ống dẫn khí đốt và các xe lửa ở tỉnh Balochistan, tấn công các kỹ sư Trung Quốc, khiến dự án trị giá 46 tỉ đô la đứng trước rủi ro lớn.

Bên cạnh đó là tai tiếng lâu nay tại Châu Phi : bóc lột tài nguyên theo kiểu "thực dân mới". Nhà báo Julien Wagner, tác giả cuốn "Trung Quốc – Châu Phi, sự cướp bóc" nêu ra thực tế : Bắc Kinh thường ưu tiên cho các nước giàu tài nguyên, các công ty nhà nước tham nhũng, hiếm khi chuyển giao công nghệ, và đưa hàng loạt lao động Trung Quốc sang. Theo ông Wagner, hợp tác chỉ có lợi khi các lãnh đạo Châu Phi biết đặt lợi ích của đất nước lên trên quyền lợi cá nhân, và liên kết với nhau trong việc thương lượng với Trung Quốc.

Với các điều kiện trên, dường nhưgiấc mộng của Châu Phi, bám theo "Giấc mơ Trung Hoa"của ông Tập Cận Bình, hãy còn xa mới thành hiện thực.

Thụy My

Published in Quốc tế

Kế hoạch Con đường tơ lụa mới, tức dự án "Một vành đai, Một con đường" (Nhất đới, Nhất lộ), của chính quyền Bắc Kinh, chiếm một vị trí quan trọng trong cương lĩnh hành động của ông Tập Cận Bình, được đặc biệt nhấn mạnh tại Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc hồi tháng trước, 10/2017. Kế hoạch này là một biểu tượng cho sức mạnh đang lên của Trung Quốc trên phạm vi toàn thế giới. Trên thực địa, việc triển khai dự án trên ra sao ? Một số quan sát gần đây cho thấy hàng loạt công trình khổng lồ của dự án, tại nhiều quốc gia, đang đình trệ.

conduong0

Kế hoạch "Nhất đới, nhất lộ" của Trung Quốc. Ảnh : Wikipedia

Bài nhận định của AFP mô tả : "Dự án đường sắt ở Indonesia đang hoàn toàn bất động, khu công nghiệp ở Kazakhstan trống rỗng phân nửa, nhiều công trình tại Pakistan bị đe dọa tấn công : tình trạng thực tế của ‘‘những con đường tơ lụa" mà Trung Quốc trông đợi còn rất xa với các tuyên bố đầy tham vọng của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình".

Dự án Một vành đai, Một con đường, được ông Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2013, đặt mục tiêu nối liền nền kinh tế thứ hai thế giới với Tây Âu, với ngả đường bộ qua Trung Á và Nga, tức dự án "Một con đường", và với đường biển nối liền với Châu Phi và Châu Âu qua Biển Đông - Ấn Độ Dương, tức dự án "Một vành đai". Hàng loạt công trình đường sá, hải cảng, đường sắt, khu công nghiệp, được dự kiến xây dựng tại 65 quốc gia, với tổng đầu tư hơn 1.000 tỉ đô la.

Tuy nhiên, thực tế tương phản hoàn toàn với những tuyên truyền hùng biện của các lãnh đạo Trung Quốc. Rất nhiều dự án trong số đó được tiến hành hoặc tại các quốc gia, với nền dân chủ đang bị chao đảo, hoặc tại các chế độ độc tài, hoặc tại những nơi các lực lượng nổi dậy thường xuyên đe dọa.

Ví dụ như tại Indonesia, nơi Bắc Kinh đã giành được từ năm 2015 một hợp đồng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của quốc gia Đông Nam Á này, các công trình xây dựng chỉ vừa mới bắt đầu ít lâu, chủ yếu do các bất đồng chính trị trong nước. Tổng thống Indonesia đã cho khởi sự dự án vào tháng 1/2016, tại khu vực miền tây đảo Java, tuy nhiên, theo chứng kiến của nhiều phóng viên AFP mới đây, chưa hề có dấu vết gì của tuyến đường sắt tương lai. Bộ trưởng giao thông Indonesia và các công ty Indonesia và Trung Quốc tham gia dự án này, từ chối trả lời các câu hỏi của AFP.

Một dự án đường sắt cao tốc khác nối liền Trung Quốc với Singapore, qua Lào, Thái Lan và Malaysia, cũng ở trong tình trạng tương tự. Đoạn đường qua Thái Lan bị chậm do các tranh chấp về tài chính, điều kiện vay tiền, cũng như quy định liên quan đến thi công. Chỉ đến tháng 7/2017, chính quyền quân sự Thái Lan mới phê chuẩn khoản kinh phí 5,2 tỉ đô la, để khởi sự công trình.

Tại Lào, tuyến đường dự kiến dài khoảng 415 cây số. Tuy nhiên, tại quốc gia được coi là đồng minh ruột của Bắc Kinh, dự án gây rất nhiều phản đối, do giá đắt – khoảng 5 tỉ đô la, tương đương với một nửa tổng sản phẩm quốc nội của Lào. Nhiều ý kiến lên án cho rằng dự án đường sắt này không có ích lợi gì cho "một quốc gia quá nghèo" như Lào.

Bên cạnh các quốc gia Đông Nam Á nói trên, Trung Quốc cũng chọn đầu tư tại những nước nguy hiểm về an ninh, như Pakistan. Nhiều hợp đồng giữa Bắc Kinh và Islamabad, với tổng trị giá 46 tỉ đô la, được ký kết năm 2013, với mục tiêu xây dựng một hành lang đường bộ và đường ống năng lượng, nối liền khu vực viễn tây hẻo lánh của Trung Quốc với vùng biển Nam Á.

Tuy nhiên, tại tỉnh Balochistan (tây nam Pakistan), các lực lượng nổi dậy đã tấn công vào các công trình xây dựng đường ống dẫn dầu, một số đoàn tàu và kể cả các kỹ sư Trung Quốc.

Nhìn chung, cho dù các dự án đường tàu cao tốc của Trung Quốc được giới lãnh đạo Trung Quốc và chính quyền các nước đối tác thường xuyên ca ngợi và cổ vũ, người dân thường tại các địa phương nơi tàu cao tốc dự tính sẽ đi qua, không hề hưởng ứng. Trả lời AFP, một dân làng Indonesia nhận xét : "Tàu cao tốc không phải cho chúng tôi… chỉ những nhà kinh doanh cỡ bự mới nghĩ rằng thời giờ là tiền bạc".

Biển Ấn Độ - Thái Bình Dương : Bộ Tứ Ấn-Nhật-Mỹ-Úc lần đầu nhóm họp

Trong lúc Trung Quốc nỗ lực quảng bá cho dự án Nhất đới, Nhất lộ nghìn tỉ đô la, một số quốc gia láng giềng lo ngại tham vọng của Bắc Kinh, đặc biệt là tại hai vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đã tìm cách hợp sức. Hôm Chủ Nhật, 12/11, đại diện bốn quốc gia - Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Mỹ - đã có cuộc họp chính thức lần đầu tiên, để thảo luận về một dự án bảo vệ "tự do" và "trật tự quốc tế mở dựa trên luật pháp" tại vùng biển Ấn Độ -Thái Bình Dương.

Cuộc họp quan chức ngoại giao cấp bộ của bốn quốc gia nói trên, gọi tắt là cuộc họp Bộ Tứ, diễn ra tại Manila, bên lề thượng đỉnh Đông Á, và vào hôm trước cuộc thượng đỉnh của khối ASEAN.

Theo thông báo của Bộ ngoại giao Ấn Độ, được đưa ra sau khi hội nghị kết thúc, được báo Ấn Độ The Economic Times trích lại, "các bên tham gia đang tìm cách thống nhất quan điểm, nhằm mục tiêu chung" là thúc đẩy "hòa bình, ổn định và thịnh vượng, bằng cách gia tăng hợp tác tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương". Xây dựng một liên minh tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương là một dự án trùng với chiến lược Hướng Đông của New Delhi từ nhiều năm nay.

Về phần mình, Bộ ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh tất cả các bên tham gia hội nghị Bộ Tứ đều "lo ngại trước các hoạt động đòi hỏi chủ quyền, thái độ hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, có thể đe dọa quyền tự do hàng hải ở khu vực này". Nhật Bản và Hoa Kỳ đều ủng hộ việc Ấn Độ "có một vai trò chiến lược chủ chốt" tại vùng biển nói trên, mà Biển Đông là một bộ phận.

conduong2

Vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương (phần màu đậm trong bản đồ).Wikipedia

Như vậy, sau 10 năm nhen nhóm, dự án thành lập một liên minh Bộ Tứ gồm ba quốc gia dân chủ ở Châu Á – Thái Bình Dương và Hoa Kỳ, tại vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương đã bước đầu hình thành, nhờ nhiều nỗ lực ngoại giao dồn dập trong những tháng gần đây.

Ý tưởng về một liên minh bốn quốc gia đã được thủ tướng Nhật Bản nêu lên lần đầu tiên vào năm 2007 (*). Tuy nhiên, vào thời điểm đó, do các áp lực của Trung Quốc, chính phủ Úc đã quyết định không tham gia. Chính phủ Ấn Độ lúc đó cũng giữ khoảng cách với dự án này.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 13/11/2017

----

(*) Ngày 22/08/2007, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có bài phát biểu trước Quốc Hội Ấn Độ, với tựa đề "Confluence of the Two Seas/Hợp lưu hai biển", trong đó ông Abe dẫn lại tác phẩm "Majma ul-Brahrain/Confluence of the Two Seas" của Dara Shikoh (1615–1659). Tác phẩm của nhà tâm linh Ấn Độ thời Mô-gôn (nổi tiếng với những tư tưởng khoan dung và nỗ lực tìm cách tăng cường hiểu biết giữa hai cộng đồng Ấn Giáo và Hồi Giáo) được thủ tướng Nhật gợi ra như một ẩn dụ cho khát vọng lâu đời, tìm kiếm liên thông giữa hai thế giới, hai vùng biển Thái Bình và Ấn Độ Dương, thúc đẩy quan hệ toàn diện Nhật - Ấn.

Published in Diễn đàn

Con Đường Tơ Lụa Mới : Bắc Kinh ngỏ ý đàm phán với Ấn Độ (RFI, 22/10/2017)

Dự án Một Vành Đai, Một Con Đường của Trung Quốc, tổ chức hồi tháng 5/2017, bị nhiều nước châu Âu và Ấn Độ tẩy chay. Gần đây, Bắc Kinh tỏ ý muốn mở cánh cửa đối thoại với Ấn Độ để kéo New Delhi vào một dự án, mà Trung Quốc coi là trụ cột trong chính sách đối ngoại, nhằm khẳng định vị trí trung tâm của Bắc Kinh trên trường quốc tế.

tq1

Công trình nghệ thuật ''Cầu Vàng trên Đường Tơ Lụa' của nghệ sĩ Shu Yong, mừng thượng đỉnh tại Bắc Kinh, về đề án Một Vành Đai Một Con Đường - OBOR. Ảnh ngày 10/05/2017. Reuters

Báo Ấn Độ The Indian Express, ngày 21/10/2017, dẫn lời một quan chức vụ châu Á, Bộ ngoại giao Trung Quốc, theo đó, Bắc Kinh sẵn sàng "trao đổi sâu" với phía Ấn Độ, để xua tan các lo ngại từ phía New Delhi. Giới chức nói trên bày tỏ hy vọng là Ấn Độ "hiểu" lập trường của Trung Quốc, và tham gia vào sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường của lãnh đạo Tập Cận Bình.

Một trong các lo ngại lớn của New Delhi là chủ quyền của Ấn Độ tại vùng Cachamir tranh chấp, sẽ bị xâm phạm trong trường hợp Trung Quốc triển khai dự án cùng với Pakistan tại vùng lãnh thổ này. Quan chức Bộ ngoại giao Trung Quốc trấn an New Delhis là dự án hoàn toàn không liên đến các vùng lãnh thổ tranh chấp, và "không ảnh hưởng đến lập trường vốn có" của Bắc Kinh về cao nguyên Cachemire.

Theo chuyên gia Bộ ngoại giao Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ đã có những tuyên bố tích cực về dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển thương mại xuyên châu Á nói trên, và Bắc Kinh hy vọng New Delhi cũng làm tương tự.

Tuyên bố của quan chức Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại Hội Đảng cộng sản hôm thứ Tư vừa qua, nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của Sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường.

Trên thực tế, quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong những tháng gần đây xấu đi trầm trọng với cuộc đối đầu tại vùng biên giới Doklam, khởi sự hồi tháng 6/2017, ít tuần sau hội nghị quốc tế Một Vành Đai, Một Con Đường, bị tẩy chay, và chỉ chấm dứt, cuối tháng 8, trước thềm thượng đỉnh của BRICS, mà Trung Quốc đăng cai. Bắc Kinh không muốn New Delhi tẩy chay nốt thượng đỉnh này.

Ấn Độ là một đối tác quan trọng mà cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều muốn tranh thủ. Đúng ngày khai mạc Đại Hội Đảng cộng sản Trung Quốc, 18/10, ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã có tuyên bố về Ấn Độ, ca ngợi mối quan hệ sâu sắc giữa "hai nền dân chủ lớn nhất thế giới", đồng thời cáo buộc Bắc Kinh có những hành động "thách thức luật pháp quốc tế, gây bất ổn thế giới".

Trọng Thành

***********************

Bắc Triều Tiên "tự đẩy mình vào chỗ chết" nếu thử tiếp tên lửa (RFI, 22/10/2017)

Tham vọng làm chủ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên dường như ngày càng đẩy đồng minh Trung Quốc, và trước hết là lãnh đạo Tập Cận Bình, vào thế kẹt. Đúng vào lúc Đảng cộng sản Trung Quốc họp Đại Hội, một học giả Trung Quốc cho biết nếu thử tên lửa thêm một lần nữa, chế độ Bình Nhưỡng sẽ "tự đẩy mình vào chỗ chết".

tq2

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, theo dõi vụ bắn thử tên lửa Hwasong-12, ngày 16/09/2017KCNA via Reuters

Báo mạng Anh Quốc Express, ngày hôm nay, 22/10/2017 dẫn lại một cuộc phỏng vấn "gây sốc", của học giả Chong Sho Hu, giáo sư quan hệ quốc tế Đại Học Nhân Dân Bắc Kinh, với BBC. Vị giáo sư này cho hay Bắc Triều Tiên "đang tìm đến cái chết" khi tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân. Ông khẳng định kỷ nguyên bạn hữu giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã kết thúc, "chủ tịch Tập Cận Bình đã ngán ngẩm với các hành xử bất định của nhà độc tài Bắc Triều Tiên Kim Jong-un".

Trong một lần gần đây, lãnh đạo Trung Quốc cho biết đã "sôi lên vì giận", sau khi Bình Nhưỡng thử vũ khí mới ngay vào lúc Trung Quốc chuẩn bị đón một hội nghị quốc tế toàn cầu quan trọng (ngụ ý nhắc đến vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên ngay trước thượng đỉnh của nhóm BRICS tổ chức tại Hạ Môn-Xiamen hồi đầu tháng 9).

Theo báo mạng Anh Quốc, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, ông Max Baucus, từng cho biết lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ có một lần duy nhất sử dụng "ngôn từ không mang tính ngoại giao", đó là khi nói về Kim Jong-un.

Trung Quốc và Bắc Triều Tiên có thể từ bạn thành thù

Học giả Chong Sho Hu nhận định là việc quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên chuyển từ bạn thành thù không phải là điều không thể xảy ra, bởi trong lịch sử Bắc Kinh đã từng có lúc coi những quốc gia một thời đồng minh chí cốt, như Liên Xô và Việt Nam, là kẻ thù, chiến tranh đã xẩy ra giữa hai bên.

Giáo sư quan hệ quốc tế ở Bắc Kinh còn nói thêm là "Bắc Triều Tiên đang ở trong một tình thế hết sức mong manh. Chưa từng có quốc gia nào phải chịu các trừng phạt quốc tế nặng nề như vậy". Ông ví Bình Nhưỡng như "mấp mé bên miệng vực", chỉ cần "một làn gió nhẹ" cũng đủ tiêu vong.

Học giả Chong Sho Hu được coi là người có quan hệ mật thiết với các cơ quan ngoại giao, quốc phòng Trung Quốc.

Khủng hoảng Bắc Triều Tiên dường như tạm lắng lại trong thời gian Đảng cộng sản Trung Quốc họp Đại Hội 19. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, một khi quyền lực của ông Tập Cận Bình được củng cố sau Đại Hội, Hoa Kỳ chắc chắn sẽ gia tăng áp lực lên chủ tịch Trung Quốc, buộc Bắc Triều Tiên chấm dứt tham vọng hạt nhân.

Theo lãnh đạo CIA Mỹ, Mike Pompeo, phát biểu hôm thứ Năm, 19/10, Bắc Triều Tiên chỉ còn "vài tháng nữa" là làm chủ được vũ khí hạt nhân có thể tấn công Hoa Kỳ, mà đây là điều mà tổng thống Trump tuyên bố không chấp nhận.

Cựu tổng thống Carter muốn đến Bình Nhưỡng

Tại Mỹ, nhiều người vẫn muốn tìm giải pháp ngoại giao. Theo Reuters, cựu tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter, 93 tuổi, cho biết ông sẵn sàng đến Bình Nhưỡng, nhân danh chính quyền Trump để đối thoại với Bắc Triều Tiên.

Cựu tổng thống Mỹ Carter cho rằng căng thẳng hiện nay, với các cuộc khẩu chiến và ngờ vực gia tăng, có thể khiến lãnh đạo Bắc Triều Tiên chọn giải pháp tấn công phủ đầu, do sợ bị Mỹ tấn công trước. Bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản, một phần lãnh thổ hải ngoại, thậm chí lãnh thổ Bắc Mỹ có thể bị tấn công hạt nhân.

Cũng theo ông Jimmy Carter, ở Washington người ta có xu hướng đáng giá quá cao ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên, trong lúc trên thực tế, chính quyền Kim Jong-un không còn duy trì quan hệ với Bắc Kinh, như dưới thời Kim Jong-il, cha của Kim Jong-un.

Cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter từng đến Bình Nhưỡng năm 1994 để đối thoại với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành - ông nội Kim Jong-un - để thúc đẩy một thỏa thuận đình chỉ chương trình vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên, ít tuần trước khi Kim Nhật Thành qua đời.

Trọng Thành

****************

Trung Quốc : Lòng dân không "đỏ" như ý Đảng (RFI, 22/10/2017)

Cứ mỗi năm năm, Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lại được tiến hành trọng thể, với sự hỗ trợ rầm rộ của bộ máy tuyên truyền. Tuy vậy AFP ghi nhận trong những ngày tháng 10 này, chỉ có một nhúm người về hưu đến Thượng Hải, thăm địa điểm tổ chức đại hội lần đầu tiên của "đảng lớn nhất thế giới", được chế độ khoác cho màu sắc thiêng liêng của lòng ái quốc.

tq3

Ảnh Tập Cận Bình, Mao Trạch Đông ở Thượng Hải với khẩu hiệu "Học tập đồng chí Lôi Phong". Ảnh chụp ngày 26/09/2017. Reuters/Aly Song

Chính trong thành phố tô giới của Pháp trước đây, mà Mao Trạch Đông và các đồng chí của ông ta năm 1921 đã họp hội nghị đầu tiên thành lập ra đảng cộng sản, để rồi sau đó lên nắm quyền vào năm 1949.

Gần một thế kỷ sau, tòa nhà âm u bằng gạch khiêm tốn vẫn ngự trị ở trung tâm một khu phố gồm các cửa hàng sang trọng và các nhà hàng thời thượng, như một biểu tượng cho "nền kinh tế thị trường theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa", được những người kế nhiệm Mao lập nên.

Cai Tian, một khách tham quan "trẻ", "mới có" 46 tuổi thú nhận : "Ngày nay chẳng còn mấy ai quan tâm đến nơi này, chỉ có những người già nhất mới đến thôi. Người dân không dân tộc chủ nghĩa lắm đâu, hằng ngày họ chỉ nghĩ đến việc làm và cuộc sống".

Cách đó hơn một ngàn cây số, tại Bắc Kinh, chủ tịch Tập Cận Bình sắp được Đại hội Đảng 19 tiếp tục giao phó nhiệm vụ lãnh đạo nền kinh tế thứ nhì thế giới. Trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, chế độ Trung Quốc đã nỗ lực lay động lòng ái quốc, thách thức các nước láng giềng, từ Ấn Độ, Hàn Quốc cho đến các nước ven Biển Đông.

Trong bài diễn văn tràng giang đại hải hôm khai mạc Đại hội 18/10/2017, Tập Cận Bình nhiều lần nêu ra "sự phục hưng vĩ đại" của Trung Hoa, sau những ô nhục phải chịu đựng từ thế kỷ 19, trong cú sốc đối đầu với nền văn minh phương Tây.

Nhưng một nghiên cứu về dư luận gần đây cho thấy việc tuyên truyền cho chủ nghĩa dân tộc chỉ có tác dụng hạn chế lên người dân, tuy đã được đẩy lên cao độ hồi Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Công trình do giáo sư Alastair Johnston, trường đại học Havard chủ trì, được công bố vào đầu năm nay khẳng định : "Theo nhiều tiêu chí, thì mức độ dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc đã khựng lại hoặc thụt lùi từ năm 2009. Rõ ràng là những người trẻ ít mang đặc tính này hơn so với người lớn tuổi".

"Wolf Warrior 2" (Chiến binh sói 2), một bộ phim hành động dân tộc chủ nghĩa, trong đó một đội đặc nhiệm Trung Quốc đã chiến thắng các nhân vật phản diện phương Tây, mùa hè này đã đánh bại tất cả các kỷ lục ở rạp chiếu. Hàng đàn hàng lũ những kẻ khẩu chiến trên mạng xã hội, trong đó có không ít dư luận viên được Nhà nước trả công, luôn sẵn sàng "ném đá" những ai có vẻ thiếu tôn trọng tổ quốc. Nhưng các nỗ lực này cùng với chế độ kiểm duyệt siêu gắt gao cũng không loại trừ được những quan điểm khác biệt - theo nghiên cứu của Viện Mercator, công bố trong tháng này.

Các tác giả bản báo cáo cho biết : "Rất lạ lùng là không có ý thức hệ nào thống trị trên các diễn đàn Trung Quốc, nơi mà người ta tranh cãi gay gắt về quan điểm chính trị, kinh tế, xã hội".Những cảnh báo của chế độ về "các lực lượng thù địch" dường như không được chú ý lắm trong các cuộc tranh luận trên mạng xã hội.

Các chuyên gia cảnh báo, tình cảm dân tộc vẫn có thể trỗi dậy trong trường hợp xảy ra căng thẳng với các nước khác, hay khủng hoảng kinh tế.

Bắc Kinh nhiều khi làm ngơ để cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan bùng lên, nhất là đối với Nhật Bản. Nhưng chính quyền cũng lo ngại các vụ biểu tình chống Nhật chẳng hạn, quay ngược lại chống chính phủ, nên nhanh chóng huýt còi.

Nhà Trung Quốc học Kaiser Kuo, phụ trách mục Sinica trên trang web SupChina.com nhấn mạnh : "Chủ nghĩa dân tộc là con dao hai lưỡi, và Bắc Kinh cố ngăn chận".

Năm ngoái, khi Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, những người biểu tình - cho rằng phía sau quyết định này có bàn tay của Washington - đã tấn công vào các nhà hàng KFC ở nhiều thành phố. Tiếp đó có một cuộc tranh luận trên mạng về "yêu nước một cách thiếu suy nghĩ", rồi đến lượt báo chí kêu gọi những người này quay về nhà.

Kaiser Kuo giải thích : "Chắc chắn đa số giới trẻ nhận ra rằng sở dĩ Trung Quốc thịnh vượng là nhờ hợp tác với các nước khác trên thế giới, nên họ không chấp nhận ý thức hệ cứng rắn".

Thụy My

***********************

Biển Đông : Trung Quốc lập đơn vị cứu hộ mới cho hạm đội Nam Hải (RFI, 22/10/2017)

Hạm đội Nam Hải thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) - lực lượng chuyên trách các hoạt động của Hải Quân Trung Quốc ở Biển Đông, đang được bổ sung một đơn vị cứu hộ mới. Trung Quốc muốn tăng cường sự hiện diện và khả năng của mình trong vùng biển đang có tranh chấp.

tq4

Tàu ngầm và chiến hạm Trung Quốc tham gia cuộc thao diễn hải quân quốc tế ngày 24/04/2009 ngoài khơi Thanh Đảo, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải quân Trung Quốc. Reuters/Guang Niu

Như vậy là hạm đội Nam Hải sẽ có hai đơn vị cứu hộ. Báo Straits Times, hôm nay 22/10/2017, cho biết là theo các chuyên gia quân sự, đơn vị mới này sẽ tăng cường khả năng thực hiện các nhiệm vụ ở vùng biển xa hơn nữa của hải quân Trung Quốc. Còn một chuyên gia quân sự giấu tên nói với tờ Global Times là đơn vị cứu hộ mới có thể tăng khả năng phòng thủ của Hạm đội Nam Hải dọc theo bờ biển và trên biển, cũng như trong chiến đấu.

Nhiệm vụ chính của đơn vị cứu hộ hàng hải bao gồm triển khai các thiết bị cứu hộ, thiết bị lặn và các thiết bị khác trong mọi trường hợp khẩn cấp, để giảm thiểu tổn thất trong các tai nạn và bảo vệ các kỹ sư hàng hải. Đơn vị này cũng có thể tham gia vào các hoạt động cứu nạn trên biển.

Hạm đội Bắc Hải của Hải Quân Trung Quốc đã thành lập một đơn vị như vậy vào năm 2011, vì hạm đội Bắc Hải chịu trách nhiệm về các hoạt động cứu hộ trên tất cả các khu vực pháp lý của hải quân Trung Quốc. Các nguồn lực của hạm đội này đã được nâng cao trong quá trình hải quân Trung Quốc mở rộng tầm hoạt động trong những năm gần đây.

Theo hình ảnh vệ tinh mà các cơ quan tư vấn nước ngoai thu thập được, Trung Quốc đã triển khai hầu hết các tàu ngầm hạt nhân tiên tiến ở Biển Đông. Tuy nhiên, việc ngày càng có nhiều tàu ngầm trong khu vực đã làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn. Theo ông Collin Koh, chuyên gia về an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, nói : "Khi xảy ra tai nạn, tàu ngầm không thể dựa vào đơn vị cứu hộ của Hạm đội Bắc Hải".

Ông Ke Hehai, chính ủy của đơn vị, trong một phiên họp nghiên cứu báo cáo chính trị của chủ tịch Tập Cận Bình trong phiên khai mạc Đại Hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 giải thíchlà việc thành lập đơn vị cứu hộ mới cho hạm đội Nam Hải nằm trong khuôn khổ "cuộc cải cách quân sự mới nhất".

Thùy Dương

Published in Châu Á

Bắc Kinh bành trướng xuống ASEAN với Con Đường Tơ Lụa qua Lào

 Năm 2013, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra dự án về con đường tơ lụa mới, mà gần đây được đặt tên là dự án « Một Vành Đai, Một Con Đường »(Belt and Road Initiative). Trong loạt bài viết « Mùa hè Figaro », đặc phái viên Sébastien Falletti của nhật báo thiên hữu giúp người đọc tìm hiểu năm chặng chính của dự án này, trong đó chặng thứ hai nói về « Hành lang kinh tế từ Côn Minh đến Singapore » với mục tiêu hoàn thiện vào khoảng năm 2025.

Résultat de recherche d'images pour "bắc Kinh bành trướng xuống ASEAN với Con Đường Tơ Lụa qua Lào"

Hành lang kinh tế từ Côn Minh (Trung Quốc) đến Singapore được dự kiến hoàn thành năm 2025. Ảnh chụp màn hình báo Le Figaro ngày 02/08/2017. RFI / Tiếng Việt

Có mặt tại Boten (Lào), đặc phái viên của Le Figaro miêu tả công trường hoạt động « 24/24 giờ », đang khoan đoạn đường hầm dài 9 km và sâu 40 mét trong lòng « Núi Hữu Nghị ».

Boten là thị trấn vùng biên, nằm giữa Côn Minh (Trung Quốc) và Vientiane (Lào), và trở thành « vùng đặc quyền kinh tế » được Lào cho Trung Quốc thuê trong vòng 99 năm. Ở đây, 90% dân cư là người Hoa, ngôn ngữ chính là tiếng Hoa, luật lệ và giờ giấc được áp dụng theo Bắc Kinh, điện thoại di động bắt sóng của China Unicom và giao dịch có thanh toán được bằng Alipay, hệ thống trả tiền thông qua điện thoại di động của Alibaba.

Bà Đoạn Ôn Bình (Duan Wenping), giám đốc marketing của tập đoàn xây dựng Trung Quốc Haifeng Group thực hiện đoạn đường hầm, cho biết « người Lào được đưa hết ra khỏi khu vực. Họ quá chậm và không có tay nghề. Từ nay đến ba năm nữa sẽ có khoảng 30.000 người Hoa sinh sống tại đây và trong tương lai là 100.000 người ».

Thị trấn Boten sắp sửa « đổi đời » vì Bắc Kinh đang có ý định biến thành một thành phố rộng 34 km2 và là trạm tiền tiêu mới cho « nền văn minh Trung Hoa ». Theo bà Đoạn Ôn Bình, « nhờ những tuyến đường tơ lụa mới, Boten sẽ trở thành một trọng điểm giao thông, là nơi trung chuyển của các tuyến đường sắt và của một tuyến đường cao tốc nối liền với Bangkok ».

Để thực hiện dự án, 7 quả đồi sẽ bị san ủi để mở rộng diện tích thêm 10.000 ha. Khu đô thị mới sẽ có một trung tâm thương mại, nhiều cửa hàng miễn thuế, một trường dạy tiếng Hoa, khoảng 10.000 phòng khách sạn để thu hút du khách Trung Quốc muốn tìm không khí trong lành, ba ngôi đền theo phong cách Lào sẽ được xây dựng để thêm phần dân dã và một trường đua ngựa 500 ha, được cho là « lớn nhất châu Á ».

Dự án được Nhà nước Trung Quốc ủng hộ, cho phép mượn được những khoản vay khổng lồ của Ngân hàng Xây Dựng Trung Quốc (China Construction Bank). Bà Đoạn Ôn Bình cho biết « Việc thương lượng với chính phủ Lào rất dễ dàng. Chỉ cần rót ít tiền lót tay là được ».

Các nước láng giềng tăng cường đề phòng Trung Quốc

Với đoạn đường hầm chiến lược xuyên « Núi Hữu Nghị », song song với trục đường cao tốc, tuyến đường sắt sẽ rút ngắn thời gian đi lại, giữa Côn Minh và thủ đô Vientiane của Lào, xuống còn 10 giờ. Sau đó, tuyến đường sắt được nối tiếp bằng trục Vientiane-Bangkok vừa được Bắc Kinh ký nhiều thỏa thuận trị giá 5,2 tỉ đô la với chính quyền quân sự Thái Lan (song song với một dự án đường bộ từ bắc Thái Lan đến Bangkok). Mạng lưới này sẽ được nối vào tuyến đường sắt cao tốc Kuala Lumpur-Singapore mà Malaysia vừa khởi công xây dựng.

ASEAN là khu vực quan trọng về kinh tế, cũng như về địa chiến lược. Bà Đoạn Ôn Bình giải thích : « Đường cao tốc tới Bankok sẽ nối với cảng Moulmein ở Miến Điện, một quốc gia quan trọng với Trung Quốc. Trong trường hợp chiến tranh, nguồn tiếp tế đến từ châu Âu hay Trung Đông sẽ không còn bị phụ thuộc vào mỗi eo biển Malacca, do Singapore kiểm soát ».

Với điều kiện Miến Điện tham gia cuộc chơi, Trung Quốc mới chấm dứt được « thế nước đôi của Malacca » mà cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào từng nhắc đến, nhằm ám chỉ đến việc 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc từ Trung Đông phải đi qua khu vực này, trong khi Singapore là một đồng minh của Mỹ.

Trung Quốc đang tràn xuống Đông Nam Á, nhưng vấp phải sự lo ngại ngày càng lớn của các nước trong vùng trước một « cuộc xâm lược » mới. Chỉ có Lào là mắt xích yếu trong vùng, giữa một bên là Việt Nam chống Trung Quốc và bên kia là Miến Điện ngày càng hoài nghi. Lào trở thành trung gian giúp Bắc Kinh vươn xuống miền nam. Giáo sư Jean-Pierre Cabestan thuộc đại học Baptiste Hồng Kông đánh giá « đảng Pathet Lào là một băng đảng mafia và Lào đã thành một vệ tinh của Trung Quốc ».

Trung Quốc là nước có lợi nhất trong dự án Con Đường Tơ Lụa Đông Nam Á. Bắc Kinh sẽ hưởng 70% lợi nhuận từ tuyến đường sắt và có thể xây dựng những dự án bất động sản sinh lời dọc bên đường. Các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ sử dụng lao động người Hoa. Còn người Lào sẽ chỉ hưởng « đầu thừa đuôi thẹo », như làm dọn phòng trong khách sạn.

Thế nhưng, sự phát triển quy mô lớn này lại che giấu những điểm yếu khổng lồ bên trong. Theo bà Đoàn, « dự án một con đường, một vành đai là điều không thể tránh được, vì nếu không, tình trạng sản xuất dư thừa của ngành công nghiệp Trung Quốc sẽ bùng nổ ». Bắc Kinh xuất khẩu mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở hạ tầng và nguồn tín dụng dễ dãi với nguy cơ hình thành những thành phố ma mới và khối nợ cao như núi bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Venezuela : Chuyển hướng sang độc tài, Maduro khiến quốc tế lo ngại

Venezuela chìm trong bất trắc sau cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến ngày 30/07/2017, đặc biệt sau sự kiện hai nhà đối lập bị bắt giữ tại nhà riêng. Trong khi đó, phiên họp khai mạc chính thức của Quốc Hội mới, được dự kiến vào ngày 02/08, vẫn chưa được khẳng định.

Nhật báo Le Monde đánh giá « Venezuela chìm trong bất trắc ». Từ trừng phạt một số quan chức cao cấp của Caracas, Washington trừng phạt đích danh tổng thống Maduro vào ngày 31/07. Lãnh đạo Venezuela trở thành nguyên thủ thứ tư bị Mỹ trừng phạt, sau tổng thống Syria Bachar Al Assad, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe. Nhiều quốc gia, trong đó có Liên Hiệp Châu Âu, chỉ trích Quốc Hội Lập Hiến. Ngược lại, Nga và Cuba công nhận kết quả cuộc bầu cử.

Libération nhấn mạnh đến sự kiện « Hai nhà đối lập quay lại nhà tù » sau khi được trả tự do và bị quản thúc tại gia trước khi diễn ra cuộc bầu cử. Đánh giá sự kiện này, Les Echos cho rằng « Venezuela : Chuyển hướng sang độc tài, Maduro khiến quốc tế lo ngại ». Chủ tịch Nghị Viện Julio Borges, thuộc phe đối lập, khẳng định cơ quan lập pháp vẫn tiếp tục làm việc bất chấp cuộc bầu cử gây tranh cãi cách đây hai ngày.

Brazil : Số phận tổng thống Temer trong tay các nghị sĩ

Vẫn tại Nam Mỹ, số phận của tổng thống Brazil cũng được các nhật báo Pháp đề cập. Hôm nay, Quốc Hội sẽ quyết định liệu ông Michel Temer có bị xét xử về tội tham nhũng hay không.

Nhận xét về sự kiện hiếm hoi ở Brazil, nhật báo Le Figaro cho rằng « Số phận tổng thống Temer nằm trong bàn tay nghị sĩ ». Trong trường hợp đa số phiếu ủng hộ tiếp tục truy cứu tư pháp, ông Temer sẽ bị đình chỉ chức vụ tổng thống, có thể lên đến 180 ngày. Chủ tịch Hạ Viện Rodrigo Maia sẽ lên thay thế, song ông Maia hiện cũng đang bị điều tra tham nhũng.

Nhật báo La Croix đưa tin : « Tổng Brazil Michel Temer tìm cách cứu ghế ngồi của mình ». Sau hơn một tháng tăng cường vận động hành lang « bổ nhiệm vị trí, tạo đặc quyền » để có phiếu ủng hộ, chính phủ chắc chắn thu được 172 phiếu cần thiết để tránh phế truất ông Temer. Thông tín viên của La Croix nhận định, giống như đợt phế truất tổng thống Dilma Rousseff năm 2016, cuộc bỏ phiếu của các nghị sĩ mang tính chính trị hơn là tư pháp.

Phe đối lập với tổng thống, có vẻ yếu thế lần này, « dường như muốn kế vị tổng thống không được lòng dân tiếp tục nắm quyền để toàn tâm toàn ý vào cuộc bầu cử năm 2018 ».

Pháp tổ chức Thế Vận Hội Mùa Hè 2024

Thế Vận Hội mùa Hè 2024 thuộc về Pháp là chủ đề trang nhất của hầu hết nhật báo. Le Monde chạy tựa : « Paris rộng đường chuẩn bị Olympic 2024 », với La Croix, « Paris sẵn sàng chào đón sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh vào năm 2024 », Le Figaro nhận định : « Paris 2024, Thế Vận Hội thế là đã xong », còn Les Echos đặt câu hỏi « Paris đã giành được JO 2024 như thế nào ? »

Ngày 31/07/2017, Los Angeles, thành phố ứng cử đăng cai Olympic với Paris, đã chính thức cho biết muốn đang cai Olympic 2028. Vì thế, thủ đô Paris của Pháp là ứng viên duy nhất còn lại muốn đăng cai Olympic 2024. Paris đã đầu tư 6,6 tỉ euro để được đăng cai Thế Vận Hội. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng của Ủy ban Thế Vận chỉ được thông báo sau lá phiếu ngày 13/09.

Du khách Trung Quốc trở lại Pháp

Đây là chủ đề trên trang nhất của Le Figaro. Sau năm 2016 khó khăn, ngành khách sạn và thương mại Pháp vui mừng thấy những du khách Trung Quốc trở lại. Đây là khách hàng quan trọng vì họ sẵn sàng chi trung bình 200 euro mỗi ngày, trong đó 1/3 dành cho mua sắm.

Trong trái tim người Hoa, Pháp và Paris vẫn chiếm vị trí đầu tiên tại châu Âu vì với họ, « Paris là thành phố của lãng mạn, của lịch sự và họ hình dung mọi người ra đường đều mặc Dior và xực nước hoa Chanel ». Pháp thu hút đến 24,6% lượng du khách Trung Quốc, song vẫn mất 3 điểm so với cách đây ba năm vì tình trạng « cướp giật và móc túi, được cho là những thiệt hại cho lĩnh vực du lịch ».

Số du khách tự đến Pháp chiếm 40% tổng du khách Trung Quốc, đó là « một thế hệ mới độc lập, kết nối và đi tìm sự độc đáo ». Sau Paris, du khách Trung Quốc muốn đến những địa điểm du lịch nổi tiếng khác của Pháp, bắt đầu từ những địa điểm được xếp hạng di sản thế giới của Unesco. Chính vì vậy, các tỉnh của Pháp cũng muốn có phần trong « miếng bánh » béo bở này.

Từ ngày 02/08, nhân loại ăn lạm quỹ tài nguyên của năm 2017

Ngày 02/08 đánh dấu « ngày tiêu thụ vượt quá giới hạn phục hồi tài nguyên của Trái Đất »(Earth overshoot day) của năm 2017, có nghĩa là từ nay đến cuối năm, con người ăn lạm vào nguồn tài nguyên trên hành tinh.

Với Le Figaro, « Ngày 02/08, ngày mà chỉ một Trái Đất không còn đủ », Le Monde và Les Echos cùng đưa tin : « Kể từ ngày 02/08, nhân loại sống nhờ vay mượn ». Trang nhất và mục « Sự kiện » của Libération là hàng tựa lớn « Trái Đất đang phải đi vay ». Nhật báo nhấn mạnh : Thời điểm mà bạn đọc hàng tựa này, có 1 triệu kg khí CO2 thải vào khí quyển, 41.200 kg thức ăn bị bỏ đi, 10.000 kg thịt bò được tiêu thụ, 4.900 kg cá bị đánh bắt.

Theo tính toán của Viện nghiên cứu quốc tế Global Footprint Network, tại Oakland (Calofornia), tiêu thụ của nhân loại vượt hơn 70% các nguồn tài nguyên có trên Trái Đất, có nghĩa là cần có 1,7 hành tinh như Trái Đất để đáp ứng nhu cầu của con người.

Hậu quả của tình trạng tiêu thụ quá mức là nạn phá rừng, hệ sinh thái suy giảm, thiếu nước, đại dương bị axit hóa, lở đất, tích lũy rác thải hay lượng khí CO2 tăng trong bầu không khí…

Nếu như năm 1961, 1/4 trữ lượng Trái Đất còn chưa được khai thác, thì từ năm 1970, nhân loại bắt đầu ăn lạm vào nguồn tài nguyên và hàng năm, ngày này đến càng sớm hơn, như năm 1985 là ngày 05/11, năm 2009 là ngày 20/08 và 2016 là ngày 08/08.

Thu Hằng

Published in Châu Á

Thượng đỉnh tại Bắc Kinh về Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc trong hai ngày 14-15/05/2017 đã bế mạc. Theo ghi nhận của phóng viên hãng tin Pháp AFP tại Bắc Kinh, để tuyên truyền về sáng kiến này, Trung Quốc đã dùng đến một phương thức được cho là khá tinh xảo : Đó là kể lại những câu chuyện về Con Đường Tơ Lụa qua sách hay video mà người ta đọc hay xem trước khi ngủ. Đối tượng tuyên truyền là cả trẻ em lẫn người lớn, trong nước cũng như ngoài nước.

tolua1

Công trình nghệ thuât ''Cầu Vàng trên Đường Tơ Lụa' của nghệ sĩ Shu Yong, mừng thượng đỉnh tại Bắc Kinh, về đề án Một Vành Đai Một Con Đường - OBOR. Ảnh ngày 10/05/2017.Reuters

Thượng đỉnh tại Bắc Kinh về Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc trong hai ngày 14-15/05/2017 đã bế mạc. Theo ghi nhận của phóng viên hãng tin Pháp AFP tại Bắc Kinh, để tuyên truyền về sáng kiến này, Trung Quốc đã dùng đến một phương thức được cho là khá tinh xảo : Đó là kể lại những câu chuyện về Con Đường Tơ Lụa qua sách hay video mà người ta đọc hay xem trước khi ngủ. Đối tượng tuyên truyền là cả trẻ em lẫn người lớn, trong nước cũng như ngoài nước.

Theo Joanna Chiu, phóng viên AFP tại Bắc Kinh, đó là những câu chuyện như trong một đoạn video, người ta thấy một người Mỹ kể cho đứa con gái vào lúc đi ngủ, câu chuyện về ông Tập Cận Bình ký đề án Con Đường Tơ Lụa Mới với một chương trình đồ sộ về hạ tầng cơ sở.

Hai ngày trước cuộc họp thượng đỉnh quy tụ gần 30 lãnh đạo thế giới, truyền thông nhà nước ồ ạt đưa lên trang mạng một loạt video ca ngợi kế hoạch Một Vành Đai, Một Con Đường (One Belt One Road – OBOR) của Tập Cận Bình. Các clip video nhắm vào người nước ngoài hơn là người bản xứ, đã xuất hiện trên Facebook, Twitter, YouTube, bình thường bị cấm ở Trung Quốc.

Báo Anh Ngữ China Daily đã đưa lên mạng những mẫu chuyện của Erik Nilsson, một nhà báo Mỹ làm việc cho tờ báo nhà nước này, kể cho con gái mình nghe trước khi đi ngủ câu chuyện về đề án này.

Trong câu chuyện đầu tiên, ông Nilsson sử dụng một tấm bản đồ và hình ghép Lego để giải thích rằng đề án hàng tỷ đô la này sẽ giúp chuyển hàng hóa vòng quanh thế giới dễ dàng hơn như thế nào. Trước khi tắt đèn ông còn nói với cô con gái : "Đó là ý của Trung Quốc nhưng giờ đây nó thuộc về thế giới".

Trong một email gởi đến AFP, Erik Nilsson giải thích ông đã phát triển khái niệm này với đồng nghiệp Trung Quốc, dựa trên kinh nghiệm bản thân ông, thường nói chuyện với con gái về những chuyến đi làm việc của ông.

Loạt chuyện về Vành Đai và Con Đường, theo ông, rất tự nhiên vì đó là cung cách mà ông và con gái nói chuyện trước khi ông bắt đầu một chuyến đi làm việc. Và ê kíp của ông tin là phương thức này giới thiệu được một cách dễ hiểu một đề án rất phức tạp để mọi người, Trung Quốc cũng như nước ngoài, đều hiểu.

Phát huy quyền lực mềm

Đề án con đường tơ lụa mới này của ông Tập Cận Bình nhằm mục tiêu gắn Châu Á với Châu Âu, Châu Phi qua một hệ thống khổng lồ bao gồm đồ sộ đường sắt, đường bộ và đường biển.

Các nhà phân tích xem đây là nỗ lực phát huy quyền lực mềm của Trung Quốc, chộp lấy chiếc áo khoác toàn cầu hóa, trong lúc mà nước Mỹ lại trở thành hướng nội thời Donald Trump với chính sách" America Fisrt".

Một phim hoạt hình khác, tựa đề" Bon voyage, Whisky", nói đến hành trình 20 ngày trong tháng Tư của một chai Whisky, lái một chiếc xe lửa chở hàng đầu tiên nối liền Anh Quốc và Trung Quốc. Mắt của Whisky biến thành hình quả tim, khi nhìn thấy một lọ vitamin mặc váy hồng trên chiếc xe lửa China Railway Express. Và cả hai kết thúc hành trình ở một phòng ăn một gia đình Trung Quốc.

Trong lúc đó, một clip nhạc tập hợp trẻ em, có vẻ là từ nhiều nước khác nhau trên thế giới, hát ca ngợi và bày tỏ lòng" biết ơn" đối với kế hoạch Một Vành Đai, Một Con Đường đã mang lại tương lai cho mọi người.

Theo hãng tin Pháp AFP, giới phân tích nhận thấy là các video được tung ra nhằm hai mục đích : Một mặt là đáp trả những lời chỉ trích là kế hoạch là nhằm phát triển thị trường xuất khẩu Trung Quốc hơn là tạo cơ hội đầu tư cho các nước ngoài. Một mặt khác thì đó cũng là nỗ lực hầu thuyết phục dân chúng nước ngoài là chủ trương này, nếu thực hiện được, sẽ tốt cho mọi người.

Một chuyên gia về truyền thông, Nicole Tamacs, trường đại học Tây An-Giao Thông-Liverpool, cho rằng các video này không dành riêng cho trẻ em". Khái niệm ‘chuyện kể cho con lúc lên giường’ (bedtime story) có lẽ chỉ là cách để ‘làm dịu đi’ hay xóa bỏ cảm giác bị đề án OBOR tấn công hay đe dọa".

Phóng viên AFP ghi nhận đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng yếu tố người nước ngoài trong các video tuyên truyền cho một chương trình của chính phủ. Năm 2015, truyền thông nhà nước đã đưa lên một video nhạc nước ngoài sống động để nói về kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của chính phủ.

Manya Koetse, chuyên gia nghiên cứu về trào lưu xã hội Trung Quốc giải thích : "Đây là phong cách hiện nay của các truyền thông Trung Quốc để mở rộng ảnh hưởng ra khán thính giả khắp nơi. Cách tuyên truyền hiện nay không còn như vào năm 1997, mà đi theo trào lưu thời đại với video trên mạng, trên mobile, nhạc và lời phù hợp với con người thế hệ hiện tại. Và Bắc Kinh "muốn cho thấy vai trò của Trung Quốc trên thế giới trong tư cách như một nhà lãnh đạo hài hòa, giúp toàn thể thế giới trở thành một nơi phồn thịnh hơn".

Mai Vân

Published in Châu Á
mercredi, 17 mai 2017 22:09

Con Đường Tơ Lụa Mới

Hội nghị quốc tế về Con Đường Tơ Lụa mới vừa kết thúc hôm Thứ Hai tại Bắc Kinh với lời phát biểu hùng hồn của Chủ tịch Tập Cận Bình về một trật tự mới của thế giới trong sự hợp tác cho thịnh vượng chung.

con1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong bữa tiệc chào mừng lãnh đạo các nước tham dự Diễn đàn Vành Đai và Con Đường tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh vào ngày 14 tháng 5 năm 2017. AFP photo

Sáng kiến của Bắc Kinh

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, hội nghị quốc tế về Sáng kiến Một vành đai Một con đường của Trung Quốc vừa chấm dứt hai ngày họp tại Bắc Kinh nhưng lại không có thêm dữ kiện cụ thể liên hệ đến công trình mà Chủ tịch Tập Cận Bình gọi là "dự án của thế kỷ". Ông nghĩ sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chấm dứt hội nghị, ông Tập Cận Bình dùng hình tượng bầy ngỗng trời đặc thù của Châu Á thường bay sau con đầu đàn với dạng chữ V ngang. Các nhà báo sính văn hóa có khi tâm đắc với hình ảnh đầu đàn của Trung Quốc trong một dự án "hoành tráng", với ngoặc kép, giữa 65 quốc gia trên đại lục địa Âu Á, có 62% dân số toàn cầu và sản xuất ra 30% sản lượng của thế giới. Nhưng thuần về kinh tế thì đấy là bầy chim sẽ còn thay hình đổi dạng theo cái nhìn của Bắc Kinh. Tôi xin lần lượt giải thích, sau khi trình bày bối cảnh.

Đầu tiên là vào Tháng 9 rồi Tháng 10 năm 2013, khi thăm Cộng hòa Kazahkstan tại Trung Á và Indonesia tại Đông Nam Á, ông Tập nói đến kế hoạch gọi là Con Đường Tơ Lụa Mới, gồm hai phần là Nhất Đái và Nhất Lộ, theo Anh ngữ là One Belt, One Road, gọi tắt là OBOR. Nhất Đái hay Nhất Đới là "tẩu lang kinh tế" trên bộ từ Trung Quốc tới Âu Châu qua Nga, khu vực Trung Á và Trung Đông. Nhất Lộ là "đường Hàng hải Thế kỷ 21" từ Trung Quốc qua biển Đông Nam Á tới Ấn Độ Dương và các biển Đông Phi, Trung Đông rồi Địa Trung Hải đến tận Âu Châu. Khi đó báo chí Bắc Kinh còn so sánh tham vọng OBOR với Kế hoạch Marshall khi Hoa Kỳ viện trợ cho 16 nước Âu Châu tái thiết sau Thế Chiến II, đấy là một so sánh buồn cười mình sẽ nói sau. Vài năm qua, Bắc Kinh lại sửa tên gọi theo Anh ngữ là "Belt and Road Initiative", viết tắt là BRI. Rồi đây, tôi nghĩ là họ còn sửa nữa, chứ "Belt and Road Initiative" hay bầy ngỗng dại này chưa định hình và sự thật lại chẳng giống như ông Tập vẫn tô vẽ trước sự trầm trồ của những người thiếu hiểu biết.

Nguyên Lam : Ông vừa nói sự thật lại chẳng giống như Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn tô vẽ, ông có thể giải thích chuyện này được không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thật ra, bầy ngỗng dại này cất cánh lần đầu từ năm 1999, vào thời Chủ tịch Giang Trạch Dân và xuất phát từ thực tế nghiệt ngã về địa dư của Trung Quốc.

Với diện tích 10 triệu cây số vuông, xứ này có ít nhất hai khu vực khác biệt. Tại hướng Đông là vùng duyên hải có các tỉnh tương đối trù phú và tăng trưởng mạnh sau khi mở ra buôn bán với bên ngoài. Bên trong, tại hướng Tây và hướng Bắc hoang vu, là các tỉnh nghèo nàn lạc hậu bị khóa trong lục địa, khó thông thương ra ngoài mà lại là nơi tập trung các dị tộc thiểu số. Trong lịch sử, Trung Quốc bị loạn khi dân nghèo từ trong đổ xuống vùng Trung Nguyên hay Hoa Đông, như thời Tần Thủy Hoàng hay Mao Trạch Đông. Vì vậy, Bắc Kinh có chiến lược "Tây Tiến", đó là "Tây Bộ Đại Khai Phá" do Tổng lý Quốc vụ viện là Thủ tướng Chu Dung Cơ chỉ đạo từ năm 2000 nhằm phát triển các vùng nghèo khốn tại miền Tây để tránh dị biệt quá lớn về lợi tức và nhận thức.

Khu vực này chiếm hơn 70% diện tích lãnh thổ, trùm lên các tỉnh là Cam Túc, Thanh Hải, Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Vân Nam, năm đặc khu tự trị của các sắc dân thiểu số, là Quảng Tây, Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông, Ninh Hạ, cùng một thành phố thuộc quyền quản lý của trung ương là Trùng Khánh. Bây giờ, khi Tập Cận Bình muốn mở ra các "tẩu lang kinh tế" chính là để khu vực hoang vu bát ngát này có thể buôn bán với bên ngoài. Yêu cầu ở đây chính là an ninh và kinh tế cho nội tình Trung Quốc. Rồi họ sở dĩ cứ đổi tên gọi vì chưa thống nhất được hệ thống quản lý công cuộc mở mang khai phá đó.

CHINA-DIPLOMACY-TRADE

Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ phát biểu tại Diễn đàn Vành Đai và Con Đường tại Bắc Kinh vào ngày 14 tháng 5 năm 2017. AFP photo

Nguyên Lam : Nhưng thưa ông, có nguồn dư luận e rằng kế hoạch Một vành đai Một con đường ấy của Bắc Kinh chính là để bành trướng ảnh hưởng với các nước bên ngoài. Ông nghĩ sao về nhận định đó ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Với thần dân của họ, dĩ nhiên lãnh đạo Bắc Kinh muốn tuyên truyền cho sự "quật khởi hòa bình" và chính đáng sau hơn trăm năm lụn bại và bị liệt cường sâu xé kể từ quãng 1840 cho tới khi đảng Cộng sản thống nhất đất nước từ năm 1949. Ta hiểu ra nhu cầu tâm lý chính trị đó, khi giới lý luận thủ cựu mơ ước phát huy tư thế và ảnh hưởng của Chủ nghĩa Dân tộc Đại Hán qua Con Đường Tơ Lụa. Nhưng lãnh đạo Trung Quốc hiện có nhiều ưu tiên cấp bách hơn, đó là tái phân lợi tức từ các tỉnh tương đối trù phú tại vùng duyên hải ở miền Đông vào các địa phương nghèo đói và lạc hậu bị khóa ở trong nên không tiếp cận với thế giới.

Đây là loại nan đề ngàn năm của Trung Quốc đang trở thành sức ép chính trị cho lãnh đạo vì người dân bên trong đã biết và không chấp nhận bất công được nữa. Nhưng, về kinh tế thì ta còn cần thấy ra chuyện khác nữa và chúng ta nên hãi sợ về sự sợ hãi của Bắc Kinh.

Âm mưu của Trung Quốc

Nguyên Lam : Ông hay trình bày sự thể dưới dạng nghịch lý làm người đọc giật mình. Thưa ông, thế nào là chúng ta nên hãi sợ về sự sợ hãi của Bắc Kinh.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trong lịch sử, chưa khi nào kinh tế Trung Quốc lại cần buôn bán với thế giới như hiện nay. Ngoại thương hay xuất nhập khẩu là lẽ sống của họ, mà 90% hàng hóa lại được chở qua biển vì là phương tiện rẻ nhất. Nhìn từ Bắc Kinh ra biển, với tâm trạng của một kẻ từng bị hạm đội xứ khác khuất phục, họ thấy ba mặt biển cận duyên là biển Hoàng hải, biển Hoa Đông và biển Hoa Nam lại bị ngăn bởi các quần đảo mà họ gọi là "Đệ Nhất Đảo Liên", như chuỗi xích kéo dài từ Nhật Bản, Đài Loan tới Philippines và Indonesia.

Nhiều quốc gia quần đảo này lại là đồng minh của Mỹ. Luồng giao dịch hàng hóa từ các hải cảng của Trung Quốc tại vùng duyên hải với thế giới phải qua nhiều eo biển, thí dụ như eo biển Malacca, hiện nay vẫn do một siêu cường bảo vệ. Khi thấy an ninh kinh tế của mình lại nằm trong tay của Hoa Kỳ, Bắc Kinh sợ là có ngày bị Mỹ xiết họng ! Vì vậy, họ mới có nhiều động thái đáng ngại.

Thứ nhất là họ cưỡng đoạt quần đảo hay bãi cạn của các lân bang nghèo yếu hơn ; thứ hai là quân sự hóa các bãi cạn đã chiếm và biến thành đảo nhân tạo ; thứ ba là ly gián các nước trong Hiệp hội ASEAN theo kiểu bẻ đũa từng chiếc để nhóm kinh tế Đông Nam Á này không thể thống nhất hành động chống cự ; thứ tư là mua chuộc hai thành viên của ASEAN đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với họ tại Đông Nam Á, là Việt Nam và Philippines ; thứ năm là tránh gây hấn trực tiếp với Hoa Kỳ. Dù vậy, Bắc Kinh vẫn chưa yên lòng nên tìm cách tiến thẳng ra Ấn Độ Dương mà tránh các eo biển Đông Nam Á. Đấy cũng là mục tiêu của "Tẩu lang Kinh tế Đông Dương" với bảy nước Việt, Miên, Lào, Thái Lan, Malaysia, Brunei và Indonesia và của "Tẩu lang Kinh tế Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Miến Điện".

Nguyên Lam : Chúng ta bước qua phần hai, với câu hỏi là sau bốn năm chuẩn bị thì Sáng kiến Đới Lộ này đã tiến tới đâu và có hy vọng thành hình không ?

CHINA-DIPLOMACY-TRADE

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu trong lễ khai mạc Diễn đàn Vành Đai và Con Đường tại Bắc Kinh vào ngày 14 tháng 5 năm 2017.AFP photo

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta trở lại với thực tế phũ phàng. Thứ nhất, việc xây dựng chuỗi hành lang trên đất liền và ngoài biển, như xa lộ, thiết lộ, cầu đường, phi cảng, hải cảng, ống dẫn dầu khí v.v, qua một vùng bát ngát có bốn tỷ 400 triệu dân, là 62% dân số địa cầu, mà chỉ sản xuất có 30% sản lượng toàn cầu thôi. Hai con số ấy, 62% dân số và 30% sản lượng, cho thấy sự nghèo nàn của khu vực. Mà hiện nay và trong tương lai xa xôi, vùng đất hoang vu ấy có quá nhiều tranh chấp và bất ổn có thể gây loạn cho Trung Quốc. Đấy là về địa dư, kinh tế, xã hội và cả an ninh trong một vùng đang có khủng bố Hồi giáo cực đoan và sự nghi kỵ về sự can thiệp của ngoại bang.

Thứ hai là chuyện bạc tiền. Khi công bố kế hoạch bốn năm về trước, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết kinh phí dự trù là năm ngàn tỷ đô la, dùng trong bao lâu thì chưa rõ. Ngân hàng Hongkong Shanghai của Anh thì tính ra nhu cầu từ bốn đến sáu ngàn tỷ trong 15 năm, và Ngân hàng Phát triển Á Châu ADB ước lượng rằng là từ nay đến năm 2030 các nước Châu Á cần 26 ngàn tỷ cho các dự án xây dựng hạ tầng ! Tính đến nay thì các ngân hàng có vốn của Trung Quốc mới chỉ gạn được khoảng ba trăm tỷ thôi và một số dự án đầu tiên đã lỗ vốn. Thứ ba, trong 65 nước liên hệ đến Con đường Tơ lụa mới thì chỉ có 20 nguyên thủ tham dự hội nghị tuần qua ở Bắc Kinh với Chủ tịch Tập Cận Bình, tức là lãnh đạo của 44 quốc gia vẫn đứng ngoài nghe ngóng mà đấy lại là các nước giàu nhất với lợi tức bình quân một đầu người là 25 ngàn đô la so với 20 nước có lãnh tụ tới Bắc Kinh thì người dân chưa có được 15 ngàn một năm.

Thứ tư ta thấy bài toán phối hợp giữa các nước và giữa các cơ quan của Trung Quốc với nhau. Nhiều tỉnh hay tập đoàn kinh tế nhà nước của Bắc Kinh nhảy vào vay tiền ngân hàng cũng của nhà nước, nhân đó dùng khối nguyên vật liệu ế ẩm và nhân công dư dôi của họ vào các dự án có giá trị kinh tế đáng ngờ. Trong khi đó dự án hỏa xa nối liền Trùng Khánh với thành phố Duisburg của Đức được coi như một thành công chói lọi lại chẳng là sáng kiến của Bắc Kinh mà do tổ hợp Hewlett-Packard của Mỹ đề ra từ sáu năm trước để chở máy vi tính qua Âu Châu cho lẹ. Vì vậy, ta không nên chờ đợi phép lạ mà phải chấp nhận nhiều năm học bay cho bầy ngỗng trời.

Nguyên Lam : Câu hỏi ngược lại, thưa ông, đâu là những rủi ro cho các nước khi Trung Quốc lại muốn là con ngỗng đầu đàn ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Một số quốc gia đã thấy dụng tâm của Bắc Kinh trong kế hoạch này, như Thống đốc Chu Tiểu Xuyên của Ngân hàng Nhà nước Bắc Kinh có phát biểu, là chính phủ Trung Quốc không có đủ tiền nên các nước dần tìm nguồn tài trợ rẻ tiền để thực hiện dự án và khi ấy sẽ sử dụng đồng Nguyên của Trung Quốc. Tại hội nghị ở Bắc Kinh, bà Tổng trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức hăm là không ký tên vào thông cáo chung nếu thiếu điều kiện đảm bảo tình chất bình đẳng cho các doanh nghiệp dự thầu vì ai cũng cho là Trung Quốc sẽ tìm cách nâng đỡ doanh nghiệp của mình.

Tuy nhiên, sự bất đồng và bất công ấy thật ra vẫn còn nhỏ so với nhiều mối quan tâm khác. Các nước trong Hiệp hội ASEAN thì sợ đòn ly gián của Bắc Kinh. Liên hiệp Âu Châu thấy Trung Quốc muốn tranh thủ các nước Đông Âu nên sẽ gây khó cho đối sách thống nhất của cả khối. Ấn Độ chẳng yên tâm trước ảnh hưởng lớn mạnh của Trung Quốc với Pakistan và đe dọa quyền lợi của mình tại bang Kashmir. Tướng lãnh Miến Điện và bà Aung San Suu Kyi thì thấy bàn tay Bắc Kinh đằng sau các lực lượng thiểu số đòi ly khai tại biên giới giữa hai nước. Liên bang Nga có thể ủng hộ sáng kiến của Bắc Kinh nhưng vẫn phải canh chừng quyền lợi của mình tại Trung Á… Cho nên chưa biết Con đường Tơ lụa mới có thành chăng thì các nước cũng ngại sự xuất hiện của một cường quốc với các dự án kinh tế khả dĩ chi phối an ninh của họ.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện,

Nguồn : RFA, 16/05/2017

Published in Diễn đàn