Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

24/10/2018

Tân chủ tịch Nguyễn Phú Trọng và lối thoát cho Đảng cộng sản

Việt Hoàng

Ngày 23/10/2018 Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức "Chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Đây là một cột mốc đặc biệt không chỉ với Đảng cộng sản Việt Nam mà còn với cả 95 triệu người dân Việt Nam.

tbt1

Ngày 23/10/2018 Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức "Chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" (TTXVN)

Trước hết ông Nguyễn Phú Trọng là ai ?

Ông Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14/4/1944 tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ông theo học khoa Văn trường Tổng hợp Hà Nội (1965-1967). Từ năm 1973-1976 làm nghiên cứu sinh về chính trị tại trường đảng Nguyễn Ái Quốc. Năm 1981 sang Nga làm thực tập sinh và trở thành phó tiến sĩ (sau là tiến sĩ) "chuyên ngành xây dựng đảng". Năm 1992 ông là phó giáo sư và đến năm 2002 là giáo sư chính trị trường đảng Nguyễn Ái Quốc, cũng về chuyên ngành xây dựng đảng.

Tháng 12/1967 ông bắt đầu làm việc tại Tạp chí cộng sản rồi Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương từ năm 2001 đến 2006. Bí thư thành ủy Hà Nội (2000-2006), Chủ tịch quốc hội hai khóa (2006-2011). Tổng bí thư từ 2011 đến nay và từ ngày 23/10/2018 đảm nhận thêm chức chủ tịch nước thay chổ ông Trần Đại Quang vừa mới chết.

Như vậy ông Nguyễn Phú Trọng là người đầu tiên trong lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam nắm giữ chức Tổng bí thư và Chủ tịch nước trong cùng một thời điểm. Nếu tính luôn cả chức vụ ông từng giữ là Chủ tịch quốc hội thì ông là người đầu tiên nắm giữ cả ba trong bốn vị trí quyền lực nhất tại Việt Nam.

Chúng ta đều biết là trong cơ chế lãnh đạo của Việt Nam thì Tổng bí thư là to nhất vì "đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối", chức Chủ tịch nước chỉ mang tính cách nghi lễ. Tuy nhiên theo qui định của Hiến pháp Việt Nam thì quyền hạn của Chủ tịch nước rất lớn, ví dụ Chủ tịch nước là "Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, là Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh…", Chủ tịch nước có quyền "Đề nghị quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm phó chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ. Căn cứ vào nghị quyết của quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức phó thủ tướng chính phủ, bộ trưởng và các thành viên khác của chính phủ" (1).

Như vậy sau khi nắm giữ chức Chủ tịch nước thì quyền lực và quyền hạn của ông Nguyễn Phú Trọng là tuyệt đối, là đứng trên tất cả vì ông có thể bãi nhiệm "thủ tướng chính phủ" bất cứ lúc nào. Cũng như Tập Cận Bình bên Trung Quốc, gọi Nguyễn Phú Trọng là "hoàng đế" Việt Nam cũng không có gì là quá đáng.

Người Việt Nam chúng ta bị ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Khổng giáo nên luôn đề cao những típ người "hành động", đề cao sự hy sinh và xông pha nơi chiến trường hay nơi đầu sóng ngọn gió. Văn hóa của người Việt không đề cao các nhà tư tưởng, triết gia và lý luận vì cho rằng "hành động" mới là quan trọng, lý thuyết suông không làm được gì…

Trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng rất thú vị vì không "thuận theo" cái văn hóa thông thường đó. Ông hoàn toàn là một con "mọt sách", cả đời ông chỉ đi học và sau đó làm việc trong các cơ quan chuyên về lý luận và xây dựng đảng. Ông chưa từng cầm súng ra trận cũng chưa từng nắm các chức vụ bên chính quyền. Dù vậy sự nghiệp của ông lại thăng tiến đều đều và luôn giữ những trọng trách cao nhất trong đảng. Hiện tại dù tuổi tác đã cao và trong lúc tình hình nội bộ của đảng cũng như của Việt Nam và cả thế giới đang rất khó khăn, phức tạp thì ông lại tiếp tục được "tín nhiệm" để nắm giữ gần như là mọi quyền hành của đảng.

Tại sao lại như vậy ? Tại sao lại là Nguyễn Phú Trọng mà không phải một người khác ? Tại sao không chọn một ông tướng bên quân đội từng vào sinh ra tử, hay một ông tướng công an nổi tiếng trấn áp giỏi, hoặc là một người biết làm ăn kinh tế đã từng phụ trách các tập đoàn lớn ?

Câu trả lời rất giản dị, giản dị tới mức mà nhiều người không nghĩ đó là câu trả lời : Hoạt động chính trị hoàn toàn khác với làm kinh tế hay đánh giặc.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã định nghĩa và nói rất rõ rằng "một đảng chính trị là công cụ để thể hiện một tư tưởng chính trị đúng đắn và để thực hiện một dự án chính trị nghiêm túc". Một tổ chức chính trị dù cầm quyền hay đối lập cũng phải có một "Dự án Chính trị" để trình bày cho người dân hiểu và biết được tổ chức đó muốn gì, đề nghị những gì và họ sẽ làm như thế nào để thực hiện những đề nghị đó ?...

"Dự án chính trị" của Đảng cộng sản Việt Nam dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin với mục tiêu xây dựng Việt Nam thành một quốc gia cộng sản phồn vinh, công bằng, không có bất công và nghèo đói đã hoàn toàn phá sản. Tuy nhiên vì không muốn mất quyền lực do quyền lợi từ việc độc quyền lãnh đạo mang lại quá lớn nên họ không muốn dân chủ hóa đất nước mà chỉ muốn kéo dài chế độ cộng sản hiện nay. Trong trường hợp đó thì người có hiểu biết nhất về chủ nghĩa cộng sản, người có niềm tin nhiều nhất vào chủ nghĩa cộng sản tất nhiên sẽ được lựa chọn. Nguyễn Phú Trọng có cả hai yếu tố đó.

Ngoài ra còn một vài yếu tố nữa như việc ông Nguyễn Phú Trọng là người tương đối ít bị tai tiếng về tham nhũng, con cái, gia đình. Ông không có con cái và tài sản ở nước ngoài như các ủy viên trung ương khác. Vợ con ông cũng sống kín tiếng và không giữ những chức vụ lớn như các ông khác.

Từ trước đến giờ cơ chế lãnh đạo của đảng là "tập thể lãnh đạo" và quyền lực được chia thành 4 nhánh, tức là "tứ trụ". Nay cơ chế đó bị thay thế bằng "nhất thể hóa", lý do khiến Đảng cộng sản Việt Nam thay đổi và chọn ông Nguyễn Phú Trọng làm "hoàng đế" là vì họ đã mất đồng thuận trên những giá trị nền tảng mà bất cứ tổ chức nào cũng phải có (2). Chủ nghĩa cộng sản đã hoàn toàn phá sản và trở nên nhảm nhí trong mắt các đảng viên của đảng. Họ chỉ còn cách đặt cược vào sự may rủi nơi ông Trọng.

Quá trình chuyển hóa từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân trị là sự tất yếu dẫn đến sự sụp đổ không thể tránh khỏi của tất cả các chế độ độc tài. Đảng cộng sản Việt Nam muốn và làm tất cả để ông Trọng trở thành nhà độc tài nhưng ông Trọng không có khả năng đó.

Một đặc điểm chung của các ông lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam là sự thiếu hiểu biết nghiêm trọng về thế giới quan và nhân sinh quan, mờ nhạt, thiếu viễn kiến, thiếu bản lĩnh và thiếu cả sự dũng cảm (để thay đổi). Ông Trọng cũng vậy. Ông là người ít tham vọng, hiền lành, mọt sách, cả đời chỉ đọc và biết đến một hệ tư tưởng duy nhất là chủ nghĩa cộng sản. Ông tin và xem chủ nghĩa cộng sản như là một tôn giáo nên không hoài nghi và không xét lại bao giờ. Mặc dù là giáo sư tiến sĩ nhưng hoàn toàn bị bó buộc trong tư tưởng Mác-Lê nên ông không biết gì về những thành quả tiến bộ của nhân loại trên mọi lĩnh vực trong đó có lĩnh vực tư tưởng, sự đề cao và tôn vinh những giá trị của con người. Cũng như các vị tiền bối lãnh đạo cộng sản khác, ông đã đưa Việt Nam dần dần lún sâu vào quĩ đạo của Trung Quốc.

Trí tuệ của ông Nguyễn Phú Trọng cũng không có gì đặc sắc thông qua các phát ngôn "nổi tiếng" (3). Ông cũng không hề chuẩn bị và nghĩ là mình được chọn để làm một "nhà độc tài". Câu ông nói bị "bất ngờ" khi được Ban chấp hành Trung ương đảng đề cử tiếp tục làm Tổng bí thư nhiệm kỳ hai và giờ làm Chủ tịch nước là thật lòng.

Kể ra thì cũng tội nghiệp cho ông Trọng, ông muốn về nghỉ hưu mà cũng không được. Hơn ai hết, ông Trọng hiểu và biết rõ về khả năng của mình. Trong bài phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước ông nói rất thật lòng rằng : "Nhiệm vụ rất là nặng nề, rất khó khăn. Trình độ, năng lực, sự hạn chế của tôi là rất rõ. Sự hiểu biết là không đáp ứng được yêu cầu nên thực tình là rất lo".

Đảng cộng sản Việt Nam hoàn toàn bế tắc. Trung Quốc đã đạt đến đỉnh điểm của sự phát triển và giờ là đến lúc "hạ cánh" cho dù có Trump và cuộc chiến thương mại hay không. Trung Quốc đang và sẽ khủng hoảng nặng nề vì vậy không còn là chỗ dựa cho chính quyền Việt Nam. Ngay cả Bắc Triều Tiên cũng đã bị Trung Quốc bỏ rơi. Việt Nam phải tự lo lấy cho mình. Việc tập trung quyền lực cho một người như ông Nguyễn Phú Trọng là một canh bạc rủi nhiều hơn may. Họ không còn sự lựa chọn nào khác. Lo lắng lớn nhất của Đảng cộng sản Việt Nam là sợ mất quyền lực, vì mất quyền lực là sẽ mất tất cả. Hơn ai hết, họ hiểu họ đã làm những gì và người dân nghĩ về họ như thế nào…

Tuy nhiên luôn luôn có giải pháp cho mọi vấn đề. Việc ông Nguyễn Phú Trọng trở thành người lãnh đạo tuyệt đối cũng có mặt tích cực nếu ban lãnh đạo đảng muốn thoát khỏi bế tắc và khủng hoảng như hiện nay. Hãy học cách làm của chính quyền quân sự Myanmar khi chọn hợp tác với một đảng đối lập có tầm vóc, thực chất và đứng đắn để cùng tìm ra một giải pháp chung cho đất nước. Sẽ không có ai bị mất đi cái gì mà các vấn đề của đất nước vẫn có thể giải quyết. Đảng cộng sản Việt Nam đang ở thế mạnh vì quyền lực đã nằm hết trong tay ông Trọng. Mọi thay đổi kể cả việc dân chủ hóa đất nước đều sẽ không gặp bất cứ sự phản đối nào trong nội bộ đảng như trước đây.

Ngoài việc "bắt tay" thực lòng với một tổ chức chính trị đối lập ra sẽ không còn bất cứ lối thoát nào cho Đảng cộng sản Việt Nam, càng để lâu thì sự phẫn nộ của dân chúng càng tích tụ và lớn dần, đến một lúc nào đấy sẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát và khi đó hậu quả thế nào thì ai cũng có thể hình dung được. Tất cả sẽ bị đổ vỡ và tung hê.

Thời gian và cảm tình dành cho Đảng cộng sản Việt Nam đã hết. Thế giới đang thay đổi rất nhanh và sâu sắc. Phong trào dân túy sẽ sớm chấm dứt và loài người sẽ bước vào một thời kỳ mới, một giai đoạn dân chủ và tự do thật sự. Các nước độc tài cuối cùng trên thế giới dù khổng lồ như Trung Quốc hay Nga cũng khó thoát bị làn sóng dân chủ thứ Tư quét đi.

Việt Hoàng

(25/10/2018)    

(1) https://tuoitre.vn/chu-tich-nuoc-co-nghia-vu-quyen-han-nhu-the-nao-20181023145101224.htm

(2) https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/9515-nh-t-th-hoa-va-qui-lu-t-dao-th-i-t-t-y-u-c-a-cac-ch-d-d-c-tai

(3) https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Ph%C3%BA_Tr%E1%BB%8Dng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1871 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)