Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/03/2018

Xâm lăng không tiếng súng : Trung Quốc biến nợ thành lãnh thổ

Lê Minh Nguyên

Trong chiến lược xây dựng đế quốc của Trung Quốc, dựa theo mô hình của Hoa Kỳ là bằng kinh tế và dùng quân sự hậu thuẩn phía sau, nhưng lộ liễu và võ biền hơn, đó là hình ảnh anh thương gia mặc đồ vest tay xách chiếc cập đầy tiền nhưng trên vai có mang khẩu súng, Trung Quốc vừa muốn khai thác thị trường và tài nguyên thế giới vừa biến các nước cận biên thành chư hầu. Kế hoạch "Vành Đai và Con Đường" còn gọi là "Con đường tơ lụa của thế kỷ 21" (BRI - Belt Road Initiative), với số tiền tung ra khoảng 1.700 tỷ đôla mỗi năm và 26.000 tỷ đôla tính đến năm 2030 đang biến nợ của các quốc nghèo thành lãnh thổ của Trung Quốc (1).

xamlang1

Con đường tơ lụa của thế kỷ 21 chỉ là lý cớ để Trung Quốc thực hiện Giấc mơ Trung Hoa, thu tóm các quốc gia trong khu vực dưới trướng Bắc Kinh

Ở Brunei, Trung Quốc đang xây dựng một khu phức hợp lọc dầu và hóa dầu và một cây cầu nối khu liên hợp với thủ đô Bandar Seri Begawan, trị giá 3,4 tỷ đôla trên đảo Muara Besar, đây là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay ở Brunei. Nhưng đó chỉ là giai đoạn 1 và giai đoạn 2 trị giá khoảng 12 tỷ đôla (2).

Ở Sri Lanka, Trung Quốc cho vay khoảng 85% để xây cảng Hambantota trị giá 1,3 tỷ đôla, Sri Lanka không đủ sức trả nợ phải cho Trung Quốc thuê 99 năm, có nghĩa cảng này bây giờ là nhượng địa của Trung Quốc trong một thế kỷ. Hơn nữa, Sri Lanka cũng giao cho Trung Quốc vùng đất rộng lớn chung quanh cảng để làm khu Kinh Tế Đặc Quyền (Special Economic Zone), và cựu tổng thống Mahinda Rajapaksa thân Trung Quốc đang tái trổi dậy ở chính trường Sri Lanka (3).

Ở quần đảo Maldives, một quốc gia đảo quốc nhỏ bé, diện tích chừng 298 km2, tức chỉ bằng 1,7 thủ đô Hoa Thịnh Đốn, có tổng sản lượng khoảng 7 tỷ đôla/năm và chỉ khoảng 393.000 dân (2017) thì việc Trung Quốc chi tiền tỷ đôla dễ dàng mua chuộc đảo quốc này.

Đầu tháng 2/2018 Maldives bị khủng hoảng chính trị mà nguyên nhân sâu xa là chính quyền của tổng thống Abdulla Yameen thân Trung Quốc đụng độ với đối lập thân Ấn Độ. Ông Yameen đảo chánh tổng thống dân cử thân Ấn Độ Mohammad Nasheed năm 2013 và ông Nasheed chạy qua Sri Lanka tỵ nạn. Hôm 6/2/2018 ông Yameen ra lệnh bắt ông Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện và cựu Tổng thống Nasheed và tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Ông Nasheed cầu cứu Ấn Độ can thiệp quân sự. Ấn đã từng can thiệp quân sự vào Maldives năm 1988. Lâu nay Ấn giúp đỡ tài chánh cho Maldives để đổi lấy chính sách "Ấn Độ Trước Tiên" (India First) của Maldives.

Trung Quốc dùng Maldives trong chương trình BRI của họ, biến nó thành một vị trí chiến lược qua 2 công trình hàng đầu : Cây cầu từ thủ đô Male đến hòn đảo lân cận, và công trình mở rộng phi trường. Ngoài ra, Maldives cho Trung Quốc thuê hòn đảo Feydhoo Finolhu 50 năm để phát triển du lịch và ký hiệp ước tự do mậu dịch với Trung Quốc ngày 7/12/2017. Trung Quốc chiếm 70% nợ quốc gia của Maldives. Hồi tháng 8/2017 Trung Quốc mang 3 tàu chiến cập cảng Maldives trong chương trình huấn luyện chung. Tháng 2/2018 trong khi Maldives khủng hoảng chính trị thì Trung Quốc cho 11 tàu chiến vào đông Ấn Độ Dương nhằm dằn mặt Ấn Độ không nên can thiệp (4).

Cũng như Ski Lanka, Maldives nằm ngay trên đường ra biển lớn của Ấn Độ, cho nên Ấn Độ không thể nào ngồi yên nhìn Trung Quốc bao vây. Xét theo địa chiến lược, hai nước này tựa như Cuba nằm ngay yết hầu của Hoa Kỳ, nếu nó tự đứng một mình thì không gây nguy hiểm cho Hoa Kỳ, nhưng nếu liên minh quân sự với một cường quốc khác như Liên Xô thời thập niên 1960s trước đây thì Hoa Kỳ không dung thứ.

Ở Nepal, ông Khagda Prasad Sharma OLI, Chủ tịch Đảng cộng sản Nepal nắm quyền trở lại vào tháng 2/2018 sau khi liên minh với lãnh tụ Maoist là Pushpa Kamal DAHAL (biệt danh "Prachanda") tạo thành cánh tả cực mạnh, ông làm thủ tướng hồi 2015-2016, mà khủng hoảng giữa Trung Quốc-Ấn Độ gây ra vụ phong toả vùng biên giới Ấn-Nepal vào tháng 9/2015, khi lực lượng các đảng đối lập Madhesi thân Ấn đụng với ông OLI xảy ra. Ông OLI bây giờ càng thân Trung Quốc hơn. Trung Quốc đầu tư đường xe lửa nối Hy Mã Lạp Sơn và Nepal cũng như hệ thống thủy điện ở nuớc này (5).

Ở Pakistan, trục Hành Lang Kinh Tế Trung Quốc-Pakistan (The China Pakistan Economic Corridor) đi qua vùng Kashmir (phần Pakistan chiếm giữ) cho phép Trung Quốc tiếp cận vùng nuớc ấm của cảng Gwadar ở Biển Á Rập. Đầu tư Trung Quốc từ 46 tỷ đôla đã tăng thành 60 tỷ và Pakistan không cách gì trả nỗi, cho nên cũng như Sri Lanka, Trung Quốc sẽ biến nợ thành lãnh thổ, kiểm soát cảng Gwadar và hành lang đi đến cảng này.

Thượng Viện Pakistan đã thông qua một nghị quyết nói rằng do nhu cầu gia tăng cộng tác giữa Trung Quốc và Pakistan để phát triển Hành Lang Kinh Tế China-Pak nên tiếng Mandarin được công nhận là ngôn ngữ "quốc gia" ở Pakistan, các lớp tiếng Tàu được cưỡng bách dạy ở các trường lớp để đào tạo nhân lực. Nghị quyết này khá kỳ cục vì thông thường người của nước đầu tư phải học ngôn ngữ của nước sở tại. Điều này cho thấy Trung Quốc không những biến nợ thành lãnh thổ mà còn muốn đồng hóa Pakistan, khống chế văn hóa xứ này (6).

Ở Miến Điện, cũng trong kế hoạch BRI, Trung Quốc đầu tư khoảng 85% (gần 10 tỷ đôla) vào cảng biển nước sâu chiến lược Kyauk Pyu  phía tây bang Rakhine trong vịnh Bengal, làm nơi trung chuyển dầu khí từ Trung Đông bằng đường biển qua đường bộ để tránh qua eo biển cổ chai Malacca. Ngoài ra Trung Quốc còn phát triển khu kỹ nghệ và vùng đặc quyền kinh tế ở Rakhine. Trung Quốc cũng đầu tư 3,6 tỷ đôla cho đập thủy điện Myitsone ở phía bắc Miến Điện gần Vân Nam (7).

xamlang2

Đường ống dẫn dầu thô và khí đốt từ Vịnh Bengal, lãnh thổ của người Rohingya (Miến Điện), đến Côn Minh (Trung Quốc)

Trung Quốc có quan hệ chặc chẽ với quân đội Miến Điện. Người Rohingya ở phía bắc bang Rakhine bị quân đội Miến Điện đàn áp hầu như đến độ diệt chủng để chiếm đất là nhằm mục đích phục vụ cho Trung Quốc trong vấn đề cảng biển BRI. Bà Aung San Suu Kyi tuy trị vì nhưng vô quyền đối với quân đội, bà bị Tây Phương lên án vi phạm nhân quyền.

Ấn Độ đang bị Trung Quốc bao vây bằng cách dùng tiền đầu tư để biến thành nợ, và từ nợ biến thành lãnh thổ ở những tiểu quốc ven biên và những đảo quốc ở Ấn Độ Dương.

Cam Bốt và Lào, sườn tây của Việt Nam, cũng đang bị Trung Quốc biến nợ thành lãnh thổ. Hai nước này, về địa chiến lược quá quan trọng cho an ninh của Việt Nam nên sẽ dành riêng cho một bài viết sau.

Việt Nam nằm ngay thềm cửa phía nam của Trung Quốc nên chẳng những không ngoại lệ mà còn thê thảm hơn. Bởi lẽ Trung Quốc bị thất thế về địa chính trị, nằm chéo ngoe bên ngoài các đường vận chuyển quốc tế và trong 4 mặt đông-tây-nam-bắc thì có đến 3 mặt bị thất thế : phía bắc là Mông Cổ và Siberia là những vùng khô cằn hay băng giá, ít dân, kinh tế gần như không có gì, phía tây là sa mạc và các quốc gia nghèo có đuôi -stan (như Pakistan, Turmenistan…), phía đông là Thái Bình Dương mà Nhật và Đại Hàn đã án ngữ. Chỉ còn phía nam là đường tiến về một Đông Nam Á đông dân, trù phú, tấp nập các sinh hoạt kinh tế. Nhưng muốn tiến về vùng này thì đường bộ hay đường thủy đều phải bước qua ngưỡng cửa Việt Nam. Cho nên Việt Nam là cái gai phải nhổ, phải khống chế của Trung Quốc.

Thế là Trung Quốc chẳng những muốn biến nợ thành lãnh thổ mà còn muốn đồng hóa về văn hóa và diệt chủng về môi trường hay thực phẩm. 

Formosa Vũng Áng với 70 năm nhượng địa, Trung Quốc thuê đất rừng đầu nguồn ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Bình Dương... 50 năm, những cơ sở đầu tư của Trung Quốc ở thành phố địa đầu Móng Cái-Quảng Ninh được Trung Quốc thuê 50 năm...

Mối hiểm nguy của Việt Nam, ngoài việc cho thuê đất 50-70 năm ở các vùng an ninh chiến lược, còn là sự mất thăng bằng quá to về mậu dịch với Trung Quốc và nó cứ chất chồng từ năm này qua năm khác, tích luỹ thành nợ khổng lồ, không cách gì trả được, đưa đến việc có thể biến nợ thành lãnh thổ cho Trung Quốc, thí dụ như năm 2015 thâm hụt là 32 tỷ đôla (8).

Chính trị với hai đảng cộng sản đàn anh và đàn em là đã lệ thuộc, kinh tế với thâm hụt mậu dịch và nợ đầu tư không trả được là đã lệ thuộc, quân sự với quân đội tuyệt đối trung thành với đảng và đảng lệ thuộc đảng nên quân sự không bảo vệ được biên cương, cũng vậy an ninh với công an lệ thuộc đảng nên công an không bảo vệ được an sinh của dân chúng trước sự xâm thực của thực dân mới.

Trong khi Trung Quốc biến nợ thành lãnh thổ ở các nơi khác thì thê thảm hơn, họ có thể biến nợ thành con đường mòn tiến nam Tập Cận Bình của Trung Quốc ở Việt Nam !

Lê Minh Nguyên

(17/03/2018)

(1) http://cnb.cx/2tWJJUV

(2) http://bit.ly/2tPxlWs

(3) http://bit.ly/2FQx9YC

(4) http://bit.ly/2FZP5Du

(5) http://bit.ly/2tPIJla

(6) http://bit.ly/2GtUXTl

(7) http://reut.rs/2FSgnZq

(8) http://bit.ly/2FSnbpB

Quay lại trang chủ
Read 825 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)