Đông Âu : Vấn nạn đánh cắp tiền trợ cấp của Liên Hiệp Châu Âu
Trong những năm qua, ngày càng có nhiều vụ bê bối liên quan đến việc lãnh đạo nhiều nước Đông Âu đánh cắp tiền trợ cấp của Liên Hiệp Châu Âu dành cho các nước nghèo nhất Liên Âu.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban trong một cuộc họp báo tại Budapest, ngày 02/05/2019. Con rể thủ tướng Orban từng dính líu vào một vụ bê bối liên quan đến quỹ hỗ trợ của Liên Hiệp Châu Âu. Reuters/Bernadett Szabo
Trong bài viết "Đông Âu : Bê bối đánh cắp tiền trợ cấp của Liên Hiệp Châu Âu", Jean Baptiste Chastand, đặc phái viên của Le Monde tại Bruxelles, và Blaise Gauquelin, thông tín viên khu vực Đông Âu của báo Le Monde tại Vienna, nhận định tất cả các đảng phái chính trị ở các nước Đông Âu đều dính dáng theo cùng một cách : hoặc các lãnh đạo, hoặc người thân của họ, lợi dụng các quỹ Liên Hiệp Châu Âu hỗ trợ phát triển cho khu vực nghèo nhất Liên Âu, trong khi các nhân vật quyền thế này vẫn ra sức chỉ trích nặng nề các định chế của Liên Hiệp, chẳng hạn tại các nước Hungary, Cộng hòa Czech, Romania …
Một chuyên gia về ngân sách của Liên Âu dành cho các nước Đông Âu cho biết tại các nước này, tham nhũng xảy ra rất nhiều và 2/3 số tiền đầu tư của Nhà nước là từ quỹ hỗ trợ của Liên Âu nên vụ tham nhũng nào cũng có dính tới tiền công quỹ của Châu Âu thì không có gì mới lạ, nhưng điểm mới là Châu Âu lo ngại rằng tư pháp các nước này không nỗ lực đấu tranh chống tệ nạn đó.
Lãnh đạo Ủy ban kiểm tra ngân sách ở Nghị Viện Châu Âu tại Strasbourg nhấn mạnh, chẳng hạn, tại Slovakia, hồi tháng 04/2019, chưởng lý đã phải từ chức sau khi phe đối lập tiết lộ quan chức này đã trao đổi 428 tin nhắn với nghi phạm vụ sát hại một nhà báo đang điều tra về việc người này biển thủ công quỹ Châu Âu. Còn tư pháp Hungary hồi năm 2018 đã "xếp xó" hồ sơ về vụ tham nhũng của con rể thủ tướng Victor Orban, cho dù Cơ quan chống gian lận của Liên Hiệp đã thu thập được nhiều chứng cứ.
Lãnh đạo Ủy ban kiểm tra ngân sách ở Nghị Viện Châu Âu tại Strasbourg nhận định "một số kẻ tội phạm đã cố đánh bại Châu Âu bằng chính vũ khí của Châu Âu", ý nói những người này đã dùng tiền của Liên Hiệp để củng cố quyền lực, đồng thời có các phát biểu mang tính dân tộc chủ nghĩa, nhất là tại Hungary và Romania.
Để khắc phục những hạn chế của Châu Âu trong việc điều tra và xử lý các vi phạm, theo sáng kiến của Ủy Ban Châu Âu, 22 nước thành viên Liên Âu hồi năm 2017 đã đồng ý thành lập Viện Công Tố Châu Âu trước năm 2020, định chế có quyền điều tra ở các nước thành viên. Tuy nhiên, Hungary và Ba Lan, hai nước được hưởng nhiều trợ cấp của Châu Âu lại không nằm trong nhóm 22 nước nói trên.
Thế nhưng, Le Monde vẫn tỏ ra lạc quan về nhiều dấu hiệu đáng khích lệ tại các nước. Chẳng hạn, tân tổng thống Slovakia đã hướng đến cuộc chiến chống tham nhũng trong chương trình tranh cử. Tại Bulgaria, một vị vụ trưởng cũng mới phải từ chức sau khi bị báo chí phanh phui vụ tham nhũng tiền của Liên Hiệp. Không có tiết lộ của báo chí Bulgaria, Bruxelles đã không thể phát hiện ra vụ việc kéo dài trong suốt nhiều năm.
Dân Châu Âu gắn bó với đồng euro hơn là Liên Hiệp Châu Âu
Vẫn liên quan đến Liên Âu, trong bài viết "Dân Châu Âu gắn bó với đồng euro hơn là với Liên Hiệp", báo Le Figaro cho biết theo kết quả khảo sát mà Viện thăm dò ý kiến Eurobaromètre tiến hành gần đây nhất (mùa thu năm 2018), 75% số người sống trong khu vực đồng tiền chung Châu Âu ủng hộ "một liên minh kinh tế và tiền tệ với một đồng tiền duy nhất - đồng euro". Trái lại, chỉ có 42% số người được hỏi (trong tổng số 27.400 người) có niềm tin vào Liên Hiệp Châu Âu, tỉ lệ đánh giá tích cực đối với chính phủ các nước chỉ đạt 35%.
Tỉ lệ người tín nhiệm đồng euro như vậy đạt mức cao kỷ lục kể từ khi đồng tiền chung Châu Âu ra đời vào năm 1999, chủ yếu vì ba lý do. Thứ nhất, đồng euro có thể cầm nắm được. Ai cũng có thể giữ đồng euro trong túi. Thứ hai là người tiêu dùng thấy đồng euro là phương tiện trao đổi hữu ích ở tầm quốc tế, nhất là trong bối cảnh người Châu Âu ngày càng quan tâm đến phương thức mua sắm trên mạng. Ưu điểm thứ ba là đồng euro bảo đảm cho sự ổn định trong thời buổi rối ren, từ Brexit đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Tỉ lệ tín nhiệm đồng euro cao nhất ở ba nước Bỉ (84%), Đức (81%) và Hà Lan (80%). Ý đứng cuối bảng với tỉ lệ 63%. Theo Le Monde, tỉ lệ ủng hộ đồng euro ở một số nước như Áo, Ý thấp là do sự trỗi dậy của các đảng dân túy trong các kỳ bầu cử gần đây.
Nạn quấy rối trên mạng : Thông điệp ảo, nỗi đau thật
Trong lĩnh vực xã hội, báo công giáo La Croix chạy tít "Nạn quấy rối trên mạng internet, những cuộc đời bị phá hủy". Nạn quấy rối trên mạng internet ngày càng lan rộng, nhưng ngày càng khó để tư pháp có thể trừng phạt những người ẩn danh để lăng mạ người khác.
Trong bài viết "Nạn quấy rối trên mạng : Thông điệp ảo, nỗi đau thật", La Croix trích dẫn kết quả một cuộc thăm dò ý kiến do Viện IFOF công bố hồi tháng 02/2019, theo đó 8% người Pháp cho biết đã từng bị "công kích" nhiều lần trên mạng internet. Tỉ lệ này đối với thanh niên 18-24 tuổi là 22%.
Luật pháp quy định kể từ năm 2014 là hành vi quấy rối trên mạng internet bị xử phạt 3 năm tù. Nhưng trên thực tế, việc xét xử không đơn giản. Trong cả năm 2017, tư pháp Pháp chỉ xét xử được 17 vụ, vì rất khó xác định được những người ẩn danh trên mạng internet để quấy rối người khác. Nếu các trang mạng liên quan không chịu cung cấp địa chỉ IP của người bị tình nghi, thì các cuộc điều tra bị bế tắc.
Các nạn nhân cũng có quyền báo cáo về những đăng tải trái pháp luật nhắm tới họ, để nhà quản trị mạng xã hội rút những tin nhắn đó. Tuy nhiên, không phải lúc nào yêu cầu của họ cũng được các trang mạng đáp ứng. Sau vụ khủng bố Christchurch, các tập đoàn GAFA đã chấp nhận xóa các nội dung "mang tính khủng bố và cực đoan bạo lực" mà không làm điều tương tự với các đăng tải mang tính thù hằn, điều đó có nghĩa là sẽ rất khó giải quyết vấn nạn quấy rối trên mạng xã hội.
Tại Pháp, dân biểu đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) của tổng thống Pháp Macron, bà Laetitia Avia, đề xuất dự luật với nhiều giải pháp được hy vọng là sẽ góp phần giải quyết nạn quấy rối trên mạng xã hội : Các mạng xã hội phải cung cấp cho các nhà điều tra danh tính cư dân mạng bị tình nghi, xóa mọi nội dung kích động thù hận trong vòng 24 tiếng đồng hồ, nếu không sẽ bị phạt. Dân biểu Avia cũng đề nghị thành lập một viện công tố đặc trách vấn đề này.
La Croix nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác giáo dục, bởi vì "Internet là một cuộc sống thực. Những gì được nói trên mạng xã hội không chỉ trôi đi nhẹ nhàng, mà có thể phá hủy nhiều cuộc đời".
JFK8 - kho hàng tự động hóa hiện đại nhất của Amazon
Trong phóng sự "New York : Hàng chục ngàn rô bốt trong kho hàng của Amazon", phóng viên Vincent Fagot của báo Le Monde giới thiệu với độc giả JFK8, một trong những kho hàng hiện đại nhất của Amazon. Nằm ở New York, rộng 80.000m2, đây là nơi trung chuyển hàng trăm ngàn sản phẩm mà người dân New York đặt mua mỗi ngày. Nhân vật trung tâm tại kho hàng JFK8 là các rô bốt. JFK8 là 1 trong 126 kho hàng của Amazon đã được tự động hóa. Sắp tới, tại Pháp, Amazon cũng có một kho hàng tương tự tại vùng Essonne, ngoại ô Paris.
Các kho hàng tự động hóa giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của Amazon, cho phép giao hàng cho khách nhanh nhất có thể. Việc sử dụng rô bốt trong các kho hàng của Amazon bắt đầu từ năm 2012 và ngày càng được mở rộng. Trái với phương thức truyền thống là các nhân viên làm việc tại kho phải tự đi đến từng kệ hàng để tìm sản phẩm đem đi đóng gói, dán nhãn, thì tại kho JFK8, rô bốt dịch chuyển cả kệ hàng đến tận chỗ viên ngồi, họ chỉ việc đóng gói và dán nhãn. Các rô bốt được lập trình để tìm ra con đường ngắn nhất để đi mà không va chạm vào nhau.
Hãng tin Reuters gần đây cho rằng việc sử dụng rô bốt trong các kho hàng của Amazon có thể khiến 13.000 nhân viên mất việc làm. Tuy nhiên, tập đoàn Mỹ khẳng định việc sử dụng công nghệ cho phép cải thiện điều kiện an toàn lao động cho nhân viên, rút ngắn thời gian giao hàng cho khách, giúp cho hệ thống của Amazon đạt hiệu quả hơn.
Một trong những lãnh đạo của Amazon Robotics còn cho biết nếu hồi năm 2012, Amazon chỉ sử dụng 300.000 lao động, thì nay con số này đã tăng lên thành 670.000 người, đông nhất thế giới. Trong tương lai, các rô bốt sẽ được sử dụng trong nhiều hoạt động khác của Amazon, chẳng hạn tập đoàn đã cho ra đời cửa hàng Amazon Go đầu tiên ở New York : cửa hàng đầu tiên không có nhân viên, tất cả mọi việc trong cửa hàng đều do rô bốt đảm nhiệm.
Trang nhất các báo Pháp
Nhiều tờ báo Pháp hôm nay hướng sự chú ý đến kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu. Báo kinh tế Les Echos chạy tựa trang nhất : "Bầu cử Nghị Viện Châu Âu : Macron phản công những người có tư tưởng dân tộc". Le Monde ra sạp sớm từ chiều thứ Bảy 18/05 nói đến "34 danh sách, 34 chương trình. Hướng dẫn bầu chọn". Tại Pháp, bầu cử được tổ chức vào ngày 26/05, với tổng cộng 34 danh sách tham gia tranh cử để bầu 79 nghị sĩ cho Nghị Viện Châu Âu. Còn báo Libération quan tâm đến những nỗ lực của các đảng phái cánh tả nhằm thu hút cử tri qua hàng tựa "Các đảng cánh tả : Chiến dịch vì sự sống còn".
Báo Le Figaro trở lại với cuộc tranh luận gay gắt về việc duy trì tình trạng sống thực vật trong trạng thái "ý thức tối thiểu" của Vincent Lambert, sau khi người này rơi vào hôn mê sâu hồi năm 2008. Tờ báo chạy tựa : "Những cảm xúc trước khi ngưng hẳn việc chăm sóc cho Vincent Lambert".
Thùy Dương
Khối 16+1 : Nhiều nước thành "luật sư" bảo vệ Trung Quốc tại Châu Âu
Sau thượng đỉnh thường niên giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sang Croatia dự thượng đỉnh 16+1.
Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường, tại Croatia, ngày 10/04/2019. AFP
Thượng đỉnh giữa 16 nước Đông-Trung Âu và Trung Quốc diễn ra trong ba ngày 10-12/04/2019. Báo La Croix giới thiệu bài viết "Những người bạn Châu Âu của Trung Quốc tập trung tại Dubrovnik".
Thượng đỉnh 16+1 bắt đầu từ năm 2012, 16 nước Châu Âu tham gia là Estonia, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Hungary, Slovakia, Romania, Bulgaria, Croitia… trong đó có 11 thành viên Liên Âu, bị hấp dẫn bởi sức mạnh tài chính và khả năng đầu tư của Trung Quốc. Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh tranh thủ thượng đỉnh 16+1 để phục vụ dự án "Con đường tơ lụa mới" và chiến lược gây ảnh hưởng về kinh tế và chính trị tại Châu Âu. Trong số các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, đáng nói nhất là tuyến đường sắt cao tốc từ Athens (Hy Lạp) đến Budapest (Hungary), chạy qua Beograd (Serbia).
Báo cáo của Hội nghị Munich về an ninh hồi tháng 02/2019 đã nhấn mạnh : "Trung Quốc có thể sử dụng sức mạnh kinh tế vào mục đích chính trị. Các dự án của Trung Quốc không phải lúc nào cũng phù hợp với tiêu chuẩn Châu Âu về phát triển bền vững và tính minh bạch. Ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc bao gồm các nguy cơ cho khu vực, nhất là về nợ, bởi vì một phần lớn tiền đầu tư là dưới dạng các khoản tiền cho vay".
Quả thực, 1/5 tổng số tiền Macedonia nợ nước ngoài là từ Trung Quốc. Tỉ lệ này ở Montenegro là 39%. Montenegro đã vay Bắc Kinh 809 triệu euro để xây một phần đường cao tốc tới Serbia. Còn Bosnia- Herzegovina mới thông qua khoản vay 600 triệu euro của Ngân hàng Ngoại thương Trung Quốc cho dự án xây một nhà máy nhiệt điện than ở Tuzla, với sự tham gia của 3 doanh nghiệp Trung Quốc.
Chỉ trong một vài năm, tập đoàn năng lượng Nhà nước Trung Quốc CEFC đã chi hơn 1 tỉ đô la vào Cộng hòa Czech để mua hãng hàng không quốc gia, một nhà máy bia và một đội bóng của Czech. La Croix chơi chữ, nhấn mạnh để đổi lấy những khoản tiền đầu tư nói trên, nhiều nước trong nhóm 16+1 trở thành "luật sư" bảo vệ Bắc Kinh ở Châu Âu.
Từ vài tháng nay, Ủy ban Châu Âu nỗ lực tìm cách chống đỡ trước các đòn tấn công kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, sự đề phòng của Liên Hiệp Châu Âu không cản trở được Croatia, nước gia nhập Liên Âu từ năm 2013, ký 9 thỏa thuận song phương mới với Trung Quốc nhân thượng đỉnh 16+1 năm nay.
Tổng thống Brazil Bolsonaro : Donald Trump của miền nhiệt đới ?
Chỉ sau 100 ngày kể từ khi Bolsonaro chính thức nắm quyền tổng thống Brazil, người dân đã hiểu ra rằng ông không phải là "người cứu nguy cho dân tộc" như họ từng trông chờ. Trong bài xã luận có tiêu đề "Bolsonaro, Trump của miền nhiệt đới", báo Le Monde cho biết là theo nhiều thăm dò ý kiến ở Brazil, chỉ có 32% số người được hỏi ủng hộ tổng thống. Đây là tỉ lệ tín nhiệm thấp kỷ lục được ghi nhận trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ của một vị tổng thống Brazil.
Trong suốt 30 năm làm dân biểu, Jair Bolsonaro nổi tiếng về sự thô thiển và khiêu khích, hơn là nhờ thành tích trong công việc lập pháp. Và nay khi đã thành tổng thống, ông vẫn chưa đảm đương được trọng trách hàn gắn đất nước - vốn bị chia rẽ nặng nề từ sau khi tổng thống Dilma Roussef bị phế truất vào năm 2016. Bolsonaro vẫn hành xử như đang trong chiến dịch vận động tranh cử, chỉ chú tâm vào thành phần cử tri cực đoan nhất, mà là quên đi những người dân còn lại đang phải đối đầu với những thách thức khổng lồ.
Được sự hỗ trợ của các con trai, những người hiện diện khắp nơi ở "chóp bu nhà nước", cho dù họ không có chức vụ chính thức, tổng thống Bolsonaro điều hành đất nước bằng các tin nhắn Twitter và Livestream - video trực tiếp - trên Facebook. Bolsonaro cho thấy ông có nhiều điểm giống với tổng thống Mỹ. Người ta gọi ông là "Trump của miền nhiệt đới".
Tuy nhiên, báo Le Monde nhấn mạnh nếu tổng thống Mỹ có được những số liệu thống kê kinh tế có thể khiến người dân hài lòng, thì tại Brazil, kinh tế vẫn trượt dốc, tỉ lệ thất nghiệp, nợ công và thâm hụt ngân sách đều tăng. Trong quý đầu nhiệm kỳ của tổng thống Bolsonaro, chính phủ hoàn thành chưa đến 1/5 số mục tiêu đã đề ra. Bolsonaro khiến mọi người có cảm giác ông không có ý tưởng cụ thể về cách thức lãnh đạo đất nước.
Chính ông Bolsonaro hôm 05/04/2019 đã thừa nhận sự thất bại : "Hãy tha thứ cho những thiếu sót : Tôi không được sinh ra để làm tổng thống, tôi được sinh ra để làm một quân nhân". Nhưng thực tế là Bolsonaro đã bị giáng thành quân dự bị sau một phiên tòa về tội vô kỷ luật khi mới 33 tuổi. Le Monde kết luận, sự thật nói trên khiến người dân Brazil không thể yên tâm về tổng thống. Họ cần các kết quả cụ thể hơn là sự vênh vang của viên một sĩ quan dự bị.
Đảm bảo an ninh nước sạch, thách thức mới cho các đô thị
Trong lĩnh vực an ninh, báo Les Echos chú ý đến "An ninh cho hệ thống cấp nước, thách thức mới của các đô thị". Đảm bảo an ninh cho hệ thống cấp nước là thách thức ngày càng lớn mà một thành phố trong tương lai phải học cách quản lý.
Hồi tháng 10/2016, cơ quan quản lý nước Rhin-Meuse của Pháp bị tin tặc tấn công và mất hàng triệu dữ liệu về chất lượng nguồn nước. Vào tháng 03/2016, một nhà máy nước sạch của Mỹ bị tấn công mạng. Tin tặc đã thay đổi liều lượng hóa chất xử lý nước.
Les Echos cho biết nạn khủng bố nhắm vào hệ thống nước không nhiều nhưng cũng không phải là không có. Hồi năm 2017, tại Ý, một người Morocco muốn làm nhiễm độc nguồn nước sạch ở Roma. Năm 2018, một vụ tương tự nhắm vào mạng lưới cung cấp nước sạch trên đảo Sardaigne.
Theo Franck Galland, một chuyên gia về "an ninh nước", vấn đề thường gặp nhất là việc các thanh niên phá hoại bể chứa nước của thành phố, chẳng hạn đổ hóa chất vào nước. Giá kim loại tăng cũng kéo theo nhiều vụ ăn cắp đường ống, thiết bị bằng đồng và inox.
Việc đảm bảo sự an toàn cho hệ thống cấp nước sạch bắt đầu từ năm 2008, nhưng chỉ hạn chế ở các cơ quan lớn phụ trách hệ thống cấp nước ở đô thị. Theo chuyên gia Franck Galland, hoạt động này cần mở rộng ra cả hệ thống thoát nước thải và các nhà máy làm sạch nước đã qua sử dụng. Quả thực, hồi năm 2007, Queensland (Úc) bị ô nhiễm nặng vì một nhân viên cũ của nhà máy lọc nước thải nước bẩn đã khiến hệ thống làm sạch nước ngưng hoạt động. Một lượng lớn nước bẩn không qua xử lý bị đổ thẳng vào các nguồn nước tự nhiên.
Pháp : Thuốc trừ sâu diệt cỏ vẫn được sử dụng nhiều
Trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, sinh thái, báo La Croix đặt câu hỏi "Tại sao thuốc trừ sâu không giảm ?". Tại Pháp, việc sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ tiếp tục tăng cho dù từ năm 2008 chính phủ đã đề ra hai kế hoạch hướng tới giảm lượng hóa chất trong nông nghiệp. Hôm 10/04, chính phủ Pháp cũng đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2025 giảm 1/2 lượng thuốc trừ sâu diệt cỏ và đến năm 2020 loại bỏ được thuốc diệt cỏ glyphosate.
Bà Claudine Joly, phụ trách các vấn đề về thuốc trừ sâu diệt cỏ thuộc FNE - Liên đoàn các hiệp hội bảo vệ thiên nhiên, môi trường của Pháp, nhận định việc sử dụng các hóa chất nói trên là một dạng "bảo hiểm rủi ro" đối với nhà nông. Suốt 70 năm qua, việc sử dụng thuốc trừ sâu diệt cỏ tỏ ra hiệu quả và mang lại lợi nhuận cho nông dân nhờ mang lại năng suất cao và ổn định. Các nhà phân phối và người tiêu dùng cũng có lợi vì việc sử dụng hóa chất giúp giảm giá nông phẩm. Trong khi đó, các vấn đề về sức khỏe và môi trường bị gạt ra ngoài lề.
Tuy nhiên, ông Christian Durlin, một nhà quản lý của Liên đoàn quốc gia các nghiệp đoàn của các nhà sản xuất nông nghiệp lưu ý là chỉ số sử dụng hóa chất tính theo diện tích trồng trọt tăng không có nghĩa là tổng lượng thuốc trừ sâu diệt cỏ được sử dụng tăng. Theo ông, nếu tính về số lượng, thì lượng hóa chất sử dụng trong nông nghiệp vẫn giữ ở mức ổn định.
Ông cũng nhấn mạnh tần suất phun thuốc tăng cũng là do việc sử dụng chất glyphosate giảm, các hóa chất khác kém hiệu quả hơn nên phải phun thuốc nhiều lần hơn, ngoài ra cũng phải nói tới tình trạng có thêm nhiều bệnh khó diệt trừ hơn bằng hóa chất nên cũng phải sử dụng nhiều thuốc hơn.
Đại diện Liên đoàn quốc gia các nghiệp đoàn của các nhà sản xuất nông nghiệp còn khẳng định với báo La Croix là từ mười năm nay, nông dân Pháp cũng đã có nhiều tiến bộ, giảm liều lượng hóa chất, cải thiện điều kiện phun thuốc và chú ý hơn đến sự an toàn của người dân sống trong khu vực và người tiêu dùng. Theo ông Christian Durlin, các mục tiêu của chính phủ Pháp sẽ không đạt được nếu nhà chức trách không chú ý đến điều kiện thực tế. Ông Durlin kết luận : Muốn thay đổi mọi chuyện thì phải thay đổi cách tiếp cận vấn đề.
Trang nhất các báo Pháp
Trang nhất các báo Pháp hôm nay dàn trải trên nhiều đề tài. Về thời sự nước Pháp, Libération quan tâm đến dự án tư hữu hóa công ty quản lý các sân bay Paris (Aéroport de Paris - ADP) và chơi chữ qua hàng tựa lớn : "Chống bán ADP - đường đua của công dân". Trong khi các nghị sĩ thuộc các đảng đối lập đã đề xuất trưng cầu dân ý theo sáng kiến công dân, thì việc huy động đông đảo công luận phản đối việc tư nhân hóa các sân bay Paris có thể khiến dự án của chính quyền Pháp gặp trở ngại.
Liên quan tới Liên Hiệp Châu Âu, báo La Croix nhận định "Brexit gây rạn nứt Anh Quốc", còn Le Figaro nói về "Bầu cử Nghị Viện Châu Âu : Macron muốn chỉ huy chiến dịch tranh cử". Nhìn ra thế giới, Le Monde hướng sự quan tâm đến Trung Đông qua hàng tựa "Bầu cử tại Israel : Thủ tướng Netanyahou thắng cược". Còn báo kinh tế Les Echos chú ý đến vụ "Renault - Nissan - Mitsubishi tái thiết liên minh".
Thùy Dương
Hiệp định RCEP do Trung Quốc đứng đầu sắp hoàn tất (VOA, 06/04/2019)
Các nước đông nam Á tham gia vào các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại lớn do Trung Quốc hậu thuẫn dự kiến sẽ hoàn tất trong năm nay, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan – nước đang giữ chức chủ tịch khối ASEAN, cho biết hôm 5/4.
Bích chương quảng bá chính sách ngoại giao 'Vành đai Con đường' của Trung Quốc tại một sự kiện ở Bắc Kinh.
"Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là hết sức quan trọng cho khu vực, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng trên thế giới", Bộ trưởng Apisak Tantivorawong nói.
"Tôi đã nghe thông tin rằng chúng tôi sẽ hoàn tất nó vào tháng 11 năm nay", ông phát biểu về hiệp định trong một cuộc họp báo sau cuộc gặp các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương các nước ASEAN ở tỉnh miền bắc Chiang Rai của Thái Lan.
"Hy vọng rằng chúng ta sẽ hoàn tất vào cuối năm nay", ông Lim Jock Hoi, tổng thư ký khối, nói.
Các cuộc đàm phán về RCEP đã khởi động hồi năm 2012. Hiệp định RCEP nhằm hướng đến một khu mậu dịch tự do chiếm 45% dân số thế giới và trên 1/3 GDP toàn cầu nhưng không có Mỹ tham gia.
*********************
Tại sao công nghệ sẽ là cuộc chiến của thế kỷ XXI ? (RFI, 06/04/2019)
Nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay có bài giải thích "Tại sao cuộc chiến của thế kỷ XXI sẽ là công nghệ". Theo cây bút xã luận Jean-Marc Vittori, không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc chọn công nghệ là lĩnh vực đối đầu với Mỹ. Việc phân tích lịch sử cho thấy Trung Quốc đã đánh mất ưu thế thiên niên kỷ của mình khi bỏ lỡ cuộc cách mạng công nghiệp.
Bộ trưởng Khoa Học và Công Nghệ Trung Quốc Vương Chí Cương (Wang Zhigang) họp báo bên lề cuộc họp Quốc hội Trung Quốc, Bắc Kinh, 11/03/2019. Reuters/Stringer
Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai siêu cường thế giới hiện nay, giờ gần như ngang ngửa. Với số dân đông gấp 4 lần, Trung Quốc có một khả năng kinh tế không kém cạnh gì Hoa Kỳ. Từ năm năm qua, mãi lực của đế chế Trung Hoa đã vượt qua sức mua của Hoa Kỳ.
Nếu như thế kỷ trước mang đậm dấu ấn của cuộc chiến tranh lạnh và nhiều cuộc chiến tranh khác cho thấy rõ sự đối nghịch giữa Nga và Mỹ, thì giờ đây cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ có hình dạng như thế nào ? Bắt đầu một tin vui : Chiến tranh có lẽ không diễn ra trong lĩnh vực quân sự. Sau khi đã thất bại ở Việt Nam và Cận Đông, Washington không còn muốn áp đặt khái niệm dân chủ của mình cho thế giới bằng vũ lực nữa. Dù là ngân sách quân sự của Mỹ cao gấp 3 lần so với của Trung Quốc.
Về phần mình, Bắc Kinh cũng chưa bao giờ muốn chinh phục thế giới bằng vũ khí. Các cuộc tấn công của nước này giới hạn trong khu vực lân cận (chiếm lấy Tây Tạng cách nay 60 năm, mưu toan đánh chiếm Việt Nam cách đây 40 năm, thâu tóm lại Hồng Kông cách nay hơn 20 năm). Duy chỉ còn vấn đề "nhức nhối" Đài Loan dường như có thể gây ra một cuộc phiêu lưu nguy hiểm.
Đâu sẽ là địa bàn cho cuộc chiến mới giữa hai siêu cường thế giới này cho nửa đầu thế kỷ XXI ? Nơi mà Trung Quốc quyết định chọn chính là lĩnh vực công nghệ. Quyết định này đến từ những bài học kinh nghiệm trong lịch sử. Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, trong buổi khai mạc Diễn đàn Davos hồi đầu năm nay có nói rằng : "Nền văn minh Trung Quốc có lịch sử hơn 5.000 năm. Nhưng khi phương Tây lao vào công nghiệp hóa, chiếm lĩnh đại dương, Trung Quốc vẫn ở lại phía sau, bởi vì các hoàng đế thời ấy đã quyết định khép cửa và sau đó, Trung Quốc trở thành nạn nhân của các cuộc xâm chiếm ngoại bang". Do vậy, ông Tập Cận Bình trong chuyến công du Châu Âu đã kiêu hãnh nhắc lại rằng : "Trong vòng 40 năm chúng tôi đã làm được những gì mà quý vị làm trong ba thế kỷ".
Trong nhãn quan các nhà lãnh đạo Trung Quốc, công nghệ chính là tâm điểm của đỉnh cao vinh quang, của sự mạt vận và sự hồi sinh của Trung Quốc. Thời Trung Cổ, đế chế Trung Hoa đã lên tới đỉnh cao tiến bộ, với tất cả các bước tiến về công nghệ vào thời kỳ đó, như địa bàn, thuốc súng, giấy. Nhưng than, máy chạy bằng hơi nước, nhà máy và điện xuất hiện đã làm đảo lộn trật tự, dẫn đến sự sụp đổ của cường quốc kinh tế Trung Hoa, và thất bại quân sự giữa thế kỷ XIX. Một trăm sau, đế chế Trung Hoa chỉ là một chú lùn.
Sang đến thế kỷ XX, công nghệ cũng chính là tâm điểm của cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Matxcơva lần đầu tiên đưa người lên khám phá không gian. Washington không chịu kém cạnh, đưa người chinh phục "chị Hằng". Cuộc chiến tuy mang tính biểu tượng, nhưng cho phép Mỹ khẳng định vị thế siêu cường trong các lĩnh vực tin học, hàng không vũ trụ.
Giờ đây, trong thế kỷ XXI này, công nghệ lại một lần nữa là tâm điểm của xung đột. Trung Quốc đã chuẩn bị cho điều này từ lâu trên mọi lĩnh vực. Đầu tiên hết là trong giáo dục. Hàng triệu kỹ sư đã được đào tạo, tuyển chọn từ những trường đại học nổi tiếng nhất của Trung Quốc hay nước ngoài. Tiếp đến cùng với một chính sách pha lẫn hỗ trợ và tự do phát triển, Trung Quốc đã hình thành nên những đại tập đoàn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Nhóm GAFA nổi tiếng của Mỹ giờ đã có đối thủ cạnh tranh tương xứng là BATX (Baidu, Alibaba, Tencent và Xiaomi).
Kế hoạch "Made In China 2025" đưa ra năm 2015 là cơ sở để bành trướng hơn nữa tham vọng này và làm cho nước Mỹ ý thức được tầm mức của thách thức. Đó chính là những gì đang diễn ra cho Hoa Vi hiện nay. Nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu của Trung Quốc, bị Hoa Kỳ nghi ngờ làm gián điệp cho Bắc Kinh, là một trong những tác nhân chính cho việc phát triển mạng 5G, thế hệ điện thoại di động tương lai.
Sự chuyển động này của Trung Quốc ngày càng rõ nét. Nguồn vốn đầu tư-mạo hiểm của Trung Quốc sắp tới trong lĩnh vực này sẽ nhiều hơn là tiền của Mỹ. Số bằng sáng chế xin đăng ký tại Trung Quốc nhiều gấp hai lần tại Mỹ. Và mới đây, hai đứa trẻ biến đổi gien đã được cho ra đời tại Trung Quốc hồi cuối năm 2018.
Trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, những bài đăng khoa học của Trung Quốc đang trên đà "qua mặt" Mỹ. Ngành công nghiệp Trung Quốc cũng đang thống trị việc khai thác và sản xuất đất hiếm và pin năng lượng mặt trời. Trung Quốc còn mua lại hãng công nghệ rô-bốt Kuka hàng đầu của Đức, tấn công vào lĩnh vực xe ô tô bằng cách thúc đẩy sản xuất xe điện và bình điện. Nhưng đó mới chỉ là điểm khởi đầu.
Bài viết kết luận : Đây sẽ là một cuộc chiến dài hơi, hấp dẫn, kỳ lạ. Một sự đối đầu không chỉ giữa hai nền công nghiệp, mà còn là giữa hai nền văn hóa, hai hệ thống chính trị, hai cách nhìn về thế giới. Trong cuộc trình diễn này, Châu Âu chỉ đóng vai là một khán giả.
Minh Anh
*******************
Các nước G7 sẽ lên tiếng phản đối Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông (RFA, 06/04/2019)
Tuyên bố chung của các nước công nghiệp hàng đầu G7 đang nhóm họp tại Pháp vào cuối tuần này có thể sẽ có phần lên án Trung Quốc vì xây đảo nhân tạo ở Biển Đông, tình trạng vi phạm nhân quyền ở nước này và gián điệp mạng. Nikkei Asian Review loan tin này hôm 6/4.
Hình minh hoạ. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean Yves le Drian dự phiên làm việc của Bộ trưởng Ngoại giao các nước G7 ở Dinard, hôm 6/4/2017 - AFP
Lý do các nước G7 lên án Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông xuất phát từ lo ngại Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Ngoài ra, các nước G7 cũng sẽ thảo luận về hành vi thiếu trách nhiệm trên mạng internet và sẽ có tuyên bố chung kêu gọi phản ứng mạnh mẽ hơn đối với những vụ tấn công mạng do Trung Quốc và Nga bảo trợ.
Bộ trưởng các nước G7 cũng sẽ thảo luận về mối quan ngại liên quan đến khả năng Trung Quốc có gián điệp ăn cắp bí quyết các sản phẩm, một vấn đề mà Hoa Kỳ đã lên tiếng cảnh báo.
*******************
Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc bất đồng về thương mại và nhân quyền (RFI, 06/04/2019)
Những bất đồng sâu sắc về thương mại, đầu tư và quyền của người thiểu số đang cản trở Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Trung Quốc ra được một bản thông cáo chung trong cuộc họp thượng đỉnh tuần tới. Nhiều nguồn tin từ Bruxelles hôm 05/04/2019 cho các hãng tin AFP và Reuters biết như trên.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị được chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker tiếp trước một cuộc họp tại Bruxelles, ngày18/03/2019. Reuters / Yves Herman
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thứ Ba 9/4 tới sẽ đến Bruxelles họp thượng đỉnh với chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker.
Ông Donald Tusk "đã khuyến cáo các quốc gia thành viên EU bác bỏ bản dự thảo tuyên bố của thượng đỉnh EU – Trung Quốc, nếu vẫn giữ nguyên như hiện nay, do Trung Quốc không đáp ứng những mong đợi chính yếu của Liên Hiệp Châu Âu".
Cũng theo nguồn tin Châu Âu, Bắc Kinh từ chối "bảo đảm mở cửa thị trường và các điều kiện cạnh tranh bình đẳng" cho các công ty Châu Âu tại Hoa lục. Trung Quốc cũng không chịu cam kết cải cách sâu rộng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong đó có việc tài trợ cho kỹ nghệ.
Bất đồng lớn nữa là Châu Âu muốn Trung Quốc cam đoan tôn trọng tự do tín ngưỡng của người thiểu số Duy Ngô Nhĩ, nhưng vấn đề này tỏ ra hết sức nhạy cảm đổi với Bắc Kinh. Bên cạnh đó là việc chống tấn công tin học, đồng thời Châu Âu cũng e dè đối với Hoa Vi.
Theo bản dự thảo tuyên bố đầu tiên mà Reuters tham khảo được, Trung Quốc được yêu cầu hoàn tất hiệp ước đầu tư và dỡ bỏ các hàng rào thương mại mà Bruxelles coi là lạm dụng. Tuy nhiên, các quan chức Bắc Kinh đã sửa đổi, thậm chí gạch bỏ một số điều khoản trong văn bản. Các đại biểu Pháp, Đức, Anh cho biết không thể để mặc cho phía Trung Quốc đạo diễn theo ý họ.
Như vậy khó có khả năng thượng đỉnh EU-Trung Quốc ra được thông cáo chung. Trước đây, vào năm 2016 và 2017, đôi bên cũng đã không ra thông cáo do các bất đồng về thương mại và Biển Đông.
Liên Hiệp Châu Âu hiện là đối tác hàng đầu của Trung Quốc, nhưng gần đây đã xác định Bắc Kinh còn là người cạnh tranh và là địch thủ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong dịp tiếp ông Tập Cận Bình mới đây đã yêu cầu Trung Quốc "tôn trọng sự đoàn kết của Liên Hiệp Châu Âu".
Thụy My
Liên Hiệp Châu Âu tăng cường tự vệ trước Trung Quốc háu ăn
Sự kiện Nghị Viện Châu Âu chuẩn bị thông qua ngày 14/02/2019 các quy định mới về đầu tư nước ngoài vào Liên Hiệp, được nhiều tờ báo chú ý. Nếu nhật báo kinh tế Les Echos nhận thấy là "Châu Âu tăng tốc trên vấn đề giám sát đầu tư ngoại quốc", thì tờ báo công giáo La Croix nêu rõ mục đích của Châu Âu : "Tự vệ tốt hơn trước thói ăn tham của Trung Quốc".
Nghị Viện Châu Âu chuẩn bị thông qua các quy định mới về đầu tư nước ngoài vào Liên Hiệp "Tự vệ tốt hơn trước thói ăn tham của Trung Quốc". Ảnh minh họa
Đối với Les Echos, văn bản mà Nghị Viện Châu Âu phê duyệt chỉ nhằm thiết lập một nguyên tắc cảnh giác, nhưng thể hiện một thay đổi suy nghĩ đáng chú ý của Liên Hiệp Châu Âu, một bước tiến dù khiêm tốn, nhưng lại là một cử chỉ quan trọng trên phương diện chính trị.
Tờ báo Pháp đã trích lời nghị sĩ Châu Âu Franck Proust, một trong những kiến trúc sư hàng đầu của các quy định mới này, cho rằng Châu Âu rốt cuộc đang cố "tìm lại thời gian đã mất" trong một lãnh vực mà các cường quốc thế giới khác đã biết cảnh giác từ lâu.
Dù các quy định mới này bao trùm mọi đầu tư nước ngoài vào Châu Âu, Les Echos xác định rằng chính các hoạt động trong thời gian qua của Trung Quốc nhằm thâu tóm công nghệ mới của Liên Hiệp Châu Âu là chất xúc tác thúc đẩy phản ứng của Châu Âu.
Bài báo trích một nguồn tin từ Nghị Viện Châu Âu nhận định rằng với kế hoạch "Made in China 2025", phô bày tham vọng trở thành cường quốc công nghệ và sau vụ mua lại hãng chế tạo robot Kuka của Đức, "Trung Quốc đã trở thành một chất xúc tác và góp phần đẩy nhanh tiến độ thương thuyết" giữa các nước trong Liên Hiệp để tìm cách đối phó.
Theo nhật báo Pháp, chính sự thay đổi thái độ của Đức, trước đây rất miễn cưỡng trong việc giám sát đầu tư ngoại quốc, đã đóng vai trò quyết định. Vào lúc này, hiện chỉ có 14 trong số 28 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu là có cơ chế quốc gia nhằm giám sát đầu tư nước ngoài. Quy định mới của Châu Âu sẽ thúc đẩy tất cả các quốc gia Liên Hiệp Châu Âu tăng cường hệ thống kiểm tra của mình.
Đối với Ủy Ban Châu Âu, việc đề cao cảnh giác đối với Trung Quốc không nên được thực hiện bằng cách hy sinh chính sách cạnh tranh, mà bằng cách yêu cầu Trung Quốc phải áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong mối quan hệ song phương.
Nhật báo La Croix cũng xem việc Liên Hiệp Châu Âu tăng cường giám sát đầu tư ngoại quốc chính là một biện pháp tự vệ chống lại thói háu ăn của Trung Quốc
Đối với La Croix, sự gia tăng của các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Liên Âu đã khiến cho ngày càng có nhiều chính trị gia nhận thấy là không nên thụ động, mà không can thiệp.
Xu hướng kiên quyết đặc biệt tăng mạnh vào năm 2016, khi Kuka, một nhà sản xuất robot công nghiệp của Đức, bị công ty Trung Quốc Midea mua lại. Berlin ngay sau đó đã nhận thấy rằng mình cần có phương tiện đối phó, điều mà hai nước Pháp và Ý đã có từ trước đó.
Trang nhất các báo
Trong tình hình không có thời sự nào nổi bật, trang nhất các nhật báo Pháp ra ngày hôm nay 14/02/2019 rất đa dạng.
Vấn đề xã hội đã được cả Le Figaro lẫn La Croix quan tâm, nhưng trong lúc Le Figaro chú ý đến nạn nghiện màn hình nơi trẻ em Pháp, thì La Croix lại tập trung nói về thị trấn nhỏ Bernay ở Pháp đang đấu tranh để bệnh viện phụ sản của họ không bị đóng cửa.
Le Monde, Les Echos và Libération đều quan tâm đến chính trị Pháp, nhưng Le Monde tìm hiểu hậu thuẫn của giới chủ nhân Pháp đối với tổng thống Macron, Les Echos khẳng định là chính phủ Macron sẽ không tăng thuế, còn Libération nêu bật khả năng chính quyền tái lập các sắc thuế "bảo vệ môi trường" từng bị gác bỏ dưới sức ép của phong trào Áo Vàng.
Áo Vàng làm số lượng các vụ phạm pháp nhẹ tăng vọt
Tác hại của phong trào Áo Vàng cũng được các báo chú ý. Tờ báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa : "Áo Vàng : Tình trạng phạm pháp ‘nhẹ’ bùng nổ trong ba tháng gần đây". Les Echos cũng ghi nhận : "Hóa đơn phải trả nặng nề vì Áo Vàng".
Bài viết của tờ Le Figaro cho biết là trong 12 tháng qua (từ tháng 2 năm 2018 đến tháng 1 năm 2019), các vụ đốt phá tài sản công cộng và tư nhân đã tăng 6,7% lên đến 39.474 vụ, và nếu chỉ tính riêng ba tháng gần đây nhất, từ tháng 11 năm 2018 đến tháng 1 năm 2019, giai đoạn bao trùm hầu hết các cuộc biểu tình của phong trào Áo Vàng, thì số vụ cố tình phóng hỏa đã bùng nổ, tăng 45,2%, từ 8.982 vụ lên 13.042. Riêng tại Paris, nơi liên tục phải chịu những cuộc biểu tình Áo Vàng, tỷ lệ tăng trong ba tháng gần đây là 295% !
Song song với các vụ phóng hỏa, các vụ đập phá, hủy hoại tài sản công công hay tư nhân cũng tăng vọt, tăng 51,8% trong 12 tháng qua, và 233% riêng trong ba tháng gần đây !
Số liệu liên quan đến cảnh sát cũng phản ánh đà bùng nổ các vụ phạm phép nhẹ. Đã có 63.590 vụ khiêu khích và có hành vi bạo lực đối với nhân viên công lực trong một năm qua, tăng 11,2%. Tỷ lệ này là 36% trong ba tháng cuối năm. Lượng vũ khí bị cấm bị thu giữ cũng tăng 12,3%.
Trên bình diện tài chánh, theo hiệp hội các đại biểu dân cử tại các đô thị Pháp, sau 13 tuần bị phá hoại dưới đủ mọi hình thức, mức độ thiệt hại do phong trào Áo Vàng gây ra được ước tính "từ 20 đến 25 triệu euro" liên quan đến 20 thành phố hàng đầu của Pháp.
Đó mới chỉ là các thiệt hại liên quan đến các tài sản công cộng. Trên cấp độ cả nước, theo ước tính của Bộ Kinh tế Pháp, cuộc khủng hoảng Áo Vàng đã làm mất 0,1 điểm tăng trưởng ở Pháp trong qúy IV năm 2018.
Sắc thuế - bị khai tử vì Áo Vàng - nay đang được hồi sinh
Liên quan ít nhiều đến phong trào Áo Vàng, Libération hôm nay đã dành trang nhất cho hồ sơ môi trường, với khuôn mặt đen trắng của tổng thống Pháp Macron như xuất hiện bên trên một đám khói đen, trên một phông nền màu xanh lá. Bên dưới là câu hỏi : Phải chăng sắc thuế ban đầu (liên quan đến sinh thái) đang quay trở lại ?
Theo ghi nhận của Libération, sắc thuế mất lòng dân mang tên chính thức là khoản "đóng góp vì khí hậu, năng lượng", gọi nôm na là thuế carbone - yếu tố đã kích hoạt cuộc khủng hoảng Áo Vàng - vẫn đang được thúc đẩy dù đã bị tạm gác trong thời gian qua.
Nhật báo Pháp tiết lộ : "trong những ngày gần đây, ba thành viên của chính phủ và hàng chục dân biểu đang cố gắng khôi phục sắc thuế môi trường của Pháp, bị chính quyền đóng băng vào tháng 12, do áp lực của phong trào Áo Vàng".
Đối với dân biểu Matthieu Orphelin, một người thân cận với cựu bộ trưởng môi trường Nicolas Hulot, vấn đề là phải tìm ra những loại thuế sinh thái khác, vì dẫu sao vấn đề tài trợ cho các biện pháp chống biến đổi khí hậu luôn luôn là một điều cấp thiết.
Côn trùng đang âm thầm biến mất trên Trái đất
Không hẹn mà gặp, dù dành tựa lớn trang nhất để giải thích "Vì sao tổng thống Pháp Macron vẫn được giới chủ nhân ủng hộ", nhật báo Le Monde đã đặt trọng tâm cho vấn đề môi trường với bức ảnh màu chụp một con bọ ngựa, làm nền cho tựa lớn thứ hai : Sự biến mất vô hình của các loài côn trùng.
Le Monde đã giới thiệu một công trình nghiên cứu mới, xác nhận rằng, tiếp theo một số loài động vật có vú, hay chim chóc, các loài côn trùng cũng đang biến mất mà ít ai để ý tới. Đây là kết luận đáng buồn của một công trình nghiên cứu do các nhà khoa học Úc thực hiện, và được công bố vào Chủ nhật tuần trước.
Theo nghiên cứu này : "bướm, bọ cánh cứng, chuồn chuồn, kiến, ong, phù du, v.v... tất cả những loài côn trùng này đều có thể sẽ biến mất trong vòng một thế kỷ". Hệ quả, theo ghi nhận của Le Monde, là một sự sụp đổ thảm khốc của tất cả các hệ sinh thái tự nhiên.
Tính ra, 40% các loài côn trùng đang suy giảm về số lượng. Từ 30 năm nay, tổng sinh khối của côn trùng đã giảm 2,5% mỗi năm. Tốc độ tuyệt chủng của chúng nhanh gấp tám lần so với động vật có vú, chim và bò sát.
Tại sao côn trùng biến mất ? Đó là vì con người, với các hoạt động đô thị hóa, nạn phá rừng và ô nhiễm. Nhưng, đặc biệt tai hại là hiện tượng thâm canh trong nông nghiệp trong nửa thế kỷ qua, với việc sử dụng ồ ạt thuốc trừ sâu, nhất là loại neonicotinoid trong vòng 20 năm gần đây.
Báo động về hiện tượng trẻ nhỏ nghiện màn hình
Một vấn đề xã hội nhức nhối của thời hiện đại đã được nhật báo Le Figaro đưa lên trang nhất với một lời báo động được nêu lên thành tựa lớn : "Các nguy cơ đến từ nạn nghiện màn hình ở trẻ em".
Theo Le Figaro tình hình đang rất đáng lo ngại : "Từ các em bé siêu quậy ở nhà trẻ, học sinh mẫu giáo không chịu trả lời khi được điểm danh hoặc không thể cầm bút, cho đến những đứa trẻ không tài nào tập trung được vào bất kỳ việc gì, các học sinh thụ động hoàn toàn trong lớp...", câu hỏi đặt ra là : phải chăng nguyên nhân đến từ các màn hình đủ loại.
Theo các chuyên gia chăm sóc trẻ nhỏ thì quả đúng là như vậy. Bên cạnh đó còn có yếu tố gia đình, với thái độ đôi khi là vô tâm quá đáng của một số bậc cha mẹ, để cho đưa trẻ muốn làm gì thì làm.
Le Figaro đã nhắc tới cuộc điều tra Elfe vào đầu năm 2019, thực hiện nơi một nhóm bao gồm hơn 10.000 trẻ em, nhấn mạnh rằng "trình độ học vấn của cha mẹ càng thấp, trẻ em càng tiếp xúc với màn hình nhiều hơn".
Trọng Nghĩa
Chưa đầy hai năm sau khi Pháp, Đức và Ý gửi lên Ủy Hội Âu Châu đề nghị đưa ra một cơ cấu kiểm tra và rà soát các đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Châu Âu, cuối cùng Liên Hiệp Âu Châu đã đưa ra được một cơ chế nhằm bảo vệ cho quyền lợi của đại lục này.
Trung Quốc mua càng ngày càng nhiều các công ty gọi là Mittelstand - công ty cỡ trung vốn là cột xương sống của công nghiệp Đức. (Hình : spiegel.de)
Khác với Ủy Ban Điều Tra Đầu Tư Nước Ngoài (CfiUS) của Hoa Kỳ, một ủy ban liên ngành có nhiệm vụ rà soát các dự án đầu tư nước ngoài vào Mỹ xem có làm thiệt hại gì đến quyền lợi và an ninh của nước Mỹ để cho phép hay không, Liên Hiệp Âu Châu chỉ có thể đưa ra một cơ chế rà soát không ràng buộc. Nhưng nó cũng đủ để có thể giúp tạo ra những quan tâm cần thiết tại nhiều nước Châu Âu mà cho đến nay còn thiếu cả một cơ cấu như vậy.
Đạo luật vừa được Nghị Viện Châu Âu thông qua sẽ thành lập một cơ cấu báo động về các đầu tư ngoại quốc vào Châu Âu trong tương lai và một ngân hàng dữ liệu trung ương cho các đầu tư hiện nay trong khi dành quyền quyết định cho phép hay không cho từng quốc gia thành viên.
Nguyên ủy của việc này phát xuất từ các đầu tư có tính cách khai thác xâm lược của Trung Quốc vào các khu vực hạ tầng cơ sở và kỹ thuật cao của Châu Âu. Một thí dụ điển hình là công ty China Ocean Shipping Company (Cosco) đã thầu lấy cảng Pireus của Athens Hy Lạp nơi họ đang xây dựng một trung tâm hải hành tại Địa Trung Hải cho các công ty của Trung Quốc vừa quốc doanh vừa tư nhân như là một phần của "con đường lụa đại dương" của chính phủ Trung Quốc.
Tại Bồ Đào Nha, Trung Quốc đã đầu tư 12 tỷ Euro vào các dự án đi từ năng luợng cho đến chuyên chở với một sự hiện diện đáng kể trong các ngành bảo hiểm, y tế, dịch vụ tài chánh và truyền thông. Quan trọng hơn nữa là Trung Quốc và Bồ Đào Nha dự trù sẽ phóng lên các vệ tinh để quan sát vùng biển chung quanh quần đảo Azores ngay chính giữa Đại Tây Dương.
Trên lãnh vực kỹ thuật cao, Trung Quốc đã đặt chỉ tiêu đạt mức dẫn đầu thế giới trên các lãnh vực như thông minh nhân tạo (AI), người máy (robotics), xe hơi sử dụng các năng lượng khác ngoài dầu hỏa, thiết bị y khoa và hàng không. Nếu không thể tự mình đạt được các mục tiêu đó thì Trung Quốc mua các công ty của các nước khác có khả năng trong các vấn đề này.
Và đó là điều đã làm các quốc gia Châu Âu báo động khi Midea, một công ty làm các đồ gia dụng của Trung Quốc mua công ty nổi tiếng nhất của Đức về robotics, Kuka với giá là $5.3 tỷ vào năm 2016. Dư luận chính trị của Đức lại càng xôn xao thêm nữa khi thấy rằng Trung Quốc mua càng ngày càng nhiều các công ty gọi là Mittelstand – công ty cỡ trung vốn là cột xương sống của công nghiệp Đức. Họ sợ rằng dưới sự quản lý của Trung Quốc những bí mật nghề nghiệp của công nghiệp Đức dần dà sẽ bị chuyền vào tay người Hoa hết. Mặc dầu phải đối phó với những điều kiện khác, giới doanh thương Pháp và chính phủ cũng trở thành quan ngại việc Trung Quốc mua lại các công ty Pháp.
Chính quyền dân túy tại Ý thì lại có môt cách tiếp cận lỏng lẻo hơn đối với việc rà soát đầu tư nước ngoài. Mặc dầu chính phủ trước ủng hộ việc bắt buộc cung cấp các thông tin trong việc đầu tư, chính phủ mới nay muốn để cho việc này thành một việc tự nguyện. Điều mỉa mai là Ý là một trong những quốc gia mà bị Trung Quốc ngắm nhiều nhất tại Châu Âu. Kể từ năm 2014, các công ty Trung Quốc đã mua lại công ty làm vỏ ruột xe Pirelli, đội banh AC Milan, mua cổ phần tại các công ty năng lượng như ENI. ENEL và CDP Reti. Trung Quốc cũng đầu tư mạnh vào các hải cảng của Ý.
Hầu hết các quốc gia Châu Âu khác không có những cuộc tranh cãi như vậy về đầu tư Trung Quốc. Trên thực tế chỉ có 12 trong số 28 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Châu Âu là có một cơ cấu rà soát đầu tư nước ngoài và ngay cả trong những quốc gia này chúng cũng khác nhau môt cách đáng kể.
Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc đều có những cơ quan rà soát đầu tư gay gắt. Châu Âu trước kia tuy rằng có những quan ngại nhưng không nói ra một cách công khai. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump với những chính sách gay gắt chống Trung Quốc, đặc biệt là trên phương diện mậu dịch và đầu tư, đã giúp cho các nước Châu Âu cảm thấy tự do hơn trong việc lên tiếng nói.
Tuy nhiên đối với nhiều nước Châu Âu, Trung Quốc vẫn là một nguồn đầu tư hấp dẫn (kể cả nước Anh mà chẳng bao lâu nữa sẽ rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu). Thế nhưng ngoại trừ Bắc Kinh bỏ chính sách lợi dụng trong lúc bảo hộ cho thị trường của mình, các nước Châu Âu đã đúng trong việc chuẩn bị bảo vệ cho chủ quyền và sự độc lập về kinh tế của mình.
Lê Mạnh Hùng
Nguồn : Người Việt, 06/12/2018
Brexit : Đoàn kết làm nên sức mạnh của Châu Âu
Thời sự trong nước là chủ đề lớn trang nhất nhiều báo Pháp. Le Figaro chạy tựa : "Chính phủ rung chuyển bởi phong trào "Áo vàng" được lòng dân". Le Monde dành trọng tâm cho vấn đề thuế thu nhập đang ngày càng gây bất bình. Libération đưa hình ảnh nhiều phụ nữ giương cao khẩu hiệu chống bạo lực tình dục, và loan báo phong trào #NousToutes kêu gọi biểu tình khắp nước Pháp ngày mai, để bảo vệ các nạn nhân. Các thương lượng cuối cùng trước thượng đỉnh lịch sử về cuộc ly dị giữa Liên Âu và Anh Quốc, dự kiến Chủ Nhật 25/11/2018, là một trọng tâm khác.
Ông Michel Barnier, trưởng đoàn đàm phán Liên Âu về Brexit (phải) và người phụ trách Brexit của Anh, ông Dominic Raab, Bruxelles, ngày 31/08/2018. Reuters/Eric Vidal
Sau hơn một năm rưỡi đàm phán và ít tháng trước hạn chót, 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu và nước Anh rốt cuộc gần đạt được thỏa thuận, cho phép cuộc ly dị diễn ra trong trật tự. Cho dù đến tận thời điểm hiện tại khả năng Brexit suôn sẻ chưa phải hoàn toàn được bảo đảm, thế nhưng việc chính phủ Anh và Liên Âu đã có được một thỏa thuận sơ bộ cho phép lạc quan. Và có thể coi đây là một thành công. Nhật báo kinh tế Les Echos có bài xã luận mang tựa đề "Brexit : Đoàn kết làm nên sức mạnh".
Con đường cheo leo, hai bên là vực thẳm
Bài viết của Les Echos mở đầu với ghi nhận đầy hình ảnh ví cuộc hành trình của 27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu hiện nay như "đi trên đỉnh núi", hai bên bờ là vực thẳm. Cho đến giờ, cộng đồng Châu Âu vẫn tiếp tục con đường khổ ải này, bất chấp sự công kích, lôi kéo của nhiều thế lực bên ngoài, mà một trong các ví dụ tiêu biểu là chính quyền Mỹ của Donald Trump. Trong bầu không khí thù địch này, Liên Âu đã tỏ ra hết sức gắn bó.
Trong vấn đề Brexit, có một sự tương phản nổi bật giữa một bên là các phân hóa, mâu thuẫn trong nội bộ nước Anh, và bên kia là ý thức đoàn kết tập thể của Châu Âu, cho đến nay được thể hiện một cách chuẩn xác qua vai trò của trưởng đoàn đàm phán, chính trị gia người Pháp Michel Barnier. Les Echos nhấn mạnh là một số đòi hỏi quá cứng rắn như của Tây Ban Nha trong vấn đề chủ quyền tại Gibraltar, hay trong vấn đề đánh cá chung tại vùng biển nước Anh… đã không cản trở toàn bộ các thành viên Liên Âu giữ vững tinh thần kỷ luật và đoàn kết chặt chẽ. Ưu tiên hiện tại là tránh mọi động thái có thể gây thêm khó khăn cho thủ tướng Anh Theresa May, có thể dẫn đến một cuộc ly hôn không thỏa thuận.
Ngày Chủ Nhật tới, những điều kiện cho cuộc ly hôn sẽ chính thức được chính phủ các nước thông qua. Điều mà cách nay ít tuần còn bị coi là điều không tưởng. Giai đoạn còn lại đầy rẫy chông gai. Cụ thể là Quốc hội Anh có thể bỏ phiếu chống. Tuy nhiên, nếu mọi việc diễn tiến thuận lợi, Liên Âu và Anh sẽ chia tay theo giải pháp "Brexit mềm", và các nước Châu Âu sẽ đứng ở thế mạnh.
Les Echos cũng nhấn mạnh đến "một hồ sơ nóng bỏng khác" cho thấy đoàn kết và sự kiên định làm nên sức mạnh của Liên Âu. Đó là hồ sơ ngân sách nước Ý. Trong hồ sơ này, Ủy Ban Châu Âu cũng đứng ở một vị thế hết sức khó khăn, như đi bên bờ miệng vực. Les Echos đánh giá Liên Âu tiếp tục đoàn kết, tỏ ra mềm dẻo, để ngỏ cánh cửa cho nước Ý điều chỉnh lại dự kiến ngân sách, chứ không đe dọa trừng phạt tức thời. Cách xử lý của Liên Âu nhận được hưởng ứng tích cực từ phía thị trường.
Thêm một hồ sơ thứ ba nữa cho thấy Liên Hiệp Châu Âu đang đi đúng hướng. Đó là tiến một cách từ từ nhưng vững vàng nhắm đến cái đích củng cố khu vực đồng euro, với dự án ngân sách của vùng, vừa được cặp Pháp-Đức đề xuất, và dự kiến sẽ được khối 27 nước phê chuẩn vào tháng tới. Les Echos khép lại bài viết với nhận định của ủy viên kinh tế Liên Âu, chính trị gia Pháp Pierre Moscovici : "Tranh đấu và thuyết phục sẽ là công việc phải làm thường xuyên… Nhưng đó cũng chính là lịch sử của Liên Hiệp Châu Âu".
Brexit : Thương lượng cuối cùng trước thượng đỉnh lịch sử
Cho dù viễn cảnh thỏa thuận Brexit có nhiều khả năng sẽ được thông qua hôm Chủ Nhật, khả năng đổ bể là rất nhỏ, nhưng đàm phán giữa Luân Đôn và Bruxelles vẫn tiếp tục trong những giờ cuối. Hôm qua, thứ Năm 22/11, hai bên đạt được thêm một bước tiến nữa, đó là thông qua dự thảo "Tuyên bố chính trị" cho phép xác định quan hệ tương lai giữa Liên Âu và Anh Quốc, sau khi cuộc ly hôn chính thức có hiệu lực vào ngày 30/03/2019. Một bất đồng khác đã có được giải pháp. Đó là hai bên có thể kéo dài giai đoạn chuyển tiếp, vốn hết hạn vào 31/12/2020. Thời gian được thỏa thuận là 2 năm, từ tháng Giêng 2021 đến tháng Giêng 2023 (Dự thảo "Tuyên bố chính trị" Brexit dài 26 trang được tranh luận quyết liệt là nội dung một bài viết khác trên La Croix).
Một điểm gai góc hàng đầu còn lại là số phận của vùng đất hẹp tại eo biển Gibraltar, cửa ngõ vào Địa Trung Hải, mà Tây Ban Nha mong muốn mọi quyết định về tương lai của vùng đất này phải có tiếng nói của Madrid. Một số vấn đề khác như quyền đánh cá chung tại các vùng biển Anh Quốc, đổi lại nước Anh được bán hải sản ở lục địa, được tách riêng và sẽ tiếp tục được thương lượng cho đến ngày 20/07/2020.
Le Monde dành một hồ sơ dài mô tả kỹ lưỡng các điểm chính của dự thảo thỏa thuận dài 585 trang, với nhiều phụ lục và ba phần riêng dành cho ba vùng địa lý Ireland, Gibraltar và Chyprus. Ba ưu tiên được nhấn mạnh. Thứ nhất là tránh để lập lại đường biên giới giữa Ireland và vùng Bắc Ireland (thuộc Anh), kết quả của thỏa thuận hòa bình năm 1998. Thứ hai là bảo vệ quyền lợi của các kiều dân Anh và Liên Âu, với tổng số ước tính 4 triệu người. Và thứ ba là Luân Đôn bảo đảm toàn bộ các cam kết về tài chính đối với Liên Hiệp Châu Âu.
Le Monde lưu ý, thỏa thuận với Anh Quốc, nếu đạt được, là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử của Liên Hiệp Châu Âu : Vừa cắt đứt vô số các quan hệ giữa hai bên trong lịch sử 46 năm nối kết, nhưng cũng vừa phải bảo đảm được nhiều quan hệ không đứt đoạn giữa Anh với Liên Âu. "Tuyên bố chính trị" nói trên sẽ đảm nhiệm vai trò này.
Trưởng đoàn đàm phán Châu Âu Michel Barnier thường xuyên nhắc lại là Anh Quốc "vẫn luôn là bạn, là đối tác, là đồng minh của chúng ta". Tuy nhiên, kể từ nửa đêm ngày 29/03/2019, Luân Đôn sẽ mất toàn bộ các quyền hạn của một thành viên Liên Hiệp Châu Âu, như nước này vẫn có từ gần 50 năm qua.
Pháp : Phong trào chống tăng thuế xăng được ủng hộ mạnh
Cuộc khủng hoảng về thuế xăng dầu tiếp tục dâng cao tại Pháp thách thức uy tín của chính phủ là một chủ đề lớn khác của các báo Pháp hôm nay. Theo một thăm dò dư luận của Odoxa cho Le Figaro, 77% người Pháp được hỏi đánh giá là phong trào "Áo vàng", phản đối chính sách tăng giá xăng, dầu của chính phủ, là "có cơ sở". Hồi thứ Bảy tuần trước phong trào Áo vàng đã phong tỏa nhiều trục đường tại Pháp để phản đối, và tiếp tục kêu gọi một lần xuống đường tương tự vào ngày mai thứ Bảy.
Trong vòng một tuần, tỉ lệ ủng hộ phong trào Áo vàng đã tăng thêm 3 điểm. Bên cạnh đó, hai phần ba người Pháp cho rằng phong trào cần phải tiếp tục sau ngày hành động dự kiến vào ngày mai. Vẫn theo điều tra dư luận nói trên, 60% người Pháp cho rằng phong trào xã hội này không mang tính bạo lực, 77% cho họ là "dũng cảm", 78% cho rằng họ tranh đấu vì "lợi ích chung". 82% người trả lời hy vọng tổng thống Pháp hủy bỏ sắc thuế này. Le Figaro nhấn mạnh là những con số nói trên cho thấy chiến lược bôi nhọ phong trào của chính phủ đã thất bại.
Theo Les Echos, đối mặt với phong trào phản đối dâng cao, phủ tổng thống Pháp hứa hẹn "các biện pháp mạnh". Hôm thứ Ba tới, tổng thống Emmanuel Macron sẽ thông báo "một kế hoạch mới", cho phép cuộc chuyển đổi sang Kinh tế Xanh với cái giá hợp lý khiến xã hội "có thể chấp nhận được". Nhà nước sẽ đầu tư thêm tiền để hỗ trợ những gia đình khó khăn, bị việc tăng thuế ảnh hưởng, đồng thời sẽ thảo luận rộng rãi với các công dân, về những vấn đề gây bất đồng.
Tổng thống Macron bỏ lỡ cuộc cải cách thuế các-bon như thế nào ?
Le Figaro có bài phân tích "Tổng thống Pháp đã bỏ lỡ cuộc cải cách thuế các-bon như thế nào ?". Le Figaro so sánh cách làm của tổng thống Macron với các tổng thống tiền nhiệm để cho thấy đương kim tổng thống đã đốt cháy giai đoạn, bỏ qua những lời tư vấn của các chuyên gia, để khiến cho cuộc cải cách, vốn là điều cần thiết, đang phải hứng chịu các phản đối dữ dội từ phía xã hội. Theo Le Figaro, trước khi đắc cử ứng cử viên Macron đã được tư vấn về việc cần phải lập ra một ủy ban để xây dựng một cơ sở khoa học cho cuộc chuyển đổi sang kinh tế Xanh hết sức phức tạp và khó khăn này. Tuy nhiên, sau khi đắc cử tổng thống Macron đã làm ngược lại, không lập ủy ban khoa học, không ủy ban tư vấn. Lộ trình tăng giá xăng dầu được quyết định một cách đơn giản ngay tại Bộ Tài chính trong mùa hè 2017, với mục tiêu bù đắp cho việc giảm thuế dự kiến trong nhiệm kỳ 5 năm.
Le Figaro cũng thừa nhận là tổng thống Pháp có làm theo lời khuyên của một số chuyên gia Bộ Tài chính, theo đó, cần dành một phần của khoản tiền này để hỗ trợ những người gặp khó khăn do giá tăng. Tuy nhiên, số tiền được chi ra chỉ vào khoảng vài trăm triệu euro, và chỉ đến khi gặp phải áp lực của phong trào Áo vàng, chính phủ mới quyết định chi thêm 500 triệu euro.
Về chủ đề này, La Croix có bài phóng sự dẫn lại trực tiếp tiếng nói của hai công dân Pháp, bị chính sách tăng thuế xăng dầu, ảnh hưởng nặng nề.
Đài Loan : Cuộc bỏ phiếu dưới áp lực
Về thời sự Châu Á, Les Echos giới thiệu với độc giả cuộc bầu cử giữa kỳ Đài Loan ngày mai, với tựa đề "Đài Loan, hòn đảo dưới áp lực". 19 triệu cử tri Đài Loan được kêu gọi đi bầu các lãnh đạo từ cấp phường xã, đến vùng. Đây được coi là một trắc nghiệm quan trọng đối với tổng thống Thái Anh Văn, đảng Dân Tiến, chủ trương giữ nguyên trạng, không đòi độc lập, nhưng cũng không siết chặt quan hệ với Bắc Kinh. Đảng Dân Tiến hiện nắm 13 trên tổng số 22 vùng. Một số thành phố lớn như Cao Hùng (Kaohsiung) hay Đài Chung (Taichung) có thể bị mất vào tay đảng đối lập Quốc Dân Đảng, thân Bắc Kinh.
Bên cạnh bầu cử lãnh đạo địa phương, cử tri Đài Loan cũng bỏ phiếu trong nhiều cuộc trưng cầu dân ý khác. Bắc Kinh theo dõi sát diễn biến bỏ phiếu ở Đài Loan. Phẫn nộ với chính quyền Trung Quốc, cử tri Đài Loan có thể bỏ phiếu thông qua nhiều biện pháp mang tính biểu tương, như chấm dứt tên gọi "Trung Hoa – Đài Bắc" của đoàn thể thao, để thay bằng "Đài Loan".
Les Echos cũng cho biết, với tình trạng tăng trưởng kinh tế chững lại hiện nay, tổng thống Thái Anh Văn đang ở trong tình thế khó khăn. Bên cạnh đó, chính quyền Trung Quốc không ngừng có các biện pháp cô lập hòn đảo về ngoại giao.
Cũng Les Echos có bài phỏng vấn ngoại trưởng Đài Loan – mang tựa đề "Đất nước tôi không thuộc Cộng hòa nhân dân Trung Hoa" - khẳng định vùng lãnh thổ này trên thực tế là một nhà nước độc lập, có tổng thống được bầu lên bằng con đường dân chủ, có quân đội, có đồng tiền riêng. Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan một mặt khẳng định "không tuyên bố độc lập", sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc, để bảo vệ hòa bình và ổn định hai bên bờ eo biển, nhưng mặt khác kêu gọi các quốc gia dân chủ hậu thuẫn Đài Loan. Ngoại trưởng Joseph Wu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của phong trào đòi độc lập đang sôi động tại Đài Loan.
Mỹ : Lời qua tiếng lại giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Tòa án tối cao
Về Hoa Kỳ, La Croix có bài xã luận đáng chú ý về chuyện "Lời qua tiếng lại giữa tổng thống Trump và chánh án Tòa án tối cao", điều chưa từng xảy ra. Hôm thứ Tư vừa qua, sau khi bị tổng thống chỉ trích, chánh án Tòa án tối cao Hoa Kỳ John Roberts - một người vốn được coi là cùng phe với ông Trump - đã phản ứng mạnh mẽ, khi khẳng định Tòa án tối cao có một dàn thẩm phán tuyệt vời và tận tụy hết mình vì việc công. Và không thể có các thẩm phán thân tổng thống, dù trong bất kỳ nhiệm kỳ nào.
Chánh án Tòa án tối cao Hoa Kỳ cũng tái khẳng định là một nền dân chủ không thể chỉ được quy về các cuộc bầu cử, mà còn phải dựa trên nguyên tắc căn bản, đó là tam quyền phân lập, tách biệt giữa hành pháp, tư pháp và lập pháp.
Khí hậu : Quốc gia đầu tiên dọa kiện các tập đoàn dầu lửa
Trong lĩnh vực môi trường, Les Echos cho hay, đảo quốc Vanuatu đang xem xét kiện các tập đoàn dầu lửa, các định chế tài chính và chính phủ nhiều nước, vì các thiệt hại do nước biển dâng cao và thiên tai bất thường gia tăng, mà Vanuatu phải gánh chịu. Quần đảo Vanuatu có 260.000 dân, sinh sống tại 82 đảo nhỏ. Đây là lần đầu tiên một quốc gia đe dọa khởi kiện các doanh nghiệp, bị coi là thủ phạm của biến đổi khí hậu.
Hôm thứ Tư 21/11 vừa qua, ngoại trưởng Vanuatu, đảo quốc nam Thái Bình Dương thông báo tin trên trong cuộc họp qua mạng của Diễn đàn các quốc gia dễ tổn thương với biến đổi khí hậu (Climate Vulnerable Forum), bao gồm 48 nước.
Gần hai tuần trước thượng đỉnh Khí hậu COP24 tại Ba Lan, nhóm các nước dễ bị tổn thương muốn rung thêm một tiếng chuông cảnh báo để đánh động cộng đồng quốc tế. Theo thông báo của Tổ chức Khí tượng Thế giới, mức độ khí thải năm 2017 tiếp tục tăng so với năm trước 2016.
Trọng Thành
Châu Âu chia rẽ trong việc trừng phạt Hungary
Thời sự quốc tế nổi bật trên các báo Pháp ngày hôm nay là việc Nghị Viện Châu Âu tiến hành bỏ phiếu dự thảo nghị quyết cho phép khởi động tiến trình áp dụng điều 7 Hiệp định Châu Âu, tước quyền bỏ phiếu của Hungary do nguy cơ nước này vi phạm nghiêm trọng các giá trị của Châu Âu.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu tại Nghị Viện Châu Âu, Strasbourg, Pháp, ngày 11/09/2018 Reuters/Vincent Kessler
Trong bối cảnh trào lưu dân túy và cực hữu đang trỗi dậy, hồ sơ Hungary gây chia rẽ Châu Âu. Le Figaro chạy trên trang nhất : "Trường hợp Viktor Orban nằm ở tâm điểm chia rẽ, giằng xé Châu Âu". Trong bài phát biểu hôm qua, trước Nghị Viện Châu Âu, thủ tướng Hungary Viktor Orban tố cáo sự "bắt chẹt" của phe ủng hộ chính sách nhập cư bên trong Liên Hiệp Châu Âu đối với Budapest.
Đối với La Croix, cuộc bỏ phiếu về hồ sơ Hungary giống như một sự "bắt mạch" về tình hình tại Châu Âu. Nghị Viện Châu Âu bị chia rẽ trước thái độ của ông Viktor Orban, được đánh giá là chính trị gia cực kỳ bảo thủ. Một bên là xu hướng ủng hộ lập trường chủ quyền quốc gia trên hết của thủ tướng Hungary, cho dù có phải đưa ra những đạo luật đe dọa sự độc lập của tư pháp, quyền tự do hiệp hội, tự do ngôn luận và tôn giáo. Còn bên kia là phe "tiến bộ", theo như cách gọi của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, luôn luôn tin rằng Châu Âu vững mạnh sẽ làm được nhiều việc tốt hơn cho người dân. Với hai phe rõ rệt như vậy, các nghị sĩ còn lại buộc phải lựa chọn đứng về bên này hay bên kia.
Trong bối cảnh đó, Libération nhận định : "Trường hợp Viktor Orban nằm trong tay các nghị sĩ Châu Âu". Câu hỏi đặt ra là liệu Đảng Nhân Dân Châu Âu – PPE – cánh hữu, có bỏ rơi ông Orban hay không vì cho đến nay, đảng này luôn luôn bảo vệ thủ tướng Hungary, cho dù ông đang tìm cách thiết lập một thể chế dân chủ phi tự do, bài ngoại, bài Do Thái và chống Châu Âu. Nếu không có sự ủng hộ đông đảo của cánh hữu, dự thảo nghị quyết của Nghị Viện Châu Âu không có cơ may được thông qua. Vì theo điều 354 Hiệp định về hoạt động của Liên Hiệp Châu Âu, việc khởi động điều 7 đình chỉ quyền bỏ phiếu của một thành viên phải có được sự chấp thuận của hai phần ba số nghị sĩ.
Mỹ không ưa thích sự ràng buộc của các hiệp định quốc tế
Một thời sự quốc tế khác được báo La Croix quan tâm, nhân việc Mỹ công khai đe dọa trừng phạt Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (CPI), nếu định chế này thụ lý, xét xử các công dân Hoa Kỳ hoặc Israel. Tờ báo giải mã câu hỏi: "Tại sao Hoa Kỳ không chấp nhận các hiệp ước quốc tế".
Ngày 11/09 vừa qua, phát biểu tại Hiệp hội nghiên cứu về luật pháp và chính sách công Liên Bang, ở Washington, một tổ chức vận động hành lang của phe siêu bảo thủ, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton tuyên bố thẳng thừng : Chúng ta sẽ cấm các thẩm phán và công tố viên này vào Hoa Kỳ. Chúng ta sẽ đưa ra các trừng phạt nhắm vào tài sản của họ nằm trong hệ thống tài chính Mỹ và chúng ta sẽ tiến hành khởi tố họ. Đồng thời, ông còn đe dọa cắt viện trợ của Mỹ cho các nước hợp tác với định chế quốc tế này trong các cuộc điều tra nhắm vào công dân Mỹ và Israel.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đã có phản ứng mạnh sau khi bà Fatou Bensouda, chưởng lý tại Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, muốn tiến hành điều tra và khởi tố các quan chức Hoa Kỳ. Tháng 11/2017, bà chưởng lý đã khẳng định là quân đội Mỹ và CIA, trong giai đoạn 2003-2004, có thể đã phạm các tội ác chiến tranh tại Afghanistan khi tiến hành tra tấn, đối xử tàn bạo với tù nhân.
Báo La Croix nhắc lại chính sách của Mỹ đối với các hiệp ước quốc tế. Đã từ lâu, Hoa Kỳ vẫn có tiếng là chậm chạp phê chuẩn các công ước quốc tế. Cho đến nay, chỉ có hai nước, Hoa Kỳ và Somalia, chưa chấp nhận Công ước quốc tế về quyền của trẻ em. Mỹ cũng không tham gia Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, Công ước quốc tế về Luật Biển, Công ước về quyền của người tàn tật, xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ, hiệp ước cấm mìn sát thương cá nhân. Tổ Chức Lao Động Quốc Tế vẫn chờ chữ ký của Washington…
Việc Mỹ rút khỏi các hiệp định quốc tế không phải là điều gì mới mẻ. Trước khi Donald Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp định khí hậu Paris, Quốc hội Mỹ đã từ chối phê chuẩn Công ước Kyoto về khí hậu trong những năm 1990. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, tổng thống Mỹ, vào năm 1971, đã từ bỏ hiệp định Bretton Woods, đơn phương hủy bỏ khả năng chuyển đổi đô la sang vàng.
Vậy cơ sở của của chủ thuyết đơn phương hành động của Mỹ là gì ? Theo báo La Croix, việc tấn công, đe dọa Tòa Án Hình Sự Quốc Tế nằm trong khuôn khổ chủ trương "Nước Mỹ trước tiên" của Donald Trump. Kể từ khi vào Nhà Trắng, ông đã nhiều lần đe dọa rút nước Mỹ ra khỏi nhiều tổ chức và định chế quốc tế. Theo bà Marie-Cécile Naves, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược, qua việc chứng tỏ là Hoa Kỳ ra các quyết định tùy theo lợi ích của mình, tổng thống Trump tìm cách ve vãn, làm hài lòng các cử tri đã ủng hộ ông.
Vẫn theo La Croix, đã từ lâu, trước thời Donald Trump, Hoa Kỳ đã luôn luôn tỏ ra không hề sẵn sàng từ bỏ một phần chủ quyền quốc gia để chấp nhận các ràng buộc của các hiệp định quốc tế. Các lãnh đạo của Mỹ, từ trước tới nay, luôn luôn nhắc lại rằng không có gì cao hơn Hiến Pháp 1787 và luật pháp quốc tế không thể thay thế luật pháp quốc gia. Chính cách thức hành xử này của các nước lớn làm triệt tiêu sự năng động của cơ chế đa phương và Nga cũng như Trung Quốc đã dùng luận điểm này để biện minh cho các hành động của mình, không đoái hoài tới các quốc gia khác.
Thất vọng về Aung San Suu Kyi
Về thời sự Châu Á, báo Le Monde có bài "Aung San Suu Kyi, biểu tượng gây thất vọng". Tờ báo nhắc lại là giải Nobel Hòa Bình năm 1991, trong một thời gian dài được phương Tây coi như biểu tượng của cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài quân sự, nay, bà phải trả giá về sự thụ động trước các hành động bạo lực, trấn áp của quân đội nhắm vào sắc tộc thiểu số Hồi giáo Rohingya.
Theo một quan chức nước ngoài, trước đây làm việc tại Rangoon và thường xuyên gặp bà Aung San Suu Kyi thì kể từ khi lên nắm quyền, dường như bà đã thay đổi, ham mê với trò chơi chính trị. Nếu như thần tượng Aung San Suu Kyi đã sụp đổ tại Châu Âu và Hoa Kỳ thì tại Miến Điện, bà vẫn rất có uy tín, được lòng dân. Ngoại trừ một vài chỉ trích của giới trí thức hoặc các nhà tranh đấu cho nhân quyền, ánh hào quang của bà Aung San Suu Kyi vẫn tỏa sáng tại Miến Điện. Trong bầu không khí dân tộc chủ nghĩa ngự trị tại một quốc gia ngày càng có thái độ bài Hồi giáo, đa số dân chúng thù ghét người Rohingya, cách thức hành xử của bà Aung San Suu Kyi trong hồ sơ Rohingya dường như lại càng thúc đẩy đông đảo người dân có thái độ cứng rắn hơn, cực đoan hơn. Trước mặt một số nhà ngoại giao, bà đã coi sắc tộc Hồi giáo thiểu số Rohingya là người nước ngoài. Cho dù không dám nói công khai, nhưng đa số dân gốc Miến Điện biết được bà Aung San Suu Kyi nghĩ gì và họ ủng hộ thái độ này.
Theo Le Monde, với lập trường và cách hành xử trong hồ sơ Rohingya, bà Aung San Suu Kyi đã không thực hiện được tham vọng là hòa giải với giới tướng lãnh để thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa đất nước. Đầu tư nước ngoài và lượng du khách phương Tây đang sụt giảm và uy tín của bà, người trước đây được ca tụng như một anh hùng đấu tranh cho dân chủ, đã bị hoen ố.
Trung Quốc : Phá sản mô hình cho vay P2P
Trong phụ trương Kinh Tế và Doanh Nghiệp, Le Monde có bài "Khi Bắc Kinh bóp nghẹt sự tức giận của hàng ngàn người gửi tiết kiệm bị khuynh gia bại sản", phóng sự dài của Simon Leplatre mô tả sự phá sản của mô hình công ty cho vay ngang hàng trực tuyến (P2P) và trong vụ này, Nhà nước Trung Quốc có phần trách nhiệm.
Để thu hút vốn trong dân, tạo nguồn tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính phủ Trung Quốc đã cho phép ra đời nhiều công ty cho vay ngang hàng, tức là người gửi tiền tiết kiệm - người cho vay, có quan hệ với người đi vay-doanh nghiệp cần vốn, thông qua một website. Thay vì gửi tiền vào các ngân hàng truyền thống với lãi suất rất thấp, khoảng 1%, thì gửi theo mô hình P2P, lãi suất có khi lên tới 10%, một số dự án còn hứa hẹn mức lãi lên tới 20-30%. Lĩnh vực này đã phát triển mạnh, có tới 50 triệu khách hàng với tổng sống tiền huy động được lên tới 1300 tỷ nhân dân tệ.
Năm năm sau, vào 2016, khi xẩy ra loạt phá sản đầu tiên, chính quyền Trung Quốc mới ra tay quản lý lĩnh vực này. Sở dĩ chính quyền chậm can thiệp vì luật pháp Trung Quốc không có quy định nào về mô hình cho vay P2P. Đến khi người dân bất bình vì bị mất tiền thì chính quyền lại không ngần ngại dọa nạt, ngăn chặn các cuộc biểu tình phản đối.
Khí hậu và nạn đói trên thế giới
Trang nhất báo Le Monde hôm nay cảnh báo "Cú sốc về khí hậu làm trầm trọng thêm nạn đói trên thế giới". Theo báo cáo của Tổ Chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), được công bố ngày 11/09, nạn hạn hán tại Châu Phi, lũ lụt và giông bão tại Châu Á… các hiện tượng bất thường về khí hậu ngày càng nhiều và dồn dập, ảnh hưởng đến khả năng tự túc về lương thực của nhiều nhóm dân cư, de dọa các tiến bộ đã đạt được trong cuộc đấu tranh chống nạn đói trên thế giới, kể từ đầu năm 2000.
Vẫn theo tổ chức quốc tế này, cùng với các cuộc xung đột bạo lực, khủng hoảng kinh tế, tình trạng biến đổi đa dạng về khí hậu, với các thiên tai nghiêm trọng, là những nguyên nhân chính gây ra nạn suy dinh dưỡng và mất an ninh lương thực.
Trong khi đó, số người phải hứng chịu nạn đói tăng liên tục trong ba năm liền và lên tới mức của thời điểm cách nay một thập niên. Năm 2016, số người không đủ ăn trên toàn thế giới là 804 triệu. Sang năm 2017, con số này tăng lên thành 821 triệu.
Như vậy, mục tiêu phát triển bền vững số hai, không còn nạn đói vào năm 2030, được Liên Hiệp Quốc thông qua hồi tháng 09/2015, dường như khó đạt được.
Báo cáo của Tổ Chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc được công bố như một thông điệp gửi tới cộng đồng quốc tế trước kỳ khai mạc khóa họp lần thứ 73 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. FAO kêu gọi tăng cường hỗ trợ tài chính trên quy mô lớn cho các chương trình giải thiểu và quản lý các rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thời sự nước Pháp
Các báo đều có bài nói đến việc bầu chủ tịch Quốc hội, báo Le Monde quay lại hồ sơ nguồn tài trợ của Libya cho chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của ông Nicolas Sarkozy năm 2017. Lần này, Saif Al Islam Kadhafi, con trai của nhà cố độc tài Libya, lên tiếng khẳng định. Bài viết không có nhiều tình tiết mới, và các tố cáo của Saif Al Islam cần phải được xem xét thận trọng vì khó kiểm chứng.
RFI tiếng Việt
Việt Nam tiếp tục xử những người có liên quan đến Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời (RFA, 20/08/2018)
Ngày 21/8/2018 Tòa án tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xử một nhóm 12 người bị cáo buộc thuộc tổ chức có tên ‘Chính phủ quốc gia Việt Nam Lâm thời’.
Hình chụp màn hình trang web của tổ chức chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời của ông Đào Minh Quân. Ảnh Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời.
Theo Mạng báo Pháp Luật Việt Nam, tổ chức này do ông Đào Minh Quân, một công dân Mỹ gốc Việt thành lập tại Hoa Kỳ và nhóm người phải ra tòa được nói là bị dụ dỗ, lôi kéo, hứa hẹn phong chức tước.
Tin nói dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài đến ngày 23/8, và 12 bị cáo gồm các ông bà Nguyễn Jamse Han, Phan Angel, Đỗ Tài Nhân, Trương Nguyễn Minh Trí, Võ Hoàng Ngọc, Đỗ Quốc Bảo, Trần Tuấn Tài, Trần Văn Vinh, Trần Quang Vinh, Nguyễn Hùng Anh, Nguyễn Văn Chánh, và Đỗ Thị Thùy Dung.
Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời bị chính phủ Hà Nội liệt vào loại phản động, khủng bố, và theo những thông tin từ phía Việt Nam đưa ra thì tổ chức này đã đưa người từ nước ngoài vào để tuyên truyền, vận động những người trong nước tham gia tổ chức, dùng bạo lực để lật đổ nhà nước Việt Nam hiện nay.
Vào tháng 12 năm ngoái, Việt Nam đã đưa ra xét xử 16 người thuộc tổ chức này. Những người này bị kết tội ‘khủng bố nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 84 Bộ luật Hình sự năm 1999. Đây là những người đã tham gia ném bom xăng đốt cháy 320 chiếc xe tại kho giữ xe của công an thành phố Biên Hoà hôm 8/4/2017, và ném bom xăng vào sân bay Tân Sơn Nhất.
****************
Ân xá Quốc tế kêu gọi hành động khẩn cấp cho chị Trần Thị Nga (RFA, 20/08/2018)
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế vào ngày 20 tháng 8 ra thông cáo kêu gọi cộng đồng có hành động khẩn cấp cho tù nhân lương tâm Trần Thị Nga đang bị đánh và dọa giết trong tù.
Bà Trần Thị Nga trong phiên tòa sơ thẩm hôm 25/7/2017 - Courtesy Báo Nhân Dân
Thân nhân tù nhân lương tâm Trần Thị Nga tố cáo khẩn cấp về việc bà ngày bị đánh đập thường xuyên trong tù.
Sáng ngày 20 tháng 8, ông Phan Văn Phong, người phối ngẫu của tù nhân lương tâm Trần Thị Nga, cho biết đã gửi đơn tố cáo khẩn cấp tới các cơ quan trong và ngoài nước về việc bà Nga bị đánh và dọa giết trong trại giam Gia Trung tỉnh Gia Lai.
Theo đơn tố cáo vào sáng ngày 18/8 tù nhân lương tâm Trần Thị Nga gọi điện thoại về nhà cho gia đình theo tiêu chuẩn hàng tháng và thông báo việc mình bị một tù nhân cùng buồng giam có tên là Nguyễn Thị Hải đánh nhiều lần và còn đe dọa sẽ giết chết.
Ông Phan Văn Phong cho Đài Á Châu Tự Do biết :
"Vào ngày thứ sáu 17 tháng 8 Nga gọi điện về cho biết bị đánh liên tục và còn bị dọa giết nữa. Với thông tin như thế và anh em tư vần nên tôi viết đơn tố cáo".
Trong đơn gửi các cơ quan như Giám thị trại giam Gia trung, Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp ; Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà nội, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia lai cùng các tổ chức Quốc tế liên quan, ông Phong cho biết thêm không chỉ đánh và dọa giết mà thư từ của nhiều người dân gửi đến bà Trần Thị Nga cũng đều không được nhận.
Nhận định trong đơn tố cáo cho rằng : "Các hành vi vừa kể trên là vi phạm thô bạo luật pháp Việt nam cũng như công ước chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc mà Việt nam ta đã tham gia kí kết từ 2013, có hiệu lực từ 2015.
Đài Á Châu Tự Do tìm cách liên lạc với ban quản lý trại giam Gia Trung để tìm hiểu sự việc nhưng các cuộc gọi đều không có người trả lời.
Tù nhân lương tâm Trần Thị Nga, 41 tuổi, có hai con nhỏ dưới 10 tuổi. Bà bị bị bắt vào ngày 21 tháng giêng năm ngoái và bị tòa kết án 9 năm tù vào ngày 25 tháng 7 năm 2017 với cáo buộc tội "Tuyên truyền chống nhà nước" theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 1999.
Theo cáo trạng thì bà Nga đã đăng tải 13 video clip có nội dung được cho là "xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ; phỉ báng chính quyền nhân dân ; tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, truyền bá những tư tưởng phản động, gieo rắc sự nghi ngờ, gây hoang mang trong nhân dân... nhằm mục đích chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Hàng loạt các tổ chức quốc tế, các chính phủ như Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và kể cả Liên Hiệp Quốc sau phiên tòa ra các thông cáo báo chí yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho bà Trần Thị Nga.
*******************
EU chỉ trích việc kết án nhà hoạt động Lê Đình Lượng (RFA, 20/08/2018)
Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu EU vào ngày 20 tháng 8 ra Tuyên bố về việc Tòa án Nghệ An vào ngày 16 tháng 8 vừa qua tuyên 20 năm tù giam và 5 năm quản chế đối với nhà hoạt động nhân quyền và môi trường Lê Đình Lượng với cáo buộc "Hoạt động nhằm chống chính quyền nhân dân". Hai nhân chứng dùng để buộc tội ông đều phản cung tại phiên tòa là hai tù nhân chính trị Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng.
Nhà hoạt động vì môi trường Lê Đình Lượng tại phiên tòa ở Nghệ An hôm 16/8/2018 - AFP
Tuyên bố của EU khẳng định việc này là tiếp nối xu hướng tiêu cực trong việc đàn áp các nhà hoạt động ôn hòa tại Việt Nam.
Tuyên bố của EU nói rõ : "Ông Lê Đình Lượng đã ủng hộ một cách ôn hòa cho sự thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền như đã được đảm bảo trong Hiến pháp Việt Nam, Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế và các công ước quốc tế khác mà Việt Nam đã ký kết tham gia, trong đó có Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.
Vì việc kết án trên là một sự vi phạm trực tiếp đối với các nghĩa vụ quốc tế này, Liên Hiệp Châu Âu mong muốn rằng các cơ quan thẩm quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức đối với ông Lê Đình Lượng cũng như tất cả các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền khác hiện đang bị phạt tù vì đã biểu đạt quan điểm của mình một cách ôn hòa".
Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu cũng lấy làm tiếc về việc các đại diện của Liên Hiệp Châu Âu và các đại sứ quán các nước thành viên không được dự phiên xử nhà hoạt động Lê Đình Lượng.
Điều này gây lo ngại rằng "có thể dẫn đền những nghi vấn về tính minh bạch của quá trình xét xử này".
Hoa Kỳ vào ngày 17 tháng 8 cũng lên tiếng về bản án mà Việt Nam tuyên cho ông Lê Đình Lượng. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho các tù nhân lương tâm, đồng thời cho phép mọi cá nhân tại Việt Nam được quyền tự do bày tỏ quan điểm của bản thân, được tự do tụ họp ôn hòa mà không sợ bị trả thù.
Cũng theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì khuynh hướng ngày càng tăng về biện pháp bắt bớ và kết án nặng nề các nhà hoạt động tại Việt Nam là đáng ngại.
Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) cũng ra thông cáo báo chí nhắc lại ông Lê Đình Lượng, năm nay 52 tuổi, là một cựu chiến binh biên giới phía Bắc với Trung Quốc và là một nhà hoạt động xã hội đòi hỏi đền bù cho những ngư dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường Formosa vào năm 2016.
Trước cuộc ganh đua của Nga trên chính trường quốc tế và sức mạnh hung hăng của Trung Quốc, các nền dân chủ Tây phương đứng trong thế gọng kềm. Thế mà, Donald Trump nhất cử nhất động đánh phá từ bên trong liên minh truyền thống hai bờ Đại Tây Dương.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự dạ tiệc tại Đại lễ đường Nhân Dân ở Bắc Kinh ngày 09/11/2017. REUTERS/Jonathan Ernst
Ưu thế của Tây phương có lẽ đang sống những giây phút sau cùng trừ phi thế giới rơi vào một cuộc biến động mới mà không một nước nào chiến thắng. Đó là nhận định của nhiều tờ báo Mỹ, Nhật, Nga, Pháp trong tuần.
Trong bài xã luận cô đọng "Trúng đạn nhưng không chìm", Courrier International nhận xét sắc bén : "giữa những lời dao to búa lớn của Donald Trump, vị thế mờ nhạt của Châu Âu, làn sóng bài ngoại dâng cao, thái độ ngạo nghễ của Vladimir Putin và tham vọng thống trị toàn cầu của Tập Cận Bình, thế giới đã mất phương hướng. Khắp nơi, giá trị dân chủ của Tây phương bị thách thức nhường chỗ cho những kẻ độc tài vênh váo, tinh thần dân tộc cực đoan thay thế ý thức hệ dân chủ hôm qua. Tây phương trúng thương nhưng không ngã quỵ".
May thay, các chế độ dân chủ vẫn kháng cự và sức bền bỉ của các định chế Hoa Kỳ chứng tỏ sức sống mãnh liệt. Trung Quốc sẽ tiếp tục đuổi theo Mỹ nhưng nước Mỹ, cho dù gặp giai đoạn suy thoái, vẫn là siêu cường không so sánh được. Mỹ tiếp tục phát triển không ngừng với thành phần dân số trẻ trung. Trái lại, Châu Âu mới đáng lo vì từ 2015 đi vào thời kỳ giảm dân số và không còn hợp ý với Hoa Kỳ. Chính tình đoàn kết trong khối Tây phương bị suy tàn, Courrier International kết luận.
Nhận định trên đây được một số ngòi bút Mỹ, Nhật, Nga đào sâu. Nhìn từ Washington, trong bài "Trump tháo gỡ trật tự thế giới", The New York Times đưa giả thuyết : Donald Trump có ý đồ đánh phá liên minh Tây phương.
Từ các cuộc thượng đỉnh G7 ở Canada, NATO tại Bruxelles và sắp tới đây là hội nghị Mỹ-Nga tại Phần Lan… Chủ nhân Nhà Trắng không bỏ lỡ một cơ hội nào để làm lung lay nền móng của khối Tây phương. Vấn đề là không ai biết Trump tính gì, có chiến lược cao siêu hay chỉ vì vô ý thức ? Nhưng hành động từ hơn một năm nay của Donald Trump không khác chi là một kế hoạch mật để đập tan nát NATO.
Bằng cớ là tại Québec, Donald Trump kêu gọi G7 mời Nga trở lại cũng như biện minh cho việc Nga xáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina. Một nhà báo thuộc phe bảo thủ ở Canada, Jay Nordinger đã phải thốt lên : "Tại sao Trump phát biểu như là một phóng viên của đài tuyên truyền tiếng nói nước Nga Russia Today ?"
Cây bút David Leonhardt nêu một giả thuyết thứ hai : Có thể Trump thích phá, thích làm ngược lại những tổng thống tiền nhiệm.
Trong mọi trường hợp, các nhà lãnh đạo Tây phương nhất là Justin Trudeau của Canada, tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải noi gương Angela Merkel không nên dễ dãi với Trump. Ngay từ đầu thủ tướng Đức đã tỏ ra cứng rắn với Donald Trump mà không cần đổ dầu vào lửa.
Về phần Quốc hội Mỹ, các nghị sĩ phải ngăn chận chủ nhân Nhà Trắng gây hại, tổ chức điều trần để làm sáng tỏ các âm mưu của ông ta.
Cuối cùng, cử tri Mỹ hãy dùng lá phiếu biến bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới thành trưng cầu dân ý bảo vệ giá trị lý tưởng truyền thống của nước Mỹ mà mỗi công dân là một người bảo vệ.
Nhìn từ Châu Á, tạp chí Nhật Nikkei Asian Review cảnh báo : nếu Tây phương suy yếu, Bắc Kinh sẽ áp đặt luật chơi quốc tế và xuất khẩu mô hình chính trị, kinh tế Trung Quốc ra khắp thế giới. Tập Cận Bình đã nói rõ như thế tại Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng Ba.
Nhà chính trị học Mỹ Ian Bremmer, tác giả bài phân tích "Trung Quốc lên hàng lãnh đạo hành tinh" nhấn mạnh vào chính sách "nước Mỹ trước đã" của Donald Trump tạo ra một khoảng trống và Trung Quốc đã sẵn sàng thay thế.
Hệ quả này một phần là do sai lầm của giới lãnh đạo Tây phương. Trong nhiều thập niên, họ nghĩ rằng hãy giúp cho Trung Quốc phát triển, một tầng lớp trung lưu sẽ vươn lên sẽ buộc chế độ cởi mở hơn. Ngày nay, chính các chế độ dân chủ bị công dân của mình chỉ trích.
Người dân lên án chính sách toàn cầu hóa tác hại đến mức sống và đòi hỏi chính quyền phải đổi mới, điều mà giới chính trị không có giải pháp khả thi. Các nền dân chủ Tây phương bị đe dọa vì dân chúng càng ngày càng mất niềm tin vào các đảng truyền thống và độ chính xác của thông tin.
Ngược lại, chính quyền Trung Quốc có thể tự khen đã góp phần làm đất nước giàu lên và phát huy hình ảnh Trung Quốc ra khắp thế giới. Tình trạng tham ô, đàn áp tự do nhân quyền, kiểm duyệt thông tin, ô nhiễm vẫn tồn tại nhưng cuộc sống hằng ngày đã được cải thiện, đó là lý do các công dân Trung Quốc tỏ ra tin tưởng vào giới lãnh đạo của họ.
Hệ quả ra sao ? Bắc Kinh áp đặt các nguyên tắc quốc tế và ngày càng ít bị chống đối. Trước hết, Trung Quốc là nước duy nhất tiến hành một chiến lược toàn cầu về thương mại và đầu tư.
Với chiến lược "Con đường tơ lụa mới", với quyết tâm cho vay không đặt điều kiện chính trị tiên khởi, Bắc Kinh giành được bạn hàng ở các nước đang phát triển. Chính quyền các quốc gia Châu Á, Châu Mỹ La Tinh, Châu Phi và Trung Đông ngày càng có xu hướng đi theo Bắc Kinh.
Trong cuộc đấu công nghệ cao, thông minh nhân tạo, Trung Quốc cũng ở thế mạnh hơn. Trong khi Hoa Kỳ để cho sáng kiến tư nhân tự do chủ động thì chính quyền Trung Quốc chỉ đạo các tập đoàn công nghiệp. Ảnh hưởng áp đảo cho phép Trung Quốc buộc các nước đối tác nhỏ tuân thủ chuẩn mực các công ty Trung Quốc.
Thật ra, sức thu hút của Trung Quốc có giới hạn và phải cần nhiều chục năm mới đủ sức cạnh tranh với Mỹ nhưng ở cấp vùng, Bắc Kinh là cường quốc quân sự gây phản cảm. Nhưng với thái độ "thoái lui" của Donald Trump, Bắc Kinh có thể lắp vào khoảng trống ảnh hưởng. Đó chính là bất trắc lớn cho địa chính trị trong năm nay.
Như để minh họa cho tình trạng mất phương hướng của thế giới, nhìn từ Nam Phi, nhà báo Kalim Rajad cho rằng thế nổi trội của nền tư tưởng Tây phương Thiên Chúa giáo đang "gây bất bình cho giới trí thức ở các nước kém phát triển". Theo ông, tư tưởng của chủ tịch Trung Quốc ảnh hưởng truyền thống Khổng giáo hy sinh quyền lợi cá nhân cho hài hòa xã hội cũng như tinh thần dân tộc chủ nghĩa của thủ tướng Ấn Độ NarendraModi có những điểm tương đồng.
Cuộc chiến giành ảnh hưởng bắt đầu
Nhìn từ Nga, Timofei Bordatchev, giám đốc viện nghiên cứu Châu Âu ở Moskva, trên báo mạng Profil, dự báo một cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng bắt đầu : Chiến tranh lạnh thứ hai đã khai mào từ trước năm 2017 khi Nga can thiệp vào Syria. Nhưng theo tác giả, diễn biến mới từ sau năm 2014 là không còn những vụ tấn công đơn phương, trừ hai vụ ngoại lệ Tây phương oanh kích Syria năm 2017 và 2018 nhưng cũng thận trọng không để Nga trả đũa. Cuộc chiến tranh lạnh mới này nằm trong khuôn khổ thay đổi trật tự thế giới theo một thế tương quan lực lượng quân bình.
Ngày nay chiến tranh nóng rất khó xảy ra vì bên nào cũng có vũ khí mạnh. Tuy nhiên, nếu dựa trên tuyên bố của tổng thống Donald Trump thì chiến lược của Mỹ đặt trên cơ sở bảo vệ nguồn lợi duy nhất của Mỹ. Thế giới ngày nay quay trở lại kịch bản lịch sử cũ : Tranh đấu không vì lý tưởng mà chỉ vì phân chia tài nguyên. Cuộc chiến này sẽ kéo dài.
Vào lúc đa số ý kiến cho rằng tổng thống Nga lấn áp được Tây phương, RBC Daily từ Moskva hy vọng "một mùa xuân Paris 68" sẽ xuất hiện tại thủ đô nước Nga.
Nếu "mùa xuân Paris 68 nổ ra tại đất nước chúng ta ?", tựa bài báo. Tác giả nhận định : "Cuộc cách mạng xảy ra cách nay 50 năm tại Paris chứng tỏ tăng trưởng kinh tế và điều kiện sống được cải thiện không ngăn được dân chúng bất bình xuống đường. Cho dù kinh tế phát triển mạnh với đời sống tốt đẹp với thụ đắc an sinh xã hội được bảo đảm nhưng không đủ để bù trừ cho tình trạng thiếu tự do cá nhân nếu công dân nhất là giới trẻ cảm thấy xã hội tiến triển chậm hơn khát vọng mong đợi".
Nước Nga cũng thế, người dân không còn bị đói nghèo như thời Liên Xô nhưng các quyền tự do không thấy có tiến triển mà thậm chí còn mất dần so với thời hậu Cộng sản.
Tại Pháp, trong thập niên 1960, tướng De Gaulle, người anh hùng giải phóng dân tộc, người khai sinh nền Đệ Ngũ Cộng Hòa và được dân chúng ngưỡng mộ. Năm 1965, De Gaulle tái đắc cử sau 13 năm cầm quyền, không một dấu hiệu nào cho phép dự đóan 3 năm sau ông bị dân chúng xuống đường chống đối.
Tại Nga, Putin cũng là người xây dựng một nước Nga mới, cũng tái đắc cử vẻ vang nhưng khả năng chuyển hóa đất nước theo khát vọng của dân chúng rất yếu. Quyết tâm muốn tự do và thoát khỏi khuôn khổ Nhà nước bao giờ cũng mạnh hơn lo ngại nội chiến hay bất ổn. Cũng như nước Pháp của những năm 1960, nước Nga ngày nay đang cạn nguồn nội lực động viên xuất phát từ ký ức những năm đói khổ.
Viễn ảnh phải sống thêm 6 năm không một hy vọng đổi mới đè nặng lên lương tâm người dân. Phong trào phản kháng tập trung trong giới trẻ từ ngày chào đời chỉ biết có Putin và nay do bản năng thúc đẩy, muốn biết một nước Nga không có Putin. Do vậy tin rằng chế độ có thể duy trì được trật tự cũ là một điều hoang tưởng.
Thủ đô của Giấc mơ Trung Hoa
Đối ngoại, sức mạnh của Trung Quốc làm thế giới lo ngại nhưng về đối nội, hàng loạt dự án chết non. Thành phố ước mơ của Tập Cận Bình vẫn còn ngái ngủ. Courrier International dành cho báo mạng Hồng Kông, The Initium, nhiều trang và hình ảnh một thành phố "mới" trong dự án khu đôi thị 2000 km2 ở Hùng An, Hà Bắc bị bỏ hoang vì không người tới ở.
Mọi công trình xây cất "thủ đô của giấc mơ Trung Hoa" bị ngưng lại vì phải chờ quyết định Đại hội đảng. Đại hội qua rồi nhưng lệnh tái khởi động không thấy đâu, kể cả trong diễn văn chủ Tập chủ tịch. Một trong những nhà đầu tư bị phá sản, tâm sự : lúc này tôi mới hiểu ý nghĩa của cụm từ "dự án của thế kỷ".
Bắc Âu lo ngại Nga
"Nếu Nga tấn công vào Bắc Âu ?". Bài phóng sự trên báo Pháp L’Express giải thích vì sao Thụy Điển lo âu và chuẩn bị đối phó như thế nào.
Trước thượng đỉnh NATO, Thụy Điển đã nghiên cứu các kịch bản mà Nga có thể thi hành để tấn công vào một thành viên : đảo Gotland của Thụy Điển hay Narva của Estonia. Tại đại học quốc phòng, chuyên gia Tomas Ries giải thích : "Từ 5 năm nay, Putin quan sát xã hội của chúng ta, đang mất phương hướng, phân hóa, than thân trách phận. Nếu tình trạng chủ bại kéo dài, cộng thêm chiến thuật khuấy động bằng tin giả, nếu NATO và Liên Hiệp Châu Âu chia rẽ, nếu Trump bị Putin nuốt gọn thì tổng thống Nga sẽ chọn thời điểm thuận lợi để phiêu lưu quan sự như đã lấn chiếm bán đảo Crimée".
Mục đích của Putin không phải là chiếm thêm lãnh thổ mà là để chứng minh NATO chỉ là "cọp giấy". Đây không phải là một kịch bản tưởng tượng vì quân đội Thụy Điển đã tái thành lập một trung đoàn thiết giáp. Đề phòng mọi tình huống, Stockholm phát cho 4,8 triệu gia đình một "bí kíp" hướng dẫn hành động khi đất nước bị tấn công.
Bắc Kinh chuẩn bị chế độ độc tài điện tử
Cũng như các đồng nghiệp, tuần báo cánh tả L’Obs bình luận về chính sách kiểm sóat xã hội của Tập Cận Bình : "Chế độ độc tài High-Tech với sự tiếp tay của các tập đoàn thông tin điện tử, viễn thông như Ali baba, Huawei…", Trung Quốc của Tập thực hiện một dự án đầy tham vọng và đáng ngại, đó là kiểm soát toàn bộ xã hội và 1,4 tỷ dân bằng công nghệ cao trong mục đích thiết lập một chế độ toàn trị tối tân. Một mô hình có thể làm nhiều nước bắt chước.
Nên ăn rau quả hay thịt ?
Tuần báo Le Point, nhân mùa hè, phỏng vấn một chuyên gia về dinh dưỡng với câu hỏi "ăn thịt hay ăn rau quả" có lợi cho sức khỏe.
Trái với niềm tin truyền thống, chế độ ăn uống nào cũng có cái lợi cái hại. Con người cần thịt vì cần năng lượng hoạt động. Nhưng đời sống hiện nay, bộ não hoạt động nhiều hơn cơ bắp. Thái độ khôn khéo là bớt thịt.
Rau quả tốt cho cơ thể nhưng người ăn chay trường cần sinh tố D cho xương, B12 cho máu. Quyết định chừng mực do vậy tốt hơn thái quá.
Một điểm đáng lưu ý nữa là đối với các vị "tuyệt đối" trong chế độ ăn uống coi chừng mình biến thành nạn nhân của các tập đoàn sản xuất thực phẩm "tinh khiết". Với nhãn hiệu này, họ bán hàng với giá cắt cổ và không ngần ngại để thêm hàng khối phụ gia cho ngon miệng, chẳn hạn như "xúc xích đậu nành" nghe rất lành nhưng rất hại.
Tú Anh
Hồ sơ di dân : Khi những nền dân chủ không hỏi ý dân
Khủng hoảng chính trị tại Đức vì hồ sơ di dân ; thắng lợi lịch sử của cánh tả Mexico và World Cup, mùa "hốt bạc" cho các nhà mạng cá độ bóng đá tại Pháp.
Thủ tướng Angela Merkel and bộ trưởng nội vụ Horst Seehofer tại cuộc họp ở Berlin, ngày 03/07/2018. Reuters/Hannibal Hanschke
Tình hình chính trị tại Đức những ngày qua bỗng trở nên căng thẳng dữ dội, làm lung lay liên minh cầm quyền, khiến Liên Hiệp Châu Âu lo ngại nguy cơ tan rã chính phủ Đức và phải tổ chức lại bầu cử. Nguyên nhân là đảng Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo CSU chỉ trích chính sách di dân của bà Angela Merkel là quá hào phóng và đồng thuận đạt được giữa các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu trong kỳ họp thượng đỉnh cuối tuần qua là "chưa đủ".
Bộ trưởng nội vụ, đồng thời chủ tịch đảng CSU, Horst Seehofer dọa từ bỏ cả hai chức vụ mà ông đang nắm giữ. Theo Libération và La Croix, với tuyên bố đó, rõ ràng "ông Seehofer đang thách thức Angela Merkel". Tuy nhiên, theo ghi nhận của Le Figaro, nhờ vào tính cách trầm tĩnh, kiên nhẫn, bà "Merkel đã thoát được một cuộc khủng hoảng".
Khi người dân không được tham khảo
Dù vậy, nhà báo Renaud Girard, trên mục Ý Kiến của Le Figaro, trong bài viết đề tựa "Chính sách di dân và nền dân chủ", cho rằng trong vụ việc này có phần trách nhiệm của bà Angela Merkel, vì bà đã có những quyết định đơn phương gây hậu quả to lớn cho nước Đức và trong một chừng mực nào đó cho Châu Âu, như là những gì đảng CSU chỉ trích.
Renaud Girard nhắc lại vào năm 2015, thủ tướng Đức trong một phút xúc động đã bất ngờ thông báo tiếp nhận 800.000 người tị nạn. Quyết định này đã làm dịch chuyển hàng triệu con người khốn khổ đến từ Trung Đông, Trung Á và Châu Phi. Họ lũ lượt tràn vào nước Đức, vì nghĩ rằng đó là một nhà nước pháp quyền, một đất nước phồn thịnh, ôn hòa, ổn định, không bạo lực. Họ còn được cung cấp lương thực, được chỉ dẫn và được hưởng chăm sóc y tế miễn phí. Rõ ràng, Đức là một thiên đường.
Thế nhưng, đây là một quyết định đơn phương của thủ tướng Đức. Bà đã không tham vấn bất kỳ ai, kể cả các bộ trưởng, nghị sĩ, các đối tác Châu Âu, cũng như các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực và nhất là không tham khảo ý kiến người dân. Tác giả lưu ý là trước khi có quyết định đơn phương này, cách đó vài tháng, bà Angela Merkel từng nói rằng chính sách đa dạng văn hóa không còn phù hợp với Châu Âu.
Vậy nên chăng phải tham vấn người dân trước khi biến đổi nước Đức thành một xã hội đa văn hóa ? Chẳng phải nền dân chủ bao gồm cả việc hỏi ý kiến người dân về những vấn đề quan trọng hay sao ? Phải chăng nền dân chủ không được dùng để cho người dân có thể tự do quyết định vận mệnh của mình ?
Đây cũng chính là những gì nước Pháp đã trải qua. Tác giả lược lại một loạt các chính sách di dân có từ năm 1976, đơn phương ban hành mà không hề tham khảo ý kiến của dân. Chỉ có một lần duy nhất là vào năm 1962. Vào thời điểm đó, tướng De Gaulle vì không muốn giữ các tỉnh thuộc địa Algeria trước các cuộc nổi dậy của người Ả rập, giương cờ Hồi giáo cực đoan, nên đã tổ chức trưng cầu dân ý và đã được người dân đồng tình.
Vậy mà 56 năm sau, người dân Pháp thông qua các hàng tít lớn trên các nhật báo cho hay "450 tù nhân Hồi giáo cực đoan sắp được trả tự do", bất chợt khám phá ra rằng người ta đã áp đặt cho đất nước một mô hình xã hội đa văn hóa mà họ không hề muốn.
Tác giả kết luận : Tình cảnh này giờ cũng tương tự tại Anh, Đức, Ý, Hà Lan, Bỉ… Ai cũng hiểu rằng xã hội hiện đại sẽ được phồn thịnh hơn nhờ vào sự pha lẫn các nền văn hóa. Nhưng tại một đất nước dân chủ, ít ra người dân cũng phải được tham vấn về tầm mức của sự đa dạng văn hóa mà họ sẽ phải quản lý sau đó.
Mexico : Thắng lợi lịch sử của cánh tả
Một chủ đề khác cũng được các nhật báo Pháp quan tâm nhiều đến là thắng lợi của cánh tả Mexico trong cuộc bầu cử tổng thống hôm Chủ Nhật 01/07/2018 vừa qua. Le Monde trên trang nhất chạy tít lớn : "Mexico, thắng lợi lịch sử của cánh tả".
Le Figaro thì có bài viết : "Mexico, cánh tả lên cầm quyền sau chiến thắng của AMLO", tên viết tắt của tổng thống tân cử Mexico. Với La Croix, "Mexico chọn cho mình một tổng thống cánh tả".
Bài viết có tựa đề "AMLO, hành trình của kẻ đơn độc" trên Libération tóm tắt lại con đường đi đến thắng lợi của Lopez Obrador. Sau hai lần thất bại trong các kỳ bầu cử trước, ông đã thực hiện tốt nhiều chính sách xã hội khi còn ở cương vị thị trưởng thành phố Mexico.
Giờ đây đã trở thành tổng thống, "Lopez Obrador muốn quét sạch nạn tham nhũng tại Mexico mà không muốn làm hoảng sợ các nhà đầu tư", như nhìn nhận của Les Echos. Theo nhiều nhà quan sát, tổng thống tân cử vẫn tiếp tục phát triển chương trình kinh tế của phe bảo thủ.
Hạt nhân : Cả thế giới bị Bắc Triều Tiên đánh lừa ?
Về thời sự Châu Á, một số nhật báo Pháp chú ý đến những tiết lộ gần đây của truyền thông và tình báo Mỹ nghi ngờ Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân bất chấp những cam kết tại thượng đỉnh Singapore.
Les Echos gần như khẳng định "Kim Jong-un tăng tốc chương trình hạt nhân". Khẳng định này một lần nữa làm dấy lên "những nghi ngờ về sự thành tâm của Bình Nhưỡng" như ghi nhận của Le Figaro. Theo hai nhật báo, các phân tích hình ảnh của các chuyên gia Mỹ cho thấy là Bình Nhưỡng không có ý định từ bỏ tham vọng quân sự của mình. Điều đáng ngạc nhiên là thái độ im lặng khó hiểu của ông Donald Trump về những tiết lộ này.
Ánh đèn đêm, kẻ thù của côn trùng ?
Trong lĩnh vực khoa học, Le Figaro đặt câu hỏi : "Phải chăng ánh đèn đêm đang thúc đẩy nhanh hơn nữa sự suy thoái của côn trùng ?".
Bài báo nhắc lại vào tháng 10/2017, một nghiên cứu của Đức đã gióng lên một hồi chuông báo động, kêu gọi ý thức của người dân về một cuộc khủng hoảng sinh thái đang diễn ra tại các vùng nông thôn. Trong vòng 27 năm, số lượng loài côn trùng có cánh đã biến mất đến 75% tại nhiều nơi ở Đức. Một thảm họa không chỉ đối với loài côn trùng, mà còn cho tất cả các loài sinh vật nào, đặc biệt là loài chim, sống nhờ ăn côn trùng.
Đương nhiên, nền nông nghiệp thâm canh, việc sử dụng ồ ạt chất diệt côn trùng, và khí hậu ấm dần là những nguyên nhân chính. Nhưng những yếu tố này chưa đủ để giải thích sự suy thoái đột ngột của lượng ruồi, muỗi, bướm và nhiều loài côn trùng có cánh khác tại các vùng nông thôn.
Theo nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học người Đức khác, đăng trên Tập san Sinh học Ứng dụng (Annals of Applied Biology), dường như ánh đèn đêm cũng góp phần làm suy giảm dân số côn trùng ở nông thôn.
Khi quan sát nhiều khu vực có tình trạng ô nhiễm ánh sáng nghiêm trọng trong vòng 27 năm, những nơi không bao giờ tối vào ban đêm, các nhà khoa học nhận thấy "60% các loài động vật không xương sống là loài ăn đêm và chúng sử dụng các nguồn ánh sáng để định hướng, tránh loài săn mồi, tìm kiếm thức ăn và sinh sản".
World Cup : Mùa "hốt bạc" cho các nhà mạng đánh cược
Cuối cùng, World Cup 2018 là một chủ đề không một nhật báo nào có thể bỏ qua. Báo Pháp như vẫn còn ngây ngất về chiến thắng 4-3 của đội nhà trước Argentina.
Le Monde dành một góc nhỏ trên trang nhất đề tựa : "Mbappé : 19 tuổi, 6 tháng, 10 ngày… và 90 phút để mơ ước". Tờ báo phác họa vài nét về cầu thủ trẻ Kylian Mbappé, người đã lập kỳ tích ghi hai bàn thắng trong một trận đấu.
Le Figaro và La Croix đặc biệt chú ý đến một người thân cận của huấn luyện viên đội Pháp, ông Guy Stephane. Với Le Figaro, nhân vật xứ Bretagne này là người duy nhất Didier Deschamps có thể "lắng nghe". Ông cũng là người duy nhất Deschamps có thể trông cậy, vì ông nhất mực tuân theo những gì Deschamps muốn làm. Nói tóm lại, Guy Stephane là một "viên phó trung thành của thủ lĩnh Deschamps" như hàng tựa trên La Croix.
Les Echos nhìn World Cup trên góc độ kinh tế. Cúp Bóng Đá Thế Giới không chỉ là cơ hội cho các đội tuyển lập thành tích, là dịp để các cầu thủ thi thố tài năng, mà còn là mùa "hốt bạc" cho các nhà mạng đánh cược. Mùa bóng năm nay, tuy cuộc chơi chưa kết thúc, nhưng các nhà kinh doanh cá cược tại Pháp đã bội thu.
Nhật báo kinh tế này đưa ra một con số ấn tượng. Chỉ riêng trong 48 trận đấu loại vòng bảng, số tiền cá cược thu được qua mạng lưới bán lẻ của hãng Française des Jeux (Công ty Xổ số Pháp) và các nhà kinh doanh trên mạng Internet là 363 triệu euro. Con số kỷ lục này cao hơn rất nhiều so với toàn bộ các trận đấu trong kỳ World Cup 2014 (290 triệu euro) và Euro 2016 (297 triệu euro cho toàn bộ 51 trận đấu).
Tăng trưởng của cá độ qua mạng đã chiếm đến hơn phân nửa doanh số. Hoạt động cá độ trên các trang mạng do chính phủ kiểm soát đã tăng gấp đôi. Chỉ tính riêng số tiền đặt cược trên mạng cho vòng đấu bảng đã lên đến 209 triệu, tăng gấp đôi so với tổng số tiền đặt cược trên mạng cho toàn bộ các trận đấu tại World Cup tại Brazil năm 2014.
Minh Anh