Thủ Thiêm những ngày này như trên lửa với tràn ngập các tin bài trên các báo và trang mạng về tấm bản đồ quy hoạch bị mất, về tương lai của nhà thờ Thủ Thiêm, về tình cảnh của những người dân mất đất và những nghi ngờ về quan chức tham nhũng đất đai. Nhưng cách đây khoảng 2 năm, khi sự kiện Thủ Thiêm vẫn còn chưa được báo chí chú ý đến, đã có một nhà nhân chủng học người Mỹ viết một cuốn sách về Thủ Thiêm. Ông đưa ra một cách nhìn khác về vùng đất đang gây nhiều tranh cãi nhưng theo ông đã có một bề dày văn hóa nên được bảo tồn. Cuốn sách viết gì về Thủ Thiêm ngày xưa và bây giờ ?
Một người đàn ông đẩy xe với một chiếc tủ lạnh trên con đường đất ở Thủ Thiêm bên kia sông Sài Gòn. Hình chụp 18/10/1996. AP
Ăn quận 5, chơi quận 1, ngủ quận 3… đánh nhau quận 4 và quận Thủ Thiêm. Đó là câu nói được những người dân Thủ Thiêm thường nói đùa với nhau nhưng phần nào cũng diễn tả được suy nghĩ của người dân Sài Gòn về Thủ Thiêm, mảnh đất mà họ vẫn cho là của những người thất nghiệp, ăn xin, nghiện ngập… bên kia sông Sài Gòn. Nhưng theo tiến sĩ Erik Harms, người ta đã không nhìn nhận đúng về con người Thủ Thiêm và mảnh đất này, điều mà ông gọi là ‘Nhìn mà không thấy’ trong cuốn sách Luxury and Rumble, tạm dịch là Hoành Tráng và Đổ Nát, xuất bản năm 2016.
"Trong cuốn sách của mình tôi viết là những người ở bên kia sông dường như không nhìn thấy những người bên này, đó là những người ngoại thành, thiếu văn minh. Nó có gì đó phân biệt về nơi bạn ở".
Cuốn sách của Erik Harms có hai phần : phần đầu là luxury (Hoành Tráng), miêu tả về khu đô thị Phú Mỹ Hưng được miêu tả như biểu tượng vươn lên của Sài Gòn sau đổi mới, và phần hai là Rubble (Đổ Nát) là phần về Thủ Thiêm với những đống đổ nát cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen khi chính quyền thành phố quyết định di dời, giải tỏa trắng nhiều vùng tại Thủ Thiêm để phát triển khu đô thị mới giống như Phú Mỹ Hưng.
Thủ Thiêm, theo tiến sĩ Erik Harms đã được người dân đến cư ngụ từ rất lâu, lâu như chính Sài Gòn vậy, từ thời Chúa Nguyễn hồi thế kỷ thứ 17. Thế nhưng cũng từ rất lâu, vùng đất này dường như không được người bên ngoài để ý đến. Vùng đất thậm chí không được đánh dấu một cách rõ ràng như các phần khác của Sài Gòn trên các bản đồ thành phố từ thời Pháp cho đến tận gần đây.
Vùng đất này cũng là nơi của những nhà thờ Công giáo, các chùa, và miếu có niên đại cả trăm năm, hơn trăm năm. Một đoạn trong cuốn sách viết :
"Kể từ giữa thế kỷ thứ 19, Thủ Thiêm đã là nơi của nhà thờ Công giáo và tu viện dòng Mến Thánh Giá, rõ ràng là thậm chí từ trước thế kỷ thứ 19, khu đất này đã có những chùa, đền, miếu, đình".
Từ thời Pháp cho đến những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, chính quyền đã vài lần lên những kế hoạch phát triển Thủ Thiêm, nhưng đều không thực hiện được do vấn đề chiến tranh. Và Thủ Thiêm lại tiếp tục là vùng đất không được chú ý đến đúng mức.
Đến những năm 90 của thế kỷ trước, Thủ Thiêm, vùng đất bên bờ sông Sài Gòn, ngay sát quận 1, quận trung tâm thành phố, vẫn còn bị che khuất bởi những biển hiệu quảng cáo và các ánh đèn neon chiếu về phía trung tâm Sài Gòn.
"Vùng đất được coi là không phát triển, thế giới của những lộn xộn ngay bên kia sông trong nhiều năm đã bị che đi bởi những biển hiệu quảng cáo và ánh đèn nê ông. Khi nhìn về từ trung tâm thành phố, những tấm biển hiệu này giống như những tấm màn che đi những gì nằm phía sau đó. Nó cũng giống như những tấm gương phản chiếu những hy vọng của Sài gòn và dội lại".
Người đi từ Sài Gòn sang Thủ Thiêm từ nhiều năm vẫn đi qua phà Thủ Thiêm quen thuộc cho đến một ngày. Chính xác đó là vào đêm ngày 1/1/2012 khi con phà chính thức chấm dứt hoạt động. Đó cũng là lúc bắt đầu của một giai đoạn hai năm chính quyền thành phố tăng tốc việc di dời 14.600 hộ dân với hơn 60.000 nhân khẩu để xây khu đô thị mới Thủ Thiêm với ước muốn biến nó thành một Phố Đông của Sài Gòn giống như Phố Đông ở Thượng Hải.
"Nếu bạn so sánh Thủ Thiêm với Phố Đông ở Thượng Hải thì rõ ràng là ở Trung Quốc họ làm rất nhanh. Họ vào và tống hết người dân đi chỗ khác và làm rất nhanh. Bây giờ người ngoài nhìn vào thì bảo nhìn xem sao Phố Đông phát triển thế. Phố Đông giờ gần như là một biểu tượng phát triển của Trung Quốc. Bây giờ họ so sánh với Việt Nam và họ có thể nói chúng tôi muốn làm tương tự mà không được nên họ cảm thấy xấu hổ. Cho nên với những phức tạp đang diễn ra trong câu chuyện Thủ Thiêm, nếu chính phủ thất bại ở Thủ Thiêm thì đó là bằng chứng về những tham nhũng và không có khả năng của chính quyền. Nhưng nếu họ thành công thì đó là bằng chứng rằng họ sẵn sàng cưỡng chế người dân bằng mọi giá. Dù trong tình huống nào thì hình ảnh của họ trong câu chuyện này cũng không tốt".
Vào giai đoạn cao trào của giải tỏa, những người dân Thủ Thiêm mất đất nhận được thông báo họ phải di dời, nếu không sẽ bị cưỡng chế thu hồi đất. Người dân ở đây được chính quyền đề nghị mức giá đền bù ban đầu là 2.380.000 VND một mét vuông hồi năm 2002. Sau đó mức đền bù này được tăng lên 6.380.000 VND một mét vuông vào năm 2006. Ba năm sau đó mức đền bù được tăng lên 18.380.000 VND.
Đây cũng là mức đền bù được báo chí đề cập đến rất nhiều trong thời gian qua mà người dân cho là không hợp lý. Giá đền bù 18 triệu nhưng trên thực tế, chủ đầu tư có đất đã bán lại với giá 350 triệu đồng, một mức chênh lệnh quá lớn mà người chịu thiệt thòi, mất mát lớn nhất là người dân Thủ Thiêm như lời của tiến sĩ Erik Harms :
"Người dân Việt Nam bây giờ đã biết nhiều hơn về giá trị của đất so với khi dự án bắt đầu vào khoảng năm 1997. Vào lúc đó thì họ không biết nhiều về thị trường nhà đất. Ở Phú Mỹ Hưng, họ bắt đầu giải tỏa từ 1993 và người dân ra đi, họ nhận tiền và dời đi. Vào lúc đó họ không biết đến việc anh có thể trở thành đại gia vì nhà đất… mọi thứ đã thay đổi. Họ nghĩ Thủ Thiêm không có gì so với quận 1. Họ nghĩ là họ chỉ việc vào, đá mọi người ra và cho họ tiền đền bù thấp mà không vướng phải bất cứ phản đối nào. Nhưng khi họ bắt đầu làm thì thị trường nhà đất ở thành phố Hồ Chí Minh đã thay đổi và mọi người nói rằng đừng hòng tôi đưa ông đất vàng mà không nhận lại gì cả".
Từ đầu những năm 2000 đến nay, rất nhiều người dân Thủ Thiêm đã phải ra đi, nhường đất cho khu đô thị mới. Thế nhưng vẫn có cả trăm hộ vẫn tiếp tục con đường khiếu kiện ra tận Hà Nội suốt nhiều năm ròng rã.
Câu chuyện về tấm bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm có từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 1996 được chính quyền thành phố mới đây tuyên bố đã biến mất khiến người dân và dư luận đặt nhiều nghi ngờ về ý định của những người lãnh đạo thành phố. Những người dân Thủ Thiêm ngay từ hồi đầu những năm 2000 đã nói về vấn đề chênh lệnh giá quá đáng mà họ cho là do tham nhũng đất đai.
Nhưng những người lên kế hoạch phát triển Thủ Thiêm cũng không hiểu rằng, chính những người dân phản đối việc giải tỏa trắng, di dời, lại là những người ủng hộ sự phát triển của Thủ Thiêm. Họ tự hào về Thủ Thiêm và mong nó được phát triển. Chỉ có điều những gì họ nghĩ, họ nói, đã không được lắng nghe đúng mức.
"Bất chấp những cáo buộc về vấn đề tham nhũng đối với thành phố, quận và các giới chức dự án, những cuộc phỏng vấn với các cư dân ở đây cho thấy người dân ở Thủ Thiêm và trong thành phố đều không phản đối ý tưởng của dự án. Thực tế họ còn nghĩ việc quy hoạch là đáng vì làm thành phố đẹp hơn. Bằng việc chống lại cưỡng chế, họ không chỉ trích ý tưởng xây dựng một thành phố Hồ Chí Minh hiện đại mà họ chỉ tức giận vì cách mà họ bị đối xử".
Đất Thủ Thiêm vốn có nhiều vùng bị coi là khó phát triển do đất mềm, ngập nước. Trong những năm 70, đã có những ý kiến của các chuyên gia cho rằng việc lấp đất xây Thủ Thiêm sẽ quá tốn phí. Nhưng giờ đây, với giá đất lên đến 350 triệu đồng một mét vuông, có lẽ cái giá lấp đất và di dời dân không còn đáng bao nhiêu đối với những nhà đầu tư. Đã nhiều năm trôi qua mà việc di dời các hộ dân, giải tỏa Thủ Thiêm vẫn chưa thể hoàn tất. Ước mơ xây dựng Thủ Thiêm giống như Phú Mỹ Hưng hay Phố Đông của Thượng Hải vẫn còn rất xa vời với những đống đổ nát còn lại tại Thủ Thiêm. Tiến sĩ Erik Harm đặt câu hỏi, tại sao những nhà quy hoạch, chính quyền thành phố không để những người dân Thủ Thiêm ở lại, để họ cùng lên kế hoạch phát triển thành phố.
"Nếu tôi là một nhà kiến trúc, một nhà quy hoạch từ ban đầu của Thủ Thiêm, tôi sẽ làm một dự án bao gồm tất cả những người dân ở đó. Tôi sẽ có một cuộc thi của các nhà kiến trúc, tôi sẽ nói với họ đây là dòng sông, đây là vùng đất đầm lầy, đây là các công trình hiện có, các bạn thiết kế dựa theo đó. Bên cạnh đó là hơn 14,000 hộ dân. Tôi muốn các nhà kiến trúc làm thế nào để bao gồm cả họ vào trong dự án phát triển tương lai của Thủ Thiêm. Nếu họ bắt đầu như vậy thì các nhà kiến trúc sẽ thấy nó có thách thức nhưng họ sẽ thích như vậy. Thứ hai là bạn sẽ không có nhiều vấn đề phải giải quyết với những người dân địa phương".
Nếu, có rất nhiều từ nếu đối với Thủ Thiêm vào lúc này. Nếu như tất cả những cái nếu đó được thực hiện, có lẽ đã không có chuyện khiếu kiện ròng rã cả chục năm trời của cả trăm hộ dân, và biết đâu cũng không có chuyện tấm bản đồ bị thất lạc ?
Nguồn : RFA, 11/05/2018
Ngày 6/5 giáo xứ Kẻ Gai với đại diện là linh mục Nguyễn Đức Nhân, linh mục quản xứ, và Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ, linh mục Nguyễn Văn Lịch, đã viết đơn kiến nghị gửi lên Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Nghệ An, tố giác cơ quan này đã cố tình bao che hành vi vi phạm pháp luật của Chủ tịch và trưởng công an xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, và đề nghị chấm dứt hành vi sách nhiễu, vu khống giáo dân. Linh mục Nguyễn Đức Nhân cho đài Á Châu Tự Do biết ông đã đích thân đưa đơn này lên cơ quan công an điều tra tỉnh Nghệ An vào sáng ngày 7/5.
Hình ảnh vụ xô xát ở giáo xứ Kẻ Gai ngày 17/12/2017 - Screen capture (citizen video)
Theo đơn kiến nghị, vào ngày 18/1, giáo dân giáo xứ Kẻ Gai đã gửi đơn tố giác ông Nguyễn Văn Thu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hưng Tây và ông Cao Minh Lực, Trưởng công an xã, đã có hành vi tổ chức ‘đánh người gây thương tích’, ‘hủy hoại tài sản’, ‘gây rối trật tự công cộng’, ‘lạm quyền’ và ‘không cứu người’ trong vụ việc tranh chấp đất đai hôm 17/12 năm ngoái ở xóm Bắc Kẻ Gai, xã Hưng Tây.
Theo linh mục Nhân và người dân chứng kiến vụ việc hôm 17/12, chính quyền xã Hưng Tây, và huyện Hưng Nguyên đã huy động cảnh sát cơ động và cho phép hội Cờ Đỏ đến đàn áp người dân đang làm mương thủy lợi trên mảnh đất của mình vào sáng ngày 17/12 khiến ít nhất một người bị thương nặng phải vào bệnh viện cấp cứu. Linh mục Nguyễn Đức Nhân cho biết :
"Họ chỉ là những người dân, qua vụ việc xảy ra rất đông người, hôm đó có vài ngàn người. Người dân chỉ là nạn nhân thôi. Trên video clip đó thì thấy là hội Cờ Đỏ, ông Lực đập người dân chúng tôi. Họ đưa công an xuống làm việc rồi lập biên bản. Họ đánh anh đó ngất tại đường luôn. Người dân lập biên bản đưa mấy ông công an huyện và xã chứng kiến để ký biên bản".
Truyền hình Nghệ An, cơ quan ngôn luận của chính quyền tỉnh vào ngày 17/12 đưa tin viết rằng ‘hàng trăm giáo dân giáo xứ Kẻ Gai, dưới sự kích động của linh mục quản xứ Nguyễn Đức Nhân đã tự ý chiếm đất sản xuất nông nghiệp để xây dựng nhà thờ’. Truyền hình Nghệ An cho biết người dân đã lấn chiếm 9.000 m2 đất canh tác theo quy định của chính phủ.
Tuy nhiên, giáo dân và linh mục Nhân khẳng định với Đài Á Châu Tự Do rằng phần đất mà người dân làm thủy lợi chính là đất tổ tiên của họ để lại. Linh mục Nguyễn Đức Nhân nói :
"Đất đó là tổ tiên họ để lại thì họ dâng, nhưng sau này chúng tôi sẽ làm giấy tờ đàng hoàng gửi Đức Giám mục giáo phận và chính quyền. Còn vụ việc vừa rồi chúng tôi chỉ làm thủy lợi thôi nhưng chính quyền và hội cờ đỏ và công an đến đánh người dân".
Sau khi đơn tố giác được gửi đi, đến ngày 29/1/2018, giáo xứ Kẻ Gai nhận được thông báo từ Thượng tá Cao Ánh Hồng, Phó Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An về việc nhận đơn tố giác. Giáo dân giáo xứ Kẻ Gai cũng nhận được văn thư từ văn phòng chính phủ về việc chỉ đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh để giải quyết đơn.
Tuy nhiên theo kiến nghị mới của giáo xứ Kẻ Gai, trên thực tế cơ quan Công an tỉnh Nghệ An đã không thực hiện đúng các quy định về trình tự, thủ tục xác minh, thu thập chứng cứ, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và khởi tố vụ án theo đơn tố giác ngày 18/1.
Không những thế vào ngày 3/5, Thượng tá Cao Ánh Hồng đã ký đơn triệu tập gửi đến 4 người dân xã Kẻ Gai, yêu cầu họ lên làm việc với công an tỉnh vào sáng ngày 7/5 về những việc mà người dân ở đây cho là hoàn toàn không đúng sự thật.
Anh Nguyễn Văn Ân, một trong 4 người bị triệu tập cho biết :
"Bây giờ mình đang lên án huyện với xã thì bây giờ mình từ người bị hại họ lại lật ngược lại nói mình giam giữ người trái pháp luật. Hôm đó mình mời bí thư xã và trưởng công an huyện làm biên bản tường trình, ký vào biên bản đó. Mình ký vào biên bản người làm chứng, mình có mặt trong vụ việc đó".
Theo bản chụp giấy triệu tập mà đài Á Châu Tự Do có được, ngoài anh Ân bị triệu tập về việc giam giữ người trái pháp luật, còn có anh Nguyễn Minh Chánh bị triệu tập về hành vi đánh nhau vào ngày 17/12. Hai người còn lại, theo linh mục Nhân, hiện đang đi vắng nên không nhận giấy triệu tập. Linh mục Nhân phủ nhận việc người dân đánh người trong ngày 17/12 như trong giấy triệu tập.
Nói về lý do sự việc dù đã xảy ra rất lâu nhưng đến bây giờ công an tỉnh Nghệ An lại quyết định triệu tập một số người dân Kẻ Gai thay vì điều tra khởi tố những người trong chính quyền theo đơn tố giác, anh Ân nhận định :
"Tại vì thứ nhất họ để dư luận tạm thời lắng. Thứ hai một trong những vấn đề ở đây là bên mình đang làm đơn tố giác xã, huyện với cờ đỏ là đánh dân thì mình nghĩ họ gửi cho mình giấy này là có thể họ muốn thỏa hiệp yêu cầu mình rút đơn kiện, trả lại đất. Ý là họ không cho phép mình làm. Thứ hai mình nghĩ thời điểm này dư luận tạm thời lắng hoặc vụ việc vừa rồi có tin hội thánh đức chùa trời để họ dọn đường dư luận, mà vừa rồi ở Vinh có xôn xao nhiều vấn đề nên nếu họ không thỏa hiệp được thì họ có thể dùng mình hoặc một vài người trong xứ để răn đe, thì sau này dễ điều khiển hơn vì không ai dám lên tiếng cả".
Liên quan đến tin về Hội thánh Đức Chúa Trời vốn không liên quan đến những người theo Công giáo ở Vinh, truyền thông nhà nước và chính quyền thời gian qua đã lên tiếng chỉ trích hội thánh này và cảnh báo nếu hội bị phát hiện có những hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý
Những người nhận giấy triệu tập đã quyết định không lên gặp công an tỉnh vào sáng ngày 7/5 vì cho rằng lý do đưa ra là không đúng.
Linh mục Nguyễn Đức Nhân cho biết giấy triệu tập đã khiến người dân hoang mang và phẫn nộ "Giấy triệu tập đến thì họ phẫn nộ vì việc làm vô lý của công an tỉnh, việc một đằng họ hô hào sống theo pháp luật, họ lại không coi đó là gì, họ chà đạp lên pháp luật, lên sự thật. Họ coi người dân như cỏ rác, thích làm gì người dân là làm, họ biến người dân thành những tù nhân dự bị".
******************
Hoãn xử phúc thẩm vụ án nổ súng giữ đất ở Đắk Nông (RFA, 07/05/2018)
Sáng 7/5, Tòa án nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án nổ súng chống công ty tư nhân phá cây trồng của dân tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông.
Hiện trường vụ bắn vào đoàn cưỡng chế ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Dak Nong hôm 23/10/2016. Courtesy : chinhphu.vn
Phiên tòa phúc thẩm đầu tiên được Hội đồng Xét xử ra quyết định hoãn vì hai bị cáo, là nhân viên của Công ty Long Sơn cùng đại diện của công ty này vắng mặt và xin hoãn phiên tòa.
Tại phiên tòa sơ thẩm, diễn ra vào ngày 3 tháng 1 năm 2018, nông dân Đặng Văn Hiến bị Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông tuyên phạt mức án tử hình, với cáo buộc tội "giết người" cùng hai bị cáo Ninh Viết Bình và Hà Văn Trường lần lượt bị tuyên 20 năm tù và12 năm tù với cùng tội danh. Bị cáo Đoàn Văn Diện bị tuyên 9 tháng tù giam về tội "che giấu tội phạm".
Theo cáo trạng, ngày 23 tháng 10 năm 2016, Phó giám đốc công ty Long Sơn dẫn hơn 30 nhân viên của công ty mang máy móc, hung khí vào san ủi, phá hủy cây điều, cà phê của gia đình nông dân Đặng Văn Hiến và hai hộ dân khác. Một số người dân trong cuộc đã dùng súng tự chế để chống lại lực lượng nhân viên của Công ty Long Sơn, làm 3 người thiệt mạng và 13 người bị thương.
Năm tổ chức xã hội dân sự cùng hằng trăm cá nhân ký tên vào một bản tuyên bố, yêu cầu Chủ tịch nước và Tòa án Tối cao của Việt Nam cần phải nghiêm túc xem xét lại vụ án và bản án tử hình đối với nông dân Đặng Văn Hiến nổ súng chống công ty tư nhân cướp đất sai pháp luật.
Sau phiên tòa sơ thẩm, hai trong ba gia đình nạn nhân bị bắn chết có đơn xin miễn án tử hình cho bị cáo Đặng Văn Hiến.
Trong cùng ngày 7 tháng 5, Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa phúc thẩm xét xử 13 bị cáo về tội danh "chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng".
Theo cáo trạng sơ thẩm, 13 bị cáo trú ngụ tại thôn Ninh Ích, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa bị tuyên án từ mức tù treo đến 3 năm tù giam do có hành động nhằm ngăn cản lực lượng chức năng thi công khắc phục sự cố rò rỉ nước tại bãi rác Hòn Rọ.
Bốn trong số 13 bị cáo bị cáo buộc chửi bới, sử dụng chất thải ném vào công nhân, chặn đường và đe dọa không cho công nhân đi làm tại bãi rác vào chiều ngày 17 tháng 8 năm 2017.
Số bị cáo còn lại bị cáo buộc đã gây rối trên quốc lộ 1 A, gây ách tắc giao thông do kéo băng-rôn yêu cầu thả người, sau khi hai trong số họ bị công an bắt giữ.
Phiên tòa phúc thẩm đối với 13 bị cáo vừa nêu không được thông báo diễn ra trong bao lâu và đến cuối ngày 7 tháng 5 vẫn chưa có thông tin nào về kết quả của phiên tòa phúc thẩm.
Trước thông tin về bản đồ gốc 1/5000 quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm bị thất lạc, các cư dân ở Thủ Thiêm-những người kiên trì khiếu kiện vì cho rằng họ bị cưỡng chế sai pháp luật đối chiếu theo tấm bản đồ bị mất đó-nói gì và nguyện vọng của họ như thế nào ?
Nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Viết Thanh công bố 13 bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm 1/5000 - Courtesy : Ảnh chụp màn hình tuoitre.vn
Khu đô thị mới Thủ Thiêm được xem như là một trong các dự án phát triển đô thị trọng điểm của Việt Nam, với việc xem xét và chuẩn bị bắt đầu từ năm 1992.
Các đồ án quy hoạch được Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh thông qua vào năm 1995. Ngày 27/05/1996, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có Tờ trình số 1861 trình lên Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, có bản đồ 1/5000 kèm theo, với diện tích là 770 héc-ta bao gồm trong đó có 133 héc-ta mặt nước sông Sài Gòn và khu chuyển dân tái định cư, giáp ranh phạm vi lập quy hoạch, có diện tích 160 héc-ta.
Ngày 4/06/1996, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 367 về phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Sau khoảng hơn một thập niên Chính quyền quận 2 và thành phố Hồ Chí Minh thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Báo Đại Đoàn Kết, vào ngày 25/10/2007 đăng tải thông tin về dự án này, với tựa đề bài báo "Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm : Ai phá nát quy hoạch ?", gây bức xúc trong dư luận.
Bài báo cho biết, Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, vào ngày 22/03/2002, ban hành một lúc hai thông báo 77 và 78 truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban là ông Lê Thanh Hải yêu cầu Sở Địa chính và Kiến trúc sư trưởng phải cắm mốc giao đủ 770 héc-ta đất cho khu trung tâm. Điều này mang ý nghĩa quỹ đất bị thiếu hụt 130 héc-ta mặt nước sông Sài Gòn theo Tờ trình nguyên thủy được Thủ tướng phê duyệt. Trong cùng ngày 22/03/2002, một công văn hỏa tốc khác từ Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh truyền đi yêu cầu đảm bảo 160 héc-ta diện tích đất dành cho tái định cư không nhất thiết tập trung ở một điểm, mà có thể bố trí từ 3 đến 4 địa điểm trong quận 2.
Bài báo khẳng định với các văn bản vừa nêu thì khu tái định cư của người dân bị đẩy ra khỏi quy mô 930 héc-ta đã được Chính phủ phê duyệt ; đồng thời quyết định tự điều chỉnh của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về quy mô và phạm vi quy hoạch trái với Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong suốt thời gian gần 20 năm qua, hàng ngàn hộ dân bị di dời, mà họ không được bồi thường thỏa đáng, trong đó rất nhiều hộ dân bị cưỡng chế giải tỏa mà không được đền bù. Hàng trăm hộ dân không nằm trong phạm vi quy hoạch cầu cứu với chính quyền các cấp từ địa phương đến Trung ương, thậm chí họ làm đơn tập thể tố cáo chính quyền quận 2 cưỡng chế đất đai, nhà cửa sai pháp luật. Ông Hùng, một cư dân Thủ Thiêm cho RFA biết :
"Đồ án 367 kèm theo bản đồ 367 coi như là bản đồ quy hoạch và thu hồi đất. Đúng ra phải thu hồi đất theo quy hoạch và kế hoạch đó. Nhưng hiện nay, Chính quyền quận 2 và thành phố dùng một cái bản đồ dự kiến giao đất để thu hồi toàn bộ những hộ dân như chúng tôi đây là nằm ngoài ranh".
Ông Hùng và một số cư dân Thủ Thiêm giải thích rằng các căn nhà của họ nằm ngoài ranh nên được chính quyền cho phép bán, còn những nhà không được phép bán là nằm trong quy hoạch được quản lý bởi Nghị định 61 của Chính phủ và Quyết định 255 của thành phố Hồ Chí Minh về không bán nhà thuộc sở hữu nhà nước.
Trong lần đối thoại trực tiếp giữa Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh với các hộ dân Thủ Thiêm khiếu kiện, với sự giám sát của Thanh tra Chính phủ hồi năm 2016, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong hứa hẹn sẽ đối thoại trực tiếp để làm rõ 3 vấn đề, trong đó có vấn đề bản đồ quy hoạch 1/5000 đi kèm với Quyết định 367 về Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, lời hứa của ông Nguyễn Thành Phong chưa được thực hiện thì mới đây nhất, vào đầu tháng 5 năm 2018, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ông Chủ tịch Ủy ban vừa chấp thuận phương án bán đấu giá 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 của Khu đô thị mới Thủ Thiêm và các bộ ngành có liên quan trong vòng 20 năm qua vẫn chưa tìm thấy bản gốc 1/5000.
Dư luận trong nước bày tỏ sự hoang mang, cho rằng có khuất tất trước thông tin bản đồ gốc 1/5000 bị thất lạc, khi giới chuyên môn lên tiếng thật là phi lý và ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương, thuộc Thanh tra Chính tuyên bố rằng Thành phố Hồ Chí Minh cần sớm trả lời cho người dân biết là không có bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, vì Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cũng không có.
Từ Hà Nội, Kiến trúc sư Trần Thanh Vân nói với RFA rằng bà không tin bản đồ bị mất :
"Bao giờ cũng có một bộ hồ sơ, không bao giờ một tờ cả. Ngay cả quy hoạch chi tiết để thi công thì cũng không phải một bản đâu, quy hoạch chi tiết còn ghi rõ hẳn hoi thậm chí là cống ở đâu, đường cây ở đâu, hè đường thế nào… có hết. Bây giờ họ lừa nhau rồi đồn lên một câu như thế, nên thú thật rằng chuyện đó chung quy lại chỉ là một trò lừa đảo. Cái quan trọng là họ lừa để làm gì, thì điều này thật sự là tôi không biết. Nhưng không bao giờ dự án quy hoạch chỉ có một bản bị mất".
Trong khi những người quan tâm chưa rõ được phía sau thông báo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ẩn giấu điều gì, thì các cư dân khiếu kiện của Thủ Thiêm cho rằng bản đồ nguyên thủy bị cố tình thủ tiêu, như ông Toản khẳng định với RFA :
"Kẻ gian phải thủ tiêu thôi. Vì sao ? Vì hiện nay chúng tôi có đủ tài liệu và chứng cứ để chứng minh rằng 5 khu phố, bao gồm khu phố 5 và 6 của phường An Khánh nằm ngoài khu trung tâm. Khu phố 1 phường Bình An nằm ngoài khu trung tâm. Khu phố 1 và 2 phường Bình Khánh nằm ngoài khu trung tâm hoàn toàn phù hợp với tất cả các văn bản. Bà con chúng tôi đi đấu tranh là cả 5 khu phố nằm ngoài khu trung tâm. Nhưng 5 khu đó thì có thể một vài khu phố nào đó nằm trong khu tái định cư thôi. Còn đặc biệt khu vực chỗ tôi 4, 3 hec-ta là không nằm trong khu trung tâm và cũng không nằm trong 160 héc-ta tái định cư. Cho nên ở đây là phải còn bản đồ thì mới so sánh được".
Vào ngày 7 tháng 5, ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, người ký Tờ trình 1861 gửi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm và cũng là người trình bày trước Chính phủ về nội dung quy hoạch đưa ra với truyền thông trong nước tập hồ sơ về đồ án quy hoạch phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm thành phố Hồ Chí Minh-tháng 5.1995 với 13 bản đồ nguyên thủy. Ông Võ Viết Thanh nhấn mạnh rằng cần phải xem xét trường hợp Thủ tướng không ủy quyền hoặc không có sự phê duyệt của Chính phủ thì mọi thay đổi quy hoạch là không hợp pháp. Ông chia sẻ với báo giới rằng chính bản thân ông không thể ngờ có một ngày ông nhìn thấy thực trạng khu vực Thủ Thiêm như vậy. Chúng tôi xin được trích nguyên văn lời ông nói :
"Sau này, tôi nói thẳng với những người có trách nhiệm của thành phố rằng khi tôi thấy cảnh đập phá mà tôi gọi nôm na giống như một trận ném bom của thời chiến ở khu đô thị".
Nguyên Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Viết Thanh kêu gọi Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh không nên bàn và tìm bản đồ "mất tích" nữa, mà hãy tập trung xem xét việc quy hoạch, giải tỏa đền bù cho dân có được thảo đáng. Những cư dân Thủ Thiêm khiếu kiện trong ngần ấy năm mà chúng tôi có dịp trao đổi yêu cầu ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong nhanh chóng thực hiện lời hứa đối thoại với họ và chúng tôi liên lạc với Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Hoan để hỏi thăm mong muốn của cư dân Thủ Thiêm sớm được Ủy ban thực hiện hay không ; thế nhưng mọi cố gắng của chúng tôi qua điện thoại lẫn email đều không thành.
Hòa Ái
*******************
Nguyên Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh công bố bản đồ gốc Thủ Thiêm (RFA, 07/05/2018)
Nguyên Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh ông Võ Viết Thanh ngày 6 tháng 5 công bố với báo chí rằng ông vẫn còn lưu giữ tập hồ sơ đồ án quy hoạch phát triển khu trung tâm thành phố mới Thủ Thiêm tháng 5/1995 trong đó có 13 tấm bản đồ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/5.000.
Một trong số 13 bản đồ quy hoạch đô thị Thủ Thiểm được Nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh ông Võ Viết Thanh công bố với báo chí - Courtesy of News.zing.vn
Ông Thanh cho biết vào thời điểm Thành Phố Hồ Chí Minh trình chính phủ phê duyệt quy hoạch dự án này, ông Thanh đang là Phó Chủ tịch Thành phố và cũng chính là người đã ký tờ trình chính phủ. Tuy nhiên ông Thanh khẳng định Thủ tướng lúc đó là ông Võ Văn Kiệt đã không ký vào bản đồ quy hoạch nên không hề có bản đồ nào có chữ ký của Thủ tướng.
13 tấm bản đồ trong bộ hồ sơ quy hoạch thành phố mà ông Thanh đang giữ bao gồm Bản đồ tổng thể thành phố, Bản đồ quy hoạch giao thông Thủ Thiêm, Bản đồ hiện trạng kiến trúc đất xây dựng và thoát nước Thủ Thiêm, Bản đồ hiện trạng giao thông - cấp điện Thủ Thiêm, Bản đồ hiện trạng cấp nước Thủ Thiêm, Bản đồ tổng thể mặt bằng Thủ Thiêm, Sơ đồ phân khu chức năng Thủ Thiêm, Bản đồ chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng Thủ Thiêm, Sơ đồ qui hoạch cấp nước Thủ Thiêm, Sơ đồ quy hoạch cáp điện Thủ Thiêm, Sơ đồ quy hoạch thoát nước bẩn, Quy hoạch xây dựng đợt đầu (khu Bắc), Quy hoạch chi tiết khu Bắc Thủ Thiêm.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phê duyệt dự án khu đô thị Thủ Thiêm dựa trên những bản đồ vừa nêu.
Truyền thông trong nước dẫn lời ông Võ Viết Thanh rằng đã từ lâu ông luôn đau lòng nhìn cảnh giải tỏa các hộ dân ở đường Lương Định Của. Ông cho rằng vấn đề bây giờ không phải là đi tìm bản đồ gốc mà phải làm sao việc quy hoạch giữ được mục đích tốt đẹp ban đầu và hơn cả là lo ổn định đời sống người dân.
Cũng tin liên quan, ông Phan Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh ngày 7 tháng 5 cho biết đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức đoàn giám sát riêng về dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ông cho hay đoàn giám sát sẽ làm rõ nhiều yếu tố pháp lý trong đó đảm bảo chính sách bồi thường giải tỏa, tái định cư cho người dân được làm đúng không. Hay việc tiếp dân và giải quyết khiếu nại được thực hiện đúng pháp luật không…
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 4/5 lên tiếng phản bác những nhận định về tình hình nhân quyền của Việt Nam trong Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2017 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vì cho rằng báo cáo này đưa ra một số nhận định thiếu khách quan và không phản ánh đúng tình hình thực tế ở Việt Nam.
Blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại phiên toà phúc thẩm Tòa án tỉnh Khánh Hoà ngày 30 tháng 11 năm 2017. AFP
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, được đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao có đoạn viết :
"Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2017 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuy đã ghi nhận những thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam nhưng vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan và không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam".
Ngày 20/4 vừa qua Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo nhân quyền thường niên toàn cầu. Trong phần báo cáo về Việt Nam, phúc trình nhận định còn tồn tại các tình trạng đàn áp nhân quyền bao gồm : tình trạng tước đoạt sự sống một cách tùy tiện, phi pháp ; nạn tra tấn và đối xử tàn ác, phi nhân, hạ thấp phẩm giá con người ; vấn đề bắt và giam giữ tùy tiện những tiếng nói đối lập ôn hòa ; tình trạng vi phạm một cách có hệ thống trong lĩnh vực tư pháp gồm không cho tiếp cận luật sư, không cho gia đình thăm nuôi ; xét xử không công bằng và chóng vánh ; chính quyền can thiệp vào quyền riêng tư, gia đình và thư tín ; hạn chế các quyền tự do ngôn luận, hội họp, lập hội, quyền đi lại và quyền tự do tôn giáo, gồm các biện pháp như kiểm duyệt báo chí, giới hạn quyền tự do Internet ; rồi nạn tham nhũng ; bạo lực gia đình ; lạm dụng trẻ em ; cũng như giới hạn quyền của người lao động trong việc thành lập và tham gia nghiệp đoàn.
Theo người phát ngôn phía Việt Nam, "Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trên lĩnh vực này thời gian qua được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao".
Theo thống kê của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch hiện có hơn 100 người tại Việt Nam bị án tù chỉ vì lý do chính trị hoặc tôn giáo. Báo cáo nhân quyền của Mỹ cũng nêu các trường hợp cụ thể bị đàn áp nhân quyền tại Việt Nam. Ví dụ điển hình là blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người được Hoa Kỳ trao giải Người Phụ Nữ Can Đảm, bị Hà Nội kết án 10 năm tù vào năm ngoái sau khi những bài viết về nhân quyền, vấn đề đất đai và quan ngại về môi trường của bà trên mạng xã hội được nhiều người theo dõi.
Trong tuần lễ đầu tháng 4, giới văn nghệ sĩ, đặc biệt là các nhà thơ trong nước đã bày tỏ bức xúc và cả phẫn nộ sau khi ông Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu rằng "Thơ trên Facebook là thơ rác rưởi".
Có ranh giới nào để bình phẩm về một tác phẩm trên mạng xã hội và trên giấy in truyền thống ?
Bài thơ "Đất nước mình ngộ quá phải không anh ?" của cô giáo Trần Thị Lam - Courtesy of internet
Với trường hợp mà ông Phan Hoàng đề cập, ông đã vô tình chạm đến một lĩnh vực không thể thiếu trong đời sống của con người, đó là nghệ thuật. Và điều này cũng đồng nghĩa với việc ông đã "chạm’ đến một số lượng rất lớn những nhà văn, nhà thơ chuyên lẫn bán chuyên, những người bắt kịp công nghệ số, dùng kỹ thuật "cứng" để chia sẻ những sáng tác "mềm".
Cơn bão chỉ trích bùng nổ ngay sau đó. Nhà giáo Phùng Hoài Ngọc, một cựu giảng viên văn khoa đại học, cao đẳng tại miền Nam Việt Nam cho rằng ông Phan Hoàng đã "lập ngôn" khi đưa ra lời phát biểu trên trang cá nhân : "Thơ dở trên Facebook là thơ rác rưởi gây ngộ độc hơn cả ngộ độc thực phẩm".
Trong một bài viết, nhà giáo Phùng Hoài Ngọc chia sẻ : "Vấn đề thơ dở và thơ hay thì các nhà lý luận phê bình còn chẳng dám phân biệt. Họ chỉ nêu ra tiêu chuẩn thơ hay, không dám đả động đến thơ Dở. Thơ hay thì đọc, thơ dở thì bỏ qua, mắc mớ gì mà ngộ độc".
Nhà thơ Trần Mạnh Hào thâm thúy hơn khi phân tích nghĩa đen của danh từ "rác" : "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Dân tộc ta bốn nghìn năm sống bằng nghề trồng lúa nước nên vô cùng yêu mến yếu tố thứ hai là rác, là phân để cây lúa trổ bông. Cho nên khi nghe nhà thơ Phan Hoàng mắng thơ trên Facebook chỉ là rác rưởi, tôi buồn lắm vì rác của đời tôi bị Phan thi nhân rẻ rúng, mắng mỏ".
Đây cũng chính là điều mà ông Phó Chủ tịch Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh đã đính chính sau đó trong cuộc phỏng vấn với báo Đất Việt ngày 14/4. Ông nói rằng :
"Đó là sự hiểu lầm, ngộ nhận về một status của tôi, hoặc có người thiếu thiện chí cố tình gán ghép và họ còn lấy ảnh của tôi gắn vào lời lẽ mà tôi không hề nói.
Thơ viết trên máy vi tính khi thấy dở xóa đi thì nó trở thành rác điện tử chứ gì. Tự mình đã thấy thơ dở, rác điện tử mà còn vô tình đăng lên fb sẽ gây "ô nhiễm môi trường", thậm chí gây "ngộ độc" tinh thần người khác".
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội hôm 17/4 cũng cho rằng câu nói của ông Phan Hoàng đã bị dư luận hiểu sai ý và bị dùng để "giựt tít" nên đã tạo ra một cơn bão chỉ trích trên mạng xã hội.
"Cái câu ‘Thơ trên Facebook là rác rưởi’ là không phải Phan Hoàng nói như vậy. Một bài viết đã bị giựt tít. Theo tôi hiểu trong câu của anh ấy nói là khi ảnh làm thơ, mà cảm thấy thơ chưa có gì thì cũng chưa muốn đưa lên Facebook, nó làm bẩn Facebook của mình. Ý anh ấy muốn nói là ảnh cẩn trọng, nghiêm túc khi làm thơ".
Nghệ sĩ hài Vượng Râu, từ Hà Nội cho biết, nếu thật sự ông Phó Chủ tịch Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra nhận định như thế thì thật sự là "không ổn". Trong vai trò là một nghệ sĩ, ông chia sẻ quan điểm về những gì gọi là thơ đăng tải trên mạng xã hội.
"Bản thân tôi là một nghệ sĩ tôi từng sáng tác nhiều bài thơ. Tôi làm là để chơi, để giải bày tâm sự, tôi không làm điều đó để mang tính mua danh hay để háo danh. Những cái ấy đôi khi là những dòng tâm sự, chia sẻ được biến thành những câu văn câu thơ cho nó mềm mại và dễ".
Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, tất cả những chia sẻ, bình luận, tác phẩm, ngay cả những đề án nghiên cứu khoa học cũng được tác giả chọn Facebook là một trong những phương tiện truyền tải đến công chúng.
Không dừng lại ở thơ, nghệ sĩ hài Vượng Râu dẫn dụ thêm một số những dòng chia sẻ ông gọi là tản văn, đoản văn trên mạng xã hội.
"Tôi thấy rằng họ viết hay, hay rất nhiều. Họ viết rất xác thực, cộng với lối viết của người ta rất mới mẻ, không bị rập khuôn, không qua một sự chỉ đạo nào".
Khi đặt vấn đề ở một khía cạnh thoáng hơn, đó là phải chăng ông Phan Hoàng đang nhìn nhận vấn đề với tâm thế của một người không thiện cảm với mạng xã hội, mà cụ thể là Facebook ? Nghệ sĩ hài Vượng Râu có câu trả lời khá thú vị.
"Thật ra tôi nghĩ Facebook là một vật cản lớn nhất của nhiều bè, nhiều hội, của nhiều bè phái. Lý do trên Facebook được nhìn nhận đa chiều hơn. Người ta được tiếp cận những cái mới nhất một cách bằng phẳng và công tâm. Cầm quyển sách đọc, hay dở chúng ta cũng không thể phán được, nhưng trên Facebook có bình luận, hay, dở sẽ có người phát biểu".
Chính vì vậy nghệ sĩ Vượng Râu khẳng định Facebook là một trang mạng xã hội rất tốt đối với những người thật sự tự tin vào bản thân mình.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên thì cho rằng Facebook cũng là một phương tiện cho mọi người nói chung và văn nghệ sĩ nói riêng. Đó là nơi để người viết và người đọc gần nhau hơn, qua sự tương tác nhanh hơn và nhiều hơn.
"Thêm một phương tiện để công bố, có thể gọi là phát hành nữa. Có những nhà thơ trước khi in ra giấy thì họ đưa dần lên trên mạng. Nó tạo điều kiện cho thơ đến với mọi người và mọi người cũng nhận được sự tương tác trở lại.
Nó không chỉ là phạm vi đất nước nữa mà không gian mở rộng ra toàn cầu".
Người dân trong và ngoài nước có lẽ vẫn chưa thể quên bài thơ nổi tiếng ‘Đất nước mình ngộ quá phải không em ?" của cô giáo Trần Thị Lam. Bài thơ ra đời trên trang mạng Facebook và bay cao, bay xa đến khắp nơi trên thế giới, nơi nào có người Việt Nam. Bài thơ không xuất hiện ở bất kỳ bản kẽm nào để hiện diện trong một tập thơ.
Nếu định nghĩa danh từ "rác" như nhà thơ Trần Mạnh Hào, thì "Đất nước mình ngộ quá phải không em ?" của cô giáo Trần Thị Lam chính là "rác" của nghệ thuật được tồn tại trong hiện tình của đất nước.
Từ đó, có thể thấy ranh giới giữa thơ trên mạng và trên những sách in truyền thống không gì khác hơn chính là sự tương tác của mọi người và thời gian đón nhận từ xã hội.
Nguồn : RFA, 17/04/2018
Hà Nội, thành phố ô nhiễm khói bụi (RFA, 09/04/2018)
Theo báo cáo của các tổ chức về môi trường quốc tế, Hà Nội liên tục nằm trong top các thành phố đáng báo động nhất thế giới về mức độ ô nhiễm khói bụi. Nghiên cứu hồi tháng 1/2018 của tổ chức phi chính phủ Phát triển xanh GreenID cho thấy, năm 2017, người dân Hà Nội chỉ có 38 ngày được hít thở không khí trong lành.
Lượng khí thải từ xe máy và ô tô là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm khói bụi tại Hà Nội AFP
Đường Phạm Văn Đồng, một trong những tuyến đường bị đánh giá nhiều bụi và ô nhiễm nhất tại thủ đô Hà Nội.
Theo người dân sống dọc hai bên đường này thì tình trạng ô nhiễm do các công trình xây dựng xung quanh khu vực gây ra như việc mở rộng mặt bằng, san phủ, đào lấp hè đường, rồi lượng xe cộ ngày một nhiều thải khói vào không khí.
Khói xe, bụi bẩn liên tục ở ngưỡng quá mức cho phép tác động trực tiếp đến sức khoẻ của người dân theo như trình bày của một người sống tại đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội :
"Tối ngủ ai cũng khò khè, điều đó có nghĩa là phổi đã bị nặng quá rồi. Không một thành viên nào trong gia đình là không bị cả. Cây cối thì không có, bây giờ trong nhà cũng như ở ngoài đường vậy".
Theo Kỹ sư Phạm Phan Long, chủ tịch tổ chức Viet Ecology có trụ sở tại Mỹ thì ô nhiễm bụi khói trong không khí được đo lường theo nồng độ và phân loại theo kích thước. Loại mịn nhất có ký hiệu hoá học là PM 2.5 nhỏ dưới 2,5 microgram, bằng 3% đường kính sợi tóc và nhỏ/ nhẹ như khói, lơ lửng lâu trong không khí. Vì quá nhỏ, nhẹ và gần như vô hình nên bụi khói PM 2.5 theo hơi thở đi sâu vào phổi, thậm chí là cả tim, mạch. Ông Long cho biết thêm :
"Nguy hiểm của nó ghê gớm ở chỗ đây là một sát thủ thầm lặng vì nó không chừa một nạn nhân nào, già trẻ lớn bé đều không thể nín thở được. Khi nồng độ bụi khói PM 2.5 trong không khí tăng thêm 10 microgram/m3, độ rủi ro của tất cả các loại bệnh cũng tăng theo, cụ thể là 4% đối với các loại bệnh thông thường, 6% đối với bệnh tim và 8% đối với nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi".
Trên thực tế, cư dân Hà Nội đang hàng ngày phải hít thở khói bụi mịn PM 2.5 ở nồng độ 44 microgram/m3 so với chuẩn bụi khói trung bình năm của Việt Nam là 25 microgram/m3. Nồng độ ô nhiễm này tương đương với việc mỗi người dân bất kể lớn nhỏ, khoẻ mạnh hay bệnh tật đều đã hút vào phổi 2 điếu thuốc là mỗi ngày tương đương 730 điếu thuốc mỗi năm.
Tuy nhiên, do thiếu hình thức tuyên truyền và lý giải một cách đơn giản, dễ hiểu các chỉ số ô nhiễm nên người dân thực sự vẫn không nhận thức được đầy đủ về mức độ nguy hại của ô nhiễm khói bụi đối với sức khoẻ của chính bản thân mình. Bên cạnh đó, cũng không có chế tài hay các tổ chức đứng ra kêu gọi các cơ quan chức năng phải thực hiện đầy đủ các cam kết bảo vệ môi trường, điều này đã khiến cho thực trang ô nhiễm tại Hà Nội không hề giảm mà còn có xu hướng ngày một tăng thêm.
Cùng quan điểm trên, Giáo sư Tiến sĩ Phạm Ngọc Đăng, Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp cho rằng việc thiếu quyết liệt trong quản lý đã dẫn đến thực trạng tỷ lệ các bệnh về đường hô hấp của người dân Hà Nội cao hơn rất nhiều so với các thành phố khác.
"Đã có rất nhiều biện pháp đã bàn rồi nhưng mà hầu như ai cũng biết rõ là chưa quyết liệt. Ngoài ra quan trọng hơn nữa là ý thức của người dân cũng như là trách nhiệm của các nhà quản lý là chưa tròn".
Giáo sư Đăng cũng cho rằng cần tiếp tục các biện pháp cải thiện môi trường một cách triệt để hơn liên quan đến vấn đề quản lý về xây dựng cơ bản và phát triển hệ thống giao thông công cộng. Ngoài ra cần chú trọng đến vấn đề vệ sinh đường phố cũng như là hoạt động sinh hoạt của nhân dân.
"Hiện nay dân Hà Nội còn đun nấu bằng than tổ ong, nó thoát ra rất nhiều chất độc hại, kể cả bụi SO2, CO… Nếu như tất cả người dân Hà Nội đều sử dụng khí thiên nhiên như ga chẳng hạn thì sẽ giảm bớt được tình trạng ô nhiễm".
Kỹ sư Phạm Phan Long thì cho rằng, việc giảm số người hút thuốc hiện nay là một trong số những ưu tiên hàng đầu trong việc cải thiện chất lượng môi trường và sức khoẻ người dân :
"Hiện giờ mình có đến gần 18 triệu người hút thuốc và khoảng 46 triệu người hút khói thuốc của 18 triệu người kia. Có nghĩa là một nửa dân số của Việt Nam đang chịu đựng hậu quả tác động của khói thuốc. Vấn nạn đó còn chưa giải quyết nổi mà bây giờ chồng lên trên vấn nạn đó là vấn nạn 2 điếu thuốc/ngày của dân Hà Nội thì tác động đó sẽ tích luỹ lên rất nhiều".
Ông Phạm Phan Long cũng dẫn nghiên cứu của Tiến sĩ Lê Việt Phú, Đại học Fulbright Vietnam cho biết hàng năm Việt Nam có khoảng 40 ngàn người chết do ô nhiễm không khí.
Mỹ Lan
****************
Cá chết tại vùng biển gần nhà máy Formosa (RFA, 09/04/2018)
Lại xuất hiện nhiều cá chết tại vùng biển gần nhà máy Formosa trong những ngày qua.
Hình ảnh video trên mạng xã hội do người dân quay cảnh bãi biển gần nhà máy Formosa cho thấy nhiều loại cá lớn chết tại vùng biển này. Ảnh chụp từ video
Hình ảnh video trên mạng xã hội do người dân quay cảnh bãi biển gần nhà máy Formosa cho thấy nhiều loại cá lớn chết tại vùng biển này.
Trả lời báo chí trong nước, ông Lê Văn Chương, Chủ tịch UBND phường Kỳ Phương, Hà Tĩnh, cho biết chính quyền địa phương đã kiểm tra, xác minh thì cá chết là cá có giá trị kinh tế thấp, do ngư dân khi rũ lưới thì vứt xuống biển và bị sóng đánh dạt vào bờ.
Tuy nhiên người dân sống tại khu vực có cá chết thì lại không đồng tình với thông tin ông Lê Văn Chương đưa ra. Vào ngày 8 tháng tư, chúng tôi hỏi chuyện một người dân địa phương thì được cho biết như sau :
"Họ nói cá rũ lưới quăng chết là không phải đâu, cá mà em thấy thì hầu như là cá nục, cá liệt lớn bình thường bán ở chợ em một ký 100 ngàn, còn cá nục bán cho thương buôn một ký 90 ngàn, còn bán lẻ ở chợ một ký 120 ngàn. Mà cá đó mà nói cá bỏ thì không có đâu, họ nói xạo đó.Có cá cạn, cá mú nữa kìa".
Vào tháng 4 năm 2016, nhà máy Formosa xả thải chứa độc tố ; bao gồm cyanide, phenols và hydroxide sắt ; làm cá chết dọc bờ biển dài hơn 200 km và di hại của biến cố này khiến cho cuộc sống của hàng trăm ngư dân và dân chúng tại 4 tỉnh Bắc Trung Bộ bị xáo trộn. Hàng ngàn chiếc tàu nằm phơi bờ không thể ra khơi đánh bắt cá và hải sản cũng như hơn 40 ngàn công ăn việc làm tại khu vực này bị ảnh hưởng và 250 ngàn người lao động cả nước bị tác động suốt hơn một năm.
**************
Nhà máy giấy Lee&Man tiếp tục gây ô nhiễm (RFA, 09/04/2018)
Người dân sống tại Hậu Giang tiếp tục tố nhà máy giấy Lee&Man phát tán mùi hôi khiến người dân không thể chịu nổi.
Bản đồ nhà máy giấy Lee&Man tại Hậu Giang. Courtesy of ndh.vn
Báo Dân Việt ngày 8 tháng 4 loan tin ghi nhận ý kiến của nhiều người dân xung quanh nói rằng, do bụi và mùi hôi thối phát ra từ nhà máy giấy Lee&Man làm cho người dân bị viêm họng, đau đầu và chóng mặt trong một thời gian dài, chữa mãi vẫn không hết.
Tình trạng này diễn ra ngày càng nghiêm trọng từ sau Tết Nguyên Đán cho tới nay khiến người dân không thể chịu nổi nữa.
Ngoài ra người dân còn cho biết phía nhà máy giấy lại xuất hiện tiếng ồn lớn vào ban đêm, làm cho các hộ dân sống xung quanh không thể nào ngủ được.
Trước đó khoảng 2 tuần, vì quá bức xúc, 12 hộ dân sống quanh khu vực nhà máy đã đến Ủy ban Nhân dân thị trấn Mái Dầm để trình báo về vụ việc. Cơ quan chức năng địa phương và đại diện phía công ty có đến kiểm tra nhưng bụi và mùi hôi thối vẫn chưa được khắc phục.
Nhiều hộ dân cho biết, trước khi nhà máy giấy hoạt động không khí nơi đây rất trong lành nhưng giờ đầy bụi và hôi thối, họ rất mong cơ quan chức năng và các nhà đầu tư di dời họ đến nơi khác sinh sống.