Nhân kỷ niệm ngày 30/04/1975
Một thế hệ mới đã trưởng thành. Có văn hóa hơn, có thông tin hơn hẳn các thế hệ cha anh, ít bị ảnh hưởng của văn hóa nho sĩ trước đây và đang phẫn nộ vì bị gạt ra ngoài lề xã hội ngay trên đất nước mình. Họ không có chọn lựa nào khác hơn là tham gia cuộc vận động dân chủ, nhưng họ đã hiểu phải tranh đấu như thế nào và sẽ chỉ ủng hộ những cố gắng nghiêm túc. Một giai đoạn mới rất thuận lợi của cuộc vận động dân chủ đã bắt đầu.
Năm 1931, Đảng cộng sản đã phát động cuộc nổi dậy đẫm máu Xô Viết Nghệ Tĩnh với khẩu hiệu "Vạn Tuế Sô Nga".
Một lần nữa chúng ta lại kỷ niệm ngày lịch sử 30/04/1975. Đã gần một nửa thế kỷ rồi, một câu hỏi lại được đặt ra : bao giờ chúng ta mới có dân chủ ?
Câu hỏi này được đặt ra cùng với những câu hỏi tương tự mỗi dịp kỷ niệm ngày 30 tháng 4 : tại sao phe cộng sản đã thắng, tại sao chúng ta lại là một trong những nước cuối cùng vẫn chưa có dân chủ, có phải vì chúng ta là một dân tộc thấp kém quá không, tại sao vẫn chưa có được một tổ chức dân chủ mạnh, v.v. Và gần đây : tại sao phong trào dân chủ lại yếu đi như vậy ?
Chắc chắn những người đặt ra những câu hỏi đó phải là những người yêu nước và buồn lòng vì chế độ cộng sản đã kéo dài quá lâu. Đã có hàng trăm, hàng ngàn bài viết trong cố gắng trả lời những câu hỏi nhức nhối này, mọi lý do đều đã được đưa ra, bài này xin tập trung vào lý do quan trọng và nền tảng nhất : văn hóa chính trị của trí thức Việt Nam. Quan trọng và nền tảng nhất bởi vì, khác với mọi cuộc thay đổi chế độ trong dòng lịch sử, cuộc vận động dân chủ bắt buộc phải do các trí thức chủ động.
Nghịch lý cộng sản
Trước khi đi vào chi tiết cần khẳng định một điều : chế độ cộng sản hiện nay chỉ là một chế độ độc tài, khẩu hiệu "xây dựng dân chủ" vẫn thường được nhắc lại của nó là một thóa mạ đối với sự thực. Không một tổ chức nào độc lập với Đảng Cộng Sản được phép hoạt động, ngay cả các tổ chức xã hội dân sự. Không một tờ báo, một đài phát thanh hay một nhà xuất bản độc lập với Đảng Cộng Sản. Hàng ngàn người đang bị giam giữ với những bản án 5 năm, 10 năm, 15 năm tù chỉ vì đã phát biểu những điều không vừa lòng chính quyền. Trong các cơ quan nhà nước và các công ty quốc doanh, ngay cả trong các nhà thương và trường học, các cấp bậc từ phó phòng trở lên đều chỉ dành riêng cho các đảng viên cộng sản. Trong quân đội và công an mọi cấp bậc từ hạ sĩ quan trở lên đều phải là đảng viên. Ngay cả trong những thời kỳ Bắc Thuộc ngày xưa và Pháp Thuộc gần đây người Việt Nam cũng được quyền có những vị trí quan trọng hơn nhiều. Đảng Cộng Sản đã gạt đại bộ phân nhân dân ra ngoài lề xã hôi, nó không hành xử như một đảng Việt Nam mà như một lực lượng chiếm đóng hung bạo.
Một câu hỏi rất quan trọng cần được đặt ra là tại sao vào thời điểm 1945, khi Thế Chiến II chấm dứt và Việt Nam đang đứng trên ngưỡng cửa của độc lập, đảng được ủng hộ nhất lại là Đảng Cộng Sản, một đảng đã phủ nhận tổ quốc Việt Nam ? Đảng Cộng Sản được chính thức thành lập năm 1930 như một thành viên của Đệ Tam Quốc Tế, hai năm sau Đại Hội 6 của Đệ Tam Quốc Tế năm 1928 trong đó các đảng cộng sản thành viên long trọng tuyên bố họ chỉ có một tổ quốc duy nhất là Liên Xô (1). Ngay năm sau, năm 1931, họ đã phát động cuộc nổi dậy đẫm máu Xô Viết Nghệ Tĩnh với khẩu hiệu "Vạn Tuế Sô Nga". Điều này chứng tỏ rằng vào thời điểm đó tinh thần dân tộc và lòng yêu nước của người Việt Nam không cao. Tại sao ?
Từ năm 1945, trung thành với lập trường phục vụ Liên Xô và phong trào cộng sản quốc tế, ngay sau khi cướp được chính quyền (cụm từ "cướp chính quyền" là của chính Đảng cộng sản Việt Nam) họ đã thẳng tay tàn sát các tổ chức không cộng sản như Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt. Hàng trăm nghìn người yêu nước đã bị giết. Đây là một tội ác cực kỳ lớn mà sau này phải được nghiên cứu và làm rõ, không phải vì thù oán mà để trả lại công lý cho các nạn nhân. Cuộc Cải Cách Ruộng Đất 1954-1956 trong đó, theo một nghiên cứu công phu của giáo sư Đặng Phong thuộc Viện Kinh Tế Việt Nam, ít nhất 172.008 người bị giết cũng đã chỉ được tố giác tại miền Nam trong một giai đoạn ngắn nhờ Ông Hoàng Văn Chí, thư ký riêng của ông Trường Chinh, khi ông này bỏ Đảng Cộng Sản và vượt biên vào Nam.
Thành tích mà Đảng Cộng Sản hãnh diện nhất là cuộc nội chiến 30 năm 1945 - 1975. Họ khoe khoang là đã đánh thắng đế quốc Pháp giành độc lập, đã đánh thắng Mỹ thống nhất đất nước và coi đó như một công lớn mà tổ quốc phải ghi ơn. Nhưng đây chỉ là một tội ác, và một tội ác kinh khủng, đối với đất nước.
Trước hết cuộc chiến chống Pháp không cần thiết nếu độc lập dân tộc thực sự là mục tiêu bởi vì sau Thế Chiến II thế giới đã thay đổi và chủ nghĩa thực dân đã chính thức bị khai tử, hiến chương Liên Hiệp Quốc đã chính thức khẳng định chủ quyền của các dân tộc. Pháp đã góp phần tích cực soạn thảo hiến chương này, đã trả lại các tỉnh Nam Việt và nhìn nhận nền độc lập của Việt Nam. Chỉ còn lại vấn đề chuyển tiếp. Dĩ nhiên vẫn cần tranh đấu để sự chuyển tiếp diễn ra nhanh chóng và trong những điều kiện tối ưu cho Việt Nam, nhưng tuyệt đối không cần chiến tranh. Chúng ta thực ra cũng không cần "căm thù giặc Pháp" như Đảng Cộng Sản tuyên truyền. Dĩ nhiên tiếp xúc với một kẻ hơn hẳn mình luôn luôn ê chề và hổ nhục vì khiến chúng ta nhận ra sự thua kém của mình. Người Pháp cũng không tới Việt Nam để giúp đỡ chúng ta mà để bành trướng đế quốc của họ và để khai thác tài nguyên cũng như nhân lực Việt Nam. Những người Pháp đến Việt Nam cũng không phải đều là những nhà hảo tâm. Tuy vậy kết quả của 80 năm Pháp Thuộc là nước ta đã tiến một đoạn đường dài hơn hẳn so với cả 2000 năm lịch sử trước đó trong các thời kỳ Bắc Thuộc cũng như tự chủ. Người Pháp đã biến Việt Nam thành nước phát triển nhất Đông Nam Á về mọi mặt kinh tế, khoa học, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng cũng như văn hóa, xã hội. Và cả về nhân quyền. Người Việt Nam không còn bị giết, thậm chí giết cả ba họ, theo quyết định tùy tiện của vua, không những thế còn có quyền lập hội, xuất bản sách báo. Người Pháp cũng đã giúp chúng ta có được một biên giới thuận lợi trên đất liền cũng như trên biển mà sau này chính quyền cộng sản không giữ được. Họ cũng đã buộc Trung Quốc nhìn nhận chủ quyền Việt Nam trên Hoàng Sa và Trường Sa. Đảng Cộng Sản phải rất xấu hổ khi so sánh mình với thực dân Pháp.
Lý do chống Mỹ của giai đoạn sau càng vô lý hơn vì Mỹ hoàn toàn không phải là một nước thực dân và không hề có tham vọng bành trướng. Họ đã trả độc lập cho Philippines và liên tục từ chối yêu cầu được sáp nhập vào Mỹ của Porto Rico.
Chống Pháp, chống Mỹ chỉ là những lý cớ. Lý do của chiến tranh chỉ giản dị là vì Đảng Cộng Sản muốn áp đặt chế độ cộng sản. Họ gây nội chiến vì lợi và quyền của họ và để phục vụ phong trào cộng sản thế giới. Lê Duẩn đã nói "ta đánh là đánh cả cho Trung Quốc và Liên Xô".
Phải bác bỏ dứt khoát lập luận của Đảng Cộng Sản và khẳng định hai điều :
-Một là đây là một cuộc nội chiến, bởi vì gần 99% những người đã chết, quân lính cũng như thường dân, đều là người Việt. Việc hai bên nhận viện trợ từ nước ngoài không thay đổi bản chất nội chiến. Vả lại sau này sự thật được phơi bày là đã có rất nhiều cố vấn Nga và Trung Quốc đã đến Việt Nam giúp phe cộng sản.
-Hai là đối với một dân tộc không có tội nào lớn hơn tội gây ra nội chiến. Nội chiến, ngay cả nếu chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, tai hại hơn rất nhiều so với một cuộc chiến tranh với nước ngoài ; nó không chỉ gây thiệt hại nhân mạng và vật chất mà còn làm rách nát tình cảm dân tộc, làm suy yếu nội lực và tiềm năng của đất nước một cách nghiêm trọng trong một thời gian rất dài. Đảng Cộng Sản có tội rất lớn.
Kết quả của cuộc nội chiến 30 năm này là Đảng Cộng Sản đã toàn thắng và thực hiện đối với miền Nam chính sách bỏ tù cả nước và hạ nhục tập thể. Cũng như đợt Cải Cách Ruộng Đất tại miền Bắc hai mươi năm trước, các trại cải tạo tại miền Nam sau ngày 30/04/1975 nhắm tiêu diệt bằng cách đày đọa và bẻ gẫy ý chí của mọi thành phần có tiềm năng chống đối (2). Những thành quả của 20 năm dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị phá hủy hết. Những người thắng trận biểu lộ một trình độ chậm tiến khó tưởng tượng, không khác một đoàn quân man rợ tràn ngập lên một nền văn minh. Chỉ trong vài tháng miền Nam lùi lại vài thập niên nhưng dù sao vẫn còn hơn miền Bắc sau 20 năm dưới chế độ cộng sản. Sự đập phá kéo dài hơn mười năm, trước khi nhường chỗ cho cái gọi là "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
Chủ nghĩa cộng sản đã đến Việt Nam chủ yếu nhờ một người mà ngày nay những người lãnh đạo Đảng Cộng Sản bắt dân tộc Việt Nam tôn sùng như một vĩ nhân và một nhà tư tưởng : Hồ Chí Minh. Tiểu sử của ông Hồ Chí Minh ngày nay đã được các nhà nghiên cứu phơi bày với đầy đủ chứng cớ và không hề gặp một cải chính nào từ Đảng Cộng Sản. Ông chỉ học tới lớp 8, nghĩa là chỉ có trình độ học vấn của một học sinh 12 tuổi hiện nay, rồi phải rời trường vì một thảm kịch gia đình. Cha ông đang làm tri huyện thì bị cách chức vì say rượu đánh chết người, sau đó vào Nam sống lang thang trong nghèo khổ đến khi qua đời. Hồ Chí Minh sống bằng những nghề lặt vặt rồi đi làm phụ bếp trên một tầu biển và lưu lạc tới Pháp. Ông rời nước ra đi không phải để tìm đường cứu nước mà để tìm một tương lai cho mình. Ít lâu sau khi tới Pháp ông nộp đơn xin vào Trường Thuộc Địa, trường đào tạo những công chức cho chế độ thuộc địa Pháp tại Đông Dương như tên gọi của nó. Nếu được chấp nhận ông đã trở thành một viên chức của Pháp nhưng đơn của ông đã bị từ chối và Hồ Chí Minh tiếp tục sinh sống bằng những nghề nhỏ như tô hình, bồi tầu. Cuộc đời bấp bênh đó đã đưa ông tới Anh, tới Mỹ. Hồ Chí Minh đã học hỏi được nhiều trên trường đời dù chỉ là những học hỏi thực tiễn. Tại Pháp ông làm quen được với một số trí thức trong đó có Phan Châu Trinh và một người mà tôi rất thân quen là Nguyễn Thế Truyền. Ông Truyền đã cho tôi biết khá nhiều về ông Hồ Chí Minh. Chính qua những vị này mà Hồ Chí Minh bắt đầu hoạt động chính trị rồi gia nhập đảng SFIO (Section Française de l'International Ouvrière), tức là Đảng Xã Hội Pháp thành viên của Đệ Nhị Quốc Tế. Sau khi Đệ Tam Quốc Tế được thành lập và một phần của SFIO tách ra thành Đảng Cộng Sản Pháp (Parti Communiste Français) thì ông nhìn thấy một cơ may tiến thân mới. Ông là người Việt Nam đầu tiên gia nhập Đảng Cộng Sản Pháp và Đệ Tam Quốc Tế và trở thành đại biểu Đông Dương của Đệ Tam Quốc Tế. Ít lâu sau ông được gửi sang Nga để được huấn luyện. Tôi có một người bạn, tiến sĩ sử học Vũ Ngự Chiêu, người đã tìm thấy đơn xin học Trường Thuộc Địa của Hồ Chí Minh và nhiều tài liệu khác trong văn khố Pháp ; ông Chiêu nghiên cứu nhiều về Hồ Chí Minh và cho biết không có gì chứng tỏ ông Hồ Chí Minh có kiến thức đáng kể nào, chưa nói tư tưởng chính trị. Chính ông Hồ Chí Minh cũng đã chứng tỏ điều này. Trong cuốn sách "Mấy kinh nghiệm Trung Quốc cần phải học" mà ông viết dưới bút hiệu Trần Lực (Nhà xuất bản Sự Thật, 1958, tr. 41), ông tin và kêu gọi mọi người tin là một mẫu lúa tại Trung Quốc có thể cho 333 tấn lúa mỗi năm. Những phát biểu của ông, dù là bài viết hay bài nói, không chứng tỏ một sự hiểu biết nào, dù sơ sài đến đâu, về bối cảnh thế giới và tư tưởng chính trị. Việc Đảng Cộng Sản Việt Nam đề cao ông như một nhà tư tưởng là cả một xúc phạm đối với trí tuệ. Hồ Chí Minh thông minh, có chí lập thân và chắc chắn có tài nhưng chỉ là tài kích động và khủng bố mà ông được huấn luyện tại Nga. Việc thủ tiêu những người bạn cùng trong hội Tam Điểm với ông tại Pháp sau khi cướp được chính quyền và cách đối xử với những phụ nữ đã từng có quan hệ sống chung với ông chứng tỏ ông không mấy quan tâm đến các giá trị đạo đức.
Hồ Chí Minh đã là người đem chủ nghĩa cộng sản vào nước ta và cũng là người khiến nước ta trở thành phụ thuộc Nga, một nước mà trước đó trong suốt dòng lịch sử chúng ta chưa hề có bất cứ một quan hệ nào. Nếu có một chút kiến thức về chính trị ông đã phải biết là chủ nghĩa Marx đã bị phản bác trên chính quê hương của nó trong Đại Hội Gotha của Đảng Xã Hội Đức (danh xưng lúc đó của phong trào cộng sản Đức) năm 1875 và dù có theo cũng không đến nỗi mê cuồng như chính ông đã thuật lại. Nếu có một chút kiến thức về lịch sử ông đã phải biết lịch sử nước Nga là một lịch sử rùng rợn -đầy những tội ác, nội chiến, thống trị, cướp bóc và đàn áp nhưng không hề có tình người- và đã không tôn sùng Liên Xô như thế.
Tôi nói nhiều về Hồ Chí Minh bởi vì ông là người sáng lập ra Đảng Cộng Sản, đã góp phần quyết định cho thắng lợi của đảng và vẫn còn được coi như mẫu mực và niềm tư hào của đảng. Các cấp lãnh đạo cộng sản cũng đều cùng một khuôn mẫu dù không cùng một tầm vóc. Họ đều ít kiến thức nhưng đầy tự mãn và tưởng mình thông thái. Lê Duẩn cũng nghĩ mình là một nhà tư tưởng, huênh hoang đưa ra lý thuyết "ba dòng thác cách mạng" dự đoán thắng lợi sắp tới của chủ nghĩa cộng sản và sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản dẫy chết.
Tóm lại, một chi bộ của một tổ chức quốc tế lấy Liên Xô làm tổ quốc, do những người rất tầm thường về kiến thức và tầm nhìn lãnh đạo, đã phạm những tội ác kinh khủng và tàn phá đất nước đã toàn thắng trên đất nước Việt Nam. Nó đã được sự ủng hộ của một số đông đảo trí thức Việt Nam, kể cả những người rất có uy tín, và nhờ đó đã dương được ngọn cờ yêu nước.
Chủ yếu vì một văn hóa chính trị
Lý do vẫn thường được đưa ra để giải thích chiến thắng của Đảng Cộng Sản là Việt Nam Cộng Hòa đã bị Mỹ bỏ rơi. Đúng nhưng không phải là tất cả và cũng không phải là lý do chính. Cuộc nội chiến Việt Nam 1945 – 1975 nằm trong khuôn khổ của cuộc chiến tranh lạnh sau Thế Chiến II giữa khối dân chủ do Mỹ lãnh đạo và khối cộng sản do Liên Xô lãnh đạo và vì thế tùy thuộc bối cảnh quốc tế. Cả hai phe cộng sản và quốc gia đều lệ thuộc vào hỗ trợ từ bên ngoài và Việt Nam Cộng Hòa đã bị Mỹ bỏ rơi. Tuy vậy Mỹ cũng đã hỗ trợ miền Nam trong gần 20 năm. Với những viện trợ rất dồi dào trong một thời gian dài như thế Việt Nam Cộng Hòa đã có thể chiến thắng hay ít nhất cũng đủ mạnh để thừa sức tự vệ.
Lý do chính và quan trọng hơn nhiều là phe quốc gia đã không tạo ra được một lực lượng chính trị. Việt Nam Cộng Hòa đã có một quân đội khá mạnh, bộ máy hành chính cũng hơn hẳn bộ máy hành chính của phe cộng sản nhưng không có một lực lượng chính trị để điều khiển. Không khác gì một chiếc xe ôtô khá tốt nhưng không có người lái. Phe cộng sản trái lại có một lực lượng chính trị, các đơn vị quân đội của họ đều do các chính ủy chỉ huy.
Chính vì không có một lực lượng chính trị mà phe quốc gia đã không nhìn thấy rõ và không lên án được một cách thuyết phục những sai lầm và tội ác của Đảng Cộng Sản để động viên sự ủng hộ của quần chúng, mặc dù quần chúng Việt Nam trong đa số không ưa Đảng Cộng Sản như làn sóng di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 và làn sóng vượt biên sau ngày 30/04/1975 đã chứng tỏ.
Hai tổng thống Việt Nam Cộng Hòa cầm quyền lâu nhất, Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu, phần nào đã nhận ra sự cần thiết của một lực lượng chính trị. Ông Diệm đã lập ra Đảng Cần Lao, ông Thiệu lập Đảng Dân Chủ nhưng cả hai đều nhanh chóng bỏ cuộc. Đảng Cần Lao thực ra đã chết từ lâu trước khi ông Diệm bị lật đổ, Đảng Dân Chủ cũng đã ngừng hoạt trước năm 1975. Lý do là vì thành lập một tổ chức chính trị đúng nghĩa rất khó khăn, nhất là khi đứng trong khối dân chủ. Đảng Cộng Sản Việt Nam rất khác. Về bản chất các đảng cộng sản đều là các đảng dân túy, họ khai thác sự phẫn nộ của quần chúng nghèo khổ và buôn bán ảo tưởng là có thể chấm dứt sự nghèo khổ đó một cách giản dị bằng đấu tranh giai cấp tiêu diệt giai cấp tư sản bóc lột. Họ không cần những kiến thức lớn. Như đã nói ở phần trên các cấp lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam -từ Hồ Chí Minh, Lê Hồng Phong, Trần Phú đến Trường Chinh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Lê Đức Anh, Đỗ Mười- đều là những người ít học. Họ chỉ cần quyết tâm và dám làm. Các đảng cộng sản quan thày tại Nga và Trung Quốc cũng không khác.
Phe quốc gia không có được một lực lượng chính trị do di sản văn hóa Khổng Giáo mà họ không vượt thoát được và cũng không ý thức được sự cần thiết phải vượt thoát. Trong truyền thống Khổng Giáo từ ngàn xưa làm chính trị chỉ là để mưu tìm công danh cá nhân, là để được làm quan để phục vụ một nhà vua và tiếp tay giúp vua thống trị và bóc lột dân chúng. Vua không có trách nhiệm gì với dân, không cần mở trường hoc hay lập bệnh viện, người dân phải tự lo lấy tất cả và phải nộp thuế cho vua. Người dân Việt Nam đã nhận định rất đúng bản chất của chính quyền quân chủ qua các câu tục ngữ như "được làm vua thua làm giặc", hay "cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan". Tuy vậy những kẻ sĩ, tiền thân của trí thức Việt Nam, vẫn mơ ước được làm quan, nghĩa là làm những tôi tớ vô điều kiện cho vua. Vua có thể nọc họ ra đánh, có thể thiến họ, có thể giết họ, thậm chí có thể giết cả gia đình và họ hàng. Kẻ sĩ chấp nhận hết, chỉ để được hưởng ké một chút bổng lộc cướp đoạt được của quần chúng. Xét cho cùng thì giấc mơ làm quan của của kẻ sĩ chẳng có gì đẹp, trái lại nó vừa hèn, vừa nhục, vừa vô đạo đức.
Để đạt được giấc mơ đó kẻ sĩ phải được tuyển chọn qua thi cử trên những hiểu biết về Tứ Thư và Ngũ Kinh, những tài liệu gộp lại chỉ chừng 100 trang đánh máy và không chứa đựng bất cứ một kiến thức nào về tổ chức xã hội mà chỉ nhắc lại những bổn phận làm tôi tớ của kẻ sĩ. Đó chỉ là phương thức tuyển chọn những người biết đọc và viết thông thạo chữ Hán. Kiến thức về sinh hoạt xã hội của những kẻ sĩ đỗ đạt để làm quan còn kém hơn cả người thường dân. Truyền thống hàng nghìn năm đó đã để lại trong đáy lòng trí thức Việt Nam một thành kiến chắc nịch là làm chính trị không cần phải học, chỉ cần có thân thế hay bằng cấp và làm chính trị không có bổn phận nào với dân.
Còn tệ hơn là không có văn hóa chính trị chúng ta mang nặng một văn hóa chính trị bệnh hoạn. Các quan chức không được tuyển lựa theo sự hiểu biết về những vấn đề đặt ra cho đất nước mà theo khả năng ca tụng một giáo điều đã lỗi thời, tạo ra thành kiến là làm chính trị không cần phải học. Nó cũng đồng thời hủy diệt lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm đối với đất nước. Sự thăng tiến tùy thuộc chủ yếu vào quan trên và triều đình, khiến tâm lý đội trên đạp dưới với thời gian trở thành một phản xạ. Quyền lực vừa tùy tiện vừa tuyệt đối của vua khiến những kết hợp và thảo luận với nhau về đất nước có thể bị nghi ngờ là muốn tạo lực lượng để làm loạn rồi mất mạng hay mất chức. Kẻ sĩ vì vậy phải tự cô lập.
Một di sản văn hóa đã kéo dài rất lâu không dễ biến đi sau một hai thế hệ. Trí thức Việt Nam sau thời sau khi tiếp xúc với văn hóa Phương Tây đã hấp thụ rất nhiều kiến thức mới trong đủ mọi bộ môn toán học, lý hóa, sinh vật, y dược, luật pháp v.v. Người Việt Nam lại khá sáng dạ nên chỉ trong một thời gian ngắn đã có những người Việt đậu những bằng rất cao hay tốt nghiệp những trường rất lớn của Pháp và của nhiều nước Âu Mỹ khác nhưng văn hóa kẻ sĩ đã ăn sâu vào tâm hồn họ vẫn còn đó. Họ vẫn thấy làm chính trị không cần phải học chỉ cần bằng cấp, thế lực hay danh tiếng. Kiến thức và văn hóa chính trị của họ vẫn chưa thay đổi bao nhiêu. Chính vì thế mà nhiều trí thức lỗi lạc bậc nhất vào thời điểm 1945 –Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Phạm Huy Thông, Nguyễn Khắc Viện, Tôn Thất Tùng… để chỉ kể một vài người- cũng vẫn chưa thấy rằng một người chỉ có học thức sơ sài và tin rằng một mẫu ruộng Trung Quốc có thể cho 333 tấn lúa mỗi năm như ông Hồ Chí Minh không thể là một lãnh đạo chính trị. Họ không hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin để nhận ra những sai lầm độc hại của nó. Cũng chưa chắc họ đã biết Đảng Cộng Sản chỉ là một chi bộ của Đệ Tam Quốc Tế và đã tuyên thệ coi Liên Xô là tổ quốc duy nhất. Họ đã ủng hộ và lôi kéo quần chúng ủng hộ Đảng Cộng Sản. Đến khi vỡ mộng họ không dám nói ra vì Đảng Cộng Sản về bản chất là một tổ chức hung dữ trong khi nhát sợ là bản tính mà giai cấp sĩ đã truyền lại cho trí thức Việt Nam. Thế hệ sau cũng chưa khác họ bao nhiêu. Trong thế hệ của tôi, thế hệ sinh ra ngay trước và sau Thế Chiến II, rất nhiều người con cháu các quan chức cao cấp của chế độ Việt Nam Cộng Hòa và học rất giỏi đã theo cộng sản một cách cuồng nhiệt và sẵn sàng miệt thị những người chống cộng như tôi là ngụy, phản quốc, tay sai đế quốc Mỹ, mặc dù họ không biết gì sâu sắc về chủ nghĩa Mác-Lênin và Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Phe quốc gia cũng không khá hơn, có lẽ còn tệ hơn. Các viên chức cao cấp của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chủ yếu là những viên chức cũ của chế độ thuộc địa Pháp. Tâm lý của họ vẫn là tâm lý kẻ sĩ và quan lại. Họ còn khoa bảng và thủ cựu hơn các trí thức theo cộng sản. Họ không tố giác việc Đảng Cộng Sản thủ tiêu hàng trăm nghìn người yêu nước trong các đảng Việt Nam Quốc Đân Đảng và Đại Việt vì một lý do giản dị là các chính quyền Bảo Đại và Ngô Đình Diệm mà họ phục vụ cũng đàn áp các đảng phái này, dù không tàn sát. Họ không biết ông Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản đã tuyên thệ chỉ có tổ quốc Liên Xô để tố giác mặc dù Đại Hội 6 của Đệ Tam Quốc Tế là một biến cố rất lớn và công khai. Họ không biết vận động quần chúng bởi vì họ sống cách biệt với quần chúng. Họ không lên án Đảng Cộng Sản đã gây ra cuộc nội chiến 30 năm bởi vì đất nước không phải là quan tâm của họ. Họ không kết hợp với nhau thành một lực lượng bởi vì truyền thống của kẻ sĩ là chỉ kèn cựa với nhau để mưu tìm quyền lợi và danh vọng cho riêng mình. Trong tuyệt đại đa số họ tuyên bố không làm chính trị, kể cả các ông thứ trưởng, bộ trưởng mà tôi đã gặp.
Kết quả là chúng ta đã có ngày 30/04/1975 và chế độ cộng sản vẫn tiếp tục tồn tại sau gần nửa thế kỷ đập phá đất nước.
Nghĩ lại và nhìn về tương lai
Thắng lợi của Đảng Cộng Sản và chế độ cộng sản đã là một đại họa cho đất nước ta.
Đại họa đó là do một sai lầm của chúng ta, nhất là thành phần trí thức, về văn hóa chính trị. Chúng ta thiếu kiến thức chính trị và càng thiếu kiến thức đấu tranh chính trị.
Từ "chính trị" tự nó đã là một sai lầm tai hại. Nó được Trung Quốc chế ra để dịch từ politika trong tiếng Hy Lạp, hay politics trong tiếng Anh. Politika là "việc của thành quốc" hay "việc nước" vì thời xưa mỗi thành phố Hy Lạp là một nước, trong khi từ chính trị được hiểu là sự cai trị của vua quan. Và vì cai trị từ ngàn xưa có nghĩa là thống trị và bóc lột nên không cần kiến thức mà chỉ cần bạo lực. Nếu ngay từ đầu chúng ta dịch politica, hay politics, là "việc nước" hay "việc chung" thì văn hóa chính trị của chúng ta đã khác. Ngày nay từ "chính trị" đã thành thông dụng, chúng ta đành phải dùng thôi nhưng cần hiểu nghĩa đúng của nó.
Như vậy chính trị là việc nước, làm chính trị là phục vụ đất nước, là cố gắng để đất nước được điều hành trong những điều kiện tốt nhất, để đất nước nhanh chóng giầu mạnh hơn và mọi công dân có cuộc sống ngày càng sung tức hơn, tư do hơn với trí tuệ ngày càng khai phóng. Kiến thức chính trị vì vậy là tổng hợp mọi kiến thức trong nước, như khoa học kỹ thuật, kinh tế tài chính, văn học nghệ thuật. Người ta chỉ có thể làm một tổng hợp đúng nếu hiểu rõ các thành tố ; hơn thế nữa còn phải phối hợp những kiến thức đó với những chuyển động của thế giới và những nét đặc thù của đất nước. Như vậy kiến thức chính trị là kiến thức khó nhất trong mọi kiến thức và làm chính trị là chọn lựa dấn thân của những con người đặt quyền lợi của đất nước trên quyền lợi của riêng mình, thúc đẩy bởi lòng vị tha, lòng yêu nước, yêu đồng bào và yêu nhân loại.
Một giai đoạn mới
Chúng ta đang rất cần dân chủ để có một chính quyền điều hành đất nước một cách lương thiện và đúng đắn. Chúng ta phải học hỏi kinh nghiệm của các dân tộc khác để biết phải đấu tranh như thế nào, phải hội đủ những điều kiện nào và trải qua những giai đoạn nào để giành thắng lợi cho dân chủ. Cố gắng học hỏi đó chắc chắn sẽ giúp chúng ta hiểu là đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân cả mà chỉ có thể là đấu tranh có tổ chức và xây dựng một tổ chức có tầm vóc đòi hỏi những có gắng kiên trì của nhiều người trong nhiều năm. Ý thức đó sẽ khiến chúng ta gạt bỏ một cách khinh bỉ lối làm chính trị nhân sĩ chỉ cố gắng gây tiếng vang và tạo uy tín cho cá nhân mình.
Chúng ta đã đạt được những tiến bộ đáng kể.
Trái với sự bi quan của khá nhiều người, phong trào dân chủ không yếu đi. Nó đã chỉ chấm dứt những nhốn nháo đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những cố gắng nghiêm chỉnh. Nó có vẻ đã khựng lại chỉ vì đã khá trưởng thành. Chúng ta đã đạt được một đồng thuận rất lớn. Không còn ai ngờ vực lý tưởng dân chủ đa nguyên, không còn ai phản đối tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, mọi người đều đã đồng ý rằng đấu tranh cho dân chủ phải là đấu tranh bất bạo động. Một thế hệ mới cũng đã trưởng thành, có văn hóa hơn, có thông tin hơn hẳn các thế hệ cha anh, ít bị ảnh hưởng của văn hóa nho sĩ trước đây và đang phẫn nộ vì bị gạt ra ngoài lề xã hội ngay trên đất nước mình. Họ không có chọn lựa nào khác hơn là tham gia cuộc vận động dân chủ, nhưng phần đông đã hiểu phải tranh đấu như thế nào và sẽ chỉ ủng hộ những cố gắng nghiêm túc. Một giai đoạn mới rất thuận lợi của cuộc vận động dân chủ đã bắt đầu.
Trước mặt chúng ta là một chính quyền cộng sản đang chao đảo và ngày càng chao đảo hơn. Liên Bang Nga sắp gục ngã vì cuộc xâm lăng mù quáng vào Ukraine. Trung Quốc cũng không còn là một chỗ dựa vì đã bắt đầu khủng hoảng và sẽ ngày càng khủng hoảng hơn. Mô hình Trung Quốc mà Đảng Cộng Sản Việt Nam đinh ninh là có thể yên tâm sao chép đã tích lũy đủ nghịch lý và đang phơi bày sự sai lầm. Thời gian ơn huệ của kinh tế Việt Nam cũng đã chấm dứt ; đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu sút giảm, trong khi ngành bất động sản đang lâm nguy. Chiến dịch đốt lò chống tham nhũng đã chỉ đốt cháy đảng chứ không diệt được tham nhũng vì lý do đơn giản là nó đã quá lan tràn trong đảng rồi.
Theo báo cáo của chính Đảng Cộng Sản thì trong những năm vừa qua đã có hơn 25.000 đảng viên bị kỷ luật vì "suy thoái tư tưởng" và có biểu hiện "tự diễn biến tự chuyển hóa", so với 8.300 người bị kỷ luật vì tham nhũng trong chiến dịch đốt lò rầm rộ. Nhưng thế nào là "suy thoái tư tưởng" nếu không phải không còn tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh ? Thế nào là "tự diễn biến tự chuyển hóa" nếu không phải là bày tỏ nguyện vọng dân chủ hóa đất nước ? Các đảng viên có thể có vấn đề tư tưởng là những ai nếu không phải là những đảng viên trung và cao cấp ? Và còn bao nhiêu đảng viên cộng sản thực sự tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin ? Chưa chắc đã có ai ngoài ông Nguyễn Phú Trọng. Dân chủ đã tranh thủ được đầu não của Đảng Cộng Sản.
Trở lại câu hỏi "bao giờ Việt Nam mới có dân chủ".
Câu trả lời là hạn kỳ dân chủ không còn xa, nhất là nếu chúng ta tích cực cổ võ cho cố gắng thay đổi văn hóa chính trị đang diễn ra.
Nguyễn Gia Kiểng
(30/04/2023)
(1) Nguyễn Gia Kiểng, "Đảng cộng sản Việt Nam bước vào tuổi 94 ngoan cố tới cùng", Thông Luận, 03/02/2023
(2) Nguyễn Gia Kiểng, "Vết thương ngày 30 tháng 4", Thông Luận, 26/04/2017