Chế độ cộng sản Việt Nam đang trong mùa kỷ niệm Cách Mạng Tháng 8. Cao điểm là ngày 19/08/1945, mà chính họ gọi là ngày họ "cướp chính quyền" rồi giữ chính quyền cho đến nay. Nhưng cũng có một ngày 19/8 khác quan trọng hơn nhiều và rất liên quan đến họ mà họ cố tình lờ đi. Đó là ngày 19/08/1991, ngày mà một cuộc đảo chính vô duyên đánh một dấu chấm hết lên Liên Bang Xô Viết, bụng mẹ và đất thánh của Đảng cộng sản Việt Nam. Bài này đề nghị nhìn lại hai ngày này như là một ánh sáng để nhìn hiện tình và tương lai của đảng và chế độ cộng sản Việt Nam.
Ngày 22/12/1944, ông Võ Nguyên Giáp thành lập "đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân", đây là trung đội Vũ trang đầu tiên, tiền thân của quân đội cộng sản Việt Nam
Ngày khai sinh của chế độ cộng sản Việt Nam
Trước hết xin nhắc sơ qua về ngày 19/08/1945. Rất sơ lược thôi vì sẽ quá dài ngay cả nếu chỉ liệt kê những biến cố chính. Tôi có viết vài bài mà độc giả có thể đọc lại : "Nhìn lại Cách Mạng Tháng 8" (1), "Một câu hỏi lớn nhân kỷ niệm Cách Mạng Tháng 8-1945" (2) và Rút kinh nghiệm về hai cuộc cách mạng (3). Các độc giả muốn có nhiều chi tiết hơn có thể đọc "Nhìn lại sử Việt", quyển IV, của Lê Mạnh Hùng (4).
Ông Trần Trọng Kim, thủ tướng Nam Triều trong giai đoạn này, đặt tên cuốn hồi ký của ông là "Một cơn gió bụi". Hoàn toàn không đúng. Giai đoạn mà ông làm thủ tướng, nhất là tháng 8/1945, không phải là một cơn gió bụi mà là một trận bão dữ dội kinh khủng không ai mô tả được.
Ngày 07 tháng 8 -một ngày sau khi trái bom nguyên tử đầu tiên được thả xuống Hiroshima làm 150.000 người chết và khiến cả thế giới kinh hoàng- toàn bộ các bộ trưởng của chính phủ Trần Trọng Kim từ chức sau gần bốn tháng được thành lập. Việc từ chức tập thể này chủ yếu là một hành động bỏ chạy hoảng sợ khi sự thảm bại của Nhật đã quá rõ ràng, nhất là một trong chín vị bộ trưởng vừa bị máy bay Đồng Minh bắn chết. Thực ra chính phủ này chưa bao giờ làm việc. Nó chỉ có trên giấy tờ. Thời gian tồn tại của nó cũng là giai đoạn của một thảm kịch kinh hoàng : nạn đói Ất Dậu bắt đầu gần như cùng một lúc với chính phủ Trần Trọng Kim và vẫn chưa chấm dứt hẳn khi chính phủ này tan rã làm hơn một triệu người, 10% dân số miền Bắc lúc đó, chết đói. Chín vị "bộ trưởng" không biết nhau và chưa bao giờ họp.
Vua Bảo Đại ủy nhiệm ông Trần Trọng Kim lập "chính phủ mới" nhưng dĩ nhiên là vấn đề một chính phủ Trần Trọng Kim mới không đặt ra nữa. Ông Kim là một nhà giáo khả kính nhưng hoàn toàn không biết gì về chính trị và cũng không có tổ chức nào yểm trợ. Đáng lẽ ông phải từ chối chức vụ thủ tướng bằng mọi giá. Ông được Nhật áp đặt cho vua Bảo Đại sau cuộc đảo chính ngày 9/3 chấm dứt chế độ thực dân Pháp. Từ ngày 7/8 thất bại của Nhật đã gần kề, các bộ trưởng của chính phủ Trần Trọng Kim đã bỏ chạy, nhân sĩ nào còn dám hợp tác với ông Kim để rồi bị coi là người của Nhật ?
Điều khác biệt căn bản giữa tình hình Việt Nam trước và sau ngày 7/8 là Việt Nam không còn chính quyền. Trước đây còn có một chính quyền dù là một chính quyền không làm gì, các cơ quan hành chính và an ninh trung ương cũng như địa phương còn có một cơ quan đầu não để phục tùng, từ nay chúng hoàn toàn bơ vơ, không còn cấp trên để biết phải làm gì. Tình trạng vô chính phủ và khoảng trống chính trị là tuyệt đối.
Trước đó các cơ quan hành chính và an ninh của nhiều tỉnh và huyện đã tan rã, phần lớn các viên chức đã bỏ trốn sau khi nhiều người bị ám sát. Các cuộc nổi loạn của lực lượng Việt Minh, tên gọi của Đảng cộng sản lúc đó, đã bùng lên khắp nơi. Cộng sản là lực lượng duy nhất có tổ chức và có hoạt động từ thập niên 1930. Với sự tan rã của chính phủ Trần Trọng Kim họ trở thành lực lượng Việt Nam duy nhất. Sau này nhiều người nhắc đến lực lượng võ trang, khoảng 500 người, của ba đảng Đại Việt (Đại Việt Quốc Dân Đảng của Trương Tử Anh, Đại Việt Duy Dân của Lý Đông A và Đại Việt Quốc Xã của Nguyễn Xuân Tiếu) nhưng các đảng này đều chỉ mới được thành lập vài năm nên chưa thể có thực lực và quân đội đúng nghĩa, nhất là cả ba đảng đều chỉ đặt nền tảng trên những tư tưởng sai hoặc mông lung. Việt Nam Quốc Dân Đảng tuy có đảng viên khá đông nhưng đã tan nát từ 1930 sau khi bị Pháp đàn áp thẳng tay và phần lớn các cấp lãnh đạo chạy trốn sang Trung Quốc.
Trong lúc đó các biến cố trọng đại dồn dập tới. Ngày 9/8 trái bom nguyên tử thứ hai được thả xuống Nagasaki, sự đầu hàng của Nhật có thể đến bất cứ lúc nào, dân chúng nhốn nháo, các đảng phái quốc gia họp tới tấp mà không đồng ý được với nhau về một quyết định chung nào trong khi lực lượng Việt Minh ráo riết chuẩn bị cướp thời cơ. Ngày 15/8 Nhật chính thức tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Quân Nhật rút vào trại án binh bất động, Việt Nam không còn chính quyền và cũng không còn một lực lượng chiếm đóng.
Ngày 19/8/1945, các lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ. (Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Một hậu quả vớ vẩn của sự tan rã của chính phủ Trần Trọng Kim là cuộc mít tinh trước Nhà Hát Lớn của Tổng bộ Công chức Bắc hà ngày 17/8. Để làm gì không ai biết kể cả ban tổ chức. Cuộc mít tinh này đến lượt nó đã có hậu quả lớn trên lịch sử Việt Nam. Nó đã được Phủ Khâm sai Bắc hà dự trù tổ chức từ trước, và được Nhật chấp nhận nhưng lúc đó chính phủ Trần Trọng Kim không còn nữa, khâm sai Bắc Hà Phan Kế Toại đã từ chức, ông Nguyễn Xuân Chữ được mời thay thế chưa nhận lời. Tuy vậy Tổng bộ Công chức vẫn tiếp tục tổ chức, dù không biết phải nói gì và làm gì, vì không nhận được chỉ thị nào. Ngay khi nó vừa bắt đầu thì một toán Việt Minh đã xông lên cướp sân khấu mà không hề gặp một chống cự nào. Rồi cờ Việt Minh được treo lên Nhà Hát Lớn. Việt Minh đã cướp được trụ sở chính quyền Bắc Hà. Kế tiếp là hai ngày náo loạn. Lực lượng Việt Minh lúc đó, theo các tài liệu của Đảng cộng sản Việt Nam, có 800 người và 90 khẩu súng. Họ chiếm dần các cơ quan chính quyền trước sự thụ động của 1.500 vệ binh Nam Triều có vũ khí đầy đủ nhưng không biết phải làm gì vì không còn chính phủ. Ngày 19/8 họ chiếm toàn bộ các cơ quan. Việt Minh đã cướp được chính quyền.
Tình hình biến đổi dồn dập đến nỗi chính ban lãnh đạo cộng sản cũng bị bất ngờ. Sau khi chính phủ Trần Trọng Kim tan rã, thấy thời cơ đã đến Đảng cộng sản họp Hội nghị Tân trào ở Tuyên Quang từ ngày 13/8 để chuẩn bị cướp chính quyền. Đang họp thì ngày 15/8 được tin Nhật đầu hàng, họ họp tiếp Quốc dân Đại hội trong hai ngày 16 và 17/8 để lập một chính phủ lâm thời với mục tiêu chống Nhật cướp chính quyền. Vừa họp xong thì việc cướp chính quyền cũng đã xong. Ngày 23/8 vua Bảo Đại thoái vị chấm dứt triều Nguyễn. Ngày 2/9 Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Nên biết vào lúc đó và cho tới thập niên 1970 cụm từ "Dân Chủ Cộng Hòa" (Democratic Republic) được dùng để chỉ các chế độ cộng sản hoặc thân cộng. Các đảng phái quốc gia bị gạt ra ngoài lề và sau đó bị tàn sát, kể cả các ông Trương Tử Anh, Nguyễn Xuân Tiếu, Lý Đông A và nhiều đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt khác. Cuộc tàn sát tiếp tục sau đó cho tới ít nhất năm 1954. Chưa có một khảo sát chính xác nào về cuộc tàn sát này, nhưng theo ước lượng của những người sống sót tổng số đảng viên các đảng phái quốc gia bị giết có thể vượt con số 100.000. Họ đều là những người yêu nước đặt đất nước lên trên hết, khác hẳn những người hoặc đứng ngoài cuộc hoặc đặt chủ nghĩa cộng sản lên trên hết. Ngày 19/8/1945 đánh dấu sự khai sinh ra chế độ cộng sản tại Việt Nam và cũng là ngày khởi đầu cuộc nội chiến kéo dài trong suốt 30 năm, và chấm dứt vào ngày 30/4/1975 với sự toàn thắng của Đảng cộng sản.
Và ngày giỗ của Liên Bang Xô Viết
Sau tóm tắt rất sơ lược và dĩ nhiên thiếu sót này hãy nhìn một ngày 19/8 khác : ngày 19/8/1991 đánh dấu sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết.
Sáng ngày 19/8/1991, từng đoàn xe tăng tiến về Điện Kremlin, trụ sở chính của Liên bang Xô Viết
Sáng hôm đó các đài truyền hình của mọi nước Châu Âu chiếu lên một cảnh rất bất thường. Từng đoàn xe tăng chạy lẫn lộn với xe cộ thông thường trên đường phố Moskva (Moscow) tiến về điện Kremlin, trụ sở của chính quyền Liên Xô (Liên Bang Các Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết hay Liên Bang Xô Viết). Chẳng ai hiểu chuyện gì đang xảy ra cho đến khi đài truyền hình Moskva phát đi một thông cáo ngắn : "Vì tình hình sức khỏe Mikhail Gorbachev không còn đảm nhiệm được chức vụ chủ tịch Liên Xô nữa nên chiếu hiến pháp của Liên Xô phó chủ tịch Genady Yanayev trở thành chủ tịch lâm thời của Liên Xô kể từ hôm nay, 19/8/1991".
Tại sao thay thế chủ tịch vì lý do sức khỏe lại phải điều động nhiều xe tăng như vậy ? Cùng lúc các xe tăng đưa quân tới chiếm đóng các cơ quan chính quyền. Đây là một cuộc đảo chính lật đổ Gorbachev. Sau đó các báo đài loan tin là Gorbachev đã bị câu lưu từ tối hôm trước tại Crimea nơi ông đang nghỉ hè và các xe tăng đầu tiên đã được điều động tới điện Kremlin từ 4 giờ sáng.
Gorbachev lên cầm quyền đầu năm 1985, ở tuổi 54, gần ba năm sau khi Leonid Brejnev qua đời năm 1982. Brejnev đã cầm quyền trong gần 20 năm sau khi lật đổ Nikita Khrushchev. Sau Brejnev là hai vị tổng bí thư già yếu, Andropov chết sau 14 tháng, rồi Tchernenko chết sau 11 tháng. Lúc đó Liên Xô đang sa lầy bi đát trong cuộc chiến Afghanistan và tài nguyên đã cạn kiệt vì phí phạm trong những chinh phục ồ ạt của nửa sau thập niên 1970 (Nam Việt Nam, Lào, Campuchia, Angola, Ethiopia, Nicaragua, Grenada v.v.). Sự kiệt quệ của Liên Xô thấy rõ qua hình ảnh các binh sĩ thiếu cả quần áo, giầy, vớ và lương thực. Một tin nhỏ nói lên một thực trạng lớn : một toán quân tinh nhuệ được gửi đi tăng cường cho mặt trận Afghanistan, quân lính đánh lộn trên máy bay làm máy bay rớt và mọi người đều chết, tuy vậy quá nửa binh sĩ vẫn sống nhờ say rượu nằm ngủ lại phi trường. Brejnev để lại một Liên Xô trong tình trạng tuyệt vọng.
Ngày 25/12/1991, Liên Bang Xô Viết chính thức giải thể nhưng trên thực tế nó đã cáo chung từ ngày 19/8/1991.
Gorbachev là một lãnh tụ trẻ thông thái, thuyết phục và rất thu hút nên đã nhanh chóng trở thành siêu sao chính trị của Liên Xô và thế giới. Ông nhìn nhận tình trạng bi đát của Liên Xô và đưa ra hai chính sách đổi mới Perestroika (cải tổ cơ cấu) và Glasnost (minh bạch) đồng thời tuyên bố tìm mọi cách để chấm dứt chiến tranh lạnh và sống chung hòa bình một cách thành thực với các nước dân chủ. Không ai có thể buộc tội Gorbachev là phản đảng bởi vì ông là đệ tử ruột của Andropov, người từng là giám đốc cơ quan trung ương tình báo KGB trong nhiều năm trước khi kế vị Brejnev làm tổng thư ký Đảng cộng sản Liên Xô. Tuy nhiên tình trạng Liên Xô đã quá tuyệt vọng. Ngân quỹ đã rỗng và niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản không còn gì. Hơn nữa, lúc đó Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình đang trỗi lên sau khi sau khi chuyển hướng về kinh tế thị trường. Gorbachev đành phải rút quân khỏi Afghanistan và để mặc các nước Đông Âu từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin và tách khỏi ảnh hưởng Liên Xô. Gorbachev cũng dần dần ngày càng bị căng kéo giữa hai khuynh hướng đối chọi nhau, một bên đòi cải tổ nhanh hơn nữa, một bên trái lại cho rằng chính sách cải tổ quá vội vàng đang đập phá Liên Xô. Sau cùng điều phải đến đã đến : phe bảo thủ đã đảo chính lật đổ Gorbachev.
Genady Yanayev là một đảng viên mờ nhạt hoạt động trong Tổng Công Đoàn nhà nước, trước khi được Gorbachev cất nhắc. Trong vài tháng ông ta được đột ngột đưa vào ban chấp hành trung ương, bộ chính trị, rồi trở thành phó chủ tịch Liên Xô. Gorbachev muốn có một nhân vật số 2 theo ông vô điều kiện nhưng chính nhân vật này đã lật đổ ông. Yanayev đã âm mưu cuộc đảo chính này với những nhân vật cao nhất của chế độ Liên Xô : thủ tướng Valentin Parlov, bộ trưởng quốc phòng Dimitry Lazov, bộ trưởng nội vu Boris Pugo và giám đốc KGB Vladimir Kryuchkov. Những người này muốn cứu Liên Xô mà họ thấy đang suy sụp vì chính sách cải tổ của Gorbachev.
Ngày 19/8/1991, Yeltsin đứng trên một xe tăng đọc một tuyên ngôn lên án cuộc đảo chính là phạm pháp và phải bị trừng trị.
Điều mà họ không ý thức được là Liên Xô không còn cứu vãn được nữa, bộ máy quyền lực của nó không còn điều khiển được nữa. Bằng cớ là hai tháng trước, Boris Yeltsin sau khi được bầu làm chủ tịch Liên Bang Nga (thành phần chính của Liên Bang Xô Viết bên cạnh những nước khác) đã tuyên bố Liên Bang Nga từ nay độc lập, nghĩa là không còn là thành phần của Liên Xô nữa mà không ai làm gì được ông ta. Vài giờ sau một đoàn xe tăng khác cũng kéo tới trụ sở quốc hội, nhưng không phải để chiếm đóng mà để ủng hộ Yeltsin chống lại cuộc đảo chính.
Boris Yelsin từng là ủy viên bộ chính trị Đảng cộng sản Liên Xô và ủng hộ cuộc cải tổ của Gorbachev nhưng sau đó bất mãn vì cuộc cải tổ quá chậm nên từ chức khỏi bộ chính trị và trả luôn thẻ đảng. Dầu vậy Yeltsin đã có thể ứng cử vào Quốc hội Liên Bang Nga, sau đó được bầu làm chủ tịch Liên bang Nga. Hình ảnh mạnh của ngày 19/8/1991 là Yeltsin đứng trên một xe tăng đọc một tuyên ngôn lên án cuộc đảo chính là phạm pháp và phải bị trừng trị. Một đại tá cũng xuất hiện kêu gọi quân đội đừng tuân lệnh của nhóm chủ mưu đảo chính. Thế rồi hàng triệu người biểu tình tràn ngập Quảng Trường Đỏ và đường phố Moskva. Cuộc đảo chính đã thất bại. Thay vì cứu vãn nó đã làm sụp đổ cả Đảng cộng sản Liên Xô lẫn Nhà nước Liên Xô.
Gorbachev được đưa về từ Crimea và tuyên bố cố gắng tái lập lại trật tự trong Đảng và Nhà nước Liên Xô nhưng ông bị chính các cộng sự viên thân cận và trung thành nhất bỏ rơi. Họ ủng hộ Boris Yeltsin trong đòi hỏi giải tán cả Đảng cộng sản Liên Xô lẫn Liên Bang Xô Viết. Ngay sau đó một loạt các nước cộng hòa thuộc Liên Xô tuyên bố độc lập, kể cả Liên Bang Nga. Ngày 25/12/1991, Liên Bang Xô Viết chính thức giải thể nhưng trên thực tế nó đã cáo chung từ ngày 19/8/1991.
Cải tổ một chế độ cộng sản ?
Nhắc lại hai ngày lịch sử 19/8 trước hết là để nhìn thấy hoàn cảnh oái oăm của Đảng cộng sản Việt Nam. Những cột mốc lớn nhất của nó cũng là những cột mốc lớn nhất của phong trào cộng sản quốc tế nhưng với ý nghĩa khác hẳn.
Năm 1975 khi Đảng cộng sản Việt Nam tưng bừng hô vang "Chủ nghĩa Mác-Lênin bách chiến bách thắng muôn năm !" vì đã chinh phục được cả đất nước Việt Nam cũng là năm đánh dấu đúng một thế kỷ từ khi chủ nghĩa Marx bị từ bỏ trên nước Đức, cái nôi và trung tâm của nó, tại Đại hội Gotha của Đảng cộng sản Đức năm 1875 để rồi tàn lụi dần tại Tây Âu. Sự hân hoan của những người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam chứng tỏ họ tụt hậu ít nhất 100 năm so với thế giới về tư tưởng chính trị. Ngày 19/8 là ngày lễ lớn nhất của Đảng cộng sản Việt Nam, ngày kỷ niệm Cách Mạng Tháng 8 thành công mở đầu giai đoạn cộng sản trong lịch sử Việt Nam cũng là ngày mà chế độ cộng sản Liên Xô, chủ nghĩa cộng sản và Phong trào Cộng sản Quốc tế sụp đổ. Hồ Chí Minh và các lãnh tụ đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam đều được đào tạo và nuôi dưỡng tại Liên Xô. Nguồn viên trợ chính giúp họ phát triển tổ chức, cướp chính quyền và tiêu diệt các lực lượng Việt Nam khác để rồi sau cùng độc chiếm được đất nước Việt Nam cũng đến từ Liên Xô. Liên Xô cho tới khi sụp đổ cũng đã được sùng bái như là trí tuệ của chủ nghĩa Mác-Lênin. Trớ trêu thay ngày sinh của chế độ cộng sản Việt Nam cũng là ngày giỗ của Liên Xô, bụng mẹ và đất thánh của nó.
Quan trong hơn, sự nhắc lại này có thể giúp ta nhìn rõ hơn hiện tình và tương lai của chế độ cộng sản Việt Nam trong lúc này để nhìn thấy những thử thách cũng như hy vọng đang chờ đợi đất nước. Vào thời điểm 1991 Liên Xô đã chín muồi cho một cuộc chuyển hóa về dân chủ. Người dân đã chán ghét chế độ và muốn thay đổi, đảng cộng sản đã mất lý tưởng và phân rã nghiêm trọng, người dân không chỉ muốn thay đổi chế độ mà còn biết mình muốn gì, nghĩa là một chế độ dân chủ. Chỉ còn thiếu một điều kiện : không có một tổ chức dân chủ làm tụ điểm cho những nguyện vọng đổi đời. Gorbachev và các lãnh tụ Liên Xô lúc đó tin rằng sự thiếu vắng này, mà họ đã tạo ra và duy trì, cho phép Đảng cộng sản Liên Xô dần dần thay đổi để thích nghi với tình huống mới mà vẫn giữ được chính quyền. Họ lầm to. Một chế độ không còn lý do tồn tại thì trước sau cũng phải sụp đổ dù có hay không có một giải pháp thay thế. Và đó là điều sau cùng đã xảy ra cho Liên Xô vào ngày 19/8/1991. Sự thiếu vắng của một lực lượng dân chủ có tầm vóc đã không giúp cho Đảng cộng sản Liên Xô có đủ thời giờ để cải tổ, lột xác và tiếp tục cầm quyền như Gorbachev mơ tưởng. Nó đã chỉ khiến chế độ cộng sản sụp đổ trong hỗn loạn nhường chỗ cho một chế độ cướp bóc, dưới Boris Yeltsin rồi Vladimir Putin, với vô số những vụ thanh toán, ám sát mà thủ phạm và nạn nhân đều là những cựu đảng viên cộng sản.
Gorbachev, có lẽ vì được tâng bốc và quá tự tin, đã không nhìn thấy những dấu hiệu thực ra khá rõ ràng của một sự sụp đổ đã gần kề :
1. Ý thức hệ Mác-Lênin đã sụp đổ và trở thành trò đùa dân gian, đảng cầm quyền không còn một lý tưởng chung nào làm chất keo gắn bó các đảng viên với nhau nữa nên nhanh chóng trở thành một đảng cướp.
2. Tham nhũng đã tràn ngập bộ máy chính quyền và những đợt thanh trừng chống tham nhũng chỉ gây hận thù nội bộ chứ không làm sạch được một bộ máy chính quyền đã quá ung thối.
3. Pháp luật trở thành bất lực, hung bạo và tùy tiện như trong mọi chế độ sắp sụp đổ. Số vụ án không tăng nhưng các hình phạt dã man hơn. Các nạn nhân chỉ làm những điều mà nhiều người khác cũng làm, thí dụ như lên án và đả kích chế độ ; họ chỉ không may được chọn để trừng trị làm gương. Những người bị bỏ tù về tội tham nhũng cũng không tham nhũng hơn những người bỏ tù họ; họ chỉ không may thuộc phe thua.
4. Sau cùng đảng cầm quyền đã phải tập trung quyền lực về một người vì không còn khả năng để đi đến đồng thuận trong một quyết định chung nào cả. Độc tài đảng trị nhường chỗ cho độc tài cá nhân. Kết quả là người này, Gorbachev trong những ngày cuối cùng của Liên Xô, trở thành điểm tập trung của mọi bất mãn. Điều cần được lưu ý là cho tới nay giải pháp này chưa cho phép một chế độ độc tài nào sống lâu hơn nhà độc tài cá nhân được chọn.
Nếu ngày nay chúng ta hỏi một người bạn Gorbachev chết năm nào thì có mọi triển vọng là anh ta sẽ bối rối và thú nhận là không biết. Không thể khác vì Gorbachev chưa chết, nhưng đã chìm hẳn vào quên lãng dù đã một thời được cả thế giới biết đến và được cả giải Nobel. Sau khi đã để lại một câu nói quan trọng : "chế độ cộng sản chỉ có thế xóa bỏ chứ không thể cải tổ". Câu nói này cũng được Boris Yeltsin, đồng chí trở thành đối thủ của ông, tán thành.
Rút ra bài học lịch sử ?
Đảng cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị Đại hội 13 trong tình trạng không khác bao nhiêu Đảng cộng sản Liên Xô trước ngày 19/8/1991. Cả bốn dấu hiệu về sự sụp đổ sắp tới cũng đều khá rõ ràng. Điều khác biệt là Việt Nam không có được một con người đầy uy tín và có sức thuyết phục như Gorbachev.
Đảng cộng sản Việt Nam có biết rút ra bài học đúng từ Liên Xô không ? Có xác xuất lớn là không. Không phải ai cũng rút ra được những bài học lịch sử. Cho đến nay các lãnh đạo cộng sản chỉ biết rút ra những kết luận thiển cận và sai từ những biến cố lớn. Họ đang bị bắt buộc phải tách rời khỏi ảnh hưởng Trung Quốc và đứng hẳn về phía các nước dân chủ với hậu quả tất nhiên là phải dân chủ hóa càng nhanh càng tốt, chậm ngày nào nguy ngày đó. Tuy vậy họ vẫn tìm mọi cách để bóp nghẹt mọi tiếng nói dân chủ mà không hiểu rằng bài học lớn nhất từ Liên Xô là không thể có chuyển hóa thành công về dân chủ nếu không có một lực lượng dân chủ mạnh.
Nguyễn Gia Kiểng
(19/08/2020)
(1) Nguyễn Gia Kiểng, Nhìn lại Cánh Mạng Tháng Tháng Tám, 17/08/2017.
(2) Nguyễn Gia Kiểng, Một câu hỏi nhân kỷ niệm Cách Mạng Tháng 8-1945, 19/08/2017.
(3) Nguyễn Gia Kiểng, Rút kinh nghiệm từ hai cuộc cách mạng, 17/08/2017.
(4) Lê Mạnh Hùng, Nhìn Lại Sử Việt, bộ sử Việt Nam từ lập quốc đến 1975, toàn bộ năm cuốn, Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2015.
Ngày 22/12/1944, ông Võ Nguyên Giáp thành lập "đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân", đây là trung đội Vũ trang đầu tiên, tiền thân của quân đội cộng sản Việt Nam