Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Giới xuất bản quốc tế chịu tự kiểm duyệt để vào được Trung Quốc (RFI, 24/08/2017)

Vấn đề Trung Quốc kiểm duyệt ấn phẩm đã nổi cộm trong dòng thời sự quốc tế với vụ nhà xuất bản khoa học nổi tiếng thế giới là Cambridge University Press, dưới áp lực của Bắc Kinh, đã kiểm duyệt các công trình học thuật giới thiệu cho công chúng Trung Quốc, nhưng sau đó đã phải lùi bước khi bị cộng đồng các nhà nghiên cứu thế giới cực lực phản đối. Tuy nhiên, đối với giới xuất bản đến từ khoảng 90 nước có mặt tại Chợ Sách Quốc Tế Bắc Kinh mở ra từ ngày 23/08/2017, viêc họ tự kiểm duyệt để có thể vào được thị trường Trung Quốc là điều không phải là hiếm hoi.

hen1

Nhà xuất bản Cambridge University Press tại Hội chợ Sách Quốc tế ở Bắc Kinh, ngày 23/08/2017. REUTERS/Thomas Peter

Trả lời hãng tin Pháp AFP, Terry Phillips, giám đốc phát triển kinh doanh của nhà xuất bản Anh Innova Press, không ngần ngại thừa nhận rằng cơ sở của ông đã thường xuyên "tự kiểm duyệt" để "thích ứng với các thị trường khác nhau", vì mỗi nước đều có những yêu cầu khác nhau về những gì thích hợp hay không thích hợp cho nước họ.

Tuy nhiên, nhân vật này cũng đồng ý rằng giới xuất bản "cũng có trách nhiệm giáo dục tinh thần công dân và nhân quyền thông qua các ấn phẩm".

Ông John Lowe, giám đốc điều hành của nhà xuất bản giáo dục Mosaic8, trụ sở tại Tokyo, giải thích thêm là khó khăn chính của các nhà xuất bản quốc tế là làm sao có được phép xuất bản ở Trung Quốc, do đó các nhà xuất bản ngắm nghía thị trường Trung Quốc đã tránh công bố các nội dung có thể làm phật lòng chính quyền Bắc Kinh.

Vụ nhà xuất bản Cambridge University Press toan tính tự kiểm duyệt là một ví dụ cụ thể cho thấy những gì mà Bắc Kinh muốn kiểm duyệt : từ các vấn đề Thiên An Môn, Tây Tạng, cho đến các phong trào ủng hộ dân chủ tại Trung Quốc hay hồ sơ Đài Loan.

Vấn đề đặt ra là dù chấp nhận tự kiểm duyệt, nhưng giới xuất bản nước ngoài không thể đoán trước được là chế độ Bắc Kinh sẽ đòi kiểm duyệt những gì khác nữa.

Một đại diện cho nhà xuất bản Wiley chuyên về các nội dung giáo dục, có trụ sở tại Hoa Kỳ, thú nhận : "Hiện tại, chúng tôi không bị vấn đề gì. Nhưng tương lai ra sao thì chúng tôi không biết".

Một đại diện cho một nhà xuất bản lớn của Mỹ, xin giấu tên, thừa nhận là bà rất lo ngại trước khả năng "các cơ quan Trung Quốc gia tăng các đòi hỏi kiểm duyệt".

Đối với một số nhà xuất bản, nhân tố kinh tế quan trọng hơn cả. Đại diện của một nhà xuất bản hàng đầu tại Hoa Kỳ, cũng xin giấu tên, đã cho rằng "tội gì mà phải xuất bản những quyển sách có khả năng bị cấm ở Trung Quốc".

Đối với ông, "quả là phiền phức khi bỏ công dịch một cuốn sách từ tiếng Anh ra tiếng Hoa để rồi sau đó lại không thể xuất bản".

Trọng Nghĩa

**************************

Trung Quốc : Các công ty Châu Âu lo ngại về sự can thiệp của Đảng (RFI, 24/08/2017)

Theo hãng tin Reuters ngày 24/08/2017, các công ty lớn của Châu Âu tại Trung Quốc đang lo ngại về vai trò ngày càng lớn của đảng cộng sản trong các hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài tại nước này. Vào cuối tháng Bẩy, lãnh đạo của khoảng một chục công ty này đã nêu lên mối quan ngại đó nhân một cuộc họp do Phòng Thương mại Liên Hiệp Châu Âu tổ chức ở Bắc Kinh.

hen2

Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, ngày 14/11/2012. Ảnh minh họa. REUTERS/Carlos Barria

Các doanh nghiệp ở Trung Quốc, kể cả doanh nghiệp nước ngoài, trên nguyên tắc phải lập một chi bộ đảng trong xí nghiệp. Trong một thời gian dài, nhiều chủ doanh nghiệp vẫn nghĩ rằng quy định có từ lâu này chỉ mang tính hình thức.

Thế nhưng, một lãnh đạo doanh nghiệp Châu Âu nói với hãng tin Reuters rằng một số công ty đã bị áp lực buộc phải sửa đổi nội dung thỏa thuận liên doanh với các đối tác Trung Quốc có vốn là của Nhà nước. Mục đích là để cho đảng có tiếng nói trong các dự án phát triển của công ty.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp nói trên, các công ty ngoại quốc được yêu cầu bổ nhiệm các đại diện của đảng vào các cơ cấu lãnh đạo công ty, thậm chí để cho bí thư chi bộ kiêm luôn chức chủ tịch hội đồng quản trị, đồng thời tính vào ngân sách của công ty những chi phí hoạt động của chi bộ đảng.

Trong số 13 lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài được Reuters hỏi, có 8 người bày tỏ mối quan ngại về vai trò ngày càng lớn của các chi bộ đảng, nhưng tất cả đều xin giấu tên và yêu cầu không nêu tên công ty của họ, do đây là vấn đề nhạy cảm.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố gởi cho hãng tin Reuters, SCIO, phòng Thông tin của Quốc vụ viện, cơ quan hành pháp cao nhất của Trung Quốc, khẳng định là không hề có chuyện các chi bộ đảng can thiệp vào hoạt động của các công ty liên doanh hoặc công ty có vốn nước ngoài.

Cũng theo Reuters, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài khác khẳng định vai trò các chi bộ trong công ty của họ là không đáng kể, không ảnh hưởng đến hoạt động công ty.

Thanh Phương

Published in Quốc tế

Chính sách cây gậy, cà rốt của Trung Quốc ở Đông Nam Á

Chủ đề tị nạn và khủng bố chiếm trang nhất nhiều nhật báo Pháp hôm nay. Trang nhất La Croix : "Các vụ khủng bố tuần trước phá vỡ hình ảnh một cộng đồng (Hồi giáo) hội nhập tốt trong xã hội Catalunya", Tây Ban Nha. Trước hết xin giới thiệu một phân tích về các diễn biến chính trị mới tại Châu Á, với bài "Trung Quốc dứ gậy, nhử cà rốt ở Đông Nam Á", được Le Monde đăng tải.

asean1

Trung Quốc - ASEAN - Ảnh chụp màn hình : Viện CISR

Thông tín viên tại Đông Nam Á Bruno Philippe mở đầu bài phân tích với nhận định : "Trung Quốc kể từ giờ là một thế lực dẫn dắt cuộc chơi tại Đông Nam Á. Sự thiếu nhất quán của tổng thống Trump và sự vắng mặt của một học thuyết chiến lược rõ ràng của Washington tại khu vực này ở Viễn Đông đang giúp cho Bắc Kinh đẩy xa hơn các con tốt của mình trên bàn cờ, nơi đã từ lâu Trung Quốc đã giành phần thắng trong cuộc chơi kinh tế".

Trước thế thượng phong của Bắc Kinh, tác giả mường tượng là đế chế Trung Hoa đang "thiết lập lại trên thực tế hệ thống quan hệ cống nạp (giữa thiên triều và các chư hầu) xưa kia… với các nước láng giềng".

Một ví dụ cụ thể là trong hội nghị các ngoại trưởng Đông Nam Á tại Manila, hồi đầu tháng 8/2017, chỉ có Việt Nam là nỗ lực đưa vào thông cáo chung những lời lẽ lên án trực tiếp Bắc Kinh về "các đảo nhân tạo" mà Trung Quốc xây dựng tại khu vực quần đảo Trường Sa tranh chấp, "9 nước còn lại của ASEAN đã phủ phục trước Trung Quốc".

Ngay cả Philippines, sau chiến thắng pháp lý tại La Hay, hồi năm ngoái, cũng đã thay đổi chiến lược, dưới thời tổng thống Duterte. Ông Duterte thậm chí còn thuật lại cuộc nói chuyện riêng với lãnh đạo Trung Quốc, trong đó ông Tập Cận Bình (Xi Jin Ping) đã đe dọa chiến tranh với Philippines, nếu Manila cương quyết khoan dầu tại vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Đổi lại các nhân nhượng, chính quyền Philippines đã nhận được 26 tỉ đô la tín dụng.

Sau Philippines, cả Miến Điện, "ở mức độ ít hơn", cũng ngả về phía Bắc Kinh. Lý do là vì sự hậu thuẫn mà Trung Quốc dành cho nhiều nhóm nổi dậy vũ trang sắc tộc thiểu số ở vùng biên giới – các hậu thuẫn mà Trung Quốc "không quá che giấu" - khiến Bắc Kinh có tiếng nói trong các thương lượng với chính phủ Miến Điện.

Theo bài viết, ngay cả Việt Nam cũng buộc phải nhường bước trước Trung Quốc trong một dự án thăm dò dầu khí thuộc "vùng đặc quyền kinh tế", nhưng bị Bắc Kinh phản đối dữ dội, với việc đưa hàng chục tàu thuyền đến khu vực này, trong đó có cả tàu chiến.

Tuy nhiên, tác giả cũng lưu ý, trong bối cảnh Trung Quốc đang tỏ ra ngày càng lấn sân, ngày 08/08, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có chuyến công du Bangkok, để nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không bỏ mặc chính quyền quân sự Thái Lan trong vòng ảnh hưởng Trung Quốc. Cũng ngày hôm đó, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch có chuyến công du Washington, nhiều thỏa thuận quân sự Việt – Mỹ đã được ký kết.

Tóm lại, theo chuyên gia quân sự quốc tế Philip Golub, ảnh hưởng của giới quân sự trong chính quyền Trump vẫn còn rất lớn, các "quan hệ ngoại giao và chính trị" từ lâu đời với các nước Đông Nam Á, như Thái Lan, Singapore và Indonesia, vẫn còn "rất mạnh". Trong hiện tại, đế chế Trung Hoa vẫn chưa thể mặc sức tung hoành.

Mạng xã hội : Bắc Kinh kiểm duyệt ảnh và tấn công các ứng dụng lách "tường lửa"

Vẫn về Trung Quốc, Le Figaro có bài giới thiệu một nỗ lực mới của Bắc Kinh nhằm "tăng cường kiểm duyệt các mạng xã hội". Các chuyên gia tin học của chính quyền vừa tạo ra một kỹ thuật "stopchat" riêng, nhằm ngăn chặn việc trao đổi các bức ảnh bị coi là "nhạy cảm", trên mạng WeChat, được gần 900 triệu dân mạng Trung Quốc sử dụng.

Sau khi nhà tranh đấu Lưu Hiểu Ba – giải Nobel bị Trung Quốc cầm tù - qua đời ngày 13/07, Bắc Kinh ngay lập tức đã cho thí điểm kỹ thuật này nhằm ngăn chặn việc phổ biến ảnh của nhân vật tiêu biểu của phong trào dân chủ tại Trung Quốc, chặn đứng mọi bày tỏ đoàn kết. Thay cho hoạt động kiểm duyệt thủ công từ trước đến nay, kỹ thuật nói trên mở đường cho "một sự kiểm soát trên quy mô lớn hơn nhiều".

Cũng dịp này, lần đầu tiên kiểm duyệt Trung Quốc tấn công vào ứng dụng nhắn tin WhatsApp, của Facebook, được coi là một dịch vụ quan trọng cuối cùng trong lĩnh vực này không phải của Trung Quốc, vẫn còn được Bắc Kinh chấp nhận cho tồn tại. WhatsApp bị đe dọa phải rút khỏi Hoa lục, tương tự như Google, Gmail, Facebook hay Twitter.

Kiểm duyệt trở nên ngày càng quyết liệt trước Đại Hội của Đảng cộng sản vào mùa thu này. Cũng trong những ngày gần đây, đến lượt hàng loạt phần mềm VPN (Virtual Personnal Network), như GreenVPN hay Lantern, phương tiện duy nhất cho phép lách kiểm duyệt tại Trung Quốc, đã bị vô hiệu hóa. Bắc Kinh cũng ra lệnh cho các nhà mạng cấm sử dụng VPN, từ đây đến trước tháng Giêng 2018.

Theo nhà sử học độc lập Trương Lập Phàm (Zhang Li Fan), sống tại Bắc Kinh, "việc gia tăng kiểm duyệt là một trong những biểu hiện ngày tàn của chế độ".

Khủng bố Barcelona : Những yếu kém của các định chế hỗ trợ hội nhập

Về vấn đề khủng bố tại Châu Âu, nổi lên trở lại sau vụ tấn công đẫm máu bằng xe tải tại Barcelona, Tây Ban Nha, báo La Croix có bài : "Đạo Hồi tại Catalunya, những khiếm khuyết của hội nhập", nhằm tìm cách lý giải cội rễ của đe dọa khủng bố.

Theo đặc phái viên của La Croix tại Barcelona, niềm tin lâu nay của dân chúng xứ này vào sự "hội nhập của người nhập cư theo đạo Hồi", đột ngột tan vỡ sau vụ khủng bố. Barcelona vốn tự hào là "thành phố thập phương tụ hội", nổi tiếng bình yên. Gần nửa triệu dân theo đạo Hồi tại xứ Catalunya được coi là chung sống hòa bình với xã hội. Catalunya có 300 gian cầu nguyện của người Hồi giáo, và cơ sở Hồi giáo nói chung chiếm khoảng 12% tổng số cơ sở tôn giáo tại Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, vụ khủng bố làm lộ rõ những khuyết tật trầm trọng của hệ thống hỗ trợ hội nhập tại xứ này. Hôm sau, vụ khủng bố, một cuộc tuần hành của tín đồ Hồi giáo đã được tổ chức, để phản đối việc đồng nhất người theo đạo Hồi với quân khủng bố. Thế nhưng, số lượng người tham gia chỉ khoảng 2.000, ít hơn rất nhiều so với các cuộc tuần hành phản đối các biếm họa nhà tiên tri Mohammed trước đây.

Theo một nhà nghiên cứu thuộc đại học Tarragone, các tín đồ Hồi giáo "cần phải tấn công" vào một vấn đề thực sự, đó là sự yếu kém của các định chế Hồi giáo tại Tây Ban Nha. Một linh mục – người hiểu rõ các vấn đề của cộng đồng Hồi giáo tại Tây Ban Nha – nhận xét là "các giáo sĩ Hồi giáo (imam) ở Tây Ban Nha có một hiểu biết về tôn giáo rất có giới hạn", trong khi đó đa số giới trẻ trong cộng đồng Hồi giáo hiện nay tìm kiếm các thông tin trên mạng bằng tiếng Ả Rập, theo đó Phương Tây được mô tả như là "kẻ đàn áp tôn giáo", trong lúc người không theo đạo Hồi thì bị coi là một "kẻ thù". Nhân chứng khác, là một linh mục, thì bổ sung : Quan điểm của thị trưởng Barcelona về một sự hội nhập hoàn toàn ở thành phố này chỉ là "huyền thoại", bởi "một người Hồi giáo sẽ không bao giờ hội nhập".

Cũng liên quan đến khủng bố, Le Monde giới thiệu bài phân tích "Từ Paris đến Barcelona, những hình tượng mới của lực lượng thánh chiến tại Châu Âu". Ông Farhard Khosrokhavar, chuyên gia Pháp gốc Iran, nhấn mạnh đến số lượng lớn công dân Châu Âu gốc Maroc – một quốc gia Bắc Phi vốn được coi là tương đối bình yên - trong hàng ngũ các thủ phạm khủng bố.

Tác giả nêu bật vấn đề sự kém hội nhập, của thế hệ con cái những người nhập cư, là một nguồn gốc chính sản sinh ra khủng bố. Những kẻ đi theo Hồi giáo cực đoan, vừa không phải là công dân của xã hội mà cha mẹ họ xuất thân, cũng không cảm thấy là công dân của đất nước Châu Âu (như Pháp, Tây Ban Nha hay Bỉ), nơi họ sinh ra và trưởng thành.

Afghanistan : Mỹ "ve vãn" Ấn Độ, "xa rời" Pakistan

Về thời sự quốc tế, những thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ tại Nam Á là một chủ đề quan tâm khác của Le Monde. Bài "Tại Afghanistan : Mỹ ve vãn Ấn Độ, và rời xa Pakistan" nhấn mạnh là lần đầu tiên Washington mời Ấn Độ tham gia giải quyết cuộc xung đột tại Afghanistan.

Hồi đầu tuần này, chính quyền Mỹ gây áp lực buộc Pakistan kiên quyết hơn với các tổ chức khủng bố mượn đất Pakistan làm bàn đạp. Tuy nhiên, theo Le Monde, không có gì chắc chắn là Islamabad sẽ nghe lời Washington, trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang nhận được nhiều trợ giúp kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt với dự án hành lang kinh tế, nối liền miền tây Trung Quốc với Ấn Độ Dương, thông qua Pakistan, và Bắc Kinh đã công khai ca ngợi Pakistan "có những đóng góp lớn chống khủng bố".

Tín hiệu của Putin : Một hình tượng tiêu biểu của đối lập bị truy tố

Về tình hình nước Nga, báo chí Pháp đặc biệt chú ý đến vụ đạo diễn Serebrennikiov bị chính quyền truy tố, với tội danh biển thủ công quỹ. Bài "Serebrennikiov, một hình tượng tiêu biểu của sân khấu Nga, trong gọng kìm của điện Kremlin" dẫn nhận định của nhà báo đối lập Oleg Kachine. Theo ông, đây là "điểm khởi đầu của chiến dịch tranh cử" của ông Putin. Chính quyền Nga muốn thông báo với những người thuộc các thành phần phản kháng trong xã hội là "mọi can dự chính trị bị coi là ‘‘nằm ngoài hệ thống’’ sẽ phải trả giá đắt như thế nào".

Báo Le Monde dẫn lời của một số nhà hoạt động văn hóa Nga, so sánh vụ án nói trên với vụ bắt giữ đạo diễn Nga Vsevolod Meyerhold, năm 1939, dưới thời nhà độc tài Staline. Đạo diễn Meyerhold qua đời sau đó một năm trong tù.

Ông Olivier Py, giám đốc Festival nổi tiếng Avignon, khẳng định đạo diễn Serebrennikiov là "một người đối lập thực sự với chế độ Putin và một người bảo vệ quyền của những người đồng tính".

Đông đảo cử tri Đức muốn bà Merkel tiếp tục làm thủ tướng

Về thời sự Châu Âu, báo Le Monde chú ý đến thời điểm đúng một tháng trước cuộc bầu cử Quốc hội Đức (24/9), đa số cử tri muốn dồn phiếu cho bà Merkel, cầm quyền từ năm 2005. "Ổn định" là mong muốn của rất nhiều cử tri. Ổn định cũng là ghi nhận chung về diễn biến các kết quả thăm dò dư luận. Từ đầu tháng sáu đến nay, khoảng cách giữa các đảng phái chính dường như không thay đổi nhiều. Liên Minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU của thủ tướng Đức được từ 38 đến 40% ủng hộ, vượt xa đảng Xã Hội Dân Chủ (22-24%).

Theo nhà phân tích Stephan Grunewald, đa số dân Đức hài lòng với tình hình hiện nay, họ có xu hướng đối lập tình hình ở Đức với thế giới xung quanh, với "khủng bố, Brexit, Trump, Putin và Erdogan", và mong muốn kéo dài tình trạng tốt đẹp này.

Một điều tra của viện Allensbach, công bố hôm qua trên Frankfurter Allgemeine Zeitung, cho hay 46% cử tri vẫn chưa quyết định bầu cho ai, con số cao nhất trong 20 năm trở lại đây. Tuy nhiên, bất trắc được coi chủ yếu liên quan đến đảng sẽ về thứ ba, hơn là vị trí của hai đảng nói trên.

Pháp : Lo ngại Google kiểm soát thông tin học đường của hàng triệu học sinh

Về kinh tế, nếu như Les Echos đặc biệt chú đến việc tập đoàn siêu thị hàng đầu thế giới Wal-Mart của Mỹ liên kết với tập đoàn tin học Google để, trực tiếp cạnh tranh với Amazon, trong hoạt động bán hàng trên mạng, thì Le Monde lưu ý đến nỗi lo của cộng đồng giáo dục Pháp, trước nguy cơ các tập đoàn tin học lớn như Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft (nhóm GAFAM), chiếm lĩnh các thông tin cá nhân của học sinh, nhờ sự dễ dãi của các quy định pháp lý hiện hành.

Đầu tháng 7, bảy tổ chức - bao gồm các nghiệp đoàn cha mẹ học sinh, liên đoàn nhân quyền… - đã gửi thư đến hai tân Bộ trưởng Giáo dục và kỹ thuật số để yêu cầu có các biện pháp bảo vệ. Le Monde dẫn lại thông tin trên New York Times về kết quả một điều tra chấn động, theo đó Google đã kiểm soát được thông tin học đường của hơn 30 triệu học sinh Mỹ.

Theo Ủy ban Tin học và các quyền tự do Pháp (CNIL), một Hiến chương về kỹ thuật số trong lĩnh vực giáo dục sẽ phải được đưa ra trong thời gian tới. Mục tiêu của Hiến chương này là nhằm hướng đến việc "cấm sử dụng các dữ liệu về học sinh cho các mục tiêu thương mại". Chuyên gia một tổ chức tin học Pháp đặt câu hỏi : "Dữ liệu học đường là điều cũng rất nhạy cảm, như các thông tin y tế, vốn rất được bảo vệ, vậy vì sao Nhà nước không mang lại các bảo đảm pháp lý trong lĩnh vực này ?".

Trọng Thành

Published in Châu Á

Chiến lược Afghanistan : sự miễn cưỡng của TT Mỹ Donald Trump

Kế hoạch mới về Afghanistan của tổng thống Mỹ Donald Trump là một đề tài được nhiều báo Pháp như Le Figaro, Libération, Les Echos, La Croix… phân tích. Đáng chú ý là bài "Afghanistan : Trump miễn cưỡng gửi quân" đăng trên báo Les Echos.

afghanistan1

Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo về chiến lược Afghanistan trước binh lính ở căn cứ quân sự Fort Myer, Virginia, ngày 21/08/2017. REUTERS/Joshua Roberts

Rốt cuộc thì tổng thống Donald Trump đã phải thay đổi ý kiến. Muốn rút lính Mỹ khỏi Afghanistan từ lâu nay, nhưng cuối cùng ông Trump đã bị các tướng lĩnh thuyết phục điều thêm quân sang quốc gia Trung Đông. Les Echos cho biết trong những tuần qua, rút quân hay điều thêm quân là một chủ đề gây tranh cãi ở Nhà Trắng, nhất là giữa cố vấn chiến lược Steve Bannon và cố vấn an ninh quốc gia Mc Master. Với sự ra đi của ông Steve Bannon, kết quả cuộc tranh cãi đã rõ ràng.

Tối thứ Hai, 21/08/2017, trong một bài diễn văn đọc tại căn cứ quân sự Fort Myer, bang Virginia và được phát trực tiếp trên truyền hình, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo có "chiến lược mới" về Afghanistan. Tổng thống Mỹ giải thích quyết định của ông xuất phát từ "những mối nguy hiểm lớn trong khu vực, Afghanistan và Pakistan hiện là nơi tập trung nhiều tổ chức khủng bố nhất trên thế giới". Theo ông Trump, Mỹ đưa quân đến Afghanistan không phải để tái thiết đất nước này mà là để tiêu diệt khủng bố.

Thông báo của tổng thống Mỹ được Afghanistan hoan nghênh. Tổng thống Afghanistan phát biểu : "Quan hệ đối tác với Mỹ chưa bao giờ mạnh mẽ như hiện nay. Sức mạnh các lực lượng an ninh của chúng tôi là để quân Taliban và các nhóm khủng bố khác hiểu rằng họ không thể có chiến thắng quân sự".

Tuy nhiên, theo Les Echos, các nhà phân tích vẫn dè dặt và hoài nghi về hiệu quả của chiến dịch mới của tổng thống Donald Trump. Trước tiên, bởi vì, ông Trump đã không thực sự giải thích về chiến lược mới, thậm chí từ chối đưa ra thông tin cụ thể về lịch trình và số quân tăng cường tại Afghanistan. Trong khi đó, báo chí Mỹ tiết lộ số với thêm 4.000 quân, tổng số lính Mỹ tại Afghanistan chỉ là hơn 12.000 người, một son số rất nhỏ so với 100.000 quân hồi năm 2010-2011.

Đối với thượng nghĩ sĩ cộng hòa John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân lực của Thượng Viện Mỹ, "chiến lược này có được sau quá nhiều thời gian chờ đợi. Trong khoảng thời gian đó, quân thánh chiến taliban đã có những bước tiến nguy hiểm".

Còn giáo sư về quan hệ quốc tế David Tothkopf, thuộc đại học Columbia, nhận xét là ông Donald Trump nói về chiến lược, nhưng bài diễn văn của ông ấy không có thông tin về chiến lược, ông Trump nói tới việc cam kết, nhưng ông ấy cũng chẳng cam kết gì cả. Đó chỉ là "ảo tưởng rằng có hành động" mà thôi. Theo chuyên gia David Tothkopf, bài diễn văn của tổng thống Donald Trump chỉ nhằm "che khuất" các cuộc tranh cãi gần đây.

Về số phận của chỉ huy lực lượng Mỹ tại Afghaniastan, tướng John Nicholson, đã từng nhiều lần bị tổng thống Donald Trump chỉ trích, thậm chí ông Trump còn kêu gọi tướng John Nicholson từ chức. Giờ thì tướng John Nicholson có thể yên tâm ở lại.

Liên quan đến NATO, hiện có 4.600 binh lính của NATO đóng quân tại Afghanistan. Washington sẽ phải trao đổi với các đồng minh NATO để các quốc gia này đồng hành cùng Mỹ và đóng góp thêm vào chiến lược mới của ông Donald Trump. Về phần Anh Quốc, Bộ trưởng quốc phòng Micheal Fallon bình luận "kế hoạch của Mỹ được hoan nghênh". Còn Pháp, quốc gia đã từng đứng thứ 4 trong việc điều quan sang Afghanistan, thì đã rút hết quân về nước vào năm 2014.

Ẩn số về bước nhảy vọt công nghệ của Bình Nhưỡng

Hôm 23/08/2017, chủ đề Bắc Triều Tiên vẫn chưa hạ nhiệt trên báo Pháp. Tờ Le Monde chạy tít : "Tên lửa : Làm thế nào Bắc Triều Tiên thành công trong bước đại nhảy vọt về công nghệ ?". Le Monde cho biết chỉ trong một năm, các kỹ sư Bắc Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ đáng kinh ngạc về tên lửa đạo, mặc dù trong suốt năm 2016, Bắc Triều Tiên liên tiếp thất bại trong các vụ thử nghiệm tên lửa. Trong số 8 vụ thử nghiệm, chỉ có 1 vụ thành công.

Theo Le Monde, những thất bại trên có thể do Bắc Triều Tiên còn gặp nhiều khó khăn trong việc làm chủ công nghệ, nhưng cũng có thể do Mỹ ngầm phá hoại. Trên thực tế, hồi tháng 03/2017, New York Times tiết lộ vào năm 2014, tổng thống Mỹ Barack Obama đã "bật đèn xanh" cho các chiến dịch "cản trở" chương trình tên lửa của Bắc Triều Tiên, nhất là thông qua mạng điện tử.

Bắc Triều Tiên có thể còn gặp những khó khăn về công nghệ để phóng tên lửa trúng đích, nhưng từ giờ Hoa Kỳ đã nằm trong tầm phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Nhưng làm thế nào mà chỉ sau có 1 năm, từ hàng loạt thất bại với các tên lửa chỉ với tầm bắn 3.000 km mà Bình Nhưỡng lại 2 lần thành công với tên lửa có tầm phóng xa gấp hơn 3 lần ? Làm thế nào mà đất nước từng mất 20 năm để cải tiến công nghệ Scud cho một tên lửa lớn hơn, nhưng lại chỉ mất có vài tháng để chế tạo thành công tên lửa liên lục địa ? Các chuyên gia hiện vẫn chưa tìm ra lời giải đáp.

Khi quan sát các bức ảnh về tên lửa của Bắc Triều Tiên, nhà phân tích người Đức, Norbert Brügge, phát hiện ra là động cơ tên lửa của Bắc Triều Tiên rất giống động cơ đẩy RD-250 của tên lửa liên lục địa của Liên Xô vào những năm 1970.

Những câu hỏi mới lại được đặt ra. Bình Nhưỡng chỉ có được sơ đồ động cơ đẩy RD-250 hay có được cả động cơ RD-250 ? Từ khi nào ? Chỉ mới đây ? Hay vào thời điểm Liên Xô sụp đổ, các kỹ sư Nga hoặc Liên Xô đã bán lại công nghệ cho Bắc Triều Tiên ?

Le Monde trích dẫn nhiều ý kiến trái chiều của các nhà phân tích, kỹ sư, quan chức tình báo của Mỹ… Nhiều quan chức tình báo của Mỹ khẳng định Bình Nhưỡng có khả năng tự chế tạo tên lửa mà không phải nhập động cơ của nước ngoài. Nhưng có chuyên gia thì lại cho rằng Bình Nhưỡng có động cơ tên lửa của Liên Xô và chỉ điều chỉnh lại mà thôi. Một kỹ sư khác lại nhận định Bình Nhưỡng chỉ mới có động cơ tên lửa từ Ukraine.

Nhưng theo Le Monde, tất cả chỉ đều là phỏng đoán. Bước nhảy vọt trong chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng vẫn còn là một ẩn số.

Na Uy : cuộc chiến vàng đen trên nhiều mặt trận

"Cuộc chiến vàng đen đang diễn ra trên nhiều mặt trận tại Na Uy" với nhiều cuộc biểu tình là nhận định của báo Le Figaro. Một cuộc thăm dò ý kiến mới được công bố cho thấy lần đầu tiên, 44% số người được hỏi ủng hộ việc chính quyền hạn chế khai thác dầu lửa để giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Theo Le Figaro, tại một quốc gia dường như chỉ sống nhờ vào khai thác dầu lửa và khí ga từ những năm 1970, thì đây là một bước ngoặt lịch sử. Chuyên gia Erlend Tellnes, thuộc tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace, giải thích : Một mặt, giá dầu lửa sụt giảm đã khiến hàng trăm ngàn người Na Uy mất việc làm. Mặt khác, nhiều người bắt đầu hiểu rằng cần tìm các nguồn thu nhập khác. Nhiều tổ chức cũng đã hoạt động tích cực để người dân hiểu rằng Na Uy có thể kiếm tiền bằng nhiều cách.

Mục tiêu của các phong trào đấu tranh và nhiều chính đảng nhỏ hiện nay ở Na Uy là buộc chính phủ ngưng triển khai các dự án mới khai thác dầu mỏ và khí đốt.

Le Monde nhấn mạnh không thể phủ nhận là Na Uy đã có nhiều nố lực chống biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, Na Uy là nước sử dụng nhiều xe hơi điện nhất thế giới, nhà nước cũng đóng góp nhiều trăm triệu euro cho quỹ bảo vệ rừng Amazon… "Điều trái khoáy" là Na Uy chủ trương khai thác khí đốt với lượng lớn nhất có thể và nhanh nhất có thể. Na Uy hiện là quốc gia sản xuất dầu lửa và khí đốt lớn thứ 8 trên thế giới.

Lượng khí phát thải từ chất đốt mà Na Uy xuất khẩu ra thế giới năm 2016 cao gấp 10 lần lượng khí phát thải từ chất đốt mà Na Uy sử dụng trong nước. Nói cách khác, Na Uy đứng thứ 7 về xuất khẩu khí phát thải độc hại ra thế giới. Le Monde kết luận : Na Uy là một đất nước nhỏ bé, nhưng lại gây tác động rất lớn tới biến đổi khí hậu toàn cầu.

Chống buôn lậu động vật quý hiếm : cuộc chiến chết chóc

Trong lĩnh vực sinh thái, báo Le Figaro có bài "Cuộc chiến chết chóc chống những kẻ buôn lậu". Vụ sát hại ông Wayne Lotter, nhà bảo tồn loài voi, ở Tanzania, nhắc cho mọi người nhớ rằng các nhà hoạt động bảo vệ động vật quý hiếm phải trả giá cho cuộc chiến chống buôn lậu động vật bằng sinh mạng của bản thân. Le Figaro cho biết buôn bán động vật quý hiếm nằm trong số 5 hoạt động buôn bán mang lại nhiều lợi nhất, cùng với buôn bán vũ khí, buôn người, buôn bán hàng giả và buôn ma túy.

Hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã không chỉ đe dọa cuộc sống của các loài động vật mà còn đẩy các nhà bảo tồn động vật vào vòng nguy hiểm. Theo tổ chức International Ranger Federation, từ năm 2009 đến năm 2016, 565 nhà hoạt động đã thiệt mạng vì bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Đa số bị những kẻ săn bắn trộm sát hại, không chỉ ở Châu Phi mà cả ở Châu Á.

Samsung cho ra mắt Galaxy Note 8

Chuyển sang lĩnh vực công nghệ, báo kinh Tế Les Echos cho biết tập đoàn Samsung của Hàn Quốc hôm nay cho ra mắt điện thoại thông minh Galaxy Note 8 để bắt đầu cuộc chiến cạnh tranh với iPhone 8 của hãng Apple.

Một năm sau thất bại lịch sử của Galaxy Note 7 khiến danh tiếng của Samsung bị ảnh hưởng, tập đoàn Hàn Quốc đang hy vọng lật sang một trang sử mới với Note 8.

Thùy Dương

Published in Quốc tế

Hôm 22/08/2017, dân biểu đối lập Philippines Gary Alejano lại lên tiếng báo động : Trung Quốc đã cho cắm cờ trên một cồn cát gần đảo Loại Ta (Kota Island) do Philippines kiểm soát tại quần đảo Trường Sa. Đối với dân biểu này, đây là một dấu hiệu cho thấy âm mưu lấn chiếm của Bắc Kinh.

duterte1

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho rằng sự hiện diện của tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứ chẳng có gì đáng ngại. REUTERS/Ezra Acayan/File Photo

Chính dân biểu này là người trong những ngày gần đây đã liên tiếp cảnh báo chính quyền Manila về sự kiện Bắc Kinh đang cho tàu đến bám trụ tại khu vực bãi Sandy Cay, gần đảo Thị Tứ trong tay Philippines, xua đuổi ngư dân Philippines, có thể là với âm mưu chiếm cứ luôn khu vực này. Thế nhưng, những lời báo động của ông Alejano và một số nhân vật khác đều bị chính quyền bỏ ngoài tai, làm dấy lên mối lo ngại là để được Trung Quốc giúp đỡ về mặt kinh tế, tổng thống Duterte sẵn sàng nhượng bộ Bắc Kinh về chủ quyền Biển Đông.

Việc Trung Quốc dồn tàu đến khu vực sát đảo Thị Tứ là một thực tế, đã được xác minh qua ảnh vệ tinh Mỹ với những cứ liệu gần như trùng khớp với các thông tin được dân biểu Alejano tiết lộ từ ngày 15/08/2017. Mới đây, cơ quan Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI của Mỹ đã công bố một loạt ảnh vệ tinh chụp ngày 13/8 cho thấy nhiều tàu Trung Quốc trong khu vực, bao gồm ít nhất "9 tàu cá Trung Quốc và hai tàu không rõ là của Hải Quân hay Hải Cảnh Trung Quốc". Ảnh còn cho thấy một chiếc thuyền đánh cá Philippine neo đậu ở một bãi cát gần đó.

Trước những tuyên bố của chính quyền Duterte được cho là xem nhẹ tầm mức nghiêm trọng của sự vụ, hôm qua 21/08, đến lượt một nhân vật có uy tín tại Philippines lên tiếng. Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Philippines Antonio Carpio, đã tỏ ý lo ngại trước nguy cơ Trung Quốc "xâm lược" khu vực cồn cát Sandy Cay gần đảo Thị Tứ dưới quyền kiểm soát của Philippines.

Tuyên bố này của thẩm phán Carpio đã lập tức bị ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano phản bác. Trả lời báo chí vào hôm nay, ông Cayetano không ngần ngại cho rằng vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện đã dựa trên những cứ liệu "sai lạc" để đi đến một nhận định như trên. Nhận định của thẩm phán Carpio cũng bị đích thân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bác bỏ, vào hôm qua, cho rằng sự hiện diện của tàu Trung Quốc trong khu vực chẳng có gì đáng ngại.

Trung thành với kiểu cách nói năng thô bạo, ông Duterte tuyên bố : "Tại sao tôi lại phải bảo vệ một bãi cát và hy sinh người Philippines chỉ vì một cồn cát ?". Theo ông Duterte, tàu Trung Quốc có mặt ở đó để "tuần tra", vì Trung Quốc và Philippines là "bạn bè". Ông còn xác định rằng ông đã gọi cho đại sứ Trung Quốc và được bảo đảm rằng Bắc Kinh "sẽ không xây dựng gì ở đó".

Đối với tạp chí Nhật Bản The Diplomat, tuyên bố của tổng thống Philippines về vụ tàu Trung Quốc ở Sandy Cay đã khiến giới quan sát hết sức hoài nghi. Nếu giữa hai chính quyền Philippines và Trung Quốc đã có bàn bạc, thảo luận về vấn đề này, tại sao vào đầu tuần trước, khi bị dân biểu Alejano chất vấn, cả bộ Ngoại Giao lẫn bộ Quốc Phòng Philippines đều không có lời giải thích rõ ràng ?

Ngoài ra, phải chăng là tổng thống Duterte đã ra lệnh cho lực lượng hải quân Philippine rời khỏi khu vực để cho phép tàu Hải Quân và Hải Cảnh Trung Quốc tiến vào khu vực gần đảo Thị Tứ ? Sau cùng, tổng thống Duterte giải thích ra sao về các thông tin theo đó tàu đánh cá Philippines bị phía Trung Quốc cấm vào các vùng biển liên can nếu thực sự là Bắc Kinh chỉ tuần tra thân hữu mà thôi ?

Đối với The Diplomat, Trung Quốc rất có thể là đang thực sự nhòm ngó Sandy Cay do các lợi ích pháp lý mà họ thu được nếu chiếm đóng được đảo này trong thực tế. Do vậy, thái độ của chính quyền Duterte giảm thiểu mức độ hệ trọng của những gì Trung Quốc đang làm ở khu vực Sandy Cay làm dấy lên câu hỏi là phải chăng chính quyền Philippines đang vì lợi ích kinh tế mà nhượng bộ Trung Quốc trên Biển Đông, thậm chí còn tiếp tay cho Bắc Kinh trong toan tính khống chế trọn Biển Đông ?

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á

Châu Âu tự vệ trước sự bành trướng đầu tư Trung Quốc

Không phải đến bây giờ các nước Liên Hiệp Châu Âu mới ý thức được nguy cơ bành trướng kinh tế của Bắc Kinh. Nhưng bây giờ là lúc EU có hành động cụ thể để tự bảo vệ mình trước các vụ thôn tính tràn lan của các nhà đầu tư Trung Quốc trong đủ mọi lĩnh vực kinh tế. Đó là chủ đề chính của nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay, với bài xã luận khẳng định : "Đối mặt với Bắc Kinh, Châu Âu tự vệ là đúng".

eu1

Thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh G20 Hambourg, Dức, ngày 07/07/2017. REUTERS/John MACDOUGALL,POOL

Les Echos nhận thấy việc Bắc Kinh bành trướng kinh tế sang sân Châu Âu không phải là mới. Người ta vẫn "luôn nghĩ tới nhưng chưa bao giờ nói đến. Chưa một lần nào Trung Quốc được nêu tên trong các công việc của các nước Châu Âu liên quan đến vấn đề tự bảo vệ chống lại các đầu tư nước ngoài bị coi là không được mong đợi". Giờ đây, các nước Châu Âu mới bắt đầu thực sự để mắt đến chuyện đầu tư của nền kinh tế thứ 2 thế giới.

Tờ báo kinh tế cho biết, từ tháng 02/2017, Pháp, Đức và Ý đã lên tiếng kêu gọi Ủy Ban Châu Âu bàn thảo về hồ sơ này. Tháng 06 vừa qua, ba nước đã gửi một văn kiện cụ thể đề nghị Liên Hiệp Châu Âu có biện pháp với chiến dịch thâu tóm dữ dội của các nhà đầu tư nước ngoài. Tài liệu trên đề cập đến việc Châu Âu phải đặt ra các lằn ranh đỏ để ngăn chặn các thương vụ thâu tóm từ nước ngoài, không chỉ đối với các trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia. Đó có thể là các thương vụ mà bên mua được hỗ trợ của Nhà nước hay các vụ thâu tóm nằm trong chỉ thị của chính phủ.

Les Echos nhận thấy, rõ ràng nội dung văn kiện trên nhằm vào Trung Quốc là chính. Bởi vì chương trình Made in China 2025 của Bắc Kinh đang được cụ thể hóa bằng làn sóng các tập đoàn lớn Trung Quốc thâu tóm đầu tư vào các ngành công nghệ cao cấp của Châu Âu.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc tạo ra vô số các trở ngại đối với các nhà đầu tư nước ngoài, như bắt buộc họ phải thành lập công ty liên doanh, phải chuyển giao công nghệ, cấm đầu tư vào một số lĩnh vực … Đó rõ ràng là không có đi có lại một cách công bằng. Vì thế trong tài liệu gửi lên Ủy Ban Châu Âu, Đức, Pháp, Ý cũng đề nghị biện pháp ngăn chặn các vụ mua bán đối với các nhà đầu tư ở những nước không mở cửa tương xứng cho Châu Âu.

Les Echos bình luận, ba nước chủ chốt của Châu Âu đã rất đúng khi có ý định dập tắt cơn thèm khát công nghệ Châu Âu của Trung Quốc. Cho dù các văn kiện kiến nghị của họ không nhắc đến Trung Quốc, nhưng ngôn từ rất kiên quyết đủ để hiểu việc gia tăng kiểm soát bảo hộ nhằm vào quốc gia nào.

Hai góc độ tấn công trong tài liệu đều rất đúng, không ảnh hưởng đến các quy định kinh tế thị trường, mà chỉ để bảo đảm các vụ mua bán không phải do chủ trương chỉ đạo của chính phủ và được hỗ trợ tài chính từ chính phủ.

Les Echos nhận thấy là sự chồng chéo quyền lực chính trị trên các hoạt động kinh tế ở Trung Quốc rất lớn. Sự nghi ngại của các nước là hoàn toàn chính đáng. Hơn nữa, Châu Âu có quyền trông đợi nhiều hơn vào quan hệ làm ăn "có đi, có lại".

Bài báo dẫn lại một sự kiện liên quan đến nước Đức. Năm 2016, vụ tập đoàn về thiết bị điện gia dụng Trung Quốc Midea mua lại Kuka, hãng chế tạo robot công nghiệp của Đức đã gây rúng động trong giới công nghiệp Đức. Thủ tướng Angela Merkel đã phải sử dụng những quyết định pháp lý thích hợp để ngăn chặn thương vụ thâu tóm này.

Theo Les Echos, năm ngoái các công ty Trung Quốc đã đầu tư hơn 35 tỷ euro vào Châu Âu, tăng 76% trong một năm. Vẫn còn một số nước Châu Âu như Hà Lan, Bồ Đào Nha hay Phần Lan có nhu cầu và họ vô tư đón nhận đầu tư của Trung Quốc. Nhưng nhiều nước thành viên khác đều thấy EU cần trang bị các phương tiện để không còn là con cừu giữa đàn sói trong quá trình toàn cầu hóa.

Cửa ải giấy tờ của người nước ngoài ở Pháp

Chuyển qua nhật báo Libération, trên trang mục nước Pháp, qua bài một phóng sự dài, tờ báo quan tâm đến nỗi khổ của những người nước ngoài định cư tại Pháp mỗi khi phải đi làm giấy tờ

Họ là những người có giấy tờ định cư hợp lệ từ nhiều năm qua. Nhưng giờ đây, mỗi khi phải đi gia hạn thẻ cư trú, họ phải thức cả đêm ở ngoài trời để xếp hàng, chờ đợi. Phóng viên báo Libération đã đến sở cảnh sát Nanterre, ngay gần Paris, để gặp gỡ với những người mà tờ báo gọi là những "người bị hành chính Pháp xử tệ".

Tờ báo ghi nhận, "một ngày trong tháng 8 này, trước hàng rào sở cảnh sát Nanterre, trên dọc vỉa hè, gần 200 con người nằm dài trên các tấm bìa, cuốn tạm một tấm chăn từ 3 giờ sáng. Họ đang chờ xếp hàng để làm lại giấy tờ định cư".

Đến 9 giờ 30, sở cảnh sát làm việc, số người xếp hàng lên tới gần 1.000 người. Không ít người thấp thỏm không biết có đến lượt khi hết giờ làm việc vào buổi chiều hay không.

Libération kể lại trường hợp của một thanh niên Trung Quốc. Anh Lưu, 30 tuổi, là kỹ sư có hợp đồng làm việc dài hạn. Để có giấy tờ hợp lệ làm việc, cứ 3 tháng một lần, anh phải trở lại nơi đây để gia hạn giấy tờ. Mỗi lần như vậy, anh lại phải nghỉ cả cả một ngày làm việc. Hôm trước, anh phải đợi đến 5 tiếng, gần đến lượt thì hết giờ làm việc của sở và đành phải "về không". Trường hợp như anh Lưu không phải là hiếm, mỗi ngày có cả trăm người bỏ cả ngày làm việc chỉ để xếp hàng, cuối cùng chẳng được việc gì.

Tác giả bài viết còn trao đổi tại chỗ với một người khác. Đó là ông Mohan, 76 tuổi, người Algeria, định cư ở Pháp từ năm 1962, nay đã về hưu. Ông cho biết đã phải ở trong tình trạng không giấy tờ suốt nửa năm qua vì sở cảnh sát không gia hạn thẻ cư trú 10 năm cho ông. Không có giấy tờ thì ông không đi lại được, nhất là khi cần về quê nhà thăm thân…

Thực trạng quá tải này được sở cảnh sát Nanterre cho biết đã trở nên trầm trọng từ tháng 06/2017 và không chỉ có ở Nanterre mà còn ở khắp các sở cảnh sát trong khu vực Paris và vùng phụ cận. Thậm chí, giờ đây bắt đầu xuất hiện dịch vụ bán chỗ xếp hàng. Một chỗ có giá từ 150 đến 300 euros.

Tai nạn đụng tàu khiến hải quân Mỹ lúng túng

Tiếp tục với Libération, tờ báo trở lại vụ khu trục hạm mang tên lửa của hải quân Mỹ USS. S.McCain va chạm với một tàu chở hàng tại vùng biển Malaca gần Singapore sáng thứ Hai (21/08). Vụ tai nạn làm chiến hạm hiện đại Mỹ thủng một lỗ lớn trên thân và 10 thủy thủ của tàu vẫn còn mất tích.

Tờ báo nhận định vụ đụng tàu mới này đang khiến hải quân Mỹ trở nên lúng túng. Đây là vụ đụng với tàu hàng thứ 2 trong vòng chưa đầy hai tháng của Hải Quân Mỹ trong khu vực Châu Á. Sự việc khiến đô đốc Hải Quân Mỹ John Richarson phải ra lệnh "dừng hoạt động" của các tầu chiến Mỹ. Theo tờ báo, khó có khả năng hải quân hùng hậu nhất thế giới ngừng các hoạt động được. Nhưng tuyên bố trên cho thấy hải quân Mỹ đã ý thức được mức độ nghiêm trọng của sự việc. Mặt khác, nó cho thấy sự lúng túng của các lãnh đạo lực lượng này.

Đúng là eo biển Malacca nằm giữa Singapore, Indonesia và Malaysia là tuyến hàng hải đông tàu bè qua lại thứ hai trên thế giới. Nhưng điều đó cũng không lý giải được làm sao mà một chiến hạm Mỹ không thể tránh được tai nạn. Trên CNN, hôm qua, nhà phân tích quân sự Mỹ Rick Franconna thắc mắc : "Làm sao một khu trục hạm hiện đại của Hải Quân được trang bị biết bao nhiêu là hệ thống radar, thiết bị liên lạc và một đài kiểm soát hoạt động thường trực, lại có thể không phát hiện và tránh được con tầu hàng 30.000 tấn có tốc độ chỉ 10 hải lý ?".

Theo các chuyên gia, đơn giản là những vụ tai nạn như vậy xảy ra do sai sót của con người và tình trạng làm việc quá tải của thủy thủ đoàn. Những sự cố trên biển này xảy ra trong bối cảnh Hải Quân Mỹ đang muốn đẩy mạnh hoạt động giám sát an ninh hàng hải trong khu vực và căng thẳng với Bắc Triều Tiên, nhưng năng lực và sức mạnh của Hải Quân Mỹ đang có vấn đề.

Neymar bắt đầu gây sốt báo chí

Phần cuối mục điểm báo xin được dành cho tin thể thao. Báo chí Pháp đã thực sự bị Neymar, danh thủ bóng đá người Brazil, mê hoặc sau trận đấu thứ 2 của anh trong giải vô địch quốc gia Pháp gặp Toulouse, dưới màu áo của câu lạc bộ Paris Saint Germain. Trong trận này, Neymar ghi 2 bàn thắng và đã cống hiến cho khán giả Pháp màn trình diễn kỹ thuật tuyệt vời.

Le Figaro thốt lên rằng : "Paris phát hiện ra niềm vui sướng của bóng đá". Tờ thể thao L’Equipe thì chạy tựa : "Neymar, người quyến rũ". Còn theo Libération, ngôi sao mới về PSG đã chơi một "bản hùng ca của bóng đá". Báo chí không ngớt lời ca ngợi, còn chuyên gia tiếp thị thể thao thấy ở Neymar một tiềm năng khác. Danh thủ này sẽ đem lại hiệu quả kinh doanh rất lớn cho câu lạc bộ thành Paris, nhất là trên thị trường Châu Á, trong thời gian tới.

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Bắc Triều Tiên – Mỹ : Sự hòa dịu mong manh

Các trang báo Pháp đầu tuần vẫn tiếp tục tập trung chủ yếu vào những sự kiện thời sự đã diễn ra cuối tuần qua, như vụ khủng bố tại Catalunya, Tây Ban Nha hay vụ ông Steve Bannon cố vấn chiến lược của tổng thống Mỹ bị sa thải khiến ông Trump lại thêm lẻ loi…

bachan1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh minh họaReuters / MANILA BULLETIN

Nhật báo Le Monde chú ý tới một thời sự nóng của Châu Á cho dù đã dịu xuống nhưng nguy cơ có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Đó là căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Bài viết của Philippe Pons, nhà báo chuyên theo về tình hình Châu Á, mang tựa đề : "Bắc Triều Tiên : Sự hòa dịu bề ngoài".

Người ta còn nhớ màn đấu khẩu dọa dẫm nhau giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un cách đây hai tuần đã đẩy tình hình căng thẳng lên đến cao độ tưởng chừng như một cuộc chiến tranh hủy diệt giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên sắp nổ ra đến nơi. Nhưng cuối cùng hôm 15/08, Kim Jong-un bất ngờ tuyên bố hoãn kế hoạch bắn tên lửa về phía đảo Guam, lãnh thổ Mỹ nằm giữa tây Thái Bình Dương.

Quyết định trên đã làm dịu căng thẳng và được ông Trump đánh giá đó là một "quyết định khôn ngoan". Thế nhưng theo tác giả Philippe Pons, sự hòa dịu đó "có nguy cơ không kéo dài bao lâu bởi ngày thứ Hai 21/08, Mỹ - Hàn mở cuộc tập trận thường niên trên quy mô lớn, huy động hơn chục nghìn quân. Hoạt động này vẫn luôn được Bình Nhưỡng nhìn nhận như là sự chuẩn bị cho một cuộc xâm lăng" Bắc Triều Tiên.

Bài báo phân tích : Ngừng dự định bắn tên lửa không phải là Bình Nhưỡng lùi bước trước "lửa giận" của ông Trump. Đây không phải lần đầu tiên Bắc Triều Tiên lên gân rồi lại cho chùng xuống và tiếp tục trở lại căng hơn. Vì thế cần phải tính đến những khiêu khích mới.

Theo phần đông các nhà phân tích thì giờ đây thế giới cần phải đối mặt với một thực tế : "Bắc Triều Tiên đang có chỗ đứng trong những cường quốc hạt nhân. Các lãnh đạo ở Bình Nhưỡng đã đạt được, có thể là đã vượt quá cả hy vọng của họ, điều mà họ muốn tìm kiếm đó là : Hoa Kỳ nhìn nhận nghiêm túc mối đe dọa của họ và Bắc Triều Tiên nghiễm nhiên được thừa nhận là một cường quốc hạt nhân hoặc đang chuẩn bị được như vậy".

Tác giả bài viết nhận thấy, sự đe dọa của Bình Nhưỡng khiến Hoa Kỳ phải đánh giá lại tổn thất của một cuộc tấn công từ Bắc Triều Tiên nhất là khả năng phản công chết người nhằm vào Seoul, các căn cứ Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Hơn nữa lập trường của Trung Quốc đã được tờ báo đảng Global Times gần đây bày tỏ đó là nếu Bắc Triều Tiến tấn công Mỹ trước, Bắc Kinh sẽ đứng ngoài cuộc, nhưng nếu ngược lại Mỹ hành động trước, Bắc Kinh sẽ nhảy vào. Đó chính là hai điều kìm lại "cơn giận" của Donald Trump.

Như vậy chỉ còn lại con đường đàm phán. Thế nhưng, Bình Nhưỡng đã đặt điều kiện tiên quyết là Washington phải chấm dứt đe dọa họ. Về phần Mỹ, tướng Joseph Dunford, tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã nhắc trong chuyến thăm Bắc Kinh gần đây : "Mối đe dọa Bắc Triều Tiên còn tồn tại rất lâu dài, chúng ta sẽ phải sẵn sàng để đáp trả".

Tác giả kết luận : "Cả hai bên đều không loại trừ đàm phán, nhưng mỗi bên vẫn bám giữ lập trường riêng của mình và cho rằng bên kia phải tiến trước".

Chiến tranh Triều Tiên : Kịch bản thảm họa cho kinh tế thế giới

Vẫn trên chủ đề căng thẳng với Bắc Triều Tiên, Le Monde có bài viết khác mang tiêu đề : "Một cuộc xung đột giữa hai miền Triều Tiên sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thế giới".

Tờ báo đặt vấn đề : "Ngoài các suy xét chính trị, lo ngại về an ninh, cần phải cân nhắc khủng hoảng Bắc Triều Tiên sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Hàn Quốc và thế giới ? Quy mô của nó sẽ ra sao ? Đánh giá tác động đó thế nào ?"

Từ nhiều tuần qua, nhiều nhà phân tích phương tây cũng như Châu Á đã suy nghĩ về những câu hỏi đó để dựng nên nhiều kịch bản. Nhìn chung các chuyên gia đều cho rằng, nếu căng thẳng chỉ dừng ở các cuộc đấu khẩu thì tác động đến kinh tế Hàn Quốc không lớn. Nhưng trường hợp xung đột quân sự, thậm chí chiến tranh hạt nhân nổ ra thì bên cạnh thiệt hại về người rất lớn thì nền kinh tế Hàn Quốc sẽ bị suy sụp gần như hoàn toàn. Trong khi đó, giờ đây Hàn Quốc là một mắt xích quan trọng trong dây chuyền sản xuất điện tử và xe hơi của toàn cầu.

Điều gì sẽ xảy ra với kinh tế thế giới khi các nhà máy của Hàn Quốc bị phá sập ? Theo Le Monde, nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng : "Việt Nam, nước nhập khẩu 20% linh kiến của Hàn Quốc, sẽ là nước bị thiệt hại nhiều nhất". Bên cạnh đó thị trường tài chính thế giới sẽ hoảng loạn và tác động tai hại đến kinh tế thế giới.

Sự chi phối không khoan nhượng của Bắc Kinh với Hồng Kông

Tiếp tục với nhật báo Le Monde. Xã luận của tờ báo trở lại với sự kiện chính quyền Hồng Kông vừa tuyên phạt án tù ba nhà đấu tranh dân chủ của phong trào "Dù vàng" năm 2014, những gương mặt tiêu biểu cho thế hệ mới chống lại sự chi phối của chính quyền Hoa Lục.

Xã luận Le Monde nhận định : "Người ta nhận ra ở đây một quyền lực tuyệt đối của chủ tịch Tập Cận Bình. Tại Hoa lục, ông ta không ngần ngại trấn áp các luật sư, nhà báo, các nhà hoạt động, các tổ chức xã hội dân sự, chỉ vì họ đòi hỏi một điều là thực thi hiến pháp và pháp luật. Còn ở Hồng Kông, không hài lòng với việc rửa hận vụ nổi dậy mùa thu 2014, ông Tập muốn cho thấy không để cho người Hồng Kông một cơ hội nào thể hiện tấm gương dân chủ".

Le Monde liệt kê một loạt những hành động có thể coi là can thiệp vào nội tình của Hồng Kông, vùng đất được hưởng quy chế "một đất nước, hai chế độ" khi được Anh trả lại cho Trung Quốc năm 1997 : Bắc Kinh đang có ý định áp đặt các môn học giáo dục ái quốc với người Hồng Kông, cho phép công an Trung Quốc hoạt động trong các nhà ga ở Hồng Kông hay thâu tóm báo chí về tay những tập đoàn trung thành với Bắc Kinh. Một thí dụ điển hình là hôm 11 tháng 8 vừa qua, đài phát thanh truyền hình Hồng Kông đã bỏ các buổi phát sóng của BBC để thay bằng chương trình của đài phát thanh chính thức Trung Quốc nhằm mục đích gọi là : "Tăng cường trao đổi văn hóa giữa Hoa lục và Hồng Kông".

Xã luận báo Le Monde kết luận : "tính toán của chính quyền Trung Quốc không vô lý. Giới "tài phiệt" nắm giữ nền kinh tế của thành phố 7 triệu dân này đã từ lâu bị thu phục vì miếng mồi tăng trưởng kinh tế ở Hoa lục. Để hoàn thiện sự xích lại gần nhau, chỉ còn việc bịt miệng những thanh niên bướng bỉnh. Nhưng họ không biết là bỏ tù những người đó tức là cả một thế hệ người Hồng Kông có thể sẽ đứng lên chống lại Trung Quốc".

Donald Trump, một tổng thống ngày càng suy yếu

Chuyển qua với trang báo Le Figaro, tờ báo dành trang sự kiện để nói về chính quyền của Donald Trump vẫn chưa hết các rối ren trong nội bộ.

Le Figaro ghi nhận : "Trump buộc phải lập lại trật tự ở Nhà Trắng". Bị suy yếu bởi các tranh cãi nổi nên sau các vụ bạo động mang màu sắc kỳ thị chủng tộc ở thành phố Charlottesville, tổng thống Mỹ đã cắt ngắn kỳ nghỉ hè, trở về Washington. Việc buộc lòng phải loại bỏ vị cố vấn chiến lược của mình, một nhân vật có tư tưởng cực hữu gây nhiều tranh cãi, Steve Bannon, đã cho thấy rõ mối tương quan quyền lực trong Nhà Trắng. Tuy vậy, phản ứng đó không giải quyết được vấn đề đường lối chính trị mà ông Trump muốn theo đuổi.

Le Figaro nhắc lại là từ khi lao vào cuộc phiêu lưu tranh cử tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã hành động theo kiểu nổi loạn : Chống lại hệ thống, giới ưu tú, những quy tắc ứng xử hay chuẩn mực chính trị truyền thống. Ông hứa sẽ đoạn tuyệt với cách làm chính trị kiểu cũ mà theo ông đầy nhưng toan tính thủ đoạn.

Thế nhưng người ta nhận thấy càng ngày tổng thống Mỹ càng trở nên cô lập hơn. Động thái hy sinh "cận thần" Bannon khiến nhiều nhà quan sát phải đặt câu hỏi : "Phải chăng đây là điểm bắt đầu của một cái kết". Nhiều người còn đi xa hơn còn nhắc tới một kịch bản ông Trump ra đi sớm.

Cách phản ứng thể hiện thái độ thiên vị cực hữu của tổng thống về sự kiện Charlottesville không chỉ làm dấy lên làn sóng chỉ trích mà hàng loạt các nhà chính trị, doanh nhân, nhà báo… quay lưng lại với ông Trump. Người thì kêu gọi ông từ chức, người khác thì thấy ông không đủ năng lực để lãnh đạo đất nước.

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Cuối cùng tổng thống Donald Trump cũng phải chia tay với cố vấn chiến lược thân cận nhất của mình. Hôm 18/08/2017, ông Steve Bannon nhân vật gây nhiều tranh cãi, đã chính thức bị Nhà Trắng sa thải. Nổi tiếng là một người ăn nói bạo miệng, tiêu biểu cho phe hữu cứng rắn, ông Bannon còn là một trong những người có ảnh hưởng nhất trong số phụ tá thân cận của tổng thống.

donald1

Ông Steve Bannon. Ảnh chụp ngày 20/08/216. REUTERS/Carlo Allegri/File Photo

Rời khỏi chính quyền, Steve Bannon trở lại với cương vị lãnh đạo trang mạng thông tin nổi tiếng xu hướng cực hữu Breitbart News, nơi ông có thể tiếp tục các hoạt động để tính chuyện phục thù.

Thông tín viên Grégoire Pourtier tại New York :

Steve Bannon sẽ không còn phải làm việc 16 tiếng mỗi ngày ở Nhà Trắng nữa, nhưng ông nói vẫn "tiếp tục bảo vệ Donald Trump trước các đối thủ ở Quốc Hội, trên truyền thông hay trong giới tinh hoa".

Ông có thể thêm vào đó cuộc chiến đấu chống lại những thành phần cánh trung và chủ trương toàn cầu hóa như theo cách gọi của ông ta. Đó là những người đã đẩy ông ra để trở thành thân cận với tổng thống.

Dầu sao thì cũng là nghịch lý khi thấy Bannon rút lui vào đúng thời điểm mà hơn bao giờ hết ông Trump công khai bày tỏ cảm tình với phe hữu cứng rắn.

Tổng thống Mỹ liệu có dịu bớt giọng hay không ? Ông vẫn là người khó lường và không kiểm soát được. Nếu như Bannon bị cho ra rìa, đó là bởi vì ông ta đã lấn sân quá nhiều, thậm chí ông còn bị nghi ngờ trong nhiều vụ rò rỉ tin ra ngoài.

Những bài viết "chết người" đã được đăng trên Breitbart News, một trang thông tin cực hữu ở Mỹ. Trước khi về làm việc cho ông Trump, Bannon đã lãnh đạo trang mạng này suốt 4 năm. Ngay ngày hôm qua ông đã trở lại với cương vị đó.

Vậy là kẻ khích động và là nhà tư tưởng này vẫn còn lâu mới chịu dừng lại ở đây.

Trên trang chủ của Breitbart, sự trở lại của ông đã được đón chào dưới hàng tựa lớn "người hùng dân túy" và một bài viết nói rằng ông đã gặp một nhà tài trợ tỷ phú để chuẩn bị cho "cuộc chiến".

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Căng thẳng giữa Đức – Thổ Nhĩ Kỳ tăng thêm một nấc. Hôm thứ Sáu, 18/08/2017, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trực tiếp kêu gọi các cử tri Đức gốc Thổ không bầu cho các đảng cầm quyền trong cuộc bầu Quốc Hội sắp tới. Bị ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel và nhiều chính trị gia phản đối mạnh là "can thiệp vào công việc nội bộ", hôm qua 19/08, trong một phát biểu trên truyền hình, ông Erdogan dành một loạt những lời lẽ thô bạo hiếm thấy để đáp trả lãnh đạo ngoại giao Đức.

turc1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong một sự kiện tại Istanbul ngày 21/07/2017. REUTERS/Murad Sezer

Thông tín viên Alexandre Billette tường trình từ Istanbul :

Ông là ai mà dám ăn nói với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ như vậy ? Đây là câu hỏi thiếu lịch sự mà tổng thống Recep Erdogan gửi đến ngoại trưởng Đức.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ dường như sẵn sàng khiêu khích Berlin tới cả cuộc bầu cử Quốc Hội Đức. Kể từ hai ngày nay, Recep Erdogan kêu gọi cử tri Đức gốc Thổ không bầu cho các đảng Liên Minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (CDU), đảng Xã Hội (SPD) hay đảng Xanh, mà ông gọi là các đảng ‘‘chống Thổ Nhĩ Kỳ’’.

Hôm thứ Tư vừa qua, chính quyền Thổ đã yêu cầu Berlin dẫn độ một nghi phạm của vụ đảo chính hụt ngày 15/07 năm ngoái. Từ nhiều tháng nay, Ankara cáo buộc Đức là thánh địa đối với các lãnh đạo và các thành viên của đảng Kurdistan PKK.

Tóm lại, ông Erdogan rõ ràng muốn gây áp lực mạnh lên các cử tri Đức gốc Thổ, ước tính khoảng một triệu người, tuy không đưa ra hướng dẫn cụ thể là nên bầu cho ai. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cố tìm cách phá đám, cho dù trên thực tế không có khả năng gây tổn hại thực sự cho các lãnh đạo Đức.

Một nhà văn Đức gốc Thổ bị chính quyền Erdogan truy bắt

Cũng về quan hệ Đức – Thổ Nhĩ Kỳ, hôm qua một nhà văn Đức gốc Thổ, ông Dogan Khanli, người nổi tiếng về các chỉ trích nhắm vào tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, đã bị câu lưu tại Tây Ban Nha, theo lệnh bắt của Interpol, mà Ankara yêu cầu. Luật sư của ông Dogan Khanli cho biết ông bị bắt trong chiến dịch truy bắt những người chống chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, cư trú tại Châu Âu.

Bộ Ngoại Giao Đức đã yêu cầu chính quyền Tây Ban Nha không dẫn độ nhà văn nói trên sang Thổ Nhĩ Kỳ, và đòi hỏi quyền tham gia của Đức trong mọi thủ tục liên quan đến vấn đề dẫn độ. 

Theo tin mới nhất, nhà văn Đức gốc Thổ đã được trả tự do có điều kiện, cụ thể là ông không được phép rời khỏi Madrid. Nhà văn Dogan Khanli, vốn là một nhà đối lập, từng lãnh đạo một tờ báo cánh tả, ông bị cầm tù trong những năm 1980. Năm 1991, ông trốn sang Châu Âu. Kể từ năm 1995, ông sống và làm việc tại Đức.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Anh Quốc khẳng định sẽ tăng cường hiện diện tại Biển Đông (RFI, 20/08/2017)

Ngay trước cuộc tập trận đa quốc gia tại Hàn Quốc diễn ra vào ngày mai 21/08/2017, nhằm đối phó với tấn công hạt nhân giả định từ Bắc Triều Tiên, có sự tham gia của quân đội Anh, báo chí Anh Quốc hôm qua, 19/08, dẫn lời chuyên gia một viện tư vấn về quốc phòng và an ninh hàng đầu, theo đó, Luân Đôn sẵn sàng cử quân đội cùng Hoa Kỳ tham gia các hoạt động bảo vệ luật pháp quốc tế tại Biển Đông và nhiều điểm nóng khác trên thế giới.

thitu1

Ngày càng có nhiều nước muốn hiện diện quân sự ở Biển Đông để khẳng định vị thế cường quốc. (Trong ảnh : Hải quân Mỹ Nhật diễn tập ở Biển Đông, ngày 21/04/2015) Reuters

Theo báo mạng Anh Daily Express, chuyên gia quốc phòng Anh Trevor Taylor, thuộc Viện Các Quân Chủng Thống Nhất Hoàng Gia Anh (Royal United Services Institute), khẳng định trong thời gian tới Vương Quốc Anh sẽ tham gia nhiều hoạt động quân sự trên thế giới, nhằm thắt chặt quan hệ với các quốc gia ngoài Liên Hiệp Châu Âu, trong bối cảnh Brexit.

Biển Đông - nơi Trung Quốc tiếp tục khẳng định chủ quyền tại phần lớn vùng biển, bất chấp sự phản đối của nhiều nước láng giềng và định chế pháp lý quốc tế - là khu vực được chuyên gia Anh nêu tên trước nhất.

Theo chuyên gia Anh, việc Luân Đôn can dự tại Biển Đông, một mặt là để bảo vệ tuyến đường hàng hải huyết mạch của thế giới, tăng cường đóng góp cho an ninh toàn cầu, khẳng định "vai trò quốc tế" của Anh dù sẽ không còn là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, mặt khác, siết chặt quan hệ với Hoa Kỳ cùng các đồng minh khác, như Nhật Bản và Úc.

Cuối tháng 7 vừa qua, trong chuyến công du Úc, ngoại trưởng Anh Boris Johnson từng cho biết sẽ gửi một chiến hạm – mà Anh mới chế tạo - tới Biển Đông để tham gia các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế, cùng với Hoa Kỳ.

Thẩm phán Philippines kêu gọi dựa vào Hiệp Ước Phòng Thủ Chung với Mỹ

Cũng về Biển Đông, lo ngại Trung Quốc chiếm bãi cát Sandy Cay, trong khu vực đảo Thị Tứ (Pag-asa), thẩm phán Tòa Án Tối Cao Philippines kêu gọi Manila đưa quân ngăn chặn, và sẵn sàng viện đến Hiệp Ước Phòng Thủ Chung với Mỹ.

Báo Philippines Star dẫn lời thẩm phán Antonio Carpio, phát biểu hôm qua, 19/08/2017, khẳng định là ông tin rằng Bắc Kinh đã "nuốt lời hứa không chiếm thêm" bất cứ địa điểm nào tại Trường Sa, nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã "gần như chiếm lĩnh bãi cát Sandy", cách đảo Thị Tứ khoảng 2,5 hải lý.

Thẩm phán Tòa Án Tối Cao Philippines hối thúc tổng thống Duterte bảo vệ lãnh thổ, theo cam kết "không nhường một tấc đất nào của Philippines cho Trung Quốc", với biện pháp cụ thể là "đưa tàu chiến" đến bãi Sandy, và nếu Hải Quân Trung Quốc tấn công tàu Philippines, Manila có cớ để viện ra Hiệp Ước Phòng Thủ Chung với Mỹ.

Philippines tiếp nhận một khinh khí cầu radar kiểm soát biên giới biển của Mỹ

Vẫn về quan hệ Philippines – Hoa Kỳ, theo báo Rappler hôm nay, 20/08, người phát ngôn Hải Quân Philippines cho biết ngày thứ Ba 22/08 sẽ diễn ra nghi lễ chính thức tiếp nhận một hệ thống radar theo dõi biên giới biển, do Hoa Kỳ trao tặng. Hệ thống radar khinh khí cầu Tars thường được Hoa Kỳ sử dụng để kiểm soát các vùng biên giới, đặc biệt là để ngăn ngừa nạn buôn lậu.

Theo người phát ngôn Hải Quân Philippines, ông Lincuna, phương tiện này sẽ giúp cho Philippines tăng cường khả năng theo dõi "các hoạt động trên biển và trên không tại các vùng duyên hải".

Cuối tháng trước, Manila vừa nhận từ Hoa Kỳ hai máy bay trinh sát biển Cessna 208B Caravan.

Trọng Thành

**********************

Tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứ : Quân đội đòi Manila phản ứng (RFI, 19/08/2017)

Trước thái độ có vẻ dửng dưng của chính quyền Duterte trước lời báo động theo đó Trung Quốc đã cho cả một đội tàu áp sát khu vực đảo Thị Tứ mà Philippines đang kiểm soát tại vùng quần đảo Trường Sa, quân đội Philippines ngày 19/08/2017 đã nhập cuộc. Theo phát ngôn viên Quân Đội Philippines, chính phủ Manila cần nêu vấn đề này ra trước Cơ Chế Tham Vấn Song Phương Trung Quốc-Philippines đã được hai nước thành lập

thitu2

Ảnh vệ tinh chụp ngày 13/08/2017 cho thấy nhiều tàu cá (số màu đỏ) và ít nhất 2 tàu "chấp pháp" Trung Quốc (số màu vàng), sát đảo Thị Tứ (Trường Sa) ở Biển Đông. AMTI - CSIS

Theo nhật báo The Philippine Star, phát ngôn viên lực lượng võ trang Philippines, tướng Restituto Padilla đã có yêu cầu như trên sau khi Quân Đội Philippines đã chứng thực được sự hiện diện của tàu Trung Quốc gần đảo Pag-asa, tên Manila dùng để gọi đảo Thị Tứ tại vùng Trường Sa (Biển Đông).

Cơ Chế Tham Vấn Song Phương Trung Quốc-Philippines đã được hai nước thành lập nhằm mục tiêu giải tỏa các mối quan ngại liên quan đến các vùng biển đang tranh chấp giữa hai nước, và đã họp phiên đầu tiên vào tháng 5 vừa qua tại Quý Dương (Trung Quốc).

Đối với tướng Padilla, để tránh xẩy ra va chạm giữa hai bên, Bộ Ngoại giao Philippines phải nêu vụ Thị Tứ ra trước cơ chế nói trên, vì đó là "diễn đàn thích hợp để giải quyết vấn đề".

Về phần mình, theo tướng Padilla, Quân Đội Philippines đang bổ sung thông tin về sự hiện diện của tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứ, vốn đã được dân biểu đối lập Gary Alejano báo động.

Theo ông Alejano, có đến 5 tàu Trung Quốc trong khu vực từ ngày 12/08 đến nay, bao gồm 2 tàu hải quân, 2 tàu đánh cá và một tàu hati cảnh. Đối với ông Alejano, Trung Quốc đang có âm mưu thâm hiểm nhằm chiếm các cồn cát sát đảo Thị Tứ.

Tướng Padilla tuy nhiên chưa xác nhận số lượng tàu Trung Quốc bị phát hiện trong khu vực.

Trọng Nghĩa

*******************

Biển Đông : Trung Quốc chuẩn bị chiến dịch lấn chiếm tại khu vực đảo Thị Tứ ? (RFI, 18/08/2017)

Ngày 14/08/2017 vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines cho biết Trung Quốc cam kết sẽ không tiếp tục bành trướng tại Biển Đông, trong lúc ngoại trưởng Philippines tái khẳng định việc Manila đang đàm phán với Bắc Kinh về kế hoạch khai thác chung dầu khí tại các vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên, một số nhà quan sát lo ngại khả năng Trung Quốc có thể đang chuẩn bị một chiến dịch lấn chiếm mới tại khu vực quanh một đảo lớn do Philippines kiểm soát.

thitu3

Máy bay vận tải quân đội Philippines trên đảo Thị Tứ, quần đảo Trường Sa. Ảnh chụp màn hình : doisongphapluat

Không khí giữa Philippines và Trung Quốc dường như có vẻ tiếp tục đi theo xu hướng hòa dịu và gia tăng hợp tác, như chủ trương của tổng thống Philippines Duterte. Thế nhưng nhiều tiếng nói từ đối lập Philippines, và nhiều nhà quan sát bên ngoài lại ghi nhận Trung Quốc đang có xu hướng gây căng thẳng trở lại ở Biển Đông, cụ thể là tại vùng biển xung quanh đảo Thị Tứ (Pag-asa), quần đảo Trường Sa, do Philippines quản lý (1). RFI xin giới thiệu bài "Biển Đông : Trung Quốc lại làm nóng", của Euan Graham, một chuyên gia về các vấn đề an ninh tại Đông Á, được đăng tải hôm nay, 18/08/2017, trên mạng của Viện Lowy (2).

Nhà nghiên cứu Euan Graham ghi nhận có sự tương phản giữa việc Trung Quốc tuyên bố Biển Đông đang bước vào giai đoạn "tương đối bình yên", tiếp theo việc các nước ASEAN và Bắc Kinh thông qua bộ khung Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC) đầu tháng 8 này, với thực tế là Bắc Kinh đã đưa nhiều tàu chiến và tàu bán vũ trang hỗ trợ các ngư dân tại khu vực biển sát đảo Thị Tứ, vào tuần trước, ngay sau hội nghị Manila.

Nhà nghiên cứu Úc dẫn báo Philippines GMA News cho biết tàu Trung Quốc đã bắt đầu có mặt tại khu vực này từ ngày 11/08. Và kể từ ngày 15/08, nhiều cuộc tuần thám bằng trực thăng, xuất phát từ ít nhất một tàu chiến của Hải Quân Trung Quốc, đã được tiến hành tại một số dải cát ở phía tây đảo Thị Tứ.

Nhà nghiên cứu Viện Lowy cũng dẫn lại phân tích của Tổ Chức Minh Bạch Hàng Hải Quốc Tế (AMTI), theo đó Bắc Kinh đang phô trương sức mạnh Hải Quân tại khu vực xung quanh đảo Thị Tứ nhằm gửi tín hiệu răn đe chính quyền Philippines, để ngăn cản Manila trong kế hoạch sửa chữa đường băng sân bay và hoàn thiện một số cơ sở hạ tầng trên đảo Thị Tứ.

Tuy nhiên, theo tác giả, có khả năng mục tiêu thực sự của Trung Quốc là chuẩn bị cho chiến dịch "phong tỏa" đảo Thị Tứ, thậm chí tổ chức "xâm lấn" một trong các dải cát không có người ở tại khu vực phía tây đảo này.

"Một kế hoạch nham hiểm"

Một "kế hoạch nham hiểm" của Trung Quốc là cảnh báo của nghị sĩ đối lập Philippines Gary Alejano. Nghị sĩ đối lập cho hãng tin GMA News hay là tàu kiểm ngư của Philippines đã bị tàu Trung Quốc ngăn chặn tại khu vực cách đảo Thị Tứ khoảng từ 2 đến 7 hải lý.

Nhà nghiên cứu Úc bình luận : Nếu như thực sự có việc tàu kiểm ngư của BFAR (Cơ Quan Ngư Nghiệp và Thủy Sản) Philippines buộc phải quay đầu vì bị tàu Trung Quốc ngăn chặn như vừa nêu, thì rất có thể trong thời gian tới sẽ tái diễn một kịch bản tương tự như vụ Trung Quốc phong tỏa bãi cạn Scarborough hồi năm 2012, từng buộc Manila phải nhường bước, sự kiện cho thấy những hạn chế của Hoa Kỳ trong chính sách can dự tại Biển Đông.

Nhà nghiên cứu Úc lưu ý nhiều hơn đến việc dải cát Sandy Cay, một trong các dải cát xung quanh đảo Thị Tứ, có khả năng sẽ bị Trung Quốc xâm chiếm trong thời gian tới. Dải cát này đã trở nên nổi tiếng sau cuộc tuần tra "bảo vệ tự do hàng hải" FONOP đầu tiên mà Hoa Kỳ tiến hành tại Biển Đông, do chiến hạm USS Lassen thực hiện, xung quanh rạn san hô Xu Bi (Suby reefs) – nơi Trung Quốc đã xây đảo nhân tạo và nhiều công trình quân sự kiên cố - và một số thực thể địa lý bên cạnh, hồi tháng 10/2015.

thitu4

Bãi cát Sandy Cay, gần đảo Thị Tứ (Pag-asa), trong bản đồ các hoạt động bảo vệ tuần tra hàng hải Mỹ (FONOP), theo trung tâm Center for Science and International Affairs, trường Harvard Kennedy School, bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Ảnh chụp màn hình : belfercenter.org

Ông Euan Graham nhắc lại : ông đã từng lưu ý về "một hệ quả có khả năng bị coi thường" xuất phát từ hoạt động tuần tra FONOP đầu tiên của Hoa Kỳ. Vào thời điểm này, Washington đã làm nổi bật quan điểm là dải cát Sandy Cay, một thực thể nổi không có người ở, nhưng là "thực thể có thể có thẩm quyền pháp lý 12 hải lý đối với khu vực biển xung quanh", trong đó bao gồm cả đá Xu Bi (nơi Trung Quốc kiểm soát). "Bắc Kinh chắc chắn đã quan tâm đến điều này", ông nhận xét.

Trong phần kết luận bài phân tích, nhà nghiên cứu Úc nhấn mạnh là các hoạt động của Trung Quốc đang diễn ra xung quanh đảo Thị Tứ là đáng lo ngại, vì mang tính "cưỡng bức", và nếu như mục tiêu của các hoạt động này là lấn chiếm dải cát Sandy Cay, thì điều đồng nghĩa với việc căng thẳng tại Biển Đông sẽ bị thổi bùng trở lại.

Ít nhất hai tàu cá Trung Quốc đánh bắt sát Thị Tứ

Báo Rappler của Philippines hôm nay cho biết là Tổ Chức Minh Bạch Hàng Hải Quốc Tế vừa công bố hôm qua một loạt các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy "ít nhất hai tàu cá Trung Quốc" đang hoạt động đánh bắt gần đảo Thị Tứ. Theo thông tin mới nhất của AMTI ngày 13/08, hoạt động của hai tàu cá nói trên được ghi nhận rất rõ. Tổng cộng, ít nhất 9 tàu cá của Trung Quốc hiện diện tại khu vực này, các tàu này được hai tàu "chấp pháp" bảo vệ. Như vậy, thông báo của AMTI xác nhận các thông tin trước đó của nghị sĩ đối lập Philippines (xem thêm : bài Trung Quốc phá hủy môi trường Biển Đông, giới khoa học kêu cứu ).

Thông tin của AMTI được đưa ra đúng vào lúc ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano tiếp tục khẳng định hôm thứ Tư, 16/08, vừa qua, là có thể có tàu nước ngoài vào khu vực này, nhưng "tình hình ở đây vẫn rất ổn định". Trả lời họp báo tại Hạ Viện, ngoại trưởng Philippines trấn an công chúng, và yêu cầu người Philippines nên xây dựng "lòng tin cậy lẫn nhau" với Trung Quốc, giống như với đồng minh lâu đời Hoa Kỳ trước đây. Ngoại trưởng Philippines than phiền về việc có rất nhiều người coi Trung Quốc là kẻ thù, và mỗi động thái của Trung Quốc đều bị phản ứng rất mạnh.

Ông đặt câu hỏi : Tại sao chúng ta không lo ngại về việc Hoa Kỳ tiến hành các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Philippines ? và ông tự trả lời : Bởi Mỹ là đồng minh của chúng ta.

Manila vừa chìa tay, vừa phòng thủ

Kể từ khi tổng thống Duterte lên nắm quyền, Manila chủ trương xây dựng quan hệ gần gũi với Trung Quốc, với hàng loạt nhân nhượng, bị đối lập chỉ trích là có hại cho chủ quyền quốc gia của Philippines. Trên thực tế, Philippines đang trong tình thế vừa chìa tay ra với hy vọng hợp tác được với Bắc Kinh, nhưng vừa trong tư thế sẵn sàng phòng thủ.

Theo báo chí Philippines, ngoại trưởng Philippines Cayetano – đại diện quốc gia chủ nhà Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN hồi đầu tháng này – cũng chính là người chủ trương không đưa các lời lẽ trực tiếp gợi đến hành vi bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc vào bản Tuyên bố chung ngày 06/08, theo đề nghị của Việt Nam, với lý do Trung Quốc đã ngừng các hoạt động này trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau đó, hôm thứ Sáu tuần trước 11/08, người phát ngôn của tổng thống Philippines, ông Ernesto Abella, khẳng định (3) Manila sẵn sàng thúc đẩy ASEAN nêu vấn đề này trong cuộc họp lần tới, nếu các thông tin về các hành động bành trướng mới đây của Trung Quốc, như AMTI đã đưa ra, là "chính xác" (4).

Trọng Thành

----

(1) Đảo Thị Tứ cũng là đối tượng đòi chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc, và Đài Loan.

(2) Ông Euan Graham là thành viên Lowy Institut, một viện tư vấn về chính trị quốc tế có trụ sở tại Sydney, Úc.

(3) Bài "Phủ tổng thống nêu khả năng ASEAN ngăn chặn các tham vọng chủ quyền của Trung Quốc", SunStar, 11/08/2017.

(4) Theo AMTI, hai ví dụ mới nhất về các xây cất mới của Trung Quốc là tại đảo Cây (Tree Island) và đảo Bắc (North Island), thuộc nhóm đảo An Vĩnh (Amphitrite Group), khu vực phía đông của quần đảo Hoàng Sa.

******************

Trung Quốc cam kết với Philippines không bành trướng thêm ở Biển Đông (RFI, 16/08/2017)

Trung Quốc bảo đảm với Philippines sẽ không chiếm thêm thực thể hay lãnh thổ tại Biển Đông trong một thỏa thuận giữ "nguyên trạng" đàm phán với Manila. Hai bên đồng thời nỗ lực tăng cường hợp tác song phương.

thitu5

Ảnh minh họa : Phiên họp Quốc Hội Philippines, ngày 22/07/2017. REUTERS/Dondi Tawatao

Phát biểu trước các nghị sĩ tại phiên họp Quốc Hội ngày 14/08/2017, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines, Delfin Lorenzana, cho biết : "Trung Quốc sẽ không chiếm thêm thực thể mới tại Biển Đông và cũng không xây thêm công trình trên bãi cạn Scarborough".

Tuy nhiên, ông Lorenzana không đưa ra bình luận trước các nghị sĩ về sự kiện ngày 12/08 khi 5 tầu Trung Quốc áp sát đảo Thị Tứ (Pag-asa) do Philippines kiểm soát trong quần đảo Trường Sa.

Trong khi đó, ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano tuyên bố Manila đang nghiên cứu với Bắc Kinh một "thỏa thuận thương mại" để thăm dò và khai thác dầu khí tại các khu vực đang có tranh chấp ở Biển Đông với mục đích thương mại và kéo dài trong vòng một năm.

Phát biểu trước các nghĩ sĩ, ông Cayetano khẳng định thỏa thuận năng lượng với Trung Quốc không vi phạm Hiến Pháp và sẽ được chia theo tỉ lệ 60-40%, có lợi cho Philippines. Tuy nhiên, ông từ chối đưa ra chi tiết các cuộc đàm phán, cũng như danh tính của công ty năng lượng Trung Quốc sẽ tham gia khai thác.

Các nghị sĩ đối lập, Gary Alejano và Edcel Lagman, phản đối kế hoạch của thỏa thuận năng lượng, bị đánh giá là bất hợp pháp "vì đi ngược với Hiến Pháp vì các khu vực đó thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines".

Theo nhận định của Reuters, thỏa thuận giữa Philippines và Trung Quốc có thể trở nên phức tạp và nhạy cảm vì yêu sách cả hai nước về các nguồn dầu khí. Việc phân chia lợi nhuận có thể được hiểu là hợp pháp hóa yêu sách của Bắc Kinh và Philippines chấp nhận nhường chủ quyền vùng biển đang tranh chấp với Trung Quốc.

Thu Hằng

Published in Châu Á

Hàng nghìn người biểu tình phản đối án tù với ba nhà đối lập (RFI, 20/08/2017)

Hôm 20/08/2017, hàng ngàn người Hồng Kông xuống đường để phản đối các bản án tù giam mà Tòa Phúc Thẩm Hồng Kông tuyên phạt ba nhà đối lập, từng tham gia phong trào phản kháng Ô Vàng năm 2014.

hongkong1

Đoàn biểu tình phản đối án tù cho ba nhà đấu tranh dân chủ tại Hồng Kông ngày 20/08/2017 - REUTERS/Tyrone Siu

Theo báo chí Hồng Kông, cuộc tuần hành xuất phát từ tổ hợp thể thao giải trí Southorn Playground, quận Wan Chai, một quận trung tâm của đặc khu Hồng Kông. Vào khoảng 5 giờ rưỡi chiều, những người tuần hành tập hợp trước trụ sở Tòa Phúc Thẩm Hồng Kông. Mặt Trận Nhân Quyền Dân Sự Hồng Kông là tổ chức đứng ra huy động biểu tình.

Ông Khu Nặc Hiên (Au Nok-hin), người đứng đầu cuộc tuần hành, cho biết bản án tù đối với ba nhà đối lập trẻ tuổi, các ông Hoàng Chi Phong (Joshua Wong, 20 tuổi), La Quán Thông (Nathan Law, 24 tuổi) và Chu Vĩnh Khang (Alex Chow, 26 tuổi), bị rất nhiều người trong xã hội Hồng Kông phản đối. Ông tuyên bố những người tham gia hôm nay muốn "gửi một thông điệp" đến lãnh đạo đặc khu Hồng Kông là "chính quyền chịu trách nhiệm về việc đã yêu cầu tòa án đưa ra các phán quyết nặng nề hơn" đối với các bị cáo. Tuy nhiên, người lãnh đạo cuộc tuần hành cũng hy vọng là trong tương lai, bản án không làm nhụt chí những người phản kháng bằng con đường "hợp pháp".

Trong phiên xử sơ thẩm trước đó, tư pháp Hồng Kông chỉ phạt lao động công ích hoặc tù treo với các bị cáo. Tòa Phúc Thẩm, theo đề nghị của chính quyền Hồng Kông, đã chuyển án thành 6 đến 8 tháng tù giam. Do bị án tù, cả ba thủ lĩnh sinh viên đều bị cấm ra tranh cử chính trị trong vòng 5 năm.

Nhà chính trị học Ivan Choy, Đại Học Chính Trị và Pháp Lý Hồng Kông, cũng thừa nhận rằng phán quyết nói trên khiến xã hội Hồng Kông càng phân hóa mạnh, "bản án có thể dọa nạt được một số người bên ngoài phong trào dân chủ", nhưng chỉ "càng khiến các lãnh tụ sinh viên bị cầm tù và các đồng chí của họ thêm mất lòng tin vào chính quyền".

Trọng Thành

*********************

Chính quyền Hồng Kông trấn áp mạnh giới dân chủ theo lệnh Bắc Kinh ? (RFI, 18/08/2017)

Như vậy là ngày 17/08/2017, tư pháp Hồng Kông đã kết án tù giam đối với ba thủ lĩnh sinh viên biểu tình có vai trò lớn trong các cuộc biểu tình cổ vũ cho dân chủ ở vùng đặc khu này vào năm 2014. Nếu chính quyền Hồng Kông xác định rằng họ chỉ phán xử theo đúng luật pháp, thì giới đấu tranh cho dân chủ tại Hồng Kông tố cáo bàn tay của Bắc Kinh trong các quyết định bóp nghẹt ý hướng đòi dân chủ đang vươn lên trở lại tại nơi mà trên nguyên tắc vẫn còn được hưởng một chế độ tự do hơn phần còn lại của Trung Quốc.

hongkong2

Biểu tình ủng hộ 3 sinh viên lãnh tụ phong trào Dù Vàng bị giam giữ. Ảnh ngày 18/08/2017, trước nhà giam Hồng Kông. Reuters

Giới quan sát đều ghi nhận xu hướng càng lúc càng mạnh tay hơn của chính quyền Hồng Kông đối với những thành phần đòi dân chủ cho vùng lãnh thổ này, không chấp nhận sự áp đặt của Bắc Kinh thông qua các tầng lớp thân cận mình.

Trong vụ xử ba lãnh tụ phong trù Dù Vàng còn rất trẻ - Hoàng Chi Phong (Joshua Wong, 20 tuổi), La Quán Thông (Nathan Law, 24 tuổi) và Chu Vĩnh Khang (Alex Chow, 26 tuổi) - đặc biệt là Hoàng Chi Phong vẫn còn vị thành niên lúc xẩy ra vụ việc - bản án tù giam đã được tòa phúc thẩm tuyên bố cho dù một tòa cấp dưới trước đó đã cho phép ba bị cáo không phải ngồi tù.

Chính đại diện chính quyền Hồng Kông, tức là bên công tố, đã cho rằng án phạt lúc ban đầu là quá nhẹ, cho nên đã kháng cáo để đòi có được bản án nặng nề hơn, mang tính chất răn đe nhiều hơn.

Theo bản án ban đầu, Hoàng Chi Phong và La Quán Thông chỉ phải làm lao động công ích, còn Chu Vĩnh Khang thì bị án 3 tuần tù giam nhưng được án treo. Thế nhưng bản án phúc thẩm đã trở thành tù giam, với hệ quả chính trị rõ nét : Do bị án tù, cả ba thủ lĩnh sinh viên này đều bị cấm ra tranh cử chính trị trong vòng 5 năm, bớt đi một mối lo cho giới thân Bắc Kinh trong các cuộc bầu cử sắp tới.

Theo hãng tin Pháp AFP, đối với các tổ chức bảo vệ nhân quyền, những bản án này mang tính chất truy bức chính trị, việc tống giam những sinh viên đấu tranh này là một ngón đòn mới, đánh vào những lực lượng đang thúc đẩy cải tổ chính trị tại đặc khu Hồng Kông, điều mà chính quyền trung ương tại Bắc Kinh không thể chấp nhận.

Việc dùng đến bàn tay tư pháp là một vố mới đánh vào quy chế bán tự trị của đặc khu hành chính này, làm sói mòn thêm chế độ tương đối tự do mà dân Hồng Kông đang được hưởng.

Dưới mắt những người ủng hộ ba bị cáo, án tù được tuyên hôm qua là thêm một bằng chứng cho thấy là Bắc Kinh đang xiết chặt thêm gọng kềm quanh Hồng Kông. Tổ chức Ân Xá Quốc Tế đã tố cáo một cuộc tấn công vào quyền tự do ngôn luận và phản đối ôn hòa.

Dĩ nhiên là Bắc Kinh đã lên tiếng bênh vực cho chính quyền Hồng Kông. Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 18/08, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng : "Người dân Hồng Kông được hưởng đầy đủ các quyền và tự do. Nhưng không ai có thể viện cớ dân chủ và tự do để tiến hành các hoạt động bạo lực và phi pháp.

Theo bà Hoa Xuân Oánh, Hồng Kông là một đặc khu hành chính của Trung Quốc cho nên Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ lực lượng bên ngoài nào can thiệp vào công việc nội bộ của Hồng Kông và sự độc lập của ngành tư pháp Hồng Kông".

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á