Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cuộc Chiến Tranh Lạnh của thế kỷ 21 giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ không thể tránh được; nhưng suốt 30 năm qua các chính khách "lễ độ" không ai muốn nói trắng ra. Tổng thống Donald Trump phá lệ.

thamvong1

Tổng thống Donald Trump có thể nhẹ tay với Huawei nếu Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chịu nhượng bộ. Trong hình, một cửa hàng Huawei ở Thượng Hải, Trung Quốc, hôm 24 Tháng Năm, 2019. (Hình : Hector Retamal/AFP/Getty Images)

Ông mở trận chiến mậu dịch với mục tiêu khiêm tốn là cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước. Nhưng sau khi ông Trump cho nổ "phát súng thuế quan", bao nhiêu mâu thuẫn vẫn được ngấm ngầm bỏ qua cùng xuất hiện. Và những mâu thuẫn này rất lớn, lớn hơn chuyện khiếm hụt mậu dịch, lớn hơn nhiệm kỳ một ông tổng thống hay ông tổng bí thư đảng.

Mâu thuẫn chính là quan niệm về trật tự thế giới của Trung Quốc và các nước Tây phương, là lối sống và suy nghĩ của hai nền văn minh.

Từ hơn nửa thế kỷ nay, các nước Âu Châu và Mỹ đã tỏ ý "ân hận" về những lầm lỗi mà các "đế quốc" phương Tây đã phạm trong các thế kỷ trước, khi họ bành trướng sang Á Châu, Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh. Không thấy người Trung Hoa nào tỏ ra ân hận về hành động bành trướng của các đế quốc thời Hán, Đường, Minh, Thanh. Trái lại, họ thấy đó là những thời đại huy hoàng chỉ mong lập lại.

Tập Cận Bình vẽ ra "Giấc Mộng Trung Quốc" nhắm giành lại địa vị huy hoàng đó. Ông đánh đúng tâm can của người Trung Hoa, để cho hơn một tỷ người chấp nhận sống dưới ách độc tài đảng trị.

Chương trình "Một Vành Đai, Một Con Đường", công bố năm 2013 là tham vọng thiết lập một khối kinh tế Âu-Á Châu (Eurasia) theo gương các hoàng đế nhà Đường.

Eurasia sẽ trở thành một khối kinh tế lớn trên thế giới, vượt nước Mỹ. Hiện nay thương mại giữa hai lục địa này đã lên tới 2.000 tỷ USD mỗi năm, gấp đôi thương vụ trao đổi giữa Âu Châu và Mỹ Châu. Khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi TPP (Hợp Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương), Trung Quốc là nước duy nhất có kế hoạch lâu dài bao gồm cả hai lục địa này, lập ra một "trật tự thế giới" trong thế kỷ 21.

Các nước Tây phương muốn một thế giới sống với các quyền tự do, chế độ dân chủ, minh bạch công khai, tôn trọng luật pháp, kinh tế do tư nhân quyết định. "Nhất Đới, Nhất Lộ" theo một mô hình khác. Nhà nước đóng vai chủ động, luật pháp không quan trọng bằng quyền lực chính trị, giới lãnh đạo quyết định trong bí mật, người dân thường không cần biết.

Cuộc đối đầu giữa Donald Trump với Tập Cận Bình chỉ là mặt nổi của mối xung khắc giữa hai quan niệm sống đó. Khi yêu cầu Trung Quốc thay đổi cơ cấu kinh tế mới chấm dứt cuộc chiến thuế quan, chính quyền Mỹ đã đụng tới các quy tắc sống căn bản của họ. Giáo sư Thì Ân Hoằng (Shi Yinhong, 殷弘), Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận xét rằng riêng trong vấn đề quyền sở hữu tri thức, Mỹ đã đưa ra hàng trăm vụ vi phạm của các công ty Trung Quốc; muốn chấm dứt thì phải thay đổi hệ thống luật lệ. Không phải thay đổi một, hai điều luật mà thay đổi hàng trăm thứ luật.

Ông Thì Ân Hoằng kết luận : Mỹ muốn Trung Quốc phải thay đổi cách điều hành nền kinh tế, ở trong nước và ở ngoài. Cuối cùng, cuộc đấu không còn là vấn đề mậu dịch nữa. Họ muốn Trung Quốc phải theo lối làm ăn của hệ thống thị trường trong quan niệm tự do từ Tây phương, hậu quả là chấm dứt chế độ độc đảng.

Đó là mâu thuẫn căn bản mà các cuộc thương thuyết không thể nào tháo gỡ được, dù hai bên có thể đi tới những thỏa hiệp tạm thời.

Lối thoát duy nhất của chính quyền Trung Quốc là đứng một mình, dần dần tách rời hai nền kinh tế khác nhau từ cơ cấu đến nguyên tắc vận hành. Trung Quốc sẽ tăng cường thương mại với các nước trên lục địa Á-Âu, qua dự án "Nhất Đới, Nhất Lộ". Thế giới có thể chia thành hai khối kinh tế, với hai trung tâm, Mỹ và Trung Quốc, chấp nhận một cuộc Chiến Tranh Lạnh của thế kỷ 21.

Nhưng dự án đầy tham vọng này khó tiến hành. Vì hiện nay kinh tế Trung Quốc không đủ sức chạy đua với Mỹ trên các kỹ thuật và công nghiệp tiên tiến. Vụ Huawei cho thấy yếu huyệt của kinh tế Trung Quốc. Những công ty đứng hàng đầu về kỹ thuật tiên tiến ở Trung Quốc, như Huawei, ZTE tùy thuộc vào nguồn tiếp liệu từ Mỹ, từ các vật liệu đến các sáng chế mà các công ty Mỹ giữ bản quyền.

Báo, đài ở Trung Quốc đang cổ võ Huawei hãy đứng vững dù bị chính phủ Mỹ tấn công. Họ hô hào cả nước hãy tự lực tự cường, làm lấy tất cả những thứ gì đang phải mua từ nước Mỹ. Nhưng hệ thống viễn thông do Huawei chế tạo, từ chất bán dẫn (semiconductors) đến các chương trình phần mềm (software) nhiều thứ vẫn phải mua từ các công ty Mỹ. Trung Quốc chưa chế được đồ thay thế. Mà nếu đi mua của Nhật Bản hoặc Đại Hàn thì các nhà cung cấp ở hai nước đó cũng đang dùng đồ Mỹ hoặc được các công ty Mỹ bán bản quyền. Lệnh cấm của chính phủ Mỹ không cho phép các công ty này bán cho Huawei. Vì vậy các công ty Nhật Bản Panasonic và Hitachi mới ngưng trao các bộ phận mà họ vẫn bán cho Huawei, sau khi Mỹ cấm.

Huawei đã cố gắng mở mang công việc chế chất bán dẫn, với công ty con HiSilicon, để khỏi phải mua chip từ các công ty Mỹ như Intel. Nhưng HiSilicon phải mua bản quyền sáng chế cua công ty Anh Quốc ARM ở Cambridge. Hầu hết các điện thoại di động trên thế giới đều dùng kiểu mẫu do ARM sản xuất. Ngay sau khi chính phủ Mỹ ra lệnh cấm Huawei, ARM đã cắt đứt quan hệ với Huawei, vì chính họ cũng đang dùng các bằng sáng chế của Mỹ.

Tập Cận Bình đã hô hào mở cuộc Vạn Lý Trường Chinh mới để tự túc về kỹ thuật tiên tiến. Nhưng Trung Quốc đã nhiều lần cố gắng tự túc mà kết quả không như ý muốn.

Từ các thập niên 1990 và 2000 họ đã đầu tư nhiều tỷ đô la để bắt đầu thành lập kỹ nghệ làm chip điện tử. Người được đưa ra cầm đầu là Giang Miên Hằng (Jiang Mianheng, 绵恒), con chủ tịch Giang Trạch Dân, đứng đầu công ty Grace Semiconductor. Kế hoạch này thất bại, bây giờ vẫn chỉ là một công ty không cạnh tranh được với ai.

Công ty Jinhua Integrated Circuit ở tỉnh Phúc Kiến chuyên chú sản xuất loại chip ghi nhớ (memory chip) DRAM năm ngoái đã sụp đổ sau khi bị Mỹ cấm, vì bị tố cáo đã ăn cắp kiểu mẫu của hãng Micron. Công ty Yangtze Memory Technologies đã lập từ 12 năm để sản xuất memory chip nhưng hiện nay vẫn còn chạy sau Samsung của Hàn Quốc hơn năm năm.

Các công ty quốc doanh hoặc được nhà nước bảo trợ không đuổi kịp các công ty tư bản. Vì vậy sau 20 năm tìm cách chế ra một hệ thống điều hành (OS, operating system) cho máy vi tính, họ đã thành công với một OS tương tự như Windows XP của Microsoft. Nhưng lúc đó thì chính công ty Mỹ Microsoft đã bỏ hệ thống XP, thay thế bằng nhiều hệ thống mới cho khách hàng chọn. Huawei đang tính làm lấy một OS cho điện thoại thông minh để khỏi lệ thuộc vào hệ thống Android được Google bán bản quyền và sẽ chấm dứt. Nhưng theo các kinh nghiệm trên thì hy vọng rất mong manh.

Giấc mộng "tự lực tự cường" trong lãnh vực kỹ thuật tiên tiến của Tập Cận Bình khó thành công. Chủ nhân sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei, 任正非) mới thú nhận : "Trung Quốc không thể thành công nếu trông đợi vào các phát minh sáng chế từ nội địa. Sẽ mất rất nhiều thời gian !".

Để tự túc trong các kỹ nghệ tiên tiến, Trung Quốc có thể trông đợi vào các nước thân hữu trên các "đường tơ lụa mới" Nhất Đới Nhất Lộ hay không ? Các nước Âu Châu trao đổi với Mỹ có lợi hơn, và cũng phụ thuộc vào các quyền sở hữu tri thức trong công nghiệp tiên tiến của Mỹ. Các nước khác chắc cũng không muốn gia nhập một khối kinh tế lúc nào cũng tiến chậm hơn Mỹ, Nhật Bản và Nam Hàn hàng chục năm.

Cuộc chiến tranh mậu dịch của ông Donald Trump lúc đầu nhắm giảm cán cân thương mại khiếm hụt, nhưng đã cho ông Tập Cận Bình thấy nhược điểm chính yếu của nền kinh tế Trung Quốc. Ông Trump không gây ra chướng ngại cho tham vọng của ông Tập Cận Bình. Ông vô tình cho họ Tập nhìn thấy rõ những chướng ngại đó. Giấc mộng tái lập các đế quốc Hán, Đường còn xa, rất xa.

Nhưng ông Trump có chủ tâm tiêu diệt Huawei và công nghiệp tiên tiến của Trung Quốc hay không ? Chính phủ Mỹ không muốn tấn công Huawei và các công ty Trung Quốc tới cùng, vì họ không muốn các công ty Mỹ mất những mối hàng lớn bán cho Trung Quốc. Cuộc chiến tranh mậu dịch nào cũng gây thiệt hại cho cả hai bên.

Giới tình báo Mỹ đều coi Huawei là một mối đe dọa về an ninh quốc gia. Trong hội nghị Shangri-La vừa qua, các viên chức Mỹ đã cảnh cáo rằng Mỹ sẽ không chia sẻ các tin tức tình báo với các quốc gia sử dụng đồ của Huawei. Nhưng ông tổng thống Mỹ lại mới nói rằng ông có thể nhẹ tay với Huawei nếu Tập Cận Bình chịu nhượng bộ. 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 11/06/2019

Published in Diễn đàn

Cây quýt này vốn mọc ở một địa phương nọ thì rất to và ngọt, đem trồng ở một nơi khác, không hợp thủy thổ, thì vừa nhỏ vừa chua.

Bá Dương

tcb1

Nhà văn Bá Dương phàn nàn rằng đồng bào của ông bị "dị ứng" với hai chữ cám ơn

"Tôi nghi rằng để có thể móc trong mồm một người TQ ra cái câu cám ơn ông e rằng nếu không dùng đến cái cào cỏ năm răng của ông bạn Trư Bát Giới của chúng ta thì không thể được".

Ngoài cái bệnh dị ứng với chuyện ơn nghĩa, vẫn theo như lời của tác giả Người Trung Quốc Xấu Xí (The Ugly Chinaman) dân Tầu còn mắc cái tật hơi lớn tiếng :

"Nói đến ồn ào, cái mồm người Trung Quốc thì to không ai bì kịp".

Những ghi nhận đọc được qua trang FB của Nguyễn Chương về người Đài Loan lại hoàn toàn khác :

- Tại bến xe mọi người đều tự giác xếp hàng. Khi lên xe, nhân viên nhiệt tình hỏi bạn muốn đi đâu, và khi thu tiền hoặc thối lại tiền, họ đều nói "cảm ơn" vì bạn đã thịnh tình chiếu cố.

- Khi mua cơm ở cửa hàng, mỗi lần kêu món hoặc đến lúc trả tiền, tôi đều nghe nhân viên nói "cảm ơn" luôn miệng. 

Kinh nghiệm của tôi ở Singapore cũng thế, cũng khác. Có lần bước vào một tiệm ăn ở Đảo Quốc này, tôi rất ngạc nhiên khi thấy hình một tô hoành thánh mì, cùng dòng chữ song ngữ (Please Keep The Volume Down While Eating After 10:30 PMdán ngay trên tường.

tcb2

Ảnh (tnt) chụp năm 2019

Thảo nào mà quán đông nhưng không ồn. Hóa ra không phải ở đâu người Trung Quốc cũng là những kẻ vô ơn, và lúc nào họ cũng lớn họng, như lời than phiền của Bá Dương. Có nơi – và có lúc – họ cũng thường "cảm ơn luôn miệng" và cũng ăn nói nhỏ nhẹ, đàng hoàng, rất mực.

Thế mới rõ là có nhiều giống người Hoa chứ không phải một : Tầu Singapore, Tầu Hồng Kông, Tầu Đài Loan, Tầu Đại Lục… Và họ khác nhau một trời/một vực – theo như ghi nhận của một người cầm bút khác, Tạ Duy Anh :

"Không phải vô cớ mà người Đài Loan kiên quyết không nhận mình là Trung Quốc, dù họ phần lớn từ Phúc Kiến sang. Người Đài Loan hiền lành, tinh tế, trung thực thuộc loại nhất thế giới. Trong khi người Trung Quốc đại lục thì luôn tạo ra ác mộng cho bất cứ đâu họ đặt chân đến".

Ở bình diện thể chế cũng thế: "Điểm khác biệt giữa hai hệ thống pháp luật tại Đài Loan và Trung Quốc sâu và rộng gấp mấy lần vài trăm dặm eo biển chia cắt hai quốc gia này. The gulf between legal systems across the Taiwan Strait is far wider than a hundred miles" (1). 

Sao kỳ vậy cà ?

Tác giả Huy Phương lý giải như sau : "Cũng giống quýt đó, trồng ở Giang Nam thì chua, trồng ở Giang Ðông thì ngọt. Ðó chính là nhờ phân, nước, khí hậu mỗi nơi cho những thứ trái có phẩm chất khác nhau… Bây giờ hầu hết giống quýt đều muốn được trồng ở Giang Ðông, chứ không muốn mọc ở Giang Nam".

Tương tự, "bây giờ hầu hết" người Trung Quốc cũng đều muốn "được trồng" lại ở một nơi nào khác, cho nó bớt chua, chớ không phải ở nơi quê hương (bản quán) của mình :

- Số liệu cho thấy "cơn lốc" người di cư khỏi Trung Quốc vẫn chưa dừng lại

- Philippines lo ngại làn sóng lao động nhập cư ồ ạt từ Trung Quốc

- Làn sóng dân Trung Quốc ồ ạt đến Canada

- Dân Trung Quốc di cư sang Mỹ đông nhất

- Người Trung Quốc ồ ạt mua nhà tại Australia

- Người Trung Quốc 'ồ ạt mua nhà giá rẻ ở Việt Nam'

- Trung Quốc tăng cường di dân sang Lào

- Trung Quốc di dân tới  Châu Phi

Đất lành chim đậu. America, Canada, Australia thì không nói làm chi, chớ ngay tới  Châu Phi mà cũng được người Tầu coi như là đất lành thì ai cũng phải thấy rằng Trung Hoa Lục Địa (quả) là dữ thiệt, và dữ lắm – trừ ông Tập Cận Bình.

Chủ quan và kiêu ngạo cộng sản là chứng bệnh chung của rất nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao, chớ chả riêng chi bác Tập. Bởi thế, bác ấy rất bất bình (và bị chạm tự ái) vì người dân Trung Cộng đã bỏ chạy tá lả bùng binh – theo tôi – là điều hoàn toàn thông hiểu và thông cảm được.

Tôi chỉ phàn nàn mỗi ở điểm là ông Chủ tịch nước đã có cái thái độ quá đáng, hay nói chính xác hơn là quá quắt, khi đòi hỏi Nước Trung Hoa Là Một – One  China Policy . Ổng muốn thâu tóm tất cả vô cái phần đất dữ dằn (và chua lè) của mình cơ.

Ngày 1 tháng 7 năm 2017, Tập Cận Bình đến dự lễ kỷ niệm Hai Mươi Năm Trao Trả Hồng Kông – Hong Kong Handover 20th Anniversary . Bữa đó, tôi tình cờ cũng có mặt tại Hương Cảng và đang ngồi ăn mì (nên suýt ói) khi nghe thằng chả nói –  y như thiệt – trên TV rằng : "Hong Kong has always been in my heart".

tcb3

Biểu tình phản đối Tập Cận Bình tại Hongkong. Ảnh : South China Morning Post - 01 July, 2017

Tui quen cả đống người dân Hồng Kông, đủ mọi thành phần, chả hề nghe ai nói là trong trái tim họ lại có Tập Cận Bình cả. Họ cũng hoàn toàn không có chút xíu xiu thiện cảm, hay gắn bó gì với Trung Hoa Lục Địa. Giới truyền thông cũng phản ảnh y như thế :

– Reuter s : Người trẻ Hong Kong muốn tất cả biết họ là người Hong Kong, không phải Trung Quốc.

– Le Monde : Thất bại của một đất nước, hai chế độ.

– RFI : Hồng Kông trong bàn tay thép của Trung Quốc.

– BBC : Đừng ảo tưởng rập đầu trước Trung Quốc.

– RFA : Người Hong Kong xin hộ chiếu Anh quốc vì lo sợ tương lai.

Người Đài Loan cũng vậy, cũng sợ thấy bà luôn. Đối với họ (chắc) hai chữ "cộng sản" cũng có nghĩa tương tự như "dịch tả" hay "dịch hạch", chớ không là gì khác cả – dù Tập Cận Bình vẫn luôn miệng trấn an :

 "Sau khi thống nhất hòa bình, Đài Loan sẽ có hòa bình lâu dài và người dân sẽ được hưởng cuộc sống tốt đẹp và thịnh vượng. Với sự hỗ trợ tuyệt vời của ‘mẫu quốc,’ nền an ninh của đồng hương Đài Loan sẽ còn tốt hơn nữa, và không gian phát triển của họ sẽ còn lớn hơn nữa".

Chuyện của thiên hạ nhưng FB Nguyễn – Chương Mt  (VN) vẫn nhất định xía vô, và bàn ra, cho bằng được :

"Cái này kêu bằng ‘nằm mơ giữa ban ngày’ từ phía Bắc Kinh… Đài Loan đã và đang là một lãnh thổ độc lập gần 70 năm rồi đa ! Bảy thập kỷ (từ 1950 tới nay) sống mình ên, mọi chính sách đối nội lẫn đối ngoại do Đài Bắc tự quyết định (Bắc Kinh chớ hề được phép nhúng tay vào mà ‘chỉ đạo’). Ở đời, có ai đang độc lập mà không chịu sướng, lại đi chui vào một thiết chế để cho người khác chỉ đạo ? Mà phải chi Bắc Kinh văn minh hơn, mức sống dân chúng cao hơn, an sinh xã hội tốt hơn thì... cũng dám xin thôi độc lập để được nâng khăn sửa túi lắm à".

Nguyễn – Chương Mt còn làm tài hay, cầm đèn chạy trước ô tô, mau mắn cho độc giả biết rằng: "Danh xưng ‘Cộng hòa Đài Loan’ (tức ‘Đài Loan dân quốc’ 台灣民國) đang rục rịch để một ngày đẹp trời thế chỗ, không còn xài danh xưng ‘Trung Hoa dân quốc’ (中華民國), khỏi dính tới vòng kim cô ‘One China’ làm chi cho má nó khi…".

Theo VOA, nghe được hôm 02/01/2019, Tổng thống Thái Anh Văn cũng mới vừa tuyên bố : "Đại đa số người dân Đài Loan kiên quyết chống đối khái niệm ‘một quốc gia, hai chế độ,’ đây là sự đồng thuận tại Đài Loan". Hai tháng sau, ngày 8 tháng 4, Taiwan News đưa tin : "Thousands of Taiwanese protest against ‘one country, two systems’ in Kaohsiung. Hàng ngàn người Đài Loan xuống đường phản đối ‘một nhà nước, hai chế độ ’ở Cao Hùng".

Chưa hết, RFI nghe được hôm 7 tháng 5 năm 2019, lại vừa hớn hở cho hay : "Hạ Viện Mỹ thông qua luật bảo vệ Đài Loan… Với 414 phiếu thuận và 0 phiếu chống".

Tui thì không rành (và cũng không mặn mà) chuyện chính trị/chính em nên không dám xía vô, hay bàn ra gì ráo, chỉ trộm nghĩ rằng : hiện tại dân số Trung Cộng đã lên tới 1/5 tổng số nhân loại rồi, gieo trồng 1.418.804.794 trái quýt chua (lè) như vậy bộ chưa đủ sao mà còn muốn ấn thêm vô làm chi nữa, cha nội ? Bộ không thấy hằng triệu người dân Hồng Kông đang xuống đường biểu tình và cả cả loài người đang nhăn mặt hay sao ?

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 12/06/2019 (tuongnangtien's blog)

(1) Margaret K. Lewis. "Taiwan’s Human Rights Revolution and China’s Devolution ", The Diplomat, 10 Mar 2017 translated by Quỳnh Vi

Published in Diễn đàn

Chủ nhật 2/6/2019, Bắc Kinh cho công bố Sách Trắng đổ lỗi cho Mỹ làm đổ vỡ cuộc đàm phán thương mại song phương.

Còn Tập Cận Bình, trước đây ít hôm, phải kêu gọi "Vạn lý trường chinh mới" sửa soạn trường kỳ chống thương mãi Mỹ.

vanly1

Vì đâu nên nỗi Tập Cận Bình phải "Vạn lý trường chinh" ?

Thực hư ra sao ? Lỗi tại ai ? Cuộc chiến sẽ đưa thế giới, đưa Việt Nam về đâu ? Là những câu hỏi đáng được quan tâm.

Cải cách dở dang…

Từ thập niên 1970, Trung Quốc được Mỹ trợ giúp cải cách thể chế từ viện trợ, đầu tư vốn, mở cửa thị trường, giúp giáo dục, giúp chuyển giao kiến thức và kỹ thuật, giúp tham gia các tổ chức quốc tế… nhưng uổng công vì kinh tế tự do phải gắn liền với chính trị tự do, ngôn luận tự do và xã hội dân sự.

Ngày 4/6/1989 để "ổn định chính trị", Bắc Kinh đã nổ súng đàn áp phong trào sinh viên rồi tự vạch con đường cải cách kinh tế nhưng giữ nguyên bản chất cộng sản.

Cải cách vì thế không mang lại kết quả như Đài Loan và Đại Hàn, đã trở thành hai quốc gia tân tiến có GDP thu nhập đầu người cao.

Với mô hình "ổn định chính trị", Trung Quốc trở thành đại công xưởng lắp ráp công nghiệp quốc tế, tăng trưởng nhờ vốn đầu tư nước ngoài và xuất cảng.

Trung Quốc lọt vào bẫy GDP thu nhập trung bình : nông dân và công nhân nghèo khổ, giới trung lưu vật lộn với cuộc sống, giới cầm quyền tham nhũng làm giàu.

GDP tăng trưởng chậm dần, năng suất lao động không mấy thay đổi, lợi thế lao động rẻ không còn, đầu tư ngoại quốc chuyển dần sang các quốc gia có giá công nhân rẻ hơn như Việt Nam.

Môi trường thiên nhiên bị hủy hoại, tài nguyên bị tận khai, đạo đức xã hội bị khủng hoảng,… nhìn chung Trung Quốc không khác mấy Việt Nam.

Vượt bẫy thu nhập trung bình…

Sau hơn 15 năm gia nhập WTO Trung Quốc vẫn không mở cửa thị trường, tiếp tục tài trợ các doanh nghiệp nhà nước, phân biệt đối xử với doanh nghiệp nước ngoài, ăn cắp tài sản trí tuệ quốc gia khác.

Trung Quốc giữ đồng tiền yếu hơn thực giá, hàng xuất cảng rẻ hơn giành lợi thế trên thị trường Mỹ, làm cán cân thương mãi giữa hai nước càng ngày càng mở rộng.

Khoản thặng dư này được dùng để giữ giá đồng tiền hay mua trái phiếu tiếp tục ảnh hưởng lên kinh tế Mỹ và thế giới.

Để thoát bẫy thu nhập trung bình, Trung Quốc vạch kế hoạch "Made in China 2025", nhằm chuyển đổi thành nước dẫn đầu về công nghệ cao cấp trực tiếp cạnh tranh với Mỹ.

Nhưng thay vì đầu tư nghiên cứu các ý tưởng mới để phát triển thành các sản phẩm mới, một mặt Trung Quốc ép buộc các công ty nước ngoài muốn làm ăn phải chuyển giao kỹ thuật trước khi cấp phép tham gia thị trường.

Mặt khác, Bắc Kinh cho gián điệp công nghệ xâm nhập và đánh cắp kỹ thuật gây thiệt hại nặng nề cho công nghệ các nước tiên tiến.

Với khoản mậu dịch thặng dư Bắc Kinh cho tăng cường quân sự, lấn chiếm Biển Đông, mua cảng, xây căn cứ, gây ảnh hưởng chính trị, xây dựng "một vành đai, một con đường" thực hiện tham vọng bành trướng toàn cầu.

Tham vọng bá chủ hoàn cầu khiến Trung Quốc trở thành mối đe dọa hòa bình và an ninh không riêng cho nước Mỹ mà cho toàn thế giới.

Đàm phán đổ vỡ…

Giấc mơ bá chủ của Tập Cận Bình đã bị Tổng thống Trump ngăn chặn bằng cách đánh thuế trên hàng hóa nhập cảng vào Mỹ buộc Bắc Kinh phải đàm phán thương mại.

Lập trường phía Mỹ có thể tóm tắt được như sau : (1) không thuế xuất nhập cảng ; (2) không rào cản thương mãi ; (3) không trợ cấp kinh doanh ; (4) không đánh cắp sở hữu trí tuệ ; (5) không ép buộc chuyển giao công nghệ ; và (6) mọi doanh nghiệp đều được hoạt động trong vòng luật pháp 2 bên.

Những đòi hỏi nói trên xem ra thật tốt cho cả hai phía, nó buộc Bắc Kinh phải thực hiện những cải cách cần thiết, xóa bỏ độc quyền nhà nước, mở cửa thị trường, cải cách thể chế, tuân thủ luật chung.

Sau 11 lần đàm phán, tưởng chừng đã hoàn tất một thỏa thuận giữa hai quốc gia, nhưng Trung Quốc cho rằng cứ bàn, cứ ký rồi tính sau như khi gia nhập WTO, nên khi Mỹ đòi luật hóa các thỏa thuận thì phía Trung Quốc không đồng ý đòi đàm phán lại từ đầu.

Không có gì khó hiểu, vì với ràng buộc luật pháp rõ ràng thì Bắc Kinh phải thay đổi cả thể chế và như thế giấc mơ bá chủ của Tập Cận Bình tan theo mây khói.

Còn nước còn tát Tập Cận Bình đành phải rút quân "vạn lý trường chinh" mong thay đổi thế cờ.

Bầu cử 2020…

Bắc Kinh tin rằng với một Tổng thống mới trường kỳ chiến đấu sẽ có lợi cho Trung Quốc.

Ông Trump đã bắt đầu tranh cử với cơ hội thắng cử rất cao.

Nếu vì một lý do nào đó ông Trump không tiếp tục tranh cử thì Phó Tổng Thống Mike Pence là người có nhiều cơ hội thắng cử. Ông Pence là người có lập trường không khoan nhượng với Trung Quốc và phe Xã Hội Chủ Nghĩa.

Còn nếu dân Mỹ chọn một Tổng Thống thuộc đảng Dân Chủ thì chiến tranh thương mãi cũng sẽ tiếp tục vì trừng phạt Trung Quốc đã trở thành Quốc sách của cả lưỡng đảng và lưỡng viện Quốc hội Mỹ.

Ngày 7/5/2019, Hạ viện Mỹ biểu quyết với đa số tuyệt đối (414-0) chấp thuận "Đạo luật Đảm bảo Đài Loan 2019", ủng hộ Đài Loan tăng chi tiêu quốc phòng, thường xuyên bán vũ khí, công cụ quốc phòng cho Đài Loan và ủng hộ Đài Bắc tham gia các tổ chức quốc tế.

Ngày 4/6/2019, kỷ niệm 30 năm Trung Quốc tàn sát phong trào sinh viên, Quốc hội Mỹ đã tổ chức buổi điều trần công khai vạch trần bản chất cộng sản phi nhân tính, Chủ tịch Hạ viện bà Nancy Pelosi mở đầu tuyên bố :

"Hôm nay (4/6/2019), chúng ta nhớ lại vụ thảm sát tàn bạo mà nhà cầm quyền Trung Quốc đã thực hiện chống lại chính người dân của họ 30 năm trước. Chúng ta nhớ lại sự dũng cảm của những sinh viên, công nhân và người dân đã phản kháng ôn hòa chế độ áp bức để yêu cầu nền dân chủ và nhân quyền mà họ xứng đáng được nhận…".

Lập trường lưỡng đảng như thế nên bất cứ thỏa thuận thương mãi với Trung Quốc đều phải được Quốc hội Mỹ chính thức thông qua vì thế chiến tranh thương mãi sẽ không kết thúc đơn giản như ý định của Bắc Kinh.

Ngược lại thông tin rò rỉ cho biết các phe cánh trong Đảng cộng sản đang gia tăng áp lực chống lại các quyết định của Tập Cận Bình, nên không chắc trường kỳ kháng chiến sẽ có lợi cho ông.

Chiến tranh…

Đã gọi là chiến tranh thì chắc chắn sẽ gây ra tổn thất cho cả đôi bên.

Sau 1 năm chiến tranh lạm phát tại Mỹ vẫn trong vòng kiểm soát, lương vẫn tăng, nhiều công ăn việc làm được tạo ra, chưa thấy dấu hiệu tổn thất như giới khoa bảng và báo chí thường đồn đoán.

Việc chỉ trích Tổng thống Trump hay chính phủ Mỹ là quyền hiến định của công dân, chính nhờ những chỉ trích từ báo chí và công dân nước Mỹ mới thăng tiến luôn xứng đáng là cường quốc số 1 trên thế giới.

Phía Trung Quốc mọi thông tin bị bưng bít, nhưng dấu hiệu cho thấy kinh tế đang lâm vào khó khăn, nhiều nhà máy đóng cửa, vốn đầu tư bị rút sang các nước ít bị ảnh hưởng chiến tranh, lạm phát bắt đầu gia tăng, đời sống mỗi lúc một khó khăn hơn.

Hệ thống cứu tế tư nhân không có, hệ thống an sinh chưa phát triển, Trung Quốc lại chưa trải qua kinh nghiệm khủng hoảng kinh tế, thông tin bị bưng bít nên khủng hoảng bùng nổ sẽ ảnh hưởng mạnh đến thể chế chính trị.

Sách trắng và lời kêu gọi "vạn lý trường chinh" thật ra chỉ nhằm tuyên truyền trấn an và sửa soạn tinh thần cho dân chúng trước những khó khăn đang ngày một gia tăng.

Vì sao Huawei lãnh đạn ?

Huawei được cho là công ty mấu chốt thực hiện chiến lược "Made in China 2025", có liên quan với Giải Phóng Quân Trung Quốc một thế lực rất mạnh trong Đảng cộng sản.

Hãng tin Pháp AFP dựa vào báo cáo tài chính hằng năm của Huawei đã phát hiện, trong 10 năm qua, Huawei nhận trợ cấp từ nhà cầm quyền Bắc Kinh, lên tới 1,5 tỷ Mỹ Kim.

Chưa kể những hợp đồng giữa Huawei và nhà cầm quyền các cấp, những trợ giúp về ngoại giao, được vay mượn ngân hàng nhà nước… nguồn tài trợ từ nhà nước cho Huawei thực sự không nhỏ.

Huawei còn được mua rẻ đất đai, xây dựng vương quốc riêng với nhiều khu vực nhà ở, cung cấp hay bán rẻ cho nhân viên.

AFP cũng cho biết trong năm ngoái hơn 100 nhân viên Huawei được thưởng lên đến cả 100.000 Mỹ Kim mỗi người từ nhà cầm quyền thành phố Thâm Quyến.

Nếu đường lối thương mãi Mỹ được luật hóa thì Huawei khó có thể tồn tại, như thế "Made in China 2025" khó có thể đạt được kết quả như Tập Cận Bình mong muốn.

Bởi thế không lấy gì làm lạ khi đàm phán đổ vỡ Tổng thống Trump ra lệnh trừng phạt Huawei ngăn công ty này không được mua các sản phẩm của Mỹ, đánh thẳng vào công cụ chiến lược của Tập Cận Bình.

Trong việc đàm phán thương mãi phía Mỹ còn yêu cầu Trung Quốc mở cửa để các công ty truyền thông xã hội như Google, Facebook, Twitter… được tham gia thị trường Trung Quốc nhưng bị từ chối.

Là quốc gia cộng sản, Trung Quốc phải kiểm soát tư tưởng và định hướng dư luận vì thế chiến tranh thương mãi chỉ là bề mặt, bề sau là cuộc chiến ai thắng ai giữa tự do và cộng sản.

Thế giới đi về đâu ?

Trung Quốc bị hầu hết các nước đã phát triển xem là quốc gia "phi thị trường", thất bại trong việc đàm phán thương mãi với Mỹ chỉ tạo thêm khoảng cách giữa nước này và các nước theo thể chế tự do.

Nhưng chiến tranh thương mãi giữa 2 nước lớn Mỹ Trung sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, tài chánh, tiền tệ, chính trị và thậm chí cả quân sự của mọi quốc gia trên thế giới.

Cuối cùng một trật tự mới toàn cầu buộc mọi quốc gia phải tuân thủ luật chung là kết quả của cuộc chiến Mỹ-Trung.

Sự hy sinh trong chiến tranh sẽ được đền bù bằng một thế giới tự do hơn, yên bình hơn, thịnh vượng hơn.

Hà Nội chọn hướng đi nào ?

Việt Nam một trong vài quốc gia cộng sản còn sót lại, với mô hình phát triển không khác gì Trung Quốc, không lâu cũng sẽ trở thành mặt trận giữa Mỹ-Trung.

Tổng thống Trump đã chính thức nhắc nhở Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cần cân bằng thặng dư ngoại thương Mỹ-Việt.

Tổng thống Trump cũng nhắc nhở nguồn đầu tư vào Trung Quốc đang chuyển sang Việt Nam, như thế Hà Nội hưởng lợi từ chiến tranh.

Mỹ lại vừa đưa Việt Nam vào danh sách 9 quốc gia thao túng tiền tệ cần theo dõi.

Cuộc đấu tranh tư tưởng trên thượng tầng Bộ Chính Trị Đảng cộng sản Việt Nam về con đường kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo mô hình Bắc Kinh đang ngày một rõ dần.

Bởi thế mặc dầu trở bệnh, chưa đi đứng được, Tổng Bí Thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn đòi hỏi Đại Hội 13 phải làm rõ vấn đề "đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị".

Nói theo cách dân gian là Đảng cộng sản Việt Nam, là nhà cầm quyền Hà Nội phải "đổi mới hay là chết theo Trung Quốc".

Sự lựa chọn hoàn toàn trong tay các nhà cầm quyền Hà Nội.

Melbourne, 6/6/2019

Nguyễn Quang Duy

(Úc Đại Lợi)

Published in Diễn đàn

Đi đêm có ngày gặp ma.

Thành ngữ Việt

ma1

Mãi cho đến khi gần đất xa trời, tôi mới khám phá ra mình là một thiên tài về Khoa Tử Vi Đẩu Số. Tài năng tới cỡ đó mà không thi thố e hơi uổng phí nên sau khi lấy lá số cho tất cả bạn bè, lối xóm, bà con xa gần (và ai suýt xoa thán phục) tôi bèn quyết định xuất hiện giang hồ trên mạng để… cứu nhân độ thế.

Theo "chương trình hành động nghĩa hiệp" này, bắt đầu từ hôm nay cứ mỗi tuần tôi đều chấm số tử vi cho hai nhân vật đã được nhiều người biết đến – một đồng hương và một ngoại quốc – rồi đối chiếu với nhau, cho thiên hạ có dịp chiêm nghiệm và học hỏi. Tuần này xin bắt bắt đầu bằng hai tên tuổi quen thuộc : Nguyễn Thọ và Tập Cận Bình.

Chủ tịch Tập Cận Bình sinh ngày 15 tháng 6 năm 1953, tuổi Tỵ. Kỹ sư Nguyễn Thọ sinh ngày 30 tháng 2 năm 1951, tuổi Mão. Tỵ/Mão nếu khác phái và sống chung thì rất thuận hòa và êm đẹp, còn cùng phái thì lại hoàn toàn khác : khắc lắm. Tuổi đã khắc mà ngày sinh tháng đẻ của hai ông cũng khắc luôn nên chả trách chi ông Thọ đố kỵ với ông Bình ra mặt. Ghét người đã đành, ông Thọ còn không bỏ lỡ một cơ hội nào để lên tiếng chê bai, chỉ trích (nặng nề) luôn cả cái đất nước mà ông Bình đang là chủ tịch nữa cơ.

Tuần rồi, trên trang FB Tho Nguyen xuất hiện những dòng chữ chất ngất hận thù và oán ghét :

"Nếu như thời Thượng cổ, Trung Quốc từng là cái nôi văn minh của nhân loại với hàng loạt phát minh về kỹ thuật, thiên văn, triết học, toán học, thì ngày nay Trung Quốc đang là quốc gia copy và bắt chước các sáng tạo, phát minh của các dân tộc khác… Cứ như vậy Trung Quốc thả sức ăn cắp thành quả sáng tạo của phương tây tự do, từ ô-tô điện, động cơ phản lực đến Trí tuệ nhân tạo và cơ sở dữ liệu Big Data".

Dường như tôi cũng có chút máu Tầu nên nghe ông Nguyễn Thọ mắng nhiếc cả̉ nước "Trung Quốc thả sức ăn cắp" thì mặt mũi tự nhiên bỗng hóa hồng hào, và cảm thấy hơi bị tổn thương. Đang loay hoay chưa biết nên phản ứng, hay "phản biện" cách sao thì lại nghe một nhân vật khác (Christopher Wray, Giám Đốc FBI) la làng la xóm : "Trung Quốc huy động cả xã hội đi trộm cắp".

Ngay đến Joseph Biden – Phó Tổng Thống thời Obama, ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử tới – cũng không chối được rằng "việc Trung Quốc đánh cắp công nghệ là trọng tâm vấn đề cần giải quyết".

Chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết. Xá chi cỡ ông Tập Cận Bình. Thiệt là khó đỡ, và khó gỡ. Tôi chả còn biết cãi cọ hay ăn nói sao nữa mà chỉ thấy buồn thôi, và buồn lắm. Coi : la bàn, thuốc súng, chữ in … đều là những phát kiến vĩ đại của dân tộc Trung Hoa tự ngàn xưa thế mà nay cả nước bỗng dưng đâm đổ đốn đến độ đi "copy và bắt chước các sáng tạo, phát minh của các dân tộc khác" (theo như nguyên văn lời mắng mỏ của ông Nguyễn Thọ) thì có xấu hổ không cơ chứ !

Thế là thế nào ?

Vì đâu nên nỗi ?

Tôi bèn rà lại lá số tử vi của Tập Cận Bình, và tá hỏa tam tinh : hóa ra thằng chả có cung lươn lẹo – Giời ạ ! Thảo nào mà tiểu sử của họ Tập theo Wikipedia (không phải loại Wikipedia ma-dzê-inh Việt Nam đâu nha) có đoạn hơi lắt léo như sau :

Từ năm 1998 đến 2002, ông học tại chức khóa triết học và tư tưởng Marxist dành cho những người đã tốt nghiệp đại học ở Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Thanh Hoa, là nơi ông đã từng học đại học và bảo vệ thành công bằng Tiến sĩ Luật (LLD), bằng cấp bao trùm các lĩnh vực pháp luật, chính trị, quản lý và lịch sử cách mạng. Nhưng, các nhà bình luận tỏ ra nghi ngờ bằng cấp này và họ nêu ra một loạt câu hỏi. Tờ The Sunday Times of London đã giao cho một số học giả đọc luận án tiến sĩ chưa được công bố của Tập. Các học giả nhận xét rằng nội dung ít liên quan tới pháp luật, dường như không có nghiên cứu độc đáo nào, chẳng khác gì một tập hợp các trích dẫn từ các tác phẩm đã xuất bản (1).  Nhà văn Joe Chung tiến hành so sánh các tác phẩm của Tập [Cận Bình] với các học giả khác và phát hiện được rằng nhiều đoạn được sao chép từ các tác phẩm đã xuất bản từ trước hoặc các tác phẩm được xuất bản cùng thời với Tập [Cận Bình]. Có lúc, người ta thấy các trích dẫn đã được sao chép từ một tác phẩm khác, còn nguyên lỗi chính tả và lỗi chấm câu trong tác phẩm đã xuất bản trước đó. Dựa trên nghiên cứu này, Chung [Joe] hỏi liệu Tập [Cận Bình] có đạo văn khi viết luận án tiến sĩ của mình hay không (2). Bài báo trên tờ The Sunday Times cũng nói rằng những bằng cấp trước đó của Tập có chất lượng thấp và ngờ rằng rằng học vị Tiến sĩ là do ủy ban phát minh ra nhằm cải thiện hình ảnh của họ Tập (*).

ma2

Ảnh : medium.com

Ăn cắp quen tay nên Ngài Chủ tịch nước thản nhiên xua toàn dân đi chôm chỉa những phát kiến của thiên hạ về dùng, cho tiện. Nhưng đi đêm có ngày gặp ma, một con ma nặng ký, theo như cách nói nhạo báng của nhà báo Thomas L. Friedman :

"Donald Trump không xứng là tổng thống của Hoa Kỳ nhưng Trung Hoa thì chắc chắn xứng với cái ông tổng thống này" (**). 

Cho đến nay, nói nào ngay, Tầu Cộng cũng mới trộm cắp lặt vặt thôi nhưng Donald Trump – rõ ràng – đã có những phản ứng quá đáng và… quá đã :

- Tạp Chí Luật Khoa cho hay : "Tháng 11/2018, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tuyên bố thành lập một nhóm chuyên trách về những hiểm họa đến từ Trung Quốc, tên gọi China Initiative.

- The Wall Street Journal cho biết tiếp : "Vào ngày 15/5, Tổng thống Trump ban hành một mệnh lệnh hành pháp viện dẫn Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế, trao cho chính quyền quyền hạn chế mọi giao dịch với ‘đối thủ nước ngoài’ liên quan đến công nghệ thông tin và truyền thông. Ngay lập tức Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã liệt Huawei cùng công ty con của họ vào danh sách ‘kiểm soát xuất khẩu’, khiến các chuỗi cung ứng phụ kiện cho Huawei trên toàn cầu lần lượt ‘cắt đứt’ quan hệ kinh doanh với Huawei, vì không có sự cho phép của Washington".

Hệ quả : China's Richest Start Leaving As The Trade War Escalates (Giới giầu sụ của Trung Hoa bắt đầu rời nước khi cuộc chiến thương mại leo thang) theo ghi nhận của Oliver Williams, trên tạp chí Forbes, số phát hành vào ngày 28/5/2019. Tầu sắp chìm thì chuột phải chạy thôi. Cái hay của đám nhà giầu, cũng như đám chuột (ở bất cứ nơi đâu) là chúng đều đánh hơi được mùi của tai họa – từ rất xa !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 02/06/2019 (tuongnangtien's blog)

(*) From 1998 to 2002, he studied Marxist philosophy and ideological education in an "on-the-job" postgraduate programme at the School of Humanities and Social Sciences, again at Tsinghua University, and obtained a Doctor of Law (LLD) degree, which was a degree covering fields of law, politics, management, and revolutionary history. However, commentators have questioned this qualification, pointing out a series of problems with it. The Sunday Times of London commissioned scholars to read the unpublished PhD thesis who noted that the content has little to do with law, appears to contain no original research, and reads like a collection of quotes from existing published works (1). Writer Joe Chung compared Xi's works with those of other scholars and found that numerous passages had been copied from previously published works or works published around the same time as Xi's. In one case, citations were shown to have been copied from another work, including misspellings and punctuation errors in that previously published work. Based on this research, Chung raised the question of whether Xi plagiarised his PhD (2). The Sunday Times article also noted the poor esteem of his previous qualifications and speculated that the PhD was invented by a committee in order to improve Xi's public image.

(Translated by Phạm Nguyên Trường)

(1) "Objection, Mr Xi. Did you earn that law degree ?". 11 August 2013. Retrieved 13 May 2014.

(2) "Plagiarism and Xi Jinping". 24 September 2013. Retrieved 13 May 2014.

(**) Donald Trump is not the American president America deserves, but he sure is the American president China deserves. 

("China Deserves Donald Trump". The New York Times May 21, 2019).

Published in Diễn đàn

Năm 1934, quân chính phủ Trung Hoa Dân Quốc thắt chặt vòng vây tấn công quân Cộng Sản trong tỉnh Giang Tây (Jiangxi). Tưởng Giới Thạch có thể tiêu diệt mật khu Cộng Sản. Mao Trạch Đông, mới lên làm thủ lãnh, tìm đường tháo chạy về phía Nam rồi tiến qua phía Tây Bắc, vừa đánh vừa chạy, một năm sau thì đến Thiểm Tây lập chiến khu mới.

vanly1

Nếu không mua được các "chíp" từ Intel, Broadcom, Qualcomm của Mỹ, các công ty ZTE hay Huawei ở bên Tàu sẽ tê liệt ! Nhưng nay Tập Cận Bình sử dụng vũ khí "đất hiếm" có thể làm nền công nghiệp điện tử của Mỹ tê liệt. (Hình : Teh Eng Koon/AFP/Getty Images)

Đảng Cộng Sản Trung Quốc thường ca ngợi thành tích Vạn Lý Trường Chinh. Cuộc nội chiến, trong đó Mỹ giúp Tưởng Giới Thạch, kết thúc năm 1949 khi Mao thắng thế.

Tập Cận Bình mới đến đặt vòng hoa tại nơi Mao xuất phát cuộc trường chinh, thị trấn Vu Đô (Yudu, ), Giang Tây. Tại sao ông ta lại tới viếng địa điểm lịch sử này vào ngày Thứ Sáu tuần trước ? Cuộc trường chinh bắt đầu vào Tháng Mười, 1934, bây giờ mới là Tháng Năm !

Có một lý do, là Tập Cận Bình muốn gửi một thông điệp về cuộc chiến tranh mậu dịch đang khởi sự !

Đây là chuyến du hành ở trong nước đầu tiên của Tập Cận Bình, hai tuần lễ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên chiến bằng những biện pháp thuế quan mới đánh trên hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc.

Ngày Thứ Hai, Tập Cận Bình đến thành phố Cống Châu (Ganzhou, 赣州), Giang Tây, đi thăm các công trường khai thác và nhà máy chế biến của công ty JL MAG Rare-Earth, một công ty sản xuất "đất hiếm" (rare-earth) lớn nhất thế giới. Hàng Trung Quốc chiếm 59% trong tổng số $155 triệu đất hiếm mà Mỹ nhập cảng năm ngoái.

Đặc biệt, người đi kè kè bên cạnh Tập Cận Bình trong chuyến đi lại là Phó Thủ tướng Lưu Hạc, sứ giả chính của Bắc Kinh trong các cuộc thương lượng mậu dịch. Mọi người đoán ra ý nghĩa bản thông điệp : Trung Quốc có thể sử dụng đất hiếm như một vũ khí trong cuộc chiến. Nếu Trung Quốc ngưng bán ngay tất cả số đất hiếm cung cấp cho Mỹ thì nhiều ngành công nghiệp ở nước Mỹ sẽ tê liệt ! Các nhà báo hỏi thẳng điều này và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lững lờ : Hãy chờ đó, xem sao !

Bài diễn văn của Tập Cận Bình tại Vu Đô có thể đã chứa đựng một câu trả lời. Họ Tập tuyên bố, "Chúng ta đang bắt đầu một cuộc Vạn Lý Trường Chinh mới !" Trong khi đó, các mạng xã hội trong nước Tàu đang truyền nhau một bài hát về "Mậu dịch chiến !"

Bài hát "Mậu dịch chiến" do Triệu Lương Điền (趙良田) sáng tác, đặt lời theo điệu nhạc trong một phim về chiến tranh Trung Nhật, sản xuất năm 1969, kích thích lòng ái quốc của người dân Trung Hoa. Bài hát lập đi lập lại "Mậu dịch chiến ! Mậu dịch chiến ! Chúng ta không sợ những lời khiêu chiến ! Chúng ta không sợ những lời khiêu chiến ! Mậu dịch chiến phát sanh ở Thái Bình Dương !".

Nhiều công dân mạng ở Trung Quốc nói máu họ nóng lên khi nghe những câu hát này ! Dân lục địa sẵn sàng tham dự cuộc Vạn Lý Trường Chinh mới !

Đất hiếm gồm 17 loại, thực ra không hiếm mà có rất nhiều trong đất, ở California, Trung Quốc, Nga, Australia, Brazil, Burundi, Ấn Độ, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Nhưng những nguyên liệu này trở thành hiếm hoi vì khai thác tốn kém. Phải lọc những kim loại đó ra khỏi những thứ khác trong đất, cần rất nhiều sức lao động, khiến giá thành cao quá, không có lời. Hơn nữa, việc khai thác đất hiếm gây hại cho môi trường sống, muốn giảm bớt cũng rất tốn kém.

Trước năm 1980, Mỹ là nước sản xuất nhiều "đất hiếm" nhất thế giới. Mỏ đất hiếm ở Mountain Pass, California đóng cửa năm 2015 vì không có lời, hai năm sau bán cho một công ty Trung Quốc. Năm ngoái mỏ này hoạt động trở lại, nhưng chỉ lấy quặng đưa về nước Tàu tinh luyện.

Trung Quốc có mỏ đất hiếm tại Giang Tây, Sơn Đông, Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Hồ Nam, Phúc Kiến, Nội Mông Cổ, thường đã sản xuất 90% số đất hiếm. Năm ngoái xuống chỉ còn chiếm 71% trong số 170.000 tấn trên cả thế giới, sau khi Mỹ tăng số sản xuất.

Những kim loại hiếm này vẫn được dùng khi muốn làm kiếng có màu, chế biến các dụng cụ nam châm, nhưng gần đây được sử dụng trong kỹ nghệ điện tử và tin học. Phần cứng trong máy điện toán, điện thoại di động, máy laser, lò vi âm, chất bán dẫn, các động cơ điện… đều cần dùng. Các hệ thống quốc phòng như hỏa tiễn, tàu ngầm và phi cơ đều chứa những cơ phận điện tử cần đất hiếm.

Bắc Kinh đã sử dụng việc bán đất hiếm làm vũ khí ngoại giao. Năm 2010, tàu bè Trung Quốc và Nhật Bản đụng độ nhau tại vùng đảo Senkaku, Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh đã giảm bớt số lượng đất hiếm cần cho các xe chạy điện của công ty Toyota, hay pin điện của Matsushita Electric.

Với tỷ lệ cung cấp lớn cho số lượng đất hiếm dùng ở Mỹ, Trung Quốc có thể dùng thứ nguyên liệu này làm vũ khí trong cuộc "mậu dịch chiến" hay không ?

Có thể, nếu Tập Cận Bình dám chịu đựng những đòn đáp lại.

Mỗi năm các công ty điện tử và viễn thông trong nước Tàu nhập cảng khoảng 200 tỷ USD chất bán dẫn từ các công ty Mỹ. Nếu không mua được các "chíp" từ Mỹ, các công ty ZTE hay Huawei ở bên Tàu sẽ tê liệt ! Các thứ chíp sản xuất trong nước Tàu chưa đạt được tiêu chuẩn cao, chỉ dùng trong các hàng rẻ tiền. Intel, Broadcom, Qualcomm vẫn chiếm độc quyền thế giới về những loại chíp cần cho các mặt hàng tân tiến nhất !

Nhưng ông Tập Cận Bình vẫn cần phải kích thích lòng yêu nước trong dân chúng, cho nên ông kêu gọi sống lại tinh thần chiến đấu cho Vạn Lý Trường Chinh mới. Bắn tiếng đe dọa dùng vũ khí "đất hiếm" chỉ là một cách báo cho dân Trung Hoa thấy rằng nước họ có một thứ vũ khí có thể làm nền công nghiệp điện tử của Mỹ tê liệt. Không phải người dân Trung Hoa nào cũng biết các công ty của nước họ cũng có thể bị đánh sập không khác gì, nếu Mỹ phản công.

Kêu gọi Vạn Lý Trường Chinh cũng là một cách Tập Cận Bình báo tin cho Donald Trump biết Bắc Kinh… không vội vàng.

Trong cuộc chiến tranh mậu dịch đang diễn ra, phía Mỹ tỏ ra sốt ruột hơn Trung Quốc. Trả đũa các sắc thuế quan do Mỹ đánh ngay lập tức trên $200 tỷ USD mặt hàng, họ cũng đánh thuế trên 60 tỷ USD hàng Mỹ, nhưng lại nhẩn nha chờ tới đầu tháng Sáu mới áp dụng.

Khi ông bộ trưởng Tài Chánh Mỹ nói rằng ông sắp qua Tàu nói chuyện thì phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc tỏ vẻ ngạc nhiên, không biết gì về chuyện đó cả. Tổng thống Trump tuýt đi tuýt lại về "Bạn tốt" Tập Cận Bình nhưng chính họ Tập không nói một câu nào hết. Trong khi đó bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh hô hào dân chúng chấp nhận "hy sinh" sẵn sàng chịu đựng các cuộc tấn công của Mỹ.

Hiện nay Tập Cận Bình không có cách nào "ăn miếng trả miếng" với Donald Trump. Nhưng cuộc chiến tranh kéo dài thì bên nào chịu đựng được lâu hơn sẽ chiếm ưu thế. Đó là lý do họ Tập kêu gọi dân Tàu bắt đầu một cuộc Vạn Lý Trường Chinh mới ! 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 21/05/2019

Published in Diễn đàn

Tân Cương : Trung Quốc phản đối sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc (RFI, 01/05/2019)

Trung Quốc, hôm 30/04/2019, đã bác bỏ những tuyên bố của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về tình trạng của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và coi đó là hành động can thiệp vào công việc nội bộ nước này

tancuong1

Công an kiểm tra giấy tùy thân của người dân trên một phố ở Kashgar, Tân Cương, Trung Quốc, ngày 24/03/2017 - Reuters/Thomas Peter/File Photo

Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tường thuật từ Bắc Kinh :

Cuộc đọ sức giữa Bắc Kinh và Liên Hiệp Quốc vẫn tiếp tục. Đối với phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, nhân quyền chỉ là "một cái cớ" để can thiệp vào công việc nội bộ Trung Quốc.

Lập luận này được các lãnh đạo Trung Quốc thường xuyên sử dụng khi tình trạng của gần 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam cầm, theo Liên Hiệp Quốc , trong các trại cải tạo được nhắc đến. Bắc Kinh luôn khẳng định đấy là những trung tâm dạy nghề nhằm chống lại xu hướng cực đoan hóa và khủng bố.

Hiện diện ở Bắc Kinh vào cuối tuần vừa qua nhân thượng đỉnh về Con Đường Tơ Lụa, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã tránh nêu vấn đề một cách công khai. Theo người phát ngôn của ông, Stéphane Dujarric, thì tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã đề cập đến hồ sơ này khi nói chuyện riêng với lãnh đạo Trung Quốc.

Trong buổi gặp, ông Guterres đã nói : Nhân quyền phải được hoàn toàn tôn trọng trong khuôn khổ các chính sách chống khủng bố và ngăn chặn thái độ cực đoan và bạo lực. Ông còn nói thêm, mỗi cộng đồng phải cảm nhận được là bản sắc của họ được tôn trọng.

Những lời lẽ này rõ ràng đã làm Trung Quốc không hài lòng. Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, bà Michelle Bachelet, vẫn đang đợi được Bắc Kinh cho phép đến Tân Cương.

Trung Quốc đã tổ chức cho các nhà ngoại giao từ các quốc gia Hồi giáo và vùng Balkan đến thăm vùng Tân Cương, riêng Châu Âu vẫn đang chờ đèn xanh.

Các nước Liên Hiệp Châu Âu đã yêu cầu cho đại diện 28 quốc gia cùng đi, trong đó có cả Thụy Điển, nước đã đề nghị tạo điều kiện dễ dàng cho việc cấp giấy cư trú cho người Duy Ngô Nhĩ.

Mai Vân

*****************

Tập Cận Bình kêu gọi giới trẻ ''yêu Đảng'' (RFI, 30/04/2019)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 30/04/2019 cổ vũ giới trẻ trung thành với Đảng cộng sản, trong bài diễn văn kỷ niệm 100 năm "Phong trào Ngũ Tứ" - cuộc biểu tình sinh viên đã đi vào lịch sử đất nước.

tcb1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh, 26/04/2019. FRED DUFOUR / AFP

Trong khung cảnh trang trọng của Đại sảnh đường Nhân Dân nhìn ra Thiên An Môn, trước cử tọa gồm hàng ngàn thanh niên, binh lính, công nhân và đảng viên, ông Tập tuyên bố : "Tại Trung Quốc ngày nay, lòng ái quốc chính là hợp nhất tình yêu đất nước với tình yêu đảng và chủ nghĩa xã hội".

Chủ tịch Trung Quốc khẳng định : "Trong kỷ nguyên mới, thanh niên Trung Quốc phải lắng nghe những lời của Đảng và bước theo bước đi của Đảng". Lời khuyến dụ này nằm trong chủ trương "Một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Hoa" được Tập Cận Bình vạch ra trong Đại hội Đảng 19, nhằm định hướng cho Trung Quốc đến năm 2050.

Cách đây đúng 100 năm, ngày 4 tháng Năm năm 1919, đã khởi phát "Phong trào Ngũ Tứ" hay "Ngũ Tứ vận động". Khoảng 3.000 sinh viên trường đại học Bắc Kinh tuần hành về phía quảng trường Thiên An Môn, phản đối các cường quốc thắng trận trong Đệ nhất Thế chiến ký Hiệp ước Versailles, chuyển giao tỉnh Sơn Đông từ tay Đức sang cho Nhật quản lý.

Bảy mươi năm sau, các sinh viên phản kháng năm 1989 đã vinh danh thế hệ đàn anh cũng tại quảng trường Thiên An Môn, đòi dân chủ và phản đối tham nhũng. Mỉa mai thay là các cuộc biểu tình này đã bị đàn áp đẫm máu, và đến 30 năm sau vẫn là chủ đề cấm kỵ tại Trung Quốc. Ngày 4 tháng Sáu sắp tới là thời điểm vô cùng nhạy cảm : kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát Thiên An Môn.

Thụy My

***********************

"Vành đai và Con đường" : Trung Quốc muốn xuất khẩu mô hình mới lãnh đạo thế giới (RFI, 29/04/2019)

Ngày thứ Bảy, 27/04/2019, diễn đàn "Con đường Tơ Lụa Mới" lần thứ 2 kết thúc. 37 quốc gia tham gia sự kiện năm nay, nhưng nhiều cường quốc phương Tây vắng mặt.

tcb2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nâng cốc chúc sức khỏe các đại diện tham dự diễn đàn Vành đai Con đường, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26/04/2019 - Nicolas Asfour/Pool via Reuters

Nếu như diễn đàn là cơ hội để Bắc Kinh phát triển các thế mạnh về kinh tế và công nghệ với việc ký kết nhiều thỏa thuận đầu tư trị giá hàng chục tỷ đô la, thì theo giới chuyên gia, đây còn là một cơ hội để Trung Quốc khẳng định vai trò và tham vọng "xuất khẩu mô hình quản lý thế giới" mới.

Con đường Tơ Lụa Mới hay là "chiếc bẫy nợ Trung Quốc", trước những lời chỉ trích của nhiều quốc gia, diễn đàn Con đường Tơ Lụa mới năm nay mang hơi hướng của một cuộc chiến truyền thông. Trung Quốc tìm cách điều chỉnh lại công tác truyền thông, không còn nói về OBOR (One Belt, One Road – Một Vành đai, Một con đường) nữa mà đã trở thành BAR (Belt and Road – Vành đai và Con đường).

Trong bài diễn văn bế mạc diễn đàn, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi một sự minh bạch, "bền vững", "xanh" hơn và nhất là không dung thứ cho tham nhũng trong các dự án. Nhưng điểm chú ý đối với giới quan sát chính là việc rút ngắn tên gọi dự án Con đường Tơ lụa mới này, được đưa ra vào năm 2013 để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên bộ và hàng hải trị giá hơn 1.000 tỷ đô la đi từ Châu Á sang Châu Âu, qua cả Châu Phi.

Theo nhận định của bà Alice Ekman trên đài RFI, dưới chiếc nhãn ""Belt and Road", các tham vọng của Trung Quốc giờ đã vượt quá khuôn khổ của các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng (cầu đường, cảng biển, cáp quang ngầm, công nghệ…). Bài diễn văn của ông Tập Cận Bình cho thấy rõ Bắc Kinh tìm cách phát triển điều mà ông gọi là "một hình thức quan hệ quốc tế mới".

Minh Anh

Published in Châu Á

Diễn đàn Con đường Tơ lụa mới tại Bắc Kinh bế mạc, 57 tỉ euro hợp đồng ký kết (RFI, 28/04/2019)

Diễn đàn lần thứ hai về "Con đường Tơ lụa mới" tại Bắc Kinh, kéo dài ba ngày, đã kết thúc ngày 27/04/2019. Tổng cộng 57 tỉ euro hợp đồng được ký kết. Chủ tịch Trung Quốc nhân bài diễn văn bế mạc một lần nữa kêu gọi nhiều quốc gia tham gia vào kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô khổng lồ do Trung Quốc khởi xướng.

tap1

Nhà báo theo dõi bài diễn văn của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bế mạc Diễn đàn lần thứ hai về sáng kiến Một Vành đai, Một Con đường, tại Bắc Kinh, ngày 27/04/2019. GREG BAKER / AFP

Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :

"Gọi tên chính thức là "buổi họp báo" bế mạc, tuy nhiên chủ tịch Trung Quốc không trả lời báo giới. Trước các giới chức và phóng viên mà danh sách đã được chọn lọc kỹ lưỡng, ông Tập Cận Bình đọc diễn văn, nhắc lại những điều đã được nói đến trong phiên khai mạc.

Đó là : Sáng kiến Một vành đai, Một con đường hướng đến sự phát triển "mở rộng", "minh bạch" và "mang tính sinh thái". Ba tính từ nói trên được lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh để trấn an những ai lo ngại về tính chất không bền vững về tài chính, tổn hại cho môi trường và không công minh, trong các dự án do Trung Quốc khởi xướng.

Chủ tịch Trung Quốc bảo đảm : "Diễn đàn năm nay gửi đi một thông điệp rõ ràng, đó là ngày càng có nhiều bạn hữu và đối tác tham gia hợp tác trong khuôn khổ những con đường tơ lụa mới. Như tôi đã nhiều lần nhắc lại, sáng kiến Một vành đai, Một con đường này tuy xuất phát từ Trung Quốc, nhưng những cơ hội và các kết quả của kế hoạch này thuộc về toàn thế giới".

Nguyên thủ Trung Quốc còn cho biết thêm là hội nghị này đã cho phép đạt được 283 kết quả cụ thể, tuy nhiên ông Tập không đưa ra các chi tiết.

Rốt cục, hội nghị lần thứ hai về Một vành đai, Một con đường, đã đặt trọng tâm vào lĩnh vực tư nhân, để tái kích hoạt các công trình, đường xá, vốn cho đến nay chủ yếu thuộc về các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn mang tính quốc gia.

Khoảng 800 doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ tham gia vào Diễn đàn này, với tổng số 57 tỉ euro hợp đồng được ký kết tại thủ đô Trung Quốc".

Trọng Thành

*******************

'Vành đai, Con đường' : Trung Quốc hứa minh bạch, nhưng còn hồ nghi (BBC, 28/04/2019)

Diễn đàn Cấp cao Hợp tác quốc tế "Một vành đai, một con đường" lần thứ hai đã bế mạc tại Bắc Kinh hôm 27/4.

tap2

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tham dự hội nghị

Tại họp báo sau hội nghị, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận tuyên bố Hội nghị đã ra Tuyên bố chung và các bên cả thảy đã đạt được 283 thành quả "thiết thực".

Trong đó, Hội nghị các nhà doanh nghiệp tổ chức lần đầu tại diễn đàn cả thảy đã ký thoả thuận các dự án hợp tác trị giá hơn 64 tỷ đôla Mỹ.

Truyền thông Trung Quốc nói sáng kiến "Một vành đai, một con đường" sẽ mở ra tương lai tốt đẹp cùng phồn vinh.

Trước đó hôm 26/4, phát biểu khai mạc, ông Tập Cận Bình nói kết cấu kết nối "6 hành lang, 6 con đường, nhiều bến cảng của nhiều nước" đã được cơ bản hình thành.

Ông Tập cho hay hơn 150 quốc gia và tổ chức quốc tế đã ký thoả thuận hợp tác cùng xây dựng "Một vành đai, một con đường" với Trung Quốc.

Tại hội nghị lần thứ nhất năm 2017, chỉ có 29 nước ký tuyên bố chung.

Nhưng lần này, 37 nước tham gia ký, với các nước mới như Thái Lan, Bồ Đào Nha, Áo, UAE và Singapore.

Được Trung Quốc đề xướng năm 2013, "Một vành đai, một con đường" đã bị chỉ trích vì cáo buộc thiếu kiểm soát tài chính, gây hại môi trường, và chỉ có lợi cho Trung Quốc.

Trung Quốc ý thức được sự chỉ trích này, đặc biệt từ Hoa Kỳ. Do đó, Bắc Kinh đưa ra tuyên bố chung thận trọng kêu gọi "hỗ trợ tài chính bền vững và đa dạng".

Trung Quốc cũng hứa không để xảy ra nợ xấu và chống tham nhũng trong dự án.

tap3

Ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường nỗ lực bảo đảm việc bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Ủng hộ gia tăng

Hồi tháng Ba, Trung Quốc có thành công khi Italy là nước đầu tiên trong G7 ủng hộ dự án.

Hôm 27/4, tổng thống Thụy Sĩ Ueli Maurer đã ký vào tuyên bố chung ở Bắc Kinh.

Một số nhà quan sát nói nhiều quốc gia đang thừa nhận tiềm năng kinh tế khi tham gia.

Cảng Piraeus của Hy Lạp hiện do công ty nhà nước Trung Quốc Cosco quản lý. Năm ngoái, cảng này trở thành cảng đông đúc thứ sáu ở châu Âu, từ chỗ đứng ngoài tốp 15 cảng.

Trung Quốc cũng nói nhà máy thép Smederevo được HBIS Group của Trung Quốc mua lại khi sắp phá sản năm 2016. Nay công ty này là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất của Serbia.

tap4

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị

Rút ngắn quy mô

Nhưng sáng kiến của Trung Quốc cũng đã gặp nhiều khó khăn và chỉ trích ở các nước khác.

Năm ngoái, khi Mahathir Mohamad quay lại làm thủ tướng Malaysia, ông tạm hoãn dự án làm đường sắt của Trung Quốc. Tuy vậy, đầu tháng này, hai bên đồng ý tiếp tục dự án sau khi Trung Quốc nói sẽ cắt giảm một phần ba chi phí.

Tại Myanmar, chính phủ yêu cầu xem lại giá của cảng nước sâu Kyaukpyu mặc dù vẫn ủng hộ dự án.

Mặc dù là đồng minh của Trung Quốc, Pakistan cũng đã tìm cách giảm bớt nợ nước ngoài vì khó khăn kinh tế.

Bộ trưởng đường sắt Pakistan tháng 10 năm ngoái nói sẽ giảm tiền vay Trung Quốc làm đường sắt, từ 8,2 tỉ đôla xuống còn 6,2 tỉ đôla.

Các ví dụ này cho thấy nhiều nước ngày càng nhận ra rủi ro của bẫy nợ.

Gần đây, công ty Trung Quốc đã trở thành cổ đông đa số của cảng Hambantota sau khi Sri Lanka không trả được nợ. Diễn tiến này tạo ra lo ngại Bắc Kinh có thể dùng cảng này cho mục đích quân sự sau này.

Bảy rủi ro

Đầu tháng Tư, một trung tâm nghiên cứu của Mỹ, CNAS, ra báo cáo nói có bảy rủi ro thường gặp trong các dự án của "Một vành đai, một con đường".

Đó là :

- Suy giảm chủ quyền : Bắc Kinh kiểm soát các dự án hạ tầng thông qua việc cho vay, hoặc hợp đồng kéo dài vài chục năm

- Thiếu minh bạch : Nhiều dự án không rõ ràng về quy trình đấu thầu, và điều khoản tài chính không được công bố cho công chúng

- Gánh nặng tài chính : Tiền vay của Trung Quốc làm tăng rủi ro vỡ nợ hoặc khó khăn trong trả nợ. Một số dự án hoàn thành không tạo ra đủ lợi nhuận

- Kinh tế địa phương không được lợi : Các dự án thường dùng công ty và nhân công Trung Quốc cho xây dựng, đôi khi thỏa thuận chia lợi nhuận không bình đẳng

- Rủi ro địa chính trị : Một số dự án do Trung Quốc thực hiện có thể gây nguy hiểm cho hạ tầng viễn thông sở tại, hoặc đặt quốc gia đó vào giữa cạnh tranh giữa Bắc Kinh và các nước

- Tác động môi trường : Một số dự án diễn ra mà không có đánh giá môi trường đủ, hoặc đã gây hại môi trường

- Tham nhũng : Tại một số nước, các dự án tạo ra hối lộ cho quan chức

Trong diễn văn khai mạc hội nghị, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh thiện chí, cam kết minh bạch, xây dựng các dự án "chất lượng cao, bền vững, giá phải chăng".

Liệu ngôn từ mới của Trung Quốc sẽ chuyển hóa thành thực tế hay không, còn chờ thời gian để biết.

Published in Châu Á

Tập Cận Bình muốn Vành đai và Con đường 'được minh bạch' (BBC, 26/04/2019)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tìm cách xoa dịu quan ngại về dự án Vành đai và Con đường tại hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh.

tolua1

Ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường nỗ lực bảo đảm việc bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Tập tuyên bố sẽ đảm bảo sự minh bạch và "tính bền vững tài khóa" của tất cả các dự án.

Sáng kiến này được một số người coi là một nỗ lực cho ảnh hưởng địa chính trị và đã bị chỉ trích tạo ra nợ nần với các quốc gia đi vay.

Ông Tập cũng tìm cách giải quyết các mối quan ngại thương mại chính của Hoa Kỳ trước cuộc hội đàm hai nước vào tuần tới.

Phát biểu vào ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường, ông Tập cho biết mục đích của chương trình cơ sở hạ tầng là "tăng cường kết nối và hợp tác thực tế".

Sáng kiến đầy tham vọng, dự kiến sẽ cần đến hơn 1 nghìn tỷ đô la đầu tư, đã và đang cấp vốn cho ác dự án xe lửa, đường bộ và cảng ở nhiều quốc gia.

Ông nói rằng chương trình này là nhằm "mang lại kết quả cùng có lợi và phát triển chung".

"Mọi thứ nên được thực hiện theo cách thức minh bạch và chúng ta không thể khoan dung với tham nhũng", ông nói. "Chúng ta cũng cần đảm bảo tính bền vững thương mại và tài khóa của tất cả các dự án để chúng sẽ đạt được các mục tiêu dự định theo đúng kế hoạch đề ra".

Bắc Kinh đang phô diễn các dự án cơ sở hạ tầng hàng đầu của mình tại diễn đàn ba ngày nơi nước chủ nhà đón các nhà lãnh đạo thế giới bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ý Giuseppe Conte.

Phát biểu tại Bắc Kinh, bà Christine Lagarde, Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói về nhu cầu tạo ra 'Vành đai và Con đường 2.0' với tinh thần "chỉ kiến thiết ở đâu có phát triển bền vững và tính minh bạch".

Tân Tổng giám đốc Ngân hàng Thế giới, David Malpass, người Mỹ đã không dự Diễn đàn BRF tại Bắc Kinh lần này vì bận đi Châu Phi.

Tuy thế, bà Kristalina Georgieva, CEO của Ngân hàng Thế giới đại diện cho tổ chức này đến Bắc Kinh, nơi bà phát biểu về nguy cơ 'bẫy nợ'.

"Khi chúng ta có kế toán tốt, không đầu cơ, thì việc thật rõ là gánh nặng nợ nần một quốc gia có thể gánh chịu là bao nhiêu. Và Ngân hàng Thế giới có vai trò ở đây... đối với Vành đai và Con đường, cần có hệ thống đánh giá độc lập, của bên thứ ba, để giúp các quốc gia làm đúng".

Bị chỉ trích tạo ra gói nợ

Dự án đã bị chỉ trích vì để lại một số quốc gia lún sâu vào nợ nần như việc Sri Lanka buộc phải trao quyền kiểm soát một cảng vào năm 2017 để trả lại một số khoản vay nước ngoài.

Với các cuộc đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc do tiếp tục vào tuần tới, ông Tập cũng đã tìm cách giải quyết một số điểm tranh chấp chính.

Các cuộc đàm phán giữa hai nước đã được tiến hành kể từ tháng 12 khi cả hai bên đồng ý đình chỉ thuế quan trong nỗ lực ăn miếng trả miếng.

Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ và muốn Bắc Kinh thay đổi chính sách kinh tế của mình mà Washington nói Bắc Kinh đã ủng hộ các công ty trong nước không công bằng thông qua trợ cấp.

Hoa Kỳ cũng muốn Trung Quốc mua thêm hàng hóa Mỹ để kiềm chế thâm hụt thương mại lớn.

Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ tiến hành cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế và nhiều người ở Bắc Kinh coi cuộc chiến thương mại là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế sự gia tăng của nước này.

Trong bài phát biểu của mình, ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường nỗ lực bảo đảm việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, tăng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ và đảm bảo môi trường giao dịch công bằng cho các công ty, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đối xử công bằng.

"Chúng tôi sẽ rà soát toàn diện và bãi bỏ các quy định, trợ cấp và những thói quen phi lý, cản trở cạnh tranh công bằng và bóp méo thị trường", ông Tập nói.

"Chúng tôi hy vọng rằng các quốc gia khác cũng sẽ tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi, đối xử với các doanh nghiệp, sinh viên và học giả Trung Quốc bình đẳng, và tạo một môi trường công bằng và thân thiện để họ tham gia trao đổi và hợp tác quốc tế bình thường".

***************

Ông Tập Cận Bình : ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’ phải bền vững (VOA, 26/04/2019)

Chủ tch Tp Cn Bình hôm 26/4 phát biu khai mc rng "Sáng kiến Vành đai và Con đường" cn phi thân thin vi môi trường và bn vng, và rng cơ s h tng ln cũng như kế hoch thương mi phi dn ti s phát trin "cht lượng cao" cho mi người.

tolua2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh về Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh sán 26/4 - Ảnh: Reuters.

Ông Tập có kế hoch khôi phc li Con đường Tơ la, ni Trung Quc vi Châu Á, Châu Âu và xa hơn na vi mc chi tiêu khng l cho cơ s h tng.

Tuy nhiên, theo Reuters, sáng kiến này cũng gây ra nhiu tranh cãi vì mt s quc gia đi tác phàn nàn v chi phí cao cho các dự án.

Trung Quốc đã nhiu ln nói rng nước này không tìm cách đy bt kỳ ai vào by n cũng như ch có các mc đích tt đp.

Trong bài phát biểu ti hi ngh thượng đnh v "Sáng kiến Vành đai và Con đường", ông Tp nói rng bo v môi trường phi là nn tng ca chương trình nhm "bo v ngôi nhà chung chúng ta đang sng".

Ông nói thêm : "Xây dựng cơ s h tng toàn din, cht lượng cao, bn vng, chng ri ro và giá c hp lý s giúp các nước hoàn toàn tn dng được các ngun lc".

Sáng kiến Vành đai và Con đường ca Chủ tch Tp Cn Bình đã gây ra nhiu tranh cãi nhiu nước phương Tây, nht là M, vn coi đó là mt phương tin đ gây nh hưởng ca Trung Quc nước ngoài cũng như đt gánh nng lên các nước vi khon n không bn vng qua các d án thiếu minh bch.

Các nhà lãnh đạo thế gii ti Trung Quc d din đàn có Tng thng Nga Vladimir Putin cũng như Th tướng Imran Khan ca Pakistan, mt đng minh thân thiết ca Trung Quc.

Ngoài ra, còn có đại din các nước nhn đu tư ln ca "Sáng kiến Vành đai và Con đường" cũng như lãnh đo ca Italia, quc gia đu tiên thuc nhóm G7 gia nhp sáng kiến.

Published in Châu Á

Nỗ lực cải tổ quân đội của Tập Cận Bình để thay thế Mỹ tại Châu Á (BBC, 26/04/2019)

"Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cải tổ lại Quân đội Nhân dân Trung Hoa thành một lực lượng nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với quân đội Hoa Kỳ - thậm chí vượt mặt ở một số lĩnh vực. Chiến thắng của Hoa Kỳ trước Trung Quốc trong một cuộc chiến khu vực không còn được đảm bảo".

tcb1

Tập Cận Bình muốn chấm dứt kỷ nguyên thống trị Châu Á của Mỹ

Đó là nhận định theo bài phân tích mới nhất David Lague và Benjamin Kang Lim của Reuters, đánh giá lại những nỗ lực của Tập Cận Bình trong việc thâu tóm và phát triển Quân đội Nhân dân Trung Hoa để tìm cách thay thế Mỹ thành gã khổng lồ về quân sự tại Châu Á.

Bài viết mang tiêu đề "Trung Quốc đang thay thế Mỹ thành gã khổng lồ quân sự tại Châu Á như thế nào ?" đặt vấn đề, nhưng chưa trả lời được phần "như thế nào". Dầu vậy, cũng đưa ra được nhiều thông tin, chi tiết đáng chú ý.

tcb2

Lực lượng diễu binh chuẩn bị cho sự xuất hiện của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hồng Kông là một trong những sự kiện kỷ niệm 20 năm thành phố này được Anh trả về Trung Quốc hôm 30/6/2017

Tập Cận Bình muốn chấm dứt sự thống trị Châu Á của Mỹ

"Hoa Kỳ có thể thua", cựu Đô đốc Hoa Kỳ Gary Roughead, người từng nắm vị trí hàng đầu trong Hải quân Hoa Kỳ và giờ là đồng chủ tịch ban đánh giá lưỡng đảng về chiến lược quốc phòng của chính phủ của ông Trump, nói.

Rõ ràng là Tập Cận Bình muốn chấm dứt kỷ nguyên thống trị của Hoa Kỳ ở Châu Á.

"Trong phân tích kết luận cuối cùng, người Châu Á sẽ quyết định các vấn đề của Châu Á, giải quyết các vấn đề của Châu Á và bảo vệ an ninh của Châu Á", ông Roughead nói trong một bài phát biểu năm 2014 với các nhà lãnh đạo nước ngoài về an ninh khu vực.

Chủ tịch Trung Quốc không chỉ đang cách mạng hóa Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Ông Tập đang thực hiện một loạt các động thái đang làm thay đổi Trung Quốc và cả trật tự toàn cầu. Ông Tập đã từ bỏ cái cách của Đặng Tiểu Bình rằng Trung Quốc nên che giấu sức mạnh của mình và chờ đợi thời cơ. Nhưng giờ với ông Tập, thời gian chờ đợi đã kết thúc.

tcb3

Một tàu ngầm Vạn lý Trường thành 236 của Hải quân Trung Quốc tham gia cuộc diễu hành hải quân để kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân ở vùng biển gần Thanh Đảo, phía đông tỉnh Sơn Đông hôm 23/4

Các bài phát biểu của ông Tập luôn đề cập nhiều đến "Giấc mơ Trung Quốc" của ông, nơi mà một quốc gia cổ đại phục hồi từ sự sỉ nhục bởi cuộc xâm lăng của ngoại bang và lấy lại vị trí xứng đáng của mình như một quyền lực thống trị ở Châu Á.

Nỗ lực này được thể hiện qua những ví dụ tiêu biểu của quyền lực mềm : Chương trình Vành đai và Con đường trị giá hàng tỷ đô la để xây dựng một mạng lưới cơ sở hạ tầng và thương mại toàn cầu với Trung Quốc, và kế hoạch "Made in China 2025" để biến đất nước này thành một gã khổng lồ về sản xuất công nghệ cao.

Nhưng bước đi táo bạo nhất vẫn là việc ông ta mở rộng sức mạnh cứng của Trung Quốc, thông qua việc tái cơ cấu lại PLA, lực lượng chiến đấu lớn nhất thế giới.

Cải tổ lại Quân đội Giải phóng Nhân dân

Năm 1938, trong lúc diễn ra một chiến dịch để đưa Trung Quốc vào tay cai trị của Đảng Cộng sản, nhà lãnh đạo cách mạng Mao Trạch Đông đã viết : "Kẻ nào có quân đội, kẻ đó có quyền lực".

Tập Cận Bình, người kế vị mới nhất của Mao, đã biến câu nói đó thành hiện thực.

Chính ông Tập đã mặc lên mình bộ quân phục rằn ri, tự tuyên làm tổng tư lệnh và nắm quyền kiểm soát lực lượng quân đội hai triệu quân hùng mạnh của Trung Quốc, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA).

Tập Cận Bình đã chuyển PLA từ một lượng bộ binh truyền thống sang một lực lượng hùng mạnh trên biển.

Đây là cuộc đại tu lớn nhất của PLA kể từ khi Mao dẫn dắt đến chiến thắng trong cuộc nội chiến và thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào 1949.

Ông đã phá vỡ bộ máy quân sự quan liêu dưới thời Mao. Một loạt chỉ huy mới báo cáo trực tiếp đến ông Tập, người nắm giữ vị trí chủ tịch của Quân ủy trung ương, cơ quan ra quyết định quân sự hàng đầu Trung Quốc.

Cốt lõi của tầm nhìn đổi mới quốc gia này là một quân đội trung thành, không tham nhũng mà ông Tập yêu cầu phải sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng.

Từ đầu, chiến dịch thanh trừng tham nhũng và thăng chức cho các quan chức trung thành cho thấy rõ ông Tập có kế hoạch trong việc cải tổ PLA.

Từ giữa 2015, ông ta đã cắt 300.000 nhân viên hành chính và không phải chiến đấu trước khi tiến hành một cuộc đại tu toàn diện về cấu trúc quân sự.

Ông xóa bỏ bốn "tổng cục" quân đội thành lập dưới thời Mao, vốn đã trở nên quá quyền lực, tự trị và vô cùng tham nhũng, theo như Li Nan, chuyên gia về quân đội Trung Quốc nói từ Đại học Quốc gia Singapore.

Ông Tập đã thay thế nó bằng 15 cơ quan, báo cáo trực tiếp cho Hội đồng Quân ủy Trung ương do ông Tập làm chủ tịch.

tcb4

Lễ thượng kỳ trong cuộc diễu hành quân sự để kỷ niệm 90 năm thành lập của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tại căn cứ huấn luyện quân sự Zhurihe ở Khu tự trị Nội Mông, ngày 30 tháng 7 năm 2017

Ông cũng loại bỏ bảy khu vực quân sự dựa trên địa lý và thay thế chúng bằng Ngũ đại chiến khu mới.

Các đại chiến khu này, có thể cho là tương đương với các bộ chỉ huy lực lượng vũ trang Hoa Kỳ, chịu trách nhiệm về các hoạt động quân sự và tập trung mạnh mẽ vào việc kết hợp các khả năng không quân, trên bộ, hải quân và các khả năng khác của lực lượng vũ trang Trung Quốc để phù hợp với chiến tranh hiện đại.

Biển Đông - Vạn lý Trường thành trên biển

Chính Tập Cận Bình là người đã các hoạt động nạo vét và xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông vào 2013, theo như một bài xã luận tháng 7/2017 trên tờ Thời báo Nghiên cứu, cơ quan ngôn luận chính thức của Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng.

Bài xã luận coi những hoạt động này tương đương với việc "xây dựng một Vạn lý Trường thành trên biển".

Việc củng cố các tiền đồn ở Biển Đông, gồm các đơn vị tên lửa có nghĩa là Trung Quốc gần như đã thôn tính một vùng rộng lớn của vùng biển này.

Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đô đốc Philip Davidson trước đó đã nói với một ủy ban của Quốc hội rằng Trung Quốc hiện có khả năng kiểm soát Biển Đông về mọi viễn cảnh "xung đột ngầm" (Short of war) - bằng sách sử dụng lực lượng quân sự một cách chọn lọc và kiềm chế để ép buộc sự tuân thủ theo ý định của cơ quan kiểm soát vũ lực.

tcb5

Một đơn vị Hải quân Trung Quốc tuần tra tại Đảo Phú Lâm, thuộc Quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc gọi là Quần đảo Xisha, ngày 29 tháng 1 năm 2016. Dòng chữ trên đá đọc, "Xisha Old Dragon ". Old Dragon là tên địa phương của một bãi đá gần Đảo Phú Lâm

Ông Tập cũng đang đẩy mạnh áp lực quân sự đối với Đài Loan, Nhật Bản và Ấn Độ - các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực.

Bên cạnh một kho tên lửa khổng lồ có khả năng tấn công Đài Loan, lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc đang thực hiện các cuộc tập trận ngày càng phức tạp, thường xuyên bao vây hòn đảo tự trị này

Dù vậy, bài phân tích lại cho rằng bản thân bên trong PLA vẫn có những câu hỏi về khả năng cạnh tranh với lực lượng của Hoa Kỳ và các cường quốc quân sự tiên tiến khác.

Trong nhiều bài bình luận được công bố, các sĩ quan và chiến lược gia Trung Quốc chỉ ra rằng PLA thiếu kinh nghiệm trong xung đột, thiếu sót về công nghệ và thất bại trong việc tìm cách chỉ huy và kiểm soát hiệu quả.

Dù vậy nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình không chỉ đổi mới lực lượng Quân đội Nhân dân Trung Quốc, mà còn đang thay đổi vị thế của Trung Quốc trên thế giới - trở thành một thách thức về mọi phương diện đối với Hoa Kỳ.

******************

Trung Quốc lấy làm tiếc vấn đề Biển Đông làm tổn hại quan hệ với Anh (VOA, 26/04/2019)

Phó Thủ tướng Trung Quc H Xuân Hoa hôm 25/4 nói vi B trưởng Tài chính Anh Philip Hammond đang thăm Bc Kinh rng tht đáng tiếc vn đ Bin Đông đã gây phương hi cho các mi quan h gia hai nước, sau khi mt tàu chiến ca Anh hi tháng 8 năm ngoái đã đi sát qua các đảo mà Trung Quc có tuyên b ch quyn.

tcb6

Tàu khu trục HMS Argyll ca Anh và các tàu ca Nht Bn trong mt cuc tp trn chung trên bin n Đ Dương hôm 26/9/2018. Tàu chiến ca Anh đã đi qua Eo bin Đài Loan làm quan h gia Anh và Trung Quc có nhiu biến đng.

"Thật đáng tiếc vì k t tháng 8 năm ngoái các mi quan h gia hai nước chúng ta đã chng kiến nhng biến đng vì vn đ Bin Nam Trung Hoa (mà Vit Nam gi là Bin Đông) và các cuc đi thoi giữa hai chính phủ cũng như các d án hp tác b ngưng tr", ông H nói vi B trưởng Hammond trong cuc hp Bc Kinh.

Bộ trưởng Anh tán đng các phát biu ca phó th tướng Trung Quc rng có "mt s khó khăn trong vic thúc đy mt mi quan h tích cc mà các nhà lãnh đạo ca hai bên đã đ ra".

"Tất nhiên ông hiu rng Vương quc Anh không thiên v trong các vn đ Bin Nam Trung Hoa (tc Bin Đông)", ông Hammond nói.

Theo Reuters

**********************

Paris và Bắc Kinh tranh cãi về quyền tự do hàng hải ở eo biển Đài Loan (RFI, 25/04/2019)

Đối phó với Mỹ chưa xong, giờ đây, Trung Quốc lại phải quay sang đối phó với Pháp trên vấn đề eo biển Đài Loan.

tcb7

Thủy thủ Pháp canh gác trên chiến hạm Vendemiaire lúc đang chuẩn bị cập cảng quốc tế ở Manila, ngày 12/03/2018. TED ALJIBE / AFP

Vào hôm nay, 25/04/2019, chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi Bắc Kinh chính thức loan báo là đã gởi công hàm phản đối vụ một chiến hạm Pháp đi qua eo biển Đài Loan vào đầu tháng Tư, Paris đã phản ứng, tái khẳng định quyền tự do hàng hải trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Nguyên nhân dẫn đến tranh cãi là sự kiện một chiến hạm Pháp, được xác định là chiến hạm Le Vendémiaire, hôm 06/04 vừa qua, đã đi qua eo biển Đài Loan.

Bắc Kinh đã công khai tố cáo hành động bị coi là xâm nhập lãnh hải Trung Quốc một cách bất hợp pháp, đồng thời cho biết là đã gởi công hàm cực lực phản đối đến nước Pháp. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn cho biết là hải quân nước này đã cho chiến hạm của mình ra nhận dạng và xua đuổi tàu Pháp.

Cho đến hôm nay, Paris hoàn toàn kín tiếng về hoạt động của chiếc Le Vendémiaire ở vùng eo biển Đài Loan, nhưng những lập luận có thể nói là đao to búa lớn của Trung Quốc đã khiến Pháp phải phản ứng.

Theo hãng tin Pháp AFP, một cộng sự viên của bộ trưởng bộ Quân Lực Pháp Florence Parly vào hôm nay đã xác định hai điểm : Trước hết là Pháp luôn luôn gắn bó với "quyền tự do hàng hải, phù hợp với luật biển", và kế đến là "Hải quân Pháp trung bình mỗi năm đều đi qua eo biển Đài Loan một lần, mà không gây nên bất kỳ một sự cố hay phản ứng nào".

Sự kiện Paris nhắc nhở Bắc Kinh về quyền tự do đi lại tại vùng eo biển Đài Loan diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc trên vấn đề Đài Loan, với việc Mỹ tăng cường nhịp độ cho chiến hạm của mình băng qua eo biển Đài Loan, gây ra những phản ứng gay gắt từ phía Bắc Kinh.

Gần đây nhất là hồi tháng Hai vừa qua, Trung Quốc cũng đã phản đối Mỹ cho chiến hạm băng qua eo biển Đài Loan và tố cáo một "hành động khiêu khích".

Theo giới quan sát, việc tàu chiến Pháp đi qua eo biển Đài Loan là một dấu hiệu cho thấy các đồng minh của Mỹ đang tăng cường thực hiện quyền tự do đi lại tại những vùng biển quốc tế gần Trung Quốc. Sau Pháp, các nước như Nhật, Úc cũng có thể nghĩ đến việc có những hành động tương tự.

Về phần nước Pháp, việc Paris tái khẳng định quyền tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế nằm trong chiến lược mới của Pháp muốn đóng một vai trò năng nổ hơn trong khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương. Trong ba năm gần đây, hầu như năm nào Pháp cũng cử tầu đến khu vực Biển Đông. Trong một quyết định đầy tính biểu tượng, tầu sân bay Charles de Gaulle đã được phái qua thi hành nhiệm vụ ở vùng Ấn Độ Dương sẽ ghé Singapore, nhưng sẽ không đi qua Biển Đông.

Đối với ông Abraham Denmark, cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Á, "sự cố" Đài Loan đã phản ánh cách tiếp cận mới của Pháp đối với Trung Quốc và vùng Châu Á Thái Bình Dương. Đối với Trung Quốc, các nước như Pháp không còn đơn thuần xem xét qua lăng kính thương mại mà còn từ quan điểm quân sự.

Điều quan trọng, theo chuyên gia này, là cần phải thêm nhiều nước khác đến hoạt động ở Châu Á để chứng minh rằng đó không chỉ là vấn đề cạnh tranh tay đôi giữa Washington và Bắc Kinh, mà những gì Trung Quốc đang làm đã thách thức cả trật tự quốc tế.

Trọng Nghĩa

*****************

Tàu chiến Pháp đi qua eo biển Đài Loan, Trung Quốc lên án Pháp xâm phạm hải phận (RFA, 25/04/2019)

Một tàu chiến Pháp vừa đi qua eo biển Đài Loan vào tháng này vào giữa lúc Trung Quốc và Mỹ đang có những căng thẳng. Hãng tin Reuters trích lời các giới chức Hoa kỳ cho biết như vậy hôm 25/4.

tcb8

Tàu Vendemiaire của Hải quân Pháp tại một cảng ở Philippines ngày 12 tháng 3 năm 2018 Reuters

Theo Reuters, tàu hộ vệ Vendemiaire của Pháp đã đi qua eo biển giữa Trung Quốc và Đài Loan hôm 6/4.

Các giới chức Mỹ cho Reuters biết, vì lý do này, Trung Quốc đã bỏ lời mời Pháp tham dự lễ diễu binh mừng 70 năm thành lập Hải quân Trung Quốc hôm 23/4 vừa qua.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 25/4 cũng đã chính thức lên tiếng phản đối Pháp vì đã cho tàu hộ vệ Vendemiaire đi qua eo biển Đài Loan.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc gọi đây là hành vi xâm phạm vùng biển của Trung Quốc.

Hiện Hải quân Pháp vẫn chưa đưa ra lời bình luận nào về diễn biến mới này.

Theo Reuters, việc tàu chiến Pháp đi qau eo biển Đài Loan cho thấy dấu hiệu các đồng minh của Mỹ đang tăng cường thực thi quyền tự do hàng hải tại những vùng biển quốc tế gần Trung Quốc.

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của mình và chỉ chờ ngày được độc lập.

********************

Chiến hạm Pháp qua eo biển Đài Loan, Bắc Kinh gay gắt phản đối (RFI, 25/04/2019)

tcb9

Chiến hạm Pháp Vendemiaire (F734) tuần tra trên Biển Đông . Reuters/Romeo Ranoco

Bộ quốc phòng Trung Quốc vào hôm nay 25/04/2019 khẳng định là đã chính thức phản đối Paris về vụ một chiến hạm Pháp đã băng qua eo biển Đài Loan hồi đầu tháng Tư. Sự vụ xẩy ra hôm 06/04, nhưng mãi đến hôm qua 24/04, mới được phía Mỹ tiết lộ.

Trong một cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường cho biết là chính quyền Bắc Kinh đã chính thức gởi công hàm cho phía Pháp, cực lực phản đối sự kiện một chiến hạm Pháp đã xâm nhập lãnh hải Trung Quốc một cách bất hợp pháp khi đi qua eo biển Đài Loan vào đầu tháng Tư này.

Theo hãng tin Pháp AFP, phát ngôn viên Trung Quốc còn cho biết là chiến hạm Trung Quốc đã được điều ra để theo dõi.

Đối với Bắc Kinh, Đài Loan là một tỉnh ly khai, do đó cả đảo này lẫn vùng eo biển Đài Loan đều thuộc lãnh thổ của Trung Quốc.

Bắc Kinh như vậy đã xác nhận thông tin được hai quan chức Mỹ xin giấu tên tiết lộ vào hôm qua (24/04), theo đó ngày 06/04/2019, chiến hạm Pháp Le Vendémiaire đã băng qua vùng eo biển phân cách Đài Loan và Trung Quốc, trong một động thái hiếm hoi đối với tàu chiến Châu Âu.

Một quan chức Mỹ được hãng tin Anh Reuters trích dẫn đã nhận xét rằng trong lịch sử hiện đại, ông chưa thấy một chiến hạm Pháp nào đi qua vùng eo biển này.

Cũng theo hai nguồn tin trên, được hãng tin Anh Reuters trích dẫn, sau sự kiện đó, Bắc Kinh đã rút lại lời mời chiến hạm Pháp tham gia cuộc "diễu hành" hải quân hôm 23/04 ngoài khơi Thanh Đảo (Sơn Đông) nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hải quân Trung Quốc.

Theo Reuters, đại tá Patrik Steiger, phát ngôn viên của tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp đã từ chối bình luận về một chiến dịch đang được tiến hành.

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á

Pháp và Châu Âu mong đợi gì từ chuyến công du Paris của Tập Cận Bình ? (RFI, 25/03/2019)

Đáp lời mời của tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhân chuyến công du Bắc Kinh năm 2018, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp Nhà nước tại Paris trong vòng ba ngày, bắt đầu từ ngày 24/03/2019. Vậy Bắc Kinh muốn gì từ Paris và Bruxelles ? Và phản ứng của Pháp và Châu Âu ra sao ?

congdu1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi ký kết thỏa thuận với Ý tại Villa Madama, Roma, ngày 23/03/2019. Reuters/Yara Nardi

Theo giới quan sát, chuyến đi của Tập Cận Bình nhằm thực hiện một "chiến dịch ve vãn" nước Pháp và Liên Hiệp Châu Âu. Hoạt động ngoại giao này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Hoa Kỳ lao vào một cuộc chiến thương mại chưa từng có. Nền kinh tế của Trung Quốc bị trì trệ và dự án "Con đường Tơ Lụa Mới" đi từ Á sang Âu, qua cả Châu Phi vẫn gặp phải sự chần chừ, do dự, thậm chí là lo ngại từ phía các nước Châu Âu.

Nhận định về chuyến thăm Pháp, ông Jean-Paul Tchang, chuyên gia về kinh tế và đồng sáng lập viên tờ La Lettre de la Chine – Thư từ Trung Quốc, trên đài truyền hình France Info cho rằng "Trung Quốc hy vọng lôi kéo được Pháp có một cái nhìn tích cực hơn về mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc" và đây sẽ là "một thông điệp cho các đối tác Châu Âu khác".

Do vậy, ông Tập Cận Bình, trong mục diễn đàn trên Le Figaro đã ca ngợi hết lời mối quan hệ hữu hảo giữa Trung Quốc và Pháp từ 55 năm qua và kêu gọi gia tăng hợp tác thương mại và đầu tư. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến các lĩnh vực mà đôi bên có thể thắt chặt hợp tác nhiều hơn như năng lượng hạt nhân, hàng không, không gian, nông nghiệp và cả trong công nghiệp.

Thế nhưng, những lời mời mọc hợp tác "đôi bên cùng có lợi" của ông Tập Cận Bình cũng không làm xóa tan được mối ngờ vực của giới chuyên gia Pháp về tham vọng bá quyền của Bắc Kinh và nhất là tìm cách thâu tóm các ngành công nghệ mũi nhọn của Châu Âu thông qua các dự án đầu tư.

Theo bà Sophie Boisseau de Rocher, Trung tâm Châu Á, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp trên làn sóng RFI, điểm yếu của Bắc Kinh hiện nay là chưa đủ tự tin nâng cấp công nghệ của mình trong khi Châu Âu vẫn là một sân chơi hấp dẫn trong lĩnh vực này. Vì vậy, trong trước mắt, Bắc Kinh vẫn còn cần đến Lục Địa Già. Làm thế nào lôi kéo các ngành công nghệ của Châu Âu vào mạng lưới công nghệ Trung Quốc để rồi sau đó áp đặt các chuẩn mực của mình là mục tiêu chính trong dài hạn của Bắc Kinh.

Đây chính là điểm khiến cho tổng thống Pháp và một số đồng nhiệm Châu Âu lo ngại, theo như giải thích của bà Sophie Boisseau de Rocher : "Châu Âu lo ngại đây là một dự án bá quyền. Có nghĩa là nếu dự án được thực hiện và khai thác như phía Trung Quốc trình bày thì người ta thấy là các nguồn tài chính, nhân lực và sản phẩm, tất cả đều là của Trung Quốc. Gần 90% dự án Con đường tơ lụa hoạt động với các sản phẩm, chuẩn mực của Trung Quốc. Đây hoàn toàn không phải là dự án mà các bên cùng có lợi, có đi có lại, như phía Trung Quốc rao giảng. Không thể chấp nhận một dự án được thực hiện trong các điều kiện như vậy tại Châu Âu.

Đối với Châu Âu, điều quan trọng hiện nay là phải thuyết phục Tập Cận Bình và giới lãnh đạo ở Bắc Kinh xem xét lại dự án của họ, để Châu Âu không cảm thấy bị thiệt thòi, tổn hại lợi ích do việc thực hiện dự án Con đường tơ lụa, làm sao để dự án có thể đóng góp một cách đầy đủ vào sự phát triển của Châu Âu. Và quả thực, Châu Âu đã điều chỉnh được phần nào sự lệch lạc của dự án ban đầu mà tôi vừa nói tới".

Tóm lại, liệu chủ nhân điện Elysée có cưỡng lại được những bẫy mồi do Tập Cận Bình giăng ra hay không ? Làm thế nào thuyết phục và kìm hãm được tham vọng bá quyền của Trung Quốc ? Đây sẽ làm một bài toán khó đối với tổng thống Emmanuel Macron.

Minh Anh

******************

Nghênh tiếp Tập Cận Bình, Macron muốn Bắc Kinh bớt tham vọng bá quyền (RFI, 25/03/2019)

Sau chuyến ghé thăm chớp nhoáng Monaco và buổi gặp riêng rồi ăn tối cùng tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại thị trấn Beaulieu-sur-Mer, vùng Côte d’Azur, miền nam nước Pháp vào hôm qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên Paris hôm nay, 25/03/2019, chính thức bắt đầu ba ngày công du cấp Nhà Nước tại Pháp.

congdu2

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước đội quân danh dự tại Khải Hoàn Môn Paris (Pháp) ngày 25/03/2019. Francois Mori/Pool via Reuters

Theo AFP, khi nghênh đón ông Tập Cận Bình, tổng thống Pháp sẽ cố thuyết phục Trung Quốc chấp nhận hành xử theo các quy tắc trong quan hệ đa phương, trong bối cảnh nội bộ Liên Hiệp Châu Âu đang chia rẽ trước cuộc tấn công ngoại giao - thương mại của Bắc Kinh.

Sau nghi thức đón tiếp long trọng dưới chân Khải Hoàn Môn Paris, là cuộc hội kiến giữa hai lãnh đạo Pháp-Trung tại điện Elysées, theo sau là một cuộc tiếp xúc với báo chí, trước buổi đại yến chính thức.

Như thông lệ, chuyến công du là dịp để hai bên ký kết các hợp đồng thương mại hay thỏa thuận hợp tác, nhưng đối với giới quan sát, vế quan trọng hơn cả sẽ là hội nghị thượng đỉnh 3+1 vào ngày mai, 26/03, giữa chủ tịch Trung Quốc một bên, và bên kia là tổng thống Pháp, thủ tướng Đức cùng với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu.

Cuộc họp theo sáng kiến của ông Macron phản ánh chủ trương của nước Pháp muốn thúc đẩy một lập trường chung của Liên Hiệp Châu Âu nhằm thúc giục Trung Quốc giảm bớt các tham vọng đang làm thay đổi cục diện của thế giới, và ảnh hưởng đến các lợi ích của Châu Âu.

Một trong những mũi tiến công của Bắc Kinh vào Châu Âu hiện đang khiến Paris, Berlin và Bruxelles quan ngại là Sáng Kiến Một Vành Đai Một Con Đường của chính chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bắc Kinh mới đây đã chiêu dụ được Ý, một cường quốc G7 từng là một trong những sáng lập viên Liên Hiệp Châu Âu. Rôma đã đi theo Trung Quốc bất chấp thái độ bất bình của các đồng minh.

Ngay hôm qua, sau buổi ăn tối với chủ tịch Trung Quốc, tổng thống Pháp đã xác định trong một tin nhắn twitter rằng "chuyến công du này (của ông Tập Cận Bình) sẽ củng cố quan hệ đối tác chiến lược Pháp-Trung Quốc và khẳng định vai trò của Pháp, Châu Âu và Trung Quốc trong việc ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương".

Trọng Nghĩa

***********************

Con đường tơ lụa gập ghềnh của Trung Quốc ở Pháp (RFI, 25/03/2019)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt chân đến Pháp từ hôm qua, 24/03/2019, sau chuyến thăm nước Ý, nơi mà sáng kiến Một Vành Đai Một Con Đường của ông - tên tắt tiếng Anh là BRI – đã gặt hái nhiều kết quả. Tuy nhiên, theo giới quan sát, nhân 3 ngày công du Pháp, chính thức khởi sự hôm 25/03, sáng kiến còn được gọi là Con đường tơ lụa mới có rất nhiều khả năng không được đón tiếp thuận lợi do thái độ nghi kỵ của Pháp.

congdu3

Tổng thống Pháp Macron đón tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Binh tại Villa Kérylos, Beaulieu-sur-Mer, gần Nice, miền nam Pháp, tối 24/03/2019. Reuters/Jean-Paul Pelissier

Trên danh nghĩa, sáng kiến của Trung Quốc về việc xây dựng cả một hệ thống hạ tầng cơ sở, đường sắt, đường biển nối liền các quốc gia từ Á sang Âu sẽ thúc đẩy giao thương và hợp tác có lợi cho tất cả các nước. Thế nhưng đối với Pháp cũng như là nhiều thành viên Liên Hiệp Châu Âu, đây là những con đường trên thực tế không phải là hai chiều như Bắc Kinh luôn phô trương, mà chủ yếu phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc.

Quan điểm rất dè dặt của Paris về Con đường tơ lụa mới

Ngay từ trước lúc chủ tịch Trung Quốc đặt chân xuống Pháp, Paris đã liên tiếp tung ra nhiều tín hiệu, nêu rõ quan điểm dè dặt của Pháp đối với sáng kiến của ông Tập Cận Bình.

Nhân chuyến viếng thăm Nairobi, thủ đô xứ Kenya ở Châu Phi hôm 13/03/2019, dù không nêu đích danh, nhưng tổng thống Pháp Emmanuel Macron như đã gởi một thông điệp đến Trung Quốc, vốn hiện diện mạnh mẽ ở Châu Phi, khi nhắc đến "những con đường tơ lụa" trong lịch sử vốn không hề là những con đường một chiều.

Tổng thống Pháp đã nói nguyên văn : "Các con đường tơ lụa là những con đường được Marco Polo mở ra và đã hoạt động hai chiều".

Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian thì nói thẳng hơn một chút. Trên kênh truyền hình Pháp BFMTV hôm thứ Sáu 22/03 vừa qua, ông đã xác định rằng "Nếu cần nói về một Con đường tơ lụa mới, thì đó phải là một con đường đi theo cả hai chiều".

Trong bối cảnh đó, giới phân tích cho rằng trong các cuộc tiếp xúc với ông Tập Cận Bình nhân dịp ông thăm Pháp, tổng thống Macron sẽ nhấn mạnh trên yếu tố "hỗ tương" trong vấn đề tiếp cận thị trường Trung Quốc, cho đến nay vẫn còn khép kín đối với phương Tây.

Theo hãng tin Pháp AFP, một điểm khác cũng sẽ được ông Macron nêu lên là quan ngại của Pháp và Châu Âu trước các đòi hỏi từ phía Bắc Kinh, buộc các công ty xí nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ thiết yếu nếu muốn đầu tư vào Trung Quốc.

Con đường tơ lụa vận hành với hơn 90% sản phẩm Trung Quốc

Đối với giới chuyên gia Pháp, việc Paris cũng như một số nước Châu Âu dè dặt trước dự án Một Vành Đai Một Con Đường của Trung Quốc không phải là không có cơ sở.

Trả lời RFI, chuyên gia Pháp Sophie Boisseau du Rocher thuộc Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, tác giả quyển biên khảo "Trung Quốc l(v)à thế giới - La Chine e(s)t le monde" giải thích :

"Các con đường tơ lụa hoạt động với hơn 90% là sản phẩm Trung Quốc, sản phẩm tài chính, hạ tầng cơ sở v.v… Và đó hoàn toàn không phải là đề án hai bên cùng có lợi mà Trung Quốc rao bán cho chúng ta. Không thể mở ra các con đường tơ lụa đó ở Châu Âu trong những điều kiện như vậy.

Do đó, vấn đề quan trọng hiện nay là phải thuyết phục ông Tập Cận Bình và ê kíp của ông ấy rằng họ cần xem xét lại "bài bản"của họ, sao cho Châu Âu không bị thiệt khi thực hiện dự án các con đường tơ lụa, mà ngược lại có thể đóng góp đầy đủ vào sáng kiến đó, tức là làm sao điều chỉnh lại phần nào sự mất cân đối được nêu lên".

Yêu cầu Bắc Kinh "sửa bài", theo nữ chuyên gia Pháp, rất cần thiết vì một trong những mục tiêu của các con đường tơ lụa mới đó là tiếp cận Châu Âu để thụ hưởng công nghệ học tiên tiến của Châu Âu :

"Điều mà Trung Quốc quan tâm là trở thành cường quốc số 1 thế giới, có năng lực áp đặt công nghệ học của họ, những phát minh sáng chế của họ, các tiêu chuẩn của họ trên phần còn lại của thế giới, như Mỹ có lúc đã từng làm.

Châu Âu là một địa bàn có công nghệ học và phát minh sáng chế cao cấp, cho nên Trung Quốc rất quan tâm, không chỉ để thâu tóm công nghệ học mà còn để tạo ra những loại công nghệ mà họ sẽ áp đặt cho chúng ta về sau".

Vai trò của Pháp

Theo chuyên gia Valérie Niquet, thuộc trung tâm nghiên cứu chiến lược FRS, trả lời RFI, thì vẫn còn thời gian để Pháp và Châu Âu xoay chuyển tình thế, với một Trung Quốc sẵn sàng thương lượng hơn trước đây :

"Trung Quốc bị tác hại từ cuộc chiến thương mại với Mỹ và Donald Trump nhiều hơn là họ thừa nhận. Tăng trưởng của Trung Quốc tiếp tục chậm lại, cho nên họ cần đến Châu Âu và Pháp. Paris đóng một vai trò đặc biệt quan trọng từ khi có Brexit, do việc Pháp đã trở thành một động lực của Liên Hiệp Châu Âu.

Trung Quốc hy vọng có được hậu thuẫn của Pháp, hay ít ra đảo ngược tình thế hiện nay vì ở Bắc Kinh, giới lãnh đạo đã cảm nhận được là hình ảnh một Trung Quốc oai phong, có thể mang lại giải pháp cho mọi cuộc khủng hoảng kinh tế mà thế giới kinh qua, đã bị sứt mẻ nhiều, và chủ đề nóng hiện nay là yêu cầu Bắc Kinh có qua có lại, mở cửa thị trường, điều mà cho đến bây giờ Trung Quốc không muốn đáp ứng cho các tác nhân Pháp".

Tuy nhiên, cuộc đọ sức Mỹ-Trung hiện nay có thể tác động ngược lại đối với Châu Âu. Chuyên gia Emmanuel Dubois de Prisque, thuộc tạp chí Monde Chinois - Nouvelle Asie phân tích :

"Cách đây không lâu Trung Quốc đã thông qua một văn kiện để đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc được dễ dàng hơn, cho nên tôi nghĩ là thỏa thuận về đầu tư có cơ may tiến triển.

Tuy nhiên đối với Trung Quốc, khả năng nhượng bộ, dễ dãi đối với Châu Âu sẽ rất tế nhị, mặc dù họ đã sẵn sàng nhượng bộ nhiều đối với Mỹ.

Đứng về góc độ thương mại quốc tế, Trung Quốc thiên về việc nhượng bộ Mỹ, vì Donald Trump, vì sự lệ thuộc rất quan trọng của Trung Quốc vào công nghệ học Mỹ. Người ta đã thấy chuyện gì đã xẩy ra với ZTE cách đây vài tháng. Tập đoàn viễn thông Trung Quốc tương đương với Hoa Vi này, chút nữa là biến mất do trừng phạt của Mỹ.

Cho nên ngày nay người ta thấy rõ là Trung Quốc rất lo ngại về những gì có thể xẩy ra ở phía Mỹ hơn là từ phíaChâu Âu, và sẵn sàng nhượng bộ nhiều hơn đối với Mỹ hơn là với Châu Âu".

Đây có thể là một lý do khiến tổng thống Pháp kêu gọi đến thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean Claude Juncker, mời hai người đến Paris cùng gặp chủ tịch Trung Quốc vào thứ Ba, 26/03.

Mai Vân

********************

RSF báo động Trung Quốc áp đặt "Trật tự thế giới mới về truyền thông" (RFI, 25/03/2019)

Trong bản báo cáo mang tên "Trật tự thế giới mới về truyền thông do Trung Quốc lũng đoạn" được công bố hôm nay 25/03/2019, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) có trụ sở tại Paris lên tiếng báo động về chiến lược của Bắc Kinh nhằm kiểm soát thông tin ở ngoài nước, ngăn chận những chỉ trích. Mưu toan này đang đe dọa tự do báo chí trên thế giới.

congdu4

Micro dày đặc của giới truyền thông Nhà nước Trung Quốc tại Đại sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh trong kỳ họp của Quốc Hội ngày 05/03/2019. Reuters/Thomas Peter

RSF tố cáo, không chỉ dùng "Vạn lý Hỏa thành" để siết chặt người dân Hoa lục, Trung Quốc còn thông qua các đại sứ quán và Viện Khổng Tử trên thế giới để áp đặt quan điểm, giấu đi những chương đen tối trong lịch sử.

Bản báo cáo bằng ba thứ tiếng Pháp, Anh, Hoa nêu cụ thể chiến lược của bộ máy tuyên truyền Trung Quốc. Bên cạnh việc hiện đại hóa các công cụ truyền thanh truyền hình ở ngoại quốc, Bắc Kinh còn ồ ạt tung tiền ra mua quảng cáo, thâm nhập vào các cơ quan truyền thông ngoại quốc…Không chỉ có thế, Trung Quốc còn hăm dọa, gây sức ép, sách nhiễu khắp nơi, với quy mô hầu như công nghiệp.

Bắc Kinh thường xuyên mua những trang báo của các tờ báo uy tín quốc tế như Wall Street Journal, Le Figaro hay Daily Telegraph để đăng những bài viết tuyên truyền nhắm vào độc giả các nước, một việc mà RSF gọi là sử dụng "con ngựa thành Troie".

Ông Christophe Deloire, tổng thư ký RSF nhấn mạnh : "Theo cách nghĩ của chế độ Bắc Kinh, các nhà báo không thể là tiếng nói phản biện, mà là công cụ tuyên truyền cho Nhà nước. Nếu các nền dân chủ không phản ứng lại, Trung Quốc sẽ áp đặt mô hình của họ, dần dà tràn ngập các cơ quan truyền thông trên thế giới, cạnh tranh với báo chí chân chính".

Chỉ trong một thập niên qua, Bắc Kinh đã đầu tư quy mô vào truyền thông : tập đoàn CGTN phát thanh, truyền hình ra 140 nước, và đài phát thanh quốc tế Trung Quốc có đến 65 thứ tiếng. Trung Quốc cũng chi tiền mời đến vài chục ngàn nhà báo các nước đang phát triển đến tập huấn tại Bắc Kinh, để đối lấy những bài viết có lợi cho chế độ. Còn báo chí của cộng đồng người Hoa ở nước ngoài, trước đây thường xuyên chỉ trích Bắc Kinh, thì hầu như đều bị mua lại, nhập vào bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng xuất khẩu các phương tiện kiểm duyệt và giám sát như công cụ tìm kiếm Bách Độ (Baidu), ứng dụng WeChat ; khuyến khích các nhà nước độc tài sao chép các biện pháp trấn áp của mình, đặc biệt tại Đông Nam Á.

Cuối cùng, Trung Quốc sử dụng bạo lực và hăm dọa để dập tắt những tiếng nói ly khai, kể cả tại các nước dân chủ. Từ các nhà báo độc lập cho đến ban biên tập các tòa soạn lớn, từ nhà xuất bản đến các mạng xã hội ; theo RSF, ngày nay không còn mắt xích nào trong chuỗi sản xuất thông tin thoát khỏi "bàn tay vô hình" của Bắc Kinh. Bản thân đại sứ Trung Quốc ở các nước cũng không ngần ngại đả kích một cách kém ngoại giao những bài báo nào đặt lại vấn đề những tuyên bố chính thức của chế độ.

Phóng viên Không biên giới nhận định, trước những tấn công dồn dập của Trung Quốc, các nước dân chủ vẫn chưa có những phản ứng cần thiết.

Thụy My

*****************

Vợ của chủ tịch Interpol mất tích đòi Macron chất vấn Tập Cận Bình (RFI, 25/03/2019)

Người vợ của ông Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei), cựu chủ tịch tổ chức Cảnh Sát Quốc Tế Interpol, bị bắt cóc cách đây sáu tháng, đã yêu cầu tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu ra vụ này với ông Tập Cận Bình nhân chuyến viếng thăm chính thức của chủ tịch Trung Quốc bắt đầu hôm nay 25/03/2019.

congdu5

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón tiếp chủ tịch Tập Cận Bình khi ông đến dự buổi ăn tối ở Villa Kérylos, Beaulieu-sur-Mer, gần Nice, miền nam Pháp. Ảnh tối 24/03/2019. Reuters/Jean-Paul Pelissier/Pool

Trong lá thư gởi đến Phủ tổng thống Pháp, bà Grace Meng muốn được biết chồng bà hiện đang ở đâu và tình trạng của ông như thế nào. Bà đòi hỏi phải cho luật sư vào thăm ông Mạnh Hoành Vĩ cũng như hỗ trợ tư pháp cho ông.

Vợ cựu chủ tịch Interpol viết : "Gia đình tôi cũng như những gia đình khác đang cùng hoàn cảnh, yêu cầu nước Pháp - vốn được toàn thế giới tôn trọng và lắng nghe nhờ các giá trị của Pháp quốc và sự gắn bó với nhân quyền - trao thông điệp này trong dịp tiếp ông Tập Cận Bình".

Ông Mạnh Hoành Vĩ bị mất tích vào tháng 9/2018 lúc đang là chủ tịch Interpol. Đến ngày 07/10/2018, Interpol nhận được một lá thư từ chức của ông, sau khi Bắc Kinh thông báo Mạnh Hoành Vĩ đang bị điều tra vì "nhận hối lộ".

Nhưng theo bà Mạnh, thì chồng bà "bị bắt cóc, từ nửa năm nay gia đình không hề nhận được tin tức, chưa có quyết định gì của tư pháp và không được trợ giúp của luật sư". Bản thân bà cũng bị đe dọa, phải xin tị nạn tại Pháp. Hôm 26/2, bà Mạnh đã khởi kiện vụ "mưu toan bắt cóc", "tội phạm có tổ chức".

Người Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ biểu tình tại Paris chống Tập Cận Bình

Hôm qua 24/3 khoảng một ngàn người đã biểu tình gần tháp Eiffel, đòi tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu yêu sách của người Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ trước ông Tập Cận Bình. Tây Tạng bị Trung Quốc chiếm đóng vừa chẵn 70 năm, còn người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bị Bắc Kinh đàn áp, cưỡng bức đi cải tạo. Những người biểu tình quấn cờ Tây Tạng nằm trên quảng trường Trocadéro, tượng trưng cho 153 nhà sư đã tự thiêu chống sự đô hộ của Trung Quốc.

Về phía Human Rights Watch (HRW) kêu gọi tổng thống Macron chất vấn ông Tập Cận Bình về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc, mà theo tổ chức phi chính phủ này đã đạt đến một tầm cỡ chưa từng thấy trong những năm gần đây.

Thụy My

Published in Quốc tế