Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Các quốc gia ‘lớn và nhỏ’ đều phải chơi theo luật

Lee Hsien Long, Nguyễn Thị Kim Phụng, Nghiên cứu quốc tế, 01/06/2022

 

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long gần đây đã có cuộc phỏng vấn độc quyền trước khi xuất hiện tại Hội nghị Tương lai Châu Á hàng năm của Nikkei ở Tokyo.

singapore1

Nhà lãnh đạo Singapore thảo luận về Ukraine, Trung Quốc, và giá trị của các thể chế toàn cầu.

Trò chuyện với Tổng biên tập Nikkei Tetsuya Iguchi, vị lãnh đạo đã chia sẻ suy nghĩ của mình về mọi thứ, từ tác động của cuộc xung đột Ukraine và lạm phát, đến các hiệp đDưới đây là cuộc trao đổi giữa hai người, đã được biên tập đôi chút để rõ ràng hơn.

Hỏi : Chúng ta hãy bắt đầu với tình hình thế giới hiện giờ, và đặc biệt là trong chính trị toàn cầu. Có vẻ như cuộc đối đầu giữa các nước dân chủ và các nước được gọi là độc tài đã trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, đặc biệt là kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Quan điểm của ông về vấn đề này là gì ?

Đáp : Tôi nghĩ điều đó rất đáng lo ngại. Tôi cho rằng giữa Nga và phần còn lại của thế giới, cuộc xâm lược Ukraine đã gây ra rất nhiều căng thẳng, lo lắng, và cả những phẫn nộ chính đáng rằng họ đã vi phạm trật tự quốc tế, họ đã xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia độc lập khác. Đây không phải là điều mà chúng ta – các quốc gia – có thể cho phép bị trôi qua. Thực sự là có một vấn đề rất nghiêm trọng đang diễn ra.

Cuộc chiến ở Ukraine vẫn đang tiếp diễn. Nó kéo dài càng lâu, nguy cơ phát sinh nhiều phức tạp và leo thang sẽ càng lớn. Và điều đó không chỉ có ý nghĩa với Châu Âu, mà với cả toàn thế giới.

Riêng quan hệ Mỹ-Trung đã căng thẳng suốt một thời gian, kể từ thời chính quyền trước, thậm chí trước nữa, và đến nay vẫn thế. Tuy là một vấn đề riêng biệt, nhưng nó có thể trở nên trầm trọng hơn do … cuộc chiến Ukraine.

Tôi sẽ không xem vấn đề này là chuyện giữa các nền dân chủ và các chế độ chuyên chế. Bởi vì những gì đang bị đe dọa ở Ukraine là pháp quyền quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, và đó là quan điểm của Singapore. Nếu anh coi đây là việc các nền dân chủ chống lại các chế độ chuyên chế, anh đang tự tạo ra một cuộc chiến không hồi kết giữa cái thiện chống lại cái ác. Và tôi không nghĩ đó là một bước đi khôn ngoan.

Hỏi : Ông nghĩ chúng ta nên thực hiện những biện pháp nào để duy trì trật tự dựa trên luật lệ ?

Đáp : Trước hết, việc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu áp đảo lên án cuộc xâm lược Ukraine là một dấu hiệu tốt. Nó cho thấy các quốc gia trên thế giới đã đứng lên vì trật tự quốc tế. Nhưng bên cạnh những cử chỉ quan trọng này, tôi nghĩ các quốc gia còn cần phải duy trì các khuôn khổ quốc tế đang tồn tại, các thể chế siêu quốc gia như Liên Hiệp Quốc hay WTO, IMF, Ngân hàng Thế giới. Đây là những khuôn khổ cho phép tất cả các quốc gia làm việc cùng nhau, ngay cả khi chúng ta có những khác biệt và bất đồng, thậm chí xung đột với nhau.

Nếu anh loại bỏ, hoặc hạ thấp điều đó, thì tức là anh đang sử dụng luật rừng. Và với luật rừng, không chỉ kẻ yếu mới bị thiệt thòi. Mà kẻ mạnh cũng sẽ gặp khó khăn, bởi anh phải dành toàn bộ thời gian để chiến đấu với nhau và làm tiêu tan những nguồn năng lượng quý giá.

Thứ hai, không liên quan đến vấn đề này, nhưng các quốc gia phải tuân thủ các quy tắc luật pháp quốc tế – chẳng hạn như Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Đây là những quy tắc áp dụng cho tất cả mọi người. Và điều quan trọng là các quốc gia cả lớn lẫn nhỏ đều phải tuân theo. Tôi biết rằng các nước lớn thích có quyền tự do hành động, và luôn do dự về việc tự ràng buộc mình. Người Nga vi phạm các quy tắc ở Ukraine, nhưng các cường quốc khác cũng thường ngần ngại khi cho phép các cơ quan siêu quốc gia này có thẩm quyền đối với họ. Tôi có thể hiểu điều đó, nhưng nó vẫn thật đáng tiếc. Tóm lại, đó là điều thứ hai.

Điều thứ ba, theo tôi, là chúng ta phải công nhận rằng đây là một thế giới thực. Đó không phải là một thế giới lý tưởng, nơi tất cả chúng ta tuân theo một hướng dẫn đạo đức cao siêu. Do đó anh không chỉ phụ thuộc vào luật lệ, mà còn phụ thuộc vào cân bằng quyền lực giữa các lực lượng khác nhau… Các lực lượng này sẽ hợp tác trong một số lĩnh vực, nhưng đối trọng trong những lĩnh vực khác. Trong sự cân bằng đó, nhiều quốc gia khác có thể tìm thấy lợi thế và có thể cùng lúc làm việc với nhiều đối tác.

Hỏi : Một số người nói rằng tình hình đang trở nên khá giống với thập niên 1930. Một số người thậm chí còn nói về thế chiến thứ ba.

Đáp : Khác biệt lần này là chúng ta có các cường quốc hạt nhân. Thế nên tình hình không giống như trước. Chúng ta đang bước vào một tình huống chưa từng có tiền lệ. Và tôi nghĩ rằng mọi người đều ý thức rõ ràng về những nguy hiểm. Nhưng sẽ cần rất nhiều sự khôn ngoan, rất nhiều khả năng kiềm chế và khả năng vượt qua những áp lực chính trị, cũng như việc biết nhìn xa hơn những điều trước mắt để có thể đối đầu với hiểm nguy lâu dài.

Hỏi : Ông có nghĩ rằng chúng ta có thể tránh được một thảm họa ?

Đáp : Chúng ta phải cố gắng hết sức.

Hỏi : Về kinh tế, điểm khác biệt duy nhất giữa tình hình hiện nay với tình hình thập niên 1930 là nền kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng tốt hơn. Nhưng thực tế là tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang được duy trì nhờ việc gia tăng nợ và chính sách tiền tệ nới lỏng suốt 15 năm qua. Vì vậy, tình hình không thực sự tốt như vẻ bề ngoài. Hiện nay, lạm phát đang gia tăng và các ngân hàng trung ương buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ của mình. Điều đó có thể làm rung chuyển thị trường tài chính và kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Ông nghĩ sao ?

Đáp : Lạm phát đúng là vấn đề. Tôi nghĩ rằng nền kinh tế toàn cầu phục hồi từ đại dịch Covid nhanh hơn mong đợi. Các biện pháp kích thích đã giúp ích. Tuy nhiên, các biện pháp kích thích vẫn đang được áp dụng rất rộng rãi ngay cả khi nền kinh tế đã phục hồi rõ rệt, tôi nghĩ là vì các lý do chính trị, thể hiện rõ ở Mỹ và cả ở Châu Âu, theo đó góp phần khiến lạm phát tăng vọt ngay cả trước khi xảy ra chiến tranh Ukraine.

Giờ đây, cuộc chiến ở Ukraine khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, vì nó làm gián đoạn nguồn cung năng lượng, với năng lượng của Nga hiện đang bị chặn khỏi các thị trường thế giới. Chắc chắn nó cũng làm gián đoạn nguồn cung lương thực, ngũ cốc. Và điều đó cũng đã tạo thêm một cú sốc lạm phát về phía cung.

Một năm trước, các ngân hàng trung ương còn khá thoải mái về triển vọng lạm phát được giữ trong tầm kiểm soát. Thực tế, điều họ lo lắng là giảm phát, và họ muốn đưa nó lên một mức nhất định, 2%, sau đó là lên mức trung bình. Nhưng tôi cho rằng họ đã quá tự mãn, ngay cả ở thời điểm đó.

Lúc này, mọi chuyện đã rõ, rằng họ phải thay đổi lập trường của mình, và tôi tin họ đang làm vậy. Khó khăn là hiện nay lạm phát khá cao. Anh cần những biện pháp tương đối quyết liệt để giảm nó xuống, và ngăn chặn kỳ vọng lạm phát ăn sâu vào suy nghĩ của mọi người. Rất khó để làm được điều đó, và chúng ta phải làm nó thật nhẹ nhàng.

Có một rủi ro đáng kể khi chúng ta làm việc phải làm, nhưng kết quả lại dẫn đến suy thoái. Chuyện này đã xảy ra nhiều lần trong những năm 1960, 70, 80, 90. Nên nó là một rủi ro mà chúng ta phải lường trước và đề phòng. Nhưng … anh phải chấp nhận rủi ro đó bởi nếu không hành động chống lại lạm phát, thế giới sẽ phải đối mặt với một vấn đề rất nghiêm trọng.

Hỏi : Nhưng ông có nghĩ rằng chúng ta có thể vượt qua những khó khăn kinh tế trong hiện tại hay không ?

Đáp : Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Nhật Bản đã gặp khó khăn kinh tế kể từ khoảng năm 1990. Và cuộc sống vẫn tiếp diễn. Nhật Bản vẫn tiếp tục tồn tại.

Hỏi : Để vượt qua khó khăn kinh tế, chúng ta cần hợp tác toàn cầu. Nhưng các cường quốc kinh tế lớn đang không hợp tác trong hoàn cảnh hiện tại.

Đáp : Đúng. Đúng thế. Và đó là vấn đề… không chỉ đối với nền kinh tế toàn cầu, mà còn đối với các vấn đề toàn cầu khác, ví dụ như đại dịch, hoặc biến đổi khí hậu, sự ấm lên toàn cầu. Vì nếu không có hợp tác quốc tế, chúng ta không thể giải quyết những vấn đề chung mà nhân loại đang phải đối mặt.

Hỏi : Ông nhìn nhận nền kinh tế của Châu Á, đặc biệt là các nước Châu Á mới nổi, như thế nào ? Họ đã gia tăng nợ nước ngoài trong 10-20 năm qua, và giờ thì đồng đô la Mỹ đang tăng giá, và nợ của họ cũng tăng theo ?

Đáp : Nhìn chung, tình hình nợ hiện tại không nghiêm trọng bằng thời điểm trước khủng hoảng tài chính Châu Á 1997-1998. Và rất nhiều khoản nợ sẽ được thanh toán bằng nội tệ, chứ không phải bằng đô la Mỹ như trước đây. Nên tóm lại thì vấn đề không quá lớn.

Tôi cho rằng giá lương thực và nhiên liệu sẽ gây ra lạm phát và khó khăn. Đó mới là vấn đề. Một số quốc gia đang gặp khủng hoảng, chẳng hạn như Sri Lanka, nhưng họ có những tình huống đặc biệt, những vấn đề đặc biệt. Tôi nghĩ rằng các nước như vậy sẽ gặp khó khăn kinh tế. Nhưng nhận định chung là sẽ không có một cuộc khủng hoảng tài chính ở các thị trường mới nổi.

Hỏi : Trong 10 năm qua, cán cân kinh tế và quân sự ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nghiêng nhiều về phía Trung Quốc. Tôi muốn biết cách ông nhìn nhận tình hình, và ông mong đợi Mỹ và Nhật sẽ đóng vai trò gì để có được sự cân bằng tốt hơn trong khu vực ?

Đáp : Tôi nghĩ khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển, khi ảnh hưởng của họ lớn mạnh, thì tác động của họ đối với nền kinh tế khu vực chắc chắn cũng trở nên đáng kể. Họ là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các quốc gia ở Châu Á, bao gồm cả Nhật Bản và Singapore. Bước tiến đó là hoàn toàn tự nhiên, và là điều mà các nước trong khu vực nhìn chung đều hoan nghênh, vì nó tạo ra cơ hội cho hợp tác, thương mại, thịnh vượng, và nhiều nước muốn tận dụng các cơ hội do sự tăng trưởng của Trung Quốc mang lại.

Và Trung Quốc cũng đang gắn kết khu vực một cách có hệ thống. Họ đã có Sáng kiến Vành đai và Con đường, giờ họ đề xuất thêm Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI). Và Singapore ủng hộ những điều này. Chúng tôi cũng là một thành viên trong nhóm những người bạn của GDI. Chúng tôi cho rằng đề xuất này là tích cực, bởi việc Trung Quốc phát triển thịnh vượng và tham gia vào khu vực sẽ tốt hơn nhiều so với việc họ tự hoạt động bên ngoài, không bị ảnh hưởng bởi các quy tắc áp dụng cho các nước khác, cũng như không được kết nối và phối hợp đúng cách với phần còn lại của khu vực, hoặc so với việc họ không thành công, nghèo đói, và rắc rối, theo đó có thể gây ra rất nhiều khó khăn cho khu vực.

Vậy nên tôi cho nó là một sự phát triển tích cực. Nhưng đồng thời, các nước trong khu vực đều muốn duy trì mối quan hệ rất quan trọng của mình với các cường quốc khác, các nền kinh tế khác, với Mỹ, với Châu Âu, và đối với các nước nhỏ hơn ở Châu Á, chúng tôi muốn làm ăn nhiều hơn với Nhật Bản. Bởi vì người Nhật – nếu các vị không so sánh mình với Trung Quốc mà với các nền kinh tế khác ở Châu Á, thì các vị vẫn là nước lớn nhất. Do đó, chúng tôi muốn nuôi dưỡng những liên kết này, đồng thời duy trì sự cân bằng, để mang lại cho chúng tôi sự linh hoạt và không bị phụ thuộc vào bất kỳ bên nào. Nhìn chung, chúng ta có thể cùng nhau phát triển thịnh vượng, cũng như tận dụng sự phụ thuộc lẫn nhau và những động lực khác để gìn giữ hòa bình, ổn định và an ninh cho khu vực.

Người Mỹ có nhiều lợi ích ở khu vực. Các khoản đầu tư của họ là đáng kể. Xét về mặt tác động, các khoản đầu tư của họ – FDI – mạnh hơn nhiều so với Trung Quốc, mặc dù Trung Quốc hiện đang đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn.

Nhìn chung, Mỹ không phải là một đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, nhưng trên thực tế, phần lớn thương mại với Trung Quốc cuối cùng cũng được chuyển đến Mỹ, [thông qua] hàng hóa trung gian. Thế nên các liên hệ kinh tế là rất quan trọng. Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ theo đuổi TPP. Thật không may, cuối cùng họ lại không thể tham gia. Nhưng [dưới] sự lãnh đạo của Nhật Bản, chúng ta đã giúp các bên còn lại tiếp tục với CPTPP. Bây giờ dưới thời Tổng thống [Joe] Biden, lý tưởng là người Mỹ sẽ quay trở lại TPP, nhưng tôi nghĩ về mặt chính trị thì điều đó là không thể.

Vì vậy, họ hiện đã đưa ra một đề xuất, Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà họ đang lên kế hoạch đưa ra vào tuần tới. Tôi tin là Nhật Bản đang lên kế hoạch tham gia, và Singapore cũng đang lên kế hoạch tham gia. Nó không hoàn toàn là giải pháp thay thế, nhưng nó là một chương trình nghị sự hướng tới tương lai. Và chúng tôi khuyến khích điều đó. Đó là một… dấu hiệu có giá trị cho thấy chính quyền Biden hiểu tầm quan trọng của ngoại giao kinh tế ở Châu Á, và vì vậy, chúng ta nên ủng hộ họ và kiên trì hơn. Chúng ta nên hy vọng một ngày nào đó tình hình chính trị ở Mỹ sẽ cho phép họ tiếp tục nói về FTA dưới một hình thức nào đó, tiếp tục nói về tiếp cận thị trường. Nhưng mọi chuyện có thể cần một thời gian.

Hỏi : Trước khi chúng ta nói về sáng kiến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ông đánh giá thương mại với Trung Quốc như thế nào ? Đối với hầu hết các nước Châu Á, tỷ trọng thương mại với Trung Quốc đã trở nên lớn hơn nhiều so với 10 năm trước. Và tôi e rằng nhiều nước ở Châu Á đang phụ thuộc quá nhiều vào thương mại với Trung Quốc. Vì vậy, nếu Trung Quốc ngừng nhập khẩu từ các nước Châu Á, tác động có thể rất nghiêm trọng.

Đáp : Anh không thể không kinh doanh với Trung Quốc. Cơ hội nằm ở đó. Thị trường nằm ở đó. Anh sẽ muốn giao dịch với họ, và sắp tới nhiều quốc gia cũng sẽ chào đón các khoản đầu tư của họ. Nhưng đồng thời, anh cần phát triển thương mại của riêng mình, xây dựng liên kết với phần còn lại của thế giới, với EU, với Châu Mỹ, thậm chí là Châu Phi và Châu Mỹ Latinh – tuy đây là những thị trường mới, nhưng chúng ta phải tìm kiếm tiềm năng ở khắp nơi trên thế giới, và chúng ta phải giữ cân bằng.

Nhưng Trung Quốc hiện vẫn là một người chơi lớn, và do đó, anh sẽ mong đợi phần lớn tỷ trọng thương mại của mình là với Trung Quốc – tôi thấy chuyện đó là bình thường. Nếu anh nói Trung Quốc là một bên quan trọng, nhưng lại không muốn giao dịch với họ, thì hành động đó không chỉ khiến anh trả giá đắt, mà còn tạo ra nhiều xích mích hơn và ít cơ hội duy trì hòa bình hơn.

Hỏi : Năm nay, Singapore là nước chủ tịch CPTPP. Trung Quốc và Đài Loan đều đã nộp đơn xin gia nhập. Ông sẽ giải quyết những lá đơn đó như thế nào ?

Đáp : Chúng tôi là chủ tịch. Nhưng đâu phải người quyết định. Chúng tôi chỉ là ‘cảnh sát giao thông’ mà thôi.

Hỏi : Dẫu thế, tôi vẫn muốn biết suy nghĩ của ông.

Đáp : Chúng tôi phải xử lý việc này theo các quy định của TPP. Đây là một tổ chức mở. Mọi nền kinh tế đều có thể tham gia. Họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn khá cao, và quyết định sẽ được đưa ra dựa trên sự đồng thuận. Điều đó có nghĩa là chủ tịch sẽ tham khảo ý kiến của các nước thành viên, và các nước thành viên sẽ trình bày quan điểm của mình. Và nếu có sự đồng thuận, chấp nhận đàm phán để bắt đầu quá trình gia nhập, thì chúng tôi sẽ bắt đầu.

Tôi nghĩ rằng khâu tham vấn sẽ cần thời gian. Mỗi quốc gia có quan điểm riêng, khác nhau, và họ có thể có các cuộc thảo luận của riêng họ với các quốc gia hoặc nền kinh tế nộp đơn xin gia nhập, trước khi cho chủ tịch biết lập trường của họ. Dù sao thì, chúng tôi cũng mong muốn được nghe quan điểm của họ và xem liệu có sự đồng thuận hay không.

Tôi nghĩ rằng khi đưa ra những quyết định này, các quốc gia sẽ xem xét tính kinh tế của nó, cũng như các khía cạnh thương mại và đầu tư, nhưng tôi khá chắc rằng họ cũng sẽ tính đến mặt chiến lược và các quan điểm rộng hơn.

Hỏi : Nhưng nếu nói về việc Trung Quốc trở thành thành viên của CPTPP, thì ý tưởng ban đầu của Nhật Bản về hiệp ước là tạo ra đối trọng với sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Bởi nếu có một cường quốc kinh tế thống trị trong khu vực, quốc gia đó sẽ áp đặt các quy tắc thương mại. Nên chúng ta mới cần một số loại năng lực thương lượng tập thể.

Đáp : Lý tưởng nhất là TPP. Người Mỹ đã có thể tham gia. Sau đó, vào một thời điểm nào đó, người Trung Quốc có thể cân nhắc liệu họ có muốn tham gia TPP hay không, và khi đó chúng ta có sự cân bằng. Thật không may, bây giờ Mỹ đã không còn tham gia nữa. Và đó là điều mà tôi chắc chắn Nhật Bản sẽ xem xét, và khi chúng tôi tham khảo ý kiến của Nhật Bản với tư cách là chủ tịch … các vị sẽ cho chúng tôi biết quan điểm của mình. Năm ngoái Nhật Bản là chủ tịch.

Hỏi : Quay trở lại vấn đề cán cân quân sự trong khu vực, Châu Âu có NATO để đối đầu với Nga, nhưng Châu Á lại không có một khuôn khổ an ninh tập thể. Ông có nghĩ rằng điều đó là cần thiết ?

Đáp : Tôi nghĩ lịch sử hai bên là khác nhau. Ở Châu Âu, NATO ra đời để phân tách các nước phương Tây với các nước thuộc Hiệp ước Warsaw, khối Xô-viết. Sau khi khối Xô-viết sụp đổ, và Liên Xô tan rã, NATO vẫn tiếp tục tồn tại, và giờ đây trên thực tế đã trở thành một khối đang đối phó với mối đe dọa từ Nga, điều này dù rất giống nhưng không hoàn toàn giống với Chiến tranh Lạnh.

Ở Châu Á, lịch sử lại khác. Không bao giờ tồn tại một liên minh hoặc một nhóm ở Châu Á, tương đương với NATO. Nhiều nước ở Châu Á có quan hệ tốt với Trung Quốc cũng như với Mỹ, và các đồng minh hiệp ước của Mỹ. Một số là đồng minh hiệp ước như Nhật Bản, như Hàn Quốc, như Australia. Nhiều nước không phải đồng minh, nhưng vẫn là bạn của Mỹ, như Singapore – chúng tôi là đối tác hợp tác an ninh. Nhưng thậm chí nhiều đồng minh của phương Tây vẫn duy trì quan hệ quan trọng với Trung Quốc, về thương mại cũng như các quan hệ khác.

Do đó, tôi cho rằng tình hình này vẫn tốt hơn là khi các quốc gia bị chia cắt dọc theo một đường ranh giới, dọc theo đó là hai khối đối đầu nhau. Ý tôi là, có một câu chuyện lịch sử ở Châu Âu, nhưng Châu Á lại không có, và tôi nghĩ tốt hơn hết là không có và mãi mãi không có.

Hỏi : Cũng nói về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Mỹ khởi xướng, quan điểm của ông về nó là tích cực ?

Đáp : Vâng, chúng tôi có quan điểm tích cực. … Lý tưởng nhất là anh muốn có Mỹ và một thỏa thuận FTA với các nước Châu Á, nhưng điều đó không thể trở thành hiện thực. Thế nên, đây là một giải pháp thay thế, không phải là một FTA mà là một khuôn khổ phản ánh ý định hợp tác của Mỹ đối với các vấn đề có liên quan tại khu vực. … Họ nói về chuỗi cung ứng, họ nói về nền kinh tế số, nhiều khả năng nội dung cũng sẽ bao gồm hợp tác kinh tế xanh – đây là những điểm tích cực được các nước trong khu vực quan tâm và nó giữ cho Mỹ can dự vào khu vực. Do đó, chúng tôi ủng hộ nó.

Hỏi : Tôi hiểu. Nhưng cũng có những chi tiết vẫn chưa rõ ràng. Ông mong đợi loại kết quả nào ?

Đáp : Không, các chi tiết chưa được thương lượng. Nhưng các đề mục đã được xác định rồi. Và vì vậy, chúng tôi sẽ tham gia, sẽ cố gắng tìm ra thứ gì đó thực chất và cùng có lợi nhất có thể.

Hỏi : Nhưng ông mong đợi sáng kiến này mang lại lợi ích như thế nào cho đất nước mình ?

Đáp : Họ đã liệt kê bốn điều … thương mại, chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, khử cacbon, sau đó là thuế và chống tham nhũng. Những lĩnh vực này đều rất rộng. Như tôi đã nói, từ quan điểm của chúng tôi, chúng tôi quan tâm đến nền kinh tế kỹ thuật số. Chúng tôi cũng muốn thảo luận về hợp tác kinh tế xanh, năng lượng bền vững, tài chính bền vững, và việc xác lập quy tắc về giao dịch carbon.

Tóm lại, chúng tôi thấy có cơ hội để đi đến một thỏa thuận và chúng tôi muốn bắt đầu nói chuyện.

Hỏi : Tôi muốn hỏi ông về sự hợp tác giữa Singapore và Nhật Bản. Chúng ta biết hai bên đang có quan hệ tốt, nhưng ông có nhận thấy bất kỳ lĩnh vực cụ thể nào mà chúng ta có thể cải thiện không ?

Đáp : Nền kinh tế kỹ thuật số là một trong số đó. Chúng tôi có Sáng kiến Quốc gia Thông minh. Các vị có cái gọi là Tầm nhìn Quốc gia về Thành phố Kỹ thuật số Xanh mà tôi tin là do Thủ tướng [Fumio] Kishida khởi xướng, và tôi nghĩ chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau để phát triển các thành phố thông minh cũng như cách triển khai quản trị kỹ thuật số, chính phủ kỹ thuật số. Mọi quốc gia trên thế giới đều đang cố gắng thực hiện điều này. Một số như Estonia đã tiến rất xa. Ở Singapore, chúng tôi có một số sáng kiến. Một số tiến bộ hơn những sáng kiến khác, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục học hỏi. Đó là lĩnh vực thứ nhất.

Ngoài ra, tôi vừa nói về nền kinh tế xanh. Đó cũng là một lĩnh vực mà chúng ta có thể hợp tác, về năng lượng thay thế và phát triển các nền kinh tế bền vững. Hơn nữa, chương trình nghị sự cũng có nhiều đề mục tồn tại đã lâu nhưng vẫn chưa được triển khai, chúng tôi hy vọng có thể trong môi trường này, thời kỳ hậu Covid, mọi thứ sẽ dần được thực hiện.

Ví dụ, chúng ta có Hiệp định Đối tác Kinh tế Nhật Bản-Singapore, đã được ký từ 2002. Dù đã có một bản cập nhật, nhưng nó thực sự cần được cập nhật lại. Và Nhật Bản đã không thể làm điều này, bởi vì các vị còn bận tâm đàm phán TPP và [Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực]. Nhưng chuyện đó đã xong. Vì vậy, tôi hy vọng rằng bây giờ chúng ta có thể quay lại với chủ đề này và thảo luận về việc nâng cấp nó.

Hỏi : Ông muốn thương lượng điều gì ?

Đáp : Không có thương lượng nào cả. Điều chúng tôi muốn là cập nhật hiệp định. Một lĩnh vực khác cũng lâu đời là hàng không dân dụng và cụ thể là quyền hàng không. Chúng tôi muốn tăng cường liên kết hàng không với Singapore và đặc biệt là các chuyến bay đến Haneda [sân bay ở Tokyo].

Hỏi : Ông muốn tăng số lượng chuyến bay ?

Đáp : Tất nhiên. Nhu cầu là có thật. Nhật Bản hiện vẫn đang hạn chế việc đi lại nhưng rất sớm thôi, các vị sẽ thay đổi quy định và tôi nghĩ chúng ta nên chuẩn bị cho điều đó.

Hỏi : Chúng tôi đã có cơ hội phỏng vấn ông cách đây 3 năm, và về TPP, ông cho biết quan điểm của Singapore là hoan nghênh Trung Quốc tham gia. Bây giờ khi Trung Quốc xin gia nhập CPTPP, quan điểm của ông có thay đổi không, và ông có nghĩ rằng điều này sẽ mang lại nhiều lợi thế hơn là bất lợi cho các nước thành viên ?

Đáp : Vâng, chúng tôi hoan nghênh Trung Quốc tham gia. Tôi đã nói công khai như vậy. … Giờ thì, trước tiên họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn. Họ nói rằng họ sẽ làm điều đó, nhưng nó sẽ phải được thảo luận chi tiết. Nhưng cuối cùng, quyết định được đưa ra dựa trên sự đồng thuận của các thành viên, và các thành viên còn lại có thể có quan điểm khác nhau. Chúng tôi sẽ phải lắng nghe. Chúng tôi đóng vai chủ tịch, nhưng chúng tôi không quyết định.

Hỏi : Theo ông, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine có thể tác động như thế nào đến cách tiếp cận của Trung Quốc ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông và Eo biển Đài Loan ?

Đáp : Tôi nghĩ chắc chắn nó sẽ có tác động đến khu vực của chúng ta, vì nó ảnh hưởng đến trật tự toàn cầu, vì nó làm suy yếu trật tự toàn cầu, và điều đó khiến rất nhiều quốc gia trong khu vực lo lắng.

Do đó, các nước giờ đây sẽ tự đánh giá lại chủ trương quốc phòng, chi tiêu, và chiến lược của họ, cũng như con đường tương lai cho khu vực nói chung – làm thế nào để đi tiếp, và tránh những sai lầm dẫn đến chiến tranh như ở Ukraine, ở Châu Âu.

Đó là một câu hỏi cần được xem xét, không phải chỉ bởi chúng tôi, không chỉ bởi các nước nhỏ, mà cả các nước lớn. Bởi vì nếu xung đột xảy ra, rất hiếm khi vấn đề chỉ đến từ một phía. Hiện tại, đối với các tình huống cụ thể ở Biển Đông, tôi không nghĩ rằng tác động của chúng là đáng kể, vì ở Biển Đông, đang có một quá trình thảo luận về Bộ Quy tắc Ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc cũng như các quốc gia có yêu sách liên quan. Việc đó đang được tiến hành, dù tôi nghĩ sẽ mất một thời gian, và nó sẽ là một cuộc đàm phán khó khăn, nhưng nó đang diễn ra rồi. Tôi tin rằng các nước có liên quan đều hiểu điều này. Đôi khi sự cố có thể xảy ra, nhưng tôi nghĩ nhìn chung các nước đều không muốn xảy ra đụng độ, va chạm thực tế trên Biển Đông.

Đài Loan tự nó là một vấn đề rất phức tạp. Tôi chắc rằng người Trung Quốc đang nghiên cứu rất kỹ các bài học của cuộc chiến ở Ukraine. Tôi chắc rằng ở bên kia bờ eo biển, Đài Loan cũng đang nghiên cứu rất kỹ những bài học của cuộc chiến ở Ukraine. Và tôi hy vọng rằng họ sẽ tìm được kết luận giúp họ quản lý vấn đề một cách khôn ngoan.

Tôi có thể nói rằng nhiều người trong chúng ta, khi nhìn vào tình hình Ukraine, sẽ rút ra kết luận là khi có xung đột, chuyện bắt đầu là rất dễ dàng, kết thúc như thế nào mới khó. Và anh phải đánh giá không chỉ những gì trực tiếp xảy ra trong cuộc xung đột, mà còn những hậu quả rộng lớn hơn trên phạm vi quốc tế, các quốc gia khác sẽ phản ứng như thế nào, nó ảnh hưởng như thế nào đến vị thế của anh trên trường quốc tế, và cả cái giá của chiến tranh và đổ máu.

Điều duy nhất tồi tệ hơn việc thắng trận là việc thua trận. Ngay cả khi giành chiến thắng trong cuộc chiến, bất cứ ai tuyên bố rằng họ đã thắng trong cuộc chiến ở Ukraine, người đó đã phải trả một cái giá rất đắt. Và tôi hy vọng rằng ở eo biển Đài Loan, những bài học này sẽ được đưa ra cân nhắc, và chúng ta sẽ có thể quản lý vấn đề một cách hòa bình.

Lý Hiển Long

Nguyên tác : "Q&A with Singapore’s Lee : Nations ‘big and small’ must play by rules", Nikkei Asia, 23/05/2022

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 01/06/2022

************************

Phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của Singapore

Lee Hsien Long, Nguyễn Thị Kim Phụng, Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu quốc tế, 24/12/2015

singapore2

Xin chào và xin chúc quý vị một buổi chiều tốt lành !

Vậy là chúng ta vừa mừng lễ kỷ niệm 50 năm ngày giành độc lập. Đây là lúc nhìn lại những thành tựu chúng ta đã đạt được, và hiểu điều gì đã khiến chúng ta thành công. Đồng thời, năm nay cũng sẽ là năm mà chúng ta cần phải vạch ra hướng đi cho tương lai của mình.

Việc tự đánh giá bản thân sẽ rất có ích cho quan hệ đối ngoại của chúng ta. Dù đây không phải là vấn đề quan tâm hàng đầu của nhiều người Singapore, vì chúng ta đang sống hòa bình và ổn định, cũng như có mối quan hệ thân thiện với hầu hết các nước. Bộ Ngoại giao đã thực hiện rất tốt công việc của mình đến mức nhiều người khó nhận ra sự tồn tại của bộ này. Người ta quan tâm nhiều hơn đến những thứ có ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ – như chuyện tàu điện thi thoảng bị hỏng, y tế, thi cử, hay việc làm.

Nhưng trong thực tế, chính sách đối ngoại có vai trò rất quan trọng đối với vị thế của chúng ta trên trường quốc tế, nó đảm bảo sự ổn định khu vực, tạo ra các điều kiện bên ngoài thuận lợi để nền kinh tế phát triển thịnh vượng, và đem đến cho chúng ta một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Khi so sánh với cách đây 50 năm, vị thế của Singapore hiện nay đã được cải thiện đáng kể. Singapore ngày nay là một quốc gia thành công và được tôn trọng. Chúng ta nắm giữ một vị trí cao trong cộng đồng quốc tế, và có những người bạn trên khắp thế giới. Điều này là nhờ vào công sức của nhiều thế hệ cán bộ ngoại giao, bắt đầu với Ngoại trưởng đầu tiên của chúng ta, ông S. Rajaratnam, người mà loạt bài giảng này đã vinh dự được đặt tên theo.

Thế giới ngày nay rất khác với thế giới của 50 năm trước. Năm 1965, Chiến tranh Lạnh đang vào giai đoạn căng thẳng ; nhưng giờ thì nó đã kết thúc lâu rồi. Đông Nam Á khi ấy là một khu vực đầy xung đột, với Chiến tranh Việt Nam là một điểm "nóng" ; còn chính chúng ta thì phải trải qua thời kỳ Konfrontasi – một cuộc xung đột cường độ thấp giữa Malaysia và Indonesia. Nhưng hôm nay, Đông Nam Á đã hòa bình trở lại, và ASEAN sẽ trở thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay. Trên cương vị một quốc gia, đất nước chúng ta hiện nay đã thịnh vượng và vững vàng hơn trước, và trên cương vị một dân tộc, ý thức về bản sắc, về chủ quyền quốc gia của chúng ta cũng mạnh hơn rất nhiều.

Nhưng một số nguyên tắc cơ bản về sự tồn tại của chúng ta không thay đổi. Singapore sẽ luôn là một đất nước nhỏ bé trong một thế giới không ổn định, và đôi khi còn nguy hiểm. Chúng ta vẫn bị bao quanh bởi các nước láng giềng lớn hơn, và nằm giữa khu vực Đông Nam Á. Khu vực này dù đã ổn định hơn và thịnh vượng hơn trước, nhưng nó vẫn là nơi mà các lợi ích của các cường quốc lớn giao thoa nhau, và là một khu vực đa dạng và khó dự đoán hơn so với Bắc Mỹ, và cho tới gần đây là so với Châu Âu. Chúng ta vẫn không có tài nguyên thiên nhiên, chỉ có trí thông minh và nguồn dự trữ ngoại tệ mà chúng ta đã khó nhọc tích lũy nên, để đưa chúng ta qua những lúc khó khăn. Sự thật này sẽ rất khó thay đổi trong một thời gian dài nữa.

Thực tế của các nước nhỏ

Các nước nhỏ như chúng ta phải không ngừng tự hỏi : làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo rằng chúng ta luôn tồn tại, và giữ vững lợi thế của mình ?

Theo ngôn ngữ ngoại giao, quan hệ quốc tế dựa trên các nguyên tắc cao cả. Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định sự "bình đẳng chủ quyền" giữa các quốc gia, và tuyên bố các nước phải "giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình". Phong trào Không liên kết được dựa trên Năm Nguyên tắc Chung sống Hòa bình, thể hiện một khát vọng còn cao hơn nữa. Tôi không định kiểm tra kiến thức của các bạn, nhưng Năm nguyên tắc đó là : Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau ; Không xâm lược lẫn nhau ; Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau ; Bình đẳng và hợp tác vì lợi ích chung ; và Chung sống hòa bình. Đây là những khẳng định quan trọng, xác định các quy chuẩn của quan hệ giữa các quốc gia và luật pháp quốc tế.

Nhưng việc giải quyết các vấn đề quốc tế thường phản ánh một thực tế khắc nghiệt hơn nhiều. Quyền lực sẽ quyết định nước nào chiếm ưu thế, và nước nào sẽ thiết lập chương trình nghị sự. Chính trị cường quyền chưa bao giờ biến mất, dù mọi thứ không hoàn toàn giống với luật rừng. Ngay tại Liên Hiệp Quốc, dù có các điều khoản trong Hiến chương, thì quyền lực vẫn là cốt lõi của ngoại giao. Trong Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên, chỉ nhóm P5 mới có quyền phủ quyết, còn 10 nước được bầu ra thì không. Ngay cả trong P5 cũng tồn tại một thứ bậc. Không phải mọi quyền phủ quyết đều có trọng lượng như nhau. Chúng ta đều biết rằng quyền phủ quyết của một số nước sẽ có giá trị hơn những nước khác, mặc dù nói về vấn đề này sẽ không được ngoại giao cho lắm. Nhưng sự thực là như vậy. Và hệ thống thứ bậc quyền lực này được thể hiện rõ ngay cả trong những điều nhỏ nhất. Trong những bức ảnh chụp tại các cuộc họp quốc tế, người nào đứng ở đâu ? Nếu xem xét một cách cẩn thận, bạn sẽ thấy được câu chuyện ẩn đằng sau. Ai sẽ là người phát biểu đầu tiên hoặc cuối cùng ? Điều đó phụ thuộc vào người nào được vị Chủ tọa quan tâm. Hoặc nước nào mới có quyền chọn khách sạn mà đoàn đại biểu của họ sẽ ở lại ? Điều đó cũng phụ thuộc vào nước nào có sức thuyết phục lớn hơn. Có lẽ đó là lý do tại sao người Trung Quốc lại nói " 外交" (Xiǎoguó wú wàijiāo) Nước nh không có chính sách đối ngoi bi vì h không th định hình các s kin, mà ch có th đi theo nhng gì đã được định đot trước.

Cũng có một câu nói tương tự như vậy ở phương Tây, ngay từ thời cổ đại, trong tác phẩm "Lịch sử Chiến tranh Peloponnese" của Thucydides. Đó là câu nói nổi tiếng : "Kẻ mạnh làm những điều họ có thể làm, và kẻ yếu phải gánh chịu những điều mà họ phải gánh chịu". Bối cảnh mà câu cách ngôn này ra đời cũng đáng được xem xét. Cuộc chiến Peloponnese diễn ra giữa hai thành bang Athens và Sparta, cùng với các đồng minh của mỗi bên. Athens là bá chủ của Liên minh Delos, một trong hai "siêu cường" trong thế giới các thành bang Hy Lạp cổ đại. Athens muốn buộc Melos, một đảo quốc yếu hơn, gia nhập Liên minh Delos. Vì vậy, họ đã gửi một đội quân sang xâm lược Melos, nhưng trước khi làm điều đó, họ đã gửi các đại biểu và các phái viên đến thuyết phục người Melos tự đầu hàng, nếu không sẽ bị hủy diệt. Melos là một hòn đảo nhỏ ở Biển Aegea. "Cuộc đối thoại ở Melos" của Thucydides mô tả lại những gì người Athens có lẽ đã nói, gồm những lập luận và hồi đáp. Đó là một phân tích về quyền lực và cân nhắc giữa hai bên. Người Melos đưa ra những tranh luận mang tính thực dụng và luân lý, giải thích tại sao Athens không nên tấn công Melos. Nhưng phía Athen chỉ đáp lại một cách tàn bạo : "Kẻ mạnh làm những điều họ có thể làm, và kẻ yếu phải gánh chịu những điều mà họ phải gánh chịu". Người Melos vẫn từ chối đầu hàng. Kết quả là Athens đã quét sạch Melos, giết chết tất cả đàn ông, bán phụ nữ và trẻ em làm nô lệ. Đó là câu chuyện của 2.400 năm trước, nhưng thực ra nó không hoàn toàn xa lạ trong thế giới hiện đại ngày nay. Hãy nhớ lại những gì đã xảy ra khi Iraq xâm chiếm Kuwait, rồi hãy so sánh nó với những gì xảy ra gần đây, khi mà Nga sáp nhập Crimea. Sức mạnh có vai trò quan trọng.

Thúc đẩy lợi ích quốc gia

Dù là một nước nhỏ, nhưng Singapore đã từ chối chấp nhận đó là số phận của mình. Chúng ta quyết tâm làm chủ vận mệnh của chính mình. Chính sách đối ngoại của chúng ta là một sự cân bằng giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lý tưởng. Chúng ta biết mình sẽ phải chấp nhận thế giới, theo một thực tế mà chúng ta chẳng hề mong muốn. Nhưng chúng ta tin rằng mình có thể, và sẽ phải bảo vệ bản thân và thúc đẩy lợi ích quốc gia.

Tất nhiên, chúng ta cần hiểu rõ đâu là lợi ích căn bản của mình, và thực ra những lợi ích này đã không thay đổi trong suốt 50 năm qua. Đó là : hòa bình thế giới ; một trật tự quốc tế mà trong đó các nước tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế ; thiết lập một mạng lưới bạn bè và đồng minh mà chúng ta có thể làm việc cùng ; có được một khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, ổn định và an toàn ; và cuối cùng là giữ gìn chủ quyền và quyền quyết định tương lai của chúng ta.

Làm thế nào Singapore có thể thúc đẩy các lợi ích quốc gia ?

Tôi xin gửi các bạn một câu ngạn ngữ cổ Trung Quốc nữa – người Trung Quốc quả là đã giải quyết tất cả những vấn đề này từ lâu. Câu nói này trích từ cuốn "Đại Học", một trong Tứ Thư của Nho giáo – "修身, 齐家, 治国, 天下" (Xiūshēn, qí jiā, zhìguó, píng tiānxià Tu thân, t gia, tr quc, bình thiên h). Một người trước tiên phải biết tu dưỡng bản thân, thứ đến là chỉnh đốn gia đình, tiếp đó là thiết lập trật tự quốc gia, cuối cùng mới có thể khiến cho toàn thiên hạ thái bình, hạnh phúc. Đây là quan điểm Nho giáo về trị quốc, và nó nằm sâu trong tâm lý người Trung Quốc. Có sợi dây liên kết trực tiếp từ đạo đức cá nhân, đến gia đình, đến cộng đồng, và toàn thể thế giới. Singapore là một xã hội hiện đại, nhưng chúng ta luôn cố gắng hết sức để duy trì các giá trị truyền thống và phù hợp với chúng ta, và câu nói trên là một sự đúc kết trí tuệ, gói gọn những gì chúng ta có thể suy nghĩ về việc thúc đẩy lợi ích quốc gia trên trường quốc tế. Một chính sách đối ngoại thành công phải dựa trên những gì chúng ta làm trong nước. Chúng ta trước tiên phải yên ổn trong nhà thì sau đó quan hệ đối ngoại của chúng ta mới có thể phát triển lớn mạnh được.

Tôi xin được giải thích cụ thể như sau. Đầu tiên, trên bình diện quốc tế, chúng ta phải là một thành viên chủ động và xây dựng, tìm cách mang lại các giá trị gia tăng (cho cộng đồng quốc tế) và làm cho đất nước chúng ta quan trọng với các nước khác. Thứ hai, trong khu vực, chúng ta phải tìm ra mục tiêu chung với các nước láng giềng. Thứ ba, Singapore phải tiếp tục là một dân tộc thành công, phải biết tận dụng bất kỳ ảnh hưởng nào ở nước ngoài. Thứ tư, sự thành công của Singapore, dù ở trong hay ngoài nước, đều phụ thuộc vào sự đoàn kết toàn dân, và có niềm tin vững chắc rằng Singapore sẽ đủ sức để trường tồn và nổi bật.

Một chủ thể mang tính xây dựng trên trường quốc tế

Đầu tiên, trên trường quốc tế, chúng ta phải là một nhân tố chủ động và mang tính xây dựng.

Ngoại giao bao gồm rất nhiều vấn đề, diễn ra trong hàng chục các diễn đàn. Các nhà ngoại giao dường như dành tất cả thời gian của mình trong các cuộc họp, uống trà, hay gặp mặt – từ thời chiến đến thời bình, bàn về thương mại, bảo vệ môi trường, hợp tác văn hóa và xã hội, về gần như mọi lĩnh vực của đời sống con người. Các nước nói chuyện với nhau, kinh doanh với nhau, và cố gắng tác động lẫn nhau. Là một nước nhỏ, chúng ta không thể có mặt ở khắp mọi nơi, nhưng chúng ta phải có mặt tại các diễn đàn chủ chốt và trong những vấn đề quan trọng, ví dụ như Liên Hợp Quốc, WTO, APEC, nơi mà chúng ta có lợi ích bị ảnh hưởng.

Nhiều vấn đề trong số đó sẽ còn tiếp tục trong một thời gian rất dài. Các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu đã kéo dài suốt nhiều năm ; các hiệp định thương mại đa phương – như Vòng đàm phán Doha – bắt đầu từ năm 2001 và có lẽ còn tiếp diễn một thời gian dài nữa. Đó là một quá trình dài, nhưng cứ theo định kỳ trong quá trình đó sẽ lại có những hội nghị quốc tế về các vấn đề này, và sau đó chúng ta có một đợt cao trào các hoạt động : những cuộc đàm phán căng thẳng, nguy cơ đổ vỡ và những thỏa thuận phút chót ; những đêm không ngủ để dàn xếp ở giờ thứ 11, thậm chí là 13. Với kịch bản này, chúng ta phải có tư duy chiến lược để duy trì chính sách và đường lối của mình trong nhiều năm, để bảo đảm lợi ích quốc gia, nhưng đồng thời vẫn có chiến thuật linh hoạt trong các hội nghị và các can dự khác, để gây ảnh hưởng ở mọi nơi mà chúng ta có thể, và trong mọi tình huống quan trọng với chúng ta.

Vậy chúng ta phải làm gì ? Đầu tiên, hãy tìm điểm chung với các nước khác, đặc biệt là với các nước nhỏ. Tiếng nói của từng nước có thể yếu, nhưng khi chung sức, tiếng nói của chúng ta sẽ được khuếch đại, và nó sẽ được lắng nghe. Đó là lý do tại sao tại Liên Hiệp Quốc, chúng ta thành lập Diễn đàn các Nước nhỏ (Forum of Small States – FOSS). Chúng ta nhỏ nhưng lại rất đông. FOSS gồm các nước dưới 10 triệu dân. Tuy chỉ là một nhóm không chính thức, nhưng 105 thành viên của FOSS có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Các thành viên gặp nhau, thảo luận, hình thành các lập trường chung, chia sẻ kinh nghiệm và chiến lược. Ngoài ra, còn một tổ chức khác mà chúng ta đã lập ra, đó là Nhóm Quản trị Toàn cầu (Global Governance Group). Đó là một liên minh không chính thức, do 30 nước nhỏ và vừa thành lập, nhằm trao đổi quan điểm về quản trị toàn cầu. Quản trị toàn cầu nghĩa là gì ? Đó là các vấn đề như : quy tắc tài chính, IMF và WB, các chính sách kinh tế, nhằm đưa chúng vào các tiến trình G20 và biến G20 thành một nhóm mang tính bao trùm, minh bạch và đại diện hơn. Tóm lại, điều đầu tiên chúng ta phải làm để gia tăng ảnh hưởng của mình là phải tìm ra "mục tiêu chung" với các nước khác.

Thứ hai là phải thường xuyên nhìn về phía trước, để dự đoán sự phát triển, để định vị bản thân, để bảo vệ lợi ích quốc gia, và để dự kiến các sự kiện sẽ diễn ra. Quan trọng nhất là trong những thời điểm bất ổn, khi không thể dự đoán được điều sẽ xảy ra, chúng ta buộc phải chuẩn bị cho nhiều tình huống. Ví dụ, chúng ta đang bắt đầu thực hiện dự án liên chính phủ (Government-to-Government, G-to-G) thứ ba với Trung Quốc ở Trùng Khánh. Điều này sẽ đặt chúng ta tại một đầu trong "Một Vành đai, Một Con đường" của Trung Quốc. Giờ đây Singapore đã là một phần của "vành đai", đó là Con đường Tơ lụa bắt đầu từ Trung Quốc, đi qua lục địa Á – Âu, và chúng ta cũng là một phần của "con đường" – Con đường Tơ lụa trên biển, đi qua khu vực Đông Nam Á. Và đó là một vị thế giá trị mà chúng ta có được.

Một ví dụ khác, chúng ta gia nhập Hội đồng Bắc Cực (Arctic Council) với tư cách quan sát viên, nhằm tìm ra những gì có thể xảy đến nếu các tuyến đường biển phía bắc trở nên khả thi khi băng Bắc Cực tan chảy. Một đất nước vùng xích đạo đáng lẽ không cần quan tâm đến Bắc Cực, nhưng chúng ta có lý do của mình. Sam Tan, phái viên ngoại giao của chúng ta, là người đã làm việc rất chăm chỉ và đã có rất nhiều bạn ở trong nhóm Vòng tròn Bắc cực (Arctic Circle), thuộc Hội đồng Bắc Cực. Điều này có liên quan đến chúng ta. Nó sẽ không xảy ra vào ngày mai. Nó có thể sẽ diễn ra hoặc có thể không. Nhưng nó có thể xảy ra, và nếu nó xảy ra chúng ta cũng sẽ có mặt ở đó. Đây là những món đặt cược nhỏ để làm bảo hiểm cho vị thế của chúng ta.

Thứ ba, điều chúng ta có thể làm để trở thành một bên có liên quan là hãy đóng góp một điều gì đó. Chúng ta không có nhiều tiền để có thể phân phát, cũng không đủ quyền lực để ép buộc người khác. Nhưng chúng ta biết làm chủ các vấn đề, chúng ta đưa ra những ý tưởng mang tính xây dựng, và mỗi nhà ngoại giao của chúng ta đều có đóng góp trong các cuộc thảo luận.

Đây là những gì mà một thế hệ trước đây chúng ta đã làm được, khi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đang được đàm phán. Công ước được ký vào năm 1982. Giáo sư Tommy Koh, hiện là Đại sứ lưu động và là nhà ngoại giao kỳ cựu của chúng ta, đã đóng một vai trò trung tâm trong các cuộc đàm phán trên cương vị Chủ tịch Hội nghị lần thứ ba về Luật Biển. Khi ấy ông đang ở độ tuổi đầu 30, có lẽ là người trẻ tuổi nhất trong hội nghị. Giáo sư Jayakumar và Thẩm phán Chao Hick Tin, theo tôi nhớ thì Giáo sư Jayakumar lúc bấy giờ đang là Đại diện Thường trực của Singapore tại Liên Hiệp Quốc, cả hai đã giữ vai trò chủ đạo, thành lập một liên minh "những quốc gia không giáp biển và có hoàn cảnh địa lý khó khăn" nhằm thúc đẩy lợi ích chung.

Bạn sẽ thắc mắc thế nào là một liên minh "những quốc gia không giáp biển và có hoàn cảnh địa lý khó khăn ?" Nó cũng là một liên minh của các nước có cùng mục đích, cùng lợi ích. Những nước không giáp biển là những nước như Lào, Mông Cổ, hoặc Chad – thật ra có khá nhiều nước như vậy trên thế giới. Và ví dụ về nước có hoàn cảnh địa lý khó khăn chính là Singapore. Chúng ta có các đại dương xung quanh, nhưng các nước láng giềng của chúng ta đều đã tuyên bố chủ quyền trên những đại dương đó ; và điều này là bất lợi lớn cho chúng ta. Do đó, chúng ta có lợi ích tương tự như các nước không giáp biển. Vì vậy chúng ta thành lập một nhóm "những quốc gia không giáp biển và có hoàn cảnh địa lý khó khăn" nhằm gây áp lực, vốn không phải là không có hiệu quả trong các cuộc đàm phán của UNCLOS. Chúng ta là một đảo quốc nhỏ, với thương mại hàng hải là huyết mạch kinh tế. Chúng ta phải bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không. UNCLOS quy định về các quyền này, và đã trở thành một điểm tham chiếu pháp lý quan trọng cho các tuyên bố chủ quyền và hoạt động trên các vùng biển. UNCLOS tạo ra một sự cân bằng cẩn trọng giữa quyền và lợi ích của các quốc gia ven biển với quyền và lợi ích tương tự của các nước khác, cung cấp cơ chế phân xử và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. UNCLOS cũng là khuôn khổ để chúng ta suy nghĩ và thảo luận về các vấn đề mà các nước hiện đang phải đối mặt ở Biển Đông.

Đàm phán UNCLOS đã diễn ra một thế hệ trước. Nhưng hiện tại, chúng ta cũng đang tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu, bao gồm cuộc họp quan trọng diễn ra tại Paris vào tuần tới. Singapore không phải là một nước có lượng phát thải khí nhà kính lớn. Ngay cả khi tất cả người dân Singapore ngừng thở, điều đó cũng chẳng tạo nên bất kỳ khác biệt nào đối với sự nóng lên toàn cầu. Nhưng Đại sứ về biến đổi khí hậu của chúng ta vẫn đóng vai trò tích cực, vận động ủng hộ, đóng vai trò như một cầu nối giữa các nước phát triển và đang phát triển, và biến chúng ta thành những người hữu ích. Bộ trưởng Vivian Balakrishnan trong nhiệm kỳ trước của mình, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường và Nước, đã đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc họp trước đây. Trong Hội nghị các bên ở Lima, Peru hồi năm ngoái, Bộ trưởng Vivian là một trong hai "Bạn của Chủ tọa" (Friends of the Chair), người còn lại là của Na Uy, và "Bạn của Chủ tọa" là những người giúp Chủ tọa đưa ra được một thỏa thuận cho các thành viên tham gia hội nghị. Và họ đã làm việc đằng sau hậu trường để xây dựng sự đồng thuận về một thỏa thuận cho phép hội nghị kết thúc với kết quả tích cực, để quá trình có thể tiếp tục, và đến được Paris, chứ không kết thúc mà không có thỏa thuận nào. Chúng ta có thể rất nhỏ, nhưng đó là đóng góp mà chúng ta có thể làm.

Thỉnh thoảng, chúng ta cũng may mắn khi đưa ra một sáng kiến nhỏ nhưng dẫn đến một kết quả có ý nghĩa lớn hơn, ví dụ như Hiệp định Đối tác Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Câu chuyện này bắt đầu cách đây 10 năm, khi bốn nước nhỏ ký một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Bốn nước đó được gọi là "Thái Bình Dương 4" (Pacific 4 – P4) gồm : Singapore, Brunei, Chile và New Zealand. Đây không phải là 4 nước đầu tiên mà mọi người sẽ nghĩ đến khi nói về một FTA đầy hứa hẹn trên thế giới, nhưng đây là 4 nước có cùng chí hướng và mục đích trong việc hướng tới thỏa thuận. Thương mại giữa các nước này khá khiêm tốn. Tổng tác động của FTA của P4 lên thương mại thế giới là không đáng kể. Nhưng chúng ta đã tạo dựng P4 với hy vọng rằng nó sẽ trở thành hạt nhân mà sau này các nước Châu Á – Thái Bình Dương khác có thể tham gia, và dần dần phát triển thành một Hiệp định Thương mại Tự do quan trọng trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Và quả thực, đó là những gì đã xảy ra. Nhiều nước muốn trở thành một phần của hiệp định này ; từng nước một đã bày tỏ quan tâm – Australia, Canada, Peru, Việt Nam. Sau đó, người Mỹ đến và thay đổi cuộc chơi hoàn toàn. Tiếp nữa, Nhật Bản tham gia – tuy muộn, nhưng họ hội nhập rất nhanh. Cuối cùng, nó đã trở thành nhóm TPP với 12 quốc gia thành viên, chiếm 40% GDP toàn cầu, tính cả Mỹ và Nhật Bản. TPP từ một con vịt con xấu xí trở thành thiên nga. TPP khác hoàn toàn với P4 – về quy mô và tham vọng. Nó không chỉ có ý nghĩa kinh tế, mà còn có ý nghĩa chiến lược. Nó làm tăng thêm mối quan hệ giữa Mỹ và Châu Á, làm cho khu vực trở nên hội nhập và ổn định hơn, và là con đường để cuối cùng dẫn đến một khu vực thương mại tự do thậm chí còn tham vọng hơn nữa ở Châu Á Thái Bình Dương. Vì vậy, tuy không thể tuyên bố mình là "cha đẻ" của TPP, nhưng chúng ta đã tham gia vào tiến trình dẫn tới sự hình thành TPP.

Đó là cấp độ đầu tiên. Trên trường quốc tế, chúng ta cần phải làm cho mình trở thành bên có liên quan, và phải có đóng góp.

Tăng cường hợp tác và ổn định khu vực

Ở cấp độ thứ hai, chúng ta phải duy trì quan hệ tốt với các nước láng giềng, cụ thể là khu vực Đông Nam Á.

ASEAN là "hòn đá tảng" trong chính sách đối ngoại của chúng ta. Singapore tích cực hợp tác với các đối tác thuộc ASEAN, tham gia vào các dự án của ASEAN, giúp đỡ các nước kém phát triển hơn trong ASEAN như Campuchia, Lào, Việt Nam, đặc biệt là Myanmar, giúp họ thu hẹp chênh lệch trình độ phát triển thông qua Sáng kiến Hội nhập ASEAN (Initiative for ASEAN Integration – IAI). Và chúng ta cố gắng thúc đẩy sự đồng thuận trong ASEAN về các vấn đề chung, cho dù đó là theo đuổi hội nhập kinh tế nội khối, hay giải quyết ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, vốn là một vấn đề chung của nhiều quốc gia ASEAN.

Chúng ta thuộc số những quốc gia nhỏ thuộc ASEAN. Chúng ta không ở vị trí thống trị, nhưng chúng ta vẫn làm phần việc của mình. Và chúng ta cũng làm việc với các nước ASEAN trong các diễn đàn rộng hơn, bên ngoài ASEAN, nhằm biến ASEAN thành một thành viên hiệu quả và đáng tin cậy trong các diễn đàn khu vực và đa phương lớn hơn. Chẳng hạn, tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN, WTO hay Liên Hiệp Quốc. Trong các diễn đàn này, thường lợi ích của các nước ASEAN hội tụ, điều tạo cho Singapore một cơ hội đóng góp bằng cách hợp tác với các thành viên ASEAN khác, thay vì đối lập với họ trên bàn đàm phán. Trong quá trình này, nhờ làm việc cùng nhau, chúng ta xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với họ.

Tất nhiên, ngoại giao ASEAN không phải luôn luôn là về tăng cường hợp tác. Nhiều lần chúng ta cũng phải giải quyết tranh chấp và va chạm, như chúng ta đang làm trong trường hợp Biển Đông. Singapore không phải là một bên yêu sách, nhưng chúng ta có lợi ích quan trọng bị ảnh hưởng – tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế. Chúng ta cũng có một vai trò riêng, vì Singapore là nước Điều phối viên quan hệ đối thoại ASEAN – Trung Quốc trong ba năm tới. Mục đích của chúng ta trên cương vị điều phối viên là trở thành một bên trung gian trung thực, làm việc công bằng và cởi mở với tất cả các bên, vì mục đích của chúng ta không chỉ là duy trì ổn định và hòa bình khu vực, mà còn tạo dựng danh tiếng là một quốc gia đáng tin cậy để hợp tác, và cũng để nâng cao uy tín của ASEAN trong vai trò một tổ chức hiệu quả, đủ khả năng đối phó với các vấn đề an ninh khó khăn.

Trong ASEAN, mối quan hệ sâu sắc nhất của chúng ta là với hai nước láng giềng, Malaysia và Indonesia. Tuần trước, khi tôi ở Kuala Lumpur, Thủ tướng Najib và tôi đã khai mạc một cuộc triển lãm, với tên gọi Titian Budaya – Cầu nối văn hóa – nhằm kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị Singapore-Malaysia thông qua nghệ thuật và văn hóa. Tôi đã phát biểu và Thủ tướng Najib cũng vậy. Tôi mô tả mối quan hệ giữa hai nước bằng câu tục ngữ Malay, "bagai aur dengan tebing" – tức giống như quan hệ giữa bờ sông và cây tre mọc trên bờ sông ; chúng phụ thuộc vào nhau. Tre mọc bên bờ sông, và rễ tre giữ đất ven bờ để chúng không bị lở. Cả hai cùng cộng sinh và cùng tồn tại với nhau.

Singapore và Malaysia phụ thuộc vào nhau, và chúng ta phải học cách làm việc với nhau. Vì thế mà Singapore đang cố gắng thúc đẩy quan hệ với Malaysia và Indonesia, hai trong số những đối tác kinh tế lớn nhất của chúng ta. Chúng ta hợp tác về an ninh, môi trường, du lịch, và nhiều lĩnh vực khác. Công dân của từng nước đều sang nước còn lại, để du lịch hay vì lý do công việc.

Nhưng tất nhiên, đây là những mối quan hệ phức tạp, và chắc chắn, theo thời gian, sẽ phát sinh vấn đề, nhưng khi chúng xảy ra, Singapore sẽ giải quyết chúng một cách bình thản mà không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ rộng lớn hơn, hay gây ra căng thẳng. Đó là cách chúng ta xử lý vấn đề Pedra Branca, một tranh chấp với Malaysia. Nếu các bạn đã quên, thì đây là tranh chấp về chủ quyền trên đảo Pedra Branca, nơi có ngọn hải đăng Horsburg. Tranh chấp này bắt đầu vào năm 1979. Đó là một vấn đề khó khăn cho cả hai bên, nhưng chúng ta đã đồng ý đưa tranh chấp ra Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice – ICJ) và cuối cùng, vào năm 2008, gần 30 năm sau khi bắt đầu tranh chấp, ICJ đã ra phán quyết. Cả hai nước đều chấp nhận phán quyết đó, và không để nó ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương rộng hơn. Và hai bên tiếp tục làm việc với nhau trong các dự án cùng có lợi khác, như Dự án Đường sắt cao tốc.

Tương tự, với Indonesia, chúng ta cũng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, và hy vọng sẽ tiến xa hơn nữa dưới thời Tổng thống Joko Widodo. Đó là cấp độ thứ hai trong chính sách đối ngoại của chúng ta, liên quan tới khu vực láng giềng : ASEAN và khu vực Đông Nam Á.

Đảm bảo thành công của Singapore

Nền tảng thứ ba cho một chính sách ngoại giao tích cực và hiệu quả là đưa Singapore trở thành một quốc gia thành công. Điều tôi muốn nói ở đây là một nền kinh tế thịnh vượng, người dân sống trong hòa bình và hòa hợp, đất nước hoạt động có hiệu quả và đặc biệt, phải là một quốc gia an toàn – có thể tự bảo vệ bản thân, và quyết tâm sẽ làm như vậy.

Một quốc gia thất bại không thể có một chính sách đối ngoại hiệu quả. Các nhà ngoại giao có thể xuất sắc, đôi khi họ thực sự như vậy. Họ có thể phát biểu hùng hồn tại Liên Hợp Quốc, thường thì họ sẽ làm được như vậy. Nhưng nếu đất nước là một mớ hỗn độn, chẳng có ai xem xét chúng một cách nghiêm túc.

Vì nền kinh tế của Singapore đã phát triển thịnh vượng, nên những nước khác muốn làm kinh doanh với chúng ta. Bởi xã hội chúng ta đang hòa thuận, và chúng ta đã tìm thấy giải pháp cho nhiều vấn đề của mình, như nhà ở, y tế, hoặc cấp nước, nên các quốc gia khác cũng coi trọng và xem chúng ta là một ví dụ thú vị để học hỏi.

Đó là lý do tại sao chúng ta hợp tác với nhiều quốc gia trong các dự án tập trung vào chuyên môn và uy tín của mình, và điều này tạo cơ hội cho doanh nghiệp và người dân của chúng ta. Chúng ta có các dự án liên chính phủ với Trung Quốc – Khu Công nghiệp Tô Châu, Thành phố Xanh Thiên Tân, và giờ là Dự án Khu vực phía Tây Trùng Khánh. Chúng ta còn có các khu công nghiệp liên doanh tại Indonesia, Việt Nam, và trên thực tế ở Việt Nam, nó được gọi là Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (Vietnam-Singapore Industrial Park, VSIP). Chữ S trong tên gọi viết tắt đó phần nào có giá trị về mặt xây dựng thương hiệu. Tại Ấn Độ, các công ty của chúng ta gần đây đã quy hoạch tổng thể cho Amaravati, thủ phủ mới của bang Andhra Pradesh, một khu vực còn nguyên sơ. Các công ty cấp nước và dịch vụ đô thị của chúng ta có nhà máy trên khắp Châu Á, Bắc Phi và Trung Đông. Vậy nên chúng ta phải là một quốc gia thành công.

Nhưng ngoại giao cần được hỗ trợ bởi nhiều thứ hơn chỉ là lời nói. Lời nói thực sự quan trọng. Singapore luôn coi trọng những lời nói ra. Ông Rajaratnam là một bậc thầy về sử dụng ngôn từ trong những bài phát biểu cũng như bút chiến. Chúng ta rất, rất xem trọng những từ ngữ nói ra. Chúng ta cân nhắc từng chữ một trong mỗi tuyên bố được đưa ra. Chúng ta tôn trọng tất cả các thỏa thuận mà chúng ta ký kết, và chúng ta mong các nước khác cũng hành động như vậy. Khi báo chí dẫn sai lời của chúng ta, hoặc đưa tin sai, chúng ta đã mất rất nhiều thời gian để sửa chữa chúng. Nhưng lời nói rất quan trọng đối với chúng ta, vì chúng ta là một nước nhỏ. Như một nhà ngoại giao Phần Lan đã từng nói – "Là một nước nhỏ, vũ khí duy nhất của chúng ta là ngôn từ và các điều ước quốc tế".

Chúng ta xem trọng chúng, nhưng cuối cùng thì ngôn từ phải được biến thành hành động và kết quả, hay hậu quả. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải có một lực lượng quốc phòng vững mạnh, để có thể bảo vệ Singapore khi tất cả các biện pháp khác đều thất bại. Do đó, một Lực lượng Vũ trang Singapore (Singapore Armed Forces – SAF) vững mạnh là một tầng nấc quan trọng trong quan hệ đối ngoại và chính sách đối ngoại của chúng ta. May mắn thay, chúng ta đã có điều đó. Trong suốt 50 năm qua, dù chưa một lần phải bắn một phát súng với sự giận dữ, nhưng SAF đã gìn giữ cho Singapore được an toàn, và đảm bảo rằng các nước khác cũng xem trọng chúng ta. Hy vọng tương lai vẫn sẽ tiếp tục như vậy.

Singapore đã là một quốc gia thành công, nhưng chúng ta không bao giờ được để điều đó làm chúng ta kiêu ngạo. Đừng bao giờ tin rằng chúng ta vượt trội so với các nước khác, hay chúng ta giỏi hơn các nước khác trong việc giải quyết vấn đề của họ. Chúng ta không giải quyết được hết mọi vấn đề của chúng ta, và chúng ta càng biết ít hơn về cách làm thế nào để giải quyết tất cả các vấn đề của người khác. Chúng ta không giả vờ là một "thành phố trên đỉnh đồi", hay là một dân tộc khai sáng, coi mình là tấm gương mà mọi quốc gia khác phải noi theo. Chúng ta giải quyết vấn đề của riêng mình, chúng ta thành công theo cách của riêng mình, chúng ta cố gắng trở thành người láng giềng và người bạn tốt – quan trọng với các nước khác, nhưng vẫn khiêm tốn và hiểu rõ vị trí của mình trên trường quốc tế. Các nước khác có những điểm mạnh mà chúng ta thiếu. Người dân của họ cũng có khả năng và tài năng như người dân của chúng ta, nhưng hoàn cảnh, lịch sử của họ khác chúng ta, và những thách thức họ phải đối mặt thường sẽ phức tạp hơn. Cũng như những người khác hy vọng sẽ học được điều gì từ chúng ta, chúng ta cũng luôn phải mong muốn học được điều gì đó mới mẻ mỗi lần chúng ta gặp ai đó từ một nước khác.

Một dân tộc thống nhất

Thứ tư, để thành công, chúng ta phải là một dân tộc thống nhất – thống nhất về chính trị và thống nhất trong một xã hội đa sắc tộc gắn kết.

Chúng ta phải thống nhất về mặt chính trị. Điều đó không có nghĩa là không có chính trị trong nước, hoặc đối lập chính trị. Nhưng nó có nghĩa là người dân sẽ bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử công khai, nhằm chọn ra những người mà họ muốn sẽ điều hành Chính phủ, và chúng ta có một phe đối lập hiểu được lợi ích căn bản của Singapore trên thế giới, và sẽ không tìm cách phá hoại lợi ích căn bản của Singapore, dù là để tìm kiếm sự hỗ trợ từ nước ngoài hay để đạt được ưu thế chính trị. Tức là sau các cuộc bầu cử, chúng ta vẫn sẽ thống nhất với nhau, đặc biệt là khi phải đối phó với các nước khác.

Chúng ta đã có những đảng đối lập như thế. Ông Chiam See Tong, người đã nghỉ hưu – mặc cho bất cứ bất đồng, tranh luận, hay khác biệt quan điểm chính sách nào diễn ra trong nước, thì mỗi khi ông ra nước ngoài, hoặc trong một phái đoàn chính thức hoặc với tư cách một đại biểu Quốc hội, ông luôn đứng lên vì Singapore. Đó là một tiêu chuẩn thực sự nên được ưu tiên áp dụng tại Singapore.

Ổn định chính trị là rất quan trọng để duy trì đường lối và nhận thức rõ ràng về lợi ích quốc gia, và theo đuổi chúng một cách nhất quán trong một thời gian dài. Nếu chúng ta có thể làm điều đó, nó có thể bù đắp cho sự thiếu hụt sức mạnh của chúng ta ; nó khiến nước khác có cơ sở để tin rằng chúng ta sẽ là đối tác tin cậy. Nếu xem xét những nước có nền chính trị bất ổn, với các làn gió chính trị đổi chiều liên tục, thì thường chính sách đối ngoại của họ cũng thay đổi liên tục. Điều này gây cản trở rất nhiều khi nước khác muốn hợp tác với các nước này, bởi vì họ không thể chắc chắn rằng những gì họ đạt được với một chính phủ này sẽ không bị chính phủ kế tiếp từ bỏ và lật ngược lại. Hơn nữa, những nước này cũng rất dễ bị lợi dụng, vì họ có thể đợi bạn hết cầm quyền do biết rằng chính phủ của bạn chỉ là một "chính phủ vịt què" không thể tồn tại lâu.

Vì vậy, chúng ta phải thống nhất về mặt chính trị để có một chính sách đối ngoại hiệu quả. Chúng ta cũng cần thống nhất, không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ và tôn giáo, để không bị chia rẽ khi tiến hành chính sách đối ngoại, và không bị nước khác làm cho suy yếu và lợi dụng việc ta bị chia rẽ nội bộ. Chúng ta có thể là người Singapore gốc Ấn Độ, gốc Mã Lai hay gốc Hoa, nhưng trên tất cả, chúng ta là người Singapore. Chúng ta phải nhìn thế giới qua đôi mắt của Singapore, và thúc đẩy lợi ích của Singapore, lợi ích chung của chúng ta. Vẫn có những mối liên hệ về văn hóa, ngôn ngữ, chủng tộc, quan hệ họ hàng giữa các nhóm dân tộc của chúng ta và các nhóm tương ứng ở Ấn Độ, Trung Quốc, và Đông Nam Á. Thực tế, trong mỗi trường hợp, các nhóm sắc tộc này ở nước ngoài còn lớn hơn các nhóm ở Singapore. Hiện có hơn 1 tỷ người Trung Quốc trên thế giới, nhưng chỉ khoảng 2-3 triệu người là ở Singapore. Tương tự với người Ấn Độ và Mã Lai. Và không chỉ các nhóm dân tộc mà còn các nhóm tôn giáo – người Ấn giáo, Hồi giáo, Thiên chúa giáo, Phật giáo sinh sống ở nước ta, tất cả đều có các giáo đoàn hay các cộng đồng lớn hơn đang ở nước ngoài. Những mối quan hệ đó là một tài sản quý giá, bởi vì chúng giúp chúng ta hiểu và làm việc được với các đối tác ở Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á, hay Trung Đông. Nhưng chúng cũng có thể là điểm yếu, nếu các nhóm dân tộc hay tôn giáo ở bên ngoài chia rẽ chúng ta theo những đường chia cắt căn bản này. Vì vậy, chúng ta phải củng cố hòa hợp sắc tộc và tôn giáo, tiếp tục tăng cường bản sắc của người Singapore.

Ngày nay, xã hội chúng ta đã có sự gắn kết nhiều hơn và bản sắc Singapore cũng đã mạnh lên nhiều, nhưng trước đây thì không như thế. Trong những năm 1970, đội tuyển bóng bàn Trung Quốc đến Singapore – đó là ngoại giao bóng bàn. Họ đã đấu với đội Singapore, và đám đông người Singapore lại cổ vũ đội tuyển Trung Quốc. Năm 1984, quân đội Ấn Độ tấn công Đền Vàng ở Amritsar, và người dân chúng ta cũng đã có phản ứng. Indira Gandhi bị ám sát bởi vệ sĩ người Sikh của bà, cũng có phản ứng tại Singapore. Tức là các sự kiện bên ngoài có ảnh hưởng lên chúng ta ; nhưng ảnh hưởng không đồng đều đối với từng bộ phận khác nhau trong xã hội. Giờ đây, bản sắc của chúng ta đã rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn, chúng ta tự hào là người Singapore. Tại SEA Games vài tháng trước đây, khi tiếng nhạc đã ngừng, đám đông vẫn tiếp tục hát bài Majulah Singapura (Quốc ca Singapore) ! Tôi nghĩ điều đó thực sự rất tốt, nhưng đối với chúng ta, củng cố bản sắc dân tộc vẫn luôn luôn là một quá trình liên tục.

Chúng ta đang rất thận trọng trong quan hệ với các nước khác, khi mà sắc tộc hay tôn giáo có thể dẫn đến hiểu lầm. Chẳng hạn như quan hệ của chúng ta với Trung Quốc, nhìn chung là rất tốt. Nhưng rõ ràng, chúng ta là người Singapore, còn họ là người Trung Quốc, là hai quốc gia khác nhau. Chúng ta không giống như cách Chủ tịch Tập Cận Bình nói về Đài Loan – hai nước mà "xương gãy nhưng gân vẫn còn nối" – "打断 " (Dǎ duàn gǔtou jīn xiānglián). Khi lãnh đạo Singapore gp lãnh đạo Trung Quc trong các cuc hp chính thc, chúng ta nói chuyn bng tiếng Anh và s dng thông dch viên, dù rng nhiu nhà lãnh đạo ca ta vn hiu và có thể nói được tiếng Quan thoại.

Đây là một điểm quan trọng về mặt nguyên tắc. Các nước khác có thể không nhận ra điều này, và họ có thể nghĩ rằng do nhiều người dân Singapore là người gốc Trung Quốc nên Singapore là một xã hội người Hoa. Ví dụ, trong các cuộc họp quốc tế, đôi khi các nhà lãnh đạo sẽ có hướng dẫn viên mặc trang phục dân tộc của họ, để họ có thể biết nên đi theo ai, hay đi tới chỗ nào. Đôi khi, hướng dẫn viên của đại biểu Singapore lại thường mặc một bộ sườn xám Trung Quốc màu đỏ. Sườn xám thanh lịch thật đấy, nhưng đó không phải là quốc phục của chúng ta !

Tôi đã từng giải thích với một Thủ tướng Nhật Bản rằng một người Hoa Singapore (Singapore Chinese) khác với một người Hoa Trung Quốc (China Chinese). Tôi giải thích sao lại như vậy. Ông ấy đã lắng nghe tôi một cách cẩn thận, nhưng sau đó lại bối rối hỏi thông dịch viên của mình rằng "Thế nào là người người Hoa Trung Quốc (China Chinese) ?" Đó là một khái niệm hoàn toàn xa lạ với ông. Người Hoa là người Trung Quốc. Một người Hoa Trung Quốc nghĩa là gì ? Nhưng thực chất vẫn có những nhóm dân tộc Hoa khác nhau, và sự khác biệt là vô cùng quan trọng trong một xã hội đa sắc tộc.

Đây không phải là vấn đề chỉ có ở Singapore. Ở Mỹ, Henry Kissinger có thể là người Do Thái, và Israel là một đồng minh thân cận của Mỹ, nhưng khi ông trở thành Cố vấn An ninh Quốc gia và Ngoại trưởng Mỹ, ông đã hành động vì lợi ích của nước Mỹ, không phải của Israel. Và ông đã gây sức ép rất mạnh lên Israel trong việc ký thỏa thuận hòa bình với Ai Cập.

Ở Singapore cũng vậy, chúng ta đã có năm Ngoại trưởng là người gốc Ấn Độ, nhưng họ đều đã nhìn tất cả theo quan điểm của Singapore và đại diện cho lợi ích của Singapore, với tư cách là người Singapore. Đó là cách nó phải như vậy.

Lựa chọn và Niềm tin

Cuối cùng thì cả tác động bên ngoài lẫn sự đoàn kết và thành công trong nước đều quy về niềm tin của chúng ta trong tư cách những công dân Singapore. Chúng ta phải xác định rằng chúng ta muốn là người Singapore, để đứng lên với thế giới, và trở thành một chấm đỏ sáng ngời.

Như ông Rajaratnam đã nói – "Là một người Singapore không phải là vấn đề về gốc gác tổ tiên, mà là về lựa chọn và niềm tin". Nếu chúng ta lựa chọn và có niềm tin rằng chúng ta muốn Singapore trường tồn và vươn lên, thì tất cả mọi điều rồi sẽ tự theo sau mà trở thành hiện thực.

Những nước khác cũng đang theo dõi chúng ta, để xem liệu Singapore có niềm tin đó hay không, liệu chúng ta có sự mãnh liệt bên trong đó hay không và liệu chúng ta có "tấm lòng" để trở một dân tộc không chỉ biết tập trung vào thành công hẹp hòi của mình hay không. Nó được thể hiện trong tinh thần của mỗi người lính chuyên nghiệp, hay những người lính nghĩa vụ trong các đơn vị quân đội của chúng ta – để đấu tranh cho những gì chúng ta yêu mến và tin tưởng. Nó thể hiện trong cách chúng ta giúp đỡ nhau và giúp đỡ các nước láng giềng. Ví dụ, khi có sóng thần ở Indonesia, SAF đã tới giúp đỡ và giải cứu, phân phối và vận chuyển hàng hóa, viện trợ trong tình thế cấp thiết. Khi các đám khói mù xuất hiện gần đây, tình nguyện viên từ các tổ chức Relief.sg và Let’s Help Kalimantan đã đến Kalimantan và Sumatra rất nhiều lần, nhằm cung cấp khẩu trang cho người dân địa phương. Họ làm việc với các tổ chức quốc tế, với Chính phủ Indonesia, và họ đang mang lại những thay đổi tích cực, dù nhỏ nhưng cụ thể và hữu ích. Vâng, chúng ta bảo vệ lãnh thổ, và chăm sóc cho người dân của chúng ta, nhưng người dân của chúng ta không hề hẹp hòi. Chúng ta phải thể hiện tinh thần hào phóng và bác ái đối với mọi người.

Và đó là một trong những lý do tại sao Rajaratnam lại là một ngoại trưởng thành công. Bởi vì ông đã chiến đấu cho quyền lợi của Singapore nhưng đồng thời cũng quan tâm đến người khác, ông đã làm việc hòa hợp cùng với những người khác, trò chuyện với ngoại trưởng các nước khác, tạo dựng quan hệ với họ, và thúc đẩy những vấn đề quan trọng đối với cả hai bên.

Vì vậy, thậm chí ngay từ góc nhìn hẹp thì đây cũng là điều tích cực. Nhưng thực ra, điều phải trở nên căn bản là chúng ta là người Singapore, và hào phóng với người khác là một phần trong tâm trí của người dân Singapore. Nếu chúng ta có niềm tin đó, nếu chúng ta có tư duy đó, thì tất cả mọi điều khác sẽ tự động theo sau. Chúng ta sẽ là một dân tộc thống nhất, chúng ta sẽ đưa Singapore đến thành công. Từ đó, Singapore sẽ có một chính sách đối ngoại hiệu quả, và chúng ta sẽ có thể đem ánh sáng từ chấm đỏ nhỏ bé của mình ra với thế giới.

Xin trân trọng cảm ơn !

Lý Hiển Long

Nguyên tác : PM Lee Hsien Loong at the 8th S Rajaratnam Lecture, Singapore Government Agency website, 27/11/2015.

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Lê Hồng Hiệp hiệu đính

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 14/12/2015

Published in Diễn đàn

Chuyên gia WHO đến Bắc Kinh tiền trạm cho điều tra về nguồn gốc virus corona (RFI, 11/07/2020)

Theo AFP hôm 11/07/2020, các chuyên gia của Tổ Chức Y Tế tới Bắc Kinh để chuẩn bị cho cuộc điều tra về nguồn gốc virus corona, xuất hiện ở Trung Quốc từ cuối 2019 và lây lan ra khắp thế giới.

sing1

Biển ghi bằng tiếng Trung và Pháp trước trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới tại Genève, Thụy Sĩ. AFP - Fabrice Coffrini

Chuyến công tác của hai chuyên gia, một về dịch tễ học và một về thú y, diễn ra một ngày sau khi WHO kêu gọi cảnh giác trước tình trạng bùng phát lây lan của virus corona tiếp tục trên thế giới.

Đến lúc này trận đại dịch Covid-19 đã làm hơn 556 nghìn người chết trên toàn cầu và tiếp tục lây nhiễm mạnh, đặc biệt tại Mỹ và Brazil.

Theo phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới, Margaret Harris, các chuyên gia tới Bắc Kinh sẽ làm việc với các quan chức Trung Quốc để xác định những địa điểm cho cuộc điều tra sắp tới.

Bà Harris cho biết thêm, một trong những vấn đề quan trọng là tìm hiểu liệu có phải virus corona được truyền từ động vật sang người, và nếu có thì đó là động vật nào ?

Hôm qua, Hoa Kỳ đã lên tiếng hoan nghênh thông báo mở điều tra của WHO tại Trung Quốc. Đại sứ Mỹ bên cạnh các tổ chức của Liên Hiệp Quốc, tại Genève, Andrew Bremberg nhận định : "cuộc điều tra khoa học này là giai đoạn cần thiết để thấu hiểu minh bạch về cách thức virus lây lan ra khắp thế giới".

Đây là phát biểu tích cực hiếm có từ Hoa Kỳ, dù trước đó chính quyền Donald Trump đã chính thức tiến hành các thủ tục để rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới.

Ngay từ đầu dịch, Washington đã chỉ trích tổ chức quốc tế này phản ứng chậm trễ và nhất là đã chạy theo đuôi Trung Quốc khi virus xuất hiện.

Anh Vũ

********************

Mỹ cảnh báo công dân về nguy cơ giam giữ gia tăng ở Trung Quốc (VOA, 11/07/2020)

Bộ Ngoi giao M ngày th By cnh báo công dân M nên "tăng cường cn trng" ti Trung Quc vì h có nhiu nguy cơ tr thành đi tượng của việc thc thi pháp lut tùy tin bao gm giam gi và cm xut cnh.

sing2

"Công dân Mỹ có th b giam gi mà không được tiếp cn vi các dch v lãnh s M hoc thông tin v ti mà h b cáo buc", B Ngoi giao M nói trong mt cnh báo an ninh được ban hành cho công dân của mình ti Trung Quc, nói thêm rng công dân M có th phi đi mt vi "các cuc thm vn và câu lưu kéo dài vì nhng lí do liên quan đến an ninh nhà nước".

"Nhân viên an ninh có thể câu lưu và/hoc trc xut công dân M vì gi nhng tin nhắn đin t riêng tư ch trích chính ph Trung Quc", b nói thêm mà không cn dn ra ví d c th. B cũng không cho biết điu gì đã đưa ti cnh báo an ninh này.

Cảnh báo an ninh được đưa ra gia lúc căng thng song phương gia tăng cường đ v mt lot các vấn đ t đi dch Covid-19, thương mi, lut an ninh Hong Kong mi và các cáo buc vi phm nhân quyn đi vi người Uighur vùng Tân Cương.

*******************

Bầu cử Singapore : Phe đối lập giành được tỷ lệ phiếu lịch sử (RFI, 11/07/2020)

Trong cuộc bầu cử Quốc hội tại Singapore hôm qua, 11/07/2020, đảng cầm quyền vẫn giữ được đa số, nhưng phe đối lập đã giành một tỷ lệ phiếu cao lịch sử.

sing3

Trong cảnh giác cao độ với dịch Covid-19, cử tri Singapore thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng dịch trước khi bỏ phiếu, ngày 10/07/2020. Reuters - Edgar Su

Đảng Hành động Nhân dân (PAP), cầm quyền liên tục từ khi Singapore giành độc lập năm 1965, đã thu được 61,2% số phiếu, giành 83 trên tổng số 93 ghế của Quốc hội mới. Kết quả này thấp hơn nhiều so với cuộc bầu cử năm 2015, khi đảng PAP thu được 70% số phiếu.

Trong khi đó, Đảng Công nhân, đảng đối lập, giành được đến 10 ghế dân biểu, nhiều hơn 4 ghế so với kết quả cao nhất cho tới nay. Tuy không đánh bại đảng cầm quyền, nhưng những người ủng hộ đảng đối lập tối qua vẫn ăn mừng kết quả lịch sử này.

Từ Kuala Lumpur, thông tín viên RFI trong khu vực Gabrielle Maréchaux tường trình :

Ở tất cả những nơi khác, tỷ lệ phiếu này có vẻ không có gì đáng nói, nhưng ở Singapore thì nó lại mang tính lịch sử. Re Ting Hu, nữ dân biểu mới được bầu của Đảng Công nhân tỏ xúc động nói : 

"Tận đáy lòng, tôi xin cám ơn sự tin tưởng và niềm hy vọng mà đồng bào đã bày tỏ hôm nay. Chúng tôi nguyện sẽ làm việc hết mình để bảo đảm là sự tin tưởng này không bị đặt sai chỗ. Bởi vì chúng tôi không thể có kết quả như hôm nay nếu không có các ủng hộ viên nỗ lực làm việc suốt từ 10 năm qua.

Đứng chung danh sách tranh cử với cô, Jamus Lim còn hứng khởi hơn : "Chúng tôi hy vọng đã làm cho mọi người tin tưởng rằng giấc mơ về một con đường thay thế tương lai là hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, nếu có can đảm nắm lấy những thời cơ đang đến với quý vị".

Đảng của họ đã giành được 10 trên tổng số 93 ghế của Quốc hội, một tỷ lệ chưa từng có tại một quốc gia mà việc sắp xếp các đơn vị bầu cử, chiến dịch tranh cử chớp nhoáng trong 9 ngày và các điều kiện ứng cử ngặt nghèo vẫn gây rất nhiều khó khăn cho phe đối lập. Kể từ năm 1995, tỷ lệ phiếu tệ nhất của đảng cầm quyền là 93% và nay kỷ lục đáng ngạc nhiên này bây giờ đã bị phá.

Tại các đơn vị bầu cử mà đảng Công nhân giành thắng lợi tối qua, David dường như đã chiến thắng Goliath và không khí lễ hội đã bao trùm suốt đêm qua.

Khi đi bỏ phiếu hôm qua, cử tri Singapore đã phải tuân thủ các quy định an toàn dịch tễ rất nghiêm ngặt trong bối cảnh đang có dịch Covid-19. Họ phải mang khẩu trang, đeo găng tay, đi bầu trong khoảng thời gian được ấn định trước để bảo đảm giãn cách xã hội.

Các phòng phiếu đã phải kéo dài thêm hai giờ, do cử tri phải xếp hàng rất lâu. Tại Singapore, mọi người dân đều phải đi bỏ phiếu, vì tham gia bầu cử là bắt buộc.

Thanh Phương

**********************

Bầu cử lập pháp Singapore : Kết quả đã được biết trước (RFI, 10/07/2020)

Sau một chiến dịch vận động tranh cử được thu gọn trong 9 ngày, ngày 10/07/2020 hơn 2,65 triệu cử tri Singapore được kêu gọi bầu lại Quốc hội.

sing4

Cử tri Singpore và các biện pháp vệ sinh dịch tễ tại một phòng bỏ phiếu ngày 10/07/2020. Reuters - Edgar Su

Thủ tướng mãn nhiệm, Lý Hiển Long và đảng cầm quyền Hành Động Nhân Dân (PAP) được dự báo dễ dàng tái đắc cử. Đảng này liên tục cầm quyền từ khi Singapore dành được độc lập năm 1965. Tuy nhiên, mọi chú ý lần này hướng về gia đình của thủ tướng Lý Hiển Long đang bị chia rẽ : em trai ông là ông Lý Hiển Dương lại ủng hộ phe đối lập.

Thông tín viên đài RFI trong khu vực, Gabrielle Maréchaux cho biết thêm :

"Tại Singapore, hai anh em một nhà trở thành những đối thủ chính trị. Người anh cả là thủ tướng mãn nhiệm vận động cử tri dồn phiếu cho đảng Hành Động Nhân Dân cầm quyền kể từ khi Singapore giành được độc lập.

Như vậy quốc gia nhỏ bé và giàu có này vẫn sẽ đoàn kết trong mùa đại dịch mà tới nay Singapore vẫn chưa hoàn toàn làm chủ được tình hình. Còn người em thì đã đi theo phe đối lập và qua những tin nhắn hoặc đoạn video đăng tải trên Facebook đã chỉ trích chính quyền mà gương mặt tiêu biểu nhất là anh trai ông.

Cả hai đều là con của ông Lý Quang Diệu, người cha lập quốc Singapore. Tới nay, ông Lý Quang Diệu vẫn còn được sùng bái vì đã đưa quốc gia nhỏ bé Đông Nam Á này trở thành một thị trường tài chính quốc tế.

Việc hai anh em một nhà cùng tranh giành di sản chính trị của cha, càng gây thêm hoang mang vào lúc Singapore đã phải đối mặt với virus corona. Đại dịch mà chính quyền đương nhiệm coi là một cuộc "khủng hoảng hiện sinh" buộc quốc gia này phải xem xét lại mô hình phát triển.

Singapore vốn lệ thuộc rất nhiều vào trao đổi mậu dịch với thế giới bên ngoài, đặc biệt là về mặt lương thực thực phẩm. Công luận không phải lúc nào cũng tán đồng việc sử dụng vòng đeo tay để theo dõi và kiểm soát đà lây lan của dịch bệnh. Thêm vào đó, hàng ngàn người lao động nhập cư sống trong những khu tập thể và đấy chính là nơi dịch bệnh bùng phát gây hoảng sợ.

Giới quan sát vẫn tin rằng đảng cầm quyền sẽ giành được thắng lợi trong cuộc tuyển cử lần này, tuy nhiên đa số ở Quốc hội có thể sẽ không áp đảo như mong đợi và điều đó có thể làm thay đổi đường hướng chính trị của đảng cầm quyền".

Thanh Hà

Published in Châu Á

Singapore : Thủ tướng Lý Hiển Long đặt câu hỏi nghiêm túc cho Trung Quốc và Mỹ

Đúng ngày 04/06/2020, thủ tướng Singapore cảnh báo về cuộc đối đầu Mỹ - Trung và nói Châu Á không muốn bị buộc phải chọn đứng về chỉ một bên.

singapore1

Các nhà lãnh đạo Asean vượt qua các cơn bão Biển Đông - Tranh biếm hóa và Stephens (South China Morning Post)

Bài đăng trên trang Foreign Affairs của ông Lý Hiển Long có tựa đề 'The Endangered Asian Century : America, China, and the Perils of Confrontation' (1), nhấn mạnh đến vai trò của Hoa Kỳ tạo dựng trật tự an ninh, môi trường ổn định và thịnh vượng cho nhiều nước Châu Âu nửa sau thế kỷ 20.

Điểm qua vai trò chính yếu của Hoa Kỳ ở Đông Á trong Chiến tranh Lạnh mà ông nhìn nhận rất tích cựu, thủ tướng Singapore thẳng thắn nhắc lại vị thế nghèo, tự cô lập của nền kinh tế Trung Quốc trước Mở Cửa.

Điều này khiến cho các nước dựa vào 'Trật tự Mỹ' (Pax Americana) có từ sau Thế Chiến 2 ở Châu Á phải tự vấn về vai trò của Washington.

Nhắc lại vị trí "từ lâu" trong kiến trúc an ninh vùng của Hoa Kỳ, ông Lý Hiển Long viết :

"Hoa Kỳ đã tham chiến tốn kém hai lần ở Triều Tiên và Việt Nam, và các cuộc chiến này đã cho các nước không cộng sản trong vùng có thời gian quý báu để củng cố xã hội, kinh tế của họ trong cuộc chiến giành nhân tâm chống lại chủ nghĩa cộng sản".

Câu hỏi cho Tập Cận Bình

Bản thân Trung Quốc từ thời Đặng Tiểu Bình đã hưởng lợi từ trật tự Mỹ hậu Chiến tranh Lạnh.

Nhưng sự vươn lên của Trung Quốc dẫn tới biến chuyển quan trọng về vị thế gần đây của nước này, và họ đã không còn làm theo lời cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình là 'ẩn mình chờ thời' :

"Các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày nay không còn trích dẫn câu châm ngôn của ông Đặng là 'thao quang dưỡng hối'. Trung Quốc tự thấy họ là cường quốc lục địa và đang có khát vọng thành cường quốc hải dương nữa. Họ đang hiện đại hóa lục quân, hải quân và có mục tiêu biến quân đội thành lực lượng tác chiến đẳng cấp thế giới. Và Trung Quốc, dễ hiểu thôi, đang ngày càng muốn bảo vệ và thúc đẩy quyền lợi của họ ở nước ngoài và đảm bảo giành vị thế mà nước này cho là chính đáng cho họ trong chính trị quốc tế.

Cùng lúc, Hoa Kỳ, với chính sách "Nước Mỹ trước hết" (2), đang xem xét lại quan hệ với Trung Quốc, trong khi tỷ trọng kinh tế Mỹ trên toàn cầu giảm.

Tình thế hiện nay, theo nhà lãnh đạo Singapore, là "các nước Châu Á đang hưởng lợi từ bảo trợ an ninh của Hoa Kỳ, và kinh tế Trung Quốc trỗi dậy", sẽ bị buộc phải chọn phe, điều các nước này gồm cả Singapore không muốn.

Tuy thế, trong bài viết thẳng thắn tới bất ngờ, thủ tướng Lý Hiển Long đặt câu hỏi đích danh tới Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc.

"Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã nói là Thái Bình Dương đủ to để có chỗ cho cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhưng ông cũng nói an ninh Châu Á phải để cho người Châu Á lo. Một câu hỏi rất tự nhiên là : "Ông Tập có nghĩ rằng Thái Bình Dương là đủ to cho cả Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng tồn tại hòa bình, với các vòng đan xen nhau của bạn bè và đối tác, hay nó có lớn đủ để chia đôi ngay ở giữa, với hai cường quốc chia thành hai vùng ảnh hưởng ?..." (3).

Điều ông Lý Hiển Long tin tưởng chắc chắn, trái với một số giới thức giả Âu, Á vẫn là "Hoa Kỳ không phải đại cường đang suy yếu" (4).

Ông nêu thẳng ra một vấn đề nhiều người có thể cho là tế nhị :

"Hoa Kỳ có sức bền bỉ và sức mạnh tuyệt vời, một trong số sức mạnh đó là khả năng thu hút tài năng từ khắp thế giới đến. Trong chín người gốc Hoa đoạt giải Nobel trong khoa học tới nay, thì tám người là công dân Mỹ, hoặc nhập tịch Mỹ sau khi có giải".

Cùng lúc, ông cũng nhắc rằng kinh tế Trung Quốc "có sự năng động ghê gớm và ngày càng đạt nhiều trình độ công nghệ cao. Nay Trung Quốc không còn là 'ngôi làng trình diễn' (Potemkin village) hay như nền kinh tế tan rã Liên Xô những ngày tàn".

Ông cảnh báo trong bối cảnh như thế, "mọi cuộc đối đầu giữa hai đại cường sẽ không chấm dứt êm như Chiến tranh Lạnh, với một bên gục ngã im lặng".

Trung Quốc và người Hoa ở Đông Nam Á

Với lời văn công khai hiếm có của một lãnh đạo quốc gia, ông Lý Hiển Long đi thẳng vào vấn đề gọi là "hình ảnh tiêu cực của Trung Quốc".

"Có một nguy hiểm ở đây : điều tra dư luận gần đây của Pew Research Center cho thấy người dân ở Canada, Hoa Kỳ, các nước Châu Á và Châu Âu khác ngày càng nhìn Trung Quốc với con mắt không thiện cảm (unfavorable views of China). Cho dù Trung Quốc có các nỗ lực xây dựng quyền lực mềm ở hải ngoại - như qua mạng lưới Viện Khổng tử, qua các kênh đài báo quốc tế chính phủ nắm - thì xu hướng là tiêu cực (the trend is negative).

Theo ông, ngay Trung Quốc cần lãnh nhận nhiều hơn trách nhiệm toàn cầu, chứ không nên hưởng ưu đãi "cho một nước nhỏ hơn, chưa phát triển" mà họ nhận được khi vào WTO năm 2001.

"Trung Quốc cần không chỉ tôn trọng các luật chơi, tiêu chuẩn toàn cầu mà cần lãnh nhận trách nhiệm nêu cao và làm mới trật tự quốc tế mà nhờ nó họ đã phát triển kỳ diệu".

"Ở chỗ nào các chuẩn này không còn phù hợp, Trung Quốc nên hợp tác với Hoa Kỳ và các nước khác để thảo ra những dàn xếp mới mà tất cả cùng chấp nhận..".

Ông Lý Hiển Long khẳng định dù có sức mạnh quân sự gia tăng, Trung Quốc "chưa thể vượt qua Mỹ trong vai trò an ninh" cho Châu Á. Khác với Hoa Kỳ, ông viết, "Trung Quốc lại đang có các tuyên bố tranh chấp chủ quyền với một số nước trong vùng biển Nam Trung Hoa và họ sẽ luôn luôn coi sự hiện diện của hải quân Trung Quốc là nỗ lực đẩy mạnhh tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc".

Hoa Kỳ, trong khi đó, từ nhiều năm qua, luôn đề cao tự do hàng hải cho tất cả, trong khu vực này.

Dù là người gốc Hoa, ông Lý đã nêu thẳng vấn đề hết sức nhạy cảm trong vùng Đông Nam Á và đặt nó vào bối cảnh địa chính trị mang tính chiến lược cho quan hệ của Bắc Kinh với láng giềng :

"Một cản trở nữa có thể ngăn Trung Quốc không giành vai trò đảm bảo an ninh đang do Hoa Kỳ nắm đến từ chỗ nhiều nước Đông Nam Á có nhóm thiểu số Hoa đáng kể, và quan hệ của họ với đa số cư dân không gốc Hoa luôn rất tế nhị. Các nước này rất nhạy cảm trước cảm nhận rằng Trung Quốc có ảnh hưởng quá mức lên cư dân sắc tộc Hoa, và đặc biệt là vì lịch sử sự ủng hộ của Trung Quốc với các nhóm phiến quân cộng sản trong vùng Đông Nam Á cho tới tận thập niên 1980. Các vấn đề nhạy cảm này sẽ cản trở vai trò của Trung Quốc trong chính trị Đông Nam Á ở tương lai tới đây".

Ông Lý Hiển Long nêu ra ví dụ Singapore là quốc gia "có phần trăm dân Hoa (5) cao nhất" ở một nước có chủ quyền bên ngoài Trung Quốc.

Nhưng thủ tướng họ Lý nhắc rằng Singapore không phải là "quốc gia của người Hoa" mà ngay từ đầu luôn xây dựng "bản sắc quốc gia là đa chủng tộc".

Châu Á cần cả hai và chỉ muốn Mỹ - Trung sáng suốt

Cuối cùng, như để nhắn gửi không chỉ cho Hoa Kỳ và Trung Quốc mà cả các nước khác cần có sự lựa chọn, ông Lý Hiển Long nêu ra đánh giá của ông về thực lực hai cường quốc :

"Sẽ rất khó, gần như là không thể, để Hoa Kỳ thay thế Trung Quốc ở vai trò nhà cung cấp hàng hóa số một (world's chief supplier), cũng như không thể nào hình dung Hoa Kỳ sống nổi mà không có thị trường Trung Quốc, nước đang là nhà nhập khẩu hàng Mỹ thứ ba thế giới, sau Canada và Mexico.

Nhưng Trung Quốc cũng không thể thay thế vai trò kinh tế của Mỹ ở Châu Á.

Hệ thống tài chính toàn cầu gần như dựa hẳn vào các định chế tài chính của Hoa Kỳ, và đồng nhân dân tệ sẽ không thay thế đồng đô la như tiền dự trữ ngoại hối quốc tế trong thời gian tới.

Mặc dù các nước Châu Á khác xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều hơn sang Mỹ, các tập đoàn của Hoa Kỳ vẫn đang hợp thành nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất ở nhiều nước Châu Á - Thái Bình Dương, gồm cả Singapore.

Các đại tập đoàn Trung Quốc bắt đầu đầu tư ra nước ngoài, nhưng sẽ còn cần nhiều năm để Trung Quốc có các công ty đa quốc gia ở tầm vóc và độ tinh vi như các công ty đang đóng tại Hoa Kỳ, và chúng là nút thắt kết nối toàn bộ chuỗi sản xuất toàn cầu, nối Châu Á với kinh tế toàn cầu và tạo ra hàng triệu việc làm".

Kết luận, thủ tướng Lý Hiển Long không vẽ ra một bức tranh tươi sáng, mà nói rằng bên cạnh các thúc đẩy nội bộ (ở Hoa Kỳ và Trung Quốc), các vấn đề thương mại, địa chính trị, thì đại dịch Covid-19 "đã làm cho cạnh tranh Mỹ - Trung xấu đi".

Tuy thế, ông nhắc đến nhiều vai trò trung lập của Asean, muốn hòa hiếu với cả hai "người khổng lồ" và bày tỏ mong ước :

"Ta chỉ có thể hy vọng sự nghiêm trọng của tình hình sẽ giúp người ta tập trung đầu óc và cho phép những lời tư vấn sáng suốt hơn (wiser counsel) thắng thế".

"Thành công của các nước Châu Á, và tương lai của Thế kỷ Châu Á sẽ tùy thuộc rất nhiều vào chuyện Hoa Kỳ và Trung Quốc có khắc phục được khác biệt, xây dựng niềm tin và cùng làm việc vì trật tự thế giới hòa bình hay không. Đây là câu hỏi cơ bản của thời đại chúng ta".

Nguồn : BBC tiếng Việt, 05/06/2020

(1) Tạm dịch : Thế kỷ Châu Á lâm nguy : Hoa Kỳ, Trung Quốc và hiểm họa của đối đầu

(2) America First - ông Lý Hiển Long không nêu tên tác giả phương châm đó : Donald Trump

(3) Nguyên văn : A natural question arises : Does Xi think that the Pacific Ocean is big enough for the United States and China to coexist peacefully, with overlapping circles of friends and partners, or that it is big enough to be divided down the middle between the two powers, into rival spheres of influence ?...

(4) Nguyên văn : The United States is not a declining power

(5) Ông Lý Hiển Long dùng từ Chinese - Hoa, Hán, Trung Quốc

Published in Diễn đàn

Chờ đợi gì từ thượng đỉnh Trump-Kim ? (VOA, 12/06/2018)

Cựu Bộ trưởng quốc phòng M Bill Perry, người đã thương thuyết vi Triu Tiên cách đây mt thế h, trông ch 3 du hiu chng t cuc hp thượng đnh gia Tng thng Donald Trump và lãnh t Triu Tiên Kim Jong-un thành công hay không, ông Perry nói vi Reuters.

kim1

Cựu Bộ trưởng quốc phòng M Bill Perry (gia) phát biu trong hi ngh Din đàn ht nhân Luxembourg v Ngăn nga Tai ha Ht nhân ti Washington.

Việc đu tiên là xem liu hai ông có công kích cá nhân hay không.

"Tôi có thể tưởng tượng đến mt tình hung mà hai nhà lãnh đo ri hi ngh trong gin gi, do đó hi ngh cn chm dt trong thân thin", ông Perry nói.

"Thứ hai là cn có s đng thun v mt s tuyên b nguyên tc đ tiến ti mt bán đo Triu Tiên phi ht nhân hóa, và th ba là cn bt đu tiến trình : các bước thc th trong đường hướng đó, nht trí mt s bước đu tiên".

Ông Trump từng tuyên b là ngay phút đu tiên s biết ngay là có thể đt được tha thun vi ông Kim hay không.

"Tôi hy vọng Tng thng đúng", ông Perry nói. Ông Perry là người thương thuyết vi Triu Tiên trong nhim kỳ Tng thng ca ông Bill Clinton trong nhng năm 1990.

Những cuc thương thuyết dưới thi Tng thng Clinton đt được mt tha thun theo đó cha ca ông Kim là Kim Long Il đng ý t b mt chương trình ht nhân đ được nước ngoài cung cp năng lượng.

Thỏa thun sp đ dưới thi Tng thng George W. Bush, người kế nhim ông Clinton. Ông Bush cho rng Bình Nhưỡng gian di. Ông Bush n lc đt được mt tha thun mi nhưng chưa bao gi thành công và Triu Tiên k t đó công khai theo đui vũ khí ht nhân.

"Tôi nghĩ không sai nếu bt đu vi nhng ý nim ln trước và sau đó làm vic v chi tiết", ông Perry nói. "Nếu hp thượng đnh đưa đến kết qu là mt tha thun bt đu tiến trình dn ti phi ht nhân hóa hoàn toàn, thì đây là mt thành tu quan trng".

Ông Perry nói thêm các chi tiết trên thc tế quá phc tp đ ông Trump và ông Kim có th tho lun chi tiết, và lý tưởng nht là cuc hp thượng đnh s m đường cho cuc hp ca các gii chc v các khía cnh k thut, mt tiến trình có th mt "vài năm".

Ông Perry phát biểu bên l hi ngh Din đàn ht nhân Luxembourg ti Geneva. Trong bài din văn ti hi ngh, ông Perry nói các nhà lãnh đo Triu Tiên b thúc đy bi khao khát được ti v.

Khi ông Perry thương thuyết vi Triu Tiên, nước này công khai tìm nhng li ích kinh tế cho nn kinh tế mong manh ca h. Tuy nhiên điu h thc s chú trng đến là bình thường hóa các quan h ngoi giao vi Hoa Kỳ và chm dt chiến tranh Triu Tiên.

Ông Trump sẽ rt khôn ngoan nếu chng t sn sàng cung cp điu gì đó trong đường hướng y, ông Perry nói, nhưng nhượng b nên làm dn dn, bt đu vi bước thiết lp s hiện din ngoi giao ca M làm vic ti tòa đi s mt nước khác.

Vẫn theo li cu Bộ trưởng quốc phòng Perry, phi yêu cu Triu Tiên tái gia nhp Hip ước Không Ph biến Ht nhân mà h đã rút chân vào năm 1994 và buc h gia nhp Hip ước Cm th nghim toàn diện, dù Hoa Kỳ không phi là mt thành viên trong đó.

*****************

Liên Hiệp Quốc : Thượng đỉnh Trump-Kim là ‘cột mốc quan trọng’ (VOA, 13/06/2018)

Tổng thư ký Liên Hip Quc Antonio Guterres hôm 12/6 hoan nghên cuc gp thương đnh gia Tng thng M Donald Trump và lãnh t Bc Hàn Kim Jong-un và gi nó là "mt ct mc quan trng" trong tiến trình phi ht nhân hóa bán đo Triu Tiên, theo AFP.

kim2

Tổng thư ký Liên Hip Quc Antonio Guterres gi cuc hi đàm thượng đnh Trump-Kim là "mt ct mc quan trng" trong tiến trình phi ht nhân hóa bán đo Triu Tiên.

Ông Guterres thúc giục tt các bên liên quan "nm bt cơ hi quan trng này", và mt ln na nói Liên Hip Quc sn sàng giúp đ đ đt được mc tiêu d b chương trình vũ khí ht nhân ca Bc Hàn.

AFP trích lời ông Guterres nói trong mt thông cáo rng thượng đnh va được t chc Singapore là "mt du mc quan trng trong vic tiến ti nn hòa bình bn vng và vic phi ht nhân hóa hoàn toàn và có th kim chng trên bán đo Triu Tiên".

Tổng thng Trump và Ch tch Kim đã cùng ký kết mt tuyên b, trong đó Bình Nhưỡng cam kết "tiến ti phi ht nhân hóa hoàn toàn trên bán đo Triu Tiên" nhưng cm t "có th kim chng" không xut hin trong thông cáo.

Đồng ý vi vic kim chng có th s đòi hi vic thanh sát quc tế đi vi các khu quân s ca Bc Hàn để chng minh rng các vũ khí ht nhân và các thiết b dùng đ sn xut chúng đã được hy b, tho AFP.

Trước cuc gp thượng đnh hôm 12/6, ông Guterres nhn mnh vic "phi ht nhân hóa có th kim chng" phi là "mc tiêu rõ ràng" ca cuc gp thượng đnh và ông nói rng các chuyên gia ca Cơ quan Năng lượng Nguyên t Quc tế (IAEA) có th giúp kim chng rằng các chương trình vũ khí ca Bình Nhưỡng đã được d b.

Sau khi Bắc Hàn mi các nhà báo quc tế ti chng kiến vic đóng ca khu th nghim ht nhân Pyngyye-ri vào tháng trước, ông Guterres phàn nàn rng các chuyên gia quc tế đáng ra cũng phi được mời tới đó.

***************

Toàn văn thông cáo chung thượng đỉnh Trump-Kim (RFI, 12/06/2018)

Thông cáo chung do tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un ký sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore, ngày hôm nay, 12/06/2018 có ghi là lãnh đạo hai nước thỏa thuận tiến hành phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên. Các từ phi hạt nhân hóa "có thể kiểm chứng được" và không thể đảo ngược được", không có trong văn bản này.

kim3

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho xem văn bản thông cáo chung, có chữ ký của lãnh đạo hai nước, ngày 12/06/2018. Reuters/Jonathan Ernst

Tuy nhiên, tổng thống Mỹ khẳng định là tiến trình phi hạt nhân hóa sẽ được kiểm chứng. Ông nhấn mạnh : Không có chuyện thụt lùi. Chúng ta sẽ kiểm chứng. Đó là một tiến trình phi hạt nhân hóa toàn bộ. Việc kiểm chứng sẽ do Hoa Kỳ và quốc tế tiến hành.

Sau đây là toàn văn thông cáo chung (theo bản tiếng Pháp của AFP) :

"Tổng thống Donald Trump và chủ tịch Kim Jong-un đã có cuộc trao đổi ý kiến đầy đủ, sâu sắc và chân thành về những vấn đề liên quan đến việc thiết lập mối quan hệ mới giữa Hoa Kỳ và RPDC (Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên) và về việc xây dựng một chế độ hòa bình vững chắc và bền vững trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Trump đã cam kết đưa ra các bảo đảm về an ninh cho RPDC và chủ tịch Kim Jong-un tái khẳng định cam kết vững chắc và không lay chuyển của mình đối với việc phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên.

Tin tưởng rằng việc thiết lập mối quan hệ mới Hoa Kỳ-RPDC sẽ đóng góp vào hòa bình và phồn thịnh của bán đảo Triều Tiên và thế giới, và thừa nhận rằng việc thiết lập sự tin tưởng lẫn nhau có thể thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, tổng thống Trump và chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố :

1. Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên cam kết thiết lập mối quan hệ mới giữa hai nước phù hợp với nguyện vọng hòa bình và thịnh vượng của nhân dân hai nước.

2. Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên sẽ cùng chung sức thực hiện một chế độ hòa bình bền vững và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

3. Bắc Triều Tiên tái khẳng định nội dung bản Tuyên Bố Bàn Môn Điếm ngày 27/04/2018, cam kết hành động để phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên.

4. Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên cam kết cho hồi hương thi hài các quân nhân Mỹ mất tích trên chiến trường trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên.

Thừa nhận rằng thượng đỉnh Hoa Kỳ-RPDC, cuộc gặp đầu tiên trong lịch sử, là một sự kiện có tầm quan trọng to lớn, đáng ghi nhớ vì thượng đỉnh sang trang nhiều thập niên căng thẳng và thù nghịch giữa hai nước, báo trước một tương lai mới, tổng thống Trump và chủ tịch Kim Jong-un cam kết thực hiện toàn bộ các điều khoản trong thông cáo chung này.

Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên cam kết, ngay khi có thể, tổ chức các cuộc thương lượng liên tục, do ngoại trưởng Mike Pompeo và một đồng nhiệm cấp cao của RPDC tiến hành, nhằm thực hiện các kết quả của thượng đỉnh Hoa Kỳ-RPDC.

Tổng thống Trump và chủ tịch Kim Jong-un cam kết hợp tác nhằm phát triển mối quan hệ mới giữa Hoa Kỳ và RPDC, thúc đẩy hòa bình, phồn thịnh và an ninh của bán đảo Triều Tiên và thế giới".

Bên cạnh thông cáo chung được ký kết, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un còn tuyên bố thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên mở ra một thời kỳ mới. Về phần mình, tổng thống Donald Trump đã bất ngờ mời lãnh đạo Bắc Triều Tiên tới Nhà Trắng. Nguyên thủ Mỹ tuyên bố : «Chúng tôi sẽ gặp nhau thường xuyên" và khẳng định ông có mối quan hệ rất đặc biệt với lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

RFI tiếng Việt

*******************

Thượng đỉnh Mỹ-Triều : Donald Trump và Kim Jong-un ký thông cáo chung (RFI, 12/06/2018)

Vào lúc 9 giờ sáng, giờ Singapore, hôm nay 12/06/2018, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp nhau tại khách sạn Capella, trên đảo Sentosa. Nguyên thủ hai nước bắt tay nhau trước khách sạn. Đây là lần đầu tiên, một tổng thống Mỹ gặp một lãnh đạo tối cao Bắc Triều Tiên.

kim4

Kim Jong un (trái) và Donald Trump bắt tay nhau sau khi ký kết thông cáo chung, Singapore, ngày 12/06/2018. Reuters

Theo Reuters, Donald Trump và Kim Jong-un đã hội đàm với nhau trong vòng 45 phút và sau đó chủ trì cuộc họp mở rộng với sự tham gia của các cố vấn chủ chốt của mỗi bên. Sau bữa ăn trưa-làm việc, tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã ký thông cáo chung kết thúc cuộc gặp.

Từ Singapore, đặc phái viên Vincent Sourieau cho biết thêm thông tin :

"Vâng, Donald Trump và Kim Jong-un đã ký vào thông cáo chung được làm thành hai bản. Ngay trước khi ký, cả hai đã phát biểu. Donald Trump không cho biết gì nhiều về nội dung bản thông cáo và chỉ nói rằng việc phi hạt nhân hóa sẽ sớm được tiến hành và ông sẽ có các tuyên bố trong cuộc họp báo được tổ chức vào buổi chiều. Nguyên thủ Mỹ cho biết đó là một văn bản rất đầy đủ, rất quan trọng, và theo ông, có nhiều tiến bộ gây ấn tượng mạnh mẽ.

Kim Jong-un cũng phát biểu với nội dung tương tự. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên cho rằng thế giới sẽ ý thức được là có một sự thay đổi lớn. Rõ ràng là lãnh đạo hai nước có cùng một quan điểm về ý nghĩa cuộc gặp.

Tổng thống Mỹ còn khẳng định rằng giờ đây, mối quan hệ rất đặc biệt giữa hai nước đã được tạo dựng và Kim Jong-un là một nhà đàm phán tuyệt vời và tài ba. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên thì tỏ ra dè dặt hơn. Đương nhiên, Kim Jong-un ít có thói quen phát biểu với truyền thông và trước công chúng. Nhưng người ta cảm nhận thấy sự quyết tâm của Kim Jong-un trong thái độ của ông ta. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên luôn tươi tỉnh và thoáng mỉm cười sau mỗi tuyên bố của tổng thống Mỹ. Vấn đề hiện nay là sự đồng thuận giữa hai vị lãnh đạo sẽ được cụ thể hóa như thế nào".

Cái bắt tay lịch sử

Ngay vào lúc cùng xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng, hai lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên đã muốn cho thấy sự tâm đầu ý hợp giữa hai bên "để lật trang sử quá khứ" nhân cuộc họp thượng đỉnh lịch sử này.

Giới truyền thông nêu bật cái bắt tay lịch sử Trump-Kim trước ống kính truyền hình thế giới trước khi hai lãnh đạo bước vào phòng họp kín, một hình ảnh khó tưởng tượng chỉ cách nay vài tháng thôi.

AFP trích lời ông Kim Jong-un đánh giá là "đã lật trang sử quá khứ" sau khi vượt qua "nhiều trở ngại" để đến cuộc gặp làm "tiền đề tốt cho hòa bình".

Ông Donald Trump thì hoan nghênh "quan hệ rất đặc biệt" vừa thiết lập với nhân vật số một ở Bình Nhưỡng, mà theo AFP đã cai trị Bắc Triều Tiên với bàn tay sắt không khác gì cha mình.

Vẻ mặt tươi cười tổng thống Mỹ còn đánh giá rằng "cuộc gặp tuyệt vời" đã diễn ra một cách "tốt đẹp hơn là mọi người tưởng tượng", cho phép thực hiện "nhiều tiến bộ". Tổng thống Mỹ cũng khen ngợi ông Kim Jong-un "thông minh" và nói sẵn sàng mời lãnh đạo Bình Nhưỡng đến Nhà Trắng.

Giới quan sát nhìn thấy thắng lợi to lớn của ông Kim Jong-un, đã thực hiện được điều mà cha của ông và cả ông nội của ông "từng mơ ước". Còn đối với Mỹ và cộng đồng quốc tế, thì đây là điểm khởi hành tích cực cho những cuộc đàm phán tương lai, được thấy trước là sẽ lâu dài và khó khăn.

RFI tiếng Việt

****************

Kim Jong-un thắng trận đầu trong chiến lược hội nhập quốc tế (RFI, 12/06/2018)

Với cú bắt tay lịch sử với tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore ngày 12/06/2018, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã thực hiện được bước thứ nhất trong tham vọng của ông nội Kim Nhật Thành : nước Cộng Hoà Nhân Dân Triều Tiên, được thế giới công nhận như là một thành viên thực thụ, 70 năm sau ngày thành lập.

kim5

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau tại khách sạn Capella, đảo Sentosa, ngày 12/06/2018. Kevin Lim/The Straits Times via Reuters

Từ một chế độ bị xem là "côn đồ", giới lãnh đạo bị nước ngoài trêu chọc, Bắc Triều Tiên tuy chưa trở thành một nước được nể trọng, nhưng ít ra đã được xem là "có thể giao thiệp được». Được tổng thống siêu cường số một bắt tay, hội kiến ngang hàng trong suốt buổi sáng thứ Sáu 12/06/2018 tại Singapore và khen ngợi là một người thông minh, Kim Jong-un từ nay là một nhà lãnh đạo "đáng quý".

Để được kết quả này, Bắc Triều Tiên nhờ vào công lao của hai người. Theo phân tích của nhà báo Pháp Philippe Pons (Le Monde 12/06/2018), trước tiên là tham vọng của Kim Nhật Thành, ước mơ trang bị vũ khí hạt nhân để bảo vệ chủ quyền và sự sinh tồn của chế độ chính trị. Giấc mơ này vừa được cháu nội Kim Jong-un thực hiện : với khả năng chế tạo bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo, Bắc Triều Tiên được Mỹ xem là đáng gờm.

Vào năm 2011, mới 27 tuổi, Kim Jong-un lên thay cha là Kim Jong Il từ trần vì bạo bệnh. Thay vì chấp nhận số phận bù nhìn trong bàn tay của một nhiếp chính vương, "ấu chúa" Kim Jong-un, học trung học tại Thụy Sĩ và trường Võ bị Kim Nhật Thành, nhanh chóng tỏ ra là một người sắt thép, thô bạo : thanh trừng hàng ngũ tướng lãnh, giết chú dượng và anh trai bị nghi là "nội gián" cho Trung Quốc. Nắm cả quân đội lẫn đảng Lao động trong tay, Kim tập trung vào hai mặt trận : kinh tế và vũ khí hạt nhân.

Thoát ngõ cụt…

Sự kiện Bình Nhưỡng nhẫn nhịn để được Washington chấp nhận thương lượng, theo đề nghị "đánh đổi hạt nhân với bỏ cấm vận kinh tế" chứng tỏ Kim Jong-un đủ tự tin để mở mặt trận thứ ba : mặt trận ngoại giao.

Do vậy, thái độ cởi mở của Bắc Triều Tiên từ đầu năm nay, mà dấu ấn đầu tiên là thông điệp đầu năm dương lịch, tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông, ngưng thử vũ khí, gặp tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hai lần, không phải là những quyết định ngẫu hứng hay do nhu cầu tình thế.

Trong các cuộc diện kiến với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, lãnh đạo Kim Jong-un đã hoàn toàn thay đổi phong cách. Vóc dáng của một bạo chúa máu lạnh đã biến mất, thay vào đó là hình ảnh một người vui vẻ, lịch thiệp trò chuyện và biết mình muốn gì và hướng đến đâu.

Cho đến giờ phút này, mặt trận ngoại giao của Bắc Triều Tiên được ba yếu tố thuận lợi : tiến bộ về hạt nhân, tên lửa, chủ trương đối thoại của tổng thống Hàn Quốc và nhất là cả Bình Nhưỡng và Seoul đều ý thức nguy cơ chiến tranh toàn diện, nếu Donald Trump đánh thật.

Tuy nhiên, đối với Kim Jong-un, hoà giải được với Mỹ cũng hàm chứa nhiều bất trắc đe dọa chế độ. Chắc chắn là Kim cũng tiên liệu một số hiểm nguy này : các đợt thanh trừng hàng ngũ chứng tỏ có đối kháng từ bên trong chế độ.

Nguy hiểm thứ hai, đến từ nhân dân Bắc Triều Tiên : từ thập niên 1950 đến nay, Bình Nhưỡng sử dụng mối đe dọa của Mỹ để biện minh cho chính sách cô lập, tước đoạt các quyền tự do, dân chủ.

…chuẩn bị vào ngõ quanh

Với chiến thắng ngoại giao, mối đe dọa từ ngoài không còn nữa, triều đại họ Kim phải tìm một "tính chính đáng mới" trong bối cảnh người dân, sau nhiều thập niên thiếu đói, đang trông chờ những thay đổi thấy được trong cuộc sống. Để được danh hiệu cường quốc đúng nghĩa, bên cạnh sức mạnh quân sự, Bắc Triều Tiên cần phục hưng kinh tế và buộc phải mở cửa.

Theo phân tích của nhà báo Philippe Pons, giai đoạn chuyển tiếp sẽ làm cho chế độ khép kín mất đi vũ khí lợi hại nhất : đó là bịt mắt dân chúng không cho tiếp cận với thực tế của thế giới bên ngoài.

Chuyển tiếp theo mô hình Trung Quốc, nới lỏng từ từ và có kiểm soát, sẽ là "trận đánh thứ hai" của Kim Jong-un. Được Mỹ bảo đảm an toàn, nhưng trận chiến sắp tới sẽ gay go hơn nhiều vì đối tác, nếu không khéo sẽ trở thành đối thủ, không phải là một tổng thống Mỹ, mà chính là người dân Bắc Triều Tiên. Một ngõ quanh đang chờ Kim chủ tịch.

Tú Anh

******************

Thượng đỉnh Mỹ-Triều : Thế nào là thành công đối với Hoa Kỳ ? (RFI, 12/06/2018)

Thượng đỉnh Trump-Kim rất được trông đợi diễn ra hôm nay, 12/06/2018, tại Singapore. Theo đánh giá sơ bộ của giới quan sát, riêng việc tham gia vào một hội kiến ngang hàng với tổng thống Mỹ đã là một thành công lớn với Bình Nhưỡng, vốn bị cô lập từ hơn nửa thế kỷ, cho phép Bắc Triều Tiên có được một vị trí trong cộng đồng quốc tế. Còn đối với Hoa Kỳ, yếu tố nào cho phép khẳng định thành công ? Sau đây là phần tổng hợp ý kiến của một số chuyên gia, nhà ngoại giao, trước khi diễn ra cuộc thượng đỉnh.

kim6

Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi kết quả thượng đỉnh với Kim Jong-un trong cuộc họp báo sau đó, Singapore, ngày 12/06/2018. Singapore Ministry of Communications and Information/Handout via

Báo Anh Quốc The Guardian (1) tóm tắt không khí chung của thượng đỉnh Mỹ-Triều như là một hội kiến "đầy bất trắc", với những hệ lụy lớn. Hai đối tác của thượng đỉnh này đều nổi tiếng với các phản ứng khó lường đoán trong bối cảnh nghi kỵ là điểm nổi bật trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên lâu nay.

Bắc Triều Tiên, quốc gia bị cô lập trong nhiều thập niên, đã nỗ lực phát triển hệ thống vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, như một phương tiện bảo đảm sự sống còn, nay tuyên bố sẵn sàng từ bỏ tham vọng hạt nhân để đổi lấy việc bình thường hóa quan hệ và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cho đến nay chưa hề có một cam kết cụ thể.

Về phía Hoa Kỳ, tổng thống Donald Trump đã nhiều lần khẳng định sẵn sàng bảo đảm an ninh và thịnh vượng cho Bình Nhưỡng, để đổi lấy cam kết từ bỏ vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, bảo đảm ra sao và cam kết từ bỏ như thế nào là điều mà tổng thống Mỹ dường như rất ít chú ý. Ông Trump cũng nổi tiếng là người tự coi là chỉ tin tưởng vào trực giác mách bảo và biệt tài thương lượng của mình, mà rất ít coi trọng ý kiến của các cố vấn. Tổng thống Mỹ cũng lừng danh là người thay đổi lập trường nhanh chóng. Vậy, căn cứ vào đâu để đánh giá cuộc thượng đỉnh này là một thành công đối với Hoa Kỳ, trong trường hợp Washington tuyên bố ăn mừng chiến thắng ?

Hãng thông tấn Reuters hôm qua, 11/06, dẫn lời ông Williams Perry, cựu bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ thời tổng thống Bill Clinton. Theo cựu bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, bên cạnh cảm xúc hài lòng hay không - mà hai lãnh đạo Mỹ-Triều bày tỏ sau cuộc hội kiến - có hai điểm chủ yếu để đánh giá thượng đỉnh này là thành công hay thất bại với Washington.

Thông cáo chung và "các biện pháp cụ thể"

Thứ nhất là thông cáo chung phải đưa ra nguyên tắc "phi hạt nhân hóa" bán đảo Triều Tiên, và thứ hai là phải dự kiến được một tiến trình với "các biện pháp cụ thể" nhằm thực hiện mục tiêu này, và một thỏa thuận sơ bộ về "các biện pháp đầu tiên".

Tổng thống Mỹ từng khẳng định ông sẽ cảm nhận được ngay từ phút đầu tiên, là có thể đạt được thỏa thuận với Kim Jong-un hay không. Cựu bộ trưởng Perry, người từng phụ trách các đàm phán về giải trừ hạt nhân với Bắc Triều Tiên thời Kim Jong Il - cha của Kim Jong-un, hy vọng là, về vấn đề này ông Donald Trump "có lý". Ông kỳ vọng là nếu hai bên có thể đạt được một thỏa thuận, cho phép khởi sự "một tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn", thì đây sẽ là "một thành công lớn".

Các biện pháp cụ thể của tiến trình này, theo cựu bộ trưởng Mỹ, là "quá phức tạp" để có thể được tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên bàn tới trong lần gặp này, nhưng mục tiêu lý tưởng là : cuộc hội kiến này sẽ mở đường cho việc các chuyên gia họp lại để bàn về các vấn đề kỹ thuật, mà toàn bộ tiến trình này có thể "sẽ kéo dài nhiều năm trời".

Cựu bộ trưởng Williams Perry được coi là người dẫn dắt thành công các đàm phán với chế độ Bắc Triều Tiên cách nay một phần tư thế kỷ, từng khiến Bình Nhưỡng chấp nhận từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, để đổi lấy năng lượng, vào thời điểm đó (2).

"Hộp đen" không mở, thượng đỉnh chỉ là "trò diễn" !

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh đến các biện pháp phi hạt nhân hóa cụ thể. Vẫn báo Anh The Guardian dẫn lời nhà cựu ngoại giao Mỹ Robert Gallucci, người từng trực tiếp phụ trách các đàm phán với Bắc Triều Tiên đầu những năm 1990, thì điểm duy nhất đáng kể có thể coi là mấu chốt của thành công, đó là "một tuyên bố cụ thể về tiến trình phi hạt nhân hóa". Ông nhấn mạnh, chỉ cần bấy nhiêu đã là thành công, cho dù không có thêm bất cứ kết quả nào khác, ngược lại, dù có bao nhiêu kết quả được tuyên bố, mà không có một kế hoạch cụ thể, thì kể như là Hoa Kỳ thất bại.

Theo chuyên gia Suzanne DiMaggio, giám đốc trung tâm tư vấn New America, chuyên về chính sách của Hoa Kỳ ở châu Á và Trung Đông, thì biện pháp cho các thanh tra giám sát vũ khí nguyên tử quốc tế vào Bắc Triều Tiên phải được coi là "một trong các mục tiêu chủ yếu". Đây cũng là các nhân nhượng mà Bắc Triều Tiên từng đưa ra trong những thỏa thuận với các chính quyền Mỹ trước đây. Lần này, lãnh đạo Bình Nhưỡng có thể đi xa hơn, với việc cung cấp bản thống kê đầy đủ về các bộ phận của chương trình hạt nhân quân sự, "đã công bố hoặc chưa công bố".

Ông Boris Toucas, chuyên gia về giải trừ hạt nhân thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS), có trụ sở tại Washington, chia sẻ với nhận định nói trên, với giải thích : "để thượng đỉnh có thể tuyên bố là một thành công, trước hết làm sao để 'chiếc hộp đen' của Bắc Triều Tiên cuối cùng phải chấp nhận mở ra… Nếu không đây sẽ chỉ là một trò diễn".

Thanh tra vào Yongbyon, ngừng làm giàu uranium

Nhiều chuyên gia nổi tiếng, trong đó có nhà khoa học nguyên tử Siegfried Hecker cảnh báo là quá trình dỡ bỏ hoàn toàn hệ thống vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên là một tiến trình lâu dài, bao gồm nhiều giai đoạn, và kéo dài ít nhất là 10 năm (3). Một báo cáo mới đây mà chuyên gia Hecker là đồng tác giả, nhấn mạnh là tiến trình phi hạt nhân hóa dần dần sẽ cho phép hai bên "thiết lập sự tin cậy và nhận thức được tình trạng phụ thuộc lẫn nhau" là "điều kiện cần thiết" cho việc phi hạt nhân hóa "hoàn toàn, chắc chắn".

Vẫn theo nhóm chuyên gia trên, việc các thanh tra quốc tế được phép vào các cơ sở hạt nhân, như cơ sở chính Yongbyon và việc ngừng toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc làm giàu uranium là các giai đoạn khởi đầu "quan trọng nhất".

Nhà địa chính trị Pháp Mathieu Duchatel (4) cũng chung nhận xét trong vấn đề này, khi nhận định là một thỏa thuận có thể kiểm chứng được, về việc làm giàu uranium và plutonium, có thể coi là kết quả "tối thiểu", nhưng điều này chưa đủ để chính phủ Mỹ tuyên bố "thành công". (Ông Mathieu Duchatel là phó giám đốc chương trình châu Á và Trung Quốc của Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Châu Âu/European Council on Foreign Relations).

Theo chuyên gia Pháp, dường như Hoa Kỳ không có con đường nào khác là "chấp nhận lô gic của Bình Nhưỡng, cụ thể là nhân nhượng đáp lại nhân nhượng, với hy vọng giảm bớt không khí hoài nghi đang tiếp tục đe dọa phá hỏng tiến trình mong manh này". Mathieu Duchatel lưu ý là "một tiến trình" phi hạt nhân hóa không thể khởi sự sau thượng đỉnh Singapore, nếu hai bên không đạt được ngay lập tức một số kết quả.

Trọng Thành

(1) Ngày 05/06/2018.

(2) Thỏa thuận 1994 tan vỡ không lâu sau đó. Một trong các lý do là do Quốc Hội Hoa Kỳ do phe Cộng Hòa kiểm soát trở lại, đã từ chối thực hiện thỏa thuận hỗ trợ năng lượng cho Bắc Triều Tiên, bài "Washington – Pyongyang : une défiance réciproque", ngày 10/06/2018.

(3) Le Monde, 11/06/2018.

(4) Le Monde, 12/06/2018.

*****************

Thượng đỉnh Mỹ-Triều : Nhật Bản thất vọng (RFI, 12/06/2018)

Phản ứng về hội nghị thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong-un ngày hôm nay, 12/06/2018 tại Singapore, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã hoan nghênh tuyên bố về thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên được hai nước ký kết, xem đó là "một bước đầu… tiến tới việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên".

kim7

Thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore truyền hình trực tiếp tại Nhật, ngày 12/06/2018. Reuters/Issei Kato

Tuy nhiên, thủ tướng Nhật Bản cũng tỏ ý thất vọng và tỏ vẻ trách cứ Mỹ đã thiếu quan tâm đến quyền lợi đồng minh. Thông tín viên RFI Frédéric Charles ghi nhận từ Tokyo :

"Dù hy vọng, nhưng thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng không quên là các cuộc họp với Bắc Triều Tiên trước đây đều không dẫn đến kết quả phi hạt nhân hóa bán đảo.

Trong chính giới Nhật, người ta cũng ghi nhận là thượng đỉnh giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên trước tiên hết là một vấn đề song phương, và ông Donald Trump không quan tâm đến quyền lợi của đồng minh.

Đối với người dân bình thường ở Tokyo thì cuộc họp thượng đỉnh này không khác gì một màn kịch Kabuki truyền thống của Nhật Bản, nghĩa là mang tính nhất thời hơn là một hồi kết.

Một doanh nhân ở Tokyo cho rằng ông không tin tưởng vào sự thành thật của Donald Trump và Kim Jong-un. Nhật Bản, đồng minh thân thiết nhất, trung thành nhất của Mỹ ở Châu Á, ngày nay cảm thấy rất lẻ loi".

Mai Vân

*****************

Người dân Triều Tiên rất hy vọng vào thượng đỉnh Mỹ-Triều (RFI, 12/06/2018)

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nở nụ cười hài lòng trước cảnh bắt tay của hai ông Donald Trump và Kim Jong-un tại Singapore, và cho biết cả đêm qua, 11/06/2018, ông không ngủ được. Nhờ sự vận động tích cực của tổng thống Moon Jae-in từ mấy tháng qua mà cuộc gặp đã diễn ra. Tổng thống Hàn Quốc tin là người dân của ông theo dõi sát những hình ảnh từ Singapore.

kim8

Người dân Bắc Triều Tiên theo dõi màn hình chuyến đi Singapore của ông Kim Jong-un, sân vận động Bình Nhưỡng, 11/06/2018. Kyodo/via Reuters

Thông tín viên RFI Frédéric Ojardias từ Seoul ghi nhận các phản ứng :

"Tiến trình đối thoại làm mê hoặc người dân Bắc Triều Tiên. Ian Bennette, thuộc tổ chức phi chính phủ giúp đỡ phát triển Choson Exchange kể lại như vậy. Ông vừa mới từ Bình Nhưỡng trở về.

Ông cho biết : Những người Bắc Triều Tiên mà tôi đã gặp dường như nghĩ rằng việc tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh là một quyết định đúng đắn. Khi chuyến thăm Bình Nhưỡng của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompéo được thông báo, tôi đã thấy rất nhiều người tụ tập đứng đọc báo và xem ảnh về cuộc gặp này. Họ vẫn không thể tin được là điều này đã xẩy ra. Đó là điều mới mẻ. Người dân Bắc Triều Tiên nghĩ rằng có một sự thay đổi thực sự đang diễn ra, chứ không phải chỉ có những phát biểu suông.

Choson Exchange tổ chức tại Bình Nhưỡng các cuộc hội thảo về kinh tế thị trường với đối tượng là tầng lớp trung lưu mới xuất hiện, các chủ doanh nghiệp nhỏ Bắc Triều Tiên. Ông Ian Bennette cho biết : Có một tầng lớp trung lưu quan trọng đang phát triển tại Bắc Triều Tiên. Nếu tầng lớp này ủng hộ việc phát triển thương mại, thì chính quyền sẽ chú ý tới điều này. Nếu họ muốn có thêm đầu tư nước ngoài, thì mong muốn này sẽ được tính tới trong các quyết định của chính phủ.

Tuy nhiên, hiện tại mối quan tâm chủ yếu của chế độ Bình Nhưỡng là an ninh và không có gì chắc chắn là những lời hứa của Mỹ hỗ trợ phát triển kinh tế đủ để thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân".

Mai Vân

*****************

Tập Cận Bình đã ''đẩy'' Kim Jong-un vào ''vòng tay'' Donald Trump (RFI, 12/06/2018)

Cách đây một năm, không ai có thể hình dung được lãnh đạo Bắc Triều Tiên và tổng thống Hoa kỳ có thể tiếp xúc trực tiếp với nhau như vậy. Việc Bình Nhưỡng thay đổi chính sách đối ngoại và mong muốn xích lại gần Washington một phần nào đó có thể là do vị tổng thống Mỹ vốn có lối nói năng thẳng tuột và thích gây gổ, không theo chuẩn mực ngoại giao thông thường. Tuy nhiên, chắc chắn đó cũng là do mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đã xấu đi.

kim9

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, Bắc Kinh, ngày 28/06/2018. CCTV / AFP

Từ Singapore, thông tín viên RFI Carrie Nooten giải thích :

"Trong một thời gian dài, Trung Quốc từng là đồng minh chính của Bắc Triều Tiên, là trung gian giữa Bắc Triều Tiên với phần còn lại của thế giới. Nhưng từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2011, ở sau hậu trường, quan hệ giữa hai nước không ngừng xấu đi.

Về phía Trung Quốc, ngay từ đầu, Tập Cận Bình đã có ý coi thường lãnh đạo trẻ Kim Jong-un. Gần đây, Bắc Kinh đã gây sức ép với Kim bằng cách áp dụng các biện pháp trừng phạt mới mà Liên Hiệp Quốc thông qua.

Có thể thấy được các căng thẳng giữa hai nước khi quan sát các vụ thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ông Pascal Vennesson, giáo sư Khoa học chính trị tại Trường quan hệ quốc tế Rajaratnam (RSIS) của Singapore giải thích : "Bắc Triều Tiên đã tìm cách tổ chức các vụ thử nghiệm hạt nhân vào đúng những thời điểm có thể khiến Bắc Kinh lâm vào cảnh khó xử, chẳng hạn khi Trung Quốc tổ chức các thượng đỉnh về dự án phát triển kinh tế ở châu Á, hoặc như khi Bắc Kinh tổ chức các diễn đàn quốc tế lớn. Đó là những dấu hiệu cho thấy có những căng thẳng giữa hai Nhà nước".

Về phía Bắc Triều Tiên, Kim Jong-un chắc chắn là lo ngại về việc Bắc Kinh ngày càng có ảnh hưởng lớn trên bán đảo Triều Tiên và về việc Bắc Triều Tiên phải lệ thuộc vào Trung Quốc và do vậy, khó phát triển được. Giáo sư Pascal Vennesson cho biết tiếp : "Kể từ khi chế độ Bắc Triều Tiên chú trọng phát triển kinh tế, Bình Nhưỡng phải tìm các đối tác mới để đảm bảo có được sự ổn định thông qua nhiều lĩnh vực khác, chứ không phải chỉ dựa vào lá bài an ninh hoặc quân sự".

Ngay cả khi rất khó có thể đoán định được ý đồ của một trong những chế độ khép kín nhất thế giới, chúng ta cũng có thể nghĩ rằng Bình Nhưỡng đã cho Bắc Kinh thấy họ có ý định vượt khỏi tầm kiểm soát của Trung Quốc, khi ám sát người chú dượng và người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Kim Jong-un, hai nhân vật vốn đều được Trung Quốc bảo vệ".

Thùy Dương

******************

Dư luận Trung Quốc mong muốn thượng đỉnh Mỹ-Triều thành công (RFI, 12/06/2018)

Tại Trung Quốc, theo dõi sát cuộc họp thượng đỉnh diễn ra hôm nay 12/06/2018, phải nói trước tiên người dân ở Đan Đông, thành phố giáp ranh với Bắc Triều Tiên, bên bờ sông Áp Lục, với cây cầu "Hữu Nghị" nối liền hai bờ. Cư dân tại đây, hai triệu người, sống nhờ thương mại hai bên, và trừng phạt của quốc tế đối với Bắc Triều Tiên đã tác hại nhiều đến hoạt động kinh tế tại đây.

kim10

Các xe tải đợi kiểm tra hàng tại cầu Hữu Nghị trên sông Áp Lục, nối Sinuiju của Bắc Triều Tiên với Đan Đông của Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 24/05/2018. Reuters/Jacky Chen

Rất nhiều người ở Đan Đông hy vọng thượng đỉnh thành công, theo bài phóng sự của thông tín viên RFI, Heike Schmidt.

"Buổi chiều, người Đan Đông rất thích ca hát, tập thể dục hay đi dạo dọc bờ sông Áp Lục, con sông làm ranh giới với Bắc Triều Tiên, ở bên kia sông. Bên phía Trung Quốc, thì là nhà cao tầng được chiếu sáng, còn bên kia thì tối đen như mực. Câu hỏi mà người ta đặt ra là liệu thượng đỉnh ở Singapore có dẫn đến việc đất nước khép kín nhất hành tinh mở cửa hay không.

Một người dân tại chỗ đã tỏ ý rất hy vọng về việc thượng đỉnh giữa hai ông Kim Jong-un và Donald Trump thành công. Theo lời ông : "Điều đó rất tốt cho hòa bình trên bán đảo. Liên Hiệp Quốc sẽ bãi bỏ cấm vận và chúng tôi có thể buôn bán trở lại với láng giềng".

Trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đã bóp nghẹt kinh tế tại chỗ. Một cụ già muốn tin là thời đại đe dọa và trừng phạt sắp kết thúc và giải thích : "Trung Quốc đã nhấn mạnh nhiều lần là phải ưu tiên cho đối thoại, chứ không phải là dùng sức mạnh để giải quyết bất đồng. Trump và Kim họp tại Singapore là điều rất tốt. Bắc Triều Tiên đã phá hủy nơi thử nghiệm hạt nhân, họ đã chứng minh thiện chí rồi !".

Nhiều người khác lấy làm tiếc là Trung Quốc không được mời tham gia. Một cán bộ nói lên cảm nghĩ của ông : "Tôi mong muốn hòa bình, tôi mong muốn quan hệ Trung Quốc-Bắc Triều Tiên được cải thiện. Nhưng tôi không thích Mỹ can thiệp vào công việc ở bán đảo, mà Trung Quốc phải đóng một vai trò quan trọng cho hòa bình trên hành tinh".

Trung Quốc bị gạt ra bên ngoài thượng đỉnh Singapore, nhưng ở Đan Đông, các nhà kinh doanh Trung Quốc đã sẵn sàng là những người đầu tiên lao vào nước láng giềng khi Bắc Triều Tiên mở cửa kinh tế".

Mai Vân

Published in Châu Á

Singapore sẵn sàng cho thượng đỉnh Trump - Kim

Về thời sự quốc tế, các báo Pháp ra hôm nay, 06/06/2018, tiếp tục dành nhiều sự chú ý vào các hồ sơ như ở Trung Cận Đông mà tâm điểm là Iran với viễn ảnh thỏa thuận hạt nhân bị phá sản hoàn toàn. Châu Á thì nổi cộm vẫn là cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump - Kim Jong-un sắp diễn ra ở Singapore vào ngày 12/6.

singapore1

Singapore đúc đồng kỷ niệm cuộc họp thượng đỉnh Trump - Kim Jong Ảnh ngày 05/06/218.The Singapore Mint/Handout via Reuters

Những ngày qua các hoạt động ngoại giao của các bên liên quan đến cuộc gặp lịch sử giữa tổng thống Mỹ và lãnh tụ Bắc Triều Tiên đang được xúc tiến hối hả và đã có những tiến triển để có thể tin cuộc gặp thượng đỉnh sẽ diễn ra tại Singapore vào ngày 12/6 tới đây.

Nhật báo công giáo La Croix có bài "Singapore có mọi yếu tố tốt nhất để đón thượng đỉnh Kim-Trump". Bài viết giới thiệu quốc đảo nhỏ bé Singapore, vẫn được coi như là "Thụy Sĩ" của Châu Á, đang chuẩn bị để đón cuộc gặp thượng đỉnh giữa Kim Jong-un và Donald Trump. Singapore còn được gọi là thiên đường tài chính và thương mại mà BắcTriều Tiên cũng đã từng biết tận dụng. Về phía Washington thì Singapore cũng là một đồng minh chiến lược của Mỹ ở Đông Nam Á.

Theo La Croix, đến lúc này ở đảo quốc Singapore, hầu hết các khách sạn đã kín chỗ đặt cho các đoàn Mỹ và Bắc Triều Tiên cũng như là 3.000 nhà báo trên thế giới được phép đưa tin về sự kiện 12/06. Các cơ quan an ninh Singapore vốn đã quen với các thượng đỉnh quốc tế hay các cuộc gặp bí mật, đã sẵn sàn triển khai.

La Croix khẳng định : Là quốc gia nhỏ bé có diện tích chỉ 700km2 với 5 triệu dân, "Singapore hội tụ được tất cả các tiêu chí về an ninh, hậu cần, tính trung lập ngoại giao và uy tín để đón cuộc gặp lịch sử này trong những điều kiện tốt nhất".

Tờ báo nhắc lại, chính vì bảo đảm tính trung lập ngoại giao mà năm 2015, Singapore được chọn là địa điểm cho cuộc gặp giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu. Singapore cũng là nơi trước đây đã diễn ra nhiều cuộc gặp bí mật giữa các giới chức Mỹ và Bắc Triều Tiên nhằm tìm hướng cải thiện quan hệ thù nghịch giữa hai nước.

Không chỉ là mảnh đất trung lập, Singapore còn là "đất lành" cho Mỹ về phương diện địa chiến lược cũng như cho Bắc Triều Tiên về những quan hệ thương mại tài chính ngoài luồng trong bối cảnh bị quốc tế cấm vận.

La Croix cho biết : "Đến tận năm 2017, công dân Bắc Triều Tiên và Singapore vẫn qua lại hai nước, tự do, không cần visa. Thỏa thuận này chỉ bị đình lại sau vụ Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ với kim Jong-un bị ám sát tại Malaysia. Tuy nhiên quan hệ thương mại và tài chính giữa hai nước vẫn chưa bao giờ bị ngừng lại".

Lãnh đạo Singapore Lý Hiển Long đã tuyên bố mong muốn "làm tất cả để bảo đảm thành của cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Kim-Trump tới đây vì một nền hòa bình bền vững cho vùng Bắc Á".

Thái Lan : Chiến dịch "làm trong sạch" giới Phật giáo

Chuyển qua Thái Lan với nhật báo Le Monde. Tờ báo ghi nhận sự kiện "Nhiều nhà sư chức sắc cao bị bắt tại Thái Lan".

Le Monde cho biết, chính quyền Bangkok vừa bắt giữ 3 chức sắc lãnh đạo cao cấp của phật giáo Thái Lan vì những cáo buộc tham nhũng. Tổng cộng chiến dịch "làm trong sạch" Phật giáo của cảnh sát Thái Lan diễn ra nhiều tháng nay đã nhắm vào 45 cơ sở chùa chiền, hơn một chục nhà sư ở hàng chức sắc thấp đã phải ngồi tù.

Theo Le Monde, đây là chiến dịch thanh lọc chưa từng có của chính quyền quân sự Thái nhắm vào giới Phật giáo, vốn được coi là trụ cột tinh thần của đất nước này. Tại sao chính quyền quân sự lại tấn công vào các tăng ni Phật giáo trong khi mà bản thân giới quân sự Thái cũng không mẫu mực cho lắm về tham nhũng, biến chất ? Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ không có câu trả lời.

Trung Quốc : Ứng dụng công nghệ cao kiểm soát dân

Thông tín viên của Les Echos tại Bắc Kinh có bài phóng sự điều tra dài cho thấy chính quyền Trung Quốc đã sử dụng công nghệ cao để kiểm soát chặt chẽ từng công dân của họ thế nào.

Bài phóng sự mang tiêu đề : "Tại Trung Quốc, 1,4 tỷ người tình nghi dưới sự giám sát" hàm ý cho thấy Đảng cộng sản Trung Quốc đang tìm cách tận dụng tối đa các tiến bộ công nghệ hiện đại như trí thông minh nhân tạo, hệ thống dữ liệu tin học, nhận diện để mở rộng sự chi phối mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của đất nước, bất chấp việc làm đó có xâm phạm đến đời tư, đến các quyền tự do công dân hay không. "Các tiến bộ công nghệ hiện đại của kỷ nguyên công nghệ số đang biến chế độ chuyên quyền thành một kiểu đại ca - Big Brother" kiểm soát mọi mặt đời sống của người dân, tờ báo nhận xét.

Khắp nơi trong các thành phố ở Trung Quốc, giờ tràn ngập các camera nhận diện sử dụng trong đủ mọi dịch vụ khác nhau, từ trong quán ăn, ngân hàng, trường đại học, qua đến các nơi công cộng hay thậm chí còn được dùng để kiểm soát sử dụng giấy vệ sinh trong các toa-lét công cộng…

Giới quan sát nhận định đằng sau những việc làm được tuyên truyền là nhằm bảo vệ an ninh, kỷ cương trật tự xã hội đó ẩn giấu mục đích chính trị vì sự tồn vong của chế độ, nhằm kiểm soát sự phản kháng, đối lập…

Trung Quốc đẩy mạnh chạy đua trong không gian với Mỹ

Trong lĩnh vực nghiên cứu không gian, Les Echos cho hay "Trung Quốc đang muốn đuổi kịp Hoa Kỳ".Theo tờ báo, Trung Quốc đã ấn định mục tiêu trong vòng 30 năm tới trở thành cường quốc hàng đầu trong lĩnh vực vũ trụ, vượt lên trên cả Hoa Kỳ. Tham vọng của Trung Quốc được thể hiện rõ bằng ngân sách chi cho nghiên cứu vũ trụ lên tới 6 tỷ đô la/năm, cao hơn cả Châu Âu hay Nga và chỉ đứng dưới Mỹ. Chương trình còn được thúc đẩy bởi Bắc Kinh có chính sách "đưa các công ty tư nhân vào cuộc chạy đua tới những vì sao" nhằm huy động mọi nguồn lực xây dựng một ngành công nghiệp vũ trụ đủ sức cạnh tranh với Mỹ.

Trong khi đó ở bên Mỹ, vẫn theo Les Echos, quan chức mới của Nasa đã mở các cuộc thảo luận với các tập đoàn quốc tế lớn để tiến tới tư nhân hóa trạm không gian quốc tế ISS. Đến giờ trạm không gian quốc tế đang bay cách trái đất 400 km này vẫn nằm dưới sự quản lý chung của các nước : Mỹ, Nga, Nhật Bản, Canada và Cơ Quan Không Gian Châu Âu. Kinh phí đóng góp của Nasa hàng năm cho trạm ISS là từ 3 đến 4 tỷ đô la. Đầu năm nay, Nhà Trắng khẳng định mong muốn từ nay đến 2025 sẽ chấm dứt cấp kinh phí Nhà nước cho hoạt động của trạm không gian quốc tế, tức là sẽ cho tư nhân hóa quản lý hoạt động trạm ISS. Nhưng vì tính chất quốc tế của trạm nên vấn đề tư nhân hóa sẽ không hề đơn giản.

Iran gây áp lực với Châu Âu về thỏa thuận hạt nhân

Trung Cận Đông với Iran là tâm điểm thời sự vẫn được các báo Pháp tiếp tục chú ý theo dõi sát. Kể từ sau khi Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran viễn ảnh cứu vãn văn kiện quốc tế này khỏi bị khai tử thực sự đang có xu hướng xấu thêm.

Les Echos có bài : "Teheran cho biết đang chuẩn bị cho việt chấm dứt thỏa thuận hạt nhân". Tờ báo ghi nhận : "Thỏa thuận quốc tế về hạt nhân Iran (JCPOA) còn chưa chính thức chết nhưng sống không được là bao. Iran sẽ bắt đầu các khâu chuẩn bị nhằm gia tăng khả năng làm giàu uranium, theo như phát biểu của lãnh tụ tinh thần Ali Khamenei". Trong khi đó, Teheran vẫn khẳng định tiếp tục tôn trong thỏa thuận đã ký bất chấp việc Hoa Kỳ đơn phương rút khỏi cách đây 1 tháng.

Trích dẫn phân tích của các chuyên gia, Le Monde nhận định đó là chiến thuật của Iran nhằm gây áp lực với các nước Châu Âu để có được bảo đảm các công ty của Châu Âu không rút khỏi Iran cho dù bị Mỹ đe dọa trừng phạt. Nhưng điều đó có vẻ rất nan giải. Các công ty Pháp, từ Total (khai thác dầu) cho đến PSA (chế tạo xe hơi) dù đã cắm chân khá ổn định và bắt đầu ăn nên làm ra ở Iran giờ cũng đang rục rịch rút các dự án đầu tư ra khỏi nước này vì sợ dính trừng phạt Mỹ.

Theo nhiều chuyên gia, chiến thuật của Teheran như chơi dao 2 lưỡi. Lấy thỏa thuận hạt nhân ra để làm áp lực quá đáng có thể dẫn đến việc các nước Châu Âu bị đẩy về phía Mỹ.

2 triệu euro cho một bộ xương khủng long

Phần cuối mục điểm báo là một thông tin trên báo Libération về cuộc bán đấu giá khá đặc biệt, một bộ xương khủng long. Libération cho biết tối thứ Hai vừa qua tại Paris, một bộ xương loài vật đã tuyệt chủng cách đây hàng triệu năm, đã được bán với giá 2 triệu euros. Bộ xương dài 9 mét, cao 2,6 mét và còn giữ được 70% xương gốc, một tỷ lệ hiếm có trong các tiêu bản khủng long hóa thạch. Bộ xương trên được tìm thấy năm 2013 trong tiểu bang Wyoming, Hoa Kỳ. Phải mất 3 năm người ta mới đưa được toàn bộ bộ xương của con vật ra khỏi lòng đất với phần hộp sọ và răng gần như nguyên vẹn.

Người mua được bộ xương khủng long hiếm có này là một nhà sưu tập nghệ thuật người Pháp, dấu tên. Phần còn lại người ta chưa biết bộ xương sẽ được đặt ở đâu trong tương lai, trong nhà riêng của chủ nhân hay trong một viện bảo tàng để công chúng được chiêm ngưỡng món hàng mang tính lịch sử và khoa học này ?

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Thượng đỉnh Trump-Kim : Singapore, một sự chọn lựa đương nhiên (RFI, 11/05/2018)

Singapore được chọn làm nơi đón tiếp thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong-un ngày 12/06 tới, chính là vì quốc gia Đông Nam Á này đáp ứng mọi tiêu chuẩn cho sự kiện lịch sử này.

singapore1

Singapore, điểm hẹn thượng đỉnh Kim Jong-un - Donald Trump ngày 12/06/2018. Reuters/Edgar Su

Từ Singapore, thông tín viên RFI Carrie Nooten giải thích :

"Việc chọn Singapore làm nơi tổ chức thượng đỉnh lịch sử trước hết là một sự lựa chọn mang tính biểu tượng. Quốc gia Đông Nam Á này vẫn được xem là chiếc cầu nối giữa các nước phương Tây với Châu Á. Do vậy, đây là nơi lý tưởng để thảo luận về các hồ sơ ngoại giao liên quan đến cả hai bên.

Singapore còn là một nơi rất tiện lợi. Khác với Mông Cổ, Singapore có những cơ sở hạ tầng hiện đại, nổi tiếng là một địa điểm rất an toàn và về mặt hậu cần thì không thể chê vào đâu. Singapore đã đón tiếp nhiều cuộc họp thượng đỉnh một cách suôn sẻ.

Singapore được chọn bởi vì đây là quốc gia trung lập, vẫn giữ được quan hệ ngoại giao với cả Hoa Kỳ lẫn Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng vẫn có một đại sứ quán tại đây. Các công ty Singapore chỉ cắt giảm trao đổi thương mại với Bắc Triều Tiên từ năm 2017 do các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

Trung lập và kín đáo vẫn là hai nét đặc trưng của Singapore. Năm 2015, tại Singapore đã từng diễn ra cuộc gặp quan trọng giữa tổng thống Đài Loan với chủ tịch Trung Quốc. Sáng nay, ngoại trưởng Singapore chỉ ra thông cáo với nội dung rất chừng mực, tỏ ý hy vọng hòa bình sẽ được tái lập trên bán đảo Triều Tiên.

Singapore còn là một sự chọn lựa mang tính chiến lược, được sự tán đồng của Trung Quốc, đồng minh chủ chốt của Bắc Triều Tiên. Quốc gia này còn có những qui định rất nghiêm ngặt đối với báo chí và các cuộc tập hợp của quần chúng, cho nên sẽ làm an tâm các vị khách Bắc Triều Tiên".

Thanh Phương

**********************

Donald Trump sẽ gặp ông Kim Jong-un tại Singapore (VietTimes, 10/05/02018)

CNN đưa tin giới chức Mỹ đã được chỉ thị triển khai kế hoạch chuẩn bị cho cuộc gặp Mỹ - Triều Tiên tại Singapore. Các hãng tin khác cũng nói rằng Mỹ đã chọn quốc gia Đông Nam Á này để làm nơi gặp gỡ.

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó đã bác bỏ khả năng tổ chức cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm, khu vực biên giới phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên- Hàn Quốc. Ông Trump tiết lộ Singapore đang được cân nhắc và ông sẽ công bố chính thức thời gian và địa điểm cho cuộc gặp lịch sử này.

Hiện mọi con mắt đang đổ dồn về "đảo quốc sư tử" Singapore, nơi có những điều kiện cần và đủ để đăng cai Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa một Tổng thống Mỹ  và một nhà lãnh đạo Triều Tiên. Thời gian qua, Singapore, Bàn Môn Điếm và Mông Cổ là những địa điểm được cân nhắc để tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump  và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Song đến nay, Singapore dường như là ứng cử viên hàng đầu.

kim3

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un - Ảnh minh họa

Được mệnh danh là "Thụy Sĩ của Châu Á", Singapore là quốc gia trung lập không nghiêng về ủng hộ Tổng thống Mỹ hay nhà lãnh đạo Triều Tiên. Quốc đảo này cũng chỉ cách thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên hơn 4.800km. Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Viện nghiên cứu Lowy, Giáo sư Euan Graham cho rằng, Singapore đã tự coi mình là "điểm trung tâm" cho các vấn đề ngoại giao của khu vực.

Singapore có truyền thống đăng cai các sự kiện ngoại giao cấp cao và từng chứng kiến những cái bắt tay lịch sử của các nhà lãnh đạo thế giới. Đáng chú ý trong đó là cái bắt tay của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cựu lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu năm 2015. Ông Graham cũng lưu ý rằng Đối thoại Shangri-La, Diễn đàn An ninh Châu Á-Thái Bình Dương, sẽ được tổ chức tại Singapore từ ngày 1 tới 3/6, theo đó, quốc đảo này sẽ có sẵn sự chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên dự kiến diễn ra vào giữa tháng 6.

"Các quan chức an ninh cấp cao của Mỹ và các nước Châu Á sẽ tới Singapore tham gia Đối thoại Shangri-La. Singapore đã có tiếng về độ đáng tin cậy. Bên cạnh đó, với quan hệ an ninh chặt chẽ, Washington rõ ràng sẽ lựa chọn Singapore cho cuộc gặp quan trọng này", Giáo sư Euan Graham nói thêm.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đồng ý đi xa khỏi Bình Nhưỡng, theo đó, nếu Singapore thực sự được lựa chọn thì đây sẽ là chuyến đi xa nhất của ông Kim. Điều này cũng thể hiện một phần nhượng bộ của Bình Nhưỡng trong nỗ lực cùng Mỹ tiến tới bàn đàm phán Thượng đỉnh. Hơn thế nữa, cùng với Trung Quốc, Singapore cũng giữ mối quan hệ mật thiết với Triều Tiên và là điểm đến quen thuộc của nhiều người Triều Tiên. Triều Tiên có Đại sứ quán tại Singapore và mới đây 2 bên đã đạt thỏa thuận miễn visa cho người Triều Tiên tới Singapore.

Theo Giáo sư Euan Graham, việc ông Kim Jong-un vừa có chuyến bay bất ngờ tới thành phố Đại Liên ở phía Đông Bắc Trung Quốc và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại đây, cho thấy ông Kim cũng có thể thực hiện một chuyến bay dài tới Singapore.

Trong khi đó, cựu cố vấn chính sách tại Hạ viện Philippines ông Richard Heydarian cho rằng, Singapore là một đối tác thương mại chủ chốt của Triều Tiên trong nhiều thập kỷ qua, và khi đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN 2018, Singapore đang thể hiện hơn nữa vai trò "trung tâm thương mại của mình".

"Trong chuyến thăm Bình Nhưỡng tháng trước, tôi thấy rằng giới chức Triều Tiên đều nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ với các nước ASEAN", ông Heydarian nói.

Chuyết Ngôn

******************

Bình Nhưỡng tăng cường thủ thế sau quyết định của Trump về hồ sơ hạt nhân Iran (10/05/2018)

Ngày 08/05/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết vào năm 2015 mà ông chỉ trích mạnh mẽ là "thảm họa", cho dù các bên tham gia ký kết và kể cả Liên Hiệp Quốc đều khẳng định là Iran tôn trọng những cam kết.

kim1

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Đại Liên (Dalian) tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. (Ảnh do THX công bố ngày 08/05/2018) Reuters

Quyết định đơn phương của Mỹ sẽ gây thêm khó khăn cho cuộc đàm phán sắp tới với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un trong hồ sơ hạt nhân.

Đa số các chuyên gia cùng chia sẻ nhận định : Việc xé bỏ hiệp định hạt nhân Iran đã làm tổn hại đến uy tín của Hoa Kỳ trên chính trường, nhất là vào thời điểm sắp diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Kim Jong-un – Donald Trump mà ngày giờ và địa điểm cuộc họp sẽ được thông báo trong vài ngày tới đây.

Tại sao Kim Jong-un lại phải tin tưởng vào những cam kết của tổng thống Trump khi mà kể từ giờ «mọi thỏa thuận đều có thể lật ngược, có hạn định và vũ khí hạt nhân là một vũ khí bảo đảm sự tồn vong", như nhận xét của Vipin Narang, giáo sư Viện Công Nghệ Massachusetts với AFP.

Tuy thừa nhận sự khác biệt giữa hai hồ sơ Iran và Bắc Triều Tiên, một số nhà phân tích nhấn mạnh là quyết định của Donald Trump về Iran sẽ càng củng cố quyết tâm của Bắc Triều Tiên chuẩn bị "kỹ càng" cho cuộc đàm phán với Hoa Kỳ về phi hạt nhân hóa.

Theo như giải thích của nhà báo Dorian Malovic, chuyên mục Châu Á của nhật báo công giáo La Croix với RFI, Bắc Triều Tiên chưa bao giờ tin tưởng vào Hoa Kỳ. Giữa hai nước luôn ngự trị một bầu không khí nghi kỵ lẫn nhau. Dù vậy, Donald Trump vẫn lao vào giải quyết hồ sơ Bắc Triều Tiên và ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo từ Bắc Triều Tiên trở về nước cùng với ba tù nhân Mỹ. Đây là một sự nhượng bộ của Bắc Triều Tiên để tỏ thiện chí.

Ông Dorian Malovic, lưu ý thêm Bắc Triều Tiên không phải là Iran và nhất là Libya mà tân cố vấn an ninh quốc gia John Bolton muốn dùng đến như là một mô hình để giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Để tránh bị "phủi tay" như Iran, hoặc có cùng số phận như Mouhamad Kadhafi ở Libya, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã có những bước đi tìm hậu thuẫn "chống lưng" vững chắc trước khi bước vào đối thoại trực diện với Donald Trump.

«Nếu Kim Jong-un hai lần sang Trung Quốc, đó là vì ông ta muốn có sự bảo đảm, hậu thuẫn của Trung Quốc, để nếu như Bình Nhưỡng và Washington đạt được một thỏa thuận thì văn bản này sẽ được Trung Quốc bảo đảm, đương nhiên là có cả Nga, để Trump không thể xé bỏ được.

Nếu như có một sự lừa gạt nào đó trong tiến trình phi hạt nhân hóa, thì Bắc Triều Tiên có thể nói : chúng tôi đã làm tất cả những gì cần phải làm để bình ổn khu vực, còn Donald Trump đã không tôn trọng lời hứa.

Về phần mình, Donald Trump cũng muốn được hưởng lợi, cho rằng chính các biện pháp trừng phạt và nhờ vào ông ta mà Kim Jong-un đang phải quy phục.

Ngược lại, Kim Jong-un cũng có thể nói rằng hãy nhìn xem, rõ ràng không phải các áp lực của Hoa Kỳ đã giúp thúc đẩy tiến trình đàm phán giải quyết hồ sơ hạt nhân. Chính chúng tôi, hiện đang có trong tay vũ khí nguyên tử, đã khởi động tiến trình này. Như vậy, bối cảnh hồ sơ Bắc Triều Tiên khác hẳn bối cảnh vấn đề Iran".

Minh Anh

********************

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên khẳng định lại ý muốn phi hạt nhân hóa (RFI, 09/05/2018)

Trong cuộc tiếp xúc lần thứ hai với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong không đầy hai tháng, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un hôm qua 08/05/2018 đã tái khẳng định quyết tâm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

kim2

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh chụp tại Đại Liên, Trung Quốc, do KCNA công bố ngày 9/05/ 2018. KCNA/via Reuters

Theo hãng tin Pháp AFP, trích dẫn Tân Hoa Xã, trong cuộc gặp thượng đỉnh với đồng cấp Trung Quốc, ông Kim Jong-un đã khẳng định rằng Bắc Triều Tiên không cần phải trở thành một nhà nước hạt nhân, "miễn là các bên liên quan từ bỏ chính sách thù địch của họ, và loại bỏ các mối đe dọa về mặt an ninh chống lại CHDCND Triều Tiên".

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng bày tỏ hy vọng rằng Washington và Bình Nhưỡng sẽ thực hiện các biện pháp tuần tự và đồng bộ để tiến tới cả hai mục tiêu phi hạt nhân hóa và hòa bình.

Theo hãng tin Pháp AFP, yêu cầu này của lãnh đạo Bình Nhưỡng thực chất là một đòi hỏi "có đi có lại" nhắm vào Mỹ. Bắc Triều Tiên từ lâu nay luôn đòi hỏi là quân đội Mỹ phải rút khỏi bán đảo Triều Tiên và hủy bỏ việc phủ chiếc ô hạt nhân trên Hàn Quốc.

Ngay sau cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, chủ tịch Trung Quốc đã có cuộc điện đàm với tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đài truyền hình Trung Quốc CCTV khẳng định rằng trong cuộc nói chuyện, ông Tập Cận Bình đã bày tỏ hy vọng rằng Mỹ và Bắc Triều Tiên có thể làm việc cùng nhau, xây dựng lòng tin vào nhau và "xem xét những nhu cầu an ninh hợp lý của Bắc Triều Tiên".

Việc ông Kim Jong-un bất ngờ đi thăm Trung Quốc lần thứ hai để gặp chủ tịch Trung Quốc càng cho thấy vai trò quan trọng của Bắc Kinh trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, đồng thời phản ánh ý muốn của ông Kim Jong-un bảo đảm chỗ dựa trước cuộc họp với Mỹ.

Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap hôm nay, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã tiết lộ rằng cuộc gặp Tập Cận Bình - Kim Jong-un lần thứ hai đã được tổ chức theo yêu cầu của Bình Nhưỡng, trái với lần trước là do Bắc Kinh chủ động.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Quê nhà xa lắc xa lơ đó

Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay

Nguyễn Bính

cuoinam1

Sri Mariamman Temple, ngôi chùa Chà cổ nhất trong khu Phố Tầu ở Tân Gia Ba. Ảnh chụp tháng 2 năm 2018

Khoảng cách từ Kuala Lumpur đến Singapore, có lẽ, cũng chỉ bằng đoạn đường Sài Gòn/Đà Lạt là cùng. Bởi vậy thay vì chạy ra phi trường, tôi phóc đại lên một cái xe đò cho nó đỡ hao xu.

Chuyến đi tuy hơi lâu nhưng thú vị. Đã quen với những con đường chật hẹp của Cambodia, hoặc lỗ chỗ ổ gà (cùng với bụi mù) của Myanmar nên quốc lộ thênh thang và phẳng lì ở Malaysia khiến tôi ngạc nhiên không ít. Trông cũng tân kỳ y như hệ thống freeway của California vậy. Chỉ có điều khác là xe lao vun vút qua những cánh rừng nhiệt đới thâm u, hoang dại, hay những rừng kè ngút ngàn mà nhìn từ trên không tôi cứ ngỡ là dừa.

Tuyệt nhiên không thấy bóng một cha nội cảnh sát, hay công an giao thông nào cả nhưng BOT thì có chớ. Qua ba trăm KM đường dài, tài xế phải trả phí hai lần – mỗi lần 5 RM, gần 2 USD – nhưng họ chà thẻ nên không có cái vụ đếm tiền lẻ, và dựng bảng ("Cấm ngừng quá 5 phút") như ở quê mình.

Tính ra thì cứ trung bình 100 km quốc lộ thì giới xe đò phải trả thêm cho nhà nước Mã Lai thêm 65 xu (theo đơn vị Mỹ Kim) dù đã đóng thuế lưu hành. Tuy nhiên, số tiền phụ thu này đã được chi dùng hết sức đàng hoàng và rõ ràng nên không có gì để phàn nàn cả.

Quốc lộ rộng đến sáu làn. Dải phân cách mọc đủ thứ loài hoa nhưng tôi chỉ nhận ra được hoa phượng đỏ, chen lẫn với phượng vàng, và hoa giấy. Hoa giấy tuy không tàn nhưng trông có nét buồn buồn ngay từ khi vừa hé nhụy. Giữa nắng chiều vàng hanh mà nhìn mầu xác pháo thì ngay đến cả tôi – một anh già ham chơi và nát rượu – cũng thoáng bâng khuâng vì nỗi nhớ nhà.

Mẹ cha ơi đừng đợi

Chiều nay con chưa về

Chị ơi thôi đừng đợi

Chiều nay em không về

(Tưởng Năng Tiến - 1980)

Không thấy cổng chào ("WELCOME TO SINGAPORE") nên chả rõ là xe đã thực sự đi vào phần đất của Tân Gia Ba tự lúc nào nhưng tôi vẫn cảm được là không khí Tết mỗi lúc một gần thêm – sau từng cây số. Khác với ở Kuala Lumpur, phần lớn dân Singapore là người Hoa (hoặc gốc Hoa) nên Chinese New Year được chuẩn bị kỹ càng và rình rang hơn hẳn.

China Town, tất nhiên, đỏ rực. Chùa Tầu mầu mè hoa hoè và khói hương nghi ngút, đã đành ; chùa Chà (kế đó) cũng trưng bầy đèn lồng, cùng với hàng chữ chúc mừng – "Wishing All A Happy & Properous Lunar New Year" – và cũng đông đúc tín đồ không kém.

Thế mới biết là người Ấn có một không gian tâm linh rất rộng, và rất "sính" chuyện hội hè đình đám. Tết Nguyên Đán lại hay trùng hợp với Lễ Hội Ngày Mùa (Pongal Festival) kéo dài đến bốn ngày của họ : từ 14 đến 17 tháng Giêng.

Khác với Little Sài Gòn ở California, Little India ở Singapore lúc nào cũng lúc nhúc người. Bombay hay New Delhi, tôi đoán, chắc cũng đông đúc đến vậy là cùng. Ngó mà chóng mặt luôn.

Đã vậy, tôi còn lạc bước đến "thánh địa" này đúng vào lúc người ta đang làm lễ tạ ơn Mẹ Thiên Nhiên (Mother of Nature) hay Thần Mặt Trời (The Sun God) gì đó. Họ bầy ra những cảnh tượng lạ lùng chưa từng thấy. Nguyên cả một tập thể người rồng rắn vừa đi vừa thực hành những nghi lễ truyền thống vô cùng lạ mắt, và hơi kỳ dị. Thêm cái đám du khách hiếu kỳ bao quanh, hay rùng rục theo sau, tạo nên cả một rừng người.

Đây không phải là lần đầu tiên tôi có mặt ở Singapore nhưng chưa bao giờ thấy cảnh sát của Đảo Quốc này xuất hiện nhiều đến vậy. Dù vậy, họ phải vô cùng chật vật mới giữ cho đám đông không làm tắc nghẽn giao thông.

cuoinam2

Ảnh chụp tháng 1 năm 2018

Đ... mẹ, ở Việt Nam mà tràn ra đường lễ lạc kiểu này thì chắc chết, chết chắc. Súng nổ như không. Những kẻ sống sót – tất nhiên – sẽ đều phải ra toà về tội "gây rối trật tự công cộng", chớ chả phải chuyện đùa đâu. Cái chính phủ của Đảo Quốc Sư Tử này – rõ ràng – đã không "quản lý" được cái đám dân ngụ cư (chỉ chừng vài trăm ngàn người) gốc Ấn. Dường như có sự tỷ lệ thuận giữa tự do dân chủ và phồn thịnh. Nhờ vào sự "buông lỏng quản lý" nên Singapore có lợi tức đầu người cao nhất/nhì thế giới, còn xứ sở của tôi thì ngược lại !

Dù mới cuối tháng Giêng nhưng cái nóng nhiệt đới và cái đám đông hừng hực hơi người vẫn khiến tôi hơi ngột ngạt. Thay vì đón xe buýt, tôi vẫy Taxi về nhà trọ cho nó đỡ phiền. Tôi về khu Đèn Đò Geylang nên bác tài nheo mắt :

- Đi kiếm gái hả ?

"Đang mệt thấy bà đây, gái với gú cái gì – cha nội ?" Tôi chỉ nghĩ (thầm) vậy thôi chứ cũng ráng gượng cười cho nó qua chuyện, khỏi phải giải thích lôi thôi. Đến tuổi tôi thì có lẽ không ai còn đủ can đảm cho một cú sexual adventure nữa. Đây là cách phiêu liêu hứa hẹn rất nhiều phiền toái mà (chắc chắn) cũng chả hứng thú gì.

Theo cách nhìn của những kẻ cầm quyền thì khu vực đèn đỏ nào cũng đều là nơi... phức tạp, cần phải được canh chừng. Với riêng tôi thì khu Đèn Đỏ Quốc Tế Geylang chỉ là nơi tập trung của những cô gái kém may mắn nhất ở Đảo Quốc giàu sang này. Giữa một trung tâm thương mại phồn thịnh mà họ lại không có gì để bán, ngoài thân xá. Tôi cũng "đứng về phe nước mắt" nên chỉ quen sống kề cận với những kẻ bất hạnh mà thôi.

Không phải mọi phụ nữ Việt Nam trôi dạt đến Geylang đều làm gái cả. Không ít người vì tuổi tác, hay vì không đủ "vốn liếng trời cho" nên phải làm công việc nặng nhọc hơn, và lợi tức cũng khiêm tốn hơn nhiều. Họ đi bán giấy chùi miệng và lau tay.

Thực khách ở Singapore không ai cần giấy nhưng họ vẫn vui vẻ (và tế nhị) chia sẻ vài đồng tiền lẻ với những kẻ không may ở nước láng giềng, qua hình thức bán/mua. So với dịch vụ xuất khẩu lao động rất nhiêu khê, tốn kém, phải cầm cố nhà cửa, và bị lường gạt đều đều thì "thương vụ" bán giấy (rất lương thiện này) quả một là phát kiến thần tình, rất đáng được hoan nghênh.

Điều đáng tiếc là đồng bào của tôi lại không được "hoan nghênh" mãi mãi – theo như ghi nhận gần đây của nhà báo Huy Phương :

"Báo chí lại loan tin, những người Việt Nam, đồng bào của chúng ta, từ Sài Gòn đến phi trường Changi, Singapore, bị từ chối nhập cảnh, nói rõ ra là bị đuổi về.

Singapore là một trong 48 quốc gia mà người mang thông hành Việt Nam vào không cần thị thực, nhưng lần này mặc dù có đầy đủ giấy tờ tùy thân, nhiều hành khách Việt Nam, phần lớn là phụ nữ, vẫn bị nhà chức trách Singapore từ chối cho vào xứ của họ...

"Chính quyền Singapore cũng không hề nói lý do họ không cho những người Việt này vào nước họ, nhưng cái lý do này thì những người trong cuộc, hay toàn thể ‘khúc ruột ngàn dặm’ trên khắp thế giới đều biết rõ, đều cảm thấy xấu hổ và đau lòng".

Dân Tân Gia Ba, rõ ràng, đã oải. Họ không còn đủ kiên nhẫn và bao dung với những kẻ khốn cùng (không vốn liếng, không ngoại ngữ, không nghề nghiệp) cứ tiếp tục đến mãi từ một nước (Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc) láng giềng !

Thảo nào mà khác hẳn với hồi tôi đến khu đèn đỏ Geylang vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015, bây giờ người Việt ở đây gần như chả còn ai cả. Đợi ngày mai đỡ mưa và đỡ mệt, tôi phải đi kiếm đồng bào mình với được. Có thể là những đứa cháu gái của tôi đã di chuyển qua một khu vực khác chăng ? Chớ không lẽ tôi phải ăn tết mình ên ở Chiêu Nam Đảo hay sao ? Mà Tết thì tới nơi rồi !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 07/02/2048 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn

Mấy hôm nay một sự kiện nóng hổi làm dậy sóng dư luận trong và ngoài nước, làm tốn không biết bao nhiêu thời gian và tâm lực của các nhà bình luận, ấy là cú đào thoát bất thành của Phan Văn Anh Vũ, với biệt danh "Vũ Nhôm".

vunhom1

Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm". Nguồn : internet

Từ trước đến nay, nhân vật Vũ Nhôm là ai và làm gì ở đâu, hầu như không ai biết. Chỉ từ khi cuộc đấu đá nội bộ khốc liệt, một mất một còn giữa hai nhân vật đứng đầu Thành phố Đà Nẵng, là cựu Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cựu Bí thư Nguyễn Xuân Anh, và Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, xuất hiện trên báo lề đảng vào tháng 3/2017.

Đầu tiên là báo Lao Động đăng bài "Vụ doanh nghiệp tặng xe cho Thành phố Đà Nẵng : Bất thường quanh chiếc xe tiền tỷ". Và sau đó là rất nhiều thông tin vào loại "tuyệt mật" xuất hiện trên báo lề dân, nói về những mối quan hệ và những phi vụ làm ăn mờ ám của một số nhân vật trong Bộ Công an Việt Nam, thì lúc ấy, nhân vật Vũ Nhôm mới dần dần xuất hiện.

Cũng giống như vụ Trịnh Xuân Thanh, trường hợp Nguyễn Xuân Anh đi xe tiền tỷ do doanh nghiệp biếu tặng, sau đó khui ra xe này do Vũ Nhôm biếu. Chẳng những Vũ Nhôm biếu xe sang tiền tỷ cho Nguyễn Xuân Anh, mà sau đó còn khui ra hai căn nhà số 45 và 47 Nguyễn Thái Học (Đà Nẵng), cũng do đại gia Vũ Nhôm biếu, thì lúc đó, cơn sóng thần dữ dội nổi lên, làm cho mảnh đất bình yên Đà Nẵng chao đảo như một trận động đất lớn xảy ra.

Dù thay tên đổi họ, thay đổi địa chỉ hàng chục lần nhưng khi lộ ra mấy chiếc xe quà tặng, nhân dân Đà Nẵng biết ngay là ai. Nova 79, một cái tên lạ hoắc nhảy vào sở hữu những dự án khủng, những khu đất kim cương ở Đà Nẵng. Thực chất đấy là con bạch tuộc biến hình từ doanh nghiệp tặng xe cho đồng chí Xuân Anh. Hoá đơn tặng xe ghi Minh Hưng Phát, Phú Gia Compound, Sunrise Bay Đà Nẵng… quảng cáo rầm rộ tại các sân bay quốc tế chính là "đồng chí" Vũ Nhôm này đây. Toàn bộ điều hành, chỉ đạo của Xuân Anh đều do Vũ Nhôm đạo diễn.

Khác với nhiều vụ án tham nhũng thuần về kinh tế trước đây như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm, Giang Kim Đạt v.v… Qua trường hợp Phan Văn Anh Vũ này, đã làm bộc lộ toàn bộ thực trạng một nền chính trị thối nát, những cuộc đấu đá khốc liệt để tranh giành quyền lợi giữa các thế lực, và mưu đồ thâu tóm để củng cố quyền lực, qua đó giành quyền lãnh đạo cao nhất trong giới chóp bu Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.

Tại sao nổ ra vụ đấu đá giữa hai vị lãnh đạo cao nhất của Thành phố Đà Nẵng ?

Việc Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), mà đằng sau nó là những bàn tay lông lá của Tổng cục 5 Bộ công an, đã khuấy đảo và khuynh loát dàn lãnh đạo Đà Nẵng gần 20 năm qua, từ thời Nguyễn Bá Thanh làm Chủ tịch Đà Nẵng. Và lần lượt các đời chủ tịch về sau như Hoàng Tuấn Anh, Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến cho đến hiện nay là Huỳnh Đức Thơ, tất cả đều bị Tổng cục 5, mà đại diện là Vũ Nhôm "dắt mũi".

Nói thêm về chủ tịch Hoàng Tuấn Anh : Thời kỳ ông này làm Chủ tịch Đà Nẵng (tháng 6/2004 đến tháng 4/2006), là thời kỳ Nguyễn Bá Thanh còn làm Bí thư Đà Nẵng. Uy tín của Nguyễn Bá Thanh bao trùm hết, do đó Hoàng Tuấn Anh tuy làm Chủ tịch, nhưng chỉ đóng vai trò như người giúp việc cho Bá Thanh. Vì vậy dân Đà Nẵng có câu ca :

"Trời của Thanh, đất của Thanh, con chim trên cành cũng của Bá Thanh, con chim trong quần là của Tuấn Anh". Sau nhờ ra làm Bộ trưởng Văn hóa, thể thao và du lịch, thì ông này mới thoát ra được khỏi cái bóng của Bá Thanh.

Như vậy cái "thần tượng" Nguyễn Bá Thanh mà nhiều người tôn sùng, là "ăn to nói lớn" và dám đòi "bắt hết nhốt hết" những kẻ tham nhũng và các nhóm lợi ích, đã sụp đổ hoàn toàn. Và Nguyễn Bá Thanh cũng chỉ là công cụ cho tầng lớp trên sai khiến trong việc thanh trừng phe phái mà thôi.

Và việc Vũ Nhôm dám đập bàn, dọa chủ tịch Đà Nẵng rằng, "tôi sẽ cho ông nghỉ việc nếu không ký duyệt dự án cho tôi", với vai trò là người của Tổng cục 5, với các công ty bình phong, để thực hiện việc thâu tóm 9 dự án, và 31 nhà, đất công sản tại Đà Năng, thì việc Vũ Nhôm "muốn gì được nấy" âu cũng là điều dễ hiểu (1).

Để giải thích Vũ Nhôm là người của ai, và vì sao Vũ Nhôm mua được nhiều nhà công sản như vậy, ta hãy nghe "người trong cuộc", nhà báo Nguyễn Thế Thịnh, đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình như sau :

"Các cụ hưu trí Câu lạc bộ Thái Phiên đã hỏi Bí thư Thành ủy Đà Nẵng câu này…

Không nhớ vào năm nào, báo Tuổi Trẻ viết một bài nói về đất đai Đà Nẵng, trong đó có một đoạn dẫn chứng là dãy đất dọc đường Võ Nguyên Giáp, đoạn từ góc đường Phan Văn Đồng đến góc đường Võ Văn Kiệt mấy nghìn mét vuông bán cho Vũ không qua đấu giá và giá rất "bèo".

Hôm đó UBND Thành phố mời vài tờ báo (chủ yếu là báo giấy có lượng phát hành tốt ở Đà Nẵng), mình nhớ là có Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động,… do Phó chủ tịch Văn Hữu Chiến chủ trì (Trần Văn Minh làm chủ tịch).

Ông Chiến trưng ra một bộ hồ sơ, trong đó có công văn của Tổng cục Tình báo gửi Thành phố Đà Nẵng, đề nghị chỉ định giá, bán cho doanh nghiệp bình phong của tổng cục là Công ty 79. Công văn lý giải vị trí đó thuận lợi cho việc xây dựng, để làm bình phong.

Ông Chiến đưa ra bản photocopy thẻ ngành của Phan Văn Anh Vũ, với cấp hàm thiếu tá.

Mọi người hỡi ôi. Không ai nói được câu nào. Về. Đó là lần đầu mình biết Vũ mang hàm công an…

Khu đất này sau đó Vũ bán lãi đến hơn 600 tỷ biết vì sao không ?

Trước đó giá không cao, do quy định chỉ xây dưới 2 tầng. Sau đó Vũ xin điều chỉnh quy hoạch cho xây cao tầng, nên giá mới "cao tầng" như thế…

Nhân đây nói chuyện mọi người kêu, khi làm ra nhẽ, chắc hình tượng của ông Nguyễn Bá Thanh cũng lung lay… Nếu nhà công sản nào bán cho Vũ trước đó cũng đều có công văn như thế này thì ông Thanh bí thư và các ông từng làm chủ tịch Đà Nẵng có dám từ chối không ?…

Còn vì sao Vũ có thể trở thành chủ doanh nghiệp bình phong, một người chỉ học xong lớp 11 là có thể trở thành thượng tá công an lại là một câu chuyện khác…

Sự "lùng bùng" của Đà Nẵng thời gian qua bắt đầu từ khi Bí thư Trần Thọ quyết ngưng không cho xây bến du thuyền chân phía Tây cầu Rồng. Phó bí thư Nguyễn Xuân Anh lúc đó đã đăng đàn thắc mắc cho Vũ, vì sao phía bên kia DHC xây được mà bên này không cho Vũ xây, như thế là không công bằng với doanh nghiệp.

Cao trào là việc Vũ mua trụ sở Hải quan nhưng bị chủ tịch đương nhiệm Huỳnh Đức Thơ không đồng ý. (Sau đó chọn giải pháp trung dung là cho thuê 50 năm- cũng gian truân lắm). Việc này Ủy ban kinh tế trung ương đã làm.

Nói gì về ông Thơ lúc này cũng không có lợi cho ông ấy (và cũng không có lợi cho cả mình), nhưng thực sự mà nói, nếu ông Thơ xuôi theo thì đã không có vụ Nguyễn Xuân Anh bị kỷ luật, mọi việc cứ thế trôi êm, trôi êm… chưa biết đến bao giờ.

Vấn đề đặt ra là, số tiền chênh lệch rất lớn trong những lần "mua giá gốc bán giá ngọn" đó Vũ đã nộp cho Tổng cục bao nhiêu và có hay không một phần khác những ai được hưởng ?

Nếu có thì cũng chỉ Vũ biết (2).

Vậy là cuộc chiến giữa Nguyễn Xuân Anh và Huỳnh Đức Thơ bắt nguồn từ đây.

Nhưng trong khi cả nước đang có hàng trăm cuộc đấu đá nội bộ tại các địa phương, và các bộ ngành trung ương vẫn không bao giờ ngưng nghỉ. Thậm chí có những vụ phải thanh toán nhau đẫm máu như vụ Yên Bái chẳng hạn. Tất cả cũng chỉ vì quyền và tiền. Và về nạn tham nhũng thì lại càng sôi nổi hơn nhiều lần. Báo chí lề đảng cũng đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để phanh phui. Như vụ Phạm Sĩ Quý ở Yên Bái, vụ Trịnh Văn Chiến ở Thanh Hóa, Nguyễn Thị Kim Tiến và Công ty buôn thuốc ung thư giá Việt Nam Pharma ở bộ Y tế, Võ Kim Cự với những hành động mờ ám khi dám ký cho Formosa đầu tư vượt quyền hạn lên 70 năm, và sau đó gây ra thảm họa Formosa… đều là những vụ hết sức nhức nhối và nổi cộm hơn Đà Nẵng rất nhiều, mà ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm ngơ. Ngược lại, vụ "choảng nhau" giữa Nguyễn Xuân Anh và Huỳnh Đức Thơ, thì ngài Tổng bí thư lại chỉ đạo Ủy ban kinh tế trung ương vào cuộc để "điều tra làm rõ", qua đó lòi ra đại gia bất động sản Vũ Nhôm này ?

Chúng ta đều biết, đã từ lâu, mâu thuẫn do tranh giành quyền lợi, do "con gà ghét nhau tiếng gáy" giữa hai người "đồng chí nhưng không đồng lòng", là Tổng cục 2 (tình báo quân đội) và Tổng cục 5 (tình báo công an) ngày càng gay gắt.

Đặc biệt là "cú đấm chính diện" của Tổng cục 2 trong vụ án Năm Cam và đồng bọn vào năm 2001, làm cho ngành công an "xây xẩm mặt mày". Hàng loạt tướng, tá công an phải tra tay vào còng. Nổi bật nhất là Trung tướng Bùi Quốc Huy, Thứ trưởng Bộ công an, nguyên Giám đốc công an Thành phố Hồ Chí Minh, bị kết án 4 năm tù giam. Trong vụ này có 3 cán bộ cao cấp "dính chàm", trong đó 2 người là Ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, là ngoài Bùi Quốc Huy còn có Trần Mai Hạnh, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, và Phạm Sĩ Chiến, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Vì gần như toàn bộ ngành công an đã bị Năm Cam "mua đứt", nên sau khi nhận được báo cáo của tình báo quân đội, lúc đó đang gọi là Cục 2, Thủ tướng Phan Văn Khải đã điều động tướng Nguyễn Việt Thành, Giám đốc công an Tiền Giang, đưa lực lượng công an Tiền Giang lên Sài Gòn bắt nhóm tội phạm này (vì tình báo quân đội không được phép bắt người). Vì vậy mâu thuẫn giữa Tổng cục 2 và Tổng cục 5 càng thêm sâu sắc.

Gần đây là vụ Trịnh Xuân Thanh. Tổng cục 5 đã "hớt tay trên" của Tổng cục 2, khi đưa người sang Đức khống chế và bắt Trịnh Xuân Thanh đưa về Việt Nam "đầu thú", làm cho mấy ông Tổng cục 2 giận "bầm gan tím ruột".

Nói về công an, thì xưa nay dân Việt Nam hầu như ai cũng ghét công an. Ngược lại, công an cũng rất căm thù ông Đinh La Thăng. Vì hồi ông này làm bộ trưởng Giao thông vận tải, đã xóa bỏ quy định tốc độ 40km/h của các loại xe cơ giới lưu thông tại các khu đô thị và khu dân cư nông thôn. Đặc biệt ông Đinh La Thăng còn cấm Cảnh sát giao thông không được núp lùm núp bụi, không được chui rúc và ẩn nấp tại các nhà cầu, hầm phân ven đường để ghi hình người tham gia giao thông. Cảnh sát giao thông muốn ghi hình thì phải đứng đàng hoàng trên đường. Điều này đã gây ra tổn thất vô cùng to lớn cho thu nhập của ngành công an. Họ không còn được tác oai tác quái như bọn lưu manh trộm cướp trên đường. Vì vậy họ gọi Đinh La Thăng là "Đinh tặc".

Ngoài ra các đồng chí công an cũng rất căm thù cánh nhà báo. Biết bao vụ phóng viên đóng giả lơ xe, phụ xe để ghi âm ghi hình cảnh công an "làm luật", "ăn bẩn" phi pháp. Làm cho ngành công an đã phải nhiều phen "lên bờ xuống ruộng", thậm chí nhiều anh vào "bóc lịch". Ngược lại công an cũng không vừa, đã "gài bẫy" những phóng viên non kinh nghiệm khi tác nghiệp, làm cho một số phóng viên phải trả giá.

Điều này giải thích tại sao, cùng là hai thượng tá bị bắt. Nhưng Út Trọc bên quân đội ít được báo chí quan tâm. Ngược lại, Vũ Nhôm thì được các báo tỏ ra quan tâm đặc biệt, đưa tin liên tục với nhiều tình tiết rất li kì.

Nên biết là hầu như tất cả các bộ, ngành xưa nay đều có tổ chức làm kinh tài cho ngành mình. Chính những khoản thu nhập này đã đem lại nguồn lợi kếch xù cho một số người làm giàu kinh khủng. Dưới chiêu bài "quân đội làm kinh tế", Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý nhiều tập đoàn, tổng công ty trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ xây dựng – bất động sản, viễn thông, tài chính, logistics, cơ khí, xăng dầu, cho tới nông nghiệp. Như Tập đoàn 319 trước đây do Phùng Quang Hải, con Phùng Quang Thanh làm chủ. Nay con Trần Đại Quang thay thế. Út Trọc làm kinh tài cho quân đội với hàng loạt BOT trên cả nước.

Còn ngành công an không làm kinh tế lộ liễu và ồ ạt như quân đội. Qua vụ này, ta có thể hiểu rằng, ngoài Vũ Nhôm làm kinh tài cho công an qua các công ty bình phong kinh doanh bất động sản ra, có thể công an còn rất nhiều công ty bình phong khác nhưng chưa bị lộ. Có tin nói rằng, ngay tỉ phú Phạm Nhật Vượng cũng là một "sân sau" của công an như Vũ Nhôm. Nhưng Phạm Nhật Vượng khôn ngoan và kín đáo hơn, nên cho đến nay ít ai biết.

Ngoài việc có các công ty bình phong làm kinh tế, bất cứ ai kinh doanh lớn nhỏ đều phải tìm chỗ "dựa lưng" cả. Càng lớn thì chung chi càng nhiều. Từ cờ bạc, cho đến mại dâm, buôn lậu v.v… đều có công an bảo kê hết.

"Thương trường là chiến trường", do đó hai bên đụng độ, ghen ghét và tố cáo nhau lên cụ Tổng. Để cho công bằng, cụ Tổng bèn "nện" mỗi bên một gậy.

Nhưng việc cụ Tổng nhắm vào Đà Nẵng, mà cụ thể là Nguyễn Xuân Anh chứ không phải Huỳnh Đức Thơ, tuy cả hai "tội trạng" như nhau, cho thấy, cụ Tổng đã bắn một mũi tên nhằm hai mục đích.

Một là qua vụ "làm thịt" Nguyễn Xuân Anh, nhằm "vạch mặt" nhóm sân sau của Tổng cục 5 Bộ công an với những phi vụ làm ăn mờ ám, dám "qua mặt" cụ, nên cụ phải "dạy cho chúng một bài học".

Hai là qua đó nhằm triệt hạ uy tín của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, người xuất thân từ ngành công an. Và cũng đánh thêm một cú vào Bộ Công an. Vì trước đến nay, ông Trọng chưa nắm được công an. Vì vậy ngoài việc ông Trọng đã "nhảy bổ" vào làm Thường vụ Đảng ủy Công an trung ương. Đây là lần đầu tiên, Tổng bí thư tham gia Ban thường vụ Đảng ủy Công an trung ương. Và qua vụ này, cụ Tổng càng có điều kiện củng cố và thâu tóm quyền lực. Và như vậy ngoài việc cụ rung đùi ngồi hết nhiệm kỳ này mà không bị ai đe dọa "thay ngựa giữa dòng", cụ Tổng còn có điều kiện sắp xếp, bố trí người của mình cho những nhiệm kỳ sau.

Singapore đã "bán đứng" Vũ Nhôm như thế nào ?

Một chi tiết rất đáng lưu ý : "Một nguồn tin cao cấp từ Cục A83 Tổng cục An Ninh cho biết, khi bị phía Singapore giao lại cho cơ quan chức năng Việt Nam, ông PVAV trong một trạng thái tâm lý hoảng loạn, mặt vàng bệch. Câu nói cửa miệng của ông Vũ "nhôm" lặp đi lặp lại là, tôi không hề muốn bỏ trốn. Người ta buộc tôi phải ra đi" (3).

Vậy thì câu "Tôi không muốn bỏ trốn. Người ta buộc tôi phải ra đi". "Người ta" ở đây là những ai ? Và nay việc Vũ trở về, có thể làm cho một số người lên cơn đột quỵ. Vì câu hỏi ai đã thông tin và bố trí cho Vũ chạy trốn đã được đặt ra một cách rất gay gắt, đến từ các vị cựu lãnh đạo, các tướng lĩnh hưu trí tại Đà Nẵng bấy lâu nay. Và như vậy có thể lòi ra một lô một lốc những đường dây bảo kê cho Vũ.

Còn việc tại sao công an Việt Nam bắt Vũ tại Singapore một cách rất dễ dàng như thế ? Thì điều này rất dễ hiểu.

Nên biết rằng, Vũ qua Singapore hôm 22/12/2017. An ninh Việt Nam rất dễ dàng biết Vũ qua đường nào để bỏ trốn qua Singapore. Vì ngoài Việt Nam ra, Vũ cũng có thể bằng đường bộ qua Lào hoặc Campuchia để bay. Và chỉ cần trong 1 ngày, là an ninh Việt Nam biết ngay là Vũ đi Singapore. Lập tức, công an Việt Nam sẽ mang theo lệnh truy nã của Việt Nam, kể cả lệnh truy nã đỏ của Interpol qua Singapore. Và như vậy buộc Singapore phải hợp tác.

Hơn nữa hiện nay Singapore là một trong những nước có nguồn đầu tư hàng đầu tại Việt Nam.

Nếu hợp tác với Việt Nam trong vụ này, sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Singapore hợp tác làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Nếu để cho Vũ đi Đức hoặc nước khác, thì Singapore mất nhiều thứ, mà chẳng được lợi lộc gì. Vậy thì chẳng có lý do gì để Singapore từ chối ? Dư luận gọi là "mặc cả chính trị, trao đổi kinh tế".

Ngày 2/1/2018 vừa qua, nghĩa là trước chuyến bay chở Vũ "nhôm" về Việt Nam từ Singapore, báo lề đảng cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý tăng vốn từ 875 triệu USD lên 2 tỷ USD và bổ sung thêm hoạt động kinh doanh casino ở Khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô (Thừa Thiên Huế). Khu du lịch Laguna Lăng Cô vốn thuộc Tập đoàn Banyan Tree của Singapore (4).

Điều này giải thích tại sao Vũ bị tạm giữ ngày 28/12/2017 với lý do "hộ chiếu giả", mà phía Singapore không thông báo, cũng không cho Vũ gặp người thân. Đến ngày 01/01/2018, luật sư Remy Choo được bạn của Vũ thuê, yêu cầu được tiếp xúc với Vũ mà không được phía Singapore chấp nhận. Điều này chứng tỏ phía Singapore đã có kế hoạch trả Vũ về theo yêu cầu của Việt Nam ngay từ đầu, nên mới cố giữ bí mật.

Điều này giải thích tại sao, đến 4g chiều ngày 03/01/2018, nghĩa là sau khi thông tin Vũ bị Singapore làm lộ, phía Singapore mới cho luật sư Remy Choo được gặp Vũ :

"Liên quan đến bức thư mà ông (luật sư Reme Choo Zheng Xi) gửi cho chúng tôi lúc 6g53 tối 3/1/2018, chúng tôi trả lời như sau.

Chúng tôi đã cho phép ông được gặp thân chủ của mình lúc 4g chiều ngày 3/1, ông cũng biết là thân chủ của ông đã vi phạm đạo luật nhập cư Singapore khi nhập cảnh vào Singapore" (5).

Điều này giải thích tại sao, ngày 3/1/2018, Vũ đã gặp được luật sư nhưng luật sư cũng chưa biết chuyện gì hết, mà lệnh trục xuất thì ngày 30/12 đã có rồi. Vì theo luật của Singapore, sau khi một đương sự nào đó bị bắt thì phải có quyền tiếp cận của luật sư liền và bất cứ quyết định nào thì đương sự đó cần phải biết.

Ngay chính luật sư của Vũ ở Singapore, ông Remy Choo, bình luận với BBC hôm 4/1 rằng ông rất thất vọng khi thân chủ của ông bị trục xuất mà chính ông không được thông báo trước vụ việc.

Điều này giải thích tại sao, ngoài hộ chiếu Singapore, Vũ còn có hộ chiếu quốc gia Antigua và Barbuda. Nhưng sau khi bị trục xuất, người ta không để Vũ tự lựa chọn đi đâu thì đi, mà lại đưa về Việt Nam ?

Điều này giải thích tại sao, luật sư của Vũ chỉ được thông báo sau 3 tiếng, sau khi Vũ đã lên máy bay, bay về Việt Nam, nghĩa là sau khi phía Singapore đã được Việt Nam thông báo Vũ đã về đến Việt Nam : "Một luật sư của ông Vũ tại Singapore cho biết là ông chỉ được thông báo về việc trục xuất này 3 tiếng đồng hồ, sau khi ông Vũ bị đưa lên máy bay" (6).

Điều này giải thích tại sao, Vũ về Việt Nam trên chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines, có số ghế 38, và phải có mặt trước 2 giờ. Chứ không phải như vụ bắt Trịnh Xuân Thanh, Việt Nam đã phải đưa máy bay sang Nga, rồi qua Séc thuê xe, mò sang Đức để bắt Trịnh Xuân Thanh. Sau khi bắt được Trịnh Xuân Thanh, đã phải chạy vòng vèo qua Séc, rồi mới sang Nga lên máy bay bay về ?

"Theo nguồn tin của Thanh Niên, chiều nay (4/1), một hành khách mang tên Phan Văn Anh Vũ có mặt trên chuyến bay từ Singapore về Việt Nam. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chuyến bay Việt Nam 662 sử dụng máy bay Airbus A321-100/200 của hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA). Trước đó, trả lời trên Zing về dẫn giải tội phạm, "một cán bộ C45 cho biết, theo quy định, khi di lý tội phạm bằng máy bay, công an sẽ mua vé như các hành khách khác, tuy nhiên phải có mặt tại sân bay trước khi máy bay khởi hành 2g.

Khi xe đặc chủng đưa tội phạm tới sân bay, nhân viên sân bay sẽ đưa cán bộ điều tra và tội phạm lên trước. Ngành hàng không sẽ dành 3 ghế ưu tiên (thường gọi là ghế an ninh) trên mỗi chuyến bay cho cơ quan điều tra làm nhiệm vụ đặc biệt hoặc trường hợp khẩn cấp" (7).

Phía Singapore nói Vũ nhập cảnh theo hộ chiếu giả là họ nói theo yêu cầu của Việt Nam để lấy lý do giữ Vũ. Vì với tấm hộ chiếu cấp năm 2015 này, Vũ đã ra vào Singapore nhiều lần hợp pháp, thì tại sao lúc này lại trở thành hộ chiếu giả ? Dứt khoát không có biện pháp nghiệp vụ gì ở đây để biến một tấm hộ chiếu hợp pháp thành bất hợp pháp được.

Có thể nói, không phải phía Singapore "trục xuất" vì Vũ vi phạm Luật Nhập cư. Mà đây là một vụ dẫn độ, một cuộc "bán đứng" trắng trợn một công dân Việt Nam có đầy đủ giấy tờ hợp pháp, vì những lợi ích của họ.

Hơn nữa, từ khi ông Trump làm Tổng thống Mỹ, với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" chỉ biết chăm lo vun vén cho nước Mỹ, mà dễ dàng bỏ qua những vấn nạn vi phạm nhân quyền tại các nước, là cơ hội ngàn vàng cho Tập Cận Bình vươn cái vòi bạch tuộc ra bao trùm Đông Nam Á, và lăm le vươn ta khắp thế giới. Vì vậy Singapore cũng khó lòng "cựa quậy" làm trái ý Tập, một khi ông Trọng "thỉnh cầu" nhờ Tập tác động để Singapore trao trả Vũ cho Việt Nam.

Theo blogger Người buôn gió (Bùi Thanh Hiếu), thì do đã thỏa thuận với Việt Nam, nên lẽ ra phía Singapore sẽ trao trả Vũ về Việt Nam vào ngày 02/01/2018. Nhưng bất ngờ có tờ báo Anh ngữ tại Singapore đăng tin Vũ đã bị Singapore bắt giữ. Và do phản ứng dây chuyền, hàng loạt các hãng thông tấn nước ngoài loan tin vụ này. Thế là kế hoạch bị lộ và phải tạm hoãn. Vì vậy đến ngày 03/01/2018, luật sư của Vũ mới được tiếp xúc với Vũ.

Trước mắt có thể nói, việc bắt được Vũ Nhôm để đưa về Việt Nam lần này là một thắng lợi của ông Trọng, ông Phúc. Vì không phải tốn kém và "mất mặt", ảnh hưởng đến uy tín và thiệt hại về nhiều mặt như vụ bắt Trịnh Xuân Thanh.

Điều này cũng làm thất vọng cho một số người. Vì nếu như Vũ sang được Đức thì sẽ vạch mặt trò dối trá bịp bợm của ông Trọng khi dám dùng "luật rừng" tới một nước có quyền để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đem về "đầu thú".

Nhưng về việc Trịnh Xuân Thanh đã bị an ninh Việt Nam bắt cóc như thế nào thì cảnh sát Đức đã có bằng chứng đầy đủ. Vì vậy việc không có Vũ cũng chẳng ảnh hưởng nhiều đến vụ này.

Nếu nhìn tổng thể, có khi việc Vũ trở về lại hay hơn, nó làm cho trận chiến giành và đấu đá nội bộ để thâu tóm quyền lực, và qua đó tranh giành quyền lợi giữa các phe nhóm trở nên khốc liệt và hấp dẫn hơn. Nhóm lợi ích "sân sau" của Vũ Nhôm sẽ bị vạch mặt. Ít nhất là những kẻ "chống lưng" cho Vũ trong việc thâu tóm nhiều dự án và nhiều nhà công sản không thể ngồi yên. Trận chiến có thể vượt đèo Hải Vân và lan rộng ra nhiều bộ, ngành khác.

Một chi tiết rất đáng quan tâm, là Phan Văn Anh Vũ có hộ chiếu của quốc gia Antigua và Barbuda, và Vũ đã được quốc tịch nước này vào ngày 1 tháng 9 năm 2017.

"Vì với người có hộ chiếu của quốc gia Antigua và Barbuda, sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi, như du lịch miễn phí đến 130 quốc gia bao gồm U.K., Thụy Sỹ, Singapore, Hồng Kông, các nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu bao gồm 28 quốc gia thuộc khối Schengen và hầu hết các nước thuộc Khối thịnh vượng Anh. Quyền công dân kép và suốt đời đối với nhà đầu tư và thành viên gia đình đủ điều kiện. Thuận lợi về thuế – Antigua & Barbuda không có thuế lợi tức về vốn hoặc thuế bất động sản ; thu nhập phát sinh ngoài nước không bị đánh thuế. Yêu cầu cư trú tối thiểu – cư trú 5 ngày trong 5 năm đầu. Cuộc sống chất lượng cao- người dân mới có thể dành nhiều thời gian ở Antigua và Barbuda theo ý họ. Quốc gia mang đến cho người dân cuộc sống không có căng thẳng bất an ở một trong những vùng khí hậu dễ chịu nhất trên thế giới" (8).

Vậy phải chăng Vũ Nhôm đã biết phòng xa. Cũng như rất nhiều quan chức Việt Nam hiện nay, là sau khi vơ vét "cho đầy túi tham", đã tìm cách "lót ổ" tại một đất nước xa xôi, yên tĩnh với nhiều ưu đãi đặc biệt, để tận hưởng những thành quả mà chúng đã cướp trên mồ hôi xương máu của những người dân nghèo trên đất nước Việt Nam điêu tàn và tang thương hôm nay ?

Và hiện còn có bao nhiêu Vũ Nhôm đang ngồi trên quyền lực, đề ra những chủ trương chính sách phi nghĩa, để tiếp tục ăn cướp và hút máu nhân dân Việt Nam, và đang "lót ổ" tại nhiều quốc gia khác. Để khi có biến, chúng sẵn sàng nhanh chân chuồn thẳng ?

Có lẽ giờ đây, sau khi phải ngồi sau song sắt trại giam B14 Bộ Công an, phải nằm trên "đệm" xi măng lạnh lẽo, và dưới sự giám sát nghiêm ngặt của các đồng chí trong ngành mình, Phan Văn Anh Vũ mới thấm thía cho số phận của những kẻ "còn đảng còn mình". Tưởng rằng ra sức cúc cung phụng vụ cho cấp trên để rồi được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi. Hóa ra cái mà các đồng chí dành "ưu tiên" cho mình là như thế này đây.

Đúng là "Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn" (Kiều).

Phương Trạch

Nguồn : Dân Làm Báo, 07/01/2018

Chú thích :

(1) http://dantri.com.vn/xa-hoi/diem-mat-nhung-du-an-nha-cong-san-dang-bi-dieu-tra-o-da-nang-20170922140855788.htm

(2) https://www.facebook.com/babel.thinh/posts/1582046888549625

(3) http://www.tintuchangngayonline.com/2018/01/phan-van-anh-vu-bi-truc-xuat-di-ly-ve.html

(4) http://vietnammoi.vn/thu-tuong-dong-y-cho-khu-nghi-duong-o-hue-kinh-doanh-casino-71040.html

(5) https://tuoitre.vn/phan-van-anh-vu-bi-singapore-truc-xuat-ve-toi-san-bay-noi-bai-20180104143844906.htm

(6) http://eicvn.eu/thoi-su/tin-thoi-su/viet-nam/11764-ong-v-nhom-b-bt-sau-khi-b-singapore-trc-xut-v-ha-ni

(7) https://thanhnien.vn/viet-nam/hanh-khach-phan-van-anh-vu-dang-tren-chuyen-bay-singaporeha-noi-920488.html

(8) http://kornova-viet.com/chuong-trinh-dau-tu-nhan-quoc-tich-antigua-barbuda-giam-50-yeu-cau-dau-tu/

Published in Diễn đàn

Rất nhanh, ch trong vài ba ngày, v đào thoát ca trùm bt đng sn Vũ "Nhôm" vào nhng ngày cui năm 2017 đã được quc tế hóa đ tr thành mt scandal ca thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ vào đu năm 2018, đy ha hn cho mt trn xung đt mi toanh trong nội b Đảng cộng sản Việt Nam, thm chí còn có th "máu la" hơn c v "ai bo kê cho Trnh Xuân Thanh trn" và "bt cóc Trnh Xuân Thanh".

singa1

Bà Petra Schlagenhauf - lut sư đi din cho Trnh Xuân Thanh ti Đc : nếu người này có thông tin ai là người ra lnh cho v bt cóc thì điu này s rt đáng chú ý. Điu này là quan trng đi vi phía Đc

Vũ có "hồ sơ bt cóc Trnh Xuân Thanh" ?

Bất k h thng tuyên giáo đng và báo chí nhà nước Vit Nam vn gn như im thin thít theo đúng tinh thần v "tau khe mà, có chi mô" ca bnh nhân ung thư kiêm trưởng ban ni chính trung ương Nguyn Bá Thanh vào khong thi gian gn tết nguyên đán năm 2014, nhiu hãng tin quc tế đã dn dp đưa tin Phan Văn Anh Vũ đã chính thức gửi đơn xin t nn chính tr cho các cơ quan tư pháp và ngoi giao ca Chính ph Đc và Hoa Kỳ. Đến ngày 3/1/2017, còn có thông tin t Đc cho biết "nguyn vng ca ông Phan Văn Anh Vũ được ti Đc khai báo người ch mưu cùng toàn b đường dây t chc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh Berlin đã được B Ngoi giao, B Tư pháp Đc tiếp nhn".

Chỉ mt ngày trước đó và rt có th không h ngu nhiên, mt lung thông tin có đa ch trên mng xã hi đã khng đnh rng Phan Văn Anh Vũ còn có c h sơ và nhng bng chng v v "bt cóc Trnh Xuân Thanh" mà Vũ đang mun chuyn cho người Đức như mt điu kin đ đi ly cơ chế t nn chính tr cho bn thân.

Cũng trước đó, mt vài trang báo đin t ngoài nước và mt s trang facebook Vit Nam ln nước ngoài đã đưa tin v v Phan Văn Anh Vũ đã tu thoát trót lt, và là mt tình báo viên công an, Phan Văn Anh Vũ đang nắm trong tay mt bn danh sách mng lưới tình báo viên ca công an Vit Nam nước ngoài và nhiu công ty "bình phong" ca ngành công an. Nếu danh sách gián đip này và các công ty "bình phong" b Phan Văn Anh Vũ tiết l, sẽ xảy đến vô khi chao đo trong ni b ngành công an…

Khỏi phi nói thêm rng người Đc quan tâm đến v thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ, ch không phi trùm bt đng sn Vũ "Nhôm", đến thế nào.

Vũ có được "bơm" tài liu ?

Chẳng hiu t đâu và do duyên cớ nào, người Đc li phát hin ra Trnh Xuân Thanh biến mt khi Đc vào cui tháng By năm 2017 không phi mt cách t do mà b mt v Vit Nam cưỡng bc. Vy là phát sinh cuc khng hong "bt cóc Trnh Xuân Thanh", kéo theo di chng khng hong ngoại giao Đc - Vit cho ti nay.

Từ đó đến nay, nhng thông tin t phía B Ngoi giao Đc và báo chí quc tế cho thy người Đc vn kiên nhn điu tra v "bt cóc Trnh Xuân Thanh".

Không sau tuyên bố phn đi, người Đc đã thng tay tm thi đình ch mi quan h đi tác chiến lược vi Vit Nam - mt mc đ trng pht thuc loi cao nht. Chưa k đến vic Đc trc xut mt lot quan chc ngoi giao ca Vit Nam và hy luôn hip đnh gia hai nước v min visa cho quan chc Vit Nam đi công cán Đc.

Chưa hết, hu qu cuc khng hong Đc - Vit có th còn lan rng c Châu Âu, mà bng chng ngay trước mt là Hip đnh thương mi t do Vit Nam - Châu Âu (EVFTA) đang tr nên xương xu hơn rt nhiu so vi cách đây ch na năm…

Cho đến nay, vn còn nhiu dư luận cho rng Tng bí thư Trng - người đã phát lnh "bng mi cách tìm bt Trnh Xuân Thanh v nước quy án" - là nhân vt phi chu trách nhim cao nht trong cuc khng hong Đc-Vit.

Một du hi ln đang ni lên là thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ có nắm được "h sơ bt cóc Trnh Xuân Thanh", hay ít nht cũng th trong mình mt s bng chng nào đó v v vic chn đng này, đ "làm quà" và đi chác vi cơ quan tư pháp Đc, hay không ?

Hoặc gi s Phan Văn Anh Vũ không nm trong din cán bnh báo được biết v v "bt cóc Trnh Xuân Thanh", liu Vũ có được mt thế lc chính tr nào đó trong ni b "bơm" cho tài liu v v vic này ?

Nếu Vũ đã "khai sch" ?

Tính chất nghiêm trng ca v Phan Văn Anh Vũ đã tr nên cc kỳ nghiêm trng đi vi nội bộ đng khi bà Petra Schlagenhauf - lut sư đi din cho Trnh Xuân Thanh ti Đc - tr li câu hi :

"Có thông tin một sĩ quan an ninh Vit Nam đã chy sang Singapore và có thông tin đ có th cung cp cho phía Đc v v bt cóc Trnh Xuân Thanh. Nếu đúng là như vy thì theo bà điu này có ý nghĩa gì ?" cĐài Á Châu Tự Do, đã nhn đnh "Có thể là nếu người này có thông tin ai là người ra lnh cho v bt cóc thì điu này s rt đáng chú ý. Điu này là quan trng đi vi phía Đc".

Trên phương din ni b đng cm quyn Vit Nam, gi đây vn đ không ch là cuc xung đt gia cánh ca Vũ "Nhôm" vi Huỳnh Đức Thơ - ch tch thành ph Đà Nng, người được cho là "thân vi Th tướng Phúc", mà đã dt dây lên c "trung ương".

Ngay sau khi Vũ "Nhôm" đào thoát, có những du hiu cho thy B Chính tr đng không xem v này là bình thường và do đó đã t chc cả một "chuyên án" đ "bng mi cách bt bng được Phan Văn Anh Vũ v quy án" như mt quyết tâm tương t vào tháng Tư năm 2017 đi vi Trnh Xuân Thanh.

Nếu qu thc đã xy ra v "bt cóc Trnh Xuân Thanh" như cáo buc ca Chính ph Đc, nhng nhân vt ch đo v bt cóc có th đang lo lng đến mt ng trước thông tin, dù chưa được kim chng, v Phan Văn Anh Vũ nm được "h sơ bt cóc Trnh Xuân Thanh". Hu qu kinh khng nào s xy ra đi vi h nếu như qu thc trong vài ngày qua và trong nhng ngày sp đến, "kẻ phn bi" Phan Văn Anh Vũ tiếp xúc được vi phía Đc và "khai sch" đ đi ly "quy chế t nn chính tr" - điu tương t vi tình báo viên Litvinenko ca Nga đã đào thoát và t nn nước khác ?

Một đường dây bo kê cho Vũ ?

Nhưng ngược hn vi mong mun tha thiết cùng quyết tâm chưa tng có v chuyn "bt bng được Phan Văn Anh Vũ" ca B Chính tr, Th tướng Nguyn Xuân Phúc và Tng bí thư Trng, nhng quan chc đã tng "ăn chu" vi trùm bt đng sn Vũ "Nhôm" hoc vi thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ lại mt ng sau khi Vũ "Nhôm" b khám nhà, đã tm th phào khi Vũ "Nhôm" b trn, s tiếp tc mt ng và c mt ăn khi nghe tin mng xã hi v v Vũ "Nhôm" s b "dn đ" v Hà Ni.

Chưa k mt đường dây (nếu có) đã bo kê cho Vũ "Nhôm" lng biến khi Vit Nam…

Nếu thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ sm b "dn đ" v Vit Nam, rt có th "chuyên án" ca B Chính tr đng s sm biết rõ Phan Văn Anh Vũ đã có hay không, và nếu có thì có được nhng tài liu ni b thuc đ "Mt", thm chí "Tuyt Mt" nào v nhng vn đ nghip v ca ngành công an, hay nhng tài liu v mi quan h ngm trong gii quan chc lãnh đo ra sao - nhng bng chng mà có th đ sc "giết sng" nhiu quan chc đang ti v.

Dù chỉ được đánh giá là một con cht, nhưng Vũ "Nhôm" li có vai trò như mt "h sơ sng" đi vi nhiu quan chc, và Phan Văn Anh Vũ có th tác đng ln đi vi bàn c tương quan quyn lc và xung đt chính tr Vit Nam.

Phan Văn Anh Vũ cũng rất có th đóng vai trò đột phá khẩu cho bt kỳ phe phái nào biết li dng nhân vt mà b mt s dư lun xem là "tình báo hai mang" này.

Nếu Phan Văn Anh Vũ b lôi v Vit Nam, gn như chc chn đó s là đi án. Đi án không ch v kinh tế và tham nhũng mà còn v "an ninh quc gia" và chính trị. Và đó s là cơ s rt quan trng đ ông Trng s ngay lp tc tiến hành mt kế hoch không ch "chn chnh ni b" mà còn có th ci t B Công An - mt đng thái mà Tp Cn Bình đã làm đến mc "long tri l đt" bt đu t mùa Xuân năm 2014.

Việt Nam có "mi" được Vũ ?

Khả năng "mi" Phan Văn Anh Vũ v Vit Nam không quá nh. Bi nếu Trnh Xuân Thanh đã có mt thi gian đ dài tm trú Đc và đã làm h sơ xin t nn nước này, Phan Văn Anh Vũ ch mi Singapore mà còn chưa đt chân lên đt Đc.

Phan Văn Anh Vũ cũng quá khó để được cơ quan Cao y t nn Liên hip quc (UNHCR) cp quy chế t nn đ được Liên Hp Quc bo v theo Công ước v v thế ca người t nn 1951.

Và còn lâu Phan Văn Anh Vũ mới tr thành "người đu tranh nhân quyn" đ được cng đng nhân quyn quc tế quan tâm, tác đng vi các chính ph phương Tây cho Vũ t nn chính tr.

hi t nn mong manh ca Phan Văn Anh Vũ và s phn ca nhng quan chc Vit Nam đ đu cho Vũ "Nhôm" ch còn tùy thuc vào Chính ph Singapore.

Tuy vậy, gia Singapore và Vit Nam li chưa có hip đnh nào v dn đ ti phm. Vy kch bn nào có th xy ra nếu Hà Ni quyết "mi" Phan Văn Anh Vũ v nước ?

Luật sư Phùng Thanh Sơn - Giám đc công ty Lut Thế Gii Lut Pháp Sài Gòn - đã nêu ra mt nhận đnh đáng chú ý trên BBC : "Theo nhn đnh ch quan ca tôi, v thế kinh tế ln chính tr ca Vit Nam đang top dưới ca thế gii và thuc top trung ca khu vc Đông Nam Á nên kh năng dn đ ti phm thành công trên nguyên tc có đi có li là không cao, đặc bit khi ti phm đang cư trú ti quc gia có v thế kinh tế ln chính tr cao hơn Vit Nam".

Ngoài vấn đ "v thế ca Vit Nam", còn có mt yếu t khác, có th quan trng không kém, mà s khiến vic "dn đ" Phan Văn Anh Vũ v Vit Nam tr nên chậm chạp đến mc khiến các ông Trng và Phúc "lên rut’. Đó là cách nhìn và cách hành x ca người Đc v v Phan Văn Anh Vũ.

Trong trường hp Phan Văn Anh Vũ có được "h sơ bt cóc Trnh Xuân Thanh" và sn sàng trình h sơ này ra đ đi ly trng thái an toàn cho mình, đó sẽ là mt giá tr không nh vi Đc. Khi đó, xác sut Vũ được t nn chính tr Đc có th vượt hơn 50%.

Nhưng ngay c nếu Phan Văn Anh Vũ chng có "h sơ bt cóc Trnh Xuân Thanh", cũng chng có "danh sách tình báo viên ngoi tuyến", và nói chung là chẳng có được tài liu nào có giá tr v phương din hot đng tình báo, nước Đc vn có th dành cho Vũ mt mc đ quan tâm nào đy, có th đàm phán vi Singapore đ kéo dài quá trình điu tra xác minh và nhng th tc pháp lý quc tế liên quan đến vic xem xét đơn xin t nn chính tr ca Phan Văn Anh Vũ. Nhưng đng thái này không phi đ Vũ được t nn chính tr, mà đó ch thun túy là mt bin pháp trng pht mi đi vi chính th Vit Nam trong v "bt cóc Trnh Xuân Thanh".

Phạm Chí Dũng

Nguồn : 03/01/2018

Published in Diễn đàn

Sĩ quan tình báo Tổng cục 5 Việt Nam Phan Văn Anh Vũ, thường được biết với biệt danh Vũ "Nhôm", đang bị tạm giữ tại Singapore từ hôm 28/12/2017 và muốn khai báo với cảnh sát Đức về kẻ chủ mưu bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin hôm 23/7.

Sau khi có thông tin về việc ông Phan Văn Anh Vũ đang bị tạm giữ tại Singapor hôm 28/12 với lý do "có vấn đề về hộ chiếu", tới thời điểm này, sau 72 tiếng tạm giữ, ông Phan Văn Anh Vũ vẫn chưa được trả lại tự do, nhiều khả năng Chính quyền Việt Nam đang cố gắng thương thảo với Singapor để hy vọng dẫn độ được ông Phan Văn Anh Vũ về Hà Nội.

anhvu1

Văn bản của luật sư đang bảo vệ quyền lợi pháp lý cho ông Phan Văn Anh Vũ tại Singapore

Trong một diễn biến khác, thông tin được đưa ra còn cho biết thêm "ngoài vị luật sư người Singapore đang trực tiếp bảo vệ quyền lợi pháp lý cho ông Phan Văn Anh Vũ tại nơi bị tạm giữ, vợ ông Phan Văn Anh Vũ đã có văn bản yêu cầu một luật sư giỏi của Đức đứng ra bảo vệ và tranh tụng cho trường hợp của sĩ quan tình báo Tổng cục 5 này trên lãnh thổ Đức và quốc tế".

anhvu2

Hộ chiếu của Phan Văn Anh Vũ

anhvu3

Thư của luật sư ông ông Phan Văn Anh Vũ 

Sự việc trở nên nghiêm trọng khi thông tin từ một người bạn của ông Phan Văn Anh Vũ, hiện cũng đang ở Singapore xác nhận :

"Ông Phan Văn Anh Vũ đã ra đi và mang theo nhiều tài liệu mật, trong đó chủ yếu là hồ sơ và các bằng chứng về đường dây tổ chức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức hôm 23.7 cùng kẻ chủ mưu vụ này. Ông ấy muốn gặp trực tiếp Cảnh sát điều tra và Viện công tố Liên bang Đức để cung cấp các thông tin về trường hợp bắt cóc, đưa những kẻ phạm tội trên lãnh thổ Đức ra ánh sáng".

Cũng nguồn tin này cho biết :

"Luật sư Đức hiện đã nhận Giấy ủy quyền và gửi văn bản tới Đại sứ quán Đức ở Singapore để yêu cầu can thiệp, cho phép đưa ông Phan Văn Anh Vũ về Đức để phục vụ công tác điều tra với danh nghĩa là một nhân chứng quan trọng".

Được biết thông tin từ nguồn này :

"Ông Phan Văn Anh Vũ chính là Sĩ quan Tình báo, với vai trò đứng đầu một số công ty bình phong của Bộ Công an Việt Nam đã trực tiếp cung cấp cho Tổng cục 5 toàn bộ tài chính, hậu cần cho việc điều tra, thăm dò và tổ chức bắt cóc chớp nhoáng ông Trịnh Xuân Thanh".

Phía cơ quan An ninh Đức đã tiếp nhận hồ sơ cùng thông tin về nhân chứng Phan Văn Anh Vũ. Chuyên án điều tra (LKA1) về vụ Trịnh Xuân Thanh đã có biện pháp nghiệp vụ phù hợp trong thời gian ngắn tới đây.

Trung Khoa

Nguồn : Thời Báo (Đức), 31/12/2017

Published in Diễn đàn
Trang 1 đến 2