Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sau gần chín năm cầm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thống trị hệ thống chính trị của đất nước mình. Ông kiểm soát quá trình hoạch định chính sách trong nước, quân đội và chính sách đối ngoại. Quyền lực vô song của ông trong Đảng Cộng sản Trung Quốc khiến ông Tập trở thành một người không thể chạm tới, như Joseph Stalin hay Mao Trạch Đông sau những cuộc thanh trừng tàn bạo từng được thực hiện trong thời kỳ Đại Khủng bố hay Cách mạng Văn hóa. Khi không có những đối thủ chính trị đáng kể, bất kỳ quyết định nghỉ hưu nào đều sẽ do ông Tập tự quyết định và theo lịch trình mà ông chọn.

xi1

Việc dỡ bỏ các giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước hồi năm 2018 cho phép ông cầm quyền vô thời hạn, nếu muốn. Nếu từ bỏ các chức vụ lãnh đạo chính thức của mình, ông Tập vẫn có khả năng giữ được quyền kiểm soát trên thực tế đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân đội Giải phóng Nhân dân. Ông càng nắm quyền lâu thì cơ cấu chính trị càng phù hợp với tính cách, mục tiêu, ý muốn bất chợt và mạng lưới thân hữu của ông. Đến lượt mình, càng tại vị lâu thì ông Tập càng trở nên quan trọng hơn đối với sự ổn định chính trị của Trung Quốc.

Sự tập trung quyền lực cá nhân này khiến Trung Quốc phải trả giá. Ông Tập vẫn chưa chỉ định một người kế nhiệm, gây ra sự nghi ngờ về tương lai của một hệ thống vốn ngày càng phụ thuộc vào sự lãnh đạo của ông. Chỉ một số ít các quan chức cấp cao của đảng mới có một ít thông tin nào đó về kế hoạch dài hạn của ông Tập, và cho đến nay, họ vẫn im lặng về việc ông muốn tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo trong bao lâu. Ông sẽ nghỉ hưu tại Đại hội Đảng lần thứ 20 vào năm 2022, hay sẽ bám lấy quyền lực vĩnh viễn ? Nếu ông đột tử khi đang cầm quyền, như điều xảy ra với Stalin năm 1953, liệu có xuất hiện sự chia rẽ trong đảng khi các phe cánh tranh giành quyền lãnh đạo hay không ? Liệu những người quan sát bên ngoài có thể phát hiện ra những dấu hiệu của sự bất hòa đó hay không ?

Đặt ra những câu hỏi này không phải là một sự suy đoán vu vơ. Một ngày nào đó, theo một cách nào đó, ông Tập sẽ phải rời khỏi sân khấu chính trị. Nhưng chưa có bất kỳ dấu hiệu nào về việc ông ấy sẽ rời đi khi nào và theo cách như thế nào, hoặc ai sẽ là người thay thế ông. Do đó, Trung Quốc đối mặt với khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng kế vị. Trong vài năm qua, ông Tập đã né tránh các chuẩn mực mong manh của Đảng về việc chia sẻ và chuyển giao quyền lực. Khi đến thời điểm phải thay thế ông, một điều tất yếu phải xảy ra, tình trạng rối loạn ở Bắc Kinh có thể gây ra những tác động bất ổn vượt ra ngoài biên giới của Trung Quốc.

Sự trở lại của màn kịch chính trị

Sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, trật tự và đều đặn thường được coi là điều đương nhiên trong các nền dân chủ hiện đại, trong khi những cuộc chuyển giao quyền lực không suôn sẻ là nguồn gốc của các cuộc xung đột và bất ổn trên toàn thế giới. Ngay cả các hệ thống dân chủ với các thủ tục pháp lý mạnh mẽ và các quy ước lâu đời liên quan đến kế vị cũng không tránh khỏi tình trạng chuyển giao quyền lực bấp bênh, như chúng ta đã thấy trong nỗ lực gần đây của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm thách thức việc Tổng thống Joe Biden đắc cử. Ở nhiều quốc gia, các ràng buộc chính trị và pháp lý không đầy đủ đã tạo điều kiện cho các lãnh đạo đương nhiệm nắm giữ quyền lực, thường là vô thời hạn. Khi các quy trình pháp lý mạnh mẽ hơn, các nhà lãnh đạo có ý định bám víu quyền lực thường chặn trước hoặc thậm chí bỏ tù các đối thủ chính trị. Mặc dù một số nhà độc tài thành công trong việc chống lại các mối đe dọa đối với quyền lực của họ, nhưng những nỗ lực để cai trị suốt đời như vậy cũng có thể gây ra các cuộc khủng hoảng kế vị, hay các nỗ lực thách thức họ, hoặc thậm chí là các cuộc đảo chính.

Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ. Học giả Bruce Dickson đã mô tả quá trình kế vị là "màn kịch trung tâm của chính trị Trung Quốc gần như kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân được thành lập vào năm 1949". Trong thời Mao, các cuộc chiến giành quyền lãnh đạo diễn ra thường xuyên và khốc liệt, từ "Vụ việc Cao Cương" vào đầu những năm 1950, vốn chứng kiến việc ​​Mao gieo rc mâu thun gia mt s người kế v, dn đến cái chết của Lâm Bưu, người được Mao chọn làm người kế vị và chết trong một vụ tai nạn máy bay bí ẩn khi đang cố gắng chạy trốn khỏi Trung Quốc vào năm 1971. Một người kế nhiệm tiềm năng khác, Lưu Thiếu Kỳ, bị Mao gạt sang một bên và bị Hồng vệ binh đánh đập trước khi chết trong cảnh bị giam cầm vào năm 1969. Cuối năm 1976, các thành viên của "Tứ nhân bang",một nhóm các quan chức cấp cao đã tìm cách cực đoan hóa Cách mạng Văn hóa, đã bị bắt chỉ vài tháng sau khi Mao qua đời. Người được Mao chọn kế nhiệm, Hoa Quốc Phong, ủng hộ các vụ bắt giữ này nhưng lại bị Đặng Tiểu Bình, người nắm quyền lãnh đạo vào cuối năm 1978, gạt sang một bên vài năm sau đó. Hai nhà lãnh đạo mà Đặng Tiểu Bình đã chọn để dẫn dắt Đảng vào những năm 1980, Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, đều bị hạ bệ trong bối cảnh bất ổn chính trị và các cuộc đấu đá nội bộ căng thẳng của giới chóp bu.

Tuy nhiên, mô hình đã thay đổi trong vài thập niên tiếp theo. Vào thời điểm ông Tập lên nắm quyền vào cuối năm 2012, có vẻ như Bắc Kinh đã hình thành ổn định quy trình chuyển giao quyền lực hòa bình, bền vững, và có thể đoán trước được. Các học giả nổi tiếng về Trung Quốc đã đi xa đến mức tuyên bố rằng "bản thân quá trình kế vị đã trở thành một thể chế của Đảng". Nhưng ông Tập đã phá bỏ những giả định đó khi giờ đây ông sắp sửa kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch nước thứ hai của mình. Tại cuộc họp Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc vào mùa xuân năm 2018, ông đã thông qua một bản sửa đổi hiến pháp loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ của mình. Cũng quan trọng không kém là việc ông chưa xác định một ứng cử viên nào có thể thay thế ông, và cả Tập lẫn Đảng Cộng sản Trung Quốc đều không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sẽ có một sự chuyển đổi sắp xảy ra. Mặc dù một số phương tiện truyền thông do đảng kiểm soát đã tuyên bố rằng ông Tập không có ý định cầm quyền suốt đời, nhưng rõ ràng đã không có bất kỳ tuyên bố chính thức nào về tương lai chính trị của ông.

Kịch bản nào cho ông Tập ?

Ông Tập có thể sẽ khiến người ta bất ngờ và quyết định chuyển giao quyền lực tại Đại hội Đảng lần thứ 20 vào cuối năm 2022. Nhưng nếu không có người kế nhiệm, một người đã tạo được uy tín và được Đảng thử thách, thì kịch bản này rất khó xảy ra. Thay vào đó, một số ứng viên có thể sẽ được thăng chức thông qua việc bầu vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực chính trị cao nhất ở Trung Quốc. Những cá nhân này sau đó sẽ mất vài năm chuyển qua các chức vụ ngày càng cao hơn để có kinh nghiệm quản lý và xây dựng uy tín trong hệ thống. Tuy nhiên, ngay cả khi ông Tập chỉ định một hoặc nhiều người kế nhiệm tiềm năng vào năm 2022 với mục tiêu chính thức nghỉ hưu vào Đại hội Đảng sau đó, điều đó cũng không có nghĩa là sự kiểm soát không chính thức của ông sẽ chấm dứt. Ông có thể tiếp tục nắm quyền từ hậu trường, như Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân đã làm sau khi nhiệm kỳ lãnh đạo của họ kết thúc. Xu hướng này ở Trung Quốc phù hợp với một mô hình lịch sử nói chung từ trước đến nay : hiếm khi các hoàng đế quyền lực thoái vị, và nếu nhường ngôi họ vẫn thường giữ ảnh hưởng to lớn. Hiện tại, sự thống trị của ông Tập khiến các chính phủ nước ngoài không có cơ hội xây dựng quan hệ với những người kế vị tiềm tàng. Và nếu ông không xác định ứng viên mà ông ủng hộ vào năm 2022, sự trì hoãn có thể có nghĩa là bất kỳ ai đủ điều kiện trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của Trung Quốc hiện vẫn giữ một chức vụ còn quá thấp để có thể lọt vào tầm ngắm của các nhà quan sát bên ngoài.

Dù sự củng cố quyền kiểm soát của ông Tập là rất ấn tượng, nhưng ngay cả những nhà lãnh đạo uy quyền nhất cũng phải dựa vào sự ủng hộ của một liên minh các tác nhân và nhóm lợi ích. Sự ủng hộ đó là có điều kiện, và có thể bị xói mòn khi các điều kiện trong nước và quốc tế thay đổi. Không người ngoài cuộc nào biết được bản chất chính xác của cuộc thương lượng giữa ông Tập và các thành viên của giới tinh hoa chính trị, kinh tế và quân sự. Nhưng chắc chắn rằng, nếu xảy ra suy thoái kinh tế đáng kể, hay việc liên tục xử lý sai lầm các cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại, công việc cân bằng các nhóm lợi ích cạnh tranh của ông Tập sẽ trở nên thách thức hơn, và sự kiểm soát của ông trở nên khó khăn hơn. Mọi liên minh đều có điểm đứt gãy. Tất nhiên, đây là lý do tại sao các nhà lãnh đạo phản ứng với các nỗ lực đảo chính một cách mạnh tay như vậy ; họ muốn ngăn chặn những kẻ thách thức. Như Tổng thống Gambia, Yahya Jammeh, đã cảnh báo sau một cuộc đảo chính thất bại hồi năm 2014 : "Kẻ nào định tấn công đất nước này, thì hãy sẵn sàng, vì các người sẽ chết".

Việc lật đổ một nhà lãnh đạo đương nhiệm, đặc biệt là một nhà lãnh đạo có gọng kìm sắt kiểm soát một nhà nước độc đảng theo kiểu Lê-nin-nít, là một điều không dễ dàng. Bất kỳ ai nuôi tham vọng lật đổ phải đối mặt với những trở ngại khó khăn, bắt đầu với việc tập hợp sự ủng hộ từ các thành viên chủ chốt của bộ máy quân sự – an ninh mà không gây nên sự báo động đối với nhà lãnh đạo đương nhiệm và bộ máy an ninh xung quanh nhà lãnh đạo đó. Với khả năng công nghệ của các lực lượng an ninh của Đảng mà ông Tập kiểm soát, một nỗ lực như vậy sẽ tiềm ẩn nguy cơ bị phát hiện và khả năng những người đồng chủ mưu sẽ thay đổi ý định và đào tẩu. Đúng là ông Tập có một loạt kẻ thù trong đảng. Nhưng cũng đúng khi nói rằng những rào cản đối với việc lập mưu chống lại ông gần như là không thể vượt qua. Nếu không có một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống, khả năng các đối thủ của ông Tập tiến hành một cuộc đảo chính là cực kỳ nhỏ.

Nhưng một cái chết đột ngột hoặc mất khả năng làm việc sẽ khiến sự lãnh đạo của ông Tập bị rút ngắn, bất kể ông định chấm dứt nó vào thời điểm nào. Ông Tập hiện đã 68 tuổi, có tiền sử hút thuốc, bị thừa cân, làm công việc căng thẳng, và theo truyền thông nhà nước, thì "tìm niềm vui trong việc làm việc hăng say". Mặc dù không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy ông Tập đang gặp tình trạng sức khỏe kém, ông không phải là người bất tử. Và giờ đây, khi ông đã phá bỏ các chuẩn tắc kế vị của Trung Quốc, sự vắng mặt của ông sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực, và có thể kích hoạt các cuộc đấu đá nội bộ ở các cấp cao nhất của Đảng. Các thành viên trong liên minh của ông Tập có thể chia thành các nhóm đối lập, mỗi nhóm ủng hộ một người kế nhiệm của riêng mình. Những người đã bị trừng phạt hoặc bị gạt ra bên lề dưới thời ông Tập có thể cố gắng tận dụng cơ hội hiếm có để giành lại quyền lực. Ngay cả khi ông Tập không chết nhưng mất khả năng làm việc do đột quỵ, đau tim, hoặc một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng khác, Trung Quốc cũng sẽ rơi vào tình trạng lấp lửng về chính trị. Những người ủng hộ chế độ, cũng như những người thách thức, sẽ buộc phải tranh giành để thành lập các liên minh mới, nhằm chuẩn bị cho cả tình huống ông Tập phục hồi hoặc không thể vượt qua, dẫn với những hậu quả khó lường đối với chính sách đối nội và đối ngoại.

Tất nhiên, cũng có thể xảy ra những kịch bản khác. Đó là ông Tập có thể chọn nghỉ hưu vào năm 2035, thời điểm nằm giữa dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng trong năm nay và dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 2049. Nhưng bất kể việc ông Tập rời nhiệm sở bằng cách nào hoặc khi nào, việc thiếu một kế hoạch rõ ràng đặt ra những câu hỏi khó tránh khỏi, về khả năng chuyển giao quyền lực của đảng theo một cách thức hòa bình và có thể đoán trước được. Trong những thập niên sau khi Mao qua đời vào năm 1976, hệ thống chính trị của đất nước dường như dần ổn định, mặc dù đôi khi có bất ổn ở cấp cao nhất. Tuy nhiên, ngày nay, tương lai chính trị của Trung Quốc đang bị bao bọc bởi sự bất định. Vấn đề kế vị không phải là loại vấn đề mà các quan chức Trung Quốc thảo luận công khai, nhưng họ cũng không thể phớt lờ nó được. Đó là một vấn đề mà sớm muộn cũng cần phải có giải pháp.

Jude Blanchette & Richard McGregor

Nguyên tác : "China’s Looming Succession Crisis", Foreign Affairs, 20/07/2021.

Phan Nguyên biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 22/07/2021

Jude Blanchette là chủ nhiệm chương trình Nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế và là tác giả cuốn sách China’s New Red Guards : The Return of Radicalism and the Rebirth of Mao Zedong.

Richard McGregor là Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Lowy và là tác giả của cuốn Xi Jinping : The Backlash.

Published in Diễn đàn

Ca ngợi Trung Quốc tại Thượng đỉnh với "500 đảng anh em" (ngày 6/7) và ăn mừng sinh nhật Đảng cộng sản Trung Quốc (ngày 1/7), không dám phản đối hành vi liệt kê các cuộc xâm lược Việt Nam trong các năm 1974, 1979, 1988, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bị "bạn vàng" chơi xỏ mà không biết, hoặc biết nhưng buộc phải làm ngơ.

duam1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trên một màn hình lớn nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, màn hình ở Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Hong Kong hôm 8/7/2021 - AFP

Ngày 6/7/2021, trước màn hình trực tuyến, với hàng trăm nhóm tự xưng là các "chính đảng", Chủ tịch Tập Cận Bình múa đại đao "lục lâm thảo khấu". Ông lớn tiếng kêu gọi các đảng chính trị trên thế giới tập hợp nhau để chống lại một quốc gia (ám chỉ là Hoa Kỳ) đang tiến hành "phong tỏa công nghệ" đối với Trung Quốc và dám coi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược" của Mỹ. Trong khi Tổng thống Joe Biden công cán Châu Âu nhằm tìm kiếm sự ủng hộ từ các nền dân chủ cùng chí hướng, bao gồm cả Liên minh Châu Âu lẫn Nhật Bản để phối hợp lập trường cứng rắn hơn chống lại Trung Quốc, Bắc Kinh đã tăng gấp đôi nỗ lực tìm kiếm sự cam kết và ủng hộ từ các quốc gia được cho là thân thiện với mình như Bắc Hàn và Serbia. Khẩu hiệu tập hợp lực lượng lần này là đấu tranh chống lại chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền [1].

Nền văn minh "ăn thịt người"

Một tuần lễ trước đó, ngày 1/7/2021, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày ra đời của Đảng cộng sản Trung Quốc, từ quảng trường Thiên An Môn, ông Tập cũng lớn giọng răn đe : "Ai có ý định bắt nạt Trung Quốc sẽ phải húc đầu vào Vạn Lý Trường Thành bằng thép, rèn đúc từ máu thịt của hơn 1,4 tỷ người dân Trung Hoa…" Nghe rợn cả tóc gáy khi hình dung một ngọn núi được xây đắp lên từ máu và thịt (blood and flesh) của hơn 1,4 tỷ con người. Hình ảnh này nhắc ta nhớ đến Lỗ Tấn – "chủ tướng" của văn hóa Trung Hoa – từng viết những dòng dữ dội hơn thế. Lỗ Tấn đã mô tả những cuộc nhậu nhẹt "ăn thịt người" trong xã hội Tàu. Ông kể : "Bởi vì ai cũng có thể hy vọng sai khiến người khác ăn thịt người khác, cho nên quên mất rằng, tương lai mình cũng có thể bị người khác ăn thịt. Bao nhiêu yến tiệc lớn bé dọn bằng thịt người được bày biện từ khi có văn minh đến bây giờ. Và trong cái hội trường ấy, người này ăn thịt người kia… Tiếng reo hò ngu xuẩn của những kẻ ác độc che lấp tiếng van la bi thảm của người yếu thế. Phụ nữ và trẻ em thì càng không phải nói nữa" [Lỗ Tấn : Tạp văn, tập 1, trang 130].

Không phải ngẫu nhiên, sau khi trích lời giáo đầu đầy thách thức và hung hăng của họ Tập, Tạp chí "The Economist" số 3/7/2021 đã bình luận : "Với tất cả những người tin rằng ai cũng được hưởng các quyền bất khả xâm phạm như quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc và rằng, chính phủ công bằng có được quyền lực nhờ sự đồng thuận của người dân, thì thật đáng báo động khi nghe thấy những tràng pháo tay và tiếng hò reo chào đón Tập Cận Bình" [2]. Nhìn bề ngoài, một không khí của "Cách mạng Văn hoá" được tái hiện trong một buổi trình diễn trên sân khấu ngoài trời. Tuy nhiên, hàng triệu triệu người khác, từ những chiến sĩ đấu tranh cho nền độc lập của Uyghur (Hồi giáo ở Tân Cương) đến những người ủng hộ dân chủ ở HongKong… với những người này, Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn không cho phép họ được tham dự bữa tiệc hoành tráng nói trên.

Chủ đề xuyên suốt hai bài diễn văn chỉ cách nhau một tuần lễ – mồng 1/7 dành cho "thần dân" và mồng 6/7 dành cho bọn "bạch quỷ" – thống nhất ở một nội dung : ông Tập cố chứng minh tính vượt trội của mô hình chuyên chế Trung Hoa (autocracy) so với các chế độ dân chủ ở các nước phương Tây (democracy). Không ai có thể phủ nhận thực tế về sự trưởng thành của Đảng cộng sản Trung Quốc kể từ năm 1921. Nhưng như Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu đã khái quát các đặc trưng nổi bật từ chính lịch sử Đảng cộng sản Trung Quốc trong bài viết : "100 năm quái vật thành tinh", trong đó, thuộc tính bao trùm là kẻ độc tài nào cũng mưu toan vĩnh cửu hóa tư tưởng cá nhân. Mao dựng lên "Tư tưởng Mao Trạch Đông", Đặng xây đắp "Học thuyết Đặng Tiểu Bình", Giang hô hào "Lý thuyết Ba đại diện" và Hồ Cẩm Đào chèn "Quan điểm Phát triển khoa học" vào hệ thống lý luận của Đảng cộng sản Trung Quốc.

duam2

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa) và đoàn đại biểu cấp cao Đảng cộng sản Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới hôm 6/7/2021. Hình : Báo Nhân Dân

Đến thời mình, ông Tập đưa "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho kỷ nguyên mới" vào Điều lệ, mà thực chất là xây dựng chủ nghĩa tư bản thân hữu tại Trung Quốc. Như vậy, các nhà lãnh đạo tối cao của đất nước này đều xem Điều lệ là thùng rác cá nhân, để họ tự ý bỏ vào đấy những điều tuỳ thích. Họ toan tính "vĩnh cửu hoá" tư tưởng của mình qua Điều lệ. Dẫu bọn họ thừa biết rằng, đến một ngày nào đó, hậu thế sẽ vứt tất cả vào thùng rác của lịch sử. Giờ đây, Trung Quốc đang rất lo lắng cho hình ảnh quốc tế của mình, vốn bị hoen ố vì sự nổi giận trên toàn cầu đối với đại dịch Vũ Hán, vì chế độ kềm kẹp của họ tại Hong Kong và vì chính sách tàn bạo đối với các dân tộc thiểu số ở Tân Cương, cũng như sự ra quân của các "chiến binh sói" trong nền ngoại giao Trung Quốc thời nay. Một khảo sát về 17 nền kinh tế tiên tiến được Trung tâm Nghiên cứu Pew có trụ sở tại Mỹ công bố giữa tuần trước cho thấy, cái nhìn về Trung Quốc trên thế giới ngày càng tiêu cực và niềm tin đối với ông Tập xuống mức thấp trong lịch sử.

Theo Wall Street Journal số ra ngày 29/6, bà Thái Hà (Cai Xia), cựu giáo sư tại Trường Đảng Trung ương ở Bắc Kinh, đã nộp một cuốn sách cho Viện Hoover thuộc Đại học Stanford – Trung tâm nghiên cứu các nguyên lý của phát triển và tự do chính trị – và đã công bố bài báo dài 28 trang nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc [3]. Theo quan điểm của bà Thái Hà, Đảng cộng sản Trung Quốc bề ngoài đầy quyền lực, nhưng dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, mâu thuẫn và sự hoài nghi bản thân đã trở thành xu hướng nổi trội. Giáo sư Thái Hà viết : "Đảng cộng sản Trung Quốc có tham vọng của một con ác long, nhưng bên trong nó chỉ là một con hổ giấy". Thưa ông, thật ra Trung Quốc là một con hổ mang trong mình rất nhiều căn bệnh trầm kha vô phương chữa trị. Tuy nhiên, bà Thái Hà cũng chỉ rõ, trong vài thập kỷ qua, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã tính toán sai nhiều sự kiện lớn. Ví như từ việc khôi phục quan hệ Mỹ – Trung sau vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, đến việc hỗ trợ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sự "ngây thơ" của Hoa Kỳ càng khiến Đảng cộng sản Trung Quốc quyết đoán hơn. Mặc dù Hoa Kỳ mô tả Đảng cộng sản Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh, nhưng các công ty Trung Quốc lại luôn coi Hoa Kỳ là một đối thủ thù địch.

Thông điệp gửi Việt Nam

Đối với cả hai sự kiện trên, đặc biệt là đối với Hội nghị Thượng đỉnh, mọi tờ báo "lề Đảng" ở Việt Nam, từ lớn đến nhỏ, từ báo viết đến báo mạng, đều "lên đồng tập thể" nhất loạt ngợi ca, thậm chí chạy tít chữ to trên trang nhất các báo : "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự Hội nghị thượng đỉnh giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới" [4]. Cứ như là có một Hội nghị thượng đỉnh thực sự, với sự tham dự của 10.000 đại biểu (ảo) đến từ hơn 500 chính đảng và tổ chức chính trị thuộc hơn 160 quốc gia trên thế giới. Than ôi, tất cả chỉ là ảo và ảo. Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, sản phẩm qua bảy lần Đại hội của Đệ Tam quốc tế, thực tế đã lụi tàn trước cả sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội thế giới cách đây hơn 20 năm từ thế kỷ trước. Nay không nhẽ một đại cường như Cộng hòa nhân dân Trung Hoa dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc do ông Tập cầm đầu và trên lý thuyết sẽ làm Chủ tịch nước suốt đời (sau khi đã sửa Hiến pháp), lại chỉ "vò võ một mình" dưới gầm trời này mà không có đồng minh, đối tác hay bạn hữu.

Đấy mới là nguyên nhân sâu xa khiến ông Tập và dàn cố vấn nghĩ ra cái gọi là "Thượng đỉnh" đặc biệt. Điều trớ trêu là tại diễn đàn ấy, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã "chúc mừng nồng nhiệt" những thành tích của Đảng cộng sản Trung Quốc, cảm ơn Trung Quốc đã viện trợ để Việt Nam đánh Pháp và đánh Mỹ. Tổng bí thư Việt Nam hiển nhiên không nhắc gì đến cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc năm 1979, cuộc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 và vụ thảm sát trên đảo Gạc Ma năm 1988. Những sự kiện đau lòng này được Tổng bí thư Tập Cận Bình đúc kết như là chuỗi thành tích trong 100 năm tồn tại của Đảng cộng sản Trung Quốc. Đọc những lời ông Trọng tâng bố Trung Quốc lên mây xanh, con dân nước Việt của ông chắc chắn không hề biết rằng, tại lễ kỉ niệm sinh nhật ngày 1/7, có một màn hình lớn trình chiếu các sự kiện nổi bật trong lịch sử đảng này trên quảng trường Thiên An Môn [5] và [6]. Bản biên niên sự kiện ấy đã được đăng tải trước đó ít ngày trên cả Tân hoa xã, trong đó Trung cộng bổ sung các sự kiện mới liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông, chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979. Những sự kiện này trước đây đã không hề được nhắc đến trong lần kỉ niệm 90 năm thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc hồi 2011.

https://youtu.be/6HpATJ-bxZs

Về cuộc tấn công Hoàng Sa năm 1974, Bản biên niên lần này tổng kết : "Từ ngày 19 đến 20 tháng Giêng, Quân Giải phóng Nhân dân Trung hoa được lệnh thực hiện phản công tự vệ trước cuộc tấn công vũ trang của chính quyền Sài Gòn ở miền Nam Việt Nam, bảo vệ thành công lãnh thổ quần đảo Tây Sa". Về cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam năm 1979, Trung Quốc giải thích, đó là để "thực hiện cuộc phản công tự vệ đối với Việt Nam". Đối với cuộc thảm sát bộ đội công binh Việt Nam ở đá Gạc Ma (Trường Sa) năm 1988, Trung Quốc tôn vinh, đấy là "cuộc phản công tự vệ ở quần đảo Nam Sa". Trung Quốc cũng liệt kê sự kiện thành lập thành phố Tam Sa năm 2012 để quản lý các đảo trên Biển Đông. Điều sỉ nhục quốc thể đối với Việt Nam là báo chí trong nước đã không được phép lên tiếng phản hồi về cách làm "biên niên sự kiện" liệt kê những thành tích trong 100 năm qua của Đảng cộng sản Trung Quốc theo kiểu coi thường Việt Nam đến nhường ấy.

Kỳ lạ hơn nữa là sự phụ họa thái quá của Đảng cộng sản Việt Nam đối với cuộc Hội nghị tại Bắc Kinh lại diễn ra trong bối cảnh Hà Nội đang phải gồng mình đối phó với hàng loạt các thách thức đối nội và đối ngoại kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ 13 đến nay. Vỡ trận Covid-19 ở Sài Gòn, tâm trạng nơm nớp lo sợ ngay ở thủ đô và tại nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, rồi Trung Quốc đang lù lù chuẩn bị đưa tàu nghiên cứu xuống Biển Đông. Biển Đông vốn là vấn đề đang gây chia rẽ giữa Việt Nam với một số thành viên ASEAN. Trước tình hình phức tạp do các hành động ngang ngược của Trung Quốc, đáng ra Nguyễn Phú Trọng phải tận dụng mọi diễn đàn quốc tế để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Nhưng không, ông Trọng đã không làm như thế ! Ngược lại, ông cho Bộ Ngoại giao toa rập với Trung Quốc và Nga, tránh phê phán cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, nhưng lại lên án Mỹ trong vấn đề Cuba. Tất cả những điều này làm cho giá trị địa-chính trị của Việt Nam giảm sút, chứ không phải "đất nước ta chưa bao giờ có tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Lý Nhuệ

Nguồn : RFA, 18/07/2021

Published in Diễn đàn

Lời giới thiệu : Nhận dịp kỷ niệm 100 năm ngày Đảng cộng sản Trung Quốc ra đời (01/07/1921 – 01/07/2021), Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đọc diễn văn dài hơn 1 giờ, phần lớn tập trung vào những vấn đề nội bộ, nhưng ông cũng không giấu tư tưởng sẽ cương quyết chống lại các thế lực thù nghịch với Trung Quốc bất cứ từ đâu đến.

Để hiểu rõ hơn về nội dung bài diễn văn quan trọng này, chúng tôi đã có cuộc nói chuyện với Tiến sĩ, Giáo sư huân công (Professor Emeritus), Nguyễn Mạnh Hùng, người từng giảng dạy nhiều năm về Quan hệ Quốc tế tại Đại học George Mason, gần Thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Mời độc giả theo dõi toàn văn bài phỏng vấn. (PT)

nmh1

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng

******

Phạm Trần : Thưa Giáo sư, ở vị trí của một Học giả chuyên về lĩnh vực quan hệ quốc tế mà ông đã từng giảng giải cho sinh viên trong nhiều năm tại Đại học George Mason, xin ông cho biết nhận xét tổng quát về Bài diễn văn của Chủ tịch nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 1/7/2021 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Đảng cộng sản Trung Quốc ra đời ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Theo thiển ý, bài diễn văn đưa ra ba thông điệp chính cho ba đối tượng khác nhau.

Đối với người dân Trung Quốc, ông Tập kể ra những công lao to lớn của Đảng cộng sản Trung Hoa để minh chứng cho tính cách chính thống, hợp tình, hợp lý của viêc Đảng cộng sản Trung Hoa nắm quyền lãnh đạo và cai trị đất nước trong suốt 70 năm qua.

Đối với các nước lớn có ý định kiềm chế, làm suy yếu và cản trở sự lớn mạnh của Trung Quốc, Tập cảnh báo họ sẽ đụng đầu vào "bức tường thép vĩ đại của 95 triệu đảng viên và 1,4 tỷ người Trung Hoa" và xác quyết rằng sự phuc hồi và trỗi dậy của Trung Quốc là môt "tất yếu lịch sử".

Đối với các nước nhỏ, có thể vì lo sợ trước đường lối ngoại giao chó sói (wolf warrior diplomacy) của Trung Quốc mà phải liên kết với các nước lớn khác để làm đối trọng với hiểm họa Trung Hoa, Tập ngon ngọt thuyết phục rằng "hòa bình, hòa hợp và hòa thuận là những lý tưởng mà Trung Quốc theo đuổi trong suốt hơn 5.000 năm lịch sử", và "tính xâm lăng và bá quyền không hề có trong máu của Trung Quốc".

Phạm Trần : Trong bài Diễn văn dài hơn 1 giờ, ông Tập đã nói đi nói lại nhiều lần về "Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc". Chẳng hạn như ông bảo : "Chỉ có Chủ nghĩa xã hội mới cứu được Trung Quốc, chỉ có Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc mới phát triển được Trung Hoa" (1).

Xin Giáo sư giải thích cho thứ "Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc" là gì, có khác với Chủ nghĩa xã hội cộng sản nguyên thủy hay không ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Theo giải thích của Tập Cận Bình, chủ nghĩa xã hội với đặc tính Trung Quốc khác với chủ nghĩa xã hội cộng sản nguyên thủy xuất phát từ Tây phương vì nó là "sự thích ứng chủ nghĩa Marx với hoàn cảnh của Trung Quốc", với "truyền thống văn hóa Trung Quốc" và với "thời đại mới". Nó cho phép Trung Quốc chuyển đổi thành công từ môt nên kinh tế chỉ huy sang một nền kinh tế thị trường, từ một nước bị cô lập đến một nước phát triển và hội nhập với thế giới.

Ngoài ra, khi khoe khoang rằng "chúng ta đã đi tiên phong trong việc tìm ra một con đường canh tân mới và đặc thù của Trung Quốc" đồng thời còn sáng tạo ra môt "mô thức mới cho sự tiến hóa của nhân loại" trong lúc nền dân chủ Hoa Kỳ đang bị đe dọa, Tâp muốn nhăn nhủ với mọi người rằng lịch sử không chấm dứt với Đồng thuận Washington (Washington Consensus) và mô hình kinh tế thị trường với chính trị dân chủ không phải là con đường phát triển duy nhất của mọi thời, mọi nước.

Phạm Trần : Thưa Giáo sư, tôi ngạc nhiên khi đọc thấy ông Tập Cận Bình lưu ý rằng : "Chúng ta phải bảo vệ vị trí của Tổng bí thư trong Ủy ban Trung ương và trong Đảng nói chung, và bảo vệ thẩm quyền của Ủy ban Trung ương, và sự tập trung và thống nhất lãnh đạo của Ủy ban này" (2).

Như vậy, phải chăng đã có sự rạn nứt hay xáo trộn trong hàng ngũ lãnh đạo tối cao của Đảng cộng sản Trung Quốc ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Điều đáng chú ý ở đây là đòi hỏi "phải bảo vệ vị trí của Tổng bí thư trong Ủy ban Trung ương và trong Đảng". Vì thế, có thể có khác biệt ý kiến và khó chịu về việc tập trung quyền lực quá đáng vào cá nhân "ông chủ tịch của đủ mọi thứ" (chairman of everything), nhưng người ta chưa thấy bằng chứng rõ rệt có sự "rạn nứt hay xáo trộn" trong hàng ngũ lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc.

nmh2

Diễn văn của ông Tập Cận Bình chỉ nhấn mạnh đến việc thiết lập quyền kiểm soát các đặc khu hành chánh Hong Kong và Macao, và "sứ mạng lịch sử" tái thống nhât với Đài Loan…

Phạm Trần : Càng ngạc nhiên hơn khi thấy Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc cảnh cáo rằng : "Bất cứ âm mưu nào muốn chia rẽ Đảng với nhân dân Trung Quốc, hay mưu toan thúc đẩy người dân chống lại đảng cũng sẽ thất bại. Hơn 95 triệu đảng viên và hơn 1,4 tỷ người Trung Hoa sẽ không bao giờ cho phép chuyện này xẩy ra" (3).

Như vậy, thưa Giáo sư, ông Tập Cận Bình muốn gửi thông điệp này cho nội bộ đảng, người dân của ông hay các đối tượng bên ngoài Trung Quốc ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Cả hai, đặc biệt là đối tuợng bên ngoài Trung Quốc.

Phạm Trần : Về đối ngoại, họ Tập cũng nói : "Chúng ta hoan nghênh những khuyến cáo hữu ích và những chỉ trích xây dựng. Nhưng chúng ta không chấp nhận những lời rao giảng của những ai nghĩ là họ có quyền dậy dỗ chúng ta" (4).

Theo ông khi nói như thế thì có phải ông Tập Cần Bình đã nhắm vào Tây phương nói chung và Hoa Kỳ nói riêng, vì các nước này đã liên tiếp chỉ trích Trung Quốc vi phạm nhân quyền và đàn áp người thiểu số Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) ở Tân Cương, và người dân Hồng Kông ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Đúng thế.

Phạm Trần : Cũng trong Diễn văn quan trọng này, ngoài những lời ca tụng công lao của Mao Trạch Đông, các lãnh đạo tiền nhiệm và những đóng góp cho sự thịnh vượng và hòa bình thế giới của Đảng cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình một lần nữa khẳng định : "Trung Quốc không mang dòng máu xâm lược hay bá quyền. Chúng tôi chưa hề khiêu khích, áp chế hay muốn kiểm soát nhân dân nước khác, và sẽ không bao giờ làm như thế. Vì vậy mà chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép bất cứ lực lượng ngoại bang nào khiêu khích, áp chế và kiểm soát chúng tôi. Bất cứ ai muốn làm như vậy thì sẽ đụng đầu vào bức tường sắt vĩ đại của 1,4 tỷ người Trung Hoa" (5).

Thưa ông, nếu đem những lời hứa "không hiếu chiến" của ông Tập so với những hành động lấn chiếm và tiếp tục đe dọa quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông đối với các nước có tranh chấp chủ quyền biển, đảo với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai và Brunei, thì ông thấy "lời nói không đi đôi với việc làm" của họ Tập có giá trị gì không ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Không ai, nhất là người Việt Nam, lạ gì với chính sách nói môt đằng làm một nẻo của chính quyền cộng sản Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong phần diễn văn của Tập Cân Bình về sự phục hồi của Trung Quốc, ông chỉ nhấn mạnh đến việc thiết lập quyền kiểm soát của chính quyền trung ương đối với các đặc khu hành chánh Hong Kong và Macao, và "sứ mạng lịch sử" tái thống nhât với Đài Loan, nhưng không hề đả động đến Biển Đông là vùng có tranh chấp chủ quyền biển, đảo giữa Trung Quốc và các nước ở Đông Nam Á. Phải chăng Biển Đông chưa phải là ưu tiên số một của Trung Quốc trong lúc này ?

Đây có thể là cơ hội cho ASEAN hoặc môt số quốc gia Đông Nam Á có chung quyền lợi hợp tác với nhau để thử thách thiện chí và nỗi lo sợ bị bao vây, cô lập của Trung Quốc mà đòi Trung Quốc chứng tỏ thiện chí hòa bình, không xâm lăng, không bá quyền bằng cách cư xử hòa hoãn ở Biển Đông, nhất là trong tiến trình hoàn tất Bộ Quy tăc ứng xử ở vùng biển này.

Phạm Trần : Xin cảm ơn Giáo sư.

----------------------

Nói thêm : Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (The Association of South East Asia Nations -ASEAN) đã thực hiện các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử (Code of Conduct - COC) từ sau năm 2002 nhưng chưa có kết quả. Bộ Quy tắc ứng xử được đề xướng nhằm ràng buộc pháp lý các bên về hành động của mình trên Biển Đông, sau khi Tuyên bố về cách ứng xử (Declaration of Conduct - DOC) ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc được ký giữa năm 2002, nhưng đã không ngăn chặn được những vi phạm đơn phương của Trung Quốc.

Cuộc đàm phán COC bị gián đoạn vì dịch Covid 19 sẽ được tái diễn trong một tương lai gần, nhưng hy vọng thành công còn rất xa vời. Lý do thất bại của các cuộc họp trước vì ASEAN không đồng ý một số nội dung Bộ Quy tắc ứng xử theo điều kiện của Bắc Kinh, theo đó Trung Quốc chỉ muốn nói chuyện với 5 nước có tranh chấp gồm Việt Nam, Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai và Brunei, thay vì với toàn khối ASEAN.

Trung Quốc cũng chống yêu cầu "quốc tế hóa" vấn đề Biển Đông và đòi ASEAN trục xuất sự hiện diện của Tây Phương ở vùng biển có tranh chấp chủ quyền.

Ngược lại, khối ASEAN muốn có sự tham dự của Tây Phương, đặc biệt là Hoa Kỳ, Pháp, Anh và Đức vì các quốc gia này cũng có quyền lợi về hàng không và hàng hải ở khu vực.

******

Chú thích (nguyên bản tiếng Anh) :

(1) Only socialism could save China, and that only socialism with Chinese characteristics (Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc) could develop China.

(2) We must uphold the core position of the General Secretary on the Party Central Committee and in the Party as a whole, and uphold the Central Committee’s authority and its centralized, unified leadership.

Published in Diễn đàn

Củng cố quyền lực của Đảng, Tập Cận Bình khai thác niềm tự hào dân tộc

Thanh Hà, RFI, 02/07/2021

"Make America Great Again" đã đưa Donald Trump vào Nhà Trắng, liệu rằng khẩu hiệu "Making China Great Again" có giúp chủ tịch Trung Quốc nắm quyền đến mãn đời như Mao Trạch Đông và bảo vệ được vị thế của Đảng cộng sản thêm một 100 năm nữa hay không ?

tap1

Hành khách tại ga xe lửa Nam Thông, tỉnh Giang Tô, chụp ảnh lưu niệm với cờ Đảng cộng sản Trung Quốc, mừng 100 tuổi ngày 01/07/2021. AFP - STR

Báo Anh, The Guardian trong ấn bản ngày 30/06/2021 lưu ý độc giả rằng nửa năm trước lễ hội tại Bắc Kinh đánh dấu 100 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc, chủ tịch kiêm tổng bí thư Tập Cận Bình từng tuyên bố, thế giới có chao đảo thế nào đi chăng nữa, thì Trung Quốc vẫn "bất bại".

Phát biểu tại Trường Đảng hôm 11/01/2016, tức 5 ngày sau vụ tòa nhà Quốc hội Mỹ, điện Capitol tại thủ đô Washington bị tấn công, lãnh đạo Trung Quốc đã rất tự tin cho rằng : "chỉ cần nhìn vào cung cách thiên hạ đối phó với đại dịch và hệ thống chính trị của thế giới" cũng đủ để Bắc Kinh khẳng định rằng Trung Quốc "có thể làm tốt hơn thế (…). Thời gian và lịch sử đang đứng về phía chúng ta (…) điều đó giải thích vì sao chúng ta lại quyết tâm đến thế và đầy tự tin".

Dưới một hình thức khác, thông điệp này đã được lặp lại trong bài phát biểu trước toàn dân hôm 01/07/2021 từ quảng trường Thiên An Môn, nơi mà năm 1949 Mao Trạch Đông đọc bản tuyên ngôn khai sinh ra nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, khi ông Tập tuyên bố : "Thời kỳ mà người dân Trung Quốc bị chà đạp, đau khổ, bị áp bức đã vĩnh viễn thuộc về quá khứ (…) nhân dân Trung Quốc đã vùng lên" và sẽ đương đầu với tất cả mọi chủ nghĩa "bá quyền".

Lãnh đạo số 1 Trung Quốc đã không quên nhắc đến những thành quả kinh tế to lớn đưa nước này lên vị trí nền kinh tế thứ hai toàn cầu ngày nay. Trung Quốc đã trở thành một quốc gia "có mức thịnh vượng trung bình" : Đó là nhờ những "hy sinh to lớn của Đảng". Đằng sau những tuyên bố này đâu là dụng ý của ông Tập Cận Bình ?

Cây bút xã luận của đài phát thanh Pháp France Inter, nhà báo Pierre Haski từng làm việc nhiều năm tại Bắc Kinh ghi nhận : Không phải mới đây mà từ trước đến giờ Đảng cộng sản Trung Quốc liên tục tuyên truyền rằng Đảng và đất nước chỉ là một. Điều đó cho phép nhiều thế hệ lãnh đạo ở Bắc Kinh phủi tay mỗi khi Đảng cộng sản Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế chỉ trích, thì Bắc Kinh coi đó là những lời chỉ trích mang tính "bài Trung Hoa".

Ông Tập Cận Bình tiếp tục khai thác mạnh luận điểm đó khi cho rằng mọi mưu đồ chia rẽ Đảng và nhân dân Trung Hoa đều thất bại (…), hơn 95 triệu đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc cũng như hơn 1,4 tỷ người Trung Hoa sẽ không bao giờ chấp nhận "để bị chia rẽ".

Nói cách khác, phải chăng ông Tập Cận Bình muốn dùng sức mạnh tập thể để hù dọa thế giới ? Mục tiêu đầu tiên mà Bắc Kinh nhắm tới là Hoa Kỳ. Ý đồ này càng lộ rõ hơn nữa khi trong bài phát biểu của lãnh đạo Trung Quốc đề cập đến tính chính đáng của một "nước mạnh cần một đội quân hùng mạnh" và do vậy cần "tăng tốc tiến trình hiện đại hóa hệ thống quốc phòng".

Chiến lược này có còn hiệu quả nữa hay không ? Trên đài truyền hình France 24 chuyên gia về Đông Bắc Á, Antoine Bondaz phân tích : khơi dậy niềm tự hào dân tộc mới là trọng tâm cả bài diễn văn của ông Tập Cận Bình vào lúc Đảng cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm. Các vế lý tưởng, tinh thần cách mạng 100 năm trước đây gần như đã chìm vào quên lãng.

Bởi như nhà báo Pierre Haski ghi nhận : về thực chất mô hình "xã hội chủ nghĩa với những nét đặc thù của Trung Quốc" giờ đây khác xa với tư tưởng của Karl Marx xưa kia. Hơn thế nữa, Bắc Kinh ngày nay đủ tự tin để khẳng định về một "mô hình Trung Quốc". Trong mô hình đó mọi tiếng nói bất đồng đều phải trả cái giá rất đắt. Điều đó từng được chứng minh qua đợt thảm sát ở Thiên An Môn năm 1989, hay gần đây hơn là nguyện vọng tự do của Hồng Kông…

Ông Tập Cận Bình biết rõ hơn ai hết, sự tồn tại của Đảng cộng sản tùy thuộc vào sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Cũng chính phép lạ kinh tế đó đến nay mới chính là bức tường thành mà các nền dân chủ phương Tây chưa vượt qua được trong cuộc "đọ sức" với Trung Quốc.

Thanh Hà

*******************

Trung Quốc : Tập Cận Bình muốn theo chân Mao đi vào lịch sử

Mathieu Duchâtel, Minh Anh, RFI, 02/07/2021

Thứ Năm, 01/07/2021, trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình nhắc nhiều đến Mao Trạch Đông. Kể từ khi lên cầm quyền, chủ tịch Trung Quốc đi theo di sản của "Người Cầm Lái Vĩ Đại" đến mức đôi khi còn được đặt biệt danh "Người Cầm Lái Vĩ Đại 2.0".

tap2

Đĩa in hình lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Mao Trạch Đông bày bán tại một cửa hàng bán đồ lưu niệm gần quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 01/03/2016 /  AP - Andy Wong

Hàng chục nghìn người tụ tập tại quảng trường Thiên An Môn, 100 phát đại bác và một đội tiêm kích trên không, Trung Quốc mừng Đảng cộng sản 100 tuổi. Điểm nhấn của sự kiện là một tuần lễ hội. Đây cũng là cơ hội để ông Tập Cận Bình khẳng định hơn nữa quyền lực của mình.

Trong suốt hơn một giờ, tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, kiêm chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân, không ngớt lời ca tụng những tiến bộ đạt được trong những năm qua khi nhấn mạnh rằng hàng trăm triệu người đã thoát cảnh nghèo khổ.

Trong bài phát biểu nhấn mạnh đến chủ nghĩa dân tộc, Tập Cận Bình tuyên bố, sau một thế kỷ kém phát triển và bị xâm lược, "người dân Trung Quốc nay đã vùng lên" và xu hướng "hồi sinh" của đất nước là "không thể đảo ngược được", đồng thời cảnh báo "những tên đế quốc" nào tìm cách đe dọa, trấn áp hay chế ngự sự hồi sinh đó.

Tại buổi lễ hoành tráng này, Tập Cận Bình xuất hiện trên ban công Tử Cấm Thành, và trong trang phục truyền thống mầu xám "kiểu Mao Trạch Đông", ông không ngừng nhắc đến Mao Trạch Đông, người lãnh đạo đất nước từ năm 1949 đến năm 1976.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình France 24, Mathieu Duchâtel, giám đốc chương trình Châu Á, Viện Montaigne, phân tích những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai nhân vật.

***

France 24 : Những điểm nào cho thấy Tập Cận Bình tiếp tục đi con đường Mao Trạch Đông ?

Mathieu Duchâtel : Giống Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình cũng muốn để lại dấu ấn trong lịch sử. Lịch sử Cộng hòa nhân dân ngày nay chính thức được chia thành ba thời kỳ.

Giai đoạn thứ nhất là thời kỳ cách mạng với Mao Trạch Đông, một giai đoạn dài 30 năm. Đó là thời kỳ "Trung Quốc nổi dậy" và chấm dứt cuộc nội chiến và thời kỳ bán chủ nghĩa thực dân.

Tiếp đến là thời kỳ tăng trưởng kinh tế và tìm kiếm sự phồn thịnh. Giai đoạn này tương ứng với thời kỳ của các cải cách do Đặng Tiểu Bình khởi xướng. Đặng là nhân vật số một của Đảng cộng sản Trung Quốc (PCC) giai đoạn 1978 – 1992.

Về phần mình, Tập Cận Bình đặt nhiệm vụ "tìm kiếm sức mạnh" lên hàng đầu trong lịch trình hành động của mình. Sự phân chia thành ba thời kỳ này đặt ông ấy trong thế bộ ba với ba gương mặt tiêu biểu : Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình.

Tư tưởng Mao, được Tập Cận Bình sử dụng như là kim chỉ nam, đặc biệt thấy rõ nhân kỳ Đại hội Đảng lần thứ 19 năm 2017, còn thể hiện rõ hơn là trong bài diễn văn ông phát biểu hôm thứ Năm 01/07/2021. Chính vào thời điểm đó mà tên của ông được đưa vào trong Điều lệ Đảng, một vinh dự chỉ có Mao mới có được lúc sinh thời.

Những yếu tố về sự sùng bái cá nhân mà Tập Cận Bình được hưởng ngày nay cũng sử dụng nhiều biểu tượng hình ảnh như thời Mao. Việc dàn dựng các chương trình lễ kỷ niệm mừng 100 năm là một ví dụ điển hình. Nhưng khác với Mao, Tập Cận Bình không tập hợp quần chúng. Chỉ có một sự vận động nâng cao tư tưởng của Đảng và giáo dục tinh thần yêu nước, chứ không còn những chiến dịch vận động quần chúng theo kiểu thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa.

France 24 : Đảng cộng sản Trung Quốc của Tập Cận Bình có những điểm chung nào với Đảng cộng sản thời Mao Trạch Đông ?

Mathieu Duchâtel : Sau nhiều nỗ lực cải cách của Đặng Tiểu Bình trong những năm 1980, Tập Cận Bình quay trở về với tư tưởng Lê-nin chính thống, đặt kỷ luật nội bộ lên trên hết, và ông đã tiến hành một quá trình tái tập trung quyền lực mạnh mẽ. Ngày nay, không ai còn nói về dân chủ trong nội bộ Đảng, hay cân bằng giữa các phe phái nữa.

Hơn nữa, Đại hội Đảng lần thứ 19 là một cột mốc quan trọng. Ông ấy đã cho đưa vào Điều lệ Đảng : "Chính phủ, quân đội, xã hội và trường học, Bắc, Nam, Đông, Tây : Đảng lãnh đạo tất cả". Một công thức của chính Mao Trạch Đông.

France 24 : Trong bài phát biểu, Tập Cận Bình không ngừng nhấn mạnh đến "chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa". Phải chăng đó cũng là mong muốn nối dõi Mao ?

Mathieu Duchâtel : Người ta còn nhớ là Liên Xô từng phê phán Mao Trạch Đông có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Tập Cận Bình, ông ấy cũng vậy, chú trọng nhiều vào việc huy động tinh thần yêu nước. Ông ấy dùng điều này để phục vụ cho một dự án nhằm chứng minh sự ưu việt của mô hình xã hội chủ nghĩa theo kiểu Trung Quốc so với các nền dân chủ tự do.

Tập Cận Bình muốn chứng tỏ rằng "chủ nghĩa xã hội Trung Quốc sẽ chiến thắng". Luận điệu của các quan chức Trung Quốc nhắm vào các đối tác phương Tây liên tục nhấn mạnh sự bất lực của phương Tây trong việc ngăn chặn dòng chảy lớn của lịch sử : đó là "Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc số một thế giới" và phương Tây phải ý thức được những hệ quả - ngụ ý rằng không nên chống đối lại điều đó.

Nhưng cuộc cạnh tranh ý thức hệ được biến thành mốt thời thượng, và ngày nay chỉ tập trung vào tính hiệu quả của các mô hình quản trị nhằm xây dựng sức mạnh kinh tế. Nếu như Mao Trạch Đông trước đây từng xuất khẩu Cách Mạng và tìm cách thống lĩnh phe xã hội chủ nghĩa, thì Tập Cận Bình giờ có một cách tiếp cận toàn diện hơn cho cuộc cạnh tranh. Đó chính là cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng với các nền dân chủ phương Tây – trên thực tế chính là với Hoa Kỳ.

France 24 : Ngược lại, hai nhân vật này đối lập với nhau ở điểm nào ?

Mathieu Duchâtel : Ngay cả khi các tham chiếu về chủ nghĩa Mác là bất biến, chẳng hạn như trong việc chỉ trích mô hình dân chủ, và cho dù việc điều hành Đảng là theo tư tưởng Lê-nin, Trung Quốc của Tập Cận Bình là một mô hình chủ nghĩa tư bản nhà nước.

Dự án của Tập Cận Bình dành cho Trung Quốc dựa trên sự tăng trưởng kinh tế và cạnh tranh để trở thành cường quốc canh tân sáng tạo nhất. Do vậy, ông ấy huy động mọi công cụ của chủ nghĩa tư bản, đặc biệt là tài chính, và dựa vào một nền kinh tế toàn cầu hóa mà Mao Trạch Đông đã bác bỏ, chỉ vì vấn đề ý thức hệ. Những dự án lớn hiện nay tại Trung Quốc cũng như tại Châu Âu là chuyển đổi xanh và số hóa nền kinh tế, trong một cuộc đua đổi mới để tạo việc làm và tăng trưởng.

Minh Anh

Nguồn : RFI, 02/07/2021

Published in Diễn đàn

Các Đảng viên tham gia vào việc giám sát dân thường và giám sát lẫn nhau như thế nào ?

Năm 2018, Tập Cận Bình đến thăm một trong những công trình kiến trúc hoành tráng vừa được xây dựng ở Thượng Hải, tòa nhà kính trông khá thấp và đồ sộ được sử dụng chủ yếu để làm trung tâm triển lãm. Một phần không gian bên trong do chính quyền quận quản lý được dùng với mục đích hoàn toàn khác. Các hình ảnh thu được từ những chiếc camera lắp trên đường phố đang được chiếu trực tiếp qua một màn hình lớn treo trên tường. Với sự hỗ trợ từ trí tuệ nhân tạo, hệ thống có thể giúp các cán bộ trong phòng điều khiển phát hiện những việc rất nhỏ như một người thợ xây đang không đội mũ bảo hiểm hoặc là có quá nhiều người đang cùng thuê một căn hộ. Họ đặt biệt danh cho hệ thống này là "Đại não".

kiemsoat1

Ông Tập nói rằng phải quản trị đô thị "đẹp như thêu". Khi hệ thống được đưa vào sử dụng, cần đảm bảo không còn "những điểm mù": giám sát đến từng ngóc ngách và xử lý ngay lập tức mọi vấn đề phát sinh – cho dù đó là một chiếc ô tô đậu trái phép, một nắp cống bị mất hay một "sự cố bất ngờ" (cụm từ mà Đảng dùng để chỉ tất cả mọi chuyện, từ những việc thật sự gây vấn đề cho đến việc người lao động biểu tình để đòi tiền nợ lương). Hệ thống Đại não ở quận Phố Đông (Thượng Hải) đang đi tiên phong trong một giải pháp công nghệ, đó là khả năng tổng hợp các dữ liệu được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, có thể từ những chiếc camera được lắp đặt khắp nơi trên đường hay các cuộc tuần tra của cảnh sát. Những người được Đảng giao nhiệm vụ theo dõi và báo cáo tin cũng là một nguồn cung cấp dữ liệu cho hệ thống. Một nguyên nhân mà ông Tập cho tiến hành cải cách Đảng ở cấp cơ sở là vì muốn sử dụng các Đảng viên làm đôi mắt giám sát.

Dưới thời Mao và Đặng Tiểu Bình, Đảng hiện diện ở khắp nơi. Ở nông thôn, nơi sinh sống của phần đông người Trung Quốc lúc đó, Bí thư chi bộ trong các ngôi làng nắm mọi quyền hành. Ở thành thị, hầu hết mọi người làm việc cho các công ty quốc doanh hoặc cho các cơ quan chính phủ, Đảng viên đứng đầu những nơi này cũng có quyền lực nhiều không kém. Làm phật lòng họ không chỉ hủy hoại sự nghiệp mà còn cả cuộc đời của bạn. Cơ quan, nơi làm việc sẽ chịu trách nhiệm phân bổ nhà ở cho công nhân viên chức, người lao động. Việc kết hôn, đi lại hay xin cấp hộ chiếu đều cần có sự cho phép của nơi người đó làm việc. Tất cả sinh viên sau khi tốt nghiệp phải nhận công việc mà họ được Nhà nước phân công. Làm mất lòng người đứng đầu có thể dẫn tới kết cục không được nhận các vị trí việc làm tốt và bị điều tới những khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa.

Năm 2002, học giả người Mỹ Perry Link đã ví khả năng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc kiểm soát người dân giống như "một con trăn khổng lồ cuộn quanh chiếc đèn chùm trên cao". Bình thường, con trăn không cần phải di chuyển. "Việc xảy ra thường xuyên hơn là tất cả những người đứng dưới bóng của nó phải tự biết điều chỉnh những hành vi lớn nhỏ của mình cho phù hợp – trông những hành vi này khá là ‘tự nhiên’". Khi xã hội Trung Quốc có những bước chuyển biến mạnh vào những năm 2000, phép ẩn dụ này không còn đúng như trước. Người dân nông thôn trong độ tuổi lao động di cư hàng loạt đến các thành phố, lối sống tạm bợ, không có nơi ở cố định của những người này gây khó khăn cho Đảng trong việc giám sát. Nhà ở đã được tư nhân hóa và số lượng người làm việc cho nhà nước giảm đi rất nhiều. Sinh viên được phép tự tìm việc làm và mọi người có thể đi đến bất cứ đâu vào bất cứ thời điểm nào họ muốn. Con trăn đã trở nên khó nhìn thấy hơn và cũng ít đáng ngại hơn. Ngày càng có nhiều nhà hoạt động thuộc các tổ chức phi chính phủ, luật sư về nhân quyền, người dân chịu bất công ở địa phương và những người dùng Internet dám nói lên những lời phàn nàn, chỉ trích.

Đảng đang tiến hành cải cách

Ông Tập muốn khôi phục hệ thống giám sát của Đảng. Các Đảng viên đảm nhận nhiệm vụ làm "tai mắt" cho chính quyền đang quay trở lại. Từ trước khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, một số thành phố đã bắt đầu cho thí điểm hệ thống giám sát mới gọi là "quản lý theo mạng lưới". Trong đó, các khu dân cư được chia thành những nhóm nhỏ hơn gồm một số hộ gia đình, mỗi nhóm như vậy là một ô và có một vài người (thường là Đảng viên đã về hưu) sẽ được giao nhiệm vụ giám sát các cư dân khác trong mạng lưới. Khi lên cầm quyền, ông Tập đã cho nhân rộng hệ thống này ra toàn quốc. Vị trí thực của những người giám sát được hiển thị trên màn hình lớn của hệ thống "Đại não" ở quận Phố Đông. Khi có sự việc bất thường xảy ra, các cán bộ ở phòng điều khiển có thể dựa vào thông tin về vị trí để quyết định điều người nào đến xem xét hiện trường.

Một tờ báo chính thống đưa ra ví dụ trong thực tế. Phóng viên của họ đã chứng kiến một mẩu giấy bị vứt trên đường rơi vào tầm ngắm của camera. Thông tin liền được chuyển tới người phụ trách giám sát khu vực đó để đem bỏ rác đi. Đây có vẻ như chỉ là một ví dụ nhỏ nhưng nó khiến một số độc giả phải lưu tâm. Nếu mẩu giấy kia là tờ rơi chống Đảng do một nhà bất đồng chính kiến phát tán thì thủ phạm cũng sẽ bị "bế đi" nhanh như mẩu giấy vậy.

Cấp trên cùng của hệ thống quản lý theo mạng lưới này là những Đảng ủy khu phố. Cảnh sát trưởng của các địa phương được cho nắm giữ những vị trí quan trọng trong Đảng ủy để củng cố khả năng giám sát. Bên cạnh đó, so với các cấp ủy Đảng khác, chẳng hạn như cấp ủy Đảng trong doanh nghiệp, Đảng ủy tại các khu phố được trao thẩm quyền rộng hơn. Các Đảng ủy sẽ chuyển những thông tin nhạy cảm mà họ thu thập được từ những người giám sát đến cho cảnh sát. Các trường đại học cũng là một mối bận tâm lớn. Tất cả những cuộc nổi dậy chống chính quyền quy mô lớn trong hơn một thế kỷ qua đều có bóng dáng sinh viên ở lực lượng nòng cốt, trong đó có cả phong Ngũ Tứ năm 1919 mà Mao Trạch Đông tham gia. Hiện tại không có dấu hiệu cho thấy sẽ xảy ra nổi loạn trong khuôn viên các trường đại học. Tuy vậy ông Tập vẫn rất cảnh giác. Để có thể hoạt động tốt, các trường đại học phải trở thành "những thành trì vững chắc" ủng hộ sự dẫn dắt của Đảng, ông Tập nói vào năm 2016. Ông cũng than phiền rằng tinh thần này ở một số nơi là chưa đủ mạnh mẽ. Hai năm sau đó, ông Tập kêu gọi triển khai các biện pháp "quyết liệt" để ngăn chặn sự lan rộng của "những khuynh hướng chính trị lệch lạc" trong giới sinh viên.

Một lần nữa, các Đảng viên được sử dụng như những chiến sĩ trên mặt trận này. Sau biến cố năm 1989, những sinh viên là Đảng viên hay đang xin gia nhập Đảng đã được điều động để trở thành "tai mắt" cho chính quyền. Công việc của họ là báo cáo định kỳ cho Đảng về những chủ đề đang được sinh viên quan tâm thảo luận và tố giác bất kỳ ai, kể cả giảng viên, có dấu hiệu lệch lạc tư tưởng. Dưới thời ông Tập, vai trò của những sinh viên này được thể chế hóa ở mức cao hơn, khuôn viên trường đại học được chia thành một hệ thống các ô lưới. Mỗi ô sẽ có một số sinh viên phụ trách việc giám sát những bạn học khác trong ký túc xá. Thông tin mà những sinh viên này thu thập sẽ được nhập vào hệ thống máy tính của trường.

So với những người tiền nhiệm thời hậu Mao, Tập Cận Bình rất chú trọng vào việc duy trì hoạt động của các cơ sở Đảng bên trong nội bộ doanh nghiệp tư nhân và tổ chức phi chính phủ. Những nhân viên, người lao động là Đảng viên sẽ nhóm họp thành các tiểu tổ hoặc chi bộ, một nhiệm vụ của những chi bộ này là theo dõi hành vi của công nhân và báo cáo các nguy cơ tiềm ẩn. Bí thư của chi bộ cũng thường sẽ tham gia những cuộc họp của tổ chức Đảng tại khu phố để thảo luận về các mối đe dọa đối với sự ổn định xã hội. Dưới thời ông Tập, sự kiểm soát chặt của Đảng đối với các doanh nghiệp đã quay trở lại.

The Economist

Nguyên tác "China’s methods of surveillance: They’re always looking at you", The Economist, 23/06/2021.

Nguyễn Thanh Hải biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 02/07/2021

Published in Diễn đàn
dimanche, 27 juin 2021 23:59

Canh bạc của Tập Cận Bình

LTS : Trung Quốc đang tất bật chuẩn bị loạt lễ hội kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc – đảng chính trị lớn nhất và mạnh nhất hành tinh. Do sự tương đồng về ý thức hệ và thể chế giữa Trung Quốc và Việt Nam, những vấn đề của Đảng cộng sản Trung Quốc cũng giúp ta hiểu biết những vấn đề mà Việt Nam đang đối mặt. Trang Diễn đàn của SGN sẽ giới thiệu một số bài nghiên cứu, phân tích và bình luận về đề tài này để độc giả theo dõi. Những ý kiến trình bày trong các bài là của các tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của tòa soạn SGN.

98142443

--------------------------

Ông Tập có thể đúng khi cho rằng thập niên tới sẽ quyết định thành công lâu dài của Trung Quốc. Điều mà ông ta có thể không hiểu là chính bản thân ông ta mới là trở ngại lớn nhất

--------------------------

Tập Cận Bình là người đang thực hiện một sứ mệnh. Sau khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, ông ta đã nhanh chóng củng cố quyền lực chính trị, thanh lọc Đảng cộng sản Trung Quốc khỏi nạn tham nhũng tràn lan, gạt kẻ thù sang một bên, thuần hóa các tập đoàn tài chính và công nghệ có thời bay cao của Trung Quốc, dẹp tan bất đồng nội bộ và mạnh mẽ áp đặt ảnh hưởng của Trung Quốc lên chính trường quốc tế. Với danh nghĩa bảo vệ "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc, Tập đã gây thù với nhiều nước láng giềng và kết oán với các quốc gia ở xa — đặc biệt là Hoa Kỳ.

Trong khi những người tiền nhiệm của ông tin rằng Trung Quốc phải tiếp tục tận dụng thời gian bằng cách trông chừng tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và sự mở rộng đều đặn ảnh hưởng của Trung Quốc qua việc hội nhập mang tính chiến thuật vào trật tự toàn cầu hiện tồn, thì ông Tập lại thiếu kiên nhẫn với hiện trạng, sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao, và dường như ông cảm thấy một cảm giác cấp bách rõ rệt trong việc thách thức trật tự quốc tế.

Tại sao ông ta lại vội vã như vậy ? Đa số các nhà quan sát đều chấp nhận một trong hai giả thuyết hoàn toàn trái ngược nhau. Giả thuyết ​​th nht cho rng Tp đang thúc đẩy mt lot sáng kiến ​​chính sách nhm ti mc đích không gì khác hơn là thiết lập lại trật tự toàn cầu theo những điều kiện có lợi cho Đảng cộng sản Trung Quốc. Cách nhìn khác khẳng định rằng ông ta là một người giám sát đầy lo lắng một hệ thống chính trị theo chủ nghĩa Lenin lỗi thời và tồi tàn đang đấu tranh để giữ vững quyền lực. Cả hai câu chuyện đều chứa đựng các yếu tố của sự thật, nhưng không giải thích thỏa đáng nguồn gốc của cảm giác cấp bách của Tập.

Một lời giải thích chính xác hơn là các tính toán của Tập được quyết định không phải bởi nguyện vọng hay nỗi sợ hãi cá nhân mà bởi dòng thời gian của ông ta. Nói một cách đơn giản, Tập đã thâu tóm quá nhiều quyền lực và làm đảo lộn hiện trạng với một sức mạnh như vậy bởi vì ông ta nhận thấy một cơ hội hẹp, chỉ từ 10 đến 15 năm, trong đó Bắc Kinh có thể tận dụng một loạt các chuyển đổi công nghệ và địa chính trị quan trọng để giúp Trung Quốc vượt qua những thách thức nội bộ đáng kể. Ông Tập coi sự hội tụ của những lực cản mạnh về nhân khẩu học, sự suy giảm cơ cấu kinh tế, những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ kỹ thuật số và cái được cho là sự chuyển dịch cán cân quyền lực toàn cầu ra khỏi Hoa Kỳ như là những điều mà ông ta gọi là "những thay đổi sâu sắc chưa từng thấy trong một thế kỷ", đòi hỏi một tập hợp táo bạo các phản ứng ngay lập tức.

Bằng cách thu hẹp tầm nhìn vào giai đoạn 10 đến 15 năm tới, ông Tập đã truyền cho hệ thống chính trị Trung Quốc cái ý thức tập trung và quyết tâm có thể giúp Trung Quốc vượt qua những thách thức nội bộ lâu dài và đạt được đẳng cấp mới về tính trung tâm toàn cầu. Nếu ông Tập thành công, Trung Quốc sẽ tự định vị như một kiến ​​trúc sư ca k nguyên đa cc mi ni, nn kinh tế ca nước này s thoát khi cái gi là by thu nhp trung bình, và năng lc công ngh ca lĩnh vc sn xut và quân s s sánh ngang vi các nước phát trin hơn.

Tuy nhiên, tham vọng và sự thực hiện tham vọng không phải là một, và ông Tập hiện đã đặt Trung Quốc vào một quỹ đạo đầy rủi ro, một quỹ đạo đe dọa những thành tựu mà những người tiền nhiệm của ông đã đạt được trong thời kỳ hậu Mao. Niềm tin của ông ta rằng Đảng cộng sản Trung Quốc phải định hướng nền kinh tế và Bắc Kinh phải kiềm chế khu vực tư nhân sẽ hạn chế sự tăng trưởng kinh tế của đất nước trong tương lai. Yêu cầu của ông ta cán bộ đảng phải tuân theo sự chính thống về ý thức hệ và thể hiện lòng trung thành cá nhân đối với ông ta sẽ làm suy yếu tính linh hoạt và năng lực của hệ thống quản trị quốc gia. Sự nhấn mạnh của ông ta vào một định nghĩa mở rộng về an ninh quốc gia sẽ lèo lái đất nước theo hướng hướng nội và hoang tưởng hơn. Việc ông tung ra chủ nghĩa dân tộc "Chiến binh Sói" sẽ tạo ra một Trung Quốc hung hăng và bị cô lập hơn. Cuối cùng, vị trí ngày càng độc tôn của Tập trong hệ thống chính trị Trung Quốc sẽ ngăn cản các lựa chọn chính sách thay thế và điều chỉnh đường lối, một vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi ông loại bỏ các giới hạn nhiệm kỳ và viễn cảnh ông cầm quyền vô thời hạn.

Tập tin rằng ông ta có thể nhào nặn tương lai của Trung Quốc giống như các hoàng đế trong quá khứ lâu đời của đất nước. Ông ta nhầm lẫn sự kiêu ngạo ấy với sự tự tin — và không ai dám nói khác với ông ta. Một môi trường trong đó một nhà lãnh đạo toàn năng chỉ chuyên tâm vào một hướng mà không nghe thấy những sự thật khó chịu chính là công thức dẫn đến thảm họa, như lịch sử hiện đại của Trung Quốc đã chứng minh quá rõ.

Một người hấp tấp

Nhìn lại, dòng thời gian bị dồn nén lại của ông Tập đã hiện rõ kể từ khi ông ta bắt đầu nhiệm kỳ. Trung Quốc đã quen với bước đi của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, chậm chạp và phẳng lặng, và nhiều người kỳ vọng ông Tập cũng sẽ làm như vậy, dù ông sẽ nhấn mạnh nhiều hơn vào cải cách kinh tế. Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài tháng sau khi nắm quyền vào năm 2012, Tập đã bắt đầu sắp xếp lại cục diện chính trị và kinh tế trong nước. Đầu tiên là cuộc dọn dẹp từ trên xuống dưới của Đảng cộng sản Trung Quốc. Đảng đã nhiều lần chứng tỏ có năng lực chống chọi các cơn bão trong nước, nhưng áp lực đang được tích tụ bên trong hệ thống. Tham nhũng đã trở thành bệnh dịch, dẫn đến sự bất mãn của dân chúng và phá vỡ kỷ luật của tổ chức. Hàng ngũ của đảng tăng lên nhanh chóng nhưng ngày càng đầy những cá nhân không có chung niềm tin với ông Tập vào tính chất ngoại lệ của Đảng cộng sản Trung Quốc. Các chi bộ trong doanh nghiệp nhà nước, công ty tư nhân và các tổ chức phi chính phủ không hoạt động và vô tổ chức. Quy trình ra quyết định ở cấp cao đã trở nên thiếu phối hợp và biệt lập. Các cơ quan tuyên truyền của đảng phải vật lộn để đưa thông điệp của họ tới một tập thể công dân ngày càng hoài nghi và tinh thông công nghệ.

Ông Tập đã giải quyết tất cả những vấn đề này cùng một lúc. Chỉ riêng trong năm 2013, ông đã khởi xướng một chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng, phát động một chiến dịch "quần chúng" nhằm loại bỏ chủ nghĩa đa nguyên chính trị và các hệ tư tưởng tự do khỏi các diễn ngôn công cộng, công bố các hướng dẫn mới hạn chế sự gia tăng đảng viên và bổ sung các yêu cầu tư tưởng mới đối với các đảng viên dự bị. Ông tin rằng quy mô của đảng là không thật quan trọng nếu đảng không bao gồm những tín đồ thật sự trung thành. Sau cùng, ông lưu ý, khi Liên Xô trên bờ vực sụp đổ vào đầu những năm 1990, "theo tỷ lệ, Đảng cộng sản Liên Xô có nhiều đảng viên hơn [Đảng cộng sản Trung Quốc], nhưng không ai đủ sức đứng lên và chống lại".

Bước kế tiếp trong chương trình nghị sự của Tập là nhu cầu khẳng định lợi ích của Trung Quốc trên trường quốc tế. Ông ta nhanh chóng bắt đầu các nỗ lực bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông, thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Hoa Đông, giúp thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (đôi khi được gọi là Ngân hàng BRICS), công bố một dự án cơ sở hạ tầng quốc tế khổng lồ được gọi là Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI), và đề ngh thành lp Ngân hàng Đầu tư Cơ s h tng Châu Á (AIIB).

Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ đầu tiên, Tập tiếp tục thúc đẩy đường lối của mình và không có dấu hiệu giảm tốc khi ông gần kết thúc nhiệm kỳ thứ hai. Việc củng cố quyền lực của ông tiếp tục không bị gián đoạn : ông không phải đối mặt với các đối thủ chính trị thực sự, ông bãi bỏ các giới hạn nhiệm kỳ cầm quyền ; và ông sắp đặt các đồng minh và những người trung thành vào các vị trí quan trọng. Các trung tâm nghiên cứu mới được dành riêng cho việc nghiên cứu các bài viết và bài phát biểu của ông, các quan chức đảng công khai tán dương trí tuệ và phẩm hạnh của ông, các quy định của đảng và các tài liệu kế hoạch của chính phủ ngày càng tuyên bố là dựa trên "Tư tưởng Tập Cận Bình". Ông ta khẳng định sự thống trị của Đảng cộng sản Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực rộng lớn của xã hội và đời sống kinh tế Trung Quốc, thậm chí buộc những người khổng lồ và có ảnh hưởng về kinh doanh và công nghệ phải cầu xin sự tha thứ vì họ đã không đủ trung thành với đảng. Trong khi đó, ông tiếp tục mở rộng phạm vi ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc thông qua việc thực thi quyền lực cứng, cưỡng ép kinh tế và hội nhập sâu rộng vào các tổ chức quốc tế và đa phương.

Nhiều nhà quan sát bên ngoài, kể cả tôi, lúc đầu tin rằng sự bất lực của đảng này trong việc ngăn chặn cuộc bùng phát của Covid-19 đã làm nổi bật những điểm yếu của hệ thống của Trung Quốc. Tuy nhiên, vào mùa hè năm 2020, ông Tập đã có thể ca tụng các ưu điểm của quyền kiểm soát tập trung trong việc kiềm chế sự lây lan trong nước của đại dịch. Phương pháp tiếp cận bằng quả đấm sắt của Bắc Kinh để chống lại virus chẳng những đã không làm suy yếu quyền lực chính trị của ông ta, giờ đây nó đã trở thành một niềm tự hào dân tộc.

Một khoảnh khắc độc đáo

Bước đi nhanh chóng của Tập được kích thích bởi sự hội tụ những thay đổi về địa chính trị, nhân khẩu học, kinh tế, môi trường và công nghệ. Những rủi ro mà chúng gây ra rất đáng sợ nhưng chưa hiện hữu ; Bắc Kinh có một cơ hội để giải quyết chúng trước khi chúng trở thành thảm họa. Và phần thưởng tiềm năng mà chúng cung cấp thật là đáng kể.

Thay đổi lớn đầu tiên là đánh giá của Bắc Kinh rằng sức mạnh và ảnh hưởng của phương Tây đã bước vào giai đoạn suy giảm nhanh chóng và kết quả là một kỷ nguyên mới, đa cực, đã bắt đầu, một kỷ nguyên mà Trung Quốc có thể định hình theo ý thích của mình nhiều hơn. Quan điểm này trở nên vững chắc khi các cuộc chiến của Hoa Kỳ ở Afghanistan và Iraq trở thành vũng lầy, và nó càng vững chắc sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 mà giới lãnh đạo Trung Quốc coi là hồi chuông báo tử cho uy tín toàn cầu của Hoa Kỳ. Năm 2016, sự kiện người Anh bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu và việc Donald Trump được bầu làm tổng thống ở Hoa Kỳ đã củng cố quan điểm đồng thuận rằng Hoa Kỳ và phương Tây nói chung, đang suy thoái. Điều này cho thấy Trung Quốc có thể lựa chọn sự kiên nhẫn chiến lược và chỉ cần để cho sức mạnh của Mỹ suy yếu. Nhưng khả năng đổi mới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ do sự ra đời của chính quyền Biden mang lại – và nỗi lo ngại về cái chết của ông Tập (ông ta sẽ 82 tuổi vào năm 2035) – có nghĩa là Bắc Kinh không muốn chờ xem giai đoạn suy tàn của phương Tây sẽ kéo dài bao lâu. 

Lực lượng quan trọng thứ hai mà Tập phải đương đầu là triển vọng kinh tế và nhân khẩu học của Trung Quốc đang xấu đi. Vào thời điểm ông ta nhậm chức, dân số Trung Quốc vừa già đi vừa thu hẹp lại, và đất nước này đang phải đối mặt với sự gia tăng số người nghỉ hưu sắp xảy ra, và điều đó sẽ gây căng thẳng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe và lương hưu khá yếu kém của đất nước. Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc hiện dự đoán dân số Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2029 và một nghiên cứu gần đây trên tạp chí The Lancet dự báo rằng dân số Trung Quốc sẽ giảm gần 50% vào cuối thế kỷ này. Mặc dù Bắc Kinh đã chấm dứt chính sách hà khắc mỗi gia đình chỉ có một đứa con vào năm 2016, nước này vẫn ghi nhận mức giảm 15% số trẻ em sinh ra trong 12 tháng qua. Trong khi đó, chính phủ ước tính rằng vào năm 2033, gần một phần ba dân số sẽ trên 60 tuổi.

Đóng góp vào những tai họa này là lực lượng lao động đang thu hẹp của Trung Quốc và mức lương tăng lên, trung bình đã tăng 10% kể từ năm 2005. Mức lương tăng lên có lợi cho người lao động, nhưng các nhà sản xuất toàn cầu đang ngày càng chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc, đến các nước có chi phí thấp hơn, để lại một số lượng ngày càng nhiều các công nhân có tay nghề thấp của Trung Quốc bị thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. Và bởi vì chỉ 12,5% lực lượng lao động của Trung Quốc đã tốt nghiệp đại học (so với 24% ở Hoa Kỳ), việc định vị phần lớn lực lượng lao động của đất nước để cạnh tranh trong những công việc đòi hỏi kỹ năng cao trong tương lai sẽ là một cuộc chiến khó khăn.

Liên quan trực tiếp đến bức tranh nhân khẩu học đáng lo ngại này là sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc. Với mức tăng trưởng GDP hàng năm đã giảm từ mức cao 14% năm 2007 xuống mức một con số như hiện nay, nhiều vấn đề dài hạn mà Bắc Kinh có thể tạm gác lại giờ đây đòi hỏi phải được chú ý và phải sẵn sàng chấp nhận nỗi đau kinh tế và chính trị, từ việc giải tỏa một số lượng khổng lồ các công ty nợ nần đầm đìa đến việc yêu cầu các công ty và cá nhân phải nộp nhiều hơn vào kho thuế của nhà nước. Trọng tâm của trở ngại tăng trưởng của Trung Quốc là vấn đề năng suất. Trong vài thập niên đầu tiên của thời kỳ cải cách sau Mao, tăng năng suất là việc tương đối dễ dàng, vì nền kinh tế kế hoạch bị giải tán theo hướng có lợi cho các lực lượng thị trường ; hàng loạt công dân tự nguyện rời khỏi vùng nông thôn để đến các khu vực thành thị và ven biển hứa hẹn có công việc lương cao hơn. Sau đó, khi các công ty nước ngoài mang vốn đầu tư, công nghệ và bí quyết đến nước này, hiệu quả công nghiệp tiếp tục được cải thiện. Cuối cùng, số tiền khổng lồ chi cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường bộ và đường sắt, đã thúc đẩy tính kết nối và do đó năng suất. Tất cả những điều này đã giúp một nền kinh tế nghèo và chủ yếu là nông nghiệp nhanh chóng bắt kịp với các nền kinh tế tiên tiến hơn.

Tuy nhiên, vào thời điểm ông Tập lên nắm quyền, các nhà hoạch định chính sách thấy rằng ngày càng khó duy trì động lực phát triển mà không tạo ra mức nợ không bền vững, giống như họ đã làm để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Hơn thế nữa, đất nước đã bão hòa với cơ sở hạ tầng giao thông, vì vậy thêm một dặm đường bộ hoặc đường sắt cao tốc không còn đóng góp nhiều vào tăng trưởng kinh tế. Và bởi vì hầu hết tất cả những người lao động có sức khỏe đều đã chuyển từ nông thôn ra thành thị, nên bố trí lại lao động cũng sẽ không chặn đứng được đà suy giảm năng suất. Cuối cùng, các chi phí xã hội và môi trường của mô hình tăng trưởng trước đây của Trung Quốc đã trở nên vừa không bền vững vừa gây mất ổn định ; ô nhiễm không khí và sự tàn phá môi trường đáng kinh ngạc đã gây ra sự tức giận dữ dội trong công dân Trung Quốc.

Có lẽ những thay đổi mang tính hệ quả nhất đã xảy ra dưới sự giám sát của ông Tập là những bước tiến trong các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, người máy và kỹ thuật y sinh, cùng những tiến bộ khác. Ông Tập tin rằng việc chiếm lĩnh "tầm cao chỉ huy" những công cụ mới này sẽ đóng một vai trò quan trọng đối với số phận kinh tế, quân sự và địa chính trị của Trung Quốc, và ông đã huy động đảng biến đất nước thành một cường quốc công nghệ cao. Điều này bao gồm việc chi những khoản tiền khổng lồ để phát triển nghiên cứu và phát triển của quốc gia và phát triển năng lực sản xuất trong các công nghệ được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia, từ chất bán dẫn đến bình điện. Như ông Tập đã tuyên bố vào năm 2014, lợi thế của người đi đầu sẽ thuộc về "bất kỳ ai dẫn dắt sự đổi mới khoa học và công nghệ".

Ông Tập cũng hy vọng rằng các công nghệ mới có thể giúp Đảng cộng sản Trung Quốc vượt qua, hoặc ít nhất là tránh khỏi gần như tất cả các thách thức trong nước của Trung Quốc. Ông tin rằng những tác động tiêu cực của lực lượng lao động ngày càng thu hẹp có thể được giảm bớt nhờ sự thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc tự động hóa và số việc làm bị mất đi trong các ngành truyền thống có thể được bù đắp bằng cơ hội trong các lĩnh vực công nghệ cao, mới hơn. "Liệu chúng ta có thể cứng rắn trở lại trên trường quốc tế và vượt qua‘ bẫy thu nhập trung bình ’hay không phụ thuộc phần lớn vào việc nâng cao năng lực đổi mới khoa học và công nghệ", ông Tập nói vào năm 2014.

Công nghệ mới còn phục vụ các mục đích khác. Các công cụ nhận dạng khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo mang đến cho các cơ quan an ninh nội bộ của Trung Quốc những cách thức mới để giám sát công dân và đàn áp những người bất đồng chính kiến. Chiến lược "kết hợp quân sự-dân sự" của đảng đang cố gắng khai thác những công nghệ mới để tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc. Và những tiến bộ trong công nghệ xanh mang lại triển vọng đồng thời theo đuổi sự phát triển kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm, hai mục tiêu mà Bắc Kinh thường coi là đang trong tình trạng căng thẳng.

Phong cách hoang tưởng trong chính trị Trung Quốc

Sự hội tụ của những sự thay đổi và phát triển này sẽ xảy ra bất kể ai nắm quyền ở Trung Quốc vào năm 2012. Có lẽ một nhà lãnh đạo khác sẽ thực hiện một chương trình nghị sự táo bạo tương tự. Tuy nhiên, trong số các nhân vật chính trị đương thời của Trung Quốc, ông Tập đã chứng tỏ là người một kỹ năng vô song trong cuộc đấu đá nội bộ. Và ông tin tưởng rõ ràng rằng ông là một nhân vật có ý nghĩa lịch sử, là người mà số phận của Đảng cộng sản Trung Quốc phụ thuộc vào.

Để thúc đẩy những cuộc thay đổi quan trọng, ông Tập đã giám sát việc xây dựng một trật tự chính trị mới, một trật tự được củng cố bởi sự gia tăng mạnh mẽ quyền lực và quyền hành của Đảng cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, ngoài sự nâng cao quyền lực của đảng, có lẽ di sản quan trọng nhất của ông Tập sẽ là sự tái định nghĩa sâu rộng về an ninh quốc gia. Ông ủng hộ "khái niệm an ninh quốc gia toàn diện" vào đầu năm 2014, và trong một bài phát biểu vào tháng Tư, ông tuyên bố rằng Trung Quốc phải đối mặt với "những yếu tố bên trong và bên ngoài phức tạp nhất trong lịch sử". Mặc dù nhận định này rõ ràng là cường điệu – cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ ở Triều Tiên và nạn đói trên toàn quốc vào cuối những năm 1950 phức tạp hơn nhiều – thông điệp của ông Tập đối với hệ thống chính trị rất rõ ràng : đảng đang đối mặt với một kỷ nguyên mới đầy rủi ro và không chắc chắn.

Kinh nghiệm lâu dài của Đảng cộng sản Trung Quốc về hiện tượng thoái đảng, những âm mưu đảo chính và lật đổ bởi các tác nhân bên ngoài khiến cho đảng bị mắc chứng hoang tưởng cấp tính, một điều đã lên đến đỉnh điểm vào thời Mao. Ông Tập có nguy cơ thể chế hóa phong cách hoang tưởng này. Một kết quả của việc làm mờ ranh giới giữa an ninh nội bộ và an ninh bên ngoài là sự thổi phồng mối đe dọa : các cán bộ đảng ở các khu vực ít tội phạm, ít rủi ro giờ đây đưa ra lời cảnh báo về khủng bố, "các cuộc cách mạng màu" và "sự xâm nhập của Cơ Đốc giáo". Ở Tân Cương, những mối lo ngại về chủ nghĩa ly khai đã được sử dụng để biện minh cho việc biến toàn bộ khu vực thành một nhà tù công nghệ cao lầm lạc. Và ở Hong Kong, ông Tập đã thiết lập một bộ máy "an ninh quốc gia" có thể phớt lờ luật pháp địa phương và hoạt động trong bí mật hoàn toàn nhằm loại bỏ các mối đe dọa đối với sự cai trị bàn tay sắt của Bắc Kinh. Ở cả hai nơi, ông Tập đã chứng tỏ ông sẵn sàng chấp nhận sự phản đối của quốc tế khi ông ta cảm thấy rằng lợi ích cốt lõi của đảng đang bị đe dọa.

Ở trong nước, ông Tập khơi dậy tình cảm dân tộc chủ nghĩa bằng cách cho rằng Trung Quốc đang bị kẻ thù bao vây và phong tỏa ; ông khai thác cái nhìn đầy cảm tính và rất méo mó về quá khứ và lãng mạn hóa các trận chiến của Trung Quốc chống lại người Nhật trong Thế chiến thứ Hai và "chiến thắng" trước Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Bằng cách cảnh báo rằng Trung Quốc đã bước vào một thời kỳ có nhiều rủi ro từ "các thế lực thù địch nước ngoài", ông Tập đang cố tiêm vào đầu óc công dân Trung Quốc ý tưởng về những thời điểm khó khăn hơn phía trước và đảm bảo rằng đảng và bản thân ông được coi là lực lượng ổn định. 

Trong khi đó, để khai thác cơ hội được cho là xuất hiện trong thời gian Mỹ rút lui khỏi các vấn đề toàn cầu, Bắc Kinh đã tiến công mạnh mẽ trên nhiều mặt trận chính sách đối ngoại. Chúng bao gồm việc sử dụng chiến thuật "vùng xám", chẳng hạn như sử dụng tàu đánh cá thương mại để áp đặt lợi ích lãnh thổ ở Biển Đông và thiết lập căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc ở Djibouti. Thị trường nội địa rộng lớn của Trung Quốc đã cho phép ông Tập đe dọa các quốc gia không thể hiện sự tuân phục chính trị và ngoại giao Trung Quốc, bằng chứng là chiến dịch cưỡng bức kinh tế gần đây của Bắc Kinh đối với Úc để đáp lại lời kêu gọi của Canberra về một cuộc điều tra độc lập nguồn gốc của virus gây ra đại dịch Covid-19. Tương tự, ông Tập đã khuyến khích các nhà ngoại giao "Chiến binh Sói" của Trung Quốc đe dọa và quấy rối các nước chủ nhà nào chỉ trích hoặc chống đối Trung Quốc. Đầu năm nay, Bắc Kinh đã áp dụng biện pháp trừng phạt đối với Jo Smith Finley, một nhà nhân chủng học và nhà khoa học chính trị người Anh nghiên cứu về Tân Cương, và Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, một tổ chức tư vấn của Đức, những người và tổ chức mà Đảng cộng sản Trung Quốc tuyên bố công việc của họ đã "gây tổn hại nghiêm trọng [đến] chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc".

Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình đã chứng tỏ họ có sự kiên nhẫn chiến lược trong việc khẳng định lợi ích của Trung Quốc trên trường toàn cầu. Thật vậy, Mao đã nói với Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon rằng Trung Quốc có thể đợi 100 năm để giành lại Đài Loan, và Đặng đã thương lượng việc trả lại Hồng Kông với cam kết (đã bị ông Tập phá vỡ) để cho vùng đất này tự trị trong 50 năm. Cả hai nhà lãnh đạo đó đều có ý thức sâu sắc về sự mong manh tương đối của Trung Quốc và tầm quan trọng của thái độ cẩn trọng, linh hoạt trong việc trị quốc. Ông Tập không chia sẻ sự trầm tĩnh của họ, hoặc niềm tin tưởng của họ vào các giải pháp lâu dài.

Điều đó đã làm dấy lên lo ngại rằng ông Tập sẽ cố gắng thực hiện một canh bạc cực kỳ mạo hiểm để chiếm Đài Loan bằng vũ lực vào năm 2027, nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Tuy nhiên, có vẻ đáng ngờ rằng ông ta sẽ gây ra một cuộc đụng độ quân sự với Hoa Kỳ ở nơi chỉ cách bờ biển Trung Quốc 110 dặm. Giả sử PLA thành công trong việc vượt qua các tuyến phòng thủ của Đài Loan, chưa nói đến việc vượt qua sự can thiệp có thể có của Hoa Kỳ thì sau đó Tập phải thực hiện một cuộc chiếm đóng quân sự chống lại cuộc kháng chiến bền vững trong một khoảng thời gian không xác định. Một nỗ lực thâu tóm Đài Loan sẽ xói mòn gần như tất cả các tham vọng khác, cả trên toàn cầu và trong nước của ông Tập. Tuy nhiên, mặc dù các kịch bản cực đoan hơn có thể vẫn chưa xảy ra trong thời điểm hiện tại, ông Tập vẫn tiếp tục để Trung Quốc phô trương sức mạnh trong khu vực các nước láng giềng và đẩy mạnh ra thế giới bên ngoài để theo đuổi lợi ích của mình. Về nhiều vấn đề, có vẻ như ông ta muốn có một giải pháp cuối cùng ngay trong thời kỳ cầm quyền của mình.

Một con người của hệ thống

Tập có khuynh hướng tin rằng ông ta có thể định hình con đường đi chính xác của quỹ đạo của Trung Quốc ; điều đó gợi nhớ tới sự miêu tả của nhà kinh tế học Adam Smith về "con người của hệ thống" : một nhà lãnh đạo "say mê vẻ đẹp giả tưởng trong kế hoạch lý tưởng của chính ông ta về chính phủ, đến mức ông không thể chịu được độ sai lệch nhỏ nhất trong bất kỳ phần nào của nó". Để thực hiện các mục tiêu ngắn hạn của mình, ông Tập đã từ bỏ bàn tay vô hình của thị trường và xây dựng một hệ thống kinh tế dựa vào các chủ thể nhà nước để đạt được các mục tiêu đã định trước.

Điều quan trọng của thay đổi này là sự phụ thuộc của ông Tập vào chính sách công nghiệp, một công cụ của chính sách kinh tế đã không còn được ưa chuộng cho đến gần cuối nhiệm kỳ của ông Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của ông Tập, khi ông bắt đầu định hình cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với đổi mới công nghệ. Năm 2015 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, với sự ra đời của các chương trình chính sách công nghiệp thay thế không chỉ nhằm mục đích thúc đẩy một công nghệ hoặc một ngành công nghiệp nhất định mà còn tái tạo lại toàn bộ cấu trúc của nền kinh tế Trung Quốc. Chúng bao gồm kế hoạch Made in China 2025, nhằm nâng cấp năng lực sản xuất của Trung Quốc trong một số lĩnh vực quan trọng ; chiến lược Internet Plus, một kế hoạch tích hợp công nghệ thông tin vào các ngành công nghiệp truyền thống ; và Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, vạch ra một chương trình nghị sự đầy tham vọng nhằm giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ nước ngoài. Thông qua các chính sách như vậy, Bắc Kinh rót hàng chục nghìn tỷ nhân dân tệ vào các công ty, công nghệ và lĩnh vực mà họ coi là quan trọng về mặt chiến lược. Họ thực hiện điều này thông qua trợ cấp trực tiếp, giảm thuế và "quỹ hướng dẫn của chính phủ" gần như thị trường, giống như các công ty đầu tư mạo hiểm do nhà nước kiểm soát.

Cho đến nay, thành tích của Bắc Kinh trong lĩnh vực này hoàn toàn bị pha trộn : trong nhiều trường hợp, những khoản đầu tư khổng lồ đã tạo ra lợi nhuận ít ỏi. Nhưng như nhà kinh tế học Barry Naughton đã cảnh báo, "Các chính sách công nghiệp của Trung Quốc quá lớn và quá mới, nên chúng tôi chưa có đủ cơ sở để đánh giá chúng. Họ có thể thành công, nhưng cũng có thể thành thảm họa".

Liên quan đến chính sách công nghiệp này là cách tiếp cận của ông Tập đối với các công ty thuộc khu vực tư nhân của Trung Quốc, bao gồm nhiều gã khổng lồ về công nghệ và tài chính mà chỉ vài năm trước các nhà quan sát còn coi là tác nhân có thể gây ra thay đổi chính trị và xã hội. Canh tân công nghệ giúp các công ty như Ant Group và Tencent kiểm soát được các luồng dữ liệu mới và công nghệ tài chính quan trọng. Ông Tập rõ ràng nhận thấy đây là một mối đe dọa không thể chấp nhận được, thể hiện qua việc Đảng cộng sản Trung Quốc gần đây bất ngờ ngăn chặn đợt chào bán cổ phiếu công khai lần đầu của Ant Group sau những bình luận Jack Ma, người sáng lập của Ant Group, mà nhiều người coi là những lời chỉ trích đảng cộng sản.

Tập sẵn sàng từ bỏ việc thúc đẩy uy tín tài chính quốc tế của Trung Quốc để bảo vệ lợi ích của đảng và gửi một tín hiệu đến giới tinh hoa kinh doanh : đảng là trên hết. Tuy nhiên, đây không phải là câu chuyện đối đầu của David và Goliath. Nó giống như mối tranh chấp gia đình, do mối liên hệ chặt chẽ và lâu dài giữa các công ty trên danh nghĩa là tư nhân của Trung Quốc với hệ thống chính trị của nó. Thật vậy, gần như tất cả các doanh nhân thành công nhất của Trung Quốc đều là đảng viên của Đảng cộng sản Trung Quốc và đối với nhiều công ty, thành công phụ thuộc vào sự ưu đãi của đảng, bao gồm cả sự bảo vệ khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài. Nhưng trong khi các nhà lãnh đạo trước đây của Trung Quốc đã dành phạm vi rộng cho khu vực kinh tế tư nhân, ông Tập đã mạnh mẽ vạch ra một đường ranh giới. Làm như vậy là hạn chế hơn nữa khả năng đổi mới của quốc gia. Cho dù các cơ quan quản lý và nhà đầu tư nhà nước của Bắc Kinh có tinh vi đến đâu, thì sự canh tân bền vững và tăng năng suất không thể xảy ra nếu không có một khu vực tư nhân sôi động.

Chiến lược lớn hay bi kịch lớn ?

Để nắm được những lợi thế tạm thời và ngăn chặn những thách thức trong nước, ông Tập đã định vị mình cho một cuộc chạy đua kéo dài 15 năm, một cuộc đua mà ông đã huy động những năng lực đáng sợ của một hệ thống hiện do ông toàn quyền chỉ huy, không bị ai thách thức. Khung thời gian bị cắt ngắn của ông Tập khiến ông có cảm giác cấp bách phải xác định chương trình chính sách của Bắc Kinh, khả năng chấp nhận rủi ro và sẵn sàng thỏa hiệp khi tiến về phía trước. Điều này sẽ thu hẹp sự lựa chọn của các quốc gia hy vọng định hình hành vi của Trung Quốc hoặc hy vọng thái độ của "Chiến binh Sói" sẽ tự tàn lụi.

Hoa Kỳ có thể bác bỏ quan điểm của Bắc Kinh rằng nền dân chủ Mỹ đang suy yếu và ngôi sao của Washington đang mờ dần bằng cách củng cố khả năng phục hồi của xã hội Mỹ và cải thiện năng lực của chính phủ. Nếu Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh đầu tư vào canh tân và nguồn nhân lực, họ có thể ngăn cản nỗ lực của Tập trong cuộc đua giành lợi thế đi đầu trong các công nghệ quan trọng và mới nổi. Tương tự như vậy, một vai trò tích cực hơn và hướng tới tương lai của Hoa Kỳ trong việc định hình trật tự toàn cầu sẽ hạn chế khả năng của Bắc Kinh trong việc truyền bá những ý tưởng phi tự do ra ngoài biên giới của Trung Quốc.

Một cách vô tình, ông Tập đã đặt Trung Quốc vào cuộc cạnh tranh với chính nó, trong một cuộc chạy đua để xác định xem liệu nhiều điểm mạnh của nước này có thể vượt qua những bệnh lý mà chính ông Tập đã đưa vào hệ thống hay không. Vào thời điểm ông nắm quyền, Đảng cộng sản Trung Quốc đã thiết lập một quy trình khá dễ đoán trước cho tiến trình chuyển giao quyền lực hợp quy tắc và hòa bình. Vào mùa thu tới, Đại hội Đảng lần thứ 20 sẽ được tổ chức, và thông thường, một nhà lãnh đạo nắm quyền lâu như ông Tập sẽ bước sang một bên. Tuy nhiên, cho đến nay, không có kỳ vọng rằng Tập sẽ làm như vậy. Đây là một động thái cực kỳ mạo hiểm, không chỉ đối với bản thân Đảng cộng sản Trung Quốc mà còn đối với tương lai của Trung Quốc. Không có người kế vị trong tầm mắt, nếu ông Tập đột ngột qua đời trong thập niên tới, đất nước có thể rơi vào hỗn loạn.

Cho dù giả định ông Tập vẫn khỏe mạnh trong lúc nắm quyền, thì nhiệm kỳ của ông ấy càng kéo dài, Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ càng giống với một giáo phái sùng bái cá nhân, như dưới thời Mao. Các yếu tố của chuyện này đã quá rõ ràng, thói nịnh hót rõ ràng đã trở thành chuẩn mực trong các tầng lớp chính trị Trung Quốc hiện nay. Những bài tụng ca sự vĩ đại của "Tư tưởng Tập Cận Bình" có thể khiến người ngoài tò mò hoặc hài hước, nhưng chúng thực sự có ảnh hưởng độc hại đến chất lượng ra quyết định và luồng thông tin trong đảng.

Thật là mỉa mai và bi thảm, nếu như Tập, một nhà lãnh đạo mang sứ mệnh cứu đảng và đất nước, thay vì vậy lại gây nguy hiểm cho cả hai. Đường lối hiện tại của ông ta có nguy cơ làm mất tác dụng của những tiến bộ lớn mà Trung Quốc đã đạt được trong bốn thập niên qua. Cuối cùng, ông Tập có thể đúng rằng thập niên tới sẽ quyết định thành công lâu dài của Trung Quốc. Điều mà ông ta có thể không hiểu là chính bản thân ông ta có thể là trở ngại lớn nhất.

Jude Blanchette

Nguyên tác : Xi Jinping’s Race to Consolidate Power in China, Foreign Affairs, July-August 2021

Hiếu Chân dịch

Nguồn : Saigonnhonews, 27/06/2021

Jude Blanchette là Chủ tịch Freeman về Nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).

Published in Diễn đàn

Nguyễn Xuân Phúc gạ gẫm Tập Cận Bình ? Đã quá muộn để cầu cứu

Nguyễn Xuân Phúc là người đi lên từ bên chính phủ chứ không phải bên đảng. Người mà ông Phúc học hỏi nhiều nhất là Nguyễn Tấn Dũng. Nhiệm khì đầu từ năm 2006-2011, ông Nguyễn Xuân Phúc làm bộ trưởng văn phòng chính phủ cho Nguyễn Tấn Dũng. Nhiệm kỳ thứ hai của Nguyễn Tấn Dũng, ông Nguyễn Xuân Phúc làm phó thủ tướng thường trực. Thực chất, về ngoại giao ông Nguyễn Xuân Phúc rất kém.

nxp1

Ông Nguyễn Xuân Phúc muốn tạo quan hệ tốt với Tập Cận Bình

Ông Nguyễn Xuân Phúc lên làm thủ tướng là dạng "ngư ông đắc lợi". Ở đại hội 12, ông Nguyễn Phú Trọng dồn hết sức lực để đánh bật Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi chính trường, chỉ nhiệm vụ này thôi đã là quá tầm với ông Trọng, tuy nhiên ông Trọng vẫn thành công. Đã chống Nguyễn Tấn Dũng thì Nguyễn Phú Trọng không thể nào tham gia giành lấy chiếc ghế thủ tướng cho phe ông, vì vậy cứ theo nguyên tắc kế thừa, Nguyễn Xuân Phúc được ngồi vào ghế mà ông Nguyễn Tấn Dũng để lại.

Khi lên làm thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã cho thấy con người ông rất lụm thụm chứ không hề khôn khéo. Con người làm ngoại giao giỏi trước hết phải khôn khéo, điểm này ông Nguyễn Xuân Phúc rất yếu. Chính vì vậy mà 5 năm làm thủ tướng chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc chủ yếu là làm cho thiên hạ cười là chính. Lẽ ra với chức thủ tướng 5 năm, ông Phúc có thể tạo được mối quan hệ với phía Trung Quốc.

Ngược với ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Phú Trọng rất khôn khéo nên làm ngoại giao rất giỏi, việc ông Trọng tạo mối quan hệ đặc biệt với Tập Cận Bình cho thấy ông Trọng làm ngoại giao tốt hơn. Và cũng nhờ mối quan hệ đặc biệt với Tập Cận Bình mà ông Trọng đã lật ngược thế cờ ở nửa cuối nhiệm kỳ đầu của ông.

Làm chính trị trong Đảng cộng sản, ngoài tạo vây cánh mạnh chỉ giành lợi thế đối với những quan chức tầng thấp, trong tứ trụ ai là người được Bắc Kinh cảm tình thì người đó sẽ có lợi thế trong các cuộc tranh giành quyền lực. Con đường chính trị của Nguyễn Phú Trọng là hình mẫu cho những người trong tứ trụ.

Trong tứ trụ, ai thân Bắc Kinh người đó thắng

Trong tứ trụ hiện nay có 2 người thân Bắc Kinh thì cả 2 đều nắm ghế quyền lực lớn. Người nắm quyền lực lớn nhất là ông Nguyễn Phú Trọng, ông Trọng thân Tập Cận Bình thế nào thì ai cũng biết. Người nắm quyền lực thứ nhì là ông Phạm Minh Chính. Ông Chính kết thân với Trung Quốc qua dự án Đặc Khu Kinh Tế Vân Đồn và suốt thời kỳ làm trưởng ban tổ chức trung ương ông Chính vẫn giữ và nuôi lớn mối quan hệ này. Ngoài ra, thì ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Vương Đình Huệ đều không thân với Bắc Kinh bằng.

Ông Nguyễn Xuân Phúc mất ghế thủ tướng là bài học xương máu, ông Phúc chắc chắn sẽ không thể nào lấy lại được chiếc ghế đã mất. Hiện nay ông Phúc ngồi vào chiếc ghế Trần Đại Quang để lại. Ông Trọng thì vốn là người tham quyền cố vị, tham kiêm nhiệm nhiều chức. Việc ông Phạm Minh Chính ép Nguyễn Phú Trọng nhường ghế chủ tịch nước cho Nguyễn Xuân Phúc thì ắt hẳn ông Trọng sẽ tìm cách lấy lại chiếc ghế này, đây là hiểm họa cho ông Nguyễn Xuân Phúc trong vòng 5 năm tới.

Bản thân ông Nguyễn Xuân Phúc cũng là người tham quyền cố vị. Nếu bị loại khỏi chức thủ tướng thì cũng nên về vườn đuổi gà cho vợ thì cuộc sống vẫn an toàn hơn là ngồi vào chiếc ghế chủ tịch nước đầy rủi ro. Chiếc ghế chủ tịch nước vốn là chiếc ghế hữu danh vô thực, không có thực quyền. Chẳng qua là ngồi cho có tụ, đến hết nhiệm kì rồi về hưu.

Nhiều người nói rằng, ông Nguyễn Xuân Phúc ngồi vào ghế chủ tịch nước ít việc nhưng bất an. Vì sao bất an ? Vì ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ không còn đủ quyền lực để chống lại đòn tấn công của ông Nguyễn Phú Trọng nếu ông ta muốn tấn công. Đấy là cái bất an, bài học về trường hợp Trần Đại Quang còn đó, chắc là ông Phúc hiểu hơn ai hết.

Trên thế giới không có mẫu chính quyền nào mà tổng bí thư kiêm chủ tịch quốc hội, chỉ có tổng bí thư kiêm chủ tịch nước như Trung Quốc. Và ông Nguyễn Phú Trọng thì vẫn còn đang muốn kiêm nhiệm.

Nguyễn Xuân Phúc làm gì để bảo vệ mình ?

Ngày 24/5 trên báo Vnexpress có bài viết "Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lần đầu điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc". Bài báo cho biết, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với ôngTập Cận Bình. Về nội dung cuộc điện đàm thì báo chí cho biết, hai bên khẳng định tầm quan trọng của quan hệ Việt – Trung trong chính sách đối ngoại. Không biết vai trò của bộ ngoại giao đâu mà để cho ông Nguyễn Xuân Phúc thay mặt bộ này nói chuyện với ông Tập Cận Bình ?

Về chính sách đối ngoại, mọi thông tin thì đã có sự trao đổi với nhau qua đại sứ hoặc cao hơn là cấp bộ trưởng. Lãnh đạo hai quốc gia có làm ngoại giao thì thông thường họ có những cuộc viếng thăm lẫn nhau để có thời gian bàn bạc những vấn đề lớn. Thông thường, nếu ông Tập Cận Bình sang Việt Nam thì ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc cùng đón tiếp, khi đó ông Tập sẽ nói chuyện của Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc. Không biết sao Nguyễn Xuân Phúc lại đánh mánh lẻ một mình trong lúc này, đó là câu hỏi to tướng.

Báo chí nói, trong cuộc điện đàm ông Nguyễn Xuân Phúc đã khoe với Tập là Việt Nam đã thực hiện thành công "mục tiêu kép", vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, đồng thời tổ chức thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Năm ngoái ông Nguyễn Xuân Phúc điều hành chính phủ, ông khoe mục biêu kép ấy chẳng khác nào ông tự khoe thành tích của mình. Nói chuyện với chủ tịch Trung Quốc mà khoe thành tính của mình làm gì ? Đối với Tập Cận Bình điều đó vô nghĩa. Như vậy lại một lần nữa ông Nguyễn Xuân Phúc cho thấy ông thiếu khôn khéo trong vấn đề ngoại giao.

Khi gặp Trung Quốc, cần tìm hiểu cho kỹ điều mà ông Tập Cận Bình thích nhất mà nói. Ông Nguyễn Phú Trọng trong một lần tiếp ông Tập, ông đã khen "trà trung quốc ngon hơn trà Việt Nam" chứ ông Trọng tránh tự khoe mình. Điều đó làm cho ông Trọng gần gũi với ông Tập hơn. Ông Nguyễn Xuân Phúc ngoại giao quá tệ, làm ngoại giao như thế thì ông Tập chẳng quan tâm.

Vì sao Nguyễn Xuân Phúc gạ gẫm Tập ?

Được biết sau khi điện đàm, ông Nguyễn Xuân Phúc trân trọng mời ông. Ông Tập Cận Bình không trả lời ngay mà ông cần thời gian cân nhắc. Lời mời của ông Nguyễn Xuân Phúc xem ra không được hiệu quả cho lắm. Để không trả lời trực tiếp ông Quốc Tập Cận Bình nói rằng ông coi trọng cao độ quan hệ với Việt Nam, mong muốn và sẵn sàng tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt – Trung phát triển hơn nữa. Ngược lại ông Tập lại mời ngược lại ông Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc trước.

Theo lời báo chí thì ông "Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của giao lưu và tiếp xúc cấp cao, trân trọng mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Trung Quốc, đề nghị các bộ ngành, địa phương hai nước tích cực trao đổi, tạo cục diện hợp tác cùng có lợi, kiên trì nhận thức chung cấp cao, tích lũy kinh nghiệm, quản lý bất đồng, tăng cường hợp tác về vấn đề trên biển"

Ông Phúc điện đàm trực tiếp với ông Tập cho thấy ông muốn gần gũi hơn với ông chủ tịch Trung Quốc. Ngồi ở ghế chủ tịch nước mà trong tay không có thế lực chống lưng thì khá nguy hiểm. Bây giờ mới gạ gẫm ông Tập Cận Bình có vẻ như ông Nguyễn Xuân Phúc đã quá muộn. Đáng lẽ ra ông Phúc làm chuyện đó từ khi còn là thủ tướng thì thế và lực cuả ông đã vững chắc và có thể ông không phải nhường lại chiếc ghế thủ tướng đầy quyền lực cho ông Phạm Minh Chính.

Trò chơi vương quyền trong Đảng cộng sản Việt Nam nó như thế, dù cho quyền lực đã trên đỉnh vẫn cứ tìm cái phao tận Bắc Kinh mà bám. Ông Hồ Chí Minh đã tạo ra khẩu hiệu "Độc Lập – Tự do – Hạnh Phúc" nhưng thực chết về chính trị, Đảng cộng sản chưa hề độc lập với Đảng cộng sản Trung Quốc, vẫn còn phụ thuộc quan thầy nhiều lắm.

Đối với ông Phúc, có lẽ bây giờ ông đi tìm mối quan hệ với Tập Cận Bình để ông ngồi yên chiếc ghế chủ tịch nước được 5 năm rồi về vườn chứ không gặp thảm cảnh như Trần Đại Quang trước đây.

Phương Anh (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 30/05/2021

Published in Diễn đàn

Chính ph hai nước Anh và M đã yêu cu Trung Cng đ các chuyên gia quc tế vào Trung Quc nghiên cu li nguyên y ca bnh dch Covid-19. Trước đó Tng thng Joe Biden đã ra lnh tình báo M gia tăng cuc điu tra coi bnh dch có xut phát t phòng thí nghim Vũ Hán hay không, trình kết qu trong 90 ngày. Liên hip Âu Châu cũng yêu cu phi tìm hiu sâu xa hơn đ hiu đi dch Covid-19 khi s t đâu, bao gi và như thế nào. Tng giám đc cơ quan Y tế Quc tế Liên Hip Quc (WHO) tuyên b sn sàng gi các chuyên viên qua Trung Quc m mt cuc điu tra mi.

tap1

Có l phi ch đến khi chế đ cng sn và các ông Tp, Tp đu Tt c.

Tp Cn Bình đang b đy vào mt thế phi chng đ trước dư lun sôi ni khp thế gii. Mi nghi ng không ch nhm vào ngun gc cơn đi dch mà còn tn công thng vào chính sách bưng bít thông tin ca chế đ cng sn.

Bnh nhân đu tiên trên thế gii được xác nhn b Covid-19 vào tháng 12 năm 2019. Nhiu người đã nghi rng loài vi khun mang ký hiu SARS-CoV-2 đã lt ra ngoài t Vin Thí nghim Vi trùng hc ca thành ph Vũ Hán (WIV) nhưng Trung Cng vn bác b. H nói rng vi khun SARS-CoV-2, đã truyn trong thiên nhiên, t mt loài dơi sang người, qua các con vt bán ch thú hoang thành ph hoc trong các tht đông lnh nhp cng.

Tháng Hai năm 2020 mt giáo sư Đi hc South China University of Technology, Botao Xiao đã đưa mt bài lên mng vi kết lun rng vi khun "chc đã thoát ra t phòng thí nghim Vũ Hán" ch không được truyn t nhiên. Ngay lp tc chính quyn Trung Cng đã ép ông rút bài đó li. Nhưng t đó ti nay gii nghiên cu Trung Quc chưa đưa ra được bng chng nào bin minh cho gi thuyết vi khun lan truyn t nhiên.

Mt phái đoàn ca WHO được vào Trung Quc nghiên cu. Nhưng các chuyên gia trong phái đoàn b ngăn cn không được tìm các d liu đy đ v phòng thí nghim ti WIV Vũ Hán.

T năm ngoái chính ph M vn dè dt chưa kết lun. Tháng Giêng năm 2021, b Ngoi giao M còn thông báo chưa biết chc chn vi khun SARS-CoV-2 truyn sang loài người như thế nào, mc dù Tng thng Donald Trump và Ngoi trưởng Mike Pompeo nghi ng chính phòng thí nghim Vũ Hán WIV đ lt vi khun ra ngoài.

đây chúng ta thy các nhà khoa hc và các chính tr gia hành đng theo các quy tc khác nhau. Nhà khoa hc bao gi cũng phi dè dt, không kết lun trước khi thy bng c xác đáng; còn các nhà chính tr có th công khai nêu các gi thuyết mình tin là có v đúng nht.

Tháng Hai năm 2021, đài truyn hình NBC cho biết gii tình báo M chưa gt b gi thuyết vi khun t Vin WIV thoát ra ngoài. Ông Robert Redfield, nguyên giám đc cơ quan CDC đ phòng bnh dch M, nói vi đài CNN rng ông vn nghi vi khun truyn ra t WIV, mc dù có người còn chưa tin chc. Bn tin tình báo được đài NBC nhc li vào tháng Tư, cho biết thêm rng bnh dch đã xut hin t tháng 11 năm 2019.

Ngày 9 tháng Năm nht báoWall Street Journal tiết l tin tc ca tình báo M ghi nhn có ba nhân viên phòng thí nghim Vũ Hán đã vào bnh vin. Sau khi công nhn tin tc tình báo này, ông Joe Biden nói rõ hơn, cho biết nhiu nhân viên Vin Vi Trùng hc Vũ Hán mang các triu chng ca Covid-19, hơn mt tháng trước khi bnh dch được Bc Kinh chính thc xác nhn.

Ngày 13 tháng Năm, tp chí khoa hc Science đăng mt bc thư ca nhiu khoa hc gia chưa tng góp ý kiến v vn đ này. H ghi nhn hai gi thuyết trên có giá tr như nhau; vi khun truyn trong thú sang người, nhưng không bác b gi thuyết do bt cn t phòng thí nghim Vũ Hán. Đó cũng là quan đim ca ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tng giám đc WHO. Sau khi phái đoàn th nht ca WHO tr v, ông vn yêu cu Trung Cng phi cho m mt cuc điu tra khác. Ông sn sàng gi ngay nhiu nhà khoa hc quc tế qua Trung Quc mt ln na.

Sau khi các chính ph Anh và M chính thc yêu cu, ông Tp Cn Bình có dám đng ý cho m mt cuc điu tra th nhì hay không ? Tp Cn Bình có chp nhn cho m tt c các cánh ca cho các nhà khoa hc vào tìm hay không ?

Ông Tp Cn Bình s phi tr li trong mt thi gian ngn. Nhiu người tham gia phái đoàn cũ lo ngi rng càng trì hoãn thì cuc điu tra mi càng khó khăn. Mun tìm hiu được chính xác, ít nht các nhà khoa hc phi được th nghim các mu máu lưu tr trong các bnh vin Vũ Hán, hoc nơi khác, trong thi gian trước tháng 12 năm 2019.

Cuc th nghim tương đi gin d : Nếu thy trong mt s mu máu ly trước tháng 12 năm 2019 có nhng kháng th chng vi khun SARS-CoV-2, thì đó là du hiu người cho máu đã nhim Covid-19. Có th xác đnh nhng bnh nhân đó có làm vic ti WIV, hoc tiếp xúc vi các nhân viên ca WIV hay không. Nếu không thy gì hết, thì phòng thí nghim WIV s được "trng án".

Mt tr ngi cho các nhà nghiên cu, nếu h được qua Trung Quc ln na, là các mu máu lưu tr trong bnh vin thường được hy b sau hai năm, mt th tc thông thường ti các bnh vin khp nơi. Bà Thea Fischer, mt bác sĩ chuyên nghiên cu bnh truyn nhim người Đan Mch, đã tham d phái đoàn WHO ln đu, cho biết rng bà đã được mt bnh vin Vũ Hán ha các mu máu lưu tr ca h s không b hy b trước khi được đem th nghim xem có kháng th chng li vi khun SARS-CoV-2 hay không. Nhưng h không th ch đi quá lâu sau thi hn hai năm !

Tp Cn Bình và Cng sn Trung Quc có th trì hoãn khiến cho mt phái đoàn th nhì ca WHO khó thâu lượm đ chng c đ buc ti bt cn ca Vin Vi trùng hc Vũ Hán. Năm ngoái, bà Thch Chính L (Shi Zhengli-石正麗) đng đu cuc nghiên cu v Coronavirus ca WIV đã tng bác b tin tc nói rng Vin WIV đã làm nhng cuc thí nghim cho quân đi Trung Cng. Nhưng năm ngoái b Ngoi giao M công nhn có nhng bn báo cáo v các cuc thí nghim ca quân đi thc hin ti đó. Bà Thch Chính L cũng qu quyết rng không mt nhân viên nào ca vin mc chng Covid-19. Liu chính quyn Trung Cng có chp thun cho các quan sát viên quc tế đến tn nơi điu tra li li qu quyết đó hay không ?

Xưa nay, Cng sn Trung Quc vn gi bí mt c v s người chết và s tr sơ sinh trong lc đa ! Năm 2018, Trung Cng đã t chi không cho mt phái đoàn M được vào nước đ ly các mu nghiên cu v vi khun gây bnh cúm H7N9, theo ý kiến ca WHO. Lúc đó, Trung Quc chưa b mang tiếng như bây gi v bnh Covid-19.

Gii tình báo quc tế còn nghi ng rng b máy chính quyn trung ương Trung Quc cũng không biết gì v ngun gc phát khi Covid-19. Ngay t đu, chính quyn đa phương Vũ Hán và tnh H Bc đã tìm cách bưng bít; đến khi có 5 triu người đó chy lánh nn qua các tnh khác thì Bc Kinh mi báo đng.

Nếu có tai nn do bt cn t Vin WIV thì chính gii lãnh đo đó, thành ph Vũ Hán và chính quyn tnh cũng tìm cách che đy. Trước đây khi bnh SARS phát khi và lan tràn các tnh min Nam Trung Quc, chuyn này đã din ra !

C b máy nhà nước Trung Cng đã che đy ngun gc tht ca đi dch Covid-19. Thế gii không th chp nhn tình trng này, vì nếu không tìm hiu đ biết rõ bnh dch phát khi như thế nào, nguyên do t đâu, thì loài người làm sao có th chun b đi phó các bnh dch trong tương lai ?

Nhưng Tp Cn Bình s không quan tâm đến vn đ đó. Ngày 25 tháng Năm va qua, trong phiên hp ca gii lãnh đo WHO, đi din ca Bc Kinh đã quyết lit bác b, không chp nhn cho m mt cuc điu tra mi !

Đây là mt chuyn hàng ngày Trung Quc dưới chế đ cng sn. B máy kim duyt Trung Cng mi ct b tt c các ch THÚY () trên mng lưới Weibo (Vi Bác, 微博), ging như Twitter M. Ch Thúy này, nếu đáng b kim duyt thì ch nm trong thành ng " thúy ôi hng, (倚翠偎紅)" trong Tây Sương Ký mà Nhượng Tng dch là "trêu hoa, gho nguyt !"

Nhưng lý do thc s khiến Weibo ct ch Thúy là vì ch này ghép bng ba ch khác : , , và , đc là Tp Tp Tt. Tp có th là ông Tp Cn Bình, Tt nghĩa là "hết", là "chm dt", khi đc là "tut" cũng có nghĩa là "chết".

Nhìn vào cách đng Cng sn cai tr lc đa Trung Quc, Tp Cn Bình không bao gi chp nhn cho ai bày t ý kiến khác mình, thì biết rng s không bao gi m ca cho mt phái đoàn khoa hc quc tế nào được vào lc đa tìm hiu ngun gc tht ca Covid-19 ! Ha chăng phi ch đến khi chế đ cng sn và các ông Tp, Tp đu Tt c.

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : VOA, 31/05/2021

Published in Diễn đàn

Quyền lực tại Bắc Kinh càng tập trung, thì tiến trình chuyển giao quyền lực trong giai đoạn hậu Tập Cận Bình càng bị đe dọa. Ngay cả tại các nền dân chủ, đôi khi cũng có một sự vấp váp trong tiến trình chuyển giao quyền lực trong vòng trật tự và một cách ôn hòa. Tại một quốc gia độc đảng như Trung Quốc với một nhà lãnh đạo không ngừng thâu tóm quyền lực thì sao ?

tap1

Chính trị Trung Quốc trong giai đoạn "hậu Tập Cận Bình". Ảnh chủ tịch Trung Quốc chụp ngày 20/12/2019 tại Bắc Kinh.  AP

Trong bài nghiên cứu đăng ngày 22/04/2021 trên trang mạng của cơ quan tư vấn độc lập Úc, Lowy Institute – Sydney, chuyên gia về Đông Á Richard McGregor của trung tâm này và Jude Blanchette thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) của Mỹ phác họa bốn kịch bản Tập Cận Bình từ giã sân khấu chính trị, đi từ khả năng ông Tập chuyển giao quyền lực một cách êm thắm cho đến nguy cơ nhân vật quyền lực nhất trên sân khấu chính trị Trung Quốc hiện nay đột ngột ra đi, có thể là vì bệnh tật, hay sau một cuộc đảo chính.

Chuyên mục của RFI tóm lược những ý chính trong bài viết mang tựa đề "After Xi : Future scenarios for leadership succession in post-xi Jinping era" - Những kịch bản sắp tới cho giai đoạn hậu Tập Cận Bình.

Trong phần mở đầu, Richard McGregor thuộc trung tâm Lowy Institute và Jude Blanchette, nhà Trung Quốc học của trung tâm CSIS, nhắc lại : Ông Tập là nhân vật chính trị quan trọng nhất đang trị vì tại quốc gia đông dân nhất địa cầu, ngự trị trên nền kinh tế và quân sự lớn thứ hai của thế giới và lại đang nắm giữ một phần kho vũ khí nguyên tử của nhân loại. Do vậy, những chuyển biến về kinh tế, hay biến động chính trị của Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến 14 nước có đường biên giới chung với ông khổng lồ Châu Á này mà cả với toàn thế giới.

Nhìn vào toàn cảnh chính trị tại Bắc Kinh hiện nay, sau hơn tám năm cầm quyền Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất kể từ thời Đặng Tiểu Bình. Nhưng điều đó đang gây bất ổn trong guồng máy chính trị Trung Quốc và hủy hoại mô hình chuyển giao quyền lực tại Bắc Kinh vốn được áp dụng từ những thập niên 1980.

Tập Cận Bình rời ghế lãnh đạo năm 2022 ?

Liệu rằng sau giai đoạn "tập trung quyền lực" từ cuối năm 2012, có thể nào tính đến khả năng ông Tập Cận Bình quay trở lại với con đường từng được cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiều Bình vạch ra, có nghĩa là "chuyển giao quyền lực một cách có trật tự" sau Đại hội Đảng năm 2022 ?

Theo hai tác giả bài nghiên cứu, để thực sự chứng minh không ham hố quyền lực, ông Tập Cận Bình trong kịch bản này sẽ phải "nhường lại ít nhất hai trong số ba chức vụ đang nắm giữ", tức là tìm người thay thế vào chiếc ghế tổng bí thư và chủ tịch Quân ủy Trung ương. Câu hỏi kế tiếp là động cơ nào có thể thúc đẩy ông Tập chọn giải pháp "về mặt chính thức lui vào hậu trường" ? Lý do thứ nhất được Richard McGregor và Jude Blanchette nêu lên là mặc dù đã khóa chặt tiến trình tìm người kế thừa sự nghiệp, Tập Cận Bình cũng đã dành ra rất nhiều thời gian và công sức để củng cố guồng máy của Đảng và giờ đây ông có thể tự mãn là đã hoàn thành nhiệm vụ để có thể từ bỏ những chức vụ ở thượng tầng cơ quan quyền lực.

Lý do thứ nhì thường được các nhà nghiên cứu về các chế độ chuyên chế nêu bật, đó là những nhà độc tài chỉ từ bỏ quyền lực trong trường hợp bất khả kháng, có nghĩa là khi họ cảm thấy an ninh của chính mình bị đe dọa.

Tránh để những thành phần bất mãn lâm vào cảnh "tức nước vỡ bờ", ông Tập có thể tính đến khả năng "nghỉ hưu sớm". Nhiều nhà quan sát cũng đã thiên về kịch bản này. Tuy nhiên cần có hai điều kiện tiên quyết để viễn cảnh chuyển giao quyền lực một cách êm thắm tại Bắc Kinh trở thành hiện thực : đó là ông Tập phải được bảo đảm rằng sẽ không bị phiền toái, hay đấu tố một khi về hưu và hai là ông phải được quyền chỉ định người kế vị. Câu hỏi kế tiếp : ai sẽ là người kế thừa Tập Cận Bình ?

Từ bỏ quyền lực vào năm 2027 hay 2032 ?

Trong kịch bản số 2 Richard McGregor và Jude Blanchette dựa trên giả thuyết ông Tập Cận Bình "thành thật" khi tuyên bố "tiến trình chuyển giao quyền lực là cách tốt nhất để thẩm định về tính dân chủ và hiệu quả của một hệ thống chính trị".

Có thể là vì "công việc còn dang dở" nên chưa kịp trao lại trọng trách điều hành đất nước vào năm tới, nhưng 2027 hay cùng lắm là 2032 là thời điểm để ông Tập ra đi. Một lần nữa câu hỏi quan trọng nhất vẫn là điều gì khiến ông "an tâm" để nhường lại chiếc ghế lãnh đạo cho một người khác ?

Hai đồng tác giả bài nghiên cứu đề xuất một trong những khả năng có thể trấn an Tập Cận Bình : để ông này vẫn giữ chức vụ chủ tịch nước, hay chức chủ tịch Quân ủy Trung ương. Ngoài ra trong giai đoạn từ 2022 đến 2027 hay 2032 có thể là thời gian Tập Cận Bình tiếp tục phát động chiến dịch bài trừ tham nhũng, loại hết những đối thủ chính trị để chỉ giữ lại những thành phần thực sự trung thành với mình. Khi đó, việc ông ra đi không còn là một vấn đề. Ở hậu trường, ông Tập vẫn là một "thái thượng hoàng" có quyền sinh sát trong tay.

Đảo chính tại Bắc Kinh hay quyền lực bị thách thức

Những âm mưu lật đổ ông Tập Cận Bình không chỉ nẩy sinh từ những đầu óc có trí tưởng tượng phong phú. Bài nghiên cứu của cơ quan tư vấn Úc Lowy Institute coi đây là kịch bản thứ 3 từng được chính đương kim tổng bí thư, chủ tịch Quân ủy Trung ương và chủ tịch Trung Quốc nêu lên. Trong một tài liệu lưu hành nội bộ năm 2016 Tập Cận Bình đã nhắc đến "những hoạt động âm mưu chính trị" nhằm "tiêu diệt và chia rẽ Đảng".

Cùng năm, một số quan chức Nhà nước Trung Quốc đã bị thất sủng với cáo buộc "âm mưu cướp chính quyền". Richard McGregor và Jude Blanchette đưa ra hai con số không mấy khả quan về số phận những nhà lãnh đạo cai trị đất nước với bàn tay sắt : 73 % những nhà độc tài bị lật đổ hoặc bị mất mạng, tù đầy hay phải sống lưu vong.

Quyền lực của Tập Cận Bình được củng cố một cách đáng khiếp phục nhưng "ngay cả những người quyền lực nhất cũng chỉ giữ được ghế nhờ các nhóm trung thành" mà nhóm này "thờ một đấng quân vương" để đổi lấy một số những quyền lợi. Vẫn theo các tác giả bài viết : mọi người biết rõ ông Tập đã thương lượng những gì với những phe nhóm chính trị, với bên quân đội hay với những tác nhân kinh tế quan trọng tại Trung Quốc. Nhưng "gió xoay chiều" là kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra. Richard McGregor và Jude Blanchette thậm chí còn nêu lên trường hợp một "cuộc đảo chính" cho dù đây là điều khó có thể xảy ra tại một quốc gia có cỗ máy kiểm duyệt và kiểm soát tinh vi như Trung Quốc.

Ông Tập gặp chuyện chẳng lành

Trong kịch bản thứ tư, hai nhà nghiên cứu về Trung Quốc nêu lên một yếu tố ngoài tầm kiểm soát của Đảng cộng sản Trung Quốc hay của chính ông Tập Cận Bình. Đó là chuyện sinh tử và sức khỏe trời cho mỗi người. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như lãnh đạo Trung Quốc lâm vào cảnh bệnh tật hay vị hoàng đế đỏ này băng hà ? Trên giấy tờ, tiến trình chỉ định người kế thừa khá đơn gian. Nếu ông Tập gặp chuyện chẳng lành, Ban Chấp Hành Trung Ương sẽ được triệu tập và chỉ định một trong số các ủy viên lên thay thế vào hai chức vụ tổng bí thư và chủ tịch Quân ủy Trung ương. Thực tế phức tạp hơn vậy nhiều.

Richard McGregor và Jude Blanchette dự báo : Bộ Chính Trị Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ lâm vào cảnh "xâu xé lẫn nhau". Những phe nhóm từng ủng hộ ông Tập sẽ chia bè chia phái, để phò những minh chúa khác nhau. Đó là chưa kể những thành phần từng là nạn nhân của ông Tập.

Để kết luận hai tác giả bài nghiên cứu về những kịch bản cho giai đoạn hậu Tập Cận Bình thận trọng ghi nhận : bên cạnh bốn kịch bản vừa nêu, còn nhiều khả năng khác. Bài viết này không thiên về một giả thuyết nào trong số những kịch bản vừa nêu, mà chỉ nhằm "nêu lên những vấn đề cho giai đoạn chuyển tiếp chính trị tại Trung Quốc (…) Nhiều thập niên từ sau ngày Mao Trạch Đông qua đời, hệ thống chính trị Trung Quốc càng lúc càng có vẻ ổn định (…) Nhưng nay, con đường mà Trung Quốc đã chọn có vẻ đang mở ra nhiều bất trắc".

Nghiên cứu này không là một quẻ bói về vận mệnh chính trị Trung Quốc trong tương lai. Mục tiêu của bài viết nhằm báo động "từ cấp chính phủ đến các giới chức quân sự và cả các doanh nghiệp trên thế giới cần bắt buộc quan tâm đến viễn cảnh bất ổn chính trị tại Trung Quốc".

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 26/04/2021

Published in Diễn đàn

Thua đậm, giờ Nguyễn Xuân Phúc mới lo o bế Tập Cận Bình ?

Trong Đảng cộng sản Việt Nam thì hầu như ai cũng thuần phục Bắc Kinh, chỉ có điều là khác nhau về mức độ. Chính như vậy mà Đảng cộng sản mới đảm bảo chính sách thân Trung Quốc từ thế hệ lãnh đạo này đến thế hệ lãnh đạo khác. Và từ sau Hội Nghị Thành Đô, Việt Nam ngày một tiến gần hơn với Bắc Kinh chứ chưa bao giờ giám độc lập. Nền kinh tế Việt Nam ngày một phụ thuộc Trung Quốc, hiện tượng nhập siêu cứ ngày một tăng.

tcb1

Từ sau hội nghị Thành Đô 1990, lãnh đạo nào thân Trung Quốc sẽ có sức mạnh - Ảnh minh họa Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng

Đấy là tình trạng nền kinh tế, còn vấn đề xây dựng cơ bản hoặc xây dựng công nghiệp thì từ nhiều năm nay, gói thầu EPC luôn rơi vào tay Trung Quốc. Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là quả đắng mà Việt Nam đã phải ngậm bồ hòn làm ngọt mà không dám cắt hợp đồng đuổi nhà thầu Trung Quốc có quá nhiều sai phạm.

Từ khi Đảng cộng sản giành quyền lãnh đạo cho đến nay, thì đảng luôn dùng đất nước này, dân tộc này như là công cụ phục vụ đảng chứ không phải ngược lại. Và vì thế chủ quyền đất nước cứ bị đem ra đổi chác từ thế hệ cầm quyền này đến thế hệ cầm quyền khác. Điều đó dẫn tới kết quả, đất nước này ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Nền kinh tế Việt Nam sống nhờ vào thị trường nguyên liệu của Trung Quốc cấp cho. Ấy vậy mà, các lãnh đạo đảng và nhà nước không tách số phận đất nước này ra khỏi bàn tay Bắc Kinh mà ngược lại. Vậy câu hỏi đặt ra là ai đã làm những điều đó.

Thời ông Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười là Hội nghị Thành Đô, thời Lê Khả Phiêu là hiệp định biên giới trên biển và trên bộ với Trung Quốc, thời ông Nông Đức Mạnh là 16 Chữ vàng và 4 Tốt, thời ông Nguyễn Phú Trọng là đã ký được 27 văn kiện bí mật giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2017. Như vậy thì từ sau đời ông Lê Duẩn, mỗi đời tổng bí thư lên luôn củng cố quyền lực cho mình bằng những nhượng bộ trước Bắc Kinh. Ngược lại, để trả công cho những nhượng bộ đó thì sự nghiệp chính trị các tổng bí thư được đảm bảo. Từ yếu sẽ sang mạnh, từ mạnh trở thành độc tôn. Đấy là những hình ảnh được tổng kết từ sau hội nghị Thành Đô.

Điều đáng buồn là hầu hết những lãnh đạo cao cấp trong Đảng cộng sản hiện nay đều theo lối mòn đó, không ai đột phá cả. Ông Nguyễn Phú Trọng thì theo mẫu của ông Nông Đức Mạnh trong công tác đối ngoại với Bắc Kinh, và hiện nay ông Phạm Minh Chính chỉ mới ngồi lên ghế thủ tướng, nhưng có vẻ như ông Chính là người học trò xuất sắc của ông Nguyễn Phú Trọng.

Nguyễn Xuân Phúc trước đây đã học theo đường lối của ai ?

Ông Nguyễn Xuân Phúc vốn tiến thân trong môi trường chính phủ. Vì thế ông Phúc gần gũi với tiền nhiệm của mình hơn. Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng thuần phục Bắc Kinh, tuy nhiên mức độ thân thiết với lãnh đạo Bắc Kinh thì không như ông Nguyễn Phú Trọng.

Sau khi tiếp nhận ghế thủ tướng của ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đã làm như vậy. Trước đây ông Nguyễn Tấn Dũng dùng tiền bạc để tạo vây cánh, còn bây giờ ông Nguyễn Xuân Phúc cũng làm nhưng không hiệu quả bằng ông Dũng. Kết quả là, ông Phúc chỉ ngồi ghế thủ tướng một nhiệm kỳ và phải bị mất ghế vào tay ông Phạm Minh Chính.

Ông Phạm Minh Chính từ cơ quan đảng tạt ngang giành lấy ghế thủ tướng thì có lẽ ông Nguyễn Xuân Phúc đã phải mở mắt mà không còn ngủ yên trên chiến thắng nữa. Đây là thất bại rất đau của ông Phúc. Vấn đề là lý do tại sao ?

Sau thất bại của ông Nguyễn Tấn Dũng, chính trường Việt Nam ngày càng chứng kiến sức mạnh của những chính trị gia thân Bắc Kinh. Ông Trọng trở nên mạnh hơn Nguyễn Tấn Dũng ở nhiệm kỳ đầu cũng bởi thân thiện Bắc Kinh, ông Trọng loại được Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi đại hội 12 được cũng nhờ thân thiện Bắc Kinh ; ông Trọng ngồi xé bỏ điều lệ đảng tự tạo cho mình suất đặt biệt để ngồi lại ghế tổng bí thư ở nhiệm kỳ 3 cũng là nhờ gần giũi với Bắc Kinh, ông Phạm Minh Chính từ bí thư tỉnh về nắm trưởng ban tổ chức cũng nhờ thân mật với Bắc Kinh ; ông Phạm Minh Chính nhảy ngang cướp ghế thủ tướng của ông Nguyễn Xuân Phúc cũng là nhờ Bắc Kinh. Như vậy bao nhiều đó đủ để ông Nguyễn Xuân Phúc mở mắt ra chưa ? Chắc là điều này đã giúp ông Phúc sáng mắt ra rồi.

Hiện nay ai cũng sợ cái lò của ông Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng mạnh đến nỗi bắt luôn cả ủy viên bộ chính trị rồi hành hạ người này vào tù ra tòa nhiều lần. Sức mạnh như vậy là chưa từng có trong lịch sử.

Trước khi đưa ủy viên Bộ Chính trị Đinh la Thăng vào lò thì cũng chỉ có ông Nguyễn Phú Trọng là người chuyển từ cửa thua sang cửa thắng trước đối thủ đang ở chiếu trên – Nguyễn Tấn Dũng.

Thân Bắc Kinh có hại cho đất nước những có lợi cho sự nghiệp chính trị nên nó như một loại ánh đèn thu hút những con thiêu thân lao vào. Chính những con thiêu thân đặc biệt này không thiêu chính nó mà thiêu số phận đất nước.

Nguyễn Xuân Phúc tỉnh ngộ

Có thể nói khi mà mất chiếc ghế thủ tướng đầy quyền lực và bị đẩy sang ghế chủ tịch nước thì ông Nguyễn Xuân Phúc cũng phải thấm thía, sức mạnh của những người làm chính trị không gần gũi Bắc kinh là một thiệt thòi.

Ngày 28/03 Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã trình Quốc hội luật Đặc khu. Ông Phúc cho rằng do chưa làm tốt công tác hướng dẫn dư luận nên chưa thành công. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu vấn đề này.

Luật đặc khu đã bị tạm hoãn do bị nhân dân biểu tình phản đối vào ngày 10/6/2018. Đây là dự luật dọn đường cho Trung Quốc vào thuê đất một thế kỷ tại các khu kinh tế. Dự luật này ai cũng biết là có lợi cho Trung Quốc và là có hại cho chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên với giới quan chức cấp cao của chính quyền Hà Nội lại nghĩ khác, họ thấy đây là cơ hội kết nối với Trung Quốc tạo quan hệ làm lợi thế chính trị để tiến lên.

Có vẻ như ông Nguyễn Xuân Phúc đã tỉnh ngộ ra rằng, ông cần phải làm gì đó để o bế Bắc Kinh nhằm tìm kiếm quyền lực chăng ? Nếu như vậy thì đấy là tội đồ dân tộc. Chủ quyền quốc gia, số phận dân tộc không thể bị đem ra đánh đổi như vậy.

Sáng 28/3, giới thiệu, quán triệt chuyên đề về Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới (2021 – 2025) tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt văn kiện Đại hội XIII, ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế vùng, kinh tế biển, đô thị nông thôn.

Nếu đây là vấn đề quan trọng thì ông Nguyễn Xuân Phúc lo công việc này chứ ông lo nói đến Luật đặc khu làm gì ? Hay ông Phúc kỳ vọng có thể gỡ gạt lại chiếc ghế quyền lực mà ông đã để mất vào tay Phạm Minh Chính. Không thể được nữa, muộn rồi.

tcb2

Cuối nhiệm kỳ ông Nguyễn Xuân Phúc o bế Bắc Kinh ?

Trong cuộc họp trực tuyến ấy, ông Phúc nói rằng : "Nhân đây, tôi nói rộng hơn. Chính phủ đã trình Quốc hội luật Đặc khu, nhưng hồi đó nhận thức còn nhiều vấn đề. Chúng ta chưa làm tốt công tác hướng dẫn dư luận cho nên chúng ta chưa thành công. Chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu vấn đề này. Cũng như đường sắt Bắc – Nam, đường sắt Hồ Chí Minh – Cần Thơ… Tất cả những vấn đề đó tốn tiền cũng phải làm, phải có nghiên cứu để làm".

Đảng cộng sản Việt Nam nói chung và các lãnh đạo cộng sản nói riêng, lúc nào cũng nói về ý dân. Tuy nhiên, người cộng sản thì bản chất từ xưa đến nay vẫn vậy, nói một đường làm một nẻo. Ý dân là chúng Luật Đặc Khu, nhưng quan chức thì vẫn muốn phớt lờ.

Nguyễn Xuân Phúc dọn lên mâm cho Phạm Minh Chính xơi

Sắp rời ghế thủ tướng lẽ ra ông Nguyễn Xuân Phúc nên im lặng. Bởi chức vụ sắp tới của ông là chủ tịch nước chứ không phải là thủ tướng. Như vậy việc ông đề xuất soạn Luật đặc khu rồi trình Quốc hội là làm để cho người kế nhiệm thực hiện chứ ông Phúc không thực hiện. Công tác hiện nay của ông Phúc là tranh thủ thực hiện tốt các chính sách khác.

Ông Phạm Minh Chính vốn hưởng lợi rất lớn từ chính sách kinh tế có dính đên Trung Quốc. Để có chức thủ tướng hôm nay thì khi còn làm bí thư tỉnh Quảng Ninh ông Chính đã tận dụng dự án xây dựng đặc khu kinh tế Vân Đồn để tạo mối quan hệ chính trị. Phần xây dựng đã xong, việc khó khăn nhất bây giờ là làm sao áp dụng luật đặc khu vào 3 khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc là xong, Phạm Minh Chính sẽ làm Bắc Kinh rất hài lòng.

Những ngày cuối cùng ở vai trò làm thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc hối thúc soạn luật đặc khu rồi cuối cùng ông cũng phải trao bản thảo đó lại cho người kế nhiệm Phạm Minh Chính. Và khi Phạm Minh Chính trình lên Quốc hội khóa XV thông qua thì xem như lúc đó công lao với Bắc Kinh Phạm Minh Chính hưởng hết. Tuy nhiên tai tiếng thì ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ gánh. Bởi vì nếu dự Luật Đặc khu mà được thông qua thành luật thì người cho soạn luật là người bị dân chửi nhiều nhất. Việc làm này chẳng khác nào chính Nguyễn Xuân Phúc làm cỗ dọn lên cho Phạm Minh Chính xơi.

Hành động cho khởi động lại Luật đặc khu, rõ ràng là Nguyễn Xuân Phúc muốn o bế Bắc Kinh. Tuy nhiên khi đã chắc chắn mất ghế thủ tướng thì ông Phúc o bế Bắc Kinh làm gì ? Hay là ông muốn xây dựng lại lộ trình thâu tóm quyền lực mà ông Nguyễn Phú Trọng và Phạm Minh Chính đã đi ? Không thể được nữa rồi, mọi thứ đối với ông Phạm Minh Chính là quá muộn.

Đảng cộng sản luôn nói về sự "vì dân" trong các khẩu hiệu. Tuy nhiên khi thực hiện thì muốn vì lợi ích đảng còn dân ý gì thì mặc kệ. Hành động này của ông Nguyễn Xuân Phúc và những người liên quan khác rồi đây cũng sẽ bị lịch sử ghi lại đầy đủ.

Phương Anh (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 01/04/2021

*************************

Phan Văn Giang cúi đầu trước Tập trước khi ngồi vào ghế

Phải nói rằng dưới quyền cai trị của Đảng cộng sản Việt Nam thì nhân dân chịu uất ức rất nhiều. Không phải chỉ dân oan mới uất ức mà những ai yêu quý mảnh đất hình chữ S cũng uất. Bởi chủ trương của Đảng cộng sản là nhịn nhục để mua lấy sự bình yên cho đảng.

tcb3

Phạm Bình Minh, người chọn cách cúi đầu với Tàu

Bao nhiêu năm nay đảng đang luôn hô khẩu hiệu "chống mỹ cứu nước" mỗi khi 30/4 đến. Tuy nhiên xét cho cùng thì Mỹ cũng chẳng lấy một tấc đất nào của đất nước. Đã vậy hiện nay Mỹ là thị trường mà Việt Nam kiếm nhiều ngoại tệ nhất. Khoảng 40 tỷ đô la mỗi năm. Trong khi ấy, đảng luôn xem Trung Quốc là bạn thì nay Trung Quốc ngày càng trắng trợn lấn tới gặm nhấm lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, từ Hoàng Sa năm 1974 đến Trường Sa năm 1988. Và điều đáng nói là đường lưỡi bò phi pháp mà Trung Quốc áp đặt đã làm cho Việt Nam mất gần hết lãnh hải truyền thống.

Việt Nam là quốc gia trăm triệu dân, tuy là ít hơn Trung Quốc, nhưng việc bắt nạt quốc gia trăm triệu dân không phải là dễ dàng gì đối với Mỹ chứ đừng nói đến Trung Quốc.

Ý thức được phận nước nhỏ, nhân dân không ủng hộ việc gây hấn với Trung Quốc, nhưng nhân dân cũng đòi hỏi là nhà nước phải có sự cương quyết chứ không thể cứ cúi đầu nhường nhịn chịu đựng, hễ người ta lấn tới là âm thầm nhường để mua lấy bình yên cho đảng.

Sự hèn nhát của quân đội Việt Nam thời nay không phải vì lính hèn, cũng không phải vì sĩ quan hèn mà vì sự hèn nhát hiện diện ngay trong những con người có quyền lực cao nhất.

Ở đất nước này, người có quyền lực lớn nhất là Nguyễn Phú Trọng, và cũng là người có quyền lực cao nhất về mặt đảng đối với quân đội. Với ông Nguyễn Phú Trọng thì nhân dân không xa lạ gì. Chính ông đã nhờ kết thân với lãnh đạo Bắc Kinh mà từ đó ông có được sức mạnh vô đối ở chính trường. Nếu Đảng cộng sản Việt Nam xem mình là Đảng cộng sản đàn em thì chính Nguyễn Phú Trọng cũng đang xem mình hoặc là đàn em, hoặc là học trò của Tập Cận Bình.

Sự nhu nhược của quân đội Việt Nam từ nhiều năm qua bắt nguồn từ con người đó chứ không từ ai khác. Hiện nay ông Trọng lại tham quyền ở lại ghế tổng bí thư nhiệm kỳ 3 thì quân đội Việt Nam thời Pham Văn Giang cũng chẳng khác nào thời Ngô Xuân Lịch hay thời Phùng Quang Thanh.

Kiểu mẫu Phạm Bình Minh, biết sợ trước thiên triều thì đổi lại số phận được thay đổi

Ngày 28/9/2019, trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 74, ông Phạm Bình Minh có bài phát biểu 15 phút nói về vấn đề an ninh Biển Đông. Nếu phát biểu 15 phút thì có thể nói, ông Phạm Bình Minh đã nói được khoảng 3.500 từ. Được biết, tính đến lúc ông Phạm Bình Minh phát biểu thì Trung Quốc đã có nhiều tháng quần thảo các cơ sở khai thác dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông. Ấy vậy mà trong khoảng 3.500 từ nói liên tục, không từ nào ông dám nhắc tên Trung Quốc. Và thậm chí sự đe dọa bằng quân sự ở Biển Đông của hải quân Trung Quốc cũng được ông Phạm Bình Minh nói nhẹ nhàng bằn từ "sự cố". Ông Phạm Bình Minh đã hành động rất mất lòng dân.

Ngay sau hiện tượng câm nín tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Phạm Bình Minh đã bị rất nhiều người dân trong nước và hải ngoại chỉ trích và lên án dữ dội. Tuy nhiên thái độ nhất quán của Phạm Bình Minh là im lặng, chấp nhận chịu nhục để mưu cầu việc khác cho bản thân.

Hành động của Trung Quốc lúc đó được ví như anh cướp xem thường luật pháp xông vào nhà ông Việt Nam đòi cái này, lấy cái kia mà Việt Nam không dám tố giác mặc dù xung quanh đó có rất nhiều người mà anh Việt Nam có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ họ, ít nhất là hỗ trợ tiếng nói để cho kẻ cướp chùn bước.

Năm 1979, Việt Nam đánh cho giặc bay giáp rồi năm 1990 sang thần phục nhận làm phên giậu chư hầu. Đó là sách lược của rất nhiều tổng bí thư từ thời Nguyễn Văn Linh đến bây giờ. Đến nay, Việt Nam đã đi 1/5 của thế kỷ 21 nhưng lối ngoại giao đầu lụy ấy vẫn còn duy trì. Để rồi ông Phạm Bình Minh đi theo lối mòn ngoại giao như vậy.

Kết quả thì sao ? Hiện nay Phạm Bình Minh được nâng lên thẳng chiếc ghế phó thủ tướng thường trực. Vị trí mà cách ghế thủ tướng chưa đầy gang tay. Đó là phần thưởng cho những con người biết cúi đầu trước ngoại bang phương bắc. Ông Phạm Bình Mình khác với cha ông. Cha là người ngẩn đầu còn Phạm Bình Minh là người cúi đầu nên leo cao hơn cha mình lúc trước.

Thực ra nhiệm vụ đi phát biểu là ông Nguyễn Phú Trọng với vai trò chủ tịch nước phát biểu chứ không phải Phạm Bình Minh. Bởi nếu Nguyễn Phú Trọng đi dự phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, ông ta chắc chắn cũng phải nhận rất nhiều phản ứng của dư luận bởi không mấp máy nổi một từ về Trung Quốc. Có lẽ vì thế mà ông Trọng né, hoạc ông muốn đẩy Phạm Bình Minh đi để xem Phạm Bình Minh có biết thuần phục hay không.

Phan Văn Giang học theo mẫu Phạm Bình Minh

Ngày 28/03/2021, diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hội nghị này trình bày nội dung về Biển Đông diễn biến căng thẳng, và thách thức bảo vệ chủ quyền biển đảo.

tcb4

Phan Văn Giang, Thượng tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong những ngày sắp tới, làm theo cách Phạm Bình Minh

Đã nhiều năm nay, đã nói đến vấn đề Biển Đông là nói đến yếu tố Trung Quốc. Mà yếu tố Trung Quốc ở đây không phải để hợp tác lầm ăn mà nói đến chủ quyền quốc gia.

Với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Thượng tướng Phan Văn Giang cho hay Đông Nam Á có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, trên biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước những thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột.

Đánh giá về bối cảnh tình hình, Thượng tướng Phan Văn Giang nói môi trường chính trị, an ninh thế giới, khu vực dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Chủ nghĩa dân túy, dân tộc cực đoan, thực dụng, cường quyền và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Việc chạy đua vũ trang, không gian chiến lược mới đặt ra những thách thức mới đối với hòa bình, ổn định trên thế giới, khu vực, nhất là nước nhỏ đang phát triển.

Nói chung ông Giang nói rất nhiều bằng những ngôn từ quan thuộc. Tuy nhiên lại một làn nữa người đại diện cho Bộ Quốc Việt Nam làm công việc cúi đầu trước ngoại bang y hệt như Phạm Bình Minh cách đây 2 năm.

Ông Thượng tướng Phan Văn Giang – tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, thứ trưởng Bộ Quốc phòng – người đã được đảng phân công nắm bộ quốc phòng trong những ngày sắp tới.

Không biết đối với quan chức cấp cao của Đảng cộng sản thì nếu tình hình Biển Đông đang có những diễn biến căng thẳng, phức tạp hơn, thì họ mừng hay họ buồn. Những ai tỏ thái độ thuần phục là mừng vì đó là cơ hội thể hiện sự phục tùng. Họ biết buồn khi và chỉ khi họ biết xen quyền lợi của đất nước vượt lên quyền lợi đảng phái.

Thời đại công nghệ 4.0 thì khoa học cũng phát triển. Được biết năm 2021, Đảng cộng sản Việt Nam đã chi 7,2 tỷ đô la cho Quốc phòng. Một chi phí rất cao. Đó sẽ là cơ hội để Đảng cộng sản Việt nam không cúi đầu. Tuy nhiên, với tư duy nô lệ. Ông bộ trưởng Bộ quốc phòng vẫn phải cúi đầu.

Đảng đã cúi thì đảng viên làm sao thẳng ?

Phan Văn Giang (sinh năm 1960) thượng tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, hàm Thượng tướng. Ông hiện là Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong Đảng cộng sản Việt Nam, ông hiện là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XIII, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương

Biển Đông đang có những diễn biến căng thẳng phức tạp, đặt ra thách thức lớn trong bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hiện đang có sự tranh chấp giữa các nước có liên quan đến Biển Đông như vùng tranh chấp, vùng chồng lấn, vùng chưa phân định rõ ràng, vùng nước lịch sử, vùng cùng đánh cá, thềm lục địa… chưa giải quyết được.

Trước sự e dè không dám nhắc tên Trung Quốc thì điều đó cho thấy, quốc phòng Việt Nam lại một lần nữa có ông bộ trưởng nhu nhược mặc dù ông xuất thân thì bổ thông mưu trưởng. Kẻ thù lớn bởi vì mi quỳ xuống

Từ không dám nổ súng cảnh cáo, không dám nhắc tên Trung Quốc và không dám kiện Trung Quốc, các lãnh đạo Việt Nam đã khiến Bắc Kinh không chỉ ngày càng coi thường ‘vùng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’, mà còn giành ưu thế vượt mặt Đảng cộng sản Việt Nam trong hoạt động vận động quốc tế, cũng là nguồn cơn khiến Bắc Kinh tự tin và ngạo mạn khi đưa ra tuyên bố mang tính khẳng định về vùng chủ quyền của Trung Quốc Biển Đông.

Kể ra ông Phan Văn Giang cúi đầu cũng phải. Nếu không biết cúi đầu thì ông đã không leo lên chức cao như ngày hôm nay của Việt Nam. Nói là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhưng sắp tới Phạn Văn Giang cũng sẽ chẳng làm gì khác so với những người tiền nhiệm trước đây.

Ở chế độ này, một khi Chủ tịch quân ủy trung ương mà cúi đầu thì nó như là cái khung buộc Phó chủ tịch quân ủy tuân theo thôi.

Cứ mỗi nhiệm kỳ, Trung Quốc cứ kéo dàn khoang, kéo tàu hải cảnh, xua dân quân xuống Biển Đông để nắn gân Việt Nam. Tuy nhiên, nếu họ gặp phản ứng trong Bộ Chính trị yếu ớt thì chắc chắn họ sẽ lấn tới.

Phan Văn Giang, dù nắm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng khó mà ông có thể cứng rắn được. Vẫn theo thông lệ là kiên cữ tên húy của thiên triều để tránh rủi ro sự nghiệp.

Ngọc Thảo (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 01/04/2021

Published in Diễn đàn