Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc : Tập Cận Bình ra tay « đả hổ » trước Đại hội Đảng

La Croix  nhận xét « Tập Cận Bình trừ khử các địch thủ để duy trì quyền lực ». Le Monde có bài viết dài mang tựa đề « Tập Cận Bình thanh trừng trước Đại hội Đảng », với sự kiện bí thư thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai) bị thay thế bởi Trần Mẫn Nhi (Chen Miner), một người thân tín của ông Tập.

Résultat de recherche d'images pour "Trung Quốc : Tập Cận Bình ra tay « đả hổ » trước Đại hội Đảng"

"Hoàng đế đỏ" Tập Cận Bình tại Berlin ngày 05/07/2017. REUTERS/Fabrizio Bensch

Tôn Chính Tài : Ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên bị Tập « đả hổ »

Bản tin rất ngắn gọn, cũng như trường hợp tất cả những con « hổ » trong đảng bị « đả » trước đây trong nhiệm kỳ năm năm đầu tiên của chủ tịch Tập Cận Bình. Tân Hoa Xã hôm 24/7 loan báo việc mở điều tra đối với ông Tôn Chính Tài vì « vi phạm kỷ luật nghiêm trọng », khẳng định sự thất sủng của người đứng đầu Trùng Khánh - đại đô thị 30 triệu dân đang phát triển mạnh, đồng thời là mảnh đất đầy bẫy rập cho các quan chức nhiều tham vọng.

Le Monde dẫn lời một phóng viên báo nhà nước : « Đó là rủi ro chính trị, không ai ngạc nhiên cả ». Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19 sắp họp vào mùa thu này, và tổng bí thư Tập Cận Bình sẽ tiếp tục nhiệm kỳ 5 năm thứ hai. Nhưng mức độ tập trung quyền lực trong tay ông Tập và các đồng minh như thế nào sau đại hội thì chưa ai biết được.

Ủy viên Bộ Chính trị Tôn Chính Tài như vậy sẽ bị gạt ra khỏi cơ quan quyền lực này. Là bộ trưởng Nông Nghiệp năm 2006 rồi chủ tịch tỉnh Cát Lâm (Jilin) năm 2009, ông được đôn lên làm bí thư thành ủy Trùng Khánh năm 2012. Người tiền nhiệm Bạc Hy Lai, đối thủ tiềm năng của ông Tập sau một vụ xì-căng-đan lớn đã phải ra tòa lãnh án chung thân.

Tôn Chính Tài thuộc loại quan chức « trẻ » : 53 tuổi, nhỏ hơn Tập Cận Bình 10 tuổi. Ông là « thế hệ lãnh đạo thứ sáu » của đảng, nằm trong số những người có thể nối gót nếu ông Tập chịu rút lui vào năm 2022, sau 10 năm cầm quyền như những người tiền nhiệm. Theo ông Tăng Nhuệ Sinh (Steve Tsang), giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc School of Oriental and African Studies (SOAS) ở Luân Đôn, thì « Đó là một lời cảnh cáo thẳng thừng. Các quan chức tham vọng ở cùng độ tuổi đã được báo trước : hoặc phủ phục trước Tập Cận Bình, hoặc trở thành kẻ thù của ông ta ».

Tăng Nhuệ Sinh giải thích : « Tôn Chính Tài không đứng về phía Tập Cận Bình, cũng như tất cả các bộ trưởng và quan chức có hàm tương đương đã bị thất sủng trong 5 năm qua ». Hồi tháng Hai, Ủy ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương do Vương Kỳ Sơn, đồng minh của Tập Cận Bình lãnh đạo, đã chỉ trích hiệu quả làm việc của ban lãnh đạo Trùng Khánh. Họ bị phê phán vì để tham nhũng lan tràn, và ông Tôn thì bất lực trong việc diệt trừ ảnh hưởng « độc hại » của Bạc Hy Lai – dù ông Bạc đang ngồi tù. Ủy ban ra lệnh phải phục tùng « chính quyền trung ương » -tất nhiên phảihiểu là Tập Cận Bình.

Trần Mẫn Nhi, Hồ Xuân Hoa : Hai đệ tử trung thành

Không có gì bất ngờ khi một người thân tín của ông Tập lên thay ông Tôn hôm 15/7, trước khi việc Tôn Chính Tài bị điều tra được chính thức loan báo. Trần Mẫn Nhi, 56 tuổi, chủ yếu làm việc tại nguyên quán Chiết Giang (Zhejiang), từ trưởng ban tuyên huấn rồi lên phó chủ tịch thành phố, nơi ông Tập từng lãnh đạo trong 5 năm (2002-2007). Ông Trần là viên chức tận tụy trung thành với ông Tập. Le Monde nhắc lại, hồi tháng Năm, chức bí thư thành ủy Bắc Kinh cũng đã được trao cho một quan chức khác từng làm việc với Tập Cận Bình một thời gian dài ở Chiết Giang.

Trần Mẫn Nhi nằm trong số những đệ tử trung thành nhất. Từ năm 2015, ông lãnh đạo Quý Châu (Guizhou), một trong những tỉnh nông nghiệp nghèo, là một bước chuyển bắt buộc trước khi được cất nhắc lên cao. Nhà bình luận Lưu Nhuệ Thiệu (Johnny Lau Yui Siu) ở Hồng Kông nhận định : « Ông ta hãy còn non, nhưng mọi thăng quan tiến chức đều nhờ bám chặt Tập Cận Bình ». Chức bí thư Trùng Khánh được coi là một chiếc ghế chiến lược, sau bước nhảy này Trần Mẫn Nhi còn có thể được thăng lên một cấp nữa, trở thành ủy viên Bộ Chính trị sau Đại hội 19.

Một ứng viên khác là Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua), 54 tuổi, bí thư tỉnh Quảng Đông. Cũng như Tôn Chính Tài, ông ta từng được cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào nâng đỡ, nhưng Hồ Xuân Hoa lại biết ngoan ngoãn tuyên thệ trung thành với Tập Cận Bình.

Hồi tháng Tư, Hồ Xuân Hoa đã đến làng Ô Khảm (Wukan), nơi ông ta đã đàn áp phong trào dân chủ, một cách để chứng tỏ sự ủng hộ phe chủ trương cứng rắn. Rồi đến tháng Năm, trong một bài diễn văn kéo dài 1 giờ 40 phút, ông đã nhắc tên Tập Cận Bình đến 26 lần và từ « hexin » (hạch tâm, tức cốt lõi) 7 lần. Đây là từ ngữ dùng để chỉ việc tập trung quyền lực vào tay ông Tập.

Tham vọng Tập Cận Bình có dừng ở năm 2022 ?

Le Monde nhấn mạnh, đây chính là vấn đề chủ yếu của Đại hội 19 : liệu một người kế nhiệm Tập Cận Bình sẽ được chỉ định trong dịp này, như mười năm trước ông Tập đã được đề cử làm phó chủ tịch nước để chuẩn bị lên kế vị ? Hai khuôn mặt trên đây liệu có hy vọng gì không ? Chuyên gia Tăng Nhuệ Sinh nhìn nhận : « Hiện nay chưa ai có thể nói trước gì được ».

Vấn đề này lại còn tùy thuộc vào một câu hỏi khác : liệu tham vọng của Tập Cận Bình có vượt quá kỳ hạn năm 2022 ? Theo thông lệ, sau 10 năm làm tổng bí thư kiêm chủ tịch nước thì phải rời ghế. Tuy trên giấy tờ việc tiếp tục tại vị không bị cấm cản, nhưng nếu ông Tập nhất định ngồi lại, thì sẽ phá vỡ truyền thống xưa nay.

Le Monde nhắc lại, những người tiền nhiệm của Tập Cận Bình sau hai nhiệm kỳ đều rút lui, và tiếp tục giựt dây trong hậu trường. Đặng Tiểu Bình vẫn là khuôn mặt có ảnh hưởng bao trùm lên đời sống chính trị Trung Quốc thậm chí cả sau năm 1990, khi ông Đặng chỉ còn chức vụ duy nhất là chủ tịch danh dự Hiệp hội những người chơi bài bridge Trung Quốc ! Theo La Croix, quyền lực của Tập Cận Bình hiện nay mạnh cho đến nỗi ông ta muốn ngự trị trên ngai vàng cho đến tận năm 2027.

Gia đình Donald Trump : Bầu một, được đến năm

Nhìn sang nước Mỹ, các báo đều dành nhiều đất cho chủ đề phe tổng thống Donald Trump đang chao đảo vì hồ sơ Nga. Le Figaro chạy tựa trang bìa « Điều tra về hồ sơ Nga : Gia đình Trump bị vây hãm », còn ở trang trong, thông tín viên Le Figaro tại Washington mô tả « Một gia tộc gắn bó bằng huyết thống, tiền bạc và nay là quyền lực ».

Người Mỹ đã từng biết đến các gia tộc nổi tiếng trên chính trường, từ Adams đến Roosevelt hay Kennedy. Ông Bill Clinton năm 1992 đã báo trước cho cử tri là họ sẽ « được hai, tuy chỉ bầu một người ». Nhưng nay đến thời ông Trump thì bầu một mà được ba, thậm chí đến năm ! Con gái Ivanka Trump và con rể Jared Kushner, với các chức vụ cố vấn, đã an vị tại cánh tây của Nhà Trắng, gần Phòng Bầu dục. Ngoài ra còn có thể kể thêm sự hỗ trợ của hai con trai Donald Jr và Eric Trump.

Đối với những ai theo dõi câu chuyện của gia tộc Donald Trump từ nhiều năm qua, thì không có gì đáng ngạc nhiên khi bao quanh tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ tại Nhà Trắng là những người thân trong gia đình. Từ khi đến tuổi lao động, ba người con lớn của ông Trump đã tham gia việc kinh doanh của gia đình. Thế thì tại sao từ tổng giám đốc trở thành tổng thống, lại phải thay đổi đội ngũ tín cẩn lâu nay ? Với gia đình này, thành công mới là quan trọng, bất kể với phương pháp nào. Và có thể với ít nhiều ngây thơ, họ cho rằng đã là tổng thống Mỹ thì nói gì, làm gì cũng được.

Pháp « quá tải » khách du lịch

Tựa chính các báo Paris hôm nay tập trung vào các vấn đề kinh tế của nuớc Pháp. Les Echos chạy tựa « Trợ cấp nhà ở : Những gì sẽ thay đổi sau cải cách ». Libération đặt vấn đề « Phải chăng có quá nhiều du khách đến nước Pháp ? ». Le Monde giải thích « Vì sao đồng euro lên giá so với đồng đô la »

Về mặt xã hội, La Croix dành trang bìa và bốn trang trong để vinh danh cha Jacques Hamel, vị linh mục bị sát hại dã man cách đây đúng một năm, ngày 26/07/2016. Buổi lễ tưởng niệm hôm nay tại Saint-Etienne-du-Rouvray có sự hiện diện của tổng thống Emmanuel Macron.

Trong lãnh vực du lịch, sau năm thảm họa 2016 do phải chịu đựng nhiều vụ khủng bố, năm 2017 du khách lại dồn dập kéo đến khiến nhiều địa điểm du lịch, đặc biệt là tại thủ đô Paris, bị bão hòa. Như vậy mục tiêu đến năm 2020 đạt 100 triệu lượt khách có lẽ không còn xa, nhưng xung quanh tin vui này, nhiều vấn đề khác đang được đặt ra.

Tuy dân số chỉ bằng 1/4 Hoa Kỳ, nhưng nước Pháp lại đón nhiều khách du lịch hơn Mỹ. Hiện nay những địa điểm nổi tiếng như viện bảo tàng Louvre, tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà, cung điện Versailles… dòng người xếp hàng chờ đợi rất dài, tuy đã tăng giá vé tham quan để hạn chế bớt.

Đứng đầu thế giới về số lượng du khách, nhưng Pháp lại xếp hạng thứ 53 về số tiền khách du lịch chi ra, tính theo đầu người. Thế nên theo Libération, cần phải tăng thêm dịch vụ, tăng cường quảng bá cho các địa phương có phong cảnh đẹp cũng như giá trị lịch sử, thay vì chỉ tập trung vào Paris. Việc này cần có sự phối hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương, và quyết tâm của giới lãnh đạo, thay vì để mặc cho ngành du lịch tự xoay sở.

Thủ đô Roma của Ý bị cúp nước 8 giờ một ngày

Cũng tại Châu Âu, thủ đô Roma của nước Ý vốn được mệnh danh là Nữ hoàng Nước, lại sắp bị cúp nước luân phiên 8 giờ một ngày, kể từ thứ Sáu tới do hạn hán.

Không chỉ thủ đô mà trên toàn nước Ý, tuy có nhiều sông hồ, đang bị hạn nặng nhất kể từ 200 năm qua. Bên cạnh hiện tượng biến đổi khí hậu, còn có những nguyên nhân chủ quan khác. Tại Roma, dân cư tiêu thụ đến 300 lít nước/ngày so với mức bình quân của cả nước là 245 lít. Hệ thống đường ống dẫn nước có từ 30 năm qua đã xuống cấp cộng việc sử dụng không đúng mục đích khiến 44% lượng nước máy bị thất thoát. Tuy nhiên các chính khách Ý hiện đang đổ lỗi cho nhau, và bao giờ người dân thủ đô Roma lại được dùng nước như bình thường thì chưa biết được.

Thụy My

Published in Châu Á

Trung Quốc : Mọi ngõ ngách trên Internet đều bị kiểm duyệt

Trong bài viết “Trung Quốc : Kiểm duyệt len lỏi vào mọi ngõ ngách trên mạng Internet, báo Libération cho biết sau khi nhà tranh đấu Lưu Hiểu Ba - giải Nobel Hòa Bình 2010, qua đời vào ngày 13/07/2017 vì bệnh ung thư, những bức ảnh về một chiếc ghế trống, gợi nhớ tới việc ông không được tới Oslo nhận giải Nobel được rất nhiều người Trung Quốc đăng tải trên internet. Kể từ đó, chính quyền Trung Quốc, vốn đã tăng cường các biện pháp trấn áp, lại càng siết chặt công tác kiểm duyệt đối với 1,73 tỉ dân.

Résultat de recherche d'images pour "Trung Quốc : Mọi ngõ ngách trên Internet đều bị kiểm duyệt"

Biểu tượng của ứng dụng WeChat và Weibo tại Bắc Kinh, ảnh chụp ngày 05/12/2013. Reuters

Từ mười ngày nay, nhân vật hoạt hình Winnie và bức tranh “Chiếc ghế của Vincentcủa danh họa Van Gogh bị kiểm duyệt gay gắt trên mạng internet tại trung Quốc. Lý do : chú gấu Winnie trông rất giống chủ tịch Tập Cận Bình và cư dân mạng thường dùng hình ảnh Winnie để chế giễu ông Tập, còn bức tranh của Van Gogh khiến cư dân mạng liên tưởng tới việc giải thưởng Nobel của Lưu Hiểu Ba được đặt trên một chiếc ghế trống trong lễ trao giao giải năm 2010 và nhiều người sử dụng hình ảnh đó để tưởng niệm nhà tranh đấu Lưu Hiểu Ba.

Lần đầu tiên, Bắc Kinh kiểm duyệt các bức ảnh trao đổi trong các tin nhắn riêng tư trên ứng dụng Wechat mà 938 triệu người Trung Quốc, nhất là các tin nhắn có tên “Liu” (Lưu) hoặc “Xiabao(Hiểu Ba). Các nhà nghiên cứu của Citizen Lab thuộc đại học Toronto còn nhận thấy trên trang mạng xã hội Sina Weibo, một dạng Twitter của Trung Quốc, các đăng tải có chứa những từ như « R.I.P” (Hãy yên nghỉ !), “LXB” (chữ cái viết tắt tên của Liu Xiabao (Lưu Hiểu Ba) hay câu nói nổi tiếng của ông “Tôi không có kẻ thù” bị xóa dần. Biểu tượng cảm xúc “ngọn nếncũng biến mất để tránh mọi hình thức tưởng niệm.

Ông Michel Bonnin, giám đốc nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội EHESS giải thích : “Biện pháp kiểm soát của Trung Quốc mạnh mẽ hơn bất cứ biện pháp nào của các chế độ độc tài ở Châu Phi và Châu Mỹ la tinh. Người ta không thấy có bạo lực vì mọi thứ đều bị kiểm soát ngay từ khi mới bắt đầu. Không gì có thể thoát khỏi vòng kiểm soát của Tập Cận Bình, và những người phản kháng ngày càng chịu nhiều sức ép. Một người như Lưu hiểu Ba, người luôn tôn trọng nhân văn, hòa bình và lòng bao dung là kẻ thù truyền kiếp cần đánh bại.

Vì không thể đọc được tất cả nội dung trao đổi trên ứng dụng tin nhắn WhatsApp của Mỹ, từ ngày 18/07, Bắc Kinh đã chặn mọi tin nhắn có vidéo, âm thanh hoặc kèm hình ảnh. Đây là lần đầu tiên biện pháp trên được sử dụng kể từ khi chế độ kiểm duyệt Great Firewall (Vạn Lý Tường Lửa) được Trung Quốc triển khai vào năm 2013.

Mỗi năm, Bắc Kinh chi 5,4 tỉ đô la để kiểm duyệt internet. Trên 200 trong số hơn 1000 trang web lớn nhất trên thế giới bị chặn. Với địa chỉ IP tại Trung Quốc, cư dân mạng không thể truy cập Facebook, Twitter, Instagram, không thể truy cập vào hòm thư Gmail hay xem vidéo trên YouTube, thậm chí không thể đọc báo điện tử Le Monde của Pháp và New York Times của Mỹ.

90 triệu cư dân mạng tại Trung Quốc, trong đó có rất nhiều người nước ngoài phải vượt “Vạn Lý Tường Lửabằng cách sử dụng mạng riêng ảo VPN (Virtual Private Network). Trước đây, chính quyền để cho các doanh nghiệp nước ngoài hoặc các nhà khoa học sử dụng phần mềm VPN ở một mức độ nhất định để phục vụ công việc. Tuy nhiên, bộ Công Nghiệp Và Công Nghệ của Trung Quốc đã thông báo kể từ ngày 01/02/2018, các doanh nghiệp nước ngoài và các nhà nghiên cứu phải có giấy phép của chính quyền mới được sử dụng VPN. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đành phải đóng cửa.

Để hoàn thiện chiến dịch “tẩy rửa Internet”, tuần trước Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc (ACC) đã triệu tập và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet lớn nhất tại Trung Quốc ngưng cho đăng tải và lan truyền mọi diễn giải sai lệch các chính sách, lịch sử của Đảng cộng sản Trung Quốc, các tin tức giả mạo, sao chép ảnh và thách thức chính quyền.

Từ khi Tập Cận bình lên nắm quyền vào năm 2013, các phương tiện truyền thông truyền thống như báo in và các nhà xuất bản ngày càng bị kiểm duyệt gay gắt. Các hình thức kiểm duyệt nhiều vô cùng. Ngay cả điện ảnh cũng phải « phục vụ nhân dân và chủ nghĩa xã hội”. Nội dung các bài hát cũng bị kiểm soát chặt chẽ.

Kế sách giết gà dọa khỉ

Trên mạng internet, việc kiểm soát tuyệt đối là không thể. Vì thế, theo ông Benjamin Ismaïl, cựu giám đốc văn phòng Châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, Bắc Kinh đã sử dụng kế sách trừng phạt để răn đe mà người Trung Quốc gọi là “giết gà dọa khỉ” : Việc một nhà báo bị phạt tù 10 năm hay một nhà nhân quyền bị tuyên án tù 15 năm sẽ khiến những người khác sợ hãi. Một biện pháp khác không tàn bạo mà rất hiệu quả đểbảo vệ chủ quyền về không gian mạnglà cho đăng tải ngập tràn trên internet các thông điệp tuyên truyền cho chính quyền, ngăn chặn mọi trao đổi bàn luận và các thông tin gây bất lợi cho chế độ.

Một luật sư Trung Quốc trốn thoát sang Mỹ cách đây 2 năm nhận xét : “Cái chết của Lưu Hiểu Ba sẽ cho cả thế giới hiểu rõ hơn cách mà Đảng cộng sản Trung Quốc bức hại dân chúngTập Cận Bình, vốn luôn ám ảnh về việc phải kiểm soát mọi chuyện, có thể sẽ khoa trương các kết quả tuyệt vời của kế hoạch trên trong đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào mùa thu 2017 với hy vọng có thêm một nhiệm kỳ lãnh đạo đất nước.

Le Monde kết luận, trước khi đoạt giải Nobel Hòa Bình 2010, nhà tranh đấu Lưu Hiểu Ba, vào năm 2009 đã nói rằng Internet là “món quà trời ban cho Trung Quốc. Nhưng Đảng cộng sản Trung Quốc đã biến Internet thành công cụ mới phục vụ chế độ độc tài, toàn trị.

Jerusalem trong vòng xoáy bạo lực

Những ngày qua, bạo lực leo thang ở Jerusalem là đề tài thời sự quốc tế nóng hổi. Le Monde giới thiệu bài xã luận Jerusalem trong vòng xoáy bạo lực. Xung đột ở Jerusalem gợi nhắc rằng Jerusalem không phải một thành phố bình thường như bao thành phố khác. Tại Jerusalem có một nơi có giá trị đặc biệt với ba cộng đồng tôn giáo lớn : đạo Do Thái, đạo Thiên Chúa và Hồi Giáo. Nhỏ bé, nhưng địa điểm này lại là ngòi nổ » cả về lịch sử, tôn giáo và chính trị. Quảng trường các đền thờ là thánh địa quan trọng thứ ba đối với người Hồi Giáo còn bức tường Than Khóc ngay cạnh đó lại là một trong những nơi thiêng liêng nhất của người Do Thái.

Vì thế, Jerusalem, đặc biệt là Quảng trường các đền thờ đã trở thành biểu tượng xung đột giữa Israel và Palestine. Theo Le Monde, đây là nơi mọi chuyện đều có thể trở nên tồi tệ. Căng thẳng leo thang trong những ngày cuối tuần qua đã cho thấy điều đó.

Bi kịch bắt đầu từ giữa tháng 07, khi cảnh sát Israel lắp các máy dò kim loại ở lối vào quảng trường. Biện pháp này được triển khai sau khi 2 cảnh sát Israel bị ba người Palestine bắn chết. Chính phủ cánh hữu của thủ tướng Benyamin Netanyahou đã đồng ý để cảnh sát triển khai biện pháp trên.

Theo cảnh sát Israel, các máy dò kim loại chỉ là một biện pháp phòng ngừa, giống ở lối vào các sân bay, sàn nhảy và các sân bóng. Tuy nhiên, quân đội và cơ quan mật vụ Israel phản đối việc lắp các máy kim loại ở lối vào quảng trường, họ hiểu phải tôn trọng nguyên trạng của quảng trường, họ cũng biết rằng việc quản lý quảng trường thuộc về Waqf, một tổ chức Hồi Giáo của Jordan. Họ hiểu quảng trường có ý nghĩa thế nào đối với người Palestine, đó là một trong số rất ít nơi không do Israel kiểm soát, một nơi không thể động tới cả về mặt chính trị lẫn tôn giáo.

Thủ tướng Israel Netanyahou cũng biết tất cả những điều đó. Ông ấy chắc chắn không thể quên rằng vào năm 2000, việc một trong những lãnh đạo đảng của ông tới thăm quảng trường là một trong những nguyên nhân làm dấy lên phong trào intifada (phản đối) thứ hai - phong trào nổi dậy tấn công bằng dao. Nhưng thủ tướng Israel chịu sức ép của cánh hữu muốn độc quyền kiểm soát mọi nơi và ủng hộ việc lắp các máy dò kim loại bất chấp hậu quả.

Và như thế, cái bẫy đang sập dần. Thành phố thánh Jerusalem lại một lần nữa rơi vào tâm bão, điều mà - theo Le Monde - lẽ ra đã có thể hoàn toàn tránh được.

Pháp : Nông nghiệp sạch thiếu tài chính

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của Pháp, Le Monde cho biết : Ngành nông nghiệp sạch gặp khó khăn về tài chính.

Nhu cầu thực phẩm sạch (bio) của người tiêu dùng vẫn rất cao, nước Pháp hiện đứng thứ ba Châu Âu về nông sản bio và có khả năng sẽ vươn lên đứng đầu Châu Âu trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, nông dân Pháp sử dụng phương thức nuôi trồng sạch đang rất lo lắng, bởi vì ngân sách hỗ trợ sản xuất bio lại eo hẹp. Thêm vào đó, các thủ tục hỗ trợ lại không rõ ràng nên tiền hỗ đến tay trợ các nhà sản xuất nông nghiệp sạch khá muộn, ảnh hưởng tới sản xuất.

Theo nhận định của Le Monde, ngành nông nghiệp sạch đang là nạn nhân của chính sự thành công của mình. Người Pháp ngày càng ưa chuộng các sản phẩm trứng, sữa, thịt, hoa quả và rau củ có dãn nhãn bio. Doanh thu của ngành nông nghiệp sạch tăng 20% vào năm 2016, đạt 7 tỉ euro. Chủ hãng phân phối thực phẩm sạch Biocoop cho biết mức tăng trưởng của ngành này vẫn tăng gần 15% từ đầu năm 2017. Trong khi đó, do giá bán sản phẩm giảm mạnh, hay do mùa màng thất bát, nhiều trang trại trồng ngũ cốc, chăn nuôi bò sữa, bò thịt thông thường đã chuyển hướng sang sản xuất sạch, khiến diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp sạch tăng 16% vào năm 2016. Tổng cộng, diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp sạch chiếm tới 5,7% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp tại Pháp.

Cam Bốt : Cuộc chiến chống bệnh dại

Bệnh dại đã được loại trừ tại nhiều nước, như Việt Nam, Thái Lan, nhờ vaccin phòng bệnh. Còn tại Cam Bốt, theo nhật báo công giáo La Croix, bệnh dại vẫn khiến nhiều người thiệt mạng. Vì thế, viện Pasteur mới đây phối hợp với bộ Y Tế Cam Bốt mở một chiến dịch phòng ngừa bệnh dại.

Ông Didier Fontenille, giám đốc viện Pasteur cho biết mỗi năm, tại Cam Bốt, bệnh dại giết chết gần 1000 người. Có khoảng 600.000 người bị chó cắn nhưng nhiều người không tiêm phòng bệnh vì không biết thông tin hoặc không có phương tiện lên thành phố tiêm phòng. Mặc dù theo quy định, giá một đợt tiêm phòng bệnh dại chỉ khoảng 12 đô la, nhưng một số bác sĩ có thể lấy tới 300 đô la, và nguồn gốc vaccin lại không đảm bảo.

Trang nhất các báo Pháp

Báo Le Monde quan tâm tới thời sự nước Pháp với hàng tựa Các quy định của tổng thống Macron về ngân sách khiến ông bớt được được lòng dân. Cũng về đề tài này, báo Libération chạy tựa : Trợ cấp nhà ở : 5 euro và cái giá phải trả quá đắtKèm theo đó là nhận xét đúng là phải cải tổ trợ cấp nhà ở, nhưng việc chính phủ quyết định cắt giảm trợ cấp nhà ở cho những người gặp nhiều khó khăn nhất lại không nhận được sự ủng hộ, kể cả của một số nhân vật trong đảng của tổng thống Macron.

Báo Le Figaro gợi nhắc lại vụ hai kẻ Hồi giáo cực đoan tấn công khủng bố vào nhà thờ Saint-Etienne-du-Rouvray và sát hại cha xứ Jacques Hamel với hàng tít : Cha Hamel : nước Pháp hồi tưởng sau một năm. Tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Edouard Philippe sẽ tham dự lễ tưởng niệm vụ sát hại cha xứ được tổ chức vào ngày mai 26/07. Cũng liên quan tới nước Pháp, nhưng trên lĩnh vực kinh tế, nhật báo kinh tế Les Echos đặt câu hỏi : Công ty đường sắt quốc gia Pháp SNCF làm thế nào để cứu tàu cao tốc TGV ?.

Trong khi đó, nhật báo công giáo La Croix hướng sự chú ý tới tình hình nhập cư tại Mỹ qua hàng tựa « Hoa Kỳ - Mexico : bức tường của nỗi sợ hãi. La Croix cho biết từ khi tổng thống Donald Trump nhậm chức cách đây 6 tháng, số vụ bắt giữ người nhập cư trái phép đã tăng mạnh.

Thùy Dương

Published in Châu Á

Trung Quốc muốn độc chiếm Mêkông

Loạt chủ đề nhẹ nhàng dành cho mùa hè tiếp tục được đưa trên trang nhất các tuần báo Pháp. “Ai làm gì trong cuộc sống vợ chồng ?” là câu hỏi lớn của L’Obs“Homère, bậc thầy tư duy của nền văn minh chúng ta” được Le Point đề cập trên trang nhất, L’Express đưa độc giả khám phá “Những bí mật của làn da” còn trang nhất của Courrier international là hình ảnh như thây ma của “Jeff Bezos, phù thuỷ của Amazon”.

media

Quá trình xây dựng đập trên sông Mêkông ở tỉnh Xayaburi, Lào (@International Rivers)

Liên quan đến Châu  Á, tuần báo Courrier international đăng bài “Dòng sông Mêkông được vẽ lại”, trích dịch từ báo Bangkok Post. Bắc Kinh muốn biến dòng sông này thành một tuyến đường trong mạng lưới vận tải, vốn đã chằng chịt, để chuyển hàng hóa Trung Quốc xuống các nước Đông Nam Á.

Ngày 14/11/2015, Trung Quốc đề xuất chương trình Hợp tác Lan Thương-Mêkông (LMC-Lancang-Mekong Cooperation) với mục đích cải thiện giao thương và hợp tác với các nước cùng chung dòng sông là Cam Bốt, Lào, Thái Lan, Miến Điện và Việt Nam. Trong cuộc họp đầu tiên giữa các bên vào tháng 03/2016, thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết tháo khoán 1,35 tỉ euro tín dụng và tuyên bố sẵn sàng cấp các khoản tín dụng tổng cộng đến 83,75 tỉ euro nhằm đầu tư vào các công trình hạ tầng lớn và phát triển mạng lưới giao thông trong vùng Mêkông, trong đó có cả hệ thống đường sắt, cảng sông và vận tải hàng không.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, nhiều công trình khai quang khu vực Mêkông đã được tiến hành, kể cả việc dùng chất nổ phá đá và các dốc đứng để thương thuyền 500 tấn có thể qua lại được, thay vì những con tầu 100-200 tấn như hiện nay.

Tờ Bangkok Post cho biết cải thiện khả năng lưu thông trên dòng Mêkông đã được một số nhà công nghiệp người Hoa chú ý ngay đầu những năm 2000. Chỉ đến khi dự án Hợp tác Lan Thương-Mêkông được đưa ra, người dân Thái Lan trong khu vực mới biết đến dự án này.

Từ 20 năm qua, Trung Quốc xây dựng rất nhiều đập thủy điện trên dòng sông chảy qua lãnh thổ và từ đó, mực nước lên xuống phía hạ nguồn do Trung Quốc quyết định. Hậu quả là nhiều loài cá đã biến mất khiến ngư dân phải chuyển nghề, nông dân trồng hoa mầu bên bờ sông luôn ngay ngáy sợ nước lên bất thường vì Trung Quốc xả lũ.

Bên cạnh dự án vận tải đường thủy trên dòng Mêkông, Trung Quốc đã phát triển mạng lưới đường bộ nối với Thái Lan nhờ trục cao tốc R3A (2008) đi qua lãnh thổ Lào, cây cầu hữu nghị thứ 4 (2013) giữa Thái Lan và Lào dẫn đến vùng Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam), một hải cảng thương mại mới (2011) tại vùng Chiang Saen (Thái Lan)… Những công trình hạ tầng này đã tạo thêm lực đẩy cho giao thương biên giới, đặc biệt nhờ thỏa thuận tự do mậu dịch giữa Trung Quốc và ASEAN, có hiệu lực từ năm 2010.

“Phải thận trọng khi giải quyết với láng giềng phương bắc”

Dự án cải thiện lưu thông trên dòng Mêkông mà chính phủ Thái Lan thông qua hồi tháng 12/2016 bị người dân một ngôi làng sống bên bờ sông phản đối do lo ngại tác động đến môi trường và kinh tế. Song họ lại tỏ ra “dè dặt” trước người láng giềng khổng lồ.

Một chuyên gia về quan hệ Thái-Trung thuộc đại học Thammasat ở Bangkok nhận xét “Trung Quốc là một nước lớn. Điều này khiến người ta phải thận trọng”. Bà không nhắc đến kích thước về mặt địa lý mà nhấn mạnh đến trọng lượng và sức ảnh hưởng kinh tế của quốc gia phương bắc đối với các nước trong vùng, cụ thể thông qua dự án Con đường Tơ lụa mới với những công trình hạ tầng có quy mô lớn để hình thành một mạng lưới giao thông đường thủy và đường bộ nối nền kinh tế Trung Quốc và khu vực Á-Âu.

Trong khoảng 2008-2014, lượng đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN đã tăng hơn 200%. Sông Mêkông vẫn là tuyến đường chính nối miền nam Trung Quốc đến các nước Đông Nam Á. Giới đầu tư Trung Quốc bị thu hút trước các nguồn tài nguyên dồi dào và tầng lớp trung lưu ngày càng đông với tiềm năng tiêu thụ lớn. Trong cuộc họp đầu tiên giữa Trung Quốc và các nước bên bờ Mêkông, thủ tướng Lý Khắc Cường nêu viễn cảnh chương trình Hợp tác cam kết cùng chia sẻ lợi ích.

Thế nhưng, trên thực tế, người dân địa phương không có chung cách nhìn tích cực như Bắc Kinh, thậm chí họ cho rằng Trung Quốc “lợi dụng” những nước nhỏ. Các dự án phát triển của Trung Quốc, từ các mỏ đồng ở Miến Điện đến các nhà máy giấy và trung tâm thủy điện ở Việt Nam hay các nông trường chuối ở Thái Lan, đều gây ra những quan ngại về môi trường.

Một số khác coi sự đầu tư ồ ạt của Trung Quốc như một “mối đe dọa đến chủ quyền”. Trong một bài báo nghiên cứu, giáo sư Khoa học-Xã hội Pollavat Prapattong thuộc đại học Mae Fah Luang ở Chiang Mai không ngần ngại miêu tả cách thức đầu tư của Trung Quốc như một âm mưu “biến (thành phố Chiang Mai và môi trường) thành một vùng đất của Trung Quốc và cho người Hoa”.

Lào cũng là một trường hợp điển hình. Một số thành phố của nước này bị “vẽ” lại hoàn toàn để dành chỗ cho mạng lưới đường sắt nối liền với Trung Quốc. Các khu đô thị như Luang Prabang và Viêng Chăn ngày càng giống một số khu vực ở tỉnh Vân Nam.

Dĩ nhiên, chính quyền trung ương Bắc Kinh yêu cầu các nhà đầu tư ra nước ngoài phải có trách nhiệm về xã hội và môi trường, nhưng những tiêu chí trên chỉ được một số nhỏ doanh nghiệp nhà nước áp dụng. Trung Quốc thu lợi từ trao đổi thương mại và đầu tư trong khu vực Mêkông nhưng cũng tìm cách để ngăn các nước ASEAN liên minh với nhau chống lại Bắc Kinh trong hồ sơ tranh chấp Biển Đông.

Bangkok Post nhận định khó lòng đánh giá được lợi ích mà người dân địa phương được hưởng từ những công trình mới của Trung Quốc trong vùng Mêkông, nhưng một điều chắc chắn là họ phải quen với một cuộc sống mới, như trường hợp của một ngư dân phải bỏ nghề, từ khi Trung Quốc xây đập trên thượng nguồn, để bất dĩ trở thành công nhân chiết mủ cao su, làm thợ xây hay thợ máy.

Bành Lệ Viên : “Đệ nhất phu nhân” quyền lực Châu  Á

Phu nhân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là nhân vật chính trong loạt bài mùa hè về những phụ nữ quyền lực của tuần báo L’Express. Trước khi trở thành “Đệ nhất phu nhân” Trung Quốc, bà đã nổi tiếng hơn chồng.

Luôn xuất hiện với nụ cười và trang phục thanh lịch bên cạnh chồng, bà Bành Lệ Viên được L’Express đánh giá là người dung hòa, thông qua hình ảnh, những mâu thuẫn của một chính quyền bị giằng xé giữa tư tưởng cộng sản cách mạng và cách thức tư bản và bảo thủ. Và bà đảm nhiệm tốt vai trò này.

Vào thời điểm khá nhạy cảm sau khi nhà đấu tranh Lưu Hiểu Ba bị “cầm tù” cho đến chết dù được chữa trị trong bệnh viện, bà Bành Lệ Viên, xuất hiện trong trang phục được cân nhắc kỹ, tuyên bố chiến đấu chống bệnh lao và bệnh sida. Hay khi đến Hồng Kông nhân 20 năm cựu thuộc địa Anh được trả lại cho Trung Quốc, bà Bành Lệ Viên đã thể hiện thành công vai trò của một Đệ nhất phu nhân hiện đại và luôn tươi cười trong một trại dưỡng lão, hay ôm hôn học sinh trong một trường tiểu học. Những hình ảnh trìu mến này lại trái ngược với chính sách mạnh tay của Bắc Kinh đối với đặc khu hành chính, mà chắc hẳn người ta vẫn chưa quên các cuộc biểu tình đòi dân chủ từ năm 2014 hay các vụ “bắt cóc” các nhà sách Hồng Kông…

Kết hôn với ông Tập Cận Bình từ gần 30 năm, trước khi trở thành Đệ nhất phu nhân, bà Bành Lệ Viên đã nổi tiếng hơn chồng vì là ca sĩ dân gian đương đại có tiếng trong quân đội Trung Quốc. Từ năm 2007, bà ngừng sự nghiệp ca sĩ để toàn tâm toàn ý giúp sự nghiệp của chồng.

Những bí mật của làn da

L’Express dành 16 trang báo để nói về “Những bí mật của làn da” thông qua bốn chủ đề chính : Làn da là tấm gương phản ánh sức khoẻ và cảm xúc ; Những phát hiện mới nhất về làn da ; Bảo vệ da như thế nào ? và những nguy hiểm khi xăm hình trên da.

Khoảng 2 m2 da bao phủ cơ thể con người. Lớp vỏ bọc này là một cơ quan phức tạp và đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ với những người khác. Làn da như tấm thẻ căn cước về mỗi người và “bật mí” về tuổi tác, nguồn gốc dân tộc, cảm xúc và bệnh tật. Với làn da, con người khó lòng “ăn gian” được tuổi tác, dù có trải qua “dao kéo”. Chấm đen, vết đỏ, mụn nhọt hay các vùng mầu ghi xuất hiện trên da mỗi khi chế độ ăn uống bị giảm.

Cùng với hình thể và trí tuệ, mùi hương toả ra từ làn da là yếu tố thứ ba đóng vai trò quan trọng trong một buổi hẹn hò. Sự mịn màng và tươi tắn của làn da không tự nhiên mà có được mà cần được quan tâm chăm sóc. Tuy nhiên, L’Express cho rằng công việc này lại không phức tạp như vẫn nghĩ, chỉ cần nuôi dưỡng tốt và luôn giữ ẩm làn da.

Làm đẹp làn da bằng những hình xăm vẫn luôn thịnh hành. Khoảng 15% dân Pháp xăm mình, trong đó 25% dưới 30 tuổi ; từ 10 đến 50% trong số họ hối hận vì đã xăm mình và 10% trong số họ bị nhiễm trùng hoặc dị ứng. Nguyên nhân chính là thành phần của mực xăm mà L’Express cảnh báo nên chú ý, vì trong mực có chứa kim loại nặng, hidrocarbon, còn mực mầu chứa nhiều chất độc gây ung thư.

Để có được làn da trẻ trung, nhiều người không ngại can thiệp của dao kéo, từ tiêm botox, với liều lượng ít hơn trước một nửa để có làn da tự nhiên hơn, hay sử dụng một loại gel thần thánh tẩy hết mọi vết nhăn hoặc phẫu thuật thẩm mỹ. Theo một chuyên gia, đôi môi đầy đặn hờn dỗi và gò má cao vẫn còn tương lai xán lạn trước mắt.

“Trách nhiệm tinh thần” về gánh nặng việc nhà

Phụ nữ thường trách đàn ông làm chưa đủ, còn các ông lại luôn trách các bà muốn kiểm soát tất cả. Ai có lý và làm thế nào để thoát khỏi “cuộc đối đầu” căng thẳng này là chủ đề của phóng sự điều tra trên tuần báo L’Obs. Thế nhưng, giữa hai luồng quan điểm là một “trách nhiệm tinh thần” về việc nhà.

Khái niệm “trách nhiệm tinh thần” được sử dụng trong thập niên 1970 để nói về những mối bận tâm của các nhà quản lý khi phải mang thêm việc về nhà giải quyết. Chỉ đến năm 1984 mới xuất hiện nguyên tắc “trách nhiệm tinh thần gia đình” trong một bài báo của nhà xã hội học Monique Haicault. Bà miêu tả tâm trí của một người phụ nữ bị ám ảnh bởi những lo âu trong nhà, quản lý gia đình khi họ đang làm việc.

Những trường hợp được L’Obs nêu trong bài báo đều cho thấy phụ nữ bận tâm nhiều hơn cho “trách nhiệm tinh thần”, trong khi phái nam chỉ dành một phần nhỏ, thậm chí với một số người, về nhà đồng nghĩa với “nghỉ ngơi” và “giải toả đầu óc”. Chính điều này là nguyên nhân gây những bất đồng trong gia đình. Theo nhận định của nhà xã hội học Jean-Claude Kaufmann, người đàn ông phải dứt khỏi vỏ bọc tiện nghi, còn người phụ nữ phải chia sẻ cách làm của mình.

“Dunkerque” : Tái hiện 9 ngày quân đồng minh rút khỏi vòng vây của Đức

Đạo diễn người Anh Christopher Nolan, 46 tuổi, trở lại với bộ phim dài Dunkerque, được tuần báo Le Point cho rằng “chắc chắn đánh dấu lịch sử nền điện ảnh”. Còn L’Express đánh giá đạo diễn đã sáng tạo lại thể loại phim chiến tranh.

Dài 1h45, bộ phim Dunkerque thuật lại chiến dịch Dynamo (bí danh của trận Dunkerque) hay đúng hơn là cuộc sơ tán, vào tháng 05/1940, của hơn 338.000 quân nhân Anh, Pháp và Bỉ bên bờ biển Dunkerque (miền bắc nước Pháp) giữa vòng vây của lính Đức. Bị dồn trên cầu cảng và bãi biển, họ chỉ có một lối thoát duy nhất là đến nước Anh bằng đường biển.

Trong vòng 9 ngày, một khu vực dài 10 km quanh thành phố Dunkerque được một số đơn vị Pháp phòng thủ để kéo thời gian giúp các toán quân, chủ yếu là lính Anh, rút lui bằng đường biển để được hải quân Anh và một số du thuyền cứu vớt.

Câu chuyện được thuật lại dưới ba nhãn quan : của những người lính trên bãi biển, một nhà hàng hải Anh và một phi công của Không Lực Hoàng gia Anh.

Với Dunkerque, đạo diễn Nolan lại thêm một bộ phim lớn vào danh sách những tác phẩm như Memento, Inception, Interstellar, Batman.

Thu Hằng

Published in Châu Á
mardi, 18 juillet 2017 14:28

Thời sự ngày 18/07/2017

Nguồn : RFI tiếng Việt, 18/07/2017

**********************

Nguồn : VOA tiếng Việt, 18/07/2017

Published in Video
dimanche, 16 juillet 2017 14:23

Thời sự ngày 16/07/2017

Nguồn : RFI tiếng Việt, 16/07/2017

Published in Video

Làm lại cuộc đời sau khi thoát khỏi địa ngục Bắc Triều Tiên (RFI, 07/07/2017)

Những người Bắc Triều Tiên tị nạn tại Hàn Quốc làm thế nào để hội nhập vào cuộc sống mới. Đặc phái viên Le Figaro tại Hàn Quốc mô tả lại một cảnh có vẻ bình thường trong một nhà hàng ở Seoul.

lam1

Cầu Hữu Nghị trên sông Áp Lục nối liền thành phố Bắc Triều Tiên Sinuiju và Đan Đông Trung Quốc. Ảnh ngày 05/07/2017. NICOLAS ASFOURI / AFP

Kang Hun, 19 tuổi, ngồi vào bàn ăn với cha mẹ. Người cha nói với giọng trịnh trọng, đầy tự hào : "Chúng ta đã vượt được một chặng đường dài". Đi ăn ở nhà hàng ở thủ đô, với sự tự do vừa có được và thưởng thức các món ăn – đó là niềm vui sướng tuyệt vời của gia đình Bắc Triều Tiên này, đang tị nạn tại Hàn Quốc.

Hai năm rưỡi sau khi đào thoát, câu chuyện được họ kể lại bên bàn ăn. Anh thanh niên Hun nhanh nhẹn xơi món mì lạnh, rồi lại "tấn công" vào dĩa hoành thánh. Chàng trai gốc gác ở Hyesan, cực bắc Triều Tiên kể lại : "Chúng tôi vượt qua biên giới tháng 12/2014. Mẹ tôi làm nhân viên phục vụ một nhà hàng bên Trung Quốc ( Bình Nhưỡng cho phép điều này). Bà giúp cha tôi và tôi sang đó nhờ một người môi giới vượt biên. Ngạc nhiên đầu tiên đối với tôi khi đặt chân lên đất Trung Quốc là nước nóng – chúng tôi không hề có được tại Bắc Triều Tiên. Và đường sá nữa, tại thành phố tôi sinh sống (có khoảng 192.000 dân năm 2008), chỉ có duy nhất một tên đường !"

Đối với gia đình họ Kang, năm này qua năm nọ họ càng cảm thấy nhất thiết phải chạy trốn chế độ độc tài Bình Nhưỡng. Nhưng mong ước được sống khấm khá hơn bên ngoài đất nước khép kín mới là ngòi nổ. "Cha tôi đã quá chán khi không có quyền được hạnh phúc. Khi xem một bộ phim Hàn Quốc, ông nói với chúng tôi, ở Hàn Quốc, khi làm việc thì mình có thể có xe hơi riêng".

Các bộ phim truyền hình nhiều tập cùng với nhạc pop Hàn Quốc trong những năm gần đây thực sự làm người dân phương bắc tỉnh thức. Được lén nhập vào, đôi khi được các máy bay không người lái thả xuống, các bộ phim và chương trình ca nhạc được tải qua các USB đã đóng góp vào việc giúp cho những người dân Bắc Triều Tiên bị bưng bít phần nào thấy được thế giới bên ngoài là như thế nào. Một loại kho tàng Alibaba theo kiểu Hàn Quốc. Họ xem những văn hóa phẩm này qua notel, một loại đầu đọc sản xuất tại Trung Quốc. Chàng thanh niên nhìn nhận : "Tôi có được là nhờ bạn bè. Nhưng nếu bị phát hiện, chúng tôi sẽ bị bỏ tù".

Để bỏ trốn khỏi địa ngục và sống với "giấc mơ Hàn Quốc", việc đến được Trung Quốc – đồng minh của Bình Nhưỡng – là giai đoạn đầu tiên mà gia đình họ Kang đã may mắn lọt qua. Hun nhớ lại : "Một khi đã đặt chân lên đất Trung Quốc, chúng tôi đi xe đò suốt một tuần lễ, vượt quãng đường trên 2.500 km để đến được Việt Nam. Trên đường đi, chúng tôi phải giả làm người bệnh, tại mỗi trạm kiểm soát phải giả vờ ói mửa để khỏi phải trình ra tấm hộ chiếu mà tất nhiên chúng tôi không có".

Một mánh khóe đã mang lại kết quả, cho đến khi một cảnh sát Việt Nam đưa cho họ coi hai lá cờ, một của Bắc Triều Tiên và một của Hàn Quốc, yêu cầu chọn lựa. "Cha tôi đã chọn lá cờ Bắc Triều Tiên, tưởng rằng như vậy là tốt. Ai ngờ chúng tôi bị bắt và gởi trả về Trung Quốc. Một lần nữa cả nhà phải ráng tìm ra một người môi giới khác để lại vượt biên". Họ thật là may mắn, vì chỉ có 10% số người tị nạn bị câu lưu tại Trung Quốc là trốn thoát được. Hun kể tiếp : "Từ Việt Nam, chúng tôi sang Lào và vào đại sứ quán Hàn Quốc xin tị nạn".

Cũng như gia đình họ Kang, khoảng 30.000 người Bắc Triều Tiên tị nạn tại Hàn Quốc (29.464 người vào tháng 9/2016, trong đó có 40% trẻ em và thanh niên, theo bộ Thống Nhất Hàn Quốc). Nhưng có cùng chủng tộc và nói gần như cùng một ngôn ngữ vẫn chưa đủ để hội nhập – tại Hàn Quốc, người ta sử dụng nhiều từ tiếng Anh mà người Bắc Triều Tiên chưa từng nghe thấy trong đời. Sống ở Hàn Quốc đối với họ, là từ thế kỷ 19 nhảy thẳng sang thế kỷ 21. Một bước "đại nhảy vọt" mà những người đào thoát vẫn mơ tưởng, nhưng họ không làm chủ được cả kỹ năng sống lẫn đặc thù văn hóa.

Để học cách "sống sót", những người đào tị được tiếp đón trong một "trại cải tạo" được giữ an ninh hết sức nghiêm ngặt, trong vòng 12 tuần lễ, sau khi được cơ quan tình báo phỏng vấn để biết chắc họ không phải là gián điệp.

Tại trung tâm Hanawon do chính quyền quản lý từ năm 1999, nằm cách Seoul một giờ xe chạy, những người tị nạn được trợ giúp về tâm lý và học hỏi cách vận hành của một xã hội tiêu thụ, như việc mua quần áo hoặc cách sử dụng các máy bán hàng tự động. Tiếp theo là những buổi học về lịch sử Triều Tiên, những khám phá về nhân quyền và dân chủ. Một kiểu "tái lập trình" cần thiết cho cuộc sống mới.

Hun nhớ lại : "Trong nhà trường Bắc Triều Tiên, người ta dạy chúng tôi là Kim Jong-un lúc mới 11 tuổi đã tự điều khiển được xe tăng, và tự khám phá cách lập chương trình bắn pháo hoa ! Tôi nghi rằng đó là giả dối, nhưng chỉ cần nói ra ngoài miệng là đủ để ăn một trận đòn đích đáng, cho dù là con nít".

Sau ba tháng "thanh lọc" tại Hanawon, những người tị nạn hòa nhập vào đời sống Hàn Quốc. Họ được cho nhập quốc tịch, và được chính phủ trợ cấp từ 10 đến 28 triệu won (7.700 đến 21.000 euro), và 320.000 won (khoảng 250 euro) mỗi tháng trong vòng 5 năm. Một số được các tổ chức phi chính phủ đỡ đầu, giúp đối mặt với cuộc sống mới và một giai đoạn chuyển đổi thường là khó khăn, vất vả.

Young Ja-kim, tổng giám đốc Liên minh công dân vì nhân quyền tại Bắc Triều Tiên (NKHR), chuyên giúp đỡ những người tị nạn từ lúc vượt biên giới cho đến khi hội nhập được vào Hàn Quốc, giải thích : "Một trong những khó khăn lớn nhất cho việc hội nhập đối với thanh niên và người lớn là sự phân biệt đối xử, chẳng hạn họ thường bị nhìn chòng chọc vào mặt trên các phương tiện giao thông công cộng".

Giờ đây, Hun đã thành công trong việc được coi gần như là người tại chỗ. Trong bộ đồng phục học sinh trung học, anh cho biết : "Tôi phải mất đến hai năm để nói được giọng miền nam. Nhà trường đã giúp tôi rất nhiều". Những người nào không "nhập vai" được đành phải đóng giả làm Joseonjok, tức kiều dân Triều Tiên sống tại Trung Quốc, để khỏi bị phân biệt đối xử.

Yuna Chu, thành viên đội ngũ giảng dạy của NKHR giải thích : "Người Hàn Quốc khó phân biệt được giữa chế độ Bắc Triều Tiên với người dân, và càng tỏ ra thù địch hơn mỗi lần Bình Nhưỡng cho bắn hỏa tiễn". Mẹ ruột của Hun thường xuyên khóc khi đi làm về, vì bị các đồng nghiệp là nhân viên chạy bàn cáo buộc "lấy cắp" thức ăn mà khách bỏ lại, trong khi họ cũng làm y như vậy. Nếu không thù ghét, thì người Hàn Quốc cũng tỏ ra dửng dưng, hay không quan tâm đến mục tiêu thống nhất đất nước, nhất là thế hệ trẻ.

Dean Ouellette, giám đốc đối ngoại của trường đại học Kyungnam ghi nhận : "Việc giới trẻ không quan tâm đến quan hệ liên Triều là rất rõ. Đó là một trong những thách thức chính của chính phủ Moon Jae In". Chỉ có truyền hình thực tế và một số chương trình được theo dõi nhiều như "Now On My Way to Meet You" hay "Good Life" là đóng góp được vào việc phổ biến số phận người tị nạn, giúp họ không còn là đối tượng hiếu kỳ.

Kang Hun thì không cảm thấy bị kỳ thị, dù vậy anh cũng thích chơi với các bạn Bắc Triều Tiên hơn. Yuna Chu nói : "Rào cản văn hóa rất quan trọng. Họ không có những sở thích chung, và khó thể tham gia thảo luận". Hiệp hội tổ chức các kỳ thực tập để cố lấp đầy khoảng cách văn hóa này.

Các thanh niên tị nạn được miễn thi vào đại học, chính quyền dành cho họ những chỗ trong các trường danh giá nhất Seoul. Nhưng tỉ lệ sinh viên bỏ học cao, cũng như những ca trầm cảm. Tỉ lệ tự tử khá cao trong số những người tị nạn : cứ bảy ca tử vong thì có một trường hợp tự sát.

Young Ja-kim nói : "Những người tị nạn trẻ tuổi thường bị đa chấn thương. Họ sống trong một xã hội mà mỗi người buộc lòng phải che giấu cảm xúc thật, nhưng những xúc cảm ấy lại trỗi dậy ở đây, đôi khi trở thành ung thư hay thái độ bất thường. Một số từng chứng kiến những vụ hành quyết công khai, số khác phải bán dâm trong các trại cải tạo, nhưng họ không nói ra. Nhiều người bị kích động khi nghe tiếng còi hụ, vì tại Trung Quốc, họ phải chạy trốn công an truy lùng. Chúng tôi gặp trường hợp một thanh niên khẳng định muốn giết tất cả mọi người khi cảm thấy bị stress, và biết được rằng anh này đã bị một người lính Việt Nam chĩa súng vào người trong lúc chạy trốn".

Việc chăm sóc những người này rất tế nhị. Bà Young nhìn nhận : "Họ sợ bị coi là người mắc bệnh tâm thần, và nếu nhập viện họ sẽ bị mất đi nguồn thu nhập ít ỏi, không thể gởi tiền về cho thân nhân còn ở Bắc Triều Tiên".

Hun để lại bạn bè và ông bà ở bên ấy, vì "quá già không thể đi xa". Về mặt chính thức thì Bình Nhưỡng coi anh và gia đình đang ở Trung Quốc – một điều tạm chấp nhận được đối với chế độ, còn nếu biết anh ở Hàn Quốc thì sẽ không nương tay. Hai năm rưỡi sau khi đến Seoul, anh công khai chỉ trích Kim Jong-un, nhưng cũng không giấu giếm sự ngờ vực đối với quy trình dân chủ. "Tôi luôn ngạc nhiên trước thói quen biểu tình ở đây. Tôi cảm thấy những người biểu tình thiếu tôn trọng lực lượng an ninh. Nếu là ở Bắc Triều Tiên, thì họ đã bị bắn hạ tại chỗ".

Người thanh niên cũng chẳng hoan nghênh chủ trương cởi mở với Bắc Triều Tiên của tân tổng thống Moon Jae In. Nhưng anh rất muốn được nhận vào trung tâm quốc gia dành cho các nhà ngoại giao ở Seoul, như một cách cảm ơn vị đại sứ Hàn Quốc đã giúp anh đào thoát. Hun mỉm cười : "Ông ấy hứa rằng nếu tôi trở thành một nhà ngoại giao, ông sẽ mời tôi ăn tối".

Thụy My

******************

Trung Quốc : Bị tù bốn năm rưỡi vì viết hồi ký về Thiên An Môn (RFI, 07/07/2017)

Một nhà tranh đấu Trung Quốc hôm 07/07/2017 bị kết án bốn năm rưỡi tù giam vì những bài viết nói về vụ đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989, một đề tài cấm kỵ tại Trung Quốc.

lam2

Ông Lưu Thiếu Minh (Liu Shaoming).@amnesty international

Ông Lưu Thiếu Minh (Liu Shaoming), nguyên là công nhân nhà máy, bị bắt giam từ tháng 05/2015 sau khi viết hồi ký kể về những trải nghiệm của mình trong các cuộc biểu tình Thiên An Môn, trên một trang web thông tin tiếng Hoa đặt tại Mỹ. Hôm nay ông bị tòa án Quảng Đông kết án bốn năm rưỡi tù giam.

Luật sư của ông là Ngô Khôi Minh (Wu Kuiming) nói với AFP : "Ông Lưu Thiếu Minh bị cáo buộc tội "xúi giục nổi dậy". Bằng cớ được trưng ra là những bài đăng trên mạng mà ông đã viết ra để nhắc nhở đến sự kiện Thiên An Môn". Được biết nhà hoạt động này sẽ kháng cáo.

Bắc Kinh luôn muốn bóp nghẹt mọi cuộc tranh luận về vụ thảm sát các sinh viên biểu tình đòi dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989, thường xuyên quản thúc hoặc bỏ tù các nhà đấu tranh.

Phong trào dân chủ do giới sinh viên khởi xướng năm 1989 với mục tiêu chống tham nhũng và đòi hỏi mở rộng các quyền dân chủ, đã kéo dài suốt một tháng rưỡi trên quảng trường Thiên An Môn. Chính quyền Trung Quốc huy động quân đội dùng vũ lực để đàn áp dã man người biểu tình, làm hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người thiệt mạng. Vào thời điểm đó, ông Lưu Thiếu Minh đã đến thủ đô Bắc Kinh để tham gia các cuộc biểu tình.

Ông William Nee, nhà nghiên cứu thuộc Amnesty International nhận định : "Đó là một tù nhân lương tâm, cần phải được trả tự do ngay lập tức. Việc ông Lưu Thiếu Minh thực hiện quyền tự do ngôn luận theo pháp luật lại là cáo buộc duy nhất đối với ông".

Thụy My

Published in Châu Á

Donald Trump và Vladimir Putin : đồng cân nhưng không đồng lượng

Căng thẳng tột độ tại G20. Donald Trump-Vladimir Putin, cuộc diện kiến bốc lửa. Tổng thống Mỹ dọa "trả đũa" Bắc Triều Tiên trước giờ gặp chủ tịch Trung Quốc. Nhật-Châu Âu đạt đồng thuận tự do hóa mậu dịch. Chiến lược "tất cả cho năng lượng sạch" của Pháp là một số chủ đề trên báo Pháp ngày 07/07/2017.

putintrump1

Ảnh ghép : Tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống Mỹ Donald Trump. REUTERS

"Putin ở thế mạnh"

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục chiếm trung tâm điểm thời sự quốc tế trong khuôn khổ G20 tại Hambourg, Đức Quốc, mà nóng bỏng nhất là cuộc gặp lần đầu tiên với tổng thống Nga Vladimir Putin. Căng thẳng vì "nếu không thành công thì Donald Trump bị chê là không có tài thương lượng, nhưng nếu đạt được thỏa hiệp nào đó thì chủ nhân Nhà Trắng sẽ bị lên án phản bội quyền lợi nước Mỹ". Đó là nhận định của Iouri Rogoulev, chuyên gia Nga đại học nhà nước MGU ở Moskva với Le Figaro, trong bài "Putin ở thế mạnh".

Cũng cùng nhận định "cuộc gặp đầu tiên trong căng thẳng tột độ", nhà báo Philippe Gélie của Le Figaro cảnh báo : sau khi biểu dương tình thân hữu với "hồn Châu Âu" tại Warsawa, tổng thống Mỹ đến khu mìn bẫy tại Hambourg.

Cuộc thảo luận giữa Donald Trump và Tập Cận Bình được Le Figaro dự báo là "bế tắc" : Mỹ không chấp thuận đề nghị có qua có lại của Bắc Kinh : Bình Nhưỡng ngưng thử tên lửa và hạt nhân, Mỹ và Hàn Quốc ngưng tập trận. Theo chuyên gia Even Medeiros của Eurogroup, Washington không quan tâm đến đề nghị này. Trong sáu tháng tới, Mỹ sẽ tăng cường áp lực lên Bình Nhưỡng. Hồi mùa xuân năm nay, khi tiếp Tập Cận Bình ở Mar-al-Lago, Florida, Donald Trump đã quạt một cơn gió lạnh trong lúc ăn tráng miệng bằng một tràng Tomahawk vào Syria. Chủ tịch Trung Quốc ngồi tĩnh lặng. Lần này, viễn cảnh Mỹ oanh kích Bắc Triều Tiên, sát cạnh Trung Quốc, sẽ làm cho bầu không khí nặng nề thêm và chắc chắn Tập Cận Bình sẽ không im lặng.

Bên cạnh những cuộc thảo luận bên lề với thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đây là lần đầu tiên Donald Trump gặp Vladimir Putin trong bối cảnh xung khắc nặng nề. Cả hai đều có cùng tâm tính vũ phu và tự phụ. Tuy gần đây, sau khi oanh kích Syria, Trump cho là mối quan hệ với Nga đã xuống thấp đến mức lịch sử, ông vẫn tiếp tục ngưỡng mộ Putin và muốn hợp tác thay vì đối đầu với Nga, và thất bại, như ba vị tiền nhiệm.

Vấn đề là tổng thống Trump đang bị một cuộc điều tra liên bang nghi ngờ "thông đồng" với điện Kremlin nên ông ít nhiều bị trói tay. Tổng thống Mỹ không thể tuyên bố "Nga là bạn còn kẻ thù là báo chí, là công luận".

Giúp Donald Trump tránh sơ hở ở G20

Giới chức Mỹ xem "tâm lý thích làm bạn với Putin" của Donald Trump là dấu hiệu của sự yếu đuối cộng với nhược điểm không nắm vững hồ sơ và thích được tán dương, tổng thống Mỹ sẽ sụp bẫy một cách dễ dàng một nhân vật đa mưu túc trí như Putin. Do vậy, chính quyền Mỹ chuẩn bị cho cuộc hội kiến Trump-Putin thật kỹ càng : một tập hồ sơ "dầy cộm" phân tích từng điểm tâm lý của cựu điệp viên KGB, do tình báo Mỹ cung cấp.

Nhiều chuyên gia Mỹ, cựu viên chức trong Bộ ngoại giao và quốc phòng như John Herbst và Evelyn Farkas lo ngại tổng thống Trump sẽ bị Putin đánh lừa bằng những luận điểm trấn an nào là "nước Nga không phải là mối đe dọa" nào là "NATO không quan trọng". Đề phòng mọi tình huống, bà Fiona Hill, một nữ chuyên gia Mỹ đặc trách hồ sơ nước Nga trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, tháp tùng phái đoàn tổng thống với nhiệm vụ mỗi ngày thuyết trình cho vị tổng thống có tiếng thích nghe nhưng lười đọc.

Lời tuyên bố hôm thứ Năm tại Ba Lan lên án "thái độ gây bất ổn định" của Moskva được xem là đáng khích lệ. Quốc Hội Mỹ đang chờ lãnh đạo hành pháp nói thẳng với Putin về chuyện Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ .

Bên cạnh đó, Nga-Mỹ còn nhiều điểm nóng khác từ Ukraine cho đến Syria nơi mà nguy cơ chạm trán trực diện trên không đang đe dọa và cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên, Putin bắt tay ủng hộ Tập Cận Bình.

Theo Le Figaro, sau nhiều tháng lời qua tiếng lại trên các hồ sơ nóng bỏng, G20 là cơ hội để hai tổng thống Mỹ và Nga trực tiếp đọ sức.

Le Monde trong bài "Giờ sự thật giữa Trump và Putin" cũng lưu ý tổng thống Mỹ không đơn độc hội kiến tay đôi với tổng thống Nga mà được một phái đoàn bao bọc. Câu hỏi đặt ra là liệu Donald Trump có nêu lên hồ sơ gây bất hoà là chuyện Nga nhúng tay vào bầu cử Mỹ năm 2016 ? Đó cũng là câu hỏi của nhật báo công giáo La Croix.

JEFTA : Bruxelles cám ơn Donald Trump

Trong lĩnh vực thương mại, Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản đạt thỏa thuận nguyên tắc về mậu dịch tự do JEFTA hôm 06/07/2017 là thông tin được Le MondeLa Croix phân tích sâu rộng.

Theo Le Monde, Bruxelles, muốn xây dựng một hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản để chứng minh với thế giới, trước tiên là với nước Mỹ của Donald Trump, là Liên Hiệp Châu Âu từ chối chính sách bảo hộ mậu dịch và tiếp tục theo con đường tự do thương mại. Chính động lực chính trị và địa chính trị đã làm tăng tốc tiến trình đàm phán bắt đầu từ năm 2013.

Tokyo, thất vọng vì lập trường của Donald Trump đơn phương bỏ Hiệp định TPP, vội vàng tăng tốc ngả theo Châu Âu với Hiệp Định JEFTA.

Nhật báo công giáo chú ý đến những nhượng bộ đôi bên : thỏa thuận nguyên tắc là cơ sở của một hiệp định chiến lược thương mại tương lai giữa hai đại cường kinh tế, giảm hàng rào thuế quan bao trùm đến 99% trao đổi song phương.

Libération cũng nhập trận với nhận định : khi chọn thời điểm một ngày trước khi G20 khai mạc để thông báo thỏa thuận mậu dịch tự do JEFTA , Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản gửi thông điệp thách thức Donald Trump. Một nhà ngoại giao Châu Âu "cám ơn" tổng thống Mỹ, nhờ chính sách "nước Mỹ trên hết" mà Bruxelles và Tokyo đạt được thỏa thuận chiến lược JAFTA. Tháng 11/2016, một ngày sau khi có kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, thủ tướng Shinzo Abe đã bắn tin với Bruxelles là Nhật Bản muốn khẩn cấp đạt thỏa thuận mậu dịch tự do với bạn hàng thứ ba, chấp nhận điều chỉnh một số tiêu chuẩn sao cho hài hoà với Châu Âu, nhất là trong ngành xe hơi.

Ukraine : tượng Lênin lăn lóc

Nhật báo Libération cánh tả - đưa độc giả sang hai vùng đất nóng, nóng vì chiến tranh : Ukraine và Iraq.

Trong số đặc biệt về Lênin, phóng viên ảnh Niels Ackermann đi khắp cùng đất nước Ukraine kể cả ở vùng Donbas, trong vòng ba năm, mang về cho độc giả những tấm ảnh chụp các bức tượng của Lênin bị hạ bệ, rỉ sét, bị vất bỏ đó đây. Những bức tượng này vừa là biểu tượng của một thời Liên Xô sụp đổ vừa là biểu tượng của bàn tay can thiệp của Nga vào Ukraine.

Mosul : có một thiên đường sau địa ngục

Cũng với hình ảnh, phóng sự, các đặc phái viên của Libération đưa về từ trận Mosul. Một thanh niên Iraq mô tả tình hình mỗi ngày mỗi sáng sủa. Tuy đầu óc của anh "căng cứng"nhưng hạnh phúc được sống và thoát nạn "như từ địa ngục về đến thiên đường".

Quân đội càng tiến gần tuyến phòng thủ sau cùng của Daech, giao tranh càng dữ dội. Từng đàn trẻ con kêu khóc, phụ nữ vật vã, đàn ông thất thần là khung cảnh thấy hàng ngày. Mỗi sáng, khi thấy quân đội tiến đến, mọi người ra đường tay xách nách mang, bồng bế, dìu dắt thân nhân bị thương đi ngược lại để được cứu trợ.

Trong khi đó, Le MondeLa Croix nhấn mạnh đến cuộc khủng hoảng tại vùng Vịnh : Qatar bác tối hậu thư của các anh em thù địch. La Croix tìm hiểu thêm vì sao Thổ Nhĩ Kỳ không bỏ rơi Qatar. Les Echos chú ý đến khủng hoảng tại Nam Mỹ : Venezuela lún sâu vào vòng bạo lực. Phe tổng thống Maduro tấn công vào Quốc Hội. Một triệu người đã chạy sang Colombia lánh nạn.

Pháp : thời của "cán bộ khung", của chuyên viên giỏi …

Thời sự không phải chỉ có chiến tranh và xung đột. Les EchosLe Figaro cùng đưa hai tin phấn khởi : Tuyển dụng nhân viên có khả năng chuyên môn đạt kỷ lục. 215 000 trong năm nay tăng hơn 5% so với năm 2016. Dự kiến 237 000 cho năm tới 2019. Trên đây là số liệu cho Hiệp Hội Việc Làm của Chuyên Viên Apec loan báo.

Theo Le Figaro, không khí lạc quan có được là nhờ kinh tế tăng trưởng tốt và lãnh vực dịch vụ phát triển mạnh.

Les Echos cho biết mọi ngành nghề từ xây dựng cho đến vi tính đều phất lên. Nhưng điều này cũng bắt đầu gây tác dụng ngược, là mặt trái của chiếc huy chương : nhiều công ty không tìm ra được chuyên viên trong các ngành điện toán, nghiên cứu mà kể cả trong lãnh vực dịch vụ thương mại cũng thiếu.

Hệ quả tích cực là nhiều chủ nhân quay sang tuyển chọn các sinh viên mới ra trường hoặc những người sắp đến tuổi về hưu, thành phần bị xao lãng mỗi khi kinh tế bị khó khăn.

…và năng lượng sạch

Hồ sơ môi trường khí hậu nổi cộm với kế hoạch gây "sốc" của bộ trưởng Môi Trường Nicolas Hulot thông báo hôm thứ Năm : Hulot muốn dẹp xe chạy xăng và dầu cặn. Chương trình hành động lâu dài cải cách năng lượng từ nay đến năm 2040, Les Echos ghi nhận.

Trong khi đó, Le Figaro đặt nghi vấn : liệu kế hoạch không dùng xăng dầu có thực tế hay không ? Bộ trưởng Pháp táo bạo nhưng giới kỹ nghệ gia tuyên bố sẵn sàng ủng hộ, chấp nhận thử thách.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Donald Trump bế tắc

Châu Âu không tìm được giải pháp trước làn sóng thuyền nhân vào Ý, thượng đỉnh khối G20 tại Hamburg đầy bất trắc và nguy cơ khủng hoảng Bắc Triều Tiên vượt tầm kiểm soát là một số chủ đề thời sự chính trên báo Pháp ngày 06/07/2017. Về khủng hoảng Bắc Triều Tiên, Le Monde có bài phân tích "Trump bế tắc trong vấn đề Bắc Triều Tiên".

hatnhan1

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tự hào sau vụ thử tên lửa liên lục địa ngày 04/07/2017. KCNA/via REUTERS

Trong cuộc điện đàm ngày thứ Hai 03/07, tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc có cùng một nhận định chung, đó là quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang xấu đi. Donald Trump đe dọa sẽ hành động đơn phương trong "hồ sơ Bắc Triều Tiên gai góc" không cần đến Trung Quốc. Chỉ 24 giờ sau đó, Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công hỏa tiễn xuyên lục địa đầu tiên, có thể bắn đến Mỹ. Ngày tiếp theo, Hoa Kỳ tỏ ra cứng rắn hơn với cuộc tập trận chung trên biển cùng Hàn Quốc, một loạt tên lửa được phóng cùng với những lời đe dọa.

Hy vọng dùng Trung Quốc để giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên của tổng thống Mỹ đã không mang lại kết quả. "Tuần trăng mật" ngắn ngủi giữa Washington và Bắc Kinh, mở đầu với chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tại tư dinh của tổng thống Mỹ ở Florida, hồi tháng 4/2017, dường như đã kết thúc. Cuộc gặp dự kiến giữa Trump và Tập tại thượng đỉnh G20 ở Hamburg cuối tuần này chắc chắn "sẽ lạnh nhạt hơn nhiều" so với cuộc gặp lần trước.

Theo Le Monde, chủ trương của tổng thống Trump cho đến nay là gắn liền triển vọng của quan hệ Mỹ-Trung với việc giải quyết hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, về phía Trung Quốc, những tiến triển trong vấn đề này sẽ không thể nhanh chóng. Nói một cách khác, Washington sẽ khó có thể trông cậy ở Bắc Kinh.

Các giải pháp thu hẹp

Theo cựu bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ William Perry, vụ bắn thử tên lửa xuyên lục địa vừa qua làm thay đổi "mọi tính toán", thu hẹp các giải pháp của Hoa Kỳ trong vấn đề này.

Cựu bộ trưởng Perry là người từng chủ trương đánh phủ đầu để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Năm 2006, ông ủng hộ việc tấn công trực tiếp để phá hủy các hỏa tiễn ngay trên bệ phóng. Tuy nhiên, mới đây cựu lãnh đạo quốc phòng Mỹ cũng thừa nhận là ý tưởng này đã lạc hậu, bởi hiện tại Bình Nhưỡng đã phát triển được một hệ thống "quá đa dạng", khiến chiến thuật này bị vô hiệu hóa.

Cũng trong bài phân tích nói trên, Le Monde chỉ ra tính mơ hồ trong chiến lược của Donald Trump. Khác với tổng thống George W. Bush hồi 2006, sau vụ Bắc Triều Tiên thử hạt nhân lần đầu tiên, đã đặt ra một "lằn ranh đỏ". Đó là Bình Nhưỡng sẽ phải chịu "hoàn toàn trách nhiệm" nếu chia sẻ công nghệ hạt nhân với một quốc gia hay một tổ chức khủng bố. Còn đối với Donald Trump, đã không có một lằn ranh đỏ rõ ràng. Trong một tweet tung ra hồi đầu năm, ông Trump chỉ tuyên bố chung chung là Bắc Triều Tiên sẽ không thể có được tên lửa tấn công Hoa Kỳ.

Quan điểm của Bình Nhưỡng

Về phía Bình Nhưỡng, hồi tháng trước, đại diện của Bắc Triều Tiên tại Pháp, ông Kim Jong-il, nhắc lại quan điểm của Bắc Triều Tiên là muốn đàm phán trực tiếp với Mỹ và Bình Nhưỡng sẽ ngưng chương trình hạt nhân, đổi lại Mỹ ngưng tập trận tại khu vực bán đảo Triều Tiên. Đây cũng là một đề nghị mà Trung Quốc đưa ra từ lâu. Trong thượng đỉnh Nga-Trung hôm 04/07, tổng thống Nga Putin cũng ủng hộ quan điểm này.

Tổng thống Mỹ không có chiến lược đối phó

Vẫn về khủng hoảng Bắc Triều Tiên, Le Figaro có bài "Bắc Triều Tiên : Trump tìm cách trả đũa" và nhận xét : "Các tweet của Donald Trump có thể hiệu quả khi đả phá truyền thông, nhưng sẽ không giúp gì trong các khủng hoảng quốc tế".

Theo Le Figaro, tổng thống Mỹ tới Hamburg dự thượng đỉnh G20, đã không hề có chiến lược nào để đối phó với thách thức khẩn cấp Bắc Triều Tiên. Trước khi lên máy bay, ông Trump chỉ nói : "Chúng tôi sẽ lo liệu ổn thỏa".

Tối hôm 05/07, tại Hội Đồng Bảo An, Hoa Kỳ được sự ủng hộ của Pháp cho biết sẽ đệ trình một dự thảo nghị quyết đề nghị gia tăng trừng phạt Bình Nhưỡng, trong những ngày tới. Tuy nhiên Moskva phản đối các trừng phạt mới và không chấp nhận biện pháp quân sự.

Về khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, Les Echos phỏng vấn ông Scott Snyder, thuộc Council on Foreign Relations (CFR), một tổ chức tư vấn Mỹ có nhiều ảnh hưởng. Chuyên gia về Triều Tiên này thừa nhận chính quyền Mỹ không có một chiến lược thực sự trong giai đoạn hiện tại.

Ông dự báo vụ thử hỏa tiễn xuyên lục địa, có thể tấn công nước Mỹ, sẽ dấy lên tranh luận dữ dội tại Hoa Kỳ. Chuyên gia CFR vẫn đặt hy vọng vào việc quốc tế gia tăng áp lực và trừng phạt Bình Nhưỡng, đồng thời sẵn sàng cho khả năng can thiệp quân sự.

G20 : Hamburg, thành phố "bị phong tỏa"

Trở lại thành phố cảng Hamburg, nơi sẽ khai mạc thượng đỉnh G20 ngày mai. Theo Le Figaro, Hamburg có dáng dấp của một thành phố "bị phong tỏa". Phong trào tranh đấu chống "chủ nghĩa tư bản" muốn biến Hamburg thành một đấu trường.

Khoảng 20.000 cảnh sát đã được huy động để bảo vệ an ninh, trong lúc khoảng 8.000 người tranh đấu bạo động dự kiến sẽ có mặt. Việc lựa chọn tổ chức G20 tại trung tâm một thành phố bị phê phán. Kể từ thượng đỉnh G8 năm 2001, G20 luôn được tổ chức tại các vùng ngoại vi. Trong dịp G8 tại thành phố Genes, Ý, bạo động diễn ra trong ba ngày, khiến một người chết và 600 người bị thương.

Đức tỏ ra thắm thiết với Trung Quốc

Bài "Merkel ca tụng tình hữu nghị Đức-Trung trước thềm G20" trên Le Figaro giới thiệu việc Angela Merkel-Tập Cận Bình đến thăm hai gấu trúc tại vườn thú Berlin. Hai gấu trúc mà Bắc Kinh mới cho Đức mượn, với hợp đồng 15 năm, được thủ tướng Đức gọi là "hai nhà ngoại giao dễ thương". Hôm qua, Đức và Trung Quốc ký nhiều hợp đồng, trị giá khoảng 2,8 tỉ đô la.

Theo Le Figaro, thủ tướng Đức muốn gửi đến tổng thống Mỹ "một thông điệp", khi dàn cảnh quan hệ nồng ấm với Trung Quốc.

Sau cuộc gặp chủ tịch Trung Quốc, bà Angela Merkel tỏ ra không mấy hy vọng vào "một đồng thuận" tại G20. Bà nói : "Tôi hy vọng là chúng ta có thể vượt qua một số trở ngại, cho dù tôi chưa hình dung được kết quả cuối cùng sẽ là gì". Trong thượng đỉnh G7 hồi tháng 5, thủ tướng Đức đã thừa nhận nhiều bất đồng với chính quyền Donald Trump, đặc biệt trong vấn đề khí hậu, hay cuộc chiến chống chủ nghĩa bảo hộ của Washington, để bảo vệ trước hết ngành sản xuất thép.

Thỏa thuận Âu - Nhật trước G20 : Tín hiệu mạnh với Donald Trump

Ngay trước thềm thượng đỉnh G20, Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản dự kiến ký kết thỏa thuận "về nguyên tắc" đối với Hiệp định tự do thương mại song phương (JEFTA), dự kiến sẽ mang lại thêm 0,76% GDP cho Châu Âu. Bài "Thương mại : việc Mỹ co lại thúc đẩy Tokyo và Bruxelles xích gần nhau" trên Les Echos tin tưởng là thỏa thuận sẽ được ký kết, các thỏa hiệp đã được đúc kết trong hai lĩnh vực chủ chốt là công nghiệp thực phẩm và xe hơi.

Theo Le Monde, Ủy Ban Châu Âu đã cố tình lựa chọn ngày 06/07, ngay trước thềm G20, như để biểu thị thái độ mạnh mẽ chống lại tổng thống Mỹ, "người theo chủ nghĩa bảo hộ".

Bài "CETA, TAFTA, JEFTA !" của Le Monde nhận xét Hiệp định thương mại giữa Liên Âu và Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, cho đến nay rất ít được các tổ chức phi chính phủ, truyền thông và chính giới chú ý, trong khi các hiệp định với Hoa Kỳ (TAFTA) và Canada (CETA) lại khiến mọi người "sôi sục".

Mới đây, ngày 23/06, tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace mới để lộ ra 200 trang tài liệu về các thương thuyết liên quan đến Hiệp định tương lai. Tuy nhiên, các thông tin này cũng không được truyền thông hồ hởi đón nhận.

Le Monde bảo vệ Ủy Ban Châu Âu trước cáo buộc đã che giấu các đàm phán với Nhật, khởi sự từ năm 2013. Theo tờ báo, nhiều tài liệu quan trọng đã được định chế này công bố. Tuy nhiên, vấn đề là Liên Âu đã không rút ra được bài học về thất bại của TAFTA, không chỉ do phía Mỹ, mà còn do công luận nhiều nước ngày càng ngờ vực.

Le Monde đặt câu hỏi : Tại sao Nghị Viện Châu Âu chưa có chương trình thảo luận tại phiên toàn thể về hiệp định quan trọng này, trong khi Ủy Ban dường như đang vội vã xúc tiến các đàm phán với Tokyo ?

Trong khi đó, báo Libération có bài phân tích dài giới thiệu về thỏa thuận thương mại "rất được giữ kín" giữa Liên Âu và Nhật Bản. Tờ báo dẫn lại quan điểm của Greenpeace, theo đó "các vấn đề môi trường ít được nêu ra".

Greenpeace đặc biệt lên án nạn nhập khẩu gỗ lậu vào Nhật. Theo một báo cáo của Cơ Quan Điều Tra Môi Trường EIA (6/2016), Nhật là thị trường nhập gỗ lậu lớn nhất thế giới.

Làn sóng vượt biển vào Ý : SOS !

Làn sóng vượt biển vào Châu Âu qua ngả nước Ý khiến ít nhất 2.200 người thiệt mạng là chủ đề trang nhất của Libération, với hình ảnh thi thể người trôi trên mặt biển. Tờ báo thiên tả chất vấn : "Người di cư : Ai sẽ chịu trách nhiệm. Liệu Liên Âu vẫn sẽ thúc thủ ? Con đường qua bán đảo Balkan đã bị cắt, dòng người di cư giờ đây chọn ngả Libya hỗn loạn… Chính quyền Ý kêu gọi sự hỗ trợ của các đối tác, nhưng đa số đều giả điếc".

Theo Libération, chắc chắn là không có giải pháp triệt để, nhưng nếu có thiện chí cải thiện tình hình, thì có nhiều cách. Ví dụ như việc phân bổ lượng người tiếp nhận một cách hợp lý, tăng cường các phương tiện cấp cứu, kiểm soát…

Pháp : Cuộc cải cách "không vội vã"

Trở lại nước Pháp, chủ đề chính của Le Monde là chính sách của thủ tướng Pháp Edouard Philippe, được công bố trước Quốc Hội hôm thứ Ba, 04/07, với hồ sơ trang nhất : "Dự án của Philippe nhằm đưa xã hội Pháp thoát khỏi bế tắc". Các lĩnh vực chủ yếu được nêu ra là việc làm, nhà ở, giáo dục hay công nghệ. Để không gây sốc cho dân Pháp, thủ tướng Pháp lưu ý "Chúng ta sẽ tiến lên, nhưng không vội vã". Các cam kết giảm thuế sẽ được đẩy lùi lại, để không làm ảnh hưởng đến mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách công, với quyết tâm rút xuống dưới mức 3% GDP trong nhiệm kỳ năm năm.

Về chủ đề này, Le Monde có bài xã luận "Con đường hẹp của thủ tướng", nhấn mạnh đến việc tổ chức của giới chủ Medef bất bình về việc hoãn giảm thuế, trong lúc công đoàn CGT lên án chính sách "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ. Theo Le Monde, "chỉ một bước đi sai (của chính phủ) cũng có thể làm núi lửa thức dậy".

Pháp : Simone Veil yên nghỉ cùng chồng tại Panthéon

Vẫn về nước Pháp chính quyền Pháp tổ chức nghi lễ trọng thể đưa chính trị gia, Simone Veil, vào điện Panthéon, nơi chôn cất những tên tuổi lớn của nước Pháp. Nhà tranh đấu cho nữ quyền, nổi tiếng với việc hợp pháp hóa quyền phá thai của phụ nữ Pháp, sẽ mãi mãi yên nghỉ nơi đây cùng chồng. Quyết định được tổng thống Pháp đưa ra, sau khi thỏa thuận với gia đình.

Le Figaro nói đến mối tình thắm thiết 65 năm của Simone Veil và người chồng, ông Antoine, chính là nguồn gốc của quyết định "hiếm có".

Tham dự nghi thức long trọng này có hầu hết các lãnh đạo chính trị Pháp, hai cựu tổng thống Nicolas Sarkozy và François Hollande, "ít nhất" tám cựu thủ tướng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ca ngợi các "cuộc chiến" thường trong đơn độc của Simone Veil, vì nhân quyền. Ông Macron cảnh báo là những chiến thắng của Simone Veil không phải là những thành quả "vĩnh viễn", "rất nhiều nơi trên thế giới, kể cả Châu Âu, các quyền tự do đang bị đe dọa".

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Nga - Trung hợp lực đối đầu với Mỹ (RFI, 04/07/2017)

Trước khi đặt chân đến Moskva ngày 03/07/2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dành cho thông tấn xã Nga Itar-Tass một cuộc phỏng vấn, trong đó ông tập trung nói về hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD mà Hoa Kỳ triển khai ở Hàn Quốc, vì ông biết đây là hồ sơ mà tổng thống Nga Vladimir Putin cũng rất quan ngại.

ngatrung1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) bắt tay chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại điện Kremlin, Moskva, ngày 04/07/2017. REUTERS/Sergei Ilnitsky/Pool

Đối với lãnh đạo họ Tập, việc triển khai THAAD đang "làm rối loạn thế cân bằng chiến lược trong khu vực" và "đe dọa đến lợi ích an ninh của toàn bộ các quốc gia trong vùng, trong đó có Trung Quốc và Nga". Đây cũng là lập luận mà hai lãnh đạo Nga-Trung nhắc lại trong cuộc gặp không chính thức ngày 03/07, theo tin của Tân Hoa Xã.

Trên hồ sơ Bắc Triều Tiên cũng vậy, trái ngược với thái độ cứng rắn của tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Tập Cận Bình và ông Vladimir Putin chủ trương nên "đối thoại và thương lượng" với chế độ Bình Nhưỡng.

Cuộc gặp tại Moskva lần này là cuộc gặp thứ ba giữa chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Vladimir Putin chỉ riêng trong năm 2017. Cách đây chưa đầy một tháng, ngày 08/06, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại thủ đô Astana của Kazakhstan, bên lề thượng đỉnh Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải. Trước đó, vào tháng 5, ông Tập Cận Bình đã tiếp ông Vladimir Putin nhân diễn đàn "Một vành đai, Một con đường" tại Bắc Kinh, với sự tham dự của hàng chục nguyên thủ quốc gia. Tính từ khi lãnh đạo họ Tập lên nắm quyền năm 2013, trước cuộc họp thượng đỉnh hôm 04/07, hai ông đã gặp nhau tổng cộng 22 lần.

Thượng đỉnh Nga-Trung lần này diễn ra bối cảnh quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh có phần nào căng thẳng, đặc biệt là do vấn đề Biển Đông sau khi Hoa Kỳ điều một chiến hạm đến gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa ngày 02/07, khiến Trung Quốc tức giận, lên án Mỹ "khiêu khích quân sự và chính trị một cách nghiêm trọng".

Khi nói chuyện với tổng thống Donald Trump qua điện thoại hôm qua, chủ tịch Tập Cận Bình đã bày tỏ quan ngại là quan hệ Mỹ-Trung đang bị "một số yếu tố tiêu cực" gây cản trở, theo tin của đài truyền hình Trung Quốc CCTV.

Đúng là ngoài Biển Đông, Bắc Kinh còn bực tức về việc chính phủ Mỹ vào tuần trước thông qua hợp đồng bán vũ khí trị giá tổng cộng 1,4 tỷ đôla cho Đài Loan. Ấy là chưa kể việc cuối tháng trước chính quyền Mỹ ban hành trừng phạt đối với hai công dân Trung Quốc và một công ty Trung Quốc, bị xem là đã giúp chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh cũng rất bực mình vì cứ bị tổng thống Trump chỉ trích là đã không có nỗ lực đầy đủ trong việc ngăn chận tham vọng hạt nhân và tên lửa của đồng minh Bình Nhưỡng.

Nhưng không chỉ về mặt địa chính trị, Bắc Kinh và Moskva thắt chặt quan hệ cũng là nhằm vào những lợi ích kinh tế. Hai thành viên quan trọng này của nhóm G20 dự trù ký một loạt hợp đồng trị giá nhiều tỷ đôla. Trao đổi mậu dịch của hai nước đã tăng 33% trong 5 tháng đầu năm nay, lên tới 32 tỷ đôla.

Như vậy, đã qua rồi thời kỳ tổng thống Mỹ Richard Nixon cùng với ngoại trưởng Henry Kissinger khai thác thế đối địch Trung Quốc-Liên Xô để dùng nước này chống nước kia. Nay hai cựu đối thủ thời chiến tranh lạnh có vẻ như đang hợp lực với nhau để đối đầu với Hoa Kỳ và việc bày tỏ thái độ chống hệ thống lá chắn chống tên lửa ở Hàn Quốc chỉ là một trong những biểu hiện của sự thay đổi đó trong quan hệ giữa ba cường quốc.

Thanh Phương

************************

Thượng đỉnh Nga-Trung với trọng tâm là Bắc Triều Tiên và thương mại (RFI, 04/07/2017)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva ngày 04/07/2017, với trọng tâm là hồ sơ Bắc Triều Tiên và thương mại.

ngatrung2

Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại điện Kremlin, Moskva, Nga, ngày 03/07/2017. REUTERS/Sergei Chirikov/Pool

Ông Tập Cận Bình đã đến Moskva từ hôm qua, mở đầu chuyến viếng thăm nước Nga trong hai ngày. Hôm qua ông đã có cuộc gặp không chính thức với tổng thống Vladimir Putin trước cuộc họp thượng đỉnh chính thức hôm nay.

Điện Kremlin không cho biết chi tiết về nội dung cuộc gặp hôm qua, nhưng theo Tân Hoa Xã, về hồ sơ Bắc Triều Tiên, ngay trước khi Bình Nhưỡng loan báo thử nghiệm thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa hôm nay, hai lãnh đạo Nga- Trung đã kêu gọi "đối thoại và thương lượng".

Cũng theo Tân Hoa Xã, tổng thống Putin và chủ tịch Tập Cận Bình đã nhân dịp này chỉ trích việc triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc. Theo Seoul và Washington, hệ thống được cho là nhằm đối phó với hiểm họa Bắc Triều Tiên, nhưng Moskva và Bắc Kinh vẫn xem đây là mối đe dọa đối với an ninh của Nga và Trung Quốc.

Tuy căng thẳng Bắc Triều Tiên là đề tài thảo luận quan trọng giữa hai lãnh đạo Nga-Trung, mục đích chính của ông Tập Cận Bình khi đến Moskva lần này vẫn là phát triển quan hệ thương mại và ngoại giao giữa hai đồng minh.

Theo hãng tin AFP, nhân chuyến viếng thăm của lãnh đạo họ Tập, hai nước ký một loạt hiệp định trị giá nhiều tỷ đôla. Những hiệp định này thể hiện rõ hơn chính sách của Nga "xoay trục" sang phía đông, trong bối cảnh quan hệ giữa Nga với phía tây, tức là với Liên Hiệp Châu Âu, vẫn gặp nhiều trắc trở.

Trước khi đến Moskva, chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định quan hệ giữa Trung Quốc với Nga hiện "đang ở mức tốt nhất trong lịch sử".

Sau cuộc gặp gỡ hôm nay, hai lãnh đạo Nga-Trung sẽ gặp lại nhau tại cuộc họp thượng đỉnh nhóm G20 khai mạc ngày 07/07 tại Đức, với sự tham dự của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Đây sẽ là lần đầu tiên ông Putin gặp ông Trump.

Thanh Phương

Published in Quốc tế

Trong cuộc bầu cử cấp địa phương tại Campuchia vào đầu tháng Sáu năm 2017, Đảng Cứu nguy Dân tộc đối lập giành được nhiều thắng lợi, mặc dù Đảng đương quyền của Thủ tướng Hun Sen vẫn chiếm vị thế thượng phong.

kampu1

Thủ tướng Hun Sen tại biên giới Việt Nam-Campuchia, ở tỉnh Tboung Khmum ngày 21/06/17. AFP photo

Theo các nhà quan sát chính trị khu vực thì một tương lai cầm quyền tại Campuchia của Đảng Cứu nguy Dân tộc là chuyện có thể xảy ra.

Việt Nam phải ứng xử ra sao trong viễn cảnh đó ?

Quan hệ với các đảng phải chính trị

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, hiện đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore là người đầu tiên đặt vấn đề là Việt Nam nên có một mối quan hệ chính thức với đảng đối lập lớn nhất Campuchia hiện nay là Đảng Cứu nguy Dân tộc. Theo Tiến sĩ Hiệp, hiện Việt Nam chỉ có quan hệ với đảng Nhân dân Cách mạng của Thủ tướng Hun Sen (gọi tắt là CPP).

Chúng tôi đã liên lạc với Phòng Chính trị, Đại Sứ quán Việt Nam tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia để tìm hiểu về vấn đề này thì được trả lời rằng nơi đây không có nhiệm vụ trả lời những câu hỏi liên quan đến vấn đề được đặt ra.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ Việt Nam giải thích tại sao Việt Nam chỉ có mối quan hệ với đảng của Thủ tướng Hun Sen :

"Mối quan hệ giữa các đảng phái chính trị với Việt Nam có vấn đề lịch sử. Trong đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia, mà mọi người nói là đảng của ông Hun Sen, có mối quan hệ hết sức đặc biệt với Việt Nam, có gắn bó rất lâu dài, cho nên tất nhiên người ta cảm thấy có mối khăng khít hơn. Còn những đảng phái khác đối lập với đảng đó thì rõ ràng là có mối quan hệ không tốt đẹp".

Theo các tài liệu đã được công bố hiện nay thì ông Hun Sen đã từng đào thoát sang Việt Nam dưới thời chế độ diệt chủng Khmer Đỏ cai trị Campuchia. Sau đó ông cùng với quân đội Việt Nam trở lại Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng.

Ngày 21 tháng Sáu vừa qua, kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, ông Hun Sen đã thăm Việt Nam và ông đã thực hiện một chuyến đi mang tính biểu tượng rất cao, tái lập lại hành trình của ông xuyên qua biên giới hai nước vào năm 1977.

Giải thích nguyên do tại sao hiện nay Việt Nam không có kênh liên lạc chính thức với Đảng Cứu nguy Dân tộc, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp đưa ra ba lý do : thứ nhất là giữa Việt Nam và Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia chưa có sự tin cậy đầy đủ, thứ hai là có thể Việt Nam e ngại làm phật lòng Đảng Nhân dân Cách mạng đang nắm quyền, thứ ba là có thể Việt Nam thấy chưa cần thiết vì Đảng Nhân dân Cách mạng vẫn chiếm thế thượng phong về chính trị tại Campuchia.

Đứng trước khả năng Đảng Cứu nguy Dân tộc có thể nắm quyền ở nước láng giềng Campuchia, Tiến sĩ Trần Công Trục nói :

"Các chính khách, các nhà làm chính trị cần lưu ý điều này. Vì rõ ràng là mình không thể làm thay được nhân dân Campuchia. Nếu một đảng được nhân Campuchia ủng hộ mà trước đây không có quan hệ tốt đẹp với anh thì anh phải tìm cách thay đổi, tìm cách giữ mối quan hệ. Tất nhiên không phải là mối quan hệ mình áp đặt người ta, mà là bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, dù họ trong lịch sử có những vấn đề gây cấn hay mâu thuẫn. Tôi nghĩ những người lãnh đạo đất nước khôn ngoan, thì người ta sẽ tìm cách giữ mối quan hệ đảng, để rồi từ đó duy trì được mối quan hệ truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia".

Theo thông tin từ Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thì những sự thay đổi đã bắt đầu, vì trong một lần đến thủ đô Washington DC của Hoa Kỳ, ông Sam Rainsy, một lãnh tụ đối lập có tiếng ở Kampuchia thuộc đảng Cứu nguy dân tộc, dường như đã tiếp xúc với tòa đại sứ Việt Nam tại đây.

Vấn đề biên giới

kampu2

Thủ tướng Hun Sen bắt tay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Phnom Penh ngày 11/05/2017. AFP photo

Một trong những vấn đề gây mâu thuẫn giữa phía đối lập tại Campuchia và Việt Nam là vấn đề phân định biên giới giữa hai nước. Ông Sam Rainsy luôn cho rằng rằng trong quá trình phân định biên giới, Việt Nam đã lấn nhiều đất đai của Campuchia.

Tiến sĩ Trần Công Trục, người hiểu rõ vấn đề này nói với chúng tôi :

"Trong quá trình vận động bầu cử thì rõ ràng là đảng của ông Sam Rainsy dùng vấn đề biên giới để đả kích đảng CPP, mà trong đảng đó ông Hun Sen giữ vai trò quan trọng, để hạ uy tín. Đây cũng là một thủ thuật chính trị thôi. Ví dụ như bản đồ chẳng hạn, họ tìm cách đưa ra bản đồ nhưng không phải là bản đồ gốc, bị cạo sửa, không đúng. Cách đây một thời gian không lâu thì chính ông Sam Rainsy đã nói rằng thôi không nói chuyện biên giới nữa. Ví dụ như vậy. Tôi nghĩ đây là những thủ thuật của những nhà chính trị cạnh tranh nhau trong chính trường hết sức phức tạp của Campuchia".

Trong hai năm 2015, 2016 có xảy ra những xung đột nhỏ ở biên giới hai nước, trong đó những nghị sĩ của đảng đối lập Cứu nguy dân tộc chỉ trích Việt Nam lấn đất của Campuchia, cũng như chỉ trích đảng CPP là nhân nhượng Việt Nam trong vấn đề biên giới.

Tiến sĩ Trần Công Trục cho biết là hiện nay việc phân định biên giới trên đất liền giữa hai nước dựa theo các bản đồ của người Pháp để lại, và việc cắm mốc biên giới đã hoàn thành 90%, phần còn lại chỉ là vấn đề kỹ thuật.

Tuy nhiên ông cho biết là việc phân định biên giới trên biển vẫn chưa đạt được nguyên tắc chung, vì phía Campuchia muốn sử dụng đường phân định do toàn quyền Pháp Jules Brévié thời Đông Dương thuộc địa để lại. Phía Việt Nam lại muốn xác định biên giới trên biển dựa theo Công ước Quốc tế về Luật biển năm 1982.

Tiến sĩ Trần Công Trục dự đoán cách ứng xử vấn đề biên giới của Campuchia nếu như ông Sam Rainsy của phía đối lập nắm được chính quyền :

"Nếu như ông ấy được nhân dân Campuchia tín nhiệm, nếu ông ấy vì đất nước Campuchia, vì mối quan hệ hữu nghị với Việt Nam cho sự ổn định của đất nước Chùa tháp, thì tôi nghĩ rằng ông ấy cũng phải theo lập trường khách quan như các chính thể khác đã làm. Tôi nghĩ là như vậy, và tôi tin rằng nếu như người Việt Nam vẫn giữ lập trường đúng đắn như từ trước đến nay đã làm, tránh đi sự áp đặt lợi dụng, mà phải thực sự khách quan, thì chắc chắn tôi tin rằng công việc đó sẽ được giải quyết vì đó là cái việc đầu tiên bất cứ một nhà nước nào cũng cần quan tâm giải quyết xử lý, mới tạo được sự phát triển ổn định cho đất nước đó".

Cùng quan điểm với ông Trần Công Trục, tác giả Vannarith Chheang hiện làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho rằng Campuchia không thể có được hòa bình và phát triển nếu không có được quan hệ tốt với một lân bang trực tiếp và đang phát triển mạnh là Việt Nam. Tác giả kêu gọi các đảng chính trị Campuchia không nên sử dụng Việt Nam như một con bài chính trị trong cuộc đấu tranh giành quyền lực với nhau.

Kính Hòa, phóng viên RFA

Published in Việt Nam