Minh Anh, RFI, 01/10/2021
Khinh hạm lớp 23 HMS Richmond của Hải quân Hoàng gia Anh hôm 01/10/2021 đã cập cảng Cam Ranh, bắt đầu chuyến thăm 4 ngày, nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ hợp tác quốc phòng Anh - Việt Nam.
Khinh hạm HMS Richmond của Anh tại Căn cứ Hải quân Changi, Singapore, ngày 19/0/2011, trong khuôn khổ Triển lãm Phòng thủ Hàng hải Quốc tế. AP - Joseph Nair
"Good morning Vietnam ! Xin chào Việt Nam ! Thật tự hào khi Richmond có cơ hội ghé thăm đất nước xinh đẹp của các bạn". Đây là những dòng tin nhắn được chiến hạm gởi đi trên mạng xã hội Twitter.
Theo trang mạng Forces, khinh hạm HMS Richmond, thuộc tổ tác chiến hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của Vương quốc Anh đã được đại diện sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa, Quân khu 4, bộ đội biên phòng, cảng quốc tế Cam Ranh và đại sứ Anh tại Hà Nội đón tiếp trọng thể.
Hôm thứ Tư, 29/09/2021, chiếc tầu chiến này đã băng qua eo biển Đài Loan để đến Việt Nam. Chính quyền Bắc Kinh cáo buộc Luân Đôn có hành động "ẩn chứa ý đồ xấu xa".
Đầu tuần này, HMS Richmond cùng với tầu sân bay HMS Queen Elizabeth đã tiến hành một cuộc tập trận với Hải quân Hoàng gia New Zealand.
Minh Anh
*********************
Khinh hạm HMS Richmond của Anh cập cảng Cam Ranh
RFA 10/01-2021
Khinh hạm chống ngầm HMS Richmond của hải quân Hoàng Gia Anh sáng ngày 1/10/2021 cập cảng Cam Ranh, Khánh Hòa trong chuyến thăm Việt Nam kéo dài bốn ngày.
Khinh hạm chống ngầm HMS Richmond - Courtesy of UK Embassy in Vietnam
Tài khoản Twitter của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam (UK in Vietnam) đăng tải tấm ảnh chiếc tàu chiến mang số hiệu F239 đang đi vào cảng Cam Ranh cùng dòng trạng thái :
"Chào mừng tàu Hải quân Hoàng gia HMS Richmond đến Việt Nam ! Tàu cập cảng Cam Ranh hôm nay, bắt đầu chuyến thăm kéo dài bốn ngày, nhân kỷ niệm 10 năm hợp tác quốc phòng của Vương quốc Anh -Việt Nam".
Đại sứ quán Anh cũng khẳng định, chuyến thăm này thể hiện cam kết của Vương quốc Anh đối với sự hiện diện bền bỉ và đáng tin cậy tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Ngay trước đó vài giờ, tài khoản Twitter chính thức của tàu HMS Richmond cũng đăng một tấm ảnh cho thấy tàu đã đến vịnh Cam Ranh và dòng trạng thái bằng tiếng Việt : "Xin chào Việt Nam ! Thật tự hào khi Richmond có cơ hội ghé thăm đất nước xinh đẹp của các bạn".
Đến tối ngày 1/10, Báo Nhân Dân- cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Việt Nam, và Báo Quân Đội Nhân Dân- tiếng nói chính thức của Lực lượng Vũ trang Việt Nam, chưa loan tin Khinh hạm HMS Richmond của Anh Quốc cập cảng Cam Ranh khởi sự bốn ngày thăm hữu nghị Việt Nam.
Hôm 27/9 vừa qua, khinh hạm HMS Richmond cũng đi qua eo biển Đài Loan để hướng về Biển Đông.
Trung Quốc sau đó bày tỏ lên án mạnh mẽ việc tàu của Anh đi qua eo biển Đài Loan, cho rằng đây là hành vi "chứa đựng ý đồ xấu xa" và quân đội Trung Quốc đã theo dõi con tàu và cảnh cáo tàu này.
HMS Richmond là chiến hạm lớp Type 23 của Hải quân Hoàng gia Anh có tầm hoạt động đến 14.000 km và được trang bị phi đạn phòng không chống hạm, ngư lôi, hải pháo 113 mm và trực thăng săn ngầm.
Trung Quốc nhắc nhở Anh ‘chớ thiên vị, hãy tôn trọng chủ quyền ở Biển Đông’ (VOA, 26/09/2018)
Trung Quốc hy vọng nước Anh giữ vững quan điểm của mình là không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông, và nghiêm túc tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, Reuters dẫn lời nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc nói với Ngoại trưởng Anh.
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt (trái) bắt tay Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Vương Nghị tại một cuộc họp ở Bắc Kinh ngày 30/7/2018.
Bắc Kinh bày tỏ giận dữ hồi cuối tháng trước, khi một tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh tiến gần tới các đảo mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của họ trên Biển Đông. Trung Quốc nói nước Anh đã có hành động "khiêu khích", và gửi công hàm mạnh mẽ phản đối.
Trung Quốc còn cảnh báo rằng các hoạt động hải quân như vậy có nguy cơ phương hại tới mối quan hệ song phương.
Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Vương Nghị đã gặp Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt bên lề một cuộc họp của Liên Hiệp Quốc ở New York hôm 24/9 và bày tỏ "quan điểm cứng rắn" của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, Reuters dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm 25/9.
Reuters dẫn lời ông Vương nói :
"Trung Quốc hy vọng nước Anh sẽ thực hành lập trường của mình, là không đứng về bên nào trong vấn đề Biển Đông, tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, và không làm bất cứ điều gì có thể phương hại tới lòng tin giữa hai nước".
Trung Quốc và Anh từng đề cập đến "kỷ nguyên vàng" trong quan hệ song phương, và hồi tháng trước đồng ý xem xét khả năng đạt một thỏa thuận thương mại tự do "hàng đầu" hậu Brexit, hứa hẹn một chiến thắng chính trị quan trọng cho chính phủ bảo thủ ở Anh.
Tuyên bố của Trung Quốc về cuộc họp giữa ông Vương Nghị với Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt không đề cập đến Brexit, hay thỏa thuận thương mại tự do.
******************
Tàu khu trục của New Zealand thăm Việt Nam (RFA, 25/09/2018)
Tàu khu trục Te Mana của Hải Quân Hoàng Gia New Zealand vào sáng ngày 25 tháng 9 cập cảng Sài Gòn bắt đầu chuyến thăm 4 ngày tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Tàu Te Mana của Hải quân Hoàng gia New Zealand vào cảng Sài Gòn hôm 25/9/2018 Courtesy qdnd.vn
Tin cho biết thủy thủ đoàn gồm 178 người do nữ Trung tá Lisa Hunn dẫn đầu. Bà này là thuyền trưởng đồng thời là nữ quân nhân đầu tiên của Hải Quân New Zealand đảm nhận chức vụ chỉ huy của tàu khu trục.
Khi đến cảng Sài Gòn, thủy thủ đoàn của Tàu Khu Trục Te Mana tiến hành nhảy điệu Kapa Haka của thổ dân Maori. Đây là nghi lễ của người thổ dân Maori trước khi ra trận và nay được tái hiện nhằm biểu thị tấm lòng tri ân trước sự đón tiếp của phía chủ nhà.
Trong thời gian 4 ngày lưu lại tại thành phố Hồ Chí Minh, các thủy thủ trên Tàu Khu Trục Te Mana sẽ cùng phía Hải quân Việt Nam tiến hành một số hoạt động chung. Những sinh hoạt được nói nhằm củng cố mối quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và New Zealand.
Tàu Khu Trục Te Mana là một trong hai chiến hạm của New Zealand. Đây là loại tàu chiến cỡ nhỏ với nhiệm vụ chính là giữ gìn an ninh vùng biển New Zealand thông qua các hoạt động tuần tra hàng hải, giám sát, bảo vệ các chuyến tàu công thương.
Tàu Khu Trục Te Mana dài 118 mét, độ giãn nước 3600 tấn, tốc độ bình quân 25 hải lý một giờ. Trên tàu có trang bị trực thăng, tên lửa, ngư lôi…
Vào tháng 6 năm ngoái, Tàu Khu trục Ta Kaha của New Zealand cuãng đã đến thăm Cảng Đà Nẵng.
Năm nay Việt Nam và New Zealand kỷ niệm 43 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Biển Đông : Chiến hạm Anh áp sát Hoàng Sa, Trung Quốc phản ứng giận dữ (RFI, 06/09/2018)
Bắc Kinh vào ngày 06/09/2018 đã tỏ thái độ giận dữ trước sự kiện một chiến hạm Anh, trên đường ghé thăm Việt Nam, đã đi sát khu vực quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng. Trong một tuyên bố gởi đến hãng tin Anh Reuters, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã tố cáo điều mà họ cho là một hành động "khiêu khích".
Thiết bị quân sự bên trong tầu đổ bộ HMS Albion của Hải Quân Anh, đậu tại Harumi Pier ở Tokyo, ngày 03/08/2018. Reuters/Toru Hanai
Theo thông tin riêng của Reuters, trích dẫn hai nguồn tin xin giấu tên, mới đây chiếc tàu đổ bộ HMS Albion của Hải Quân Anh đã đi qua quần đảo Hoàng Sa. Chiến hạm Anh vào lúc ấy đang trên đường ghé thăm hữu nghị đến thành phố Hồ Chí Minh và đã cập cảng hôm 03/09.
Các nguồn tin trên cho biết là con tàu trọng tải 22.000 tấn này, chở theo một đơn vị thủy quân lục chiến, đã thực hiện quyền "tự do hàng hải" khi đi qua khu vực gần Hoàng Sa.
Một trong hai nguồn tin trên tiết lộ rằng Trung Quốc đã cho triển khai một khu trục hạm cùng hai trực thăng ra để đối phó với tàu đổ bộ Anh, tuy nhiên giữa hai bên đã không xảy ra bất kỳ sự cố nào.
Nguồn tin còn lại nói thêm là dù chiếc Albion không tiến vào vùng biển bên trong phạm vi 12 hải lý quanh Hoàng Sa, nhưng động thái của tàu Anh là nhằm chứng tỏ rằng Luân Đôn không công nhận những yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc chung quanh Hoàng Sa.
Quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng toàn bộ vào năm 1974 sau khi đánh bật lực lượng đồn trú của chính phủ miền Nam Việt Nam vào thời đó. Hiện nay, chủ quyền của vùng này là điểm tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong một bản fax gửi tới hãng Reuters, đã tố cáo chiến hạm Anh đã "thâm nhập trái phép" lãnh hải của Trung Quốc xung quanh Hoàng Sa vào ngày 31/08, và đã bị Hải Quân cảnh cáo để rời đi.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tố cáo tàu Anh là đã "vi phạm luật pháp Trung Quốc và luật pháp quốc tế có liên quan, xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc", và xác nhận rằng Bắc Kinh đã "phản đối mạnh mẽ và gởi công hàm nghiêm khắc tới phía Anh để bày tỏ thái độ cực lực bất bình".
Trung Quốc không ngần ngại đe dọa Anh Quốc về nguy cơ quan hệ song phương bị tổn hại, hòa bình và ổn định khu vực bị khuấy động nếu Luân Đôn không đình chỉ ngay lập tức các "hành động khiêu khích" như vậy.
Trước khi Trung Quốc phản đối, một phát ngôn viên của Hải Quân Anh đã khẳng định rằng chiến hạm HMS Albion đã "thể hiện quyền tự do đi lại trên biển của mình mà vẫn đảm bảo việc tuân thủ luật pháp và quy tắc quốc tế".
Trọng Nghĩa
*****************
Tàu chiến Anh ‘khiêu khích’ Trung Quốc trước khi tới Sài Gòn (VOA, 06/09/2018)
Bắc Kinh hôm 6/9 đã tỏ ra giận dữ sau khi một tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh tiến gần tới một quần đảo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong hành trình tới Việt Nam cuối tháng trước.
Chiến hạm HMS Albion cập cảng ở Tokyo hôm 3/8.
HMS Albion thực thi "quyền tự do hàng hải" gần quần đảo Hoàng Sa, hai nguồn thạo tin giấu tên nói với hãng Reuters.
Tàu tấn công đổ bộ này khi đó đang trong hành trình tới Thành phố Hồ Chí Minh, nơi nó cập cảng hôm 3/9 trong chuyến thăm Việt Nam kéo dài 4 ngày.
Trước đó, chiến hạm được triển khai tới Nhật, một quốc gia cũng tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc nhưng tại biển Hoa Đông.
Một nguồn tin nói với Reuters rằng Bắc Kinh đã triển khai một tàu khu trục và hai trực thăng để thách thức tàu Anh, nhưng cả hai đều giữ thái độ bình tĩnh.
Nguồn tin thứ hai nói rằng Albion muốn chứng tỏ rằng Anh "không công nhận các tuyên bố chủ quyền quá đà đối với quần đảo Hoàng Sa".
Trong tuyên bố gửi cho Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng tàu Anh đã tiến vào lãnh hải của Trung Quốc quanh Hoàng Sa hôm 31/8 mà không được phép và hải quân Trung Quốc đã cảnh báo tàu này phải rời đi.
Bắc Kinh cáo buộc Albion "xâm phạm lãnh thổ của Trung Quốc" đồng thời "mạnh mẽ thúc giục phía Anh ngay lập tức chấm dứt các hành động khiêu khích nhằm gây tổn hại tới tổng thể quan hệ song phương cũng như ổn định và hòa bình của khu vực".
Trong khi đó, một phát ngôn viên của Hải quân Hoàng gia Anh nói rằng HMS Albion "thực thi quyền tự do hàng hải và tuân thủ toàn diện các luật lệ và nguyên tắc quốc tế".
Sự việc trên xảy ra trong bối cảnh nhạy cảm, khi Anh đang tìm cách thương thảo với Trung Quốc về một thỏa thuận thương mại tự do sau khi Anh rút khỏi Liên hiệp Châu Âu.
Đại sứ quán Anh ở Hà Nội nói rằng chuyến thăm thiện chí kéo dài 4 ngày của tàu HMS Albion là "một trong những hoạt động cụ thể trong dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Anh".
Tàu chiến này được cho là cũng "triển khai các nội dung thỏa thuận giữa lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước".
Tàu chiến USS Higgins của Mỹ cũng mới tiến gần Hoàng Sa hồi tháng Năm năm nay.
Trên Facebook hôm 3/9, tân Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward đề cập tới "vai trò tích cực về tự do hàng hải" của HMS Albion, nhưng không nói tới chuyện tàu chiến này tiến gần tới Hoàng Sa ở Biển Đông trên đường tới Sài Gòn.
Hoa Kỳ thời gian qua đã triển khai tàu chiến tới thực hiện các hoạt động nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, và cũng đã vấp phải phản đối của Trung Quốc.
Tàu chiến Anh tới Việt Nam ít lâu sau khi có tin hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của nước này có thể được đưa tới Thái Bình Dương để "hỗ trợ tàu chiến Australia" trong bối cảnh Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông.
*******************
Trung Quốc giận dữ khi tàu chiến Anh đến gần Hoàng Sa (RFA, 06/09/2018)
Trung Quốc phản ứng giận dữ và cho điều một chiến hạm cùng hai trực thăng quân sự với mục đích được nói để "dằn mặt" sau khi tàu chiến Anh áp sát quần đảo Hoàng Sa, nhưng cả hai bên đều không đụng độ lẫn nhau.
Tàu chiến đổ bộ HMS Albion thuộc thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh tại Tokyo hôm 3/8/2018. (Ảnh minh họa) AP
Hãng tin AFP loan tin này hôm 6 tháng 9 năm 2018.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố tàu chiến Anh đã xâm phạm khu vực không được phép hôm 31 tháng 8 khi tiến gần quần đảo Hoàng Sa và bị yêu cầu rời đi. Phía Trung Quốc cũng mạnh mẽ hối thúc Anh "ngừng các hành động khiêu khích" đó, để không làm tổn hại đến tình hình chung của quan hệ song phương và hòa bình và ổn định khu vực.
Trong thời gian qua, các tàu hải quân Anh đã thực hiện sứ mệnh tuần tra hàng hải ở Biển Đông, nhưng không đi vào vùng 12 hải lý xung quanh các thực thể trong khu vực.
Mỹ và các nước đồng minh trong thời gian gần đây cũng đã gửi các máy bay và tàu chiến đến khu vực này với mục tiêu nêu rõ là để đảm bảo "tự do hàng hải" theo luật quốc tế ở vùng biển đang có tranh chấp này.
Giới quan sát cho rằng động thái đó được cho nhắm vào Trung Quốc.
Theo Reuters, tàu chiến đổ bộ 22.000 tấn mang tên HMS Albion chở một đội thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh, đã đi qua khu vực gần quần đảo Hoàng Sa vào những ngày cuối tháng 8, sau đó cập cảng Sài Gòn hôm 3 tháng 9.
Trước sự giận dữ của Trung Quốc, phát ngôn viên của Hải quân Hoàng gia Anh cho biết, chiến hạm HMS Albion thực hiện các quyền tự do hàng hải, tuân thủ đầy đủ các luật và quy định quốc tế.
Tàu chiến Anh đi gần quần đảo Hoàng Sa diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều những hoạt động phi pháp tại vùng biển chiến lược này, trong khi Mỹ kêu gọi quốc tế can thiệp nhiều hơn.
Từ trước đến nay, Hoa Kỳ vẫn giữ lập trường không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp biển Đông, nơi Trung Quốc đòi chủ quyền đến 90% diện tích qua đường đứt khúc 9 đoạn vốn đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế ở the Hague bác bỏ trong một phán quyết đưa ra vào tháng 7 năm 2016. Trung Quốc không công nhận phán quyết này của tòa.
Ngoài Trung Quốc, một số nước trong khu vực gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.
Từ năm cuối năm 2013 đầu 2014 trở lại đây, Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động xây lấp các đảo nhân tạo ở khu vực Biển Đông, xây dựng các đường băng và triển khai vũ khí quân sự ra các đảo. Vào tháng 5 năm 2018, Trung Quốc đã triển khai các hệ thống tên lửa đất đối không và máy bay chiến đấu ra Hoàng Sa. Trong năm nay, Trung Quốc cũng cho lắp đặt các thiết bị phá sóng ở hai đảo nhân tạo do nước này xây lấp ở quần đảo Trường Sa.
Một tàu tấn công đổ bộ của Hải quân Hoàng gia Anh hôm 3/9 đã cập cảng ở Thành phố Hồ Chí Minh nhằm "đóng vai trò tích cực về an ninh khu vực, tự do hàng hải và thúc đẩy hợp tác với Việt Nam".
Thủy thủ Anh trên tàu HMS Albion khi nó cập cảng Harumi ở Tokyo, Nhật, hôm 3/8.
Đại sứ quán Anh ở Hà Nội nói rằng chuyến thăm thiện chí kéo dài 4 ngày của tàu HMS Albion là "một trong những hoạt động cụ thể trong dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Anh".
Tàu chiến này được cho là cũng "triển khai các nội dung thỏa thuận giữa lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước".
Trên Facebook, Đại sứ Anh Gareth Ward viết bằng tiếng Việt rằng ông "hoan nghênh tàu Hải quân Hoàng gia Anh ghé thăm Thành phố Hồ Chí Minh".
Ông đăng kèm hình ảnh đứng trên boong tàu với các thủy thủ, và phía xa là bóng dáng Landmark 81, tòa nhà cao nhất Việt Nam.
Tàu HMS Albion.
"HMS Albion đóng vai trò tích cực về an ninh khu vực, tự do hàng hải và thúc đẩy hợp tác với Việt Nam", nhà ngoại giao hàng đầu của Anh ở Việt Nam viết, và cho biết thêm rằng các chỉ huy của tàu sẽ "trao đổi ý kiến với các lãnh đạo Việt Nam" ngày 4/9.
Hoa Kỳ thời gian qua đã triển khai tàu chiến tới thực hiện các hoạt động nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, vấp phải phản đối của Trung Quốc.
Tàu chiến Anh tới Việt Nam ít lâu sau khi có tin hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của nước này có thể được đưa tới Thái Bình Dương để "hỗ trợ tàu chiến Australia" trong bối cảnh Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông.
Khi được báo chí Việt Nam hỏi về khả năng trên, đại tá Tim Neild, chỉ huy tàu HMS Albion, nói rằng ông "không biết gì về kế hoạch này".
Ông cũng nói rằng tàu sân bay HMS Queen Elizabeth "đang thực hiện các nhiệm vụ diễn tập cùng tiêm kích tàng hình F-35B", theo báo điện tử Zing.
Từng có tin hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth có thể được triển khai tới Biển Đông.
Cùng với Pháp, Bộ trưởng Quốc phòng Anh hôm 3/6 tuyên bố sẽ đưa tàu chiến vào Biển Đông để "thách thức" sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp này.
Tờ South China Morning Post ở Hong Kong dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson nói tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore rằng ba tàu chiến của Anh sẽ được triển khai tới khu vực trong năm nay nhằm chống lại tác động xấu và duy trì trật tự theo luật lệ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis một ngày trước đó cảnh báo rằng hành động quân sự hóa của Bắc Kinh ở Biển Đông sẽ đối mặt với "các hậu quả lớn hơn", nhưng không nói cụ thể.
Quan chức Trung Quốc sau đó đã chỉ trích tuyên bố này là "thiếu trách nhiệm".
Viễn Đông