Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thất lạc ở Bắc Kinh : Câu chuyện của WHO

Lanhee J.Chen, Thụy My, RFI, 09/04/2020

"Hoa Kỳ cần phải hành động tích cực hơn để thay đổi cung cách làm việc và lãnh đạo ở WHO, tổng giám đốc sắp tới không thể là con dấu cao su của Bắc Kinh. Nếu các nỗ lực chuyển đổi WHO không hiệu quả, có lẽ Hoa Kỳ không còn cách nào khác là ra đi và làm lại từ đầu".

who1

Ông Bruce Aylward, nguời đứng đầu phái đoàn WHO-Trung Quốc về virus corona trong cuộc họp báo tại Genève ngày 25/02/2020, sau chuyến thăm Bắc Kinh. © Reuters/Denis Balibouse/File Photo

Trên trang Ý kiến của Wall Street Journal ngày 08/04/2020, tác giả Lanhee J.Chen (Trần Nhân Nghi), thành viên Hoover Institution có bài viết mang tựa đề "Thất lạc ở Bắc Kinh : Câu chuyện của WHO" (Lost in Beijing : The Story of the WHO – dựa theo tựa đề bộ phim nổi tiếng Lost in Translation). Chuyên gia này nhận định, Trung Quốc đang thao túng nặng nề Tổ chức Y tế Thế giới. Hoa Kỳ cần phải chỉnh đốn điều này, còn nếu không thì nên ra đi và thành lập một tổ chức khác.

Theo tác giả, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không chỉ "thiên về Trung Quốc" như tổng thống Trump đã nói hôm thứ Ba 7/4, mà còn đã "hỏng bét và thỏa hiệp".

WHO đã lúng túng khi dịch Ebola xảy ra tại Tây Phi năm 2014, khiến trên 11.000 người thiệt mạng. Giờ đây phản ứng của WHO trước đại dịch virus corona chứng tỏ tổ chức này đặt chính trị lên trên sức khỏe công chúng. Cung cách WHO thường xuyên ca ngợi các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho thấy rõ nhu cầu cần phải cải cách một cách căn cơ.

Hoa Kỳ là nước đóng góp tài chính nhiều nhất cho WHO, với hơn 400 triệu đô la năm 2019, còn Trung Quốc đóng chỉ có 44 triệu đô la, theo bộ Ngoại Giao Mỹ. Donald Trump đề nghị nước Mỹ giữ lại số tài trợ này trong lúc chính quyền giám sát kỹ những gì đạt được. Theo ông Chen, tổng thống Mỹ và Quốc Hội cần phải đi xa hơn nữa.

Trong khi Washington chi tiền, thì Bắc Kinh đứng sau hậu trường để giựt dây các nhà lãnh đạo WHO. Tổng giám đốc hiện nay, Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã được chính quyền Trung Quốc ủng hộ hết sức mạnh mẽ trong cuộc chạy đua vào chức vụ này.

Ông Tedros là một chọn lựa gây tranh cãi, do bị cáo buộc đã che giấu nạn dịch tả tại quê hương Ethiopia của ông, lúc đang là bộ trưởng y tế (2005-2012) và sau đó là ngoại trưởng (2012-2016). Trong những năm đó, Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào Ethiopia và cho vay nhiều tỉ đô la. Chẳng bao lâu sau khi được bầu làm tổng giám đốc WHO, ông Tedros đến ngay Bắc Kinh và ca ngợi hệ thống y tế của nước này : "Tất cả chúng ta đều học được điều gì đó từ Trung Quốc".

Dưới sự lãnh đạo của ông Tedros, Tổ chức Y tế Thế giới đã chấp nhận những dối trá của Trung Quốc về virus corona, và giúp Bắc Kinh phủi trách nhiệm, thông qua những tuyên bố có vẻ nghiêm túc. Ngày 14/01/2020, ngay cả trước khi phái đoàn chính thức của WHO đến Trung Quốc, họ đã nhắc lại như vẹt tuyên bố của Bắc Kinh là "không có bằng chứng rõ ràng là virus này lây từ người sang người".

Hai tuần sau đó, khi Trung Quốc cho biết có hơn 4.500 ca nhiễm virus và trên 70 người tại các nước khác lâm bệnh, ông Tedros đến thăm Bắc Kinh và ca ngợi "tính minh bạch" của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Cần nhắc lại rằng Trung Quốc đã đợi đến sáu tuần lễ sau khi những bệnh nhân đầu tiên ở Vũ Hán xuất hiện các triệu chứng, mới bắt đầu cho phong tỏa. Trong thời gian đó, chính quyền Trung Quốc kiểm duyệt và trừng phạt tất cả những ai cố gắng đưa ra lời cảnh báo, nhắc đi nhắc lại những lời dối trá là con virus không lây từ người này sang người khác, lại còn tổ chức một buổi tiệc lớn ngoài trời ở Vũ Hán với mấy chục ngàn gia đình tham dự.

Cùng lúc ấy đã có hơn năm triệu người rời Vũ Hán, theo như thị trưởng cho biết. Trong đó có cả bệnh nhân đầu tiên được xác nhận là dương tính tại Mỹ.

Rốt cuộc WHO cũng phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế vào ngày 30/1, sau khi đã xác định được gần 10.000 ca dương tính với virus corona. Con số mà Trung Quốc đưa ra vào đầu tháng Hai tăng lên trên 17.000 ca dương tính và 361 trường hợp tử vong.

Tuy vậy ông Tedros lại chỉ trích tổng thống Donald Trump vì đã hạn chế số khách từ Trung Quốc đến Mỹ, và cổ vũ các nước khác không nên theo chân Hoa Kỳ. Tedros nói rằng nguy cơ virus lan ra bên ngoài Trung Quốc là "tối thiểu và rất chậm".

Mãi đến ngày 11/3, WHO mới chịu tuyên bố đại dịch. Vào lúc đó, con số chính thức đã lên đến 118.000 người tại 114 quốc gia bị nhiễm con virus từ Vũ Hán !

Ảnh hưởng của Trung Quốc còn thấy rất rõ trong việc WHO loại Đài Loan ra ngoài. WHO thậm chí còn không thèm trả lời khi Đài Loan cho biết kết quả điều tra vào tháng 12/2019, rằng ngược với những gì Bắc Kinh khẳng định, virus corona chủng mới có thể lây từ người sang người.

Tháng trước, một phóng viên truyền hình Hồng Kông đã đặt câu hỏi với Bruce Aylward, người lãnh đạo phái bộ chung WHO-Trung Quốc về virus corona, là liệu Tổ chức Y tế Thế giới có suy nghĩ lại về việc từ chối không cho Đài Loan gia nhập hay không. Trong video được nối kết, ông Aylward im lặng không nói được gì trong gần 10 giây đồng hồ. Phóng viên phải nhắc "Hello ?". Aylward rốt cuộc trả lời :

- Rất tiếc, tôi không nghe được câu hỏi của cô.

- Để tôi hỏi lại.

- Không, như vậy được rồi. Hãy chuyển sang câu khác.

Khi cô phóng viên cứ hỏi tiếp về Đài Loan, ông ta ngắt kết nối. Nhà báo gọi lại và cố khai thác theo một góc độ khác : "Tôi chỉ muốn biết nếu ông có thể bình luận một chút về việc Đài Loan đã làm thế nào để ngăn chận được con virus".

Ông Aylward trả lời : "Chúng ta đã nói về Trung Quốc và cô biết đấy, khi nhìn vào tất cả các địa phương của Trung Quốc, họ đều làm tốt công việc".

Cuộc trao đổi này cho thấy WHO đã đặt chính trị lên trên sức khỏe cộng đồng như thế nào. Cũng như Tedros, ông Aylward đã đánh đồng quan điểm của Trung Quốc với Đài Loan và lúc nào cũng tìm cách ca ngợi các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Trong cuộc khủng hoảng, chưa bao giờ WHO điều tra kỹ lưỡng về những gì Bắc Kinh tuyên bố về con virus, hay tỏ ra minh bạch về cách nghĩ phía sau các quyết định.

Là quốc gia đóng góp tài chính nhiều nhất cho WHO, Hoa Kỳ có quyền thúc đẩy một sự cải cách triệt để. Quốc Hội nên đặt điều kiện cho mọi tài trợ trong tương lai, WHO phải giải thích cụ thể cho những quyết định về y tế cộng đồng, điều tra nghiêm túc và độc lập khi nạn dịch lan rộng.

Hoa Kỳ cần phải hành động tích cực hơn để thay đổi cung cách làm việc và lãnh đạo ở WHO. Chính quyền Trump đã có một bước đầu tốt đẹp hồi tháng Giêng khi đặt ra chức đặc phái viên ở bộ Ngoại Giao, tập trung vào việc chống lại các mưu toan của Trung Quốc nhằm kiểm soát các tổ chức quốc tế. Tổng giám đốc sắp tới của WHO không thể là con dấu cao su của Bắc Kinh.

Tác giả Lanhee J.Chen kết luận, nếu các nỗ lực chuyển đổi WHO không hiệu quả, có lẽ Hoa Kỳ không còn cách nào khác là ra đi và làm lại từ đầu. Có thể thành lập một tổ chức tương tự, mở rộng cho tất cả các nước tôn trọng các tiêu chí cao nhất về minh bạch, quản lý giỏi và chia sẻ những phương pháp tốt nhất.

Thế giới cần có một tổ chức khả tín để đối mặt với những vấn đề sức khỏe cộng đồng xuyên biên giới – nếu không phải là WHO, thì sẽ là một tổ chức khác.

Lanhee J.Chen, Thụy My

Nguồn : RFI, 09/04/2020

Nguyên tác : Lost in Beijing : The Story of the WHO, Wall Street Journal, 08/04/2020

Lanhee J.Chen (Trần Nhân Nghi) là thành viên của Hoover Institution, giám đốc nghiên cứu về chính sách đối nội của chương trình chính trị công, trường đại học Stanford (California, Hoa Kỳ). Chuyên gia này từng là cố vấn chính trị trong chiến dịch tranh cử tổng thống của thượng nghị sĩ Mitt Romney năm 2012, được tổng thống Barack Obama bổ nhiệm vào Hội đồng cố vấn lưỡng đảng về chính sách an sinh xã hội.

***************

Covid-19 : WHO mất uy tín lâu dài vì "theo đuôi" Trung Quốc

François Godement, RFI, 09/04/2020

Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng lên ở Trung Quốc cho đến ngày nay, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới WHO/OMS không hề lên tiếng chỉ trích bất kỳ tuyên bố của chính quyền Trung Quốc. Theo nhật báo Pháp Les Echos ngày 08/04/2020, sự thiếu vắng phản ứng nói trên của WHO giải thích phần lớn sự chậm trễ trong việc xử lý đại dịch Covid-19.

who2

Trụ sở của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Genève, Thụy Sĩ. Reuters - Denis Balibouse

Trả lời phỏng vấn của Les Echos, ông François Godement, chuyên gia kỳ cựu về Châu Á tại Viện Montaigne (Pháp) cho rằng thái độ phục tùng Bắc Kinh của lãnh đạo WHO đã làm cho hình ảnh của định chế này sứt mẻ lâu dài.

Les Echos : Tổng thống Mỹ (ngày 07/04/2020) đã chỉ trích WHO về cách xử lý kém cỏi hồ sơ virus corona. Những chỉ trích này có cơ sở hay không ?

François Godement : Từ nhiều tuần lễ nay, cách xử lý của WHO quả là đã bị chỉ trích nhiều lời chỉ trích, chứ không đợi đến lượt ông Donald Trump.

Ngày nay, khi người ta nhìn lại diễn tiến tình hình từ tháng 11/2019, nhiều điểm then chốt đã cho thấy rõ là WHO đã phản ứng chậm trễ ở chỗ nào.

Đài Loan đã hoài công cảnh báo WHO vào cuối tháng 12 về một dạng mới của virus corona xuất hiện ở Trung Quốc, nhiều ngày trước khi chính quyền Bắc Kinh gợi lên chuyện này.

Thế nhưng WHO vẫn không hề có phản ứng, mà phải đợi đến ngày 12/02/2020 mới cử một phái bộ đến xem xét tại chỗ. Trong lúc đó thì ngay ngày 24/01, vị tổng giám đốc đã công nhận, sau Trung Quốc, là virus corona có thể lây từ người sang người. Tất cả những điều này đã làm chậm trễ việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Và cuối cùng thì WHO phải đợi đến ngày 11/03 mới tuyên bố việc virus lây lan là đại dịch toàn cầu. Có lẽ đây là điểm WHO có thể ít bị chỉ trích, vì theo nguyên tắc của mình, định chế này chỉ có thể thông báo một sự kiện khi sự kiện đó thật sự xẩy ra : trước đó thì WHO đã gợi lên nguy cơ cao về đại dịch.

Les Echos : WHO như vậy đã bị mất tư cách ?

François Godemen : Phải nhớ là về mặt kỹ thuật, WHO là một cỗ máy hùng mạnh, với một chính sách phòng ngừa và hoạt động trên hiện trường nhờ việc phân cấp quyền hành cho các văn phòng khu vực.

Nhưng về mặt chính trị, và người ta đã thấy rõ điều này với dịch Covid-19, hình ảnh của tổ chức ngày nay đã bị sứt mẻ lâu dài.

Les Echos : WHO chủ yếu bị phê phán về những lập luận quá thiên về Trung Quốc. Vì sao có tình trạng đó ?

François Godemen : Đúng vậy. Tổ chức Y tế Thế giới đã và cũng đang không phản bác bất kỳ phát biểu chính thức nào của Trung Quốc. Ngay cả khi có những lời chứng bác bỏ các tuyên bố đó. WHO không hề có thông báo gì về nguồn gốc thật sự của dịch bệnh, tất cả đều chỉ tập trung trên việc xử lý khủng hoảng.

Tình trạng đó cũng có thể xuất phát từ việc Trung Quốc đã không hoàn toàn mở cửa cho chuyên gia của WHO vào xem xét.

Về phần mình thì tổ chức có trụ sở ở Genève này luôn luôn tránh công khai chỉ trích những quốc gia thành viên mà họ tùy thuộc. Đối bác sĩ Tedros, được bầu lên nhờ Trung Quốc vào năm 2017, việc không chỉ trích Bắc Kinh cho phép ông hy vọng được Trung Quốc hợp tác trên nhiều hồ sơ khác.

Les Echos : Vấn đề Đài Loan, mà Trung Quốc đã làm cho bị loại ra khỏi WHO, phải chăng đó là thêm một bằng chứng cho thấy vấn đề cũng mang tính chất chính trị ?

François Godemen : Một phần lớn mối quan tâm của Trung Quốc đối với các định chế của Liên Hiệp Quốc bắt nguồn từ động cơ muốn cản đường Đài Loan, mà Trung Quốc xem là một tỉnh của họ.

Gần đây thì Bắc Kinh đã thành công trong việc cấm những người mang hộ chiếu Đài Loan vào các trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York và Genève. Điều này đủ để cho thấy là giới lãnh đạo Bắc Kinh có thể đi đến đâu. Đó chính là chính sách ngoại giao tẩy chay mà Bắc Kinh thực hiện trong một chiến dịch trường kỳ.

François Godement

Nguyên tác : "L'OMS ne remet pas en cause les déclarations officielles de la Chine", Les Echos, 08/04/2020

Mai Vân dịch

Nguồn : RFI, 09/04/2020

Additional Info

  • Author Lanhee J.Chen, Thụy My, François Godement
Published in Diễn đàn

Mêkông, dòng sông huyền thoại của Châu Á đang nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc nhằm tìm đường ra Biển Đông. Đào đắp, xây đập… Bắc Kinh muốn tạo ra một tuyến đường thủy chiến lược, bất chấp sự phản đối của dân địa phương và các nhà sinh thái. AFP và Japan Times cho biết tại Thái Lan, cuộc đấu tranh diễn ra trên một chiều dài 97 kilomet.

mekong1

Đập thủy điện Xayaburi có chiều dài 820 mét nằm trên đoạn sông Mêkông chảy qua Lào. Handout / CK POWER / AFP

Trên đoạn sông này, Trung Quốc muốn phá đi các ghềnh thác, nạo vét lòng sông cho sâu hơn để cho các tàu chở hàng khổng lồ có thể đi qua, thậm chí cả các chiến hạm.

Mục tiêu là nối tỉnh Vân Nam của Trung Quốc với vùng Biển Đông đang bị tranh chấp quyết liệt, bằng cách tăng cường kiểm soát "Mẹ của các dòng sông" - vốn từ cao nguyên Himalaya đổ xuống Trung Quốc, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam.

Với khẩu hiệu "Chia sẻ dòng sông, chia sẻ tương lai", Bắc Kinh biện minh không có ý định bành trướng, khẳng định các công trình lớn của mình chỉ nhằm phát triển bền vững cho dòng sông dài 5.000 kilomet. Nhưng dân địa phương và các nhà bảo vệ môi trường cảnh báo về các dự án nạo vét của Trung Quốc.

Họ tố cáo Bắc Kinh đã làm thay đổi hẳn sông Mêkông với việc xây vô số đập thủy điện, nhắm vào nhu cầu của một Đông Nam Á đang phát triển cả về kinh tế lẫn dân số. Theo họ, các con đập nhiều khi có kích thước rất lớn này có tác động trực tiếp lên dòng chảy của Mêkông, nguồn lợi thiên nhiên chủ yếu của gần 60 triệu dân Đông Nam Á.

Chỉ đứng sau Amazon, sông Mêkông là nơi có đa dạng sinh học thứ nhì thế giới, với 1.300 loài cá nước ngọt. Lòng sông hiện nay có mực nước thấp một cách bất thường, có những nơi lộ ra những khối đá màu đỏ quạch, vô số bãi cát với thảo mộc bắt đầu mọc lên.

Đất phù sa màu mỡ ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam thì ngày càng nghèo đi, và trữ lượng cá giảm hẳn.

Những người muốn xây đập thủy điện lý luận rằng như vậy Bắc Kinh sẽ giảm lệ thuộc vào năng lượng hóa thạch vốn gây hiệu ứng hâm nóng khí hậu.

Cây số 1 : Tam giác vàng

Tại làng Sop Ruak, đông bắc Thái Lan, khách du lịch chụp ảnh trước một tấm pa-nô đánh dấu lối vào "Tam giác vàng", vùng đất của dân buôn ma túy nằm vắt ngang Miến Điện, Lào và Thái Lan. Phía dưới là những tảng đá và bãi cát làm nên lòng sông Mêkông.

Chính tại đây Trung Quốc muốn khởi sự nạo vét trước tiên, để những chiếc tàu chở trên 500 tấn hàng có thể đi qua. Dọc theo hai bên bờ, có những nơi sẽ được biến thành "đặc khu kinh tế" với các cảng, các tuyến đường sắt và đường bộ giao nhau.

Zhang Jingjin, một người chuyên bán thang máy ở Bắc Kinh đi cùng với một nhóm khách du lịch phấn khởi nói : "Nếu nhiều tàu có thể đi ngang đây hơn, thì sẽ có thêm nhiều du khách, nhiều cửa hàng và cơ hội làm ăn". Pianporn Deetes, thuộc tổ chức phi chính phủ International Rivers đáp trả : "Họ muốn biến sông Mêkông thành xa lộ hàng hóa".

Trước mắt, các dự án của Bắc Kinh đang khựng lại. Sau gần 20 năm chiến đấu, các nhà đấu tranh sinh thái ở Thái Lan hồi tháng Ba đã khiến việc nạo vét 97 kilomet lòng sông bị tạm ngưng. Niwat Roikaew, một nhà hoạt động luôn trên tuyến đầu khẳng định với AFP, việc này sẽ gây thiệt hại khủng khiếp cho môi trường, an ninh thực phẩm và phương tiện mưu sinh của người dân. "Nạo vét quy mô như vậy sẽ tiêu diệt nơi cư trú và sinh sản của cá, chúng cũng khó tìm được thức ăn".

Nhưng ông lo ngại chiến thắng này chỉ tạm thời, nhấn mạnh rằng những người dân địa phương phản kháng hiếm khi thắng được trước tham vọng của Trung Quốc, vốn coi Đông Nam Á như sân sau của mình. Bắc Kinh cũng đã ngự trị trên một số đoạn của dòng sông chảy qua Cam Bốt và Lào, hai nước đồng minh mà Trung Quốc đã đổ vào hàng tỉ đô la đầu tư.

Cây số 10 : Nghề đánh cá sa sút

"Tôi đã giăng lưới hai lần trong hôm nay, nhưng chẳng thu hoạch được gì cả" - ngư dân Kome Wilai than thở. Dự án nạo vét ở đây cũng đã bị dừng lại. Người dân hai bên bờ thở phào nhẹ nhõm, họ nhận ra mực nước sông Mêkông thường hạ xuống 1,5 đến 3 mét một cách bất ngờ.

Theo họ, đó là do đập thủy điện Cảnh Hồng (Jinghong) của Trung Quốc ở thượng nguồn – một trong số 11 con đập được xây dựng trên phần sông Mêkông chảy qua Trung Quốc. Quận trưởng Prasong La On cho biết : "Mỗi khi Trung Quốc đóng cửa đập thì lại ảnh hưởng đến tất cả mọi người sinh sống dọc theo con sông". Khi kiểm soát lưu lượng, Bắc Kinh sở hữu phương tiện gây áp lực đáng kể lên các nước láng giềng.

Đại sứ Trung Quốc tại Bangkok khi được hỏi đã trả lời rằng Trung Quốc không giữ lại nước trên thượng nguồn và "hết sức quan tâm" đến nhu cầu của các quốc gia hạ nguồn. Về phía China Water Risk, một tổ chức phi chính phủ Hồng Kông thì quy trách nhiệm cho Thái Lan, cũng đã xây dựng nhiều con đập trên sông Mêkông, chủ yếu tại Lào : "Trung Quốc chỉ kiểm soát 12% lượng nước sông Mêkông".

Nước Lào nhỏ nghèo có tham vọng trở thành nguồn cung cấp điện năng cho Đông Nam Á, và đã cho phép những nước khác tài trợ vài chục đập thủy điện trên sông Mêkông và các nhánh sông.

Trung Quốc, Thái Lan, Lào, hậu quả luôn không thay đổi : lượng cá nước ngọt giảm mạnh, trong đó loại cá lóc khổng lồ của Thái Lan hầu như biến mất. Tạp chí Global Change Biology trong một nghiên cứu công bố hồi tháng Tư khẳng định như trên.

Cây số 45 : Nơi loài cá sinh sản

Những tảng đá nối nhau chồng chất, nơi đây dòng nước ngày càng cuộn chảy nhanh hơn theo cùng với việc lòng sông thu hẹp lại. Cũng ở đây, các loài cá và chim thường chọn làm nơi sinh sản.

"Hệ sinh thái này là căn bản cho khu vực. Nhưng nay mực nước sông lệ thuộc vào việc mở cửa đập thủy điện Cảnh Hồng, và sinh sản tự nhiên không còn như trước nữa" - ông Niwat Roikaew than thở.

Về các loại tảo, thức ăn ưa thích của cá lóc khổng lồ, ngày càng ít và mọc lên chậm hơn. Tình hình này có thể gây hậu quả thảm hại cho hàng trăm kilomet hạ nguồn.

Biển Hồ (Tonlé Sap) ở Cam Bốt nối kết với sông Mêkông, đã bị ảnh hưởng. Hồ rộng mênh mông này là nguồn dự trữ protein chính của Cam Bốt, với nửa triệu tấn cá đánh bắt hàng năm – theo Bryan Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Stimson Center, cơ quan tư vấn ở Washington và là tác giả cuốn "Những ngày cuối cùng của dòng sông Mêkông dũng mãnh".

Về phía Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long bị đe dọa nhiễm mặn. Lượng phù sa bị giảm do các đập thủy điện trên thượng nguồn chận lại, nên nước mặn có thể xâm nhập vào.

Cây số 97 : Kháng cự

Ở Huai Lek, một tảng đá cuối cùng chặn lại lòng tham của Bắc Kinh.

Thongsuk Inthavong, cựu trưởng thôn, quan sát phía bờ sông đối diện thuộc Lào. Những mảnh đất nhỏ lần lượt rơi vào tay các nhà đầu tư Trung Quốc, biến thành những trang trại rộng lớn trồng chuối. Bắc Kinh cũng mưu toan thâu tóm đất phía Thái Lan, nhưng vấp phải sự kháng cự. Thongsuk nói : "Trung Quốc coi chúng tôi như những món đồ chơi. Điều này làm tôi phẫn nộ, nhưng chúng tôi quyết bảo vệ dòng sông của mình cho đến cùng".

Thụy My

Nguồn : RFI, 21/01/2020

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Diễn đàn

Mười năm là một thời gian dài để chờ đợi một điều gì. Nhưng theo hai tác giả Derek Grossman và Christopher Sharman trên War On The Rock, việc Việt Nam công bố Sách trắng quốc phòng vào ngày 25/11/2019 xứng đáng để được chờ đợi.

sach1

Thủy thủ Mỹ trên chiến hạm USS John S. McCain hướng dẫn kỹ thuật cứu nạn cho Hải quân Việt Nam. Ảnh chụp ngày 11/08/2010. U.S. Navy / Brock A. Taylor

Đây là Sách trắng quốc phòng đầu tiên kể từ năm 2009, và thứ tư từ khi Hà Nội bắt đầu công bố vào năm 1998 đến nay. Thường thì chỉ nhằm khẳng định chính sách trước những mối đe dọa cho an ninh Việt Nam từ bên ngoài, Sách trắng quốc phòng với cách diễn đạt theo kiểu chủ nghĩa Mác-Lê, những từ ngữ đầy ẩn ý, khó thể nhận ra một thông điệp rõ ràng từ đó.

Tuy nhiên theo hai tác giả Grossman và Sharman, Sách trắng quốc phòng 2019 là một lời cảnh báo cho Trung Quốc – vốn là mối đe dọa hầu như duy nhất của Việt Nam – rằng Hà Nội có thể siết chặt quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ nếu Bắc Kinh tiếp tục tỏ thái độ hung hăng trên Biển Đông. Đồng thời là một thông điệp ý nghĩa cho chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương "tự do và rộng mở" của Washington.

Lời cảnh báo cho Trung Quốc…

Quan hệ Việt-Trung xưa nay vốn phức tạp và đầy mâu thuẫn. Một mặt, Việt Nam rất vị nể Trung Quốc, cố gắng hợp tác với Bắc Kinh trên nhiều lãnh vực, từ an ninh cho đến kinh tế. Năm 2008 Việt Nam còn nâng tầm quan hệ với Trung Quốc lên mức "đối tác hợp tác chiến lược toàn diện", mức cao nhất chưa bao giờ dành cho một cường quốc. Mặt khác, Hà Nội ngày càng tức giận trước các hành động hà hiếp của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Căng thẳng đặc biệt tăng cao vào mùa hè vừa qua, với việc Trung Quốc đưa tàu Hải dương Địa chất (Haiyang Dizhi) 8 tung hoành ngang dọc tại bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam suốt nhiều tháng trời. Hà Nội cũng hết sức nghi ngại trước việc Bắc Kinh dẫn dụ các đối tác thân cận của Việt Nam là Cam Bốt và Lào tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, có thể được thiết kế nhằm bao vây Việt Nam.

Mặc dù Hà Nội rất cẩn trọng trong đối sách với người láng giềng khổng lồ, Sách trắng quốc phòng 2019 tỏ ra tiêu cực với Trung Quốc hơn tất cả các Sách trắng trước đó. Năm 2009, Sách trắng quốc phòng chỉ nêu ra từ "Trung Quốc" có bốn lần trong văn bản chính (không kể các phụ lục), và mô tả một cách rất tích cực, nhấn mạnh đến các hoạt động song phương mang tính xây dựng như việc phân định vịnh Bắc bộ và biên giới trên đất liền.

Còn trong Sách trắng quốc phòng 2019, từ "Trung Quốc" được nêu ra tám lần, trong đó có ba lần liên quan đến việc Bắc Kinh gây bất ổn trên Biển Đông. Đáng chú ý là Sách trắng ghi : "Những bất đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến chủ quyền tại Biển Đông là một tồn tại lịch sử, cần được giải quyết một cách thận trọng, tránh các tác động tiêu cực".

…và cánh cửa đã mở hé cho Hoa Kỳ

Nhưng đối với Việt Nam, giữ cân bằng là việc cốt yếu, nên Sách trắng hoàn toàn im lặng về những xung đột quân sự với nước láng giềng phương bắc. Cũng giống như các Sách trắng quốc phòng trước đó, Hà Nội mô tả chi tiết cuộc chiến với Pháp và Mỹ, nhưng không hề đề cập đến cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Cũng không nhắc tới chiến dịch năm 1978 ở Cam Bốt chống lại quân Khmer Đỏ được Trung Quốc hỗ trợ.

Tất nhiên các xung đột quan trọng trên biển cũng không được nêu ra, kể cả vụ thảm sát Gạc Ma năm 1988, vụ Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du (Haiyang Shiyou) 981 đến vùng biển Hoàng Sa năm 2014, và mới nhất là vụ đối đầu ở bãi Tư Chính năm 2019.

Tuy vậy các tác giả ghi nhận tại những chỗ khác Việt Nam nới tay hơn, thậm chí hồi tháng 2/1979, nhân kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc, còn để cho một số nhà bình luận gọi thẳng Trung Quốc là "kẻ xâm lược". Quyết định không nhắc đến những vụ tấn công của Trung Quốc trong quá khứ trong Sách trắng quốc phòng cho thấy Hà Nội không muốn đi quá xa trong việc chỉ trích Bắc Kinh.

Với Sách trắng quốc phòng lần này, Hà Nội dường như mở rộng chính sách "ba không". Đó là chính sách "không tham gia các liên minh quân sự, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia". Sách trắng 2019 nói thêm rằng Hà Nội chống lại việc "sử dụng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế".

Thoạt nhìn thì đây chỉ là tiêu chí bình thường trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên đặt trong bối cảnh vụ đối đầu ở bãi Tư Chính mới đây và vụ giàn khoan Hải dương Thạch du 981 năm 2014, vốn suýt nữa thì vượt ra ngoài tầm kiểm soát, chừng như Hà Nội muốn tỏ dấu hiệu muốn tránh khởi đầu một cuộc xung đột vũ trang với Trung Quốc.

Khái niệm "Ấn Độ-Thái Bình Dương" tự do và rộng mở

Ẩn trong Sách trắng quốc phòng mới, là một thông điệp tinh tế cho Washington. Chẳng hạn văn bản sử dụng cụm từ "Ấn Độ-Thái Bình Dương", ghi rằng "Việt Nam sẵn sàng tham gia các cơ chế hợp tác an ninh quốc phòng…kể cả tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương". Khi dùng cụm từ do chính quyền Donald Trump đưa ra, dường như Việt Nam muốn cho Trung Quốc thấy rằng Hà Nội ủng hộ khái niệm này.

Từ trước đến nay, từ "Ấn Độ-Thái Bình Dương" chỉ mới được sử dụng mỗi một lần, trong chuyến thăm Ấn Độ tháng 3/2018 của chủ tịch Trần Đại Quang nay đã quá cố. Việt Nam vốn cẩn trọng trong từ ngữ, nên việc Sách trắng 2019 đưa cụm từ này vào là rất ý nghĩa.

Bên cạnh đó Sách trắng quốc phòng cho biết "tùy theo tình huống và điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc việc phát triển quan hệ quân sự và quốc phòng cần thiết và thích hợp với các nước khác". Diễn dịch một cách chừng mực, thì nếu Trung Quốc tiếp tục bắt nạt trên Biển Đông, Việt Nam có thể nâng tầm quan hệ với Hoa Kỳ lên mức "đối tác chiến lược", chỉ dấu cho mối quan hệ mang lại lợi ích lâu dài để làm đối trọng với Trung Quốc.

Xung đột địa chính trị giữa Việt Nam với Trung Quốc là cơ hội cho Washington để hợp tác với Hà Nội, vì lợi ích của đôi bên. Tuy nhiên Hà Nội luôn muốn độc lập, tránh trở thành một quân cờ giữa hai đại cường Trung Quốc và Hoa Kỳ. Sách trắng cảnh báo không để Biển Đông trở thành điểm nóng đối đầu giữa các cường quốc. Có nghĩa là Việt Nam vẫn luôn chủ trương "ba không", ngại tham gia các hoạt động đối kháng với Bắc Kinh, ngoại trừ trường hợp bị Trung Quốc đe dọa trước. Khó thể có việc Việt Nam tham gia với bộ tứ Úc, Ấn, Nhật, Mỹ.

Hợp tác an ninh phi truyền thống

Tuy nhiên vẫn có những vấn đề an ninh phi truyền thống, như gởi các chiến hạm đến thăm viếng xã giao, và hợp tác quốc phòng đa phương. Qua đó Washington có thể tăng cường hợp tác với Việt Nam mà không gây phương hại đến nỗ lực giữ thăng bằng của Hà Nội. Các mối đe dọa tin tặc, khủng bố, biến đổi khí hậu, hải tặc, thảm họa môi trường không phải là những khái niệm mới, nhưng trong Sách trắng 2019 nhấn mạnh đến "các thách thức nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực". Hợp tác trong các vấn đề như trên là vô hại, Việt Nam có thể làm việc với Hoa Kỳ mà không chọc giận Trung Quốc.

Sách trắng cho biết Việt Nam "ưu tiên" cho việc hợp tác an ninh phi truyền thống "với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới", bên cạnh đó "sẵn sàng mở rộng quan hệ quốc phòng, bất chấp chế độ chính trị và trình độ phát triển". Như vậy triển khai thêm sự hợp tác Việt-Mỹ hiện nay trong trợ giúp nhân đạo và thảm họa, có thể là một gợi mở cho Washington.

Nghị định 104/2012/NĐ-CP của Việt Nam năm 2012 chỉ cho phép các chiến hạm nước ngoài viếng thăm xã giao một lần trong năm. Nhưng Sách trắng 2019 viết : "Việt Nam sẵn sàng đón tiếp các tàu của hải quân, lực lượng tuần duyên và các tổ chức quốc tế đến thăm cảng hoặc quá cảnh kể cả để sửa chữa, tiếp tế hay tránh bão". Như vậy Việt Nam muốn gia tăng số lần ghé cảng, qua việc mở rộng cho nhiều loại tàu thay vì chỉ có tàu quân sự nước ngoài theo định nghĩa trong nghị định 104.

Việc sửa đổi nghị định này có thể là cơ hội cho Hải quân và tuần duyên Mỹ gia tăng số lần đến cảng Việt Nam, với lý do sửa chữa hay tiếp tế. Cho dù Việt Nam có thể điều chỉnh tần số ghé cảng để tránh bị Bắc Kinh coi là khiêu khích, nhưng vẫn khẳng định được tính độc lập với việc cho tàu Mỹ đến thường xuyên hơn, để bày tỏ sự bất mãn trước sự chèn ép của Trung Quốc.

Cuối cùng, khi nhấn mạnh vào hợp tác quốc phòng đa phương, Việt Nam có thể tăng cường hợp tác với các đối tác trên toàn cầu. Các diễn đàn như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM Plus), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) nhằm xúc tiến hòa bình và ổn định khu vực, và các cuộc tập trận không nhắm vào một quốc gia nào, là lý tưởng cho nền ngoại giao quốc phòng của Việt Nam.

Việc đưa phụ lục này vào cho thấy việc hợp tác trong các hoạt động quân sự đa phương là một ưu tiên của Hà Nội. Bài viết nhắc nhở, Washington là một thành viên của ADMM Plus và ARF. Sử dụng các thiết chế này để đào sâu thêm việc hợp tác với Việt Nam và các nước ASEAN khác mang lại lợi ích cho cả Hoa Kỳ và Việt Nam.

Hãy để Việt Nam đi bước trước

Bài viết kết luận, Sách trắng quốc phòng 2019 là lời cảnh báo cho Trung Quốc và là cơ hội cho Hoa Kỳ. Trong tương lai, Washington không cần phải cố "thuyết phục" Hà Nội về việc gia tăng các hoạt động quốc phòng song phương. Sách trắng cho thấy Việt Nam "tình trong như đã, mặt ngoài còn e". Washington chỉ cần trấn an Hà Nội về sự cam kết của Hoa Kỳ qua việc tăng cường các trao đổi quân sự hiện có, như vậy Việt Nam sẽ tự tin hơn để đối đầu với Trung Quốc, một khi tình thế bắt buộc.

Thụy My

Nguồn : RFI, 02/01/2019

Derek Grossman là chuyên gia phân tích quốc phòng của RAND Corporation, một tổ chức phi lợi nhuận, phi đảng phái, có trụ sở chính tại Hoa Kỳ.

Christopher Sharman là đại úy Hải quân Mỹ, từng là tùy viên của Hải quân tại Việt Nam và Trung Quốc, chuyên nghiên cứu về an ninh tại Viện đại học Stanford, California, Hoa Kỳ.

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Diễn đàn

Chris Wong, nữ sinh viên 19 tuổi, là một trong số hàng ngàn cô gái Hồng Kông tham gia các cuộc biểu tình đòi dân chủ, và không ngần ngại đương đầu với cảnh sát. Cô giải thích với AFP : "Đó là cuộc chiến đấu của tất cả mọi người, dù là nam hay nữ".

gongnui1

Nữ sinh viên có biệt danh là "Chris Wong", từ một cô gái sống nội tâm trở thành chiến binh xung kích trong các cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Ảnh chụp ngày 03/12/2019. Anthony WALLACE / AFP

Sinh ra trong một gia đình công nhân không quan tâm đến chính trị, Chris Wong dần dần đã sáng mắt ra cùng với cuộc khủng hoảng làm rung chuyển Hồng Kông từ sáu tháng qua.

Trường hợp của cô chứng tỏ vai trò quan trọng của phụ nữ, trong những cuộc biểu tình diễn ra hầu như hàng ngày kể từ tháng Sáu, kể cả trên tuyến đầu mỗi khi nổ ra các cuộc đụng độ với cảnh sát. Phụ nữ chiếm trên 25% trong số 5.900 người bị bắt từ tháng 6/2019, và có tỉ lệ tương tự trong tổng số người nhập viện, khoảng 28%.

Trong những vụ đối đầu với cảnh sát xảy ra thường xuyên lúc gần đây, các cô thiếu nữ hiện diện khá nhiều trong số lực lượng xung kích chuyên tác chiến ở tiền phương. Mặc trang phục toàn màu đen giống như các đồng đội nam, các cô cũng tung bom xăng và ném gạch đá vào cảnh sát, và bị đáp trả bằng hơi cay và đạn cao su.

Chris Wong tự mô tả là một người sống nội tâm. Trước khi nổ ra phong trào phản kháng, cô chẳng bao giờ dám qua đường khi đèn đỏ, hay phát biểu trước lớp. Tuy tham gia phong trào dân chủ rất sớm, nhưng cô tránh đi hàng đầu trong những cuộc biểu tình, mà chỉ giúp thực hiện các tờ rơi hay tổ chức những cuộc tập họp.

Thiếu dân chủ, thế hệ chúng tôi không thấy tương lai

Đến tháng Tám cô trở nên cứng rắn hơn, khi Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông không nhượng bộ bất kỳ yêu cầu nào của người biểu tình, và cảnh sát gia tăng đàn áp. Một hôm, giữa hơi cay mịt mù, cô bất lực nhìn thấy một người bị bắt một cách thô bạo. Chris nhớ lại : "Lúc đó tôi cảm thấy mình thật vô dụng, không thể cứu được ai cả. Thế là tôi bắt đầu tập luyện".

gongnui2

Việc nữ giới tham gia sẽ giúp phá vỡ hình ảnh của "gong nui" ("Cảng nữ", tức các cô gái Hồng Kông) phi chính trị, hời hợt, chỉ thích đăng lên Instagram hình ảnh những món ăn ưa thích hay đi du lịch ngoại quốc.

Giữa tháng 11, tại Đại học Bách Khoa (PolyU), cô nằm trong số hàng trăm người biểu tình kiên cường nhất, tham gia trận đối đầu dữ dội và kéo dài với cảnh sát. Động cơ duy nhất : cô tin rằng Bắc Kinh đang siết dần các quyền tự do mà người Hồng Kông đang có được. "Thành phố đang trong tình trạng tệ hại, không có tương lai nào cho thế hệ chúng tôi nếu không chiến đấu".

Các diễn đàn trên mạng được phong trào dân chủ sử dụng tràn ngập các cuộc thảo luận liên quan đến sự tham gia của phụ nữ. Nhiều người ủng hộ, cho rằng việc nữ giới tham gia sẽ giúp phá vỡ hình ảnh của "gong nui" ("Cảng nữ", tức các cô gái Hồng Kông) phi chính trị, hời hợt, chỉ thích đăng lên Instagram hình ảnh những món ăn ưa thích hay đi du lịch ngoại quốc.

Tuy vậy một số lời bình trên các diễn đàn tỏ ra phân biệt giới tính. Và trên các bích chương, tờ rơi của người biểu tình, chịu ảnh hưởng của manga, các cô gái thường có khuôn mặt ngây thơ và đôi mắt to tròn, cần được sự che chở của các nam thanh niên đấu tranh. Hoặc được diễn đạt bằng hình ảnh các nữ chiến binh sexy.

"Phái yếu" đôi khi là ưu thế

Cô sinh viên Chris Wong khẳng định trong những cuộc biểu tình, cô khám phá rằng không có giới hạn nào cả. "Tôi chưa bao giờ có cảm giác là con gái không nên làm điều này hay điều nọ, và tôi chẳng quan tâm trong xã hội người ta nói gì".

Quan niệm "phái yếu" thậm chí có thể trở thành ưu thế. Cô nói : "Điều này giúp tôi có thể dễ dàng thay đổi vai trò, chẳng hạn từ xung kích tiến công thành một người qua đường bình thường, nhưng thực chất là nhằm trinh sát những nơi cảnh sát đặt rào cản".

Susan Choi, giảng viên trường đại học Trung Văn ở Hồng Kông, đã nghiên cứu sự tham gia của nữ giới trong các cuộc biểu tình. Bà nói với AFP : "Tính chất không lãnh tụ và phi tập trung của phong trào giúp cho phụ nữ - và nói chung là tất cả mọi người - đóng một vai trò tùy theo quyết tâm và khả năng của mình".

Tuy vậy bà không nghĩ rằng các cuộc biểu tình có thể tạo ra được phong trào nữ quyền trong xã hội Hồng Kông vốn bảo thủ. Bà tỏ ý tiếc : "Nhiều người tham gia có khuynh hướng coi sự bất bình đẳng trong các cuộc biểu tình là chuyện bình thường".

Chris Wong cho biết, cô cũng như nhiều thiếu nữ đi biểu tình khác đều lo sợ bị tấn công tình dục. Trong một vụ được lan truyền rộng rãi trên internet, một thiếu nữ khẳng định đã bị buộc phá thai sau khi bị các cảnh sát hãm hiếp tập thể trong đồn hồi tháng Chín. Cảnh sát nói rằng đang điều tra vụ này.

Hiệp hội đấu tranh chống bạo lực tình dục với nữ giới tuyên bố, đã tập hợp đầy đủ bằng chứng về các trường hợp quấy rối tình dục, tấn công và hãm hiếp trong các đợt biểu tình.

Thụy My

Nguồn : RFI, 10/12/2019

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Diễn đàn

Tác giả David Hutt trên Asia Times ngày 01/11/2019 đã phân tích về mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á.

dna1

Biểu tình ở Sài Gòn, Việt Nam, ngày 10/06/2018 chống dự luật thành lập các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, bị nghi ngờ để cho Trung Quốc thuê. Facebook

Bất chấp bao nhiêu tiền bạc đã đổ ra, rất nhiều thời gian và cố gắng để đầu tư vào khu vực Đông Nam Á, nhưng hầu hết những chương trình lớn của Bắc Kinh tại các quốc gia láng giềng đều diễn ra không như mong muốn. Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN thứ 35 tại Bangkok Thái Lan lần này, một dịp mà tổng thống Mỹ Donald Trump đã chọn cách vắng mặt rất kém ngoại giao, Trung Quốc vẫn khó lòng chiếm được thế thượng phong.

Việt Nam : Dự luật đặc khu bị xếp xó vì dư luận chống đối

Những nghi ngại về mục đích thực sự của Trung Quốc – kể cả Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) có ngân sách lên đến 1.000 tỉ đô la – đang nổi lên trong khu vực, cùng với những cảnh báo do Hoa Kỳ đưa ra về chính sách "ngoại giao bẫy nợ" của Bắc Kinh.

Không có ở đâu mà những lợi ích thương mại Trung Quốc lại bị công khai cự tuyệt như tại nước láng giềng Việt Nam. Vào đầu năm 2018, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trên toàn quốc sau khi đảng Cộng Sản cầm quyền bắt đầu thảo luận về một luật mới, cho phép thành lập các đặc khu kinh tế (SEZ) trong đó các nhà đầu tư nước ngoài được thuê đất đến 99 năm.

Nhiều người Việt nghĩ rằng dự luật đặc khu này nhằm bật đèn xanh cho các công ty Trung Quốc vơ vét đất đai của Việt Nam. Cho dù hàng trăm người biểu tình bị bắt, chính quyền đã có một quyết định chưa từng thấy là lắng nghe dư luận, hoãn lại vô thời hạn, và nay thì đạo luật này không còn được nhắc đến.

Tình cảm chống Trung Quốc có thể cảm nhận rất rõ tại Việt Nam trong nhiều thập niên. Không chỉ do Trung Quốc chiếm đóng lãnh thổ của Việt Nam, mà còn vì những xung đột trên Biển Đông, nơi mà Hà Nội là thủ đô cuối cùng thực sự chống đối sự bành trướng trên biển của Bắc Kinh.

Sihanoukville bị Hán hóa, Philippines lo mất biển

Nhưng Việt Nam không phải là nơi duy nhất mà người dân địa phương tỏ ra giận dữ đối với các đầu tư của Trung Quốc đã làm thay đổi đất nước họ. Tại Cam Bốt, ngày càng có những phản ứng dữ dội trước việc Trung Quốc đầu tư ồ ạt, đặc biệt là tại Sihanoukville.

Thành phố biển xinh đẹp này được cho là đã trở thành một "tỉnh của Trung Quốc". Sihanoukville đã trở thành điểm đến trung tâm của khách du lịch và những người có máu đỏ đen từ Hoa lục. Giá đất tăng vọt do người Trung Quốc đổ tiền vào địa ốc, khiến thị trường nhà đất trở nên ngoài tầm tay với của nhiều người dân bản xứ.

Trong khi đó ở Philippines, công chúng và một bộ phận giới tinh hoa ngày càng hoài nghi, phải chăng tổng thống Rodrigo Duterte đã tính toán sai lầm khi xích lại gần Bắc Kinh, giảm thiểu tầm quan trọng của tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Một cuộc điều tra mới đây của Social Weather Stations cho thấy có đến 93% người Philippines muốn chính phủ Duterte thu hồi lại những đảo và thực thể tại vùng biển mà Manila đòi hỏi chủ quyền nhưng đang bị Trung Quốc kiểm soát, kể cả bãi cạn Scarborough.

Giáo sư Richard Heydarian ở Manila nhận xét : "Chiến lược lôi kéo, mua chuộc giới tinh hoa địa phương thông qua các thỏa thuận kinh tế lớn trước đây thuận buồm xuôi gió, nay đã khó khăn hơn. Nó càng làm xa lánh lớp người năng động, có hiểu biết về chính trị ở các quốc gia sở tại".

"Thực dân mới Trung Quốc" ?

Tại Malaysia, liên minh Harapan và thủ lãnh là ông Mahathir Mohamad chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tháng 5/2018 nhờ chủ trương hạn chế đầu tư Trung Quốc, khiến liên minh cầm quyền UMNO lần đầu tiên trong lịch sử phải rơi đài. Chính quyền thương lượng lại các hợp đồng với Trung Quốc, trong khi ông Mahathir công khai lên án Bắc Kinh là "một phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân" trong khu vực.

Ở Lào, quốc gia nhiều đồi núi lâu nay là vùng đệm giữa Trung Quốc và Đông Nam Á, đã xảy ra những vụ tấn công vào người Trung Quốc, trong đó nhiều người bị các nhóm vũ trang sát hại trong những năm gần đây. Tình cảm thù ghét cũng đang lớn dần đối với chính sách "ngoại giao bẫy nợ" - vì Lào là một trong những nước trong khu vực nợ nần Trung Quốc nhiều nhất. Chủ yếu là do một dự án đường sắt 6 tỉ đô la do Bắc Kinh tài trợ và xây dựng, mà nhiều người cho là tốn kém nhưng không hiệu quả.

Ông Heydarian viết : "Thay vì hướng về một Trung Quốc bá chủ, người ta lại chứng kiến khuynh hướng tái khẳng định quyền tự chủ và phẩm cách tại các nước láng giềng của Bắc Kinh".

Tất nhiên tình cảm chống Trung Quốc tăng lên là điều tốt lành đối với chính quyền Donald Trump, vẫn đang gia tăng đối đầu với Bắc Kinh, mà một số nhà phân tích gọi là "cuộc chiến tranh lạnh mới". Chiến lược an ninh quốc gia của Nhà Trắng công bố vào tháng 12/2017 mô tả Trung Quốc là "cường quốc xét lại", nêu ra một "cuộc cạnh tranh đại cường mới" giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, kể cả tại Đông Nam Á.

Hình ảnh xấu xí của Bắc Kinh tại Đông Nam Á

Nhưng mối ngờ vực về mưu đồ của Bắc Kinh trong khu vực còn đi xa hơn quyền lực chính trị đại cường. Các dự án đầu tư, kể cả những dự án trong khuôn khổ BRI thường thiếu minh bạch, với những chiến thuật ám muội, thông đồng với các quan chức địa phương để được giao đất.

Quyền sở hữu đất đai và vấn đề môi trường đang trở thành mối quan ngại trên khắp Đông Nam Á, và trong nhiều trường hợp, đầu tư của Trung Quốc đã làm vấn đề thêm trầm trọng. Ngày càng nhiều những chỉ trích cho rằng đầu tư Trung Quốc chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn cho người dân địa phương.

Trên toàn Đông Nam Á đều có những lời than phiền rằng các dự án Trung Quốc chủ yếu sử dụng người Hoa thay vì lao động địa phương. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu BRI có thực sự nhằm nâng cao mức sống cho Đông Nam Á, hay chỉ nhằm tăng cường sự kiểm soát về kinh tế và chính trị của Bắc Kinh tại khu vực này ?

Một nghiên cứu của trung tâm ASEAN thuộc ISEAS-Yusof Ishak Institut tiết lộ 45,5% người được hỏi nghĩ rằng "Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc xét lại với ý đồ biến Đông Nam Á thành khu vực nằm trong tầm ảnh hưởng của mình". Trong khi đó chưa đầy 1/10 coi Trung Quốc là "cường quốc vô hại và tử tế".

Các tác giả nhận định kết quả này là lời cảnh tỉnh cho Trung Quốc, cần phải đánh bóng lại hình ảnh tiêu cực ở Đông Nam Á cho dù Bắc Kinh nhiều lần khẳng định "trỗi dậy ôn hòa". Cũng theo cuộc điều tra trên, gần phân nửa số người được thăm dò (47%) cho rằng BRI đẩy các thành viên ASEAN đi vào quỹ đạo Trung Quốc.

Phó giáo sư Lý Minh Giang (Li Mingjiang), điều phối viên chương trình Trung Quốc của S. Rajaratnam School of International Studies ở Singapore, và một số nhà nghiên cứu Trung Quốc như Thì Ân Hoằng (Shi Yinhong) đều cho rằng Bắc Kinh trước những thành tựu to lớn đạt được, đã quá vội vã nhảy vào mặt trận chiến lược. Ngay cả người con của Đặng Tiểu Bình là Đặng Phác Phương (Deng Pufang) trong bài phát biểu được phổ biến rộng rãi tháng 11/2018 cũng cho rằng Trung Quốc "nên tỉnh táo và ý thức được vị trí của mình".

Không "tri kỷ tri bỉ", sao có thể bách chiến bách thắng ?

Nhưng trong lúc Bắc Kinh đang vận dụng thế mạnh từ tài chính, quân sự cho đến nhân lực cho chính sách ngoại giao trong khu vực, các nhà phê bình thấy rằng vẫn còn thiếu vắng sự đồng cảm. Các quan chức Trung Quốc dường như không chịu hiểu rằng chính trị và kinh doanh được tiến hành theo những cách rất khác nhau tại từng quốc gia Đông Nam Á.

Chính quyền Trung Quốc hầu như không thể hiểu vì sao chính phủ các nước khác lại không thể kiểm soát báo chí và khu vực tư nhân theo cùng một kiểu với Bắc Kinh. Tại sao người dân địa phương không chịu mở rộng vòng tay đón nhận đầu tư Trung Quốc, và tại sao Trung Quốc lại bị coi là kẻ xâm lược ? Tình trạng này một phần là do đảng Cộng Sản Trung Quốc độc quyền chính sách đối ngoại.

Tuần báo The Economist trong một bài báo mới đây khẳng định "đảng Cộng Sản Trung Quốc không tin rằng quyền lực mềm hầu hết là từ các cá nhân, khu vực tư nhân và xã hội dân sự". Cũng cần phải đặt câu hỏi, liệu ông Tập Cận Bình có ảnh hưởng quá nhiều lên đối ngoại hay không.

Theo New York Times, "quyền lực mạnh mẽ của ông Tập có thể gây trở ngại cho việc hoạch định chính sách một cách hiệu quả, vì các quan chức không dám báo cho ông những tin xấu, ngồi im để mặc ông Tập toàn quyền quyết định, và thực hiện các mệnh lệnh của Tập Cận Bình một cách cứng nhắc".

Hệ quả thứ hai liên quan đến lịch sử. Bắc Kinh có xu hướng tiến hành quan hệ đối ngoại thông qua lăng kính diễn dịch lịch sử của chính mình, mắt lấp tai ngơ trước những quan điểm khác biệt của các nước trong khu vực, đặc biệt là tại Biển Đông đang dậy sóng.

Thế nên Bắc Kinh thường xuyên lớn tiếng cho rằng những ý kiến phản đối trước hành động của Trung Quốc trong khu vực đều là do thiếu thông tin, là luận điệu tuyên truyền của Mỹ hoặc chủ nghĩa tân thuộc địa. Và khi Trung Quốc lợi dụng thượng đỉnh ASEAN như diễn đàn để lặp lại các luận điệu đơn phương này, thì họ không hề gây ngạc nhiên cho các nhà lãnh đạo có mặt tại đây.

Thụy My

Nguồn : RFI, 05/11/2019

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Diễn đàn

Theo Le Monde hôm nay 18/10/2019, Đảng cộng sản Trung Quốc không hề có ý định nhượng bộ trước các đòi hỏi dân chủ của người Hồng Kông, và không chịu nhận ra bản chất của cuộc khủng hoảng. Trong bài "Hồng Kông : Điều mà Bắc Kinh không thể hiểu", được Courrier International dịch lại từ báo The Initium tuần này, nhà nghiên cứu Ray Yep Kinman phân tích về ngõ cụt của chính quyền Trung Quốc.

khatvong1

Biểu tình tại Kowloon ngày 02/10/2019 phản đối việc bắt giữ 96 người tham gia xuống đường tại Hồng Kông. Reuters/Athit Perawongmetha

Thủ phạm của khủng hoảng Hồng Kông chỉ là vấn đề nhà ở ?

Bắc Kinh muốn diễn dịch các sự kiện ở Hồng Kông như một cuộc khủng hoảng xã hội, đặc biệt là khủng hoảng nhà ở, trong một thành phố có giá một mét vuông nhà thuộc loại đắt đỏ nhất thế giới. Và nếu phải tìm ra các thủ phạm cho chủ đề này, thì đó là bốn đại gia địa ốc – có nghĩa là giới địa chủ mà Mao từng cho đấu tố vào thời trước.

Tại Hồng Kông, bốn gia tộc lớn sở hữu đa số các bất động sản nhà ở và thương mại là gia đình Quách Đắc Thắng (Kwok Takseng) với tập đoàn Tân Hồng Cơ (Sun Hung Kai), tỉ phú Lý Gia Thành (Li Kashing) với CK Hutchinson, tập đoàn Henderson của Lý Triệu Cơ (Lee Shaukee) và tập đoàn New World của gia đình Trịnh Dụ Đồng (Cheng Yutung). Trong khi đó phân nửa dân số Hồng Kông ở nhà thuê. Các tỉ phú này giờ đây phải chống chọi với những chỉ trích của báo chí Hoa lục và dư luận viên, dù họ đã cố thu mình lại ngay từ đầu phong trào phản kháng.

Nhưng theo ông Kinman, chính Đảng cộng sản Trung Quốc đã gây ra thảm họa trong thời gian khoảng 100 ngày vừa qua, khi sử dụng một chiến lược làm thiệt hại nặng nề cho nguyên tắc "nhất quốc lưỡng chế" (Một đất nước, hai chế độ). Bắc Kinh tìm cách bôi xấu người dân Hồng Kông, gây ra căng thẳng giữa dân Hoa lục và đặc khu. Và thay vì bảo đảm cơ chế thị trường như đã cam kết, chính quyền Trung Quốc lại tấn công vào những căn bản của hệ thống tư bản Hồng Kông.

Chính Bắc Kinh làm lung lay nguyên tắc "Một đất nước, hai chế độ"

Từ đầu tháng Bảy, Bắc Kinh cố gắng bóp nghẹt công luận Hồng Kông, gây áp lực lên các đại công ty để họ ngăn cản nhân viên ủng hộ phong trào phản kháng. Hãng hàng không Cathay Pacific là đích nhắm đấu tiên, tiếp đến là MTR, công ty quản lý hệ thống xe điện ngầm Hồng Kông bị yêu cầu đóng cửa métro để người dân không thể đi biểu tình. Nền kinh tế Hồng Kông chừng như bắt đầu giống với Hoa lục, nơi sinh mệnh của một công ty không tùy thuộc vào hiệu quả hoạt động, mà là khả năng chiều theo những đòi hỏi của chính quyền.

Theo nhà nghiên cứu, lẽ ra trước một tình hình trầm trọng như thế, ê-kíp lãnh đạo Hồng Kông phải được thay đổi hẳn, và trưởng đặc khu phải từ chức. Tuy nhiên họ vẫn khẳng định sẽ tại vị cho đến hết nhiệm kỳ. Cách giải thích duy nhất là Bắc Kinh đã quyết định mọi thứ, đơn giản hóa vấn đề bằng cách lý giải là có bàn tay của "thế lực thù địch".

Liệu Bắc Kinh có từ bỏ nguyên tắc "Một đất nước, hai chế độ" ? Giả thiết này hoàn toàn là ảo tưởng. "Nhất quốc, lưỡng chế" đã được ghi vào điều lệ Đảng, luôn được coi là sáng kiến tuyệt vời của Đặng Tiểu Bình, và hiện nay vẫn là cơ sở để chiêu dụ Đài Loan. Nếu nguyên tắc này chết yểu, thì những nỗ lực của nhiều thế hệ lãnh đạo để khiến quốc tế công nhận Hồng Kông, Macao, Đài Loan đều là lãnh thổ Trung Quốc, sẽ trở thành công cốc.

Tính chất quốc tế và tự trị của Hồng Kông

Từ xưa đến nay, mỗi lần xảy ra xung đột giữa Hồng Kông và đại lục, thì Đảng cộng sản đều siết chặt gọng kềm. Tuy nhiên sau hơn 100 ngày biểu tình liên miên, họ đã nhận ra rằng Hồng Kông không còn như xưa nữa. Người Hồng Kông tỏ ra quyết tâm hơn bao giờ hết. Hàng triệu công dân đã đối đầu với bạo quyền bằng vô vàn sáng kiến và lòng kiên nhẫn đáng khâm phục, mỗi người góp phần nhỏ bé của mình vào phong trào. Trước sự dấn thân hết mình của mọi thế hệ, mọi tầng lớp dân chúng ở Hồng Kông, Đảng cộng sản biết rằng khó thể đàn áp nổi.

Theo nhà nghiên cứu trên, trước hết Bắc Kinh phải ý thức được tính chất quốc tế của Hồng Kông. Trung tâm tài chính thế giới này rất quan trọng cho việc thu hút vốn đầu tư và quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, thế nhưng tất cả đều dựa trên sự tôn trọng Nhà nước pháp quyền, tự do thông tin, tôn trọng quyền sở hữu và quan hệ với nhiều quốc gia trên thế giới. Nhờ đồng cảm, các doanh nhân và chuyên gia quốc tế mới đến sống và làm việc tại Hồng Kông. Trong mối quan hệ chồng chéo này, chỉ cần rút đi một sợi dây là cả hệ thống rung chuyển, vai trò một thành phố quốc tế bị sút giảm.

Chính quyền Trung Quốc còn đánh giá sai lầm về quan hệ của các nhà lãnh đạo Hồng Kông trước đây với Luân Đôn. Trong lịch sử 150 năm thuộc địa, các viên toàn quyền Hồng Kông thường chống lại Anh quốc để bảo vệ lợi ích của người dân tại chỗ. Hoặc là họ câu giờ, báo cáo sai lạc, đặt Luân Đôn trước việc đã rồi, hoặc chơi trò nước đôi, thậm chí ra mặt chống đối. Trong thập niên 60-70, chính quyền Hồng Kông thời đó xung khắc với Luân Đôn về việc hạ giá đồng bảng Anh, quota hàng dệt may, và cả chi phí cho quân đội Anh trú đóng. Họ không phải là bù nhìn như chính quyền hiện nay.

Mang dòng máu Hoa thì đương nhiên là người Trung Quốc ?

Đặc biệt Bắc Kinh cần xem lại quan điểm về bản sắc dân tộc. Họ cho rằng người dân Hồng Kông "có dòng máu Hoa trong huyết quản, da vàng, tóc đen, nói và viết tiếng Hoa" nên đương nhiên là người Trung Quốc. Tuy nhiên bản sắc quốc gia phản ánh một sự chọn lựa sau thời gian dài cân nhắc, chứ không chỉ dựa trên các tiêu chí ngoại hình và văn hóa ; nếu dùng vũ lực để cưỡng bức chỉ gây phản tác dụng.

Đối với người Hồng Kông, "chủ nghĩa ái quốc" đang được Bắc Kinh đề cao, có đại diện là những người như Hà Quân Nghiêu (Junius Ho), dân biểu thân Bắc Kinh bị căm ghét vì thái độ cực kỳ khiêu khích ; hoặc các thành viên của hội đồng hương Phúc Kiến, là những kẻ mặc áo trắng đã dùng gậy sắt chận đánh dã man người biểu tình. Có cư dân Hồng Kông nào muốn con cái họ trở thành những người như thế ?

Sau "mùa hè tự do" vừa qua, người Hồng Kông quyết tâm muốn được đối xử bình đẳng. Phong trào chủ yếu nhắm vào chính quyền Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) và lực lượng cảnh sát, nhưng nay hiện có hai khuynh hướng : tự trị và ly khai. Xu hướng thứ hai đang lan rộng trong giới trẻ với câu khẩu hiệu "Quang phục Hương Cảng", muốn lật đổ tất cả để lập nên một trật tự mới.

Nobel Hòa bình cho Hồng Kông ? Lại là "thế lực thù địch" !

Bắc Kinh cần phải hiểu rằng trái tim của hàng triệu người Hồng Kông không thể được chinh phục bằng viễn cảnh phồn vinh vật chất và đại cường thế giới – lý lẽ rất thuyết phục ở Hoa lục. Tất nhiên đòi hỏi Trung Quốc tôn trọng các giá trị phổ quát sẽ là ảo tưởng, nhưng nếu muốn tiếp tục ngân nga điệp khúc "Một đất nước, hai chế độ", Bắc Kinh phải tìm kiếm sự ủng hộ của những người chịu thỏa hiệp với chính quyền trung ương để duy trì quyền tự trị của đặc khu, như lời hứa lúc trao trả.

Nhưng liệu chính quyền Trung Quốc vốn ngạo mạn, có chịu hiểu thấu khát vọng dân chủ của người dân Hồng Kông, mà theo họ là "những đứa trẻ trái tính được nuông chiều" ?

Những người dân Hoa lục đã thoát khỏi đói nghèo, có thể hài lòng khi nay được cơm no áo ấm, chấp nhận sự khống chế của chính quyền. Nhưng người Hồng Kông sau 150 năm sống dưới chế độ dân chủ, nay kiên quyết bảo vệ các quyền tự do mà lâu nay họ vẫn được thụ hưởng.

Hôm 17/10/2019, Bắc Kinh tố cáo đề xuất của một dân biểu Na Uy - tặng thưởng Nobel Hòa bình 2020 cho "người dân Hồng Kông" - là "can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc". Một chính thể độc tài khó thể hiểu được vì sao sống ở một vùng đất có GDP thuộc loại cao nhất thế giới, hơn gấp nhiều lần Hoa lục, mà người dân cứ vẫn đòi hỏi những khái niệm "xa vời" như tự do dân chủ. Nhất định phải có một "thế lực thù địch" nào đó giựt dây : Mỹ, Anh, Pháp… và bây giờ là Na Uy !

Thụy My

Nguồn : RFI, 20/10/2019

Published in Diễn đàn

Như chúng tôi đã đưa tin, 22 quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi Trung Quốc đóng cửa các trại cải tạo ở Tân Cương, được cho là đang giam giữ một triệu người Duy Ngô Nhĩ, trong lá thư đề ngày 08/07/2019 gởi cho chủ tịch Hội đồng. Động thái chưa có tiền lệ này rất được các tổ chức bảo vệ nhân quyền hoan nghênh, đặc biệt là Human Rights Watch.

tancuong1

Cờ Trung Quốc tại một khu trại ở Tân Cương. Ảnh chụp ngày 04/06/2019.GREG BAKER / AFP - Ảnh minh họa :

Đáng ngạc nhiên là chỉ vài ngày sau, xuất hiện một lá thư khác, được 37 nước ký tên, bênh vực chính sách của Trung Quốc.

Hai lá thư trái ngược về Tân Cương

Nguyên văn lá thư đầu tiên được công khai, còn lá thư thứ hai vẫn chưa công bố cho công chúng. Tuy nhiên cả hai lá thư đều bao gồm yêu cầu được coi là tài liệu của kỳ họp thứ 41 Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Trong lá thư thứ nhất, đại sứ 22 nước bày tỏ quan ngại liên quan đến « các báo cáo khả tín về việc giam giữ tùy tiện », việc « giám sát rộng rãi và hạn chế các quyền tự do » đối với người Duy Ngô Nhĩ và các sắc tộc thiểu số khác tại Bắc Kinh.

Các nước này kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp của chính mình và các cam kết quốc tế, trong đó có cam kết với tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền. Đồng thời « tránh bắt giam tùy tiện và hạn chế quyền tự do đi lại của người Duy Ngô Nhĩ cũng như các cộng đồng thiểu số và người Hồi giáo khác ở Tân Cương ».

Theo hãng tin Mỹ AP, trong lá thư thứ hai, những nước ký tên phản đối việc mà họ gọi là « chính trị hóa nhân quyền ». Họ bênh vực cho « các trung tâm huấn luyện và giáo dục » - theo như cách gọi của Bắc Kinh, và chỉ trích việc gọi đó là các trại giam hay trại cải tạo.

Hãng tin Anh Reuters trích dẫn nhiều hơn, trong đó có một đoạn biện minh cho các « nỗ lực » của Trung Quốc : « Đối mặt với thách thức nghiêm trọng của khủng bố và cực đoan, Trung Quốc đã thực hiện một loạt các biện pháp chống khủng bố, chống cực đoan hóa tại Tân Cương, trong đó có việc thành lập các trung tâm huấn nghệ, giáo hóa ».

Tác giả Catherine Putz trên The Diplomat đã điểm qua danh sách các nước ký tên trong hai lá thư đối nghịch, và có những nhận xét đáng chú ý.

Bắc Kinh đắc thắng

Hai mươi hai quốc gia ký tên trong lá thư thứ nhất chỉ trích Trung Quốc, gồm hầu hết là các nước Tây Âu, và quốc gia Châu Á duy nhất là Nhật Bản. Cụ thể có thể kể (theo thứ tự Alphabet tiếng Anh) : Úc, Áo, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Iceland, Ireland, Nhật Bản, Latvia, Litva, Luxembourg, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh.

Ký tên trong lá thư thứ hai biện hộ cho Trung Quốc, gồm hầu hết là các nước Châu Phi và Trung Đông. Cụ thể : Algeria, Angola, Bahrain, Belarus, Bolivia, Burkina Faso, Burundi, Cam Bốt, Cameroon, Comoros, Congo, Cuba, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ai Cập, Eritrea, Gabon, Kuwait, Lào, Miến Điện, Nigeria, Bắc Triều Tiên, Oman, Pakistan, Philippines, Qatar, Nga, Ả Rập Xê Út, Somalia, Nam Sudan, Sudan, Syria, Tajikistan, Togo, Turkmenistan, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Venezuela, Zimbabwe.

Tờ Global Times của đảng Cộng Sản Trung Quốc có tiếng là hung hăng, đắc thắng viết : « Ba mươi bảy nước đã viết thư cho Hội đồng Nhân quyền để ủng hộ chính sách Trung Quốc tại Tân Cương. Các nước này là đại diện tiêu biểu nhất cho thế giới. Các chính quyền phương Tây đã gây áp lực lên Trung Quốc về Tân Cương sẽ phải xấu hổ ». China Daily cho rằng : « Chỉ có cư dân Tân Cương mới có quyền nói về nhân quyền tại đây, chứ không phải những người ngoại quốc ».

The Diplomat nhấn mạnh một nghịch lý : không có quốc gia Hồi giáo nào ký tên vào lá thư thứ nhất, trong khi lá thư thứ hai bênh vực Trung Quốc lại có mặt nhiều nước đạo Hồi.

Chỉ có Tây Âu lên tuyến đầu

Sự vắng mặt của Hoa Kỳ, vốn đã rời khỏi Hội đồng Nhân quyềnLiên Hiệp Quốc vào năm ngoái, là đặc biệt quan trọng. Trong khi Washington chỉ trích một cách có chọn lọc chính sách Trung Quốc về Tân Cương, chính quyền Trump có vẻ không muốn đi xa hơn, ưu tiên cho đàm phán thương mại hơn là chỉ trích về nhân quyền.

Bài viết của Washington Post cuối tuần qua nhận định : « Hoa Kỳ lẽ ra nên đi tiên phong trong việc vạch trần và tố cáo sự tàn bạo (ở Tân Cương). Thay vào đó, bộ Ngoại Giao và Nhà Trắng chỉ lên tiếng khi nào phù hợp với các ưu tiên của ông Trump ».

Sự thiếu vắng hầu hết các quốc gia Trung Âu và Đông Âu cũng đáng chú ý. Chẳng hạn trong số các nước được gọi là 16+1, một công thức tập hợp các nước Trung & Đông Âu và Trung Quốc, chỉ có ba nước Estonia, Latvia và Litva dám đứng lên chỉ trích Bắc Kinh.

Các chuyên gia ghi nhận những nước Châu Âu không ký tên vào lá thư đòi đóng cửa các trại cải tạo ở Tân Cương, đa số có tham gia dự án « Một vành đai, một con đường » của Trung Quốc. Hy Lạp, mà cảng Pirée đã giao cho Trung Quốc điều hành đến năm 2052, cũng đứng ngoài các chỉ trích.

Các nước đạo Hồi Châu Á im lặng

Tại Trung Á, Tajikistan và Turkmenistan đứng về phía Bắc Kinh, nhưng các nước còn lại cố gắng giữ thái độ trung lập. Điều đáng nói là đối với Kazakhstan và Kyrgyzstan, Tân Cương đã trở thành vấn đề nội bộ, với nhiều cuộc biểu tình và các tổ chức xã hội dân sự kêu gọi chú ý đến thảm trạng của người Hồi giáo tại Trung Quốc.

Cộng đồng thiểu số người Kazakhstan và Kyrgyzstan nằm trong số các nạn nhân bị đưa vào trại cải tạo, và các tổ chức xã hội dân sự được hình thành trong số các thân nhân của những người bị mất tích tại Tân Cương. Thế nhưng chính quyền hai nước này vẫn không dám lên tiếng.

Nhìn chung tại Châu Á, sự vắng mặt của Malaysia, Ấn Độ, Indonesia cũng rất đáng đề cập đến ; và có thể kể thêm Bangladesh, Sri Lanka, Maldives.

Malaysia, đất nước có đa số dân theo đạo Hồi, đã nhiều lần bày tỏ sự quan ngại về chính sách của Trung Quốc tại Tân Cương, thậm chí năm ngoái đã từ chối gởi trả một nhóm người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc, gây giận dữ cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, lần này Malaysia lại không dám ký vào lá thư chỉ trích sự đối xử tàn tệ đối với người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng thiểu số khác.

Indonesia là quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, còn Ấn Độ đứng thứ ba, Bangladesh đứng thứ tư, đều im tiếng. Sri Lanka và Maldives, hai nước thường chiếm trang đầu các báo về vấn đề nợ nần với Trung Quốc, cũng im lặng.

Sri Lanka vốn đã phải giao cảng chiến lược Hambantota cho Trung Quốc đến 99 năm để trừ nợ, mới đây lại tiếp tục vay của Bắc Kinh gần 1 tỉ đô la để xây đường cao tốc. Còn Maldives, quốc đảo Hồi giáo nhỏ nhất thế giới, nợ Trung Quốc đến 3,2 tỉ đô la, gần bằng GDP của cả nước này trong năm 2017.

Sức mạnh kim tiền

Các đảo quốc Thái Bình Dương, vốn đã nhận viện trợ ồ ạt của Trung Quốc, trong nỗ lực cô lập Đài Loan, cũng giữ thái độ « im lặng là vàng ». Philippines, với tổng thống Rodrigo Duterte thường bị chỉ trích là hèn nhát trước Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông, lại đặt bút ký vào lá thư biện hộ cho Trung Quốc.

Cho đến nay, nguyên thủ một nước Hồi giáo dám công khai đả kích Trung Quốc là ông Recep Tayyip Erdogan. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm 11/2 tố cáo việc giam giữ hàng loạt ở Tân Cương là « nỗi nhục của nhân loại », nhưng gần đây ông lại đảo ngược thái độ, nói người Duy Ngô Nhĩ « sống hạnh phúc » !

Thật là cay đắng cho những nạn nhân ở Tân Cương, bị các đồng đạo quay mặt dưới sức mạnh của đồng tiền !

Đối với hầu hết các nước, trọng lượng kinh tế của Trung Quốc là việc đầu tiên họ phải nghĩ đến trước khi công khai chỉ trích Bắc Kinh. Còn đối với những nước như Nga, Ả Rập Xê Út, Bắc Triều Tiên vốn thường xuyên bị lên án về vấn đề nhân quyền, thì bênh vực Trung Quốc cũng là một cách để tự bảo vệ mình. Cũng không có gì khó hiểu với chữ ký của Cuba, Venezuela, Zimbabwe, Lào, Cam Bốt.

Riêng Việt Nam, quốc gia láng giềng bị sức ép nặng nề của Trung Quốc trên Biển Đông, và lệ thuộc rất nặng về kinh tế với Bắc Kinh, lần đầu tiên không thấy đứng cùng với Nga và Bắc Triều Tiên trong số những nước ủng hộ Trung Quốc. Phải chăng đây cũng là một sự kiện đáng chú ý, trong bối cảnh Việt Nam vừa được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ?

Thụy My

Nguồn : RFI, 16/07/2019

Published in Diễn đàn

Hồng Kông : "Ruồi muỗi" trêu tức Bắc Kinh

 

Hồng Kông trong ngõ cụt, mối đe dọa nguyên tử quay trở lại, ứng viên Dân chủ nào có thể đối đầu với Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, đó là mối quan tâm chính của các tuần báo Pháp kỳ này.

hk1

Các thanh niên biểu tình phong tỏa một con đường ở Hồng Kông ngày 21/06/2019. Reuters/Tyrone Siu

30 năm sau Thiên An Môn, đàn áp có tái diễn ?

"Hồng Kông, sự bất khả của một hòn đảo", đó là tựa đề bài viết của Christian Makarian trên L’Express. Tác giả nhắc lại câu nói của Đặng Tiểu Bình : "Nếu Trung Quốc mở cửa, ruồi muỗi chắc chắn sẽ bay vào". Chắc rằng chính quyền Bắc Kinh ngày nay coi lớp trẻ biểu tình ở Hồng Kông như những chú ruồi muỗi vo ve, khó mà đập chết được, tuy nhiên không phải là mối nguy hại lớn.

Cuộc xuống đường vĩ đại với 2/7 triệu dân tham gia, không bạo lực, của những người trẻ có giáo dục, hoàn toàn cởi mở với thế giới - di sản của 155 năm dưới sự điều hành của Anh quốc - đã chứng tỏ sự chín chắn của phong trào : bất tuân dân sự chứ không nổi dậy lật đổ. Họ đòi hủy bỏ dự luật dẫn độ, và phổ thông đầu phiếu. Đây chính là lời hứa "Một đất nước, hai chế độ" mà Trung Quốc đã nuốt lời. Cuộc Cách mạng Dù năm 2014 có cùng yêu sách đã bị dập tắt bằng bàn tay sắt.

Nếu chuyển sang giai đoạn đàn áp, Hồng Kông không có bất cứ cơ hội nào trước Bắc Kinh. Nhưng ba mươi năm sau vụ thảm sát Thiên An Môn, cường quốc trong thời kỳ toàn cầu hóa này sẽ phải dùng những thủ đoạn để giấu đi khuôn mặt sắt máu.

Trung Quốc vẫn còn cần đến chiếc tủ kính Hồng Kông

Hồng Kông vẫn nằm trong số bốn thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới, là nơi đặt trụ sở chính của 1.300 tập đoàn tầm vóc toàn cầu ; nhưng GDP nay chỉ còn chiếm chưa đầy 3% Trung Quốc, so với năm 1993 là 25%. GDP của Thâm Quyến đã vượt qua Hồng Kông. Năm ngoái, Tập Cận Bình khai trương chiếc cầu dài đến 55 km nối Hồng Kông, Macao với Quảng Đông, nơi có các đại tập đoàn Tencent, Hoa Vi (Huawei). Gọng kềm đang siết lại.

Tuy nhiên Bắc Kinh không thể vừa bán công nghệ 5G của Hoa Vi ra khắp thế giới, vừa đàn áp thô bạo Hồng Kông. Đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn còn cần chiếc tủ kính cựu thuộc địa Anh để tô vẽ cho nguyên tắc "hai chế độ".

Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc "nhất thiết không thể theo con đường phương Tây về tư pháp độc lập". Nhưng một mặt lợi dụng sự tự do kinh tế của toàn cầu hóa, mặt khác lại bóp nghẹt tự do chính trị, là một thử thách khó khăn cho Bắc Kinh. Thủ lãnh sinh viên Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) nhận định : "Hồng Kông là chiếc phong vũ biểu về những gì mà Trung Quốc có thể hành động". Và điều này, theo tác giả, thật đáng lo.

Những thanh niên Hồng Kông quyết tử

"Hồng Kông, cuộc kháng chiến lên đến cực điểm", đó là nhận xét của tờ China Digital Times được Courrier International dịch lại. Theo đó, vụ xâm nhập vào Nghị Viện Hồng Kông hôm 01/07/2019 cho thấy sự tuyệt vọng của lớp trẻ, những người không chấp nhận các định chế bất lực trước sức ép của Bắc Kinh.

Có hai luồng ý kiến khác nhau. Một số cho rằng không nên tiến vào Nghị Viện bằng cách đập phá, làm xấu đi hình ảnh tích cực lâu nay của cuộc phản kháng. Người khác nghi ngờ mafia được phe thân Bắc Kinh điều khiển từ xa trà trộn để gieo tiếng xấu. Và giờ lại nổi lên luồng ý kiến thứ ba : đó là những thanh niên "quyết tử" với chính quyền.

Đêm hôm đó, có những dân biểu phe dân chủ vội vã đến làm "trái độn" giữa hai phe, sợ rằng những người đang tấn công vào Nghị Viện có thể bị thương hay bị bắt. Khi nữ dân biểu Mao Mạnh Tĩnh (Claudia Mo) can ngăn vì có nguy cơ lãnh đến 10 năm tù, một thanh niên trả lời : "Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần để bị bắt, các vị cứ giao nộp !". Vài dân biểu khác dùng xe đẩy chặn lại, những người trẻ đang cố phá cửa la lên : "Hãy để yên, chúng tôi chấp nhận bị bắt. Còn chờ đợi gì nữa, giải pháp ở đâu ?"

Đâu là giải pháp cho những người trẻ đang tuyệt vọng ?

Một nhân viên xã hội có mặt tại chỗ nhận định, có khoảng hơn một chục thanh niên sẵn sàng hy sinh kể cả mạng sống. Kể từ đầu phong trào, đã có ba vụ tự tử.

Những người phản kháng đã thử làm hết mọi cách. Đi bầu ? Họ đã bỏ phiếu, nhưng các ứng cử viên mà họ ủng hộ bị cấm tham gia tranh cử vì có tư tưởng ly khai. Một phong trào chiếm đóng ? Họ đã tiến hành trong 70 ngày rồi bị dùng vũ lực giải tán. Biểu tình ôn hòa ? Một triệu rồi hai triệu người đã xuống đường, nhưng chính quyền không nhúc nhích.

Tác giả lưu ý, người biểu tình hôm đột nhập Nghị Viện đã cẩn thận chắn lối vào phòng lưu trữ và phòng triển lãm quà tặng của lãnh đạo các nước, để bảng "Cấm làm vỡ các mẫu vật văn hóa cổ". Những ai muốn lên án họ, có biết vì sao ra nông nỗi này ? Kẻ phải lên án thực sự là những ai đã gây ra sự tuyệt vọng cho tuổi trẻ Hồng Kông, và câu hỏi nhức nhối "Đâu là giải pháp ?" vẫn luôn vang vọng.

Khát vọng tự do là vĩnh cửu

Nhìn chung toàn cảnh thế giới, tác giả Nicolas Baverez trên Le Point tỏ ra lạc quan "Không, dân chủ chưa chết !". Từ Sudan đến Hồng Kông, Kazakhstan, người dân đang kháng cự mạnh mẽ trước độc tài.

Nền dân chủ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ thập niên 30, dưới áp lực của những kẻ độc tài khoác áo dân chủ, thánh chiến, dân túy. Tuy nhiên khát vọng tự do luôn là vĩnh cửu.

Gần một phần ba dân số Hồng Kông đã xuống đường chống dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, tại Istanbul ông Erdogan đã lãnh một cái tát vào mặt khi nhất quyết không muốn mất đi thành phố chiếm đến 31% GDP Thổ Nhĩ Kỳ. Tại các nước thuộc Liên Xô cũ, từ Gruzia đến Armenia, Kazakhstan diễn ra những cuộc biểu tình đòi độc lập thực sự với Moskva.

Ở Algeria, người dân nổi dậy khiến ý định bám ghế đến nhiệm kỳ thứ năm của tổng thống Bouteflika phải thất bại. Tương tự, tại Sudan, những cuộc biểu tình của dân chúng dẫn đến việc tổng thống Bechir bị truất phế…

Tuy vẫn còn mong manh, nhưng những cuộc đấu tranh này đã chứng tỏ các nhà độc tài không phải là bất khả xâm phạm. Điểm chung : có đầu tàu là giới trẻ và giai cấp trung lưu thành thị, có học vấn và quen thuộc với internet ; thông qua các mạng xã hội, theo mô hình phi tập trung. Với mô hình này, khó thể có sự xuất hiện của các thủ lãnh và cương lĩnh chính trị, nhưng ngược lại cũng khó thể đàn áp được.

Cộng hòa của Trump nghiêng sang hữu, Dân chủ trở nên thiên tả

Tại Hoa Kỳ, trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020, đảng Dân chủ có số ứng cử viên kỷ lục là 24 người. Thế nhưng bài viết trên L’Express lại mang tựa đề "Đảng Dân chủ tuyệt vọng tìm kiếm ứng viên".

Chưa bao giờ một đảng lại có nhiều khuôn mặt ra tranh cử sơ bộ như thế, quyết tâm chiến đấu với tổng thống mãn nhiệm. Còn một năm rưỡi nữa mới đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ 03/11/2020, đã có 7 thượng nghị sĩ, 2 thống đốc, 6 phụ nữ, 3 người da đen, một người Mỹ la-tinh… tham gia cuộc "sơ tuyển", và đặc biệt không thể quên cựu phó tổng thống Joe Biden.

Dưới thời Donald Trump, đời sống chính trị Mỹ đã thay đổi một cách sâu sắc. Đảng Cộng hòa nghiêng về phía hữu nhiều hơn, và Trump cũng làm cho đảng Dân chủ đối địch trở nên thiên tả hơn. Nếu năm 2015 thượng nghị sĩ Bernie Sander là người duy nhất tự cho mình có khuynh hướng xã hội, thì nay nhiều ứng cử viên khác cũng có cùng chủ trương, nhất là thượng nghị sĩ bang Massachusetts, bà Elisabeth Warren. Bà đòi thay thế chế độ bảo hiểm y tế hiện nay bằng an ninh xã hội như kiểu Châu Âu, nhưng chi phí sẽ vô cùng lớn.

Sự "thiên tả" của đảng Dân chủ càng nổi rõ hơn dưới mắt người Mỹ trong cuộc tranh luận đầu tiên hôm 26/6. Tối hôm đó khi người điều khiển chương trình hỏi 10 ứng cử viên có ủng hộ việc phi hình sự hóa nhập cư bất hợp pháp hay không, hầu như tất cả đều giơ tay đồng ý, bất chấp nỗi lo về sự bùng nổ các vụ bắt giữ ở biên giới Mexico : trên 100.000 vụ/tháng. Những người lén lút vượt biên sang Mỹ sẽ chỉ phải đóng tiền phạt thay vì lãnh án.

Và khi các ứng viên Dân chủ nói về việc mở cửa biên giới, giải thể cơ quan cảnh sát biên phòng và hải quan (ICE), giảm nhẹ điều kiện xin tị nạn, họ không chỉ khiến cho các ủng hộ viên của Trump phải đổ mồ hôi lạnh, mà còn gây hoang mang cho cả cử tri của đảng mình.

Ai đối đầu được với Donald Trump ?

Phe Dân chủ gặp khó khăn vì cử tri rất đa dạng, từ giới tinh hoa, green millenial (giới trẻ chống biến đổi khí hậu), người Mỹ da đen, Mỹ gốc la-tinh và nhất là giai cấp công nhân ở miền trung tây (Michigan, Ohio, Wisconsin…). Phải biết cách thuyết phục được tất cả, như Bill Clinton và Barack Obama đã làm được. Hiện nay, dường như chỉ có ông Joe Biden là có hy vọng "đi dây" thành công.

Vấn đề là các cuộc bầu cử sơ bộ như một cỗ máy dẫn đến thất bại. Muốn nổi bật lên, ứng cử viên phải có những tuyên bố nảy lửa và biết cách tấn công người khác. Về điểm này, bà Kamala Harris, cựu chưởng lý bang California rất giỏi : bà đả kích ông Biden về các quan điểm của ông tận vài thập niên trước, gây bối rối cho ông. Nay nhiều người cho rằng cặp Biden-Harris sẽ dẫn đầu cuộc đua.

Hai cuộc tranh luận tiếp theo được tổ chức vào tháng Bảy và tháng Chín, trước cuộc bầu cử sơ bộ chính thức tháng Giêng năm 2020. Để có thể tồn tại, ứng viên phải đạt được mức ủng hộ nhất định do bốn cơ quan thăm dò dư luận ghi nhận và gây được quỹ. Cũng giống như vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới, mục tiêu không phải là chơi đẹp hay thắng tất cả các trận, mà là cầm cự được để vào các giai đoạn tiếp.

Nếu ông Biden thành công đi nữa, liệu cựu phó tổng thống của Obama có đấu nổi với Donald Trump ? Ông Trump có lợi thế rất lớn là không phải tranh đua với ai trong đảng Cộng hòa. May mắn cho đảng Dân chủ là có đến 57% người Mỹ không muốn bỏ phiếu cho đương kim chủ nhân Nhà Trắng. Nhưng họ có bầu cho Dân chủ đang nghiêng về phía tả hay không, thì lại là chuyện khác.

Iran-Bắc Triều Tiên : Trump "bên trọng bên khinh"

Hồ sơ của Courrier International gióng lên tiếng chuông cảnh báo từ các chuyên gia : vũ khí nguyên tử sắp vượt khỏi vòng kiểm soát, các quốc gia có bom hạt nhân mà đứng đầu là Nga ra khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí. Tổng thống Mỹ Donald Trump có thái độ nghịch lý : tuy thương lượng với Bắc Triều Tiên nhưng lại rút khỏi hiệp ước nguyên tử với Iran, và chuyển giao công nghệ cho Saudi Arabia.

Trong bài "Iran, Bắc Triều Tiên : Bên trọng, bên khinh" được Courrier International dịch lại, CNN đặt câu hỏi, vì sao ông Donald Trump có thể dễ dàng thương lượng với nhà độc tài Kim Jong-un mà không thể làm như thế với Iran ? Trong khi Kim Jong-un là một trong những bạo chúa cuối cùng trên thế giới, sở hữu ít nhất 60 vũ khí nguyên tử, cho bắn hỏa tiễn sang Nhật Bản và đe dọa Hàn Quốc, còn tình trạng nhân quyền Bắc Triều Tiên thì vô cùng tệ hại.

Iran là một hồ sơ cũ đầy gai góc, khiến nhiều người tiền nhiệm của ông Trump phải nhức đầu. Hiệp ước ký với Tehran là kết quả những nỗ lực của Barack Obama – một lý do đủ để Donald Trump xé bỏ, như đã rút khỏi hiệp định tự do mậu dịch TPP, hiệp định khí hậu Paris.

Nguy cơ Thế chiến III tại vùng Vịnh

CNN cho rằng nếu Bắc Triều Tiên là vấn đề nhạy cảm đối với chính giới Mỹ, thì Iran còn phức tạp hơn gấp mười. Sự chống đối ngay trong đảng Cộng hòa và phe bảo thủ, cũng như một số khuôn mặt Dân chủ, là trở ngại lớn cho bất cứ chính quyền nào muốn đàm phán với Iran. Hơn nữa còn phải tính đến nhân tố Israel, với một thủ tướng sẵn sàng phá hiệp ước bằng mọi giá.

L’Obslo lắngđặt câu hỏi "Đại chiến thế giới lần thứ ba sẽ xảy ra tại vùng Vịnh ?" khi cuộc xung đột Mỹ-Iran đã tiến thêm một bước mới. Các tàu dầu bị tấn công tại eo biển Ormuz, các căn cứ quân sự Mỹ trở thành mục tiêu của dân quân Shia ở Iraq, Israel không kích các mục tiêu Iran ở Syria, phe Houthi ở Yemen được Iran hỗ trợ bắn vào hướng Mekka… Vào thời điểm tệ hại nhất của cuộc chiến tranh lạnh trước đây, vẫn luôn có đường dây nóng giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Còn bây giờ, không có sự liên lạc nào giữa Iran, Hoa Kỳ, Saudi Arabia và Israel.

Thụy My

Published in Châu Á

Quần đảo Trường Sa hiện có năm bên yêu sách chủ quyền, là nơi nóng bỏng nhất trên Biển Đông. Chuyên gia Gregory Poling, giám đốc Asia Maritime Transparency Initiative trong bài viết "Hải quân giấu mặt của Trung Quốc" đăng trên báo Foreign Policy hôm 25/06/2019 khẳng định, các bằng chứng cho thấy những tàu được cho là tàu đánh cá Trung Quốc ở quần đảo tranh chấp này là một phần của lực lượng dân quân biển mở rộng của Bắc Kinh.

bd1

Lực lượng "Hải quân giấu mặt của Trung Quốc" - Courtesy of Chinadialogueocean.net

Một số nhà phân tích tiếp tục nghi ngờ về sự hiện diện và các hoạt động của dân quân biển. Số khác, đặc biệt là có liên hệ với các định chế Trung Quốc và báo chí Nhà nước, tìm cách trưng ra những hình ảnh vệ tinh đã được cắt xén một cách nghệ thuật, chỉ sử dụng những dữ liệu có lợi cho mình, hoặc đơn giản là làm ngơ trước thực tế, tấn công vào những ai đưa ra bằng chứng về các hoạt động của dân quân biển.

Điều này không gây ngạc nhiên vì mục đích dùng đến dân quân biển là tấn công ở mức thấp hơn quân đội chính quy, làm phức tạp thêm sự đối phó của các bên khác - trong trường hợp này là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan cũng như Hoa Kỳ - qua việc giấu mặt sau lớp vỏ dân sự. Nhờ đó Bắc Kinh có thể chối bỏ mọi bằng chứng của các hành vi hung hăng trên biển. Tuy nhiên những bằng chứng này tự nó đã nói lên tất cả.

Dân quân biển Trung Quốc : Không còn là bí mật

Lực lượng dân quân biển vũ trang không còn là bí mật. Điều 36 của Luật nghĩa vụ quân sự Trung Quốc năm 1984, được sửa đổi năm 1998, đòi hỏi dân quân phải "thực hiện những nghĩa vụ có liên quan đến việc chuẩn bị chiến đấu, bảo vệ biên giới và duy trì trật tự công cộng, luôn luôn sẵn sàng tham gia chiến tranh cùng với quân đội, chống lại các cuộc tấn công và bảo vệ tổ quốc".

Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc năm 2013 nâng cao vai trò của dân quân biển, trong việc khẳng định chủ quyền và hỗ trợ các chiến dịch quân sự. Lực lượng này tương tự với dân quân trên đất liền vốn được biết đến rộng rãi hơn, hoạt động tại tất cả các quân khu, dưới sự chỉ huy của Giải Phóng Quân Trung Quốc (PLA).

Năm 2013, ông Tập Cận Bình đã đi thăm lực lượng dân quân biển ở Đồ Môn, Hải Nam, khen ngợi đây là hình mẫu để noi theo. Các nhà nghiên cứu Andrew Erickson, Conor Kennedy, Ryan Martinson của Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc thuộc Naval War College của Mỹ đã mất nhiều năm tìm tòi về các hoạt động của dân quân biển, gồm cả các tài liệu của chính quyền Trung Quốc và nhiều định chế nơi các thành viên là dân quân công khai tranh luận về hoạt động của họ.

Những dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) và Vulcan Inc.’s Skylight Maritime Initiative, gồm cả ảnh chụp hồng ngoại, dữ liệu được radar xử lý, ảnh vệ tinh có độ phân giải cao, cho thấy một lượng lớn tàu hoạt động tại Trường Sa thuộc đội tàu cá Trung Quốc. Con số tàu Trung Quốc thường xuyên hiện diện gần Đá Xubi (Subi Reefs) và Đá Vành Khăn (Mischief Reefs) lên đến từ 200 đến 300 chiếc.

Trung Quốc vốn có đội tàu cá lớn nhất thế giới, và những chiếc tàu đánh cá xa bờ Trung Quốc hoạt động trên mọi vùng biển của hành tinh là thủ phạm của việc lạm thu hải sản, gây ô nhiễm. Tuy nhiên các tàu hoạt động tại Trường Sa không thuộc đội tàu đánh bắt xa bờ này. Với khoảng cách 800 hải lý kể từ đất liền, Trường Sa quá xa xôi để những chiếc tàu cá cỡ nhỏ và cỡ vừa có thể hoạt động hiệu quả, nếu không được trợ giá ồ ạt.

Nhưng ngay cả chính sách trợ giá từ hai thập niên qua của Trung Quốc cho tàu cá nhằm khẳng định chủ quyền, cũng không thể giải thích được hành vi của hầu hết các tàu Trung Quốc tại Trường Sa trong những năm gần đây.

Đội tàu cá hùng hậu nhưng không đánh cá

Những tàu Trung Quốc tại đây trung bình có trọng tải trên 500 tấn, vượt xa kích thước đối với các tàu trên tuyến hàng hải quốc tế bị buộc phải sử dụng thiết bị thu phát hệ thống nhận dạng tự động (Automatic Identification System - AIS), giúp nhận ra danh tính và các dữ liệu khác khi du hành trên đại dương. Nhưng chỉ có không đầy 5% trong số tàu Trung Quốc phát ra tín hiệu. Điều này cho thấy đây là một đoàn tàu muốn che giấu số hiệu và các hoạt động của mình.

Những chiếc tàu lớn và hiện đại này thể hiện một sự đầu tư đại quy mô, nhưng không thể thu hồi vốn, do hầu hết không hoạt động thương mại. Ảnh vệ tinh cho thấy các tàu Trung Quốc hầu như luôn thả neo, thường tập trung thành những nhóm lớn, cả khi trong vùng đầm quanh Đá Xubi và Đá Vành Khăn, lẫn khi lảng vảng đâu đó tại Trường Sa. Việc hoạt động tại những khu vực gần như vậy là hết sức bất thường, và chắc chắn không phải là cách thức mà các tàu đánh cá thương mại sử dụng.

Khi các tàu Trung Quốc không đậu tại Đá Xubi và Đá Vành Khăn, hầu hết chúng được trông thấy gần các đảo do Philippines và Việt Nam trấn giữ ở Trường Sa. Điều này được chứng minh qua số lượng nhỏ các tín hiệu AIS từ các tàu Trung Quốc.

Ví dụ điển hình nhất là cả một đoàn tàu từ Đá Xubi đã thả neo cách đảo Thị Tứ do Philippines chiếm giữ chỉ 2 đến 5 hải lý, ngay sau khi Manila bắt đầu nâng cấp chút ít hòn đảo này vào tháng 12/2018. Số lượng tàu Trung Quốc thấy được qua vệ tinh lên đến 95 chiếc vào ngày 20/12/2018, rồi đến ngày 26/01/2019 giảm xuống còn 42 chiếc. Sự hiện diện này tiếp tục cho đến đầu tháng Sáu. Số lượng tàu thay đổi từng ngày nhưng hầu hết không phát tín hiệu AIS hoặc thả lưới, và tập trung tại khu vực gần hơn bất kỳ tàu đánh cá thực thụ nào.

Quân đội Philippines khẳng định đã đếm được 275 tàu Trung Quốc tập trung gần đảo Thị Tứ từ tháng Giêng đến tháng Ba, và Manila phản đối Bắc Kinh về sự hiện diện này. Trong khi đó ảnh vệ tinh từ tháng Ba đến tháng Tư cho thấy một nhóm tàu Trung Quốc khác cũng vây quanh hai thực thể khác đang do Philippines kiểm soát là đảo Loại Ta Tây (Loaita Cay) và Loại Ta (Loaita Island) thuộc cụm Loại Ta. Có tàu neo đậu chỉ cách Loại Ta Tây chỉ nửa hải lý !

Làm tai mắt cho quân đội Trung Quốc và quấy nhiễu

Cách giải thích duy nhất cho những hành vi này là hầu hết các tàu trên đây tham gia hoạt động dân quân biển Trung Quốc, ít nhất là bán thời gian. Hoạt động của lực lượng dân quân biển đã được ghi nhận từ nhiều nguồn : Học viện Hải quân Hoa Kỳ, báo cáo của quân đội Philippines, và ngay trong các văn bản chính thức của Trung Quốc xác định vai trò dân quân.

Cơ bản là lực lượng này phục vụ hậu cần và làm tai mắt cho quân đội Trung Quốc : cung ứng cho các tiền đồn, giám sát và báo cáo hoạt động của các nước tranh chấp, tham gia tập luyện với quân đội cũng như lực lượng chấp pháp.

Nhưng chúng còn ngày càng trực tiếp quấy nhiễu tàu bè của các nước khác – áp sát một cách nguy hiểm các tàu hải quân, cảnh sát biển hay tàu dân sự của nước ngoài, đôi khi còn tông vào họ. Nói chung là gây mất an toàn cho các bên khác khi hoạt động trong vùng biển bị Bắc Kinh yêu sách, trong khi quân đội và tuần duyên Trung Quốc đứng ngoài nhìn - một mối đe dọa ngầm ở mức độ không thể chối cãi.

Một số nhà phân tích tìm cách biện minh cho hành động của các tàu này, nhưng không có cách lý giải nào đứng vững.

Có người cho rằng các tàu mang danh là tàu cá Trung Quốc không đánh cá tại Trường Sa vì muốn nhắm vào các hải sản giá trị cao như hải sâm, nghêu khổng lồ. Chúng không phát tín hiệu AIS vì quá nhỏ hay quá cũ, hoặc muốn che giấu vì việc đánh bắt các loài có nguy cơ tuyệt chủng bị cấm. Thậm chí còn nói rằng tàu Trung Quốc tập trung đông đảo gần Thị Tứ vì nhu cầu hải sản tăng cao trong dịp Tết.

Tuy nhiên kích thước và loại tàu dễ dàng được nhận ra qua các ảnh do vệ tinh chụp được. Đội tàu này gồm các tàu lớn và hiện đại (trên 160 feet), không giống như các tàu mẹ (80 đến 115 feet) thường đi kèm các tàu cá Trung Quốc (trung bình 15 feet) tại các rạn san hô ở Trường Sa, Hoàng Sa, Scarborough.

Hay là chúng không đánh cá vì chỉ thu mua hải sản và cung cấp nhiên liệu cho các tàu cá khác ? Lý do này có thể tạm chấp nhận, nếu có một ít tàu cá xung quanh. Nhưng ngược lại, hầu hết các tàu Trung Quốc tại Trường Sa không có vẻ là tàu đánh cá hay tàu làm dịch vụ.

Giả thiết thứ ba : các tàu này đến Trường Sa chỉ để được hưởng số nhiên liệu mà Bắc Kinh cung cấp cho những tàu hoạt động tại vùng biển tranh chấp. Có thể một số ít tàu làm việc này, nhưng làm sao giải thích được sự hiện diện của hàng trăm chiếc tàu neo đậu xung quanh đảo Thị Tứ và các thực thể khác, thậm chí trong nhiều tháng trời ?

Rõ ràng là việc Trung Quốc sử dụng hàng trăm tàu cá dưới sự bảo trợ của lực lượng công khai là dân quân biển, để xác quyết chủ quyền và quấy nhiễu các nước láng giềng tại Trường Sa là rất đáng kể.

Mối nguy gây xung đột từ một lực lượng không chuyên nghiệp

Dân quân biển là lực lượng tiên phong trong việc yêu sách chủ quyền tại Biển Đông. Đó là đội tàu hùng hậu nhất trong khu vực, thường xuyên tấn công cả láng giềng lẫn bên thứ ba tiến hành hoạt động khẳng định tự do hàng hải trong khu vực, như Hoa Kỳ chẳng hạn. Lực lượng này không mang đồng phục, không chuyên nghiệp, không được huấn luyện thích hợp, đứng ngoài Luật Biển quốc tế, các quy luật và cam kết của quân đội, và các cơ chế đa phương nhằm phòng tránh các vụ đụng độ trên biển.

Các sự cố sắp tới trên Biển Đông có nhiều khả năng liên quan đến dân quân biển thay vì quân đội hoặc tuần duyên Trung Quốc, lực lượng này không có cơ chế thông tin và giảm căng thẳng như giữa các đơn vị chuyên nghiệp và các đối tác ở các nước khác hiện nay.

Tác giả Gregory Poling kết luận, phương cách duy nhất để tránh một cuộc khủng hoảng do các tàu dân quân biển gây ra, là thuyết phục Bắc Kinh đặt lực lượng này ra ngoài lề. Và bước đầu tiên là gỡ bỏ tấm mặt nạ dối trá, thừa nhận các bằng chứng về số lượng và hoạt động mang tính áp đảo. Các nước cần nhấn mạnh rằng chính quyền Trung Quốc sẽ phải trả giá cho thái độ "chơi xấu" trên Biển Đông.

Thụy My

Nguồn : RFI, 26/06/2019

Published in Diễn đàn

Ngày 19/5/1989, thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng quyết định huy động quân đội để đàn áp các sinh viên biểu tình. Đây là khởi đầu cho biển máu ngày 4 tháng Sáu. Tác giả Arnaud Vaulerin trên Libération hôm nay 20/05/2019 trong bài viết "Thiên An Môn : 30 năm sau đêm đất trời đảo lộn", thuật lại chi tiết theo lời kể của một giáo sư triết Trung Quốc đang tị nạn tại Pháp.

tienanmen1

Trong khoảng thời gian từ 17/05/1989 đến 04/06/1989, nhiều sinh viên tuyệt thực đã ngã gục trên quảng trường Thiên An Môn. 64memo.com

…Một tia sáng lóe lên trong ánh nhìn, như một thoáng cười từ thẳm sâu kỷ niệm, sau hai tiếng đồng hồ tâm sự trước ly cà phê đen và một chai Orangina, trong một quán cà phê ở quảng trường Denfert-Rochereau, Paris. Mùa xuân đã đến rồi. Nó gợi lại những hình ảnh luôn bền bỉ về một mùa xuân khác, vào năm 1989, tại Trung Quốc.

Thái Sùng Quốc (Cai Chongguo) nhớ lại : "Bạn không thể tưởng tượng được sự sôi nổi vào thời đó, với hàng triệu người tham gia vào thời điểm đặc biệt ấy. Trong suốt nhiều tuần lễ, chúng tôi đã sống qua thời khắc tự do duy nhất trong lịch sử Trung Quốc, dưới cái nhìn của toàn thế giới. Lần đầu tiên phương Tây nhận ra rằng người Trung Quốc có thể biểu tình và chỉ trích các nhà lãnh đạo".

Đó là tia sáng đã làm rạng rỡ khuôn mặt người thầy giáo dạy môn triết, đã phải chạy trốn khỏi đất nước sau vụ đàn áp năm 1989, khi những chiếc xe tăng của quân đội đè bẹp phong trào Thiên An Môn đêm 3 rạng 4 tháng Sáu. Thời điểm này đã cắt làm đôi cuộc đời của Thái Sùng Quốc, cũng như đã để lại "một sự chia rẽ vô cùng sâu sắc nơi người dân Hoa lục".

Ba mươi năm sau, người cựu đảng viên gương mẫu của Đảng cộng sản Trung Quốc tị nạn tại Pháp lấy làm tiếc với "sự cấm kỵ tuyệt đối về Thiên An Môn" tại Trung Quốc. Trong thời kỳ hậu đàn áp và chứng mất trí nhớ phổ quát này, nhà ly khai nhìn thấy sự xuất hiện của "một xã hội do đồng tiền và dùi cui điều khiển. Trung Quốc của Tập Cận Bình không chỉ là một chế độ độc tài, mà còn là chủ nghĩa tư bản hoang dã, một kiểu chế độ toàn trị mới – muốn kiểm soát tất cả, định vị và nhận diện mọi người".

Biến cố năm 1989 đã "tập trung nỗi sợ bị đàn áp và phá vỡ cấm kỵ". Thái Sùng Quốc nói : "Chúng tôi đã thấy quân đội không ngần ngại giết người. Trước năm 1989, chúng tôi tin rằng họ không bao giờ vượt qua lằn ranh đỏ này".

Sự thay đổi đã xảy ra cách đây vừa đúng 30 năm. Trong đêm 19 rạng 20 tháng Năm, chính quyền cứ khăng khăng, đối thoại bế tắc. Bắt đầu một bước ngoặt, và đây là điểm đã đảo ngược hẳn mùa xuân Bắc Kinh.

…Đã từ một tháng qua, cả nước luôn sôi sục. Hôm 15 tháng Tư, loan báo về cái chết bầt ngờ do lên cơn đau tim ngay trong cuộc họp Bộ Chính trị của ông Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang), nhà cải cách bị cách chức tổng bí thư hai năm trước đó, đã khiến hàng triệu người dân xuống đường. Và dậy lên những yêu sách về dân chủ hóa, tự do ngôn luận, đấu tranh chống tham nhũng.

"Phương pháp Jaruzelski"

Trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc, căng thẳng ngày càng tăng lên. Trước cuộc tuyệt thực của sinh viên khởi đầu từ ngày 13 tháng Năm, tranh cãi lại thêm gay gắt. Thủ tướng bảo thủ Lý Bằng (Li Peng) và tổng bí thư cải cách Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) cố tỏ ra đoàn kết. Ngày 18, họ cùng đến bệnh viện thăm những sinh viên tuyệt thực. Hôm sau, quảng trường Thiên An Môn. Trên truyền hình, ông Triệu Tử Dương xuất hiện với một bài phát biểu dài, ông vừa khóc vừa khuyên những người trẻ nên ngưng biểu tình. Ông thổ lộ : "Chúng tôi đã đến quá trễ". Đảng cộng sản Trung Quốc rạn nứt.

Suốt cả ngày 19 tháng Năm, đài phát thanh truyền đi các cuộc tranh luận sôi nổi giữa ông Lý Bằng và các sinh viên tập họp tại Đại sảnh đường Nhân Dân ở Bắc Kinh. Thái Sùng Quốc hồi tưởng : "Thật khó thể tưởng tượng nổi, tất cả đều được phát trực tiếp ! Các nhà lãnh đạo phải trả lời những câu chất vấn của sinh viên".

Ngày hôm đó, người thầy dạy triết đi xe lửa đến Bắc Kinh, tai dán chặt vào chiếc radio. Nguyên quán ở Vũ Hán, cách thủ đô 1.200 km về phía nam, ông đến nhà xuất bản để trao tập cuối của bản thảo cuốn sách nói về Mao Trạch Đông, Cách mạng văn hóa và lịch sử Trung Quốc.

Anh kể : "Khi đến Bắc Kinh, một điều làm tôi sững sờ : hàng mấy chục xe vận tải quân sự đậu dọc theo đường xe lửa. Rổi tôi quên đi, thẳng đường đến Thiên An Môn. Quảng trường đen đặc người. Người ta tranh luận, một số gào thét, số khác nhảy nhót. Một khu trại hình thành với những xe buýt và những chiếc lều, thật chưa từng thấy. Công an hầu như biến mất. Nhưng cũng có sự căng thẳng, lo ngại".

Đêm 19 tháng Năm, cuộc khủng hoảng càng sâu sắc, và Lý Bằng chuyển sang thế tấn công trong đêm. Thủ tướng bảo thủ đã "cầu viện đến phương pháp được gọi là Jaruelski, theo tên nhà lãnh đạo cộng sản cuối cùng của Ba Lan : biểu dương ồ ạt lực lượng quân đội kèm theo sắc lệnh thiết quân luật" - theo phân tích của nhà sử học Laurence Badel trong tạp chí Histoire.

Quân dân cá nước hay đối đầu ?

Quân đội chuẩn bị hành động, tiến vào trung tâm Bắc Kinh. "Tôi nhớ có một cặp vợ chồng cao niên đã xuống đường, hô hào dân chúng biểu tình, bảo vệ những sinh viên trẻ tuổi vốn được người dân vị nể. Người ta mang đồ ăn thức uống đến cho sinh viên".

Điều không thể tưởng tượng nổi đã xảy ra vào sáng 20 tháng Năm, khiến Thái Sùng Quốc vẫn luôn kinh ngạc : "Ngày càng có nhiều người dân tràn ra đường phố. Quân đội đang trên đà tiến phải dừng lại. Người già, người trẻ nằm la liệt trước đầu xe tăng, bao vây các xe quân sự, nói chuyện với các binh lính".

Thái Sùng Quốc soạn nội dung cho các tờ rơi, phụ trách làn sóng đài phát thanh trường đại học Nhân Dân, thảo ra các câu khẩu hiệu và tăng cường cho ủy ban tổ chức biểu tình để tránh khả năng phong trào ngả sang bạo lực. Ông cũng cố gắng duy trì đối thoại giữa chính quyền và sinh viên.

Trong vòng bốn ngày, Trung Quốc sống trong một tình trạng kỳ lạ. Người biểu tình và binh lính cùng "sống chung hòa bình", trao đổi, thảo luận với nhau. Kể từ ngày 24 tháng Năm, quân đội rút lui. Nhưng mọi việc đã diễn biến rất nhanh. "Tất cả đã quá trễ", theo cách nói của ông Triệu Tử Dương.

Người thầy môn triết kể lại : "Chúng tôi nghĩ rằng đã giành được chiến thắng, và đã thành công trong việc chấm dứt tình trạng thiết quân luật. Rồi tôi bắt đầu lo ngại một cuộc thảm sát : không thể có việc Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo quyền lực của Trung Quốc, bị mất mặt trước sinh viên".

Thái Sùng Quốc có linh cảm chính xác, nhờ quá khứ từng đứng trong hàng ngũ ở trường đại học và Đảng cộng sản Trung Quốc, "một thế hệ hăng hái với chính trị, cải cách và hy vọng hiện đại hóa". Sinh năm 1955 tại Vũ Hán, anh bị cuốn vào cuộc Cách mạng văn hóa khởi đầu năm 1966 để thanh trừng trong đảng và giúp Mao thống trị. Trong thập niên 70, anh được đưa về nông thôn.

"Chúng tôi phát hiện ra sự nghèo khổ không thể tưởng, và nhất là người dân quê không hề quan tâm đến chính trị và những câu khẩu hiệu của Mao về kẻ thù, đấu tranh giai cấp. Có một sự khác biệt hẳn giữa tuyên truyền với thực tế, một sự cách biệt giữa tư tưởng Karl Marx và ý thức hệ của Đảng cộng sản Trung Quốc. Nhưng khổ thay, Mao không phải là Marx !"

Anh thanh niên Thái Sùng Quốc đọc sách, viết ra những bài thơ, tìm hiểu về cuộc Cách mạng Pháp trong một cuốn sách lấy trộm được. Cuối cùng, anh vào trường trung học. Là học sinh gương mẫu, anh được đảng chú ý kết nạp, được tuyển dụng vào một nhà máy về viễn thông của quân đội.

Sau khi Mao qua đời năm 1976, đất nước bước vào "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" của người cầm lái mới Đặng Tiểu Bình. Ông Đặng "cố gắng giữ quân bình giữa giữa hai phe bảo thủ và cải cách".

Người chiến binh của Cách mạng văn hóa đi thi và đậu vào khoa Triết trường đại học Vũ Hán. "Đó là một thời kỳ giải tỏa. Người ta phục hồi danh dự cho các trí thức, rút ra cáo bài học từ những năm tháng Mao Trạch Đông. Hết sức cụ thể : làm thế nào khởi động tiến trình dân chủ hóa, và xây dựng một Nhà nước pháp quyền thực sự. Vũ Hán là một trung tâm tự do hơn rất nhiều so với Bắc Kinh".

Giấc mơ đổi mới

Những người trẻ nuôi hy vọng hiện đại hóa. Phong trào sinh viên đầu tiên vào năm 1986 đã thất bại, nhưng tâm trạng phản kháng vẫn bao trùm, được nuôi dưỡng với cuộc khủng hoảng kinh tế và vật giá gia tăng năm 1988. Một nhân vật trở thành biểu tượng cho sự thay đổi trong tương lai, nếu không nói là mô hình để noi theo : ông Mikhail Gortbachev. Trong một Trung Quốc tham nhũng, được các nhà lãnh đạo già nua điều hành, cha đẻ của perestroika ở Liên Xô "có ảnh hưởng rất lớn đối với Mùa Xuân 1989".

Anh sinh viên triết là một trong những người tham gia tích cực vào bầu không khí sôi động ở Vũ Hán. Tranh luận, thành lập một trung tâm nghiên cứu triết học, lăng-xê một tạp chí, tổ chức một hội nghị quy mô về cải cách chính trị… Sau khi ông Hồ Diệu Bang qua đời ngày 15 tháng Tư, các đại tự báo nở rộ trên những bức tường của trường đại học Vũ Hán : "Đặng (Tiểu Bình), ông đã giết chết ông Hồ Diệu Bang", "Chúng ta hãy đòi hỏi tự do ngôn luận" v.v…

Và khi Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính thức của đảng đăng bài xã luận nổi tiếng ngày 26 tháng Tư, nhắc lại bài diễn văn mà ông Đặng đọc trước đó một hôm, Thái Sùng Quốc phẫn nộ trước sự mù quáng của Đặng : ông ta tố cáo "âm mưu có chuẩn bị kỹ càng để gây rối trật tự công cộng". Anh nhấn mạnh : "Sinh viên không có ý định lật đổ Đảng cộng sản Trung Quốc, chúng tôi không dại dột".

Mùa Xuân Bắc Kinh đã diễn ra, nhưng không giống như năm 1986, nó không dừng lại. Và bị đàn áp đẫm máu. Ngày 2 tháng Sáu, Thái Sùng Quốc vẫn còn ở Bắc Kinh khi phát hiện trước trụ sở của Ủy ban trung ương đảng "mười bao đầy súng ống và cả súng trường". Một chiếc xe tăng cán nát thây "một cô gái mặc áo đầm màu xanh da trời" ngay trước mắt anh. Ba tuần sau, anh đến Hồng Kông bằng cách bơi qua biển, rồi sau đó sang Pháp tị nạn.

Thụy My

Nguồn : RFI, 20/05/2019

Published in Diễn đàn
Trang 1 đến 3