Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

04/07/2017

Nga-Trung : một liên minh mới về kinh tế và quân sự ?

RFI tiếng Việt

Nga - Trung hợp lực đối đầu với Mỹ (RFI, 04/07/2017)

Trước khi đặt chân đến Moskva ngày 03/07/2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dành cho thông tấn xã Nga Itar-Tass một cuộc phỏng vấn, trong đó ông tập trung nói về hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD mà Hoa Kỳ triển khai ở Hàn Quốc, vì ông biết đây là hồ sơ mà tổng thống Nga Vladimir Putin cũng rất quan ngại.

ngatrung1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) bắt tay chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại điện Kremlin, Moskva, ngày 04/07/2017. REUTERS/Sergei Ilnitsky/Pool

Đối với lãnh đạo họ Tập, việc triển khai THAAD đang "làm rối loạn thế cân bằng chiến lược trong khu vực" và "đe dọa đến lợi ích an ninh của toàn bộ các quốc gia trong vùng, trong đó có Trung Quốc và Nga". Đây cũng là lập luận mà hai lãnh đạo Nga-Trung nhắc lại trong cuộc gặp không chính thức ngày 03/07, theo tin của Tân Hoa Xã.

Trên hồ sơ Bắc Triều Tiên cũng vậy, trái ngược với thái độ cứng rắn của tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Tập Cận Bình và ông Vladimir Putin chủ trương nên "đối thoại và thương lượng" với chế độ Bình Nhưỡng.

Cuộc gặp tại Moskva lần này là cuộc gặp thứ ba giữa chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Vladimir Putin chỉ riêng trong năm 2017. Cách đây chưa đầy một tháng, ngày 08/06, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại thủ đô Astana của Kazakhstan, bên lề thượng đỉnh Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải. Trước đó, vào tháng 5, ông Tập Cận Bình đã tiếp ông Vladimir Putin nhân diễn đàn "Một vành đai, Một con đường" tại Bắc Kinh, với sự tham dự của hàng chục nguyên thủ quốc gia. Tính từ khi lãnh đạo họ Tập lên nắm quyền năm 2013, trước cuộc họp thượng đỉnh hôm 04/07, hai ông đã gặp nhau tổng cộng 22 lần.

Thượng đỉnh Nga-Trung lần này diễn ra bối cảnh quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh có phần nào căng thẳng, đặc biệt là do vấn đề Biển Đông sau khi Hoa Kỳ điều một chiến hạm đến gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa ngày 02/07, khiến Trung Quốc tức giận, lên án Mỹ "khiêu khích quân sự và chính trị một cách nghiêm trọng".

Khi nói chuyện với tổng thống Donald Trump qua điện thoại hôm qua, chủ tịch Tập Cận Bình đã bày tỏ quan ngại là quan hệ Mỹ-Trung đang bị "một số yếu tố tiêu cực" gây cản trở, theo tin của đài truyền hình Trung Quốc CCTV.

Đúng là ngoài Biển Đông, Bắc Kinh còn bực tức về việc chính phủ Mỹ vào tuần trước thông qua hợp đồng bán vũ khí trị giá tổng cộng 1,4 tỷ đôla cho Đài Loan. Ấy là chưa kể việc cuối tháng trước chính quyền Mỹ ban hành trừng phạt đối với hai công dân Trung Quốc và một công ty Trung Quốc, bị xem là đã giúp chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh cũng rất bực mình vì cứ bị tổng thống Trump chỉ trích là đã không có nỗ lực đầy đủ trong việc ngăn chận tham vọng hạt nhân và tên lửa của đồng minh Bình Nhưỡng.

Nhưng không chỉ về mặt địa chính trị, Bắc Kinh và Moskva thắt chặt quan hệ cũng là nhằm vào những lợi ích kinh tế. Hai thành viên quan trọng này của nhóm G20 dự trù ký một loạt hợp đồng trị giá nhiều tỷ đôla. Trao đổi mậu dịch của hai nước đã tăng 33% trong 5 tháng đầu năm nay, lên tới 32 tỷ đôla.

Như vậy, đã qua rồi thời kỳ tổng thống Mỹ Richard Nixon cùng với ngoại trưởng Henry Kissinger khai thác thế đối địch Trung Quốc-Liên Xô để dùng nước này chống nước kia. Nay hai cựu đối thủ thời chiến tranh lạnh có vẻ như đang hợp lực với nhau để đối đầu với Hoa Kỳ và việc bày tỏ thái độ chống hệ thống lá chắn chống tên lửa ở Hàn Quốc chỉ là một trong những biểu hiện của sự thay đổi đó trong quan hệ giữa ba cường quốc.

Thanh Phương

************************

Thượng đỉnh Nga-Trung với trọng tâm là Bắc Triều Tiên và thương mại (RFI, 04/07/2017)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva ngày 04/07/2017, với trọng tâm là hồ sơ Bắc Triều Tiên và thương mại.

ngatrung2

Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại điện Kremlin, Moskva, Nga, ngày 03/07/2017. REUTERS/Sergei Chirikov/Pool

Ông Tập Cận Bình đã đến Moskva từ hôm qua, mở đầu chuyến viếng thăm nước Nga trong hai ngày. Hôm qua ông đã có cuộc gặp không chính thức với tổng thống Vladimir Putin trước cuộc họp thượng đỉnh chính thức hôm nay.

Điện Kremlin không cho biết chi tiết về nội dung cuộc gặp hôm qua, nhưng theo Tân Hoa Xã, về hồ sơ Bắc Triều Tiên, ngay trước khi Bình Nhưỡng loan báo thử nghiệm thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa hôm nay, hai lãnh đạo Nga- Trung đã kêu gọi "đối thoại và thương lượng".

Cũng theo Tân Hoa Xã, tổng thống Putin và chủ tịch Tập Cận Bình đã nhân dịp này chỉ trích việc triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc. Theo Seoul và Washington, hệ thống được cho là nhằm đối phó với hiểm họa Bắc Triều Tiên, nhưng Moskva và Bắc Kinh vẫn xem đây là mối đe dọa đối với an ninh của Nga và Trung Quốc.

Tuy căng thẳng Bắc Triều Tiên là đề tài thảo luận quan trọng giữa hai lãnh đạo Nga-Trung, mục đích chính của ông Tập Cận Bình khi đến Moskva lần này vẫn là phát triển quan hệ thương mại và ngoại giao giữa hai đồng minh.

Theo hãng tin AFP, nhân chuyến viếng thăm của lãnh đạo họ Tập, hai nước ký một loạt hiệp định trị giá nhiều tỷ đôla. Những hiệp định này thể hiện rõ hơn chính sách của Nga "xoay trục" sang phía đông, trong bối cảnh quan hệ giữa Nga với phía tây, tức là với Liên Hiệp Châu Âu, vẫn gặp nhiều trắc trở.

Trước khi đến Moskva, chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định quan hệ giữa Trung Quốc với Nga hiện "đang ở mức tốt nhất trong lịch sử".

Sau cuộc gặp gỡ hôm nay, hai lãnh đạo Nga-Trung sẽ gặp lại nhau tại cuộc họp thượng đỉnh nhóm G20 khai mạc ngày 07/07 tại Đức, với sự tham dự của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Đây sẽ là lần đầu tiên ông Putin gặp ông Trump.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ
Read 842 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)