Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Vận mệnh Châu Á" đang được quyết định tại Hồng Kông

Báo chí Pháp hôm nay tràn ngập bài viết về Hồng Kông sau ngày xuống đường phản kháng quy mô khổng lồ chống dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, bất chấp việc chính quyền đình hoãn dự luật.

destin0

Người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ mang hình lãnh đạo đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Hồng Kông, 16/04/2019. Reuters/Jorge Silva

Trang nhất Le Figaro đăng hình dòng người kín đặc con đường trung tâm thành phố, với tiêu đề : "Tại Hồng Kông, 2 triệu người xuống đường thách thức Bắc Kinh, bất chấp chính quyền lùi bước". Les Echos có bài của Dominique Moisi, với tựa đề "Khi vận mệnh Châu Á được quyết định tại Hồng Kông".

Theo nhà địa chính trị học Pháp, các cuộc biểu tình phản kháng khổng lồ tại Hồng Kông cho thấy một "không khí căng thẳng chung của toàn khu vực", trong bối cảnh đặc biệt : 30 năm thảm sát Thiên An Môn và cũng là 30 năm bức tường Berlin sụp đổ, kết liễu sự phân liệt của Châu Âu thành hai khối, Đông và Tây.

Công dân nhiều quốc gia Châu Á hiện tại đang đứng trước lựa chọn : Có chấp nhận theo đuổi tăng trưởng kinh tế và tình trạng được gọi là "ổn định" xã hội hay không, nếu các quyền căn bản của họ bị xâm phạm. Theo tác giả, mâu thuẫn chủ yếu hiện nay tập trung vào thế đối đầu giữa các chế độ, như Trung Quốc, lấy việc tập trung quyền lực tuyệt đối làm điều kiện căn bản cho thành công kinh tế, và bên kia là các xã hội "trưởng thành", nơi người dân không chấp nhận vận mệnh của mình bị các chế độ độc tài quyết định.

Đối với ông Tập Cận Bình, việc tập trung quyền lực tuyệt đối - với bàn tay sắt không cần bọc nhung - là điều kiện cho sự ổn định chính trị, và tăng trưởng kinh tế. Đối với Bắc Kinh, thảm sát Thiên An Môn mở đầu cho một thời kỳ tăng trưởng kéo dài (đây là điều hoàn toàn đi ngược lại với sự thực lịch sử, vì tăng trưởng đã bắt đầu tại Trung Quốc trước Thiên An Môn - theo tác giả), còn việc bức tường Berlin sụp đổ đã dẫn đến "sự lộn xộn, nếu không phải là sự hỗn loạn".

Tuy nhiên, những cuộc phản kháng tại Hồng Kông vừa qua cho thấy sự tập trung quyền lực ngày càng lớn của ông Tập Cận Bình đã không dẫn đến ổn định. Tại Hồng Kông, chính quyền Trung Quốc đã đi quá xa. Nhà chính trị học Dominique Moisi nhận xét : Các chế độ độc tài tưởng rằng họ đi đúng hướng khi kích động tình cảm dân tộc của dân chúng, với quan điểm "Hãy tự hào về tổ quốc, về nền văn hóa của mình ! Hãy phát triển kinh tế ! Còn các quyền tự do không phải là điều quá quan trọng". Nhân danh vinh quang Trung Hoa, Bắc Kinh thúc đẩy người Hoa thần phục chế độ cộng sản.

Hồng Kông : Tuyến đầu của thế giới dân chủ tại Châu Á

Tuy nhiên, hiện thực là phức tạp hơn nhiều. Nhiều công dân Hồng Kông - cho dù cảm thấy mình là người Trung Quốc, cũng như nhiều người Singapore gốc Hoa - vẫn hiểu rằng có một sự khác biệt không hề nhỏ giữa họ và dân cư Hoa lục. Đó là họ được sống trong một Nhà nước pháp quyền như Singapore, hoặc nếu không cũng là trong một nền dân chủ hiện thực, cho dù bị khống chế về nhiều mặt, như trường hợp Hồng Kông.

Nhà địa chính trị học Pháp nhấn mạnh là toàn bộ lục địa Châu Á hiện nay đang trong tình trạng đối đầu gia tăng, giữa các chế độ tập quyền và các quốc gia gắn bó với nền dân chủ. Ấn Độ và Nhật Bản xích lại gần nhau để đối trọng lại với Trung Quốc, và các quốc gia Châu Á nói trên làm điều này trong khuôn khổ một Liên minh các nền dân chủ đang hình thành tại "khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương". Sự độc đoán và tham vọng bành trướng của chính quyền Bắc Kinh càng gia tăng, thì liên minh các nền dân chủ Châu Á ngày càng siết chặt. Chính theo nghĩa đó, có thể nói tương lai Châu Á hiện đang được quyết định tại Hồng Kông, vùng đất nằm trên tuyến đầu của các nền dân chủ Châu Á.

Chiến lược của Tập Cận Bình đã bị ngăn chặn

"Chiến lược của ông Tập Cận Bình bị ngăn chặn" là một phân tích khác trên Le Figaro. Đây là lần đầu tiên kể từ khi nắm quyền năm 2012, "Hoàng đế đỏ" đã phải lùi bước trước áp lực đường phố.Tình hình là khác hẳn so với hồi năm 2014, khi "cuộc cách mạng dù vàng" làm tê liệt trung tâm Hồng Kông trong hơn 2 tháng cũng không buộc Bắc Kinh đổi ý.

Theo nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan, Đại học Báp-tít Hồng Kông, Bắc Kinh yêu cầu lãnh đạo đặc khu "từ bỏ" dự luật này, cho dù bà Lâm đã tuyên bố đình hoãn. Le Figaro điểm lại bước ngoặt thứ Năm tuần trước, sau ngày đụng độ dữ dội giữa người biểu tình và cảnh sát, lãnh đạo Hồng Kông đã phải bí mật gặp đại diện của Bắc Kinh tại Thâm Quyến. Theo nhiều nhà quan sát, Bắc Kinh xem việc lãnh đạo Hồng Kông cho phép cảnh sát sử dụng bạo lực quá đà là "phản tác dụng".

Theo nhà bình luận chính trị Hồng Kông Lâm Lập Hòa (Willy Lam), phong trào phản kháng dữ dội tại Hồng Kông đã khiến ông Tập "mất mặt".

Tình hình Hồng Kông trở nên bốc lửa đúng vào lúc ông Tập đang đứng trước áp lực rất lớn từ Mỹ, trong chiến thương mại song phương, mà hai bên đều tuyên bố muốn sớm ký thỏa thuận hưu chiến. Có một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang bắt đầu bỏ rơi bà Lâm, đó là tuyên bố của đại sứ Trung Quốc tại Anh : Dự luật dẫn độ sang Hoa Lục chỉ là "sáng kiến riêng" của lãnh đạo Hồng Kông, chứ không phải của chính quyền Trung Quốc. Bắc Kinh đang tìm cách biến bà Lâm thành "hình nhân thế mạng", để tránh nỗi giận Hồng Kông trực tiếp hướng vào Đảng Cộng Sản và chính quyền trung ương.

Thế hệ Dù vàng trưởng thành : "Năng lượng của nỗi tuyệt vọng"

Le Figaro cũng có một bài viết khác về Hồng Kông mang tựa đề "Thế hệ "Dù vàng" hết ngây thơ". Phong trào phản kháng chống dự luật dẫn độ gắn liền với sự trưởng thành của giới trẻ Hồng Kông, từng đứng lên chống lại các quyết định độc đoán của chính quyền, với phong trào 2014.

Theo Le Figaro, chính lớp trẻ với tâm lý đầy "lo hãi" (do nền dân chủ đặc khu ngày càng bị bóp nghẹt) nhưng cũng khát khao lý tưởng đã làm nên "chiến thắng đầu tiên" cho lực lượng dân chủ Hồng Kông. Poly, một thiếu nữ, thành viên trụ cột của phong trào, cho biết họ đã rút ra được nhiều bài học từ các sai lầm trong quá khứ và kiên định hơn. Cựu nghị sĩ ủng hộ dân chủ, bà Margaret Ng, nhận xét là "sự quả cảm của giới trẻ khiến tôi nhớ đến các sinh viên tranh đấu năm xưa trên quảng trường Thiên An Môn. Họ sẵn sàng hy sinh vì thành phố của mình".

Theo Hoi Yi, một người biểu tình 24 tuổi, thì cuộc chiến chống lại dự luật dẫn độ là vấn đề "sống chết" của Hồng Kông. Chính nỗi tuyệt vọng đã làm dấy lên một năng lượng mới trong giới trẻ, cho dù tất cả các lãnh đạo năm 2014 đều đang ngồi sau song sắt. Một trong các điểm mới của phong trào hiện nay là giới trẻ không còn đối lập phe chủ trương cứng rắn với phe chủ trương ôn hòa. Vẫn theo cô Poly, giờ đây tất cả đoàn kết lại, mọi người quyết định không chỉ trích lẫn nhau. Mỗi khi phải đối đầu với cảnh sát những người thuộc nhóm cứng rắn lên tuyến đầu, trong lúc nhóm ôn hòa tiến hành các hoạt động tranh thủ dư luận.

Cuộc chiến còn kéo dài …

Tuy nhiên, ông Jimmy Lai, người sáng lập nhật báo Apple Daily, nhật báo số một của thành phố, cảnh báo là tương lai dân chủ tại Hồng Kông là bất định, cuộc chiến sẽ còn kéo dài đến năm 2047, cho đến khi đặc khu này hoàn toàn mất quy chế bán tự trị, theo dự kiến.

Trả lời phỏng vấn báo Les Echos, nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan cũng lưu ý là phong trào phản kháng mới chỉ chiến thắng một trận đầu, Bắc Kinh sớm hay muộn cũng sẽ trở lại. Và yêu sách của người biểu tình hiện nay chỉ là giữ chế độ chính trị tại Hồng Kông ở nguyên trạng, so với thời điểm 1997, chứ không phải đòi hỏi thêm quyền dân chủ như hồi 2014.

Hồng Kông vẫn là "nguồn lợi lớn"

Theo báo chí Pháp, việc Bắc Kinh phải lùi bước một phần chủ yếu là do lo ngại thị trường phản ứng tiêu cực. Libération nhấn mạnh đến việc tập đoàn bất động sản Goldin từ bỏ một dự án lớn tại Hồng Kông trong bối cảnh khủng hoảng là một dấu hiệu cho thấy dự thảo luật dẫn độ đe dọa ổn định kinh tế của đặc khu và sự an toàn pháp lý mà Hồng Kông được hưởng cho đến nay.

Les Echos nhấn mạnh là, đối với Bắc Kinh, với tư cách thị trường tài chính hàng đầu Châu Á, nơi các doanh nhân được luật pháp bảo vệ nghiêm ngặt, khác hẳn với Hoa lục, Hồng Kông vẫn còn là một nguồn tài chính quan trọng cho các hoạt động doanh nghiệp tại Trung Quốc, một "lá chủ bài kinh tế" của Bắc Kinh.

Vịnh Ba Tư : Leo thang nguy hiểm

Cùng với Hồng Kông, hầu hết các báo Pháp hôm nay đều tiếp tục nói đến tình hình căng thẳng vùng Vịnh. Libération ghi nhận bốn ngày sau vụ hai tầu dầu bị tấn công hình thành hai phe. Một bên là Hoa Kỳ, cùng một số đồng minh vùng Vịnh, và cả nước Anh, lên án Iran đứng sau hai vụ này. Bên kia là một số quốc gia như Đức, Nga, đòi hỏi thận trọng. Matxcơva hy vọng có một cuộc "điều tra quốc tế không thiên vị" về vụ này.

La Croix, với bài xã luận "Những kẻ mộng du", lo ngại là tình hình đang ngày càng trở nên "nguy hiểm" hơn tại Vùng Vịnh, hết sức đáng lo ngại, khi các bên đều cố gắng khẳng định lẽ phải về phần mình. Hệ quả sẽ rất lớn, bởi nếu xung đột bùng phát, việc vận tải dầu mỏ trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Xã luận Le Monde, "Leo thang nguy hiểm tại vùng biển Oman", lo ngại cùng với các vụ tấn công tầu dầu, hiện chưa rõ thủ phạm, áp lực trừng phạt tối đa của Mỹ hiện nay với Tehran, có thể khiến Iran rút hoàn toàn khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015, kể từ ngày 07/07 tới, nếu các thành viên khác của thỏa thuận không tìm được giải pháp.

Les Echos với bài "Cả Mỹ và Iran đều không muốn một xung đột thực sự" nhấn mạnh là mục tiêu của Washington không phải là gây chiến với Iran, mà dùng áp lực để buộc Tehran phải nhượng bộ về chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo, cũng như giảm bớt các can dự trong khu vực.

Triển lãm Bourget : Airbus thượng phong, nhưng hàng không bị lên án

Triển lãm hàng không số thế giới khai mạc hôm nay tại Trung tâm triển lãm Bourget, ngoại ô Paris. Les Echos chạy tựa trang nhất : "Công ty hàng không Châu Âu Airbus trong thế thượng phong với Boeing". Máy bay mới của Airbus A321 XLR, với khả năng bay liên tục 9 giờ đồng hồ, với 220 hành khách tối đa, là tiêu điểm của cuộc triển lãm năm nay. Theo một số nguồn tin không chính thức, các khách hàng đã đặt mua khoảng 200 phi cơ A321 XLR.

Tuy nhiên, theo Les Echos, nhìn về toàn cảnh, Triển lãm Bourget lần thứ 53 mở ra trong không khí không mấy lạc quan, trong bối cảnh lần đầu tiên trong lịch sử, cả Airbus và Boeing kể từ đầu năm đến nay đều phải chịu cảnh đơn đặt hàng bị hủy nhiều hơn số lượng đơn đặt hàng mới. Chưa kể Boeing còn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng 737 Max. Toàn bộ ngành hàng không cũng đang phải hứng chịu các chỉ trích ngày càng nặng nề do vai trò của vận chuyển hàng không đối với việc Trái đất bị hâm nóng.

G20 muốn thế dầu mỏ bằng Hydrogene

Cuộc chạy đua tìm kiếm các năng lượng thay thế cho các nguồn hóa thạch đang gia tăng. Vẫn theo Les Echos, hội nghị các bộ trưởng Môi Trường khối G20, họp tại Nhật Bản, cuối tuần qua, đã quyết định gia tăng hợp tác sản xuất khí Hydrogene. Các bộ trưởng khối 20 cường quốc kinh tế, chiếm 80% lượng khí thải toàn cầu, đồng thanh ủng hộ quyết định coi Hydrogene là nguồn năng lượng hàng đầu thay thế cho dầu mỏ. Nhật Bản là đầu tầu trong nỗ lực này. Trong dịp hội nghị nói trên, Tokyo đã ký kết hai thỏa thuận hợp tác về Hydrogene với Liên Âu và Mỹ.

Theo một nghiên cứu của Tổ chức Năng lượng Quốc tế, Hydrogene có thể là lá chủ bài của cuộc chuyển đổi sang kinh tế Xanh, nếu được đầu tư kịp thời. Hiện tại, việc sản xuất khí này vẫn phụ thuộc nhiều vào các nguồn hóa thạch. Giải pháp tương lai là sản xuất Hydrogene từ năng lượng tái tạo.

Trọng Thành

Published in Châu Á

Nguồn : RFI, 16/06/2019

Published in Video

Dịch tả lợn lan rộng : Hậu quả lối quản lý bất minh ở Trung Quốc

Hai tầu chở dầu tại eo biển Ormutz bị tấn công, vùng Vịnh căng thẳng trở lại ; chương trình hành động mới của chính phủ Pháp dấy lên nhiều tranh luận là một số chủ đề lớn của báo chí Pháp. Cuộc nổi dậy của Hồng Kông trước nguy cơ đặc khu mất quyền tự trị tiếp tục được theo dõi. Trước hết xin giới thiệu về dịch tả lợn Châu Phi lan rộng : Lối quản lý bất minh tại Trung Quốc bị điểm mặt là thủ phạm chính.

lon1

Nước Pháp lo ngại dịch tả lợn tràn từ Bỉ sang.Reuters

Trong lúc dịch tả lợn Châu Phi, bùng phát từ Trung Quốc, tiếp tục lan rộng ra các nước láng giềng Châu Á, đến lượt Pháp phải đối đầu với dịch bệnh này.

"Phòng tuyến Maginot" chặn tả lợn

Theo Les Echos, chính phủ Pháp đã phải lập một "phòng tuyến Maginot" dọc biên giới với Bỉ, để ngăn chặn heo rừng từ nước láng giềng tràn sang, với 120 cây số hàng rào cao từ 1,5 đến 2 mét. Paris hy vọng biện pháp phòng vệ quy mô này, với cái giá là 5 triệu euro, sẽ giúp cho nước Pháp bảo vệ được ngành chăn nuôi heo, duy trì được đà xuất khẩu heo sang Trung Quốc đang gia tăng.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, cái nôi của dịch tả lợn - cũng là thị trường thịt heo số một thế giới - dịch bệnh tiếp tục hoành hành, có xu hướng "vượt tầm kiểm soát". Kể từ khi xuất hiện cách nay 10 tháng đến nay, dịch tả lợn đã buộc nước này phải tiêu hủy từ 150 đến 200 triệu con (trên tổng số khoảng 700 triệu), tức tương đương với số heo xuất chuồng hàng năm của toàn Châu Âu.

Từ Tây Tạng đến ngoại ô Bắc Kinh hay Hồng Kông, không một khu vực nào của Trung Quốc thoát khỏi virus tả lợn. Virus hiện đã lan rộng tại Việt Nam, Mông Cổ, Cam Bốt, Bắc Triều Tiên và, theo các chuyên gia, không sớm thì muộn sẽ tàn phá Thái Lan, Miến Điện, Lào…

Các trang trại bất tuân

Hiện rất khó biết được chính xác mức độ lây lan của đại dịch, do chính quyền Trung Quốc không minh bạch thông tin. Theo ghi nhận của ông Vincent Martin, đại diện Quỹ Nông Lương Liên Hiệp Quốc tại Trung Quốc, thì Bắc Kinh chỉ tiến hành các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh theo thể thức thông thường, như tiêu hủy hàng loạt, hay giới hạn việc vận chuyển lợn sống giữa các tỉnh… Trong lúc thách thức thực sự là rất lớn bởi đây là một dịch bệnh cho đến nay chưa có vắc-xin phòng ngừa, và bên cạnh đó, ngành chăn nuôi heo Trung Quốc dựa chủ yếu vào khoảng 26 triệu trang trại rải rác trên khắp cả nước, thường do các gia đình quản lý (chiếm khoảng ba phần tư).

Ông Ernan Cui, chuyên gia thuộc Gavekal Dragonomics, ở Bắc Kinh, nhận định : việc thiếu chuyên gia và ngân sách khiến rất khó áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ. Nhiều chỉ thị của Bắc Kinh không được phía dưới thực thi. Cụ thể như, chính quyền nhiều địa phương và nhà chăn nuôi không muốn thông báo ổ dịch, do tiền đền bù chỉ ở mức 20 đến 30% so với giá thị trường. Các nhà chăn nuôi cũng sẵn sàng bất chấp lệnh cấm, giết heo làm thịt, ngay khi có dấu hiệu dịch bệnh, và đưa ra thị trường khi có cơ hội.

Ngành chăn nuôi toàn cầu chao đảo

Đại diện FAO tại Trung Quốc cảnh báo, với tình trạng hiện nay, sẽ phải nhiều năm nữa mới có thể khống chế được dịch tả heo Châu Phi tại Trung Quốc.

Theo Les Echos, dịch tả heo tại Trung Quốc đang làm đảo lộn ngành chăn nuôi heo toàn cầu, bởi chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm một nửa thị trường tiêu thụ thế giới, cũng như một nửa sản lượng thịt heo toàn cầu. Việc hàng trăm triệu con heo bị tiêu hủy khiến giá thịt tăng vọt. Thiếu thịt, Trung Quốc tăng nhập khẩu từ Châu Âu. Giá thịt heo tại Pháp vì vậy tăng 24% từ tháng 3 đến nay, đe dọa làm phá sản nhiều doanh nghiệp trong ngành chế biến thịt.

Bị Bắc Kinh đẩy vào chân tường, giới trẻ Hồng Kông nổi giận

Hồng Kông tiếp tục là một chủ đề chính của báo chí Pháp. Le Monde có bài phóng sự mô tả nỗi giận dữ của giới trẻ Hồng Kông, biểu tình rầm rộ đòi chính quyền đặc khu rút lại dự luật cho phép dẫn độ nghi can sang Hoa lục. Le Monde mô tả khu vực trung tâm của thành phố, nổi tiếng với những hàng cọ cao và kiến trúc thời thuộc địa, đã biến thành bãi chiến trường trong ngày 12/06, tức hôm sau ngày chính quyền đặc khu quyết định đình hoãn vô thời hạn việc thảo luận về dự luật bị lên án.

Theo một sơ kết ngày hôm qua, 13/06, có ít nhất 70 người bị thương trong các đụng độ, một thiếu nữ bị hỏng một mắt. Theo Kelvin, một thanh niên 21 tuổi, tham gia biểu tình, thì đây là cuộc chiến nhắm "cứu" Hồng Kông, khác hẳn với phong trào Dù Vàng cách nay 5 năm, đòi hỏi quyền bầu cử dân chủ người lãnh đạo đặc khu. Giờ đây, tình hình hoàn toàn khác, người dân Hồng Kông không còn đường lùi.

Khi tình hình tạm lắng trở lại, người ta thấy nhiều thanh niên Hồng Kông trở lại đường phố để dọn dẹp, nhưng cũng để thâu lượm một số phương tiện cho phép họ tiếp tục sử dụng trong những lần xuống đường tới.

Vẫn Le Monde có bài : "Hồng Kông : Thách thức sống còn dưới sự kìm kẹp của Bắc Kinh" tìm cách giải thích lý do vì sao một phần bảy người dân Hồng Kông xuống đường vào ngày Chủ Nhật tuần trước, và hai ngày sau thành phố gần như sống trong không khí "nổi dậy". Theo nhà nghiên cứu Eric Sautedé, sống tại chỗ, phong trào phản kháng nói trên cho thấy sự "phá sản hoàn toàn" của chính sách đàn áp của Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông. Việc các lãnh đạo chủ chốt của phong trào Dù Vàng 2014 bị bỏ tù đã không ngăn cản phong trào tiếp tục.

Hồng Kông 2019 đã rất khác

Le Monde cũng nhấn mạnh là Hồng Kông giờ đây không còn là Hồng Kông năm 1997. Trong lúc kinh tế Hồng Kông hiện chỉ còn chiếm 3% GDP của Trung Quốc (ít hơn gần 10 lần so với năm 1997), thì một phần bảy dân cư đặc khu hiện nay lại không phải là người sinh ra tại đặc khu. Việc ngày càng có nhiều người từ Trung Quốc sang Hồng Kông định cư khiến tương lai tự trị của đặc khu trở nên ngày một mong manh, trong lúc đời sống của nhóm trung lưu Hồng Kông ngày càng xuống cấp.

La Croix có bài xã luận mang tựa đề "Thách thức Hồng Kông", ghi nhận là phong trào phản kháng không lùi bước, bất chấp việc Bắc Kinh gia tăng áp lực. Theo La Croix, đúng vào dịp 30 năm sau vụ thảm sát Thiên An Môn, chính quyền Trung Quốc một mặt không thể tỏ ra "yếu đuối trước áp lực của đường phố", mặt khác khó lòng cứng rắn hơn. Hai lý do mà nhật báo Công Giáo đưa ra, thứ nhất là Bắc Kinh cũng như chính quyền Hồng Kông không muốn Hồng Kông mất đi vị thế của một trung tâm tài chính tầm cỡ toàn cầu. Và thứ hai là Bắc Kinh vẫn cảm thấy có lợi khi duy trì vẻ ngoài của một Hồng Kông bán tự trị, theo nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ", nhằm hy vọng quyến rũ Đài Loan trở về với "Đất Mẹ" Hoa lục.

Hoa Vi : Phụ thuộc Mỹ về bản quyền, không phải về linh kiện

Về cuộc khủng hoảng Hoa Vi (Huawei), báo kinh tế Les Echos có bài phân tích vén lộ một "Dự án bí mật của tập đoàn Trung Quốc nhằm vượt mặt Google tại Châu Âu". Nhật báo kinh tế Pháp cũng có bài "Tập đoàn Trung Quốc phụ thuộc vào Mỹ về bản quyền sở hữu trí tuệ, chứ không phải vào các linh kiện".

Dựa trên các dữ liệu của công ty tin học Mỹ IHS Markit, nhật báo Pháp đã "giải phẫu" một điện thoại di động đời mới của Hoa Vi để đánh giá mức độ tác động của các trừng phạt Mỹ đối với dây chuyền sản xuất Trung Quốc.

Theo Les Echos, điện thoại thông minh Mate 20 Pro của Hoa Vi, với giá thành sản xuất là 375 đô la, có gần một phần ba nhà cung ứng có trụ sở tại Mỹ. Tuy nhiên, tổng giá trị các linh kiện mà các công ty Mỹ cung cấp cho điện thoại Mate 20 Pro chỉ chiếm chưa đầy 4% giá thành sản phẩm, và không có bất cứ một linh kiện chiến lược nào của điện thoại này được sản xuất tại Mỹ. Công ty tin học IHS Markit nhấn mạnh là "nhiều linh kiện Mỹ có thể được thay thế bởi các linh kiện tương tự" do các công ty khác sản xuất.

Vấn đề chủ yếu đe dọa Hoa Vi, với các trừng phạt của Mỹ, không phải là linh kiện, mà là các phần mềm. Hoa Vi hiện không có phương tiện thay thế, nếu không mua các phần mềm thuộc bản quyền của Mỹ. Và điều này không chỉ liên quan đến tập đoàn Trung Quốc. Nhà cung cấp Qualcomm, có trụ sở tại California, sở hữu đến 90.000 bằng sáng chế liên quan đến điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Ngay cả khi tập đoàn Trung Quốc chuyển sang đặt hàng một nhà cung cấp Châu Âu, thì vấn đề bản quyền đối với các công nghệ đăng ký tại Hoa Kỳ vẫn còn nguyên.

Vùng VịnhThêm hai tàu dầu bị tấn công, giá dầu tăng vọt

Hôm qua, lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng, lại xảy ra một cuộc tấn công vào các tàu chở dầu tại vùng Vịnh. Hai tàu của Na Uy và Nhật Bản - là đích ngắm – đã kêu cứu Hạm đội V của Mỹ đang hoạt động tại vùng biển này. Ba vụ nổ được ghi nhận tại tàu Na Uy, nhưng con tàu không chìm, thủy thủ đoàn không ai bị thương. Tàu Nhật bị bắn, nhưng con tàu và thủy thủ đoàn được giải cứu. Thủ phạm tấn công chưa được xác định. Trong lúc một quan chức quân sự Mỹ cho rằng Iran đứng đằng sau vụ tấn công, Paris và Berlin kêu gọi bình tĩnh và yêu cầu Hội Đồng Bảo An triệu tập họp khẩn.

Le Figaro cảnh báo sự cố vừa xẩy ra đe dọa làm căng thẳng vùng Vịnh tăng thêm. Ngay từ sáng hôm qua, giá một thùng dầu biển Bắc, được dùng làm hệ quy chiếu cho giá dầu quốc tế, đã tăng hơn 4%, lên mức 62,50 đô la.

Về phần mình, Les Echos tỏ ra không mấy lo ngại về phương diện kinh tế trước mắt, bởi giá tăng 4% rõ ràng là dấu hiệu "bốc lửa", nhưng chưa phải là "hỏa hoạn". Ngược lại, với tình trạng Hoa Kỳ gia tăng sản xuất khí đá phiến, ít phụ thuộc vào dầu khí vùng Vịnh, thì đây mới là một mối nguy cơ thực sự. Bởi chỉ cần một khi không khí bầu cử tổng thống Mỹ 2020 qua đi, rất có khả năngWashington sẽ lơ là với Trung Đông.

Pháp : Chương trình hành động mới gây tranh cãi của thủ tướng

Trở lại nước Pháp, thủ tướng Edouard Philippe hôm thứ Tư 10/06 công bố chương trình hành động mới trước Quốc Hội, được coi là điểm khởi đầu cho "Hồi 2" nhiệm kỳ của tổng thống Macron. Báo chí hôm nay bình luận nhiều về chương trình của thủ tướng Philippe.

Le Figaro dẫn kết quả thăm dò dư luận của Odoxa-Dentsu Consulting, cho hay 52% người trả lời tán thưởng các biện pháp của người đứng đầu chính phủ. Tuy nhiên, nhật báo thiên hữu cũng nhấn mạnh đến là chỉ có 37% thật sự an tâm sau các phát biểu của thủ tướng, đồng thời lưu ý là có đến 46% cử tri thậm chí hoàn toàn không nghe nói về thông điệp này.

Báo Le Figaro tỏ ra nghi ngờ về khả năng của chính phủ tìm ra đủ nguồn tiền để chi cho các biện pháp tốn kém hàng tỉ đô la mà tổng thống đã hứa hẹn để dập tắt nỗi phẫn nộ của phong trào Áo Vàng. Trong khi đó Le Monde dành nhiều giấy mực để phân tích về chiến lược "đi dây" của thủ tướng Philippe, quyến rũ giới cử tri ủng hộ môi trường và tầng lớp người có thu nhập thấp, với việc đặt sinh thái và công bằng xã hội lên thành các mục tiêu hàng đầu của phần còn lại nhiệm kỳ tổng thống.

Theo Le Monde, Matthieu Orphelin, một trong những nghị sĩ đi đầu về môi trường, tuy hài lòng với chương trình hành động của thủ tướng, nhưng quyết định không bỏ phiếu tín nhiệm. Nghị sĩ vốn thuộc đảng cầm quyền này tuyên bố : điều quan trọng cần theo dõi hiện nay là các biện pháp nhằm biến các mục tiêu, đã được xác định từ đầu nhiệm kỳ, thành các hành động cụ thể.

Trọng Thành

Published in Châu Á

Donald Trump, "kẻ phá bĩnh" chuyên nghiệp

Cây bút xã luận, bà Sylvie Kauffmann, trên nhật báo Le Monde (13/06/2019) có bài nhận định về chính sách đối ngoại của tổng thống Mỹ Donald Trump, với hàng tựa "Donald Trump chỉ biết phá bĩnh".

pha1

Ảnh minh họa trên trang bìa tuần báo Anh The Econonomist, số 08-14/06/2019. Ảnh chụp màn hình The Econonomist

Đầu tiên hết, tác giả nhắc lại câu nói đùa của nhà bình luận người Nga, Dmitri Kisselev, trong một chương trình truyền hình của Nga ngày 10/06/2019, cho rằng chủ nhân Nhà Trắng luôn tự cho mình là bậc thầy trong "nghệ thuật thương thuyết" nhưng "ông Donald Trump lại chẳng có được một thỏa thuận nào trong tay để phê chuẩn ! Tất cả những gì ông ấy đang làm, chính là phá hủy những thỏa thuận đang có sẵn !".

Một nhận định hiếm khi được tờ The Economist chia sẻ. Trong tuần đó, tuần san kinh tế Anh Quốc trên trang bìa đăng ảnh biếm họa ông Donald Trump dưới hình quả bom rồi chạy tít lớn "Weapons of Mass Disruption" (tạm dịch là Vũ khí phá rối hàng loạt). Những loại vũ khí được ghi trên quả bom bao gồm : thuế hải quan, danh sách đen công nghệ, cô lập tài chính và các biện pháp trừng phạt.

Donald Trump đang thực hiện những gì ông đã hứa trong suốt chiến dịch vận động tranh cử : Phá vỡ trật tự thế giới mà ông cho là bất lợi cho Hoa Kỳ. Chỉ có điều – vô tình hay cố ý – ông quên rằng trật tự đó là do chính Hoa Kỳ lập nên. Giờ đây, sau hai năm rưỡi làm chủ nhân Nhà Trắng và vào lúc ông đang chuẩn bị vận động tranh cử cho nhiệm kỳ hai vào năm 2020, một loạt các câu hỏi đặt ra : Liệu ông Trump đã thành công trong chính sách đối ngoại hay không ? Đâu là những thành tích mà ông có thể "khoe" ?

Điểm tích cực duy nhất mà giới chuyên gia đều nhìn nhận là, hơn người tiền nhiệm, ông Donald Trump đã đặt lại vấn đề về chính sách ngoại giao của Mỹ, cho phép giới chuyên gia và học giả thuộc thế hệ mới "xem xét lại các học thuyết thời kỳ cuối chiến tranh lạnh", theo nhận định của bà Maya Kandel, giáo sư trường Đại học Paris-III, tác giả tập sách "Nước Mỹ và thế giới" nhà xuất bản Perrin, phát hành năm 2018.

Kẻ phá bĩnh

Thế nhưng, điều này không đủ che khuất những điểm tiêu cực của ông Donald Trump. Mà ví dụ điển hình nằm trong bốn hồ sơ chính, đầu tiên hết là cuộc thương chiến Mỹ - Trung.

Quả thật, ông Donald Trump đang làm một điều mà không một nước nào dám làm, đồng thời khuyến khích nhiều nước khác, nhất là Châu Âu, phải tỉnh táo hơn trước chính sách kinh tế của Bắc Kinh. Chỉ có điều, trong cuộc thương chiến này, không ai dự đoán được hồi kết, trong khi Bắc Kinh tuyên bố không hạ vũ khí.

Với Bắc Triều Tiên, tổng thống Mỹ muốn kết thúc nhanh hồ sơ này theo hướng có lợi cho Mỹ. Sau hai cuộc họp thượng đỉnh, kết quả là gì ? Chẳng có một thỏa thuận nào hết.

Trong cùng lục địa, hồ sơ Venezuela là một điều sỉ nhục cho chính sách đối ngoại của Mỹ : "Maduro must go !" (Maduro phải ra đi !), là lời phát biểu hùng hồn của phó tổng thống Mỹ tại Munich hồi tháng 2/2019. Bốn tháng sau, Nicolas Maduro vẫn tồn tại. Còn vị tổng thống tự phong được Mỹ và nhiều nước phương Tây công nhận vẫn không tài nào giành lấy được quyền lực. Người dân vẫn tiếp tục "khăn gói quả mướp" ra đi, trong khi Na Uy cố thử làm vai trò trung gian hòa giải từ xa.

Còn với Iran thì sao ? Các biện pháp trừng phạt mới tuy bóp nghẹt nền kinh tế nước này thêm một chút, nhưng cũng không làm cho Tehran lùi bước. Người dân Iran 40 năm qua đã quen sống cùng với cấm vận. Châu Âu cũng không muốn chùn bước trong hồ sơ này. Kể cả những phần còn lại ở Trung Cận Đông, người ta hoài công tìm kiếm chút gì đó để có thể hãnh diện về chính sách đối ngoại của ông Donald Trump.

Theo tác giả, điểm độc đáo tạo nên sự khác biệt trong đường lối chính sách của ông Trump so với những đời tiền nhiệm là ở phương pháp thực hiện : Không đe dọa thế giới bằng số đầu đạn hạt nhân mà Lầu Năm Góc sở hữu, mà bằng kho vũ khí trừng phạt kinh tế và thuế quan đáng gờm.

Mặt trận ưa thích của ông Trump chính là hệ thống thương mại toàn cầu. Nước Mỹ thống trị mặt trận này trong thế thượng phong, chủ yếu nhờ vào đồng đô la, mà ông Trump có thể có những biện pháp trừng phạt vượt cả ra ngoài biên giới.

Chẳng cần hao binh tổn tướng, Donald Trump vẫn có thể buộc đối thủ lùi bước mà ví dụ điển hình là Mexico, khi đe dọa áp thuế quan mới vào hàng nhập khẩu của nước này. Tác giả lưu ý, các biện pháp này của ông Trump chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn, chính sách trừng phạt này của ông Trump sẽ có tác động tàn phá rất lớn.

Tóm lại, Donald Trump, "kẻ phá bĩnh hàng đầu, chỉ biết làm có mỗi việc này !" như hàng tựa tóm tắt bài nhận định của bà Sylvie Kauffmann.

5G : Kẻ thù của giới an ninh Châu Âu ?

Trong lĩnh vực an ninh, báo Le Monde trên trang nhất báo động "Mạng 5G khiến các cơ quan an ninh Châu Âu lo ngại".

Nguy cơ bị Trung Quốc đánh cắp thông tin, thông qua mạng lưới 5G do Hoa Vi, tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc, cung cấp, mà Hoa Kỳ cho vào danh sách đen, không phải là mối họa duy nhất trong tương lai.

Một báo cáo của Ủy Ban Châu Âu về một chính sách chống khủng bố chung cho rằng mạng 5G rất có thể gây thêm nhiều khó khăn cho các cơ quan an ninh trong việc theo dõi các cuộc gọi, xác định và định vị các cuộc trao đổi trong cuộc chiến chống tội phạm và khủng bố.

Với báo cáo này, Châu Âu sẽ phải xem xét lại vai trò của các cơ quan an ninh trong xã hội tương lai được phủ mạng 5G, ước tính sẽ có khoảng 20 tỷ thiết bị được kết nối.

Trước viễn cảnh này, một cuộc tranh luận gay gắt đã bắt đầu dấy lên liên quan đến thế cân bằng giữa việc bảo vệ các dữ liệu và những yêu cầu an ninh.

Giới trẻ Hồng Kông trên tuyến đầu phản đối dự luật dẫn độ

Tại Hồng Kông, trước cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ có quy mô lớn, hôm qua, chính quyền đặc khu buộc phải thông báo hoãn cuộc bỏ phiếu. Một thắng lợi đầu tiên, một cuộc "phục thù" nhỏ cho thất bại phong trào "Dù Vàng" năm 2014… là những nhận định chung của các nhật báo Pháp.

Le Figaro, Le Monde, Les Echos, La Croix lần lượt có các bài viết "Tại Hồng Kông, mặt trận chống Bắc Kinh được củng cố", "Ở Hồng Kông, chính quyền hòa hoãn", "Đọ sức giữa đường phố và chính quyền vẫn tiếp diễn ở Hồng Kông" và "Cuộc trấn áp bạo lực của cảnh sát ở Hồng Kông".

Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ của người dân ngày hôm qua, trưởng đặc khu hành chính Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) buộc phải hoãn cuộc bỏ phiếu. "(…) Một thắng lợi nhỏ đầu tiên cho chúng tôi, nhưng tôi nghi ngờ Bắc Kinh có những chỉ thị rõ ràng : Không để cho làn sóng phản đối hình thành", lời nhận định của cô Leslie với phóng viên báo La Croix.

Với luật sư Yip, điểm đáng chú ý của phong trào phản kháng tại Hồng Kông lần này là những người tham gia phần đông còn rất trẻ. "Họ thậm chí chưa tới 14 tuổi ngay từ vụ phong trào "Dù Vàng" (2014), nhưng nhận thức về chính trị đã được nảy sinh chính vào thời kỳ này và bây giờ họ có mặt ở đây".

Giới trẻ trên tuyến đầu trong ngày biểu tình hôm qua. Lòng quyết tâm và cách tổ chức hậu cần cho thấy sự chín chắn của giới trẻ Hồng Kông dấn thân chống dự luật. Họ đã rút ra được bài học thất bại cách nay năm năm và ý thức được về đối thủ trước mặt họ.

Cuộc phản kháng lần này còn có sự ủng hộ mạnh mẽ của giới kinh doanh. Họ cho rằng dự luật này rất có thể gây cản trở cho khả năng cạnh tranh của đặc khu. Ông Fred Hu, nhà sáng lập và chủ tịch Primavera Capital Group, một quỹ đầu tư có trụ sở tại Trung Quốc, nhận định với nhật báo kinh tế Les Echos rằng "Mọi bước đi sai có thể sẽ phải trả giá cực kỳ đắt và làm tổn hại niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài".

Hiện tại lãnh đạo đặc khu và Bắc Kinh đang tìm cách vận động các dân biểu thân chính quyền trung ương ủng hộ dự luật. Tuy nhiên, theo quan sát của ông Jean-Pierre Cabestan, chuyên gia về Trung Quốc, trường đại học Baptiste tại Hồng Kông, với báo Le Figaro, đây sẽ là một điều khó có thể trong trước mắt.

Vẫn theo Le Figaro, việc chính quyền Bắc Kinh những ngày qua cứ ra rả điệp khúc lên án "các thế lực thù địch" tìm cách làm tổn hại đến Trung Quốc chỉ có nguy cơ làm tăng thêm thái độ nghi kỵ của người dân Hồng Kông với chế độ Tập Cận Bình.

Shinzo Abe : "Đặc sứ" của Donald Trump

Một chủ đề khác cũng được một số báo Pháp quan tâm đến là chuyến công du Iran của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Le Monde đề tựa "Abe, đặc sứ của Trump tại Iran".

Nhật báo nhắc lại : Trong chuyến thăm Nhật Bản hồi cuối tháng 5/2019, tổng thống Mỹ đã bật đèn xanh cho chuyến công du này của thủ tướng Nhật. Ông nói : "Tôi biết là thủ tướng và Nhật Bản có một mối quan hệ tốt với Iran, vậy thì chúng ta sẽ xem chuyện gì xảy ra".

Theo nhận định của ông Rouzbeh Parsi, chuyên gia về Iran, trường đại học Lund tại Thụy Điển, "Chí ít, chuyến thăm này của ông Abe còn bao hàm rằng ông Trump mong muốn có một kênh đối thoại công khai với Iran. Về phía Tehran, họ cho rằng Trump đã gây ra quá nhiều thiệt hại từ hai năm qua. Họ không còn kiên nhẫn để đợi xem ông Trump có sẽ tái đắc cử hay không vào năm 2020 trước khi bắt đầu thương lượng".

Dù rằng, thủ tướng Nhật Bản không chính thức thừa nhận đóng vai trò trung gian, nhưng giới chuyên gia đều đánh giá rằng chuyến đi này của ông đến Iran mang hơi hướm của một hoạt động "hòa giải". Một hoạt động mà nhật báo kinh tế Les Echos đánh giá là "đầy rủi ro".

Làm thế nào bảo vệ được các lợi ích của Nhật Bản trong vùng Cận Đông, nguồn cung ứng dầu hỏa chính cho Tokyo, mà không đi ngược với đường lối cứng rắn của chính quyền Donald Trump ? Đây quả là một bài thực hành không dễ chút nào !

Đông Âu báo động dân số sụt giảm

Trong lĩnh vực xã hội, Le Monde cho biết "Dân số Đông Âu sụt giảm mạnh". Người dân di cư và giảm sinh nở đang ảnh hưởng mạnh đến các nước cộng sản Đông Âu cũ.

Trong vòng có ba thập niên, các nước như Bulgaria, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Romania, Slovakia và Slovenia có số dân bị giảm từ 111 triệu người xuống còn 103 triệu, sụt mất 7% dân số. Cùng giai đoạn này, tại Tây Âu, dân số tăng thêm 13%.

Theo giải thích của Le Monde, biên giới Liên Hiệp Châu Âu mở rộng cho phép các sắc dân thiểu số, vì vấn đề văn hóa cũng như kinh tế di cư, về phía những nước Tây Âu. Kể từ năm 2004, thị trường lao động được mở rộng trong khối kinh tế Châu Âu đã làm cho dòng người di cư từ Đông sang Tây tăng gấp 5 lần, trong đó người Ba Lan và Romania chiếm đa số.

Điểm đáng chú ý trong làn sóng di dân nội bộ này là các nước như Ý, Tây Ban Nha, Ireland trở thành những điểm đến mới, thay vì là Đức và Áo như trước đây. Những nước tiếp nhận mới đón nhận nhiều di dân Đông Âu để cung cấp cho thị trường lao động xây dựng và giúp việc nhà.

Một điểm khác đáng quan tâm là độ tuổi những người đi di cư phần đông trong khoảng 20-34 tuổi. Điều này giải thích vì sao tỷ lệ sinh nở giảm mạnh tại các nước Đông Âu.

Minh Anh

Published in Quốc tế

Trung Quốc : Đảng Cộng sản là "lãnh đạo tuyệt đối" của luật pháp

Trung Quốc lạm dụng luật pháp, dân Hồng Kông thách thức Bắc Kinh, khủng hoảng Sudan đang bị quốc tế hóa, nhân tài ngày càng đông trong làn sóng di dân nhập cư vào các nước giàu, biết thiên nhiên bị rác thải nhựa hủy diệt dần nhưng nhân loại không có cách ngăn chận, đó là những chủ đề được báo chí Pháp đề cập và phân tích sâu rộng hôm nay.

luat1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên màn ảnh lớn ở Đại sảnh đường, Bắc Kinh, ngày 3/03/2019. Reuters/Jason Lee

Trung Quốc : Đảng lãnh đạo, tòa tuyên án

Vì các quyền tự do, dân Hồng Kông xuống đường chống luật dẫn độ và qua đó là chế độ luật pháp tùy tiện của Trung Quốc. Bắc Kinh cáo buộc "thế lực nước ngoài" giựt dây phong trào phản kháng từ mấy ngày qua.

Để hiểu rõ vì sao cả triệu người xuống đường, có lẽ phải xem trước bài phân tích "Những bước nhỏ của Trung Quốc về luật quốc tế" trên Le Monde.

Theo nhà báo Frédéric Lemaître, sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" của Tập Cận Bình đặt ra nhiều nghi vấn rất quan trọng, trong đó có câu hỏi then chốt : nếu có bất đồng về quyền lợi thì dựa vào luật pháp nước nào ? Câu trả lời tương đối giản dị : luật Trung Quốc.

Tuy nhiên, biết hệ thống luật pháp quốc gia còn đầy thiếu sót, chính quyền Trung Quốc "nỗ lực khắc phục". Năm 2018, Tòa án Tối cao thành lập hai tòa đặc biệt đặt tại đặc khu kinh tế Thâm Quyến, và  Tây An, điểm xuất phát của con đường tơ lụa, chuyên xử các vụ tố tụng trong thương mại quốc tế. Vụ án đầu tiên, cuối tháng 05, không liên quan gì đến "Một vành đai, Một con đường" : hai công ty nước giải khát của Thái Lan kiện nhau, bên bị cáo có cơ sở ở đảo Virgo. Thế nhưng, Bắc Kinh làm ồn ào, muốn báo chí quốc tế chú ý đến để chứng minh là Trung Quốc đang tìm cách sánh vai, chen chân với Singapore, Paris và Luân Đôn.

Ngoài các vụ tranh chấp thường xảy ra, hai tòa thương mại quốc tế của Trung Quốc còn đứng ra làm trọng tài và mời một nhóm chuyên gia làm cố vấn, gồm 13 người Trung Quốc và 18 người nước ngoài, trong đó có hai luật gia Pháp. Theo một luật gia quốc tế am tường luật thương mại quốc tế, Trung Quốc bắt đầu tham gia nhiều hơn vào lãnh vực này theo chiều hướng đa nguyên hóa để bảo vệ quyền lợi.

Trước đây, tòa án Trung Quốc buộc phải sử dụng tiếng Hoa trong các văn kiện, nay tiếng Anh được chấp nhận. Nhưng vấn đề là trong khi ở Singapore, thẩm phán và luật sư có thể là người ngoại quốc, thì ở tòa Trung Quốc, chỉ có thẩm phán và luật sư người Trung Quốc mà thôi. Theo luật sư Pháp gốc Hoa Tao Jing Zhou, tuy có chút tiến bộ, Trung Quốc vẫn cố làm hết sức để buộc thẩm pháp áp dụng luật Trung Quốc trong các vụ phân xử và đặt dưới thẩm quyền của chánh án Tòa án Tối cao.

Thế mà, trong bản báo cáo thường niên hồi tháng ba, chánh án Châu Cường tái khẳng định : Đảng cộng sản là "lãnh đạo tuyệt đối" của tư pháp.

Cuối cùng thì dù là trong lãnh vực thương mại hay trong các lãnh vực kinh tế, Trung Quốc vẫn cố thủ trong chế độ độc đảng, hoàn toàn không tôn trọng tam quyền phân lập, Le Monde kết luận.

Quan điểm "công lý một chiều" của chế độ Trung Quốc chính là nguyên nhân làm cho người dân Hồng Kông nổi giận chống dự luật dẫn độ do chính quyền thân Bắc Kinh đề xuất. Câu hỏi đặt ra ở đây là :

Ai là đối tượng của chính quyền Tập Cận Bình ?

Ai chống đối đầu tiên ? Phong trào đã chuẩn bị những bước kế tiếp và hệ quả ra sao ? Le Monde Libération phân tích :

Trong bài "Hồng Kông thách thức sự chi phối của Bắc Kinh" kèm theo bức ảnh một rừng người biểu tình, nhật báo Le Monde cho biết, theo lời biện minh của trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga, dự luật đã được sửa đổi nhiều lần để thỏa mãn yêu cầu của "các bên". Tại sao các bên ? Vì điều không ai ngờ, chính phe thân Trung Quốc phản đối trước để bảo vệ quyền lợi của chính họ, đó là giới doanh nhân, giới tài chính. Những thành phần xã hội này rất bực tức và lo ngại trước một đạo luật cho phép bắt họ đem về Hoa lục nếu bị cáo buộc tham ô.

Dự luật không tôn trọng quyền sơ đẳng nhất của một con người là "không có tội trước khi có bản án" đã gây lo ngại cho công luận Hồng Kông lẫn thế giới. Ngoại trưởng Mỹ, phòng thương mại Anh đã lên tiếng. Hàng trăm kiến nghị lan truyền trên các mạng xã hội và biểu tình đã diễn ra tại hơn 30 thành phố trên thế giới tỏ tình đoàn kết với Hồng Kông. Trước phản ứng đồng loạt, Bắc Kinh cáo buộc "thế lực nước ngoài" thúc đẩy "phần tử xấu" gây hổn loạn. Bắc Kinh càng bực tức hơn vì họ xem Hồng Kông là mô hình kiểu mẫu "một quốc gia hai chế độ" để chiêu dụ Đài Loan. Thế nhưng, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, hôm thứ hai, khi hoan nghênh tinh thần "yêu chuộng tự do của Hồng Kông", đã không khác gì thách đố Trung Quốc. Một nhà đối lập dự đoán là tình hình "sẽ nghiêm trọng hơn" trong những tuần lễ tới, vì dân Hồng Kông không để cho cuộc huy động lực lượng hùng hậu như lần này không mang lại kết quả gì.

Cũng đồng điệu với đồng nghiệp, nhật báo Libération dành hai trang để đi sâu vào nội dung dự luật, giải thích vì sao có dự luật này và vì sao dân Hồng Kông không chấp nhận ? Một cách cụ thể, theo một hiệp hội luật gia, Trung Quốc có thể buộc chính quyền Hồng Kông bắt và giao nộp cho Hoa lục bất kỳ một người dân nào hay một người nước ngoài, cho dù người đó chưa bao giờ đến Trung Quốc.

Từ 20 năm qua, Hồng Kông thừa biết luật pháp Trung Quốc như thế nào nên đã loại Trung Quốc ra khỏi danh sách các nước ký thỏa thuận dẫn độ với Hồng Kông. Thế thì vì sao bây giờ lại thay đổi và thay đổi khẩn cấp ? Đối tượng của Bắc Kinh là ai ? Theo nghị sĩ Paul Zimmerman, mục tiêu trấn áp của Trung Quốc là những người có tiền hoặc có tư tưởng, hoặc cả hai, tức là các doanh nhân và các nhà hoạt động chính trị đối lập. Nhiều người dân Hồng Kông còn cho rằng khôi nguyên Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba chết trong tù hay một nhà hoạt động công đoàn độc lập bị giam từ 2015 đến nay là nạn nhân của hệ thống tư pháp dàn dựng của Trung Quốc.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, giới doanh nhân quốc tế tại Hồng Kông lo ngại Bắc Kinh trả đũa vào hàng ngàn công dân Mỹ và công ty Mỹ có trụ sở khu vực tại Hồng Kông. Một kiến trúc sư chia sẻ : Tôi chọn Hồng Kông vì không thích sống ở Hoa lục. Nếu Hồng Kông trở thành một thành phố như Hoa lục thì tôi không có lý do gì ở lại.

Không rõ kiến trúc sư này sẽ chọn nơi nào để định cư, nhưng theo thống kê của OCDE, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, tập hợp 36 nước dân chủ và công nghiệp, số dân nhập cư tăng kỷ lục 55% trong 15 năm qua, từ 77 triệu lên 120 triệu. Điểm đặc biệt là càng ngày càng có nhiều người có tay nghề và trình độ học vấn cao, Les Echos ghi nhận.

Sudan - Thế lực quốc tế nào chống lưng cho phe quân đội ?

Tại Châu Phi, khủng hoảng ở Sudan, cuộc biểu tình chống tăng giá bánh mì và xăng dầu hồi cuối năm 2018 cuối cùng đã lật đổ 30 năm chế độ độc tài. Thế nhưng, hơn hai tháng sau ngày tướng Omar el Bechir bị quản thúc, tập đoàn quân sự đảo chính vẫn bám quyền trong khi ước nguyện của người dân là muốn một chính quyền dân sự. Thế lực quốc tế nào chống lưng cho phe quân đội ?

Le Figaro nhận định số phận của Sudan nằm trong bàn tay của các thế lực quốc tế. Đó là lý do vì sao mà tình hình vẫn bế tắc và phe quân đội cảnh sát không ngần ngại nổ súng giết chết ít nhất 120 người biểu tình trong tuần qua. Đằng sau hội đồng tướng lãnh Sudan là Trung Quốc và Nga. Chỉ trong vòng vài tuần, cuộc cách mạng Sudan biến thành khủng hoảng quốc tế. Với quyền lợi dầu khí và đầu tư, Bắc Kinh rất lo ngại thay đổi chế độ. Còn Moskva, từ nhiều năm nay, xem Sudan của Omar el Bechir, tổng thống bị lật đổ, là đầu cầu để phục hồi thế lực Nga ở Châu Phi. Cũng chính Nga và Trung Quốc đã ngăn chặn một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An.

Thật ra, không một ai kiểm soát được tình hình : Ai Cập, Saudi Arabia là đồng minh, nhưng mỗi nước có một quân bài. Trong khi nhân vật cầm đầu là tướng Burhan được Cairo đón tiếp, thì người số hai là tướng Hemeti, rất lợi hại, bay sang Ryadh. Trong lúc đó, Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu cũng đẩy các quân cờ của mình. Tuần sau, thứ trưởng ngoại giao Mỹ Tibor Nagy đến Khartum. Paris ủng hộ biểu tình và đòi thiết lập chế độ dân sự, nhưng lại ngại làm mất lòng Ai Cập và Saudi Arabia, hai bạn hàng vũ khí của Pháp và nhất là e ngại tác hại đến Libya, nơi mà Saudi Arabia và một đồng minh khác của Pháp là Qatar đang xung đột với nhau qua cuộc chiến tranh ủy nhiệm.

Trong bối cảnh này, Tổ chức Liên Hiệp Châu Phi phải lãnh trách nhiệm với biện pháp đầu tiên là "treo giò" thành viên Sudan, cho đến khi có một chính quyền dân sự và bổ nhiệm một nhà trung gian hòa giải. Tân thủ tướng Ethiopia, Abiy Ahmed, với tài ngoại giao "tinh tế", đã gặp hai phe quân sự và đối lập dân sự hôm thứ sáu tuần trước để sắp xếp một tiến tình chuyển tiếp, theo nhận định của Le Figaro.

Anh Quốc, cuộc đua thay thế thủ tướng Theresa May

Tại Anh Quốc, cuộc đua thay thế thủ tướng Theresa May bắt đầu kể từ thứ năm 13/06. Cựu ngoại trưởng Boris Johnson tin chắc sẽ đắc cử chủ tịch đảng bảo thủ và nắm chiếc ghế thủ tướng Anh. Tuy nhiên, giới kinh tế tin tưởng vào đương kim ngoại trưởng Jeremy Hunt nhiều hơn. Les Echos nằm trong xu hướng này.

Theo nhật báo kinh tế, trong cuộc bỏ phiếu dự kiến vào ngày mai, 313 dân biểu của đảng bảo thủ Anh sẽ bầu chọn hai nhân vật vào chung kết. Boris Johnson có vẽ chiếm thượng phong với chủ trương cứng rắn của một nhà lãnh đạo phù hợp với tình thế. Tuy nhiên, trong phe "Brexit ôn hòa", đương kim ngoại trưởng Jeremy Hunt liên tiếp được thêm nhiều hậu thuẩn : bộ trưởng lao động Amber Rudd và bộ trưởng quốc phòng Penny Mordaunt và giới doanh nhân.

Phải ngưng sử dụng, chế tạo bao bì plastic

Les Echos La Croix đều đánh động công luận một cách bi thiết : Phải ngưng sử dụng, ngưng chế tạo bao bì plastic. Năm 2050, rác nhựa sẽ nhiều hơn cá ở đại dương.

Với những tấm ảnh chai plastic đủ loại nổi trôi trên biển hay đang được phân loại, nhật báo Les Echos vừa trấn an vừa bất lực : các nhà sản xuất ý thức nguy hại này và đã bắt đầu thích ứng với nhu cầu bảo vệ môi trường, đang bị thảm họa. Công nghiệp plastic đang bị áp lực nặng nề chưa từng thấy. Total đã mở nhà máy chế tạo nhựa sinh hóa từ cây mía ở Thái Lan.

Trong khi đó, La Croix thúc giục từ bỏ thói quen dùng đồ nhựa. Vấn đề là phải làm thế nào cho hiệu quả, bởi vì từ 20 năm nay, plastic đã trở thành một nhu cầu không thế thiếu vì nhẹ, hợp vệ sinh, bền. La Croix đề nghị một số biện pháp : tái tạo, chấm dứt sản phẩm dùng một lần rồi bỏ. Không chỉ vì nhu cầu 20 phút mà để cho môi trường ô nhiểm 400 năm.

Tú Anh

Published in Châu Á

Algeria : Cuộc cách mạng trong ngõ cụt

Thứ Sáu 07/06/2019, người dân Algeria lại xuống đường, lần thứ 16, để phản đối chế độ cầm quyền, hiện nằm dưới sự điều hành của tướng Ahmed Gaïd Salah, sau khi tổng thống Abdelaziz Bouteflika từ chức.

algeria1

Người dân Algeria lại xuống đường lần thứ 16 phản đối chế độ, thủ đô Alger, ngày 07/06/2019. Reuters/Ramzi Boudina

"Algeria trong ngõ cụt" là nhận định của bài xã luận Le Monde bởi vì từ bốn tháng nay, quốc gia Bắc Phi này rơi vào tình trạng "tạm ngừng" trên mọi mặt.

"Tạm ngừng" vì một phong trào phản kháng sâu rộng của người dân kéo dài từ thứ Bẩy 16/02 với một cuộc tuần hành bộc phát phản đối nhiệm kỳ thứ 5 của tổng thống Bouteflika và từ đó đến giờ, cứ thứ 6 hàng tuần, họ lại xuống đường một cách ôn hoà. Một sự kiện chưa từng có trong lịch sử Algeria !

"Tạm ngừng" đối với một chế độ độc tài, giờ do quân đội kiểm soát. Chế độ độc tài đó cầm quyền từ khi Algeria giành được độc lập và vẫn đeo bám quyền lực sau khi chỉ nhân nhượng vài điểm, như tổng thống 82 tuổi Bouteflika rút lui.

"Tạm ngừng" vì một nền kinh tế phát triển chậm lại do bị cuốn theo vòng xoáy chính trị.

Theo xã luận của nhật báo Le Monde, tình hình chính trị ở Algeria hoàn toàn rơi vào ngõ cụt. Chủ Nhật 02/06, Hội Đồng Bảo Hiến quyết định lùi ngày bầu cử tổng thống, dự kiến diễn ta ngày 04/07 vì thiếu ứng viên : Hiện chỉ có hai ứng viên không tên tuổi ghi danh vào cuộc bầu cử mà người biểu tình bác bỏ. Họ phản đối hoàn cảnh và những điều kiện mà cuộc bầu cử sẽ được tổ chức. Đây là lần thứ hai, sau lần đầu vào ngày 18/04, chính quyền thân Bouteflika hủy bầu cử tổng thống nhằm có thêm thời gian.

Như vậy, ngày tổ chức bầu cử tổng thống vẫn chưa được ấn định, trong khi đó nhiệm kỳ tổng thống tạm quyền, sẽ chính thức kết thúc ngày 09/07, vừa được Hội Đồng Bảo Hiến kéo dài vô thời hạn. Tình hình chính trị tại Algeria tiếp tục rơi vào vô định !

Thực quyền hiện nằm trong tay tham mưu trưởng quân đội, tướng Ahmed Gaïd Salah, 79 tuổi, trụ cột của chế độ từ 20 năm nay. Có lẽ cũng bị bất ngờ như chính giới về quy mô của phong trào phản đối và nghĩ rằng phong trào sẽ nhanh chóng bị dập tắt, tướng Salah không đưa ra bất kỳ dấu hiệu cởi mở nào mà dường như chỉ chăm chăm lo giữ chiếc ghế của mình. Và điều này tạo điều kiện cho các cuộc thanh toán nội bộ giữa những phe phái của chế độ cầm quyền, dẫn đến các cuộc bắt giam trong hàng ngũ "đặc quyền đặc lợi".

Người dân Algeria, đặc biệt là giới trẻ, thể hiện quyết tâm tới cùng. Họ không muốn thay đổi chính trị gia trên thượng tầng mà yêu cầu thay đổi toàn bộ chế độ. Quyết tâm này càng sôi sục hơn sau khi Kamel Eddine Fekhar, một nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền, bị chết trong tù ngày 28/05 sau khi tuyệt thực khi bị bắt ngày 31/03.

Ngày 06/05, tổng thống tạm quyền Bensalah kêu gọi đối thoại giữa "giới chính trị" và "xã hội dân sự" - con đường bắt đầu cho giai đoạn quá độ chính trị. Vấn đề ở chỗ "giới chính trị"hoàn toàn bị mất tín nhiệm, trong khi "xã hội dân sự" chưa tìm được gương mặt đại diện. Để có được đối thoại, tướng Gaïd Salah phải cam kết được với người dân rằng giới cầm quyền chân thành, minh bạch trong việc tôn trọng tiến trình quá độ được tổ chức một cách dân chủ.

Xã luận của Le Monde cho rằng đây là lối thoát duy nhất cho Algeria, trong khi hình ảnh về đất nước Sudan và cuộc đàn áp đẫm máu phong trào nhân dân đã buộc tổng thống Omar Al Bachir phải từ chức vẫn còn đọng lại trong tâm trí người biểu tình Algeria hôm thứ Sáu 07/06.

Algeria : Trở về nơi khai mào phong trào phản kháng dân chủ

Phóng viên của Le Monde đã đến Kherrata, một thành phố có 40.000 dân trong vùng Kabylie, nơi xuất phát từ tháng 02/2019 phong trào chống bộ máy cầm quyền. Đứng đầu là ba thanh niên, một đội ngũ nhà đấu tranh, các nghiệp đoàn và hiệp hội.

Kherrata từng là cái nôi của nhiều cuộc tuần hành trước đó, cuộc nổi dậy năm 2001, cuộc tuần hành phản đối đời sống đắt đỏ năm 2011… Theo lời kể của một số nhân chứng với phóng viên của Le Monde, phẫn nộ trước thông báo ngày 10/02 của tổng thống Bouteflika ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 5, ba thanh niên sống ở Kherrata đã nghĩ đến việc tại sao không tổ chức tuần hành phản đối chế độ. Không tự mình làm được, họ kêu gọi "những người anh", các nhà đấu tranh, nghiệp đoàn, hiệp hội giúp đỡ.

Karim Chadli, một nhà giáo, kể với Le Monde : "Cuộc tuần hành được chuẩn bị bí mật trong nhiều ngày. Sau đó chúng tôi đồng loạt xuống đường. Chúng tôi xuất hiện. Dĩ nhiên là cơ quan an ninh nhận dạng được chúng tôi. Nhưng cỗ máy đã được khởi động".

Khắp thành phố Kherrata và các làng lân cận xuất hiện nhiều biểu ngữ : "Chúng tôi kêu gọi người dân tham gia tuần hành ôn hòa phản đối nhiệm kỳ thứ 5 và hệ thống cầm quyền. Thế giới sẽ bị hủy diệt, không phải tại những người làm điều xấu, mà do chính những người nhìn họ ra tay mà không hành động gì". Hàng nghìn người đã hưởng ứng và xuống đường ngày 16/02. Phong trào đã lan rộng khắp Algeria trong lần xuống đường thứ hai ngày 22/02, với vài triệu người tham gia.

"Sinh viên đóng vai trò hàng đầu" trong phong trào phản đối chế độ Algeria

Khởi đầu phong trào biểu tình tại Algeria là 3 gương mặt thanh niên. Trả lời phỏng vấn Le Monde, Farida Souiah, nhà nghiên cứu khoa học chính trị tại đại học Aix-Marseille, nhấn mạnh đến "vai trò hàng đầu của sinh viên" trong phong trào phản đối chế độ "chưa từng có trong lịch sử Algeria đương đại" vì đây là "một cuộc biểu tình có quy mô lớn", "kéo dài", diễn ra ở "khắp các vùng", quy tụ "mọi tầng lớp xã hội, mọi thế hệ".

Theo nhà nghiên cứu, phong trào này trước tiên chính là sự hòa giải giữa người dân Algeria với nhau. Nếu như năm 2011, thế hệ trẻ chưa dám nổi dậy như tại Tunisia hay Ai Cập do sợ "bị trấn áp", hiện nay, phần lớn thanh niên Algeria đã tin vào khả năng của họ trong việc huy động toàn dân và thay đổi đất nước. Thậm chí, họ còn chứng tỏ tư cách và ý thức công dân của mình khi đi nhặt rác sau mỗi cuộc tuần hành thứ Sáu hàng tuần.

Riêng về sinh viên, theo nhà nghiên cứu, họ đóng vai trò quan trọng trong phong trào, vì ngoài cuộc tuần hành toàn dân mỗi thứ Sáu hàng tuần, giới sinh viên còn tổ chức tuần hành riêng vào mỗi thứ Ba. Nhờ phổ cập giáo dục đại học, Algeria hiện có 1,7 triệu sinh viên, trong đó gần 60% là sinh viên nữ.

Hồng Kông biểu tình chống luật dẫn độ sang Hoa lục

Thời sự Châu Á nổi bật là cuộc tuần hành ngày 09/06/2019 của hàng trăm nghìn người dân Hồng Kông chống luật dẫn độ sang Hoa lục, được nhật báo Le Figaro đề cập.

Họ giương cao các biểu ngữ : "Dẫn độ sang Trung Quốc là mất tích vĩnh viễn" và đòi đặc khu trưởng Hồng Kồng Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) từ chức. Cuộc biểu tình rầm rộ ngày 09/06 được cho là mang tính quyết định vì luật dẫn độ sẽ được đưa ra thảo luận tại Nghị Viện Hồng Kông, do phe thân Bắc Kinh chiếm đa số, vào thứ Tư 12/06 và có thể sẽ được thông qua từ giờ đến cuối tháng.

Người dân Hồng Kông lo ngại đạo luật trên sẽ làm thụt lùi quy chế bảo vệ tư pháp và có thể bị lạm dụng để trấn áp những tiếng nói chỉ trích chính quyền Bắc Kinh. Nhiều người lo ngại : "Nếu luật được thông qua, bất kỳ ai ở Hồng Kông đều có thể mất tích" vì chẳng ai được xét xử công bằng ở Hoa lục.

Một sinh viên tham gia biểu tình cho rằng luật dẫn độ "sẽ đe dọa trực tiếp đến các giá trị cơ bản của Hồng Kông" và "sự độc lập về tư pháp". Còn đối với Chris Patten, thống đốc Hồng Kông cuối cùng của Anh, nếu được thông qua, thì đạo luật sẽ là một "cú giáng khủng khiếp"đối với nguyên tắc nhà nước pháp quyền và danh tiếng trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông.

Các nhà xuất bản độc lập Hồng Kông tìm cách cưỡng lại sức ép từ Bắc Kinh

Trong tầm ngắm của đạo luật dẫn độ sang Hoa lục sẽ có nhiều người trong giới xuất bản độc lập ở Hồng Kông. Đó là những người dám đối đầu với chính quyền Bắc Kinh khi cho xuất bản nhiều tác phẩm chỉ trích chế độ Bắc Kinh, về những sự kiện cấm kị như vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.

Vẫn theo phóng viên của Le Figaro, không chờ đến luật dẫn độ được thông qua, đã có 5 nhà sách Hồng Kông bị giam cầm ở Hoa lục. Ngay từ năm 2010, Bắc Kinh đã tìm cách bóp nghẹt ngành xuất bản độc lập này, "từ tác giả, nhà xuất bản, nhà in, nhà phân phối, các hiệu sách và khách hàng", theo nhận định của một nhà nghiên cứu cho tổ chức phi chính phủ Human Rights Watch.

Tuy nhiên, công chúng vẫn có nhu cầu đọc sách bị cấm in ở Hoa lục và điều này động viên giới xuất bản độc lập Hồng Kông tiếp tục, theo ông Bao Pu, một nhà xuất bản độc lập. Ông Bao Pu cho biết rất nhiều thanh niên Trung Quốc bất chấp rủi ro để có được những tác phẩm tiết lộ những điều mà chính quyền Bắc Kinh luốn muốn che giấu.

Mỹ tham gia cuộc chiến chống các nhà khổng lồ internet

Bộ Tư pháp Mỹ, Ủy ban Thương mại Liên bang và một số nghị sĩ Mỹ đã khởi động tiến trình nhắm vào GAFA, bốn "đại gia" trên internet, gồm Google, Apple, Facebook và Amazon. Le Monde đưa tin : "Washington tham gia cuộc chiến chống các nhà khổng lồ internet".

Bị nghi ngờ là thống lĩnh, thậm chí là độc quyền, vi phạm luật Clayton chống độc quyền được thông qua năm 1914, các đại tập đoàn trong lĩnh vực kỹ thuật số trở thành đối tượng tấn công của một mặt trận chung, chưa từng có, giữa nghị sĩ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Mỹ trong Ủy ban Tư pháp Hạ Viện, trong đó có Apple và Amazon.

Phía Ủy ban Thương mại Liên bang sẽ tập trung vào Facebook, trong khi Bộ Tư Pháp Mỹ sẽ thiên về trường hợp Google.

Vậy "GAFA bị chỉ trích về điều gì ?", câu hỏi được Le Monde nêu lên trong một bài viết khác. Thứ nhất, Facebook bị trỉ chích có quá nhiều quyền lực với hai ứng dụng WhatsApp và Instagram. Google thì trở thành công cụ tìm kiếm quá mạnh. Amazon trở thành trang bán hàng trực tuyến phân biệt, đè bẹp các doanh nghiệp nhỏ. Apple thì quá háu ăn với AppStore.

Tóm lại, một bài viết trong mục "Ý kiến" trên Le Figaro nhận định : "Đến hồi chấm dứt tình trạng độc quyền Gafa", chấm dứt "quyền bất khả xâm phạm" do sự đóng góp của các tập đoàn này cho nền kinh tế Mỹ, cũng như mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan tình báo. Chính quyền Mỹ không thể khoanh tay trước sự phẫn nộ của công luận sau hàng loạt vụ tai tiếng trao đổi, đánh cắp thông tin người sử dụng, trốn thuế, tung tin giả, hoặc mạng xã hội được thánh chiến huy động để tuyên truyền khủng bố.

Trang nhất các nhật báo

Thứ Hai 10/06 là ngày lễ chúa thánh thần hiện xuống, chỉ có hai nhật báo Pháp Le FigaroLe Monde số ba ngày ra rạp. Tình hình nội bộ với những rạn nứt, chia rẽ trong đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (Les Républicains) là chủ đề chính của Le Figaro. Trang nhất của Le Monde trở lại cội nguồn của cuộc phản kháng ở Algeria, hiện đang rơi vào ngõ cụt.

Thu Hằng

Published in Quốc tế

Thâm Quyến, cái nôi công nghệ của Trung Quốc để cạnh tranh với Silicon Valley

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa hạ nhiệt, đặc phái viên Sébastien Falleti của báo Le Point tại Thâm Quyến giới thiệu bài viết "Trong thung lũng Silicon của Trung Quốc". Thâm Quyến được chính quyền Trung Quốc đặt cược để trở thành "đầu tầu" thế giới trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

shenzen1

(Ảnh minh họa) - Thâm Quyến, Trung Quốc đang hướng đến mục tiêu trở thành thánh địa công nghệ của thế giới. Lionel BONAVENTURE / AFP

Le Point trích dẫn Quentin Montardy, nhà nghiên cứu của Viện Công Nghệ Cao Thâm Quyến, theo đó, các công ty khởi nghiệp, trung tâm nghiên cứu và phát triển mọc lên khắp nơi tại thành phố này. Là thành phố "trẻ" nhất Trung Quốc, Thâm Quyến là cái nôi công nghệ và sáng chế của Trung Quốc, một đối thủ cạnh tranh với thung lũng Silicon. Ngay cả đại tập đoàn Apple của Mỹ cũng mới mở một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Thâm Quyến để tiến gần tới thị trường hàng đầu của công ty.

Sự biến chuyển của Thâm Quyến khiến phương Tây phải sửng sốt. Montardy, nhà nghiên cứu của Viện Công Nghệ Cao Thâm Quyến, giải thích với Le Point : "Phần lớn người nước ngoài đều không biết chuyện gì đang diễn ra tại thành phố này. Đối với họ, tại Trung Quốc, ngoài Thượng Hải và Bắc Kinh ra thì chẳng có gì khác. Khi tôi trở về Pháp, tôi sống với quá khứ. Điều đó rất thú vị. Nhưng ở đây, người ta gây dựng tương lai".

Nhà chức trách Thâm Quyến không tiếc tiền thu hút người tài, nhất là các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã theo học tại các trường đại học tốt nhất Hoa Kỳ. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mặc dù nhiều doanh nghiệp ở Thâm Quyến lo ngại vì mất nhiều khách hàng Mỹ, nhưng thành phố này vẫn có "quân át chủ bài" : Thâm Quyến đã trở nên cần thiết đối với nền công nghiệp thế giới. Một chuyên gia dự báo Thâm Quyến sẽ vẫn là một thành phố thu hút các nhà phát triển phần cứng trong thập kỷ tới, bất chấp cuộc chiến thương mại.

Ông Michel Reed, đại diện của Hax, công ty hỗ trợ thúc đẩy phát triển các công ty khởi nghiệp của San Francisco, có có sở tại Thâm Quyến, nhấn mạnh : "Về phần cứng, mọi con đường đều dẫn tới Thâm Quyến". Có những việc nếu làm ở các nơi khác phải mất cả tháng nhưng ở Thâm Quyến thì chỉ cần một tuần là đủ. Chi phí nhân công ở Việt Nam rẻ hơn ở Trung Quốc, nhưng Thâm Quyến mới có đầy đủ điều kiện thuận lợi cho các nhà phát triển công nghệ.

Nhà nghiên cứu Montardy của Viện Công Nghệ Cao Thâm Quyến khẳng định với Le Point là Bắc Kinh "chi bộn tiền" cho Thâm Quyến. Năm 2018, Bắc Kinh thông báo lập quỹ đầu tư 12,8 triệu đô la để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp tại Thâm Quyến. "Thánh địa phần cứng của thế giới" đang "lột xác" lần thứ hai để trở thành nơi tập trung công nghệ sạch và trí thông minh nhân tạo. Nhà phân tích Kelsey Broderick của Eurasia Groupe nhận định : "Trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn khuyến khích các phát minh, sáng chế trong nước để nền công nghiệp Trung Quốc bớt phụ thuộc vào Hoa Kỳ".

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh, Thâm Quyến vẫn còn phải vượt qua một số hạn chế. Thâm Quyến hiện vẫn không có các trường đại học lớn danh tiếng như ở Silicon Valley. Có tiền thì Thâm Quyến vẫn thu hút được "những bộ óc tài giỏi nhất", nhưng điều quan trọng là phải đảm bảo chất lượng cuộc sống cho họ, trong khi đó Thâm Quyến chỉ là "một hoang mạc văn hóa". Cuối tuần, những người làm việc ở đây phải sang Hồng Kông hoặc Quảng Châu để giải trí. Nhưng điều nghiêm trọng nhất là chính sách kiểm duyệt nghiêm ngặt của Tập Cận Bình sẽ có hại tới cái nôi công nghệ của Trung Quốc.

DRSD - cơ quan bí mật nhất của Tình báo quân đội Pháp

Tại Pháp, Cơ quan trinh sát và an ninh quốc phòng DRSD (Direction du Renseignement et de la Sécurité de la Défense), tiền thân là cơ quan An ninh quân đội Pháp, được thành lập vào năm 1872, sau khi Pháp thất bại trước quân Phổ. Cùng với Cơ quan trinh sát quân đội và và Cơ quan an ninh đối ngoại, DRSD là một trong ba cơ quan bí mật nhất của lực lượng tình báo quân đội Pháp.

Trong lần đầu tiên mở cửa trụ sở ở Vanves, ngoại ô Paris để đón tiếp một vài phóng viên, tướng Eric Bucquet, giám đốc DRSD, giải thích với báo L’Express là DRSD không phải là một cơ quan bí mật, nhưng kín đáo là điều cần thiết. DRSD mở cửa với truyền thông lần này vì họ đang có nhu cầu tuyển dụng do nhiệm vụ ngày càng nhiều. Hiện DRSD có 1.300 nhân viên, nhưng theo dự kiến từ nay đến năm 2025 sẽ tuyển thêm 300 người. Việc này không đơn giản, đặc biệt để tuyển được các nhân tài, nhất là các chuyên gia tin học và những người am hiểu các ngôn ngữ ít người biết.

Hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của bộ trưởng Quân lực Pháp Florence Parly, DRSD có nhiệm vụ đấu tranh chống gián điệp và các âm mưu thâm nhập của tình báo nước ngoài. Cơ quan trinh sát và an ninh quốc phòng bảo vệ gần 10.000 cơ quan, đơn vị khoa học và kỹ thuật của nước Pháp, trong đó có 4.000 doanh nghiệp tiếp cận với thông tin mật hoặc được coi là các cơ sở nhạy cảm. DRSD cũng là cơ quan chuyên bảo vệ và giám sát đội ngũ quan chức của bộ Quân lực và các quân nhân đang tham gia chiến dịch ở nước ngoài.

Từ khi xảy ra hàng loạt vụ khủng bố trong năm 2015, đấu tranh chống khủng bố cũng trở thành một ưu tiên của DRSD. Cơ quan này đã ngăn chặn được nhiều kế hoạch khủng bố nhắm vào quân đội Pháp, chẳng hạn ngay trong năm 2015, phối hợp với cơ quan phản gián Pháp DGSI (Direction Générale de la Sécurité Intérieure), Cơ quan trinh sát và an ninh quốc phòng đã bắt được 3 người lên kế hoạch tấn công vào một khu huấn luyện đặc công Pháp và bắt cóc lãnh đạo của đơn vị này. Ba tháng sau đó, DRSD cũng thành công khi phá vỡ một âm mưu tấn công nhắm vào một căn cứ Hải Quân tại Toulon, miền nam nước Pháp.

Paul Chiappore, phó giám đốc phụ trách chiến lực và nguồn lực của DRSD phát biểu với L’Express là mối đe dọa về an ninh kinh tế đang bùng nổ. Chiến tranh kinh tế hiện giờ diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn đánh cắp thông tin mật, tấn công mạng…, trong khi đó các loại hình truyền thống như dùng tiền, tình dục, tham nhũng… thì vẫn tiếp diễn. Phản gián là một thách thức thường trực của DRSD, nhất là trước các nước mạnh như Trung Quốc, Israel, Nga…

Nghịch lý về chăm sóc tù nhân nhà tù quân sự Guantanamo

Nhìn sang Hoa Kỳ, báo Courrier International giới thiệu với độc giả bài viết "Già đi tại Guantanamo" đăng trên The New York Times. Bài viết đặt ra những câu hỏi về việc chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho các tù nhân trong nhà tù quân sự Guantanamo của Mỹ đặt tại Căn cứ Hải quân Vịnh Guantanamo, Cuba. Được mở từ cách nay 17 năm, hiện giờ vẫn còn 40 tù nhân bị giam giữ trong nhà tù Guantanamo. Những tù nhân này đang già đi và sẽ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, không chỉ do tuổi tác, mà theo nhiều luật sư, thì đó chủ yếu là do những người này đã nhiều lần bị tra tấn tàn bạo cả về thể xác và tinh thần trong tù.

Theo dự kiến, nhà tù Guantanamo sẽ được duy trì đến khoảng năm 2043. Khi đó, nếu còn sống, tù nhân già nhất sẽ được khoảng 96 tuổi. Theo các luật sư, một số tù nhân hiện đã có vấn đề về sức khỏe do bị tra tấn, tình trạng này sẽ càng nghiêm trọng hơn khi họ về già. Hiện giờ, quân đội Mỹ đang đối mặt với nhiều câu hỏi như phải chăm sóc các tù nhân này thế nào trong tương lai ? Quốc hội sẽ thông qua ngân sách bao nhiêu cho việc này ?

Hiện giờ bệnh viện quân y Mỹ gần nhất là ở Jacksonville, bang Florida, cách nhà tù Guantanamo 1.300 km. Đây là nơi chăm sóc các quân nhân Mỹ nếu cơ sở y tế quân y cấp đơn vị không đảm đương được. Nhưng luật Mỹ cấm di chuyển tù nhân Guantanamo vào lãnh thổ Mỹ. Chính vì thế, nhiều bác sĩ chuyên khoa được điều đến để chăm sóc những người này trong những trường hợp đặc biệt. Còn ngay tại Guantanamo, có 140 bác sĩ, y sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ tâm lý chăm sóc 1.500 quân nhân và cả các tù nhân.

Hiện bộ Quốc phòng Mỹ cần 88,5 triệu đô la để xây dựng một nhà tù nhỏ để giam giữ và chăm sóc 15 tù nhân bị giam tại các trại giam tuyệt mật của Tình báo Mỹ CIA, trong đó có 6 người đang chờ bị kết án tử hình vì bị cho là đã tham gia vào các vụ khủng bố tòa tháp đôi năm 2001 và vụ tấn công tàu Mỹ USS Cole tại Yemen, khiến tổng cộng gần 3.000 thiệt mạng. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ vẫn không thông qua khoản tiền này vì cho rằng bộ Quốc phòng cần ưu tiên đầu tư vào nhiều công trình khác quan trọng hơn.

The New York Times coi việc quân đội Mỹ bàn luận về các biện pháp chăm sóc tốn kém và phức tạp cho tù nhân Guantanamo trong khi bộ trưởng Quốc phòng lại muốn họ bị kết án tử hình là "một nghịch lý". Nhưng bác sĩ tâm thần trong quân đội, Stephen N.Xeankis, người thường xuyên được tham khảo về các tù nhân trại Guantanamo từ năm 2008, giải thích là không thể để cho mọi người chết như vậy vì điều này là trái với nguyên tắc, đạo đức y khoa.

Chạy marathon để được đến Bắc Triều Tiên

Chuyển sang Châu Á, L’Obs đưa độc giả đến với đất nước khép kín nhất thế giới - Bắc Triều Tiên - qua bài phóng sự của phóng viên ảnh Maja Atie. Để được đến Bắc Triều tiên du lịch, nữ phóng viên ảnh Maja Atie đã liều lĩnh đăng ký tham gia giải marathon Mangyongdae Prize Marathon do Bình nhưỡng tổ chức vào tháng 04 hàng năm và cho phép người ngoại quốc tham gia, cho dù cô chưa từng chạy việt dã. Sau đó thông qua dịch vụ của một lữ hành đoàn Trung Quốc, Maja Atie có được visa du lịch của Bình Nhưỡng để được lưu lại Bắc Triều Tiên tham quan sau giải marathon.

Thay vì tập chạy việt dã, nữ phóng viên Maja Atie lao vào kiếm thông tin trên mạng, tìm cách gặp những người từng đến Bắc Triều Tiên để tìm hiểu mọi việc, chuẩn bị cho chuyến phiêu lưu. Cô nhận được một tài liệu 17 trang thông báo những điều phải làm và không được làm khi đến đất nước này. Những vi phạm được cho là nhỏ nhặt ở các quốc gia khác có thể sẽ bị trừng phạt nặng ở Bắc Triều Tiên. Điều cuối cùng trong tài liệu này là Bình Nhưỡng cấm mọi nhà báo, phóng viên đến Bắc Triều Tiên với visa du lịch !

Trên tàu từ Trung Quốc sang Bắc Triều Tiên, phóng viên Maja Atie nhìn thấy rất nhiều nông dân cào đất, nhiều khi là bằng tay không, có rất ít máy kéo, chỉ có xe bò, xe đạp và nhiều người dân đi bộ. Tại Bình Nhưỡng, quy hoạch đô thị là phương tiện để chính quyền phô trương sức mạnh. Các tòa tháp đều nhằm ngợi ca tính hiện đại và xa hoa của chế độ.

Ban đêm, thành phố tối om, điện chỉ để thắp sáng các công trình tưởng niệm, tượng và ảnh của các lãnh tụ Kim Il-sung và Kim Jong-il, vài tòa nhà của chính quyền. Tại đa phần các đường phố, hệ thống đèn chiếu sáng rất ít, thậm chí là không có. Nhiều người đi bộ trên phố với đèn pin trong tay.

Sau giải marathon, Maja Atie đi tham quan Bình Nhưỡng. Thư viện thành phố, dường như cũng giống các trường học và công trình văn hóa, không có hệ thống sưởi ấm. Hiệu sách mà cô được đưa tới thăm chỉ có toàn sách dịch từ các tác phẩm của Kim Il-sung và Kim Jong-il. Phóng viên Atie hài hước nhận xét dường như mọi cuốn sách được phát hành tại đất nước này đều do cha con Kim Il-sung và Kim Jong-il viết ! Phóng viên Atie cũng có cảm giác người dân Bắc Triều Tiên đang sống trong một thế giới mà quá khứ tồn tại song song với hiện tại, và rồi tương lai cũng sẽ chỉ hướng về quá khứ.

Thân thiện với môi trường ngay cả sau khi qua đời

Trong lĩnh vực môi trường, xã hội, báo Le Point giới thiệu bài viết "Thân thiện với môi trường ngay cả sau khi qua đời", nhân sự kiện bang Washington, Mỹ, mới đây cho phép tạo phân ủ từ thi thể người quá cố để bón cây. Đây được coi là một phương pháp mai táng thân thiện với môi trường. Washington là bang đầu tiên tại nước Mỹ cho phép làm điều này.

Các phương pháp chôn cất hay hỏa táng hiện tại đều gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Tại bang Washington, hiện có 22.000 nghĩa trang, mỗi năm làm ngấm vào đất 16 triệu tấn hóa chất, phần lớn là formaldéhyde, chất có nguy cơ gây bệnh ung thư, tiêu tốn 1,6 triệu tấn bê tông, 47 triệu m3 ván gỗ và hàng chục ngàn tấn đồng… Hỏa táng cũng không kém phần ô nhiễm, vì thải nhiều khí CO2, phát tán thủy ngân và tiêu tốn nhiều năng lượng. Theo một cơ quan thống kê, tới năm 2037, hàng năm Mỹ sẽ có 3,6 triệu người qua đời, nhiều hơn 1 triệu người mỗi năm so với con số người chết năm 2015, nghĩa trang sẽ không còn chỗ cho người quá cố.

Ý thức được về điều này, phong trào mai táng thân thiện với môi trường đang dần phát triển. Khoảng 15 bang ở Mỹ đã hợp pháp hóa biện pháp hóa lỏng thi thể người chết bằng dung dịch gồm nước và xút ở nhiệt độ cao. Thi thể người chết sẽ tan sau 4-6 giờ, chỉ còn lại một chất lỏng màu cà phê. Tiêu tốn ít năng lượng và thải ít khí carbon, nhưng công nghệ hóa lỏng thi thể người quá cố lại bị coi là gây tốn nước và thải chất lỏng ra hệ thống thoát nước chung.

Một công nghệ khác được gọi là "pyjama ninja", để chỉ một bộ quần áo màu đen có vạch trắng, lớp vải bên trong có một loại nấm ăn thịt. Người quá cố được mặc bộ quần áo này, đặt nằm dưới đất, loại nấm ăn thịt sẽ đẩy nhanh quá trình phân hủy thi thể và hấp thụ độc tố toxin có trong thi thể người chết để tạo thành một loại phân bón sạch. Một bộ "pyjama ninja" có giá 1.500 đô la, nhưng công ty phân phối cho biết họ đang hết hàng.

Ngoài ra, còn có nhiều phương pháp khác gần gũi với thiên nhiên như chôn cất người chết chỉ trong một tấm vải liệm, không quan tài hoặc trong quan tài tự phân hủy, không có bia mộ, hoặc trong các khu bảo tồn thiên nhiên. Đây không phải các hình thức chôn cất mới, mà đã có từ thời xa xưa. Điều mới là giờ đây người ta coi thi thể người chết như một sản phẩm tự nhiên, được xử lý để góp phần bảo vệ và nuôi dưỡng thiên nhiên.

Thùy Dương

Published in Châu Á

Putin bênh vực Trung Quốc, chỉ trích Mỹ về thương mại, Huawei (VOA, 09/06/2019)

Các chiến thut quyết lit ca M như chiến dch chng li công ty vin thông Huawei ca Trung Quc s dn đến các chiến tranh thương mi - và có thể là chiến tranh thc s - Tng thng Nga Vladimir Putin nói hôm th Sáu, th hin s đoàn kết vi Trung Quc bên cnh Ch tch Trung Quc Tp Cn Bình.

putin2

Tổng thng Nga Vladimir Putin và Ch tch Trung Quc Tp Cn Bình d Din đàn Kinh tế Quc tế St. Peterburg ở Nga, ngày 7 tháng 6, 2019.

Dùng những t ng mnh m nht ca mình v ch đ này, ông Putin cáo buc Washington v "thói t tôn kinh tế vô đ". Ông ch ra nhng n lc ca M nhm ngăn chn mt đường ng dn khí đt ca Nga đến Châu Âu và mt chiến dch ca M thuyết phc các nước cm Huawei, hãng sn xut thiết b vin thông ln nht thế gii, cung cp thiết b mng.

Những li ch trích ca ông, ti mt din đàn kinh tế St Petersburg trên cùng bc phát biu vi ông Tp, th hin rõ ràng s đoàn kết vi Trung Quc vào thi đim Bc Kinh đang vướng vào chiến tranh thương mi vi Washington và quan h ca Moscow vi phương Tây đan mc thp trong thi hu Chiến tranh Lnh.

Thế gii có nguy cơ sa vào k nguyên khi mà "các quy tc quc tế chung s b thay bng các lut v các cơ chếnh chính và pháp lí ... mà thật không may là cách thc M đang hành x, m rng quyn tài phán ca mình ra toàn thế gii", ông Putin nói thêm.

"... Đó là con đường dn đến xung đt, chiến tranh thương mi trin miên và có th không ch là chiến tranh thương mại. Nói mt cách hình tượng, nó là con đường dn đến nhng trn chiến không có lut l khiến mi người chĩa mũi dùi vào nhau".

Ông Putin cũng phàn nàn về đng đôla M, gi nó là công c gây áp lc mà vai trò ca nó trong h thng tài chính cn được xem xét lại.

Ông Tập Cn Bình th hin ging điu hòa du hơn, kêu gi các cường quc thế gii bo v h thng thương mi đa phương toàn cu. Phát biu thông qua mt phiên dch viên, ông nói "tht khó mà hình dung mt s đ v hoàn toàn" gia M và Trung Quc.

"Chúng tôi không muốn điu này và các đi tác M không mun điu này. Tng thng Trump là bn ca tôi và tôi tin rng ông cũng không mun điu này", ông Tp nói.

Nga từ lâu đã phàn nàn v các chế tài ca phương Tây áp đt lên h v các tranh chp bao gm hành vi của h Ukraine. Moscow mô t nhng hn chế này là mt n lc kim chế Nga tri dy.

Washington đã yêu cầu các nước bác b công ngh Huawei trong vic phát trin mng đin thoi di đng mi, nói rng nó có th d b Trung Quc do thám. Huawei ph nhận thiết b ca h là mt ri ro v bo mt.

********************

Tổng thống Nga Putin dùng Diễn đàn Saint-Peterburg để lên án Mỹ (RFI, 08/06/2019)

Tại Diễn đàn Kinh tế Saint-Peterburg, hôm qua 07/06/2019, tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khách mời danh dự của diễn đàn, đã thể hiện lập trường chung trong cuộc đối đầu với Hoa Kỳ. Riêng tổng thống Nga đã nhân dịp này lên án thái độ "độc đoán" của Mỹ về thương mại và kinh tế.

putin1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin tại Diễn đàn Kinh tế Saint-Petersburg, ngày 07/06/2019. AFP Photo/ Olga MALTSEVA

Từ Saint-Petersburg, thông tín viên Daniel Vallot tường trình :

"Có thể nói là các căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đến rất đúng lúc đối với Vladimir Putin cũng như đối với nước Nga, mà từ mấy năm qua đã gánh chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ. Tại Diễn đàn Saint-Petersburg, tổng thống Nga đã không bỏ lỡ dịp gắn liền chiến tranh thương mại do Donald Trump phát động chống Trung Quốc với các biện pháp trừng phạt Moskva.

Tổng thống Nga cũng nhân dịp này lên án thái độ "độc đoán" của Hoa Kỳ về kinh tế và thương mại. Ông Putin đặc biệt chỉ trích việc Washington dùng đồng đôla làm phương tiện gây áp lực chính trị lên các nước khác.

Nga và Trung Quốc đã cho thấy họ đứng cùng chiến tuyến trong cuộc đối đầu với Hoa Kỳ. Nhưng đây có phải là khởi đầu cho một mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn giữa hai nước ? Đó chính là điều mà tổng thống Putin mong muốn, nhưng sau diễn đàn này sẽ không có nhiều hợp đồng lớn được ký kết. Trung Quốc vẫn là một nhà đầu tư dè dặt ở Nga. Tuy là đối tác thương mại hàng đầu của Moskva, nhưng Bắc Kinh lại ít quan tâm đến thị trường Nga, mà Trung Quốc vẫn xem là một thị trường "thứ yếu" ở cấp độ quốc tế".

Thanh Phương

*******************

Saint Peterburg : Bắc Kinh và Moskva biểu dương "hòa đồng" (RFI, 07/06/2019)

Hôm 07/06/2019, tại Diễn đàn Kinh tế Saint Peterburg, chủ tịch Trung Quốc là khách mời danh dự. Sau cuội hội kiến tại Kremlin hai hôm trước, Vladimir Putin và Tập Cận Bình xuất hiện bên nhau trong buổi lễ khai mạc, ghi dấu một bước hợp tác kinh tế chặt chẽ đối đầu với Hoa Kỳ.

ngatrung1

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại diễn đàn kinh tế St. Petersburg. Ảnh ngày 06/06/2019. Dmitri Lovetsky/Pool via Reuters

Theo AFP, tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng khai mạc Diễn đàn Kinh tế được Nga tổ chức hàng năm tại cố đô Saint Peterburg bên cạnh tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Gutterres. Với 1000 người tham dự, phái đoàn Trung Quốc được xem là hùng hậu nhất, trong đó có nhiều lãnh đạo Hoa Vi. Trong bối cảnh Trung Quốc và Nga đều bị Mỹ trừng phạt, người ta chờ đợi những thông báo thắt chặt và phát triển hợp tác kinh tế giữa Moskva và Bắc Kinh.

Giao dịch trực tiếp bằng nhân dân tệ và đồng rúp không qua trung gian đôla, phát triển mạng mạng 5G, xây dựng hạ tầng ở vùng Viễn Đông của Nga là những hồ sơ được Tập Cận Bình đề cập với chủ nhân điện Kremlin trong dịp này.

Nhiều hợp đồng đã được ký kết đặc biệt là trong lãnh vực giao thông, các công ty hàng hải Nga và Trung Quốc đã ký vào hôm nay một thỏa thuận cùng phát triển con đường xuyên qua Bắc cực.

Viktor Vekselberg, một trong số các tỷ phú Nga bị Mỹ trừng phạt, kêu gọi Nga-Trung bỏ đồng đôla. Còn theo kinh tế gia Charles Robertson, ngân hàng đầu tư Renaissance Capital, cho là Bắc Kinh rất thận trọng khi đầu tư vào nước Nga. Tuy nhiên, với dự án "một vành đai, hai con đường", Trung Quốc sẽ đổ vốn nhiều hơn trong những năm tới.

Đây là lần đầu tiên chủ tịch Trung Quốc tham dự Diễn đàn Kinh tế Nga.

Tú Anh

***************

Khai mạc Diễn đàn kinh tế Saint-Peterburg với khách mời danh dự là Tập Cận Bình (RFI, 06/06/2019)

Hôm 06/06/2019, Diễn đàn Kinh tế Saint-Peterburg đã khai mạc trong bối cảnh khó khăn đối với các nhà đầu tư ngoại quốc sau nhiều vụ bắt giữ các doanh nhân.

ngatrung2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Kremlin, Moskva, ngày 05/06/2019 - Maxim Shipenkov/Pool via Reuters

Kéo dài đến thứ Bảy, diễn đàn được tổ chức vào lúc điện Kremlin đang cố thu hút đầu tư nước ngoài để thúc đẩy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do các trừng phạt của Châu Âu và Mỹ.

Năm nay, khách mời danh dự của Diễn đàn Kinh tế Saint-Peterburg là chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngày mai, lãnh đạo Trung Quốc sẽ phát biểu cùng với tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres.

Trong khi đó, để tỏ thái độ phản đối vụ bắt giữ vụ bắt giữ doanh nhân Mỹ Michael Calvey, đồng sáng lập viên quỹ đầu tư Baring Vostok, đại sứ Hoa Kỳ tại Moskva không có mặt trong phái đoàn Mỹ dự diễn đàn. Nước Pháp, cũng có một doanh nhân bị bắt trong vụ Baring Vostok thì chỉ cử đại diện ở cấp đại sứ, trong khi vào năm ngoái, đích thân tổng thống Emmanuel Macron đã đến dự.

Từng được mệnh danh là "diễn đàn Davos của Nga" khi nền kinh tế còn thịnh vượng, Diễn đàn Saint Peterburg là dịp để Nga thể hiện sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài bất chấp căng thẳng chính trị với phương Tây.

Trong dịp này, nhiều hợp đồng được ký kết giữa các doanh nghiệp Nga và Trung Quốc : Công ty Trung Quốc Alibaba cùng với 3 doanh nghiệp Nga, bao gồm công ty truyền thông Megafon, công ty mạng Mail.ru, và quỹ đầu tư RDIF, ký hợp tác liên doanh thương mại điện tử. Ngoài ra, Tập đoàn viễn thông Hoa Vi ký hợp đồng phát triển mạng lưới 5G cùng công ty viễn thông Nga MTiến sĩ Công ty dầu khí Nga Novatek và ngân hàng Gazprombank cũng ký kết hợp tác với công ty dầu khí Sinopec bán khí đốt hóa lỏng tại Trung Quốc.

Thanh Phương

*******************

Tập Cận Bình ca ngợi quan hệ Trung-Nga (RFI, 06/06/2019)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua, 05/06/19, đã tới Nga, chính thức bắt đầu chuyến công du kéo dài ba ngày. Trong cuộc hội đàm với tổng thống Vladimir Putin tại điện Kremlin, chủ tịch Trung Quốc ca ngợi mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh cả Trung Quốc và Nga đều có quan hệ chính trị, kinh tế căng thẳng với Hoa Kỳ.

ngatrung3

Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình, tại điện Kremlin, Moskva, ngày 05/06/2019Sputnik/Alexei Druzhinin/Kremlin

Thông tín viên Daniel Vallot, từ Saint Peterburg, cho biết thêm :

"Với một nụ cười rạng rỡ, tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đón nhà lãnh đạo Trung Quốc. Đối với ông Putin, cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington là một cơ hội vàng để Nga xích lại gần Trung Quốc hơn. Nhân dịp này, nguyên thủ Nga nhấn mạnh đến sự gần gũi về lập trường của hai nước trong phần lớn các chủ đề thời sự quốc tế.

Ông nói : "Hai nước chúng ta đều có chung quan điểm về tình hình trên bán đảo Triều Tiên và chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với đối tác Trung Quốc để làm giảm căng thẳng trên bán đảo. Nga và Trung Quốc sẽ cùng hợp tác để tìm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Syria. Chúng tôi ủng hộ việc bình ổn tình hình tại Venezuela và cam kết áp dụng đầy đủ bản thỏa thuận hạt nhân Iran".

Iran, Venezuela, Syria và Bắc Triều Tiên : không ít hồ sơ mà hai bên có chung quan điểm. Chủ tịch Trung Quốc cũng không ngần ngại gọi tổng thống Putin "là một người bạn tuyệt vời". Sau những ca ngợi về quan hệ hữu hảo là lúc đề cập đến vấn đề làm ăn : chủ tịch Trung Quốc sẽ là khách mời danh dự của Diễn đàn kinh tế Nga, được tổ chức tại Saint Peterbourg, cố đô của Nga và cũng là sinh quán của tổng thống Vladimir Putin".

Gia Hưng

Published in Quốc tế

Hoang tàn ngành dầu mỏ Venezuela

Tình hình chính trị ở Venezuela không còn nóng như trước đây một tháng nhưng đất nước vẫn chìm trong khủng hoảng toàn diện.

vene1

Ảnh chụp một nhà máy lọc dầu ở Maracaibo, Venezuela, ngày 02/05/2018. AFP/Federico Parra

Báo Le Figaro (05/06/2019) đến với quốc gia Nam Mỹ, nơi có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới nhưng giờ rơi vào khánh kiệt, qua bài : "Tại Venezueala, chế độ theo Chavez đã phá tan hoang ngành công nghiệp dầu mỏ như thế nào".

Tác giả bài báo đưa độc giả về Punto Fijo, nơi từng được coi là thủ phủ công nghiệp dầu lửa của Venezuela, nay là thành phố ma. Ngay cửa ngõ vào thành phố, hàng chục tòa nhà thương mại và công nghiệp đa phần còn mới nhưng trống không. Ở trung tâm thành phố, đa số các cửa hàng đóng cửa, không có điện.

Le Figaro mô tả : "Nhìn từ xa, khu trung tâm lọc dầu Amuay giờ chỉ là bộ khung sắt đen xì mà đa phần các nhà máy ngừng hoạt động. Ban đêm, cảnh tượng càng hoang tàn, không một ngọn đèn trên các phố. Ngay cả trong bệnh viện, không một ánh sáng nào xuất hiệt trên các tầng nhà".

Nhà máy lọc dầu Amuay từng là một trong những trung tâm lớn nhất thế giới. Từ chục năm nay khu lọc dầu này không được bảo dưỡng.

Le Figaro nhắc lại, trong những năm 1990, Amuay là đầu mối giao thông nhộn nhịp hoạt động 24/24 giờ. Giờ đây, trung tâm này chỉ hoạt động 10% công suất. Phần lớn số xăng dầu ít ỏi ra khỏi trung tâm lọc dầu này chỉ để cung cấp cho buôn lậu.

Không chỉ ở Punto Fijo. Sang bên phía đông của hồ Maracaibo, cảnh tượng tan hoang của ngành dầu lửa còn rõ nét hơn. Hàng chục giếng dầu đều trong tình trạng ngừng hoạt động. Đâu đâu cũng là cảnh hoang tàn, đổ nát.

Một cựu quản lý của công ty hóa dầu kể lại : "Khi thấy các quản lý công ty không theo chỉ thị của mình, năm 2003, Hugo Chavez đã cho sa thải một lúc 20 nghìn nhân viên thay vào đó những người của mình. Ông ta sau đó còn dùng tiền lãi từ khai thác dầu phục vụ cho các "nhiệm vụ" trong chương trình xã hội dành cho các khu phố gặp khó khăn. Nguồn tiền được chính tập đoàn Nhà nước PDVSA cung cấp trực tiếp".

Theo nhà kinh tế học Gustavo Machado, thuộc Đại học Zulia, được Le Figaro trích dẫn : "Hugo Chavez đã biến tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA thành nguồn tài chính phục vụ chính sách công, huy động toàn bộ nguồn lợi dầu mỏ dành cho trợ cấp xã hội và như vậy đã làm mất đi năng lực đầu tư. Hoạt động khai thác dầu luôn cần đầu tư liên tục, một công ty không đầu tư sẽ chết".

Sản xuất dầu lửa từ 3,5 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2000 giời chỉ còn từ 500.000 đến 700.000 thùng. Công suất lọc dầu cũng giảm xuống còn 1/10. Vì thế dẫn đến đất nước giờ đây không những không đủ dầu xuất khẩu mà còn không đủ để đáp ứng như cầu trong nước để chạy xe cho đến phát điện.

Tóm lại chế độ Chavez bao năm có con gà đẻ trứng vàng nuôi dưỡng chế độ, nhưng lại không biết chăm sóc con gà mà chỉ chú trọng thu trứng. Dẫn đến ngày hôm nay cũng là một hệ quả tất yếu.

30 năm sau Thiên An Môn : Giới trẻ Trung Quốc đã nghĩ khác

Kỷ niệm 30 năm vụ đàn áp Thiên An Môn đã được các báo Pháp đề cập đến rất nhiều trong vài ngày qua. Nhật báo Le Figaro hôm nay khép lại sự kiện này bằng một bài viết dưới góc độ khác : Sự chuyển biến trong suy nghĩ của giới trẻ Trung Quốc 30 năm sau Thiên An Môn.

Với hàng tựa : "Tại Trung Quốc, thanh niên dỗi nước Mỹ", Le Figaro ghi nhận nếu như cách đây 30 năm, phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ của sinh viên Trung Quốc lấy cảm hứng từ nước Mỹ. Tuy nhiên, theo bầu không khí đã thay đổi sau nhiều năm Trung Quốc mở cửa phát triển kinh tế thành công. Nhà nghiên cứu Trung Quốc, Jean-Pierre Cabestan, thuộc Đại học Hồng Kông, được Le Figaro trích dẫn, nhận định : "Thanh niên Trung Quốc đã bớt bị mô hình Mỹ mê hoặc từ nhiều năm nay, có thể là từ chục năm nay". Khác với các sinh viên của năm 1989, thế hệ mới không có gì đặc thù về mặt lý tưởng. Họ chỉ mê làm giàu và phần lớn tránh xa chính trị.

Tờ báo trích dẫn ý kiến của một thanh niên Trung Quốc tên là Andy, 30 tuổi, quản lý trong một công ty video trên mạng tại Bắc Kinh nói : "Lâu nay tôi vẫn ngưỡng mộ mô hình Mỹ, nhưng bây giờ thì không". Thanh niên này lý giải "Trung Quốc đang trở thành một đất nước hoàn thiện, của cải vật chất được tạo ra ở đây ngày càng nhiều và chúng tôi hiện đang dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực… vì thế đất nước phải theo con đường riêng của mình".

Tuy nhiên, Le Figaro nhắc lại, Mỹ vẫn là điểm du học được giới trẻ Trung Quốc lựa chọn. Hiện có khoảng 360 nghìn sinh viên Trung Quốc theo học tại Hoa Kỳ. Một nữ sinh du học tại Mỹ, về nghỉ hè tại Bắc Kinh, nói với Le Figaro rằng nền dân chủ của Chú Sam với cô không phải là tấm gương. Cô cho biết suy nghĩ của mình : "Người ta không thể tranh luận về một số vấn đề. Nhưng dân số Trung Quốc đông quá, đến mức mỗi người nói điều mình muốn thì chỉ dẫn đến hỗn loạn".

Le Figaro nhận xét, thực tế thì người Trung Quốc thường có mối quan hệ không rõ ràng với thế giới bên ngoài, như phân tích của chuyên gia Cabestan : "Dù giới trẻ có phản xạ dân tộc chủ nghĩa mỗi khi Trung Quốc bị chỉ trích hay gặp thách thức, thì tinh thần dân tộc đó cũng không tác động nhiều đến đời sống thường nhật của họ. Họ vẫn bị ảnh hưởng của cách sống và văn hóa bình dân ở Mỹ hay Phương Tây".

Hãy xem những căng thẳng Trung-Mỹ liệu có khiến giới trẻ Trung Quốc thu mình hơn nữa về trong nước, Le Figaro đặt câu hỏi.

Pháp : Chưa thật giàu, cũng không phải là nghèo

Chuyển qua nhật báo Libération với một chủ đề đang rất được quan tâm ở Pháp : Sự phân hóa giàu nghèo. Trang nhất của Libération chạy tựa lớn : "Bất bình đẳng ở Pháp : Ai là người giàu ?".

Trong một báo cáo công bố hôm thứ Ba (04/06) của Cơ quan Quan sát xã hội (Observatoire), cho thấy tình trạng bất bình đẳng giàu - nghèo tại Pháp rất lớn, mặc dù số người giàu ở Pháp chỉ là số rất nhỏ.

Libération dẫn ra các số liệu : Năm 2017, ông chủ của tập đoàn Dassault Système, Bernard Charlès thu nhập một năm 24,6 triệu euro. Ông Carlos Ghosn, nguyên lãnh đạo hãng xe Renault-Nissan, 13 triệu… Những con số thu nhập trên nếu đem ra so sánh sẽ tương đương từ 600 đến 1.400 năm lương tối thiểu. Một công chức được trả lương 5.000 euro/tháng sẽ phải làm việc 410 năm để có được khoản thu nhập một năm của ông chủ tập đoàn Dassault như nêu trên.

Điều mà cơ quan Quan sát nhận định đó là các yếu tố như tài năng, đầu tư chất xám cá nhân hay mức độ trách nhiệm, hay cạnh tranh quốc tế đều không thể biện minh cho những khoản thu nhập khổng lồ như đã nêu.

Đó là các tỷ phú, các ông chủ lớn. Còn mặt bằng chung ở Pháp, đạt mức thu nhập nào được coi là giầu ?

Sử dụng các chỉ số thu nhập, tài sản, cách sinh hoạt và giáo dục, bản báo cáo ước tính có 10% dân Pháp thuộc diện giàu. Với Cơ quan Quan sát, "có thể coi là giầu khi có thu nhập gấp đôi mức trung gian. Tức là 7.995 euro cho một cặp vợ chồng có 2 con, 7.185 euro cho cặp vợ chồng một con, 6.072 euro cho cặp vợ chồng không con và 3.125 euro cho một người độc thân".

Tuy nhiên, nhìn tổng quát, báo cáo nói trên nhận thấy Pháp vẫn là một trong những nước có ít người nghèo : chỉ có 13% dân số sống dưới ngưỡng nghèo, trong khi con số này ở Tây Ban Nha là 22,3%, 20% ở Ý, 16,5% ở Đức, 15,9% ở Anh.

Báo cáo cũng chỉ rõ, bất bình đẳng thu nhập kéo theo các bất bình đẳng khác trong xã hội, từ cách sống, giáo dục, cách tiếp cận thông tin…

Vẫn là chủ đề giàu nghèo, nhưng trên phạm vi các quốc gia. Tờ báo kinh tế Les Echos ghi nhận : "Số nước nghèo trên thế giới đã giảm một nửa trong 20 năm". Tờ báo dẫn nguồn từ một báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết : từ số 60 hồi đầu thập niên 2000, giờ chỉ còn 34 quốc gia nghèo. Ngưỡng thu nhập theo đầu người gọi là nghèo theo tiêu chí của bản báo cáo là dưới 755 đô la hồi thập niên 2000 và nay là 995 đô la.

Về tăng trưởng kinh tế, báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng dự báo mức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm nay là 2,6% và 2020 là 2,7%. Các nước giầu sẽ có xu hướng tăng trưởng giảm xuống, chẳng hạn như Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng 2,5% năm nay và sang năm tới sẽ giảm xuống còn 1,7%. Mức tăng trưởng khu vực đồng euro sẽ ở khoảng 1,4% trong năm 2020 -2021.

Pháp tăng trưởng chậm nhưng vẫn hấp dẫn nước ngoài

Trên lĩnh vực kinh tế, Le Monde loan báo một tin vui cho nước Pháp. Trong thế giới toàn cầu hóa sâu rộng như hiện nay, Pháp vẫn trụ vững hơn các nước láng giềng về sức hấp dẫn đầu tư.

Trong năm 2018, Pháp thu hút 1027 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, cao hơn cả Đức và đó cũng là con số mà Pháp chưa từng đạt được từ năm 2009 về lĩnh vực đầu tư. Những lĩnh vực có sức hấp dẫn đầu tư mạnh nhất của Pháp là nông nghiệp và chế biến nông phẩm, hóa học, xây dựng và trang thiết bị giao thông, dịch vụ xí nghiệp, kỹ thuật số.

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Khi Thiên An Môn từ "cổng địa đàng" thành "cổng địa phủ"

Tiananmen – Thiên An Môn là ba chữ chính chiếm lĩnh mục thời sự Châu Á trên nhiều nhật báo lớn của Pháp số ra ngày 04/06/2019.

thienanmon1

Ảnh minh họa và tít trên trang nhất báo Le Figaro (04/06/2019) : "Ba mươi năm sau tấn thảm kịch Thiên An Môn, bàn tay của chế độ Trung Quốc vẫn siết chặt". Capture d'ecran Le Figaro.

Vào ngày này, "cách nay đúng 30 năm, Trung Quốc cộng sản tàn sát giới trẻ tại quảng trường Thiên An Môn", Le Figaro nhắc lại.

Trên trang nhất, nhật báo thiên hữu đăng lại tấm ảnh một nam sinh áo trắng hiên ngang đối mặt với bốn chiếc xe tăng sắp hàng thẳng tắp rồi đề tựa "Ba mươi năm sau tấn thảm kịch Thiên An Môn, bàn tay của chế độ Trung Quốc vẫn không nới lỏng".

"Ngày mồng 4 tháng Sáu năm 1989" là ngày bị cấm kỵ nhất trong lịch sử Trung Quốc đương đại. Cái ngày mà Bắc Kinh luôn tìm cách chôn vùi vào trong quên lãng từ 30 năm qua. Trong đêm mồng 3 rạng sáng mồng 4 tháng Sáu, chế độ cộng sản đã phạm một điều không thể nào bào chữa được : cho quân đội nã súng và xe tăng nghiền nát người dân, những người tay không tấc sắt và ôn hòa. Họ phải trả giá cho việc dám tố cáo nạn tham nhũng và đòi cải cách dân chủ.

Le Figaro có dịp gặp lại những nhân chứng năm xưa vẫn còn sống sót, hồi tưởng lại cái đêm náo loạn khủng khiếp đáng sợ. Họ biết rằng đấu tranh đòi cải cách dân chủ có thể bị cảnh ngục tù, tra tấn, nhưng họ chưa bao giờ nghĩ rằng máu sẽ đổ thành sông, thây sẽ biến thành bùn thành cát, để rồi trôi theo những dòng nước hòa cùng với máu đổ xuống cống rãnh. Những người sinh viên hay những phóng viên năm xưa chứng kiến cảnh tàn sát đó không bao giờ quên được những hình ảnh hãi hùng, ghê rợn.

Sau cái đêm kinh hoàng này, những sinh viên đầu đàn, số thì bị bắt vì nghĩa khí anh hào để rồi bị tra tấn tàn nhẫn, số may mắn chạy thoát nhờ vào chiến dịch "Yellow Birds" do một số nhà ngoại giao Anh, Pháp, Mỹ cũng như các nhà tài phiệt Hồng Kông hảo tâm và Hội Tam Hoàng thời ấy tổ chức.

Thiên An Môn : Một ký ức "vướng víu"

Ba mươi năm sau vụ đại thảm sát là một cuộc đại tẩy, một sự im lặng nặng như chì. "Thiên An Môn, ba mươi năm im lặng" là hàng tít lớn trên trang nhất của nhật báo công giáo La Croix. Còn tờ Libération ngậm ngùi nhận định "Thiên An Môn, tấn thảm kịch bị ném vào quên lãng".

Có bao nhiêu nạn nhân trong vụ thảm sát đó ? Ba trăm người, theo chính quyền Trung Quốc, phần đông là cảnh sát ? Mười ngàn người, theo Alan Donald, đại sứ Anh tại Trung Quốc thời bấy giờ ? Hay 2.600 người theo số liệu của Hồng Thập Tự Trung Quốc ? Cho đến giờ không ai biết được con số chính xác.

Đối với tác giả bài xã luận của Le Figaro, sự kiện Thiên An Môn là "một bí mật đau đớn". Những bí mật này đang bị chính quyền Trung Quốc tìm cách xóa tan, "triệt tiêu khỏi ký ức". Tờ báo viết : "Những cuộc nổi loạn này không bao giờ tồn tại, cần phải được gạt bỏ ra khỏi sách vở học đường, tẩy sạch trí não, cấm tiệt trên mạng xã hội".

Bởi vì, "trong tâm trí các nhà lãnh đạo Trung Quốc, ký ức về Thiên An Môn vẫn luôn tồn tại. Nó đeo bám họ. Nỗi sợ sự sôi sục đòi dân chủ nguy hiểm này đã sản sinh ra sự ám ảnh phải "kiểm soát". Nỗi ám ảnh đó đã đạt đến đỉnh điểm dưới thời Tập Cận Bình".   

Cho nên để xóa tan vết thương và ký ức đau thương này, ba năm sau ngày thảm họa, tháng Giêng 1992, Đặng Tiểu Bình đã đưa ra một bước đi kế tiếp cho người dân Trung Quốc : "Hãy làm giầu đi, cần phải lấy cái gì hay của chủ nghĩa tư bản để tạo nên mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu Trung Hoa".

Với ông Thái Sùng Quốc (Cai Chongguo), cựu giảng viên triết học, câu nói trên của Đặng Tiểu Bình còn hàm ý rằng "Hãy câm miệng đi. Một nền tư bản chủ nghĩa và các chương trình tư hữu hóa tuy không nói ra đã được thiết lập. Và Trung Quốc ngày nay mạnh hơn rất nhiều".

Vẫn theo nhận định của ông Thái Sùng Quốc với báo Libération, sức mạnh này mạnh đến nỗi khiến các đối tác thương mại của Bắc Kinh phải câm lặng. "Trung Quốc tự hào về những thành tựu kinh tế, quân sự và công nghệ. Những thành tựu này nuôi dưỡng một tinh thần dân tộc chủ nghĩa, vốn dĩ ngày càng ít dung thứ những lời chỉ trích của phương Tây. Xã hội đã bị đồng tiền và gậy dùi cui kiểm soát".

Trung Quốc 2019 : Một "1984" của George Orwell ?

Nói một cách khác, "Kể từ giờ, chủ nghĩa tổng thể ngự trị trong đảng cộng sản và xã hội thì bị dắt mũi", Le Figaro nhận xét.

Bởi vì người dân Trung Quốc sẽ không bao giờ mạo hiểm xuống đường để đòi dân chủ nữa. Họ chấp nhận bản "hợp đồng" mà Đặng Tiểu Bình đưa ra năm 1992. Họ chấp nhận đánh đổi sự giầu có để không bao giờ đặt vấn đề về sự thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc và cũng như dấn thân vào chính trị.

Người vỡ mộng là những thế hệ sinh viên năm xưa và nhất là phương Tây. Họ ngây thơ nghĩ rằng sự trỗi dậy của một tầng lớp trung lưu ngày càng có điều kiện du lịch bên ngoài sẽ kéo đất nước hướng đến sự dân chủ hóa.

Nhưng ba mươi năm sau Thiên An Môn, Trung Quốc còn siết chặt hơn nữa kiểm soát xã hội, nhằm triệt ngay từ trong trứng nước mọi mầm mống nổi loạn hay thể hiện quan điểm đối lập. Công nghệ kỹ thuật tinh vi như trí thông minh nhân tạo và nhận dạng khuôn mặt còn giúp cho chế độ dễ dàng kiểm soát người dân.

Những chiếc xe tăng năm nào nay được thay thế bằng những mạng lưới camera chằng chịt. Như vậy, "ngày nay sẽ khó mà tham gia vào các cuộc biểu tình như là vụ Thiên An Môn năm 1989", theo như nhận xét của ông Patrick Poon, thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế, chi nhánh tại Hồng Kông.

Điều đáng buồn hơn là "ba mươi năm sau vụ Thiên An Môn : Những thế hệ trí thức Trung Quốc mới sẽ không đối đầu với chính quyền". Đây cũng chính là nhận định của nhà nghiên cứu Trung Quốc học, Sebastian Veg với nhật báo Le Monde trong một cuộc phỏng vấn.

Há chẳng phải đây là một mô hình xã hội mà nhà văn người Anh George Orwell đã từng dự đoán trong tác phẩm nổi tiếng "1984", xuất bản năm 1949 đó hay sao ?

Shangri-La 2019 : Mỹ - Trung đối đầu, ASEAN "khó xử"

Tình hình Châu Á, đặc biệt là tại Đông Nam Á, đã trở nên sôi bỏng hơn sau cuộc đấu khẩu dữ dội giữa Mỹ và Trung Quốc tại Diễn đàn An ninh Shangri–La, tại Singapore trong hai ngày cuối tuần 1 và 2/06/2019.

Le Monde, trong bài phân tích có tựa đề "Hoa Kỳ và Trung Quốc hình thành một cuộc chiến tranh lạnh mới", nhận định thế giới đang bị phân chia thành hai cực đáng lo ngại. Đa số các nước thành viên trong khối ASEAN cho rằng việc phải chọn lựa giữa hợp tác kinh tế với Trung Quốc và bảo đảm an ninh của Mỹ là điều không thể.

Đặc biệt là các quốc gia trong khu vực Biển Đông đều không muốn có một sự đối đầu với Trung Quốc và kêu gọi xử lý căng thẳng thông qua con đường ngoại giao. Một quan điểm cũng được bộ trưởng Quân lực Pháp, Florence Parly chia sẻ "Đối với những quốc gia tầm cỡ trung bình trong khu vực, lập trường của Pháp rất hữu ích, vì không thiên về một bên nào cả. Chúng tôi không muốn tham gia vào cuộc tranh cãi mà Hoa Kỳ có thể có với Trung Quốc".

Bắc Triều Tiên : Căng thẳng trong nội bộ gia tăng ?

Phải chăng các nhà đàm phán Bắc Triều Tiên đang trả giá đắt cho thất bại thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong-un tại Hà Nội hồi tháng 02/2019 ?

Đây là câu hỏi giới quan sát tìm cách giải đáp sau nhiều lời đồn đoán cho rằng lãnh đạo Kim Jong-un cho thanh trừng 5 quan chức cao cấp tham gia cuộc đàm phán.

Le Monde dè chừng trước thông tin do tờ báo cánh hữu Chosun Ilbo tại Hàn Quốc loan báo, cho rằng dường như 5 nhà ngoại giao, trong đó có ông Kim Hyok-chol, nhà đàm phán trong cuộc thương thuyết hạt nhân với Mỹ, đã bị hành quyết vì tội "phản bội lòng tin của lãnh đạo".

Nguyên nhân của thất bại này có lẽ là do sự thiếu chuẩn bị. Và đối với nhà lãnh đạo, đây cũng bị xem như là thất bại của cá nhân ông. Tuy thực hư chưa rõ, do không thể kiểm chứng, nhưng theo nhật báo này, có những tín hiệu đáng chú ý tại Bắc Triều Tiên, cho thấy Kim Jong-un dường như đang gặp khó khăn trong nội bộ.

Đầu tiên hết là sự vắng mặt của các nhà đàm phán trên trong cuộc gặp giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên với nguyên thủ Nga hồi cuối tháng Tư (2019) này.

Thứ hai là lời nhắc nhở "kỷ luật tư tưởng" của tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Bắc Triều Tiên, kêu gọi củng cố "tinh thần xã hội chủ nghĩa" và chống lại "hiện tượng phản chủ nghĩa xã hội hiện nay". Một lời cảnh cáo nhắm vào nhiều chủ doanh nghiệp mới, từ nhiều năm nay đã biến đổi nền kinh tế đất nước ngày càng trở nên linh hoạt hơn, pha lẫn giữa kinh tế chỉ huy và sáng kiến tư nhân.

Thứ ba, hiện tượng bắt giam nhiều "chủ doanh nghiệp đỏ", những người được mệnh danh "bậc thầy tiền tệ", hơi khá phô trương. Cuối cùng là quyết định đình chỉ các dự án với nhiều đối tác Trung Quốc.

Theo Le Monde, thất vọng ngoại giao, cùng với những khó khăn trong việc quản lý một xã hội đang có những chuyển đổi sâu sắc giải thích vì sao chế độ Bình Nhưỡng đang có xu hướng thu hẹp về những nền tảng cơ bản – tức có những "hành động hung hăng hơn". Đây cũng chính là những dấu hiệu cho thấy một sự "bất ổn" trong bộ máy chính quyền.

Bình Nhưỡng dường như bất ngờ trước thất bại của cuộc họp thượng đỉnh. Donald Trump quả thật thường xuyên tái khẳng định sự tin tưởng của ông vào Kim Jong-un, nhưng Washington đã rút ra khỏi bàn đàm phán. Các cuộc bắn thử tên lửa hồi đầu tháng 5/2019 không làm rúng động tổng thống Mỹ. Thậm chí ông còn tuyên bố là các vụ "bắn thử này chẳng làm ông phiền lòng".

Minh Anh

Published in Châu Á