Ngay sau khi Tập Cận Bình "lên ngôi" tổng bí thư đảng cộng sản kiêm chủ tịch nước Trung Quốc thâu tóm trọn quyền lực trong tay đã mở cuộc chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi" trừng phạt các đối tượng tham nhũng trong đảng không thuộc phe mình để củng cố quyền lực, mang lại chút sinh lực, uy tín của đảng cầm quyền.
Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo độc tôn tại Trung Quốc - Ảnh minh họa
Mặc dù điều tra tội tham nhũng phức tạp nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn Tập đã diệt hết quan chức này đến quan chức khác mà chỉ trước đó ít ngày họ vẫn là những lãnh đạo cao quý, bỗng bị phơi ra cả núi trọng tội với lượng tiền bạc, của cải thu được ngoài sức tưởng tượng.Những quan chức như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang… bị tịch thu mà cả nhiều chuyến xe tải mới chở hết tiền bạc, châu báu…
Ở Châu Phi, độc tài Gadhafi năm trước vẫn là những "cha mẹ", ân nhân của nhân dân, được coi là "thủ lĩnh Châu Phi" cho đến khi mất quyền thì mới thành kẻ độc tài tàn bạo, có hàng chục tỷ đô la trên khắp Âu, Mỹ, bắt hàng trăm cháu gái nhỏ làm nô lệ tình dục…
Ở Việt Nam ta, những Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phạm Thanh Bình, Dương Chí Dũng… từ chục năm trước đã khét tiếng lộng hành phá phách nhưng mãi đến mãi gần đây một phần tội trạng mới được làm sáng tỏ thì những trăm, nghìn tỷ của dân đã trở thành mây khói… Đó là hậu quả của một chế độ chỉ duy nhất một đảng nắm quyền.
Thời còn vinh quang, mỗi động tác của Đinh La Thăng đều có vô số người tung hô, bợ đỡ
Ở chế độ dân chủ đa đảng quan chức bị giám sát chặt chẽ : đảng đối lập, các tổ chức xã hội dân sự, báo chí tư nhân soi mói, tòa án độc lập phán xét, dân biểu tình phản đối… nên tham nhũng rất khó và ít. Ngược lại, trong bộ máy nhà nước ta hiện nay gần như không có ai giám sát quan chức, chức càng cao thì càng "an toàn", bất khả xâm phạm. Mặc dù ở địa phương có tổ chức đảng, hội đồng nhân dân, mặt trận tổ quốc, thanh tra nhân dân, thanh niên, cựu chiến binh, người cao tuổi ; ở doanh nghiệp nhà nước có cấp ủy đảng, hội đồng thành viên, công đoàn, ban kiểm soát… có chức năng giám sát cán bộ lãnh đạo, quản lý nhưng họ đều dưới sự phán xét của lãnh đạo đảng, chính quyền (sa thải, kỷ luật, lên chức, lên lương…) nên cái bộ máy khổng lồ có chức năng giám sát ấy chỉ là hình thức, "quân xanh" tất cả gần như tê liệt trước mọi quyết định của lãnh đạo doanh nghiệp, địa phương. Thậm chí nhiều người còn phải xu nịnh, đút lót cấp trên để được hưởng ân huệ nên những hành vi tham nhũng, phá phách không bị đưa ra ánh sáng dù mọi người, báo chí có biết.
Báo chí, một trong những cơ quan giám sát quan trọng của xã hội với quan chức, chính quyền nhưng vẫn do lãnh đạo cơ quan chủ quản (lãnh đạo địa phương, trung ương, bộ ngành, hiệp hội… đều do đảng lãnh đạo) quản lý chỉ định tổng biên tập, ăn lương do chính quyền phân phát nên họ chỉ dám đăng báo trong trường hợp "an toàn" có lợi hoặc được phép của lãnh đạo cấp trên, cơ quan chủ quản. Rất nhiều tin báo đăng không sai nhưng ngay lập tức phải gỡ bỏ khi các thế lực tham nhũng, cấp trên không cho phép là như thế. Ngược lại họ miệt mài "tô son, trát phấn" cho lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp để được an toàn, hưởng lợi từ phong bì, quảng cáo, cất nhắc...
Một trong những cách kiếm tiền quan trọng của nhà báo, tờ báo quốc doanh là bảo kê quan chức, doanh nghiệp. Tức chuyên tâng bốc ca ngợi quan chức, doanh nghiêp và đăng bài bênh vực khi cần để nhận tài trợ bằng nhiều hình thức. Vụ ông Đinh La Thăng phản ánh rõ, đầy đủ nhất tính chất phụ thuộc thảm hại vào chức, quyền, tiền của truyền thông nhà nước. Khi ông Đinh La Thăng đang nắm quyền, tiền, lợi ích… dư luận có cảm tưởng nhiều nhà báo suốt 24 g đi cùng, ăn, nằm cạnh giường ngủ của "bộ trưởng, bí thư Thăng" để không bỏ sót một câu nói, hành động nào mang tính phô trương của ông. Từ đây những lộng hành sai phạm của quan chức này bị vùi lấp bởi những lời nói, việc làm mị dân. Thậm chí ông còn trở thành ngôi sao sáng trên chính trường.
Vụ MobiFone mua AVG các quan chức còn tập hợp được một nhóm lợi ích lý tưởng mà chỉ ở chế độ độc tài mới làm được : Nhóm gồm bộ Thông tin và truyền thông, công an, tài chính, kế hoạch đầu tư, văn phòng chính phủ, các cơ quan kiểm định… đều "nhất trí cao" với việc làm sai lại còn tạo cái vỏ giáp : "Bí mật" để vô hiệu mọi sự nhòm ngó. Hồi Trịnh Xuân Thanh ở Đức đã tố cáo công khai trên mạng hàng chục năm liền nhóm người giám sát việc xuất khẩu dầu ngoài khơi gồm đại diện văn phòng chính phủ, bộ giao thông, công an, tài chính thông đồng bán cho Trung Quốc một nửa số dầu trả tiền mặt với giá thấp hơn thị trường lấy chênh lệch chia nhau. Mỗi khi họ trở về đất liền mang những ba lô đầy ắc đô la… thì ít người dám tin nhưng qua vụ AVG và nhiều vụ khác thì tố cáo của Trịnh Xuân Thanh là có cơ sở.
Do không có lực lượng nào tranh giành, giám sát, đấu tranh lại được truyền thông bưng bít cái sai, phóng đại cái tốt nên hầu hết quan chức tìm mọi cách tham nhũng, vơ vét, cướp bóc của cải xã hội, lợi ích quốc gia, địa phương. Thấy cán bộ lớn ăn lớn, bé ăn bé mà an toàn nên việc lên chức được tôn vinh là "tiến bộ"người người "phấn đấu" làm cán bộ, hầu hết các địa phương, doanh nghiệp nhà nước "cả họ lãnh đạo làm quan" để cùng giàu sang nên chức quyền trở thành "tài khoản" vô giá. Cô hotgirl Quỳnh Anh xứ Thanh, anh thanh niên Yên Bái Phạm Sĩ Quý… chỉ có chức trưởng phòng, giám đốc sở tỉnh miền núi nghèo rớt nhà nước thường phải trợ cấp lương thực mà la liệt tài sản, biệt phủ, xe sang nghênh ngang trước sự đói rách của nhân dân...
Vơ vét quá dễ lại an toàn, sang trọng nên quan chức "ăn của dân không từ cái gì", ăn cả của người tàn tật, tai họa, người chết… Đến tướng cảnh sát có nhiệm vụ trấn áp tội phạm dù "lương cao, lộc hậu" đã rất giàu nhưng lại vẫn bảo kê tội phạm thu những khoản tiền khủng khiếp, tướng công an vô tư công văn cho các địa phương phải nhượng rẻ chỗ đất này, nọ cho tay chân (nếu những công khai trên mạng vừa qua là sự thật) kiếm lời bất chính hàng trăm, ngàn tỷ ngon ơ… Tham nhũng đã như một nghề của quan chức nên họ cũng không thèm giấu diếm tài sản bẩn mà còn tự hào về sự sang trọng, "quý phái" của mình. Thời gian qua dân được chiêm ngưỡng cơ man những lâu đài, biệt phủ cực kỳ hoành tráng, xe sang lộng lẫy của quan chức lớn, bé trước sự nhọc nhằn, khốn khó của dân.
Quan chức tham nhũng không thể "ăn một mình" mà phải luôn có ô dù, bè cánh, "nhóm lợi ích" thế lực lớn hơn cất nhắc, bảo kê. Để "nuôi", giữ được ô dù,tất nhiên quan chức phải có tiền (ngày càng đắt đỏ) dẫn đến quy trình khép kín : Tham nhũng để có tiền thuê bảo kê, muốn có tiền phải tham nhũng… Và cả bộ máy trở thành một "tập quyền tham nhũng" khăng khít là như thế. Quan chức "không tham nhũng bị người tham nhũng cô lập" (Lời đại biểu quốc hội Nguyễn Ngọc Phương tại diễn đàn quốc hội). Do tham nhũng quá dễ lại an toàn nên hầu hết quan chức là tham nhũng đúng như lời tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng : Tham nhũng "nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng có" và "Nếu kỷ luật cả(tham nhũng) lấy ai làm việc" (Lời nguyên chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng) là rất chuẩn xác.
Khi thế lực, ô dù trong cơ quan, doanh nghiệp hoặc phe phái tham nhũng mạnh, đoàn kết thì quan chức an toàn thậm chí "hùng mạnh", chỉ đến khi, ô dù phe cánh suy yếu thì mới có nguy cơ bị phanh phui, trừng phạt. Vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh thể hiện rõ điều này. Trước và ít ngày sau đại hội 12 những ông này vẫn là những "ngôi sao sáng" của đảng cộng sản, ông Trịnh Xuân Thanh vào quốc hội, lên chức vù vù,ông Đinh La Thăng vào Bộ chính trị lên chức bí thư thành phố lớn nhất Việt Nam mặc dù trước đó dư luận không lạ gì sự lộng hành, phá phách của ông Đinh La Thăng (năm 2012 tôi đã đăng công khai bài : "Dưới thời ông Đinh La Thăng ngành Hàng không Việt Nam hãy coi chừng" trên blog Huỳnh Ngọc Chênh). Chỉ đến giữa năm 2017 thì các ông mới có tội. Việc chỉ cần thời gian cực ngắn tòa đã đưa ra xét xử với vụ án rất phức tạp như vụ ông Đinh La Thăng chứng tỏ tội trạng từ hàng chục năm qua của ông đã quá rõ không cần nhiều thời gian điều tra.
Đến nay có thể khẳng định phần lớn (nếu không nói là hầu hết) quan chức đều tham nhũng không nhiều thì ít. Những quan chức đã bị hầu tòa chưa chắc có tội nặng hơn nhiều vị vẫn hàng ngày dạy dỗ người khác phải liêm chính.
Chế độ độc tài, cái bẫy tham nhũng quá hấp dẫn để chiêu dụ quan chức.