Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

06/10/2018

Nhất thể hóa và qui luật đào thải tất yếu của các chế độ độc tài

Việt Hoàng

Đúng như nhiều người dự đoán, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm luôn chức "chủ tịch nước" của ông Trần Đại Quang vừa mới mất. Hội nghị Trung ương 8 khai mạc hôm 2/10/2018 đã nhất trí 100% như vậy. Việc quốc hội bỏ phiếu chỉ là chuyện hình thức.

cht1

Đúng như nhiều người dự đoán, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm luôn chức "chủ tịch nước" của ông Trần Đại Quang vừa mới mất.

"Nhất thể hóa" vừa là sự cẩu thả về mặt ngôn ngữ vì nó không thuần Việt vừa tùy tiện về luật pháp vì nó không hề có trong bất cứ một văn bản nào của nhà nước, thậm chí là trong các văn kiện của đảng. Như vậy đây chỉ là nhu cầu mới phát sinh. Trước đây hai năm chính ông Trọng cũng phản đối chuyện gộp bí thư và chủ tịch làm một vì sợ quyền hành quá lớn không kiểm soát được.

Nhất thể hóa cũng không phải là bản sao hay sự rập khuôn của Trung Quốc mà vì nhu cầu trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam. Sỡ dĩ giống Trung Quốc là vì hoàn cảnh của Đảng cộng sản Việt Nam cũng bế tắc và bi đát như Đảng cộng sản Trung Quốc.

Nhất thể hóa có thể hiểu là sự thống nhất trong việc gộp chung cấp ủy với nhà nước làm một ở cấp lãnh đạo. Tuy nhiên chỉ bản thân ông Trọng là đảm nhiệm hai chức vụ còn "văn phòng trung ương đảng" với "văn phòng chủ tịch nước" lại không thể gộp chung vì chức năng khác nhau, theo như thông báo của ông Lê Quang Vĩnh, phó chánh văn phòng trung ương đảng.

Lý do dẫn đến việc phân chia quyền lực trong đảng cộng sản thành "tứ trụ" có nguồn gốc từ hồi Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Hai người này làm thành một cặp đôi quyền lực tuyệt đối, quyết định và chi phối hoàn toàn nhân sự và chính sách của đảng. Đây là hiện tượng "đảng trong đảng". Lê Duẩn dùng "đảng con" của mình để khống chế đảng cộng sản và dùng đảng cộng sản khống chế toàn bộ xã hội Việt Nam. Sau khi Lê Duẩn chết thì ban lãnh đạo đảng quyết định chia quyền thành tứ trụ như bây giờ để không xuất hiện người thứ hai như Lê Duẩn. Ông Nguyễn Tấn Dũng bị hạ bệ cũng vì lý do tập trung quá nhiều quyền lực cho mình và phe nhóm.

Lý do chính dẫn đến việc "nhất thể hóa" là vì Đảng cộng sản Việt Nam đã mất đồng thuận trên những giá trị nền tảng mà một tổ chức chính trị cần phải có. Chủ nghĩa cộng sản đã trở nên nhảm nhí và vớ vẩn mà chẳng mấy đảng viên còn tin tưởng. Việc bộ máy tuyên truyền của đảng suốt ngày kêu gọi "học tập tư tưởng Hồ Chí Minh", giữ vững niềm tin vào đảng, tu dưỡng đạo đức cá nhân… chỉ nói lên sự bất lực trước hiện tượng suy thoái trong đảng. Những đảng viên có chức quyền đều chuyển tiền và gửi con cái ra nước ngoài để mong được "hạ cánh an toàn" trong tương lai.

Chuyện nhất thể hóa không có gì là lạ, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nhận định rằng đây là quá trình chuyển hóa bắt buộc từ độc tài tập thể sang độc tài cá nhân và đây cũng là quá trình sụp đổ tất yếu của các chế độ độc tài.

"Đảng cộng sản đã phân hóa. Nó không còn một lý tưởng chung để gắn kết các đảng viên. Đã thế tham nhũng, bất tài và vô đạo đức còn gây sự ganh ghét và khinh thường lẫn nhau trong toàn bộ đảng, kể cả ở cấp cao nhất. Bộ chính trị không còn quyền lãnh đạo tối cao vì mâu thuẫn với ban chấp hành trung ương, một định chế không thường trực nhưng lại có thẩm quyền tối hậu trong việc chỉ định và kỷ luật các cấp lãnh đạo. Đảng cộng sản chỉ còn là một hư cấu.

Chế độ như một con tầu không còn đoàn thủy thủ và đang chuyển hóa từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân. Sự chuyển hóa này diễn ra trong những điều kiện rất bất lợi : đảng phân hóa cùng cực, nhân dân thù ghét trong khi không có một nhân vật nào có uy tín. Tình trạng chỉ có thể dẫn tới sự sụp đổ.

Trong lịch sử Châu Á thường có hai nguyên nhân chính đưa tới sự sụp đổ của các chế độ. Một là, cho tới khi tiếp xúc với Phương Tây, vì lớp người thống trị cướp bóc quá đáng, nhất là cướp đất của người dân; hai là, sau khi tiếp xúc với Phương Tây, vì chế độ ngoan cố theo đuổi một hệ tư tưởng đã quá lỗi thời. Chế độ cộng sản Việt Nam có cả hai yếu tố đó. Nó không thể tồn tại".

(Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai)

Trước đại hội đảng 12 nhiều người đoán là ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ thâu tóm được quyền lực và trở thành "Đinh Bộ Lĩnh", nhưng ông ta không đủ bản lĩnh và can đảm dù nắm thế thượng phong.

Người thứ hai, từng được ca ngợi và hy vọng sẽ là "Đinh Bộ Lĩnh thứ hai của Ninh Bình" là ông Trần Đại Quang cũng đã về nơi chín suối (1).

Người thực sự trở thành "Đinh Bộ Lĩnh" với trọng trách chế ngự các "sứ quân" hóa ra lại là ông Nguyễn Phú Trọng. Đúng là một trớ trêu vì ông vẫn được dân gian gọi là "Lú" và tuổi của ông đã quá cao (74 tuổi).

Có hai lý do khiến ông Trọng trở thành "Đinh Bộ Lĩnh" :

1. Nội bộ Đảng cộng sản đã quá phân hóa

Trong thực tế đảng cộng sản đã tạo ra hàng trăm, hàng ngàn "sứ quân". Các sứ quân này có mặt khắp nơi, mỗi tỉnh là một sứ quân, mỗi bộ là một sứ quân, mỗi doanh nghiệp nhà nước là một sứ quân. Các sứ quân này mạnh ai nấy phá. Ví dụ Tập đoàn Than-Khoáng sản, chỉ mỗi việc đào bới tài nguyên đất nước lên bán mà vẫn lỗ hơn 100.000 tỉ đồng (hơn 4 tỉ USD). Tình trạng mạnh ai nấy phá đã vượt qua mọi tưởng tượng và giới hạn. Việc bắt giam và kỷ luật Đinh La Thăng và 13 ông tướng quân đội lẫn công an thời gian qua là giọt nước tràn ly. Nếu cứ để tiếp diễn như thế thì đảng cộng sản sẽ sụp đổ vì không còn gì để phá, để bán nữa.

Trong tình trạng loạn sứ quân đó Đảng cộng sản Việt Nam phải lấy một quyết định bắt buộc là tập trung hết quyền hành cho một người, đó là tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Họ hy vọng là sứ quân mạnh nhất sẽ trấn áp được các sứ quân khác. Trường hợp này cũng giống hệt bên Trung Quốc mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã trình bày và phân tích trong kỳ đại hội 19 Đảng cộng sản Trung Quốc với việc đăng quang hoàng đế của ông Tập Cận Bình. Ngày xưa chỉ có 12 sứ quân nên Đinh Bộ Lĩnh mới dẹp được chứ bây giờ với hàng ngàn, hàng vạn sứ quân thì ông Trọng làm sao mà dẹp nổi ?

Tất nhiên hy vọng này là hão huyền. Một tổ chức chính trị chỉ có thể tồn tại nếu có một "dự án chính trị" hay nói một cách khác là phải có một "tư tưởng chính trị" để kết nối các thành viên lại với nhau. Chủ nghĩa cộng sản đã trở nên lố bịch và đảng cộng sản hiện nay đã "trần trụi" hoàn toàn về tư tưởng, thậm chí ngay cả một ảo tưởng họ cũng không có nốt. Ông Trọng từng nói là đến hết thế kỷ 21 không biết có chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam hay không.

Khi không còn lý tưởng mà quyền lực lại có trong tay thì chuyện đập phá và cướp bóc là lẽ đương nhiên. Khi đó mọi giá trị và đạo đức đều qui đổi thành tiền, kẻ nào mạnh thì phải có nhiều tiền. Chia bè, kéo phái, giành giật và đấu đá lẫn nhau sẽ là môn thể thao yêu thích và bắt buộc của các nhóm lợi ích.

Khi không còn đồng thuận và không thể thảo luận với nhau được nữa thì chỉ còn mỗi cách là ủy quyền hay đặt cược vào một người nào đó theo kiểu "may nhờ rủi chịu" với hy vọng kéo dài thêm được thời gian tồn tại.

2. Khủng hoảng nhân sự trầm trọng trong đảng cộng sản

Đúng ra thì các chính trị gia không cần giới hạn về tuổi tác. Nếu họ còn sức khỏe, còn minh mẫn và còn được người dân hay tổ chức của họ tín nhiệm thì họ vẫn tham gia vào chính trường đến lúc chết (như trường hợp thượng nghị sĩ Mỹ John McCain).

Ông Trọng không có thành tích gì ngoài việc tụng kinh chủ nghĩa Mác-Lênin trong trường đảng Nguyễn Ái Quốc. Ông cũng không có gì nổi bật về trí tuệ, các phát ngôn của ông thể hiện điều đó. Dân gian còn gọi ông là "Lú". Ông Trọng có chăng hơn những người khác ở bản tính hiền lành, ít tham vọng, trung thành với lý tưởng cộng sản... Tóm lại, ông Trọng cũng như các lãnh đạo khác của đảng cộng sản, tất cả đều là những con người mờ nhạt, thiếu bản lĩnh, thiếu tầm nhìn vì thế ông Trọng không thể trở thành một nhà độc tài như nó cần có.

Việt Nam không thiếu người tài, Đảng cộng sản cũng không thiếu nhân sự có khả năng và trí tuệ, nhưng bộ máy sàng lọc của đảng với tiêu chí "hồng hơn chuyên" đã loại bỏ hoàn toàn những người có năng lực trong đảng. Càng lên cao càng mờ nhạt, chỉ cần có băng nhóm, phe cánh hậu thuẫn là được. Người tử tế không có cửa. Cả bộ máy công chức trở nên vô cảm, không ai quan tâm đến ai và không ai nghĩ đến dân, tất cả đều lo thân mình còn lại sống chết mặc bay. Nhà nước, nhân dân, công việc, chức vụ... tất cả chỉ là phương tiện để kiếm tiền và làm tiền. Đảng cộng sản Việt Nam không còn những người có tâm và có lòng với đất nước.

Trước đây khi chưa nhất thể hóa thì đảng thường trốn tránh trách nhiệm với lý do đảng chỉ ra nghị quyết chứ không nhúng tay vào việc, đảng là vô hình. Nay nhất thể hóa rồi thì trách nhiệm sẽ đổ hết lên đầu ông Trọng đồng thời ông Trọng cũng sẽ trở thành mục tiêu để các sứ quân tấn công và người dân Việt Nam qui trách nhiệm. Ngược lại, với quyền lực bao trùm lên tất cả ông Trọng sẽ mạnh tay thanh trừng nội bộ nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của người dân. Con số tướng tá và quan chức cao cấp bị tống vào "lò" sẽ tăng mạnh chứ không dừng lại ở con số 13. Báo chí thông tin về Hội nghị 8 đã dọn đường cho các hành động trấn áp mạnh tay của ông Trọng rằng ngay cả các ủy viên bộ chính trị cũng phải "chủ động từ chức khi không đủ uy tín" (2), có nghĩa là ngay cả đến ủy viên bộ chính trị cũng không còn "bất khả xâm phạm".

Tuy nhiên, cho dù cố gắng đến đâu thì Đảng cộng sản cũng không còn khả năng để sửa chữa một hệ thống đã quá lỗi thời. Đảng cộng sản Việt Nam không hề có một dự án nào cho đất nước, mục tiêu của họ là giành chính quyền bằng bạo lực rồi nhắm mắt xây dựng đất nước theo mô hình chủ nghĩa cộng sản. Mô hình đó đã sụp đổ hoàn toàn trên thế giới. Chủ nghĩa cộng sản là một tôn giáo khép kín chứ không phải một đảng chính trị, nó đặt niềm tin trên sự xác quyết hồ đồ mà đảng viên không được phép hoài nghi hay xét lại.

Nhiều người Việt Nam vẫn chưa nhận ra một điều cực kỳ quan trọng trong cuộc sống cá nhân cũng như trong chính trị đó là trước khi bắt tay vào làm một việc gì thì cũng phải có sự chuẩn bị. Muốn đập bỏ và xây dựng lại một ngôi nhà mới thì việc đầu tiên là phải có một dự án, một bản thiết kế cho ngôi nhà tương lai đó.

Trí thức và người dân Việt Nam phải tìm hiểu, đánh giá và kiểm định về các dự án chính trị của các tổ chức chính trị trước khi ủng hộ cho nó. Năm 1945 dự án chính trị "chủ nghĩa xã hội" của Đảng cộng sản Việt Nam đã không được người dân chú ý và kiểm định nên ngôi nhà chung này, thay vì là nơi sinh sống êm đềm và hạnh phúc cho người Việt Nam thì nó trở thành một địa ngục, lúc nào cũng chực đổ ụp xuống đầu người dân. Đã hơn 70 năm rồi, Đảng cộng sản càng sửa, càng vá víu thì nó càng hỏng nặng hơn.

Sớm muộn thì người Việt Nam cũng không thể sống trong ngôi nhà rách nát mà Đảng cộng sản đã dựng lên. Chế độ này rồi sẽ qua đi. Đó là qui luật tất yếu của lịch sử.

"Cho đến nay một đặc tính chung của các chế độ độc tài bạo ngược là chúng thường tỏ ra rất vững chắc cho đến khi đột ngột sụp đổ. Lý do là vì sự ngoan cố và hung bạo của chúng đòi hỏi một điểm đoạn tuyệt ở đó những thay đổi về lượng đã tích lũy đủ để tạo ra một thay đổi về chất. Điểm đoạn tuyệt đó đang đạt tới, nhờ làn sóng dân chủ mới, nhờ sự xuất hiện ngày càng đông đảo của thành phần trí thức chính trị mới và nhờ ý thức ngày càng rõ rệt, đặc biệt ngay trong thành phần công an và quân đội, rằng chế độ không thể kéo dài lâu nữa và mọi người nên đóng góp thay vì tiếp tay cản trở tiến trình dân chủ, để làm tác nhân thay vì nạn nhân của một chuyển hóa cần có, bắt buộc phải có và sắp đến. Hạn kỳ dân chủ có thể rất gần. Nhất là nếu những người dân chủ biết tranh thủ lòng tin và sự hưởng ứng của nhân dân bằng một tình cảm trong sáng và quảng đại, bằng những phương thức đấu tranh hợp tình hợp lý và bằng một dự án đúng đắn để làm lại và thăng tiến đất nước".

(Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai)

Người dân Việt Nam và trí thức Việt Nam đã đến lúc chủ động tìm hiểu về các "dự án chính trị" của các tổ chức chính trị có tham vọng cầm quyền trong tương lai để đánh giá và kiểm định chúng. Việc làm này là cần thiết và bắt buộc vì lịch sử sẽ sớm sang trang khi tình hình thế giới biến động có lợi cho công cuộc dân chủ hóa đất nước.

Phải tìm hiểu về các giải pháp thay thế cho giải pháp cộng sản để lịch sử đau thương không lặp lại một lần nữa.

Việt Hoàng

(07/10/2018)

(1) http://vnmedia.vn/dan-sinh/201604/thay-giao-cua-tan-chu-tich-nuoc-anh-quang-se-thanh-dinh-bo-linh-thu-hai-527121/

(2) http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/uy-vien-bo-chinh-tri-chu-dong-tu-chuc-khi-khong-du-uy-tin-481050.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 3778 times

1 comment

  • Comment Link Thiên La samedi, 13 octobre 2018 18:16 posted by Thiên La

    Không thể tin Cộng sản là sự thực. Nhưng muốn biết bản chất CS , bám sát những chuyển biến hành động của họ trong một thời gian dài ta có thế suy đoán được bước đi của họ. Những hoạt động tay sai khoảng thâp nien 20 và 30 tai TQ của người " tìm đường cứu nước" , và các chiến dịch cải cách ruộng đất đến xâm lăng Miền Nam (1975) có mục đích thắt chặt vào con đường đầy ánh sáng của Lenin ( Bac) . Chẳn hạn, sau khi CS quốc tế Liên xô sụp đổ năm 1991 là biến cố có tính quyết định và cho thấy đảng CS đang đi về đâu... Đó là ho đang sống chung và mở mắt say sưa kinh tế thị trường. Dù có "theo đăc tính " Trung quốc CS hay "định hướng XHCN " của VN thì số phận của CS là huyệt mộ. Chuyện nhất thể hóa hay nhị thể hóa chỉ nói lên sự luống cuống hoảng sợ của họ trước trào lưu tiến hóa của loài người...

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)